Đọc báo Pháp – 10/09/2020
Trung Quốc dùng bàn tay sắt gây áp lực với các phóng viên ngoại quốc – Thụy My
Hai phóng viên Úc phải trốn khỏi Bắc Kinh, 17 nhà báo làm việc cho Mỹ bị trục xuất: Trung Quốc đang sử dụng bàn tay sắt để o ép các nhà báo ngoại quốc.
Dịch virus corona lại tăng lên ở châu Âu và nhất là tại Pháp, xung đột với Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp và Pháp, giữa Nga với châu Âu, phiên tòa xử vụ khủng bố Charlie Hebdo là những chủ đề được các báo Paris đề cập nhiều ngày 10/09/2020.
Về châu Á, Le Monde tố cáo «Các phóng viên ngoại quốc là mục tiêu của ngoại giao Trung Quốc». Mới đây, do sợ bị bắt, hai thông tín viên Úc đã phải trốn khỏi Bắc Kinh.
Lần đầu tiên kể từ năm 1973, báo chí Úc không còn thông tín viên nào ở Trung Quốc. Sau vụ nhà báo nữ Úc gốc Hoa Thành Lôi (Cheng Lei) làm việc cho kênh CGTN bị bắt, hai phóng viên Bill Birtles của kênh truyền hình ABC và Mike Smith của nhật báo The Australian Financial Review được cơ quan ngoại giao Úc khuyên nên ra đi.
Nhưng Bill Birtles đang chuẩn bị hành trang thì vào lúc nửa đêm 02/09, bảy công an xông vào nhà ông ở Bắc Kinh, cấm nhà báo này rời Trung Quốc và cho biết sẽ thẩm vấn về một vụ « an ninh quốc tế ». Đại sứ quán Úc được ông báo tin đã đến tận nhà, và sau bốn ngày thương lượng, lệnh cấm được bãi bỏ, đổi lại Bill Birtles bị thẩm vấn trong một khách sạn, hỏi những chi tiết về Thành Lôi, dù ông không quen nhiều. Còn nhà báo Mike Smith, trú ẩn tại lãnh sự quán Thượng Hải, cũng bị thẩm vấn trong điều kiện tương tự.
Trở về được Sydney, Birtles cho biết có cảm giác bỗng chốc trở thành con cờ trong xung đột chính trị, vụ thẩm vấn trên chủ yếu chỉ nhằm sách nhiễu các nhà báo. Ngoại trưởng Maryse Payne than phiền về « một loạt các sự kiện đáng tiếc ».
Quan hệ hai nước trở nên phức tạp từ năm 2017, khi Canberra phản ứng trước sự can thiệp của Bắc Kinh vào chính trường Úc, và lại càng căng thẳng khi thủ tướng Scott Morrison hồi tháng Tư đòi mở điều tra quốc tế về đại dịch corona. Lo ngại Bắc Kinh sử dụng « ngoại giao con tin », Canberra vốn đang theo dõi một hồ sơ khác là Dương Hằng Quân (Yang Hengjun), công dân Úc gốc Hoa bị bắt tháng 1/2019, từ tháng Bảy đã cảnh báo nguy cơ bị bắt giữ tùy tiện tại Trung Quốc. Người Úc ngày càng lo âu về việc này, nhất là giới kinh doanh đang phải chịu hậu quả khi Bắc Kinh, đối tác thương mại lớn nhất của Úc trả đũa.
Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc tại Trung Quốc (FCCC) đã « cực lực lên án việc sách nhiễu và hăm dọa chưa có tiền lệ ». Trước đó theo FCCC, có 17 nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc, là công dân Mỹ hoặc làm việc cho một cơ quan truyền thông Mỹ, đã không được cấp thẻ nhà báo mới và phải rời Trung Quốc.
Hồi tháng Ba, Washington đã giảm số lượng người Trung Quốc được phép làm việc cho truyền thông nhà nước khiến 60 người phải ra khỏi Hoa Kỳ, và chỉ cấp visa ngắn hạn trong 90 ngày cho các nhà báo Trung Quốc. Để trả đũa, có ít nhất 5 thông tín viên của 4 tờ báo Mỹ không được gia hạn thẻ nhà báo.
Tập Cận Bình mừng « đại thắng » virus corona
Trong khi đó theo Le Monde, « Trung Quốc của Tập Cận Bình dàn dựng ‘chiến thắng’ trước Covid-19 », không đợi đến ngày quốc khánh 01/10, mà tổ chức tưng bừng vào ngày 08/09 vì số 8 (phát âm như « phát ») được cho là mang lại may mắn.
Chính quyền chọn ngày 08/04 để chấm dứt phong tỏa Vũ Hán và đúng 5 tháng sau, ngày 08/09 trọng thể mừng « chiến thắng Vũ Hán » của « cuộc chiến tranh nhân dân » - theo lời Tập Cận Bình – tại Đại sảnh đường Nhân Dân. Trong lúc cả thế giới tiếp tục đối phó với đại dịch do con virus xuất phát từ Vũ Hán, nhất là hai đối thủ của Trung Quốc là Hoa Kỳ và Ấn Độ, Bắc Kinh muốn quảng cáo tài xử lý dịch bệnh của mình. Theo con số chính thức, virus corona chủng mới chỉ làm cho 4.634 người chết, chủ yếu ở Vũ Hán, thủ phủ Hồ Bắc đã bị phong tỏa 76 ngày và nay chỉ còn vài ca ngoại nhập.
Trước 3.000 người tham dự, Tập Cận Bình trao huân chương Nhà nước cho giáo sư nổi tiếng Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan). Ba người khác được gọi là « anh hùng nhân dân » : Zhang Boli, người quảng bá sử dụng đông dược chống virus, Zhang Dingyu, giám đốc bệnh viện Jinyintan ở Vũ Hán, và nhà khoa học quân đội Chen Wei. Ngoài ra có 1.499 người, 500 cơ quan, 186 đảng viên, 150 cơ sở đảng được khen thưởng, trong đó có 14 người đã qua đời - nhưng không có tên bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã lên tiếng cảnh báo đại dịch.
Nhưng thực ra chính đảng Cộng Sản Trung Quốc và tổng bí thư Tập Cận Bình được vinh danh, bài diễn văn của ông Tập chiếm mất phân nửa buổi lễ. Theo Tập Cận Bình, đảng Cộng Sản nhờ « sự chỉ đạo kiên quyết » đã đoàn kết được nhân dân « đạt đến một chiến thắng oai hùng mới ». Hơn bao giờ hết, theo lời lẽ của nhà lãnh đạo, đảng Cộng Sản và nhân dân không thể tách rời. « Trung Quốc đã hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế », « góp phần vào việc cứu vớt hàng triệu mạng sống trên thế giới ».
Tác giả « Vũ Hán, thành phố phong tỏa » bị thóa mạ
Tuy nhiên Libération trong bài viết giới thiệu sách « Vũ Hán, thành phố bị phong tỏa » của Phương Phương (Fang Fang) cho rằng đây là một cú sốc đáng xấu hổ.
Trong cuốn nhật ký này, nhà văn nữ kể lại nỗi đau của người dân Vũ Hán. Ngay từ những ngày đầu tiên, bà đã cảm thấy đại họa đang diễn ra. Bà viết : « Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể nhớ về những cái chết vô lý này, những ngày đau khổ và những đêm buồn thảm. Chúng ta cần phải đấu tranh để đòi cho được công lý, buộc những kẻ đã phạm sai sót, thụ động và vô trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Nếu không, làm thế nào xứng đáng được với những người đã chết ? Họ đã từng xây dựng và yêu mến Vũ Hán như chúng ta, và giờ đây họ được mang đi trong những bao đựng xác ».
Dù Phương Phương mô tả cả mặt tốt lẫn mặt xấu của Vũ Hán trong đại dịch với giọng điệu trung dung, nhưng bà vẫn trở thành mục tiêu bị phe dân tộc chủ nghĩa thóa mạ như thời cách mạng văn hóa. Phương Phương tuyên bố « không sợ » và bà giữ lời hứa, với việc xuất bản cuốn nhật ký Vũ Hán bằng nhiều ngoại ngữ.
Belarus : Các khuôn mặt đối lập hàng đầu bị tống giam hoặc buộc lưu vong
Tại châu Âu, Le Figaro, La Croix và Le Monde chú ý đến tình hình Belarus qua các bài viết « Loukachenko trảm tướng của phe đối lập Belarus », « Nhà đối lập Belarus từ chối bị buộc đi lưu vong », « Ở Belarus, chế độ một mình đối mặt với đường phố ».
Một nhân vật đối lập xé bỏ hộ chiếu để không bị trục xuất khỏi đất nước mình. Hình ảnh can đảm và đầy ấn tượng này được các nhân chứng chứng kiến hôm thứ Hai 07/09. Bà Maria Kolesnikova, 38 tuổi, người duy nhất trong bộ ba phụ nữ thủ lãnh còn ở lại Belarus đang đi bộ ở trung tâm thành phố Minsk thì bị những người mặc thường phục, áo trùm đầu, đẩy lên một chiếc xe bán tải.
Không còn liên lạc được với Kolesnikova qua điện thoại, hai người thân cận đến nhà bà liền bị KGB phục sẵn tóm lấy. Cả ba bị đưa về phía biên giới Ukraina, nhưng trước khi vào lãnh thổ nước láng giềng, bà Kolesnikova bất ngờ xé passport và tẩu thoát khỏi xe bằng cửa sổ. Hiện bà bị giam giữ tại Minsk.
Hội đồng Điều phối của đối lập Belarus có 7 người, giờ chỉ còn một mình giải Nobel văn chương Svetlana Aleksievitch còn được tự do. Nhà hoạt động nghiệp đoàn Serguei Dilevski và luật gia Lilia Vlassova đều bị bỏ tù. Olga Kovalkova, cố vấn của ứng cử viên Svetlana Tikhanovskaia bị trục xuất sang Ba Lan, nơi cựu bộ trưởng văn hóa Pavel Latouchka đang lưu vong. Luật sư Maxime Znak và bà Maria Kolesnikova, nhạc sĩ cũng vừa bị bắt một cách thô bạo như đã nói ở trên.
Mọi cái nhìn nay đều hướng nhà văn nổi tiếng Svetlana Aleksievitch. Sáng hôm qua 09/09, bà gọi cho các nhà báo, lo sợ sẽ bị bắt vì thấy các công an mặc thường phục xuất hiện tại tòa nhà nơi bà cư ngụ. Sáu đại sứ các nước Liên Hiệp Châu Âu (Đức, Ba Lan, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Litva, Slovakia) liền đến tận tư gia để bày tỏ sự ủng hộ.
Theo các nhà quan sát, dù những khuôn mặt nổi bật bị bắt, bị trục xuất, nhưng phong trào phản kháng Belarus vẫn sẽ tiếp diễn vì mang tính chất phi tập trung, những lời kêu gọi biểu tình đôi khi được đưa ra vào phút chót và được nhanh chóng phổ biến trên mạng xã hội Telegram.
Nga-Châu Âu : Cuộc chiến tranh lạnh không quy tắc
Về quan hệ giữa Nga với châu Âu, tác giả Sylvie Kauffmann trên Le Monde cho rằng đang diễn ra « Một cuộc chiến tranh lạnh không quy tắc ».
Sự xúc động về vụ đầu độc nhà đối lập Alexei Navalny liệu có quá lớn, trong khi châu Âu liên tục đối mặt với những dối trá của Matxcơva từ 20 năm qua ? Tác giả kể ra một danh sách dài : Vụ ám sát nhà đối lập hàng đầu Boris Nemtsov, oanh kích các bệnh viện dân sự ở Syria, bắn hạ chiếc máy bay MH17 của Malaysia Airlines khiến gần 300 người thiệt mạng, đội quân không quân hiệu tấn công Ukraina, lính đánh thuê Wagner ở Lybia, đầu độc cựu điệp viên Skripal cũng bằng Novitchok…mà Matxcơva đều chối phăng. Như vậy Đức và Pháp có yêu cầu Nga làm rõ làm gì, vì sẽ chỉ nhận được những lời giải thích không thỏa đáng mà thôi ?
Le Monde cho rằng Berlin và Paris lên tiếng để cho đúng thủ tục và có thì giờ chuẩn bị cho việc trả đũa của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là vì vụ Navalny diễn ra trong bối cảnh đặc thù. Trước hết tại Nga, ông Vladimir Putin đối mặt với một loạt các cuộc khủng hoảng : làn sóng phản kháng chưa từng thấy ở Khabarovs, nền kinh tế đang xuống dốc, chỉ số tín nhiệm giảm sút trước cuộc bầu cử địa phương ngày 13/09, trong khi tổng thống Nga chuẩn bị « cải cách Hiến Pháp » để có thể tại vị đến tận năm 2036. Cuộc nổi dậy của người dân nước láng giềng Belarus rơi vào thời điểm bất lợi cho ông chủ điện Kremlin, không muốn phải xử lý thêm một cuộc khủng hoảng nữa, và cũng không ưa việc « gợi ý » cho cử tri Nga.
Ai đã ra lệnh trừ khử Alexei Navalny, người khởi động chiến dịch chống tham nhũng và khuyến cáo cử tri không bầu cho đảng cầm quyền ? Có thể chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được, với hệ thống đảng trị kín như bưng kiểu Xô-Viết. Theo nhà phân tích Andrei Kolesnikov, Viện Carnegie ở Matxcơva : « Đây là một cuộc chiến tranh lạnh mới nhưng không theo quy tắc nào cả ».
Tác giả nhận định, đây là một thử nghiệm về sự chín chắn của châu Âu, hiện đang cô đơn hơn bao giờ hết trước Nga vì sự vắng mặt của Hoa Kỳ, ngược với cuộc khủng hoảng Ukraina cách đây sáu năm. Tổng thống Donald Trump đang tập trung vào bầu cử, và sở dĩ Washington ký tên vào thông cáo của các ngoại trưởng G7 về vụ Navalny hôm thứ Ba 08/09 là nhờ Pháp và Đức vận động.
Tin tổng hợp
(RFI) – Lễ an táng nguyên giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris.
Thánh lễ an táng Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, nguyên giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris, đã được cử hành ngày 10/09/2020 tại nhà thờ Saint-Sulpice, Paris. Đức Ông Mai Đức Vinh đã từ trần ngày 05/09 tại một bệnh viện ở Paris. Sinh năm 1935 tại Thanh Hóa, chịu chức linh mục năm 1965 tại Vĩnh Long, Đức Ông Mai Đức Vinh đã được bổ nhiệm làm giám đốc Giáo xứ Việt Nam Paris vào năm 1980 và đã đảm nhận trọng trách này cho đến năm 2017. Ban Việt ngữ RFI xin thành kính phân ưu với gia đình Đức Ông Mai Đức Vinh và Giáo xứ Việt Nam Paris.
(Reuters) – Chiến đấu cơ Trung Quốc áp sát Đài Loan ngày thứ hai liên tiếp.
Bộ Quốc Phòng Đài Loan cho biết nhiều chiến đấu cơ SU-30 và máy bay vận tải Y-8 nằm trong số các phi cơ Trung Quốc xâm nhập vào vùng nhận dạng hàng không phía tây nam của Đài Loan sáng 10/09/2020. Bộ Quốc Phòng Đài Loan kêu gọi đích danh « Đảng Cộng Sản Trung Quốc » ngừng các hành động « phá hoại hòa bình và ổn định khu vực ».
(AFP ) – Trung Quốc lên án Mỹ « truy bức chính trị ».
Ngày 10/09/2020, Bắc Kinh lên án Washington « truy bức chính trị » và « kỳ thị sắc tộc » sau khi bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 09/09 thông báo hủy visa của hơn 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị tình nghi hoạt động gián điệp ở Mỹ. Vào cuối tháng 5, Washington thông báo sẽ cấm nhập cảnh vào Mỹ những sinh nào có liên hệ với quân đội Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước. Hiện có gần 370.000 sinh viên Trung Quốc đang học ở Hoa Kỳ, đông nhất trong số các sinh viên ngoại quốc.
(AFP) – Nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ : Nhà Trắng bị tố che giấu thông tin.
Ngày 09/09/2020, một quan chức tình báo Hoa Kỳ tố cáo Nhà Trắng đã ra lệnh cho ông ngưng chuyển lên các thông tin về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, và chỉ nên tập trung vào tình hình Iran và Trung Quốc. Theo các cơ quan tình báo Mỹ, Matxcơva đã can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, góp phần giúp cho ông Donald Trump đắc cử. Êkíp tranh cử của Trump thì bị cáo buộc thông đồng với Nga.
(AFP) – Một nhà báo Mêhicô bị chặt đầu.
Thi thể bị chặt đầu của một phóng viên nhật báo El Mundo đã được tìm thấy ngày 09/09/2020 tại một vùng có nhiều bạo lực ở bang Veracruz, miền đông Mêhicô, theo thông báo của cảnh sát và của các tổ chức bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Mêhicô bị xem là một trong những quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo, với hơn 100 phóng viên bị sát hại kể từ năm 2000. Theo Phóng viên không biên giới, Julio Valdivia là nhà báo thứ năm bị giết ở Mêhicô trong năm 2020.
(AFP) – Hỗ trợ khẩn cấp trại tị nạn bị cháy trên đảo Lesbos, Hy Lạp.
Trại tị nạn trên hòn đảo Hy Lạp, với khoảng 12.700 người xin tị nạn tại châu Âu, bị lửa tàn phá từ vài ngày nay. Ngày 10/09/2020, đã có một chiếc tàu lớn chuyên chở khách đã cập bến đảo này, để cung cấp chỗ ở tạm thời cho hàng nghìn người tị nạn không nơi nương tựa. Trại Mori là trại lớn nhất, nhưng cũng nổi tiếng là trại tị nạn có điều kiện sống tồi tệ nhất của Hy Lạp. Hiện tại, trại này đã chứa gấp bốn lần khả năng thiết kế. Ủy Ban Châu Âu cho biết sẽ đưa ngay lập tức 400 em nhỏ vào đất liền. Hàng nghìn người biểu tình tại nhiều thành phố nước Đức để yêu cầu chính quyền cứu giúp người tị nạn.
Điểm tin thế giới sáng 10/9:
Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ ‘quấy rối’ Biển Đông;
Mỹ chặn thị thực nghiên cứu sinh Trung Quốc
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (10/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Vương Nghị chỉ trích Mỹ ‘quấy rối’ Biển Đông
Reuters đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hôm thứ Tư (9/9), nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông vì nhu cầu chính trị của mình.
Ông Vương nói rằng việc này đang trở thành động lực lớn nhất của các hoạt động quân sự hóa trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đưa ra nhận xét này trong một cuộc họp video với các bộ trưởng ngoại giao của các nước tham gia hội nghị cấp cao ASEAN.
“Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó cũng là nguyện vọng chiến lược chung của Trung Quốc và các nước ASEAN”, ông Vương nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.
Ông Vương cũng truyền đi thông điệp rằng chính quyền Trung Quốc sẵn sàng liên lạc và đối thoại với chính phủ Hoa Kỳ để đạt được sự hợp tác trong vấn đề này.
Vào tháng trước, Mỹ đã chế tài 24 công ty Trung Quốc và nhắm mục tiêu các quan chức của nước này liên quan tới việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông.
Mỹ chặn thị thực nghiên cứu sinh Trung Quốc
Hoa Kỳ đang chặn thị thực của một số nghiên cứu sinh và nhà nghiên cứu người Trung Quốc để ngăn họ đánh cắp các nghiên cứu nhạy cảm, ông Chad Wolf, quan chức hàng đầu của Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cho biết thông tin hôm thứ Tư (9/9), theo Reuters.
Bên cạnh việc cung cấp thông tin này, ông Wolf đã nhắc lại các cáo buộc của chính quyền Trump đối với các hoạt động kinh doanh bất chính và hoạt động gián điệp công nghiệp của chính quyền Trung Quốc, bao gồm việc cố gắng đánh cắp nghiên cứu về virus Vũ Hán của Hoa Kỳ, và nói rằng Bắc Kinh đã và đang lạm dụng thị thực sinh viên để đánh cắp tài sản trí tuệ của người dân Mỹ.
Ông Wolf cho biết thêm rằng Mỹ cũng đang “ngăn cản hàng hóa sản xuất bởi lao động nô lệ vào thị trường của chúng tôi, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phẩm giá vốn có của mỗi con người”.
Hôm 8/9, Reuters đưa tin, các quan chức Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBC) đang chuẩn bị cho việc chặn nhập khẩu các sản phẩm bông và cà chua từ khu vực Tân Cương, Trung Quốc, vì có cáo buộc rằng chúng được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. (chi tiết)
Ông Trump bảo vệ cách xử lý Covid của chính phủ Mỹ
Ở một cuộc phỏng vấn được trích dẫn trong cuốn sách mới của nhà báo Bob Woodward, Tổng thống Trump nói rằng hồi tháng Hai ông đã thấy được sự nguy hiểm của virus Vũ Hán và khả năng lây lan của loại virus gây chết người này, tuy nhiên ông không truyền đạt thông tin tới người dân vì không muốn tạo ra sự hoảng sợ, theo Reuters.
“Tôi luôn muốn làm nhẹ nó đi”, ông Trump nói với nhà báo Woodward vào ngày 19/3, vài ngày sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. “Tôi vẫn muốn làm nhẹ nó, bởi vì tôi không muốn tạo ra một sự hoảng loạn”.
Trong cuộc trò chuyện đó, ông Trump cũng nói với Woodward về một số “sự thật đáng ngạc nhiên” vừa được tiết lộ về đối tượng tấn công của virus Vũ Hán: “Nó không chỉ là người già, người lớn tuổi, [mà còn nhắm vào] người trẻ tuổi, rất nhiều người trẻ tuổi”.
Ông Trump hôm thứ Tư (9/9) đã bảo vệ các biện pháp xử lý đại dịch của chính phủ Mỹ. “Thực tế tôi là một người phục vụ đất nước này. Tôi yêu đất nước của chúng ta và tôi không muốn mọi người sợ hãi”, ông Trump nói tại một sự kiện ở Nhà Trắng. “Chúng tôi đã làm tốt khi so sánh với bất kỳ tiêu chuẩn nào”.
300 tổ chức nhân quyền kêu gọi giám sát Bắc Kinh
Một liên minh toàn cầu gồm hơn 300 tổ chức nhân quyền, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đang kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) thành lập một cơ quan giám sát để điều tra các vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc, Fox News đưa tin hôm thứ Tư (9/9).
Yêu cầu này được đề cập trong một bức thư ngỏ gửi LHQ, nói rằng tổ chức này cần có một “cơ chế độc lập và công bằng” để điều tra chính quyền Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, nhằm gây thêm áp lực lên Bắc Kinh ở các vấn đề như biểu tình ở Hồng Kông và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các sắc dân khác ở khu vực Tây Tân Cương bị ngược đãi.
“Cộng đồng quốc tế không thể bàng quan và cho phép chính quyền Trung Quốc chà đạp nhân quyền trong và ngoài nước”, Joshua Rosenzweig, người đứng đầu nhóm phụ trách về nhân quyền Trung Quốc của Tổ chức Ân xá Quốc tế, nói.
Belarus: Nhà hoạt động đối lập tiếp theo bị bắt
Hôm thứ Tư (9/9), lực lượng an ninh Belarus đã bắt giữ ông Maxim Znak, một trong những thành viên cuối cùng của một hội đồng thuộc phe đối lập, đồng thời cố gắng đột nhập vào căn hộ của nhà văn đoạt giải Nobel Svetlana Alexievich, theo The Guardian.
Hiện tại hội đồng gồm 7 thành viên của phe đối lập chỉ còn lại bà Alexievich, người từng đoạt giải Nobel, chưa bị bắt. Tuy nhiên, bà Alexievich cho biết có những người đàn ông lạ mặt đã bấm chuông cửa nhà bà vào khoảng 9 giờ sáng thứ Tư (giờ địa phương).
Bà Alexievich sau đó đã gặp gỡ các quan chức ngoại giao EU và trả lời phỏng vấn các nhà báo. Bà cho biết những người bạn “cùng chí hướng” của bà trong hội đồng giờ đã có 6 người bị bắt. Tuy nhiên, bà nói rằng các chiến thuật tàn bạo của tổng thống Alexander Lukashenko nhằm “bắt cóc những người tốt nhất trong chúng tôi” sẽ không đem lại kết quả gì cho ông ta và phong trào phản đối sẽ vẫn tiếp tục.
Gần 1.700 doanh nghiệp Nhật Bản muốn rời khỏi Trung Quốc
Số lượng các công ty Nhật Bản xin trợ cấp của chính phủ để rời khỏi thị trường Trung Quốc đã tăng từ 90 trong vòng đầu tiên lên 1.670 trong vòng 2.
Số tiền xin trợ cấp nhiều hơn ngân sách dự tính của chính phủ 11 lần cho thấy các công ty Nhật Bản ngày càng sẵn sàng rút dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc. (chi tiết)
Tên lửa đẩy Trung Quốc mới rơi gần trường học dùng hóa chất rất độc hại
Hơn nữa việc để các trung tâm phóng tên lửa trong nội địa gần các khu dân cư mà không phải gần vùng biển như thông lệ cũng là một điểm khiến giới phân tích chú ý.
Theo Trung tâm phóng vệ tinh Thái Nguyên, tên lửa hàng không Trường Chinh 4B sẽ mang vệ tinh đưa vào vũ trụ, nhưng người dân thu được hình ảnh cho thấy tên lửa đẩy có thể đã rơi cách điểm phóng 500 km và phát nổ tạo ra làn khói vàng cam dày đặc. (chi tiết)
Nhóm khủng bố Taliban đe dọa giấc mộng ‘Vành đai, Con đường’ ở Pakistan
Theo báo cáo của kênh truyền thông Nhật Bản Nikkei Asia Review, tổ chức khủng bố Taliban vẫn đang hoạt động tích cực ở Pakistan. Mới đây, ba phe chia rẽ ngày trước của tổ chức này đã tái thống nhất, trở thành mối đe dọa lớn đến Sáng kiến “Vành đai, Con đường” của chính quyền Trung Quốc. (chi tiết)
Lo ngại an ninh, Úc thu hồi thị thực của hai học giả Trung Quốc
Úc đã thu hồi thị thực của hai học giả Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hai nước leo thang, theo bản tin ngày 9/9 của Reuters. (chi tiết)
Điểm tin thế giới tối 10/9:
Lại cháy lớn tại cảng Beirut;
Lãnh đạo đối lập Nga có thể nói chuyện trở lại
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Năm (10/9) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Lại cháy lớn tại cảng Beirut
Reuters dẫn tin một nguồn quân sự cho biết, một kho chứa dầu và lốp xe tại cảng Beirut của Lebanon hôm nay bốc cháy, chỉ hơn một tháng sau vụ nổ khiến gần 200 người chết.
Vụ cháy tạo cột khói đen lớn, bức ảnh được chụp từ Sin-el-fil, Lebanon.
Ngọn lửa bùng lên trong khu vực hàng hóa miễn thuế của cảng Beirut chiều nay, tạo cột khói đen lớn trên bầu trời thủ đô Lebanon. Hiện chưa rõ nguyên nhân vụ cháy.
Lãnh đạo đối lập Nga có thể nói chuyện trở lại
Reuters dẫn tin từ tạp chí Đức Der Spiegel cho biết, sức khoẻ của chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny đang tốt lên và ông đã có thể nói chuyện được.
“Der Spiegel và Bellingcat được biết ông Navalny đã có thể nói chuyện được và cũng như nhớ lại chi tiết về vụ tấn công vừa qua”, tạp chí Der Spiegel viết. Bellingcat là nhóm phóng viên điều tra có trụ sở tại Anh. “Những phát ngôn của ông ấy có thể gây nguy hiểm cho những người đứng sau vụ tấn công”.
Tạp chí Der Spiegel cho biết thêm cảnh sát đã được tăng cường để bảo vệ ông Navalny.
Ông Alexei Navalny, 44 tuổi, lãnh đạo đảng đối lập Liên minh Nhân dân Nga, bất tỉnh khi đang trên chuyến bay từ Siberia đến Moskva hôm 20/8. Đức hôm 2/9 thông báo ông Navalny bị đầu độc bởi hợp chất Novichok, loại chất độc thần kinh có từ thời Liên Xô. Moscow bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ việc.
Tiêm kích Trung Quốc liên tiếp xâm phạm Đài Loan
Taiwan News đưa tin, Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm nay thông báo nhiều máy bay của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân đã xâm nhập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan ngày thứ hai liên tiếp.
Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã điều nhiều tiêm kích Su-30, vận tải cơ Y-8 tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan sáng sớm nay. Lực lượng phòng vệ trên không của Đài Loan đã điều tiêm kích ngăn chặn và buộc máy bay Trung Quốc rời khỏi ADIZ của hòn đảo.
Trước đó, vào hôm 9/9, tiêm kích Su-30, J-10 của quân đội Trung Quốc đã xâm nhập vào ADIZ của Đài Loan khi hòn đảo phóng thử loạt tên lửa.
Bộ Quốc phòng Đài Loan một lần nữa kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc “không liên tục phá hoại hiện trạng hòa bình và ổn định của khu vực và khơi dậy sự phẫn nộ của người dân Đài Loan”.
Ông Biden lại nói nhầm, khiến dư luận nghi ngờ sức khoẻ
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden một lần nữa nhầm lẫn về các số liệu khi phát biểu trước công chúng khiến dư luận nghi ngờ về sức khỏe tinh thần của ông, Fox News ngày 10/9 đưa tin.
Tại một cuộc vận động tranh cử ở bang Michigan hôm 9/9, ông Biden đã nói: “Ca nhiễm Covid-19 trong quân đội là 118.984 và số quân nhân đã tử vong do dịch bệnh là 6.114. Mỗi sinh mạng trong số này đều quan trọng”.
Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội nước này hiện ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm bệnh, trong đó 7 người tử vong.
Đây không phải lần đầu tiên cựu phó tổng thống Mỹ lẫn lộn khi nói về các con số thống kê. Hồi tháng 2, ông từng phát biểu rằng “khoảng 150 triệu người Mỹ đã tử vong vì bạo lực súng đạn kể từ năm 2007”. Cuối năm ngoái, ông Biden tuyên bố chương trình thuế của ông có thể giúp đưa “720 triệu phụ nữ” trở lại lực lượng lao động.
Ông Joe Biden, 77 tuổi, từng làm dấy lên lo ngại về sức khỏe khi bước hụt chân trong một sự kiện. Nhiều người dùng mạng xã hội lo ngại ông bị chứng suy giảm trí tuệ do tuổi tác, nhất là khi ứng viên đảng Dân chủ từng nhiều lần gặp khó khăn trong lúc nói chuyện, cũng như nhầm lẫn về các sự kiện và người nổi tiếng.
Trung Quốc cáo buộc Mỹ ‘đàn áp’ 1.000 sinh viên, học giả
Bắc Kinh hôm nay cáo buộc Mỹ đàn áp chính trị và phân biệt chủng tộc sau khi chính quyền Trump thu hồi thị thực của hơn 1.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Trung Quốc do lo ngại an ninh quốc gia, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố động thái của Mỹ vi phạm nhân quyền của sinh viên và nhấn mạnh Bắc Kinh có quyền phản ứng lại hành động của Washington.
0 comments