Châu Âu bắt đầu xa dần TQ
Thursday, September 10, 2020
5:17:00 PM
//
- Slider
,
Tin Âu Châu
Bất chấp những nỗ lực ngoại giao từ phía Trung Quốc trong năm 2020, châu Âu vẫn ngày càng xa cách và dè dặt hơn với Bắc Kinh.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (trái) và Ngoại trường Đức Heiko Maas.
Châu Âu ngày càng xa cách với Trung Quốc
Các nhà ngoại giao Trung Quốc đã có một năm tồi tệ ở châu Âu song những nỗ lực của họ trong tuần vừa qua vẫn không khiến tình hình tiến triển tốt đẹp hơn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể phải đối mặt với sự hoài nghi và sự xa cách từ phía châu Âu, thậm chí còn nhanh hơn và lớn hơn so với Tổng thống Trump.
Mục tiêu quan trọng nhất ông Tập tại khu vực này là ngăn cản Liên minh châu Âu và Mỹ liên minh lại với nhau nhằm chống lại Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình hy vọng sẽ đạt được bước đột phá tại Hội nghị Thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo EU dự kiến diễn ra ngày 14/9 tới. Theo kế hoạch ban đầu, cuộc họp này sẽ được tổ chức ở Leipzig, Đức nhưng sau đó, do tác động từ đại dịch Covid-19 nên nó đã được chuyển sang thành họp trực tuyến.
Dù vậy, nguy cơ cuộc họp không đạt được kết quả như kỳ vọng vẫn rất cao. Vì thế, Chủ tịch Tập Cận Bình tuần qua đã cử Ngoại trưởng Vương Nghị tới 5 nước châu Âu để tiến hành một số cuộc trao đổi nhằm chuẩn bị cho hội nghị này. Tuy nhiên, chuyến thăm trên của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc đã không "thuận buồm xuôi gió".
Trước đó, ông Vương Nghị hy vọng sẽ lắng nghe "tông giọng" mềm mỏng vốn quen thuộc từ châu Âu nhưng trong chuyến thăm này, Ngoại trưởng Trung Quốc đã rất ngạc nhiên trước thái độ ngần ngại và dè chừng đằng sau những cuộc tiếp đón chính thức từ những nhà lãnh đạo châu Âu.
Tuy vậy, những bất đồng này vẫn không là gì so với thái độ khác biệt mà Ngoại trưởng Vương Nghị nhận được trong điểm dừng chân ở Berlin. Phát biểu với báo giới Đức, ông Vương Nghị chỉ trích chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Thượng viện Séc, đồng thời đe dọa ông Milos Vystrcil sẽ phải "trả giá đắt", cũng như cảnh báo "sự phản bội" của Cộng hòa Séc khiến ông Vystrcil trở thành "kẻ thù của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc".
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngay sau đó đã phản ứng trước bình luận này của ông Vương Nghị. Ông Maas nhắc nhở người đồng cấp Trung Quốc rằng: "Là những quốc gia châu Âu, chúng tôi hành động trong sự hợp tác chặt chẽ" và yêu cầu sự tôn trọng trước khi khẳng định "những lời đe dọa không phù hợp ở đây". Châu Âu sẽ không thể thành "món đồ chơi" trong cuộc đối đầu Mỹ - Trung. Những người đồng cấp ở Pháp, Slovakia và các nước châu Âu khác cũng đều ủng hộ lập trường của Ngoại trưởng Đức.
Về mặt ngoại giao, sự việc trên không chỉ cho thấy một "tông giọng" mới mà còn cho thấy một hướng tiếp cận mới của châu Âu. Trong những năm qua, nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Đức, vì những lý do thương mại đã tạm "nhắm mắt làm ngơ" khi Trung Quốc lợi dụng cơ chế thị trường mở của châu Âu và "bắt nạt" các nước láng giềng châu Á song hiện nay, điều này đã chấm dứt.
Gần đây, châu Âu ngày càng có nhiều điều không hài lòng với Trung Quốc từ vấn đề Hong Kong, Tân Cương cho tới các động thái của nước này trên Biển Đông.
Trên thực tế, Hội nghị Thượng đỉnh ngày 14/9 tới ban đầu được tổ chức với mục tiêu cải thiện quan hệ đầu tư giữa EU và Trung Quốc nhưng sau nhiều năm đàm phán, EU đã quá "mệt mỏi" khi Bắc Kinh không có bất kỳ nhượng bộ nào. Thay vì tạo điều kiện cho hoạt động đầu tư của Trung Quốc, EU bắt đầu hạn chế việc này.
Trung Quốc không hiểu châu Âu
Trung Quốc không hiểu châu Âu và chưa bao giờ hiểu châu Âu. Bất chấp những nỗ lực hợp tác được thúc đẩy, những rạn nứt trong mối quan hệ này ngày càng hiện rõ, từ chiến lược ngoại giao khẩu trang bất thành của Trung Quốc cho tới nỗ lực làm sai lệch thông tin khi Bắc Kinh yêu cầu thay đổi nội dung một bài báo của Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis và các đại sứ của 27 nước thành viên EU tại nước này.
Sai lầm của Trung Quốc trong chính sách với EU đã bắt đầu từ năm 2012 khi Bắc Kinh quyết định thành lập cơ chế 16+1 cùng với các nước Trung và Đông Âu (CEE), trong đó bao gồm cả các quốc gia là thành viên và không là thành viên của EU. Vào thời điểm đó, quyết định của Trung Quốc đã vấp phải sự hoài nghi từ Brussels và mỗi bước đi của Bắc Kinh tại khu vực CEE đều khiến EU lo ngại sự chia rẽ trong khu vực ngày càng gia tăng.
Năm 2018, khi Trung Quốc khởi động thể thức V4+Trung Quốc tại cuộc gặp Visegrad (V4) bao gồm 4 quốc gia Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc và Slovakia, Ngoại trưởng nước này - ông Vương Nghị đã khen ngợi V4 là "động lực mạnh mẽ nhất" của châu Âu. Dù vậy, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều trong năm 2019. Hai nhân tố quan trọng dẫn đến việc này là quyết định của Italy khi tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và sự tham gia của Hy Lạp vào 16+1.
Năm 2019, Trung Quốc cuối cùng đã thành công trong việc thuyết phục 1 nước lớn của EU tham gia vào BRI, bất chấp sự chỉ trích từ phía Brussels, Berlin và Paris. Quốc gia đó chính là Italy, một trong những nước tham gia thành lập EU. Tuy nhiên, các mục tiêu của Bắc Kinh trong năm 2019 không chỉ dừng lại ở đây. Tham vọng của Trung Quốc ở châu Âu đã đi xa hơn với mục tiêu tiếp theo là Hy Lạp. Trong Hội nghị Thượng đỉnh 16+1 được tổ chức ở Croatia, Trung Quốc và các nước CEE hoan nghênh sự tham gia của Hy Lạp, đồng thời biến diễn đàn này thành cơ chế 17+1.
Với EU, việc mở rộng cơ chế 16+1 khi có thêm sự tham gia của Hy Lạp, quốc gia trước đó chia rẽ với EU để bảo vệ Trung Quốc, chẳng khác nào một "cú tát vào mặt". Mặc dù cơ chế 17+1 đem lại cho Trung Quốc những lợi ích nhất định nhưng việc này đã làm suy giảm thiện chí của các nước lớn ở châu Âu như Đức và Pháp với Bắc Kinh.
Khi Italy và Hy Lạp tham gia vào các sáng kiến của Trung Quốc, các nước thành viên EU đã công khai gọi Bắc Kinh là "kẻ thù cố hệ thống" đang "cố gắng chia rẽ chúng ta" theo như lời của Tổng thống Pháp Macron.
Dù vậy, so với Mỹ, châu Âu vẫn có những giới hạn trong việc đối phó với Trung Quốc. Noah Barkin, một nhà quan sát quan hệ Mỹ - Trung ở Berlin, hiện làm việc tại Quỹ Marshall Đức nhận định, trong khi mục đích của Mỹ là "tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc thì châu Âu chỉ muốn "đa dạng hóa" mối quan hệ này.
Điều đó lý giải tại sao một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức vẫn ngần ngại quyết định việc liệu có nên cấm tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc tham gia vào mạng lưới 5G hay không. Điều đó cũng giải thích tại sao Pháp, với sự ủng hộ từ Đức và các nước khác, đang nỗ lực duy trì toàn bộ khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và thịnh vượng.
Châu Âu nhận ra rằng họ không đủ khả năng để giám sát quyền lực của Trung Quốc ở tất cả mọi nơi trên thế giới bởi châu Âu cũng phải tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bắc Kinh nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu cho tới đại dịch Covid-19.
Trên hết, châu Âu hy vọng cuộc đối đầu Mỹ - Trung sẽ không biến thành một cuộc chiến tranh nóng buộc EU phải chọn bên. Mục tiêu của châu Âu hiện nay là duy trì mức độ độc lập nhất định trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi 2 nước lớn đối đầu nhau và không đáng tin. Nếu ông Joe Biden trở thành Tổng thống tiếp theo, EU sẽ cố gắng hợp tác với Mỹ - một đồng minh truyền thống lâu đời nhưng nếu ông Trump tái đắc cử, EU sẽ nỗ lực hết sức để duy trì vị trí trung lập nhằm bảo vệ lợi ích và không để mình bị cuốn vào vòng xoáy căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
0 comments