Tin khắp nơi – 24/07/2020
Friday, July 24, 2020
6:27:00 PM
//
- Slider
,
Tin Khắp nơi
Quan hệ Mỹ-Trung tuột dốc không phanh?
Các quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vốn đã phức tạp vì những bất đồng sâu sắc trong nhiều lĩnh vực, trong vài ngày qua bỗng xấu đi nhanh chóng, tới mức nhiều nhà quan sát đã phải đặt câu hỏi: liệu mối quan hệ giữa hai cường quốc đã xấu đi tới điểm không quay trở lại được hay chưa? Và có phải hai nền kinh tế lớn nhất và nhì đã rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới?
Mỹ đóng cửa tổng lãnh sự quán TQ ở Houston, tố cáo đây là ‘ổ gián điệp kinh tế’
Trong vụ đối đầu mới đây, Hoa Kỳ hôm 21/7 yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, và cho tòa lãnh sự ‘72 giờ đồng hồ’ trước khi đóng cửa, để “bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin riêng tư của người Mỹ”.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho cho tờ New York Times, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách vùng Đông Á, David Stilwell, hôm 22/7 tố cáo Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston là “tâm điểm” trong nỗ lực của quân đội Trung Quốc đưa các nhà khoa học quân đội sang Mỹ, đội lốt nghiên cứu sinh “để đánh cắp các tài liệu, nghiên cứu của Mỹ nhằm tăng lợi thế chiến tranh của Bắc Kinh” trong cuộc chiến tranh thương mại và các lĩnh vực cạnh tranh khác.
Tổng lãnh sự Trung Quốc ở Houston mô tả quyết định của Mỹ là “thực sự gây sốc”.
Ông bác bỏ thông tin trong báo New York Times, nói rằng nhân viên của lãnh sự quán đã làm giả giấy tờ hoặc có hành động khả nghi tại sân bay Houston khi đưa công dân Trung Quốc lên máy bay về nước giữa dịch Covid.
Nhà khoa học bị truy nã trốn trong lãnh sự quán TQ ở San Francisco
Các công tố viên tại tòa án liên bang ở San Francisco cáo buộc một nhà nghiên cứu về sinh học Trung Quốc tên Juan Tang là gian lận visa và dấu giếm liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo hồ sơ, bà Juan Tang đã nói dối với nhân viên FBI rằng bà không hề phục vụ trong quân đội Trung Quốc, nhưng một cuộc điều tra tìm thấy ảnh của bà Tang mặc quân phục PLA, và một cuộc lục soát nơi cư ngụ của bà hôm 20/6/2020, phát hiện thêm nhiều bằng chứng khác về mối liên hệ với PLA.
Sau đó bà Tang tới lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, và theo lời FBI, trốn luôn ở trong đó.
Axios là trang tin tức đầu tiên tường trình về vụ việc này. Trang mạng này viết:
“Như trường hợp bà Tang chứng minh, tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho một giới chức PLA để đương sự khỏi bị truy tố tại Hoa Kỳ.”
Theo lời các công tố viên, đây không phải là trường hợp đơn lẻ, và dường như PLA có cả một chương trình nhằm gửi các nhà khoa học trong quân đội sang Hoa Kỳ dưới những vỏ bọc khác nhau.
Tài liệu còn nêu bật trường hợp hai nhà nghiên cứu khác bị bắt giữ ở California trong mấy tuần gần đây, về tội nói dối về liên hệ với PLA.
Về quyết định đóng cửa tòa lãnh sự Houston, Ngoại trường Mike Pompeo nói:
“Chúng tôi xác định những kỳ vọng rõ rệt về cách Đảng Cộng sản Trung Quốc nên ứng xử một cách đúng đắn. Khi họ không làm như vậy, chúng tôi sẽ hành động để bảo vệ nhân dân Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, nền kinh tế cũng như việc làm của người Mỹ.”
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Tư, Tổng Thống Trump còn ra dấu hiệu cho thấy Mỹ có thể đóng cửa thêm nhiều lãnh sự quán Trung Quốc khác tại Hoa Kỳ gây phẫn nộ tại Bắc Kinh.
Từ khi Tổng Thống Nixon và ông Kissinger sang Bắc Kinh trong những năm 71-72, thì đây là điểm thấp, thấp nhất trong các quan hệ song phương trong nửa thế kỷ nay…
Nguyên Thủ Tướng Úc Kevin Rudd, hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society
Trung Quốc trả đũa
Sáng sớm ngày 24/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo cho Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc quyết định của Bắc Kinh, rút lại thỏa thuận cho phép thành lập lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành Đô.
Trang mạng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra những quy định, yêu cầu Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ngưng tất cả mọi hoạt động hay sự kiện.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Hoa Kỳ đã đơn phương đưa ra hành động khiêu khích hôm 21/7, đòi Bắc Kinh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston. Bộ Ngoại giao TQ nói hành động đó “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, lối hành sử thông thường trong các quan hệ quốc tế, và vi phạm các điều kiện của Công ước về các vấn đề Lãnh sự Mỹ-Trung”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói hành động của họ là một phản ứng “chính đáng và cần thiết” để đáp lại hành động “vô cớ” của phía Mỹ, làm “tổn hại nghiêm trọng các quan hệ song phương”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc quy lỗi toàn bộ cho Hoa Kỳ về sự xuống dốc của các quan hệ song phương, nói rằng tình hình hiện tại không phải là điều mà Trung Quốc mong muốn xảy ra.
“Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Hoa Kỳ hãy lập tức rút lại quyết định sai trái của mình, và tạo điều kiện cần thiết để đưa các quan hệ song phương trở lại theo đúng đường”
Trước đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc bày tỏ giận dữ về động thái của Mỹ, nói rằng đây là một cố gắng nhằm quy lỗi cho Bắc Kinh về những sự thất bại của Mỹ trong thời gian dẫn tới cuộc bầu cử Tổng Thống tháng 11.
Từ Bắc Kinh, người phát ngôn của Ngoại trưởng Wang Wenbin “cực lực phản đối hành động đáng lên án và không thể biện minh” của Mỹ, mà ông nói đang phá hoại nghiêm trọng các quan hệ Mỹ-Trung.
Quan hệ Mỹ-Trung đi về đâu?
Một nhà chính trị lão thành thường quan sát các quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, nguyên Thủ Tướng Úc Kevin Rudd, nói rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất tính từ nhiều thập niên qua. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài CNN từ Brisbane hôm 23/7, ông Kevin Rudd nhận định:
“Tôi đã quan sát các quan hệ Mỹ-Trung trong phần lớn 35 năm qua, tôi cho rằng từ khi Tổng Thống Nixon và ông Kissinger sang Bắc Kinh trong những năm 71-72, thì đây là điểm thấp, thấp nhất trong các quan hệ song phương trong nửa thế kỷ nay. Mối quan hệ này đang lao dốc, liệu con dốc đó có một đường rẽ có thể dùng làm lối thoát? Câu hỏi chưa có lời giải đáp, nhưng những động lực ở Washington và Bắc Kinh đang kéo căng mối quan hệ này”.
Ông Kevin Rudd nói thông thạo tiếng Hoa và hiện là Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chính sách Asia Society.
Trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình Becky Anderson, hỏi: Theo ông, những gì đang điễn ra có thể được xem là chiến tranh lạnh hay không? Ông Kevin Rudd nói:
“Mối quan hệ đang đi theo chiều hướng xấu. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa Liên Xô và Hoa Kỳ (hai đối thủ trong Chiến tranh lạnh thời trước) so với bây giờ. Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có những gắn kết kinh tế sâu rộng trong hơn 2 thập niên qua, trong khi không có yếu tố này trong các quan hệ giữa hai bên trong Chiến tranh Lạnh thời trước… Thành thật mà nói, mối quan hệ Mỹ-Trung về cơ bản đang diễn tiến theo một hướng tiêu cực. Nên có một lối thoát, nhưng điều đó đòi hỏi cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc phải được kiểm soát.
Chiến đấu cơ của Hoa Kỳ bay gần
máy bay chở khách của Iran trên không phận Syria
Theo truyền thông Iran, một số hành khách trên một hãng hàng không Iran bị thương tại Syria sau khi phi công thay đổi độ cao để tránh va chạm với một chiến đấu cơ của Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm (23/7), nhưng quân đội Hoa Kỳ cho biết chiếc F-15 của họ ở khoảng cách an toàn vào thời điểm đó.
Chiếc máy bay hành khách Iran, của Mahan Air, đang trên đường từ Tehran đến Beirut khi phi công thực hiện một động tác an toàn, trong một sự việc mà Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ được điều tra. Căng thẳng giữa Tehran và Washington gia tăng từ năm 2018, khi Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận nguyên tử năm 2015 của Iran với sáu cường quốc và tái áp dụng các biện pháp trừng phạt gây thiệt hại cho nền kinh tế Iran.
Hãng tin IRIB chính thức của Iran trích dẫn một hành khách mô tả cách đầu của ông va đập vào nóc máy bay trong khi thay đổi độ cao, và video cho thấy một hành khách lớn tuổi nằm dài trên sàn. Người đứng đầu phi trường Beirut thông báo với Reuters rằng tất cả các hành khách rời khỏi máy bay, một số người bị thương nhẹ.
Hãng tin Fars cho biết chiếc máy bay này quay trở lại Tehran vào đầu hôm thứ Sáu. Bộ tư lệnh trung ương của quân đội Hoa Kỳ, chuyên giám sát các binh sĩ Hoa Kỳ trong khu vực, cho biết chiếc máy bay F-15 đang theo dõi máy bay Iran khi nó đi qua gần đơn vị đồn trú Tanf ở Syria nơi các lực lượng Hoa Kỳ đang hiện diện. (BBT)
Mỹ cáo buộc Nga thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh
Thanh Hà
Thông cáo của bộ Tư Lệnh Không Gian Mỹ ngày 23/07/2020 khẳng định có “bằng chứng” Matxcơva đã “tiến hành thử nghiệm vũ khí chống vệ tinh trên không gian”. Theo họ, đây là “một mối đe dọa đáng quan ngại và ngày càng lớn”.
Thông cáo nêu rõ vụ thử nghiệm đã được tiến hành hôm 15/07 và đây là một thí dụ mới cho thấy “các cơ sở không gian của Mỹ và đồng minh thực sự bị đe dọa”. Vẫn theo thông báo này, Nga đã đưa một vật thể mới vào quỹ đạo từ vệ tinh Cosmos2543 hoạt động từ năm 2019.
Trưởng đoàn đàm phán về giải trừ vũ khí của Mỹ Marsall Billingslea coi đây là một “vấn đề nghiêm trọng (…) không thể chấp nhận được” và cần phải được đem ra thảo luận tại cuộc họp kỳ tới giữa Hoa Kỳ và Nga về hiệp ước mới về kiểm soát vũ khí, thay thế cho hiệp ước New Start sắp hết hiệu lực.
Theo lời Christopher Ford, một quan chức trong bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đặc trách về vấn đề kiểm soát vũ khí, vụ thử nghiệm Matxcơva mà cho tiến hành giữa tháng 7 “làm lộ rõ thái độ giả dối của Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí trong không gian”.
Cùng ngày, tổng thống Donald Trump tuyên bố với đồng nhiệm Vladimir Putin là Nhà Trắng muốn tránh lao vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém với Nga và cả với Trung Quốc. Washington hy vọng nhanh chóng đạt được một thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới với Matxcơva, thay thế cho New Start, được ký kết từ năm 2010, nhưng sẽ hết hiệu lực vào đầu tháng 02/2021.
Tòa Bạch Ốc cảnh báo
Trung Quốc chớ ‘ăn miếng trả miếng’
Tòa Bạch Ốc hôm thứ Sáu kêu gọi Trung Quốc chớ “ăn miếng trả miếng” bằng cách ra lệnh đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô để trả đũa hành động của Washington đóng cửa Tổng lãnh sự quán của Trung Quốc ở thành phố Houston, Texas, hãng tin Reuters đưa tin.
“Hành động của chúng tôi chỉ thị việc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ở Houston được đưa ra để bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin riêng tư của người Mỹ”, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc giaJohn Ullyot nói.
“Chúng tôi hối thúc Đảng Cộng sản Trung Quốc hãy chấm dứt các hành động độc hại đó, thay vì trả đũa Mỹ với các trò ‘ăn miếng trả miếng’.”
Ngoại Trưởng Hoa Kỳ kêu gọi đưa ra cách
tiếp cận quyết đoán hơn đối với Trung Cộng
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Năm (23/7), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng Washington và các đồng minh của họ phải sử dụng “những cách sáng tạo và quyết đoán hơn” để ép Đảng Cộng sản Trung Cộng thay đổi đường lối của họ, đồng thời gọi việc này là “sứ mệnh của thời đại”.
Khi phát biểu tại thự viện Nixon Library – nơi sinh của Tổng thống Richard Nixon tại Yorba Linda, California, ngoại trưởng Pompeo cho biết rằng nỗi lo sợ của cựu tổng thống Hoa Kỳ về hậu quả của việc mở cửa thế giới cho Đảng Cộng sản Trung Cộng vào những năm 1970s đang trở thành hiện thực.
Cựu tổng thống Nixon, người qua đời vào năm 1994 và là tổng thống từ năm 1969-74, mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ với Trung Cộng vào năm 1979 thông qua một loạt các liên hệ, bao gồm chuyến thăm Bắc Kinh vào năm 1972.
Trong một bài phát biểu quan trọng được đưa ra sau khi Washington bất ngờ ra lệnh trong tuần này để yêu cầu Trung Cộng đóng cửa tòa lãnh sự Houston, ngoại trưởng Pompeo kêu gọi chấm dứt “thỏa thuận mù quáng” với Trung Cộng và liên tục nêu lên những cáo buộc của Hoa Kỳ về các hành vi thương mại bất công, vi phạm nhân quyền và các nỗ lực xâm nhập vào Xã hội Hoa Kỳ của quốc gia này. Ông cho rằng quân đội Trung Cộng trở nên “hùng mạnh và mang tính đe dọa hơn” và cách tiếp cận Bắc Kinh phải là “hoài nghi và kiểm soát”, phát triển từ khẩu hiệu “tin tưởng nhưng kiểm soát” của Tổng thống Ronald Reagan về Liên Xô vào những năm 1980s. (BBT)
Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ Thái Bình Dương
muốn đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tại đảo Guam
Tin đảo Guam, Thái Bình Dương – Chỉ huy lực lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã yêu cầu đặt hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Aegis Ashore tại đảo Guam, chỉ vài tuần sau khi chính phủ Nhật hủy kế hoạch xây dựng 2 hệ thống chống hỏa tiễn tại nước này.
Đô Đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, nói rằng ngân sách cho hệ thống phòng thủ hỏa tiễn cần phải được phê chuẩn vào năm 2021, và hệ thống Aegis Ashore phải sẵn sàng hoạt động trong vòng 5 năm tới, nếu Hoa Kỳ vẫn muốn đi trước các tiến bộ kỹ thuật của các đối thủ trong khu vực.
Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí quốc phòng, Đô Đốc Davidson nói ưu tiên hàng đầu của ông hiện nay là tăng cường năng lực phòng không trên đảo Guam. Vị đô đốc thêm rằng hệ thống Aegis Ashore sẽ bổ sung thêm cho hệ thống phòng thủ tầm cao THAAD, hiện đang được đặt tại Guam để bảo vệ căn cứ Không quân Andersen và căn cứ Hải quân Guam tại cảng Apra.
Bắc Hàn vào năm 2017 từng đe dọa rằng các hỏa tiễn của nước này sẽ nhấn chìm đảo Guam trong biển lửa. Tuy nhiên, Đô Đốc Davidson cho rằng, Trung Cộng mới là quốc gia đáng lo ngại hơn, và một dàn phòng thủ 360 độ là cần thiết để bảo vệ đảo Guam trước các nguy cơ trong tương lai.
Theo giới chuyên gia, vị trí địa lý đặc biệt khiến đảo Guam trở thành căn cứ quan trọng của quân đội Hoa Kỳ tại tây Thái Bình Dương, và tất nhiên cũng là mục tiêu cần triệt hạ đối với các đối thủ của Washington, trong trường hợp xảy ra xung đột trong khu vực. (Ngô Bảo)
Quan chức Mỹ quan ngại nạn mổ cướp nội tạng
các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc
Quý Khải
5 học viên Pháp Luân Công – một môn khí công tu dưỡng cả tâm lẫn thân chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn – đã có buổi gặp gỡ với các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 20/7, khi môn tập kỷ niệm năm thứ 21 hứng chịu một chiến dịch đàn áp toàn diện của chính quyền Bắc Kinh.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ông Robert Destro và ông Sam Brownback, đại sứ Hoa Kỳ vì tự do tôn giáo quốc tế, đã tham dự buổi gặp mặt qua điện thoại, đã bày tỏ lo ngại đặc biệt về vấn nạn mổ cướp tạng từ các học viên Pháp Luân Công, theo nội dung cuộc thảo luận được chia sẻ với Thời báo The Epoch Times.
Tháng 6/2019, Tòa án về Trung Quốc – một tòa án độc lập ở Luân Đôn – sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, đã đi đến kết luận rằng việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua “trên một quy mô đáng kể”, và các học viên Pháp Luân Công là nguồn cung nội tạng chính. Nội tạng của nạn nhân sẽ bị cưỡng chế lấy đi để rao bán trên thị trường ghép tạng thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Trong phán quyết cuối cùng vào tháng 3, tòa án cho biết tội ác nhân quyền này vẫn còn đang diễn ra trong thực tế, đồng thời tuyên bố rằng “hành vi không được giám sát này đã khiến nhiều người phải chết một cách khủng khiếp”.
Pháp Luân Công là gì?
Là môn khí công đơn truyền từ cổ xưa, Pháp Luân Công lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992. Những hiệu quả kỳ diệu về sức khỏe và tinh thần của Pháp Luân Công đã khiến môn tập phát triển nhanh chóng lên tới 70-100 triệu học viên tại Trung Quốc, lần lượt theo ước tính của chính phủ và các học viên vào năm 1999.
Các học viên Pháp Luân Công luyện công tập thể tại Quảng Châu năm 1999. (Ảnh: Minghui.org)
Khi thấy số người tập Pháp Luân Công vượt quá 65 triệu đảng viên ĐCSTQ, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước đương thời, Giang Trạch Dân đã phát sinh lòng đố kỵ và coi đây là một mối đe dọa đối với quyền lực tuyệt đối của ông ta. Giang Trạch Dân ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công từ ngày 20/7/1999, dù các thành viên trong Bộ Chính trị khi đó không tán thành việc đàn áp môn tập.
Bất chấp chiến dịch đàn áp và phỉ báng môn tập, Pháp Luân Công vẫn được chào đón trên thế giới và phổ biến ở khắp các châu lục.
Trong số những người tham dự buổi gặp mặt có Tiến sĩ Trương Ngọc Hoa, một học viên Pháp Luân Công đến từ tỉnh Giang Tô, người đã nhiều lần bị cảnh sát bắt giữ và quấy rối vì từ chối từ bỏ đức tin của cô vào môn tập.
Cô Trương, 59 tuổi, trưởng khoa tiếng Nga tại Đại học Sư phạm Nam Kinh, đã trải qua tổng cộng 7,5 năm trong tù trước khi trốn thoát thành công sang Mỹ vào năm 2015.
Cô Trương nhớ lại việc phải đứng nhiều ngày liền bên trong một phòng giam, không được nghỉ ngơi hay ngủ. Cơ thể cô sưng phồng lên vì đau đớn – cơn đau bắt đầu từ phần chân, sau đó lan lên phần tay.
“Không chỉ là một ngày, hai ngày hay một tuần. Họ bắt tôi đứng như vậy cho đến khi gục ngã”, cô chia sẻ với tờ The Epoch Times, đồng thời nói thêm rằng cô dễ dàng bị ngã và ngất đi trong khoảng thời gian này. Thời gian dài nhất mà chính quyền buộc cô phải đứng là hơn 50 ngày.
Chồng của cô Trương, ông Mã Chấn Vũ, đã bị kết án ba năm tù giam vì “lý do duy nhất là gửi sáu bức thư cho các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc” liên quan đến Pháp Luân Công và cuộc đàn áp, theo cô Trương. Cô đã không thể liên lạc với ông kể từ năm 2018. Ông Mã đã ở tù tổng cộng khoảng bảy năm trước thời điểm đó, cô Trương cho biết.
Trong một tuyên bố đưa ra vào ngày 22/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi Đảng Cộng sản Trung Quốc “ngay lập tức chấm dứt việc lạm dụng và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công”, thả các học viên bị giam giữ trái phép, trong đó có chồng của cô Trương, và công bố nơi chốn của những người đang bị mất tích.
“Cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công kéo dài 21 năm qua là quá dài, và nó phải chấm dứt”, ông Pompeo nói.
Năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã gặp gỡ Tiến sĩ Trương Ngọc Hoa tại phòng làm việc của ông ở Nhà Trắng. Khi đó, bà Hoa nói rằng chính phủ Mỹ cần ngăn chặn cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Tổng thống Trump lắng nghe chăm chú chia sẻ của bà Hoa và nói: “Phải, tôi hiểu rồi. Tôi đánh giá cao [chia sẻ của bà]. Cảm ơn bà rất nhiều.”
Video: Tổng thống Trump nói chuyện với học viên Pháp Luân Công về cuộc đàn áp ở Trung Quốc
Theo Minh Huệ – trang thông tin chính thức báo cáo về cuộc đàn áp Pháp Luân Công – hàng triệu học viên đã bị bắt giam phi pháp, hàng trăm ngàn người bị tra tấn và hàng nghìn người qua đời dưới áp lực cự đại.
Cùng ngày, đại sứ Brownback đã viết trên Twitter cá nhân bày tỏ sự chia buồn sâu sắc với các học viên Pháp Luân Công dưới sự đàn áp ở Trung Quốc.
“Bị quấy rối, bắt giam và cầm tù tàn bạo vì đức tin của mình, chúng tôi sát cánh cùng những học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã bị cầm tù suốt 21 năm dưới bàn tay của chính quyền Trung Quốc”, ông viết.
Trong một dòng tweet khác, ông cũng mô tả một cuộc gặp mặt riêng với các học viên Pháp Luân Công là rất “mạnh mẽ”, nói rằng ông “rất ấn tượng trước sự kiên định của các học viên Pháp Luân Công, trong khi bị đe dọa bởi áp lực từ chính phủ Trung Quốc vẫn không từ bỏ niềm tin của mình”.
Hơn 30 nhà lập pháp và quan chức Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố chung lên án cuộc đàn áp kéo dài 21 năm. Một loạt các hỗ trợ từ các quan chức hàng đầu của Mỹ, cô Trương nói, đã giáng “một đòn chí mạng” xuống chính quyền Trung Quốc, vốn từ lâu đã coi Pháp Luân Công là “kẻ địch hàng đầu của họ”.
Lập trường của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy thêm các hành động từ các quốc gia khác để vạch trần các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, cô Trương nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, gọi đây là một “xu hướng không thể ngăn chặn”.
Hơn 600 nhà lập pháp từ 30 quốc gia cũng đã ra tuyên bố chung kêu gọi chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp vô nhân đạo này.
Ngoại trưởng Mỹ: Hoa Kỳ sẽ không dung thứ
Bắc Kinh tiếp tục lũng đoạn trật tự toàn cầu
Quý Khải
Nối tiếp một loạt các bài phát biểu mạnh mẽ lên án Bắc Kinh của các quan chức chính quyền Trump, trong một bài phát biểu rạng sáng nay theo giờ VN (24/7), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc Bắc Kinh tiếp tục lũng đoạn và chiếm lĩnh trật tự toàn cầu, theo CNBC.
“Sự thật là các chính sách của chúng ta và của các quốc gia tự do khác đã vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, để rồi Bắc Kinh quay lại cắn chính những bàn tay đang nuôi dưỡng mình”, ông Pompeo phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California rạng sáng nay.
“Chúng ta đã mở rộng vòng tay với Trung Quốc, chỉ để thấy ĐCSTQ lợi dụng xã hội tự do và cởi mở của chúng ta. Chính quyền này đã gửi các nhà tuyên truyền đến các cuộc họp báo, các trung tâm nghiên cứu, các trường trung học và đại học của chúng ta”, nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ tuyên bố. Ông cũng nói thêm rằng Bắc Kinh đã “chà đạp lên những tài sản trí tuệ đáng trân quý của chúng ta” và “hút chuỗi cung ứng ra khỏi Mỹ”.
Sau đó, vị Ngoại trưởng Mỹ đã chuyển hướng sự chú ý sang gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei, một doanh nghiệp trước đây từng được ông mô tả là một “con ngựa Trojan của tình báo Trung Quốc”.
“Chúng tôi đã ngừng giả vờ Huawei là một doanh nghiệp viễn thông ngây thơ vô tội … chúng tôi đã gọi nó như đúng bản chất của nó – một mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự, và đã có các hành động phù hợp”, ông nói.
Các quan chức Hoa Kỳ từ lâu đã chỉ trích các hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD và gây tổn thất hàng ngàn việc làm. Họ cũng cho biết chính sách này của Bắc Kinh đã đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Tuy vậy, Bắc Kinh khẳng định không trộm cắp tài sản trí tuệ.
Nhận xét của ông Pompeo nối tiếp một loạt các chỉ trích tương tự của Tổng chưởng lý William Barr, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và Giám đốc FBI Christopher Wray.
Trong một bài phát biểu bùng nổ vào tuần trước, ông Barr đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc vi phạm nhân quyền, tiến hành chính sách gián điệp và chiến tranh kinh tế chớp nhoáng.
“Người dân Mỹ, hơn bao giờ hết, đang đối mặt với mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra không chỉ đối với lối sống của chúng ta, mà còn đối với chính cuộc sống và sinh kế của từng người”, ông Barr nói.
Tháng trước, cố vấn an ninh quốc gia O’Brien đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc khi đưa ra danh sách liệt kê một loạt các hành vi phạm tội của Bắc Kinh trước khi đi đến kết luận rằng, “những ngày tháng thụ động và ngây thơ của người dân Mỹ trước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chấm dứt rồi”.
Tương tự, Giám đốc FBI Christopher Wray cũng cho biết chính quyền Trump sẽ không cho phép người Trung Quốc tiếp tục tiến hành các hoạt động gián điệp và tấn công mạng chống lại Hoa Kỳ, vốn đã cấu thành nên “một trong những vụ dịch chuyển của cải [phi pháp] lớn nhất trong lịch sử nhân loại”.
Mối quan hệ tan vỡ giữa Washington và Bắc Kinh, căng thẳng từ cuộc chiến thương mại đang diễn ra, đã tăng cường khi chính quyền Trump thẳng thừng đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch virus corona do tắc trách và giấu dịch tại đại lục, khiến hơn 15 triệu người bị lây nhiễm và hơn 600.000 người thiệt mạng trên toàn cầu. Con số này có thể vẫn cách xa thực tế, nếu xét đến số lượng ca nhiễm và tử vong khá lớn nhưng không được thống kê chính thức do chính sách giấu dịch của Bắc Kinh. Lấy ví dụ, số thuê bao di động ở Trung Quốc đột ngột giảm 21 triệu số trong bối cảnh đại dịch, làm dấy lên nghi vấn về số ca tử vong khổng lồ do Covid-19.
Trong tuần này, trong một động thái leo thang căng thẳng khác, chính phủ Mỹ đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, gọi đây là “một đầu não gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ”. Bắc Kinh đã đáp trả khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô.
Ngoại trưởng Mỹ
kêu gọi gây sức ép buộc Bắc Kinh thay đổi
Lục Du
The Hill đưa tin, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 23/7 kêu gọi xây dựng một liên minh quốc tế để gây áp lực buộc Bắc Kinh phải thay đổi hành vi của mình.
Trong bài phát biểu hôm 23/7 tại Thư viện Richard Nixon ở bang California, ông Pompeo nói rằng Washington phải từ chối mối quan hệ “mù quáng” với Bắc Kinh và tạo điều kiện để giúp người dân Trung Quốc chống lại giới cầm quyền.
“Sự thật là các chính sách của chúng ta – và của các quốc gia tự do khác – đã làm hồi sinh nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, nhưng rồi chỉ thấy Bắc Kinh quay lại lấy oán trả ân”, Ngoại trưởng Mỹ nói.
“Nếu thế giới tự do không thay đổi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì [nó] chắc chắn sẽ thay đổi chúng ta”, ông Pompeo nhận định.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nói rằng chính sách của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc “ngày càng trở nên cứng rắn hơn”, tuy nhiên vẫn cần sự ủng hộ của các quốc gia có cùng chí hướng.
“Chúng ta, các quốc gia tự do trên thế giới, phải tạo ra sự thay đổi trong hành vi [của ĐCSTQ] theo những cách sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi vì hành động của Bắc Kinh đe dọa người dân và sự thịnh vượng của chúng ta”, ông Pompeo nói.
Ngoại trưởng Mỹ cũng trực tiếp chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, gọi nhà lãnh đạo của ĐCSTQ là tín đồ đích thực của chủ nghĩa toàn trị, và là người “dành cho sự chuyên chế”.
Ông Pompeo nói rằng sắp tới Hoa Kỳ sẽ đối phó với Trung Quốc theo nguyên tắc “hoài nghi và cần xác minh”.
“Chúng ta không còn có thể bỏ qua những khác biệt cơ bản về chính trị và ý thức hệ giữa hai quốc gia, giống như ĐCSTQ chưa bao giờ coi chúng ta là bạn”, ông Pompeo nói.
The Hill nhận định, bài phát biểu của ông Pompeo hôm 23/7 là một phần trong chiến lược đối đầu với Bắc Kinh đang được Washington thúc đẩy trong những tuần gần đây.
Căng thẳng Mỹ-Trung trở nên nghiêm trọng hơn trong vài tháng gần đây khi chính quyền Trump nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh che giấu thông tin về dịch Covid-19, đồng thời liên tiếp áp các lệnh trừng phạt đối với các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc về vấn đề Hồng Kông và người Duy Ngô Nhĩ. Mới đây nhất, Washington hôm 21/7 ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Hôm 23/7, ông Pompeo nhắc lại lời của các quan chức Mỹ, cáo buộc lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một ổ gián điệp và trộm cắp.
Mỹ kêu gọi các nền dân chủ toàn cầu
hợp sức chống lại Trung Quốc ‘bạo ngược’
Quý Khải
Trong bài phát biểu rạng sáng nay (24/7) theo giờ VN, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã kêu gọi các nền dân chủ trên thế giới hợp tác để chống lại mối đe dọa đa phương từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông gọi đây là sự lựa chọn giữa “tự do và bạo ngược”.
Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra tại Thư viện Nixon, có tiêu đề “Trung Quốc cộng sản và tương lai của thế giới tự do”, đã mạnh mẽ lên án Bắc Kinh và mối quan hệ mang tính thâm nhập và lợi dụng đối với Mỹ, gần 50 năm sau khi tổng thống Mỹ Richard Nixon mở cửa cho Trung Quốc sau chuyến thăm lịch sử đến Bắc Kinh, theo CNN.
“Chúng tôi, các quốc gia tự do trên thế giới, phải thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi của ĐCSTQ theo những cách thức sáng tạo và quyết liệt hơn trước, bởi vì những hành vi của Bắc Kinh đang đe dọa đến người dân và sự phồn vinh của chúng ta”, ông Pompeo phát biểu.
“Thế giới tự do phải chiến thắng chính quyền chuyên chế bạo ngược mới này”, ông nói, đồng thời mô tả nó như một “nhiệm vụ mang tính thời đại”.
“Chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng, và sự thật này sẽ chỉ dẫn cho chúng ta trong những năm tới và những thập kỷ tới, rằng nếu chúng ta muốn có một thế kỷ 21 tự do, một thế kỷ không thuộc về Trung Quốc và cái gọi là giấc mộng Tập Cận Bình, thì cái mô thức tư duy ôm hôn mù quáng với Trung Quốc sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp”, ông nói. “Chúng ta không thể tiếp tục cách thức tiếp cận như vậy, chúng ta không thể lặp lại thái độ đó”.
Tờ The Epoch Times nhận định, ông Pompeo dường như đã ví cuộc đối đầu Mỹ-Trung như một cuộc Chiến tranh Lạnh thời hiện đại, và nói rằng “việc bảo vệ các quyền tự do của chúng ta trước sự xâm lược của Đảng Cộng sản Trung Quốc là nhiệm vụ mang tính thời đại và nước Mỹ đang ở vị thế hoàn hảo để dẫn đầu trào lưu này”.
Ông Pompeo đã kêu gọi người dân Mỹ và các nước đối tác công nhận ĐCSTQ về bản chất là một chính quyền được kiến lập dựa trên học thuyết Mác-Lênin, và đây là “hệ tư tưởng đã định hình tham vọng bá quyền toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc kéo dài nhiều thập kỷ”. Chính vì vậy, Mỹ cần tiếp cận chính quyền này theo phương thức “không tin rồi kiểm chứng”, thay vì “tin nhưng kiểm chứng” – phương sách của cựu tổng thống Ronald Reagan thời Chiến tranh lạnh áp dụng với Liên Xô.
“Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc Cộng sản là không hành động dựa trên những gì giới lãnh đạo Trung Quốc nói, mà dựa trên cách thức họ hành xử”, ông nhận định.
Bài diễn thuyết của ông Pompeo nối tiếp một loạt phát biểu của các quan chức chính quyền hàng đầu trong những tuần gần đây tiết lộ các hành động thâm hiểm của ĐCSTQ ở Mỹ và trên thế giới. Bài phát biểu của vị ngoại trưởng xuất hiện đúng lúc Washington đang nỗ lực đẩy lùi chính quyền Bắc Kinh trên nhiều lĩnh vực, từ trộm cắp công nghệ, vi phạm nhân quyền cho đến phô diễn sức mạnh quân sự.
Trong tuần, trong một động thái chưa từng có tiền lệ, chính quyền tổng thống Trump đã ra lệnh cho Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston (bang Texas) đóng cửa vào chiều ngày 24/7, khi ông Pompeo cáo buộc cơ sở này là “một đầu não gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ”. Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã xác nhận hôm 23/7 rằng lãnh sự quán San Francisco đang chứa chấp và che giấu một nhà nghiên cứu người Trung Quốc đang bị truy nã; người này bị buộc tội vì không tiết lộ trong đơn xin thị thực rằng cô là thành viên của quân đội Trung Quốc.
Ba công dân Trung Quốc khác gần đây đã bị bắt cũng vì tội gian lận visa, bộ này cho hay.
Bộ Tư pháp cũng đã công bố vào ngày 21/7 một bản cáo trạng chống lại hai tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc tham gia một chiến dịch kéo dài hàng thập kỷ nhằm đánh cắp bí mật thương mại từ các nhà thầu quốc phòng và hàng trăm doanh nghiệp trên toàn cầu – mà gần đây nhất là nỗ lực thu thập các nghiên cứu liên quan đến COVID-19.
Mỹ đã tạo ra một con ngáo ộp
Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với ĐCSTQ từng được coi là một bước đệm thúc đẩy việc Trung Quốc hội nhập với thế giới và trở nên tự do hóa hơn.
Tuy nhiên, hiện trạng sau 4 chục năm lại không như nhiều người kỳ vọng.
“Việc chúng ta mở cửa (với Trung Quốc) không mang đến sự thay đổi mà Tổng thống Nixon mong muốn bên trong Trung Quốc”, ông Pompeo nói.
“Sự thật là các chính sách của chúng ta và của các quốc gia tự do khác đã vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, để rồi Bắc Kinh quay lại cắn chính những bàn tay đang nuôi dưỡng mình”, ông nói.
“Tổng thống Nixon từng nói rằng ông lo sợ mình đã tạo ra một con ngáo ộp bằng cách mở cửa thế giới cho ĐCSTQ. Và giờ hiện trạng là như thế này đây”, vị ngoại trưởng nói thêm.
Tổng thống Nixon là người mở đường cho quan hệ Mỹ – Trung thông qua một loạt các tiếp xúc, bao gồm chuyến thăm lịch sử tới Bắc Kinh năm 1972.
Không phải là một ‘Quốc gia bình thường’
Ông Pompeo cho biết người dân và các quốc gia “phải nói lên sự thật” về ĐCSTQ: “Chúng ta không thể đối đãi với Trung Quốc ngày nay như bất kỳ một quốc gia bình thường nào khác”.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực thương mại, Bắc Kinh “coi các thỏa thuận … quốc tế như những miếng mồi, như những bước đệm cho sự thống trị toàn cầu”, ông nói.
Việc làm ăn với các doanh nghiệp của ĐCSTQ cũng rất khác với các doanh nghiệp thông thường, ông Pompeo lưu ý, nhấn mạnh rằng các công ty này “không cần báo cáo lên các ban ngành liên quan, và nhiều người trong số đó được nhà nước bảo trợ và do đó không cần theo đuổi việc làm ăn có lãi”.
Ông trích dẫn ví dụ về gã khổng lồ viễn thông Huawei. Chính quyền đã gọi công ty này “như đúng bản chất của nó – một mối đe dọa an ninh quốc gia thực sự”, ông nhấn mạnh. Mỹ đã đưa ra mối lo ngại Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có thể bị Bắc Kinh sử dụng cho mục đích gián điệp, bởi lẽ tất cả các công ty Trung Quốc đều chịu sự kiểm soát của Đảng.
“Nếu các công ty của chúng tôi đầu tư vào Trung Quốc, họ có thể vô tình tiếp tay cho những hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo của ĐCSTQ”, ông nói.
Chính quyền tổng thống Trump cho đến nay đã liệt vào danh sách đen hàng chục công ty Trung Quốc hỗ trợ chính quyền Bắc Kinh đàn áp các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực Tân Cương.
Tương tự, ông Pompeo cũng chỉ trích nhiều sinh viên và nhân viên Trung Quốc “đến đây để đánh cắp tài sản trí tuệ và mang nó trở lại đất nước của họ”.
Tổng thống Trump hồi tháng Năm đã tuyên bố cấm nhập cảnh đối với các sinh viên cao học Trung Quốc có liên kết với các tổ chức quân sự của nước này, trong một nỗ lực nhằm chống lại vấn nạn trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ do Bắc Kinh hậu thuẫn.
Thúc đẩy người dân Trung Quốc
Trong một góc bài phát biểu, ông Pompeo nhấn mạnh Mỹ cũng sẽ “thúc đẩy người dân Trung Quốc – những con người năng động, khao khát tự do, mà vốn dĩ hoàn toàn tách biệt với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông nhấn mạnh rằng “lời dối trá lớn nhất” của ĐCSTQ là “họ đại diện cho 1,4 tỷ người dân đang bị giám sát, áp bức và sợ hãi không dám lên tiếng cho bản thân mình”.
“Thực tế lại ngược lại, ĐCSTQ sợ những quan điểm trung thực của người dân Trung Quốc hơn bất kỳ kẻ thù nào khác”, ông Pompeo nói.
Ông chỉ trích chính quyền này đàn áp những tiếng nói đưa ra những quan điểm không phù hợp với Đảng, ví như những người bất đồng chính kiến và những người cảnh báo sớm về virus Vũ Hán (VD: bác sĩ Lý Văn Lượng) trong giai đoạn đầu của đại dịch.
“Trong nhiều thập kỷ, các nhà lãnh đạo của chúng ta (VD: các tổng thống tiền nhiệm) đã phớt lờ, coi nhẹ tiếng nói của những nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc dũng cảm dám đứng lên cảnh báo cho chúng ta biết về bản chất [tà ác] của chính quyền mà chúng ta đang phải đối mặt”, ông nói.
“Chúng ta không thể phớt lờ điều này lâu hơn nữa”.
Ông Pompeo: ĐCSTQ luôn dối trá,
sợ dân nói sự thật hơn bất kỳ kẻ thù nào
Hải Lam
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 23/7 tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh, nói rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn dối trá và sợ người dân nói sự thật hơn bất kỳ kẻ thù nào nước ngoài nào, theo Fox News.
Trong bài phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California hôm 23/7, ông Pompeo mô tả người dân Trung Quốc là đối tượng bị các nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đàn áp. Ngoại trưởng Mỹ nói ĐCSTQ luôn nói dối, và “điều dối trá lớn nhất mà họ nói là họ đại diện cho 1,4 tỷ người dân bị (chính quyền) giám sát, áp bức và sợ hãi không dám lên tiếng”.
“ĐCSTQ sợ người dân Trung Quốc nói sự thật hơn bất kỳ kẻ thù nước ngoài nào”, ông Pompeo nhấn mạnh.
Ông Pompeo cũng đề xuất “một liên minh mới của các nền dân chủ” để chống lại “mưu đồ bá chủ của ĐCSTQ”.
“Chúng ta cũng phải tham gia và hỗ trợ cho người dân Trung Quốc, những con người năng động, yêu tự do, hoàn toàn khác biệt với ĐCSTQ”, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phát biểu.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đặc biệt vinh danh ông Vương Đan, cựu thủ lĩnh phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989 và là người còn sống sót sau vụ thảm sát đẫm máu năm đó, cũng như ông Ngụy Kinh Sinh, một nhà hoạt động dân chủ bị chính quyền Trung Quốc bắt giam 15 năm.
Bài phát biểu hôm 23/7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo có tiêu đề là “Đảng Cộng sản Trung Quốc và tương lai của thế giới tự do”. Đây là lần thứ tư trong một tháng ông Pompeo có bài phát biểu chỉ trích các hành động và tham vọng của Bắc Kinh. Ông cũng kêu gọi các đồng minh cùng Washington phải “có những cách sáng tạo và mạnh mẽ hơn” để buộc Bắc Kinh thay đổi.
Chính quyền Trump đang gia tăng hàng loạt áp lực đối với Bắc Kinh, từ việc bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông, tới các lệnh trừng phạt liên quan đến Hồng Kông và nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, tuyên bố yêu cầu giới chức Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Mới đây nhất, hôm 21/7, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh đóng cửa đại sứ quán Trung Quốc tại Houston “để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ kêu gọi
Ấn Độ giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng
Tin từ NEW DELHI, Ấn Độ – Vào hôm thứ Tư (22/7), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo kêu gọi Ấn Độ tập trung vào chuỗi cung ứng trong nước và giảm sự phụ thuộc vào Trung Cộng đối với các nguồn cung y tế và viễn thông, khi quan hệ của Washington với Bắc Kinh đang suy thoái một cách nghiêm trọng.
Tại hội nghị India Ideas Summit được tiến hành trực tuyến của Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ-Ấn Độ, ngoại trưởng Pompeo cho biết Ấn Độ có cơ hội chuyển “chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Cộng và giảm sự phụ thuộc vào các công ty Trung Cộng trong các lĩnh vực như viễn thông, vật tư y tế và các lĩnh vực khác”. Chính quyền Hoa Kỳ trực tiếp đổ lỗi cho Trung Cộng về đại dịch coronavirus và cáo buộc các công ty Trung Cộng như Huawei Technologies về hành vi gián điệp trực tuyến và tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Cộng. Phía Huawei và Bắc Kinh phủ nhận các cáo buộc này.
Hoa Kỳ cũng kịch liệt chỉ trích luật an ninh quốc gia mới của Trung Cộng đối với thuộc địa cũ Hồng Kông của Anh Quốc. Hoa Kỳ yêu cầu Trung Cộng đóng cửa tòa lãnh sự ở Houston trong một đợt suy thoái nghiêm trọng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa các cáo buộc gián điệp Trung Cộng.
Quan hệ của Ấn Độ với Trung Cộng trở nên căng thẳng sau cuộc đụng độ biên giới ở dãy Himalaya vào tháng trước, trong đó 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Ông Pompeo cáo buộc Trung Cộng khởi xướng cuộc xung đột. Phía Bắc Kinh cũng phủ nhận cáo buộc này. (BBT)
‘Tứ giác kim cương’ tập trận trên biển,
gởi thông điệp cứng tới TQ
Sau cuộc tập trận ở Biển Đông, hai tàu sân bay Mỹ chia thành hai hướng để phối hợp tập trận với Úc, Nhật Bản và Ấn Độ – những nước nằm trong ý tưởng ‘Tứ giác kim cương’ kềm tỏa Trung Quốc.
Nhóm tàu chiến Mỹ, Úc và Nhật Bản diễn tập trên biển Philippines ngày 21-7.
Hải quân Mỹ ngày 21-7 xác nhận nhóm tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz đang tiến hành diễn tập trên cả Ấn Độ Dương và biển Philippines cùng các tàu chiến của Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.
Sau khi rời Biển Đông, USS Nimitz đã tiến về phía tây, băng qua vùng biển gần Singapore hồi cuối tuần trước và tiến hành tập trận bắn đạn thật với hải quân Ấn Độ.
Thông cáo của hải quân Mỹ cho biết nhóm tàu sân bay Mỹ đã diễn tập di chuyển theo đội hình với 4 tàu chiến Ấn Độ trên Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, dựa trên hình ảnh được Mỹ công bố, có thể thấy có cả hoạt động bắn đạn thật trong thời gian diễn tập.
Một số nhà quan sát quân sự và phân tích nguồn tình báo mở cho biết dựa trên hướng di chuyển của các tàu chiến, vị trí cuộc tập trận Mỹ – Ấn có thể nằm trên vùng biển giữa quần đảo Nicobar của Ấn Độ và đảo Sumatra của Indonesia.
Đây là vùng biển chiến lược, nằm án ngữ tuyến đường tiến vào eo biển Malacca – cửa ngõ tiến vào Biển Đông từ phía tây. Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy nhóm tàu Nimitz, tiết lộ diễn tập phòng không nằm trong các hoạt động diễn tập nhằm tăng cường khả năng phối hợp với Ấn Độ.
Nhà phân tích Derek Grossman (Mỹ) khẳng định với tạp chí Nikkei Asian Review rằng đối tượng mà Mỹ và Ấn Độ hướng tới khi tập trận tại khu vực trên là Trung Quốc.
“Rõ ràng là vậy, vì chẳng lẽ tập trận phòng không để chống cướp biển hay khủng bố trong khu vực?”, ông Grossman lập luận.
Trong lúc đó, tại biển Philippines, nhóm tàu sân bay Ronald Reagan đã có màn phô diễn sức mạnh cùng với tàu chiến Úc và Nhật Bản. Phía Úc đã cử 5 tàu chiến, trong đó có tàu đổ bộ trực thăng HMAS Canberra diễn tập cùng với 3 tuần dương hạm và khu trục hạm của Mỹ, Nhật Bản.
Theo thông cáo ngày 21-7 của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), trước khi tiến ra biển Philippines, tàu khu trục JS Teruzuki của lực lượng này đã diễn tập chung với nhóm tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục các hoạt động huấn luyện và diễn tập chung với các quốc gia khác, ngay cả trong đại dịch COVID-19 để hướng tới một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở”, JMSDF nhấn mạnh trong thông cáo.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Shivalik của Ấn Độ diễn tập với trực thăng của hải quân Mỹ trên Ấn Độ Dương. Có thể thấy tàu thương mại di chuyển đằng xa.
Được biết đây là diễn tập hải quân đa phương đầu tiên trong năm nay của Nhật Bản. Các tàu huấn luyện của JMSDF hồi tháng 5 đã tiến hành huấn luyện chung với tàu chiến Mỹ trên Biển Đông.
Như vậy, cả bốn nước thuộc sáng kiến Tứ giác kim cương đều đang phô trương sức mạnh gần khu vực Biển Đông – nơi Trung Quốc đưa ra các yêu sách phi pháp. Bắc Kinh đã luôn phản đối “Tứ giác kim cương” và cho rằng đây là một tập hợp các nước chống lại mình.
Giới phân tích đang trông chờ một cuộc tập trận 4 bên gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc vào cuối năm nay. Một số thông tin cho hay Ấn Độ sẽ mời Úc tham gia tập trận hải quân Malabar cùng hai nước đã liên tục góp mặt là Mỹ và Nhật Bản.
Căng thẳng với Trung Quốc đã đẩy Ấn Độ và Úc xích lại gần nhau trong thời gian gần đây, đánh dấu bằng các thỏa thuận hồi tháng 6 cho phép hai bên sử dụng các căn cứ quân sự của nhau.
Nghị sĩ Mỹ trình dự luật ngăn ‘bá quyền’ TQ
Các nghị sĩ Cộng hòa đã lập luận trong dự luật rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là trở thành “cường quốc dẫn đầu thế giới”. Nhưng trước khi làm điều này, Bắc Kinh sẽ sử dụng quân đội để trở thành “bá quyền Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, thượng nghị sĩ Jim Risch
Dự luật, với tên viết tắt STRATEGIC – nghĩa là Chiến lược – sẽ tăng cường mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh khu vực trong các lĩnh vực thương mại, công nghệ và thúc đẩy những sáng kiến khác về kinh tế, địa chính trị để kiềm chế Trung Quốc.
Khả năng cao dự luật này sẽ được thông qua dễ dàng tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ trước khi tiến ra thảo luận tại trước toàn thượng viện. Chủ tịch ủy ban, thượng nghị sĩ Jim Risch là một trong bốn nghị sĩ công khai bảo trợ dự luật. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa khác đứng sau dự luật là Mitt Romney, Cory Gardner và Todd Young.
Ông Risch nhấn mạnh đây là dự luật sẽ tạo sức mạnh toàn diện và dài hơi cho Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc. Ông kêu gọi thúc đẩy sự hợp tác lưỡng đảng vì mục tiêu chung là các hành vi xấu của Bắc Kinh gây hại cho Washington.
Theo trang web của Thượng viện Mỹ, một số nội dung chính của dự luật sẽ giải quyết “các tập quán kinh tế xấu xí của Trung Quốc”, trong đó có hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Mỹ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng minh và đối tác, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ để cạnh tranh với Trung Quốc.
Dự luật cũng dành một phần đáng kể để nói về khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục củng cố lực lượng tại khu vực vừa để bảo vệ lợi ích cho chính mình và các đồng minh, đối tác.
Theo các nghị sĩ Mỹ, Trung Quốc đang đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội để “tương xứng với vị thế quốc tế của nước này”. Tuy nhiên, đích đến cuối cùng là cho phép Bắc Kinh “áp đặt ý chí của họ lên khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thông qua đe dọa sử dụng lực lượng quân đội”.
“Mục tiêu của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đầu tiên là trở thành bá quyền ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sử dụng vị trí thống trị đó làm bàn đạp cho tham vọng trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới”, một đoạn trong dự luật cáo buộc.
“Trung Quốc đang đặt ra phép thử cho Mỹ ở mức độ chưa có quốc gia nào làm được. Hành động của Trung Quốc thách thức các giá trị của nước Mỹ, gây hại cho lợi ích của nước Mỹ và nếu một ngày nào đó Trung Quốc dẫn dắt thế giới, họ sẽ thách thức cách chúng ta sống”, thượng nghị sĩ Young cảnh báo khi đệ trình dự luật.
Tổng Thống Trump hủy bỏ việc tổ chức
Đại Hội Đảng Cộng Hòa tại Jacksonville, Florida
vì mức lây nhiễm coronavirus gia tăng
Vào hôm thứ Năm, ngày 23 tháng 07, 2020, trong buổi họp báo, Tổng thống Trump cho biết ông quyết định hủy bỏ việc tổ chức đại hội đảng cộng hòa dự kiến được tổ chức tại thành phố Jacksonville, Florida vào tháng 08 vì lý do lây nhiễm coronavirus đang gia tăng. Đây là một phần của các chuỗi hội nghị do đảng Cộng Hòa tổ chức trước cuộc bầu cử tháng 11.
Tổng thống Trump cho biết ông vẫn sẽ có bài diễn văn nhận sự đề cử của đảng Cộng Hòa trong vai trò là ứng cử viên tổng thống, nhưng ở một hình thức khác. Tuy nhiên, tổng thốngTrump không đưa ra thêm chi tiết. (BBT)
Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua dự luật ngân sách
quốc phòng 740 tỷ Mỹ kim, và đồng ý đổi
tên của các tướng Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ
tại các căn cứ quân sự
Tin từ Washington – Vào hôm thứ Năm (23 tháng 7), Thượng viện Hoa Kỳ thông qua Dự luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA ) – phiên bản thượng viện. Đây là một dự luật 740 tỷ Mỹ kim nhằm thiết lập chính sách cho Ngũ Giác Đài, mà tổng thống Trump dọa sẽ phủ quyết vì một điều khoản loại bỏ tên Liên minh miền nam Hoa Kỳ ở các căn cứ quân sự.
Trước đó trong tuần, Hạ viện Hoa Kỳ cũng thông qua NDAA của riêng họ và cũng giống Thượng viện, dự luật của Hạ viện của bao gồm một điều khoản đổi tên các cơ sở quân sự được đặt trên theo các vị tướng của phe ủng hộ chế độ nô lệ trong Nội chiến 155 năm trước.
Gần đây, các bức tượng và tên căn cứ quân sự tri ân Liên minh miền nam Hoa Kỳ, những người chủ sở hữu nô lệ, đang ngày càng bị soi xét trong bối cảnh các cuộc biểu tình phản đối sự bất công chủng tộc bắt nguồn từ cái chết của anh George Floyd dưới tay của một cảnh sát da trắng. Giờ đây, khi cả Hạ viện và Thượng viện đều đã thông qua các phiên bản của dự luật, các nhà đàm phán quốc hội sẽ họp để đưa ra phiên bản NDAA cuối cùng và thống nhất. Quá trình này có thể mất vài tháng. Cả Thượng viện và Hạ viện phải thống nhất với nhau trong bản dự luật trước khi nó được gửi đến bàn tổng thống Trump để ông ký thông qua hoặc phủ quyết.
Yêu cầu đổi tên cơ sở quân sự có khả năng được giữ lại trong quá trình đàm phán do được cả hai viện thông qua. Ngay cả Thượng viện cũng kêu gọi tổng thống từ bỏ đe dọa phủ quyết điều này. Một điểm khác biệt giữa các dự luật của hai bên là cách họ đối phó với kế hoạch rút quân đội Hoa Kỳ khỏi Đức của tổng thống Trump.
Các lãnh đạo Thượng viện không cho phép bỏ phiếu cho sửa đổi nhằm ngăn chặn kế hoạch của tổng thống, trong khi Hạ viện bao gồm một điều khoản sẽ ngăn việc rút quân Hoa Kỳ khỏi Đức hay bất kỳ nơi nào ở Châu Âu trừ khi lãnh đạo quân sự xác nhận việc rút quân không ảnh hưởng đến an ninh của Hoa Kỳ và các đồng minh. Với số phiếu thông qua trên 2/3 ở cả hai viện, quốc hội có khả năng hủy bỏ chữ ký phủ quyết của tổng thống Trump nếu như ông ký phủ quyết dự luật này. (BBT)
Mỹ bắt giữ ba công dân Trung Quốc vì gian lận visa
Hoa Kỳ đã buộc tội gian lận visa đối với bốn công dân Trung Quốc – những người bị cáo buộc nói dối về tư cách thành viên các lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ba người đã bị bắt trong khi FBI đang truy bắt người thứ tư, được cho là đang trốn ở lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco của Trung Quốc.
Các đặc vụ FBI cũng đã thẩm vấn người ở 25 thành phố của Hoa Kỳ có “mối quan hệ không được công bố” với quân đội Trung Quốc.
Các công tố viên cho biết đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc để đưa các nhà khoa học quân sự đến Mỹ.
Các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã nộp đơn xin thị thực nghiên cứu trong khi che giấu “mối liên hệ thực sự” của họ với quân đội, luật sư của bộ tư pháp Hoa Kỳ John C Demers cho biết trong một thông cáo báo chí.
“Đây là một phần khác trong kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm tận dụng xã hội mở của chúng tôi và khai thác các tổ chức học thuật.”
Các vụ bắt giữ được đưa ra sau khi Mỹ tuyên bố một nhà khoa học Trung Quốc đã trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco và một ngày sau khi các quan chức Mỹ ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston do cho rằng họ đánh cắp tài sản trí tuệ.
Hôm thứ Năm – trước khi các vụ bắt giữ được tuyên bố – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã mô tả các cáo buộc của Hoa Kỳ là “sự vu khống độc ác” và nói rằng Trung Quốc “cần phải phản ứng và bảo vệ các quyền hợp pháp của mình”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc trong những tháng gần đây, về thương mại, đại dịch virus corona và luật an ninh mới của Hong Kong.
Vài giờ sau khi các cáo buộc được công bố, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã tố cáo một “chế độ chuyên chế mới” từ Trung Quốc.
Phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California, ông Pompeo kêu gọi “mọi nhà lãnh đạo của mọi quốc gia” hãy phản kháng lại Trung Quốc, rằng việc đảm bảo các quyền tự do trước Đảng Cộng sản Trung Quốc là “sứ mệnh của thời đại chúng ta”.
Các cáo buộc nói gì?
Bốn cá nhân bị buộc tội gian lận visa là Wang Xin, Song Chen, Zhao Kaikai và Tang Juan. Bà Tang được cho là đang trốn ở lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Cả bốn người này được cho là đã nói dối về mối liên hệ của họ với quân đội Trung Quốc (PLA). Họ đã nói rằng họ chưa từng phục vụ trong quân đội hoặc không còn phục vụ.
Wang Xin bị bắt vào ngày 7/6 sau khi bị thẩm vấn bởi các nhân viên của Cơ quan Hải quan và Biên phòng tại Sân bay Quốc tế Los Angeles. Ông này tiết lộ rằng ông vẫn là thành viên PLA, và làm việc tại một phòng thí nghiệm của trường đại học quân sự, thông cáo của bộ tư pháp cho biết. Nhưng trên thị thực thì ghi rằng ông ta đã rời quân đội vào năm 2016.
Song Chen và Zhao Kaikai đều bị bắt vào ngày 18/7.
Cả bốn công dân Trung Quốc bị buộc tội đều đang phục vụ trong quân đội vũ trang Trung Quốc
Các công tố viên cho rằng bà Song tự xưng là nhà thần kinh học đã rời lực lượng vũ trang nhưng thực tế vẫn làm việc với các bệnh viện của lực lượng Không quân ở Trung Quốc. Trong khi Zhao Kaikai tuyên bố chưa từng phục vụ trong quân đội nhưng thực tế là một thành viên của một tổ chức nghiên cứu hàng đầu của quân đội Trung Quốc.
Bà Tang được cho là thành viên của lực lượng không quân Trung Quốc (PLAAF). Một điệp viên đã tìm thấy những bức ảnh của bà trong bộ quân phục và bằng chứng cho thấy bà làm việc tại một trường đại học y tế không quân.
Bà Trang cũng bị cáo buộc đã viết trên đơn xin thị thực rằng bà chưa bao giờ tham gia quân đội.
Các nhân viên FBI cũng đã thẩm vấn người ở 25 thành phố của Hoa Kỳ có “mối quan hệ không công bố” với quân đội Trung Quốc, bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho hay.
Điều gì đang xảy ra tại lãnh sự quán Trung Quốc?
Các vụ bắt giữ diễn ra hai ngày sau khi lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston bị kiểm tra.
Cảnh quay cho thấy người ta ném những gì dường như là giấy vào thùng lửa. Các dịch vụ khẩn cấp đã được gọi đến tòa nhà nhưng cảnh sát Houston nói rằng họ không được phép vào trong.
Hôm thứ Tư, chính quyền Mỹ đã cho Trung Quốc 72 giờ để đóng cửa lãnh sự quán “để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và thông tin cá nhân của người Mỹ”.
Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một trong năm lãnh sự quán ở Mỹ, không kể đại sứ quán ở Washington. Trung Quốc mô tả việc đóng cửa này là một “sự khiêu khích chính trị”.
Điều gì gây căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ?
Có một số điểm mâu thuẫn chính giữa Bắc Kinh và Washington. Một số điểm mâu thuẫn nghiêm trọng nhất là:
Virus corona: Tổng thống Trump đã nhiều lần gọi Covid-19 là “virus Trung Quốc”, và cáo buộc nó có nguồn gốc từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc, mặc dù các nhân viên tình báo của chính ông nói rằng virus corona “không phải là nhân tạo”. Đáp lại, các quan chức Trung Quốc cho rằng, dù không có bằng chứng, Covid-19 có thể có nguồn gốc từ Mỹ
Thương mại: Ông Trump từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện giao dịch không công bằng và trộm cắp tài sản trí tuệ. Kết quả là Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào cuộc chiến thuế quan ăn miếng trả miếng từ năm 2018
Hong Kong: Việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia mới tại Hong Kong vào tháng Sáu đã khiến Mỹ hủy bỏ chế độ ưu đãi kinh tế dành cho thành phố này. Bắc Kinh đã cáo buộc Mỹ “can thiệp thô bạo” vào các vấn đề nội bộ, và thề rằng sẽ trả đũa Mỹ
Biển Đông: Hai nước cũng đã xung đột về việc Bắc Kinh yêu sách chủ quyền với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trong vùng biển đang tranh chấp, mà ông Pompeo gọi đây là một “chiến dịch bắt nạt”.
FBI thẩm vấn những người tình nghi làm việc
cho quân đội Trung Quốc đang có mặt tại Mỹ
FBI thẩm vấn những người được cấp thị thực đang có mặt tại hơn hai chục thành phố của Mỹ tình nghi là thành viên bí mật của quân đội Trung Quốc, Bộ Tư pháp cho hay ngày 23/7.
Bộ cho biết đã bắt giữ ba công dân Trung Quốc vì gian lận visa, còn một người thứ tư đang ẩn náu trong tòa lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco. Hoa Kỳ tin là bốn người này là thành viên quân đội Trung Quốc giả danh là nhà nghiên cứu.
“Trong những cuộc thẩm vấn với các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại hơn 25 thành phố trên toàn nước Mỹ, FBI phát hiện nỗ lực có phối hợp che giấu mối liên hệ thực sự của họ để lợi dụng nước Mỹ và nhân dân Mỹ,” ông John Brown, phụ tá giám đốc điều hành nhánh an ninh quốc gia của FBI, cho biết.
Tài liệu đệ lên tòa án cho thấy FBI tin rằng tòa lãnh sự Trung Quốc ở San Francisco đang chứa chấp một người trốn tránh lực lượng chấp pháp Mỹ kể từ tháng 6 năm nay. Cơ quan thi hành công lực Mỹ không được vào tòa đại sứ hay lãnh sự nước ngoài trừ khi được mời, và một vài giới chức cao cấp như đại sứ được đặc quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao.
Mặc TQ giận dữ, Mỹ nói đóng lãnh sự quán TQ
để ‘bảo vệ tài sản trí tuệ’
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ chỉ đạo đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, bang Texas để bảo vệ tài sản trí tuệ của Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ.
Ngày 22-7, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng xác nhận việc Washington đã ra lệnh đóng cửa tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston, bang Texas sau khi thông tin này rộ lên trên mạng xã hội và được phía Trung Quốc công bố.
“Chúng tôi đã chỉ đạo đóng cửa tổng lãnh sự quán của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Houston để bảo vệ tài sản trí tuệ của người Mỹ và các thông tin cá nhân của người Mỹ”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus giải thích.
Trước đó, Trung Quốc tuyên bố động thái của Mỹ là “sự leo thang chưa từng có” trong số các hoạt động chống Trung Quốc gần đây và cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ không chịu rút lại quyết định này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay chính phủ Mỹ đã đột ngột yêu cầu Trung Quốc “dừng mọi hoạt động và sự kiện” tại tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Houston.
Họ nói rằng đây là “sự khiêu khích chính trị đơn phương của phía Mỹ, vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, các chuẩn mực cơ bản liên quan quan hệ quốc tế, và thỏa thuận lãnh sự song phương Trung – Mỹ”.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể gần đây trên nhiều mặt trận, từ thương mại, đại dịch COVID-19, hay việc Mỹ chỉ trích các hoạt động liên quan quyền con người của Bắc Kinh ở Hong Kong và Tân Cương…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus nói rằng theo Công ước Vienna, các nhà ngoại giao phải “tôn trọng các luật và quy định của quốc gia tiếp nhận” và “có nghĩa vụ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của quốc gia đó”.
“Mỹ sẽ không chấp nhận việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (PRC) vi phạm chủ quyền của chúng tôi và dọa dẫm người dân của chúng tôi.
Chúng tôi cũng không chấp nhận các hành vi thương mại không công bằng của PRC và việc đánh cắp việc làm của người Mỹ cùng các hành vi quá mức khác. Tổng thống Trump đã nhấn mạnh sự công bằng và có qua có lại trong quan hệ Mỹ – Trung”, bà Ortagus nói.
Tổng lãnh sự TQ nói gì sau lệnh đóng cửa của Mỹ?
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ nói rằng ông bị sốc khi chiều 21.7 nhận tin rằng Bộ Ngoại giao Mỹ buộc đóng cửa sứ quán vào ngày 24.7.
Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston Thái Vĩ trong cuộc trả lời phỏng vấn với ABC13 ngày 22.7
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh ABC13 ngày 22.7, ông Thái cho hay: “Khá bất ngờ…Chúng tôi không ngờ bị đối xử như thế này và chúng tôi đến đây vì tình hữu nghị vì sự hiểu biết lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Việc chính phủ Mỹ ra lệnh Trung Quốc phải đóng cửa tổng lãnh sứ quán của nước này ở Houston (bang Texas), khiến Bắc Kinh nổi giận và buộc nhân sự trong tổng lãnh sự quán phải khẩn cấp đốt tài liệu trong khuôn viên tòa nhà.
Ông Thái không tranh cãi về việc đốt tài liệu, gọi hành động đó là “bình thường” vì các nhân viên ngoại giao của những nước khác thường đốt tài liệu nội bộ của họ trước khi rời khỏi một cơ sở ngoại giao ở nước ngoài.
Ông Thái còn nói rằng việc Mỹ ra lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston “đang gây thiệt hại” và “đây là điều chưa có tiền lệ kể từ năm 1979”, khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
Khi được hỏi về thông tin sứ quán bị đóng cửa vì Bộ Ngoại giao Mỹ quan ngại về hoạt động gián điệp kinh tế hoặc do thám bí mật kinh tế của Mỹ, ông Thái gọi cáo buộc đó là những lời nói dối.
ABC13 cũng hỏi Tổng lãnh sự Thái về thông tin The News York Times rằng sứ quán ở Houston bị cáo buộc làm giả giấy tờ hoặc làm vài việc không phù hợp trong thời gian gần đây tại chốt kiểm tra an ninh ở Sân bay quốc tế George Bush. Ông Thái trả lời rằng ông và nhân viên sứ quán chỉ hộ tống vài sinh viên Trung Quốc lên máy bay được thuê trọn chuyến để về nước. Ông bác bỏ cáo buộc làm giả tài liệu.
Đóng tòa lãnh sự ở Houston :
Trump đánh mạnh Trung Quốc để phục vụ tranh cử?
Thu Hằng
Chính quyền Mỹ quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và nhân viên Trung Quốc có 72 tiếng để rời khỏi Hoa Kỳ với hạn chót là vào 16 giờ (giờ địa phương) ngày 24/07/2020. Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất trong loạt biện pháp nhắm vào Bắc Kinh được Washington dồn dập đưa ra từ ngày 14/07.
Lãnh sự Trung Quốc ở Houston có thể chỉ là bước đầu và tổng thống Donald Trump cho rằng « có thể » đóng cửa nhiều cơ quan ngoại giao khác của Trung Quốc trên lãnh thổ Mỹ. Quyết định chưa từng
có này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đang ở mức xấu nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979.
Thông tín viên RFI Thomas Harms tường trình từ Houston :
« Từ tối thứ Ba 21/07, nhân viên của lãnh sự Trung Quốc ở Houston biết là phải ra đi. Rất nhiều tài liệu đã bị đốt ở sân sau của trụ sở mà không hề bị che giấu trước ánh mắt theo dõi của người dân sống trong những tòa tháp cao hơn cả tòa lãnh sự. Thế là thông tin nhanh chóng được lan truyền trên mạng xã hội và phương tiện truyền thông trên khắp thế giới.
Theo ông Marco Rubio, thành viên Ủy ban Đối ngoại Thượng Viện, việc đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston đã được chờ đợi từ rất lâu. Ông nói : « Tòa lãnh sự này là trung tâm của cả một mạng lưới tình báo rộng lớn : Tình báo thương mại, tình báo quốc phòng và đã đến lúc phải đóng cửa cơ quan ngoại giao này ».
Trong một thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ nêu rõ « Hoa Kỳ không dung thứ những vụ vi phạm của Trung Quốc, những biện pháp giao thương bất hợp pháp, đánh cắp việc làm của người Mỹ » và việc đóng cửa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là nhằm « bảo vệ sở hữu trí tuệ Mỹ ».
Đang thăm Đan Mạch, ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh : « Tổng thống Trump đã nói là « Đủ rồi ! ». Chúng tôi sẽ không chấp nhận việc này tiếp diễn. Chúng tôi sẽ có những biện pháp để bảo vệ người dân Mỹ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ nền kinh tế và công ăn việc làm của Hoa Kỳ ».
Nhân viên của lãnh sự Trung Quốc ở thành phố lớn thứ tư của Mỹ phải dọn sạch tòa nhà và rời khỏi Hoa Kỳ trước chiều thứ Sáu 24/07, nếu không họ sẽ bị bắt vì tội làm gián điệp ».
Ổ gián điệp dưới vỏ bọc ngoại giao ?
Một quyết định bất ngờ và nghiêm trọng như vậy hẳn phải được cân nhắc rất kỹ vì, theo bà Molly Montgomery, nguyên là một nhà ngoại giao và hiện là nhà nghiên cứu của Brookings Institution, « bộ Ngoại Giao Mỹ không thể xem nhẹ một quyết định như vậy vì điều đó gần như chắc chắn kéo theo việc đóng cửa một trong những lãnh sự của Mỹ » ở Trung Quốc. Và đúng như thế, ngày 24/07, Trung Quốc thông báo đóng cửa toà lãnh Mỹ ở Thành Đô (Chengdu).
Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc « tiến hành hàng loạt chiến dịch bất hợp pháp mở rộng ảnh hưởng và gián điệp trên lãnh thổ Mỹ ». Cụ thể, theo David Stilwell, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương, được South China Morning Post trích dẫn, quân đội Trung Quốc « cử sinh viên, chính thức hoặc không chính thức, theo học tại các trường đại học Mỹ để giúp Bắc Kinh đẩy mạnh ưu thế quân sự trên thế giới. Và lãnh sự quán ở Houston là đầu não của mọi hoạt động này ».
Vẫn vị quan chức của bộ ngoại Giao Hoa Kỳ, khi trả lời New York Times cho biết tổng lãnh sự Trung Quốc tại Houston, ông Cai Wei, từng bị kiểm tra ở sân bay Houston sử dụng giấy tờ tùy thân giả vào cuối tháng 05/2020 khi đang tiễn nhiều công dân Trung Quốc lên các chuyến bay riêng về nước.
Cục điều tra liên bang (FBI) cũng để mắt đến lãnh sự quán này trong khuôn khổ nhiều cuộc điều tra. Các nhà ngoại giao Trung Quốc bị tình nghi lén lút gửi về nước nhiều tài liệu nghiên cứu thu thập được từ các phòng nghiên cứu trong vùng và gây áp lực với nhiều công dân Trung Quốc đang sống ở Mỹ mà Bắc Kinh muốn ép họ về nước.
Vào đầu tháng Bẩy, giám đốc FBI Christopher Wray thống kê « mức tăng 1.300% hồ sơ gián điệp kinh tế liên quan đến Trung Quốc » trong vòng 10 năm gần đây và hiện tại, « cứ 10 tiếng, Cục điều tra liên bang lại phải tiến hành điều tra phản gián liên quan đến Trung Quốc ». Đối với ông Christopher Wray « đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất trong dài hạn » cho an ninh của Hoa Kỳ.
Đánh lãnh sự Trung Quốc ở Houston để phục vụ tranh cử ?
Houston được cho là có vị trí chiến lược, nơi có một chi nhánh của Cơ quan Không gian Mỹ NASA và nằm giữa vùng dầu mỏ của Mỹ. Trả lời thư điện tử của France 24, Bill Hayton, chuyên gia về lĩnh vực năng lượng tại châu Á của Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh Chatham House ở Luân Đôn, cho rằng một trong những nhiệm vụ của phái bộ Trung Quốc ở bang Texas là « theo dõi những dự án của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực năng lượng có thể khiến Bắc Kinh quan tâm ». Chính lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston « từ năm 2006 đế 2009, đã gây sức ép đối với các công ty khai thác dầu khí Mỹ hoạt động trong vùng Biển Đông, trong đó có công ty Hunt Oil và Pogo ».
Chừng đó hành động có thể bị xem là thù nghịch, nhưng không đủ chứng cứ rõ ràng để kết luận rằng lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một trung tâm tình báo « Made in China », theo Danny Russel, người từng phụ trách vấn đề Đông Bắc Á-Thái Bình Dương tại bộ Ngoại Giao Mỹ cho đến năm 2017, khi trả lời đài CNN. Nếu thực sự chỉ hạn chế ở quy mô đánh cắp công nghệ, thì « có lẽ Hoa Kỳ nên đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco, chuyên phụ trách tất cả những gì liên quan đến Silicon Valley », theo Jeff Moon, một cựu đại diện Mỹ về thương mại với Trung Quốc.
Trả lời đài CNN, Jeff Moon cho rằng quyết định của tổng thống Donald Trump liên quan đến chính sách đối nội nhiều hơn là tình báo. Lãnh sự ở Houston bị nhắm đến vì nằm trong bang Texas, một bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo và là nơi mà chủ nhân Nhà Trắng có lợi thế hơn đối thủ Dân Chủ Joe Biden trong các cuộc thăm dò. Trang Vox cho rằng đây là cách để tổng thống Mỹ làm thỏa mãn và vận động lực lượng cử tri của ông « luôn yêu cầu trừng phạt Trung Quốc nhiều hơn nữa ».
Hệ thống quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung quy định mỗi phái bộ ở nước này có phái bộ tương đương ở nước kia. Sau khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, ban đầu có người cho rằng phía Mỹ có thể sẽ phải đóng cơ quan đại diện ngoại giao ở… Vũ Hán, nơi xuất phát dịch Covid-19. Thế nhưng, Bắc Kinh đã cao tay hơn khi quyết định đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Đây có thể là một đòn ngoại giao nặng nề cho Washington, vì tòa lãnh sự này xử lý tất cả những vấn đề liên quan đến Tây Tạng.
(Theo RFI, France 24, AFP)
Người Việt tại Houston nghĩ gì
về việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc?
Người gốc Việt tại thành phố Houston, Texas chia sẻ cảm xúc và nhận định của họ với VOA về việc chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng Lãnh sự quán ở thành phố này trước ngày 24/7.
Chiều ngày 23/7, ông Đỗ Tĩnh, Chủ tịch Hội đồng Giám sát Cộng đồng Người Việt Quốc gia ở Houton, người chứng kiến một số hành động mà ông cho là các nhân viên Tổng lãnh sự quán Trung Quốc thu dọn và rời đi sáng ngày 22/7, nói với VOA.
“Sáng hôm 22/7, nhiều phóng viên báo đài của Mỹ đến đó nhưng bị đuổi đi. Tôi có mặt ở đó từ sáng đến 1 giờ 30 trưa. Tôi có dịp quan sát tình hình ở đó. Khoảng 10 giờ 30 -11 giờ các nhân viên lên một chiếc xe van và rời đi. Các giấy tờ, tài liệu mà họ đốt trước vẫn còn mùi nồng nặc”.
Ông Đỗ Tĩnh, người thường vận động và tổ chức các cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông ngay trước Tổng Lãnh sự này, chia sẻ thêm:
Ông Đỗ Tĩnh, người thường vận động và tổ chức các cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông ngay trước Tổng Lãnh sự này, chia sẻ thêm:
“Hành động xâm chiếm lãnh hải Việt Nam của chính quyền Trung Quốc gây sự phẫn nộ trong cộng đồng người Việt ở Houston. Ngay những khi chúng tôi nhận được tin tức Trung Quốc gây hấn trên Biển Đông thì cộng đồng chúng tôi sẵn sàng thực hiện các cuộc biểu tình lớn tại đây.”
Hôm 21/7, Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc trong 72 giờ phải đóng cửa Tổng Lãnh sự quán ở Houston, với lý do là để “bảo vệ tài sản trí tuệ và thông tin cá nhân của người Mỹ”, một động thái khiến Trung Quốc lập tức đưa ra đe doạ trả đũa.
Bà Liên Nguyễn, một cư dân ở thành phố Houston, nêu nhận định với VOA:
“Cảm xúc của tôi là rất vui. Tôi nghĩ Hoa Kỳ có lý do mới đưa ra quyết định đóng cửa trong 72 giờ như vậy. Chắc chắn là phải có bằng chứng gì đó mạnh mẽ và chắc chắn nên mới đưa ra lệnh này. Tôi vui vì điều này dạy cho chính quyền Trung Quốc biết rằng họ không phải muốn làm gì là làm.”
“Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố đó là một ổ gián điệp. Tôi nghĩ cho đến nay chính quyền Mỹ đã có nhiều bằng chứng về tội phạm của Trung Quốc, điều mà họ không thể bỏ qua. Rất mừng mà Hoa Kỳ vạch ra được bộ mặt xấu xa của Trung Quốc”.
“Chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố đó là một ổ gián điệp. Tôi nghĩ cho đến nay chính quyền Mỹ đã có nhiều bằng chứng về tội phạm của Trung Quốc, điều mà họ không thể bỏ qua. Rất mừng mà Hoa Kỳ vạch ra được bộ mặt xấu xa của Trung Quốc”.
Chiều ngày 23/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo có bài phát biểu chỉ trích chính phủ Trung Quốc và lý giải yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán ở Houston là vì đó là “một trung tâm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ”.
Hôm 24/7, Bắc Kinh yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, theo Tân Hoa Xã.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng kêu gọi Mỹ đảo ngược “quyết định sai lầm” của mình về việc yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh quán Trung Quốc ở Houston.
Ông Nhất Nguyên, một cư dân ở Houston, chia sẻ quan điểm của ông.
“Việc Hoa Kỳ yêu cầu đóng cửa Tổng lãnh quán Trung Quốc ở Houston rất bất ngờ đối với tôi. Qua đây tôi thấy sự đối đầu mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Donald Trump với chính quyền Trung Quốc. Việc có các nhân viên tình báo làm việc trong các cơ quan ngoại giao Trung Quốc như vậy – dù chưa có bằng chứng chính xác – là điều không thể không xảy ra.
“Tôi nghĩ đã là lệnh thì họ phải tuân theo. Ở nước họ thì họ có thể làm gì thì làm, nhưng trên đất nước Hoa Kỳ thì họ phải tuân theo. Tôi tin rằng họ phải thực thi.”
Tuy nhiên, hôm 23/7, trả lời phỏng vấn Politico, ông Thái Vĩ (Cai Wei), Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại Houston từ chối thực hiện yêu cầu đóng cửa cơ sở ngoại giao này, ông cho biết đã yêu cầu Mỹ hủy lệnh đưa ra hôm 21/7.
“Hôm nay chúng tôi vẫn hoạt động bình thường, vì vậy chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra vào ngày mai”, ông Thái Vĩ nói. Ông nói thêm rằng cơ sở ngoại giao của ông sẽ hoạt động “cho đến khi có thông báo mới” và từ chối giải thích thêm.
Phụ cấp thất nghiệp của Đảng Cộng Hòa
sẽ bù đắp khoảng 70% lương
Tin Washington DC – Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin vào thứ Năm, 23 tháng 7, cho biết kế hoạch hỗ trợ kinh tế của đảng Cộng Hòa sẽ cho phép gia hạn tiền phụ cấp thất nghiệp, và dự kiến sẽ bù đắp khoảng 70% tiền lương.
Bộ Trưởng Mnuchin thêm rằng, kế hoạch giảm thuế tiền lương, vốn được Tổng Thống Trump ủng hộ, sẽ không có trong dự luật. Thông tin từ Bộ Trưởng Mnuchin được cung cấp vào vài giờ sau khi đảng Cộng Hòa Thượng Viện và chính phủ Trump cho biết đã đạt được các thỏa thuận đầu tiên về dự luật tài trợ, và những đề nghị này sẽ được đem đi đàm phán với đảng Dân Chủ.
Quốc Hội đang đối mặt với áp lực phải nhanh chóng thông qua một dự luật tài trợ mới, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang lây lan tại Hoa Kỳ, và tiền phụ cấp thất nghiệp 600 Mỹ kim một tuần sẽ hết hạn vào cuối tháng này. Ban đầu, đảng Cộng Hòa dự định sẽ công bố dự luật của đảng này vào thứ Năm, nhưng có vẻ như lịch trình này sẽ bị chậm trễ, do các nhà lập pháp Cộng Hòa vẫn chưa soạn thảo xong văn bản dự luật.
Trong khi đó, đảng Dân Chủ đã từ chối đề nghị chia nhỏ kế hoạch tài trợ kinh tế thành nhiều dự luật, trong trường hợp các nhà lập pháp không đạt được thỏa thuận chung trước cuối tháng 7. Hiện chưa rõ đảng Cộng Hòa sẽ làm thế nào để cung cấp số tiền tài trợ bù đắp cho 70% tiền lương. Cho đến trưa thứ Tư, đảng Cộng Hòa vẫn đang cân nhắc cắt giảm tiền phụ cấp 600 Mỹ kim một tuần xuống còn 100 Mỹ kim một tuần. (Ngô Bảo)
Giáo viên ở Florida
diễn hành kêu gọi đóng cửa trường học
Hôm thứ ba (21 tháng 7), các giáo viên ở tiểu bang Florida diễn hành trong xe hơi để kêu gọi các nhà chức trách đóng cửa các trường học vào mùa thu này và lựa chọn học tập trên mạng do đại dịch coronavirus. Florida gần đây đã có số ca nhập viện chạm đến mức kỷ lục vào khoảng 10,000 ca mỗi ngày.
Florida đã trở thành tâm điểm của đợt tăng COVID-19 mới nhất, khiến hiệp hội giáo chức của tiểu bang kiện Thống đốc Đảng Cộng hòa Ron DeSantis về kế hoạch mở lại các trường học để giảng dạy trong lớp. Hàng chục giáo viên trong những chiếc xe được trang trí khẩu hiệu “Chúng tôi muốn dạy. Chúng tôi không muốn chết” và “Chúng tôi muốn quay trở lại khi an toàn”, và bấm còi xe ở bên ngoài văn phòng khu học chánh địa phương tại Land O’ Lake, 30 dặm về phía bắc của Tampa.
Giáo viên Jeremy Blythe nói rằng ông không muốn chôn cất học sinh hay đồng nghiệp của ông, và ông không muốn giáo viên và học sinh của trường sẽ mang những thứ này về nhà và lan truyền nó ra khắp cộng đồng. Tính trung bình vào tuần trước, 19% các xét nghiệm COVID-19 có kết quả dương tính, cho thấy sự lây truyền rộng rãi trong cộng đồng ở tiểu bang Florida.
Năm học tiếp theo dự kiến bắt đầu vào tháng Tám sắp tới. Căn bệnh COVID-19 đã giết chết 140,000 người ở Hoa Kỳ và lây nhiễm khoảng 4 triệu người, cả hai con số trên đều đang đứng đầu thế giới. (BBT)
Mỹ: Số người nhiễm COVID tăng vọt, trên 4 triệu
Tổng số ca COVID báo cáo tại Mỹ ngày 23/7 vượt quá 4 triệu, phản ánh sự lây nhiễm gia tăng nhanh chóng kể từ khi ca đầu tiên được ghi nhận hôm 21/1 năm nay, theo Reuters.
Trong 98 ngày, số ca nhiễm tại Mỹ tăng lên thành 1 triệu, nhưng chỉ trong 16 ngày số ca nhiễm nhảy vọt từ 3 triệu lên thành 4 triệu. Trung bình cứ mỗi giờ số ca nhiễm mới tăng trên 2.600, con số cao nhất trên thế giới.
Giữa lúc đại dịch lan rộng trên toàn quốc di chuyển từ tâm dịch New York lúc đầu xuống phía Nam và Tây, các giới chức liên bang, tiểu bang và địa phương đang tranh cãi về cách thức chống dịch, kể cả về cách thức và thời điểm nới lỏng xã hội và kinh tế.
Việc mang khẩu trang là thói quen chung của thế giới hiện nay được các chuyên gia y tế của chính phủ khuyến cáo. Nhưng tại Mỹ việc có nên ra lệnh mang khẩu trang hay không đã bị chính trị cao độ, đặc biệt bị kháng cự bởi một số thống đốc Cộng hòa tại những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng.
Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với những con số thăm dò sụt giảm vì cách thức ông đối phó với cuộc khủng hoảng y tế trước cuộc bầu cử tháng 11. Ông Trump từ lâu kháng cự việc mang khẩu trang, nhưng trong tuần này đã khuyến khích dân Mỹ mang khẩu trang.
Thị trưởng Miami, Francis Suarez, ngày 23/7 nói ông tin quy định nghiêm của thành phố về việc mang khẩu trang đã tạo được sự khác biệt, dẫn ra những con số được cải thiện ở đây.
“Những nỗ lực chỉnh sửa chúng ta thực hiện, trong đó có quy định mang khẩu trang tại nơi công cộng, đang có kết quả,” ông nói với CNN.
Một điểm tranh cãi khác giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hoà là liệu các trường học có nên bắt đầu mở cửa hoàn toàn vào tháng 8 hay không, dù làm như thế có thể khiến các ca COVID tăng cao.
Ông Trump dọa sẽ giữ lại tài trợ của liên bang nếu các trường công không tái mở cửa, nhưng ông nói trong một cuộc họp báo ngày 22/7 là quyết định cuối cùng tùy thuộc vào các thống đốc.
Bang Florida báo cáo số tử vong vì COVID-19 tăng kỷ lục trong một ngày, hôm 23/7, với 173 người chết.
Hôm 22/7, nghĩa là trong hai ngày liên tiếp, số người chết vì COVID-19 tăng trên 1.100, trong đó có số tử vong cao kỷ lục trong một ngày ở Alabama, California, Nevada và Texas.
Số tử vong hàng ngày hiện nay vẫn dưới mức ghi nhận hồi tháng Tư, khi trung bình có 2.000 người chết vì virus corona chủng mới.
Tổng Thống Trump điều động cảnh sát liên bang
đến nhiều thành phố khác
Vào thứ tư (ngày 22 tháng 7), Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch điều động cảnh sát liên bang đến các thành phố Chicago và Alburquerque do đảng Dân chủ điều hành để trấn áp tội phạm bạo lực, với quyết tâm khôi phục “luật lệ và trật tự,” chỉ vài tháng trước khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra.
Phát biểu trong một sự kiện tại Tòa Bạch Ốc với Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr, Tổng thống Trump đã công bố kế hoạch mở rộng của chương trình “Chiến dịch Huyền thoại” tới nhiều thành phố hơn nữa để giúp các viên chức tiểu bang đối phó với tình trạng bạo lực. Tổng thống Trump tuyên bố sẽ điều thêm lực lượng hành pháp liên bang đến “những cộng đồng Hoa Kỳ đang chịu ảnh hưởng của tội phạm bạo lực” và cam kết sẽ “kết thúc tình trạng máu đổ.”
“Chiến dịch Huyền thoại” bao gồm việc điều động cảnh sát liên bang đến các thành phố để hỗ trợ cảnh sát địa phương chống lại những gì mà Bộ Tư pháp Mỹ mô tả là “làn sóng tội phạm bạo lực.”
Thị trưởng Chicago Lori Lightfoot và Thống đốc tiểu bang New Mexico Michelle Lujan Grisham, cả 2 đều là thành viên của đảng Dân chủ, đã lên tiếng phản đối kế hoạch của Tổng thống Trump. Ông Grisham cho biết chính quyền Tổng thống Trump sẽ không nhận được sự ủng hộ tại New Mexico nếu họ muốn sử dụng sự độc đoán và sức mạnh quân sự không cần thiết để chống lại người dân.
Trong tuyên bố của mình, bộ trưởng tư pháp Barr đã nỗ lực giải thích sự khác biệt giữa chương trình “Chiến dịch Huyền thoại” với việc Bộ Nội An gửi cảnh sát của họ đến dập tắt tình trạng bất ổn ở Portland. Bộ Trưởng Tư Pháp Hoa Kỳ cho biết các nhân viên hành pháp thuộc chương trình này sẽ đến
từ nhiều cơ quan khác nhau và sẽ giúp cảnh sát “điều tra các vụ giết người và triệt hạ các băng đảng bạo lực. (BBT)
Lãnh đạo WHO phản pháo
chỉ trích của Ngoại trưởng Mỹ
Ngày 23/7, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới phản pháo rằng bình luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nghi vấn về tính độc lập của Tổng giám đốc WHO là không đúng và sẽ không khiến WHO phân tâm trong công tác chống dịch.
Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus hứng chịu chỉ trích, đặc biệt từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, cáo buộc ông là thân Trung Quốc.
“Những bình luận này là không đúng và không thể chấp nhận được, không có cơ sở,” ông Tedros nói khi trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo ở Geneva về bình luận của Ngoại trưởng Mỹ tại London ngày 21/7.
“Chú trọng duy nhất của chúng tôi- và chú trọng của toàn thể tổ chức- là cứu mạng người…và WHO sẽ không bị phân tâm vì những nhận xét này. Chúng tôi cũng không muốn cộng đồng quốc tế bị phân tâm.”
Một nhóm tiền trạm của WHO đã có mặt tại Trung Quốc trong gần hai tuần, đang tổ chức một phái bộ quốc tế để điều tra nguồn gốc của virus corona. Các nhà khoa học tin là virus xuất hiện tại một ngôi chợ thực phẩm ở thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, cuối năm ngoái.
“Chúng tôi bắt đầu tiếp xúc với các chuyên gia ở mức độ quốc tế để xem ai sẵn sàng và thích hợp nhất để có thể hỗ trợ cho một phái bộ quốc tế trong những tuần tới,” ông Mike Ryan, chuyên gia khẩn cấp hàng đầu của WHO nói.
Ông Tedros cho biết WHO nhận thấy sự lây lan mạnh mẽ của virus corona tại một số tương đối ít quốc gia.
“Hai phần ba tổng các ca nhiễm là ở 10 nước. Hầu hết phân nửa các ca được báo cáo tới nay là từ 3 nước,” ông nói, đề cập đến Hoa Kỳ, Brazil và Ấn Độ.
Ông cho biết thêm thế giới có hơn 15 triệu ca nhiễm COVID và gần 620.000 người chết.
Số ca nhiễm virus corona tại Mỹ hôm 23/7 đã vượt quá 4 triệu, trung bình mỗi giờ có trên 2.600 ca mới, cao nhất trên thế giới, theo Reuters.
Ông Tedros khuyến cáo mọi người chớ mất cảnh giác cho dù nơi họ sinh sống có số ca nhiễm thấp đi chăng nữa.
EU chế tài Nga, Trung Quốc, Triều Tiên
do tấn công mạng
Liên minh châu Âu đã bật đèn xanh cho các lệnh trừng phạt đối với đơn vị tình báo quân sự của 3 nước Nga, Trung Quốc và Triều Tiên trong 3 cuộc tấn công mạng độc lập trong những năm gần đây.
Một số nguồn tin trong cuộc chia sẻ với tờ Radio Free Europe/Radio Liberty hôm 22/7 rằng các đại sứ EU đã quyết định đóng băng tài sản của cục tình báo Nga GRU, Công ty phát triển khoa học & công nghệ Thiên Tân Huaying Haitai của Trung Quốc và Triển lãm Chosun của Triều Tiên.
EU cũng sẽ đóng băng các quỹ tiềm năng của cả ba tổ chức trong khối và áp lệnh cấm thị thực đối với 6 công dân giấu tên từ Trung Quốc và Nga, những người mà EU tin tưởng đứng đằng sau các cuộc tấn công mạng sử dụng phần mềm mã độc WannaCry, NotPetya và Cloud Hopper.
Các lệnh trừng phạt, sẽ chính thức được thông qua trước thời điểm cuối tháng 7, là các lệnh đầu tiên được EU ban hành dưới chính sách chế tài không gian mạng mới, vốn được thông qua vào năm ngoái. Chính sách này cho phép EU áp lệnh cấm visa và đóng băng tài sản đối với người và các thực thể liên quan trong các cuộc tấn công mạng chống lại EU và các quốc gia thành viên, cùng các nước thứ ba và các tổ chức quốc tế.
Cuộc tấn công mạng WannaCry vào tháng 5/2018, nối tiếp bởi cuộc tấn công NotPetya một tháng sau đó, đã làm tê liệt các máy tính – và các công ty – trên toàn cầu. Nhóm hacker APT10 ở Trung Quốc bị nghi ngờ đứng sau vụ tấn công Cloud Hopper, nhằm vào các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ thông qua các nhà cung cấp dịch vụ IT.
Các cuộc tấn công, vốn có liên hệ với 3 nước này bởi các cơ quan tình báo khác nhau, đã tấn công một số quốc gia thành viên EU và các quốc gia khác trên thế giới.
Chính trị gia Anh: Đã đến lúc phương Tây
phải đứng lên chống chính quyền Trung Quốc
Băng Thanh
Một chính trị gia người Anh nói rằng đã đến lúc các quốc gia phương Tây phải đứng lên chống lại chính quyền Trung Quốc vì sự khủng khiếp mà chính quyền này đang thực thi đối với người dân.
Theo tờ Breitbart hôm 21/7, ông Nigel Farage, lãnh đạo đảng Brexit của Anh nói rằng ông cùng với nhiều người có thể đã tập trung quá nhiều vào các rủi ro kinh tế và an ninh do chính quyền Trung Quốc mang đến, thay vì các hành động tàn bạo nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương và Pháp Luân Công – môn khí công tu luyện cổ truyền theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
“Đây là lần đầu tiên tôi nói rằng tất cả chúng ta bây giờ cần phải dành nhiều thời gian hơn đối với các hành vi tà ác mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thực hiện. Đó là một chính quyền thực sự độc ác mà không ai trong số chúng ta, cực tả hay cực hữu nên tin tưởng”, ông Farage viết trên tờ Newsweek hôm 20/7.
“Không có gì quá đáng khi nói rằng chính quyền Trung Quốc đã giết người trên quy mô rộng lớn”, ông cho biết.
Ông thừa nhận rằng trong nhiệm kỳ của mình tại Nghị viện châu Âu, ông đã lờ những người tập Pháp Luân Công khi họ ở bên ngoài văn phòng của ông ở Thủ đô Brussels của Bỉ, để kêu gọi các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu chú ý đến việc các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang phải chịu cảnh bắt bớ, tra tấn, mổ cướp nội tạng và những hành vi lạm dụng khác.
Ông Farage thú nhận rằng, vào thời điểm đó, ông đã thực sự không coi trọng việc kêu gọi của các học viên Pháp Luân Công.
“Tôi không phải là một ngoại lệ. Trong vài thập niên qua, thế giới phương Tây và các phương tiện truyền thông đã chú ý rất ít đến hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc. Do đó, hầu hết nhiều người khá hài lòng khi mua được hàng hóa có giá cạnh tranh từ quốc gia này, mà đơn giản là không nhận ra bề rộng của tội ác chống lại loài người mà chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm”, ông Farage viết.
Nói về việc hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi đang bị giam giữ trong các trại tập trung, ông Farage nói: “Không gì có thể bào chữa cho những hành vi mà chính quyền Trung Quốc đã thực thi với những người này”.
Tuyên bố của ông Farage diễn ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Anh hôm 20/7 thông báo Anh sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông ngay lập tức và vô thời hạn. Ngoài việc đình chỉ hiệp ước dẫn độ, chính phủ Anh còn áp lệnh cấm vũ khí đối với Trung Quốc, bao gồm cả Hồng Kông. Cụ thể, Anh sẽ không xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông vũ khí hoặc đạn dược, hay bất kỳ thiết bị nào có thể được sử dụng để đàn áp người dân, như còng tay và lựu đạn khói.
Vào hôm 19/7, trong cuộc phỏng vấn với BBC, một quan chức Trung Quốc đã trả lời vòng vo khi được hỏi về một video quay cảnh người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương bị bịt mắt và được đưa lên tàu, cuối cùng nói rằng ông không biết đoạn phim đó xuất phát từ đâu.
Ông Andrew Marr, phóng viên của BBC đã cho ông Lưu Hiểu Minh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh xem một video và hỏi ông Lưu: “Chúng ta hãy xem một vài cảnh quay rất đáng lo ngại hiện đang được chia sẻ rộng rãi trên toàn thế giới mà máy bay không người lái thu được. Cảnh quay này, gần như chắc chắn, là ở phía bắc Trung Quốc, ở Tân Cương. Ông có thể cho chúng tôi biết những gì đang xảy ra ở đây không?”.
Sau sáu giây im lặng, ông Lưu trả lời: “Tôi không thể thấy rõ video này”.
Sau đó ông Andrew Marr tiếp tục hỏi: “Tôi có thể hỏi ông tại sao người dân lại quỳ gối, bị bịt mắt, cạo râu và bị dẫn lên các chuyến tàu – đã được đưa sẵn tới miền bắc Trung Quốc? Chuyện gì đang xảy ra ở đó vậy?”.
“Tôi không biết ông lấy băng video này ở đâu ra. Đôi khi có sự di chuyển tù nhân ở các nhà tù”, ông Lưu trả lời.
Ông Andrew Marr nói: “Những hình ảnh này đã được chia sẻ trên khắp thế giới. Chúng đã được kiểm chứng bởi các cơ quan tình báo phương Tây, và các chuyên gia Úc. Họ nói đây là người Duy Ngô Nhĩ bị tống lên tàu và đưa đi”.
Covid-19: Số ca nhiễm tiếp tục tăng cao tại Pháp
Mai Vân
Điều mà nhiều người lo ngại phải chăng đang trở thành hiện thực? Số ca nhiễm virus corona ở Pháp tiếp tục tăng lên, trong lúc cơ quan y tế xác nhận là đà giảm của số bệnh nhân trong các khoa hồi sức đã chững lại từ hai tuần lễ nay.
Trong bản tổng kết công bố hôm 23/07/2020, Tổng Cục Y Tế Pháp cho biết là đã có thêm 1.000 ca nhiễm virus corona trong vòng 24 tiếng đồng hồ, và có thêm 10 ổ dịch mới được phát hiện.
Xu hướng đáng ngại được giới chức Y Tế Pháp xác nhận là số người phản ứng dương tính với Covid-19 đã gia tăng đều đặn trong 3 tuần liên tiếp gần đây, với tỷ lệ tăng dần là 13%, 21% rồi 27%.
Đà tăng này chỉ xuất phát một phần từ việc có nhiều người được xét nghiệm, hơn vì tỷ lệ tăng ca nhiễm cao hơn nhiều so với mức tăng của các xét nghiệm.
Theo kết luận của cơ quan y tế, “tình hình này cho thấy số bệnh nhân phản ứng dương tính tăng lên không phải là do xét nghiệm tăng, mà là do thái độ lơ là cảnh giác gần đây, tạo điều kiện cho virus lây lan nhanh trong những tuần qua”.
Một chỉ số khác gây lo ngại là số bệnh nhân phải điều trị đặc biệt không còn giảm như trước đây. Theo cơ quan y tế Pháp, trong tuần qua, đã có 83 người bị Covid-19 được đưa vào điều trị trong các khoa hồi sức, so với 78 bệnh nhân một tuần trước đó. Bộ Y Tế Pháp xác nhận là đà giảm của số bệnh nhân điều trị đặc biệt đã khựng lại từ cách nay hai tuần lễ.
Bỉ tái lập nhiều biện pháp phòng chống
Cũng như Pháp, nước Bỉ đang lo ngại một làn sóng dịch mới, trước tình hình các ca nhiễm virus corona tăng lên từ giữa tháng Bảy. Sau khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ, số ca nhiễm Covid-19 tại Bỉ đã tăng lên 90%.
Chính quyền trung ương và địa phương đã họp vào ngày 23/07 để đánh giá tình hình, và quyết định lùi lại giai đoạn dỡ bỏ phong tỏa tiếp theo. Việc cho mở lại các liên hoan cũng như hội chợ được dời qua tháng 9. Việc mang khẩu trang không chỉ bắt buộc ở những nơi khép kín như hiện tại, mà sẽ ở cả ngoài trời.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles Pierre Bénazet giải thích :
“Vào đầu tháng 7, số ca nhiễm mới đã rơi xuống dưới mức 100 ca một ngày. Thế nhưng tuần qua, người ta ghi nhận tại đây một đà tăng rõ rệt với 193 ca mới mỗi ngày và một đỉnh cao 370 ca vào thứ Hai.
Đây là hệ quả việc thả lỏng trong mùa hè, theo bà thủ tướng Sophie Wilmès. Bà lo ngại rằng những tháng cố gắng ngăn chặn dịch vừa qua sẽ tiêu tan vì vài tiếng đồng hồ thư giãn, nhất là trong các quán bar và nhà hàng, nơi mọi người ngồi quá sát nhau.
Chính quyền Bỉ đã ra lệnh bắt buộc đeo khẩu trang ở những nơi đông người và ở bên ngoài, như tại các chợ trời, những nơi không thể giữ được khoảng cách an toàn. Chính quyền cũng cho phép các quận huyện đưa ra thêm biện pháp, như phong tỏa tại chỗ chẳng hạn”.
Đức: Hơn 800 ca nhiễm mới trong một ngày
Theo thông báo của viện về bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) vào hôm 24/07, số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận ở Đức lên đến 204.183, tăng thêm 815 ca so với hôm trước. Số người chết cũng tăng thêm 10 người, đưa tổng số ca tử vong lên thành 9.111.
TT Pháp tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ
xâm phạm chủ quyền Hy Lạp và Chypre
Mai Vân
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 23/07/2020 đã lên tiếng tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm chủ quyền của Hy Lạp và đảo Chypre ở miền đông Địa Trung Hải, trong bối cảnh căng thẳng trở lại giữa Athens và Ankara.
Tiếp đón đồng nhiệm Chypre Nicos Anastasiades tại điện Elysée, ông Macron nhấn mạnh : “Tôi muốn một lần nữa nói lên sự đoàn kết của Pháp đối với Chypre và cả Hy Lạp trước hành động xâm phạm chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Không thể chấp nhận là phần biển của một thành viên của Liên Hiệp bị xâm phạm hay đe dọa. Những người thực hiện việc này phải bị trừng trị”.
Hải Quân Hy Lạp vừa được đặt trong tình trạng báo động vào hôm thứ Tư 22/07, sau khi tàu chiến của Thổ Nhĩ Kỳ tiến đến gần đảo Kastellorizo phía cực đông Hy Lạp, trong chuyến hộ tống một tàu thăm dò khí đốt dưới biển. Hy Lạp đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt ngay “các hành vi phi pháp… xâm phạm chủ quyền của Hy Lạp và đe dọa hòa bình khu vực”.
Tổng thống Pháp cho rằng ở phía đông Địa Trung Hải, vấn đề năng lượng và an ninh “nằm trong việc tranh giành ảnh hưởng của các thế lực, đặc biệt là Thổ Nhĩ kỳ và Nga, ngày càng khẳng định vị trí, trong lúc trọng lượng Liên Hiệp Châu Âu lại quá ít”. Châu Âu, theo ông Macron, phải suy nghĩ sâu thêm về vấn đề an ninh ở Địa Trung Hải.
Đối với tổng thống Chypre, nỗ lực Pháp là một “tia hy vọng để Địa Trung Hải không bị Thổ Nhĩ Kỳ hay một nước khác kiểm soát”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã phản ứng ngay. Bộ Ngoại Giao nước này cho rằng những lời tố cáo của ông Macron “không có giá trị”. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ còn khẳng định rằng “hành động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa Trung Hải hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế”, và kêu gọi Pháp “không nên tiếp tục hùng hổ mà nên có những chính sách đúng đắn và hợp lý”.
Hậu Covid-19 :
Khó khăn của rạp phim và cơ hội của điện ảnh Pháp
Thùy Dương
Sau 99 ngày đóng cửa vì dịch bệnh Covid-19, các rạp chiếu phim tại Pháp chính thức được mở cửa trở lại vào ngày 22/06/2020. Nhưng thu hút khán giả trở lại rạp không phải là dễ dàng.
Đúng 00 giờ 01 ngày thứ Hai 22/06, trong một rạp phim ở khu phố Saint-Lazare, Paris, suất chiếu phim đầu tiên hậu Covid-19 bắt đầu, với tràng vỗ tay của 120 khán giả. Ông Louis Merle, giám đốc rạp phim Les 5 Caumartin, quận IX, chia sẻ : « Không có lời nào có thể mô tả những gì chúng tôi đang cảm nhận ! Đã 99 ngày nay chúng tôi chờ đợi được đón tiếp quý vị ! »
Hơn 3 tháng đóng cửa đã khiến hơn 2.000 rạp phim trên toàn quốc thiệt hại tới 400 triệu euro. Bộ phim đầu tiên được trình chiếu ở rạp Les 5 Caumartin là phim Pháp Les parfums. Để chào mừng sự kiện, rạp phim có pop-corn và soda miễn phí cho khán giả. Khán giả hào hứng tận hưởng cảm giác mà suốt 3 tháng qua họ không có được, còn các diễn viên, thành viên nhóm làm phim hiện diện trong buổi ra mắt phim cũng có nhiều cảm xúc.
Diễn viên Emmanuelle Devos chia sẻ với đài France 24 : « Rõ ràng là tôi đã không thể giới thiệu phim trong các điều kiện như bình thường và không thể hiện diện ở các rạp phim như thế này. Trước kia, đó là những điều rất quen thuộc đối với tôi, nhưng trong ba tháng qua tôi không được làm như vậy. Với tôi, đó là điều khó khăn mà tôi đã phải chịu đựng ».
Để có ngày mở cửa trở lại, các rạp phim đã phải chuẩn bị để đảm bảo an toàn vệ sinh tốt nhất, bởi đó là cách trấn an khán giả và kéo họ đến rạp, nhất là vì rạp phim là không gian kín và có những phòng chiếu lớn, có thể tập trung vài trăm, thậm chí hàng ngàn khán giả.
Đảm bảo vệ sinh, điều kiện tiên quyết
Cho đến giữa tháng 07/2020, Pháp đã ghi nhận hơn 30.100 ca tử vong vì virus corona, nằm trong số các nước có nhiều người chết nhất thế giới vì Covid-19. Dịch bệnh đã thuyên giảm, số ca nhiễm mới và nhập viện đều thấp hơn trước đây rất nhiều, nhưng nguy cơ làn sóng dịch thứ hai vẫn đang lơ lửng trên đầu dân Pháp. Vì thế, tuân thủ các quy định vệ sinh, giãn cách xã hội cũng là yêu cầu bắt buộc đối với các rạp phim khi mở cửa trở lại, cũng giống như đối với các cơ sở văn hóa khác, như nhà hát, bảo tàng…
Phát biểu trên đài France Info ngày 14/06, một tuần trước khi các rạp mở cửa, bà Sophie Dulac, đại diện của rạp Majestic Passy, quận 16, Paris giải thích chi tiết về công tác chuẩn bị trước ngày đón khách trở lại 22/06 :
« Các nguyên tắc vệ sinh rất đơn giản : Đeo khẩu trang trong đại sảnh của rạp phim là điều bắt buộc. Đương nhiên là chúng tôi có quy định về lối đi riêng một chiều vào và một chiều ra. Tất cả các phòng chiếu đều đã được và vẫn đang được lau chùi dọn dẹp vệ sinh hết tốc lực để tất cả đều phải thật, thật là sạch sẽ khi rạp mở cửa trở lại. Và tất nhiên, chúng tôi bố trí để dung dịch rửa tay khử trùng ở khắp nơi. Các phòng chiếu phim đều được lau dọn sau mỗi xuất chiếu »
Với phòng chiếu có thể chứa 2.700 khán giả, rạp phim Grand Rex, Paris, là một trong những rạp chiếu phim có phòng nhiều chỗ ngồi nhất ở châu Âu. Được quay trở lại với nơi vốn được mệnh danh là « rạp phim huyền thoại » này, các khán giả cũng phải tập thích nghi với những quy định hậu Covid-19. Trong một phóng sự của đài France 24, ông Stéphan Brouzet, giám đốc phụ trách các phòng chiếu phim, giải thích cụ thể :
« Ở rạp chiếu phim Grand Rex, những việc mà chúng tôi đã triển khai là sơn kẻ vạch dưới sàn nhà để quy định chỗ đứng cho khách, ở sảnh chờ cũng như ở khu vực khách đứng xếp hàng bên ngoài cửa rạp. Khi khách đến rạp, họ phải rửa tay với dung dịch rửa tay sát khuẩn, chúng tôi để dung dịch ở nhiều chỗ bên trong rạp. Ở quầy vé, mỗi người được quy định chỗ đứng riêng. Chúng tôi cũng sắp xếp lối đi một chiều để khán giả không va chạm ngược chiều nhau, không phải tiếp xúc trực diện với nhau khi đi vào và đi ra khỏi phòng chiếu phim. »
Nếu khán giả đi cùng gia đình theo nhóm nhiều người thì được ngồi ghế sát nhau, nhưng phải giữ ghế trống với các nhóm khán giả khác. Nếu khách đến rạp một mình thì phải để ghế trống ngăn với khách bên cạnh.
Chiến dịch truyền thông của Liên đoàn các rạp chiếu phim Pháp
Đã lường trước là khi mở cửa trở lại, các rạp phim vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, kinh tế giảm sút, nên Liên đoàn quốc gia các rạp phim Pháp đã tung ra chiến dịch « Tous au cinéma » (Tất cả mọi người đến rạp xem phim) để thu hút sự chú ý của công luận và kéo khán giả đến rạp. Nói cụ thể, đó là chương trình truyền thông quy mô lớn nhằm thông tin cho công chúng về việc mở cửa trở lại rạp phim : quảng cáo trên các kênh truyền hình, phát thanh nhà nước, mạng xã hội, áp-phích quảng cáo bắt mắt trên phố, trong các trung tâm thương mại, ở bến tàu xe…
Nhiều thành phố nhỏ ngoại ô Paris cũng có rạp chiếu phim riêng, ngoài việc quảng bá, chính quyền còn giảm giá vé để thu hút dân địa phương. Chẳng hạn, thành phố Saint-Maur-des-Fossés, ngoại ô Paris, có 2 rạp phim. Giá vé xem phim hiện giờ giảm đồng loạt xuống còn gần 5 euro, thấp hơn nhiều so với trước khi dịch bệnh xảy ra và thấp hơn so với giá vé ở các rạp phim của các hệ thống lớn như MK2, Gaumont, UGC…
Thực tế ảm đạm hơn cả dự báo bi quan nhất
Tuy nhiên, phải thừa nhận là trong tuần đầu mở cửa trở lại, các rạp phim không thu hút được nhiều khách : chỉ có 1 triệu lượt khán giả, tuần thứ hai còn tệ hơn, con số này chỉ đạt gần 838.000, trong khi vào 2 tuần cùng kỳ năm 2019, số lượt khách xem phim ở rạp đạt 3,8 triệu. Số khán giả năm 2020 như vậy đã giảm 78,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 09/07, phát biểu trên đài France Inter, bộ trưởng Văn hóa Pháp, Roselyne Bachelot, khẳng định việc ít khán giả đến rạp không phải là tác động của các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo vệ sinh y tế, mà chủ yếu là do không có nhiều phim mới được trình chiếu, nhất là thể loại phim “bom tấn” của Mỹ, mang tính giải trí cao, phù hợp với số đông khán giả.
Đài France Inter cho biết các nhà quản lý, khai thác rạp chiếu phim đã dự báo được khó khăn, trở ngại này từ trước khi mở cửa trở lại. Thế nhưng sau vài tuần hoạt động trở lại, họ mới càng thấy rõ hơn đây chưa phải thời điểm lý tưởng để kéo khách trở lại rạp. Tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn nhiều so với cả những dự báo bi quan nhất. Trên toàn nước Pháp, nhiều rạp phim ghi nhận chỉ đạt 10-15% số khách thường lệ. Hai tuần sau khi mở cửa, nhiều rạp phim lại phải đóng cửa vì « thu không đủ bù chi ».
Trên thực tế, báo Le Figaro ngày 09/07 cho biết vào năm 2019, chính các phim Mỹ, chẳng hạn Vua sư tử, Toy Story 4, Once Upon A Time… In Hollywood, Quá nhanh, quá nguy hiểm : Hobbs và Shaw, đã thu hút tới 34,4 triệu khán giả đến rạp trong hai tháng 07 và 08. Năm 2020, có lẽ chỉ có hai phim Mỹ Hoa Mộc Lan (Mulan) và Tenet là có khả năng tạo hiệu ứng kéo đông khách Pháp đến rạp, nhưng tình hình dịch bệnh tại Mỹ đang rất nghiêm trọng, nên những phim này dự kiến ban đầu ra rạp vào tháng 07, nay đã bị lùi đến giữa, thậm chí là cuối tháng 08.
Chính điều này đã khiến các rạp phim Pháp đau đầu. Ngành công nghiệp điện ảnh không phải vận hành theo kiểu ngay lập tức các rạp có phim để chiếu, hay có thể hủy bỏ ngay không chiếu phim nào đó. Ông Alexandre Hellmann, chủ rạp Grand Rex, Paris, nhấn mạnh với đài France 24 :
« Không, không phải là như thế. Để có một bộ phim thì cả cỗ máy phải vận hành và nhà phân phối phải lên lịch, phải xem phim được trình chiếu ở bao nhiêu phòng chiếu và như thế nào, phải thiết kế các áp-phích quảng cáo mới, phải thiết kế các quảng cáo mới trên mạng internet cũng như hoạt động quảng bá giới thiệu phim. Có rất nhiều việc phải chuẩn bị. Và cần có ít nhất 3 tháng để làm những việc đó. »
Cơ hội cho điện ảnh Pháp
Trong cái rủi lại có cái may ! Nếu nhìn nhận theo hướng tích cực, việc lùi lịch chiếu các bộ phim bom tấn của Mỹ Hoa Mộc Lan (Mulan) vàTenet có thể lại là cơ hội để điện ảnh Pháp được công chúng nước nhà quan tâm hơn. Quả thực, vào hai tuần đầu sau khi rạp phim mở cửa trở lại, hai bộ phim Pháp La Bonne Epouse và De Gaulle, vốn được khởi chiếu từ trước khi dịch bệnh nổ ra, nay lại được tiếp tục trình chiếu và thu hút lần lượt hơn 294.000 và gần 176.000 lượt khán giả.
Trong ngày ra mắt đầu tiên 08/07, bộ phim hài Tout simple noir của Jean-Pascal Zadi đã thu hút được 42.000 lượt khán giả, một con số cao kỷ lục ở Pháp thời hậu Covid-19. Ngày hôm sau, bộ trưởng Roselyne Bachelot nhấn mạnh trên đài France Inter rằng điều bộ Văn Hóa Pháp muốn là giúp đỡ ngành điện ảnh Pháp, thúc đẩy các hoạt động sáng tác, sản xuất điện ảnh thông qua Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC), để có những phim của Pháp sớm được khởi chiếu và thu hút công chúng.
Trả lời đài France Info ngày 01/07, ông Marc-Olivier Sebbag, đại diện Liên đoàn quốc gia các rạp phim Pháp (FNCF), cho biết nhiều nhà phân phối phim của Pháp nhân cơ hội này đã đẩy nhanh tiến độ để công chiếu phim sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, tránh phải cạnh tranh với phim “bom tấn” của Mỹ.
Đài Loan lo TQ chuẩn bị quân sự để ‘đánh chiếm’
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của Đài Loan, ông Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) ngày 22-7 tuyên bố Trung Quốc đại lục đang chuẩn bị về quân sự để “chiếm” Đài Loan, sau khi Bắc Kinh gia tăng các cuộc tập trận gần hòn đảo này.
Đài Bắc đã nhiều lần phàn nàn về các hoạt động quân sự của Trung Quốc gần Đài Loan trong những tháng qua. Bắc Kinh vẫn luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
“Quan sát xu hướng dài hạn, Trung Quốc có vẻ đang dần đẩy mạnh sự chuẩn bị về quân sự, đặc biệt tại không phận và hải phận gần Đài Loan.
Những gì Trung Quốc đang làm là tiếp tục chuẩn bị để giải quyết vấn đề Đài Loan. Nguy cơ đang ngày một cao”, ông Ngô nói với báo giới.
Phía Bắc Kinh cho rằng các cuộc tập trận này không có gì bất thường và được tổ chức nhằm thể hiện sự quyết tâm của Trung Quốc trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Cơ quan quốc phòng của Đài Loan hồi tháng 6 đã thông báo về 8 lần máy bay quân sự của Trung Quốc “xâm phạm vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan. Theo đó, các máy bay của Đài đã phát tín hiệu truyền thanh nhằm xua đuổi các máy bay xâm phạm.
Ông Ngô cho biết các cuộc đụng độ như trên “diễn ra gần như mỗi ngày” trong tháng 6 và “trở nên thường xuyên hơn” so với những gì Đài Bắc công bố. Ông cũng cho rằng Trung Quốc đã thực hiện nhiều cuộc tấn công “mô phỏng” nhắm vào Đài Loan.
“Những hành vi này khiến chúng tôi lo lắng”, ông Ngô tuyên bố và nói thêm rằng Đài Loan đang thắt chặt quan hệ quốc phòng cùng đồng minh, bao gồm Mỹ.
Tuy không có quan hệ ngoại giao chính thức, Mỹ vẫn là quốc gia ủng hộ Đài Loan lớn nhất trên trường quốc tế và cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho vùng lãnh thổ này.
Ông Ngô nhận định việc tấn công Đài Loan sẽ là “vật tế thần vô cùng tiện lợi” cho chính phủ Trung Quốc để đánh lạc hướng áp lực từ dư luận nội địa, trong bố cảnh nền kinh tế nước này đang vật lộn vì đại dịch COVID-19 và lũ lụt.
Đài Loan đã thực hiện các cuộc tập trận bắn đạn thật vào tuần trước. Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố động thái này thể hiện quyết tâm bảo vệ hòn đảo của họ.
Dưới Luật An ninh Quốc gia, dân Hồng Kông
thay đổi cách thức đấu tranh vì dân chủ
Hương Thảo
Tác giả YinYin Liao có bài bình luận ngày 16/7 trên tờ The Epoch Times có tựa đề “Dưới Luật An ninh Quốc gia & căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung, dân Hồng Kông thay đổi cách thức đấu tranh vì dân chủ”. Dưới đây là toàn văn bài bình luận:
Cảnh tượng hàng triệu người dân Hồng Kông xuống đường tuần hành, hơi cay nhấn chìm đường phố, và những cuộc bao vây trường đại học nhiều ngày của cảnh sát đã lắng dần. Cuộc biểu tình ở Hồng Kông đang thay đổi theo thời gian.
Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến sự thay đổi này: Luật An ninh Quốc gia mang tính đe dọa của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Những bước ngoặt gần đây đã mang đến một làn sóng mới cho cuộc đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông, khi những người biểu tình thích ứng để tiếp tục đấu tranh cho quyền tự chủ của họ trong một môi trường mới, với chính sách mới.
Việc ban hành Luật An ninh Quốc gia mới tại Hồng Kông của Bắc Kinh đã được thông qua với 66 điều khoản toàn diện, hình sự hóa các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với lực lượng nước ngoài.
Các điều khoản luật đều mơ hồ nhưng lại đe dọa bằng các hình phạt nghiêm khắc. Bản án tối đa theo luật là tù chung thân, trong khi điều kiện tối thiểu cho các cáo buộc này dường như là bất cứ thứ gì làm mất lòng chính quyền Trung Quốc.
Luật an ninh bật đèn xanh cho một loạt những hành vi mà chính phủ có thể làm đối với bất kỳ ai bị nghi ngờ là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Chỉ cần là nghi phạm là đã đủ để bị nghe lén và theo dõi. Việc quản lý các tổ chức phi chính phủ và cơ quan thông tấn sẽ được thắt chặt. Những ai bị coi là có tội sẽ không được phép ra tranh cử. Nghi phạm sẽ bị xét xử bởi một ủy ban đặc biệt do ĐCSTQ lãnh đạo, và luật này áp dụng đối với tất cả mọi người, cả trong và ngoài Hồng Kông.
Bất chấp các quy định hà khắc, đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam khẳng định Luật An ninh Quốc gia chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ các phần tử cực đoan. Tuy nhiên, hành động của bà rõ ràng lại cho thấy điều ngược lại.
Luật này đã được thông qua vào ngày 1/7. Kể từ đó, chính phủ Hồng Kông đã tiếp tục hình sự hóa các quyền cụ thể theo Luật An ninh Quốc gia.
Câu khẩu hiệu nổi tiếng: “Giải phóng Hồng Kông, Cuộc cách mạng của thời đại chúng ta” đã trở nên bất hợp pháp theo luật này.
Người dân Hồng Kông đã bị bắt chỉ vì những nhãn dính (sticker) in khẩu hiệu ủng hộ độc lập cho Hồng Kông như, “Giải phóng Hồng Kông” hay “Hồng Kông độc lập”.
Chính phủ Hồng Kông và Bắc Kinh đã liên tiếp đưa ra tuyên bố này nối tiếp tuyên bố khác nhằm bóp nghẹt phong trào dân chủ tại đây. Nó đã có một tác dụng hữu hình đối với phong trào phản kháng.
“Cảm giác như chúng ta đang bước về phía đêm tối, nhưng chúng tôi không biết điểm cuối cùng sẽ là gì”, một cô gái 23 tuổi giấu tên vì lý do an toàn chia sẻ với tờ The Epoch Times Hong Kong vào ngày 1/7. “Giờ đây, chúng ta chỉ đang tìm ra những cách thức mới để phản kháng trong khi vẫn có thể sinh tồn dưới bộ luật mới này”.
Nhưng trong khi những tiếng nói phản đối đã im ắng hơn, chúng không bị câm lặng.
Ngày 12/7, phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. Một động thái chiến lược nhằm củng cố lá phiếu của người Hồng Kông cho những ứng viên tốt nhất ủng hộ dân chủ tại cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp (LegCo) vào tháng 9 tới. Đây là một phần chiến lược nhằm bảo đảm đa số ghế cho những nghị sĩ ủng hộ dân chủ tại Hội đồng Lập pháp, một kế hoạch có tên là “35 Plus” (35+).
Tuy nhiên bà Carrie Lam tuyên bố việc 600.000 cư dân Hồng Kông đã bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ này có tiềm năng vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
“Lá phiếu này thể hiện cho tiếng nói của chúng tôi đối với cộng đồng toàn cầu. Trước mối đe dọa đáng sợ từ Bắc Kinh, chúng tôi quyết không đầu hàng”, nhà hoạt động dân chủ Hoàng Chi Phong tuyên bố trong cuộc họp báo đầu tiên của những ứng viên ủng hộ dân chủ được đề cử.
Không có sự ước thúc từ bên ngoài, chính quyền Bắc Kinh sẽ có thể làm bất cứ điều gì nó muốn. Thông thường, điều đó có nghĩa là nó sẽ tìm cách loại bỏ bất kỳ ứng cử viên gây khó chịu nào. Nhưng năm nay, Mỹ tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc bầu cử. Diễn biến quan trọng này đã định hình chiến lược đòi quyền dân chủ của người biểu tình Hồng Kông.
Không lâu sau khi bà Carrie Lam đe dọa trừng phạt các nhân sĩ dân chủ tham gia vào cuộc bầu cử Hồng Kông theo Luật An ninh Quốc gia, tổng thống Mỹ Trump đã ký một đạo luật thu hồi các đặc quyền của Hồng Kông. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra tuyên bố lên án bà Lam, cảnh báo rằng Mỹ sẽ theo dõi sát diễn biến cuộc bầu cử ở thành phố cảng này.
Dưới những điều kiện mới này, năng lượng của các cuộc biểu tình hiện đã chuyển dần sang cuộc bầu cử sắp tới của Hội đồng Lập pháp Hồng Kông.
Một nhóm gồm 16 thành viên đề cử sẽ ra tranh cử vào mùa thu này đã tự đặt tên cho mình là ‘phe phản kháng’, còn gọi là ‘người bản địa’. Họ đại diện cho những người trẻ ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông và có tinh thần chống lại ĐCSTQ mạnh mẽ hơn các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ truyền thống. Tất cả, chỉ trừ một người, là ở độ tuổi dưới 30.
Tuy rằng đều có mục tiêu bảo vệ nền dân chủ Hồng Kông, nhưng vẫn có sự bất đồng quan điểm giữa các nhà hoạt động dân chủ già và các nhà hoạt động trẻ mới nổi. “Phe dân chủ già” đã tích cực tham gia chính phủ kể từ khi thuộc địa này được bàn giao vào năm 1997, trong khi phe dân chủ trẻ lại là các thanh thiếu niên được sinh ra trong khoảng thời gian này.
Sự bất đồng chính giữa họ là về việc thỏa hiệp với ĐCSTQ. Các nhà lập pháp già có xu hướng thỏa hiệp hơn với Trung Quốc, trong khi ‘Phe phản kháng’ có xu hướng kháng lại nhiều hơn những mong muốn của ĐCSTQ.
“Chúng tôi tin rằng phương thức truyền thống của các chính trị gia già là không hữu dụng và khá vô nghĩa trong thời điểm này”, anh Che Cheung, 24 tuổi, nhận định. Anh đã quyết định từ bỏ cơ hội học thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ để “phản kháng lại chính quyền tà ác” này, theo Reuters.
“Với sự đàn áp từ Bắc Kinh, chúng ta không còn lựa chọn và bất kỳ cơ hội nào khác để có bất kỳ sự chia rẽ nào. Đã đến lúc để chúng ta cần tăng cường sự đoàn kết”, anh Hoàng Chi Phong thúc giục.
Các cuộc bầu cử sơ bộ gần đây đã cho thấy sự thất vọng của cử tri với các chính trị gia truyền thống vốn có thái độ hòa hoãn, bình bình đối với Bắc Kinh.
Dữ liệu cuối cùng từ cuộc bầu cử sơ bộ vẫn chưa được công bố. Nhưng những con số khái quát cho thấy ‘Phe phản kháng’ đã thống trị các phiếu bầu phổ thông, báo hiệu mong đợi của người dân muốn thấy những chiến binh cứng rắn, quyết liệt hơn trong việc đòi dân chủ cho Hồng Kông và chống lại ĐCSTQ đại diện cho họ trong Hội đồng Lập pháp. Những con số này báo hiệu rằng ngay cả với Luật An ninh Quốc gia mới, những người biểu tình ở Hồng Kông vẫn muốn tiếp tục cuộc chiến còn dang dở.
“Tôi hy vọng rằng thế hệ tiếp theo có thể hồi đáp những tiếng gầm giận dữ của thời đại và kháng cự tại Hội đồng Lập pháp bằng các phương pháp và ý thức hệ mới”, nhà lập pháp dân chủ đương nhiệm Helena Wong, 61 tuổi, nói với Reuters. Bà Wong đã không giành được đề cử cho cuộc bầu cử vào tháng 9.
Các ứng viên dân chủ kỳ cựu như James To, Lam Cheuk-ting, Gary Fan và Alvin Yeung đều hoạt động không hiệu quả, khi lời kêu gọi dân chủ mang tính bình bình của họ không còn đủ sức hấp dẫn đối với các cử tri trẻ tuổi.
Tại một cuộc họp báo cho Phe phản kháng, một phóng viên đã hỏi Eddie Chu, một thành viên hiện tại của Hội đồng Lập pháp, về lý do tại sao ông xuất hiện ở đây. Ông Chu là thành viên Phe phản kháng duy nhất trên 30 tuổi.
Cho đến khi có câu hỏi trực tiếp từ một phóng viên, ông vẫn giữ im lặng trong toàn bộ cuộc họp báo. Ông đứng ở trong góc, mặc chiếc áo phông màu đen với dòng chữ “Tôi tự do, vì thế tôi tồn tại”, phỏng theo câu nói “tôi tư duy, vậy thì tôi tồn tại” của triết gia Đề-các.
“Tôi là một người ngoài 40 tuổi. Tôi rất biết ơn khi có thể tham gia cùng các bạn trẻ ngoài 20 tuổi trong làn sóng mới của các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ Hồng Kông này”, ông Chu, một nhà hoạt động môi trường có tiếng chia sẻ. Ông đã phục vụ tại Hồng Kông LegCo kể từ năm 2016.
“Đợt thủy triều này sẽ mang đến một thế hệ lãnh đạo chính trị mới tại Hồng Kông. Tôi là cầu nối giữa hai phe dân chủ cũ và mới”.
Hàng thập niên đấu tranh
Lịch sử ngắn ngủi của Hồng Kông trong vai trò một khu vực bán tự trị là một kỷ nguyên đầy rẫy những cuộc biểu tình.
Năm 2003 đánh dấu cuộc biểu tình kháng lại Điều 23 luật an ninh – nỗ lực đầu tiên nhằm làm xói mòn quyền tự trị của thành phố cảng này, chỉ 4 năm sau khi được trao trả về Trung Quốc. Năm 2014, Phong trào Ô dù lịch sử và sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo sinh viên đã dẫn đầu cuộc chiến chống lại việc áp đặt chương trình giảng dạy của đại lục vào hệ thống giáo dục Hồng Kông. Năm 2019, một giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ khác của giới trẻ đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, với những cuộc đối đầu kéo dài nhiều ngày khi cảnh sát chống bạo động tràn trên đường phố Hồng Kông chìm trong khói và đạn hơi cay.
Khi đạn hơi cay tản đi, tinh thần kháng cự ĐCSTQ trở nên ngày càng lớn mạnh. Hình thức phản kháng mới thông qua sự tham gia cao độ của toàn bộ người dân trong cuộc bầu cử, đã thách thức ĐCSTQ và
chính phủ Hồng Kông làm chính điều mà những gì các cử tri biết họ muốn làm: đè bẹp nền dân chủ tại nơi này.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Hoa Kỳ đối với quyền tự trị của Hồng Kông mang đến cho các nhà lãnh đạo biểu tình ở Hồng Kông sự ủng hộ cần thiết trong việc đối đầu với Bắc Kinh. Với mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, Bắc Kinh đang đối diện với rất nhiều thách thức từ các phía.
Nếu chính quyền loại bỏ các ứng viên dân chủ được bầu phổ thông, như họ đã từng làm trong quá khứ, họ sẽ rất đang công khai cho mọi người thấy rằng không có công lý trong các cuộc bầu cử Hồng Kông, từ đó hứng chịu sự trả đũa của Hoa Kỳ theo đạo luật tự trị Hồng Kông – cũng như sự lên án từ cộng đồng quốc tế. Nếu họ cho phép các ứng viên dân chủ phục vụ trong Hội đồng lập pháp LegCo, họ sẽ rơi vào nguy cơ đánh mất quyền kiểm soát chính phủ Hồng Kông bằng cách cho phép phe dân chủ chiếm đa số ghế trong hội đồng lập pháp Hồng Kông lần đầu tiên trong lịch sử.
Phe phản kháng cũng đang đánh cược vào việc đa số người dân Hồng Kông ủng hộ các ứng viên dân chủ. Hoàng Chi Phong từng cảnh báo rằng “nếu chính phủ đàn áp chúng tôi và loại bỏ tất cả các ứng viên tham gia bầu cử sơ bộ, họ sẽ gây ra sự phẫn nộ lớn hơn trong cộng đồng quốc tế và khuyến khích nhiều người bỏ phiếu cho phe dân chủ hơn vào tháng Chín tới”.
Bất chấp việc chính quyền độc tài chèn ép Luật An ninh Quốc gia, những người biểu tình Hồng Kông đã chuyển biến năng lượng từ các cuộc biểu tình vào năm ngoái để chiến đấu qua các cuộc bầu cử sắp tới. Họ đã bầu ra các nhà lãnh đạo trẻ tuổi, không khoan nhượng chống lại ĐCSTQ để đại diện cho họ, được củng cố bởi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự trị của Hồng Kông trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang trở nên thắt chặt.
Anh Owen Chow, một cư dân Hồng Kông 23 tuổi từng tham gia cuộc bầu cử sơ bộ phe ủng hộ Dân chủ, đã giành được 16.758 phiếu bầu, đảm bảo được việc đề cử cho cuộc bầu cử LegCo. Anh nói với Reuters, “chúng tôi đã bước sang kỷ nguyên của sự thay đổi”.
Khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc thay đổi, thì cũng có thể thấy được sự thay đổi ở những người biểu tình không ngơi nghỉ ở Hồng Kông trong cuộc đấu tranh đòi tự do chống lại ĐCSTQ.
Từ Hồng Kông,
Bắc Kinh mở rộng đàn áp ra thế giới như thế nào?
Minh Hòa
Luật an ninh quốc gia mà chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với Hồng Kông từ ngày 30/6 không chỉ khiến hàng ngàn thanh niên Hương Cảng ủng hộ dân chủ có nguy cơ bị bỏ tù, mà các công dân nước ngoài hoặc người Hoa ở nước ngoài cũng đối mặt với rủi ro tương tự.
Đó là một trong những nội dung cảnh báo được nêu trong một bài phân tích của bà Sarah Cook, một chuyên gia tại tổ chức ủng hộ dân chủ Freedom House, được đăng trên The Diplomat ngày 13/7.
Điều 38 của luật an ninh quốc gia Hồng Kông tự cho mình quyền tài phán không chỉ đối với cư dân Hồng Kông, mà còn đối với người nước ngoài bị cho là “vi phạm luật an ninh quốc gia Hồng Kông” ở bên ngoài Hồng Kông. Các chuyên gia pháp lý chỉ ra rằng luật an ninh quốc gia Hồng Kông còn có quy mô rộng lớn hơn cả luật an ninh quốc gia ở Trung Quốc đại lục.
Bà Cook cho biết những người từng chỉ trích chính quyền Trung Quốc như bà và nhiều người khác trên thế giới có nguy cơ bị tống giam, bị truy tố nếu đến Hồng Kông hay bất kỳ nước nào có thượng tôn pháp luật yếu kém, và chính phủ nước đó có xu hướng chiều lòng Bắc Kinh. Để nêu ví dụ, bà đề cập đến khuyến cáo của giáo sư luật Donald Clarke thuộc Đại học George Washington: “Nếu bạn ở trong tầm ngắm của chính quyền Trung Quốc, tôi khuyên bạn đừng tới Thái Lan”.
Bà Cook gọi đây là một hình thức “thông qua Hồng Kông, Bắc Kinh mở rộng đàn áp ra thế giới”. Bà cũng kể đến một số trường hợp công dân nước ngoài gốc Hoa bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.
Chuyên gia của Freedom House viết: “Vào ngày 30/6, một tòa án ở Bắc Kinh đã kết án công dân và nữ doanh nhân người Canada Sun Qian 8 năm tù vì bà tập luyện Pháp Luân Công, môn tu luyện thiền định bị cấm ở Trung Quốc dù được tự do tập luyện ở Canada và mọi nơi khác trên thế giới”.
Bà Cook đề cập đến tình trạng của bà Sun mà báo chí Canada cũng đưa tin, rằng bà Sun bị giam giữ hơn ba năm qua. Có thông tin cho biết bà bị tra tấn trong tù, và rõ ràng chính quyền Trung Quốc đã ép buộc bà phải từ bỏ quyền công dân Canada của mình.
Bà Cook nhấn mạnh rằng các vụ chính quyền Trung Quốc bắt giữ công dân nước ngoài đang có xu hướng gia tăng. Một ví dụ khác là ông Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một công dân Thụy Điển có tiệm
sách ở Hồng Kông từng bán những cuốn chỉ trích giới lãnh đạo Trung Quốc. Ông Quế bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015, sau đó bị đưa đến Trung Quốc, bị ép buộc từ bỏ quốc tịch Thụy Điển và bị kết án 10 năm tù.
Một trường hợp khác là ông Dương Quân (Yang Jun), một công dân và nhà văn người Úc bị bắt giữ ở một sân bay Trung Quốc vào tháng 1/2019, sau đó bị kết tội làm gián điệp. Bà Cook lo ngại rằng số phận của ông Dương cũng tương tự như ông Quế.
Không chỉ đối với người gốc Hoa, chính quyền Trung Quốc cũng bắt giữ những người khác hoàn toàn là công dân nước ngoài. Ngày 15/6, Trung Quốc công bố các vụ tố tụng đối với 2 công dân Canada, gồm cựu nhà ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor. Họ bị cáo buộc “làm gián điệp”, và có nguy cơ lãnh án tù chung thân. Hai người này bị bắt giữ vào tháng 12/2018, trong một động thái được cho là trả thù Canada về vụ bắt giữ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Huawei.
Chuyên gia Cook cũng dự báo về tình trạng “tự kiểm duyệt”, tức là tự kiềm chế tiếng nói chỉ trích của mình để chiều lòng Bắc Kinh. Bà cho rằng tình trạng này sẽ trở nên phổ biến hơn do ảnh hưởng từ luật an ninh quốc gia Hồng Kông.
Bà Cook viết: “Vô số tổ chức và cá nhân đang đối mặt với việc phải lựa chọn giữa việc tự kiểm duyệt, thoái lui hay kháng cự”. Bà cho rằng vấn đề này đặt ra đối với những người có kế hoạch tới Trung Quốc, Hồng Kông, hay bất kỳ nước nào có chính phủ thân Bắc Kinh, cũng như đối với bất kỳ ai có thân nhân, nhân viên, hay đối tác ở những quốc gia đó.
Trả đũa Mỹ, Bắc Kinh yêu cầu Washington
đóng cửa tòa lãnh sự ở Thành Đô
Thanh Hà
Ba ngày sau vụ Mỹ đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, đến lượt Bắc Kinh ngày 24/07/2020 ra lệnh đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên. Lý do : “Nhân viên ngoại giao tại đây can thiệp vào công việc của Trung Quốc và đã có những hoạt động không thích hợp với công tác ngoại giao”.
Tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô hoạt động từ năm 1985 với 200 nhân viên. Năm 2013, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden đã tiết lộ một bản đồ về những địa bàn hoạt hoạt động của tình báo Mỹ, trong đó có Thành Đô. Năm 2012, một trong những cộng tác viên trung thành với cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã chạy vào tòa lãnh sự Thành Đô xin tị nạn.
Hơn nữa, Thành Đô có một vị trí chiến lược, như giải thích của thông tín viên Stéphane Lagarde trong khu vực Đông Bắc Á :
“Ăn miếng, trả miếng. Với các tòa lãnh sự cũng vậy. Trong một thông cáo gửi qua mạng WeChat của các phóng viên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định là không có sự lựa chọn nào khác. Trung Quốc không mong muốn xảy ra tình cảnh này. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Hoa Kỳ.
Trong những ngày qua, Bắc Kinh đã cân nhắc nhiều địa điểm. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan ngôn luận không chính thức của đảng Cộng Sản Trung Quốc, thậm chí còn thực hiện một cuộc thăm dò trên mạng Twitter để tham khảo ý kiến là nên đóng cửa lãnh sự Mỹ tại Hồng Kông, Quảng Đông hay Thành Đô. Cuối cùng, nơi được chọn là Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, phía tây Trung Quốc. Đây là một địa điểm chiến lược đối với Hoa Kỳ, do Tứ Xuyên nằm sát cạnh Tây Tạng và Tân Cương.
Một dấu hiệu báo trước về quyết định của Trung Quốc là ngay từ tối hôm qua (23/07), đã có một chuyến máy bay từ Mỹ đến Thượng Hải. Hành khách là các nhân viên ngoại giao. Rất có thể số này sẽ được điều đến lãnh sự quán ở Vũ Hán, vốn đã rất vắng người từ khi dịch Covid-19 bùng phát”.
Gián điệp Trung Quốc trốn trong tòa lãnh sự San Francisco
Trong lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc tố cáo lẫn nhau về các hoạt động tình báo, ngày 23/07/2020, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết Cục Điều Tra Liên Bang FBI đã bắt giữ ba nghi can Trung Quốc dùng hộ chiếu giả. Một người thứ tư đã tạm thoát do trú ẩn trong lãnh sự Trung Quốc tại thành phố San Francisco, bang California. Cả bốn người nói trên, theo phía Mỹ, phục vụ trong quân đội Trung Quốc, đội lốt nghiên cứu sinh để hoạt động tại Hoa Kỳ.
Trung Cộng ra lệnh
đóng cửa tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Thành Đô
Bộ Ngoại giao Trung Cộng tuyên bố hôm thứ Sáu rằng họ sẽ thu hồi giấy phép của toà tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô phía tây nam Trung Cộng. Bộ Ngoại Giao Trung Cộng cũng ra lệnh cho tòa tổng lãnh sự ngừng hoạt động. Đây là hành động đáp trả việc chính phủ Hoa Kỳ ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Cộng tại thành phố Houston.
Ông David Stilwell, viên chức cao cấp về vấn đề Đông Á tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng tòa lãnh sự Trung Cộng tại Houston là trung tâm trong âm mưu của quân đội Trung Cộng nhằm gởi sinh viên tới Hoa Kỳ, để lấy trộm các thông tin có thể giúp Bắc Kinh phát triển năng lực quân sự.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Vương Văn Bân gọi cáo buộc của Hoa Kỳ là vô căn cứ, và khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nước này.
Tòa lãnh sự tại Houston là cơ quan đầu tiên trong 5 cơ quan ngoại giao được Trung Cộng mở tại Hoa Kỳ, sau khi hai nước bắt đầu lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Sau địa điểm tại Houston, Trung Cộng mở thêm tòa lãnh sự tại San Francisco, New York, Chicago, và Los Angeles. Trong khi đó, Hoa Kỳ đang có 5 tòa lãnh sự trên đại lục Trung Cộng, đặt tại Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô, và Vũ Hán (BBT)
Trung Cộng chuẩn bị đóng cửa toàn lãnh sự Hoa Kỳ
Tin Bắc Kinh, Trung Cộng – Vào thứ Năm, 23 tháng 7, Trung Cộng và Hoa Kỳ đang tiếp tục đưa ra các hành động cứng rắn đối phó lẫn nhau, sau khi có tin tức cho rằng Bắc Kinh chuẩn bị đóng cửa một tòa lãnh sự Hoa Kỳ để đáp trả việc Washington ra lệnh đóng cửa cơ quan ngoại giao của Trung Cộng tại Houston, Texas.
Tờ Tin sáng Hoa Nam dẫn một nguồn tin ẩn danh cho biết, tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô có thể là mục tiêu trả đũa của chính quyền Bắc Kinh. Trong khi đó, viên chức hai nước vẫn liên tục đấu khẩu về sự việc ở Houston.
Ông David Stilwell, viên chức cao cấp về vấn đề Đông Á tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, nói rằng tòa lãnh sự Trung Cộng tại Houston là trung tâm trong âm mưu của quân đội Trung Cộng nhằm gởi sinh viên tới Hoa Kỳ, để lấy trộm các thông tin có thể giúp Bắc Kinh phát triển năng lực quân sự. Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Cộng Vương Văn Bân gọi cáo buộc của Hoa Kỳ là vô căn cứ, và khẳng định Bắc Kinh sẽ đáp trả để bảo vệ lợi ích hợp pháp của nước này.
Tòa lãnh sự tại Houston là cơ quan đầu tiên trong 5 cơ quan ngoại giao được Trung Cộng mở tại Hoa Kỳ, sau khi hai nước bắt đầu lập quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Sau địa điểm tại Houston, Trung Cộng mở thêm tòa lãnh sự tại San Francisco, New York, Chicago, và Los Angeles.
Trong khi đó, Hoa Kỳ đang có 5 tòa lãnh sự trên đại lục Trung Cộng, đặt tại Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Thành Đô, và Vũ Hán. Trước đó vào thứ Tư, một số hãng truyền thông đưa tin rằng Trung Cộng có thể đóng cửa tòa lãnh sự Hoa Kỳ tại Vũ Hán. (BBT)
Chính quyền Trung Quốc ra lệnh
chiếu phim chống Mỹ, cư dân mạng nói:
họ lại đánh lừa nhân dân
Tâm Thanh
Kể từ khi chính quyền Trung Quốc che giấu dịch bệnh khiến virus Vũ Hán lan rộng gây thiệt hại nặng nề trên toàn thế giới, quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng ngày càng trở nên gay gắt.
Gần đây, nhà cầm quyền ở Bắc Kinh đã yêu cầu hệ thống phát thanh và truyền hình quốc gia phát sóng các bộ phim về các chủ đề chống Mỹ và viện trợ cho Triều Tiên. So với các chỉ thị liên quan của năm ngoái, lần này các yêu cầu dường như nghiêm khắc hơn. Quyết định của chính quyền khiến cư dân mạng bình luận: “Đến bản thân còn không tin, lại còn đem ra để đánh lừa người dân”.
Theo tờ The Epoch Times tiếng trung, vào ngày 17/7, Cục Quản lý Nhà nước về Phát thanh, Điện ảnh và Truyền hình thuộc Ban Tuyên giáo của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tổ chức một buổi hội nghị video qua điện thoại, nhằm yêu cầu hệ thống Phát thanh và Truyền hình quốc gia phát sóng các
chủ đề chống Mỹ, viện trợ Triều Tiên, kịch truyền hình có nội dung chống dịch, với yêu cầu “chương trình phát sóng phải thực hiện nghiêm túc việc xét duyệt trước khi đưa ra quảng bá, đồng thời phải được phát đi phát lại nhiều lần”.
Trước đó, vào tháng 5/2019, do sự gia tăng tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, Ban Tuyên giáo của ĐCSTQ cũng đã ra lệnh cho các kênh phim của các đài truyền hình lớn ở các tỉnh và thành phố tạm thời thay đổi lịch chiếu chương trình, thay vào đó, cho phát sóng lại các bộ phim với chủ đề kháng Mỹ, cứu viện Triều Tiên để “khích lệ tinh thần người dân trên toàn quốc”.
Ví dụ, vào tháng 5/2019, CCTV6, kênh phim truyện của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đã cho chiếu lại một loạt phim cũ vào khung giờ vàng (20h15), như “Trận chiến núi Thượng Cam Lĩnh” (1954), “Cuộc tấn công bất ngờ” (1960), “Những người con anh hùng” (1964), “Những vệ binh đường sắt” (1960). Nội dung các phim ca ngợi cuộc chiến tranh vệ quốc Triều Tiên (1950-1953), trong đó quân tình nguyện Trung Quốc đã hỗ trợ Triều Tiên chống lại “cuộc xâm lược” của Mỹ.
Nói về việc chính quyền ra lệnh phát sóng các bộ phim có chủ đề chống Mỹ, nhiều cư dân mạng đã bình luận rằng, chính quyền Trung Quốc đang cố tình xúi giục, kích động tinh thần chống Mỹ của người dân: “Mặc dù không thể đánh bại được đế quốc Hoa Kỳ trong các lĩnh vực quân sự và kinh tế, nhưng ĐCSTQ đã cố gắng giành lại chiến thắng qua các bộ phim chống Mỹ. Bên kia đang quỳ gối cầu xin sự tha thứ, bên này tiếp tục tìm đến chỗ chết”.
“Có thú vị không khi phát hành cái này mỗi ngày? Trước tiên, hãy chỉnh lý người đàn ông không ra gì kia đi. Nam không ra nam, nữ không ra nữ, gieo họa cho đất nước, các vụ án về hoạn quan gây tai họa trong lịch sử vẫn còn thiếu sao?”.
“Trong những năm tháng này, không còn ai tin vào tuyên truyền dối trá của họ nữa. Ngay cả chính bọn họ cũng không tin vào những trò họ bày ra, mà vẫn còn dám đem ra để đánh lừa nhân dân, căn bản sẽ không có hiệu quả”.
Động thái ra lệnh chiếu phim chống Mỹ của chính quyền Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng xấu đi. Gần đây, Hoa Kỳ đã có những động thái mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc, từ việc bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn ở Biển Đông, tới các lệnh trừng phạt liên quan đến Hồng Kông, nhân quyền cho người Duy Ngô Nhĩ, yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston.
Vào ngày 23/7, trong một bài phát biểu tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon ở California, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã khẳng định Mỹ sẽ không dung thứ cho việc Bắc Kinh tiếp tục lũng đoạn và chiếm lĩnh trật tự toàn cầu.
“Sự thật là các chính sách của chúng ta và của các quốc gia tự do khác đã vực dậy nền kinh tế kiệt quệ của Trung Quốc, để rồi Bắc Kinh quay lại cắn chính những bàn tay đang nuôi dưỡng mình”, ông Pompeo nói.
“Chúng ta đã mở rộng vòng tay với Trung Quốc, chỉ để thấy ĐCSTQ lợi dụng xã hội tự do và cởi mở của chúng ta. Chính quyền này đã gửi các nhà tuyên truyền đến các cuộc họp báo, các trung tâm nghiên cứu, các trường trung học và đại học của chúng ta”, ông Pompeo nói, đồng thời cho biết Bắc Kinh đã “chà đạp lên những tài sản trí tuệ đáng trân quý của chúng ta” và “hút chuỗi cung ứng ra khỏi Mỹ”.
TQ cảnh báo “động thái rất nguy hiểm” của Anh
Đại sứ Trung Quốc tại Anh yêu cầu chính phủ Anh hủy kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trả lời phỏng vấn tờ The Times của Anh, Đại sứ Trung Quốc tại Anh – ông Lưu Hiểu Minh yêu cầu chính phủ Anh hủy kế hoạch đưa tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo ông Lưu, việc triển khai tàu sân bay tới khu vực này sẽ là “động thái rất nguy hiểm” và động thái này là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang xấu đi giữa Anh và Trung Quốc sau Brexit.
Ông Lưu cho rằng Anh vẫn muốn đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề toàn cầu sau khi rút khỏi EU, nhưng đó không phải là cách đúng đắn.
Trước đó, hôm 14/7, The Times dẫn các nguồn tin thân cận cho biết, quân đội Anh dự tính điều động tàu sân bay HMS Queen Elizabeth mới của nước này tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc tiếp tục leo thang.
Tàu sân bay dự định khởi hành cùng một nhóm tàu tấn công vào đầu năm 2021. Thủy thủ đoàn trên tàu gần 700 người, kết hợp cùng với phi hành đoàn trên máy bay chiến đấu và trực thăng các loại, con số tăng lên 1.600 người.
Tàu sân bay trị giá 3,9 tỷ USD này sẽ thực hiện chuyến đi cùng với hai phi đội chiến đấu cơ F-35B Lightning II. Nhóm tàu sẽ đến thăm khu vực Viễn Đông (cụm từ Anh dùng chỉ khu vực dọc tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương) và tiến hành các cuộc tập trận với đồng minh tại đây, bao gồm Mỹ và Nhật Bản.
Kế hoạch điều động tàu sân bay tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương được coi là một phần trong quy trình tái đánh giá chiến lược an ninh và đối ngoại của Anh.
Hôm 13/7, Phó Đô đốc Jerry Kyd, chỉ huy hạm đội khẳng định Hải quân Hoàng gia Anh sẽ “trở lại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”.
“Tham vọng của chúng tôi tại khu vực này sẽ hoàn toàn bền bỉ và sẽ luôn ở đó, có thể với một hạm đội tàu sân bay tấn công, hoặc có thể không. Chúng tôi sẽ cân nhắc”, ông Kyd nói.
Phát biểu trong một buổi hội thảo trực tuyến do Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức, Phó Đô đốc Jerry Kyd mở ra triển vọng về sự hiện diện của các máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Anh tại khu vực. Cụ thể, ông cho biết các máy bay Anh có thể sẽ duy trì hiện diện liên tục cùng “các đồng minh Mỹ và Nhật”.
Ông Kyd cho biết Anh có thể sẽ sử dụng một tàu sân bay để vận chuyển các máy bay chiến đấu đến khu vực. Ngoài ra có một phương án khác là điều một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh duy trì tại khu vực, chẳng hạn như một tàu khu trục.
Các kế hoạch trên đang được xem xét như là một phần của quá trình đánh giá chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh của Anh, dự kiến sẽ hoàn thành vào mùa thu này. Những người trong cuộc nói rằng phần phòng thủ của đánh giá sẽ mang “định hướng hàng hải”.
Đại tướng Không quân Gerry Mayhew – Phó chỉ huy hạm đội tự tin rằng các đồng minh trong khu vực sẽ chào đón sự hiện diện quân sự của Anh.
“Các đối tác trong khối liên minh ‘năm cường quốc’, cùng Nhật và các quốc gia khác thực sự phấn khích trước sự hiện diện hàng không và hàng hải sắp tới của chúng tôi”, theo tướng Mayhew.
Anh gia nhập “liên minh năm cường quốc” với Úc, New Zealand, Singapore và Malaysia năm 1971.
Tuy nhiên, phía Anh cũng bày tỏ sự thận trọng đối với kế hoạch này.
Phó Đô đốc Jeremy Blackham, một cựu phó chỉ huy hạm đội, cảnh báo: “Nếu triển khai tàu đến một vùng biển xa xôi với sự hỗ trợ hậu cần và quân sự hạn chế, cần phải biết phản ứng thế nào nếu ai đó gọi bạn là kẻ không biết lượng sức mình”.
Bên cạnh kế hoạch triển khai đội tàu sân bay đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, một đội tàu sân bay Anh nữa sẽ cùng tham gia hỗ trợ NATO ở Bắc Đại Tây Dương.
Bị Mỹ dồn dập ra đòn,
Trung Quốc lúng túng tìm thế đáp trả
Minh Anh
Căng thẳng ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không ngừng gia tăng cường độ, hai bên liên tục ra đòn và trả đũa lẫn nhau trong những thời qua. Đỉnh điểm là trong những ngày gần đây, Bắc Kinh và Washington lần lượt ra lệnh đối phương đóng cửa tòa lãnh sự : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Trong cuộc đọ sức này, bài toán khó nhất với Bắc Kinh : Làm thế nào đáp trả mà không mà không đoạn tuyệt hoàn toàn với Hoa Kỳ ?
Lệnh đóng cửa lãnh sự Trung Quốc ở Houston trong vòng 72 giờ là một hành động mới nhất trong số các cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Trang mạng tờ New York Times ngày 23/07/2020, nhắc lại, chỉ trong vòng có vài tuần, Bắc Kinh liên tiếp hứng đòn của Mỹ.
Từ chiến dịch chống Hoa Vi trong hồ sơ mạng 5G, các biện pháp trừng phạt nhắm vào những quan chức Hồng Kông cũng như là vùng tự trị Tân Cương, cho đến thay đổi lập trường 180° về những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông… và giờ là cáo buộc Bắc Kinh gởi nhân viên tình báo quân đội đến dọ thám đánh cắp các dữ liệu về thương mại, quân sự, thậm chí cả y học.
Ở bên ngoài, trên các mạng truyền thông, Bắc Kinh để cho phe chủ nghĩa dân tộc bày tỏ thái độ phẫn nộ, bài Mỹ, đòi phải có những biện pháp cứng rắn hơn với Washington. Nhưng trong hậu trường, giới lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng không mong muốn làm trầm trọng thêm những căng thẳng, sợ rằng Trung Quốc có thể bị biến thành « một lá bài tranh cử » của Donal Trump, dù rằng trong thâm tâm họ rất muốn vị tỷ phú này tái đắc cử. Nhưng cùng lúc, giới lãnh đạo Trung Quốc lại không thể tỏ ra « nhu nhược » trước các cuộc tấn công của Hoa Kỳ.
Đáp trả những đòn đánh của Washington bằng cách nào ? Đây chính là câu hỏi đang gây chia rẽ trong nội bộ ban lãnh đạo Trung Quốc, theo như nhận định của New York Times. Phe an ninh tình báo và quân đội phản đối mạnh mẽ mọi ý định hòa giải, có thể bị Hoa Kỳ diễn giải cho đấy là một sự nhu nhược. Ngược lại, nhiều lãnh đạo Trung Quốc, chủ trương cứu vãn nền kinh tế, muốn đáp trả có chừng mực hơn đồng thời vẫn giữ cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 không bị « sứt mẻ ».
Dấu hiệu hòa hoãn này được thấy rõ qua việc cho đến lúc này Bắc Kinh vẫn tiếp tục đặt mua với số lượng lớn bắp, lúa mì, đậu nành và thịt heo đông lạnh từ Mỹ, theo như ghi nhận của ông Darin Friedrichs, chuyên gia về nguyên liệu nông nghiệp có văn phòng tại Thượng Hải.
Trong cuộc tranh cãi chính trị này, Tập Cận Bình có một vai trò « trọng tài » quan trọng. Theo quan sát của tờ New York Times, cho đến lúc này, lãnh đạo Trung Quốc chưa bao giờ nói rằng quan hệ đôi bên đã xuống cấp. Một nhà phân tích độc lập tại Trung Quốc, Wu Qiang, nhận định: « Đích thân Tập Cận Bình là người điều chỉnh chính sách của Bắc Kinh. Nhấn ga hay hãm phanh sẽ do chính ông ta điều khiển ».
Chỉ có điều, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, Washington không ngừng mở rộng các mặt trận tấn công, tổng thống Trump không có ý định hạ nhiệt căng thẳng như những lần trước. Cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng lòng chống Trung Quốc. Trong hoàn cảnh này, giới phân tích nhận định Trung Quốc khó có hy vọng cải thiện mối quan hệ, ngay cả trong trường hợp ông Joe Biden, đối thủ của Donald Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng, có thắng cử đi chăng nữa.
Trung Quốc
gia tăng hoạt động quân sự sát cạnh Đài Loan
Thanh Hà
Đài Bắc vận động công luận quốc tế trước nguy cơ sau Hồng Kông, đến lượt Đài Loan trong tầm ngắm của Trung Quốc. Trong cuộc họp báo hôm 22/07/2020, ngoại trưởng Đài Loan, Ngô Chiêu Tiếp (Joseph Wu) bày tỏ lo ngại về các hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng tiến gần đến lãnh thổ Đài Loan.
Thông tín viên Adrien Simorre giải thích:
« ”Trung Quốc đang tăng tốc công tác chuẩn bị quân sự trên không và trên biển chung quanh Đài Loan”. Ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp cho biết như trên trong buổi nói chuyện với phóng viên quốc tế tại Đài Bắc cách đây hai ngày.
Ông nêu bật các hoạt động của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, không quân Trung Quốc liên tục thâm nhập không phận của Đài Loan trong những tháng qua. Ngoài ra, bộ trưởng Ngô Chiêu Tiếp còn mô tả các cuộc tập trận do Bắc Kinh tiến hành với bài tập đổ bộ lên Đài Loan.
Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý định thôn tính Đài Loan, kể cả bằng vũ lực. Nhưng tới nay, sự yểm trợ của Mỹ giúp giảm thiểu rủi ro này. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi trong những tháng gần đây với căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng và nhất là ngày càng có nhiều người dân Đài Loan dứt khoát bác bỏ mọi kế hoạch Trung Quốc thống nhất hòn đảo này.
Sau khi Bắc Kinh đã siết chặt gọng kềm kiểm soát Hồng Kông, ngoại trưởng Đài Loan muốn đánh động công luận quốc tế với hy vọng thế giới sẽ có phản ứng trong trường hợp Đài Loan bị Trung Quốc tấn công ».
Bằng chứng sống về việc Trung Quốc
diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ
Thụy My
« Mỗi ngày học viên rơi rụng dần, trong khi ban đầu họ đều khỏe mạnh. Họ dần yếu đi, có người thậm chí còn đi không nổi (…) Một trại khác dành cho nữ, hầu hết là các nữ sinh viên Duy Ngô Nhĩ du học,
bị bắt khi về Tân Cương thăm gia đình. Tháng 12/2017, một đợt nữ tù trẻ được thả ra ở Urumqi, một số bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, số khác trở nên điên loạn. »
Sau khi một bản báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ triệt sản được công bố, nhật báo Libération đã gặp được một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ tị nạn tại châu Âu. Là nạn nhân bị triệt sản, người phụ nữ này cũng là nhân chứng vì từng làm việc trong các trại « cải tạo » ở Tân Cương. RFI xin giới thiệu bài viết (đã được lược bớt).
Cưỡng bức triệt sản phụ nữ
« Tất cả các phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 tại khu phố tôi ở Urumqi đều được triệu tập ngày 18/07/2017 để « khám miễn phí » và bắt buộc. Vào lúc 8 giờ sáng, hàng người đã rất dài trước bệnh viện. Khi đến lượt tôi, chẳng có khám phụ khoa lẫn hỏi han gì cả. Họ bắt tôi nằm xuống, dạng chân ra và đặt vào một vòng tránh thai. Một sự thô bạo khủng khiếp. Tôi bật khóc, cảm thấy bị hạ nhục, bị tấn công cả về tính dục lẫn tâm lý. Nhưng tôi làm việc trong một trại cải tạo, và biết những gì chờ đợi mình nếu cưỡng lại. Có những cô gái rất trẻ. Tôi không thấy bất kỳ một phụ nữ người Hán nào ».
Qelbinur Sidik Beg lúc đó 48 tuổi, có một con gái duy nhất đang học về y sinh học tại châu Âu. Nếu có thêm con thứ hai không phải là bất hợp pháp, vì cách đó bốn năm Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, và các sắc tộc thiểu số ở Tân Cương cho đến năm 2016 vẫn có quyền sinh ba con. Nhưng bà là người Duy Ngô Nhĩ, như 11 triệu người Hồi giáo nói tiếng Thổ khác đang bị chế độ cộng sản đàn áp.
Phóng viên Libération gặp Qelbinur Sidik Beg hôm 14/07/2020 tại một nước châu Âu mà bà không muốn tiết lộ. Bà đưa cho xem lệnh triệu tập còn lưu trong điện thoại : « Tất cả phụ nữ từ 18 đến 59 tuổi (độ tuổi cao nhất hàng năm lại được lùi thêm) đều phải đến. Nếu không hợp tác sẽ bị trừng trị ». Bek cho biết, nếu một phụ nữ Duy Ngô Nhĩ muốn sinh con, từ nay phải được phép của ba cơ quan : công an, cơ quan nơi làm việc và ủy ban nhân dân.
Cuộc đời của người giáo viên tốt nghiệp khoa văn minh Trung Hoa trường đại học Urumqi, xuất thân từ một gia đình gia thế, đã bị đảo lộn vào ngày 01/07/2017, khi được tuyển làm giáo viên trong một trại « cải tạo chính trị », vào lúc khởi đầu một chiến dịch tống giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, do cấp cao nhất ở Bắc Kinh quyết định.
Điều kiện giam giữ tồi tệ, cưỡng hiếp, tra tấn, triệt sản, sự vô nghĩa của công việc giảng dạy…Lời chứng độc đáo rất chi tiết của bà khẳng định tất cả những thông tin mà tờ báo đã thu thập được từ ba năm qua, từ những người tù hiếm hoi được thả hay thân nhân của họ, và những báo cáo, điều tra do các nhà báo và nhà nghiên cứu tiến hành, cho dù đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chụp lên vùng đất này một bức màn sắt. Một minh họa quý giá tiết lộ những gì diễn ra bên trong hệ thống nhà tù, không thông qua xét xử và bạo lực khủng khiếp, nhắm vào một nhóm sắc tộc dưới danh nghĩa « huấn nghiệp » và chống khủng bố.
Quá trình đồng hóa Tân Cương bỗng trở nên thô bạo
Qelbinur Sidik Beg sinh năm 1969 tại Urumqi, thủ phủ Tân Cương cách Bắc Kinh 3.000 km, trong một gia đình có sáu người con. Tân Cương là vùng đất mênh mông thưa dân nằm ngay trục giao thương Trung Á, với cư dân hầu hết theo đạo Hồi : người Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Uzbekistan, Tajikistan…
Cho đến thập niên 90, dù Tân Cương bị Trung Quốc cộng sản sáp nhập năm 1949, văn hóa truyền thống và nghệ thuật địa phương vẫn phổ biến, ngôn ngữ chính là Duy Ngô Nhĩ được viết bằng chữ Ả Rập, lên trung học mới dạy tiếng Hoa. Beg nhớ lại : « Chúng tôi có những hàng xóm người Hán và người Hồi giáo, chúng tôi chơi với nhau, vẫn chưa hề có thù hận. Các anh chị em tôi đều tốt nghiệp đại học, trở thành công an và quan chức hoặc kinh doanh phát đạt. Tôi coi mình là công dân Trung Quốc, thấy rằng chính quyền đã làm tốt trong việc phát triển kinh tế và giáo dục ở các vùng nông thôn ».
Cú sốc đầu tiên diễn ra năm 2004, khi trường học Duy Ngô Nhĩ nhận lệnh phải trở thành « song ngữ », tức tiếng Hoa và tiếng Anh. Rồi sau vụ nổi dậy ở Urumqi năm 2009 và các vụ tấn công được cho là từ những người Duy Ngô Nhĩ đòi độc lập, cỗ máy thực dân của Bắc Kinh tăng tốc. « Kỳ thị chủng tộc ngày càng mạnh. Mẹ tôi phải cầu nguyện lén. Trong mùa chay Ramadan, hiệu trưởng trường tôi phân phát thức ăn nước uống để tìm ra những học sinh khả nghi ».
Năm 2016, Tân Cương bị đặt trong vòng kiềm tỏa của bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), từng hoành hành ở Tây Tạng. Lấy cớ chống cực đoan, ly khai và khủng bố, quá trình đồng hóa trở nên thô bạo. « Họ bắt người vào ban đêm. Tại khu nhà tôi ở, những cư dân ở tầng một, tầng hai rồi tầng bốn lần lượt biến mất, tờ giấy « Cấm vào » được dán ngoài cửa. Ở trường, các bé học sinh khóc hỏi vì sao mẹ bị bắt. Mỗi đêm tôi đi ngủ mặc nguyên trang phục ban ngày, vì không muốn bị đưa đi trong lúc mặc đồ ngủ ».
Trong địa ngục cải tạo
Ngày 28/02/2017 Qelbinur Sidik Beg được triệu tập đến ủy ban nhân dân. Bà không ngạc nhiên vì là người chịu trách nhiệm quản lý nhân sự và cơ sở dữ liệu. Cùng với bà có bảy giáo viên khác : sáu người Hán và một người Duy Ngô Nhĩ. Ba cán bộ cho biết « chính quyền đã tập họp những người ít học » và họ được chọn để giảng dạy. Bà ký vào những mẫu đơn trong đó có cam kết không được tiết lộ với ai, nếu không « cả gia đình sẽ bị trừng phạt ».
Từ năm 2014 một đồng nghiệp xuất thân từ vùng quê xa đã nói với bà về một trại cải tạo ở cách Urumqi 1.000 km, và hai năm sau, cũng người này hoảng loạn cho biết cha mẹ và ba người anh của mình bị bắt. Công an nói : « Cầu nguyện à ? 10 năm tù. Đọc kinh Coran hả ? 8 năm tù ». Phụ nữ trong vùng bị buộc thắt ống dẫn trứng. Beg nghĩ rằng điều này không thể xảy ra ngay tại thủ phủ. Ở Tân Cương, một hố sâu lớn ngăn cách người thành thị và thôn quê, nói tiếng quan thoại là ưu thế quan trọng để có tương lai.
Ngày 01/03, theo cuộc hẹn bí mật, Qelbinur Sidik Beg đứng đợi lúc 7 giờ sáng ở một trạm xe buýt, gọi điện cho một công an viên đến đón. Bà được đưa đến một khu nhà bốn tầng ở ngoại ô, nằm sau một ngọn núi, bao quanh là những bức tường rào kín kẽm gai, vào bằng một cửa sắt điều khiển bằng điện. Có các công an vũ trang, khoảng 12 nhân viên, cán bộ, y tá, giáo viên. Từ các màn hình trong phòng điều khiển, bà thấy 10 xà lim, mỗi xà lim có 10 người tù. Các phòng giam chật hẹp này chìm trong bóng tối, cửa sổ bị đóng kín bằng các tấm kim loại. Không có giường, chỉ có mền trải trên sàn cho 97 tù nhân. Họ mới nhập trại cách đó hai tuần, vẫn còn nguyên râu tóc, trong đó có 7 phụ nữ.
Trong cuộc trao đổi với nhà báo, Qelbinur Sidik Beg cho biết rất chi tiết, miêu tả thêm bằng hành động. Đôi khi bà bật khóc và ra khỏi phòng để cố trấn tĩnh.
« Học viên vào lớp theo từng nhóm 10 người. Họ mang xiềng xích ở tay và chân. Khi tất cả đã ngồi vào những chiếc ghế nhựa, không có bàn, người ta cho tôi vào lớp. Có nhiều người đàn ông đã trên 70 tuổi với bộ râu dài. Lẽ ra tôi phải tỏ ra kính trọng họ, nhưng họ vẫn cúi đầu, một số người khóc. Tôi chào ‘Salam aleikoum’, nhưng không ai trả lời. Tôi hiểu rằng mình đã nói một điều bị cấm tiệt ». Sau khi liếc qua 8 camera giám sát, bà tự giới thiệu và bắt đầu bài học tiếng Hoa đầu tiên, lòng thầm cầu nguyện được sống sót ra khỏi địa ngục này.
Đến trưa, Qelbinur Sidik Beg giúp phân phát thức ăn cho các « học viên ». « Người ta đổ cháo vào chén, nhưng tôi chẳng thấy hạt gạo nào, chỉ toàn nước nóng ». Mỗi người được một « momo » (bánh bao hấp kiểu Tây Tạng). Tại một xà lim toàn người già, bà âm thầm cho thêm hai bánh bao, nhưng sau bữa ăn một công an hạch hỏi vì sao thiếu hai cái bánh, may mà một nhân viên đỡ lời, nói bà đếm nhầm. Định lấy nước pha trà, nhưng các đồng nghiệp vội vàng ngăn lại : « Không, đừng uống, nước trong bình đó dành cho tù nhân, chưa sôi ».
Những cái chết bí ẩn và nạn tra tấn tù nhân
Qelbinur Sidik Beg có hợp đồng sáu tháng. Sau ba tuần lễ đầu, bà quen dần với 97 học viên. Họ không có tên, chỉ có một con số in lên chiếc áo màu cam. Có một học viên rất đẹp trai và thông minh tên Salim (tên đã được đổi), là một trong những người giàu có nhất Urumqi trước khi gia tài bị Nhà nước phong tỏa. Mỗi ngày anh đều năn nỉ bà giáo cho thêm vài phút nhìn thấy ánh sáng mặt trời, qua một khe vuông 20 cm trong phòng học. Đến một hôm Salim biến mất, anh bị cao huyết áp và chết vì xuất huyết não.
Một nam học viên nữa mà bà rất quý vì rất tích cực, nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ được thoát ra. Anh ngã bệnh vì nhiễm trùng, và chết trước khi đến bệnh viện. Thanh niên này và Salim qua đời chỉ sau ba tuần vào trại. Mỗi ngày học viên rơi rụng dần, trong khi ban đầu họ đều khỏe mạnh. Họ dần yếu đi, có người thậm chí còn đi không nổi.
Ngày 20/03, tầng một của trại được những người mới đến lấp đầy, họ bị cạo trọc. Khác với lớp đầu tiên gồm nhiều tu sĩ lớn tuổi, lần này là các trí thức, doanh nhân, sinh viên, mà tội duy nhất là dám sử dụng Facebook vốn bị cấm tại Trung Quốc. Dạy tiếng Hoa cho họ trở thành vô nghĩa, Beg bèn phân phát những bài ca cộng sản. Cửa vào lớp chỉ mở hé với một sợi xích treo ngang, buộc học viên phải bò vào hoặc nhảy qua. Tâm trạng hoảng loạn có thể đọc thấy trong ánh mắt họ. Và rồi mỗi giờ lại có 100 người khác được gởi đến. Học viên được vào nhà vệ sinh ba lần một ngày vào giờ ấn định, và tắm mỗi tháng một lần, không quá 15 phút.
Nhiều tuần lễ trôi qua, bà không hé răng về địa ngục mình đang trải qua. Nhưng ngay cả khu nhà ở của Beg cũng trở thành một nhà tù mở, với những vụ bắt bớ xảy ra hàng ngày trên đường phố. Sử dụng WhatsApp hay liên lạc với nước ngoài là đủ để vào tù. Một người hàng xóm nhờ bạn người Hán gọi cho con trai ở Kyrgyzstan bảo đừng về Tân Cương, ngay trong đêm người này đã bị năm công an đến bắt đưa đi mất tích.
Sáu tháng sau, số tù nhân nhập trại đã lên trên 3.000 người, chen chúc 50-60 người một phòng, thay phiên nhau ngủ. Mỗi ngày hai, ba người, đôi khi bảy người bị gọi lên bất kỳ lúc nào. Phòng tra tấn nằm dưới tầng hầm. « Những tiếng kêu la vang vọng trong khắp tòa nhà, tôi nghe thấy khi ăn trưa và đôi khi lúc đang dạy học ». Một nữ công an vốn quen Qelbinur Sidik Beg từ trước vì có con là học trò của bà, bí mật cho biết một số thông tin. Theo đó, có bốn cách tra tấn bằng dụng cụ điện : ghế, găng tay, nón sắt, và dùng gậy điện thọc vào hậu môn.
Số phận nghiệt ngã của các nữ tù là trí thức trẻ
Tháng 9/2017 sau khi hết hợp đồng, Qelbinur Sidik Beg được chuyển sang một trại khác cũng ở Urumqi nhưng dành cho nữ. Đó là một tòa nhà sáu tầng bình thường ngay trong thành phố, đề chữ « Viện dưỡng lão ». Có đến 10.000 phụ nữ bị nhốt tại đây, đầu cạo trọc, chỉ khoảng 60 người là trên 60 tuổi.
Hầu hết là các cô gái trẻ xinh đẹp, học thức. Những thiếu nữ này là sinh viên du học ở Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, châu Âu hoặc Hoa Kỳ, bị bắt giam khi về nước thăm gia đình ; các cô có kiến thức rộng và nói được nhiều ngôn ngữ. Không có toa-lét cho tù nhân, chỉ có một chiếc xô được đem đổ mỗi tuần một lần. Không khí hôi thối khủng khiếp, nhiều người đổ bệnh vì tình trạng mất vệ sinh.
Mỗi thứ Hai, 10.000 nữ tù nhân xếp hàng tại phòng y tế. Y tá tiêm truyền tĩnh mạch, lấy máu và cho uống một viên thuốc màu trắng. Một nữ y tá nói với bà Beg họ cần calcium vì sống trong bóng tối, lấy máu để xét nghiệm bệnh truyền nhiễm, còn thuốc uống giúp dễ ngủ. Bà tự hỏi vì sao lại cần nhiều calcium như thế.
Một hôm đang lên cầu thang, Qelbinur Sidik Beg gặp một nữ công an đang chuyển xác một nữ sinh viên. Chỉ có bà và người công an này là người Duy Ngô Nhĩ trong trại, họ thường nói chuyện với nhau trong sân, nơi không có camera. Người này cho biết thuốc cho uống nhằm ngừa thai, thậm chí thuốc này còn được cho vào bánh bao, nhưng cô sinh viên vẫn có kinh và chết vì mất máu, và dặn bà giữ kín.
Khác với trại trước có nhiều nhân viên là người sắc tộc, ở trại nữ này cán bộ toàn là đàn ông người Hán. Một cô gái bị gọi đi lúc đang trong lớp, hai tiếng sau khi trở về tỏ ra đau đớn không ngồi được, công an la mắng và đưa đi. Beg không bao giờ gặp lại cô sinh viên ấy. Người nữ công an cho biết mỗi ngày có bốn, năm cô bị gọi lên để các cán bộ hiếp dâm tập thể, đôi khi dùng dùi cui điện cho vào chỗ kín và hậu môn.
Tháng 11/2017, đến lượt Qelbinur Sidik Beg bị xuất huyết, được cho đi nằm viện một tháng. Tháng 12/2017, một đợt nữ tù trẻ được thả ra ở Urumqi, một số bị tra tấn đến nỗi phải cưa tay hoặc chân, số khác trở nên điên loạn.
Một phần ba hàng xóm người Duy Ngô Nhĩ mất tích
Beg không bao giờ quay lại trại cải tạo nữa. Tháng 2/2018, bà đi dạy ở trường tiểu học cũ, nhưng đến ngày 16/04/2018, Beg cùng với 11 đồng nghiệp Duy Ngô Nhĩ khác bị buộc ký giấy về hưu tuy chưa đến tuổi quy định.
Thất nghiệp, sức khỏe yếu, bà làm đơn xin lại passport (ở Tân Cương, công an tịch thu mọi hộ chiếu) để đi thăm con gái lấy chồng tại châu Âu, nhưng bị cấm xuất cảnh vào phút chót. Hai hôm sau đám cưới, bà bị công an thẩm vấn suốt năm ngày. Họ nói con gái bà tham gia những cuộc biểu tình, Beg cãi lại thì công an cho xem Facebook của cô, cho thấy cô con gái đã xem một video bị cấm. Họ đòi con gái bà phải khai báo các thông tin cá nhân. Bị sách nhiễu, cô đành gởi các tài liệu mà họ đòi hỏi.
Trong số 600 cư dân người Duy Ngô Nhĩ tại khu nhà của Qelbinur Sidik Beg, có đến 190 người biến mất trong vòng hai năm. Tại tầng một rồi tầng hai, những người nhập cư Trung Quốc dọn đến ở các căn hộ bỏ trống.
Năm 2019, nhờ các mối quan hệ, bà được phép rời Trung Quốc để đi chữa bệnh, nhưng phải đến trình diện 23 cơ quan khác nhau, ở mỗi nơi đều phải làm cam kết sẽ trở về sau một tháng (tuy có visa ba tháng), nếu không lương hưu sẽ bị cắt. Chồng bà cũng có visa sang châu Âu, nhưng bị buộc ở lại cho đến khi bà quay về.
Đến châu Âu vào tháng 10/2019, chính quyền Trung Quốc không ngớt quấy nhiễu, bà khai là vẫn còn phải nằm viện. Rồi đại dịch lan đến, Qelbinur Sidik Beg không thể trở về Tân Cương. Rốt cuộc bà quyết định xin tị nạn, và đấu tranh cho dân tộc Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền Trung Quốc và kể cả chồng bà vẫn chưa biết điều này.
“Các hạm đội đen” của Trung Cộng
đánh cá ngoài khơi vùng biển Bắc Hàn,
bất chấp các lệnh phong tỏa kinh tế
Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Trong tuần này, một loạt các báo cáo cho biết “các hạm đội đen” được cho là đến từ Trung Cộng đánh cá ở vùng biển Bắc Hàn, có khả năng thu về cho Bình Nhưỡng hàng triệu mỹ kim tiền lệ phí bất hợp pháp và buộc các tàu nhỏ của Bắc Hàn ra xa bờ hơn.
Trong nhiều năm, lực lượng tuần duyên Nam Hàn cũng như các chuyên gia độc lập giám sát việc thực thi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc báo cáo rằng các tàu có nguồn gốc từ Trung Cộng đánh cá ở vùng biển Bắc Hàn, trong một số trường hợp có trả tiền để được chính quyền Bắc Hàn cho phép.
Trong một số báo cáo mới, bao gồm một báo cáo được công bố trên tạp chí “Science Advances” vào hôm thứ Tư, hơn một chục nhà nghiên cứu từ một số nhóm hàng hải và ngư nghiệp sử dụng thuật toán học máy để phân tích hình ảnh vệ tinh nhằm lần theo “hạm đội đen”.
Những con tàu không xuất hiện trong các hệ thống giám sát công cộng, bị tình nghi đánh bắt ở vùng biển Bắc Hàn từ năm 2017-2019. Các nhà nghiên cứu cho biết hơn 900 tàu thuộc diện này được quan sát vào năm 2017, với hơn 700 tàu được theo dõi vào năm 2018 và 2019. Hội đồng chuyên gia của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng Bình Nhưỡng tiếp tục bán quyền đánh cá, thu về cho họ khoảng 120 triệu mỹ kim trong năm 2018, theo báo cáo mới nhất của hội đồng hồi tháng 3.
Chính quyền Trung Cộng cho biết họ tuân thủ tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, và thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng các chiến thuật trốn tránh được sử dụng bởi các con tàu này khiến việc xác minh tàu có tham gia đánh cá bất hợp pháp hay không trở nên khó khăn. (BBT)
Tập Cận Bình ẩn thân 20 ngày bất ngờ xuất hiện,
hội nghị Bắc Đới Hà sắp có sóng gió?
Vũ Dương
Ông Tập phải trấn thủ Bắc Kinh, phòng chuyện không hay xảy ra?
Sau 20 ngày ẩn mình, cuối cùng ông Tập Cận Bình đã công khai lộ diện ở Bắc Kinh. Gần đây, chính quyền tiếp quản Tập đoàn Tomorrow Group nhưng vấp phải sự kháng cự của tập đoàn này, ở Trung Quốc đây là điều rất hiếm thấy. Có quan điểm cho rằng Tập Cận Bình muốn thâu tóm túi tiền của giới chức quyền quý Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông phải trấn thủ Bắc Kinh phòng xảy ra chuyện không may. Hội nghị Bắc Đới Hà đoán chừng sẽ có một trường sóng gió.
Ngày 21/7vừa qua, ông Tập Cận Bình đã có buổi hội nghị chuyên đề riêng với một loạt các doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Đây là lần xuất hiện công khai đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ sau khi tham dự Hội nghị nghiên cứu tập thể lần thứ 21 của Cục Chính trị của ĐCSTQ vào ngày 30/6.
Điều đáng chú ý là 3 ngày trước khi ông Tập lộ diện (17/7), 9 cơ quan tài chính cốt lõi của Tập đoàn Tomorrow Group do ông Tiêu Kiến Hoa, một trong những người giàu có nhất Trung Quốc đứng đầu, đã được Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tiếp quản, với thời gian ít nhất là một năm. Tập đoàn Tomorrow Group ngày hôm sau (18/7) đã đưa ra tuyên bố rằng công ty này vẫn luôn chủ động trong việc quản lý tài sản, nhưng cơ quan quản lý điều hành đột ngột can nhiễu công việc của họ. Chính quyền “dồn hết sức thúc đẩy việc tiếp quản”, “Mục đích rốt cuộc là gì?”.
Tuy nhiên, sau thông báo của Tập đoàn Tomorrow Group được đưa ra, các phương tiện truyền thông xã hội có liên quan đã ngay lập tức gỡ bỏ nó.
Trong báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ chỉ ra rằng ở Trung Quốc rất hiếm khi các công ty, nhất là các công ty tư nhân sau khi bị các cơ quan quản lý điều tra và trừng phạt lại công khai thách thức quyết định của chính quyền.
Đằng sau vụ việc được cho rằng có liên quan đến đấu đá nội bộ cấp cao của ĐCSTQ.
Dựa trên nhiều báo cáo truyền thông, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa thành lập Tập đoàn Tomorrow Group vào năm 1999, trong thời gian hơn 20 năm đã phát triển thành một hệ thống tài sản quy mô lớn bao gồm tài chính, công thương nghiệp, bất động sản, dịch vụ thông tấn, năng lượng, Internet cùng nhiều lĩnh vực khác. Trong số đó, có 17 ngân hàng, 9 công ty bảo hiểm, 8 công ty chứng khoán, 4 công ty ký gửi, 3 quỹ đầu tư, 2 công ty hợp đồng tương lai (Futures) và 1 công ty cho thuê tài chính. Năm 2016, những người trong ngành ước tính rằng tổng tài sản của các tổ chức tài chính do Tập đoàn Tomorrow Group kiểm soát cổ phần đã vượt quá 3 nghìn tỷ nhân dân tệ.
Vào cuối tháng 1/2017, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa đã bị bắt cóc bí mật tại Hồng Kông, sau đó được đưa trở về Trung Quốc. Các bên có liên quan bắt đầu tiến hành thanh lý và xử lý tài sản của Tập đoàn Tomorrow Group.
Quan hệ quan – thương phức tạp của Tiêu Kiến Hoa luôn được ngoại giới bàn tán, ông cũng được xem là một tỷ phú mang trong mình màu sắc thần bí. Ông Tiêu Kiến Hoa bị buộc tội thông đồng với các giới chức quyền quý của phe cánh Giang Trạch Dân và từng phát động một cuộc “đảo chính tài chính” vào năm 2015.
Theo truyền thông Hồng Kông, tỷ phú Tiêu Kiến Hoa là “găng tay trắng” của Tăng Vỹ, con trai của cựu phó chủ tịch ĐCSTQ Tăng Khánh Hồng – quản gia có tài sản lớn nhất thuộc phe cánh Giang Trạch Dân. Ông Tiêu Kiến Hoa ít nhất mang trong mình ba tội trạng chính trị như “găng tay trắng của các nhân vật quan trọng trong giới chính trị”, “tài phiệt lũng đoạn chính trị” và “thao túng tài chính và thị trường tương lai”. Sau khi được đưa về Trung Quốc, ông Tiêu Kiến Hoa đã tích cực thú nhận để đổi lấy một hình phạt nhẹ hơn.
Có nhân sĩ thạo tin tiếp cận Trung Nam Hải đã tiết lộ với thế giới bên ngoài rằng trường hợp của ông Tiêu Kiến Hoa là vụ án lớn đứng đầu Trung Nam Hải.
Nhà bình luận truyền thông độc lập Trung Quốc Ngô Đặc cho biết trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài rằng ông Tập Cận Bình ẩn thân 20 ngày không lộ diện, ngay cả khi miền nam xảy ra lũ lụt lớn như vậy cũng không đến hiện trường “đích thân chỉ đạo” làm bộ đôi chút. Gần đây, ĐCSTQ đã cưỡng chế tiếp quản Tập đoàn Tomorrow Group của ông Tiêu Kiến Hoa, tương đương với việc lấy đi túi tiền của giới quyền quý ĐCSTQ như gia tộc ông Tăng Khánh Hồng, ông Tập phải trấn giữ Bắc Kinh để ngăn xảy ra chuyện bất ngờ.
Ông Ngô tin rằng Tập đoạn Tomorrow Group thách thức công khai là có chỗ chống lưng, bởi Tiêu Kiến Hoa từng là “găng tay trắng” cho nhiều gia tộc đỏ ĐCSTQ, trong đó có gia tộc ông Tăng Khánh Hồng. Các thế lực đằng sau ông ta chắc chắn không cam tâm để cho tài sản của mình bị lấy đi như vậy.
Ông Ngô cho rằng việc tịch thu tài sản của Tập đoàn Tomorrow Group diễn ra ngay trước Hội nghị Bắc Đới Hà, đoán chừng Tập Cận Bình có ý “giữ chặt túi tiền răn đe các nguyên lão”, hù dọa các thế lực chống Tập, bảo họ chớ nhảy ra ngoài sinh sự, nếu không sẽ khiến họ mất trắng cả người lẫn của.
Ông Ngô cho biết, “nhóm người của Tăng Khánh Hồng cũng đã thực hiện một cuộc phản công, vậy nên họ sẽ hỗ trợ Tập đoàn Tomorrow Group đứng ra thách thức. Mặc dù những lời tuyên bố thách thức này cuối cùng đã bị xóa, nhưng đoán chừng sẽ có một phen sóng gió sau Hội nghị Bắc Đới Hà”.
Ông tin rằng “các phe phái khác ngoài phe Tập hiện giờ có thể đã không còn sức để phản công, nhưng tất cả họ đều đang chờ cơ hội đợi khi ông Tập Cận Bình gặp phải rắc rối lớn nắm lấy cơ hội tổng tấn công“.
Tuy nhiên, ông Ngô nói rằng Tập Cận Bình đã xuất hiện tại Hội tọa đàm với các nhà doanh nghiệp và mạnh miệng nói rất nhiều những lời sáo rỗng về phẩm đức của nhà doanh nghiệp. Điều này cho thấy người lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ trước những khó khăn cả trong và ngoài nước đã biểu hiện ra một loại “tâm thái đà điểu”. Rõ ràng là đang trong tình huống nguy hiểm, nhưng lại không nguyện ý nhìn thẳng vấn đề, còn giả vờ bản thân đang dẫn dắt cả dân tộc bước trên con đường phục hưng.
Theo Secretchina
Vũ Dương biên dịch
[Video]: Cháy máy bay tại sân bay Thượng Hải,
trên thân có vài vết thủng
Tâm Thanh
Đám cháy bốc ra từ thân máy bay, đặc biệt trên thân có vài vết thủng rất lớn khiến khói đen bốc ra mù mịt.
Sân bay Phố Đông Thượng Hải bất ngờ xảy ra một vụ hỏa hoạn vào chiều ngày 22/7. Một chiếc máy bay trên bãi đậu máy bay không biết vì nguyên nhân gì đã bốc cháy. Phần giữa của thân máy bay bị “thiêu thủng” và bốc ra làn khói dày đặc.
Xiaoxiang Thần báo cho biết vào lúc 3h chiều ngày 22/7, một chiếc máy bay chở hàng màu trắng ở sân bay Phố Đông đã phát ra những đám khói đen kịt và phần giữa thân máy bay bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn. Nhân viên sân bay đã khẩn trương liên lạc với sở cứu hỏa để đến hiện trường dập lửa. Tổng cộng có 5 trạm chữa cháy và 18 xe cứu hỏa đã được huy động. Hiện vẫn chưa rõ về thương vong và nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra làm rõ.
Tài khoản Weibo chính thức của Tập đoàn Sân bay Thượng Hải cũng xác nhận rằng vào lúc 3h chiều ngày 22, tại trạm dừng 306, khoang hàng hóa của máy bay chở hàng Etopian Airlines ET3739 (Phú Đông, Thượng Hải – Addis Ababa, Ethiopia) của sân bay Phú Đông đã bốc cháy. Trước mắt ngọn lửa đã được dập tắt.
Ngoại giới để ý rằng, hãng hàng không chỉ xác nhận rằng có một vụ hỏa hoạn đã xảy ra, mà không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào. Hiện tại giới quan sát đang theo dõi từng động tĩnh dù là nhỏ nhất ở Trung Quốc.
Theo Tô Cơ, Secretchina
Tâm Thanh biên dịch
Trung Quốc: Chính quyền xả lũ không thông báo,
người dân không kịp trở tay
Tâm Thanh
Sau những ngày mưa lớn kéo dài cộng thêm việc xả lũ từ sông Dương Tử, hồ Sào, tỉnh An Huy và sông Trừ – một nhánh sông cấp 1 của sông Dương Tử tiếp tục vượt qua mực nước cao nhất trong lịch sử, theo Epoch Times.
Cửa xả lũ đã được mở ở nhiều nơi trong lưu vực hồ Sào khiến nhiều thị trấn gần đó như thị trấn Chá Cao, thị trấn Hòe Lâm, thị trấn Cao Lâm, hồ Hoàn đều bị ngập lụt. Lũ lụt dâng cao nhấn chìm tầng 1 của tòa nhà. Nhiều cửa hàng không kịp thu dọn và phải chịu tổn thất nặng nề.
Lúc 10h24 sáng ngày 21/7, mực nước của trạm Miếu trong hồ Sào đã lên tới 13,36m, vượt quá mực nước được ghi nhận trong lịch sử.
Nước lũ trong cửa hàng sâu tới 2m
Ông Lưu, chủ một cửa hàng bán đồ đông lạnh, ngũ cốc, dầu và các loại gia vị ở thị trấn Chá Cao tiết lộ với Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung rằng, chính quyền đã giải phóng lũ vào rạng sáng ngày 19, người dân không hề nhận được bất kỳ thông báo nào. Nếu như có thông báo thì họ đã không bị ảnh hưởng nghiêm trọng như vậy.
“Toàn bộ thị trấn của chúng tôi hiện đang bị ngập lụt. Những vật dụng cơ bản không thể mang ra ngoài, về cơ bản mọi thứ chưa được sơ tán. Nước lũ đến và dâng nhanh khiến chúng tôi muốn di chuyển đồ đạc đi nơi khác cũng không kịp”.
Ông Lưu nói rằng, thời điểm nước ngập trong cửa hàng của ông sâu nhất lên tới 2m và ông không thể vào trong. Đến ngày 23, mực nước đã rút nhưng vẫn cao ngang ngực. Lúc đó, họ mới chèo thuyền vào và chuyển một số hàng hóa ra ngoài.
“Hiện tại ước tính tổn thất ít nhất là 100.000 nhân dân tệ (tương đương 330 triệu vnd), như vậy với tôi vẫn là còn khá nhỏ. Có một ông chủ chuyên lắp đặt các thiết bị đã bị mất gần 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 16 tỷ 505 triệu vnd) và tất cả các vật liệu đều bị ngâm trong nước”.
Chính quyền xả lũ không thông báo, người dân rút lui không kịp
Ông Lưu cho biết, ban đầu không ai thông báo cho người dân rằng đó là một trận xả lũ. “Tôi nghĩ rằng đó chỉ là lụt lội bình thường. Tôi đã kê mọi thứ lên cái ghế cao trong nhà. Khi tôi vừa kê xong, thì nước lũ đã vào đến cửa tiệm. Tôi chạy ra bờ sông để xem, mực nước trên sông cao hơn 0,5m so với mức nước chảy vào thị trấn. Tôi vội trở lại cửa hàng để lấy những thứ đồ quan trọng mang đi nhưng đã không còn kịp nữa”.
Trương Ngọc (bút danh), một nữ dân làng khác ở thị trấn Chá Cao nói với Thời báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung: Chính quyền đã mở cổng xả lũ mà không hề thông báo gì cho người dân. Đến ngày 22/7, nước đã ngập sâu đến 3m, nhấn chìm tầng 1.
“Nước sâu đến chân vào buổi sáng ngày 19, đến thắt lưng vào tầm trưa và khi tôi thức dậy vào ngày hôm sau, nước đã lên cao đến đầu người”, Trương Ngọc nói.
“Tầng 1 ngôi nhà của tôi về cơ bản đã biến mất. Có rất nhiều cửa hàng trong thị trấn bị ngập lụt. Bây giờ quan trọng nhất là bảo vệ tính mạng, tài sản bị tổn thất nặng nề nhưng cũng phải chịu”.
Trương Ngọc nói rằng nhiều nơi trong thành phố Sào Hồ, kể cả các nhà máy đều đã bị ngập lụt. Bây giờ, mọi người phải tranh giành nước suối để uống.
Ông Lưu chia sẻ, ông có một người bạn: “Ngôi nhà của anh ấy ở nơi địa thế thấp, lúc nửa đêm khi đang ngủ ngon giấc, nước lũ ập tới, anh ấy mặc quần áo, xỏ vội đôi dép và chạy nhanh ra ngoài. Nước lũ sâu nhất ngập tới tận nóc của tầng trệt”.
Dân làng ban đầu dự đoán nước này sẽ rút trong vòng nửa tháng. Giả như nước thực sự rút được sau nửa tháng, thì việc dọn dẹp, sửa sang cửa hàng cũng phải mất 1 đến 2 tháng mới có thể khôi phục.
Ông Lưu bày tỏ, người dân bây giờ đang phải tự tìm nơi ở, chính phủ không quan tâm đến hậu quả trận lũ. Có những người dân sống ở tầng trên của căn nhà bị ngập tầng 1, không có điện, không có nước. Nếu như muốn ăn thì phải thuê thuyền để chèo ra ngoài hoặc có thể tìm người giao đồ ăn đến.
“Gia đình tôi có rất nhiều anh chị em, vì vậy tôi không thể đi chỗ khác ở. Hầu hết mọi người đều tự cứu mình và chỉ khi không còn khả năng tự cứu, họ mới gọi điện tới chính phủ”. Ông Lưu nói.
Người dân đòi chính phủ một lời giải thích
Ông Lưu tin rằng các yêu cầu của dân làng trên thực tế rất đơn giản. “Hãy thông báo cho chúng tôi trước khi các vị xả lũ. Như vậy, chúng tôi có thể có thời gian để xử lý kịp thời. Ít nhất thì cũng có thể cứu vãn được 80-90% tổn thất”.
Ông Lưu nói rằng thị trấn của ông bị ngập lụt tới 60 đến 70%. Ba siêu thị lớn ở khu vực thịnh vượng nhất của trung tâm thị trấn đều bị ngập trong nước. Người bạn của ông đến từ Vũ Hán, gia đình có 5 người, sau nhiều năm làm lụng vất vả thì giờ đây đã bị mất trắng sau trận lũ.
Bây giờ mọi người đã kiệt sức vì quá mệt mỏi, đến nỗi không còn chút sức lực nào để đi đòi chính phủ bồi thường. Tuy nhiên, sau khi sự việc này kết thúc, những thương nhân này sẽ đi tìm chính quyền đòi một lời giải thích thỏa đáng. “Nào là đại gia hay tiểu gia, thì ít ra phải thông báo trước cho chúng tôi một tiếng trước khi hành động xả lũ chứ”.
Theo Tôn Vân, Epoch Times
Tâm Thanh biên dịch
Hồ Bắc 5 ngày trước chìm trong lũ lụt,
giờ lại thiếu nước trầm trọng
Tâm Thanh
Người dân lâm vào tình cảnh trớ trêu, đời sống rất thiếu thốn và khó khăn.
Vào ngày 23/7, thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc bị thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng và cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Mọi người phải xếp hàng dài để chờ lấy nước và một bình nước đóng chai được bán với giá 28 nhân dân tệ (tương đương 93.000 VND).
Vào 5 ngày trước, do mưa lớn và xả lũ từ các hồ chứa ở thượng nguồn, thành phố Ân Thi đã bị ngập lụt trên diện rộng. Giao thông, nước, điện, Internet của thành phố đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bị hư hại.
Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy người dân xếp hàng dài chờ đợi cả ngày lẫn đêm để lấy nước sinh hoạt từ xe tải vận chuyển nước. Được biết, một bình nước đóng chai được bán với giá 28 nhân dân tệ. Mọi người chủ động tự đi tìm kiếm các nguồn nước, và có hàng dài người xếp hàng ở bất cứ nơi nào họ có thể nhận được nước.
Vào ngày 17/7, thành phố Ân Thi, tỉnh Hồ Bắc đã phải hứng chịu cơn mưa lớn khiến cả thành phố bị ngập lụt nghiêm trọng. Do mưa lớn liên tục, mực nước của sông Thanh Giang ở thành phố Ân Thi tiếp tục tăng. Đến 4 giờ chiều (giờ địa phương) ngày 17/7, mực nước của sông đã vượt quá 418,9 mét. Các tuyến đường chính dọc 2 bờ sông bị ngập sâu, khiến xe cộ và người đi đường bị kẹt trong dòng nước. Chính quyền thành phố Ân Thi đã phải nâng mức ứng phó khẩn cấp với lũ lụt từ cấp II lên cấp I – cấp cao nhất.
Cư dân mạng đã đăng tải những video cho thấy rất nhiều ngôi nhà ở thành phố Ân Thi bị sụp đổ do lũ. Tại một số nơi trong thành phố, nước lũ sâu gần 3m. Xe bus gần như bị ngập hoàn toàn trong nước.
Theo Hách Diên Soundofhope
Tâm Thanh biên dịch
https://www.dkn.tv/the-gioi/ho-bac-5-ngay-truoc-chim-trong-lu-lut-gio-lai-thieu-nuoc-tram-trong.html
Truyền thông Trung Quốc: ‘Lũ lụt không phải
điều xấu với những người có đầu óc’
Tâm Thanh
Đồng thời bài báo tuyên truyền còn nói, người dân kiên cường sẽ không “mắng Trời, rủa Đất”, mà sẽ “chiến với Trời, đấu với Đất”.
Những ngày qua, Cửu Giang, tỉnh Giang Tây; Hợp Phì, tỉnh An Huy, Lục An và những nơi khác liên tục xảy ra những trận lụt lớn. Theo tin tức, video người dân đăng tải lên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, những người dân gặp nạn đang ở trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, bi thương. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chính thức của chính quyền Trung Quốc đã đưa tin rằng: “Thảm họa lũ lụt không phải là một điều xấu với những người có đầu óc sáng suốt, biết suy nghĩ thấu đáo“, dấy lên sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng.
Gần đây, mưa lớn kéo dài ở tỉnh An Huy cộng thêm vị trí nằm ở cạnh sông Giang Hoài, do đó chịu ảnh hưởng kép bởi nước từ sông Dương Tử và sông Hoài đổ vào. Nhiều khu vực lưu trữ lũ tại tỉnh An Huy bắt đầu được kích hoạt (xả nước vào các vùng trữ lũ để cứu thành thị). Trong nháy mắt, gia đình của mấy trăm ngàn người dân An Huy chìm trong biển nước.
Video đăng tải trên Internet cho thấy việc xả lũ đã khiến cho khu vực Vận Tào, Hàm Sơn, tỉnh An Huy ra thông báo sơ tán toàn bộ thị trấn. Một ông già ngoài 70 tuổi đã phải đạp xe ba bánh cả đêm để đi sơ tán. Trên xe là người mẹ 90 tuổi của ông. Đây là tất cả những gì ông có khi rời khỏi nhà khiến người xem không kìm được nước mắt. Cư dân mạng xôn xao bàn luận: “Tổ chức sơ tán như vậy sao?“; “Không có xe bố trí để sơ tán sao?“
Một video khác cho thấy một bờ đê ở An Huy có rất nhiều các lều vải đơn sơ được dựng lên từ những vật liệu sẵn có và nilon của chính các nạn nhân lũ lụt. Cảnh tượng thật đáng thương tâm.
Giang Tây cũng là một khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vài ngày trước, bờ kè ở huyện Bà Dương đã bị nước tràn ngập mênh mông, nhiều ngôi nhà bị nước lũ nhấn chìm cả tầng 1. Xung quanh tỉnh hội Nam Xương đều bị lũ lụt bao trùm. Truyền thông Hồng Kông cho biết, hầu hết người dân trong thôn đã đi sơ tán, nhưng vẫn còn một số người già ở lại trong làng, liều mình bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình. Bởi vì đồng ruộng đã thất thu do lũ, đàn gia cầm và gia súc này đối với họ mà nói, là một khối tài sản không hề nhỏ.
Những cảnh tượng bi thảm này chưa bao giờ được nhìn thấy trong các báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc. Ngược lại, các phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng thảm họa lũ lụt không phải là một điều hoàn toàn xấu.
Ngày 21/7, kênh thông tấn xã Bà Dương tại huyện ủy Bà Dương của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Thảm họa lũ lụt không phải là một điều tồi tệ với những người có đầu óc biết suy nghĩ thấu đáo“. Những trận lụt hiếm thấy trong lịch sử đã phá hủy nhà cửa và làm gián đoạn cuộc sống của người dân. Nhưng những kẻ mà được chính quyền cho là “có lý trí và ngoan cường” không hề “mắng Trời, rủa Đất“, thay vào đó họ khơi dậy tinh thần cao độ “chiến với Trời, đấu với Đất“. “Tội ác của thảm họa lũ lụt không phải là xấu xa, bạn có thể nói rằng đó là một điều xấu với những người sáng suốt hay không?“
Bài báo nói rằng thảm họa đã làm chất xúc tác cho nhiều câu chuyện cảm động ở thành phố Hồ Bắc. Họ ca ngợi cái gọi là “cùng nhau vượt qua khó khăn” và “tinh thần chiến đấu chống lũ“. Điều này đã thu hút một loạt phản kích từ cư dân mạng. Nhiều cư dân mạng chế giễu bài báo này là “Đám tang hạnh phúc“, “dùng nỗi đau của người dân để sáng tác thơ văn“. Sau đó, bài viết này đã bị xóa.
Theo Nguyên Minh Thanh/Soundofhope
Tâm Thanh biên dịch
Trung Quốc hứng chịu 8 trận động đất liên tiếp
trong hơn nửa ngày
Tâm Thanh
Cường độ của trận động đất mạnh nhất là khá cao.
Từ 4h07 sáng đến 6h50 chiều ngày 23/7, 8 trận động đất đã liên tiếp xảy ra tại Trung Quốc đại lục. Trong đó, 7 trận động đất xảy ra ở Tây Tạng, 4 trong số đó có cường độ trên 4 độ richter và cường độ cao nhất là 6,6 độ richter. Một trận động đất mạnh 3,1 độ xảy ra ở Shangri-La, Vân Nam.
Theo tin tức động đất Trung Quốc, vào lúc 6h50 tối ngày 23/7, một trận động đất mạnh 4,8 độ xảy ra ở quận Nyima, thành phố Nagqu, Tây Tạng (33,16 độ vĩ Bắc, 86,86 độ kinh Đông) với tâm chấn sâu 10 km.
Vào lúc 2h48 chiều ngày 23/7, một trận động đất mạnh 3,6 độ xảy ra ở quận Nyima (33,10 độ vĩ Bắc, 86,74 độ kinh Đông) với độ sâu tâm chấn là 10 km.
Vào lúc 9h04, một trận động đất mạnh 3,7 độ xảy ra ở quận Nyima (33,13 độ vĩ Bắc, 86,69 độ kinh Đông), tâm chấn sâu 10 km dưới lòng đất.
Vào lúc 8h10 sáng, cũng tại quận Nyima (32,96 độ vĩ Bắc, 32,96 độ, 87,06 độ kinh Đông), một trận động đất mạnh 4,1 độ richter xảy ra với tâm chấn 7 km.
Vào lúc 6h28 phút sáng, một trận động đất mạnh 4,3 độ richter đã xảy ra ở quận Nyima (33,24 độ vĩ Bắc, 86,91 độ kinh đông) với độ sâu 7 km.
Vào lúc 4 giờ 07 phút sáng, tại quận Nyima (33,19 độ vĩ bắc, 86,81 độ kinh Đông), một trận động đất mạnh 6,6 độ xảy ra với tâm chấn ở độ sâu 10 km.
Ngoài quận Nyima, vào lúc 8h47 ngày 23/7, một trận động đất mạnh 3,9 độ xảy ra ở quận Bomi, thành phố Nyingchi, Tây Tạng (30,35 độ vĩ Bắc, 94,85 độ kinh Đông) ở độ sâu 10 km.
Vào lúc 3h54 phút chiều ngày 23/7, một trận động đất mạnh 3,1 độ xảy ra ở thành phố Shangri-La, tỉnh Di Khánh, Vân Nam (27,73 độ vĩ Bắc, 99,99 độ kinh Đông), với độ sâu 9 km.
Như vậy, chỉ trong vòng một ngày, Trung Quốc đại lục đã liên tiếp xảy ra đến 8 trận động đất.
Theo Tiêu Luật Sinh Epochtimes
Tâm Thanh biên dịch
Brunei phá vỡ im lặng
về tranh chấp ở Biển Đông sau tuyên bố của Mỹ
Động thái được xem là rất hiếm hoi bởi Brunei lâu nay là bên im hơi lặng tiếng nhất trong số “5 nước, 6 bên” tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Trong tuyên bố được phát ngày 20-7, Bộ Ngoại giao Brunei nhấn mạnh nước này luôn cam kết duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Về tổ chức, Quốc vương Brunei, Ngài Hassanal Bolkiah, hiện cũng là ngoại trưởng nước này. Brunei còn một bộ trưởng ngoại giao thứ hai khác, chuyên tiếp xúc với các ngoại trưởng ASEAN và các nước.
Như vậy, tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông gồm 5 nước (Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei) và một vùng lãnh thổ (Đài Loan) đều đã lên tiếng trong vòng 2 tuần sau khi Mỹ công bố lập trường mới, bác bỏ các yêu sách hàng hải phi lý của Trung Quốc.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Brunei không nhắc đến các động thái của Mỹ và nhắc lại “cách tiếp cận hai bước” của nước này trong vấn đề Biển Đông.
“Các vấn đề cụ thể cần được giải quyết song phương bởi các quốc gia liên quan trực tiếp thông qua đối thoại và tham vấn hòa bình. Brunei nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán như vậy về Biển Đông cần được giải quyết theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và các quy tắc, nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, tất cả các quốc gia liên quan cần thúc đẩy một môi trường điềm tĩnh, hòa bình và thuận lợi, xây dựng niềm tin và tăng cường niềm tin lẫn nhau trong khu vực”, Bộ Ngoại giao Brunei khẳng định.
Cũng trong tuyên bố, Brunei thúc giục các bên xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) “hiệu quả và thực chất”.
Tờ Rappler của Philippines nhận định động thái hiếm hoi của Brunei đã cho thấy khá rõ quan điểm của nước này.
Theo tờ này, Brunei đang cố gắng cân bằng giữa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông và tiếp tục mối quan hệ bền chặt với Trung Quốc khi nhắc đến giải quyết song phương thay vì đa phương.
Trung Quốc từ lâu đã thúc đẩy quan điểm rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông chỉ nên giải quyết song phương – điều mà các học giả cho rằng là nỗ lực để chiếm ưu thế vì Bắc Kinh là một nước lớn và các bên còn lại đều yếu sức hơn, dễ bị lấn lướt.
Tuy nhiên, tờ Rappler cũng nhận định việc Brunei phá vỡ im lặng và lên tiếng về tranh chấp Biển Đông là rất đáng chú ý.
Gần đây nhất, Tuyên bố chủ tịch ASEAN sau Hội nghị cấp cao lần thứ 36 đã nhắc đến việc UNCLOS 1982 “là cơ sở để xác định các quyền lợi hàng hải, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các khu vực hàng hải”.
“Mọi hoạt động ở các vùng biển và đại dương phải được thực hiện theo các khuôn khổ pháp lý được vạch ra trong UNCLOS 1982″.
Việc những dòng này xuất hiện trong văn bản mang tính chất như thông cáo chung của các nhà lãnh đạo ASEAN cho thấy đã có sự nhất trí cao giữa các nhà lãnh đạo về Biển Đông. ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, do đó nếu một nước lên tiếng phản đối, những dòng này sẽ khó lòng xuất hiện sau hội nghị.
Indonesia tập trận
sau khi từ chối đàm phán với TQ về Biển Đông
Hạm đội miền tây thuộc hải quân Indonesia đang tiến hành cuộc tập trận ở biển Java và Biển Đông, với sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay.
Tàu hải quân Indonesia phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc trong lúc tàu Indonesia tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế ở phía bắc đảo
Natuna ở Biển Đông ngày hồi tháng 1.2020
Cụ thể, trang tin BernaNews dẫn lời giới chức Indonesia cho hay Hạm đội miền Tây đã tổ chức cuộc tập trận ở biển Java ngày 22.7, nằm trong số hàng loạt cuộc tập trận của nước này từ ngày 18.7 đến ngày 2.8. Trong đó sẽ có một cuộc tập trận tác chiến đổ bộ diễn ra ở bãi biển trên đảo Singkep trong quần đảo Riau thuộc Indonesia ở Biển Đông.
Kế hoạch tập trận bao gồm những cuộc tác chiến giả định trên biển, với sự tham gia của 2.000 quân nhân, 26 tàu chiến, 19 máy bay và 18 xe tác chiến, theo phát ngôn viên Bộ Chỉ huy hạm đội hải quân I của Indonesia Fajar Tri Rohadi. Ông nhấn mạnh xét về cấp độ hạm đội, đây là đợt tập trận phức tạp nhất vì có nhiều cuộc tập trận liên quan tất cả đơn vị hải quân.
Nhà quan sát quân sự Beni Sukadis thuộc Viên nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Indonesia nhận định đơt tập trận mới nằm trong nỗ lực củng cố chủ quyền biển của nước này. “Dù chúng tôi không có nhiều tàu chiến, chúng tôi đang thể hiện rằng chúng tôi có quyết tâm củng cố chủ quyền của mình”, ông Beni nhấn mạnh.
Đợt tập trận nói trên diễn ra khoảng một tháng sau khi Indonesia từ chối đàm phán với Trung Quốc về Biển Đông.
Hôm 18.6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”, theo BenarNews.
0 comments