Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 21/07/2020

Tuesday, July 21, 2020 4:55:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 21/07/2020

Diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, Trung Quốc có nguy cơ ra tòa án quốc tế – Thụy My

Libération phỏng vấn một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ đang lưu vong ở châu Âu. Nhân vật vừa là nhân chứng vừa là nạn nhân đã kể lại chi tiết những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương: bắt giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai… chứng tỏ chính sách đồng hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng.
Le Monde hôm nay chạy tựa «Châu Âu: Hậu trường một cuộc đàm phán ngoại hạng». Le Figaro  đặt câu hỏi «Có nên lo ngại Covid-19 dấy lên trở lại?», Les Echos lo lắng với «Cú sốc của một mùa hè không khách du lịch». La Croix quan tâm đến «Nguy cơ tân quốc xã tại Đức». Riêng Libération dành trọn trang bìa và 7 trang báo khổ lớn bên trong để tố cáo nạn diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Sau khi một báo cáo về việc Trung Quốc cưỡng bức triệt sản được công bố, nhật báo thiên tả đã gặp một nữ giáo viên Duy Ngô Nhĩ lưu vong ở châu Âu. Nhân chứng này đã kể lại những điều tai nghe mắt thấy trong trại cải tạo ở Tân Cương: bắt giam hàng loạt, tra tấn, hãm hiếp, lao động khổ sai… chứng tỏ chính sách đồng hóa của đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngả sang hướng diệt chủng.
Phóng viên Libération đã gặp bà Qelbinur Sidik Beg tại một nước Tây Âu không được tiết lộ vì lý do an ninh. Cuộc đời của nhà giáo tốt nghiệp đại học Urumqi về văn minh Trung Hoa đã đảo lộn từ ngày 01/03/2017, khi bà được tuyển vào làm giáo viên trong một trại cải tạo. Những lời kể rất chi tiết của bà đã xác nhận những thông tin thu thập được từ ba năm qua từ những người tù hiếm hoi được thả, và điều tra của các nhà báo, nhà nghiên cứu.
Địa ngục cải tạo Tân Cương: Ngược đãi, tra tấn, hãm hiếp
Các xà-lim giam giữ 97 “học viên” của bà chìm trong bóng tối, chỉ có những tấm mền trải dưới đất. Cháo phát cho học viên chẳng thấy hạt gạo nào, chỉ toàn nước. Số lượng học viên giảm dần vì chết và sức khỏe suy sụp, đi không nổi, trong khi lúc đầu họ rất khỏe mạnh. Người tù chỉ được tắm một lần mỗi tháng 15 phút, xà-lim không có toa-lét, chỉ có một chiếc xô được đổ mỗi tuần một lần, mùi hôi thối nồng nặc khiến nhiều người đổ bệnh.
Đọc thêm: «China Cables»: Lời chứng của một người Duy Ngô Nhĩ sau 11 tháng tù
Chỉ trong sáu tháng đã có thêm ít nhất 3.000 người bị tống vào trại, họ là những trí thức, doanh nhân, sinh viên chỉ có tội là đã tham khảo Facebook. Phòng tra tấn ở dưới tầng hầm, tiếng kêu la của các nạn nhân nghe được khắp nơi. Một nữ công an thân với bà Beg bí mật cho biết, có bốn kiểu tra tấn bằng dụng cụ điện: ghế, găng, nón sắt, gậy.
Đến tháng 9/2017, giáo viên này được đổi sang một trại khác, giam toàn nữ. Có đến 10.000 phụ nữ hầu hết trẻ tuổi, xinh đẹp và học thức; họ bị đi cải tạo vì từng du học nước ngoài, như Hàn Quốc, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Mỹ. Tại trại nữ, tất cả cán bộ đều là đàn ông người Hán. Mỗi ngày, khoảng bốn, năm cô gái bị gọi lên để hãm hiếp tập thể một cách dã man. Tất cả đều bị buộc triệt sản, bản thân người kể chuyện cũng bị cưỡng bức đặt vòng tránh thai. Tại khu nhà nơi bà cư ngụ, 190/600 cư dân người Duy Ngô Nhĩ biến mất trong vòng hai năm, những người Hán dọn đến lấp đầy những căn nhà trống.
Triệt sản, buộc phá thai, tẩy não…
Theo nhà nghiên cứu Đức Adrian Zenz, thì năm 2018 có đến 80% trường hợp đặt vòng là tại Tân Cương, trong khi vùng đất này chỉ chiếm 1,8% dân số Trung Quốc. Công trình nghiên cứu 28 trang từ các dữ liệu của Trung Quốc chứng minh nhà nước độc đảng đang lao vào chiến dịch hạn chế sinh sản đối với một nhóm sắc tộc. Đây là một trong năm tiêu chí xác định nạn diệt chủng, được định nghĩa trong hiệp ước ngăn ngừa và trấn áp tội ác diệt chủng của Liên Hiệp Quốc năm 1948.
Đọc thêm: Trung Quốc tẩy não trẻ em Duy Ngô Nhĩ từ tiểu học để đồng hóa
Từ năm 2016, số sinh tại những phường xã mà đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ giảm mạnh, trong khi những nơi cư dân là người Hán tăng lên, thậm chí gấp 8 lần. Việc hạn chế sinh sản được chỉ đạo từ cấp cao nhất ở Bắc Kinh nhằm hạ thấp dân số Duy Ngô Nhĩ, vì «làm giảm bản sắc quốc gia và nhận diện Hán tộc». Một nhà sử học Trung Quốc giấu tên nhận định, bắt đầu từ việc cấp nhà đất miễn phí để thu hút người Hán di dân ồ ạt đến Tân Cương, nhưng sau thất bại của việc Hán hóa một cách hòa bình, Bắc Kinh bèn sử dụng những biện pháp phát-xít.
Ngừa thai, triệt sản, cưỡng bức phá thai được tiến hành song song với việc tẩy não những trẻ em bị tách rời khỏi gia đình. Hàng trăm ngàn nhân viên người Hán được gởi đến sống chung với các gia đình Duy Ngô Nhĩ, ngủ chung với các phụ nữ độc thân. Nhà sử học Hélène Dumas thuộc CNRS khẳng định chính sách thô bạo nhắm vào phụ nữ và trẻ em rất đáng ngại, vì diệt chủng tập trung vào chặt đứt mối liên quan giữa các thế hệ.
Bằng chứng diệt chủng Duy Ngô Nhĩ nhiều hơn cả Rwanda
Dù kiểm soát chặt chẽ bằng công nghệ cao, vẫn có những thông tin lọt được ra ngoài. Marie Lamensch, Viện nghiên cứu về diệt chủng ở Montréal, cho biết: «Chưa bao giờ có nhiều bằng chứng như vậy so với Rwanda. Vấn đề là sức mạnh của Trung Quốc, ngày càng kiểm soát được nhiều tổ chức Liên Hiệp Quốc và vận động được nhiều nước kể cả các nước Hồi giáo. Trừng phạt kinh tế có thể gây tác động. Cần phải tập hợp các bằng chứng chuẩn bị đưa ra tòa, và nêu rõ Trung Quốc đã phạm tội ác chống nhân loại».
Liên Hiệp Châu Âu (EU) đòi hỏi Bắc Kinh cho phép và tạo điều kiện cho các đại sứ EU thăm Tân Cương. Trong khi chờ đợi, tình hình người Duy Ngô Nhĩ ngày càng gây tiếng vang: trong một cuộc phỏng vấn, BBC làm đại sứ Trung Quốc tại Anh bối rối trước một video cho thấy hàng trăm người Duy Ngô Nhĩ bị cạo trọc, bịt mắt, quỳ gối trong một nhà ga. Chương trình này đã thu hút trên 6 triệu lượt xem từ cuối tuần qua. Liên minh các nghị sĩ về vấn đề Trung Quốc (IPAC), tập hợp trên 160 nghị sĩ của 16 nước, đang vận động để tiến hành một vụ kiện quốc tế.
Đọc thêm: Học giả Đức tố cáo Trung Quốc “diệt chủng văn hóa” người Duy Ngô Nhĩ
Tuy nhiên bản thân Adrian Zenz – nhà nghiên cứu đầu tiên đã đưa ra ánh sáng việc 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị tống vào trại cải tạo và nay tố cáo nạn triệt sản người Duy Ngô Nhĩ – lại bị Bắc Kinh trực tiếp đe dọa.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong cuộc họp báo ngày 08/07 đã khuyến cáo ông «sửa chữa những lỗi lầm, vì những sai trái sẽ dẫn đến hủy diệt». Adrian Zenz nói với Libération, một nước muốn trở thành siêu cường quốc tế mà lại đi đe dọa cá nhân một nhà nghiên cứu là điều chưa từng thấy. Nhưng Bắc Kinh không thể nào chối cãi được vì các dữ liệu trong nghiên cứu của ông lấy từ chính các tài liệu của nhà nước Trung Quốc.
Trung Quốc sợ ra tòa quốc tế, Mỹ cứng rắn, châu Âu lừng khừng
Ông nhận định, Trung Quốc lo sợ trước bài xã luận ngày 06/07 trên Washington Post mang tựa đề «Những gì diễn ra tại Tân Cương là diệt chủng», và kêu gọi tẩy chay Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022. Và lần đầu tiên, hai tập thể Duy Ngô Nhĩ lưu vong kiện Trung Quốc ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế vì tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại. Cho dù có xóa đi những tài liệu trên mạng, tội ác của Bắc Kinh đã bị tiết lộ. Nhà nghiên cứu lấy làm tiếc vì các phản ứng yếu ớt của phương Tây, đặc biệt là nước Đức của ông, với lịch sử đã trải qua.
Đọc thêm: Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc đầu tiên bị Mỹ trừng phạt vì Tân Cương
Trong khi nhiều cường quốc giữ im lặng, chỉ có chính quyền Donald Trump tỏ ra quyết đoán, lên án Bắc Kinh «vi phạm trầm trọng nhân quyền», là «vết nhơ của thế kỷ». Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị là Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo), bí thư Tân Cương, bị Hoa Kỳ trừng phạt cùng với một số quan chức khác hôm 09/07. Sau khi việc triệt sản bị tiết lộ, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo «đảng Cộng Sản Trung Quốc hoàn toàn coi thường tính chất thiêng liêng của sinh mạng và nhân phẩm con người». Tổng thống Trump hôm 17/06 đã ký ban hành luật nhân quyền Duy Ngô Nhĩ được lưỡng đảng Quốc hội thông qua hồi tháng Năm.
Ghi nhận những nỗ lực tích cực của Washington về Tân Cương và Hồng Kông, nhưng tờ báo chỉ trích Mỹ vẫn làm ngơ trước những vi phạm của đồng minh Ả Rập Xê Út và dung túng cho Bắc Triều Tiên. Còn với nước Pháp? Chẳng có hành động gì cả, ngoài sự im lặng, mà nếu cứ kéo dài, sẽ trở thành đồng lõa.
Hậu trường cuộc đàm phán gay cấn của EU
Tại châu Âu, vào lúc năm giờ rưỡi sáng nay, 27 nước EU đã đạt một thỏa thuận lịch sử sau bốn ngày bốn đêm đàm phán căng thẳng. Le Monde, ra từ chiều hôm trước, thuật lại diễn biến gay go trong hậu trường.
Bốn nước «keo kiệt» Hà Lan, Áo, Thụy Điển, Đan Mạch cộng thêm Phần Lan đã làm mọi cách để giảm thiểu tầm vóc của kế hoạch phục hồi kinh tế, đồng thời cò kè bớt một thêm hai cho quyền lợi nước mình. Họ không muốn ngân sách tài trợ vượt quá 350 tỉ euro so với đề nghị ban đầu, trong khi đã có rất nhiều nhượng bộ đối với họ như giảm trợ cấp, giảm ngân sách châu Âu 2021-2027, giảm phần đóng góp của các nước này. Hai thủ tướng Hà Lan và Áo còn đòi siết chặt thêm điều kiện Nhà nước pháp quyền để đẩy Ba Lan và Hungary vào nhóm phản đối.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel phản ứng dữ dội. Ông Macron giận dữ dọa sẽ rời bàn hội nghị, và cuối giờ chiều thứ Bảy 18/07 tổng thống Pháp cũng đã yêu cầu chuẩn bị máy bay để quay về Paris. Đêm thứ Bảy, ông Macron và bà Merkel cùng thức đến ba giờ sáng Chủ nhật bên ly vang trắng, hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức đều tự hỏi có cần thiết phải tiếp tục hay không. Le Monde nhận xét, hội nghị thượng đỉnh EU «bằng xương bằng thịt» đầu tiên sau đại dịch, với những cuộc họp song phương đủ loại, những phát biểu nảy lửa, những cánh cửa đóng sập lại giận dữ, nhắc người ta nhớ đến các cuộc họp nhằm cứu vãn Hy Lạp trước đây.
Le Figaro cho biết các nước EU «bực tức và hoài nghi trước cung cách của Mark Rutte». Thủ tướng Hà Lan là một nhà đàm phán đáng gờm : hóm hỉnh và tươi cười khi cần làm giảm áp lực, trầm tĩnh để làm đối thủ mất kiểm soát, tung hỏa mù để che giấu ý định thực sự nhằm đòi thêm nhượng bộ. Một người thân cận với hồ sơ bực bội nói : « Mỗi lần ngỡ đã thỏa thuận được một điều rồi, ông ta lại đòi thêm điều khác và rồi điều khác nữa ». Đây cũng là bình thường trong đàm phán, nhưng vấn đề là Rutte đi quá xa. Cách thức lấn dần từng bước của ông đã thành công, nhưng việc đòi lấy được phần mình như Anh thời trước, đã để lại dấu ấn nặng nề tại EU. Một nhà ngoại giao khuyến cáo : « Nếu tôi là Rutte, tôi sẽ tránh đi nghỉ tại một nước Nam Âu mùa hè này ».

Tin tổng hợp
(AFP) – Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen 11 công ty Trung Quốc liên quan đến các vi phạm nhân quyền.
Các doanh nghiệp trên sẽ bị hạn chế tiếp cận công nghệ, sản phẩm của Mỹ vì đã tham gia  các hoạt động truy bức người thiểu số Duy Ngô Nhĩ, theo thông báo ngày 20/07/2020 của Bộ Thương Mại Mỹ. Thông cáo của chính quyền Mỹ khẳng định 11 công ty can dự vào các hoạt động vi phạm nhân quyền, phục vụ các hoạt động trấn áp, bỏ tù hàng loạt và cải tạo lao động sắc dân thiểu số theo Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ trong vùng Tân Cương, qua việc thu thập dữ liệu sinh trắc, phân tích di truyền.
(AFP) – Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ muốn đến thăm Trung Quốc trong năm 2020.
Ý định này của ông Mark Esper được đưa ra trong một buổi hoiij thảo được Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (IISS) tổ chức trên mạng ngày 21/07/2020. Lãnh đạo Quốc Phòng Mỹ cho biết muốn « cải thiện mối quan hệ hợp tác trong những lĩnh vực mà hai bên có những lợi ích chung và thiết lập những hệ thống liên lạc cần thiết cho các cuộc khủng hoảng ». Tuyên bố này của ông Esper được đưa ra trong bối cảnh Washington cáo buộc Bắc Kinh biến Biển Đông thành một « đế chế hàng hải » của riêng mình.
(AFP) – Hàn Quốc có vệ tinh viễn thông quân sự đầu tiên.
Hôm nay, 21/07/2020, bộ Quốc Phòng Hàn Quốc thông báo tập đoàn tư nhân Space X đã phóng thành công vệ tinh ANASIS-II. Vệ tinh sẽ lên đến quỹ đạo cách Trái đất 36.000 km trong hai tuần nữa, và quân đội Hàn Quốc sẽ chính thức kiểm soát vệ tinh kể từ tháng 10, sau một giai đoạn thử nghiệm. Hàn Quốc là quốc gia thứ 10 trên thế giới sở hữu một vệ tinh viễn thông thuần túy quân sự.
AFP – Tổng thống Trump dọa tăng cường lực lượng trật tự liên bang đến các thành phố do phe Dân Chủ kiểm soát.
Tuần trước, các nhân viên công lực của liên bang đã được triển khai ở thành phố Portland  thuộc bang Oregon (tây-bắc) để dập tắt bạo động lại bùng lên từ các cuộc biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát và kỳ thị chủng tộc. Tuy nhiên, nhiều dân biểu địa phương, thuộc đảng Dân Chủ, đã yêu cầu lực lượng của liên bang dời đi, vì sợ sự có mặt của họ càng đổ thêm dầu vào lửa chứ không giải quyết được vấn đề bạo động. Ông Donald Trump ngay lập tức nhân cơ hội này tố cáo phe Dân Chủ lơ là, không quản lý nổi trật tự của các thành phố lớn.
(AFP) – Ukraina tập trận với Mỹ tại Biển Đen.
Cuộc diễn tập hải quân mang tên « Sea Breeze », quy tụ 26 tầu chiến đến từ 8 nước thành viên khối NATO, bắt đầu từ ngày 20/07/2020 và kéo dài trong vòng một tuần. Theo giới quan sát, đợt tập trận chung này còn là phương cách để Kiev minh chứng sự hỗ trợ của phương Tây trong bối cảnh căng thẳng dai dẳng với Matxcơva.
(AFP) – Trưng cầu dân ý Brexit 2016: Chính phủ phải điều tra về sự can dự của Nga.
Đây chính là những đòi hỏi của các nghị sĩ thuộc Ủy Ban Tình Báo và An Ninh (ISC) ngay sau khi một báo cáo về sự ảnh hưởng của Nga trong đời sống chính trị Anh Quốc được công bố ngày 21/07/2020. Báo cáo dày 55 trang kết luận rằng hành động can thiệp của Nga đã trở thành « một quy luật mới » và tình trạng này đã bị chính phủ « đánh giá thấp » một cách nghiêm trọng.
(AFP) – Covid : Công ty đường sắt Pháp (SNCF) đo thân nhiệt hành khách.
Các máy đo thân nhiệt độ được bố trí tại Gare de Lyon, Paris, hôm nay 21/07/2020, trong đợt thử nghiệm đầu tiên. Trong trường hợp thân nhiệt hành khách cao hơn 38,5 độ C, sau khi hành khách hoàn thành thủ tục lên tàu, các nhân viên đường sắt sẽ tiếp cận, để cung cấp khẩu trang và nước sát trùng, cũng như nhắc nhở về các biện pháp giãn cách, phòng ngừa cần tuân thủ trên tàu. Các trạm đo thân nhiệt độ sẽ được bố trí tại ba nhà ga của Paris. Ngoài Gare de Lyon, còn có Gare de l’Est và Gare Montparnasse (kể từ 05/08).
(Reuters) – Pháp : chủ tịch Hội đồng khoa học phụ trách Covid-19 báo động dịch bệnh đang tái khởi phát.
Hôm nay, 21/07/2020, bác sĩ Jean-François Delfraissy, trả lời đài RMC-BFMTV, nhấn mạnh là có một loạt ổ lây nhiễm cộng đồng quan trọng tại miền tây, nơi cho đến nay ít bị dịch bệnh ảnh hưởng. Chủ tịch Hội đồng khoa học phụ trách Covid Pháp đặc biệt lưu ý việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa tránh dịch bệnh bùng phát trở lại. Trong số các biện pháp phòng ngừa, có việc mang khẩu trang bắt buộc tại các không gian công cộng trong nhà.

Điểm tin thế giới sáng 21/7:

Biển Đông kích hoạt

khẩu chiến Mỹ – Trung trên mạng xã hội

Lục Du
Chào mừng quý độc giả đến với mục Điểm tin thế giới của Đại Kỷ Nguyên. Bản tin sáng nay, thứ Ba (21/7), của chúng tôi có những tin sau:
Biển Đông kích hoạt khẩu chiến Mỹ – Trung trên mạng xã hội
Reuters tối thứ Hai cho hay, căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông đã kích hoạt một cuộc khẩu chiến lớn trên mạng xã hội.
Sau khi Washington vào tuần trước ra thông cáo bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, nhiều đại sứ Hoa Kỳ ở Thái Lan, Malaysia, Philippines đã sử dụng Facebook để đưa lên những phát biểu chỉ trích hành động ngang ngược của chính quyền Trung Quốc tại vùng biển giàu tài nguyên.
Trung Quốc cũng đã dùng mạng xã hội để đáp trả bằng những phát biểu gay gắt theo kiểu “sói chiến”, cáo buộc Washington nói xấu Trung Quốc, đánh lừa người dân ASEAN.
Cuộc khẩu chiến Mỹ – Trung đã thu hút hàng ngàn bình luận của cư dân ASEAN. Một cư dân mạng Philippines đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Hoa Kỳ. “Cám ơn Mỹ vì đã làm những gì pháp luật yêu cầu”.
Ngoại trưởng Mỹ tới Anh bàn vấn đề Trung Quốc
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đến Vương quốc Anh vào thứ Hai để thảo luận với Thủ tướng Boris Johnson về vấn đề Trung Quốc, mạng 5G và một thỏa thuận thương mại tự do Mỹ-Anh, Reuters đưa tin.
“Khi ở London, Bộ trưởng Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Boris Johnson và Ngoại trưởng Dominic Raab để thảo luận về các ưu tiên toàn cầu, bao gồm các kế hoạch phục hồi kinh tế từ Covid-19, các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Hồng Kông, và Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Anh”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thông tin trước chuyến đi của ông Pompeo.
Trên chuyến bay tới Anh, Ngoại trưởng Pompeo không chia sẻ thêm thông tin chi tiết với phóng viên về chuyến đi của mình. Ông được Đại sứ Mỹ tại Anh, Woody Johnson, chào đón ngay sau khi máy bay hạ cánh.
Mỹ đưa thêm 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen
Reuters đưa tin, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (USCD) hôm thứ Hai đã bổ sung 11 công ty Trung Quốc vào danh sách đen vì liên quan đến hành vi đàn áp nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Các công ty trong danh sách đen sẽ không thể mua sản phẩm của các công ty Mỹ nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Hoa Kỳ.
Đây là nhóm các công ty Trung Quốc thứ ba bị chính quyền Trump đưa vào danh sách đen. Hai nhóm trước gồm 37 công ty Trung Quốc cũng bị cáo buộc liên quan tới các hoạt động đàn áp nhân quyền ở Tân Cương.
“Bắc Kinh tích cực thúc đẩy hành vi cưỡng bức lao động, cũng như lạm dụng việc thu thập và phân tích gen để đàn áp công dân của mình”, bản thông cáo trích tuyên bố của Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross. (Chi tiết)
Bang phản đối chính phủ Putin có thống đốc mới
Tổng thống Nga hôm thứ Hai đã bổ nhiệm ông Degtyaryov làm thống đốc mới cho bang Khabarovsk, nơi có hàng chục ngàn người đã biểu tình phản đối việc chính phủ Putin cho bắt giữ thống đốc cũ là ông Sergei Furgal, theo AP.
Ông Putin đã ký sắc lệnh bãi nhiệm ông Furgal, người bắt đầu nhận quyền điều hành bang Khabarovsk từ năm 2018, nhưng bị bắt vào ngày 9/7 với cáo buộc dính líu tới việc giết người.
Ông Furgal đã bác bỏ cáo buộc rằng ông có liên quan một số cái chết vào khoảng thời gian 2004-2005, thời điểm ông còn đang là một doanh nhân. Việc ông Furgal bị bắt giữ đã kích hoạt một làn sóng phản ứng Kremlin mạnh mẽ ở bang Khabarovsk, vì nhiều người sinh sống ở bang cách Moscow khoảng 6000 km cho rằng ông Furgal là một quan chức tốt.
Mỹ trừng phạt thủ lĩnh Cộng hòa Chechnya thuộc Nga
Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã áp các lệnh trừng phạt đối với lãnh đạo cao nhất của nước Cộng hòa Chechnya thuộc Nga với các cáo buộc vi phạm nhân quyền, bao gồm các hành vi tra tấn và giết người phi pháp, theo Fox News.
Ramzan Kadyrov, 43 tuổi, đã sử dụng lực lượng an ninh của mình để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Các nhóm nhân quyền quốc tế đã cáo buộc Kadyrov đã ra lệnh cho tay chân bắt cóc, tra tấn và giết hại các đối thủ của ông ta.
Trong một tuyên bố công bố các lệnh trừng phạt, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói rằng có “thông tin đáng tin cậy và được lưu truyền rộng rãi rằng Kadyrov phải chịu trách nhiệm cho nhiều hành vi vi phạm nhân quyền từ hơn một thập niên, bao gồm cả tra tấn và giết người phi pháp”.

Điểm tin thế giới tối 21/7:

EU đạt thỏa thuận gói cứu trợ 750 tỷ Euro

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Ba (21/7) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý đọc giả những tin sau:
EU đạt thỏa thuận gói cứu trợ 750 tỷ Euro
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí gói ngân sách 750 tỷ Euro nhằm hỗ trợ khôi phục các nền kinh tế của khối bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 sau hơn 90 giờ đàm phán, theo BBC.
Thỏa thuận đạt được vào 5h15 sáng nay (0315 GMT).
Trong gói ngân sách này, 390 tỷ Euro dành để cấp khoản vay cho các quốc gia thành viên yếu kém về kinh tế. Khoản ngân sách này thấp hơn so với mức 500 tỷ Euro do Đức và Pháp đề xuất trước đó. Ý và Tây Ban Nha được trông đợi sẽ là các nước thụ hưởng chính. Gói 360 tỷ euro còn lại sẽ được cho các thành viên khác trong khối vay với mức lãi suất thấp.
Pháp tuyên bố không cấm Huawei
Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire hôm nay nói rằng Pháp sẽ không cấm Huawei, song một số địa điểm nhạy cảm sẽ được bảo vệ, theo Reuters.
Ông Le Maire nói với đài France Info: “Chúng tôi sẽ không cấm Huawei đầu tư mạng 5G, nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.
Bộ trưởng cho biết thêm rằng ông đã tái khẳng định lập trường của Pháp với chính quyền Trung Quốc vào thứ Hai. Tuy nhiên, ông Le Maire đã lên án Bắc Kinh lạm dụng người dân tộc thiểu số theo Đạo Hồi. Ông cho rằng điều này “gây phẫn nộ và không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc kêu gọi Anh ‘sửa chữa sai lầm’
Reuters đưa tin, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm nay tuyên bố Bắc Kinh sẽ thực hiện một cuộc phản công mạnh mẽ để đáp trả “hành động sai trái” của Vương quốc Anh.
“Trung Quốc kêu gọi Vương quốc Anh từ bỏ những tưởng tượng về việc tiếp tục gây ảnh hưởng thuộc địa ở Hồng Kông và ngay lập tức sửa chữa những sai lầm của mình”, ông Vương tuyên bố.
Phát biểu của ông Vương được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Dominic Raab hôm 20/7 thông báo Anh sẽ đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông ngay lập tức và vô thời hạn, đồng thời áp lệnh cấm vũ khí, đáp trả việc Bắc Kinh áp luật an ninh ở thành phố bán tự trị của Trung Quốc.
Anh, Mỹ và Liên minh châu Âu cáo buộc luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông là phá hoại nguyên tắc “Một quốc gia, hai chế độ” vốn đảm bảo quyền tự trị cao cho Hồng Kông khi hòn đảo được trao trả về Trung Quốc vào năm 1997.
Các quốc gia cho rằng luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp cho Hồng Kông, trong đó quy định các “hành vi lật đổ”, vốn dựa trên các điều khoản mơ hồ sẽ bị trừng phạt bằng án chung thân là vi phạm các điều khoản của Tuyên bố chung Trung – Anh được ký vào năm 1984.
Tổng thống Trump nối lại họp báo về Covid-19
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/7 cho biết ông sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc họp báo về đại dịch viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) sau một thời gian gián đoạn, theo Reuters.
“Đã có những đợt bùng phát Covid-19 lớn ở tiểu bang Florida, Texas và vài nơi khác”, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/7 nói với các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng. “Tôi sẽ tham gia và chúng tôi sẽ bắt đầu nối lại các cuộc họp báo”.
Ông Trump cho biết cuộc họp báo đầu tiên sẽ diễn ra vào 17h ngày 21/7 (giờ địa phương), cùng khung giờ trước đây.
“Chúng tôi sẽ có rất nhiều cuộc họp báo trong tuần tới và vài tuần tới”, Tổng thống Trump phát biểu.
Tổng thống Duterte đe dọa bỏ tù người không đeo khẩu trang
Ông Duterte, Tổng thống Philippines hôm nay đe dọa sẽ bắt giữ bất cứ ai phát tán virus, từ chối đeo khẩu trang hoặc không giữ khoảng cách an toàn với những người khác, theo Reuters.
“Chúng tôi không có bất kỳ do dự nào trong việc bắt giữ người”, ông Duterte phát biểu trên truyền hình quốc gia. Ông tuyên bố đây là “tội nghiêm trọng” và những ai bị bắt tới đồn cảnh sát sẽ “nhận được một bài học”.

Tạp chí kinh tế

Bị loại khỏi mạng 5G của Anh, Hoa Vi chờ thời

Thanh Hà
Loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ 5G của Anh là một quyết định dứt khoát về chính trị của Luân Đôn, nhưng Bắc Kinh và tập đoàn viễn thông hàng đầu này của Trung Quốc biết « chờ thời ». Trên đây là phân tích của chuyên gia về an ninh mạng Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI.
Ngày 14/07/2020, Luân Đôn viện lý do an ninh chính thức thông báo loại Hoa Vi ra khỏi mạng viễn thông thế hệ mới 5G. Từ đầu 2021, chính phủ Anh sẽ cấm mua thiết bị của Hoa Vi. Tất cả các trang thiết bị có mang nhãn hiệu Hoa Vi đã được cài đặt trên lãnh thổ Anh từ gần hai chục năm nay sẽ phải được dỡ bỏ trước năm 2027.
Mới tháng Giêng vừa qua, chính quyền của thủ tướng Boris Johnson còn đồng ý để cho Hoa Vi tham gia đến 35 % vào các chương trình xây dựng mạng 5G của  Anh. Ba tuần trước quyết định dứt khoát nói trên, Hoa Vi vừa được giấy phép mở một trung tâm nghiên cứu và phát triển R&D tại South Cambridgeshire, ngay nơi được mệnh danh là Silicon Valley của Anh, cách thủ đô Luân Đôn khoảng hơn một giờ lái xe. Trong giai đoạn một của dự án, tập đoàn Trung Quốc dự trù đầu tư 1 tỷ bảng Anh, xây dựng cơ sở hơn 4.500 mét vuông, nơi hàng ngày sẽ có từ 300 đến 400 nhân viên lui tới. Một khi đi vào hoạt động trung tâm này sẽ trở thành « trụ sở của Hoa Vi trong lĩnh vực kết hợp công nghệ điện tử và cáp quang », như chính giải thích của phó chủ tịch Hoa Vi, Victor Zhang.
An ninh, tấm bình phong che đậy áp lực của Mỹ ?
Vậy đâu là những động lực thúc đẩy quyền của thủ tướng Boris Johnson thay đổi ý kiến về Hoa Vi ?
Lý do thứ nhất là an ninh, như điều đã được bộ trưởng Anh đặc trách về Văn Hóa và Công nghệ Số, Oliver Dowden giải thích khi thông báo quyết định cấm cửa Hoa Vi.
Từ cuối 2019, chính Mỹ đã ráo riết gây áp lực với Luân Đôn và cảnh cáo nội các Johnson về nguy cơ Hoa Vi là tai mắt của Trung Quốc. Thế nhưng lập luận đó chưa đủ thuyết phục Anh Quốc đoạn tuyệt với Hoa Vi. Bằng chứng rõ rệt nhất là mới chỉ sáu tháng trước đây, nội các Boris Johnson đã cho phép Hoa Vi tham gia vào mạng 5G với hai điều kiện : một là sự phần đóng góp đó không được vượt ngưỡng 35 % và hai là không sử dụng thiết bị Hoa Vi « trong những khâu nhạy cảm nhất ».
Thế nhưng việc Hoa Kỳ ngày càng gia tăng các biện pháp trừng phạt Hoa Vi khiến Luân Đôn thay đổi chiến lược. Theo lời bộ trường Dowden, Hoa Vi một khi bị cấm dùng linh kiện của Mỹ sẽ phải cầu viện đến những nguồn cung cấp khác, đến những « công nghệ khác không đáng tin cậy ». Đó là một vấn đề đối với an ninh của bản thân nước Anh, như bộ trưởng Dowden ghi nhận.
Áp lực chính trị nội bộ và cái giá phải trả
Chính trị nội bộ Anh là lý do thứ hai khiến chính quyền Johnson thay đổi ý kiến về Hoa Vi, như phân tích của chuyên gia Nick Witney thuộc Viện Quan hệ Quốc Tế Châu Âu (European Council on Foreign Relations). Nghi ngờ Trung Quốc quản lý kém cỏi dịch Covid-19 để virus corona lan rộng ra toàn cầu, rồi luật an ninh quốc gia bóp nghẹt các quyền tự do cơ bản của Hồng Kông, thuộc địa cũ của nước Anh, khiến tinh thần bài Trung Quốc tại Anh dâng cao. Áp lực của một nhóm nghị sĩ từ chính đảng Bảo Thủ đòi thủ tướng Boris Johnson phải có thái độ dứt khoát hơn với Trung Quốc ngày càng lớn.
Có điều, như chính Luân Đôn đã nhìn nhận, loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ 5G có nghĩa là Anh Quốc sẽ chậm trễ trong việc triển khai mạng viễn thông đời mới và tốn kém phụ trội ước tính lên tới khoảng 2 tỷ bảng Anh. Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về an ninh mạng, Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, IFRI, giải thích thêm về những thử thách cả về mặt kỹ thuật lẫn chính trị đang chờ đợi Downing Street sau quyết định chia tay với Hoa Vi:
« Hiện tại phần lớn các tập đoàn viễn thông Anh đều đã làm ăn với Hoa Vi. Có đến hai phần ba cơ sở hạ tầng viễn thông của British Telecom sử dụng thiết bị Hoa Vi cho các công nghệ 2 và 4G. Một phần ba hệ thống của nhà cung cấp mạng Vodafone cũng là của Hoa Vi. Nói chung, Anh Quốc lệ thuộc nhiều vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Khi Anh Quốc chuẩn bị phát triển mạng 5G, điều đó không có nghĩa là xóa đi tất cả để làm lại từ đầu, mà chỉ là nâng cấp những gì đã có sẵn. Thí dụ như dùng lại ăng –ten hay băng tần, thiết bị thu và phát sóng … Quyết định phải dỡ bỏ hoàn toàn trang thiết bị của Hoa Vi, để sử dụng cơ sở hạ tầng của các đối tác khác, sẽ đặt ra vấn đề là tất cả các trang thiết bị đời mới, đời cũ có phù hợp để sử dụng cùng lúc với nhau hay không. Hơn nữa, dẹp bỏ hẳn mọi thiết bị Hoa Vi sẽ đòi hỏi rất nhiều thời gian với những chi phí tốn kém rất lớn. Ai đài thọ khoản phụ trội đó ? Đây là một quyết định mang tính chính trị đang gây căng thẳng giữa chính quyền của thủ tướng Boris Johnson với chính các tập đoàn viễn thông Anh ».
Loại Hoa Vi rồi thì Anh Quốc có giải pháp thay thế nào khác hay không ? Julien Nocetti trả lời :
« Chắc chắn là không thể trông chờ gì vào công nghệ của Mỹ, bởi vì trong lĩnh vực này Hoa Kỳ chưa hoàn toàn làm chủ tất cả các khâu của công nghệ 5G. Điều đó có nghĩa là Luân Đôn bắt buộc phải quay sang hai tập đoàn châu Âu là Ericsson và Nokia. Về mặt kỹ thuật, hai tập đoàn này đủ sức giúp Anh Quốc phát triển mạng lưới công nghệ thông tin thế hệ mới, nhưng thiết bị của hai tập đoàn châu Âu này đắt hơn nhiều so với của Hoa Vi. Phía Trung Quốc cố tình giữ giá rất thấp để đánh bại các đối thủ cạnh tranh.Tôi không dám chắc là Nokia và Ericsson sẽ giảm giá để tranh thủ được thêm thị trường Anh ».
Một vố đau với Hoa Vi
Dẫu sao đối với con chim đầu đàn trong ngành viễn thông Trung Quốc, việc bị loại khỏi thị trường Anh, dù mới chỉ là thông báo cho tới thời điểm này, cũng là một vố đau. Chính quyền Bắc Kinh một mặt tố cáo Luân Đôn « quỳ gối trước Hoa Kỳ », mặt khác đe dọa kiện Nokia và Ericsson, nếu Anh chọn hai tập đoàn châu Âu này để thế vào chỗ của Hoa Vi. Thế còn đối với bản thân Hoa Vi thì sao ? Chuyên gia Julien Nocetti viện IFRI của Pháp phân tích về nước cờ mà tập đoàn viễn thông Trung Quốc này đã hoạch định từ trước:   
” Hoa Vi đã hiện diện từ lâu nay tại Vương quốc Anh, từ 20 năm nay, nếu tôi nhớ không nhầm. Đối với tập đoàn Trung Quốc này, Anh là đầu cầu trên con đường chinh phục các thị trường ở phương Tây, cho phép Hoa Vi thâm nhập các nước tư bản và cắm rễ vào châu Âu. Vì thế Hoa Vi đã đầu tư rất nhiều vào Anh Quốc, mở trung tâm nghiên cứu và kể cả một đơn vị chuyên về an ninh mạng. Chắc chắn là Hoa Vi đã thất vọng.
Nhưng quyết định của Luân Đôn chưa chắc đã chận đứng tham vọng châu Âu của công ty Trung Quốc này. Bởi thứ nhất, 2027 là thời hạn khá dài, có thể có nhiều thay đổi về chính trị từ nay tới đó. Thứ hai nữa là Hoa Vi chắc chắn đã bắt đầu tính tới công nghệ của thế hệ tiếp theo, tức là mạng 6G và tập đoàn này sẽ dùng lợi thế đó của mình để thuyết phục phương Tây. Điểm thứ ba, là tới nay Pháp hay Đức không chịu nhiều áp lực của Mỹ như là Anh và đó là điều mà Hoa Vi cực lực khai thác.
Chúng ta biết các nền dân chủ phương Tây cứ bốn hay 5 năm lại bầu cử một lần, các quyết định chính trị qua đó có thể thay đổi rất nhanh. Bắc Kinh cũng như tập đoàn Hoa Vi đều hiểu được điều này và thậm chí xem đấy là một trong những yếu tố trong chính sách của mình. Thành thử, theo tôi, ở thời điểm này, Hoa Vi vừa cố gắng giữ khoảng cách tối đa với chính quyền Trung Quốc, vừa tránh những tuyên bố dao to búa lớn với các nước phương Tây, để chờ thời. Song song với việc đó thì Hoa Vi đã có những chuẩn bị cho những nước cờ tiếp theo sau.
Gió sẽ xoay chiều
Quyết định loại Hoa Vi ra khỏi công nghệ viễn thông của Anh vừa được thông báo chắc chắc không phải là tiếng nói sau cùng, hay là dấu chấm hết khép lại 2 thập niên Hoa Vi hiện diện tại Vương quốc Anh. Với tương lai bất định của Brexit và khủng hoảng kinh tế dịch Covid-19 gây nên, không chắc Luân Đôn sẽ đi đến cùng trong cuộc đọ sức với Trung Quốc về mặt kinh tế và thương mại. Cũng cầm chắc rằng cả Bắc Kinh lẫn Hoa Vì đều không xem thông báo của bộ trưởng Oliver Dowden vừa qua là một quyết định kiểu « ván đã đóng thuyền », nhất là khi hồ sơ nhậy cảm này bao gồm cả nhiều yếu tố từ kinh tế, chính trị, cho đến chiến lược, an ninh … Một số nhà quan sát đã nêu lên khả năng Luân Đôn sẽ lại thay đổi ý kiến nếu như Nhà Trắng đổi chủ sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11 tới đây.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.