Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 21/07/2020

Tuesday, July 21, 2020 4:51:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 21/07/2020

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông – Minh Hòa

Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) hôm thứ Hai (20/7) đưa tin, các lực lượng hàng không hải quân Trung Quốc trong tuần qua đã tổ chức các cuộc tập trận tấn công mục tiêu bằng đạn thật trên Biển Đông, với sự tham gia của “các máy bay ném bom chiến đấu JH-7” và các chiến cơ khác.
Tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trích dẫn thông tin từ Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc, cho biết cuộc tập trận được thực hiện bởi lực lượng không quân của hải quân Chiến khu Nam bộ, trú tại tỉnh Hải Nam, từ ngày 15-17/7.
Bài báo không nêu chính xác vị trí tập trận, nhưng nói rằng các máy bay chiến đấu đã được triển khai tới quần đảo Hoàng Sa. Điều này trùng khớp với thông tin từ BenarNews, trong đó cho biết 8 chiến cơ Trung Quốc đã xuất hiện tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Tờ Hoàn Cầu tuyên bố rằng cuộc tập trận này là nhằm đối phó với “các hành vi khiêu khích quân sự liên tục của Hoa Kỳ” ở Biển Đông. Bài báo cũng cáo buộc Hoa Kỳ là “kẻ thật sự đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông”, đồng thời nhấn mạnh cuộc tập trận của Trung Quốc là nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.
Tờ Hoàn Cầu nổi tiếng là kênh phát ngôn có tính chất hung hăng của ĐCSTQ. Hôm 17/7 tờ báo này đăng bài xã luận có tựa đề “Mỹ cần được dạy cho một bài học”, trong đó hăm dọa rằng Washington sẽ đương đầu với 1,4 tỷ dân Trung Quốc nếu ra lệnh cấm nhập cảnh đối với 93 triệu đảng viên ĐCSTQ và gia đình của họ. Cư dân mạng thế giới bình luận rằng bài xã luận này thực chất là trò mị dân khi đánh đồng khái niệm ĐCSTQ và toàn bộ dân tộc Trung Quốc.
Cũng hôm 17/7, các lực lượng hải quân Hoa Kỳ đã tập trận quân sự ở Biển Đông với 2 nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan nhằm đảm bảo các tuyến đường biển tự do trong khu vực.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump hôm 13/7 đã công bố lập trường chính thức bác bỏ hầu như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, một động thái khiến Bắc Kinh nổi giận. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết chính quyền Trump cũng sẵn sàng hỗ trợ các nước bị Trung Quốc xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông.

TQ ‘để lộ’ 8 chiến đấu cơ

ở Hoàng Sa của Việt Nam để làm gì?

Hình ảnh vệ tinh chụp ngày 17-7 cho thấy Trung Quốc đã đưa đến 8 máy bay chiến đấu ra đảo Phú Lâm của Việt Nam. Đây là số lượng công khai chưa từng có. Giới quan sát nhận định Bắc Kinh cố tình phô trương sức mạnh để đe dọa các nước.
8 chiến đấu cơ Trung Quốc đưa trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị vệ tinh phát hiện ngày 17-7
Truyền thông Mỹ ngày 18-7 cho biết ít nhất bốn chiến đấu cơ trong này là loại J-11B, bốn chiếc còn lại là JH-7 có biệt danh “Phi báo”, chủ yếu phục vụ trong lực lượng không quân của Hải quân Trung Quốc.
Nhóm chiến đấu cơ bị phát hiện đang xếp hàng trên đường băng Trung Quốc xây trái phép ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo giới phân tích, đây là số lượng máy bay quân sự có thể quan sát được trên Phú Lâm nhiều nhất trong vài năm trở lại đây.
Không loại trừ số máy bay đang đồn trú trái phép tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam còn nhiều hơn con số 8, với nhiều chiếc khác đang nằm trong nhà chứa máy bay và vệ tinh không thể chụp được ảnh.
Việc cho 8 chiến đấu cơ xếp hàng trên đường băng Phú Lâm dường như là một hành động cố tình phô trương sức mạnh để đe dọa các nước. Động thái diễn ra trong cùng thời điểm hai tàu sân bay Mỹ quay lại Biển Đông tập trận chỉ sau hai tuần.
Hôm 15-7, báo Forbes công bố một hình ảnh vệ tinh cho thấy có 4 chiếc J-11B trên đường băng Phú Lâm. Số máy bay này đã không còn ở vị trí cũ trong bức ảnh chụp ngày 17-7.
Theo giới quan sát quân sự, Trung Quốc thường chỉ triển khai trái phép 4 chiến đấu cơ tới Phú Lâm. Việc có tới 8 chiến đấu cơ xuất hiện ở Hoàng Sa lần này có thể là chỉ dấu cho thấy sắp có hoạt động quân sự lớn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Không rõ hoạt động diễn tập của hai tàu sân bay Mỹ có liên quan tới nhóm máy bay này hay không. Hôm 17-7, Hải quân Mỹ tuyên bố các tàu sân bay sẽ diễn tập phòng không chiến thuật “đề phòng các tình huống bất ngờ trong khu vực”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần phản đối các động thái đơn phương của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhấn mạnh có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử cho tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo.
“Mọi hoạt động của các bên tại hai quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị”, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh khi Trung Quốc ngang ngược

Mỹ, Nhật, Ấn, Úc tập trận gần Biển Đông tuần này

Trọng Thành
Hoa Kỳ và các đồng minh trong nhóm Bộ Tứ ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương (Quad) tổ chức đồng thời hai cuộc tập trận hải quân tại hai khu vực kế cận Biển Đông trong tuần này. Các cuộc tập trận của Bộ Tứ diễn ra đúng vào lúc truyền thông Trung Quốc hôm qua, 20/07/2020, cho biết quân đội nước này vừa tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Hãng tin Anh Reuters, dẫn lời của các giới chức Hải Quân Mỹ, hôm nay 21/07/2020, cho hay cuộc tập trận của Hải Quân Mỹ với Hải Quân Ấn Độ diễn ra hôm qua, 20/07, tại khu vực gần quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ, giáp với phía bắc eo biển Malacca, tuyến đường giao thông hàng hải chiến lược nối liền Ấn Độ Dương với Biển Đông. Tàu sân bay Mỹ USS Nimitz tham gia vào cuộc tập trận này.
Song song với cuộc tập trận nói trên, Hải Quân Mỹ cùng Hải Quân Nhật và Úc tập trận tại vùng Biển Philippines. Theo bộ Quốc Phòng Úc, cuộc tập trận dự kiến kết thúc ngày 23/07. Tham gia vào cuộc tập trận này có tàu sân bay USS Ronald Reagan. Hai chiếc USS Ronald Reagan và USS Nimitz là hai hàng không mẫu hạm vừa có cuộc tập trận đầu tháng này tại Biển Đông, đúng vào lúc Trung Quốc tập trận lần đầu tiên trong tháng 7 ở quần đảo Hoàng Sa.  USS Ronald Reagan và USS Nimitz cũng tiến hành tuần tra « bảo vệ tự do hàng hải » ở Biển Đông ngày 17/07.
Trung Quốc tập trận lần hai ở Hoàng Sa trong tháng 7
Tình hình tại Biển Đông đầu tuần này tiếp tục căng thẳng. Hôm qua, thứ Hai 20/07/2020, truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan báo quân đội nước này vừa tập trận lần thứ hai tại Hoàng Sa, quần đảo mà Việt Nam đòi hỏi chủ quyền. Đây là lần thứ hai Trung Quốc tập trận tại Hoàng Sa trong tháng 7/2020. Cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra đúng lúc hai tầu sân bay Mỹ đang tuần tra “bảo vệ tự do hàng hải”.
Theo Global Times, ấn bản Anh ngữ của Hoàn Cầu Thời Báo, đại diện cho quan điểm cứng rắn trong chính quyền Trung Quốc, cuộc tập trận do lực lượng không quân chiến đấu trên biển, thuộc Chiến khu miền Nam, có căn cứ tại đảo Hải Nam, tiến hành từ ngày 15 đến ngày 17/07.  Tham gia tập trận có các chiến đấu-oanh tạc cơ chống hạm JH-7.
Hoàn Cầu Thời Báo khẳng định cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc chỉ mà một hành động « đáp trả ». Trang mạng Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự xin ẩn danh cho biết, « nếu Hoa Kỳ tiếp tục khiêu khích tại Biển Đông, Trung Quốc có thể sẽ không có lựa chọn nào khác hơn là tập trận nhiều
hơn, triển khai nhiều chiến đấu cơ, chiến hạm tại Biển Đông hơn, và có thể sẽ áp đặt Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) » tại khu vực này.
Điều mà Hoàn Cầu Thời Báo không nhắc đến là việc Hoa Kỳ, và các đồng minh, tổ chức loạt tập trận nói trên diễn ra chỉ ít ngày sau khi bộ Ngoại Giao Mỹ ra tuyên bố khằng định lập trường chính thức của Washington, ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye, bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Quan điểm chính thức của Washington được nhiều quốc gia Đông Nam Á tán đồng, khiến lập trường chống lại phán quyết của Tòa án La Haye, ỷ mạnh át yếu, bành trướng tại Biển Đông, của Bắc Kinh thêm bị cô lập.

Đọ sức Trung–Mỹ ở Biển Đông:

Thế trung dung đầy rủi ro của Việt Nam

Minh Anh
Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian gần đây liên tiếp phô diễn sức mạnh trên Biển Đông, đồng thời ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng Hoa Kỳ không còn giữ thái độ trung lập trong các tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á. Theo giới quan sát được Asia Times ngày 20/07/2020 trích dẫn, cuộc đọ sức giữa hai ông khổng lồ tại Biển Đông đang đẩy Việt Nam vào một thế trung dung khó xử.
Điều làm cho Asia Times chú ý là phản ứng rất dè dặt của chính quyền Việt Nam sau khi ngoại trưởng Mỹ mạnh mẽ phản đối những đòi hỏi lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông là « bất hợp pháp », một tuyên bố lẽ ra đối với Hà Nội phải là một thắng lợi. Thế nhưng, trong thông cáo ngày 15/07/2020, bộ Ngoại Giao Việt Nam không hề nhắc đến lập trường mới của Mỹ, mà chỉ ghi rằng « Việt Nam hoan nghênh quan điểm của các nước về vấn đề Biển Đông, theo quy định của luật quốc tế ».
Asia Times còn ghi nhận các phương tiện truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý phần lớn « im lặng » về tuyên bố của Mỹ, chỉ tường thuật vụ việc nhưng không phân tích cũng như bình luận về sự thay đổi chiến lược này của Mỹ. Vì sao ?
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, Hà Nội bị kẹt trong một vị thế mà ở đó « ngoại giao là giải pháp đầu tiên và cuối cùng ». Bởi vì nếu các cuộc thương lượng – đó cũng là những gì chính phủ Việt Nam đang làm mỗi khi có những sự cố xảy ra – thất bại, nguy cơ bùng nổ xung đột là điều rất có thể xảy ra.
Ông Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông tại Chatham House, Vương Quốc Anh, nhận xét, trong trường hợp phải chận đà bành trướng của Trung Quốc, Việt Nam có thể tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng, nhằm vào một vùng nhỏ ở Biển Đông, để ngăn chận xung đột leo thang và như vậy Hà Nội có thể đạt được mục tiêu đặt ra là « buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán và duy trì nguyên trạng càng lâu càng tốt ».
Một quan điểm cũng được phần đông chuyên gia Việt Nam tán đồng cho rằng kịch bản tốt nhất cho Hà Nội là không có sự thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, vì thay đổi sẽ không có lợi cho Việt Nam. Do vậy, với ông Nguyễn Thế Phương, cộng tác viên cho Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế, đối với Việt Nam, « giải pháp quân sự là lằn ranh phòng thủ sau cùng, chỉ sử dụng đến khi các thành tố khác của chiến lược phòng thủ đã thất bại ».
Thái độ dè dặt này của Hà Nội cũng vì một phần lo ngại trước những chính sách an ninh chiến lược bất định của Hoa Kỳ. Tuyên bố mạnh mẽ của Mike Pompeo rất có thể là một ý định vạch ra một lằn ranh đỏ, một lời đe dọa hiển nhiên rằng Washington có thể can thiệp nếu Bắc Kinh chiếm đóng thêm lãnh thổ hay có những hành động gây hấn nhắm vào những nước Đông Nam Á khác có đòi hỏi chủ quyền.
Chỉ có điều đã bao lần Hoa Kỳ vạch ra lằn ranh đỏ để rồi không bao giờ thực hiện nghiêm túc về mặt quân sự mỗi khi các đối thủ vượt qua giới hạn được ấn định. Vụ Damas sử dụng vũ khí hóa học tấn công thường dân ở Syria và việc Trung Quốc chiếm đóng bãi cạn Scarborough, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines năm 2012 là những bài học kinh nghiệm không thể nào bỏ qua. Cả hai sự kiện này đều diễn ra dưới thời tổng thống Barack Obama.
Từ những quan sát này, giới phân tích cùng có chung một nhận định, Việt Nam đang trở thành một « chiến trường để khởi động » lý tưởng cho Trung Quốc. Câu hỏi lớn nhất đối Bắc Kinh hiện nay là liệu Hoa Kỳ có thật sự ủng hộ Việt Nam hay không và ngược lại. Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những phản ứng khác nhau tùy theo việc Hà Nội phản ứng độc lập, hay là để cho Washington « giật dây ».
Về phần mình, Hà Nội cũng phải đánh giá xem liệu Hoa Kỳ có thật sự đến bảo vệ Việt Nam hay không trong trường hợp xảy ra xung đột. Việt Nam và Hoa Kỳ chưa phải là những đối tác an ninh, và Hà Nội chẳng có được một bảo đảm nào là sẽ có được một sự hỗ trợ quân sự từ Mỹ, đặc biệt là dưới một chính quyền đầy bất định của tổng thống Donald Trump hiện nay.
Do vậy, theo quan điểm của ông Derek Grossman, chuyên gia phân tích về quốc phòng cho RAND Corporation, « Việt Nam là một nước có đủ sự tự tin, từng đánh bại và chiến thắng Pháp, Mỹ và ngay cả Trung Quốc. Nếu trong tương lai xảy ra xung đột, tôi cho rằng Hà Nội chỉ đơn giản muốn Washington ủng hộ về mặt ngoại giao và trong một chừng mực nào đó là giúp một chút trang thiết bị quân sự ».

Việt Nam và khả năng ‘chọn phe’ trên Biển Đông

Chính sách quyết đoán khẳng định quyền lực và chủ quyền của Trung Quốc trong những ngày gần đây dường như đang tạo thêm nhiều đối thủ cho Bắc Kinh, nhưng với quốc gia láng giềng có chủ quyền tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông là Việt Nam, một số chuyên gia nhận định với VOA rằng Hà Nội khó có thể ở trong thế đối đầu với Bắc Kinh, dù rằng có vẻ như đang “ngả” về phía Mỹ với tiếng nói mạnh mẽ hơn ủng hộ lập trường của Hoa Kỳ.
Với vai trò là chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam vừa cho biết đã dẫn đầu các nước ASEAN lên tiếng “cảm ơn và đánh gía cao” sự ủng hộ của Mỹ sau khi Uỷ ban Quốc hội Hoa Kỳ bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, một động thái mà theo TS. Tạ Văn Tài, giáo sư Luật của Đại học Harvard, là thúc đẩy bày tỏ mạnh hơn quan điểm của khối các quốc gia Đông Nam Á sau hàng loạt các tuyên bố chính thức của Mỹ.
“Việt Nam, với tư cách chủ tịch ASEAN năm nay, cũng theo tiếng nói của ASEAN nói chung và dâng cao quan điểm của ASEAN, nghĩa là lần đầu tiên Việt Nam dám nói mạnh hơn với Trung Quốc”, GS. Tạ Văn Tài nhận xét với VOA.
Theo Giáo sư của Đại học Harvard, đây là điểm mạnh duy nhất mà Việt Nam thể hiện cho tới nay đối với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa đi đến hành động quyết đoán hơn nữa là khởi kiện Bắc Kinh về tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa.
Trong khi đó, Trung Quốc, thông qua tờ Hoàn Cầu Thời Báo, tiếp tục đưa ra “cảnh báo” Hà Nội về việc “chọn phe” nhằm chống lại Bắc Kinh.
“Nếu sự can dự của Mỹ vào Biển Đông làm gia tăng căng thẳng khu vực hoặc phá vỡ cân bằng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Việt Nam và Mỹ, thì sự phát triển của Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Tổn thất của Việt Nam sẽ lớn hơn nhiều so với lợi ích nhận được”, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói trong bài viết phân tích về mối quan hệ Mỹ – Trung sau khi Hoa Kỳ đưa ra tuyên bố gọi yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông là “phi pháp”.
Nhận định về vấn đề này, TS. Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nói với VOA rằng: “Trung Quốc từ khi trỗi dậy thì đã đặt ra vấn đề là cảnh báo các nước nhỏ xung quanh là đừng có ngả theo một nước nào đó chống lại Trung Quốc”.
Tuy nhiên, theo ông,“Một khi lợi ích quốc gia của một nước bị xâm hại trong khi nó nhỏ quá, chưa có cách nào để chống lại được thì buộc lòng nó phải đi nhờ sự giúp đỡ của những nước khác, đặc biệt là các nước lớn”.
Vì vậy, TS. Hà Hoàng Hợp nói kể cả khi Việt Nam với chính sách quốc phòng “4 không” hiện nay, trong đó có nguyên tắc “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia”, thì trong trường hợp xảy ra những tình huống nguy hại đến lợi ích quốc gia, Việt Nam chắc chắn sẽ bỏ các chính sách trên để tìm sự trợ giúp hay “đồng minh” để chống lại.
“Cho nên, nếu Trung Quốc nói rằng Việt Nam ngả theo Mỹ hay Mỹ bỏ vai trò trung gian đi thì không phải. Mỹ vẫn đứng ở giữa. Cho nên Mỹ không nói gì đến chuyện ở chỗ khác, không nói đến Hoàng Sa, mà Mỹ dựa vào đúng một chuyện là Công ước Luật biển và vấn đề thềm lục địa”, TS. Hà Hoàng Hợp
nói và cho rằng đây chính là điểm chung khiến cho Việt Nam và Mỹ thoạt nhìn có vẻ như đang “phe” với nhau.
Còn GS. Tạ Văn Tài nhận định rằng lập trường của Hoa Kỳ vẫn không thay đổi từ trước tới nay. Mỹ vẫn không can thiệp vào vấn đề quốc gia nào nắm chủ quyền ở đảo, đá nào trong những khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, tuyên bố “cụ thể hơn” lần này của Bộ Ngoại giao, Quốc hội và các quan chức Mỹ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt, theo cả hai nhà nghiên cứu.
“Mỹ đã lên tiếng ủng hộ một cách cụ thể, đó là lợi ích chính trị”, TS. Hà Hoàng Hợp nói. “Còn lợi ích chiến lược là có một sự cam kết ngay trong tuyên bố của Mỹ, là họ đảm bảo rằng thế kỷ 21 này chính sách bành trướng, bá quyền theo lối ‘săn mồi ăn thịt’ (predatory) là không có chỗ đứng. Người Mỹ sẽ không để người Trung Quốc tiếp tục đi theo con đường này”.
Về mặt ngoại giao, TS. Hà Hoàng Hợp cho rằng tuyên bố của Mỹ thể hiện một “bước tiến lớn” của Hoa Kỳ trong việc đưa ra hành động cụ thể ủng hộ tiến trình giải quyết các tranh chấp để duy trì hoà bình và quyền tự do đi lại trên Biển Đông.
Trong khi đó, GS. Tạ Văn Tài nói rằng về mặt quân sự, Việt Nam không bao giờ có thể trở thành đối thủ của Trung Quốc, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể “đấu” với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
“Tuy Việt Nam có hải quân mạnh thứ ba, sau Mỹ và Trung Quốc, tại Biển Đông, nhưng không bao giờ là đối thủ của Trung Quốc khi đứng một mình được, chỉ có thể có can đảm hơn là vì Mỹ đã có lập trường như vậy, Việt Nam có khả năng quân sự như vậy và tinh thần chống Trung Quốc của dân chúng như vậy thì Việt Nam ‘đừng sợ’”.
Theo ông, Hà Nội “không việc gì phải do dự để nói những tiếng nói mạnh mẽ nhất” vào lúc tất cả các nước ASEAN (trừ Campuchia và Lào) đang đồng loạt chống Trung Quốc, với sự ủng hộ của cả hành pháp lẫn lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ.
“Thành ra Việt Nam nên nói mạnh hơn nữa”, GS. Tạ Văn Tài nói và thêm rằng dù Việt Nam có hành động mạnh hơn nữa thì cũng khó có khả năng xảy ra chiến tranh nên “không việc gì phải sợ”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.