Vụ án Hồ Duy Hải: Cờ trong tay Tổng Chủ
RFA - Gió Bấc
2020-06-20
2020-06-20
Càng lên cấp cao hơn thì vụ án Hồ Duy Hải càng thêm phức tạp. Sau phiên xử của “Hội đồng dao thớt” gây chấn động xã hội, bản án Giám Đốc Thẩm bị nhiều đại biểu Quốc Hôi phê phán vi phạm tố tụng. Nhưng Chánh Án Tối Cao, Bộ Công An vẫn cố cãi lấy được là xử đúng người đúng tội. Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội đã họp phiên toàn thể và đa số thành viên nhất trí kiến nghị xem xét lại bản án. Tuy nhiên, Nguyễn Hòa Bình đã cài thế triệt buộc, chỉ khi nào Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước ra tay mới có thể giải quyết căn cơ.
Xuất phát chỉ là vụ án hình sự hai cô gái bị giết thảm ở Bưu Điện Cầu Voi với một hiện trường có rất nhiều dấu vết hung thủ như dấu vân tay, mẫu máu, cái thớt, cái ghế dính máu, mẫu tóc, chiếc dép đã được chụp bản ảnh ghi nhận…. Thế nhưng cơ quan điều tra vì lý do nào đó lại không thu giữ, giám định. Khám nghiệm tử thi lẽ ra phải giám định thời gian chết qua vết hoen trên da, mức tiêu hóa thức ăn trong dạ dày, mức đông máu; xác định hướng cắt cổ, tay thuận của hung thủ, cũng không làm. Triệu tập lấy lời khai một số người có quan hệ thân thiết với hai nạn nhân và có mặt tại địa phương trong ngày xảy ra vụ án nhưng lại giấu nhẹm tất cả những hồ sơ ấy.
Bắt người trước dựng chứng cớ sau
Hai tháng sau, bắt Hồ Duy Hải từ cái cớ vụ án đánh bạc rồi chuyển hóa sang tội giết người. Chứng cớ buộc tội là câu chuyện hoang đường từ lời khai của Hải. Các lời khai này được khách quan hóa bằng chữ ký của luật sư do cơ quan điều tra chỉ định, nguyên là thủ trưởng cơ quan điều tra. Người ta còn lắp ráp những lời khai nhân chứng được sửa chữa diễn dịch lại cho phù hợp với lời khai nhận tội. Các đơn, lời khai kêu oan của Hải, lời khai của nhân chứng không phù hợp để buộc tội đều bị loai khỏi hồ sơ vụ án mà luật sư và ngay cả VKSNDTC cũng không tiếp cân được.
Qua hai cấp xét xử bị tuyên án tử, Ủy Ban Tư Pháp Quốc Hội giám sát, ba nhiệm kỳ Chủ tịch nước có văn bản đề nghị xem xét, Kiến nghị của VKSNDTC vạch ra nhiều điểm mâu thuẫn và vi phạm tố tụng, TANDTC giám đốc thẩm vẫn y án với lập luận hết sức nguy hiểm là “có vi phạm nhưng không ảnh hưởng đến tố tụng”. Ngay Hội đồng giám đốc thẩm càng vi phạm tố tụng nhiều hơn khi Chánh Án Nguyễn Hòa Bình từng là Viện trưởng VKSNDTC ký quyết định bác kháng nghị giám đốc thẩm lại ngồi chủ tọa, tòa mời luật sư nhưng chỉ tham dự khai mạc cho vui, không được tham gia tranh tụng, Hội đồng biểu quyết án bằng cách đưa tay …
Diễn biến trên cho thấy ở ba cấp xét xử vụ án đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội minh định trong điều 13 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Đại biểu Quốc Hội cũng bị quy chụp chính trị
Bản án Giám đốc thẩm như châm dầu vào lửa, gây bão dư luận. Điều kỳ lạ là một bàn tay bí mật nào đó đã cung cấp cho nhà báo Trương Châu Hữu Danh và luật sư Trần Hồng Phong nhiều tài liệu, bút lục, bản ảnh hiện trường, lời khai nhân chứng rất quan trọng cho thấy thêm sự lệch lạc của bản án và các vi phạm tố tụng, như hình ảnh ông Lê Quang Hùng chủ tọa phiên tòa sơ thẩm có mặt trong buổi thực nghiệm hiện trường vụ án, Hồ Duy Hải dắt dao trước bụng trong lúc tấn công Vân, Thiếu Tá Công An Đinh Văn Còi nhìn thấy một thanh niên khác Hồ Duy Hải trong Bưu Điện..,, Luật sư Trần Hồng Phong đã cung cấp các tài liệu mới này cho các cơ quan có trách nhiệm và tiếp tục tố cáo về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Mặt khác, một sức mạnh vô hình nào đó đè nặng lên những tiếng nói góp ý, phản biện. Công An tỉnh Long An dự kiến họp báo cung cấp thông tin nhưng sau đó hoãn vô thời hạn. Đoàn Luật sư Việt Nam định tổ chức hội thảo về vụ án cũng bị hoãn. Báo chí lề phải chỉ đăng những thông tin từ cơ quan tố tụng cung cấp không có ý kiến bình luận. Ngay cả đại biểu Quốc Hội cũng bị lãnh đạo tòa án chụp mũ là “phát ngôn nguy hiểm”, bị thế lực thù địch tác động”
Sự bế tắc và khủng hoảng của hệ thống tư pháp
Điều mà dư luận quan ngại không chỉ là số phận cá nhân Hồ Duy Hải mà số phận của cả nền tư pháp. Với cung cách điều tra xét xử “có vi phạm tố tụng nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án và có thể tuyên án tử hình thì trong 90 triệu dân Việt ai cũng có thể bị tuyên án giết người.’
Báo Người Đô Thị, tờ báo hiếm hoi dám đăng ý kiến của chuyên gia về vụ án đã ghi nhận ý kiến của LS - TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, đánh giá vấn đề rất nghiêm trọng: “Vụ án Hồ Duy Hải không chỉ liên quan đến sinh mạng của một con người mà còn trở thành vụ án có tính lịch sử, bộc lộ sự bế tắc và khủng hoảng của hệ thống tư pháp hiện tại”. Tiến sĩ Bùi Ngọc Giao nhấn mạnh: “Nếu quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có sai phạm mà không được khắc phục thì sự sụp đổ của nền công lý tư pháp của Việt Nam - không phải là điều không thể”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao hướng đến đề xuất giải quyết vụ án này một cách căn cơ là Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội ra Nghị Quyết đặc biệt.(1)
Cũng trên Người Đô Thị, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cũng có đề nghị tương tự. “Dù chưa có tiền lệ, nhưng không có quy định nào của Hiến pháp và pháp luật ngăn cản Quốc hội, với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có quyền và trách nhiệm ban hành một nghị quyết riêng để giải quyết vấn đề, nhằm khẳng định trật tự, kỷ cương pháp luật và lấy lại niềm tin của nhân dân vào thể chế chính trị và Nhà nước”. (2)
Kiểm Sát, Quốc Hội một bên- Công An, Tòa Án một bên
Nhiều đại biểu Quốc Hội cũng chia sẻ những băn khoăn, quan ngại ấy. Kỳ họp Quốc Hội này chương trình nghị sự không bàn chuyên về Tư Pháp nhưng vụ án Hồ Duy Hải đã bùng vỡ thành cuộc tranh luận sôi nổi của các đại biểu Hoàng Đức Thắng, Lưu Bình Nhưỡng, Trương Trọng Nghĩa. Phía TATC mà chính yếu là Nguyễn Hòa Bình vẫn khăng khăng buộc tội Hồ Duy Bải, xem vi phạm tố tụng là sai sót nhỏ. Phía bên ngoài Quốc Hội, Tướng Tô Ân Xô người phát ngôn của Bộ Công An cũng lên tiếng với báo chí cải chính chuyện nói con dao, cái thót vật chứng gây án nói Cơ quan điều tra mua ngoài chợ là sai. Cái này của dân phòng đem nộp. Cách cải chính này giống như kẻ trộm kêu oan nói tôi chỉ lấy đồ người khác chứ không ăn trộm. Con dao, cái thớt dù do dân phòng mua rồi nộp lại hay do CQĐT mua đều là vật giả. Nó không thể lưu dấu tích hung thủ và cũng không có cách nào xác định nó có thật giống hung khí thật.
Vì sao Công An, Tòa Án cố tình phạm luật buộc tội Hồ Duy Hải? Nguyên nhân ban đầu của việc điều tra xét xử oan sai thì còn phải chờ phiên tòa xét xử hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án mới có thể lý giải được. Nhưng với cấp Giám Đốc Thẩm hiện nay, có thể thấy rõ động cơ bảo thủ là do Nguyễn Hòa Bình, Tô Lâm, Trương Hòa Bình muốn giữ sạch bản thành tích để tiếp tục tiến thân hoặc chí ít là trụ hạng trong đại hội 13 sắp tới.
Thực tế năm 2015, bộ ba này đã dùng áp lực bằng kết luận của đoàn Kiểm Tra Liên Ngành với câu thần chú “sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất” để áp chế kết luận của đoàn giám sát Quốc Hội chỉ ra hàng chục điển vi phạm của cả ba ngành trong vụ án này.
Những người khách quan không dính chàm trong buộc tội oan Hồ Duy Hải là Ủy Ban Tư Pháp QUốc Hội và Viện Trưởng Lê Minh Trí. Năm 2014, Quốc Hội khóa trước đã từng giam sát án oan sai trong đó có vụ án Hồ Duy Hải. Lần này Quốc Hội một lần nữa đã vào cuộc.
Ngày 16/6/2020, Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể để xem xét toàn bộ vụ án Hồ Duy Hải, trong đó trọng tâm là xem xét tính đúng đắn, hợp pháp của Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Phiên họp này là do gia đình Hồ Duy Hải gửi đơn, các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cũng có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét vụ án.
Theo đó, các thành viên Ủy ban Tư pháp xem xét tất cả quá trình điều tra, truy tố, xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, nhưng đặc biệt xem xét về tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm, tính phù hợp pháp luật của quyết định này. Sau cuộc họp, đa số thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã thống nhất về các nội dung: Kháng nghị của VKSND tối cao là đúng thẩm quyền, có căn cứ pháp luật. những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án Hồ Duy Hải là nghiêm trọng, có thể làm thay đổi bản chất vụ án. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ có văn bản báo cáo và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chánh án TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm theo đúng thẩm quyền, quy định tại Điều 404 Bộ luật Tố tụng hình sự (3)
Chiều 19-6, tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau khi Ủy ban Tư pháp có báo cáo, Quốc hội sẽ có quan điểm chính thức về vụ án Hồ Duy Hải. (4)
Không còn Thẩm phán sạch để xem xét án
Cánh cửa đang hé mở lối thoát cho vụ án Hồ Duy Hải cũng như cho nền công lý Việt Nam đó là Bộ Luật Hình sự năm 2015 đã đưa ra điều luật mới xem xét lại bản án Giám Đốc Thẩm. Theo điều 404. Yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. :”Khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không biết được khi ra quyết định đó, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.”
Về pháp lý, việc áp dụng điều 404 là giải pháp phù hợp để minh định đúng sai. Nhưng có điều trong thực tế không rõ do vô tình hay cố ý; Chánh án Ngyễn Hòa Bình đã cài thế triệt buộc mà Quốc Hội khóa này không thể thực hiện điều luật mà không phạm vào điều 21 và 53 Bộ Luật TTHS
Theo Điều 21 nhằm bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ”.
Điều 53 ở điểm C quy định Thẩm phán phải từ chối xét xử nếu “đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án” tức là không được hai lần tham gia tố tụng một vụ án cho dù với tư cách khác nhau.
Trong phiên tòa Giám Đốc Thẩm vừa qua, luật cho phép có thể thành lập Hội đồng từ 3, 5, hoặc toàn thể thành viên Hội đồng Thẩm Phán. Nguyễn Hòa Bình đã chơi thẳng tay, lập Hội Đồng với toàn bộ 17 thành viên. 17 cánh tay này đều đã nhúng chàm biểu quyết cho điều sai trái. Như vậy, nếu xem xét lại bản án thì với nhiệm kỳ hiện nay, không có thẩm phán nào có thể tham gia xem xét mà không vướng luật.
Như vậy, muốn áp dụng thực hiện điều 404, TVQH cũng chỉ được ra nghị quyết rồi chờ HĐTP nhiệm kỳ mới và với điều kiện là HĐ này phải thật sự mới, không có mặt 17 thành viên cũ.
Phải thay máu lãnh đạo TANDC và HĐTP
Nếu như vậy, cơ hội giải cứu cho Hồ Duy Hải và nền tư pháp Việt còn kéo dài và quá mong anh. Hệ thống xét xử Việt Nam sẽ tiếp tục vận hành theo nguyên tắc suy đoán có tội. Không đủ chứng cứ, vi phạm tố tụng, vẫn có thể tuyên án tử hình. Quan niệm và lề lối xét xử này thực tế đã và đang phổ cập.
Giải pháp duy nhất, liều thuốc mạnh duy nhất có thể giải cứu tình trạng này là thay máu guồng máy lãnh đạo TAND TC. Người duy nhất có quyền thực hiện điều này là Chủ Tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.
Theo điều 88 Hiến Pháp năm 2013, Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
3. Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán các Tòa án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá;
Và theo Khoản 7 điều 70 Hiến Pháp Quốc Hội có quyền “Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan khác do Quốc hội thành lập; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; phê chuẩn danh sách thành viên Hội đồng quốc phòng và an ninh, Hội đồng bầu cử quốc gia.”
Cờ đang trong tay Vua
Với những vi phạm nghiêm trọng trọng vụ án Hồ Duy Hải và rất nhiều vụ án oan sai nổi cộm chưa được xem xét như Lê Văn Chưởng, Nguyễn Văn Mạnh, Đặng Văn Chiến, …. với hai vụ tự sát ở Bình Phước và Hà Nam đang thời sự cho thấy việc thay máu lãnh đạo và Hội Đồng Thẩm Phán là hết sức cần thiết và đúng đắn. Muốn chấm dứt căn bệnh suy đoán có tội thì một quyết định xử lý đúng đắn về nhân sự sẽ có giá trị thuyết phục hơn vạn buổi tập huấn về nguyên tắc suy đoan vô tội.
Đó cũng là phép thử cho sự công tâm, quyết liệt cứu chuộc nền công lý của ông Nguyễn Phú Trọng.
Đương nhiên, Hiến Pháp chỉ là bề nổi, chuyện nhân sự cấp cao hoàn toàn không thuộc về Quốc Hội mà nằm trong tay Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư. Quyền lực ấy cũng trong tay Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Từng đưa Ủy Viên BCT như Đinh La Thăng vào lò thì chức vụ thành viên Ban Bí Thư của Nguyễn Hòa Bình không phải là bất khả xâm phạm.
Được biết, hiện nay song song với việc UBTP tập hợp ý kiến trích quan điểm với Quốc hội, Ban Nội Chính Trung Ương cũng đang tập hợp ý kiến để báo cáo Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị.
Các quân cờ đã di động. Tiếp tục duy trì suy đoán vô tội hay xóa bỏ nó dể thiết lập nền công lý cho chế độ hoàn toàn nằm trong tay ông Trọng. Theo ý nghĩa này, thay máu TANDTC cũng là tiền đề cho thắng lợi Đại hội 13
1-https://nguoidothi.net.vn/vu-an-ho-duy-hai-dang-thach-thuc-ca-nen-cong-l...
2- https://nguoidothi.net.vn/tu-goc-nhin-hien-phap-va-the-che-23718.html
3-https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/thanh-vien-uy-ban-tu-...
4-https://tuoitre.vn/quoc-hoi-se-co-quan-diem-chinh-thuc-ve-vu-ho-duy-hai-...
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
0 comments