Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Luật sư: Không thể đem lời nhận tội làm chứng cứ buộc tội!

Monday, June 22, 2020 3:34:00 PM // ,

Diễm Thi, RFA
2020-06-16

Bên ngoài Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội
Bên ngoài Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội
AFP
Hải có tội vì có lời khai nhận tội?
Giải trình trước Quốc hội sáng 15 tháng 6 năm 2020, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội và ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hải đều nhận tội…
Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận định dù đã có nguyên tắc suy đoán vô tội trong quy định của BLHS nhưng thực tế việc này ít được coi trọng. Cơ quan điều tra hay có định kiến bị can, bị cáo là người phạm tội, từ đó áp dụng các biện pháp “nghiệp vụ” để họ nhận tội, càng nhanh càng tốt. Tuy vậy, việc nhận tội không hẳn có giá trị trước tòa. Ông giải thích:
“Thậm chí có 1000 lời khai nhận tội nhưng những lời khai nhận tội không phù hợp với các tình tiết khách quan khác của vụ án thì nó không thể là chứng cứ. BLHS cũng quy định rõ là không được lấy lời khai của bị can bị cáo làm chứng cứ duy nhất buộc tội trước tòa. Nó đã có quy định rõ ràng như vậy nên bây giờ có khai nhận tội 100 lần mà không có lời khai nào là chối tội, kêu oan thì cũng không thể đem lời đó làm chứng cứ buộc tội được.”
Trở lại vụ án Hồ Duy Hải, trong phiên giải trình trước Quốc hội, Chánh án Nguyễn Hoà Bình khẳng định ở những thời điểm quan trọng của vụ án, Hồ Duy Hải đều nhận tội, đặc biệt lúc nhận kết luận điều tra và cáo trạng. Trong đơn gửi Chủ tịch nước sau phiên toà sơ thẩm, Hải không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt.
Đối với trường hợp Hồ Duy Hải thì theo bút lục hồ sơ để lại thì có rất nhiều lời kêu oan. Ngay khi có luật sư vào là Hồ Duy Hải đã kêu oan. Thế thì ngoài việc nói sai quy định pháp luật thì ông Nguyễn Hòa Bình vẫn có cái định kiến của người đã từng tham gia với vai trò kiểm sát trong vụ này. - Luật sư Ngô Anh Tuấn
Luật sư Ngô Anh Tuấn nêu quan điểm của mình với RFA:
“Đối với trường hợp Hồ Duy Hải thì theo bút lục hồ sơ để lại thì có rất nhiều lời kêu oan. Ngay khi có luật sư vào là Hồ Duy Hải đã kêu oan. Thế thì ngoài việc nói sai quy định pháp luật thì ông Nguyễn Hòa Bình vẫn có cái định kiến của người đã từng tham gia với vai trò kiểm sát trong vụ này. Ông này đã từng bác kháng nghị của Viện kiểm sát.”
Ngày 24 tháng 10 năm 2011, khi còn là Viện trưởng Viện KSND tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình ra quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải vì cho rằng cấp sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội.
Ngày 22 tháng 11 năm 2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam Lê Minh Trí kháng nghị giám đốc thẩm vụ án, sau khi nhận được đề nghị xem xét giải quyết đảm bảo đúng pháp luật vụ án từ Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7 năm 2019.
Ngày 8 tháng 5 năm 2020, sau 3 ngày xét xử giám đốc thẩm vụ án, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ra quyết định không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Vì sao bị can, bị cáo phải nhận tội?
Đại diện phía nguyên đơn (LS. Phạm Công Út) tại một phiên tòa minh oan cho gia đình bị oan ở Tây Ninh năm 2019.
Đại diện phía nguyên đơn (LS. Phạm Công Út) tại một phiên tòa minh oan cho gia đình bị oan ở Tây Ninh năm 2019. Photo courtesy of baomoi
Rất nhiều vụ án oan trước đây đều bắt đầu từ việc nhận tội của bị can, bị cáo trong quá trình điều tra. Đến khi phúc cung hay ra tòa thì đã ‘muộn’. Một vụ án oan mà nạn nhân từng ở tù 10 năm do nhận tội giết người và diễn lại hành vi giết người một cách thuần thục, khớp với hồ sơ của cơ quan điều tra là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Chấn về việc ‘tập giết người’ như sau: “Gần 2 tuần tôi tập tành giết người. Hàng ngày họ đưa tới một phòng, trong phòng có một hình nộm, một con dao giả. Cứ 8 giờ sáng bắt đầu tập đến 11 giờ 30 nghỉ, chiều 2 giờ tập tới 4 giờ 30. Mấy ngày đầu còn người đứng trông, sau đó tự tập, tập đến khi thành thục, thì thực hiện, tức biểu diễn, rồi họ chụp ảnh…”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, viêc lập đi lập lại hành động vung dao giết người có thể khiến bị cáo ảnh hưởng tâm lý. Một thời gian sau họ lại nghĩ mình có tội thật. Oan sai đến từ đó.
Nói đến án oan thì không thể không nhắc đến vụ một gia đình tám người ở Tây Ninh bị bắt trong hai đêm cuối tháng 7 năm 1979 vì bị cho là hung thủ trong một vụ cướp. Tất cả họ bị tù oan hơn 3 năm 9 tháng chỉ vì những lời nhận tội sau khi bị nhục hình.
Công an xã lôi ông Hồ Long Chánh ra ngoài đồng vắng, lấy súng K54 chĩa vô màng tang ổng, nói rằng nếu nhận tội thì cho sống, không nhận tội thì bắn bỏ luôn. Ông sợ chết nên phải nhận tội. - Luật sư Phạm Công Út
Người đầu tiên bị bắt là ông Hồ Long Chánh do nhà ông bán bánh mì nên có con dao giống con dao nạn nhân mô tả trong vụ cướp. Ông Chánh bị kê súng vào đầu bắt nhận tội. Vì sức khỏe yếu nên hôm nay ông không thể nói chuyện với RFA.
Luật sư Phạm Công Út, người từng là đại diện pháp lý cho gia đình này trong việc đòi minh oan, đòi bồi thường sau 40 năm kể lại nguyên nhân cả nhà bị bắt:
“Vào cái đêm xảy ra vụ án cướp 5 chỉ vàng ở Trảng Bàng, Tây Ninh, công an xã họ khoanh vùng xem nhà ai có khung khí như nạn nhân mô tả là con dao. Họ nghĩ trong địa phương có gia đình ông Chánh có con dao vì vợ chồng ông này bán bánh mì. Chỉ có tình tiết đó thôi mà họ kéo tới bắt ông Chánh về đánh. Đánh dữ dội lắm nhưng ổng cứ khóc rằng ổng không có ăn cướp của ai hết. Công an xã lôi ổng ra ngoài đồng vắng, lấy súng K54 chĩa vô màng tang ổng, nói rằng nếu nhận tội thì cho sống, không nhận tội thì bắn bỏ luôn. Ông sợ chết nên phải nhận tội.
Nhận xong nó đánh tiếp bắt ổng khai ra đồng bọn (vì nạn nhân khai có một số người trong vụ cướp). Bị đánh đau quá ổng khai ra vợ ổng. Họ bắt tiếp vợ ổng rồi cũng đánh tàn nhẫn bắt phải nhận tội tham gia cướp. Bị bắt phải khai đồng bọn, bà Ngọc Lan khai ra em ruột của mình, họ bắt tiếp em ruột đánh bắt nhận tội…”
Cứ bị đánh như thế nên họ cứ phải nhận tội và khai thêm ‘đồng bọn’. Trong tám người bị bắt lúc đó có một người vừa tròn 18 tuổi là anh Nguyễn Văn Dũng. Tối 16 tháng 6 năm 2020, tức gần 41 năm sau, anh Dũng kể lại nguyên nhân anh phải nhận tội:
“Bị nó đánh quá rồi nó bắt nhận tội thì cũng phải nhận chứ không nhận thì tôi sợ là không có ngày về. Khi bị đưa lên phòng làm việc thì (cả nhà) vận động nhau là không có tội cũng nhận còn có cơ hội về, chứ không nhận thì nó đánh đến chết.
Nó đánh dữ lắm. Mấy tháng đầu vô không ngày nào không ăn đòn. Nó nói là người ta đã khai vậy mà không nhận tội thì nó đánh cho phải nhận tội chứ không nhận là không được.”
Tình trạng tra tấn, dùng nhục hình đối với người bị tạm giam, tạm giữ trong đồn công an là hiện trạng có thật ở Việt Nam nhưng không được chính phủ thừa nhận và truyền thông Nhà nước cũng không đưa tin.
Theo thống kê của RFA, có ít nhất 3 người chết trong đồn công an trong năm 2019. Năm 2018 có ít nhất 11 người.
Tại hai buổi điều trần vào ngày 14 và 15 tháng 11 năm 2018 với Ủy Ban Chống Tra Tấn của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sĩ, chính phủ Hà Nội đã phủ nhận tất cả các thông tin cáo buộc công an tra tấn người dân.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.