Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 22/06/2020

Monday, June 22, 2020 5:00:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 22/06/2020

Mỹ đưa ba tàu sân bay tới cửa ngõ Biển Đông, Trung Quốc lo ngại

Lần đầu tiên kể từ năm 2017, Mỹ điều động ba tàu sân bay tới cửa ngỏ Biển Đông, bước đi có vẻ nhằm mục đích gửi thông điệp tới Trung Quốc, là sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện mạnh mẽ trong khu vực.
Hải quân Mỹ cho biết hai nhóm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã bắt đầu thực hiện chiến dịch huấn luyện tác chiến tại Biển Philippines vào hôm Chủ nhật.
Theo đó, hai nhóm tàu sẽ phối hợp huấn luyện năng lực phòng không, trinh sát biển, tiếp vận, oanh kích tầm xa, phòng thủ trên không và các bài tập khác. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm phô trương “năng lực độc nhất vô nhị của Hoa Kỳ trong việc triển khai đồng thời nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay” trong thời gian gấp rút.
“Đây là một cơ hội tuyệt vời để chúng tôi cùng nhau tập luyện trong một kịch bản phức tạp”, Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, Chỉ huy của Nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt (Group 9), nói. “Khi làm việc cùng nhau trong môi trường này, chúng tôi sẽ cải thiện các kỹ năng chiến thuật của mình và sẵn sàng đối mặt với một khu vực ngày càng nhiều áp lực và trong bối cảnh đại dịch Covid-19″.
Chuẩn đô đốc James Kirk, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz (Group 11), nói rằng các chiến dịch phối hợp này “thể hiện sự kiên cường và sẵn sàng chiến đấu của lực lượng hải quân và là một thông điệp mạnh mẽ thể hiện cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực, nhằm bảo vệ các quyền quan trọng, gồm quyền tự do và sử dụng biển một cách hợp pháp vì lợi ích của tất cả các quốc gia”.
Trong một sự kiện riêng rẽ nhưng xảy ra cùng thời gian, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan vốn có căn cứ tại Nhật Bản cũng thực hiện nhiệm vụ tại Biển Philippines, theo trang tin quốc phòng Task & Purpose.
Giới chức Mỹ không cho biết chính xác các nhóm tàu này đang hoạt động ở đâu trên Biển Philippines vào hôm Chủ nhật cũng như hành trình tiếp theo sau đó. Tuy nhiên, eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines được coi là cửa ngỏ vào Biển Đông, khu vực đang có nhiều căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia….
Giới quan sát đánh giá việc Mỹ bố trí ba tàu sân bay cùng lúc ở cửa ngỏ Biển Đông có thể khiến Trung Quốc lo ngại. Trước đó, phía Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích khi Mỹ điều ba nhóm tàu sân bay này tới hoạt động tại khu vực Thái Bình Dương.
“Bằng cách tập trung các tàu sân bay này, Mỹ đang cố gắng chứng minh cho cả khu vực và thậm chí cả thế giới rằng họ vẫn là lực lượng hải quân hùng mạnh nhất, khi họ có thể tiến vào Biển Đông và đe dọa quân đội Trung Quốc trên các đảo Tây Sa và Nam Sa cũng như đưa tàu thuyền đi qua vùng biển gần đó, Mỹ có thể thực hiện chính trị bá quyền của mình”, Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie ở Bắc Kinh đánh giá.
Tây Sa và Nam Sa là cách mà Trung Quốc gọi quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đối tượng tranh chấp giữa nước này với một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chuyên gia Li Jie cũng nói rằng Trung Quốc có thể đáp trả bằng việc triển khai các cuộc diễn tập hải quân trong vùng biển này cùng lúc với Mỹ.
Gần đây, Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh hải quân với các thông điệp mạnh nhằm vào Đài Loan và Mỹ cũng như các quốc gia có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc ở Biển Đông. Về phía mình, dù đang đối phó với đại dịch Covid-19, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện thường xuyên tại khu vực này.
Đây là đợt triển khai tàu hải quân hùng hậu nhất của Mỹ tại Thái Bình Dương kể từ năm 2017, thời điểm Mỹ cũng huy động ba đội tàu sân bay tới đây giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dâng cao.

Chuyên gia: Biển Đông lọt vào tay Trung Quốc

dưới thời Obama như thế nào?

Minh Hòa
Giáo sư Steve Tsang, giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc của trường SOAS (SOAS China Institute) thuộc Đại học London, cho rằng tình hình Biển Đông đang căng thẳng nhưng vùng biển này thực chất đã bị Trung Quốc chiếm giữ do sự yếu kém của tổng thống Mỹ trước đây, ông Barrack Obama.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo Express của Anh Quốc, ông Tsang nói rằng chính quyền Obama đã thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo ở Biển Đông.
Vị chuyên gia về Trung Quốc cho biết: “Điều này thật sự là do ông Obama chứ không phải ông Trump, vì tất cả những điều này đã diễn ra khi ông Obama là tổng thống”.
Ông Tsang giải thích: “Khi họ bắt đầu xây dựng các đảo nhân tạo, đó là lúc phải ngăn chặn họ”, nhưng chính quyền Obama đã không ngăn chặn Trung Quốc.
Giáo sư Tsang cho rằng hiện giờ chính quyền Tổng thống Trump khó có thể làm gì nhiều để giải quyết vấn đề này. “Khi những hòn đảo đó đã bị biến thành các căn cứ quân sự, còn làm gì được chúng nữa?”, ông nói. “Vì vậy, không có nhiều điều mà người Mỹ hiện giờ có thể làm đối với các căn cứ quân sự đó”.
Vị giáo sư sinh ra tại Hồng Kông cho biết: “Việc xây dựng các hòn đảo rất đáng ngờ và đáng lẽ phải được kiến nghị lên Liên Hợp Quốc ngay từ đầu”.
Chính quyền Obama đã không cho phép Hải quân Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2012 đến năm 2015, điều này được cho là tác động của Phó Tổng thống đương thời Joe Biden, hiện là ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ trong mùa bầu cử sắp tới.
Năm 2015, Tổng thống Obama tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Nhà Trắng, khi đó ông Tập cam kết Bắc Kinh sẽ không quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Thực tế cho thấy cam kết này là một lời nói dối, ở cả thời điểm đó lẫn hiện nay, bởi vì tạp chí Hải quân (Navy Times) của Mỹ cho biết, trong thời gian chính quyền Obama-Biden ngăn cản các cuộc tuần tra tự do hàng hải, Trung Quốc đã ra sức xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt các thiết bị quân sự lên những hòn đảo đó.
Tổng thống Trump từng nhiều lần phê phán chính sách mềm mỏng với Trung Quốc của người tiền nhiệm ông Obama. Ông Trump nói với Reuters hôm 23/2/2017, không lâu sau khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng: “Điều này không xảy ra dưới chính quyền Trump, điều này đã xảy ra dưới chính quyền Obama. Nhiều thứ đã diễn ra mà đáng lẽ chúng không được phép. Một trong số đó là việc xây dựng một tổ hợp quân sự khổng lồ ở giữa Biển Đông”.
Chính quyền Trump hiện cho phép Hải quân Hoa Kỳ triển khai đồng thời 3 nhóm tác chiến tàu sân bay tại vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Philippines. Đây được cho là một “thông điệp mạnh mẽ” răn đe yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển chiến lược này.

Đường 9 đoạn và yêu sách Tứ Sa của TQ

Yêu sách Tứ Sa là mới hay đã thay thế yêu sách đường 9 đoạn đã bị phán quyết Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016 bác bỏ? Câu hỏi này cần được làm rõ.
Đường 9 đoạn lần đầu được đưa lên diễn đàn Liên hợp quốc trong công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc để phản đối hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa của Malaysia và Việt Nam trình Ủy ban ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc (CLCS).
Yêu sách không có phạm vi rõ ràng
Yêu sách Tứ Sa được nhắc đến rộng rãi trong các công hàm của Trung Quốc từ tháng 12/2019 đến nay liên quan đến cuộc chiến công hàm về đệ trình một phần ranh giới thềm lục địa phía Bắc của Malaysia lên CLCS ngày 12/12/2019. Yêu sách Tứ Sa là mới hay đã thay thế yêu sách đường chín đoạn đã bị phán quyết Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông năm 2016  bác bỏ? Câu hỏi này cần được làm rõ.
Trước hết, Trung Quốc vẫn nhất quán yêu sách không có phạm vi rõ ràng về “chủ quyền không thể tranh cãi trên tất cả các đảo trong Biển Đông.và các vùng nước kế cận và được hưởng các quyền chủ quyền và tài phán trên các vùng nước thích ứng cũng như đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của chúng”.
Trong năm 2009, Trung Quốc đưa ra bản đồ 9 đoạn để minh chứng cho yêu sách của mình mà không có sự giải thích nào. Đã có nhiều cách giải thích từ các học giả. Con đường này có thể được coi là biên giới quốc gia, yêu sách toàn bộ các đảo và đặt tất cả vùng nước trong phạm vi của nó dưới chế độ nội thủy. Đây có thể chỉ là yêu sách các đảo trong phạm vi của đường và vùng nước kế cận chỉ các vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa mà các đảo đá được hưởng theo Công ước.
Tòa trọng tài vụ kiện Biển Đông cho rằng không có đủ bằng chứng cho thấy Trung Quốc có các quyền lịch sử đối với tài nguyên trong các vùng nước thuộc phạm vi đường chín đoạn và nếu có thì các quyền lịch sử này cũng đã bị thay thế bới các quy định về các vùng biển của Công ước luật biển 1982. Tòa bác bỏ yêu sách vùng nước trong phạm vi đường 9 đoạn và không đề cập tới yêu sách đảo trong đó.
Ba công thức trong cuộc chiến công hàm
Trong cuộc chiến công hàm 2019-2020, Trung Quốc không đề cập đến đường 9  đoạn, đối tượng phân tích và bác bỏ của phán quyết mà sử dụng 3 công thức phát biểu.
Thứ nhất là công thức “Trung Quốc có chủ quyền trên Nam hải chư đảo, bao gồm Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa; Trung Quốc có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở Nam hải chư đảo; Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Đông”. Đây là công thức được nêu trong công hàm ngày 12/12/2019 gửi Malaysia.
Yêu sách này nêu khái niệm Nam hải chư đảo, bao gồm cả quần đảo Macclefield đang chìm dưới nước. Khái niệm này đã được nêu trong Tài liệu lập trường của Trung Quốc năm 2014, Tuyên bố của Chính phủ Trung Quốc năm 2016 và trước đó trong luật Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải năm 1992. Nó được gọi bằng tên Tứ Sa (Four Sha) trong trao đổi với quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ năm 2017 nên được một số học giả cho là quan điểm mới nhằm hợp pháp hóa yêu sách của Trung Quốc sau phán quyết Biển Đông 2016 bằng cách sử dụng ngôn ngữ gần giống với các thuật ngữ UNCLOS.
Khái niệm này cũng không kém phần không rõ ràng như đường 9 đoạn. Bằng cách sử dụng số ít thay cho số nhiều trong câu “Trung Quốc có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trên cơ sở Nam hải chư đảo”, hoàn toàn có thể giải thích Trung Quốc có thể vẽ đường cơ sở quần đảo cho cả Nam hải chư đảo chứ không phải chỉ cho từng quần đảo như đã làm với Hoàng Sa.
Công thức thứ hai đề cập riêng từng quần đảo như trong công hàm ngày 23/3/2020 đáp lại Philippines, Trung Quốc lại chỉ nêu yêu sách Nam Sa cùng bãi cạn Hoàng Nham (Hyangyan Dao) và vùng nước kế cận.
Công thức thứ ba sử dụng cả tên Nam Hải chư đảo và tên quần đảo riêng biệt như Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) như trong công hàm ngày 17/4/2020 đáp lại Việt Nam: “Trung Quốc có chủ quyền trên Tây Sa, Nam Sa và các vùng nước kế cận… Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình  thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước của Liên hợp quốc về luật biển 1982” hay như Nam hải chư đảo bao gồm Nam Sa (Trường Sa) trong công hàm gửi Indonesia ngày 2/6/2020 và ngày 18/6/2020: “Trung Quốc có chủ quyền đối với Nam Hải chư đảo (bao gồm Nam Sa quần đảo – Trường Sa của Việt Nam) và các vùng nước kế cận.
Trên cơ sở Nam Hải chư đảo, Trung Quốc có vùng nước nội thủy, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trung Quốc có các quyền lịch sử tại Biển Đông. Chủ quyền Trung Quốc trên Nam Hải chư đảo và các quyền và lợi ích biển của chúng đã được thiết lập trong quá trình thực tiễn lịch sử lâu dài và nhất quán với luật quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước luật biển 1982”… Các công thức này ngụ ý khả năng vẽ đường cơ sở quần đảo cho riêng từng quần đảo hay mỗi thực thể có những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng.
Biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp
Dù theo công thức nào thì Nam Hải chư đảo thực chất là yêu sách đường 9 đoạn song thay vì yêu sách vùng nước dựa trên cơ sở quyền lịch sử trong đường 9 đoạn, Trung Quốc đã kết hợp cách giải thích sai trái Công ước Luật biển để đòi cho các đá, thậm chí các bãi nửa nổi nửa chìm, các thực thể luôn chìm có quyền có các vùng biển 200 hải lý và thềm lục địa, tạo chồng lấn với các nước khác và nhằm mục tiêu bác bỏ phán quyết.
Yêu sách Tứ Sa thực chất chỉ là bổn cũ soạn lại. Nó cũng mù mờ không kém gì đường 9 đoạn. Song cách giải thích cực đoan về các vùng biển từ đường cơ sở quần đảo vẽ cho Tứ Sa cho phép Trung Quốc mở rộng quyền lực ra cả các vùng nước bên ngoài đường 9 đoạn.
Chính vì vậy Trung Quốc không nói có tranh chấp với Indonesia ở vùng biển ngoài Natura nơi đường chín đoạn có thể chạm nhẹ vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xác định phù hợp với Công ước luật biển mà sử dụng từ “chồng lấn tại một số phần biển với Indonesia”.
Trung Quốc đang tiếp tục chiến thuật biến vùng không tranh chấp thành tranh chấp và cố tình tạo quan điểm mù mờ, không giải thích nhằm kích động đối phương, tạo vấn đề mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa sự hiện diện và thiết lập hai khu vực hành chính mới ở Biển Đông. Các hành động này đều trái với Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước luật biển 1982.
Đường 9 đoạn hay Tứ Sa thì vẫn là một và các nước xung quanh Biển Đông cần hết sức cảnh giác với các bước đi mới của Trung Quốc.

‘Cuộc chiến’ công thư: Cơ sở pháp lý kiểu… TQ

trên Biển Đông đang lung lay

Sau những diễn biến gần đây, Biển Đông một lần nữa trở thành tâm điểm thảo luận không chỉ ở Đông Nam Á, bắt đầu từ việc Malaysia đệ trình ranh giới thềm lục địa mở rộng của nước này ra ngoài khu vực 200 hải lý lên Liên hợp quốc (LHQ) năm 2019 và kể từ đó, các công thư khác của các bên liên quan cũng được đưa ra.
Trên thực tế, phần lớn công thư đó vẫn nhắc lại các quan điểm trước đây, song trở nên “hợp thời” không chỉ bởi chúng được đệ trình sau công thư của Malaysia, mà đặc biệt sau phán quyết của Tòa trọng tài ở La Haye năm 2016 về tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
Điều thú vị là các lập luận không được đưa ra trong các cuộc họp báo hay tuyên bố chính thức như trước, mà giờ đây nó được chính thức đệ trình lên LHQ và được cơ quan này ghi nhận.
Tòa trọng tài, được thành lập dựa trên Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đã đưa ra phán quyết rõ ràng về tuyên bố “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc, theo đó một quốc gia không thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải vượt ra ngoài các điều khoản của UNCLOS. Như vậy, cái gọi là “đường 9 đoạn” là trái với luật pháp. Về quy chế hàng hải, tất cả các thực thể chưa được xác định rõ không thể hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý, mà chỉ được hưởng tối đa 12 hải lý.
Sự phản đối bền bỉ
Phản ứng trước công thư của Malaysia, Trung Quốc một lần nữa nhấn mạnh lại quan điểm về cái gọi là “quyền lịch sử” của họ trên Biển Đông. Trung Quốc cũng coi phán quyết của Tòa là không công bằng
và bất hợp pháp. Trung Quốc không chấp nhận cũng như không tham gia vào vụ phân xử của Tòa và như vậy, sẽ không chấp nhận hay công nhận phán quyết đó.
Trong khi đó, Indonesia một lần nữa thể hiện sự phản đối bền bỉ của nước này. Các lập luận của họ không chỉ được đưa ra dựa trên và phù hợp với các công thư trước đó đệ trình lên LHQ (năm 2010), mà còn đề cập phán quyết của Tòa trọng tài.
Họ lặp lại quan điểm từ lâu của Jakarta rằng Indonesia không phải là một bên trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và quan điểm của Indonesia về các quy chế hàng hải của các thực thể trên Biển Đông đã được phán quyết của Tòa xác nhận.
Hơn nữa, Indonesia cũng lập luận rằng cái gọi là “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đã được xác nhận trong phán quyết của Tòa. Ngoài Indonesia, một số nước khác cũng đưa ra phản đối pháp lý chống lại các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc lên LHQ.
Trung Quốc đã bày tỏ phản đối mạnh mẽ quan điểm của Indonesia, ngoại trừ luận điểm rằng không có tranh chấp lãnh thổ nào trên Biển Đông giữa Indonesia và Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh khẳng định hai bên có các tuyên bố chồng lấn về “quyền và lợi ích hàng hải” ở một số khu vực trên Biển Đông.
Đề xuất đàm phán song phương
Một lập luận “thú vị” được Trung Quốc nêu ra và truyền đạt tới Indonesia, đó là đề xuất đàm phán về “các quyền và lợi ích hàng hải chồng lấn”. Như vậy, nếu xét về các điều khoản pháp lý, có phải Trung Quốc đang thực thi Điều 283 của UNCLOS về “nghĩa vụ trao đổi ý kiến” hay không?
Điều 283 (1) của UNCLOS quy định rõ rằng “khi bất đồng nảy sinh giữa các quốc gia về việc diễn giải hoặc áp dụng Công ước này, các bên tranh chấp nên nhanh chóng tiến tới trao đổi ý kiến liên quan đến việc giải quyết thông qua đàm phán hoặc các công cụ hòa bình khác”.
Nếu như đây là ý định của Trung Quốc, và sau đó các bên phải xem xét thêm nhiều vấn đề pháp lý đặc biệt nếu tiến trình đàm phán thất bại, thì liệu nó có trực tiếp kích hoạt Điều 297 về “Lựa chọn các quy trình pháp lý”, như khởi kiện lên Tòa Trọng tài, hay không?
Tuy nhiên, Indonesia đã thẳng thừng phủ nhận khả năng tổ chức đàm phán song phương với Trung Quốc. Indonesia không có lý do gì (về mặt pháp lý) để tiến hành các cuộc đàm phán như vậy. Họ không có tuyên bố hàng hải chồng lấn với Trung Quốc, do vậy việc tổ chức đàm phán về phân định ranh giới trên biển là không có cơ sở.
Đề xuất về việc tổ chức đàm phán song phương là không hề mới và sẽ luôn bị Indonesia bác bỏ. Trong tương lai, Trung Quốc nên giải thích rõ ràng về cơ sở pháp lý để tiến hành cuộc đàm phán như vậy, liệu nó dựa trên Điều 76 và Điều 83 về thềm lục địa, hay Điều 56 liên quan đến khai thác EEZ hay cơ sở pháp lý nào khác?
Sự ngoan cố của Trung Quốc
Sự phản đối của các quốc gia khác nhau đối với tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc, đặc biệt khi nhắc tới phán quyết của Tòa trọng tài này có thể làm suy yếu yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, bao gồm cả trong các điều khoản pháp lý.
Mặc dù các quốc gia này phản đối yêu sách của Trung Quốc dựa trên phán quyết được đưa ra theo Điều 297 của UNCLOS, nhưng mặt khác Bắc Kinh vẫn duy trì lập trường dựa trên tuyên bố chủ quyền đơn phương dựa theo lịch sử, vốn đã bị Tòa trọng tài bác bỏ.
Trung Quốc giờ đây phải chứng minh rằng các tuyên bố của mình dựa trên luật quốc tế, hoặc phải tiến tới tìm ra các lập luận pháp lý mới để phù hợp với các cấu trúc pháp lý quốc tế hiện hành liên quan đến tranh chấp Biển Đông, bao gồm phán quyết của Tòa Trọng tài.

Indonesia từ chối đàm phán với TQ về Biển Đông

Idonesia nói không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 18.6 tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”, theo trang tin BenarNews.
Bà Retno đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc ngày 2.6 gửi công hàm lên LHQ, mời Indonesia đàm phán về cái gọi là “những tuyên bố chồng lấn về các quyền và lợi ích” ở Biển Đông.
Đáp lại, trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 12.6, Indonesia lập luận các thực thể trong quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa nên không thể có sự chồng lấn với EEZ hay thềm lục địa của Indonesia.

Vùng nhận dạng phòng không

của Trung Quốc trên Biển Đông: Lợi không bằng hại

Mai Vân
Theo thông báo của Hạm Đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, hai nhóm tác chiến của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và USS Nimitz (CVN 68) đã bắt đầu các bài tập huấn chung trên Biển Philippines kể từ hôm qua, 21/06/2020. Cùng ngày, trang web thông tin DVIDS của bộ Quốc Phòng Mỹ cũng công bố hình ảnh về hoạt động, cũng trên Biển Philippines, của hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan (CVN 76) cùng nhóm tác chiến đi theo.
Đối với giới quan sát, phải lần ngược về năm 2017 mới thấy sự hiện diện đồng thời của ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ trên cùng một vùng biển ở châu Á, cũng với ba chiếc Ronald Reagan, Theodore Roosevelt và Nimitz.
Việc huy động đồng thời ba nhóm tác chiến tàu sân bay là một động thái phô trương uy lực rõ nét, vì mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đều bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm hộ tống, tất cả đều có trang bị tên lửa dẫn đường. Mỗi hàng không mẫu hạm đều chở theo hơn sáu chục chiến đấu cơ hiện đại cùng một số loại phi cơ khác, một lực lượng máy bay hùng hậu hơn toàn bộ không lực của phần đông các nước châu Á.
Nếu vào năm 2017, ba nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ đã được phái đến châu Á để phô trương uy lực răn đe Bắc Triều Tiên, thì lần này đối tượng bị nhắm chính là Trung Quốc, đang ngày càng có thêm nhiều hành vi dùng sức mạnh để độc chiếm Biển Đông, mà bước tới đây có thể là việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bên trên vùng biển Đông Nam Á.
Có lẽ chính là để Bắc Kinh hiểu rõ thông điệp răn đe mà lần này, các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ đã nhanh chóng đến tập trận ngay tại Biển Philippines, nơi được coi là cửa ngõ vào Biển Đông. Giới bình luận Trung Quốc đã không một chút nghi ngờ: Washington đã muốn cho Bắc Kinh thấy rõ là cho dù bị dịch Covid-19, Mỹ vẫn còn đủ “cơ bắp”.
Trong một bài phân tích ngày 18/06 vừa qua về tình hình Biển Đông, tuần báo Anh The Economist đã ghi nhận là dù các quan chức Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc là đối tượng của hành động thị uy, nhưng rõ ràng họ không yên tâm về các hành vi gần đây của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vào ngày 03/04, một chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam gần Hoàng Sa. Đến ngày 10/06, một tàu Việt Nam khác bị một tàu Trung Quốc đâm vào cũng ở khu vực này. Trong hai tháng Tư và Năm, Hải Cảnh Trung Quốc sách nhiễu tàu khoan dầu West Capella của Malaysia gần đảo Borneo, khiến Mỹ và Úc phải gởi tàu chiến đến nơi. Ở vùng Trường Sa, tàu dân quân biển Trung Quốc đội lốt tàu cá đã tràn ngập khu vực gần đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc lợi dụng lúc dịch Covid -19 hoành hành để có những “hành vi khiêu khích”.
Theo nhận định của The Economist, tranh chấp ở Biển Đông không phải là điều mới mẻ. Từ hàng chục năm nay, Trung Quốc và các nước láng giềng vẫn tranh chấp về các đảo, đá ở Biển Đông, và Bắc Kinh luôn thắng thế. Cho dù đã cam kết với Mỹ vào năm 2015 là sẽ không quân sự hóa khu vực, nhưng Trung Quốc vẫn xây dựng hải cảng, phi đạo, bunker ở Trường Sa và bố trí tên lửa trên các thực thể mà họ kiểm soát.
Gần đây, Trung Quốc còn có một quyết định mang tính biểu tượng mạnh hơn để nắm chặt thêm kiểm soát của họ: Thành lập hai đơn vị hành chánh bao trùm Trường Sa và Hoàng Sa, đặt dưới quyền kiểm soát của Tam Sa, cái gọi là “thành phố” mà Bắc Kinh thiết lập năm 2012 để quản lý vùng biển.
Về việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông, The Economist nhắc lại rằng đây ý đồ của giới lãnh đạo Trung Quốc từ một thập niên nay.
Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không đầu tiên vào năm 2013 ở Biển Hoa Đông, bao trùm cả quần đảo Điếu Ngư/Senkaku mà họ tranh chấp với Nhật Bản. Mỹ đã cấp tốc cho hai oanh tạc cơ bay ngang vùng này mà không hề xin phép, để chứng tỏ là Mỹ không quan tâm gì đến quyết định của Trung Quốc. Thế nhưng phần lớn các nước – kể cả Mỹ – đều thận trọng khuyên các hãng máy bay dân sự tuân theo các quy tắc mới để bảo đảm an toàn.
Mới đây, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tiết lộ rằng giới lãnh đạo Trung Quốc đang chờ đợi “thời cơ thích hợp” để tuyên bố kế hoạch lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông. Những động thái vừa qua của Trung Quốc ở Biển Đông càng làm gia tăng mối lo ngại theo đó có lẽ Trung Quốc đã thấy rằng thời cơ đã đến.
Zack Cooper, chuyên gia viện nghiên cứu American Enterprise Institute giải thích là đối với Trung Quốc, vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông dễ kiểm soát hơn vùng trên Biển Hoa Đông.
Bắc Kinh có thể vừa sử dụng radar trên đảo Hải Nam hay dọc bờ biển Hoa Lục, vừa dùng những radar mới đặt ở Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời trám được mọi lỗ hổng trong màng lưới dò tìm bằng cách dùng đến máy bay giám sát hay chiến đấu cơ đã được triển khai trên các đảo, hoặc sử dụng các khu trục hạm trang bị radar.
Tóm lại, theo ông Cooper, Trung Quốc có thể theo dõi “phần lớn máy bay nước ngoài” tiến vào vùng nhận dạng phòng không.
Theo The Economist, máy bay quân sự Mỹ dĩ nhiên sẽ không chú ý đến những quy tắc mới của Trung Quốc như đã từng làm ở Biển Hoa Đông, thể nhưng vì sao lại phải bận tâm?
Đối với tuần báo Anh, lý do có lẽ là cho dù chỉ thành công một phần thì vùng nhận dạng phòng không vẫn rất có lợi cho Trung Quốc. Cho dù vùng này không cho Bắc Kinh chủ quyền trên không phận, nhưng Trung Quốc có thể sử dụng vùng này để chứng tỏ quyền lực.
Cho đến giờ chưa có bằng chứng về việc Trung Quốc đã sử dụng vùng nhận dạng phòng không họ hiện có để gây xáo trộn cho các đường bay dân sự, nhưng đó có thể là một công cụ dùng khi có khủng hoảng. Trung Quốc có thể viện lý do có vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông để tăng cường các chuyến bay tuần tra trong khu vực.
Tuy nhiên, đối với The Economist, việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông không phải là không có khó khăn.
Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vừa quá rộng lớn, vừa mơ hồ. Tấm bản đồ Đường 9 đoạn bao quanh cả Biển Đông, nhưng Bắc Kinh lại không đưa ra tọa độ cũng như nói rõ ý nghĩa của đường này.
Ở biển Hoa Đông, vùng nhận dạng của Trung Quốc phần lớn đi theo vùng thềm lục địa đang có tranh chấp của Trung Quốc, còn ở Biển Đông, theo chuyên gia Alessio Patalano trường đại học King’s College ở Luân Đôn, nếu vùng này chỉ được vẽ ra xung quanh các thực thể rải rác mà Trung Quốc nắm giữ, thì điều đó có thể đánh một đòn “chí tử” vào bất kỳ yêu sách nào của Trung Quốc đối với các khu vực nằm bên trong đường 9 đoạn.
Nhưng nếu ranh giới vùng nhận dạng phòng không đi theo đường lưỡi bò, điều đó sẽ gây chấn động. Từ nhiều năm nay, 10 thành viên ASEAN đã bị chia rẽ về cách đối phó với Trung Quốc. Nhiều thành viên muốn hòa dịu với Trung Quốc, trong khi một số ít lại muốn có thái độ cứng rắn. Một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của ASEAN sẽ mở ra vào cuối tháng này. Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam ở Singapore, việc Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không có thể làm thay đổi tương quan lực lượng, và các nỗ lực của khối để đàm phán một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông với Trung Quốc có thể là nạn nhân.
Việc Mỹ quyết định cử chiến hạm, drones và oanh tạc cơ đi tuần tra gần khu vực mà tàu khoan West Capella của Malaysia bị bao vây (cho đến khi con tàu rời khỏi khu vực vào tháng 5) và việc triển khai ba tàu sân bay hiện nay là tín hiệu hỗ trợ cho các đối thủ của Trung Quốc.
Trong một lá thư gửi đến Liên Hiệp Quốc ngày 01/06, Mỹ đã chỉ trích các “yêu sách hàng hải quá đáng” của Trung Quốc. Mỹ cũng càng lúc càng triển khai thêm tàu chiến để thách thức những yêu sách đó bằng cách đi qua các vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ. Chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải gần đây nhất diễn ra ngày 28/05, lần thứ năm trong năm nay. Đối với The Economist, rõ ràng là ngay cả khi không có ADIZ, cuộc đối đầu Mỹ-Trung vẫn sẽ gia tăng.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.