Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Án oan khiến dân mất niềm tin dù có cải cách tư pháp!

Monday, June 22, 2020 3:49:00 PM //

Diễm Thi, RFA
2020-06-15


Chiếc cân biểu tượng cho công lý
Chiếc cân biểu tượng cho công lý
AFP





Dân mất niềm tin vào tư pháp Việt Nam!
Sáng 15 tháng 6 năm 2020, trong phiên thảo luận tại Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nói rằng, ông nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của cử tri, trong đó có vị là lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu, nói rằng chưa bao giờ thấy niềm tin vào tư pháp Việt Nam thấp như bây giờ.
Đại biểu Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phản biện lại rằng, lĩnh vực tư pháp thời gian qua tuy rằng có một số sai sót nhưng nếu chỉ lấy vài vụ việc để đánh giá ngành tư pháp là không nên.
Trước đó hai ngày, ông Hoàng Đức Thắng, trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Quảng Trị cho rằng, những vụ án như Hồ Duy Hải, vụ lùi xe trên cao tốc, vụ án Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử tại tòa… là phần nổi của tảng băng chìm, gây xói mòn lòng tin của người dân vào hệ thống tư pháp.
Để khách quan, RFA tìm hiểu quan điểm của một vị trong ngành tư pháp nhưng không là đại biểu Quốc hội, là ông Trần Đức Long - Phó Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam, thì ông từ chối trả lời:
“Vâng, tôi là Trần Đức Long nhưng cô hỏi người khác nhé. Hỏi người khác chứ tôi không trả lời đâu!”
Nhận định về tranh luận của các ĐBQH sáng 15 tháng 6 về nền tư pháp Việt Nam hiện nay, ông Lê Văn Cuông, từng là ĐBQH khóa 11 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói với RFA rằng, góc nhìn của mỗi đại biểu quốc hội có khác nhau. Ông nêu ý kiến của mình:
“Nền tư pháp Việt Nam những năm qua có nhiều đổi mới, tức là có Ban chỉ đạo để đổi mới tư pháp. Ban này hoạt động liên tục và có nhiều thay đổi so với trước đây để hội nhập thế giới. Cho nên trong quá trình thực thi pháp luật, tính dân chủ, công khai, minh bạch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cũng được mở rộng so với trước đây.
Tuy nhiên, gần đây có một số vụ án chưa được sự đồng thuận của dư luận xã hội, người ta nghi ngờ có sự oan sai và có những ý kiến khác nhau về quan điểm xét xử cho nên nó cũng tạo cho ngành tư pháp bị giảm uy tín và niềm tin nhất định. Nhưng tôi nghĩ cái niềm tin đối với cải cách tư pháp thời gian qua được nâng lên.”
Tháng 6 năm 2005, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Vì đâu?
Theo ghi nhận của RFA, rất nhiều người dân từ lâu đã không tin vào nền tư pháp Việt Nam do vô số những vụ án oan sai ngất trời. Sau vụ án Hồ Duy Hải, một vụ án được cho là thu hút sự chú ý của công luận trong và ngoài nước cao kỷ lục, người dân một lần nữa mất niềm tin vào nền tư pháp Việt Nam.
Có thể kể ra vài vụ điển hình như ông Hàn Đức Long bốn lần bị kết án tử hình dù vô tội. Ông Nguyễn Thanh Chấn bị kết án chung thân với tội giết người dù ông liên tục kêu oan. Tháng 11 năm 2013, sau 10 năm ngồi tù oan, ông Chấn được VKSND Tối cao tạm tha về nhà và hai hôm sau, TAND Tối cao trong phiên tái thẩm đã hủy hai bản án kết tội ông Chấn giết người.
Ông Huỳnh Văn Nén hai lần bị kết án tử hình oan. Ông Nén được xem là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan, được gọi là "Người tù xuyên thế kỷ". Gần 17 năm ngồi tù oan, cuối năm 2015, Công an tỉnh Bình Thuận đình chỉ điều tra đối với ông Nén sau khi tìm ra hung thủ giết người.
Tân chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức.
Tân chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tuyên thệ nhậm chức. Photo: Tuoitre.vn
Luật sư Phạm Công Út cho rằng, so với hàng chục năm trước thì tư pháp Việt Nam rõ ràng có sự thay đổi, có sự tiến bộ rõ rệt để hội nhập với nền tư pháp của thế giới mà Việt Nam đã ký kết. Nhưng từ luật tới thực tế còn quá xa vời. Ông nói:
“Trong thời gian nhiều năm hoạt động trong lãnh vực tư pháp thì tôi thấy các đạo luật, bộ luật bao hàm về kinh doanh, thương mại, về dân sự, hình sự, về tố tụng, về hành chánh có sự hội nhập với quốc tế một cách khá rõ rệt. Tuy nhiên, do vẫn còn mang những nét đặc thù riêng của Việt Nam, một đảng lãnh đạo, nên nó vẫn còn những điểm khác biệt với thế giới.
Để hội nhập thì Việt Nam phải sửa luật, và rõ ràng Việt Nam đã và đang sửa luật về mặt câu chữ, về mặt luật pháp, nhưng về mặt thừa hành thì không giống như quy định của pháp luật.”
Luật sư Phạm Công Út nêu ví dụ cụ thể là vụ Đồng tâm: Theo luật quy định, những tôi danh có khung hình phạt từ 15 năm trở lên thì bắt buộc phải có luật sư ngay từ đầu. Hiện có tổng cộng 25 người bị Công an Hà Nội đề nghị truy tố về tội danh "Giết người" theo khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự, mức án có thể lên đến tử hình nhưng không ai được có luật sư trong suốt thời gian điều tra.
Song song với chiến lược cải cách tư pháp thì vai trò của luật sư cũng có thay đổi. Theo pháp luật Tố tụng Hình sự sửa đổi, bổ sung 2015, hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2018, Điều 74 quy định người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
Tuy luật là vậy nhưng hầu như thực tế là khác. Trong một lần trao đổi với RFA về vai trò luật sư trong các vụ án ở Việt Nam, Luật sư Minh Thọ cho biết, các vụ người dân mời luật sư từ khi người phạm tội bị bắt, tạm giữ và được đưa về trụ sở cơ quan điều tra, là khá hiếm hoi. Chính vì thế, những vụ người dân "khi đi trai tráng, khi về bằng cáng”, thậm chí mất mạng, mà theo cơ quan công an, là do người dân tự tử ở trụ sở công an vẫn diễn ra.
Là một nhà báo độc lập, ông Nguyễn Ngọc Già nhận định về nền tư pháp Việt Nam hiện nay:
“Thứ nhất, nền tư pháp hiện nay là một bề tư pháp không đúng chuẩn mực quốc tế. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do Việt Nam khộng có tam quyền phân lập. Do đó nó dẫn tới tình trạng là hầu hết tất cả các thẩm phán đều xuất thân là giới công an. Vì vậy nó gây mất niềm tin trong lòng dân từ rất lâu rồi nhưng trước đây chưa có mạng xã hội nên người dân không thấy.
Thứ hai, khi có đại biểu quốc hội nói rằng không thể lấy vài vụ án như Hồ Duy Hải, Lương Hữu Phước để đánh giá nền tư pháp Việt Nam thì tôi không đồng ý, bởi vì chuyện Hồ Duy Hải xảy ra hơn 12 năm và đã tới mức giám đốc thẩm do Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đại diện cho Nhà nước CHXHCNVN. Đó là tính đại diện cao nhất, và điều đó phủ định sự ngụy biện rằng không thể lấy vụ Hồ Duy Hải hay Lương Hữu Phươc để đánh giá thấp nền tư pháp Việt Nam. Đó là điều ngụy biện hoàn toàn."
Ông Nguyễn Ngọc Già dẫn chứng ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao hiện nay từng là Thiếu tướng Công an; ông Trương Hòa Bình, cựu Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao từng công tác tại Phòng An ninh Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từng giữ chức Cục phó Cục An ninh văn hóa; ông Lê Minh Trí hiện đang là Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao cũng từng làm Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.