Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 15/04/2020

Wednesday, April 15, 2020 5:21:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 15/04/2020

Tổ Chức Y Tế Thế Giới :

Vị nhạc trưởng không có đũa chỉ huy ?

Thùy Dương
Hai ngày sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình, báo chí Pháp vẫn tập trung phân tích những biện pháp chấm dứt phong tỏa kể từ ngày 11/05 và cả những khó khăn mà người dân sẽ phải đương đầu sau thời kỳ phong tỏa vì dịch Covid-19.
Le Monde chạy tít : « Chấm dứt phong tỏa : Những thách thức của ngày 11/05 ». Le Figaro đi tìm lời giải đáp cho những điều còn chưa rõ ràng trong những biện pháp mà tổng thống đã nhắc tới trong bài phát biểu tối ngày 13/04 qua hàng tựa « Chấm dứt phong tỏa : 11 câu hỏi cho ngày 11/05 ». Còn Libération đặc biệt chú ý đến biện pháp mở cửa dần dần các trường học kể từ ngày 11/05. Trên nền bức ảnh một cậu học sinh đeo khẩu trang đứng một mình với vẻ ngần ngại, Libération đặt câu hỏi : « Ngày 11/05 : Mọi nguy cơ đối với các lớp học ? » Việc tổng thống thông báo các trường học sẽ dần được mở cửa trở lại gây nhiều lo ngại trong công luận. Nhiều bác sĩ, các tổ chức công đoàn, giáo viên và phụ huynh đều tỏ vẻ ngạc nhiên và thắc mắc lý do.
Trong khi đó, báo kinh tế Echos nói tới « Cuộc suy thoái tồi tệ nhất ». Bộ Kinh Tế Pháp dự báo GDP năm nay sẽ giảm sút 8%, còn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự báo thế giới sẽ rơi vào cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất tính từ năm 1930. Báo Công Giáo La Croix hôm nay thì đặc biệt chú ý đến công cuộc trùng tu nhà thờ Đức Bà Paris. Cách nay tròn 1 năm, vào đúng ngày 15/04/2019, Notre Dame de Paris đã bị hỏa hoạn thiêu rụi một phần. Trang nhất của La Croix là bức hình chụp cận cảnh hai người dân đeo khẩu trang, phía xa là nhà thờ Đức Bà Paris với giàn giáo và cần cẩu. Hai hồ sơ lớn của La Croix hôm nay dành để nói về « Notre Dame de Paris, một năm sau (hỏa hoạn) »  « Chấm dứt phong tỏa như thế nào ? »
WHO : Nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona ?
Về thời sự quốc tế, Le Monde giới thiệu bài viết « Virus corona : Cách quản lý đại dịch của Tổ Chức Y Tế Thế Giới dưới ngọn lửa chỉ trích », khẳng định cho dù Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) bị tố cáo phản ứng chậm trễ với dịch bệnh vì ngả về phía Trung Quốc, bị Bắc Kinh mua chuộc, nhưng định chế này cũng là một nạn nhân của sự yếu kém do bị chính các quốc gia thành viên bỏ mặc. Đối với Le
Monde, WHO và tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus chính là nạn nhân liên đới đầu tiên của cuộc chiến chống virus corona.
Trên các mạng xã hội, những hình ảnh một vị bác sĩ tên là Tedros bị bịt mắt bằng quốc kỳ Trung Quốc hay bị chủ tịch Tập Cận Bình thòng dây dắt đi được cư dân mạng chia sẻ rộng rãi. Một thư kiến nghị được tung lên mạng của công chúng đòi ông Tedros Adhanom Ghebreyesus từ chức tổng giám đốc WHO đã thu được chữ ký của 800.000 người, nhiều hơn 10 lần so với số người ký vào kiến nghị ủng hộ ông.
WHO còn « bị bồi thêm một cú đánh » từ tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm 07/04, trên mạng xã hội Twitter, nguyên thủ Mỹ đã đả kích kịch liệt định chế này. WHO bị cho là đã góp phần khiến Covid-19 trở thành một đại dịch toàn cầu. Đương nhiên, đối với phe Dân Chủ Mỹ, việc ông Trump chỉ trích WHO cũng là nhằm « đổ tội cho Tedros », bởi chính tổng thống Mỹ cũng có phần trách nhiệm về cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Về phản ứng của định chế y tế quốc tế, bác sĩ Sylvie Briand, người đứng đầu cơ quan về các bệnh truyền nhiễm thuộc WHO nhấn mạnh khi dịch bệnh nổ ra, cơ quan này chỉ có 1 chuyên gia về virus corona, với ngân sách 3,4 tỉ đô la cho năm 2019. Bà cũng cho rằng những lời chỉ trích như trên nhắm vào WHO là « rất quen thuộc » và « vào thời khủng hoảng, luôn cần có một lối thoát và một thủ phạm ». Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh, trên thực tế, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã chần chừ né tránh rất nhiều lần kể từ khi dịch bùng lên ở Vũ Hán, Trung Quốc, hồi cuối năm 2019.
Ngoài ra, cũng phải nhìn vào một thực tế khác, WHO là một tổ chức không có quyền cưỡng chế. Đây chính là hạn chế của định chế liên chính phủ này. WHO không có quyền ép buộc các quốc gia thành viên phải hợp tác, nhất là đối với các chế độ chuyên quyền độc đoán. Nhà nghiên cứu virus Marie-Paule Kieny, từng là phó tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho đến năm 2017, giải thích với Le Monde là các nước thành viên WHO chỉ muốn định chế này yếu kém bởi « y tế, sức khỏe là một vấn đề mang tính chính trị rất cao và là một đặc quyền quốc gia ».
Sau cuộc khủng hoảng SARS hồi năm 2003, 194 thành viên WHO đã thành công trong việc thiết lập Quy định y tế quốc tế. Từ năm 2005, Tổ Chức Y Tế Thế Giới có vai trò điều phối quốc tế trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, các nước này lại không chấp thuận để WHO có quyền ép buộc họ. Nhà dịch tễ học Antoine Flahault, giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu, nhận định tình trạng này giống như việc « một nhạc trưởng bị trách cứ là không chỉ huy được dàn nhạc, trong khi không được trao đũa chỉ huy ».
Le Monde nhắc đến « một vấn đề muôn thuở » khác trong quản lý dịch bệnh : mỗi lần dịch bệnh xảy ra, chẳng hạn SARS năm 2003, cúm H1N1 năm 2009 hay Ebola năm 2014, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đều bị chỉ trích phản ứng không đúng thời điểm : hoặc quá sớm, hoặc quá muộn, quá mạnh hay quá yếu. Giám đốc Viện Sức Khỏe Toàn Cầu lưu ý là các nước có tầm ảnh hưởng nhất đều dựa vào cơ quan y tế của riêng họ, chẳng hạn Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) có ngân sách cao gấp 10 lần ngân sách của WHO. Ngược lại, đối những quốc gia nghèo nhất, Tổ Chức Y Tế Thế Giới lại giữ vai trò kiểm soát và những chỉ dẫn của định chế rất được chú ý lắng nghe và làm theo.
Không ai biết WHO sẽ làm thế nào để thoát khỏi cuộc khủng hoảng niềm tin lần này trong bối cảnh chủ nghĩa đơn phương đang lên ngôi trên trường quốc tế. Nhưng Le Monde kết luận bài viết bằng cách trích dẫn một nhà nghiên cứu, theo đó cuộc khủng hoảng lần này cho thấy trong một thế giới mà các nước phụ thuộc lẫn nhau, sức khỏe, y tế là một thách thức toàn cầu và cần phải củng cố vai trò điều phối của WHO. Và đây chính là bài học cho các nước thành viên, bởi Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nếu bị suy yếu, sẽ càng khó có khả năng đối phó với các dịch bệnh trong tương lai.
Ngoại giao y tế Cuba : Các bác sĩ đẩy lùi biên giới
Trong những tuần qua, nhiều « đoàn quân » bác sĩ Cuba đã rời đất nước để trợ giúp 60 quốc gia trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Không những xuất khẩu bác sĩ sang các nước láng giềng như Nicaragua, Venezuela, La Habana còn điều bác sĩ sang tận Trung Quốc, Ý và cả Pháp.
Libération nhắc lại ngoại giao y tế là một loại vũ khí được Cuba sử dụng từ nhiều năm nay. Với 9 bác sĩ/1.000 dân, Cuba là nước có tỉ lệ bác sĩ cao nhất thế giới, cao gấp đôi Thụy Điển, gấp 3 lần Pháp.
Cuba điều bác sĩ ra nước ngoài hoặc dưới hình thức làm việc tình nguyện, chẳng hạn trong các thảm họa động đất ở Haiti, dịch bệnh Ebola ở châu Phi, hoặc các nước phải trả thù lao. Việc « xuất khẩu chất xám » đã góp phần nuôi sống đất nước từ 2 thập kỷ nay : kỷ lục là vào năm 2011, nhờ xuất khẩu 50.000 bác sĩ và y tá, chủ yếu sang Venezuela và Brazil, Cuba thu về 11,5 tỉ đô la, trong khi doanh thu từ du lịch chỉ đạt 2,6 tỉ đô la. Bác sĩ và y tá Cuba chủ yếu đảm nhiệm công việc chăm sóc y tế cơ bản ở những nơi nhân viên y tế nước sở tại không muốn mạo hiểm đến công tác : vùng nông thôn, khu ổ chuột, nơi có thổ dân …
Tuy nhiên, Cuba lại bị Mỹ chỉ trích vì đã biến các bác sĩ thành nô lệ. Hoa Kỳ thậm chí còn khuyên thế giới không dùng y bác sĩ Cuba. Dựa trên những lời kể của người trong cuộc, công chúng nay có thể hiểu thêm về điều kiện các bác sĩ Cuba. Trên danh nghĩa là hoạt động tình nguyện, họ phải chấp nhận ra nước ngoài 2 năm, thậm chí thời gian bị kéo dài gấp đôi mà không được báo trước. Lương của họ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa chính phủ các nước, khoảng 3000-4000 đô la/tháng, được chuyển thẳng cho Nhà nước Cuba và La Habana chỉ trả cho y bác sĩ 20% số tiền nói trên, và một nửa số tiền đó chỉ được chuyển vào tài khoản các y bác sĩ này, nếu họ trở về nước khi hết hạn làm việc ở nước ngoài. Đây là cách để hạn chế tình trạng y bác sĩ « đào ngũ ». Theo một blogger Cuba, những người đào ngũ bị cấm về nước trong vòng 8 năm. Còn những ai hoàn thành công tác trở về sẽ được thăng tiến và được nhận một phần thưởng « trong mơ » : mua một chiếc xe hơi với giá phải chăng !
Libération kết luận là trong bối cảnh khó khăn chồng chất như hiện tại, bác sĩ trong nước dư thừa, thì việc xuất khẩu bác sĩ không chỉ là phương tiện để Cuba thể hiện tình đoàn kết quốc tế mà còn giúp cho nền kinh tế Cuba khỏi « chết chìm ».
Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ thảm họa hạt nhân
Trong khi cả thế giới đang đối đầu với virus corona, nhìn sang Ukraina, La Croix lưu ý « Cháy rừng ở Tchernobyl khơi dậy nỗi sợ hãi » về một thảm họa môi trường nơi trước đây là nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl. Khu vực cấm ở Tchernobyl, với bán kính 30 km quanh nơi xảy ra thảm họa hạt nhân lớn nhất lịch sử, từ chục ngày nay, đang bị cháy rừng. Hỏa hoạn lan rộng tới mức chính quyền Ukraina đã phải huy động khoảng 500 lính cứu hỏa, 6 phi cơ chở bom nước đã thực hiện hơn 200 chuyến bay cứu hỏa chỉ riêng trong ngày 13/04. Theo bộ Nội Vụ Ukraina, các đám cháy rừng đã được khống chế, nồng độ phóng xạ ở Tchernobyl không tăng đáng kể.
Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường, nhất là tổ chức Greenpeace chi nhánh Nga cho biết các hình ảnh vệ tinh cho thấy đám cháy rừng bao trùm 12.000 ha, chứ không phải chỉ có vài trăm ha như bộ Tình Trạng Khẩn Cấp thông báo. Nếu đám cháy lan đến khu lưu trữ rác thải hạt nhân ở Prypiat thì sẽ lại gây ra một thảm họa khôn lường. Có ý kiến chỉ trích chính phủ Ukraina hoặc không nắm được thông tin, hoặc chọn giải pháp im lặng như thời Xô Viết. 30 đã trôi qua kể từ khi xảy ra vụ nổ nhà máy điện hạt nhân Tchernobyl, nhưng cách xử lý khủng hoảng dưới thời Liên Xô vẫn còn khiến dân chúng Ukraina mất niềm tin vào chính quyền.

Tin tổng hợp
(AFP) –  Do dịch Covid-19, GDP của Trung Quốc giảm 8,2 % trong quý 1/2020, 
theo thârm đijnh của 14 chuyên gia quốc tế được AFP liên lạc. Trong hai tháng đầu năm 2020, lần đầu tiên từ 30 năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc tụt giảm. Cơ quan thẩm định tài chính Mỹ Moody’s đánh giá “kinh tế Trung Quốc tăng chậm lại hơn nhiều so với dự báo”.
(AFP) – IMF dự phóng Covid-19 cướp đi hơn ba điểm tăng trưởng của kinh tế toàn cầu. 
Trong báo cáo ngày 14/04/2020 của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, virus corona gây thiệt hại cho thế giới  9.000 tỷ đô la trong hai năm 2020 và 2021. Châu Âu là nơi bị tác động kinh tế nghiêm trọng nhất, GDP dự trù giảm 7,5 % trong năm nay. Tại Mỹ là gần 6 %. Riêng Trung Quốc sẽ phải hài lòng với tỷ lệ tăng trưởng,2 % thay vì hơn 6 % như năm ngoái.
(AFP) – Bình Nhưỡng kín đáo kỷ niệm 108 năm ngày sinh lãnh tụ Kim Nhật Thành (Kim Il Sung). 
Bắc Triều Tiên thường tổ chức rầm rộ sinh nhật để  vinh danh nhà sáng lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên nhưng 2020 là một ngoại lệ vì Bắc Triều Tiên cũng sợ dịch Covid-19 lân lan. Năm nay số người đến đồi Mansu đặt vòng hoa dưới chân tượng Kim Nhật Thành chỉ bằng 1/3 so với bình thường. Cuộc chạy đua marathon dự trù vào hôm nay đã bị hủy bỏ. Báo chí Bình Nhưỡng không đả động đến lễ hội hoa lan mang tên Kim Nhật Thành luôn được tổ chức ngày 15/04 hàng năm.
(Tuổi trẻ- Việt NamExpress) – Bí thư Thành Ủy Hà Nội, hôm nay, 15/04/2020, đề xuất kéo dài thời gian giãn cách xã hội chống Covid-19 đến ngày 30/04/2020. 
Tính cho đến ngày hôm nay, cả thành phố Hà Nội có 113 ca dương tính với virus corona, 51 người đã khỏi bệnh và được xuất viện ; 62 trường hợp đang được điều trị. Trên cả nước có 267 ca lây nhiễm.
(AP) – Trung Quốc thông báo có thêm 46 ca nhiễm mới trong ngày 15/04/2020.
10 ca được phát hiện tại Hắc Long Giang, sát biên giới với Nga. 36 ca còn lại do người từ nước ngoài đem bệnh về Hoa Lục.
(AFP) – Thủ tướng Pháp ngày 15/04/2020 thông báo khoản tiền thưởng 
từ 500 euro đến 1500 euro cho các nhân viên y tế đang trên tuyến đầu chống dịch Covid-19. Thủ tướng Edouard Philippe cho biết thêm khoản tiền thưởng này không bị đánh thuế.
(AFP) – Đức phá vỡ các âm mưu khủng bố.
Viện công tố liên bang chuyên trách chống khủng bố ngày 15/04/2020 cho biết bắt giữ năm người Tajik tại bang Rhénanie du Nord-Westphalie (tiếng Anh là Nordrhein-Westfalen), phía tây nước Đức. Những người này bị nghi ngờ cấu kết với nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech ở Syria và Afghanistan, lập kế hoạch tấn công khủng bố nhắm vào các cơ sở không quân của Mỹ tại Đức.
(AFP) – Đức lên án quyết định ngưng góp tiền cho WHO của Mỹ.
Trên Twitter, ngoại trưởng Đức Heiko Maas, ngày 15/04/2020, chỉ trích quyết định của Mỹ trong giai đoạn cả thế giới đang lao vào chống dịch bệnh virus corona. Theo lãnh đạo ngoại giao Đức, « một trong những đầu tư tốt nhất là củng cố Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là Tổ chức Y Tế Thế giới, vốn được trang bị yếu kém nhằm phát triển và phân phối tốt nhất các bộ xét nghiệm và vac-xin ». Cùng chung tiếng nói, Matxcơva cũng lên tiếng phê phán Hoa Kỳ là « ích kỷ ».
(Global Times) – Đội tầu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông tập trận. 
Theo phát ngôn viên của Hải Quân Trung Quốc Cao Tú Thành (Gao Xiucheng) ngày 13/04/2020, đội tầu sân bay tác chiến đã đi qua eo biển Miyako (Nhật Bản), eo biển Ba Sĩ (Đài Loan) và đi xuống Biển Đông để chuẩn bị tập trận theo kế hoạch nhằm tăng cường khả năng tác chiến. Đội tầu gồm tầu sân bay Liêu Ninh cùng hai tầu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 2 tầu hộ vệ và 1 tầu hậu cần.
(l’Equipe) – Thể thao đại dịch: Covid-19 đẩy Tour de France sang mùa Thu.
Theo nhật báo thế thao l’Equipe, Vòng Đua Xe Đạp Quanh Nước Pháp, Tour de France, theo thông lệ bắt đầu vào cuối tháng sáu, năm nay bị dời mất hai tháng. Theo lịch trình mới, Tour de France 2020 sẽ khởi hành từ thành phố Nice ngày 29/08 và kết thúc tại đại lộ Champs-Elysées, thủ đô Paris ngày 20/09. Tổ chức Liên Hiệp Xe Đạp Quốc Tế  UCI và đại diện các đội gặp nhau trong ngày hôm nay để thông qua lịch trình này.

Điểm tin thế giới sáng 15/4:

G7 họp trực tuyến bàn biện pháp

chống dịch viêm phổi Vũ Hán

Lục Du
Sáng nay, thứ Tư (15/4), Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả nội dung tóm lược của những tin thế giới nổi bật đêm qua:
G7 họp trực tuyến bàn biện pháp chống dịch viêm phổi Vũ Hán
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo G7 vào thứ Năm để bàn biện pháp phối hợp trong cuộc chiến chống lại virus Vũ Hán, Nhà Trắng cho biết thông tin hôm thứ Ba, theo Reuters.
“Phối hợp cùng nhau, G7 đang thực hiện một cách tiếp cận chung để giải quyết khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, tài chính, hỗ trợ nhân đạo và khoa học công nghệ”, người phát ngôn của Nhà Trắng, ông Judd Deere, cho biết.
Pháp triệu tập phái viên Trung Quốc
Vào thứ Ba, Bộ Trưởng Ngoại giao Pháp đã triệu tập phái viên của Bắc Kinh để phản đối việc Đại sứ quán Trung Quốc liên tiếp cho công bố hai bài viết trên website của họ có ý chế diễu cách thức các nước phương Tây phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán, theo Reuters.
“Một số ý kiến lên tiếng công khai của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp không phù hợp với chất lượng của mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta”, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, ông Jean-Yves Le Drian, tuyên bố.
Mỹ nói Hàn nên chia sẻ nhiều hơn chi phí quân sự chung
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper hôm thứ Ba nói rằng ông có niềm tin rằng Hàn Quốc có thể và nên trả nhiều tiền hơn cho lực lượng quân đội Mỹ đang đồn trú trên bán đảo Triều Tiên để giữ gìn an ninh, theo Yonhap.
Hiện Washington và Seoul đang trong thời gian đàm phán khoản tài chính chia sẻ chi phí cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Hoa Kỳ đề nghị phía Hàn Quốc đóng góp 5 tỷ USD hoặc nhiều hơn năm lần mức 870 triệu USD mà Hàn Quốc đã đồng ý chia sẻ trong một thỏa thuận trước đây.
Trên thực tế khoản tiền mà Mỹ yêu cầu Hàn Quốc chia sẻ chủ yếu để trả lương cho hàng ngàn người Hàn Quốc đang làm việc cho lực lượng Mỹ đồn trú ở nước này. Trong thời gian chờ đợi một thỏa thuận mới, lực lượng quân đội Hoa Kỳ tại bán đảo Triều Tiên đã cho khoảng 4000 nhân viên người Hàn nghỉ việc không lương từ đầu tháng này.
Anh: Cụ ông 99 tuổi đi bộ 10 vòng mỗi ngày để quyên tiền chống dịch
Một cứu chiến binh 99 tuổi, ông Tom Moore, ở Anh đã đặt quyết tâm đi bộ 10 vòng mỗi ngày để quyên tiền giúp cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán, theo bản tin hôm thứ Ba của Fox News.
Ông Moore đặt ra mục tiêu tới cuối tháng này sẽ đi bộ hết chiều dài sân sau nhà mình 100 lần, mỗi lần 10 vòng.
Ông Moore phải nhờ tới một xe đẩy mới có thể đi lại, vì thế quyết tâm của ông đã gây chú ý và xúc động mạnh đối với người dân Anh.
Vị cựu chiến binh sắp bước sang tuổi 100 đã vượt qua mục tiêu quyên góp số tiền 500.000 bảng Anh (tương đương 631.140 USD). Tính tới thứ Ba, số tiền ông quyền góp được hơn 3 triệu bảng Anh (tương đương 3.768.840 USD).
Brazil bắt trùm ma túy bị truy nã suốt 20 năm
Một trong những kẻ đầu sỏ buôn bán cocaine ở Brazil đã bị bắt tại Mozambique, theo hãng tin Reuters.
Trùm ma túy Brazil bị bắt là Gilberto Aparecido dos Santos, còn được biết tới với tên gọi Fuminho, đã bị truy nã suốt 20 năm qua. Cảnh sát cho biết đây là một tên tội phạm nguy hiểm, bạn hàng của băng đảng PCC khét tiếng với các hoạt động buôn bán ma túy trên phạm vi toàn cầu.

Điểm tin thế giới chiều 15/4:

Mỹ cắt ngân sách WHO, Trung Quốc phản ứng

Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Tư (15/4) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Mỹ cắt ngân sách WHO, Trung Quốc phản ứng
AFP cho biết, Trung Quốc vừa có động thái phản ứng về quyết định cắt ngân sách WHO của Tổng thống Trump, bày tỏ thái độ “cực kỳ lo ngại” về quyết định này.
“Quyết định này của Mỹ sẽ làm suy yếu năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) nói.
Ông Triệu cho rằng, đại dịch Covid-19 đang ở giai đoạn quan trọng và quyết định của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia. Hiện Mỹ là nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho WHO.
Quyết định cắt ngân sách của Tổng thống Trump đến từ quan điểm của ông cho rằng WHO đã khá thiên vị và thông đồng với Trung Quốc che giấu dịch, không tạo sức ép buộc Trung Quốc công khai tình hình thực về dịch bệnh tại nước này, khiến dịch bệnh lan ra toàn cầu và trở thành đại dịch. Mỹ nói riêng hiện đang là quốc gia hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, ghi nhận hơn 600.000 ca nhiễm và hơn 26.000 ca tử vong tính đến chiều nay.
Khảo sát: GDP quý I của Trung Quốc ở mức nhất kể từ 1992
Theo kết quả khảo sát của Reuters công bố ngày 15/4, các nhà phân tích dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ giảm 6,5% trong quý I so với năm ngoái, đánh dấu sự sụt giảm đầu tiên tính từ năm 1992 – năm chính quyền Trung Quốc bắt đầu thống kê chính thức GDP của từng quý.
Reuters đã khảo sát 57 chuyên gia về mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý I. Kết quả thu được dao động từ mức giảm 28,9% đến tăng trưởng 4% trong quý đầu tiên.
Một cuộc thăm dò khác của Reuters cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2020  dự kiến ​​sẽ giảm mạnh xuống còn 2,5%, từ mức 6,1% vào năm 2019, con số thấp nhất kể từ năm 1976.
Trung Quốc dự kiến công bố dữ liệu GDP quý I vào thứ Sáu tới (17/4).
Người Hàn Quốc đeo khẩu trang đi bầu cử
Reuters đưa tin, người dân Hàn Quốc hôm nay đeo khẩu trang và găng tay đi bầu cử quốc hội, tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Khoảng 14.000 điểm bỏ phiếu ở Hàn Quốc mở cửa từ 6h ngày 15/4 (4h Hà Nội). Các điểm bỏ phiếu trước đó đều được khử trùng, cử tri được yêu cầu đeo khẩu trang và đo thân nhiệt trước khi bỏ phiếu. Bất cứ ai có mức thân nhiệt cao hơn 37,5 độ C sẽ được đưa vào phòng bỏ phiếu riêng. Ngoài ra, tất cả cử tri phải khử trùng tay, đeo găng tay khi bỏ phiếu và giữ khoảng cách với nhau ít nhất một mét.
Hơn 13.000 người tự cách ly cũng đã đăng ký bầu cử và sẽ bỏ phiếu sau khi cử tri cả nước hoàn thành bầu cử vào 18h hôm nay.
Kết quả bỏ phiếu dự kiến được công bố sáng 16/4.
Ca nhiễm Covid-19 ở Nga tăng kỷ lục
Nga hôm nay ghi nhận thêm 3.388 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong 24 giờ ở nước này, nâng tổng số ca nhiễm lên 24.490.
Nước này cũng thông báo 28 ca tử vong mới, nâng tổng số lên 198. Theo hãng tin Tass, Covid-19 đã xuất hiện tại 84 địa phương của Nga, và chỉ còn Cộng hòa Altai ở khu vực Trung Nam chưa có ca nhiễm.
Thủ tướng New Zealand tự giảm lương vì Covid-19
AFP cho biết, Thủ tướng Jacinda Ardern hôm nay tuyên bố tự giảm 20% lương trong 6 tháng để thể hiện sự đồng cảm với những người gặp khó khăn do Covid-19.
Bà Ardern cho biết lương của cá nhân bà cùng các bộ trưởng trong nội các và các công chức hàng đầu sẽ bị cắt giảm 20% trong 6 tháng. Với động thái này, thu nhập của Thủ tướng Ardern sẽ giảm từ 470.000 đôla New Zealand (285.000 USD) mỗi năm xuống 376.000 đô la New Zealand (225.000 USD).
Bắc Kinh cách chức phó giám đốc văn phòng liên lạc Hồng Kông
Reuters đưa tin, Hội đồng nhà nước Trung Quốc hôm nay thông báo, ông Yang Jian, phó giám đốc văn phòng liên lạc Hồng Kông, đã bị cách chức.
Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông chịu trách nhiệm báo cáo tình hình của đặc khu cho các quan chức hàng đầu Trung Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.