Tin Biển Đông – 15/04/2020
Biển Đông : Tàu thăm dò địa chất Trung Quốc
trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam
Anh Vũ
Hãng tin Reuters hôm nay 14/04/2020, loan tin, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc, hồi cuối năm ngoái từng khuấy động căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nay đang tiến vào vùng biển của Việt Nam, giữa lúc Hà Nội đang phải tập trung đối phó với dịch Covid-19.
Đầu tháng 9 năm ngoái, tầu thăm dò địa chất biển của Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 đã nhiều lần xâm nhập hoạt động trong vùng biển bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sự việc đã làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ Việt –Trung cũng như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế.
Hãng tin Reuters dẫn các số liệu của Marine Traffic, một trang mạng chuyên theo dõi các hoạt động hàng hải, cho biết hôm nay, 14/04 tàu Hải Dương Địa Chất 8, được ít nhất một tầu hải cảnh hộ tống, đã xuất hiện ỏ cách bờ biển Việt Nam 98 hải lý (158km). Như vậy con tàu này đã ở trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của Việt Nam (ZEE). Vẫn theo thông tin của trang Marine Traffic, đã có ba chiếc tàu của Việt Nam di chuyển về hướng tàu Trung Quốc.
Tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc xuất hiện trong Vùng Đặc Quyền Kinh Tế Việt Nam giữa lúc Hà Nội đang phải lo chống dịch virus corona và chính phủ đang đứng trước quyết định khó khăn kéo dài
hay ngừng lệnh cách ly xã hội. Sự việc cũng diễn ra không lâu sau khi hôm 02/04 một tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm một tàu cá Việt Nam ở gần đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa, nơi Trung Quốc đã chiếm và Việt Nam luôn đòi chủ quyền.
Hà Nội đã lên án hành động đâm chìm tàu cá của Việt Nam. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc lợi dụng tình hình dịch bệnh toàn cầu, các nước lơ là mất cảnh giác để tăng cường hiện diện, lấn chiếm Biển Đông. Philippines cũng tỏ lo lắng về hành vi của Trung Quốc trong vụ việc trên mà Bắc Kinh gọi là « sự cố nhỏ ».
Hôm thứ Bảy vừa qua, tờ Hoàn Cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn lớn tiếng chỉ trích Việt Nam đã lợi dụng sự cố trên để đánh lạc hướng sự thiếu năng lực trong quản lý khủng hoảng dịch virus corona.
Được Reuters liên hệ, Bộ Ngoại Giao Việt Nam hiện tại không đưa ra bình luận về thông tin tàu Hải Dương Địa Chất 8 trở lại vùng biển Việt Nam.
Tin về tàu Hải Dương Địa chất 8:
Việt Nam ‘theo dõi sát diễn biến’
Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt
Đối sách Biển Đông
Việt Nam đang theo dõi kỹ trước tin báo tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 cùng một số tàu hải cảnh của Trung Quốc có vẻ đang đi vào vùng biển Việt Nam, theo nhận định của các chuyên gia.
Ngày 14/4, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trả lời báo Thanh Niên khi được hỏi về tin nhóm tàu Trung Quốc.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam theo dõi sát các diễn biến ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông.”
Phát biểu này dường như không chính thức xác nhận hoạt động của tàu Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số tin tức phát đi ngày 14/4 cho rằng có việc tàu Trung Quốc đang ở Biển Đông.
“Có ba nguồn cho biết, thứ nhất là trên trang mạng của Dự án Đại Sử ký Biển Đông mà tôi cũng là một thành viên trong đó, cho biết là theo dõi trên ứng dụng khác là Marine Traffic thì không phát hiện được, nhưng dựa trên một ứng dụng khác thì phát hiện được tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một số tàu hải cảnh của Trung Quốc và một số tàu cá đi theo và đang tiến vào phía Việt Nam,” luật gia Hoàng Việt từ Đại học Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh nói với BBC.
“Ngoài ra thì hai nhóm nghiên cứu độc lập khác của Việt Nam sử dụng một số ứng dụng khác cũng theo dõi và cùng cho biết những thông tin tương tự, theo đó đồng nghiệp của chúng tôi, nhà quan sát Đặng Xuân Duân cho rằng các tàu này đang tiến về phía đảo Chữ Thập.
“Chưa rõ động thái sắp tới của Trung Quốc sẽ làm gì, nhưng rất có khả năng là Trung Quốc sẽ lập lại tình trạng của năm 2019 tại khu vực biển của Việt Nam, tức là họ cho những đoàn tàu, trong đó có Hải Dương Địa Chất 8 cùng các tàu hải cảnh đi xâm phạm vào khu vực biển của Việt Nam trong suốt thời gian kéo dài hơn một trăm ngày đó.”
Gây ra một khó khăn
Cùng ngày thứ Ba, một nhà nghiên cứu Biển Đông khác, ông Đinh Kim Phúc nói với BBC News Tiếng Việt:
“So với đợt khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc trong bốn tháng của năm 2019, đợt này tôi nghĩ rằng họ tiếp tục cái gọi là ‘khảo sát’ đại dương để phục cho điều mà họ tự tuyên bố là ‘nghiên cứu khoa học’, nhưng cái chính là để chiếm lĩnh khu vực Biển Đông.
“Các hành động này gây ra một khó khăn Việt Nam cũng như các nước trong khu vực Đông Nam Á, vì theo luật biển là nếu họ đi qua một cách ‘hòa bình’, họ không khiêu khích, không khiêu chiến, mặc dù có các lực lượng hải cảnh, hải giám đi theo mà là những đội tàu chiến trá hình, mang màu sắc của dân sự, do đó cũng rất khó đối phó với đội tàu này.
“Bởi vì theo luật biển quốc tế, nếu họ đi qua không phương hại, họ chỉ tiến hành ‘khảo sát khoa học, kỹ thuật’, thì cũng rất khó lên tiếng để tố cáo, để đánh động dư luận thế giới.
“Nhưng mà tôi nghĩ rằng các đội tàu hải cảnh của Việt Nam đã triển khai từ chiều hôm 13/4 trên biển, để cặp theo tàu Hải Dương Địa Chất 8 này, thì tôi nghĩ rằng Việt Nam vẫn tiến hành chống lại như bốn tháng của năm 2019 mà thôi.”
Động thái và động cơ?
Về các động thái cụ thể của nhóm tàu Trung Quốc, nhà nghiên cứu luật biển Hoàng Việt nói với BBC:
“Các thông tin cập nhật có thể tham khảo trên trang Dự án Đại Sử ký Biển Đông như một nguồn, nhưng các thông tin biết được tới nay là phía Trung Quốc có tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng với một số số hiệu tàu hải cảnh mà Dự án Đại Sử ký Biển Đông dựa trên nhiều nguồn để có thể tìm ra.
“Trong đó có thấy những tàu hải cảnh quen thuộc mà đã xâm phạm vùng biển của Việt Nam năm 2019 mà cùng đi theo tàu Hải Dương này và đang hướng về phía các vùng biển của Việt Nam.
“Thông tin trên Dự án cho biết có một tàu cũng đã đi vào khu vực của Nha Trang, còn tàu kia đi vào khu vực của Bình Định.
“Như trên đã nói, hiện nay chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì, nhưng với khả năng cùng với tốc độ này, Trung Quốc có thể sẽ đi vào, xâm nhập các khu vực vùng biển của Việt Nam và theo phán đoán cá nhân của tôi, rất có khả năng là Trung Quốc đang muốn nhân cơ hội dịch bệnh Covid-19 này, mà tất cả các quốc gia đang tập trung vào chống dịch bệnh này và thứ hai là việc một cường quốc hải quân của thế giới là Hoa Kỳ cũng đang gặp những khó khăn nhất định.
“Trong đó, có việc nhiễm dịch Covid-19 trên tàu sân bay Roosevelt mới thăm Việt Nam gần đây mà diễn biến mới nhất là có một thủy thủ đã tử vong, điều đó tuy không làm mất đi sức mạnh, nhưng cản trở hoạt động của Hoa Kỳ rất nhiều và Hoa Kỳ cũng đã tuyên bố là giảm bớt hoạt động từ bên ngoài.
“Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ rằng Trung Quốc, công thêm hai vấn đề, thứ nhất là quan hệ Việt Nam và Trung Quốc càng ngày càng phát triển và đặc biệt là trong sự kiện vừa rồi, khi tàu cá của Việt Nam bị tàu hải cảnh của Trung Quốc đâm chìm, thì phía Mỹ đã rất tích cực, trong đó Bộ Ngoại giao rồi Lầu Năm góc, tức là Bộ Quốc phòng Mỹ, rồi tiếp theo là năm Thượng Nghị sỹ của Hoa Kỳ cùng lên tiếng, trong việc lên án tàu Trung Quốc đâm tàu cá của Việt Nam này.
“Và đó là điều mà Trung Quốc không thích, bởi vì Trung Quốc cũng không muốn là Việt Nam đi với Mỹ để mà chống lại Trung Quốc, đấy là Trung Quốc nghĩ như thế.
“Ngoài ra là Công hàm ngày 30/3/2020 mới đây, thì Việt Nam cũng đanh thép, cương quyết đưa ra lập trường phản đối, cho nên tôi nghĩ rằng với những điều trên thì Trung Quốc không thích và cộng với cả bối cảnh này thì Trung Quốc đang muốn là răn đe, cũng như cảnh cáo Việt Nam có lẽ bằng cách đó.
“Và nếu vậy, chúng ta sẽ theo dõi, xem xét xem hoạt động của các con tàu của Trung Quốc lần này như thế nào.”
Phản ứng và đối phó?
Về phần mình, nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bình luận với BBC về phản ứng, ứng phó của phía Việt Nam:
“Khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 tiến vào khu vực Biển Đông, như tôi được biết, hồi 11 giờ đêm hôm 13/4, khi họ đi ngang khu vực của tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên – Huế thì các đội tàu chức năng của Việt Nam cũng đã ra để theo dõi hoạt động của đội tàu Hải Dương.
“Năm nay, 2020, thái độ của chính phủ Việt Nam đối với những hành động khiêu khích, gây hấn của Trung Quốc là có mạnh hơn.
“Báo chí chính thống ở trong nước cũng được thoải mái đăng tin mà mô tả chi tiết.
“Ngày 30/3 vừa qua, Việt Nam đã gửi Công hàm cho Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa Liên Hợp quốc để phản đối toàn bộ yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông và cũng nhằm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
“Việt Nam vẫn tuân thủ đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, nhưng Việt Nam bắt đầu sử dụng các chi tiết kỹ thuật trong Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp quốc – Unclos năm 1982, cho phù hợp với tình hình và khả năng của Việt Nam hiện nay.
“Bên cạnh, đưa đội tàu dưới sự chỉ huy của hạm đội Liêu Ninh vào các vùng biển khu vực, thì đưa nhóm tàu Hải Dương Địa Chất, tàu hải cảnh đi vào Biển Đông, là câu trả lời của Trung Quốc trước phản ứng của Mỹ bênh vực, bảo vệ Việt Nam liên tục và có ý là Hoa Kỳ khiêu khích hành động hung hăng, lất lướt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.”
‘Không nằm ngoài dự báo’
Hôm 14/4, từ Hà Nội, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, Tiến sỹ Trần Công Trục bình luận với BBC về diễn biến mới của Trung Quốc trên Biển Đông:
“Tôi cũng vừa được biết tin này qua phản ánh của báo chí quốc tế và nước ngoài, nhưng truyền thông trong nước thì chưa nghe nói gì.
“Các tin tức cần tiếp tục được theo dõi và kiểm chứng đầy đủ hơn nữa, tuy nhiên theo tôi, khả năng có thể có động thái này và nếu như thế thì không nằm ngoài những gì đã dự báo.”
Báo chí, truyền thông nói gì?
Hôm 14/4, hãng tin Reuters trong một bản tin liên quan thời sự châu Á và khu vực Biển Đông cho hay:
“Một tàu biển Trung Quốc từng liên quan một vụ đối đầu với các tàu Việt Nam năm ngoái đã quay trở lại vùng biển gần Việt Nam khi Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc thúc đẩy sự hiện diện của họ ở Biển Đông, trong khi các nước yêu sách khác đang bận tâm bởi dịch bệnh do virus corona.
“Hôm thứ Ba, con tàu (Hải Dương 8) này, được sử dụng để khảo sát địa chấn ngoài khơi, xuất hiện một lần nữa ở khoảng cách 158 km ngoài khơi bờ biển của Việt Nam, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), được đi kèm bởi ít nhất một tàu tuần duyên Trung Quốc, theo số liệu từ Marine Traffic, một trang mạng theo dõi vận tải biển.
“Ít nhất ba tàu Việt Nam đã di chuyển theo tàu Trung Quốc, vẫn theo theo dữ liệu từ trang mạng trên.
“Sự hiện diện của Hải Dương Địa Chất 8 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam xảy ra vào thời điểm thời hạn 15 ngày giãn cách xã hội trên toàn quốc tại Việt Nam dự kiến kết thúc, nhằm mục đích kiềm chế sự lây lan của virus corona tại Việt Nam.
“Nó cũng diễn ra theo sau vụ tàu đánh cá Việt Nam bị chìm gần các đảo trong vùng biển tranh chấp trong tháng này, một hành động đã thu hút sự phản đối từ Việt Nam và các cáo buộc rằng Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền và đe dọa cuộc sống của ngư dân.
“Hoa Kỳ, vào tháng trước đã gửi một tàu sân bay đến cảng trung tâm của Việt Nam, cho biết họ đã “quan ngại nghiêm trọng” về việc tàu Trung Quốc được đưa tin đã đánh chìm tàu cá Việt Nam.”
Bản đồ cổ chứng minh
TQ không có chủ quyền ở Biển Đông
Giới chức Trung Quốc luôn cho rằng nước này có “chủ quyền lịch sử” ở Biển Đông dựa trên một số “chứng cứ” như hiện vật khảo cổ dưới nước, bản đồ cổ … Tuy nhiên, những dẫn chứng này đa phần là ngụy tạo và không có giá trị lịch sử rõ ràng.
Trung Quốc đưa ra một loạt các bản đồ cổ để củng cố cho yêu sách rằng Hoàng Sa và Trường Sa đã được “công nhận” là một phần lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa. Tuy nhiên, giới học giả khu vực và quốc tế nhận định rằng các bản đồ và văn bản cổ đều mô tả đảo Hải Nam (Qiongzhou) là phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc.
Theo thông lệ hiện nay, các tòa án quốc tế thường giữ quan điểm nhất quán rằng các bản đồ, đặc biệt là bản đồ do các bên tranh chấp cung cấp, hầu như không mang giá trị pháp lý trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ tranh chấp. Như Tòa án Công lý uốc tế (ICJ) đã phán trong vụ việc Tranh chấp Đường biên giới: “… Trong các tranh chấp lãnh thổ quốc tế, các thông tin do bản đồ diễn giải có chính xác hay không phải tùy vào từng vụ việc cụ thể. Chỉ mình bản đồ và chỉ dựa trên sự tồn tại của bản đồ, bản đồ không thể cấu thành danh nghĩa chủ quyền lãnh thổ. Chỉ văn bản phù hợp với luật quốc tế mới có giá trị pháp lý để thiết lập chủ quyền lãnh thổ”. Một ngoại lệ của luật lệ này có thể được áp dụng trong các vụ việc mà bản đồ nằm trong nhóm “là thể hiện bằng hành động ý chí của nhà nước hoặc các quốc gia liên quan…, ví dụ như bản đồ là phần đính kèm không thể thiếu của một văn bản chính thức”. Tuy nhiên, đối với ngoại lệ trong trường hợp được xác định cụ thể này, “các bản đồ chỉ đơn thuần là bằng chứng ngoại lai với mức độ tin cậy khác nhau, có thể được sử dụng cùng với các bằng chứng thuộc loại gián tiếp khác, để thiết lập hoặc tái quy định các thông tin thực tế”.
Không có tư liệu bản đồ nào mà Trung Quốc đưa ra thuộc phần công cụ pháp lý hiện có hiệu lực hay là một phần trong các điều ước về biên giới giữa Việt Nam (hay Pháp) và Trung Quốc. Vì vậy, chỉ dựa vào các bản đồ này không thể minh chứng cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo trên Biển Đông.
Trong khi đó, từ góc độ lịch sử, những tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được xác định dựa trên rất nhiều tài liệu lịch sử và bản đồ có từ thế kỷ thứ 15. Ngoài ra, có nhiều chứng cứ thu thập từ các nguồn tư liệu bên ngoài ủng hộ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ngay từ khoảng đầu thế kỷ 17. Bản đồ của Bồ Đào Nha và Hà Lan vào đầu thế kỷ 17 đã công khai xác nhận quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ Việt Nam. Những tấm bản đồ này giống với bản ghi chép của một nhà truyền giáo phương Tây năm 1701, trên con tàu Pháp, có tên là Amphitrite, trong đó chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa là của Vương quốc An Nam. Ngay cả trong văn bản của Trung Quốc (Hai Lu’s Hai Quoc Do Chi) cùng thời kỳ đó (1730) cũng đã xác nhận chủ quyền quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Bên cạnh đó, bản đồ Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông và bản đồ của thủ phủ Quảng Châu xuất bản vào năm 1731 cũng không hề đề cập tới cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tài liệu của phương Tây thế kỷ 19 cũng ủng hộ yêu sách lịch sử của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa trên cơ sở chiếm đóng và kiểm soát. Cuốn sách xuất bản năm 1837 bởi một nhà truyền giáo người Pháp Monseigneur Jean-Louis Taberd có tên Ghi chép về địa lý Nam Kỳ đã viết rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc Nam Kỳ. Cuốn sách thứ 2 được Monseigneur xuất bản vào năm sau đó (1838) – có tên Lịch sử và Mô tả về Tôn giáo, Tập tục và Chuẩn mực của các dân tộc – tương tự cũng ghi chép rằng quần đảo này thuộc Nam Kỳ trong suốt 3 năm. Thêm vào đó bản đồ mà Taberd xuất bản năm 1838 có tên An Nam Dai Quoc Hoa Do (Tabula geographica imperia Anamtici – Bản đồ của nhà nước phong kiến An Nam) cũng đã mô tả quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Những ghi chép của nhà thám hiểm người Pháp Jean-Baptiste Chaigneau (Memoires sur la Cochinchina) cũng đề cập tới việc Hoàng đế Gia Long sáp nhập quần đảo Hoàng Sa năm 1816. Một dẫn chứng nữa chứng minh quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam có thể tìm thấy trong cuốn sách Japon, Indo‐Chine, Empire Birman (ou Ava), Siam, Annam (ou Cochinchine), Pèninsule Malaise, etc., Ceylan bởi nhà thám hiểm người Pháp và tác giả Adolphe Philibert Dubois de Jancigny. Một chứng cứ khác đó là tài liệu địa lý của (The Italian Compendium of Geography) Aldriano Balbi người Italy xuất bản năm (1850) cũng chỉ ra rằng quần đảo Hoàng Sa, Hà Tiên (Pirate) và Côn Sơn (Puolo Condor) là thuộc Vương quốc An Nam. Ngay cả bản đồ của Trung Quốc năm 1890 (Hoàng triều nhất thống Dư địa tổng đồ) cũng mô tả lãnh thổ của Trung Quốc chỉ kéo dài tới đảo Hải Nam , do đó, tấm bản đồ này đã xác nhận tính chính xác của các tài liệu phương Tây.
Từ đó cho thấy, Trung Quốc hoàn toàn không có “chủ quyền” ở Biển Đông. Nơi mà nước này đang chiếm đóng (trái phép) ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ của Việt Nam. Hành vi trên của Trung Quốc đang bị Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế chỉ trích, lên án và phản đối.
0 comments