Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Nguyễn Hữu Chỉnh

Wednesday, April 15, 2020 5:33:00 PM // ,



Bùi Quý Chiến (Đặc San Lâm Viên)
Cả thảy 3 lần Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc hà.
Lần đầu vào năm 1786 do Nguyễn hữu Chỉnh thuyết phục và hiến kế.

Nguyễn Hữu Chỉnh Là Ai?

Quê xã Đông hải, huyện Châu phúc (nay là Nghi lộc) tỉnh Nghệ an, ông là con nhà buôn giàu có. Tuy không thuộc thế gia vọng tộc nhưng ông thông minh, năm 16 tuổi đã đậu hương cống nên người ta gọi là Cống Chỉnh. Ông cũng học võ, qua được 3 kỳ thi võ năm 18 tuổi. Là người giao du rộng rãi, biện bác mau lẹ, nhưng ông cũng nhiều tham vọng và mưu lược. Đi theo tướng Hoàng ngũ Phúc (cánh tay phải của chúa Trịnh), Hữu Chỉnh được tín nhiệm trong chức từ hàn (văn phòng) cho tướng Ngũ Phúc.
Bấy giờ ở Nam hà, chúa Nguyễn bị Trương phúc Loan lấn quyền, gây bè phái và tham nhũng khiến công chúng khốn khổ.

Tây Sơn Khởi Nghĩa, Làm Chủ Từ Quảng Ngãi Tới Phú Yên.

Nhân cơ hội Nam hà rối loạn, chúa Trịnh sai Hoàng ngũ Phúc vào đánh Thuận hóa (chiếm từ đèo Ngang tới đèo Hải vân, thủ phủ là thành Phú xuân). Trương phúc Loan bị giết, chúa Nguyễn phải chạy vào Quảng nam .
Bị Nguyễn Nhạc từ Quảng ngãi đánh ra và Hoàng ngũ Phúc từ Thuận hóa đánh vào, chúa Nguyễn và cháu là Nguyễn phúc Ánh phải theo đường biển chạy vào Gia định, bỏ lại thế tử Đông cung Dương.
Nguyễn Nhạc bắt được Đông cung Dương, giữ làm con bài để chống chúa Nguyễn trong Gia định.
Lưỡng đầu thọ địch (chúa Nguyễn từ Bình thuận đánh ra và Hoàng ngũ Phúc từ Thuận hóa đánh vào), Nguyễn Nhạc hoãn binh bằng cách đầu hàng Ngũ Phúc và xin được làm tiểu tướng trong đạo quân tiền phương vào đánh Gia định. Do Hoàng ngũ Phúc trình xin, Chúa Trịnh phong cho Nguyễn Nhạc làm Tây sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân. Ngũ Phúc sai Nguyễn hữu Chỉnh mang sắc, ấn, cờ và kiếm vào Qui nhơn phong cho Nguyễn Nhạc. Hữu Chỉnh được Nguyễn Nhạc cảm phục cách ứng đối mau lẹ.
Sau khi ổn định phần đất chiếm được của chúa Nguyễn, Hoàng ngũ Phúc trở về Bắc hà nhưng bị bệnh chết dọc đường.
Cánh tay phải của Chúa Trịnh bây giờ là Hoàng đình Bảo.
Hữu Chỉnh theo Đình Bảo, lãnh chức Hữu tham quân phòng vệ mặt biển, lập được nhiều chiến công tiễu trừ giặc biển. Người đương thời gọi Hữu Chỉnh là chim cắt nước (tục ngữ có câu “nhanh như cắt”).
Chúa Trịnh Sâm say đắm Đặng thị Huệ nên bỏ con trưởng là Khải để lập con của Thị Huệ là Cán lên nối ngôi chúa. Năm 1782 Trịnh Sâm mất, Hoàng đình Bảo theo di chúc lập Trịnh Cán mới 12 tuổi lên nối ngôi chúa và tự mình làm phụ chính.
Trịnh Khải mưu với quân Tam phủ (ưu binh tuyển từ Thanh hóa và Nghệ an để bảo vệ phủ chúa) giết Thị Huệ, Trịnh Cán và Hoàng đình Bảo để cướp ngôi của em.
Vì Hoàng đình Bảo bị giết, Nguyễn hữu Chỉnh sợ vạ lây nên bỏ Bắc hà vào Qui nhơn theo Nguyễn Nhạc.
Hữu Chỉnh được Nguyễn Nhạc đãi như thượng khách.
Năm 1786 , Hữu Chỉnh thuyết phục Nguyễn Nhạc ra đánh Thuận hóa.
Nguyễn Nhạc cử Nguyễn Huệ làm Tiết chế , Nguyễn hữu Chỉnh làm Hữu quân đô đốc, Vũ văn Nhậm (con rể) làm Tả quân đô đốc. Chỉ trong vài ngày, Tây sơn lấy được từ sông Gianh trở vào.
Nguyễn Nhạc vẫn coi phía bắc sông Gianh là đất của vua Lê, nhưng Hữu Chỉnh thuyết phục Nguyễn Huệ thừa thắng kéo quân ra Thăng long.
Việt nam sử lược của Trần trọng Kim chép cuộc đối thoại giữa Nguyễn Huệ và Hữu Chỉnh như sau.
Nguyễn hữu Chỉnh nói với Nguyễn Huệ:
- Ông phụng mệnh ra đánh một trận mà bình được đất Thuận hóa, uy kinh cả đất Bắc hà. Phàm phép dùng binh, một là thời hai là thế ba là cơ, có 3 điều đó đánh đâu cũng được. Bây giờ ở đất Bắc hà tướng thì lười, quân thì kiêu, triều đình không có kỷ cương gì cả, nếu ông nhân cái uy danh này đem binh ra đánh thì làm gì mà không được. Ông không nên bỏ mất cái cơ cái thời cái thế ấy.
Nguyễn Huệ nói rằng:
- Ở Bắc hà có nhiều nhân tài, không nên coi thường.
Hữu Chỉnh đáp lại rằng:
- Nhân tài Bắc hà chỉ có một mình Chỉnh, nay Chỉnh đã bỏ đi thì nước không có ai nữa, xin ông đừng có ngại gì.
Nguyễn Huệ cười mà nói rằng:
- Ấy ! Người khác thì không ngại, chỉ ngại có ông thôi.
Hữu Chỉnh thất sắc nói rằng:
- Tôi tự biết tài hèn nhưng tôi nói thế là có ý tỏ cho ông biết ngoài Bắc không có nhân tài đó thôi.
Nguyễn Huệ lấy lời nói ngọt để yên lòng Hữu Chỉnh và bảo rằng:
- Nhà Lê làm vua đã mấy trăm năm nay, bây giờ cướp lấy chưa chắc lòng người đã theo mình.
Hữu Chỉnh nói:
- Nay Bắc hà có vua lại có chúa, ấy là một sự cổ kim đại biến. Họ Trịnh tiếng là phù Lê, thực là hiếp chế, cả nước không ai phục. Vả xưa nay không ai làm gì giúp nhà Lê là chỉ sợ cái thế mạnh đó thôi. Nay ông phù Lê diệt Trịnh thì thiên hạ ai chẳng theo ông.
Nguyễn Huệ nói:
- Ông nói phải lắm nhưng ta chỉ phụng mệnh đi đánh Thuận hóa mà thôi chứ không phụng mệnh đi đánh Bắc hà, sợ rồi can tội kiểu mệnh (trái lệnh vua) thì làm thế nào?
Hữu Chỉnh nói:
- Kiểu mệnh là tội nhỏ, việc ông làm là công to. Vả làm tướng ở ngoài (chiến trường) có điều không cần phải theo mệnh vua, ông lại không biết hay sao ?
Xuất quân tiên phong, Hữu Chỉnh lãnh 150 chiến thuyền vào cửa Đại an, chiếm được kho lương ở bờ sông Vị hoàng. Đã hẹn trước, Hữu Chỉnh đốt lửa trên núi Côi báo hiệu cho Nguyễn Huệ kéo quân thủy bộ ra, khí thế như chẻ tre.
Nguyễn Huệ truyền hịch phù Lê diệt Trịnh để yên lòng dân Bắc hà.
Các tuyến phòng vệ của chúa Trịnh hoăc bị đánh tan hoặc rã ngũ. Chúa Trịnh Khải đích thân cưỡi voi ra trận nhưng bị đánh bại phải bỏ chạy. Sau đó Trịnh Khải bị nội phản bắt giải về Thăng long nhưng tự sát ở dọc đường. Nguyễn Huệ cho an táng theo vương lễ.
Bấy giờ vua Lê Hiển Tông đang bị bệnh, Nguyễn Huệ vào yết kiến ngay bên giường, trình bày chính nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Vua Lê ôn tồn phủ dụ, hẹn sẽ lập đại triều cho Nguyễn Huệ chính thức triều kiến.
Ngày vua ngự đại triều có đủ văn võ bá quan, Nguyễn Huệ đem các tướng vào quỳ lạy, dâng sổ quân và dân (nghi thức tôn trọng chủ quyền của vua Lê tại Bắc hà). Vua phong cho Nguyễn Huệ tước Nguyên súy Uy quốc công.
Trở về phủ cũ của chúa Trịnh, Nguyễn Huệ phàn nàn với Hữu Chỉnh :
- Ta đem quân ra đây chỉ đánh một trận dẹp yên được cả. Một hòn đất, một tên dân của nước Nam đều là của ta, ta muốn xưng đế xưng vương gì mà chẳng được. Nhưng ta muốn xử trọng hậu với nhà Lê đó thôi chứ với chức Nguyên súy quốc công với ta có hơn gì? Hay là nước Nam muốn lấy những từ hão ấy mà lung lạc ta? Ta không nhận thì sợ Hoàng thượng bảo ta kiêu căng mà không nói ra lại sợ người trong nước chê ta là man mọi.
Biết Nguyễn Huệ bất mãn không được trọng đãi, Hữu Chỉnh thanh minh giúp vua Lê rằng hoàng gia sống rất thanh bạch (vua Lê chỉ được chúa Trịnh cho hưởng điền lộc một ngàn xã).
Một mặt Hữu Chỉnh bàn với vua Lê gả Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ. Công chúa mới 16 tuổi, đẹp và giỏi văn chương.
Nguyễn Huệ hài lòng. Sính lễ gồm 200 lạng vàng và 20 tấm lụa. Đám cưới được 6 ngày thì vua Hiển Tông băng hà.
Nối ngôi vua là hoàng tôn Lê duy Kỳ, hiệu là Chiêu Thống. Lễ đăng quang ngay trước linh sàng, kế đó Chiêu Thống làm lễ phát tang rồi sau đó mới cho người báo tang với Nguyễn Huệ.
Cho là Chiêu Thống qua mặt, Nguyễn Huệ nổi giận, Ngọc Hân phải cho người nhắn Chiêu Thống sang xin lỗi.
Tuy nhiên khi dự tang lễ, Nguyễn Huệ mặc tang phục đứng bên trái như con rể, đưa linh cữu tới tận bến sông rồi sai Hữu Chỉnh hộ tang tới huyện Lôi dương Thanh hóa là nơi an táng các vua Lê.
Chiêu bài phù Lê diệt Trịnh do Hữu Chỉnh đề xướng tuy được lòng nhà Lê nhưng phe đảng chúa Trịnh oán hận. Bạn đồng liêu (cùng làm quan dưới trướng chúa Trịnh) là Đỗ thế Long mắng Hữu Chỉnh rằng:
- Khi ông mới xuất thân, nào cầm quân, nào được phong hầu, cái gì không phải ơn nhà chúa? Nay ông lấy tiếng phù Lê diệt Trịnh để kéo quân ra thật là quá tệ. Nếu bảo chúa hiếp chế nhà vua là việc có lỗi thì sao không nghĩ cái công tôn phù 200 năm trời? Theo người mới phản lại người cũ là bất nghĩa, bới cái lỗi để lấp cái công là bất nhân.
Ở Qui nhơn nghe tin em tiến quân ra Bắc hà, Nguyễn Nhạc sợ em lộng hành bèn đem quân kỵ ngày đêm ra Thăng long.
Được tin vua Tây sơn ra Bắc, vua Chiêu Thống cùng các quan văn võ ra ngoài Nam giao để đón nhưng Nguyễn Nhạc đi thẳng và cho người đến hẹn ngày khác sẽ hội kiến.
Do xếp đặt của Hữu Chỉnh, “hai vua tương kiến” tại phủ cũ của chúa Trịnh: Nguyễn Nhạc ngồi giữa, Chiêu Thống ngồi bên trái, Nguyễn Huệ ngồi bên phải, các quan văn võ đứng hầu hai bên.
Sau nghi lễ tương kiến, Chiêu Thống xin nhượng mấy quận để khao quân, Nguyễn Nhạc nói:
- Vì họ Trịnh hiếp chế nên chúng tôi ra giúp nhà vua, nếu bằng đất nước của họ Trịnh thì một tấc đất cũng không để lại nhưng của nhà Lê thì một tấc cũng không dám lấy. Xin mong nhà vua gắng sức làm việc, giữ yên cõi đất để đời đời giao hiếu với nhau, ấy là cái phúc của hai nước đấy.
Tuy nhiên khi rút quân về Nam, Nguyễn Huệ tịch thu kho tàng và báu vật ở phủ chúa Trịnh (trong số này có cả chiến lợi phẩm do Hoàng ngũ Phúc lấy được của chúa Nguyễn ở Phú xuân).
Anh em bàn nhau âm thầm rút khỏi Thăng long vào nửa đêm, bỏ lại Hữu Chỉnh. Nghi ngờ Hữu Chỉnh lòng dạ xảo quyệt, anh em Nguyễn Nhạc muốn dùng dư đảng họ Trịnh trừ giúp mối họa sau này.
Sáng ra biết mình bị bỏ rơi, Hữu Chỉnh vội cướp thuyền buôn chạy vào Nghệ an. Tới đây Hữu Chỉnh gặp Nguyễn Huệ. Để trấn an Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ lấy cớ dư đảng họ Trịnh vẫn còn nên lưu Hữu Chỉnh ở lại để phòng ngự.
Mặc dù Nguyễn Nhạc tôn trọng lãnh thổ của nhà Lê nhưng Nguyễn Huệ sát nhập Nghệ an vào Thuận hóa, đặt Hữu Chỉnh trấn giữ Nghệ an và Vũ văn Nhậm trấn giữ Đồng hới.
Trấn giữ Nghệ an, Hữu Chỉnh mưu độc lập, chiêu mộ dũng sĩ được ngàn người, ngày ngày luyện tập chờ thời.
Ở Thăng long, dư đảng họ Trịnh nổi lên. Chiêu Thống buộc lòng phong cho Trịnh Bồng làm Án đô vương và tái lập phủ chúa. Mặt khác vua xuống mật chiếu gọi Hữu Chỉnh ra cứu.
Vui mừng vì cơ hội đã tới, Hữu Chỉnh tuyển thêm được một vạn quân. Khi quân Hữu Chỉnh kéo ra Bắc, các tuyến chống cự của họ Trịnh bị đánh bại, Trịnh Bồng phải bỏ Thăng long chạy trốn. Chiêu Thống cho đốt cháy phủ chúa.
Trịnh Bồng bỏ đi tu rồi biệt tích. Họ Trịnh truyền từ chúa Trịnh Tùng tới chúa Trịnh Khải được 216 năm (1570-1786).
Hữu Chỉnh được Chiêu Thống phong cho chức Bình chương quân quốc trọng sự và tước Đại tư đồ Bằng trung công.
Với chức tước này Hữu Chỉnh phải giải quyết 2 vấn nạn rất cấp bách.
  • Thứ nhất, công khố trống rỗng và dân chúng khổ sở vì thiếu tiền lưu hành (nhà giàu chôn giấu tiền đề phòng cướp bóc). Hữu Chỉnh xin vua cho tịch thu tượng đồng của các đền chùa và tư nhân, đem về kinh đúc tiền (ngoại trừ pho tượng cao lớn ở đền Trấn võ, cũng gọi là đền Quan thánh).
  • Thứ nhì, hàng ngũ quan lại có một số bất hợp tác với Hữu Chỉnh nên từ quan về ẩn dật. Hữu Chỉnh tổ chức 2 kỳ thi để chọn nhân tài bổ sung.
Chỉ trong vòng 10 tháng (từ tháng 1 tới tháng 10 năm 1787) Hữu Chỉnh giải quyết được 2 vấn nạn cấp bách. Nhưng vụ tịch thu tượng đồng khiến công chúng căm phẫn.
Từ Đồng hới, Vũ văn Nhậm theo dõi tình hình ở Thăng long và báo cáo về Phú xuân. Cho là Hữu Chỉnh phản bội, Nguyễn Huệ sai Văn Nhậm ra bắt Hữu Chỉnh. Gấp rút, Văn Nhậm dùng biện pháp tàn ác để cưỡng bách dân đi lính. Với đội quân 3 vạn người, Văn Nhậm tiến ra Thăng long ưu thế hơn Hữu Chỉnh.
Mặc dù tinh thần quân sĩ sa sút, Hữu Chỉnh và con là Hữu Du đích thân ra tuyến đầu chống cự. Cuối cùng vì thế yếu cha con phải lui về Thăng long. Hữu Chỉnh đem Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc, hoàng gia được cận thần đưa lên Cao bằng lánh nạn.
Văn Nhậm vào Thăng long cho tướng sĩ đuổi theo vua Lê và Hữu Chỉnh. Hữu Du bị bắt, Hữu Chỉnh ngã ngựa gãy tay cũng bị bắt, Chiêu Thống chạy thoát. Hữu Du bị chém đầu trước mặt cha. Hữu Chỉnh bị nhốt vào cũi sắt giải về Thăng long với đầu con treo trên cũi sắt.
Văn Nhậm muốn giải Hữu Chỉnh về Phú xuân nhưng phần lớn công chúng đòi xử tử ngay tại Thăng long.
Trước khi xử tử, Văn Nhậm kể tội làm phản và hỏi Hữu Chỉnh tại sao làm vậy? Hữu Chỉnh thản nhiên đáp: “Cái thế phải như vậy”. Nhưng theo tài liệu trong văn khố của Hội truyền giáo Ba lê, câu trả lời của Hữu Chỉnh là: “Ông tốt phúc bắt được tôi nếu không ông sẽ bị chém đầu vào cuối năm nay” (Nếu tài liệu này xác thật, Hữu Chỉnh tất có kế hoạch tấn công Đồng hới để giết Văn Nhậm).
Hữu Chỉnh bị chém đầu và phanh thây trước công chúng.
Văn Nhậm cũng là người đầy tham vọng nên đi vào vết xe của Hữu Chỉnh. Không tìm được tung tích của Chiêu Thống, Văn Nhậm đưa Sùng nhượng công Lê duy Cần lên làm Giám quốc để thu phục lòng người. Tuy đặt Giám quốc nhưng Văn Nhậm quyết đoán mọi việc.
Nguyễn Huệ vốn không tin Văn Nhậm nên đặt Ngô văn Sở bên cạnh Văn Nhậm để theo dõi. Được Văn Sở báo cáo Văn Nhậm lộng hành, Nguyễn Huệ tiến quân ra Thăng long lần thứ nhì. Văn Nhậm bị xử tử trước công chúng. Nguyễn Huệ vẫn đặt Lê duy Cần làm Giám quốc nhưng chỉ cho giữ việc tế lễ. Lưu dụng một số cựu thần nhà Lê để chỉnh đốn lại mọi việc, Nguyễn Huệ trở về Phú xuân. Ngô văn Sở ở lại Thăng long coi việc binh bị.
Năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi vua đặt niên hiệu là Quang Trung, tiến quân ra Thăng long (lần thứ ba) đại phá giặc Thanh.
Sau 360 năm, triều đại Lê chấm dứt (1428-1788).
Hữu Chỉnh có tập thơ nôm nhan đề là Ngôn ẩn thi tập. Dương quảng Hàm trích trong tập này bài Than thân như sau :
Tóc chen hai thứ chửa danh chi
Thân hỡi là thân, thì hỡi thì !
Chưa trả chưa đền ơn đệ tử
Thêm ngừng thêm tủi chí nam nhi
Kẻ yêu nên ít bề cao hạ
Người ghét càng nhiều tiếng thị phi
Tay bé khôn bưng vừa miệng thế
Giãi lòng ngay thảo cậy thiên tri.
Qua bài trên chúng ta thấy tác giả có biết mình bị nhiều người ghét nhưng xin Trời chứng cho lòng ngay thảo của mình.
Bùi Quý Chiến
(Đặc San Lâm Viên)
———————————
Tham khảo :
- Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771-1802 của Tạ chí Đại trường .
- Tập san Sử địa số 9-10 năm 1968 của Đại học sư phạm Sài gòn .
-Việt nam sử lược của Trần trọng Kim .
- Việt sử tân biên của Phạm văn Sơn .
- Việt nam thi văn hợp tuyển của Dương quảng Hàm .

Tags: ,

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.