Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 24/03/2020

Tuesday, March 24, 2020 4:11:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 24/03/2020

Việt Nam tăng lên

134 bệnh nhân nhiễm dịch corona Vũ Hán

Bình luậnNguyễn Sơn • 21:44, 24/03/20• 1882 lượt xem
Thêm 2 bệnh nhân mới tối nay: một người nữ bị lây nhiễm ở bệnh viện Bạch Mai, một cháu nước ngoài mới 10 tuổi.
Tối 24/3, Bộ Y tế thông báo thêm ca bệnh thứ 10 và 11 trong ngày, nâng tổng số bệnh nhân dịch corona ở Việt Nam lên 134 ca.
Bệnh nhân 133
Bệnh nhân nữ, 66 tuổi, địa chỉ ở Tân Phong, Lai Châu. Bệnh nhân trong tháng 03 có đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị bệnh.
Ngày 22/03/2020, bệnh nhân trở về nhà, trên đường về bệnh nhân có sốt. Ngày 23/03/2020, bệnh nhân được trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu lấy mẫu làm xét nghiệm.
Ngày 23/03/2020, mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm cho kết quả dương tính với virus corona.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Trước đó, hai nữ điều dưỡng ở bệnh viện Bạch Mai đã nhiễm Covid-19. Như vậy có thể đây là trường hợp lây nhiễm chéo tại bệnh viện.
Bệnh nhân 134
Bệnh nhân nam, 10 tuổi, địa chỉ ở Thạch Thất, Hà Nội. Bệnh nhân là du khách từ nước ngoài, nhập cảnh về Nội Bài ngày 18/03/2020 trên chuyến bay SU290.
Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân đã được đưa về khu cách ly của tỉnh Thanh Hoá và lấy mẫu làm xét nghiệm.
Ngày 23/3/2020 mẫu bệnh phẩm đã được gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương xét nghiệm khẳng định  dương tính với virus corona.
Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Trước đó, Bộ Y tế công bố 09 bệnh nhân mới của ngày 24/3, trong đó có nhiều người từng đến quán bar Buddha.
Tính đến ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận 134 ca mắc Covid-19, trong đó 117 người đang điều trị. Hà Nội đang có nhiều ca nhiễm dịch nhất với 45 bệnh nhân, tiếp theo là TP HCM với 34 bệnh nhân.
Cùng ngày, TP HCM quyết định tạm dừng hoạt động toàn bộ các quán ăn, nhà hàng và cơ sở ăn uống có quy mô trên 30 người, các cơ sở làm đẹp, phòng tập thể thao tại Sài Gòn từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3.
Dịch Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) vào đầu tháng 12/2019. Chính quyền Bắc Kinh đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh nhanh chóng lan khắp Trung Quốc và thế giới. Đến nay, dịch Covid-19 đã truyền đến hơn 190 quốc gia, khiến hơn 300.000 người nhiễm bệnh và được công bố là “Đại dịch toàn cầu”.
Nguyễn Sơn
https://www.ntdvn.com/viet-nam/viet-nam-tang-len-134-benh-nhan-nhiem-dich-corona-vu-han-23829.html

Việt kiều định cư ở nước ngoài

có về nước tránh dịch COVID-19?

Diễm Thi, RFA
Thông tin Việt kiều đổ bộ về nước trốn dịch được báo chí trong nước loan tải đang gây nhiều tranh cãi. Có người bảo rằng từ “Việt kiều” bị dùng sai, có người bảo rằng đưa tin như thế là ‘mị dân’!
Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở khắp nơi trên thế giới, chính phủ nhiều quốc gia kêu gọi công dân nước họ trở về quê nhà đề phòng tuyến đường hàng không bị cắt. Mục tiêu nhằm bảo vệ dân nước mình.
Trong khi đó, báo chí trong nước có những bài viết và thông tin như “Việt kiều đổ bộ về nước ‘trốn dịch’,…”; “Lượng khách tại sân bay Tân Sơn Nhất giảm đáng kể. Phần lớn khách hiện nay là Việt kiều từ các quốc gia trên thế giới về nước”…
Nhiều người Việt định cư ở nước ngoài bày tỏ trên mạng xã hội rằng, chẳng có người nước ngoài gốc Việt nào trở về nước tránh dịch cả. Những người trở về là du học sinh, người đi xuất khẩu lao động hoặc những Việt kiều thật sự trở về vì có việc cần thiết chứ không phải về tránh dịch.
Theo giải thích của nhà báo Nguyễn Ngọc Già, chữ ‘kiều’ có nghĩa là ‘cầu’. Việt kiều là chiếc cầu nối giữa những người Việt trên thế giới với quê hương. Họ là những người ra nước ngoài, tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa về giúp cho quê hương. Không thể gọi những du học sinh, những người đi lao động xuất khẩu trở về là Việt kiều được. Phải làm cho rõ, đừng dùng từ Việt kiều một cách theo ông là ‘hời hợt’ như vậy.
Ông cho rằng cho báo chí gọi chung là “Việt kiều” như vậy là ý đồ mị dân do trước đây từng kêu gọi người Việt trong và ngoài nước chung tay chống dịch. Họ cố bày cho người dân thấy sự thành công của mình.
Bà Trần Thanh Hà, hiện đang làm việc tại Bộ Lao Động Mỹ, nêu cảm nghĩ của mình khi nghe tin Việt kiều về nước tránh dịch:
“Lúc bình thường còn không về vì ở Việt Nam đâu có an toàn. Bây giờ dịch bệnh vậy lại càng không dám. Vé về Việt Nam lúc chưa đóng cửa rẻ rề có ai về đâu?
Tui nghĩ chính quyền phải sửa lại cách nói. Tại sao họ lại dùng chữ Việt kiều? Hoàn toàn không đúng. Chỉ những du học sinh hay những người qua đây đi làm là trở về vì hãng xưởng đóng cửa, không kiếm ra tiền nữa.”
Theo báo cáo hàng năm của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), trong năm học 2018-2019, số du học sinh Việt Nam tại Mỹ là hơn 30,680 đủ mọi cấp độ. Riêng sinh viên bậc đại học gần 24.400.
Con số lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 nước và vùng lãnh thổ khắp thế giới là khoảng 500.000 người, tính đến tháng 10/2019, theo thông tin từ  Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tại một Hội nghị truyền thông về xuất khẩu lao động do Cục Quản lý lao động ngoài nước và Tạp chí Lao động và Xã hội tổ chức tại Quảng Ninh năm ngoái.
Bà Nguyễn Kim Thùy có con trai du học ở thành phố Seattle thuộc tiểu bang Washington, nơi bùng phát dịch bệnh sớm nhất, cũng là nơi công bố tình trạng khẩn cấp sớm nhất (2/3) nói với RFA rằng, cô không tin Việt Nam là nơi an toàn vì thông tin bị bưng bít. Cô không tin con số 17 ca chữa hết, cả nước không có ai tử vong vì virus corona. Cô quyết định để con ở lại Hoa Kỳ:
“Con trai tôi đang du học ở Seattle, nơi dịch bệnh bùng phát đầu tiên mà tôi còn không cho về. Nó có bảo hiểm y tế. Hệ thống y tế bên Mỹ tốt hơn Việt Nam gấp bao nhiêu lần. Con tôi còn không về, Việt kiều nào mà về?
Những người về theo tôi biết toàn là những du học sinh, vì bạn con tôi về gần hết.”
Hôm 19/3/2020, tạp chí Time đăng câu chuyện của bệnh nhân tên Danni Askini ở Boston. Cô kể rằng cô bị nhiễm virus corona chủng mới. Ngày xuất viện, cô tá hỏa khi nhìn tờ hóa đơn gần 35.000 USD. Nguyên nhân là cô không có bảo hiểm y tế. Câu chuyện được báo chí trong nước loan tải, và được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội với mục đích giá chữa chữa COVID-19 ở Hoa Kỳ rất cao, nhưng dường như nhiều người quên yếu tố bảo hiểm y tế.
Cô Diana Nguyễn, nhân viên chụp X-quang tại Fort Belvoir Community Hospital khẳng định cô không bo giồ có ý định về Việt Nam tránh dịch:
“Tôi từng về Việt Nam thăm mẹ chồng bị ung thư. Tôi thấy tình hình chăm sóc người bệnh cũng như máy móc trong nhà thương đa số rất lạc hậu. Những nhà thương cao cấp thì có khác nhưng đâu phải ai
cũng có khả năng vô. Nếu dịch bùng phát thì tôi sợ họ không kiêm nổi. Đọc báo tôi thấy họ kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp, vậy ngân sách họ đâu có đủ?
Bên này chính phủ lo cho dân, đâu có xin tiền dân như vậy. Tui nghĩ Việt Kiều không ai về hết. Đó là cách nói của cộng sản để mị dân thôi. Về tới phi trường TSN, hải quan đã trắng trợn xin tiền. Về tránh dịch mà yên sao?”
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một Việt kiều thực thụ hiện đang ở Việt Nam vì công việc, cho biết ý kiến của ông:
“Nếu tôi đang ở Mỹ mà tôi có lựa chọn hoặc ở Mỹ hoặc ở Việt Nam thì chắc chắn là tôi chọn ở lại Mỹ vì dịch vụ y tế Mỹ là hàng đầu thế giới rồi. Nếu tôi gặp những khó khăn gì ở Mỹ thì chính phủ họ sẽ giúp. Việt Nam không thể có những điều đó.”
Ông Hiếu nói thêm rằng, tin hàng nghìn Việt kiều trở về nước tránh dịch thì làm sao mà kiểm chứng được. Bao nhiêu Việt kiều về thì ông không chắc nhưng ông chắc chắn người lao động trở về nhiều. Những người trở về là du học sinh hoặc lao động chân tay, bởi họ biết rằng nếu họ ở những xứ mà họ không có bảo hiểm, không có những sự trợ giúp của chính phủ họ có thể lâm vào tình cảnh khó khăn. Nếu họ về Việt Nam thì chính phủ đón nhận họ.
Một công dân Úc, ông Hoàng Ngọc Diêu cũng khẳng định không bao giờ về Việt Nam tránh dịch vì hai ký do: Thứ nhất, Việt Nam sát vách Trung Quốc nên rủi ro cao. Thứ hai, y tế và phòng chống dịch tễ của Việt Nam rất mơ hồ qua những con số bị giấu diếm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/do-oversea-vns-come-back-to-avoide-covid-19-outbreak-dt-03232020143940.html

Căng thẳng trên chuyến bay từ Mỹ về Việt Nam

giữa mùa dịch

Ngọc Lễ
Không khí căng thẳng và hoài nghi bao trùm trong một trong những chuyến bay cuối cùng từ Mỹ về Việt Nam trước khi Việt Nam đóng cửa với thế giới bên ngoài do lo sợ dịch bệnh, một hành khách đi trên chuyến bay đó nói với VOA.
Bắt đầu từ 0h ngày 22/3, để tăng cường chống dịch Covid-19, chính quyền Việt Nam đã cấm tất cả người nước ngoài cũng như Việt kiều nhập cảnh trong khi khuyến cáo công dân Việt Nam ở nước ngoài hạn chế tối đa về nước mà nếu có muốn về phải đăng ký qua đại sứ quán.
Anh Le T. T., một nghiên cứu sinh tiến sỹ về văn học Mỹ tại Đại học California, San Diego, đã kịp về đến Việt Nam trên chuyến bay của hãng hàng không Đài Loan Eva Air quá cảnh Đài Bắc vào ngày 19/3, tức là chỉ 3 ngày trước khi lệnh cấm này được đưa ra.
‘May mắn’
Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên, anh T. nói anh ‘cảm thấy may mắn về kịp trước khi có lệnh cấm.
“Bây giờ mà muốn về thì phải đăng ký mới được về. Nếu tôi vẫn còn ở Mỹ vào lúc này, chắc là tôi không về được,” anh nói. “Chính phủ khuyến cáo là không nên về. Vé máy bay cũng không có thì đành phải ở lại Mỹ thôi.”
Anh cho biết lúc anh về, toàn nước Mỹ chỉ mới có trên 5.000 ca nhiễm, cho nên anh ‘không phải về nước để tránh dịch’.
“Tôi về là vì trong những lúc như thế này (trường đóng cửa, chuyển sang dạy và học từ xa) tôi chỉ muốn gần gia đình,” anh nói.
“Mình về sẽ tiết kiệm hơn. Phòng thuê trả lại sẽ không phải tốn tiền thuê phòng.”
Anh lập luận rằng tỷ lệ nhiễm là 5.000 ca trên tổng số trên 300 triệu người dân Mỹ thì ‘nguy cơ không cao’. “Tôi cũng không lo mấy. Thành phố San Diego nơi tôi sống cũng không có nhiều ca nhiễm,” anh cho biết.
Anh nói anh không có nhu cầu về nước tránh dịch vì anh biết là ‘người trẻ không bị nguy hiểm bởi dịch bệnh’ và bản thân anh cũng có bảo hiểm nên ‘có gì thì cũng có thể chữa trị được ở Mỹ’.
Tuy nhiên, nghiên cứu sinh này thừa nhận rằng nếu xét về chữa trị bệnh Covid-19 thì ‘về Việt Nam sẽ tốt hơn Mỹ’.
“Họ sẽ chữa cho mình rất cẩn thận và theo dõi rất sát sao mà không mất tiền,” anh giải thích. “Việt Nam có ít trường hợp nhiễm hơn Mỹ nên tập trung chữa trị tốt hơn.”
Anh cho biết anh về Việt Nam trong sáu tháng, đến hết mùa hè anh sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục chương trình học. Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ tạm dừng cấp thị thực thông thường trên toàn cầu do dịch bệnh, anh T. thừa nhận rằng nếu 6 tháng mà tình hình không ổn trở lại ‘thì cũng chịu thôi’.
“Trung Quốc chỉ cần 3 tháng là ổn định dịch bệnh thôi mà,” anh tự tin về cơ hội khống chế dịch bệnh của Mỹ.
‘Mọi người đề phòng’
Anh cho biết hôm anh ra phi trường để về nước, sân bay San Diego ‘rất đông’.
“Về mặt thủ tục, giám sát không gặp trở ngại gì cả,” anh nói. “Sân bay rất đông người châu Á về nước.”
Theo giải thích của anh thì anh chọn hãng bay Đài Loan vì muốn tránh phải quá cảnh qua những nơi đang có dịch bệnh nặng nề như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
“Ai cũng đeo khẩu trang. Chỉ có người Mỹ da trắng là không đeo thôi,” anh kể. “Nhưng đến Đài Loan rồi thì ai cũng đeo.”
“Hành khách châu Á thì rửa tay liên tục. Họ cũng để ý xem ai có ho hay có hắt xì không nên mình có muốn hắt xì cũng không dám.”
Anh nói khi ra sân bay anh ‘luôn giữ khoảng cách với mọi người từ 1 đến 2 mét.’
“Thủ tục thì cũng không bị hoãn gì cả. Cũng không ai hỏi mình là có được cho về hay không,” anh nói thêm và cho biết chỉ một hôm sau ngày anh quá cảnh Đài Loan thì chính quyền Đài Loan đã cấm tất cả các chuyến bay quốc tế đến hòn đảo này kể cả quá cảnh đi một nước thứ ba.
Theo lời anh thì chuyến bay lấp đầy đến gần 90% nên ‘khoảng cách tiếp xúc là rất gần’.
Khi được hỏi về các biện pháp phòng vệ trên máy bay, anh kể: “Trên máy bay mọi người kỹ lắm. Người ngồi cạnh tôi mặc cả áo mưa. Tôi tránh cạ vào nhau. Mình mà lỡ đụng vào người họ thì họ lau hết người họ luôn.”
“Mọi người đều không nói chuyện với nhau, tránh quay mặt về phía nhau luôn,” anh nói. “Không khí căng thẳng lắm”
Về phần mình, anh cho biết là khi lên máy bay anh cũng sợ nhưng ‘không lo sợ quá’.
“Tôi đeo khẩu trang liên tục và dùng cánh tay, cổ tay, khuỷu tay để mở cửa, hạn chế động vào những đồ vật trên máy bay và hạn chế đi vệ sinh nhiều nhất có thể,” anh nói.
Khi ở Mỹ, anh T. cho biết anh ‘không hề được kiểm tra thân nhiệt gì hết’ nhưng vừa về đến Việt Nam là anh phải ‘khai báo hành trình đi từ đâu, qua đâu’.
‘Bị kỳ thị’
“Sau khi khai báo xong thì nộp cho cán bộ xuất nhập cảnh kèm theo hộ chiếu rồi ngồi đợi. Chúng tôi ngồi đợi ở hàng ghế riêng. Khoảng 30-40 phút sau sẽ có công an vào bảo là bây giờ thi đi. Chúng tôi xuống thì thấy hành lý sắp sẵn luôn rồi. Chúng tôi lên xe đi luôn mà không đi qua cửa xuất nhập cảnh,” anh kể và cho biết hành khách trên chuyến bay của anh về sân bay Nội Bài, Hà Nội, đã được đưa về doanh trại quân đội ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa, để cách ly.
“Người Việt từ Mỹ, các nước EU hay ASEAN thì bị đưa đi cách ly còn về từ Canada hay Úc thì được cho về nhà cách ly.”
Anh cũng kể là anh nhìn thấy một Việt kiều từ Mỹ về được kéo ra ngoài và được đưa cho hai chọn lựa, ‘một là phải chịu cách ly, hai là phải quay về Mỹ’, anh nói.
Theo lời anh thì trên chuyến bay từ Mỹ về Đài Loan hôm đó ‘chỉ có vài Việt kiều’. Còn trên chuyến bay từ Đài Loan về Hà Nội ‘đa phần là người đi lao động, người đi học ở nước ngoài về’.
Anh nói anh ‘không sợ mang bệnh về nước’ như các du học sinh mới bị phát hiện dương tính gần đây. “Khi về đã được cách ly rồi. Mai mốt về nhà còn cách ly thêm nữa,” anh giải thích.
Tuy nhiên, theo lời anh thì hiện giờ ở Việt Nam ‘du học sinh bị đánh đồng với Việt kiều’ và anh cảm nhận được sự kỳ thị đối với những người từ nước ngoài về Việt Nam trong hoàn cảnh này.
Theo lời anh thì ngay cả họ hàng xa của anh ở Thanh Hóa cũng ‘ngại không muốn tiếp xúc’ và ‘không chịu giúp đưa đồ tiếp tế vào’.
“Bạn bè tôi cũng nói rằng nếu mày về mà mày không đi cách ly thì tao sẽ không gặp,” anh nói thêm. “Họ coi như là mình đã có virus rồi vậy.”
Ngoài việc nghiên cứu, anh T. còn tham gia giảng dạy cho sinh viên ở trường. Hiện giờ trong trại cách ly ở Việt Nam, anh phải thức từ 4-7 giờ sáng để giảng bài cho sinh viên bên Mỹ, anh cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng-tr%C3%AAn-chuy%E1%BA%BFn-bay-t%E1%BB%AB-m%E1%BB%B9-v%E1%BB%81-vi%E1%BB%87t-nam-gi%E1%BB%AFa-m%C3%B9a-d%E1%BB%8Bch-/5342152.html

Ba bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam

đang nguy kịch

Bộ Y tế hôm 24/3 cho biết, Việt Nam đang có 5 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng, trong đó 3 bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch.
Tuy nhiên Bộ Y Tế Việt Nam chưa tiết lộ danh tính người thứ 3, trong khi hai bệnh nhân còn lại gồm bác gái của bệnh nhân số 17 và 1 du khách người Anh.
Bác gái 67 tuổi của bệnh nhân số 17 –N.H.N .có bệnh lý nền rối loạn tiền đình. Bà nhập viện ngày 7/3 do lây nhiễm từ cháu gái. Hiện bà phải thở máy, lọc máu, can thiệp ECMO và đang tiếp tục được theo dõi sức khoẻ tại Khoa hồi sức tích cực bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Hà Nội
Tin cho biết, bệnh nhân thứ 17 ngụ tại 125 Trúc Bạch đến nay đã âm tính 3 lần với COVID-19.
Bệnh nhân nặng thứ hai là du khách Anh, 69 tuổi, có bệnh lý nền là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Người này trước đó cùng vợ đến VN trên chuyến bay VN54 ngày 2/3, cùng chuyến bay với bệnh nhân 17. Ngay sau khi nhập cảnh, ông đã được ghi nhận nhiễm COVID-19 và hiện cũng đang phải thở máy, lọc máu tại BV bệnh nhiệt đới trung ương.
Chiều 23/3, thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn đã có cuộc họp với các thành viên hội đồng chuyên môn các bệnh truyền nhiễm để hội chẩn các ca bệnh nặng, cũng khẳng định hiện chưa có thuốc đặc hiệu trị COVID-19, tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính.
Tính đến sáng ngày 24/3, Việt Nam ghi nhận 123 ca nhiễm COVID-19, trong đó 17 trường hợp điều trị khỏi; 14/106 ca đang điều trị đã có kết quả âm tính ít nhất một lần.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 5 địa phương có đông bệnh nhân COVID-19 nhất gồm: Hà Nội: 39 bệnh nhân; TP.Hồ Chí Minh: 30 bệnh nhân;  Vĩnh Phúc: 11 bệnh nhân; Bình Thuận: 9 bệnh nhân; Quảng Ninh: 5 bệnh nhân.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/health-of-3-infected-patients-in-critical-condition-03242020080311.html

Thông tin người dân bị cách ly đòi ăn táo New Zealand

và nho Mỹ chỉ là một nửa sự thật

Tin Saigon.- Ngày 21 tháng 3 năm 2020, nhiều tờ báo của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã loan tin phát ngôn của ông Trần Quang Thảo, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận 8 có nội dung, 4 gia đình trong quận bị cách ly đã đòi nhà cầm quyền cung cấp nhiều thứ trong đó có táo New Zealand, và nho Mỹ. Tuy nhiên, trong quy định nhà cầm quyền quận chỉ được cung cấp thực phẩm thiết yếu, tối đa 50,000 đồng.
Thông tin này sau khi được đưa lên truyền thông, nhiều người dùng mạng xã hội đã buông ra những lời mạ lị, chửi bới không thương tiếc đối với 4 gia đình trên vì cho rằng họ đã bị cách ly mà còn đòi hỏi cao sang.
Đến ngày 22 tháng 3, Facebook mang tên Nguyễn Quang Thái đã khẳng định, thông tin trên chỉ là cách đưa tin một nửa sự thật của truyền thông nhà cầm quyền.
Trên thực tế, 4 gia đình trên là người Chăm, theo đạo Hồi. Theo quy định tôn giáo của họ thì họ chỉ ăn đồ ăn là đồ Halal, tức là những đồ ăn được kiểm nghiệm, hành lễ và chứng thực Halal mới được phép ăn. Nên khi họ bị cách ly thì họ không thể được đi ra ngoài mua đồ ăn, mà nhà cầm quyền thì chưa có phương án cung cấp thực phẩm Halal, vì vậy, các gia đình này đã nhờ nhà cầm quyền mua giúp họ nho Mỹ, và táo New Zealand chứ không phải họ yêu cầu nhà cầm quyền cấp miễn phí.
Cũng trong ngày 22 tháng 3, trên báo Tiêu Dùng, ông Trần Quang Thảo đã phải xác nhận rằng những gia đình trên nhờ phía quận mua giúp họ nho Mỹ, và táo New Zealand vì hai loại trái cây này không có trong thực đơn thực phẩm mà họ được cung cấp.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/thong-tin-nguoi-dan-bi-cach-ly-doi-an-tao-new-zealand-va-nho-my-chi-la-mot-nua-su-that/

Tp HCM đóng cửa các hoạt động kinh doanh

trên 30 người vì COVID-19

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có văn bản khẩn ra “lệnh” đóng cửa toàn bộ các cơ sở kinh doanh, khu vui chơi giải trí, ăn uống tụ tập trên 30 người. Lệnh này bắt đầu từ 18 giờ ngày 24/3 đến hết ngày 31/3 để phòng chống dịch COIVD-19.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/3 dẫn quyết định ký bởi ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Văn bản nêu rõ: Căn cứ kết luận của Ban Chỉ đạo thành phố về Phòng, chống dịch COVID-19 tại phiên họp ngày 23-3-2020, đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao về tạm ngừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Ủy ban nhân dân thành phố quyết định tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống  với công suất phục vụ từ 30 người trở lên, Các câu lạc bộ bida, Phòng tập thể hình (Gym), cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc… trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ, ngày 24-3-2020 đến hết ngày 31-3-2020.
Trước đó, từ ngày 15-3, chính quyền thành phố đã yêu cầu toàn bộ 180 vũ trường, bar, beer club, gần 500 quán karaoke, massage, rạp chiếu phim, game online phải đóng cửa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/businesses-over-30-people-in-hcm-must-close-because-of-covid-19-03242020080313.html

Việt Nạm tạm dừng xuất khẩu gạo từ 24-3 vì COVID-19

Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan, vừa ký công văn hỏa tốc gửi các đơn vị chức năng trong ngành yêu cầu một số công tác liên quan đến việc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Theo thông tin từ truyền thông trong nước ngày 24/3, Tổng cục Hải quan Việt Nam yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu từ 0g ngày 24-3; tuy nhiên, các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký trước thời điểm này vẫn được giải quyết theo quy định.
Cục Quản lý Rủi ro cũng được giao nhiệm vụ thiết lập tiêu chí đưa một số mặt hàng gạo vào diện cấm xuất khẩu. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh, chống buôn lậu và vận chuyển trái phép mặt hàng gạo các loại qua biên giới và xử lý theo quy định pháp luật.
Vào ngày 18-3, trong Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sự hệ trọng trong vấn đề an ninh lương thực đối với mọi quốc gia trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trên thế giới và phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống.
Tổng Cục Hải quan thống kê trong hai tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu gần 930 ngàn tấn, kim ngạch hơn 430 triệu USD; tang hơn 305 về lượng và tăng 38% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019.
Năm 2019 là năm được báo ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam không thuận lợi khi xuất gần 6,26 triệu tấn mà chỉ thu về 2,75 tỷ USD. Số này giảm 300 triệu USD so với năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-temporarily-paused-exporting-rice-from-february-24th-due-to-covid-19-03242020092417.html

Dịch COVID-19: Công an kiểm tra từng nhà

để tìm người nhập cảnh từ nước ngoài

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có công điện khẩn vào ngày 24/3, yêu cầu công an các địa phương phải đến từng nhà dân để lập danh sách những người nhập cảnh vào Việt Nam từ ngày 7/3 đến 24/3 để phục vụ công tác phòng dịch bệnh COVID-19. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.
Theo công điện, thông tin thu thập phải được báo cáo về Bộ Công an trước 18 giờ ngày 25/3/2020 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Dịch bệnh COVID-19 hiện đan lây lan mạnh trên toàn cầu với gần 400.000 ca nhiễm bệnh và hơn 16.000 người tử vong. Việt Nam tính đến thời điểm này đã có hơn 120 ca nhiễm bệnh, với phần đông số ca nhiễm bệnh là người nhập cảnh vào Việt Nam.
Để phòng chống dịch bệnh lây lan, Chính phủ Việt Nam đã quyết định ngừng nhập cảnh toàn bộ khách nước ngoài, và người Việt có giấy miễn thị thực cùng thân nhân từ ngày 22/3. Trước đó một ngày, Việt Nam yêu cầu tất cả các hành khách nhập cảnh phải được cách ly tập trung 14 ngày.
Trong công điện khẩn mới, Bộ trưởng Công an cũng yêu cầu việc ngăn chặn tụ tập đông người trong mùa dịch nhằm chống sự lây lan của virus corona.
Theo công điện, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, vì vậy “Công an cần tập trung đấu tranh phòng, chống tội phạm, phát hiện xử lý kịp thời những đối tượng chống đối đăng tin tuyên truyền, xuyên tạc, gây hoang mang trong nhân dân”.
Công tác phòng chống hàng giả liên quan đến công tác phòng chống dịch cũng được nhấn mạnh trong công điện khẩn của Bộ Công an.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/covid-19-police-checks-every-house-03242020075653.html

Virus corona: Thuyền nhân VN ngậm ngùi

với tin Galang thành nơi trị Covid-19

Tina Hà GiangBBC News Tiếng Việt
Với thuyền nhân Việt Nam từng ở trại tị nạn Galang, Indonesia, tin một trung tâm chăm sóc người bị lây nhiễm COVID-19 đang được xây tại khu tị nạn ngày xưa là sự kiện gây cảm xúc lẫn lộn.
Hôm 4/3, ngay sau khi xác nhận hai trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên, chính phủ Indonesia đã lập kế hoạch chuyển trại tị nạn Galang, Batam, thuộc Quần đảo Riau, thành một bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19, theo tin của Jakarta Post.
Ngày 9/3, giới chức Indonesia đến thăm địa điểm lần thứ hai và xác định đây là nơi thích hợp nhất để xây bệnh viện, và mọi việc bắt đầu được xúc tiến.
Tiếp xúc với BBC News Tiếng Việt qua điện thoại hôm 22/3, bà Carina Hoàng, thuyền nhân từng ở Galang một thời gian, và là người gắn bó với lịch sử người Việt tị nạn, cho biết khi nghe tin bà thoạt đầu cảm thấy khá ”buồn và lo”.
”Buồn là di tích lịch sử không ít thì nhiều cũng sẽ bị thay đổi. Lo là như vậy những cuộc viếng thăm tảo mộ của người Việt mình sau bao nhiêu năm vẫn đang xảy ra, không biết có còn được tiếp tục.” Carina Hoàng giải thích.
”Du khách hiện đã bị cấm đến vùng này. Sau một thời gian nữa thì không biết sẽ ra sao?” Người phụ nữ một thời từng tổ chức những chuyến giúp người Việt đi Indonesia tìm mộ người thân, bâng khuâng.
”Dù sao đây cũng là một tin tích cực, xóa bớt những u ám của nạn virus corona lây lan khắp nơi khiến bao nhiêu người chết, và dồn nhiều gia đình vào tình cảnh khó khăn.” Bà nói.
Trại tỵ nạn Galang phải đóng cửa?
Ký ức của một thuyền nhân
Được hỏi cảm tưởng, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, từng ở trại tị nạn Galang 6 tháng vào năm 1984, phát biểu:
”Galang từng dung chứa những phận người buộc phải trốn chế độ cộng sản, căn bệnh ung thư của nhân loại, nay nơi này lai đang tay cứu trị một dịch bệnh khác cũng phát sinh từ một xử sở bị cộng sản cai trị. Galang luôn là phần đất lành cho những người gặp nạn.”
Tin trại trại tị nạn Galang đang được biến thành bệnh viện chuyên chăm sóc người bị lây nhiễm COVID-19 không được phổ biến rộng rãi, nhưng nhà báo tự do Bùi Văn Phú, từng có thời gian làm việc ở đây, là một trong những người theo dõi kỹ tin này.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sáng 23/3, ông Bùi Văn Phú chia sẻ:
”Hồi đầu tháng tôi có nghe tin là chính phủ Indonesia dự định dùng Galang để cách ly và chữa trị những người bị nhiễm Covid-19. Nơi này trước đây là trại tị nạn đón tiếp người tị nạn Việt Nam từ 1979 đến 1996 và nơi này đã có hệ thống nước sạch, có điện.”
”Theo những người Việt, cựu thuyền nhân trở về thăm trại trong những năm qua thì nhiều toà nhà, nơi làm việc của những cơ quan giúp người tị nạn trong đó đến nay vẫn còn trong tình trạng có thể sử dụng được. Các nhà thờ, nhà chùa cũng còn được bảo trì.”
Cho biết không ngạc nhiên khi chính phủ Indonesia chọn Galang để xây bệnh viện, nhà báo Bùi Văn Phú giải thích:
”Khi nghe tin này tôi không ngạc nhiên vì biết Galang vẫn còn những hạ tầng cơ sở để đón tiếp và săn sóc cho người bệnh nếu họ phải cách ly ở đó, như từng đón tiếp thuyền nhân vượt biển trước đây, vì ở đó đã có hệ thống nước sạch, có nhà máy phát điện và một số toà nhà còn dùng được, chỉ cần tân trang lại. Đây là một đảo có hạ tầng cơ sở tốt, con đường tráng nhựa từ cầu tầu vào Galang 1 rồi Galang 2 vẫn còn tốt. Nhiều cựu thuyền nhân đã trở lại thăm Galang trong những năm qua.”
Quyết định nhanh, thi hành chóng
Kế hoạch chuyển trại tị nạn Galang, Batam, Quần đảo Riau, thành một bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19 được đưa ra rất nhanh, ngay sau khi chỉ mới hai trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên được xác nhận vào hôm 4/3.
Tư lệnh Không quân Hadi Tjahjanto của Quân đội Indonesia (TNI), người đứng đầu cuộc kiểm tra địa điểm, sau khi đến trại tị nạn Galang để thị sát, cho biết nơi đây được chọn làm nơi xây bệnh viện COVID-19 vì một số tòa nhà của địa điểm vẫn tồn tại sau khi được sử dụng làm trại tị nạn từ năm 1979 đến năm 1996.
Địa điểm này cũng có nước sạch và điện, trong khi hòn đảo chỉ nằm cách sân bay quốc tế Hang Nadim 50 km.
Dự tính ban đầu của chính quyền gặp phải phản ứng tiêu cực của dân quanh vùng, nhưng sau khi chính quyền gặp dân giải thích rõ tình trạng nguy kịch do virus corona gây ra trên khắp thế giới, mọi người đã bớt quan tâm.
Theo Jakarta Post, ông Tjahjanto giải thích rằng nhà thương này sẽ điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 đồng thời hoạt động như một trung tâm kiểm dịch. Một trung tâm kiểm dịch virus corona trước đó đã được thành lập tại Natuna, quần đảo Riau.
Bệnh viện, dự kiến có thể chứa 1.000 bệnh nhân, cũng sẽ được trang bị với phòng cách ly, chiếm 2% tổng công suất của bệnh viện.
”Chúng tôi sẽ chuẩn bị 50 phòng cách ly vì quy trình y tế của Tổ chức Y tế Thế giới quy định rằng 2% công suất của bệnh viện phải là phòng cách ly,” ông Tjahjanto cho biết.
“Chúng tôi sẽ cung cấp các cơ sở điều trị, bao gồm các phòng có thông khí áp lực âm, sử dụng các bộ lọc tiêu chuẩn để giúp tăng tốc phục hồi. Chúng tôi hy vọng bệnh viện sẽ sớm được hoàn thành. Việc xây dựng có thể không mất nhiều thời gian. Nguồn nước đã có sẵn, mọi thứ đã được chuẩn bị theo đúng tiêu chuẩn.” Jakarta Post trích lời ông Tjahjanto.
Bốn ngày sau khi công bố dự án, Jakarta Post đưa tin tổng thống Joko Widodo sẽ đến Galang để đích thân kiểm tra tiến độ xây dựng của nơi sẽ được đặt tên là Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm.
Được biết chính phủ Indonesia sẽ cung cấp 340 giường trong giai đoạn xây dựng đầu tiên, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 3. Khi công trình hoàn tất, nơi đây sẽ được trang bị tổng cộng 1.000 giường.
Tính đến ngày 20/3, tiến độ xây dựng Bệnh viện đặc biệt Corona (COVID-19) như phác họa đã đạt tới 40% và nhắm mục tiêu sẵn sàng để sử dụng vào cuối tháng 3 năm 2020.
Công việc xây Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm này của Indonesia được xúc tiến hết sức gấp rút.
Nhưng cho đến nay, virus corona dường như đang thắng cuộc đua này, vì tính đến hôm 23/3, Indonesia đã có tổng cộng 514 ca nhiễm trên 20 khu vực, với 48 tử vong. Tỷ số người chết khá cao (9.33%) so với tỷ lệ trung bình 3% của phần còn lại trên thế giới.
Đất lành chim đậu?
Hầu như những người BBC News Tiếng Việt có dịp tiếp xúc đều nghĩ về trại tị nạn Galang với nhiều thiện cảm, và cho đó là nơi mà họ hay đồng hương đã một thời gian dài được cưu mang.
Điều này dễ hiểu. Trại tị nạn Galang được sử dụng từ năm 1975 đến 1996, từng đón nhận và lo cho 250.000 [theo Jakarta Post - con số này có nơi cho là ít hơn] người tị nạn Việt Nam trốn khỏi quê hương sau hậu quả của Chiến tranh Việt Nam.
Nhà báo Đinh Quang Anh Thái đã nói đến truyền thống là ”mảnh đất dành cho những người gặp nạn” của Galang, còn ông Bùi Văn Phú cũng có vẻ đồng ý với điểm này khi vạch ra:
”Trước khi Galang được dùng làm trại tị nạn cho thuyền nhân Việt Nam, thời Thế Chiến thứ Hai nơi này đã là trại giam tù binh. Vì thế dùng Galang để cách ly và chữa bệnh cho người nhiễm Covid-19 sẽ không mất nhiều thời gian cho chính quyền chuẩn bị.”
Bà Carina Hoàng, hiện là nữ diễn viên cho chương trình The Heights nổi tiếng của Úc, dùng cụm từ ”lịch sử đã lập lại” để nói về việc một trung tâm chuyên chữa trị cho người bị nhiễm Covid-19 được xây tại trại tị nạn Galang cũ.
”Sự kiện này cho thấy, địa điểm Galang này, một lần nữa, lại là nơi nương náu cho những người gặp khó khăn nhất trong đời. Bốn mươi năm trước Galang đã đón nhận và bảo vệ 250,000 người tị nạn Việt Nam, thì bây giờ một lần nữa nơi này lại đón tiếp những người kém may mắn nhiễm phải bệnh dịch nguy hiểm giết người mà ai cũng phải xa lánh.” Bà Carina Hoàng nói.
”Tuy nhiên tôi cũng nghĩ, bốn mươi năm trước, khi mọi việc xong rồi, đóng cửa trại rồi, thì di tích lịch sử để lại là 503 ngôi mộ của thuyền nhân. Bây giờ thì trong sau cơn dịch corona này, nhà thương sẽ đón nhiều bệnh nhân được đưa đến đây để săn sóc và chữa trị, và đương nhiên, chúng ta hy vọng là đa số sẽ khỏe mạnh. Nhưng ít thì nhiều, cũng sẽ có người phải nằm xuống, và những ngôi mộ của họ liệu sẽ có đóng góp thêm vào nghĩa địa ở đây không hay Galang sẽ phải có thêm một nghĩa địa khác?”
”Càng nghĩ tôi lại càng thấy Galang có lẽ là địa điểm lý tưởng để lập một trung tâm cách ly và nơi chữa trị cho căn bệnh dễ lây lan này.”
”Galang tuy hơi hẻo lánh, vì nó chỉ có cái trại tị nạn mở ra để phục vụ cho người tị nạn thôi chứ không có gì chung quanh đó hết. Nhưng nó cũng không phải là nơi hoàn toàn bị cô lập, vì nó nằm trong Batam, và Batam là một đảo lớn, có rất nhiều phương tiện di chuyển rất thuận lợi, một ngày có vài chuyến phà đi đi về về từ Singapore, có phi trường, có đường cho xe hơi chạy. Xuống phà rồi mình có thể đến Galang, chỉ cần đi taxi là cũng có thể tới.” Carina Hoàng phân tích.
”Vậy thì, với lịch sử là nơi được dựng lên để cứu giúp người tị nạn Việt Nam, thì tại sao người Indonesia không nên biến nó thành nơi cứu trợ cho bệnh nhân của họ? Và mình là ai mà lại không vui vì sự kiện này, và chỉ quan tâm đến di tích lịch sử của mình có bị ảnh hưởng hay không?” Bà kết luận.
Làm sao quên được
Vui, buồn, ngạc nhiên hay không ngạc nhiên trước tin này, quan tâm lớn nhất của thuyền nhân Việt Nam là không mất đi dấu tích lịch sử của một giai đoạn quan trọng trong đời họ.
Với Phan Minh Vũ, hiện đang sống ở Mỹ Tho, tin về công trình xây cất ở khu tị nạn Galang lập tức kéo anh về nơi đã trải qua một thời niên thiếu.
Vũ là một thuyền nhân không may mắn. Sau 6 năm sống tại Galang, anh không đủ điều kiện được đi nước thứ ba và phải trở về Việt Nam. Nhưng trong ba năm vừa qua, năm nào anh cũng ”về Galang,” Vũ tâm sự với người viết.
Sự gắn bó của Vũ với trại tị nạn cũ được biểu hiện qua tên tài khoản Facebook của anh, rất đơn giản, nhưng bộc bạch hết tâm tư: ”Trại Tị Nạn Galang.”
”Lần cuối em ở Galang là tháng Tư năm 2019. Em về để xây lại mộ cho bà ngoại nuôi. Còn hai năm trước, em bay về đó để gặp bạn bè ở cùng trại ngày xưa từ Mỹ về thăm lại Galang.”
Năm nào hình như cũng có nhóm từ nước ngoài về thăm ”nơi chốn bao kỷ niệm,” Vũ nói.
Vũ vượt biên năm 1990, lúc 15 tuổi, và ”ở Galang 6 năm mấy, cho đến khi rớt thanh lọc, trại đóng cửa năm 1996, phải về lại Việt Nam.”
”Cả tuổi thơ ở đó, từ 15 đến gần 22. Đó là một kỷ niệm khó quên trong đời em. Em không làm sao quên được chị ơi.”
Được hỏi có người yêu ở đó không, Vũ trả lời: ”Hồi đó em nghèo chết bà luôn, ai đâu mà yêu!”
”Em cực lắm, làm đủ nghề. Làm bún, chạy bán quán cà phê, đi gánh nước đá và gánh cá thuê. Đi biển lưới cá để tìm thức ăn sống qua ngày. Cực mà vui. Bởi chị thấy nick Facebook của em là ‘Trại Tị Nạn Galang’ là vậy.” Vũ tâm sự.
Nghe phong phanh tin Galang trại tị nạn ngày xưa được xây nhà thương mới, Vũ lo cái nhà thương ngày xưa chữa trị cho biết bao người Việt bị đập đi mà lòng rưng rưng, thuyền nhân trẻ ngày xưa giờ đã 45 tuổi kể lại.
Tìm không thấy báo nào đưa tin ngoài tờ Jakarta Post, tiếng Anh không rành, tra Google đọc được chập chõm, không rõ nhà thương sẽ được xây ở khu nào, nhà thờ, ngôi chùa, rồi bảo tàng viện, di tích nào còn hay mất, Vũ chạy lên Facebook liên lạc với người bạn Indo ngày xưa, giờ là chủ một khách sạn ở Galang để hỏi. Anh kể lại.
Bà chủ khách sạn chỉ biết hiện giờ du lịch vào khu này đã bị cấm. Vũ lo hỏi người bạn Indo khác.
”Tìm nhau qua Facebook không chị ơi. Em tìm được bạn cũ là Waril Usman, hiện đang sống ngay gần đó. Waril cho tụi em thông tin rất chính xác.”
Theo Waril, thoạt đầu có tin sẽ xây lại Bệnh viện trong khu Galang 2, nhưng ngay hôm sau lại có tin bệnh viện Galang 2 được giữ lại, mà xây bệnh viện mới ở trường học Zone D, họ làm đường mới ngay tại khu đổ rác ngày xưa.
Vũ cho biết nghe tin từ Waril anh thở phào: ”Vậy là không ai đụng gì đến mấy di tích lịch sử của người tị nạn mình. Em hết lo rồi.”
Có lẽ không chỉ là nơi chứa nhiều kỷ niệm khó quên của người tị nạn Việt Nam, trại tị nạn Galang, từ sau khi đóng cửa năm 1996, đã dần dà trở thành một tài sản quốc gia của Indonesia.
Được cai quản bởi Liên Hiệp Quốc trong thời gian trại mở cửa, trại tị nạn Galang bây giờ do cơ quan Batam Industrial Development Authority quản trị, Đến năm 2000, cơ quan này đã biến trại tị nạn Galang thành một địa điểm du lịch.
Theo Jakarta Post, mỗi tháng khoảng 6.000 người đến thăm trại tị nạn cũ rộng 80 hecta này. Ngoài những du khách thuần túy muốn xem một địa điểm lịch sử, rất nhiều người đến đây là thuyền nhân đã từng sống ở Galang, hiện có cuộc sống thoải mái ở quốc gia thứ ba.
Họ đến để thăm, tảo mộ người thân hay bạn bè, hay mang con em đến để chia sẻ và ôn lại lịch sử của một thời quan trọng trong cuộc đời, mà giống như Phan Minh Vũ, họ không thể nào quên được.
Facebook của một người bạn Indonesia của Phan Minh Vũ thông báo là vào ngày 28/3, tổng thống Indonesia Joko Widodo sẽ đến Galang làm lễ khánh thành Cơ sở Quan sát và Kiểm dịch Bệnh Truyền nhiễm Galang.
Sau biến cố này, chắc hẳn lịch sử của trại tị nạn Galang sẽ càng thêm phong phú.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-51993072

ĐIỂM TIN TRONG NƯỚC chiều 24/3:

Thêm 11 ca dương tính virus Vũ Hán,

Hải quan dừng thông quan xuất khẩu gạo

Khôi Minh
Thêm 11 ca dương tính virus Vũ Hán
Báo VnExpress cho biết, đến 21h ngày 24/3, 6 người ở TP. HCM và 5 người ở Hà Nội được xác định dương tính virus Vũ Hán, nâng số bệnh nhân lên 134.
Hải quan dừng thông quan xuất khẩu gạo
Phó tổng cục trưởng Hải quan Mai Xuân Thành vừa ký điện gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu các loại. Tuy nhiên, các lô hàng gạo đã đăng ký tờ khai trước ngày 24/3 vẫn được giải quyết thủ tục thông quan theo quy định.
Tuy nhiên trong văn bản gửi cuối ngày ngày 24/3, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng cho hoãn việc áp dụng dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3.
Trả lời VnExpress tối 24/3, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, cơ quan này chưa nhận được đề nghị của Bộ Công Thương. “Khi nhận được văn bản chúng tôi sẽ trình Thủ tướng xem xét, quyết định có dừng ngay từ 24/3 hay không”, ông Dũng cho biết.
TP. HCM đóng cửa nhiều nhà hàng, quán ăn
Theo đó, toàn bộ cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô trên 30 người, bida, phòng gym, spa, tiệm hớt tóc… phải dừng hoạt động từ 18h ngày 24/3 đến hết ngày 31/3 để phòng vius Vũ Hán.
Quyết định được Phó chủ tịch TP.HCM – Lê Thanh Liêm ký chiều cùng ngày, theo đề nghị của Sở Văn hoá – Thể thao. (Xem chi tiết)
Hơn 400 ngôi nhà ở Điện Biên, Sơn La và Nghệ An bị hư hỏng do mưa đá
Tính đến ngày 23/3, mưa đá, lốc xoáy đã khiến nhiều ngôi nhà ở các tỉnh như Nghệ An, Điện Biên và Sơn La bị hư hỏng.
Cụ thể, từ ngày 20 đến ngày 23/3, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xảy ra gió mạnh, mưa lớn, mưa đá gây nhiều thiệt hại về nhà cửa của người dân. Tính đến 16h ngày 23/3, các huyện chịu thiệt hại do mưa đá,
gió mạnh gây ra gồm: Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Ảng, Tuần Giáo và thị xã Mường Lay khiến 42 nhà bị tốc mái.
Tại tỉnh Sơn La, tính đến 16h ngày 23/3, mưa đá trên địa bàn đã làm 330 nhà dân bị tốc mái, sập đổ, khoảng 380 ha sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các loại rau màu, cây ăn quả như mơ, mận, bơ.
Tại Nghệ An, chiều ngày 22/3 trên địa bàn xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn đã xảy ra mưa lớn kèm theo lốc xoáy và mưa đá khiến hàng chục ngôi nhà ở nhiều bản, làng hư hỏng.
Chuyên mục kính chúc quý độc giả nhiều bình an!
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-chieu-24-3-them-11-ca-duong-tinh-virus-vu-han-hai-quan-dung-thong-quan-xuat-khau-gao.html

Chính quyền giằng dai không để Giáo xứ Mỹ Lộc

xây tường bao quảng trường Thánh Tâm

Sáng Chúa Nhật ngày 22 tháng 3 năm 2020 Linh mục quản xứ và nhiều bà con giáo xứ Mỹ Lộc tiến hành đổ móng xây tường rào làm đẹp khuôn viên Quảng trường Thánh Tâm của giáo xứ. Lực lượng chức năng gồm nhiều công an và dân quân đến quấy phá hù dọa giáo dân và đòi mọi người phải ngưng thi công.
Trả lời RFA hôm 23/3, Bà Nguyễn Thị Long, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc có mặt tại hiện trường, nói:
“Hôm qua chúng tôi cử giáo dân nói chờ 9 năm rồi nên chúng tôi làm, giáo dân mỗi người mỗi viên đá, viên gạch, bao xi… điều động toàn bộ giáo dân ra xây, bỏ móng… thì nhà cầm quyền đưa công an, cơ động… rất là đông, không tưởng tượng được, rồi dùi cui điện, xiềng số 8… đầy đủ lắm, họ đưa loa đe dọa đàn áp chúng tôi toàn là phụ nữ, và tuổi trung niên, vì thanh niên đi làn cả… Chúng tôi nói chúng tôi không làm gì sai cả, nếu sai cứ bắt chúng tôi… Ở bên kia tượng Chúa Kito Vua là nhà hội quán, thì bọn tôi xây để ngăn chặn bên này họp hành, bên kia tượng Chúa Kito Vua thôi, cho cách biệt chứ không chúng tôi không muốn chung một khuôn viên, mà họ đem công an ngăn cản đông như bươm bướm.”
Bọn tôi xây để ngăn chặn bên này họp hành, bên kia tượng Chúa Kito Vua thôi, cho cách biệt chứ không chúng tôi không muốn chung một khuôn viên, mà họ đem công an ngăn cản đông như bươm bướm.
-Bà Nguyễn Thị Long

Bà Nguyễn Thị Long cho biết, đất xây tường rào sân bóng đá có tượng Chúa Kito Vua, đó là mảnh đất mười mấy hộ, dâng cúng cho giáo xứ làm sân bóng đá, vì ba vùng theo Công giáo ở khu vực đó không có sân bóng đá nào cả. Nếu muốn đá bóng, chỉ có thể đá trên một sân mini nhưng phải mất tiền. Vì vậy Giáo xứ làm sân bóng để cho con em giải trí, cho thanh niên cuối năm về chơi bóng thể thao. Phía chính quyền xã Bình Lộc nhiều năm nay không cho giáo xứ tiến hành; mặc dù triệu tập người dân lên làm việc nhiều lần để rồi hẹn mà không giải quyết.
Anh Tuấn, một giáo dân ở giáo xứ Mỹ Lộc, khi trả lời RFA hôm 23/3, cho biết thêm:
“Đất lò than, là đất của một số giáo dân cúng cho xứ, nhưng bây giờ quy hoạch làm sân vui chơi cho thôn. Trước đây thì chính quyền với xứ thống nhất xây bờ bao hàng rào, nhưng có một hàng rào không được xây. Vì vậy xứ quyết định xây, nhưng chính quyền nói không được xây. Sau đó Cha với chính quyền đi đến thống nhất vào bàn bạc, lúc đó Cha mới cho giáo dân nghỉ, để lúc đó chính quyền trả lời, thì lúc đó tính sau, chứ hôm qua không xung đột gì cả.”
Giáo xứ Mỹ Lộc thuộc hạt Văn Hạnh, giáo phận Hà Tĩnh, trước đây là giáo phận Vinh. Giáo xứ gồm 2 giáo họ: giáo họ Mỹ Lộc thuộc xã Bình Lộc và giáo họ Đồng Kỳ thu gọn trong xóm 3 xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 3 năm 2020 đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với linh mục Phêrô Trần Phúc Chính quản xứ Mỹ Lộc, để tìm hiểu thêm về vụ việc, tuy nhiên Linh mục không nhấc máy.
Giáo xứ Mỹ Lộc cũng chính là quê hương của Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, Quản xứ Thọ Vực, xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.
Trả lời RFA hôm 23/3, Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, khu đất Quảng trường Thánh Tâm này nhà nước đã chia cho dân, trong đó có 16 hộ là giáo dân xứ Mỹ Lộc được sở hữu 3.309,5 m2. Số đất này sau đó được 16 hộ giáo dân đã dâng cúng cho nhà thờ năm 2011. Linh mục quản xứ hồi đó là Cha Giuse Nguyễn Văn Chính, khi đã nhận đầy đủ giấy tờ giáo dân dâng cúng, Ngài cùng với giáo dân giáo xứ dựng tượng đài Trái Tim Chúa Giêsu như chúng ta đang thấy ngày nay. Nhưng chính quyền các cấp đã cương quyết cưỡng chiếm đất đai của người dân.
Theo Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, sự kiện ngày 16/1/2011 không ai mà không nhớ, khi chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà lợi dụng lúc Cha quản xứ đi vắng đã huy động lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ 13 xã trong huyện đến xâm lấn đất giáo xứ, bao vây, đánh đập giáo dân nhằm đàn áp cũng như bách hại tôn giáo một cách trái pháp luật. Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng, nói tiếp:
“Nó diễn ra từ năm 2011, đất sân bóng do 16 hộ giáo dân hiến cho giáo xứ, có giấy tờ chữ ký mỗi hộ.Cha giữ giấy tờ đó chứng minh là đất giáo xứ. Nhưng đất đai ở Việt Nam thì họ muốn cưỡng chiếm cách này hay cách khác. Họ đã từng xuống đánh đập giáo dân, có 7 người bị thương nặng. Trong một tháng sau đó, họ thuê người ném đá liên tục vào nhà công giáo. Sau một thời gian dài, Cha Chính già đang quản nhiệm ở đó, ngài có đối thoại, họ không lấy nhà thờ nữa mà cho đất sân bóng góp vô thôn, việc này để hai bên có lối thoát. Rồi các ông làm nhà văn hóa ở đó để cho người lương sau này có chỗ sinh hoạt, giáo dân cũng muốn có sân bóng.”
Bà Nguyễn Thị Long nhớ lại:
“Hồi năm 2011 họ có cho người vô phá nhà thờ chúng tôi, náo động, đập bọn tôi, nó vào nó cầm dây chuông nó đập tôi… nó vật lộn với tôi, mà nhờ ơn Chúa, khi đó tôi chỉ 37kg, nhỏ con chứ không to. Khoảng hơn một tiếng đồng hồ người ta thấy chạy đến thì nó mới chạy ra ruộng. Sau bọn dân quân ập đến đánh tụi tui từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều, tôi ngất thẳng cẳng không biết gì cả, kể cả chiến tranh lần chừ và mấy lần sau, họ cứ nhe vào tôi. Mà tôi nói thật, tôi chỉ là người công dân, một giáo dân, một người bảo vệ nhà chúa, nhưng tôi không sợ gì cả vì tôi không làm sai.”
RFA hôm 23/3 cũng đã nhiều lần liên lạc chính quyền xã Bình Lộc và huyện Lộc Hà để tìm hiểu thêm, nhưng mọi cố gắng đều không thành công.
Có tường bao là về vấn đề tôn giáo, tâm thức người công giáo không thể để Chúa chung với nhà văn hóa của xã được, sợ xúc phạm. Nhưng mục đích của họ muốn bao sân bóng và nhà văn hóa của xã luôn để sau này dễ lấy đất, với lý do là nơi văn hóa vui chơi.
-LM JB Nguyễn Ngọc Hùng
Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết, đúng ra sau vụ năm 2011 giấy tờ thỏa thuận với chính quyền đã được Cha Giuse Nguyễn Văn Chính làm xong, nhưng do nhân sự chính quyền Việt Nam hay thay đổi, người trước thế này, nhưng người sau lại thay đổi, họ không đồng bộ và rõ ràng. Ông giải thích thêm:
“Người dân làm sân bóng thì Cha đặt ra điều kiện phải có tường bao, để trâu bò không vô ăn cỏ làm xấu sân bóng, thứ hai là có tường bao là về vấn đề tôn giáo, tâm thức người công giáo không thể để Chúa chung với nhà văn hóa của xã được, sợ xúc phạm. Nhưng mục đích của họ muốn bao sân bóng và nhà văn hóa của xã luôn để sau này dễ lấy đất, với lý do là nơi văn hóa vui chơi.”
Linh mục JB. Nguyễn Ngọc Hùng cho biết giáo xứ đã nhiều lần gửi bản báo cáo lên tỉnh, bản kiến nghị lên huyện Lộc Hà và xã Bình Lộc. Tuy nhiên, huyện Lộc Hà trả lời không cụ thể, chung chung, có tính lập lờ. Giáo dân đã 5 lần đối thoại để làm rõ thì chính quyền chỉ trả lời bằng miệng.
Vì đối thoại với xã không có kết quả nên Giáo xứ Mỹ Lộc hôm 22/3/2020 đã đơn phương xây tường với kết cấu thông thoáng, ngăn cách khu vực quãng trường của tượng đài và hội quán thôn 6 để bảo vệ tính tôn nghiêm như mong muốn của giáo dân. Tuy nhiên chính quyền lại một lần nữa ngăn cản. Cha Hùng nói:
“Họ lấy lý do trong lúc đại dịch corana nên phải dừng công trình lại đã, họ hứa là ít ngày nữa họ đến làm việc rõ ràng. Trong video dân quay lại, ông đại diện tỉnh hứa là họ sẽ tự làm tường bao, không bắt giáo dân làm. Nhưng vậy cũng vui mừng, còn cái họ can thiệp giáo dân, người dân ở đó họ hợp tác mà. Nhưng họ muốn giữ cái uy của họ nên họ gay go từ tám chín năm nay, từ 2011 đến 2020.”
Ông cho biết, người dân rất phấn khởi vỗ tay mãn nguyện và kiên tâm chờ đợi chính quyền thực hiện như lời hứa. Nhưng nếu chính quyền tiếp tục thất hứa thì giáo dân lại phải xây tiếp.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/police-prevented-my-loc-parish-from-building-walls-around-thanh-tam-sacred-square-03232020151655.html

Ba khu đất “vàng” ở Sài Gòn

 bị đề nghị thu hồi vì là “đất quốc phòng”

Viện kiểm sát Quân sự Trung ương vừa kiến nghị thu hồi ba khu đất số 2, 7-9 và 9-11 trên đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, TP.HCM rộng hơn 7300 m2 do là đất của Quân chủng Hải quân quản lý nhưng nay đã rơi vào tay tư nhân.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 24/3 cho biết ông Nguyễn Văn Hiến (Cựu đô đốc Hải quân, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã ký duyệt cho cấp dưới dùng giá trị quyền sử dụng ba lô đất nói trên góp vốn với đối tác trái pháp luật. Tin cho rằng vì lỗi của ông Hiến, ba khu đất đã rơi vào tay tư nhân khiến Quân chủng Hải quân (QCHQ) mất quyền quản lý 49 năm và làm thất thoát Ngân sách Nhà nước hơn 939 tỷ đồng.
Trong ba khu đất nói trên, khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng bị xác định do Cựu thượng tá Đinh Ngọc Hệ (còn gọi là Út “Trọc”, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) và đồng phạm chiếm đoạt mang đi thế chấp ngân hàng vay tiền.
Khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng được định giá 500 tỷ đồng theo mức giá năm 2009 và đã được Bộ Quốc phòng thu giữ giao cho Công ty Hải Thành quản lý. TP.HCM đã đề nghị làm thủ tục chuyển khu đất này cho Công ty Hải Thành.
Hai khu đất số 7 và 9-11 được Công ty Hải Thành góp vốn với doanh nghiệp Mai Anh, Cảnh Hưng thành lập liên doanh để cùng khai thác, xây dựng các công trình cao tầng đa chức năng. Những công trình này đã được bán cho bên thứ ba nắm quyền sử dụng.
Viện kiểm sát Trung ương khẳng định Công ty Hải Thành phải có trách nhiệm nộp hơn 939 tỷ đồng tiền chuyển mục đích sử dụng ba khu đất cộng với lãi suất tối thiểu, không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định đến thời điểm xử lý vụ án.
Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng yêu cầu Uỷ ban Nhân dân TP.HCM, Sở Tài nguyên – Môi trường không làm thủ tục phát mại tài sản, mua bán chuyển nhượng, tặng đối với ba khu đất bị cho là quốc phòng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/three-golden-land-sites-in-saigon-proposed-to-retaken-03242020083214.html

Nha Trang: Công trình không phép

 hủy hoại rạn san hô khu bảo tồn

Công ty Hòn Tằm đổ đất đá xuống vịnh Nha Trang làm chết san hô, ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái trong khu bảo tồn vịnh Nha Trang. Báo trong nước đưa tin hôm nay, 24/3.
Theo đó, hôm 20/3, UBND TP Nha Trang ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng đối với Công ty Hòn Tằm về việc thi công công trình không có giấy phép xây dựng tại dự án khu du lịch đảo Hòn Tằm. Trong quá trình thi công, công ty đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái khu vực này, rạn san hô bị hủy hoại, khó có khả năng phục hồi nguyên trạng.
Trong thời hạn 60 ngày, Công ty Hòn Tằm phải xin giấy phép xây dựng. Sau đó phải tháo dỡ phần công trình không phù hợp với giấy phép được cấp thì mới cho thi công xây dựng.
Từ cuối năm 2019, các cơ quan chức năng thành phố Nha Trang đã phát hiện Công ty Hòn Tằm xây dựng 2 đoạn kè chắn bằng bê tông dài 120 mét, cao từ 5-6 mét; 5 hạng mục công trình bê tông, cốt thép với diện tích 137,6 m2 tại khu du lịch đảo Hòn Tằm.
Trong đợt kiểm tra hồi giữa năm 2019, Sở Tài nguyên Môi trường Khánh Hòa phát hiện chủ đầu tư thi công các công trình ở khu vực phía bắc mà không có mốc giới dự án và đã tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt số tiền 7,5 triệu đồng, yêu cầu khắc phục.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nhatrang-unauthorized-construction-works-destroy-the-coral-reefs-03242020082801.html

Đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ án Trần Bắc Hà

12 nhân viên thuộc cấp của ông Trần Bắc Hà vừa bị đề nghị truy tố bị can trong vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng.
Truyền thông trong nước, vào ngày 24/3 cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra, thuộc Bộ Công an mới hoàn tất hồ sơ Kết luận điều tra số 22/CSKT-P13 và chuyển sang Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cáo với đề nghị truy tố như vừa nêu.
Trong vụ án này, hồi cuối năm 2018, Cơ quan cảnh sát điều tra đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015. Ông Trần Bắc Hà tử vong trong trại giam sau 7 tháng bị tạm giam.
Theo kết luận vừa hoàn tất của Cơ quan Cảnh sát điều tra, có 8 nhân viên thuộc cấp của ông Trần Bắc Hà bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo khoản 4, Điều 206, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa, Lê Thị Vân Anh, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam và Ngô Duy Chính. Bốn nhân viên khác bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4, Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng, Đoàn Hồng Dũng và Nguyễn Thị Thanh Sơn.
Tất cả 12 người vừa bị đề nghị truy tố bị can đã từng hoặc đang giữ các chức vụ quản lý từ trưởng phòng cho đến tổng giám đốc các công ty và ngân hàng.
Riêng con trai ông Trần Bắc Hà, là bị can Trần Duy Tùng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phú) đang bị truy nã được Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra. Nguyên nhân được nói là do hết thời hạn điều tra nên cơ quan điều tra đã tách vụ án đối với hàng loạt hành vi của các công ty và những người khác để tiếp tục điều tra.
Cơ quan điều tra cho hay bị can Trần Duy Tùng bị phát hiện có dấu hiệu của tội rửa tiền khi gửi trái phép 10,4 triệu USD tiền mặt vào ngân hàng ở nước ngoài. Cơ quan điều tra sẽ phục hồi điều tra vụ án khi bắt được bị can Trần Duy Tùng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/12-people-suggested-to-be-prosecuted-in-tran-bac-ha-case-03242020084209.html

Hà Nội tiếp tục có mức ô nhiễm bụi mịn PM2.5

cao nhất cả nước

Hà Nội ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất cả nước tính từ ngày 13/3 tới nay.
Báo Vietnamplus loan tin ngày 24/3, trích nguồn từ Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo Tổng cục Môi trường, từ ngày 13-20/3, Hà Nội có 4/7 ngày trong tuần bị ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Trong đó, ngày 16/3, ô nhiễm ở mức khá cao, vượt gấp 2 lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Cụ thể, dựa vào kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại thủ đô Hà Nội có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém, tức AQI từ 101-150 và 1 ngày có chất lượng không khí ở mức xấu, AQI từ 151-200.
Ngoài Hà Nội là khu vực tiếp tục bị ô nhiễm cao nhất, các thành phố Hạ Long, Việt Trì và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có giá trị thông số PM2.5 cao hơn khu vực thành phố Huế và Nha Trang với chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt AQI dưới 50 và trung bình AQI từ 51-100.
Theo Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí tại các đô thị vừa nêu hiện chỉ được đánh giá dựa trên kết quả quan trắc tại 13 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục đặt tại Hà Nội; còn tại Việt Trì, Hạ Long, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi thành phố chỉ có 1 trạm.
Trước tình hình này, Bộ Tài nguyên và Môi trường vào ngày 23/3 đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về dự án xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-continues-to-have-highest-level-of-pm2point5-fine-dust-pollution-in-vn-03242020105042.html

Mỗi năm 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo

bị giết lấy thịt tại Việt Nam

Mỗi năm tại Việt Nam, có đến 5 triệu con chó và 1 triệu con mèo bị giết lấy thịt.
Thông tin vừa nêu do Tổ chức Bảo vệ Động vật Toàn cầu FOUR PAWS công bố theo nghiên cứu và điều tra vào tháng 2/2020.
Nếu tính chung Việt Nam, Campuchia và Indonesia, thì số lượng chó và mèo bị giết để lấy thịt mỗi năm ước tính lên đến 10 triệu chó và mèo bị giết để lấy thịt mỗi năm.
Theo FOUR PAWS, mặc dù việc ăn thịt chó và mèo không bị cấm nhưng nguồn gốc cũng như việc giết thịt chó mèo lại thường bất hợp pháp.
Do lợi nhuận mang lại cho người buôn bán thịt chó và mèo, những chú thú cưng đã và đang bị trộm rồi sau đó bị giết để lấy thịt.
Tổ chức này cho rằng, hoạt động đó tiềm ẩn những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe con người. Việc ăn thịt động vật không rõ nguồn gốc sẽ là nguyên nhân gây bệnh dịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Cũng theo FOUR PAWS, thịt chó và mèo có thể dễ dàng tìm thấy trong các nhà hàng và ngoài chợ. Người mua chủ yếu là người địa phương nhưng cũng có thể là du khách. Có tới 60% người dân ở thủ đô Hà Nội đã ăn thịt chó ít nhất một lần trong đời, tuy nhiên chỉ có 11% ăn thường xuyên.
Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu chỉ ra có 14% dân số tại đây đã từng ăn thịt chó ít nhất một lần và 1,5% ăn thường xuyên.
Nghiên cứu cho thấy, ăn thịt chó, mèo ở Việt Nam chủ yếu là đàn ông. Nhu cầu này tăng cao ở phía Bắc. Phần lớn họ không hề quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ của chúng. Nhiều người cho rằng, thịt 2 loài động vật này có đặc tính chữa bệnh, một số còn có quan niệm ăn thịt chó mèo để giải xui xẻo.
Tổ chức FOUR PAWS đã phát động một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia, để chấm dứt hoàn toàn vấn nạn buôn bán thịt chó và mèo tàn bạo ở Đông Nam Á. Mục tiêu của tổ chức này là hợp tác với chính phủ các nước Đông Nam Á đưa ra điều luật nhằm chấm dứt việc bắt, giết mổ và tiêu thụ thịt chó và mèo.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/estimated-five-million-dogs-and-one-million-cats-are-slaughtered-for-their-meat-each-year-in-vn-03242020083027.html

Bến Tre: trùng tu tượng đài dù hạn, mặn khốc liệt!

Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre vừa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, chuyển chất liệu tượng đài Đồng Khởi Bến Tre.
Được biết, dự án này do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện từ năm 2019 – 2021.
Trong đó, phần tượng đài gồm bà mẹ Bến Tre và 4 nhân vật đại diện nhân dân Bến Tre được đục từ đá granite nguyên khối cao 4,5-7 mét.
Mức kinh phí chi cho dự án chưa được truyền thông trong nước nhắc tới, nhưng theo ước tính từ giá trị đá granite nguyên khối, dự án này không thể có mức dưới hàng chục tỉ đồng.
Điều gây phản ứng mạnh từ người quan tâm trước quyết định vừa nêu là tình trạng Bến Tre, một tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đang bị thiếu nước ngọt trầm trọng do hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề.
Trao đổi với RFA tối 23/3, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chuyên gia Biến đổi Khí hậu và Tài nguyên nước Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng:
“Tôi nghĩ rằng giai đoạn hiện nay nếu tôi có khuyến cáo thì chính quyền nên tập trung vấn đề thiếu nước ngọt, xâm nhập mặn, và đồng thời ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Đó là những ưu tiên hơn so với sửa sang hay xây dựng tượng đài như vậy. Có thể có những công trình đó nhưng không nên trong giai đoạn này.”
Nói rõ hơn tình trạng hạn mặn tại Bến Tre hiện nay cũng như nguyên nhân vì sao chưa nên xây dựng tượng đài, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn nhận định:
“Mặn đã tới từ rất sớm và vào rất sâu trong năm nay. Bây giờ những nhà máy cấp nước ở Bến Tre nước mặn vẫn rất cao mà xử lý ở mức độ trong hệ thống nước cấp đã mặn rồi nên rất khó khăn. Người dân hoặc xe bồn phải đi chở nước từ nơi xa tới khu cấp nước cho người dân cầm cự cho tới khi mùa mưa
tới. Hiện nay chính quyền ráng nỗ lực giải quyết vấn đề nước uống cho người dân, còn cho sản xuất nông nghiệp là chịu thua rồi. Bây giờ vấn đề lo nước uống cho người dân là quan trọng, còn cây trồng nào không chịu nổi thì phải chấp nhận chịu thiệt hại.”
Xác nhận tình trạng hạn mặn vừa nêu, anh Huệ, người dân ở ấp 1 xã Phú Nhuận, tỉnh Bến Tre cho hay:
“Hiện tại mặn dữ lắm, cây cối, tôm cá chết muốn láng hết. Nếu tình hình mặn kéo dài kiểu này cây trái miền Tây chắc chết hết chứ sống không nổi. Hiện tại cũng còn khả năng cầm cự, nếu mưa xuống sớm còn khả năng chứ mưa trễ cây cối chắc chết hết, chịu hết nổi. Mặn mà 20 mươi mấy, 30 mấy phần ngàn sao chịu nổi.”
Vẫn theo anh Huệ, trước tình hình trên, phía chính quyền cũng đang phần nào hỗ trợ người dân:
“Nước ngọt người dân xài nước giếng với chính phủ cho mấy ông ở Ủy ban cung cấp nước ngọt cho miễn phí, người dân tới lấy nước xài vì giờ không còn cách nào. Chứ nước ngọt mà cũng không có chắc dân miền Tây chết hết.”
Theo báo trong nước đưa tin, nguồn nước mặn tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã xâm nhập sâu vào nội đồng với mức độ được nói là xấp xỉ năm 2015, 2016, là những năm được đánh giá hạn mặn lịch sử.
Phòng Nông Nghiệp huyện Ba Tri công bố khảo sát cho biết có gần 4.500 hécta lúa Đông Xuân đang chịu thiệt hại nặng nề, phần lớn đều đã bị nhiễm mặn. Trong số này có tới hơn 15% diện tích bị chết, phần còn lại không phát triển do nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Bên cạnh tình trạng hạn mặn đang ngày càng trầm trọng, giới chức tỉnh Bến Tre hôm 23/3 cũng đã ra quyết định cách ly 450 hộ dân với gần 1.600 người tại ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại sau khi một người dân đầu tiên ở đây được xác định dương tính với COVID-19 hôm 22/3.
Trước những khó khăn mà người dân đang phải gánh chịu hiện nay, nhưng chính quyền vẫn muốn thực hiện dự án trùng tu tượng đài, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội bày tỏ:
“Trong lúc hạn mặn cũng như đất nước còn rất nhiều vấn đề mà người dân, người nông dân cần chính quyền tiết kiệm chi tiêu, dành đầu tư nhiều hơn cho các công trình hữu ích mà chính quyền cứ đi xây tượng đài phản ánh vấn đề chính quyền vô cảm, hơi dửng dung với cuộc sống người dân. Có cảm giác như chỉ có một đảng nên họ không sợ trách nhiệm gì. Mình cứ đặt địa vị nếu đất nước đa đảng, một chính đảng cầm quyền ra một quyết sách lãng phí như vậy chắc chắn kì sau người dân không bầu. Nhưng ở đất nước độc đảng như ở Việt Nam thì rõ ràng họ làm nhưng không sợ vướng mắc, dư luận hay bất cứ gì cản trở họ.”
Việc các tỉnh, thành xây dựng các tượng đài với kinh phí lên đến hàng tỉ không còn là chuyện mới mẻ ở Việt Nam hiện nay. Điển hình như tượng Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng ở Quảng Nam 430 tỉ, tượng đài Hồ Chí Minh ở Sơn La 1.400 tỉ, hay tượng đài N’Trang Long được ước tính có kinh phí lên đến 146 tỉ đồng tại Đak Nông, một tỉnh nghèo vùng Tây nguyên. Mới đây nhất là tượng đài Lênin ở Nghệ An với kinh phí hơn 8 tỉ đồng.
Ngoài việc tiêu tốn hàng tỉ đồng kinh phí xây dựng, chất lượng công trình cũng là điều nhiều người quan tâm. Đơn cử một công trình ở Quảng Ninh bị sét đánh bật ra thì bên trong toàn bằng tre, hay tượng đài Điện Biên Phủ bao nhiêu tấn đồng giờ rỉ sét…
Vì vậy, nhà hoạt động Lã Việt Dũng từ Hà Nội nhận định rằng việc xây, sửa, nâng cấp tượng đài hay rất nhiều việc khác liên quan đến tượng đài như ở Việt Nam làm đều tốn tiền vô ích chứ không giải quyết vấn đề gì hữu ích cho người dân.
“Rõ ràng động cơ việc xây tượng đài cũng như các việc phù phiếm khác như vụ việc Hải Phòng gần đây tặng ấm chén cho người dân gần 300 tỷ, thì việc họ có trục lợi, tham nhũng, bớt xén hay không thì người dân Việt Nam biết thừa việc đấy rồi.”
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ben-tre-restoration-of-monument-despite-the-drought-fierce-salty-03232020142659.html

Ông Lê Thanh Hải bị cách chức bí thư

nhiệm kỳ 2010-2015: Người dân Thủ Thiêm nói gì?

Bị kỷ luật không đúng mức?
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đảng cộng sản Việt Nam được truyền thông trong nước, vào ngày 20/3, dẫn quyết định thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 cùng hai vị lãnh đạo bao gồm ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư Thành uỷ và ông Lê Hoàng Quân, cựu Chủ tịch thành phố.
Tin cho biết quyết định kỷ luật được ban hành vừa nêu là do liên quan đến vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án Đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nhiều hộ dân ở Thủ Thiêm nằm ngoài ranh giới diện tích quy hoạch, đã bị cưỡng chế đất đai, nhà cửa trong suốt hai thập niên đi khiếu nại, khiếu kiện đều tố cáo ông Lê Thanh Hải phải chịu trách nhiệm chính cho những sai phạm trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cô Nguyễn Thùy Dương, một người theo dõi sát sao vụ việc tranh chấp giữa người dân Thủ Thiêm với chính quyền địa phương, vào tối ngày 23/3 lên tiếng với RFA về thông tin mới nhất liên quan ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015:
Ông Lê Thanh Hải có nợ máu với dân oan Thủ Thiêm, quận 2. Tại vì ông đã chỉ đạo ông Tất Thành Cang dùng bàn tay sắt để cưỡng chiếm nhà đất của dân. Nói chung là ông ấy đã lấy đất của hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm mà không có quyết định thu hồi đất, rồi sau đó đem bán, đem chia cho các sân sau kiếm lời. Hiện nay ông ấy làm thiệt hại cho nhà nước 8 ngàn tỷ đồng, theo Kết luận 1483. Nhưng thực chất trong dự án Thủ Thiêm này, ông ấy thu lợi và bỏ túi theo chúng tôi tính thì phải cả trên 100 ngàn tỷ đồng. Do đó, tại sao làm lỗ cho nhà nước có 8 ngàn tỷ? Điều này không thể chấp nhận được. Người dân Thủ Thiêm chúng tôi mong rằng Bộ Chính trị phải xử lý ông ấy đích đáng, phải khởi tố vụ án hình sự
-Ông Cao Thăng Ca

“Chúng tôi đánh giá rằng đây có khả năng là một động thái để họ mở đường cho việc sẽ kỷ luật, hay những biện pháp trừng trị thích đáng đối với những người có trách nhiệm trực tiếp. Nhưng chúng tôi cũng đề phòng lo ngại đây chỉ là một hình thức kỷ luật cho có? Cho nên, hiện giờ húng tôi cẩn trọng trước mọi thông tin, chỉ chờ đợi thôi chứ không có hy vọng.”
Còn những người dân Thủ Thiêm đã mất nhiều năm ngược xuôi khiếu kiện từ cơ quan chính quyền cấp thấp cho đến cấp Trung ương chia sẻ với RFA rằng mức kỷ luật như thế đối với ông Lê Thanh Hải là không thích đáng. Điều họ trông chờ là ông Lê Thanh Hải phải bị đưa ra khởi tố hình sự cho những việc ông đã làm đối với người dân Thủ Thiêm. Ông Cao Thăng Ca trình bày:
Ông Lê Thanh Hải có nợ máu với dân oan Thủ Thiêm, quận 2. Tại vì ông đã chỉ đạo ông Tất Thành Cang dùng bàn tay sắt để cưỡng chiếm nhà đất của dân. Nói chung là ông ấy đã lấy đất của hàng ngàn hộ dân Thủ Thiêm mà không có quyết định thu hồi đất, rồi sau đó đem bán, đem chia cho các sân sau kiếm lời. Hiện nay ông ấy làm thiệt hại cho nhà nước 8 ngàn tỷ đồng, theo Kết luận 1483. Nhưng thực chất trong dự án Thủ Thiêm này, ông ấy thu lợi và bỏ túi theo chúng tôi tính thì phải cả trên 100 ngàn tỷ đồng. Do đó, tại sao làm lỗ cho nhà nước có 8 ngàn tỷ? Điều này không thể chấp nhận được. Người dân Thủ Thiêm chúng tôi mong rằng Bộ Chính trị phải xử lý ông ấy đích đáng, phải khởi tố vụ án hình sự.”
Lo ngại của người dân Thủ Thiêm
Một số người dân Thủ Thiêm Đài RFA tiếp xúc nhấn mạnh rằng họ đang trông mong từng ngày từng giờ được đối thoại và làm việc với Chính quyền quận 2 và Chính quyền TP.HCM để giải quyết rốt ráo vấn đề khuất tất liên quan nhà cửa, đất đai đã bị cưỡng chế tại khu đất 4,39ha, thuộc khu phố 1 phường Bình An và tại 5 khu phố thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh là nằm trong hay nằm ngoài ranh giới quy hoạch? Theo bản đồ quy hoạch thì người dân Thủ Thiêm có bằng chứng chứng minh tài sản bị cưỡng chế của họ là nằm ngoài ranh giới và việc thu hồi là trái quy định pháp luật.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân hồi trung tuần tháng 12 năm ngoái yêu cầu Chính quyền quận 2 tập trung giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo hướng có lợi nhất cho người dân và sẽ được giải quyết dứt điểm trong năm 2019. Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của Văn phòng UBND TP.HCM hồi giữa tháng 2/2020 cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan đã yêu cầu UBND quận 2 tập trung giải quyết và phải hoàn thành trước tháng 6 năm nay.
Theo những người dân khiếu nại, khiếu kiện ở Thủ Thiêm thì việc giải quyết tranh chấp giữa người dân và chính quyền địa phương vẫn chưa có hồi kết, mà ông Lê Thanh Hải đã nhận quyết định kỷ luật cách chức nguyên Bí thư Thành ủy. Họ cho rằng quyết định kỷ luật này đồng nghĩa với việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã mặc nhiên kết luận sai phạm, vi phạm của ông Hải chỉ ở một mức độ nhất định mà thôi. Ông Nguyễn Văn Lung, một cư dân Thủ Thiêm còn lưu ý:
“Bên Đảng kỷ luật thì cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015. Như vậy, trước nhiệm kỳ này, ông Hải vẫn là Bí thư mà vì ông Hải làm Bí thư hai nhiệm kỳ. Trước đó, ông hải làm Chủ tịch UBND TP.HCM. Do đó, chức nguyên Chủ tịch vẫn còn. Nên nhớ rằng ông Hải là Ủy viên Trung ương 3 nhiệm kỳ và Ủy viên bộ Chính trị 2 nhiệm kỳ. Bây giờ chỉ cách chức nguyên Bí thư thôi, nhưng ông Hải vẫn còn là đảng viên cao cấp. Theo quan điểm của tôi, nhất là đảng viên cao cấp vẫn còn tồn tại thì làm sao chính quyền xử lý được?”
Ông Cao Thăng Ca cho biết thêm:
Bên Đảng kỷ luật thì cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015. Như vậy, trước nhiệm kỳ này, ông Hải vẫn là Bí thư mà vì ông Hải làm Bí thư hai nhiệm kỳ. Trước đó, ông hải làm Chủ tịch UBND TP.HCM. Do đó, chức nguyên Chủ tịch vẫn còn. Nên nhớ rằng ông Hải là Ủy viên Trung ương 3 nhiệm kỳ và Ủy viên bộ Chính trị 2 nhiệm kỳ. Bây giờ chỉ cách chức nguyên Bí thư thôi, nhưng ông Hải vẫn còn là đảng viên cao cấp. Theo quan điểm của tôi, nhất là đảng viên cao cấp vẫn còn tồn tại thì làm sao chính quyền xử lý được
-Ông Nguyễn Văn Lung
“Tôi đã trực tiếp nói với ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban TP.HCM cũng như ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban TP.HCM rằng cách giải quyết khiếu nại Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ cho biết ai là tàn dư của nhóm lợi ích. Nếu trường hợp các ông ấy giải quyết theo kiểu đó thì rõ ràng các ông chứng minh cho mọi người thấy các ông là tàn dư của nhóm lợi ích Lê Thanh Hải. Thành ra, chúng tôi cũng đã kiến nghị với Chính phủ và với Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng là phải xử lý người giải quyết khiếu nại sai nặng gấp hai lần những người vi phạm trước đó.”
Đài RFA ghi nhận bên cạnh thông tin Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành quyết định kỷ luật đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 cùng hai cựu lãnh đạo, truyền thông quốc nội vào trung tuần tháng 3 cho biết Chính quyền TP.HCM cho khởi động dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đẩy nhanh tiến độ một số dự án đầu tư xây dựng quan trọng, cũng như triển khai các dự án bất động sản trong thời gian tới.
Những người dân Thủ Thiêm như ông Cao Thăng Ca, ông Nguyễn Văn Lung chia sẻ với RFA rằng trong khi chính quyền chưa giải quyết dứt điểm những tranh chấp của người dân Thủ Thiêm, mà các nhà đầu tư tham gia vào những dự án hạng mục nào dính dáng tới vụ việc tranh chấp thì chính họ tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/former-secretary-le-thanh-hai-disciplined-what-thu-thiem-residents-concern-03232020160139.html

Nỗi lo về hoạt động

của tình báo Trung Quốc ở Việt Nam

Phạm Xuân Khai
Tham vọng trở thành số một
Trung Quốc với tham vọng trở thành siêu cường đã nỗ lực tối đa để đuổi kịp và vượt Mỹ trong tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, để vượt Mỹ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ cũng như quốc phòng thì không phải là điều đơn giản. Và cách ngắn nhất để Trung Quốc đuổi kịp Mỹ là phải “đi tắt”, đó là sử dụng lực lượng tình báo.
Tình báo Trung Quốc hoạt động ráo riết
Gần đây, nhà chức trách Hoa Kỳ đã liên tục cảnh báo tình trạng tình báo Mỹ xâm nhập và đánh cắp các thông tin về khoa học công nghệ và trong lĩnh vực quốc phòng.
Đầu năm nay, một Giáo sư danh tiếng tại Trường đại học số 1 thế giới là Harvard đã bị khởi tố vì vi phạm luật của Hoa Kỳ, liên quan đến nhận khoản tiền hàng triệu USD bất minh từ Trường đại học Công nghệ Vũ Hán, Trung Quốc.
Trước đó, cuối năm 2019, một hướng dẫn viên du lịch Hoa Kỳ cũng bị toà án kết tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
Hồi năm 2014, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không và không gian người gốc Hoa đã từng làm việc tại NASA, đã bị FBI khởi tố vì cung cấp hàng loạt bí mật công nghệ quốc gia cho tình báo Trung Quốc.
Đây chỉ là vài ví dụ trong hơn 1000 vụ tình báo Trung Quốc hoạt động mà Cơ quan Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) đang điều tra.
Năm 2018, FBI đã thành công trong việc “giăng lưới” bắt được Cục phó của Cơn quan tình báo tỉnh Giang Tô, vốn là một cơ quan trực thuộc cơ quan tình báo lớn nhất và quyền lực nhất Trung Quốc với tên gọi Bộ An ninh Nội địa (MSS).
Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất, cho dù là mục tiêu quan trọng nhất của tình báo Trung Quốc. Nhiều quốc gia khác cũng phải đau đầu với việc tìm các biện pháp chống lại các hoạt động tình báo này của Trung Quốc.
Thêm nữa, đánh cắp bí mật công nghệ không phải là mục tiêu duy nhất của tình báo Trung Quốc. Tình báo Trung Quốc còn quan tâm đến việc “chi phối” các vấn đề vào các cơ quan chính trị của nhiều quốc gia để phục vụ cho ý đồ của Bắc Kinh.
Điển hình kể tới như trường hợp của Australia, báo cáo chính thức của giới chức nước này cho thấy, tình báo Trung Quốc đã can thiệp bằng cách chi 1 triệu USD để giúp vận động tranh cử trong Quốc hội Australia.
Hay như trường hợp Đài Loan, đảo quốc này luôn nằm trong tầm ngắm của cơ quan tình báo Trung Quốc. Năm 2014, một loạt tướng tá của Quân đội Đài Loan, trong đó có Cựu Phó Đô đốc Hải quân Đài Loan, đã vướng vòng lao lý vì liên quan đến cung cấp thông tin quân sự và quốc phòng cho tình báo Trung Quốc.
Các hoạt động của tình báo Trung Quốc diễn ra rất đa dạng và phức tạp. Hoạt động tình báo có thể với mục đích đánh cắp các bí mật công nghệ như: bí mật an ninh, quốc phòng; ám sát hoặc can thiệp vào nội bộ chính trị của một quốc gia nào đó. Phương thức hoạt động tình báo có thể là dùng con người để thâm nhập hoặc dùng tin tặc để tấn công, chiếm đoạt các dữ liệu hay tấn công mạng để gây thiệt hại cho đối phương.
Một số loại hình nhân viên tình báo Trung Quốc thường sử dụng
Riêng về hoạt động tình báo sử dụng con người thâm nhập, tờ The National Interest đã tổng kết có 5 loại hình mà các nhân viên tình báo Trung Quốc hay thực hiện để thu thập tin tức, đó là:
Đội ngũ tình báo viên Trung Quốc thường hay đội lốt dưới cái mác “nhân viên ngoại giao, tuỳ viên quân sự hay là các phóng viên”. Trong các cơ quan đại diện ngoại giao Trung Quốc luôn có các nhân viên tình báo trong vai các tuỳ viên quân sự hay chính trị. Ngoài ra, các phóng viên từ các cơ quan thông tấn quốc gia Trung Quốc cũng luôn có các nhân viên tình báo đội lốt mà Tân Hoa Xã (Xinhua Agency) hay Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) là những cơ quan tiêu biểu.
Các hoạt động gieo mầm. Có nghĩa là giới chức tình báo Trung Quốc đã đào tạo những nhân viên tình báo của họ từ rất sớm. Từ những nhân viên tình báo này, họ sẽ tiếp tục “tuyển dụng” (thuật ngữ trong ngành tình báo để chỉ việc kết nạp và lôi kéo thêm người cộng tác cho mình) các cộng tác viên mới, mà các cộng tác viên này hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Sử dụng các Viện nghiên cứu với đội ngũ “học giả”. Hầu hết để dễ tiếp cận các “con mồi”, đặc biệt trong việc đánh cắp các bí mật công nghệ, các nhân viên tình báo Trung Quốc thường “đội lốt” các học giả tại các Viện nghiên cứu của Trung Quốc, tiếp cận mục tiêu bằng cách mời đến Trung Quốc dự các hội thảo khoa học, chi trả một cách hào phóng cho các khoản tiền đi lại, ăn ở khi tới tham dự hội thảo tại Trung Quốc.
Sử dụng dưới danh nghĩa nhân viên chính quyền địa phương. Để dễ tiếp cận mục tiêu khi các mục tiêu tới thăm Trung Quốc, nhân viên tình báo Trung Quốc cũng thường “đội lốt” là các nhân viên của một cơ quan nghiên cứu nào đó của thành phố hay tỉnh đó ở Trung Quốc để tạo sự tin tưởng nơi họ.
Thông qua các đội ngũ doanh nhân trong nước và hải ngoại. Những trường hợp tiếp cận khó khăn như trong vụ “vận động” bầu cử Quốc hội Australia hay “mua” bí mật quân sự và quốc phòng từ Đài Loan, các nhân viên tình báo Trung Quốc đã thông qua nhân vật trung gian là các thương gia Hoa Kiều Trung Quốc hoặc các thương gia Hoa Kiều ở hải ngoại.
Những năm gần đây, mặc dù bị nhận xét là sử dụng các biện pháp “thô thiển”, nhưng tình báo Trung Quốc vẫn thu được rất nhiều thành công đáng kể. Thậm chí kể cả cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) vẫn “dính bẫy” của họ như thường. Và vũ khí tuy cổ điển nhưng hữu hiệu của họ chính là “Tiền và gái”.
Nỗi lo ở Việt Nam
Như đã trình bày ở trên, hoạt động tình báo của Trung Quốc rất đa dạng và phức tạp. Địa bàn hoạt động của họ trải dài khắp các châu lục và các quốc gia. Một số ví dụ cụ thể nêu trên đã cho thấy tầm vóc và sự nguy hiểm của tình báo Trung Quốc đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở những quốc gia “đối nghịch” với Trung Quốc.
Trong bối cảnh đó, phải nói rằng, Việt Nam là một trong những địa bàn mà tình báo Trung Quốc quan tâm bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á hiện nay. Một mặt, Việt Nam là quốc gia có những tranh chấp lãnh thổ trực tiếp với Trung Quốc. Mặt khác, Việt Nam cũng là quốc gia có lịch sử đấu tranh và xung đột với Trung Quốc hàng ngàn năm. Người dân Việt Nam ít có cảm tình với Trung Quốc, nếu không muốn nói là tâm lý “chống Trung Quốc”, “bài Trung Quốc” diễn ra rất lớn với đại bộ phận dân chúng hiện nay. Chính vì vậy, việc nắm được các bí mật kinh tế, quốc phòng, quan hệ quốc tế của Việt Nam luôn là mục tiêu thèm muốn của tình báo Trung Quốc. Chưa kể tới việc, Việt Nam dưới sự “uy hiếp” của Trung Quốc trên biển Đông, đã khiến Việt Nam đang thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ. Chính vì vậy, việc sử dụng lực lượng tình báo để “can thiệp” vào chính trường cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam sẽ là mục tiêu quan trọng của lực lượng tình báo của Trung Quốc.
Ngoài những vụ sử dụng tin tặc đánh sập mạng lưới điều khiển của sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất năm 2016, mà cho đến nay vẫn chưa thấy giới chức Việt Nam đưa ra kết luận nào, còn có nhiều vụ bị nghi là có “bàn tay đằng sau” của tình báo Trung Quốc. Ví dụ như vụ đập phá các công ty, xí nghiệp năm 2014 nhân sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng cho đến nay, vẫn không thấy các cơ quan an ninh hay tình báo nào của Việt Nam đưa ra cảnh báo gì.
Nhà nước Việt Nam vẫn hay tự hào rằng, trong quá khứ, họ đã có những nhân vật tình báo huyền thoại. Trước đây, Việt Nam có các cơ quan phụ trách an ninh là Tổng cục an ninh. Cựu Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã từng là Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh trước đây. Về tình báo, hai cơ quan tình báo lớn nhất của Việt Nam là Tổng cục 5, Bộ Công an và Tổng cục II, Bộ Quốc phòng. Tổng cục II, Bộ Quốc phòng vẫn giữ nguyên tên gọi và tổ chức, nhưng Tổng cục An ninh và Tổng cục 5 đã bị thay đổi, chỉ còn các Cục phụ trách từng địa bàn và lĩnh vực chuyên môn.
Các cơ quan an ninh và tình báo ở Việt Nam có đặc quyền rất lớn, thậm chí bất chấp cả luật pháp. Ngoài ra, kinh phí để cho các cơ quan này hoạt động chắc chắn sẽ không nhỏ. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra hiện nay của người dân là mức độ hiệu quả trong các hoạt động của các cơ quan này tới đâu? Khi mà các hoạt động tình báo của Trung Quốc rầm rộ như vậy, nhưng không thấy sự lên tiếng nào của các cơ quan này. Có thể là do “uý kỵ” với sức mạnh của “thiên triều”, không muốn “chọc giận” Trung Quốc, nhưng cũng cần có các cảnh báo để mọi người có thể biết và đề phòng. Đây phải là cuộc “chiến tranh nhân dân” mà. Người dân có thể nghĩ, dường như, các cơ quan an ninh, tình báo Việt Nam chỉ có mục tiêu “ăn đất” như hàng hoạt tướng tá tình báo của công an và quân đội bị “dính líu” với việc tham nhũng đất công của Thượng tá tình báo Vũ “nhôm”. Hoặc nếu khác thì chỉ giỏi để “đập phá” lẫn nhau. Chứ mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lược của ngoại bang thì lại bị coi nhẹ.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/chinese-spy-in-vn-03242020121936.html

Việt Nam bác bỏ chỉ trích của Hoa Kỳ

về thành tích nhân quyền kém

Người phát ngôn Bộ Ngoại  giao Việt Nam, Lê Thị Thu Hằng, vào ngày 23 tháng 3 đã lặp lại quan điểm “Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”. Theo lời bà Hằng thì đây là chủ trương nhất quán của Hà Nội.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng được truyền thông trong nước dẫn lại  khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo nhân quyền thường niên năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Báo cáo được công bố hôm 11  tháng 3 vừa qua.
Nguyên văn lời bà Lê Thị Thu Hằng được mạng báo Thế Giới & Việt Nam dẫn lại như sau:
Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu các bước tiến của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ quyền con người. Bên cạnh đó Báo cáo vẫn còn một số nội dung thiếu khách quan dựa trên những thông tin không được kiểm chứng về thực tế tại Việt Nam…
Vào ngày 11/3 Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo Nhân quyền Quốc gia năm 2019. Trong phần Việt Nam, Washington chỉ trích thực trạng nhân quyền của Hà Nội  trong năm 2019 trên một loạt các lĩnh vực.
Báo cáo mới của Hoa Kỳ xác định các vi phạm của chính quyền Việt Nam trong các vấn đề bao gồm: bắt cóc, bắt giam người tùy tiện, tra tấn người bị bắt tạm giam, tình trạng đối xử bất công đối với các tù chính trị. Hạn chế nghiêm trọng nhất ở Việt Nam theo báo cáo chính là hạn chế các quyền tự do bao gồm tự do biểu đạt, tự do báo chí, tự do internet, và tự do tôn giáo. Hoa Kỳ cáo buộc chính quyền Việt Nam đã bắt giữ tùy tiện những người dám lên tiếng chỉ trích chính phủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-rejects-us-state-department-s-human-rights-report-03242020080625.html

LHQ chất vấn chính phủ Việt Nam:

 “Phạm Chí Dũng bị bắt vì kêu gọi hoãn EVFTA”

Minh Luật
Một nhóm các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã gửi kháng thư chất vấn chính phủ Việt Nam về việc bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, theo trang web lưu trữ Báo cáo truyền thông của Hội đồng Nhân quyền LHQ cập nhật vào hôm 22/3.
Kháng thư đề ngày 22/1/2020, được đăng tải công khai trên web của cơ quan này sau 60 ngày theo quy định, mô tả cáo buộc bắt giam ông Phạm Chí Dũng như là một hành động trả thù cho hoạt động tuyên truyền nhân quyền của ông.
Nội dung kháng thư cho biết, từ năm 2014, ông Phạm Chí Dũng, với tư cách là Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, đã xuất bản nhiều bài báo nhằm nâng cao mối quan tâm của công chúng Việt Nam về quyền con người, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền lao động và công đoàn độc lập, phản ánh các vấn đề bắt giam những người bảo vệ nhân quyền, và sự quấy rối đối với xã hội dân sự độc lập.
Đáng lưu ý, kháng thư dẫn lại nguồn tin cáo buộc nói rằng, ông Phạm Chí Dũng bị bắt vì đã gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Châu Âu (EVFTA).
Vào ngày 10/11/2019, hai tuần sau khi Ủy ban Thương mại của Nghị viện Châu Âu đến Việt Nam, ông Phạm Chí Dũng gửi thư kiến nghị kêu gọi Nghị viện Châu Âu hoãn phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn nhân quyền cụ thể. Tuần sau, ông Phạm Chí Dũng đã cho các đồng nghiệp biết, ông đã nghe thông tin từ những người trong Bộ Công an nói rằng ông ấy có nguy cơ bị bắt vì đơn kiến nghị”, kháng thư viết.
Đến ngày 21/11/2019, ông Phạm Chí Dũng đã bị bắt và bị khởi tố về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự.
Một bản tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an khi đó nói rằng “Phạm Chí Dũng đã có nhiều hoạt động công khai vi phạm pháp luật nghiêm trọng và rất nguy hiểm; tác động xấu đến sự ổn định xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, trật tự”.
Vụ việc gây quan ngại cho chuyên gia
Qua kháng thư, các chuyên gia nhân quyền LHQ bày tỏ sự quan tâm về việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng vì mối liên hệ trực tiếp đến các hoạt động thúc đẩy nhân quyền của ông, và khi bị giam giữ các quyền của ông đã không được đảm bảo.
Thực tế là ông Dũng bị giam giữ mà không được tiếp cận với gia đình hoặc luật sư của mình. Chúng tôi quan ngại rằng trong khoảng thời gian dài trước khi được phép liên lạc ra bên ngoài khiến ông ta có nguy cơ bị tra tấn hoặc bị đối xử tàn nhẫn và vô nhân đạo”, các chuyên gia nhân quyền LHQ bày tỏ.
Để làm rõ hơn về mối quan tâm này, các chuyên gia đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các cáo buộc, cũng như cung cấp các căn cứ pháp lý dẫn đến việc bắt giam ông Phạm Chí Dũng và giải thích việc giam giữ ông ấy tương thích như thế nào với tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Đồng thời, các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ Việt nam cung cấp những biện pháp đã được thực hiện nhằm đảm bảo cho các nhà nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền thực hiện công việc hợp pháp của họ trong một môi trường an toàn mà không bị đe dọa, quấy rối hoặc trả thù dưới bất kỳ hình thức nào.
Kháng thư cũng nhắc lại tại kỳ Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về Nhân quyền (UPR) lần thứ 3 của Việt Nam, một số quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam cần sửa đổi hoặc bãi bỏ điều 117 Bộ luật Hình sự về tội tuyên truyền chống nhà nước, và làm cho nó phù hợp hơn với luật nhân quyền quốc tế.
Trong khi chờ trả lời, các chuyên gia yêu cầu chính phủ Việt Nam cần thực hiện các biện pháp tạm thời cần thiết để tạm dừng các vi phạm bị cáo buộc và ngăn chặn sự tái diễn.
Kháng thư được đệ trình bởi 4 vị chuyên gia nhân quyền của LHQ là David Kaye, Báo cáo viên đặc biệt về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do biểu đạt; Leigh Toomey, Phó Chủ tịch Nhóm công tác về giam giữ tùy tiện; Clement Nyaletsossi Voule, Báo cáo viên đặc biệt về quyền tự do hội họp và lập hội, và Michel Forst, Báo cáo viên đặc biệt về tình hình những người bảo vệ nhân quyền.
Kháng thư là một hình thức giải quyết khiếu nại vi phạm nhân quyền thuộc Thủ tục đặc biệt của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Các cá nhân hay bất kỳ tổ chức xã hội dân sự nào khi có được thông tin cậy về các hành vi vi phạm nhân quyền của quốc gia có thể gửi đơn khiếu nại đến các chuyên gia nhân quyền của Liên Hợp Quốc. Từ thông tin khiếu nại này, các chuyên gia LHQ có thể can thiệp trực tiếp với chính phủ của quốc gia thông qua kháng thư chất vấn, làm rõ các cáo buộc vi phạm nhằm bảo vệ cho các nạn nhân.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/un-asked-vn-about-pham-chi-dung-arrest-after-he-call-for-evfta-delay-03242020123449.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.