Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin tức ngày – 24/03/2020

Tuesday, March 24, 2020 4:02:00 PM // ,

Tin tức ngày – 24/03/2020

Virus corona:

Cuộc chiến Mỹ-Trung phía sau cánh gà

Jonathan MarcusPhóng viên Chính trị
Rõ ràng đây không phải là thời gian thuận lợi cho thế giới và cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Tổng thống Trump nhắc đi nhắc lại cụm từ ‘virus Trung Quốc’, trong khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thì chọn cụm từ ‘virus Vũ Hán’, điều khiến TQ giận giữ.
Cả tổng thống và ngoại trưởng Mỹ đều chỉ trích Trung Quốc vì những thất bại trong xử lý dịch từ bước đầu. Nhưng người phát ngôn của Trung Quốc bác bỏ mọi ý kiến cho rằng họ không minh bạch về những gì đang diễn ra.
Virus corona: ‘Tôi hồi phục sau khi tự cách ly điều trị ở nhà’
Virus corona có thể sống trên các bề mặt bao lâu?
Virus corona: Khi nào hết dịch và cuộc sống trở lại bình thường?
Việt Nam chuẩn bị gì cho kỷ nguyên ‘hậu Covid-19’?
Virus corona: Bao lâu nữa thì có vaccine hay thuốc điều trị?
Trong khi đó, mạng xã hội ở Trung Quốc lan truyền những câu chuyện rằng đại dịch được gây ra bởi một chương trình chiến tranh virus của quân đội Hoa Kỳ; tin đồn đã đạt được sự chú ý đáng kể. Các nhà khoa học chứng minh rằng cấu trúc của virus này có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên.
Nhưng đây không chỉ là một cuộc chiến ngôn từ, một cái gì đó sâu sắc hơn đang diễn ra.
Đầu tháng này, khi Mỹ tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với khách du lịch từ nhiều quốc gia EU, bao gồm cả Ý, chính phủ Trung Quốc tuyên bố rằng họ đang gửi các đội ngũ y tế và thiết bị đến Ý, quốc gia hiện bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch virus corona. Trung Quốc cũng đã gửi trợ giúp cho Iran và Serbia.
Đó là một thời khắc mang tính biểu tượng. Và đó là một dấu hiệu của cuộc chiến thông tin đang diễn ra ở hậu trường, với Trung Quốc háo hức nổi lên từ cuộc khủng hoảng này với tư cách là một lãnh đạo toàn cầu.
Thật vậy, đó là một trận chiến mà Mỹ – vào lúc này – đang thua cuộc. Và việc Mỹ muộn màng gửi một trạm y tế di động nhỏ của Không quân Hoa Kỳ đến Ý hầu như không làm thay đổi điều này.
Đây là thời điểm mà hệ thống hành chính và chính trị của tất cả các quốc gia đang bị thử thách căng thẳng hơn bao giờ hết. Các nhà lãnh đạo sẽ bị thử thách hơn hết. Các nhà lãnh đạo hiện nay cuối cùng sẽ được đánh giá bằng cách họ nắm bắt thời điểm này như thế nào; sự rõ ràng trong đối thoại; và việc họ sắp xếp hiệu quả các nguồn lực của đất nước để đối phó với đại dịch.
Đại dịch xảy ra vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đã đi xuống. Một thỏa thuận thương mại không triệt để không đủ hàn gắn căng thẳng thương mại giữa hai nước. Cả Trung Quốc và Mỹ đang tái vũ trang, công khai chuẩn bị cho một cuộc xung đột tiềm năng trong tương lai ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc đã nổi lên, ít nhất là về mặt khu vực, với tư cách là một siêu cường quân sự theo đúng nghĩa. Và Trung Quốc hiện đang mong muốn vị thế rộng lớn hơn mà họ tin rằng vị thế quốc tế của mình đòi hỏi.
Đại dịch cũng đe dọa đẩy mối quan hệ Mỹ-Trung vào một giai đoạn thậm chí còn khó khăn hơn. Điều này có thể có một ý nghĩa quan trọng đối với bản thân cuộc khủng hoảng này và đối với một thế giới mới này sinh từ khủng hoảng. Khi đại dịch qua đi, sự hồi sinh kinh tế của Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp xây dựng lại nền kinh tế toàn cầu đang tan vỡ.
Nhưng hiện nay, sự trợ giúp của Trung Quốc là rất cần thiết trong việc chống lại virus corona. Dữ liệu y tế và kinh nghiệm cần phải tiếp tục được chia sẻ. Trung Quốc cũng là nhà sản xuất thiết bị y tế khổng lồ và các mặt hàng dùng một lần như mặt nạ và đồ bảo hộ, rất cần thiết trong điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm bệnh, cũng như các mặt hàng đỏi hỏi số lượng lớn.
Trung Quốc trên nhiều phương diện là xưởng sản xuất y tế của thế giới, có khả năng mở rộng sản xuất theo cách mà ít quốc gia khác có thể. Trung Quốc đang nắm bắt cơ hội, còn theo nhiều nhà chỉ trích của ông Trump thì chính ông là người đang làm vuột mất cơ hội.
Chính quyền Trump ban đầu đã không thừa nhận mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này, coi đây là một cơ hội khác để khẳng định “Nước Mỹ trước tiên” và cái được cho là hệ thống ưu việt của họ. Nhưng những gì đang bị đe dọa bây giờ là vị thế lãnh đạo toàn cầu.
Hai chuyên gia về châu Á, Kurt M Campbell – người từng làm trợ lý bộ trưởng ngoại giao về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Obama – và Rush Doshi, lưu ý trong một bài báo gần đây cho Bộ Ngoại giao Mỹ:
“Vị thế của Hoa Kỳ như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong bảy thập kỷ qua đã được xây dựng không chỉ dựa trên sự giàu có và quyền lực mà còn quan trọng, về tính hợp pháp trong quản trị đất nước, cung cấp hàng hóa cho toàn cầu, khả năng và tính sẵn sàng để điều phối và phối hợp một phản ứng toàn cầu đối với khủng hoảng. “
Đại dịch coronavirus, họ nói, “đang thử thách cả ba yếu tố nói trên của lãnh đạo Hoa Kỳ. Cho đến nay, Washington đang thất bại trong thử thách này. Khi Washington chùn bước, Bắc Kinh đang nhanh chóng tiến lên và khéo léo tận dụng cơ hội do những sai lầm của Mỹ tạo ra, lấp đầy khoảng trống để thể hiện mình là lãnh đạo toàn cầu trong ứng phó với đại dịch. “
Điều này rất dễ bị hoài nghi. Nhiều người có thể tự hỏi làm thế nào Trung Quốc có thể tìm kiếm lợi thế vào thời điểm này – Campbell và Doshi gọi đó là “tinh thần Chutzpah ” – dựa trên việc đại dịch này dường như đã bắt nguồn tại chính Trung Quốc. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng ở Vũ Hán vẫn là bí mật. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc đã sắp xếp các nguồn lực khổng lồ một cách hiệu quả và ấn tượng.
Như Suzanne Nossel, Giám đốc điều hành của tổ chức tự do báo chí PEN America, viết trong một bài báo trên trang web của Foreign Policy:
“Sợ rằng sự chối bỏ và cách quản lý sai lầm thời kỳ đầu đại dịch có thể gây ra bất ổn xã hội, Bắc Kinh hiện đã thực hiện một chiến dịch tuyên truyền trong nước và toàn cầu để thúc đẩy cách tiếp cận hà khắc của mình đối với dịch bệnh, làm nhẹ đi vai trò của mình trong việc gây ra dịch bệnh toàn cầu, và đi ngược lại những nỗ lực của phương Tây, đặc biệt là của Hoa Kỳ.”
Nhiều nhà bình luận phương Tây thấy Trung Quốc trở nên độc đoán và chủ nghĩa dân tộc hơn và sợ rằng những xu hướng này sẽ được thúc đẩy nhanh hơn do tác động của đại dịch và khiến nền kinh tế bị chậm lại. Nhưng tác động lên vị thế toàn cầu của Washington có thể còn lớn hơn.
Các đồng minh của Mỹ đang lưu ý. Họ có thể không chỉ trích chính quyền Trump một cách công khai, nhưng nhiều nước có sự khác biệt rõ ràng trong thái độ đối với Trung Quốc; tính bảo mật của công nghệ Trung Quốc (vấn đề Huawei nhiều tranh cãi); về Iran và các vấn đề khu vực khác.
Trung Quốc đang sử dụng khả năng cung cấp dịch vụ toàn cầu của mình trong đại dịch để cố gắng thiết lập các thông số cho một mối quan hệ khác trong tương lai – một mối quan hệ mà Trung Quốc có thể nhanh chóng trở thành “sức mạnh quan trọng”. Việc Trung Quốc liên kết chống dịch virus corona với các nước láng giềng gần – Nhật Bản và Hàn Quốc – và cung cấp các thiết bị y tế quan trọng cho EU, có thể đang nằm trong xu thế này.
Campbell và Doshi, trong bài báo viết cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đưa ra một so sánh về thất bại của Anh Quốc. Họ nói rằng kế hoạch chiếm kênh đào Suez của Anh thất bại vào năm 1956 “đã làm suy yếu quyền lực của Anh và đánh dấu sự kết thúc của triều đại Vương quốc Anh như một cường quốc toàn cầu”.
“Hôm nay,” họ nói, “các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nên nhận ra rằng nếu Hoa Kỳ không vươn lên để đáp ứng thời điểm này, đại dịch corona có thể đánh dấu một ‘khoảnh khắc Suez’ khác.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52014622

Reuters: Mỹ cắt chuyên gia CDC tại Trung Quốc

vài tháng trước khi virus bùng phát

Vài tháng trước khi đại dịch virus corona bắt đầu, chính quyền Trump đã cắt bỏ một vị trí y tế công cộng quan trọng của Mỹ ở Bắc Kinh và đây là vị trí nhằm giúp phát hiện dịch bệnh tại Trung Quốc, theo tiết lộ điều tra độc quyền của Reuters.
Theo đó, chuyên gia dịch bệnh người Mỹ, một nhà dịch tễ học tại cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, đã rời vị trí của mình vào tháng 7, Reuters dẫn bốn nguồn tin am tường cho biết.
Theo hãng tin này, những trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên có thể đã xuất hiện vào đầu tháng 11. Đến khi bùng phát nhiều ca nhiễm, chính quyền Trump vào tháng 2 đã chỉ trích Trung Quốc vì kiểm duyệt thông tin về sự bùng phát và không cho các chuyên gia Hoa Kỳ vào giúp đỡ.
“Rất đau lòng khi chứng kiến”, Reuters dẫn lời ông Bao-Ping Zhu, một người Mỹ gốc Hoa từng đảm nhiệm vị trí được tài trợ bởi Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ từ năm 2007 đến năm 2011, nói. “Nếu có ai ở đó, các giới chức y tế cộng đồng các quan chức và các chính phủ trên khắp thế giới có thể đã ứng phó nhanh hơn nhiều”.
Ông Zhu và các nguồn tin khác cho Reuters biết chuyên gia người Mỹ, Tiến sĩ Linda Quick, là chuyên gia đào tạo các nhà dịch tễ học tại Trung Quốc, vốn đã được đưa đến khu vực tâm dịch để giúp theo dõi, điều tra và ngăn chặn bệnh tật.
Theo các nguồn tin này, trong tư cách là một nhân viên CDC của Mỹ, bà Quick đã ở một vị trí lý tưởng để trở thành tai mắt cho Mỹ và các quốc gia khác về sự bùng phát của virus corona, và có thể đã cảnh báo họ về những mối đe dọa ngày càng tăng nhiều tuần lễ trước đó.
Không có chuyên gia dịch bệnh người nước ngoài nào được giao dẫn dắt chương trình sau khi bà Quick rời đi vào tháng 7, theo các nguồn tin của Reuters.
Ông Zhu cho biết một chuyên gia tại chỗ thường nhận được thông tin về bùng phát dịch sớm, sau khi đã có mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác Trung Quốc.
Ông Zhu và các nguồn tin khác nói rằng bà Quick có đã có thể cung cấp ngay thông tin cho Hoa Kỳ và các quan chức khác trên thế giới trong những tuần đầu tiên có dịch, thời điểm mà họ nói chính phủ Trung Quốc đã ngăn chặn việc tiết lộ thông tin và đưa ra những đánh giá sai lầm.
Bà Quick đã rời đi giữa lúc Hoa Kỳ và Trung Quốc đang có tranh chấp thương mại căng thẳng. Lúc đó, bà nhận được tin vị trí được liên bang tài trợ của bà, với chức danh chính thức là “cố vấn thường trú cho Chương trình đào tạo dịch tễ học của Hoa Kỳ tại Trung Quốc”, sẽ bị cắt vào tháng 9, các nguồn tin của Reuters cho biết.
CDC của Mỹ cho biết họ nhận tin về một nhóm 27 trường hợp viêm phổi có nguồn gốc không rõ nguyên nhân tại Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 31/12.
Kể từ đó, dịch bệnh được gọi là COVID-19 đã lan rộng nhanh chóng trên toàn thế giới, giết chết hơn 13.600 người và lây nhiễm hơn 317.000 người. Dịch đã làm các hệ thống chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Ý và có thể là Hoa Kỳ và các nơi khác, rơi vào tình cảnh chật vật ứng phó với các ca bệnh.
Trong cuộc họp báo vào Chủ nhật ngay sau khi điều tra của Reuters được công bố, Tổng thống Donald Trump đã bác bỏ thông tin của Reuters, cũng như những thông tin khác liên quan đến CDC mà ông mô tả là “sai 100%”, nhưng không đề cập đến việc liệu vị trí trên có bị cắt bỏ hay không.
Giám đốc CDC của Hoa Kỳ, Tiến sĩ Robert Redfield, thì khẳng định sự hiện diện của cơ quan này tại Trung Quốc “đang được tăng cường lúc chúng ta đang trao đổi”, mà không giải thích thêm.
Trong một tuyên bố gửi cho Reuters trước khi bài viết được công bố, CDC nói việc cắt bỏ vị trí cố vấn không cản trở khả năng lấy thông tin của Washington và “hoàn toàn không liên quan gì đến việc CDC không biết về các trường hợp nhiễm bệnh ở Trung Quốc trước đó”.
Cơ quan này cho biết quyết định không có cố vấn thường trú “bắt đầu từ trước mùa hè năm ngoái và do Trung Quốc có khả năng về kỹ thuật tuyệt vời và chương trình đã đáo hạn”.
CDC cho biết họ đã giao cho hai nhân viên người Trung Quốc của mình làm “cố vấn” cho chương trình đào tạo. Cơ quan này đã không trả lời các câu hỏi về vai trò hoặc chuyên môn cụ thể của các cố vấn.
CDC không cho phép bà Quick, người vẫn đang làm việc cho cơ quan, bình luận về việc này.
Khi được yêu cầu bình luận về tính minh bạch và khả năng ứng phó của Trung Quốc đối với dịch bệnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề nghị Reuters xem lại lời phát biểu của phát ngôn Cảnh Sảng cuối tuần trước.
Ông Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc “đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát chặt chẽ nhất, toàn diện nhất và triệt để nhất trong tinh thần cởi mở, minh bạch, có trách nhiệm và thông báo kịp thời về tình hình mới nhất cho tổ chức Y tế Thế giới và các quốc gia, khu vực có liên quan”.
Một chuyên gia về dịch bệnh nói với Reuters rằng ông hoài nghi về việc cố vấn thường trú của Hoa Kỳ có thể có được thông tin sớm hoặc tốt hơn cho chính quyền Trump, viện dẫn lý do chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ thông tin.
“Dựa vào hoàn cảnh tại Trung Quốc, điều đó có lẽ không tạo ra một sự khác biệt lớn nào”, nhà dịch tễ học Scott McNabb đã làm việc cho CDC 20 năm và hiện là giáo sư nghiên cứu tại Đại học Emory nói. “Vấn đề là cách Trung Quốc xử lý sự việc. Điều lẽ ra mang lại sự khác biệt là phía Trung Quốc nên thừa nhận sự việc sớm hơn nhưng [họ] không làm vậy”.
Cảnh báo từ CDC ở Trung Quốc
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ (HHS) Alex Azar hôm thứ Sáu cho biết cơ quan ông biết về virus corona vào đầu tháng 1, dựa trên các cuộc trò chuyện của ông Redfield với “các đồng nghiệp Trung Quốc”.
Ông Redfield biết được “đây có vẻ là một chủng virus corona” mới từ Tiến sĩ Gao Fu, người đứng đầu CDC Trung Quốc, Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Mỹ giấu tên cho biết.
“Tiến sĩ Redfield luôn luôn trò chuyện với Tiến sĩ Gao”, giới chức này nói.
HHS và CDC không cho phép ông Azar hay ông Redfield bình luận riêng với Reuters.
Ông Zhu và các nguồn tin khác nói với Reuters rằng các lãnh đạo Hoa Kỳ không nên dựa vào giám đốc CDC Trung Quốc trong việc thông báo và cập nhật tình hình. Theo họ, các quan chức ở Trung Quốc nhìn chung đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh trong những tuần lễ đầu và không thừa nhận bằng chứng lây truyền từ người sang người cho đến ngày 20/1.
Sau khi dịch bệnh bùng phát và Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp cách ly nghiêm ngặt, các giới chức chính quyền Trump mới phàn nàn về việc Trung Quốc kiểm duyệt thông tin dịch bệnh và Hoa Kỳ đã không thể đưa các chuyên gia dịch bệnh của Mỹ vào nước này nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan.
Ông Azar nói với CNN vào ngày 14/2 rằng ông và giám đốc CDC Redfield đã chính thức đề nghị gửi một nhóm CDC vào Trung Quốc vào ngày 6/1 nhưng chưa nhận được sự cho phép vào nước này. HHS là cơ quan giám sát CDC.
“Tiến sĩ Redfield và tôi đã đưa ra đề nghị vào ngày 6/1 – 36 ngày trước, khi có 60.000 ca nhiễm và 1.300 người chết”, ông Azar nói.
“Chúng tôi đã đề nghị gửi các chuyên gia CDC đến hỗ trợ các đồng nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu đến nơi đến chốn các câu hỏi quan trọng như dịch bệnh này có thể lây truyền như thế nào? Mức độ nghiêm trọng ra sao? Thời gian ủ bệnh bao lâu và có thể lây nhiễm khi chưa có triệu chứng hay không?
Vài ngày sau, Tổ chức Y tế Thế giới bảo đảm về việc có hai chuyên gia Mỹ trong nhóm chuyên gia được phép tới Trung Quốc. Nhóm này đã đến Trung Quốc từ ngày 16 đến ngày 24/2. Khi đó, Trung Quốc đã báo cáo hơn 75.000 ca nhiễm bệnh.
Vào ngày 25/2, ngày đầu tiên mà CDC nói với công chúng Mỹ về việc chuẩn bị cho dịch bệnh bùng phát tại Mỹ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã cáo buộc Trung Quốc xử lý sai dịch bệnh, thông qua việc kiểm duyệt truyền thống và các chuyên gia y tế.
Mối quan hệ giữa hai nước đã xấu đi kể từ đó, khi ông Trump gọi virus corona là “virus Trung Quốc”, hành động mà Trung Quốc lên án là “kỳ thị”.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc tuyên bố trục xuất các nhà báo Mỹ của New York Times, Washington Post và Wall Street Journal ra khỏi Trung Quốc.
Từng là “bạn”, nay thành “thù”
Theo các nguồn tin nói với Reuters, quyết định cắt bỏ công việc của bà Quick được đưa ra khi CDC thu hẹp số lượng nhân viên Mỹ tại Trung Quốc trong hai năm qua.
“Chúng tôi đã rút rất nhiều chuyên gia y tế công cộng”, một chuyên gia cho biết.
Tuy nhiên, CDC bác bỏ có vấn đề về nhân sự hay thông tin bị hạn chế do việc cắt giảm trên. “Đây không phải vấn đề thiếu hụt nhân sự đã làm hạn chế khả năng của chúng tôi”, cơ quan này khẳng định.
Nhóm CDC của Mỹ tại Bắc Kinh hiện bao gồm 3 công dân Mỹ trong vai trò thường trực, 1 người Mỹ tạm thời và khoảng 10 người quốc tịch Trung Quốc, cơ quan này cho biết thêm.
Trong số những người Mỹ, có 1 người là chuyên gia về cúm có chuyên môn về bệnh hô hấp. COVID-19 không phải là cúm, mặc dù nó có thể gây ra bệnh hô hấp nghiêm trọng.
Ngoài bà Quick, nhóm CDC được đặt tại các cơ sở của Đại sứ quán Hoa Kỳ. Không có nhân viên CDC nào của Mỹ ngoài bà Quick được đưa vào cơ quan kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, các nguồn tin cho biết.
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã báo cáo có sự chậm lại đáng kể trong các ca nhiễm mới, kết quả của các biện pháp ngăn chặn quyết liệt, bao gồm phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, nơi cư trú của 60 triệu người.
Tuy nhiên, các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói với Reuters rằng Hoa Kỳ có thể sử dụng những người như bà Quick với các liên hệ tại địa phương, đặc biệt là khi lo ngại về một đợt nhiễm dịch thứ hai xảy ra.
Thomas R. Frieden, cựu Giám đốc CDC, nói rằng nếu cố vấn thường trú của Hoa Kỳ vẫn còn ở Trung Quốc, thì “có thể chúng ta sẽ biết nhiều hơn về việc virus corona này lây lan như thế nào và cách nào hiệu quả nhất để ngăn chặn nó”.
Tiến sĩ George Conway, một nhà dịch tễ học quen biết bà Quick và từng làm cố vấn thường trú từ năm 2012 đến 2015, cho biết việc tài trợ cho vị trí này đã rất khó khăn trong nhiều năm vì một cuộc tranh luận lâu năm giữa các quan chức y tế Hoa Kỳ về việc có nên để Trung Quốc trả tiền cho chương trình đào tạo riêng cho nước này hay không.
Tuy nhiên, kể từ khi chương trình đào tạo được triển khai năm 2001, các nguồn tin am tường cho Reuters biết, nó không chỉ tăng cường chuyên môn cho hàng ngũ các nhà dịch tễ học Trung Quốc, mà còn thúc đẩy mối quan hệ đồng nghiệp giữa các giới chức y tế công cộng ở hai nước.
“Chúng tôi đến đó với tư cách là nhà ngoại giao có uy tín và trở về nhà với tư cách là đồng nghiệp thân thiết và thường là bạn bè”, Reuters dẫn lời ông Conway nói.
Năm 2007, Tiến sĩ Robert Fontaine, nhà dịch tễ học của CDC và là một trong những quan chức Hoa Kỳ phục vụ lâu nhất ở vị trí cố vấn, đã nhận được vinh dự cao nhất của Trung Quốc vì những đóng góp xuất sắc cho sức khỏe cộng đồng nhờ đóng góp của ông trong việc giúp phát hiện và điều tra các cụm bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân.
Nhưng kể từ năm ngoái, ông Frieden và những người khác cho biết căng thẳng gia tăng giữa chính quyền Trump và lãnh đạo Trung Quốc rõ ràng đã làm hỏng sự hợp tác.
“Thông điệp từ chính quyền là, ‘Đừng làm việc với Trung Quốc nữa, họ là đối thủ của chúng ta’”, ông Frieden nói.
Tối 22/3, chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump gửi một tuyên bố bác bỏ tranh cãi về việc cắt giảm vị trí ở CDC và cho đây là một vấn đề chính trị.
“Đảng Dân chủ đang muốn chính trị hóa cuộc khủng hoảng virus corona và vũ khí hóa nó để chống lại Tổng thống Trump”, bản tuyên bố nói. “Làm như vậy, họ đã đứng về phía Trung Quốc và cung cấp vỏ bọc cho việc giấu diếm của Bắc Kinh”.
https://www.voatiengviet.com/a/reuters-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%AFt-chuy%C3%AAn-gia-cdc-t%E1%BA%A1i-trung-qu%E1%BB%91c-v%C3%A0i-th%C3%A1ng-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-khi-virus-b%C3%B9ng-ph%C3%A1t/5341693.html

Ngoại trưởng Hoa kỳ gặp gỡ các đối thủ chính trị

của Afghanistan trong chuyến thăm Kabul

Tin từ KABUL, Afghanistan – Vào hôm thứ Hai (23/3), ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đến thủ đô của Afghanistan trong một chuyến thăm không được công bố trước để cố gắng cứu vãn một thỏa thuận lịch sử giữa Washington và Taliban, được ký kết vào tháng 2 nhưng bị hủy hoại bởi tranh chấp chính trị của các phe tại Afghanistan. Ông Pompeo đến thăm Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tại cung điện của ông trước khi gặp đối thủ chính trị Abdullah Abdullah, cả hai đều tuyên bố rằng họ là nhà lãnh đạo chính đáng của Afghanistan sau cuộc bầu cử bị tranh chấp hồi tháng 9.
Cuộc đối đầu của họ cản trở việc lựa chọn một nhóm đàm phán để đại diện cho chính phủ Afghanistan trong các cuộc đàm phán được lên kế hoạch với Taliban. Một viên chức cấp cao của Bộ Ngoại giao cho biết mục đích của chuyến thăm của ông Pompeo là cố gắng môi giới một giải pháp giữa hai người. Theo kế hoạch, ông Pompeo sẽ tổ chức các cuộc họp chung với cả hai đối thủ chính trị này. Chính phủ Afghanistan không phải là một bên tham gia thỏa thuận Hoa Kỳ – Taliban, được ký kết tại Doha vào ngày 29 tháng 2. Nhưng thỏa thuận này nhằm mở đường cho Taliban đàm phán với chính phủ Afghanistan và bao gồm một hiệp ước thu hồi các binh sĩ nước ngoài sẽ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ. Chính phủ Afghanistan và Taliban không bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức theo kế hoạch, do bị cản trở bởi sự bất đồng về việc thả tù nhân và cuộc đối đầu giữa ông Ghani và ông Abdullah.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/ngoai-truong-hoa-ky-gap-go-cac-doi-thu-chinh-tri-cua-afghanistan-trong-chuyen-tham-kabul/

Các trung tâm xét nghiệm coronavirus

dưới hình thức Drive-Thru thiếu hụt test kit trầm trọng

Tin từ Providence, Rhode Island – Tại Hoa Kỳ, các trạm xét nghiệm coronavirus dưới dạng Drive-thru đã được khai triển trên toàn quốc để giúp việc kiểm tra coronavirus cho người dân được diễn ra nhanh hơn và an toàn hơn. Tuy nhiên, hệ thống này đang hoạt động không đồng bộ, chậm trễ và thiếu hụt test kit. Nhiều người có triệu chứng bệnh hoặc có giấy giới thiệu của bác sĩ phải đợi vài tiếng đồng hồ hoặc vài ngày để làm xét nghiệm.
Theo hãng thông tấn AP đưa tin, hơn một tuần sau khi Tổng thống Trump hứa rằng các tiểu bang và cửa hàng bán lẻ sẽ mở các trạm kiểm Drive-thru, tuy nhiên vẫn có rất ít trạm hoạt động và vẫn chưa mở cửa cho công chúng. Một số tiểu bang đang để việc này cho các tổ chức tư nhân giải quyết, số khác đang phối hợp thực hiện thông qua các sở y tế tiểu bang. Các bệnh nhân phàn nàn rằng họ phải đi qua những thủ tục rườm rà và chờ đợi nhiều ngày để được kiểm tra, sau đó lại phải chờ đợi lâu hơn nữa để có kết quả. Ngoài ra, các trung tâm kiểm tra được mở ra tại một số nơi lại phải đóng cửa ngay sau đó vì thiếu nguồn cung cấp test kit và nhân viên.
Đối với một số trung tâm kiểm tra drive-thru đã mở cửa và vận hành có trật tự, nhiều hàng dài người dân có nhu cầu phải xếp hàng đợi để được xét nghiệm. Các địa điểm xét nghiệm Drive-thru đang xuất hiện tại hơn 30 tiểu bang tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, sự chậm chạp trong quá trình xét nghiệm COVID-19 và sự thiếu phối hợp hiện tại của hệ thống trên khiến các viên chức y tế khó theo dõi và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-trung-tam-xet-nghiem-coronavirus-duoi-hinh-thuc-drive-thru-thieu-hut-test-kit-tram-trong/

Thượng Viện vẫn bất đồng về dự luật

đối phó coronavirus trị giá 2 ngàn tỷ mỹ kim

Tin Washington DC – Vào thứ Hai, 23 tháng 3, đảng Dân Chủ đã lần thứ 2 liên tiếp ngăn cản  dự luật đối phó coronavirus trị giá 2 ngàn tỷ Mỹ kim tại Thượng Viện, trong bối cảnh các nhà lập pháp vẫn chỉ trích lẫn nhau vì sự thất bại của họ trong việc giảm nhẹ ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 49-46, thiếu rất nhiều so với 60 phiếu cần thiết để đưa dự luật vào vòng tranh luận sau cùng.
Vào sau cuộc bỏ phiếu, Lãnh đạo đa số Thượng Viện Mitch McConnell của Cộng Hòa cáo buộc đảng Dân Chủ đang cố tình cản trở dự luật. Ông McConnell chỉ trích rằng đảng Dân Chủ nói họ muốn giúp
người lao động được trả lương và mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, nhưng họ lại cố tình câu giờ và cản trợ dự luật hỗ trợ.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp Dân Chủ nói rằng dự luật của phe Cộng Hòa thiên vị quá nhiều cho các công ty, trong khi không hỗ trợ đầy đủ cho các nhân viên y tế và những người bị mất việc làm. Ví dụ, một số những công ty như hãng hàng không Boeing, Delta Air Lines., United Airlines, và General Electric sẽ hưởng lợi từ gói hỗ trợ $75 tỷ, nhưng vẫn sa thải nhân viên.
Ông Charles Schummer nói rằng đảng Dân chủ cũng muốn thêm các biện pháp bảo vệ cho người lao động, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp lên bốn tháng với mức bồi thường 100% và tăng hỗ trợ cho các bệnh viện, chính quyền tiểu bang và địa phương.
Sau tuyên bố của ông McConnell, lãnh đạo thiểu số Thượng Viện Charles Schummer của Dân Chủ khẳng định ông vẫn đang đàm phán với Bộ Trưởng Ngân Khố Steven Mnuchin, và hy vọng sẽ được một thỏa thuận mà trong đó người lao động sẽ được bảo vệ, và quỹ tài trợ 500 tỷ cho các hãng xưởng sẽ được kiểm soát một cách phù hợp.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/thuong-vien-van-bat-dong-ve-du-luat-doi-pho-coronavirus-tri-gia-2-ngan-ty-my-kim/

Covid-19 làm kinh tế Mỹ điêu đứng

Minh Anh
Ngày 23/03/2020, kế hoạch hỗ trợ kinh tế 2.000 tỷ đô la do chính quyền Donald Trump đề xuất đã không đạt được đồng thuận ở Quốc Hội. Đảng Dân Chủ chỉ trích bản kế hoạch này không dành nhiều ngân sách để hỗ trợ các bệnh viện.
Kế hoạch cứu trợ kinh tế của chính quyền Trump chỉ đạt được có 49 trong số 60 phiếu cần thiết. Ngoài những chỉ trích thiếu hỗ trợ cho các bệnh viện, các nghị sĩ đảng Dân Chủ còn cho rằng dự thảo kế hoạch thiếu các ràng buộc đối với việc dành quỹ tài trợ cho các doanh nghiệp lớn. Ngay lập tức, đảng Cộng Hòa cáo buộc phe đối lập gây cản trở vào lúc đất nước trong giai đoạn khẩn cấp.
Covid-19 lan rộng bắt đầu gây ra những tác động kinh tế trên khắp nước Mỹ. Khủng hoảng dịch tễ làm cho kinh tế bị dừng lại trong khi từ 10 năm qua Mỹ có mức tăng trưởng đều đặn. Các doanh nghiệp bị tê liệt, GDP sụt giảm mạnh. Theo Wall Street Journal, các ngành sản xuất có thể sẽ bị thiệt hại đến 1.500 tỷ đô la.
Nhiều ngành nghề như dệt may hay thương mại lo sợ không có khả năng vực dậy. Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Thomas Philippon, trường đại học New York, điều đáng lo nhất là tình trạng thất nghiệp. Chính quyền Mỹ đã không có những biện pháp cần thiết đúng lúc như sắp xếp việc thất nghiệp tạm thời chẳng hạn. Hàng triệu lao động tạm bợ có nguy cơ mất việc. Các phân tích của hãng bảo hiểm Allianz cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ tăng và có thể vượt mức 6%.
Lo ngại trước những tác động kinh tế do dịch virus corona gây ra, tổng thống Mỹ muốn xem xét lại các biện pháp phong tỏa. Chủ nhân Nhà Trắng dường như nhắm đến việc mở lại nhà xưởng từ đây đến cuối tuần tới bất chấp các khuyến cáo của giới chuyên gia theo đó việc cho các doanh nghiệp hoạt động trở lại có nguy cơ dẫn đến bùng nổ các ca nhiễm bệnh trong khi mà đất nước đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Donald Trump : Chloroquine, lộc trời ban ? 
Sự nóng lòng này của nguyên thủ Mỹ còn được thấy rõ trong việc thông báo cho thử nghiệm rộng rãi thuốc Chloroquine, một loại thuốc dùng để chữa bệnh sốt rét trong khi giới y khoa Mỹ vẫn còn tỏ ra cẩn trọng về hiệu quả của loại thuốc này.
Từ Washington, thông tín viên đài RFI, Anne Corpet tường thuật :
« Anthony Fauci, lãnh đạo Viện Nhiễm trùng Quốc gia tỏ ra dè dặt về nghiên cứu tại Pháp về thuốc Chloroquine. Nhưng tổng thống Mỹ lại rất hồ hởi. Trên Twitter, ông quảng bá thuốc này và khẳng định rằng Chloroquine rất có thể sẽ được thử nghiệm trên diện rộng đối với những bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Thông báo này được ông Donald Trump đưa ra vào thứ Hai, 23/03/2020 mà không có sự hiện diện của ông Anthony Fauci. 
Ông nói : ‘Dưới sự điều hành của tôi, chính phủ liên bang làm việc để có được số lượng lớn thuốc Chloroquine. Chúng ta có đến 10 ngàn đơn vị, sẽ được phân phát cho rất nhiều người vào sáng thứ Ba ở New York. Chúng ta chưa biết rõ nhưng đây là một cơ may thật sự và điều này sẽ có một tác động thật
sự. Đó rất có thể sẽ món quà trời ban nếu như thuốc có tác dụng. Điều này có cơ may làm thay đổi tình thế. 
Hydroxychloroquine, hay plaquenil, một loại thuốc chữa bệnh sốt rét khác cũng sẽ được thử nghiệm ở New York. Các bác sĩ kêu gọi cẩn trọng : Việc dùng quá liều là nguy hiểm và phải tránh mọi giá việc tự mua thuốc uống. Một người Mỹ đã chết vì tự chữa bệnh bằng một loại thuốc cùng loại với chloroquine ».
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200324-covid-19-l%C3%A0m-kinh-t%E1%BA%BF-m%E1%BB%B9-%C4%91i%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9ng

Mỹ: Ca nhiễm Corona tăng vọt,

TT Trump điều ‘bệnh viện nổi’ tới điểm nóng

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới thông báo triển khai hai tàu bệnh viện của Hải quân Mỹ, với khoảng 2.000 giường bệnh, tới các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi chủng virus Corona mới (COVID-19) để hỗ trợ y tế, trong bối cảnh con số nhiễm tăng lên hơn 33 nghìn ca và 400 người chết ở Hoa Kỳ.
Trong một buổi họp báo về tình hình phòng chống virus gây khủng hoảng lớn trên toàn thế giới, ông Trump hôm 22/3 cho biết rằng tàu bệnh viện USNS Comfort sẽ thả neo ở New York, trong khi USNS Mercy sẽ tới Los Angeles.
“Hai con tàu này thật tuyệt vời. Chúng có khả năng rất lớn”, nguyên thủ Mỹ nói trong cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp từ Nhà Trắng.
Trong khi USNS Mercy từng ít nhất bốn lần tới Việt Nam để tham gia diễn tập y tế khi xảy ra thảm họa trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Thái Bình Dương, USNS Comfort đã được triển khai tới New York sau khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, vốn làm hàng nghìn người thiệt mạng.
XEM THÊM:
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khuyên con ở lại Mỹ, ‘tích trữ’ đồ ăn ba tháng
Trong một thông báo trên Twitter, hải quân Mỹ hôm 24/3 đăng một đoạn video, cho thấy USNS Mercy đã rời căn cứ hải quân ở San Diego để tới cảng Los Angeles nhằm “hỗ trợ các nỗ lực đối phó với COVID-19”.
Hải quân Mỹ cho biết rằng có gần 900 quân y của hải quân cũng như nhân viên hỗ trợ dân sự trên USNS Mercy. Tin cho hay, “bệnh viện nổi” sẽ là nơi chữa trị các bệnh nhân không nhiễm COVID-19 từ các bệnh viện trên đất liền để các cơ sở y tế này tập trung vào các ca lây nhiễm virus gây chết người.
USNS Mercy có đủ khả năng thực hiện các chức năng của một bệnh viện thông thường như tiến hành các ca phẫu thuật hay chăm sóc đặc biệt, và hải quân Mỹ nói rằng việc tiếp quản, chữa trị các bệnh nhân không bị nhiễm COVID-19 sẽ giúp các bệnh viện trong khu vực Los Angeles “có máy thở và các phòng chăm sóc đặc biệt” cho các bệnh nhân nhiễm virus Corona.
Tin cho hay, USNS Mercy là một trong hai tàu bệnh viện lớp Mercy đầu tiên của hải quân Mỹ. Tàu bệnh viện dài gần 280 mét và có thể điều trị cùng lúc cho khoảng 1.000 bệnh nhân này được đưa vào hoạt động cuối năm 1986 sau khi được cải tiến từ một tàu chở dầu.
XEM THÊM:
Người gốc Việt đầu tiên tử vong vì virus Corona ở Mỹ
Trong khi đó, USNS Comfort tới New York từ căn cứ hải quân Norfolk ở tiểu bang Virginia, gần thủ đô Washington DC. Tàu bệnh viện này có khoảng 1.000 giường bệnh với đội ngũ y tế khoảng 550 người.
Viết trên Twitter, thống đốc New York Andrew Cuomo mới đây cho biết rằng “giường bệnh là thứ chúng tôi cần lúc này”. Ngoài ra, ông cũng cho biết là tiểu bang của mình, vốn có nhiều ca nhiễm virus Corona nhất ở Mỹ, cũng cần các thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế như khẩu trang, cũng như các máy trợ thở. Ông kêu gọi bất cứ ai có các vật dụng này và muốn quyên góp thì liên hệ với chính quyền.
Hải quân Mỹ cho biết rằng kể từ khi đi vào hoạt động năm 1987, USNS Comfort đã tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ y tế trong các vụ khủng hoảng không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nước trên thế giới.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ (CDC), tính tới ngày 23/3, tổng số các ca nhiễm COVID-19 ở Hoa Kỳ là hơn 33 nghìn và 400 ca tử vong.
Cùng với Washington và New Jersey, New York và California là các tiểu bang có nhiều ca lây nhiễm COVID-19 nhất ở Mỹ.
Trong một cuộc họp báo hôm 24/3, phát ngôn viên Tổ chức Y tế Thế giới Margaret Harris nói với các phóng viên rằng tổ chức này chứng kiến “việc gia tăng rất lớn” các ca nhiễm virus Corona ở Mỹ trong những ngày gần đây, khiến Hoa Kỳ có thể trở thành một tâm điểm COVID-19 mới trên thế giới.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-ca-nhi%E1%BB%85m-corona-t%C4%83ng-v%E1%BB%8Dt-tt-trump-%C4%91i%E1%BB%81u-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-n%E1%BB%95i-t%E1%BB%9Bi-%C4%91i%E1%BB%83m-n%C3%B3ng/5343043.html

California và nhiều tiểu bang khác tại Hoa Kỳ

sẽ nhận viện trợ từ FEMA để đối phó với coronavirus

Vào chủ nhật (ngày 22 tháng 3), Tổng Thống Trump cho biết ông sẽ phê chuẩn đơn xin trợ cấp thảm họa của California, New York và Washington, những tiểu bang mà ông mô tả là ” chịu ảnh hưởng nặng nề nhất” từ coronavirus. Ông cũng tuyên bố rằng tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ mang tên Mercy sẽ đến cảng Los Angeles với 1,000 giường bệnh. Thị trưởng L.A Eric Garcetti cho biết sẽ tàu Mercy sẽ là bệnh viện lớn nhất trong thành phố.
Hàng chục người đã chết vì COVID-19 ở ba tiểu bang nói trên. California, New York và Washington sẽ nhận được viện trợ được tài trợ bởi Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang và nhân lực từ Lực Lượng Vệ binh Quốc gia. Tổng Thống đã phê chuẩn đơn xin trợ cấp vài giờ sau khi Thống đốc Andrew Cuomo công khai yêu cầu chính phủ liên bang can thiệp và tiếp quản việc mua lại các vật tư y tế quan trọng như khẩu trang và máy thở. Các yêu cầu cứu trợ thảm họa từ Washington và New York đã được phê duyệt và yêu cầu của California dự kiến sẽ được phê duyệt vào tối chủ nhật.
Văn phòng của Thống Đốc California Gavin Newsom cho biết yêu cầu cứu trợ sẽ cung cấp cho tiểu bang này “chăm sóc y tế hàng loạt và hỗ trợ khẩn cấp, cố vấn khủng hoảng, hỗ trợ thất nghiệp thảm họa, dịch vụ pháp lý thảm họa” và các nguồn lực khác. Tổng Thống Trump cho biết tám “trạm y tế liên bang lớn” với 2,000 giường bệnh sẽ nằm trong số những hỗ trợ khẩn cấp dành cho California, và số tài nguyên này sẽ đến California trong vòng 48 tiếng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/california-va-nhieu-tieu-bang-khac-tai-hoa-ky-se-nhan-vien-tro-tu-fema-de-doi-pho-voi-coronavirus/

McDonald tạm thời đóng cửa tất cả các nhà hàng

ở Anh Quốc và Ireland trong bối cảnh dịch coronavirus

Vào hôm Chủ nhật (22 tháng 3), McDonald cho biết họ sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các nhà hàng của họ ở Anh Quốc và Ireland trước tối hôm thứ Hai vì sự bùng phát của coronavirus. Các nhà hàng bị buộc phải đóng cửa hoặc giới hạn dịch vụ thành giao hàng và mang đi ở nhiều nơi trên thế giới, trong nỗ lực hạn chế sự lây lan của coronavirus.
Vào hôm thứ Sáu (20/3), giám đốc điều hành Chris Kempczinski cho biết McDonald mở lại 95% các nhà hàng của họ tại Trung Cộng, tâm điểm của virus. Bên cạnh đó, chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh này đình chỉ việc mua lại cổ phần để giúp họ vượt qua khủng hoảng, nhưng vẫn không thay đổi chính sách cổ tức.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mcdonald-tam-thoi-dong-cua-tat-ca-cac-nha-hang-o-anh-quoc-va-ireland-trong-boi-canh-dich-coronavirus/

Cựu chiến lược gia Nhà Trắng

gọi COVID-19 là ‘virus CCP’

Ngọc Mai
Ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia Nhà Trắng, khi được phỏng vấn trong một chương trình của đài Fox News sáng ngày 22/3, đã gọi virus corona chủng mới gây đại dịch COVID-19 là “virus
CCP” tức “virus Đảng Cộng sản Trung Quốc” (Đảng Cộng sản Trung Quốc viết tắt là CCP theo nghĩa tiếng Anh).
Ông Bannon từng là phó chủ tịch ngân hàng Goldman Sachs và được tín nhiệm vì đã giúp Tổng thống Trump thắng cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Gần đây, ông được phỏng vấn trong chương trình Sunday Morning Futures của đài Fox News.
Khi người dẫn chương trình hỏi liệu ông có cho rằng hệ thống y tế của Hoa Kỳ đang trên bờ vực quá tải không, ông Bannon trả lời: “Đây là một cuộc chiến” và nhắc đến virus corna chủng mới là “virus CCP”.
“Virus CCP mà ĐCSTQ tung ra trên thế giới hiện sắp có nguy cơ phá hủy hệ thống y tế của New York. Đó là lý do vì sao Tổng thống Trump và Thống đốc Cuomo đều đang tham gia. Mọi thiết bị, tàu bệnh viện của Hải quân, Quân đoàn Kỹ sư Quân đội… họ đều đang tham gia”, ông cho biết.
Không rõ ông Bannon có ngụ ý cho rằng virus corona chủng mới là sản phẩm nhân tạo của các quan chức ĐCSTQ, hay đơn giản ông nhận định tình huống bệnh dịch hiện nay là do sự thờ ơ và ém nhẹm thông tin của ĐCSTQ.
Ông Bannon chia sẻ ông tin tưởng rằng Tổng thống Trump đã tạo nên nền kinh tế Mỹ thịnh vượng và Tổng thống có thể khắc phục những tác động kinh tế mà đại dịch viêm phổi Vũ Hán gây ra.
Trước khi phục vụ tại Nhà Trắng với tư cách là Chiến lược gia của Tổng thống Trump, ông Bannon từng là Phó Chủ tịch của Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs, và vào năm 1993 ông từng là Quyền Giám đốc của Biosphere 2, một cơ sở nghiên cứu “Khoa học hệ thống Trái đất” của Hoa Kỳ.
Theo Adncuba
Ngọc Mai dịch và biên tập
Video xem thêm: WHO lên án việc gắn virus với một dân tộc, vậy hãy gắn nó với nguyên nhân bùng phát
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-chien-luoc-gia-nha-trang-goi-covid-19-la-virus-dcstq.html

TT Trump: Người Mỹ gốc Á

không gây ra virus corona, cần được bảo vệ

Tống Hoa Kỳ Donald Trump, người bị cáo buộc là phân biệt chủng tộc khi gọi virus corona đang rây ra đại dịch toàn cầu là “virus Trung Quốc”, hôm 23/3 nói rằng người Mỹ gốc Á không phải chịu trách nhiệm về việc phát tán dịch bệnh và họ cần được bảo vệ.
Trước đó trong ngày 22/3, tờ New York Times trích dẫn các nhóm vận động và các nhà nghiên cứu cho biết đã có sự gia tăng số vụ tấn công bằng lời nói và hành động nhắm vào người Mỹ gốc Á được đưa tin trên các tờ báo và được trình báo trong lúc virus corona lan mạnh ở Mỹ.
Ông Trump tuần trước mạnh mẽ đả kích Trung Quốc rằng Bắc Kinh đáng ra nên hành động nhanh hơn để cảnh báo thế giới khi dịch bệnh phát ra ở đó. Tổng thống Mỹ sau đó đã bác bỏ những chỉ trích cho rằng việc ông gọi virus corona là “virus Trung Quốc” là phân biệt chủng tộc.
Ông Trump đã lờ đi câu hỏi của một phóng viên hôm 18/3 về việc liệu người Mỹ gốc Á có thể bị nguy hại hay không khi gọi căn bệnh này với cái tên như vậy, cũng như việc một quan chức Nhà Trắng không được nêu tên đã gọi nó là “kung flu” (nói chại từ chữ ‘kung fu’ nghĩa là ‘võ thuật Trung Hoa’ thành ra ‘kung flu’ hàm ý ‘cúm Tàu’).
Ông Trump hôm 22/3 viết trên Twitter: “Một điều rất quan trọng là chúng ta tuyệt đối bảo vệ cộng đồng người Mỹ gốc Á của chúng ta ở Mỹ và trên toàn thế giới.
“Họ là những người tuyệt vời và sự lây lan của virut…. KHÔNG phải là lỗi của họ dưới bất kỳ hình thức nào. Họ đang hợp tác chặt chẽ với chúng ta để dập dịch. CHÚNG TA SẼ CÙNG NHAU GIÀNH THẮNG LỢI!”
Tổng thống Trump lặp lại những nhận xét của mình tại một cuộc họp báo cùng với lực lượng đặc nhiệm chống virut corona. Khi được hỏi điều gì đã khiến ông đưa ra phát biểu như vậy, ông Trump trả lời:
“Dường như đã có những lời nói hơi dơ bẩn nhắm vào người Mỹ gốc Á ở đất nước chúng ta và tôi không thích điều đó … vì vậy tôi muốn nêu rõ vấn đề này. Họ đang quy lỗi cho Trung Quốc, nhưng những phát biểu của họ đụng chạm đến những công dân Mỹ tuyệt vời của chúng ta có nguồn gốc châu Á. Tôi không cho phép chuyện đó xảy ra.”
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Trung Quốc và cách thức nước này xử lý dịch bệnh corona, nhưng ông đã cẩn thận để tránh đưa ra những chỉ trích nhắm vào chủ tịch Tập Cận Bình.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-nguoi-my-goc-a-khong-gay-ra-virus-corona-can-duoc-bao-ve/5343155.html

TT Trump có thể sớm nới lỏng

lệnh đóng cửa bất chấp dịch bùng phát

Ngày 23/3, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông đang xem xét làm thế nào để mở lại nền kinh tế Mỹ khi lệnh ngừng hoạt động 15 ngày kết thúc vào tuần tới, cho dù chủng virus corona mới dễ lây lan đang lan rộng nhanh chóng và các bệnh viện đang chuẩn bị cho một làn sóng tử vong vì dịch bệnh, theo Reuters.
“Người Mỹ sẽ sớm mở cửa kinh doanh lại thôi”, ông Trump nói trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng. “Chúng ta sẽ không để nó biến thành vấn nạn tài chính kéo dài”.
Một tuần trước, ông Trump đã ban hành các hướng dẫn mà ông nói nhằm mục đích làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh này trong 15 ngày, bao gồm việc hạn chế đi lại không cần thiết. Trong khi đó, hoạt động kinh tế đã dừng lại ở một số bang.
Tuy nhiên, chứng kiến nhiều công việc mất đi, thị trường chứng khoán giảm mạnh và phải đối mặt với một cuộc chiến tái tranh cử cam go, ông Trump đã bày tỏ nỗi lo với các trợ lý và đồng minh về tác động của các hạn chế đối với nền kinh tế về lâu dài.
Tổng thống Mỹ nói với các phóng viên rằng hoạt động kinh tế có thể tái tục ở các bang mà ông nói là “có tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp”, chẳng hạn như Nebraska, Idaho và Iowa, trong khi tiếp tục làm việc đối với các khu vực nóng ở các bang khác như New York.
“Nếu cứ tùy thuộc vào các bác sĩ, họ sẽ yêu cần đóng cửa cả thế giới”, Reuters dẫn lời ông Trump nói.
Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 23/3, cố vấn kinh tế cấp cao của ông Trump, Larry Kudlow, báo hiệu một sự thay đổi chính sách có thể xảy ra. Ông nói “Tổng thống nói đúng. Liệu pháp không thể tệ hơn dịch bệnh. Chúng ta sẽ phải thực hiện một số đánh đổi khó khăn”.
Ông cho biết Nhà Trắng sẽ xem xét “một số việc”.
Từng hy vọng củng cố cho chiến dịch tranh cử vào ngày 3/11 bằng một nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh, ông Trump giờ đây đang phải ứng phó với việc hàng trăm, nếu không phải hàng ngàn người tử vong vì dịch COVID-19. Nhiều đồng minh đảng Cộng hòa của ông lo ngại những thiệt hại kinh tế sẽ khiến ông khó giành được nhiệm kỳ bốn năm nữa.
Các ca nhiễm virus corona đã tăng gấp hơn 15 lần kể từ khi các hướng dẫn được đưa ra vào tuần trước.
Các bệnh viện ở thành phố New York đang rơi vào khủng hoảng. Thị trưởng Bill de Blasio hôm 22/3 nói “Nếu chúng tôi không nhận được đủ máy trợ thở trong vòng 10 ngày tới, những người lẽ ra không phải chết sẽ chết”.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham, một người thân cận với ông Trump, cảnh báo về việc sớm dỡ bỏ các quy định chống dịch bệnh vì lý do lo ngại cho kinh tế.
“Lời khuyên của tôi là sẽ nên nghe theo hướng dẫn y tế để ngăn chặn virus”, Reuters dẫn lời ông Graham nói với các phóng viên tại Quốc hội. “Nếu chúng ta có thể giảm áp lực về kinh tế, tốt thôi. Nhưng trọng tâm chính của tôi là đảm bảo virus bị ngăn chặn và đánh bại. Và chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh tế”.
Chính quyền Trump đã đẩy mạnh các chính sách tiền tệ tích cực để ngăn chặn tác động kinh tế của dịch Covid-19, sau khi tổng thống đã bỏ lỡ nhiều tuần lễ trong việc giảm nhẹ những rủi ro về y tế và sự lây lan nhanh chóng của dịch bệnh.
Hôm 23/3, Cục Dự trữ Liên bang đã đưa ra một loạt các chương trình đặc biệt để ngăn chặn kinh tế bị đảo lộn vì những quy định hạn chế sâu rộng đối với người dân và doanh nghiệp, mà theo các nhà khoa học là cần thiết để hạn chế sự lây lan của virus corona.
Trong khi ông Trump cân nhắc về phương cách để mở lại ít nhất một phần nền kinh tế, thì một số cố vấn cảnh báo về sự lây lan của virus đang ngày càng tồi tệ hơn.
“Dịch bệnh sẽ trở nên tồi tệ trong tuần này”, Tổng Y sĩ Jerome Adams nói với chương trình “Today” trên đài NBC hôm 23/3. “Người Mỹ đã không thực hiện đầy đủ và nghiêm túc quy định ở trong nhà”, ông nói.
Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin hôm 22/3 nói rằng việc đóng cửa đang ảnh hưởng đến bộ phận lớn công chúng Mỹ có thể sẽ kéo dài 10 đến 12 tuần, hoặc cho đến đầu tháng Sáu.
Đánh đổi
Trong vài ngày qua, một số cố vấn chính sách kinh tế của Nhà Trắng đã bắt đầu tập trung vào việc đóng cửa và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn virus có thể kéo dài bao lâu, Reuters dẫn lời một cố vấn bên ngoài chính quyền cho biết.
Cố vấn kinh tế Kevin Hassett, người vừa trở lại nhóm cố vấn, nói rằng nếu việc đóng cửa tiếp tục kéo dài, Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái.
Một nguồn tin cho biết cuối tuần trước, ông Trump đã bắt đầu bàn riêng về việc mở cửa lại sau 15 ngày.
Ông Trump tin rằng “chúng ta mạnh mẽ và cần một nền kinh tế mạnh mẽ trong lúc đối phó với cuộc khủng hoảng này”, Reuters dẫn một nguồn tin cho biết.
Stephen Moore, nhà bình luận kinh tế mà ông Trump đã cố gắng đưa vào một ghế trống ở Cục Dự trữ Liên bang vào năm ngoái, nói với Reuters hôm 23/3 rằng đang có một cuộc tái đánh giá trong Nhà Trắng về sự khôn ngoan của việc “đóng cửa toàn bộ nền kinh tế”.
Ông nói có một số người cho rằng nếu “chúng ta tiếp tục đóng cửa nền kinh tế quá lâu thì số người phải trả giá cho điều đó có thể còn lớn hơn nguy cơ nhiễm virus”.
Các chuyên gia y tế khẳng định không có cách nào quay trở lại hoạt động bình thường khi chưa biết mức độ lây lan của virus tại Hoa Kỳ.
“Không ai muốn thấy chuyện này kéo dài cả”, Reuters dẫn lời Bác sĩ William Schaffner, giáo sư y học dự phòng và dịch bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt nói. “Tại thời điểm này, điều cần thiết phải nhấn mạnh là cách ly xã hội”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-c%C3%B3-th%E1%BB%83-s%E1%BB%9Bm-n%E1%BB%9Bi-l%E1%BB%8Fng-l%E1%BB%87nh-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-d%E1%BB%8Bch-b%C3%B9ng-ph%C3%A1t/5342951.html

Hơn 13 ngàn người Mỹ muốn

được Bộ Ngoại giao đưa về nước vì corona

Khoảng 13.500 công dân Mỹ ở nước ngoài đang tìm kiếm sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để quay về nước vì virus corona, một giới chức loan báo ngày 23/3 và kêu gọi người Mỹ nào không cảm thấy yên tâm ở hải ngoại hãy ‘rời đi ngay’ trong khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Bộ Ngoại giao Mỹ trong tuần này sẽ đưa khoảng 1.600 người Mỹ về nước trên 16 chuyến bay, giới chức cấp cao này cho biết, và rằng khoảng 5.700 người Mỹ đã trở về, đa số bằng các chuyến bay do Bộ Ngoại giao thu xếp.
Đại đa số trong khoảng 10 triệu người Mỹ sinh sống ở nước ngoài chưa muốn về nước lúc này, nguồn tin vừa kể cho hay.
Một giới chức cho Reuters biết dưới 30 nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ ở nước ngoài dương tính với virus corona.
Theo thống kê của Reuters, trên thế giới có hơn 351.300 người bị nhiễm virus và trên 15.300 người đã thiệt mạng.
https://www.voatiengviet.com/a/h%C6%A1n-13-ng%C3%A0n-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-m%E1%BB%B9-mu%E1%BB%91n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-b%E1%BB%99-ngo%E1%BA%A1i-giao-%C4%91%C6%B0a-v%E1%BB%81-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-v%C3%AC-corona/5342092.html

Tổng Y Sĩ Mỹ cảnh báo dịch ‘tồi tệ’ trong tuần này

Tổng Y Sĩ Hoa Kỳ hôm 23/3 đưa ra cảnh báo rằng sự bùng phát của virus corona đang đề ra nguy cơ về sức khỏe và cảnh báo người Mỹ về cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra trong tuần này, theo Reuters.
Quan chức y tế công cộng hàng đầu Mỹ, bác sĩ Jerome Adams, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo sau khi gần một phần ba người Mỹ được lệnh phải ở trong nhà.
Tính đến tối 22/3, các tiểu bang với tổng cộng dân số hơn 100 triệu người đã áp đặt các hạn chế nhằm ngăn chặn virus, vốn đã lây nhiễm cho gần 35.000 người và giết chết 428 người ở Hoa Kỳ, khiến quốc gia này phải đi theo con đường tương tự các quốc gia châu Âu, như Ý và Tây Ban Nha.
“Trong tuần này, dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn”, bác sĩ Adams nói với chương trình “Today” của đài NBC. Theo ông, có nhiều người sẽ đi xem hoa anh đào nở ở Washington và làm tăng nguy cơ lây lan. “Mọi người cần phải thực hiện đúng các bước ngay bây giờ là ở trong nhà”.
Tổng thống Trump áp đặt một kế hoạch hành động quốc gia kéo dài 15 ngày vào tuần trước, kêu gọi người Mỹ hãy tuân theo lệnh “ở trong nhà” của các giới chức địa phương.
Ông cũng lạc quan hơn nhiều so với các chuyên gia y tế trong tiên lượng về sự bùng phát dịch, trong khi cũng bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của việc đóng cửa các khu vực kinh tế.
“Chúng ta không thể để việc chữa trị tồi tệ hơn bản chất vấn đề”, Reuters dẫn tweet của ông Trump. “Vào cuối giai đoạn 15 ngày, chúng ta sẽ đưa ra quyết định về hướng chúng ta muốn đi”.
Cũng trong ngày 23/3, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã đưa ra một loạt chương trình mới đặc biệt nhằm bù đắp cho sự gián đoạn kinh tế do bùng phát dịch, gây ảnh hưởng chưa từng có trên các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và các đại công ty.
Quốc hội họp
Quốc hội Mỹ đang cố gắng giải quyết các mối quan tâm về nền kinh tế, được dự báo sẽ co hẹp lại.
Đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Thượng viện Hoa Kỳ đang làm việc về một dự luật cứu trợ kinh tế, nhận thấy rằng việc không đạt được thỏa thuận có thể gây ra tổn thất nặng nề hơn nữa đối với thị trường chứng khoán Hoa Kỳ.
Trưa 23/3, Thượng viện Mỹ họp lại để xem xét dự luật, mà đảng Dân chủ cho rằng chỉ có lợi cho các tập đoàn trên phí tổn sức khỏe của nhân viên y tế, các bệnh viện và chính quyền địa phương.
Ngược lại, Đảng Cộng hòa cáo buộc đối thủ đang cản trở gói kích thích cực kỳ cấp thiết trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Các chuyên gia độc lập đề xuất phải cần hơn 15 ngày để ngăn chặn sự lây lan.
Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy hôm 23/3 kêu gọi chính phủ liên bang làm nhiều hơn nữa để cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân. Ông nói rằng tất cả các bang “đều đang tìm kiếm một thứ như nhau” trong một cuộc cạnh tranh, ông Murphy nói với CNN. “Điều họ có thể làm là tạo ra một sự khác biệt lớn”.
Ông Murphy nhắc lại lời kêu gọi chính phủ liên bang hỗ trợ chung 100 tỷ đô la tiền mặt trực tiếp cho New Jersey, New York, Connecticut và Pennsylvania.
Hôm 22/3, Tổng thống Trump bảo vệ quyết định của mình trong việc sử dụng quyền hạn theo Đạo luật Bảo vệ Quốc phòng để tăng cường nguồn cung. Ông nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng quốc hữu hóa các doanh nghiệp “không phải là một khái niệm hay”.
Tuần trước, ông Murphy lưu ý rằng 15.000 cư dân New Jersey đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, làm sập hệ thống máy tính của bang.
“Chúng tôi cần liên bang có cách thức hỗ trợ lớn để giúp chúng tôi”, ông Murphy nói. “Dân chúng đang bị tổn thương”.
Vào thứ Hai, chiếc tàu đầu tiên trong số hai tàu bệnh viện quân đội Hoa Kỳ đã được phái đi để tăng sức chứa về giường bệnh vì số ca virus corona ở Hoa Kỳ tăng nhanh.
Tàu Hải quân Hoa Kỳ Mercy đã rời San Diego với gần 900 nhân viên trên tàu để tiếp nhận các bệnh nhân không nhiễm virus corona, cho phép nhân viên địa phương quản lý những người bị nhiễm virus, Lầu Năm Góc cho biết. Hôm 22/3, ông Trump cho biết tàu Mercy sẽ được phái tới Los Angeles trong khi USNS Comfort sẽ tới New York.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-y-s%C4%A9-m%E1%BB%B9-c%E1%BA%A3nh-b%C3%A1o-d%E1%BB%8Bch-t%E1%BB%93i-t%E1%BB%87-trong-tu%E1%BA%A7n-n%C3%A0y/5341709.html

Hãng PG&E nhận tội ngộ sát

trong vụ cháy rừng Camp Fire ở California

Tin Sacramento, California – Hãng dịch vụ điện và gas PG&E đã đồng ý sẽ nhận tội đối với 84 tội ngộ sát, và 1 tội đại hình về việc gây cháy trái phép, sau khi đường dây điện của hãng này được cho là đã gây ra vụ cháy rừng Camp Fire ở bắc California, cũng là đám cháy gây chết người nhiều nhất trong lịch sử tiểu bang. Vụ cháy xảy ra vào cuối năm 2018, thiêu đốt vùng chân núi Sierra Nevada gần nửa tháng, đã phá hủy 3 thành phố.
Cơ quan quản lý rừng California cho biết nguyên nhân gây cháy là thiết bị của hãng Pacific Gas & Electric, gọi tắt là PG&E, với điểm bùng phát đám cháy thuộc Butte County. Thỏa thuận nhận tội giữa PG&E và Phòng công tố Butte County đạt được vào ngày 17 tháng 3, đã được nộp tại Tòa thượng thẩm California tại quận hạt này, và được công bố vào sáng thứ Hai, 23 tháng 3, bởi Ủy Ban Chứng Khoán SCE. Thỏa thuận nhận tội này còn cần được phê chuẩn bởi Tòa thượng thẩm Butte County và tòa phá sản liên bang, nơi đang giám sát vụ phá sản của PG&E. Vào tháng 1, 2019, PG&E đã nộp đơn khai phá sản, đồng thời lập một ngân quỹ hỗ trợ nạn nhân cháy rừng.
PG&E dự kiến sẽ nhận tội tại tòa vào thứ Sáu tuần này, nhưng do tòa đóng cửa vì dịch Covid-19, ngày ra tòa nhận tội và tuyên án của PG&E được dời đến ngày 24 tháng 4. Vụ cháy rừng Camp Fire đã khiến các thành phố Paradise, Magalia, và một phần thành phố Concow chỉ còn lại tro tàn. Phòng pháp y Butte County ban đầu nói rằng 85 người đã chết trong đám cháy, nhưng cuộc điều tra sau đó cho thấy 1 trong các nạn nhân đã chết vì tự sát.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/hang-pge-nhan-toi-ngo-sat-trong-vu-chay-rung-camp-fire-o-california/

Panama: Bé gái 13 tuổi tử vong vì viêm phổi Vũ Hán

Triệu Hằng
Bé gái 13 tuổi đã qua đời sau khi mắc viêm phổi Vũ Hán, các quan chức y tế nhà nước cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai (23/3).
Bé gái này qua đời khi đang được điều trị tại một bệnh viện nhi ở quốc gia Nam Mỹ vào hôm Chủ nhật (22/3), tờ Aljazeera hôm nay dẫn lời các quan chức Panama cho biết.
Một người đàn ông, 92 tuổi, cũng tử vong trong hôm Chủ nhật, Panama xác nhận.
Hai người qua đời đã nâng số ca tử vong dịch viêm phổi Vũ Hán ở Panama lên 5.
Panama đã thống kê 313 ca nhiễm virus corona chủng mới, theo truyền thông địa phương.
Cũng theo Aljazeera, trường hợp bé gái 13 tuổi tử vong đặt ra vấn đề liệu virus gây nên căn bệnh viêm phổi Vũ Hán có phải chỉ đe dọa người cao tuổi, trong khi các quan chức y tế toàn cầu cho rằng virus corona được xem là mối đe dọa với người già và những người mắc bệnh mãn tính.
Aljazeera chỉ ra, thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, chỉ có một trường hợp tử vong của một người dưới 20 tuổi được ghi nhận ở Trung Quốc cho đến ngày 11/2. Không có trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 10 tuổi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (US CDC) đã công bố số liệu vào tuần trước cho thấy 38% người nhập viện liên quan đến virus có độ tuổi từ 20 đến 54.
Bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, cho biết trong một cuộc họp hôm Chủ nhật rằng các quan chức Mỹ đang “xem xét rất kỹ” những con số đó.
Theo Aljazeera
Triệu Hằng dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/panama-be-gai-13-tuoi-tu-vong-vi-viem-phoi-vu-han.html

Virus corona:

Những câu hay được hỏi nhất cùng lời giải đáp

Nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự lây lan của virus corona. Nhưng bệnh dịch này ảnh hưởng sức khỏe bạn như thế nào, và cơ hội bị nhiễm có cao không?
Dưới đây là lời giải đáp cho những câu hỏi thường được nêu ra nhất của độc giả BBC.
Nếu bạn phục hồi sau khi nhiễm virus corona, bạn có miễn dịch không? – RubyRed trên Twitter.
Còn quá sớm để nói. Virus này chỉ mới xuất hiện từ cuối tháng 12, nhưng từ kinh nghiệm với các loại virus và virus corona khác, cơ thể bạn có thể có kháng thể chốn virus và bảo vệ được bạn.
Với Sars và các loại virus corona khác, chúng ta thường thấy xu hướng không tái nhiễm. Hiện giờ có một số báo cáo từ Trung Quốc về những người được xuất viện sau đó lại xét nghiệm dương tính, nhưng chúng tôi không chắc lắm về những xét nghiệm đó.
Điều quan trọng là những người đó không còn gây nhiễm.
Cách đơn giản nhận biết việc nhiễm virus corona
Thời gian ủ bệnh của virus corona bao lâu? – Gillian Gibs
Trung bình phải mất năm ngày để các triệu chứng bắt đầu hiển thị, các nhà khoa học đã nói thế, nhưng một số người sẽ có triệu chứng muộn hơn nhiều so với ước đoán này.
Thời gian ủ bệnh kéo dài 14 ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết. Nhưng một số nhà nghiên cứu nói rằng nó có thể lên đến 24 ngày.
Biết và hiểu thời kỳ ủ bệnh rất quan trọng. Nó cho phép các bác sĩ và cơ quan y tế tìm ra những cách hiệu quả hơn để kiểm soát sự lây lan của virus.
Bạn sẽ bị bệnh trong bao lâu? – Nita, Nita, Maidstone
Đối với khoảng 80% số người, Covid-19 sẽ là một bệnh nhẹ, hơi giống cúm.
Các triệu chứng bao gồm sốt và ho khan. Bạn có thể cảm thấy người không khỏe trong một vài ngày nhưng sẽ trở lại bình thường trong vòng một tuần sau khi các triệu chứng xuất hiện.
Nếu virus đã tiến sâu vào trong phổi, nó có thể gây khó thở và viêm phổi. Khoảng 17% số người bị nhiễm có thể cần điều trị tại bệnh viện.
Virus corona nguy hiểm thế nào với người bị bệnh hen suyễn? – Lesley-Anne, Falkirk
Lời khuyên của tổ chức Asthma UK là tiếp tục dùng thuốc hít (thường có màu nâu) hàng ngày, theo quy định. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ lên cơn hen suyễn được kích hoạt bởi bất kỳ loại virus đường hô hấp nào, bao gồm cả virus corona.
Mang theo thuốc hít màu xanh giảm cơn khó chịu mỗi ngày, trong trường hợp bạn cảm thấy triệu chứng hen suyễn bùng phát. Nếu bệnh hen suyễn của bạn đang trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ có thể bị nhiễm virus corona, hãy liên lạc ngay với những nơi cung cấp dịch vụ virus corona trực tuyến.
Nguy cơ tử vong của những người khuyết tật khỏe mạnh có cao hơn không? – Abigail Ireland, Stockport
Nhiễm virus corona có thể trầm trọng hơn cho người già và những người mắc bệnh từ trước, như các bệnh về tim và phổi, và bệnh tiểu đường.
Không có bằng chứng cho thấy những người khuyết tật khỏe mạnh – ví dụ, những người không có vấn đề về hô hấp – có nguy cơ tử vong cao hơn vì bị nhiễm virus corona.
Tôi có nên đeo khẩu trang để bảo vệ mình và người khác khỏi virus? – Ann Hardman, Radcliffe, Manchester
Mặc dù các bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật thường đeo khẩu trang, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy việc đeo khẩu trang của công chúng tạo nên sự khác biệt.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh cho biết họ “không khuyến nghị sử dụng khẩu trang như một biện pháp bảo vệ khỏi virus corona”. Họ nói rằng có rất ít bằng chứng về lợi ích rộng rãi từ việc sử dụng khẩu trang, bên ngoài các khung cảnh lâm sàng.
Bạn có thể nhiễm virus từ thực phẩm do người nhiễm bệnh nấu không? – Sean McIntyre, Brisbane, Úc
Một người bị nhiễm virus corona có thể truyền bệnh cho người khác, nếu thực phẩm họ chuẩn bị không được xử lý vệ sinh. Virus corona có thể lây lan qua những giọt ho trên tay. Rửa tay trước khi chạm vào thức ăn và dùng bữa là lời khuyên tốt cho bất cứ ai, để ngăn chặn sự lây lan của vi trùng.
Virus corona có thể truyền qua tay nắm cửa, và tiền hay các bề mặt khác không? – Jean Jimenez, Panama
Nếu ai đó bị nhiễm virus ho vào tay họ và sau đó chạm vào thứ gì đó, bề mặt đó có thể bị nhiễm. Tay nắm cửa là một ví dụ tốt về bề mặt có thể gây truyền nhiễm.
Vẫn chưa rõ virus corona mới có thể sống được bao lâu trên các bề mặt như vậy. Các chuyên gia nghi ngờ là chúng chỉ sống được hàng giờ chứ không phải ngày, nhưng có sự khác biệt về quan điểm.
Tốt nhất là nên rửa tay thường xuyên để giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và sự lây lan của virus.
Chính phủ Trung Quốc từng nói rằng tiền mặt mà tất cả các ngân hàng nhận được phải được khử trùng trước khi phát hành cho khách hàng, nhằm giảm sự lây lan của căn bệnh này.
Sử dụng cách trả tiền với thẻ không cần tiếp xúc có thể giảm thiểu rủi ro xử lý tiền mặt. Tuy nhiên, những thẻ này cũng có thể chứa vi trùng và virus.
Thực hành tốt nhất là rửa tay kỹ sau khi dùng thẻ, hay cầm tiền xu hoặc tiền giấy.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52014745

Virus corona: ‘Đâu phải tại Trung Quốc’

Jonathan LondonĐại học Leiden, Hà Lan
Có lẽ chúng ta cần vượt qua lối nói chung chung “Đại dịch này là do nước Trung Quốc”. Ta cần chỉ mặt đặt tên ai mới chính là kẻ có tội.
Virus corona: Cuộc chiến Mỹ-Trung phía sau cánh gà
Virus corona: Ông Donald Trump nói phải bảo vệ người Mỹ gốc Á
Một đất nước có bao giờ làm gì đâu, chỉ có những con người và nhóm người cụ thể, như Hitler, đảng Quốc xã, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Kissinger, Pol Pot…mới là những kẻ đã gây ra sự việc.
Không phải quốc gia Rwanda, mà chỉ một số người cụ thể mới chính là những kẻ đã thực hiện tội ác diệt chủng.
Đúng vậy. Chỉ một số kẻ ở Trung Quốc, phe nhóm của ông Tập Cận Bình và chính ông ta, đã cố tình giấu nhẹm thông tin và dập tắt những nỗ lực chống dịch kịp thời để rồi mãi cho đến nay ta vẫn không biết rõ thực chất điều gì đã xảy ra.
Quá trễ mất rồi?
Riêng tôi, tôi nghi ngờ cái tuyên bố của họ rằng là “không có ca nào mới”. Không phải chính quyền Bắc Kinh (mà cụ thể là Tập Cận Bình) cũng luôn khăng khăng rằng là làm gì có vụ Thảm sát Thiên An Môn và hơn triệu người Duy Ngô Nhĩ bị cầm tù, rằng là toàn bộ vùng biển Đông Nam Á đều “thuộc về” Trung Quốc đó sao. Ngây dại gì mà tin!
Mặc cho họ có tuyên truyền nhồi sọ giỏi đến đâu, dù là bằng cách Trung Quốc Nhật Báo (China Daily) nhét tiền “bẩn” vào miệng mấy tờ báo Mỹ hay đăng quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội Facebook, vốn đang bị cho là suy đồi đạo đức, chúng ta cần phải buộc những thế lực hủ bại chịu trách nhiệm.
Cũng vậy, chúng ta cần phải chỉ rõ tội trạng “lập lờ đánh lận con đen” của ông Donald Trump (không phải của nước Mỹ) và trách nhiệm của Trump đối với những phản ứng tệ hại chết người của nội các Trump nói riêng và chính quyền liên bang nói chung.
Hơn hết, ta cần phải truy vấn tại sao hệ thống y tế công ở Mỹ và cả ở nhiều nước châu Âu, vốn đáng lẽ là rất hiệu quả và hiện đại lại trở nên vô dụng khi đương đầu với đại dịch. Sự chuẩn bị xã hội và ngân sách công đâu rồi?
Đã tiêu tán cho chiến tranh Iran, Afghanistan, gói giải cứu tài chính năm 2008, cắt giảm thuế cho giới siêu giàu hay đang nằm đâu đó trong những tài khoản ngân hàng bí mật. Năng lực của nhà nước đã và đang ở mức nào?
Quá trễ mất rồi, trễ ít nhất là cả một thế hệ!
Điều không bao giờ được quên
Nhưng quan trọng là ta phải nhận ra rằng để cho đại dịch này xảy ra như hôm nay là tội lỗi của ông Tập Cận Bình và phe đảng sùng bái ông ta.
Sự thật là nếu như các nhà chức trách ở Vũ Hán quản lý hiệu quả những khu chợ động vật hoang dã tiềm ẩn đầy dịch bệnh, vốn được cho mở lại trong suốt 17 năm (những 17 năm!) kể từ dịch SARS 1, và phản ứng một cách có trách nhiệm với những mối nguy hiểm cụ thể từ tháng 11 và 12/2019 và suốt cả tháng một năm 2020, thì chúng ta đã không phải chứng kiến hàng ngàn người đang chết, và có lẽ là hàng triệu người sớm sẽ phải bỏ mạng trên khắp thế giới.
Hàng triệu người trên thế giới nhiều khả năng sẽ chết vì sự sai lầm của Tập Cận Bình trong công tác quản lý chợ và trong việc đã đàn áp phản ứng hiệu quả, kể cả việc cố tình cho phép hàng ngàn chuyến bay đi khắp nơi được khởi hành từ tâm dịch. Đây là điều chúng ta không bao giờ được quên!
Chúng ta phải vạch mặt chiến dịch của chế độ Tập Cận Bình vốn đang ra sức ‘lòe’ cả thế giới về tuyên bố đại thắng dịch bệnh, tuyên bố về năng lực siêu phàm, đang nhìn xuống khinh mạn các nước đang chết dần và suy sụp về kinh tế lẫn xã hội trong cơn đại dịch mà chính chế độ hủ bại mà ông ta dung dưỡng, gây ra.
Cũng đừng ảo tưởng
Chúng ta đương nhiên cũng không quên rằng cũng có một số người Trung Hoa Đại Lục chân chính, kể cả một số đảng viên trong đảng của Tập và hàng ngàn người Trung Quốc khác, đã cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo và tiến hành những biện pháp y tế cộng đồng hiệu quả.
Chính họ cũng đã bị bịt miệng và thậm chí đang chịu cảnh tù đày.
Ta cũng không nên ảo tưởng rằng những giá trị Khổng giáo hay độc đoán ít nhiều lại hiệu quả hơn trong việc dập dịch.
Đài Loan và Hàn Quốc là những xã hội dân chủ. Khổng giáo, như Lưu Hiểu Ba đã chỉ ra, là nguồn nguy hiểm chết người vì chính nó tạo điều kiện cho sự đàn áp một cách có hệ thống và đẫm máu, như vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989 và việc bôi xóa sự kiện này khỏi lịch sử.
Chính Khổng giáo đã góp phần tạo ra một nền văn hoá cúi đầu đang dung dưỡng sự bất tài, dối lừa và tàn bạo hiện nay.
Khả năng hợp tác vì lợi ích cộng đồng trong thời bình cũng như thời kỳ khủng hoảng cần phải có mức độ tín nhiệm xã hội nhất định, vốn đôi khi cao hơn ở Đông Á và một vài nước dân chủ xã hội Châu Âu so với những nơi khác.
Sô-vanh cộng sản, Khổng giáo và hành động cần làm?
Chúng ta cần hỏi tại sao người Đài Loan và người Hàn Quốc sống trong những xã hội dân chủ và người Trung Quốc lục địa, người Singapore và Hồng Kông sống dưới những chế độ có phần độc tài hơn, lại có thể phối hợp với nhau khi cần vì lợi ích chung nhưng lại ít nhiều không hiệu quả trong việc giảm thiểu rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng (chẳng hạn như Trung Quốc vẫn để cho môi trường bị ô nhiễm chết người, vẫn tiêu thụ chất melamine, sản xuất và xuất khẩu thuốc men và thức ăn độc hại hay như việc tạo điều kiện dẫn đến điều được cho là dơi lây bệnh sang người…)
Cần phải có câu trả lời cho những câu hỏi quan trọng này, nếu như chúng ta còn muốn sống trong một thế giới an toàn hơn.
Chúng ta cũng cần phải hỏi tại sao những người lên tiếng cảnh báo lại tiếp tục bị bịt miệng để rồi hệ quả là rủi ro lan rộng.
Nếu vị bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng và vị bác sĩ người Mỹ Helen Chu, những người sớm phát hiện ra dịch bệnh đang lan rộng ở nước họ mà không bị đàn áp thì chúng ta đã ở tình thế tốt hơn bây giờ.
Cả hai, cũng như tất cả chúng ta, đều là nạn nhân của chủ nghĩa sô-vanh sùng bái tinh thần bè phái cực đoan.
Nói cách khác, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng như việc đổ lỗi cho toàn bộ các quốc gia không giúp giải quyết được vấn đề.
Tương tự, ca ngợi thể chế độc đoán hay ‘văn hoá Khổng giáo’ là một điều vô nghĩa. Đủ rồi, hãy thôi đi!
Thay vì vậy, hãy buộc những người có chức quyền phải chịu trách nhiệm.
Hãy lên tiếng nói ủng hộ, bỏ phiếu và đòi hỏi một chính phủ minh bạch, có trách nhiệm và hiệu quả.
Hãy nhớ người đàn ông vô danh đứng trước bánh xe tăng ở quảng trường Thiên An Môn ngày đó. Hãy nhớ Rosa Parks*!
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị đang giảng dạy tại Đại học Leiden, Hà Lan.
* Rosa Louise McCauley Parks (1913 – 2005) là một nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi.
https://www.bbc.com/vietnamese

Sau khi Mỹ đổ lỗi cho TQ,

đến lượt EU đổ lỗi cho Nga về COVID-19

Tại Nga, Điện Kremlin báo cáo số lượng người nhiễm virus coronavirus rất thấp. Tổng thống Vladimir Putin nói rằng đất nước này có COVID-19 nhưng dưới sự kiểm soát. Trong khi đó, các bác sỹ giám sát tổng thống Putin suốt ngày đêm để đảm bảo rằng ông không mắc bệnh.
Nhưng trong khi phần còn lại của thế giới đang bận rộn chống lại sự lây lan của COVID-19, một tài liệu gần đây của Liên minh châu Âu (EU) cho rằng phương tiện truyền thông Nga đã triển khai một “chiến dịch gây nhiễu thông tin quan trọng” chống lại phương Tây để làm trầm trọng tác động của coronavirus, gây hoang mang và gây mất lòng tin.
Điện Kremlin đã bác bỏ các cáo buộc hôm thứ Tư, nói rằng chúng là vô căn cứ và thiếu ý thức chung, vô trách nhiệm, theo tường thuật của Business Insider.
Tài liệu của EU nói chiến dịch của Nga – đẩy lên mạng các tin tức giả bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý, tiếng Đức và tiếng Pháp – sử dụng các báo cáo mâu thuẫn, khó hiểu và độc hại để khiến EU khó khăn hơn trong việc truyền đạt phản ứng của mình trước đại dịch.
“Mục đích bao trùm của sự bất đồng Kremlin là làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng ở các nước phương Tây … phù hợp với chiến lược rộng lớn hơn của Kremlin trong nỗ lực lật đổ các xã hội châu Âu”, Business Insider dẫn theo tài liệu do bộ phận chính sách đối ngoại thuộc Cơ quan ngoại vụ của EU soạn thảo.
Nina Jankowicz, chuyên gia về thông tin sai lệch tại Trung tâm Wilson (Mỹ) nói rằng thông tin phát ra từ Nga về đại dịch COVID-19 “trông rất giống các chiến dịch làm mất thông tin khác đến từ nước này trong thập kỷ qua”.
Jankowicz nói: “Cả ở châu Âu và ở đây tại Mỹ, chiến lược chiến tranh thông tin của Nga là nắm bắt các mối đe dọa và lo lắng từ trước trong các xã hội và khuếch đại sự ngờ vực trong các tổ chức của chúng tôi. Và đó chính xác là những gì họ đang làm liên quan đến coronavirus. Chúng tôi đã thấy các cáo buộc rằng đây là thứ được tạo ra trong phòng thí nghiệm của Mỹ.
Chúng tôi thấy các báo cáo rằng, bạn biết đấy, Trung Quốc và các quốc gia khác đang làm việc tốt hơn so với Mỹ. Một lần nữa, mọi người đều lo sợ về những gì mọi người lo ngại về những gì sẽ xảy ra với những người thân yêu của họ và cả sự ngờ vực của họ đối với các tổ chức và cách họ xử lý cuộc khủng hoảng này. “
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov đã đáp trả trước các cáo buộc này. “Đó là một số lời buộc tội vô căn cứ. Trên thực tế, nỗi ám ảnh về người Nga này tưởng chừng sẽ mờ dần trong tình hình hiện tại, nhưng hóa ra không hề”, ông Peskov được Tass dẫn lời.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/33707-sau-khi-my-do-loi-cho-tq-den-luot-eu-do-loi-cho-nga-ve-covid-19.html

Một số loại thuốc được cho là hiệu quả

cho bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán

Tin Kansas City – Theo tờ Wall Street Journal dẫn lời các chuyên gia của Bệnh viện đại học Kansas, một phương pháp chữa trị corovirus có vẻ như đang có hiệu quả trong thời gian gần đây. Các bác sĩ tại Pháp, Nam Hàn, và Hoa Kỳ, đang dùng thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine để chữa trị cho các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán và đã khá thành công. Hydroxychloroquine là loại thuốc phổ thông dùng để chữa trị các bệnh lupus, viêm khớp, và sốt rét.
Loại thuốc này, với nhãn hiệu là Plaquenin, được coi là tương đối an toàn với tác dụng phụ chủ yếu là gây kích thích dạ dày, dù trong một số trường hợp, thuốc cũng có thể gây rối loạn nhịp tim và giảm thị lực. Vào năm 2005, một nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa dịch bệnh CDC cho thấy chất chloroquine, một hoạt chất của thuốc, có thể ngăn virus xâm nhập tế bào nếu một người được dùng thuốc trước khi bị lây nhiễm. Nếu vách tế bào đã bị xâm nhập, thuốc có thể ức chế virus. Vào ngày 9 tháng 3, một nhóm chuyên gia tại Trung Cộng công bố kết quả nghiên cứu cho thấy hydroxychloroquine có thể chống lại coronavirus, và quá trình chữa trị dài khoảng 5 ngày.
Một cuộc nghiên cứu khác mới hơn ở Pháp đã sử dụng kết hợp thuốc hydroxyclorioquine với thuốc azithromycin, thường được dùng để chữa trị chứng viêm đường hô hấp trên. Các bệnh nhân Pháp được dùng cách chữa trị này đã hết bệnh sau 6 ngày. Các bác sĩ Hoa Kỳ hiện cũng đang thử nghiệm phương pháp trị bệnh này, và cho bệnh nhân dùng thuốc rất sớm, thay vì chờ đến khi bệnh tình trở nặng khiến bệnh nhân phải dùng máy thở hoặc phải vào khu chăm sóc đặc biệt.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/mot-so-loai-thuoc-duoc-cho-la-hieu-qua-cho-benh-nhan-viem-phoi-vu-han/

Độc tài hay tự do, nước nào chống dịch hiệu quả hơn?

Đại Nghĩa
Trong việc phòng chống virus Vũ Hán, các nước dân chủ, tức là những quốc gia bảo đảm minh bạch thông tin, nhìn trên bề mặt tưởng như đang yếu kém hơn so với các nước độc tài.
Châu Âu đang khốn đốn
Những ngày này, cả thế giới đang chú tâm theo dõi diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán. Sau Trung Quốc, Hàn Quốc, giờ đây tình hình diễn biến căng thẳng nhất lại đang là các nước châu Âu. Các nước tây Âu như Ý, Tây Ban Nha, Pháp… đang là tâm điểm chú ý, đặc biệt là nước  Ý với số ca tử vong đã vượt qua con số báo cáo từ chính quyền Trung Quốc, tính đến ngày 19/03/2020.
Giờ đây, nhiều người đang đặt ra câu hỏi, phải chăng các biện pháp hà khắc của chính quyền độc tài Trung Quốc đã tỏ ra hiệu quả hơn so với cách làm của các nước tự do?
Cả thế giới trong tháng 2 và đầu tháng 3/2020 đều rùng mình với diễn biến dịch bệnh căng thẳng tại Trung Quốc. Đặc biệt là hình ảnh các hành động từ hà khắc đến dã man của hệ thống chính quyền. Rất nhiều người bị cưỡng chế đi cách li một cách rất bạo lực, nhiều người bị đánh đập chỉ vì không đeo khẩu
trang khi ra ngoài, hoặc nhiều ngôi nhà bị chặn cửa. Những đoạn video cho thấy một số người bị rơi từ chung cư cao tầng chỉ vì tìm cách thoát ra ngoài, hoặc cả gia đình chết bên trong nhà mà không ai biết.
Tuy nhiên, đến ngày 10/03/2020, tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tới thăm Vũ Hán, đánh dấu tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Những diễn biến này khiến nhiều người nhìn trên bề mặt cho rằng, mặc dù thể chế độc tài hà khắc đến dã man của ĐCSTQ luôn bị cả thế giới phản đối, nhưng nó lại tỏ ra hiệu quả khi ứng phó với tình hình dịch bệnh?
Các quốc gia tự do có đối phó dịch hiệu quả?
Hàn Quốc là một trong các quốc gia có diễn biến dịch bệnh căng thẳng nhất tính đến đầu tháng 3/2020. Tuy nhiên cách làm của chính phủ Hàn Quốc khác với chính quyền Trung Quốc. Thay vì cách ly hà khắc hàng chục triệu người, Hàn Quốc tiến hành xét nghiệm quy mô lớn với 10.000 người mỗi ngày. Những người dương tính sẽ được mô tả lại hành trình di chuyển, tiếp xúc và được công khai cho xã hội. Như vậy nhiều người sẽ tự biết mình có cần đi xét nghiệm hay không. Cho đến ngày 21/03/2020, Hàn Quốc có 8.897 người được xác nhận dương tính, nhưng chỉ có 104 người tử vong. So với con số 500 – 600 người được xác nhận nhiễm bệnh mỗi ngày cuối tháng 02/2020, hiện mỗi ngày Hàn Quốc chỉ ghi nhận thêm hơn 100 người dương tính với virus Vũ Hán.
Trường hợp đáng nói nhất về hiệu quả chống dịch viêm phổi Vũ Hán chính là Đài Loan. Mặc dù Đài Loan là nước có nguy cơ cao hàng đầu với đại dịch lần này do lưu lượng người qua lại với Trung Quốc là rất lớn, lên tới hàng triệu người mỗi năm. Nhưng ngay từ trước khi chính quyền Trung Quốc công khai thừa nhận tình hình dịch bệnh đã ở mức nghiêm trọng, chính phủ Đài Loan đã thực hiện công tác phòng chống nghiêm ngặt. Theo tờ JAMA Network, ngay từ ngày 31/12/2019, Đài Loan đã cho kiểm tra các hành khách có triệu chứng ho, sốt đến từ Vũ Hán. Tức là trước tới 20 ngày so với khi tổng bí thư Tập Cận Bình có phát biểu về tình hình dịch bệnh.
Thay vì phong tỏa thông tin về dịch bệnh, Đài Loan ngay lập tức mở các chiến dịch tuyên truyền để toàn dân nắm được tình hình và các cách thức đối phó từ rất sớm. Chính phủ cũng cấm xuất khẩu khẩu trang ngay từ ngày 24/01/2020, hạ giá khẩu trang xuống mức 6 Đài tệ (4.600đ), nâng quy mô sản xuất từ 4 lên tới 10 triệu khẩu trang mỗi ngày chỉ sau 1 tháng. Ngay cả Tổng thống Thái Anh Văn cũng làm một video về cách thức các nhà thuốc phân phối khẩu trang phẫu thuật. Những người có nguy cơ lây nhiễm được thông báo để tự cách ly và xét nghiệm sớm nhất có thể, tránh tình trạng phong tỏa quy mô lớn. Chính phủ Đài Loan cũng cấm nhập cảnh đối với người đến từ Trung Quốc ngay từ ngày 06/02/2020, mặc dù chịu sự phản đối từ chính quyền Trung Quốc.
Cho đến ngày 21/03/2020, Đài Loan chỉ có 153 người được xác nhận dương tính với virus Vũ Hán. Thậm chí dưới sức ép từ chính quyền Trung Quốc, Đài Loan không được tiếp xúc trực tiếp với thông tin từ tổ chức y tế thế giới (WHO). Nhưng sự chủ động, độc lập và tự do thông tin của một thể chế pháp trị đã giúp Đài Loan có được kết quả tốt trong phòng chống đại dịch. RFI dẫn lời Bộ trưởng Y Tế Đài Loan Trần Thời Trung (Chen Shih Chung) tuyên bố : “Người dân Đài Loan không tin vào cơ chế dự phòng ở Hoa lục, và sự không minh bạch của hệ thống y tế Trung Quốc”.
Cho đến nay, Ý, Iran và Tây Ban Nha là ba nước có mức độ dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tồi tệ nhất chỉ sau Trung Quốc, cũng lại là ba nước có sự trợ giúp lớn nhất từ chính quyền Trung Quốc. Nhưng Iran là một thể chế độc tài, trong khi Ý cũng đã áp dụng các biện pháp khắc nghiệt, thậm chí phong tỏa toàn quốc từ ngày 10/03/2020. RFI ngày 20/03/2020 dẫn thông tin cho biết trong những ngày qua cảnh sát Ý đã phạt tới 44.000 người vì không chấp hành lệnh phong tỏa.
Hiện Đài Loan, Hồng Kông, Việt Nam là các khu vực đang đối phó tốt với dịch viêm phổi Vũ Hán. Có một đặc điểm chung là người dân ở ba khu vực này đều không tin chính quyền Trung Quốc, thậm chí luôn phản đối. Do vậy việc ứng phó với dịch bệnh của chính phủ và người dân ba khu vực này khá chủ động. Trong khi người châu Âu vốn không có nhiều trải nghiệm trong quan hệ với Trung Quốc. Mức độ chi phối truyền thông của chính quyền Trung Quốc tại châu Âu, đặc biệt là tây Âu là rất lớn, nên tâm lý người dân và chính phủ dễ dàng tin theo thông tin “chính thức” về dịch bệnh từ Trung Quốc. Họ đã rất chậm trễ trong ứng phó với dịch bệnh lần này, thậm chí cả xã hội đều rất chủ quan.
Thực tế bên trong không giống những gì được phô bày ra
Từ trước đến nay có rất nhiều tình hình thực tế “khủng khiếp” bên trong đất nước Trung Quốc không được phơi bày ra. Dịch bệnh lần này cũng vậy. Nhìn vào những gì các nước đang phải gánh chịu, có thể suy ngược lại tình hình ở Vũ Hán nói riêng và ở Trung Quốc nói chung có thể đang “không biết thế nào mà lường” chứ không phải là “không còn ca nhiễm mới”, “ca nhiễm mới đều từ nước ngoài trở về” như những gì được tuyên truyền ở bề mặt.
Có thể nói đặc điểm thể chế tự do hay độc tài không phải là yếu tố quyết định hiệu quả trong phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán. Ngoài năng lực của các chính phủ, thì sự hiểu biết về bản chất thông tin từ chính quyền Trung Quốc trong trường hợp này mới là yếu tố hữu hiệu. Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia có chung đường biên giới xung quanh Trung Quốc gồm cả Nga, Ấn Độ vốn có nguy cơ cao nhất với dịch bệnh lần này thì cho đến nay vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình. Bởi vì chính sự trải nghiệm thực tiễn mấy chục năm qua trong quan hệ với Trung Quốc, đã giúp người dân và chính phủ các nước láng giềng chủ động đối phó dịch từ rất sớm mà không căn cứ vào thông tin “chính thức” từ truyền thông Trung Quốc.
Những ngày này, Bắc Kinh vẫn đang ra sức tuyên truyền về sự thành công của chính phủ Trung Quốc. Nhưng với những gì đã trải qua, thế giới có lẽ lại đối diện thêm một lần nữa về việc tin hay không tin chính quyền Trung Quốc. Đài NTD dẫn thông tin từ các hãng viễn thông Trung Quốc trên ezone.ulifestyle.com.hk cho biết, có gần 15 triệu thuê bao di động đã biến mất trong 2 tháng qua, không biết họ đã đi đâu. Chỉ riêng điều này đã làm cho thông tin được báo cáo về số ca tử vong tại Trung Quốc là đáng ngờ. Ngay cả với Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam có mức độ ứng phó rất hiệu quả, thì mỗi ngày vẫn đang có thêm một số ca nhiễm mới. Một số chính trị gia nhiều nước bắt đầu đổ lỗi cho chính quyền Trung Quốc trong đại dịch vì thiếu minh bạch thông tin. Nhưng có lẽ điều tốt hơn với họ là tự trách bản thân, vì đã không hiểu được bản chất và tin vào những gì chính quyền Trung Quốc nói.
https://www.dkn.tv/the-gioi/doc-tai-hay-tu-do-nuoc-nao-chong-dich-hieu-qua-hon.html

Gần 16.500 người trên thế giới tử vong vì virus Vũ Hán

Hải Lam
Theo cập nhật của worldometer lúc 6h45 ngày 24/3 (giờ Việt Nam), dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 195 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, với 378.492 ca nhiễm, trong đó 16.495 người đã tử vong.
Số ca nhiễm và tử vong tại châu Âu tiếp tục tăng mạnh.
Ý hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất châu Âu và thứ 2 trên thế giới, với 63.927 ca nhiễm (tăng 4.789) và 6.077 ca tử vong (tăng 601). Số ca nhiễm và tử vong mới giảm so với 1 ngày trước đó. Vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh là Lombardy, phía Bắc nước Ý, với hơn 3.770 ca tử vong trong số 28.760 người nhiễm virus.
Tây Ban Nha ghi nhận thêm 6.368 ca nhiễm và 539 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 35.136 và 2.311. Nước này tiếp tục là hiện là vùng dịch lớn thứ 2 châu Âu và thứ 4 trên thế giới. Giới chức Tây Ban Nha hôm 23/3 cho biết, 3.910 nhân viên y tế bị lây nhiễm virus, chiếm gần 12% tổng số ca bệnh. 87% những người chết vì virus ở độ tuổi 70 trở lên.
Phó Thủ tướng Tây Ban Nha Carmen Calvo chiều ngày 22/3 nhập viện do nhiễm trùng đường hô hấp và đang chờ kết quả xét nghiệm nCov. Tây Ban Nha bị phong tỏa toàn quốc. Lệnh phong tỏa bắt đầu từ 14/3, ban đầu được áp dụng trong hai tuần nhưng hiện được kéo dài đến ngày 11/4 để hạn chế virus lây lan.
Đức hiện ghi nhận 29.056 ca nhiễm (tăng 4.183) và 123 ca tử vong (tăng 29). Tỷ lệ tử vong tại nước này ở mức thấp, chỉ khoảng 0,4% dù Đức hiện là vùng dịch lớn thứ 3 châu Âu và thứ 5 trên thế giới. Thủ tướng Đức Angela Merke đã làm xét nghiệm nCov và có kết quả âm tính hôm 23/3. Các xét nghiệm tiếp theo sẽ được thực hiện trong vài ngày tới.
Số ca nhiễm và tử vong tại Pháp, vùng dịch lớn thứ 4 châu Âu, lần lượt là 19.856 và 860.
Ổ dịch lớn thứ 5 ở khu vực châu Âu là Thụy Sĩ, với 8.795 ca nhiễm (tăng 1.321) và 120 ca tử vong (tăng 22). Số ca nhiễm mới ở nước này tăng mạnh so với 1 ngày trước đó.
Anh ghi nhận thêm 967 ca nhiễm và 54 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 6.650 và 335. Chính phủ Anh yêu cầu người dân ở nhà, và cảnh báo sẽ đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn virus lây lan.
Mỹ có thêm 9.903 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm virus Vũ Hán trên cả nước là 43.469. Với 132 ca tử vong mới được xác nhận, tổng số người chêt vì dịch bệnh tại nước này hiện là 545. Mỹ hiện ổ dịch lớn thứ 3 trên thế giới, sau Trung Quốc và Ý.
Iran vẫn là nước chịu nặng nề nhất của dịch bệnh tại khu vực Trung Đông, với 23.049 ca nhiễm (tăng 1.411) và 1.812 ca tử vong (tăng 127).
Trung Quốc và Hàn Quốc chưa công bố số liệu trong ngày hôm qua.
Tại Đông Nam Á, vùng dịch lớn nhất vẫn là Malaysia với 1.518 ca nhiễm và 14 ca tử vong. Thái Lan hiện có 721 ca nhiễm, cao số 2 tại khu vực, trong đó 1 người đã tử vong. Tại thủ đô Bangkok, gần như toàn bộ cơ sở kinh doanh đều được lệnh đóng cửa, khiến hàng chục nghìn công nhân phải lên tàu, xe buýt rời thành phố vào cuối tuần này. Indonesia là nước báo cáo số ca tử vong cao nhất khu vực với 49 người chết trong 579 người nhiễm. Indonesia đã biến làng vận động viên được xây dựng cho Đại hội Thể thao châu Á năm 2018 thành bệnh viện khẩn cấp với sức chứa hơn 4.000 người. Hiện Việt Nam ghi nhận 123 ca bệnh.
https://www.dkn.tv/the-gioi/gan-16-500-nguoi-tren-the-gioi-tu-vong-vi-virus-vu-han.html

Air Canada sa thải 5 ngàn nhân viên,

Pháp nỗ lực đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm vì corona

Air Canada sa thải hơn 5.000 tiếp viên giữa lúc hãng hàng không lớn nhất nước này cắt bớt các đường bay vì nhu cầu sụt giảm. Hãng hàng không có trụ sở tại Montreal sa thải khoảng 3.600 nhân viên, cộng với 1.549 tiếp viên tại chi nhánh giá rẻ Rouge của hãng, giới hữu trách loan báo ngày 23/3.
Việc sa thải sẽ có hiệu lực trước tháng 4 và ảnh hưởng đến khoảng 60% tiếp viên. Air Canada nói sẽ ngưng hầu hết các chuyến bay quốc tế và đến Mỹ, trước ngày 31/3. Nhân viên sẽ trở lại làm việc một khi các chuyến bay tái tục.
Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất ngưng việc quá cảnh hành khách qua Dubai, phi trường quốc tế bận rộn nhất thế giới, trong hai tuần để giúp ngăn chặn virus corona lây lan. Ngưng quá cảnh qua Dubai, nối liền Châu Âu với châu Á và Úc, sẽ ảnh hưởng đến hành khách trên toàn thế giới.
Hãng hàng không giá rẻ Eastar Jet trở thành hãng hàng không Hàn Quốc đầu tiên ngưng tất cả các chuyến bay vì nhu cầu tuột đốc. Công ty nói sẽ tạm thời ngưng các chuyến bay trong nước từ ngày 24/3 đến ngày 25/4. Những hãng hàng không gía rẻ khác như Air Seoul, Air Busan và T’Way Air chỉ bay các chuyến bay nội địa sau khi ngưng các chuyến bay quốc tế.
Thị trường Tài chánh
Giao dịch kỳ hạn của Mỹ giảm hơn 3% sau khi cổ phiếu giảm tại châu Âu và châu Á trong lúc việc đóng cửa nhằm chế ngự đại dịch virus corona được mở rộng trên toàn thế giới
Chứng khoán giảm tại Paris, Frankfurt và London sau khi một phiên giao dịch tại châu Á giảm mạnh ngày 23/3. Tuy nhiên đặc biệt là chỉ số Nikkei của Nhật tăng 2% sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế và các giới chức Nhật Bản tuyên bố đang cứu xét việc hoãn Olympics tại Nhật vốn dự trù bắt đầu vào tháng 7.
Giao dịch kỳ hạn của Mỹ tuột dốc sau khi các cuộc thương thảo về gói kích thích kinh tế bị chựng lại tại Thượng viện. Các cuộc thương thuyết cấp cao giữa Quốc hội và Tòa Bạch Ốc đang tiếp diễn sau khi Thượng viện bỏ phiếu chống lại gói cứu nguy nền kinh tế trị giá gần 2.000 tỉ đô la.
Siêu thị
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc trong các siêu thị và những ngành khác thiết yếu giữa lúc việc đóng cửa được nới rộng để chống virus corona.
Ông Macron nói “Chúng ta cần giữ cho đất nước hoạt động.”
Bộ trưởng Tài chánh Bruno Le Maire ngày 20/3 kêu gọi bảo đảm toàn bộ chuỗi cung cấp cho ngành thực phẩm sau khi Pháp trong tuần này đóng cửa các nhà hàng, tiệm cà phê, rạp chiếu phim và những cửa hàng bán lẻ khác không cần thiết. Nhiều nhân viên làm việc tại nhà. Các cửa hàng khác được phép mở cửa phải thi hành luật lệ về việc giữ khoảng cách giao tiếp, rửa tay và khử trùng
https://www.voatiengviet.com/a/air-canada-sa-th%E1%BA%A3i-5-ng%C3%A0n-nh%C3%A2n-vi%C3%AAn-ph%C3%A1p-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-%C4%91%E1%BA%A3m-b%E1%BA%A3o-chu%E1%BB%97i-cung-%E1%BB%A9ng-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-v%C3%AC-corona/5342128.html

Covid-19 : Ngành điện ảnh thất thu hàng tỷ đô la

Tuấn Thảo
Tác động của virus corona đối với ngành điện ảnh quốc tế cũng như ngành sản xuất phim truyền hình chỉ mới ở trong giai đoạn đầu. Ngày công chiếu các bộ phim mới đều bị dời lại, các dự án quay phim bị đình chỉ, thậm chí bị hủy bỏ. Theo tuần báo Hollywood Reporter, trước mắt dịch Covid-19 đã gây ít nhất 5 tỷ đô la thất thu cho ngành điện ảnh quốc tế.
Còn theo tạp chí điện ảnh Pháp Première, mức thiệt hại sẽ càng cao hơn nữa, chừng nào dịch bệnh còn kéo dài. Sự kiện liên hoan điện ảnh Cannes 2020 buộc phải dời lại cho tới mùa hè đã là một vấn đề, nhưng nghiêm trọng hơn nữa là việc đình chỉ Hội chợ phim quốc tế, vốn là cơ hội để cho các nhà sản xuất ký được những hợp đồng phân phối quan trọng. Khá nhiều công ty do không có đủ nguồn vốn, cho nên khó mà trụ vững được lâu, trước tác động của mùa dịch.
Liên quan các bộ phim đã quay xong và sắp được cho ra mắt khán giả, phim siêu anh hùng ‘‘BloodShot’’ (của Valiant Comics) bị dời lại vô thời hạn. Tập nhì của ‘‘A Quiet Place’’ (Vùng đất câm lặng / Sans un bruit) âm thầm rút lui khỏi các màn ảnh lớn, không một tiếng động. Người Vô hình (Invisible Man) cũng đột ngột biến mất, sau khi Ý và một số nước châu Âu hủy bỏ luôn ngày công chiếu.
Phim ‘‘The New Mutants’’ (Dị nhân Thế hệ mới) sau hai lần đã bị trì hoãn rốt cuộc cũng không chống chọi nổi với virus corona. Tập 9 của ‘‘Fast & Furious’’, dự kiến công chiếu vào tháng 5, bị hoãn lại gần một năm cho tới tháng 4 năm 2021.
Nền điện ảnh Pháp cũng bị tác động mạnh mẽ, các bộ phim truyện như ‘‘Miss’’ (tạm dịch Giấc mơ làm Hoa Hậu) cũng như ‘‘Divorce Club’’ (Câu lạc bộ của những người ly hôn) hay là tác phẩm ‘‘Effacer l’historique’’ cũng bị xóa tên trên danh sách phát hành phim, tất cả các ngày ra mắt đều bị dời lại cho đến mùa thu, sớm lắm là vào tháng 9. Các kênh truyền hình Pháp cũng phải ngưng khâu sản xuất phim.
Trong số này, có nhiều series như ‘‘Plus Belle La Vie’’, ‘‘Tropiques Criminels’’, ‘‘Les Rivières Pourpres’’ (Những dòng sông huyết thẫm) từng là phim xinê ăn khách, nay được dựng thành phim truyền hình nhiều tập, phóng tác từ quyển tiểu thuyết trinh thám ăn khách của Jean Christophe Grangé. Quan trọng không kém là loạt phim truyền hình dành cho ‘‘Leonardo Da Vinci’’ nhân 500 năm ngày giỗ của thiên tài. Phim này do nhiều nước châu Âu đồng hợp tác sản xuất kể cả Ý, Pháp, Tây Ban Nha, nay đành phải dời lại vô thời hạn.
Riêng trên màn ảnh lớn, sau James Bond và Hoa Mộc Lan, đến phiên anh hùng gô loa Astérix và điệp viên Ethan Hunt của Mission Impossible cũng bị choáng váng. Trước virus corona, nhiệm vụ bí mật trong tập 7 càng trở nên bất khả thi. Theo dự kiến, bộ phim Mission Impossible 7 (quay cùng lúc với tập 8) đã lên kế hoạch bấm máy quay nhiều cảnh của thành phố Venise nhân mùa lễ hội hóa trang carnaval.
Sau khi toàn bộ nước Ý bị phong tỏa, các thành viên trong đoàn làm phim đã trở về Mỹ. Qúa trình làm phim bị gián đoạn do dịch bệnh, hãng phim Paramount hiện đang xét lại việc có nên dời lại việc quay phim tại Venise vào tháng Hai năm 2021, tái tạo lễ hội hoá trang nhưng ở một nơi có khung cảnh gần giống với Ý, hay là viết lại một phần kịch bản để cho Tom Cruise quay phim dễ dàng hơn ở một nước khác.
Sau phần tiền kỳ, các dự án quay phim blockbuster bị mất sạch các chi phí đầu tư cho việc bấm máy khởi quay ngoài phim trường. Kế hoạch quay phim ‘‘Jurassic World : Dominion’’, đã bắt đầu tại Hawaii, rốt cuộc bị gián đoạn.
Tập đoàn Universal buộc phải tuyên bố đình chỉ mọi dự án sản xuất. Về phần mình, Disney đã chọn cuối tháng 3/2020 để tung mạng phân phối Disney+  cạnh tranh trực tiếp với Netflix. Tập đoàn Disney đặt nhiều kỳ vọng vào loạt phim khai thác các tuyến ngoại truyện ‘‘Avengers’’ Biệt đội Siêu anh hùng. Nhưng rốt cuộc, dự án quay phim The Falcon & The Winter Soldier, (Diều hâu và Chiến binh mùa đông) đang diễn ra tại Praha, Cộng hòa Séc, đành phải tạm ngưng.
Rất nhiều kế hoạch quay phim mới đều đã bị gián đoạn vô thời hạn. Đó là trường hợp của ‘‘The Batman’’ Người Dơi phiên bản mới với Robert Pattinson trong vai chính, tập thứ tư của ‘‘Matrix’’, phần cuối của ‘‘Fantastic Beasts’’ Sinh vật Huyền bí (tuyến ngoại truyện Harry Potter) và nhất là hai tập phim ‘‘Avatar’’ (tập nhì và tập ba) của James Cameron mà giới hâm mộ đã chờ đợi từ hơn một thập niên nay.
Song song với ngành điện ảnh, ngành sản xuất phim truyền hình Mỹ cũng bị lao đao. Các đoàn làm phim đang ở trong giai đoạn quay các tập mới cho mùa phim năm tới. Trong số này, có các dự án mới đầy tham vọng như The Witcher (Thợ săn quái vật), Peaky Blinders (Bóng ma Anh quốc), các bộ phim nhiều tập quen thuộc như Grey’s Anatomy, The Resident, The Fires of Love, hay là SWAT (Đội lính đặc nhiệm). Hiện giờ, chỉ có hai bộ phim nhiều tập The Walking Dead (Xác sống) và The Crown (Vương Miện) vẫn còn duy trì lịch bấm máy quay phim.
Trong năm 2019, tập đoàn Disney đã lập kỷ lục với hơn 10 tỷ đô la doanh thu, với 8 thương hiệu ăn khách trong đó có Star Wars tập 9 (Skywalker trỗi dậy), Frozen 2 (Nữ hoàng băng giá), Lion King (Vua sư tử phiên bản mới), Aladdin và cây đèn thần (live action) … Tuy nhiên, chính cái tầm vóc khổng lồ ấy cũng khiến cho Disney dễ bị tác động mạnh mẽ : các công viên giải trí Disneyland tại nhiều quốc gia đã buộc phải đóng cửa ít nhất là cho tới tháng 4/2020.
Dịch Covid-19 bùng phát tại Âu Mỹ vào lúc tập đoàn này đã khởi động chu kỳ thứ tư hầu mở rộng Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU – Marvel Cinematic Universe). Tương lai của phim Black Widdow dự trù được công chiếu vào tháng 5, ngày càng trở nên bấp bênh. Bộ phim truyện Shang-Chi và The Legend of the Ten Rings (Huyền thoại 10 chiếc nhẫn) lần đầu tiên có diễn viên châu Á trong vai một siêu anh hùng cũng đã bị gián đoạn. Còn phim ‘‘The Eternals’’ đáng lẽ mở ra một kỷ nguyên mới của những siêu anh hùng với thần lực vô biên, rốt cuộc cũng bị một siêu vi khuẩn tí hon khống chế.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200324-covid-19-ng%C3%A0nh-%C4%91i%E1%BB%87n-%E1%BA%A3nh-th%E1%BA%A5t-thu-h%C3%A0ng-t%E1%BB%B7-%C4%91%C3%B4-la

EU cân nhắc việc cho Albania

và North Macedonia gia nhập liên minh

Tin Brussels, Bỉ – Theo bản tin hôm thứ Hai, 23 tháng 3, của Reuters , tổ chức Liên Âu EU đang chuẩn bị bắt đầu đàm phán việc cho Albania và North Macedonia gia nhập liên minh, và dự kiến sẽ đạt thỏa thuận đàm phán trong tuần này. Nếu được phê chuẩn, thỏa thuận mới sẽ kết thúc thời gian trì hoãn đã kéo dài 2 năm, và mở đường cho 6 nước vùng tây Balkan gia nhập EU, gồm các nước Serbie, Kosovo, Montenegro, Albania, Bosnia, và North Macedonia.
Vào năm ngoái, North Macedonia và Albania đã không thể gia nhập EU, do Pháp và Hòa Lan nghi ngờ tiến trình dân chủ và nỗ lực chống tham nhũng của các quốc gia này. Tuy nhiên, vào tháng trước, Paris và The Hague đã tỏ ra dễ dãi hơn, và các cuộc đàm phán kết nạp thành viên mới bắt đầu khởi động, bất chấp ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng coronavirus. Việc thương lượng thu nhận quốc gia mới vào EU sẽ phải cần sự đồng thuận của mọi thành viên liên minh. Nếu không có nước nào phản đối, quyết định khởi động đàm phán sẽ chính thức được phê chuẩn bởi các bộ trưởng châu Âu của 27 nước EU vào giữa tuần này. Các chính phủ EU sau đó sẽ bắt đầu tham gia quá trình đàm phán, để bảo đảm rằng các nước vùng Balkan đáp ứng được các mục tiêu của liên minh về kinh tế, tư pháp, và các yêu cầu cải tổ khác. Các lãnh đạo EU và các nước Balkan lẽ ra sẽ có một hội nghị quan trọng tại Zagreb, thủ đô Croatia, vào tháng 5 năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch này nay có thể thay đổi vì dịch Covid-19.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/eu-can-nhac-viec-cho-albania-va-north-macedonia-gia-nhap-lien-minh/

Virus corona:

Anh công bố biện pháp siết chặt hành vi xã hội

Tối thứ Ba ngày 23/03, Thủ tướng Boris Johnson xuất hiện trên truyền hình để đưa ra thông điệp cứng rắn chống dịch virus corona cho toàn dân Anh.
Từ tối 23/3, mọi người dân ở Anh phải ở trong nhà, chỉ được ra ngoài nếu phải đi mua những nhu yếu phẩm, tập thể dục, mua thuốc men, và đi tới nơi làm việc và về nhà nếu thật cần thiết và không thể làm việc từ nhà.
Tất cả các cửa hàng trừ hàng bán thực phẩm và dược phẩm, sẽ bị đóng và việc tụ tập quá hai người không sống cùng nhà sẽ bị cấm.
Virus corona: Chuyện gì đang xảy ra ở Anh Quốc?
Virus corona: Người Việt ở Ba Lan cố xoay xở và hỗ trợ nhau trong đại dịch
Người dân có thể ra công viên, phố để tập thể dục, một lần trong ngày, và chỉ đi một mình hoặc cùng người trong nhà mà họ sống cùng.
Thủ tướng Johnson tuyên bố từ đêm nay, 23/03 sang sáng 24/03, mọi cửa hàng, trừ thực phẩm và dược phẩm, sẽ bị đóng.
Các dịch vụ bán hàng qua mạng sẽ hoạt động bình thường.
Cảnh sát có quyền phạt người vi phạm, và giải tán “đám đông” nhiều hơn hai người.
BBC News bình luận rằng Anh Quốc chỉ đi trước Ý hai tuần và các biện pháp hà khắc này được chính phủ Anh coi là cần thiết để “giảm lây lan” của virus corona và bảo vệ Y tế Công (NHS) không bị quá tải.
Thủ tướng Johnson nói các lệnh cấm sẽ được liên tục xem xét lại.
“Chúng tôi sẽ xem xét lại sau ba tuần và sẽ nới lỏng các lệnh cấm nếu có bằng chứng cho thấy chúng tôi có thể làm việc đó,” ông nói thêm.
Ông Johnson nói các biện pháp này là cần thiết để đối phó với “mối đe dọa lớn nhất mà đất nước này phải đối mặt trong nhiều thập kỷ”.
“Nếu không có nỗ lực lớn của cả nước để ngưng sự lây lan của virus này, sẽ đến một thời điểm không một hệ thống y tế nào trên thế giới có thể chống đỡ được; bởi vì sẽ không có đủ máy thở, không có đủ giường cấp cứu, không có đủ bác sỹ và y tá,” ông nói.
“Và như chúng ta đã thấy ở các nơi khác, các quốc gia có những hệ thống y tế tuyệt vời, đó là thời điểm thực sự nguy hiểm.
“Nói một cách đơn giản, nếu quá nhiều người ốm nặng cùng một lúc, NHS (Hệ thống Y tế Công của Anh) sẽ không có khả năng chống đỡ – có nghĩa là sẽ thêm nhiều người chết, không chỉ vì virus corona mà vì những bệnh khác nữa.”
Đến cuối ngày 23/03, số ca tử vong do Covid-19 ở Anh đã lên 335, và số ca lây nhiễm là 6650.
Tới thời điểm này, Anh đã làm 83.945 xét nghiệm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-52005849

Anh phong tỏa toàn quốc, cấm tụ họp trên 2 người

Hải Lam
Reuters đưa tin, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 23/3 thông báo lệnh cấm người dân ra đường, trừ khi đi mua nhu yếu phẩm, công tác, cần chăm sóc y tế hoặc tập thể dục để ngăn dịch bệnh lây lan.
“Từ tối nay, tôi buộc phải ra một chỉ đạo rất đơn giản cho người dân Anh: Mọi người phải ở nhà”, ông Johnson phát biểu trên truyền hình đêm 23/3. Nếu người dân không tuân theo, cảnh sát có quyền cưỡng chế thực hiện, trong đó có xử phạt và giải tán đám đông”.
Ngoài ra, thủ tướng Anh khuyến cáo mọi người không gặp gỡ bạn bè hoặc tránh gặp thân nhân nếu không sống cùng một nhà. Các đám cưới và các cuộc tụ họp lớn cũng sẽ bị hoãn, song đám tang vẫn được phép tổ chức. Các cửa hàng bán đồ không thiết yếu, sân chơi, thư viện, địa điểm tôn giáo phải đóng cửa. Các công viên vẫn được mở cho người dân tập thể dục nhưng không tập trung đông người.
“Chúng tôi không cho phép các cuộc tụ họp trên hai người ở nơi công cộng – ngoại trừ những sống cùng nhau… Chúng tôi sẽ liên tục xem xét các lệnh cấm này. Chúng tôi sẽ xem lại các biện pháp sau ba tuần, sẽ nới lỏng nếu bằng chứng cho thấy có thể làm việc đó”, ông Johnson cho hay.
Theo cập nhật của worldometer lúc 9h31 ngày 24/3 (giờ Việt Nam), Anh ghi nhận 6.650 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 335 người đã tử vong.
https://www.dkn.tv/the-gioi/anh-phong-toa-toan-quoc-cam-tu-hop-tren-2-nguoi.html

Các nhãn hiệu thời trang Pháp Saint Laurent

và Balenciaga sẽ sản xuất khẩu trang coronavirus

Tin từ PARIS, Pháp – Vào hôm Chủ nhật (22/3), công ty Kering của Pháp cho biết các nhãn hiệu thời trang cao cấp Saint Laurent và Balenciaga của họ sẽ bắt đầu sản xuất khẩu trang để giảm bớt tình trạng thiếu hụt trong cuộc khủng hoảng coronavirus. Tình trạng thiếu hụt các thiết bị bảo vệ trên khắp nước Pháp khiến các bác sĩ phẫn nộ và khiến các nghiệp đoàn cảnh sát đe dọa sẽ bỏ việc. Những lời phàn nàn tương tự như ở Tây Ban Nha và Ý.
Công ty Kering có trụ sở tại Paris, cũng sở hữu thương hiệu Gucci của Ý, cho biết Saint Laurent và Balenciaga sẽ bắt đầu sản xuất thiết bị trong xưởng của họ ngay khi quy trình và vật liệu của họ được phê duyệt chính thức. Kering cho biết họ cũng sẽ cung cấp cho dịch vụ y tế Pháp 3 triệu khẩu trang phẫu thuật mà họ dự định mua và nhập cảng từ Trung Cộng – và Gucci cũng sẽ sản xuất và tặng 1.1 triệu khẩu trang cùng 55,000 bộ quần áo y tế cho Ý.
Hồi tuần trước, Rival LVMH cho biết họ đang làm việc với chính phủ Pháp để mua 40 triệu khẩu trang y tế từ một nhà cung cấp Trung Cộng. LVMH, cùng với các công ty mỹ phẩm khác bao gồm L’Oreal, đang sử dụng một số nhà máy sản xuất nước hoa của họ để sản xuất thuốc khử trùng tay. Các công ty hàng hóa xa xỉ có khả năng bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng, khi các hành động nhằm ngăn chặn đại dịch buộc họ phải đóng cửa các cửa hàng.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/cac-nhan-hieu-thoi-trang-phap-saint-laurent-va-balenciaga-se-san-xuat-khau-trang-coronavirus/

Virus corona:

Pháp chính thức trong tình trạng khẩn cấp y tế

Thanh Phương
Hôm nay, 24/03/2020, nước Pháp chính thức bước vào tình trạng khẩn cấp y tế trong hai tháng và rất có thể chính phủ sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc, trước mắt được ban hành cho đến cuối tháng 3.
Sau bốn ngày làm việc khẩn trương với số nghị sĩ rất hạn chế, hôm 22/03, Quốc Hội Pháp đã thông qua đạo luật về tình trạng khẩn cấp y tế. Được đăng trên Công Báo ngày 24/03/2020, đạo luật dự trù một chế độ “tình trạng khẩn cấp y tế”, dựa theo mô hình của tình trạng khẩn cấp chiếu theo một đạo luật năm 1955. Đạo luật này đã từng được áp dụng sau các vụ khủng bố tháng 11/2015.
Theo thông báo của bộ trưởng Y Tế Olivier Véran, tại Pháp, từ đầu dịch Covid-19 đến nay đã có 860 người chết và 2.082 bệnh nhân nặng phải nằm trong phòng hồi sức. Trong số các ca tử vong, hiện đã có đến 5 bác sĩ. Theo lời giáo sư Philippe Juvin, trưởng khoa cấp cứu bệnh viện Georges-Pompidou ở Paris, tại vùng Paris, đã có “vài trăm” bác sĩ, y tá bị lây nhiễm virus corona. Đáng lo ngại không kém là trong một viện dưỡng lão ở tỉnh Vosges, miền đông nước Pháp, đã có đến 20 người chết có thể là do bệnh Covid-19. Từ mấy ngày qua, giới y tế rất lo ngại nguy cơ dịch bệnh hoành hành trong các viện dưỡng lão tại Pháp.
Các biện pháp nghiêm ngặt hơn 
Trước tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng tại Pháp, tối 23/03/2020, thủ tướng Edouard Philippe đã báo trước là lệnh phong tỏa toàn quốc có thể sẽ được kéo dài thêm vài tuần nữa. Thủ tướng Philippe loan báo một số biện phát siết chặt lệnh phong tỏa, chẳng hạn như chỉ được đưa con đi dạo hoặc chơi thể thao trong phạm vi 1 km chung quanh nhà, tối đa là một tiếng và mỗi ngày một lần. Kể từ nay cũng không được phép họp chợ ngoài trời, ngoại trừ ở một số vùng quê, chính quyền địa phương có thể xin cho phép họp chợ, nếu đây là nơi duy nhất mà người dân đến mua thức ăn.
Giới y tế cho tới nay vẫn đòi chính phủ ban hành lệnh phong tỏa toàn diện, nhưng tổng thống Emmanuel Macron không đồng ý, vì ông cho rằng chỉ cần kiểm soát chặt chẽ hơn lệnh phong tỏa hiện nay. Hội đồng khoa học hôm nay sẽ lại cho ý kiến về lệnh phong tỏa này. Trước mắt, đã có khoảng 30 thành phố ở Pháp ban hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm để hạn chế hơn nữa nguy cơ lây lan.
Chloroquine chỉ dành cho những ca nặng 
Hôm qua, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran cho biết là theo khuyến cáo của Hội đồng cao cấp về y tế công cộng, thuốc chloroquine chống sốt rét chỉ được dùng để chữa trị những bệnh nhận đang bị những dạng bệnh nặng của virus corona, chứ không nên sử dụng cho những người có dạng bệnh nhẹ hơn. Họ loại trừ khả năng sử dụng chloroquine cho toàn dân khi nào mà chưa có những kết quả chắc chắn về tác dụng của thuốc này.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200324-virus-corona-ph%C3%A1p-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-trong-t%C3%ACnh-tr%E1%BA%A1ng-kh%E1%BA%A9n-c%E1%BA%A5p-y-t%E1%BA%BF

Chuyên gia Pháp : Bắc Kinh viện trợ

để làm quên nguồn gốc virus Vũ Hán

Thụy My
Trung Quốc chi viện chỉ một phần rất nhỏ sản lượng khẩu trang của mình nhưng tuyên truyền rầm rộ, hành động song phương để làm nổi bật vai trò Bắc Kinh. Điều nghịch lý là viện trợ của Hoa Kỳ cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc. Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.
Chuyên gia về châu Á François Godement của Viện Montaigne khi trả lời phỏng vấn của báo La Croix ngày 24/03/2020 đã nhận định, việc Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ khi giúp đỡ một số nước về y tế trong đại dịch virus corona, là nhằm làm quên đi xuất xứ của con virus Vũ Hán.
Trung Quốc gởi thiết bị y tế đến châu Âu để giúp chống dịch. Phải chăng để chứng tỏ « quyền lực mềm » của Bắc Kinh, vốn luôn tìm cách xuất hiện như một mạnh thường quân giàu lòng vị tha ?
François Godement: Phương diện đầu tiên của sự trợ giúp này là lợi ích rất cụ thể của nó : giờ đây ai có thể từ chối các khẩu trang và máy giúp thở của Trung Quốc ? Mặt khác, là các bài diễn văn đi kèm. Đó là nhằm làm quên đi ổ dịch đầu tiên là từ Vũ Hán, quên rằng giải pháp ban đầu của Trung Quốc là thảm họa. Virus đã lây từ loài vật sang con người, từ khi phát hiện trường hợp thứ nhất cho đến khi thông tin cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ các nước khác trễ mất ba tuần lễ, từ ngày 31/12/2019 cho đến ngày 21/01/2020.
Đồng thời chính quyền Trung Quốc ra lệnh phong tỏa hết sức nghiêm ngặt, và cách này tỏ ra hiệu quả. Ngoài ra Trung Quốc cũng có khả năng sản xuất 115 triệu khẩu trang mỗi ngày, và từ nay đến cuối tháng có thể lên đến 200 triệu khẩu trang. Nhu cầu ở Hoa lục vẫn rất lớn, và số lượng gởi ra nước ngoài trên thực tế không nhiều – từ 2 đến 4 triệu khẩu trang cho toàn bộ châu Âu – tức là chỉ một phần rất nhỏ của sản lượng hàng ngày.
Tiếp đến, cung cách của Bắc Kinh luôn là hành động theo kiểu song phương, giữa hai chính phủ, để làm nổi bật vai trò của mình. Trong thời kỳ dịch Ebola năm 2014, Trung Quốc không hề thông qua Tổ chức Y tế Thế giới. Bắc Kinh khoa trương những hành động của mình tại châu Phi với một bộ máy tuyên truyền quy mô, tương phản hẳn với truyền thông châu Âu.
Trung Quốc nay xuất hiện như nhân tố hàng đầu, trong khi việc Luxembourg, hai bang của Đức là Saarland (Sarre), Baden-Württemberg (Bade-Wurtemberg), Thụy Sĩ dành các giường bệnh chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân các nước láng giềng, và ngay cả những nỗ lực của Ủy Ban Châu Âu cũng không được đưa tin rộng rãi.
Phải chăng Trung Quốc muốn lấp chỗ trống của vai trò lãnh đạo mà Hoa Kỳ đã để lại ?
Nghịch lý là đóng góp của Hoa Kỳ vào các tổ chức quốc tế và viện trợ cho các nước khác cao gấp 10 đến 100 lần so với Trung Quốc. Viện trợ của chính phủ thì lớn gấp 10 lần, còn đóng góp của lãnh vực tư nhân thì cao hơn Trung Quốc đến 100 lần, chẳng hạn Fondation Bill-Gates và các tổ chức khác. Việc chính quyền Trump không quảng bá gì là một sai lầm cực lớn.
Ngược lại, Trung Quốc liên tục có những tuyên bố đầy thiện chí, nhưng hành động lại chẳng bao nhiêu. Phương pháp « quyền lực mềm » của Bắc Kinh có vẻ là phương pháp tự kỷ ám thị. Cách này mang lại kết quả trong cuộc khủng hoảng hiện nay, khi « soft power » Mỹ hầu như hoàn toàn thiếu vắng, dù Washington vẫn hành động nhưng lại không vận dụng truyền thông.
Bắc Kinh đã chứng tỏ tính hiệu quả của mô hình cai trị độc đoán ?
Đài Loan, Hàn Quốc, Israel là các chế độ dân chủ, và hiện nay họ sử dụng những công cụ kỹ thuật số để truy tìm những ai tiếp xúc với những người nghi nhiễm bệnh, và giám sát việc phong tỏa. Sự khác biệt chủ yếu liên quan đến chủ nghĩa cá nhân ở châu Âu.
Tất nhiên là Trung Quốc tiếp tục các mục tiêu chính trị. Trước hết là thông qua chiến dịch bóp méo thông tin để làm quên đi chính tại Trung Quốc mà con virus Vũ Hán đã lan rộng một cách điên cuồng. Phát ngôn viên chính thức của bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn cáo buộc quân đội Mỹ đã cố tình mang virus corona đến Vũ Hán. Và nay thì Bắc Kinh cho lan rộng một cách phổ biến hơn nữa thông tin là con virus này có thể xuất xứ từ Ý !
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch tễ nghiêm trọng này đã gây ra một cuộc khủng hoảng lòng tin tại châu Âu, giữa người dân và chính phủ – trước hết là Liên Hiệp Châu Âu, bị cáo buộc đủ loại sai lầm – Trung Quốc cũng có thể hy vọng được coi là một điển hình để noi theo. Nhưng không phải Trung Quốc có thể mang lại nguồn lực cần thiết cho một kế hoạch tái thúc đẩy kinh tế châu Âu.
Có thể chờ đợi gì từ cuộc chiến tranh tuyên truyền này ?
Nếu Trung Quốc tiếp tục trốn tránh cuộc điều tra về nguyên nhân xảy ra đại dịch, thì có đủ các lý do để họ có thể lo lắng về tai tiếng. Ngược lại, nếu Bắc Kinh tái khởi động bộ máy sản xuất và nhanh chóng tìm lại sự năng động về kinh tế, Trung Quốc có thể được coi là mô hình, cho dù khó thể hình dung nổi một sự tăng trưởng như thời kỳ trước khi xảy ra đại dịch virus Vũ Hán.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200324-chuy%C3%AAn-gia-ph%C3%A1p-b%E1%BA%AFc-kinh-vi%E1%BB%87n-tr%E1%BB%A3-%C4%91%E1%BB%83-l%C3%A0m-qu%C3%AAn-ngu%E1%BB%93n-g%E1%BB%91c-virus-v%C5%A9-h%C3%A1n

Pháp : 12 tỷ euro để cứu hệ thống bệnh viện công

Thanh Hà
Bất cân đối về cung-cầu và trong các khoản chi-thu là những thách thức đối với hệ thống bệnh viên công của Pháp. Pháp là nước dành đến hơn 9% GDP cho hệ thống y tế đó. Tỷ lệ này thuộc hàng cao nhất trong khối các nước phát triển thuộc OCDE. (Tạp chí phát lần đầu ngày 26/11/2019)
Thực hư về khủng hoảng tại hơn 1.300 bệnh viện công ? Gói hỗ trợ 12 tỷ euro của bộ Y Tế chia sẻ phần nào gánh nặng với các bệnh viện công ? Giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cohin-Paris, phân tích.
Ngày 20/11/2019, Paris thông báo một kế hoạch quy mô để cứu hệ thống y tế công được coi là một trong những mô hình “hiệu quả nhất, tốt nhất” của thế giới.
Từ tháng 03/2019, một bộ phận nhân viên y tế, từ các bác sĩ đến y tá, nhân viên điều dưỡng… liên tục bãi công đòi tăng nhân sự, tăng ngân sách cho bệnh viện và đòi tăng lương. Ban đầu, các đòi hỏi trên xuất phát từ khoa cấp cứu, nhưng rồi phong trào đã lan rộng. Đỉnh điểm là hôm 14/11/2019, ngành y tế đồng loạt xuống đường trong chiến dịch “Journée Hopital Mort” - một ngày không có bệnh viện.
Thống kê của bộ Y Tế Pháp nêu lên những con số như sau : Số lượng bệnh nhân nhờ đến các dịch vụ cấp cứu của các bệnh viện năm 2016 cao gấp hai lần so với hai thập niên trước đó. Mỗi năm, dịch vụ này phải giải quyết thêm 3,5% ca. Khoa cấp cứu do vậy bị quá tải. Gần đây, truyền thông nhiều lần đưa tin về một số trường hợp, bệnh nhân tử vong trong lúc đợi điều trị ở khâu “cấp cứu”. Dù gọi là “cấp cứu”, bệnh nhân có khi phải đợi 12 giờ đồng hồ sau mới được vào khám.
Vấn đề thứ nhì, vẫn theo bộ Y Tế, là trong vòng 20 năm, hệ thống bệnh viện công của Pháp đã cắt giảm 100.000 giường bệnh. Dù vậy, hệ thống y tế của Pháp dự trù 6,5 giường điều trị cho 1.000 dân. Để so sánh, tại Thụy Sĩ, tỷ lệ này là 4,7/1.000.
Vấn đề thứ ba của hệ thống bệnh viện công là món nợ 30 tỷ euro. Khoản nợ này tăng 40% trong thời gian 10 năm trở lại đây. Trong cùng thời kỳ, đầu tư của các bệnh viện vào nhân sự, vào máy móc hay cơ sở hạ tầng giảm đi phân nửa. Với mức nợ 30 tỷ euro, hàng năm, hệ thống y tế công của Pháp phải trả gần 90 triệu euro tiền lãi, thay vì dùng số tiền nói trên để đầu tư cho bệnh viện.
Cũng vì để khai thông những khúc mắc đã tích lũy từ lâu, hôm 20/11/2019, thủ tướng Edouard Philippe và bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn thông báo một kế hoạch “quy mô” để cứu hệ thống bệnh viện công. Các biện pháp đó gồm thứ nhất là chính phủ lãnh 1/3 số nợ của bệnh viện, một khoản tương đương với 10 tỷ euro từ nay tới cuối 2022. Thứ hai là tăng ngân sách gần 2 tỷ trong 3 năm sắp tới cho các bệnh viện công, cấp tiền thưởng cho một số các nhân viên y tế có thu nhập thấp.
Để hiểu rõ hơn về những khó khăn trong hệ thống bệnh viện công tại Pháp, RFI tiếng Việt đã tham khảo ý kiến giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin, Paris.
Trước hết, bác sĩ Tuấn nêu bật khó khăn trong việc điều hành nhân sự tại bệnh viện.
http://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200324-ph%C3%A1p-12-t%E1%BB%B7-euro-%C4%91%E1%BB%83-c%E1%BB%A9u-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-b%E1%BB%87nh-vi%E1%BB%87n-c%C3%B4ng

Đức: 6 triệu khẩu trang ‘không cánh mà biến’ ở Kenya

Các giới chức hải quan Đức đang cố gắng truy tìm khoảng 6 triệu khẩu trang mà họ nói đã “biến mất” tại một sân bay ở Kenya, theo Reuters. Số khẩu trang này đã được đặt hàng mua về để bảo vệ cho nhân viên y tế của Đức chống chủng virus corona mới.
“Giới hữu trách đang cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra”, Reuters dẫn lời một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức nói, xác nhận thông tin lần đầu tiên được báo Spiegel Online công bố.
Phát ngôn viên của Cơ quan Hàng không Sân bay Kenya (KAA) cho biết các cuộc điều tra cho tới nay chưa phát hiện được gì.
Mặt nạ FFP2, có công dụng lọc hơn 90% các hạt nhỏ li ti, được hải quan Đức đặt hàng. Cơ quan này và phòng hậu cần của quân đội đang giúp cho Bộ Y tế Đức sắm các thiết bị bảo hộ khẩn cấp cần thiết.
Lô hàng lẽ ra đến Đức vào ngày 20/3 nhưng đã biến mất vào cuối tuần trước tại một sân bay ở Kenya.
Không rõ tại sao loại mặt nạ được sản xuất bởi một công ty Đức lại ở Kenya.
“Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra, cho dù đây là chuyện trộm cắp hay do nhà cung cấp không làm việc nghiêm túc, đều đang được hải quan làm sáng tỏ”, Reuters dẫn một nguồn tin của chính phủ Đức yêu cầu giấu tên cho biết.
Báo Spiegel Online của Đức cho biết những đơn đặt hàng trị giá 241 triệu euro (260,57 triệu USD) để mua các thiết bị bảo hộ và vệ sinh chống chủng virus corona mới.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho biết lô mặt nạ bị biến mất không gây thiệt hại về tài chính nào vì chưa được trả tiền.
Đức đang chuẩn bị bệnh viện và nhân viên y tế cho bối cảnh số lượng bệnh nhân nhiễm virus corona tăng mạnh. Hiện nước này đã có 27.436 trường hợp nhiễm virus được xác nhận và 114 trường hợp tử vong, Reuters dẫn số liệu của Viện Robert Koch cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BB%A9c-6-tri%E1%BB%87u-kh%E1%BA%A9u-trang-kh%C3%B4ng-c%C3%A1nh-m%C3%A0-bi%E1%BA%BFn-%E1%BB%9F-kenya/5343432.html

Số ca nhiễm COVID-19 ở Thụy Sĩ tăng mạnh

Triệu Hằng
Số người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 ở Thụy Sĩ gần như tăng gấp đôi vào cuối tuần qua, trong khi số ca nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu đã hơn 350.000.
Tờ Cnnmoney dẫn tin chính phủ Thụy Sĩ cho biết trong hôm thứ Hai (23/3), có ít nhất 8.060 người ở Thụy Sĩ và Liechtenstein xét nghiệm dương tính với virus corona, tăng từ 4.176 ca vào hôm 20/3. Có ít nhất 66 người đã chết vì căn bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Theo Reuters hôm 21/3, quân đội Thụy Sĩ đã nhận thêm 50 máy trợ thở và triển khai tại bang Ticino giáp biên giới Ý, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang khẩn trương bổ sung thêm thiết bị trợ thở cho các bệnh nhân nguy kịch để họ có cơ hội chống lại căn bệnh và sống sót.
Chính quyền Thụy Sĩ vào ngày 16/3 đã ban hành tình trạng khẩn cấp để chống dịch COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS – CoV – 2) gây ra. Tương tự như ở Pháp, tất cả các cơ sở thương mại đều phải đóng cửa, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc. Thụy Sĩ cũng tự cô lập và đóng cửa toàn bộ biên giới.
Theo Cnnmoney, Thụy Sĩ đã đóng cửa các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng gym. Bang Ticino còn đi xa hơn khi vào cuối tuần qua yêu cầu tất cả các ngành công nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa, cấm những người trên 65 tuổi rời khỏi nhà đi mua sắm.
Biểu đồ cho thấy tính đến ngày 23/3, số ca nhiễm virus Vũ Hán ở Thụy Sĩ đã tăng mạnh (ảnh chụp màn hình swissinfo.ch).
Theo worldometers, tính đến hôm nay (24/3), Thụy Sĩ đã có số ca nhiễm vượt qua Anh, xếp thứ 9 trong danh sách 10 quốc gia có số ca mắc COVID-19 cao nhất thế giới, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu trong danh sách này.
https://www.dkn.tv/the-gioi/so-ca-nhiem-covid-19-o-thuy-si-tang-manh.html

Covid-19: Tại Ý số ca nhiễm và tử vong

tăng chậm 2 ngày liên tiếp

Trọng Nghĩa
Dù vẫn ghi nhận những số liệu chóng mặt về các ca nhiễm và tử vong mới, Ý ngày hôm 23/03/2020 đã thấy lóe lên một tia hy vọng nhỏ về khả năng dịch Covid-19 bắt đầu lây lan chậm lại : trong hai ngày liền,  số ca nhiễm và số ca tử vong mới đều giảm.
Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, số người tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ đã giảm từ kỷ lục thế giới 793 người hôm 21/03 xuống còn 651 người ngày 22/03 và 601 người vào hôm qua 23/03.
Cũng như vậy, số ca nhiễm mới cũng giảm từ 6.557 trường hợp ngày 22/03 xuống còn 4.789 vào hôm qua 23/03.
Xuất hiện trên truyền hình, lãnh đạo ngành y tế vùng Lombardia, ổ dịch nghiêm trọng nhất tại Ý, cho rằng đã thấy “ánh sáng cuối đường hầm”, nhưng vẫn thận trọng xác định là “chưa thể tuyên bố chiến thắng”.
Nước Ý dẫu sao đã nhận lãnh một kỷ lục đáng buồn : Với 6077 ca tử vong ghi nhận đến hết ngày hôm qua, số người chết vì Covid-19 tại Ý sắp gấp đôi con số chính thức là 3277 trường hợp tại Trung Quốc, nơi xuất phát của dịch bệnh.
Tây Ban Nha, ổ dịch thứ nhì tại châu Âu
Cũng ở vùng Nam Âu, Tây Ban Nha đã vươn lên thành nước bị virus corona ảnh hưởng nghiêm trọng thứ hai tại châu Âu, với hơn 35.000 ca nhiễm tính đến sáng nay và 2.316 ca tử vong.
Điều đáng sợ là số người chết vì dịch bệnh ở Tây Ban Nha đã tăng hơn gấp đôi trong ba ngày qua. Một yếu tố đáng quan ngại khác là số số nhân viên y tế bị nhiễm virus corona đã lên đến 3.910 người, chiếm khoảng 12% tổng số ca nhiễm, đe dọa khả năng chống dịch của nước này.
Trong bối cảnh đó, Quốc Hội Tây Ban Nha họp lại hôm nay để thảo luận việc tăng cường biện pháp phong chống, trong đó có việc kéo dài chính sách phong tỏa đất nước đến ngày 11/04 tới đây.
Hà Lan trên đường từ bỏ đối sách “miễn dịch cộng đồng”
Riêng tại Hà Lan, nước hiếm hoi còn chủ trương chống dịch Covid-19 bằng chiến lược “miễn dịch cộng đồng”, thay vì phong tỏa đất nước như đa số các láng giềng, đà tăng tốc lây lan của virus corona như đang buộc chính quyền nước này thay đổi đối sách.
Tính đến hôm qua, 23/03, Hà Lan đã ghi nhận tổng cộng 4.749 ca lây nhiễm, trong đó có 213 trường hợp tử vong. Vấn đề là tốc độ lây lan đang tăng mạnh. Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, số ca nhiễm đã tăng 13%, trong lúc số tử vong tăng thêm 34 người.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Hà Lan vào tối 23/03/2020 đã quyết định cấm mọi cuộc tụ tập quá ba người (thay vì 100 người như trước đó). Lệnh cấm cũng được kéo dài cho đến 01/06, thay vì 06/04. Hình thức phạt tiền “thật nặng” đối với những ai vi phạm cũng được quyết định.
http://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200324-covid-19-t%E1%BA%A1i-y%CC%81-s%C3%B4%CC%81-ca-nhi%C3%AA%CC%83m-va%CC%80-t%C6%B0%CC%89-vong-t%C4%83ng-ch%C3%A2%CC%A3m-2-nga%CC%80y-li%C3%AAn-ti%C3%AA%CC%81p

Cựu Tổng thống Phần Lan nhiễm virus Vũ Hán

Hải Lam
Reuters đưa tin, cựu Tổng thống Phần Lan Martti Ahtisaari, người giành giải Nobel Hòa bình năm 2008, có kết quả xét nghiệm dương tính với nCov hôm 23/3.
“Tổng thống Ahtisaari được xác nhận nhiễm virus vào thứ Hai, 23/3. Tổng thống vẫn khỏe và đang được theo dõi thêm”, văn phòng Tổng thống Phần Lan ra tuyên bố.
Ông Ahtisaari, 82 tuổi, đảm nhận vai trò Tổng thống Phần Lan từ năm 1994 đến 2000. Ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 2008 vì những đóng góp trong hơn ba thập niên giúp giải quyết các xung đột quốc tế.
Hiện Phần Lan ghi nhận 700 ca nhiễm virus Vũ Hán, trong đó 1 người đã tử vong.
Theo Reuters
Hải Lam dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/cuu-tong-thong-phan-lan-nhiem-virus-vu-han.html

Olympic Tokyo 2020 được lùi sang 2021

Olympic Tokyo 2020 đã chính thức được dời sang năm sau do đại dịch virus corona toàn thế giới.
COVID-19 có khiến Olympics 2020 phải hủy bỏ?
Canada tuyên bố không tham dự Thế Vận Hội 2020
Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) nói sự kiện, lẽ ra tổ chức ngày 24/7, sẽ diễn ra “không muộn hơn mùa hè 2021″.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói ông đã đề nghị hoãn một năm, và Chủ tịch IOC Thomas Bach đồng tình “100%”.
Tương tự, giải Paralympic Tokyo cũng sẽ hoãn sang 2021.
Trong lịch sử 124 năm của giải, Olympic chưa khi nào bị hoãn, mặc dù từng bị hủy năm 1916, 1940 và 1944 do Thế chiến.
Tuyên bố chung của Nhật và IOC nói: “Các lãnh đạo đồng tình rằng Olympic Games ở Tokyo có thể là niềm hy vọng cho thế giới trong thời gian khó khăn này, và rằng ngọn lửa Olympics có thể trở thành ánh sáng cuối đường hầm.”
“Vì vậy, chúng tôi quyết định ngọn lửa Olympic vẫn ở lại Nhật. Chúng tôi cũng giữ nguyên tên gọi Olympic và Paralympic Tokyo 2020.”
https://www.bbc.com/vietnamese/sport-52022652

Nhật Bản biên chế tàu tàu khu trục Maya:

TQ còn dám thách thức ở Hoa Đông

Lực lượng Phòng vệ trên Biển Nhật Bản (MSDF, 19/3) đã chính thức đưa vào biên chế tàu khu trục có trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis mới nhất. Đây là loại tàu đầu tiên được trang bị một tên lửa đánh chặn do Nhật Bản và Mỹ cùng phát triển. Điều này đánh dấu một mốc quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hải quân của Nhật Bản.
Tàu khu trục siêu hiện đại
Theo thông tin trên, tàu khu trục mới được biên chế có tên Maya, một trong hai tàu khu trục thế hệ mới lớp 27DDG có khả năng trang bị hệ thống tên lửa đạn đạo ngăn chặn các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung với tên lửa đánh chặn Standard Missile-3 Block IIA. Kinh phí xây dựng chiến hạm này rơi vào khoảng 168 tỷ Yên (tương đương 1,5 tỷ USD) và nó sẽ được trang bị nhiều công nghệ hiện đại vượt trội hơn các lớp tàu khu trục trước đó của Phòng vệ Trên biển Nhật Bản. Tàu trên đã được Tập đoàn Thống nhất Hàng hải Nhật Bản bàn giao cho Bộ Quốc phòng trong một buổi lễ tại xưởng đóng tàu ở Yokohama, phía Nam thủ đô Tokyo. Phát biểu trong buổi lễ bàn giao, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono bày tỏ hy vọng tàu khu trục Maya sẽ đi đầu trong năng lực phòng không tên lửa toàn diện của nước này.
Theo MSDF, tàu Maya thuộc lớp 27DDG có chiều dài 170 m, lượng giãn nước 8.200 tấn và hệ thống động lực chính kết hợp tua-bin khí-điện kiểu COGLAG đang sử dụng trên tất cả các tàu mới nhất của nước này; JS Maya có thể đạt vận tốc tối đa lên tới 55 km/h. Tàu được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Baseline 9.0 (phiên bản tối tân nhất hiện nay) của Lockheed Martin (Mỹ), ra-đa tìm kiếm mặt nước mới AN/SPQ-9B của Northrop Grumman (Mỹ), hệ thống thủy âm mới với anten ở dưới sống tàu và anten kéo, và một mạng lưới cảm biến tích hợp điều khiển hỏa lực (CEC) đồng bộ. Tên lửa biên chế trên tàu sẽ là SM-3 Block IIA được Mỹ và Nhật Bản cùng phát triển. Bên cạnh đó, rất có thể Nhật Bản sẽ mua thêm tên lửa đánh chặn SM-6 được thiết kế với mục đích phòng không tầm xa cấp chiến thuật dành cho tàu chiến để bảo vệ và mở rộng phạm vi chống lại phương tiện bay không người lái, máy bay chiến đấu và một số loại tên lửa hành trình. Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản sẽ kết nối hệ thống CEC trên tàu với máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye, giúp tối ưu hóa phối hợp tác chiến trước các mối đe dọa từ đối phương. Nhiều nguồn tin còn tiết lộ rằng trong tương lai gần, những tàu thuộc lớp 27DDG sẽ được nâng cấp vũ khí, trang bị các hệ thống vũ khí nguyên lý mới mà Nhật đang phát triển là ụ pháo ray điện từ và các hệ thống la-de phòng vệ.
Trước đó, JMSDF (17/7/2019) cũng đã hạ thủy tàu khu trục Haguro, được trang bị hệ thống Aegis mới nhất của JMSDF. Tàu do Tập đoàn Hàng hải thống nhất Nhật Bản (JMU) đóng mới. Tàu trị giá khoảng 173,4 tỷ yên (1,6 tỷ USD) và dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng tháng 3/2021. Khi tàu khu trục Haguro đi vào hoạt động, Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ có 8 khu trục hạm được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo. Trong số 8 tàu này có các tàu khu trục lớp Maya, gồm JS Maya (DDG-179) và JS Haguro (DDG-180). Trong đó tàu Maya sẽ được đưa vào vận hành vào tháng 3/2020. Tàu Haguro nặng 8.200 tấn, dài 170 m và phần rộng nhất đo được là 21 m, được tích hợp hệ thống phối hợp tác chiến (CEC) có khả năng xác định vị trí của tên lửa, máy bay và chia sẻ thông tin với các lực lượng Mỹ và đồng minh. Được biết, Aegis là hệ thống phòng thủ tên lửa do tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất. Đầu năm nay, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt hợp đồng bán 2 hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất Aegis Ashore cho Nhật Bản với tổng giá trị lên tới 2,15 tỷ USD. Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ triển khai 2 hệ thống Aegis Ashore tại tỉnh Akita và Yamaguchi từ năm tài khóa 2023.
Trung Quốc sẽ đau đầu
Nhiều ý kiến cho rằng bất chấp sự phát triển ngày càng lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, Nhật Bản mới là nước có lực lượng hải quân mạnh nhất châu Á. Theo National Interest, lực lượng hải quân đáng gờm nhất châu Á có tổng cộng 114 chiến hạm và 45.800 nhân viên tình nguyện. Lực lượng này sở hữu một hạm đội lớn gồm các tàu khu trục nhanh, mạnh, các tàu ngầm tấn công diesel-điện cực kỳ hiện đại, cùng với các tàu đổ bộ có thể chuyên chở xe tăng và lục quân. Hải quân Nhật Bản có khả năng săn lùng tàu ngầm, chống lại các hạm đội tàu xâm lược và bắn hạ tên lửa đạn đạo của kẻ địch. Tuy sở hữu sức mạnh đáng gờm như vậy, nhưng đây không phải là một lực lượng hải quân thực sự, mà chỉ là một đội phòng vệ trên biển.
Về mặt kỹ thuật, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (MSDF) là một “lực lượng tự vệ” được thành lập để vượt qua những giới hạn mà hiến pháp nước này quy định đối với lực lượng vũ trang. Nhưng nếu xét về sức mạnh tàu chiến, MSDF chính là lực lượng hải quân mạnh nhất ở châu Á. Thành phần chính của MSDF là một hạm đội gồm 46 tàu khu trục và tàu hộ tống, nhiều hơn cả tổng số loại tàu tương tự trong biên chế của Anh và Pháp cộng lại. Được tổ chức thành các đội tàu hộ tống, lực lượng này được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ Nhật Bản khỏi các cuộc chiến tranh xâm lược, giúp giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của nước này và giữ cho các tuyến đường biển luôn thông suốt.
Loại tàu chiến mặt nước mạnh nhất của Nhật Bản là các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Kongo, có tên gọi Kongo, Kirishima, Myoko và Chokai. Cả 4 khu trục hạm này đều được đặt theo tên các chiến hạm và tàu tuần dương trước đây, một thực tế thường được tránh nói đến nhưng đang trở nên phổ biến hơn khi những hồi ức về Thế chiến II phai nhạt dần. Các tàu khu trục lớp Kongo được phát triển dựa theo nguyên mẫu khu trục hạm phiên bản Flight I thuộc lớp Arleigh Burke của Hải quân Mỹ về hình dạng tổng thể và vũ khí. Giống như lớp Burke, trái tim của tàu chiến lớp Kongo là hệ thống chiến đấu Aegis, có khả năng theo dõi và đánh chặn các mối đe dọa trên không. Nó cũng cung cấp một hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo cho Nhật Bản, chỉ cần 2 chiến hạm lớp Kongo là có thể bảo vệ phần lớn lãnh thổ nước này.
Vũ khí trang bị cho các khu trục hạm chủ yếu dùng vào mục đích phòng thủ, với 90 ống phóng tên lửa thẳng đứng Mark 41, lắp đặt ở phía trước và sau boong tàu. Chiến hạm lớp Kongo mang tên lửa phòng không SM-2MR và tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo SM-3 Block IB, loại tên lửa này sẽ sớm được thay thế bằng phiên bản IIA mới hơn. Các tàu khu trục còn trang bị 1 khẩu pháo chính cỡ nòng 127mm, 8 tên lửa chống hạm Harpoon, 6 ống phóng ngư lôi chống ngầm và 2 hệ thống vũ khí phòng thủ tầm gần Phalanx 20 mm.
Một tàu chiến đáng gờm khác của Nhật Bản là tàu sân bay trực thăng Izumo. Với lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn và chiều dài hơn 244m, Izumo có đường băng nối thẳng từ đầu đến đuôi tàu, một tháp chỉ huy các hoạt động bay, các thang máy nâng máy bay và một khoang chứa máy bay bằng chiều dài của tàu. Mặc dù trông có vẻ giống một tàu sân bay thông thường, nhưng Nhật Bản khẳng định Izumo thực ra lại là một “tàu khu trục trực thăng”. Izumo không thể mang các chiến đấu cơ cánh cố định nhưng có thể chở đến 14 máy bay trực thăng. Nhiệm vụ của các trực thăng có thể khác nhau, từ tác chiến chống tàu ngầm, dò tìm thủy lôi cho đến tiến hành các cuộc tấn công đổ bộ bằng trực thăng. Điều này khiến Izumo trở thành một nền tảng linh hoạt, có khả năng thực thi hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Hiện Nhật đang chế tạo chiếc tàu thứ hai thuộc lớp này mang tên Kaga.
Lực lượng tàu ngầm cũng là một thành phần quan trọng của MSDF. Nhật Bản đang xây dựng một lực lượng gồm 22 chiếc tàu ngầm để đối phó với sự lớn mạnh của Hải quân Trung Quốc. Hạm đội sẽ bao gồm các tàu ngầm thuộc 2 lớp là lớp Oyashio cũ, và lớp Soryu mới hơn, nguy hiểm hơn. Với lượng giãn nước 4.100 tấn khi lặn, Soryu là lớp tàu ngầm lớn nhất của Nhật sau lớp I-400 hồi Thế chiến II. Các tàu ngầm được trang bị hệ thống đẩy không khí độc lập Stirling, giúp tàu ngầm âm thầm hoạt động dưới nước tới 2 tuần mà không cần nổi lên, và có thể di chuyển với tốc độ lên đến 24 km/h trên mặt nước và 37 km/h khi lặn. Tàu ngầm lớp Soryu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, với 20 ngư lôi hạng nặng Type 89 do Nhật tự chế và các tên lửa chống hạm Harpoon do Mỹ sản xuất. Soryu cũng có thể rải thủy lôi để phong tỏa các eo biển, ngăn không cho quân địch xâm nhập.
Hải quân Nhật còn sở hữu 3 tàu đổ bộ xe tăng lớp Osumi. Các tàu này giống tàu sân bay cỡ nhỏ có boong tàu dài 130 mét dọc theo thân tàu, nhưng lại không được trang bị thang nâng và khoang chứa máy bay. Tàu được thiết kế để nhanh chóng di chuyển các xe tăng thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất giữa các đảo chính của Nhật, giúp tăng cường lực lượng đối phó với các hành động xâm lược. Tàu lớp Osumi có thể chuyên chở tới 1.400 tấn hàng hóa, 14 xe tăng Type 10 hoặc Type 90, cùng với 1000 binh sĩ. Được trang bị tốt sàn và tàu đổ bộ đệm khí LCAC do Mỹ thiết kế, tàu lớp Osumi có thể nhanh chóng vận chuyển các loại khí tài hạng nặng vào bờ. Khả năng này đặc biệt hữu ích bởi chiến lược quốc phòng linh hoạt mới của Nhật đòi hỏi lực lượng đổ bộ có khả năng giành lại những hòn đảo bị kẻ thù chiếm đóng.
Vì vậy, với việc trang bị thêm tàu khu trục mới, hải quân Nhật Bản đang dần lấn lươt hơn so với Trung Quốc. Một khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động khiêu khích, đe dọa chủ quyền của Nhật Bản ở khu vực Hoa Đông thì chắc chắn sẽ nhận được sữ đáp trả cứng rắn và có phần thảm khốc của Tokyo.
http://biendong.net/bien-dong/33714-nhat-ban-bien-che-tau-tau-khu-truc-maya-tq-con-dam-thach-thuc-o-hoa-dong.html

Ý kiến chuyên gia: Muốn hoàn thành mục tiêu

xây dựng xong COC trước năm 2021,

TQ phải đưa UNCLOS vào quá trình đàm phán

Từ khi thông qua văn bản dự thảo (SDNT) về đàm phán xây dựng COC (6/2018), Trung Quốc và ASEAN vẫn tiếp tục quá trình đàm phán xây dựng bộ quy tắc này, trong đó Bắc Kinh nhiều lần tuyên bố chính thức rằng sẽ cùng ASEAN hoàn thành COC trước năm 2021, tức là chỉ còn chưa đầy 2 năm. Giới chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến COC chưa có đột phá là do Trung Quốc chưa chấp nhận đưa UNCLOS vào quá trình này.
Việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông đều đươc đa số các nước nhất trí đó là phải thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đây là nguyên tắc tiên quyết, quan trọng bắt buộc. Vì vậy, COC bắt buộc phải dựa trên các quy định của UNCLOS.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của ASEAN và các nước, Trung Quốc lại đưa ra 3 điều kiện trong xây dựng COC là: (1) Không áp dụng UNCLOS trong nội dung đàm phán COC. (2) Các nước bên ngoài khu vực muốn tập trận chung với các nước trong khu vực thì phải có sự đồng ý trước. (3) Không hợp tác khai thác tài nguyên với nước ngoài khu vực trong vùng biển tranh chấp. Nếu như vậy thì không có gì khác là Trung Quốc muốn sử dụng COC để thực hiện ý đồ kiểm soát Biển Đông mà bản thân Trung Quốc lại là quốc gia tham gia ký kết UNCLOS. Gi ới phân tích và các nhà nghiên cứu luật cho rằng nhất thiết muốn có COC đồng thuận, hiệu lực, hiệu quả thì Bắc Kinh phải chấp nhận UNCLOS, do:
Thứ nhất, sự ra đời của UNCLOS nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia. Và khi ban hành, nó được coi như là bản “Hiến pháp” về biển và đại dương. Bản “Hiến pháp” đồ sộ này gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục, quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển, cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương. Văn kiện này không chỉ kế thừa các điều ước quốc tế về biển trước đó, mà còn pháp điển hóa các quy định mang tính tập quán quốc tế cũng như xu hướng phát triển mới của việc sử dụng và khai thác biển và đại dương. Việc UNCLOS ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển và bảo tồn các nguồn tài nguyên này cho thế hệ mai sau. Công ước đã đặt ra cơ sở để xác định các vùng biển và căn cứ cho các quốc gia xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển và tiến hành các hoạt động trên biển. Việc Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên phải chấp thuận sự điều chỉnh cả gói và không cho phép bảo lưu bất kỳ điều khoản nào, ngoại trừ những tuyên bố cụ thể theo quy định của Công ước, là bảo đảm cho việc tuân thủ và thực hiện đầy đủ Công ước.
Với vai trò là “Hiến pháp” của biển và đại dương, UNCLOS là khuôn khổ pháp lý nòng cốt, quan trọng cho việc xây dựng các văn kiện pháp lý khác về biển và đại dương. Theo đó, phải kể đến Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của Công ước và Hiệp định năm 1995 về đàn cá lưỡng cư và di cư xa đều vận dụng Công ước. Các điều ước quốc tế khác về biển và đại dương đều ít nhiều căn cứ vào các quy định của UNCLOS để vận dụng do tính chất toàn diện, bao trùm của nó. Bên cạnh các chế định về quy chế pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, UNCLOS cũng quy định cơ chế bắt buộc nhằm giải quyết tranh chấp nảy sinh giữa các quốc gia trong giải thích và áp dụng Công ước. Theo quy định tại Phần XV của Công ước, khi phát sinh tranh chấp, các quốc gia cần giải quyết một cách hòa bình, bằng các biện pháp do các bên lựa chọn như đối thoại, đàm phán, hòa giải…Nếu các biện pháp trên không đem lại hiệu quả, các bên có thể thỏa thuận đưa tranh chấp ra giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa án Luật Biển quốc tế (ITLOS, cơ quan được thành lập bởi Công ước) hoặc Tòa trọng tài thường trực, Tòa trọng tài đặc biệt… Phán quyết của các cơ quan tài phán phải tuân theo quy định của UNCLOS, đặc biệt là hướng vào sự góp phần giải thích các quy định của Công ước, loại bỏ mọi sự mơ hồ có thể bị lợi dụng để biện minh cho các yêu sách và hành động sai trái. Điều này giúp duy trì trật tự trên biển và đại dương, bảo vệ mọi hoạt động sử dụng biển, đại dương một cách hợp pháp và hòa bình, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển của mỗi quốc gia, khu vực và toàn thế giới.
Thứ hai, khi Trung Quốc không chấp nhận UNCLOS, nước này đã vi phạm nghĩa vụ thành viên. Trung Quốc luôn khẳng định và tiến hành các hoạt động “bảo vệ chủ quyền” của mình ở Biển Đông theo yêu sách “đường chín đoạn” do họ tuyên bố. Tuy nhiên, cả thế giới đều thấy rõ yêu sách này không thể được coi là yêu sách nghiêm túc của một quốc gia đối với một vùng biển rộng lớn vì nó hoàn toàn không có bằng chứng và cơ sở lịch sử, thực tiễn, đặc biệt là nó trái ngược hoàn toàn với quy định do UNCLOS đề ra. Sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA), được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS ra phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, bác bỏ hoàn toàn yêu sách phi lý về “đường chín đoạn” ở Biển Đông, Trung Quốc chẳng những không chấp nhận phán quyết này, mà còn tăng cường khống chế, kiểm soát Biển Đông dưới nhiều hình thức và bằng nhiều công cụ khác nhau. Trong đó, họ huy động cả mặt trận pháp lý, vốn bị xem là thế yếu của Trung Quốc, thông qua việc khẳng định chủ quyền đối với những vùng biển được đặt ra từ khái niệm “Tứ Sa” (Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa) do họ “phát kiến” ra, để từ đó tiến tới yêu sách đòi “chủ quyền” trên các vùng biển rộng lớn, bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông. Phân tích hành động trên của Trung Quốc, các chuyên gia pháp lý quốc tế cho rằng, Trung Quốc đã giải thích và cố tình áp dụng sai quy định của UNCLOS, bằng cách dùng quy định về hệ thống đường cơ sở của các quốc gia quần đảo để áp dụng cho các quần đảo xa bờ không phải là quốc gia quần đảo.
Nhìn chung, xuất phát từ ý đồ muốn kiểm soát Biển Đông, Trung Quốc đã tìm mọi cách dàn xếp với các nước trong khu vực, ngăn chặn hoạt động của các nước ngoài khu vực để cuối cùng COC nếu có được thông qua thì chí ít cũng phải là văn kiện được dẫn dắt theo tính toán của họ. Vì vậy, Trung Quốc đã và đang tìm mọi cách để gạt bỏ các tiêu chuẩn, luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS ra ngoài để nhằm có một COC trong tương lai phù hợp với các điều kiện của Bắc Kinh.
http://biendong.net/bien-dong/33717-y-kien-chuyen-gia-muon-hoan-thanh-muc-tieu-xay-dung-xong-coc-truoc-nam-2021-tq-phai-dua-unclos-vao-qua-trinh-dam-phan.html

Nghi vấn đặt ra khi hơn 20 triệu

thuê bao điện thoại di động ở TQ ‘biến mất’

Vào ngày 19/3, trong một bản công bố của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) về số người dùng điện thoại ở nước này trong tháng 2, cho thấy số thuê bao điện thoại di động giảm 21 triệu, khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, phải chăng số thuê bao dùng điện thoại di động giảm như vậy là do có nhiều người đã tử vong vì virus Vũ Hán.
Theo bản công bố, trong tháng 2, tổng số thuê bao dùng điện thoại di động ở Trung Quốc giảm từ 1,600957 tỷ xuống còn 1,579927 tỷ, giảm 21,03 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại cố định giảm từ 190,83 triệu xuống còn 189,99 triệu, giảm 840.000 thuê bao.
Điều này được cho là bất thường khi vào cùng kỳ năm ngoái, tức là vào tháng 2/2019, số lượng người dùng điện thoại ở nước này vẫn đang tăng lên. Theo MIIT, số thuê bao dùng điện thoại di động trong tháng 2/2019 tăng từ 1,5591 tỷ lên 1,5835 tỷ, tăng 24,37 triệu thuê bao. Số thuê bao sử dụng điện thoại cố định tăng từ 183,477 triệu lên 190,118 triệu, tăng 6,641 triệu thuê bao.
Điện thoại di động được cho là một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở Trung Quốc.
“Mức độ số hóa ở Trung Quốc rất cao. Mọi người không thể sống mà không có điện thoại di động”, Tang Jingyuan, một nhà bình luận về vấn đề Trung Quốc ở Hoa Kỳ nói với tờ The Epoch Times ngày 21/3. “Muốn làm việc với chính phủ về lương hưu và an sinh xã hội, mua vé tàu, mua sắm,… bất kể họ muốn làm gì, họ được yêu cầu sử dụng điện thoại di động”.
“Chính quyền Trung Quốc yêu cầu tất cả người Trung Quốc sử dụng điện thoại di động của họ để tạo mã sức khỏe. Hiện tại, chỉ với một mã sức khỏe ‘xanh’, người Trung Quốc mới được phép di chuyển tại Trung Quốc. Do đó một người không thể hủy bỏ điện thoại của mình”, Tang nói.
Phân tích các con số
Việc giảm số thuê bao sử dụng điện thoại cố định có thể là do chính quyền Trung Quốc phong tỏa nhiều nơi vào tháng 2 khiến nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Nhưng việc giảm số thuê bao điện thoại di động thì không thể giải thích theo cách này.
Theo dữ liệu hoạt động của cả ba nhà mạng điện thoại di động Trung Quốc gần đây cho thấy, số thuê bao điện thoại di động của nước này tăng vào tháng 12/2019 nhưng giảm mạnh vào đầu năm 2020.
Cụ thể, China Mobile, nhà mạng lớn nhất Trung Quốc, nắm giữ khoảng 60% thị trường điện thoại di động ở nước này, báo cáo rằng nhà mạng đã mất 0,862 triệu thuê bao vào tháng 1/2020 và 7,254 triệu vào tháng 2/2020. China Telecom, nhà mạng lớn thứ hai khi nắm giữ khoảng 21% thị trường, báo cáo mất 0,43 triệu thuê bao vào tháng 1/2020 và 5,6 triệu thuê bao vào tháng 2/2020. China Unicom, nhà mạng lớn thứ ba, chưa công bố dữ liệu cho tháng 2 nhưng báo cáo rằng họ đã mất 1,186 triệu thuê bao vào tháng 1/2020.
“Hiện tại, chúng tôi không biết các chi tiết của dữ liệu. Nếu chỉ cần 10 phần trăm số thuê bao điện thoại di động bị hủy do người dùng đã chết vì virus Vũ Hán, thì số người chết sẽ là 2 triệu”, Tang cho biết.
Có nhiều nghi ngờ cho rằng, số ca tử vong do virus Vũ Hán được báo cáo ở Trung Quốc không đúng với thực tế. Ví như, khi so sánh với Ý, nước này cũng áp dụng các biện pháp chống dịch tương tự như các biện pháp được sử dụng ở Trung Quốc, nhưng tỷ lệ tử vong lại là 9% trong khi ở Trung Quốc, nơi có các ca nhiễm virus cao hơn, thì tỷ lệ tử vong là 4%, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tử vong của Ý.
Bên cạnh đó, vào đầu năm 2020, có nhiều hoạt động đáng ngờ xảy ra tại tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch của Trung Quốc. Theo tờ The Epoch Times, vào cuối tháng một, 7 nhà tang lễ ở thành phố Vũ Hán được báo cáo là đốt xác 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần. Tỉnh Hồ Bắc đã sử dụng 40 lò hỏa táng di động, mỗi lò có khả năng đốt 5 tấn chất thải y tế và thi thể mỗi ngày, kể từ ngày 16/2.
“Số liệu mới nhất do riêng China Mobile công bố cho thấy họ đã mất 8,116 triệu người dùng vào tháng 1 và tháng 2. Hiện tại những người dùng này đang ở đâu? Chuyển sang các nhà mạng khác? Hay, họ không thể mang điện thoại của mình đến thế giới bên kia?”, bà Jennifer Zeng, nhà hoạt động nhân quyền ở Mỹ viết trên Twitter hôm 20/3.
Việc 21 triệu thuê bao điện thoại di động ở Trung Quốc ‘biến mất’ trong đại dịch khiến chúng ta không khỏi suy ngẫm.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33716-nghi-van-dat-ra-khi-hon-20-trieu-thue-bao-dien-thoai-di-dong-o-tq-bien-mat.html

Hồi tranh cãi TQ, Mỹ về dịch Covid-19

bao giờ chấm dứt?

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp tục đưa ra phản bác mạnh mẽ trước thông tin Mỹ cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về tình hình dịch Covid-19.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chiều nay (23/3) người phát ngôn Cảnh Sảng cho rằng việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc, Nga và Iran công bố các thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh Covid-19, đồng thời yêu cầu các cơ quan liên bang Mỹ đưa thông tin nhất quán trong việc làm xấu Trung Quốc là hành vi tiêu chuẩn kép, chủ ý đổi trắng thay đen.
Ông Cảnh Sảng cho biết, bắt đầu từ ngày 3/1, Trung Quốc đã định kỳ thông báo các thông tin liên quan cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các nước trong đó có Mỹ.
Ông Cảnh Sảng đặt câu hỏi, trong 50 ngày qua, Mỹ đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thế nào mà khiến số người nhiễm bệnh tại nước này từ 10 người tăng lên 30.000 người.
Ông Cảnh Sảng khẳng định: Mỹ không những lãng phí thời gian quý báu khi Trung Quốc thông báo để ngăn chặn dịch bệnh mà còn đổ vấy cho Trung Quốc, cách làm này của Mỹ là thiếu trách nhiệm, không giúp ích gì cho công tác phòng chống dịch của nước này mà còn gây phản tác dụng đối với sự hợp tác phòng chống dịch của toàn thế giới.
Ông Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc một lần nữa đốc thúc Mỹ dừng ngay việc chính trị hóa dịch bệnh, dừng ngay việc bôi xấu Trung Quốc, Mỹ hãy tập trung làm tốt công việc của mình, phát huy vai trò mang tính xây dựng  trong việc ngăn chặn dịnh bệnh cũng như bảo vệ an ninh y tế chung toàn cầu”
Phản ứng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh, Mỹ nhiều lần chỉ trích Trung Quốc ban đầu đã che giấu thông tin khiến dịch bệnh trở nên khó kiểm soát như hiện nay. Mới đây, trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa cho biết, ông thất vọng với Trung Quốc vì thiếu hợp tác và chia sẻ thông tin sớm trong giai đoạn đầu của dịch  Covid-19
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33713-hoi-tranh-cai-tq-my-ve-dich-covid-19-bao-gio-cham-dut.html

Không quân TQ: Nhiều máy bay, nhưng đa số là đồ cổ

Không quân Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) và Không quân Hải quân PLA vận hành một hạm đội khổng lồ gồm khoảng 1.700 máy bay chiến đấu, được định nghĩa ở đây là máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay tấn công. Lực lượng này chỉ đứng sau Mỹ với 3.400 máy bay chiến đấu đang hoạt động. Hơn nữa, Trung Quốc vận hành rất nhiều loại máy bay ít được biết tới ở phương Tây.
Tuy nhiên, hầu hết các máy bay quân sự của Trung Quốc đều được lấy cảm hứng từ hoặc sao chép từ các thiết kế của Nga hoặc Mỹ, do đó, nó không quá khó để nắm bắt khả năng của chúng nếu bạn biết nguồn gốc của chúng.
Liên Xô và Trung Quốc có quan hệ tốt trong những năm 1950, vì vậy Moscow đã chuyển giao rất nhiều công nghệ bao gồm xe tăng và máy bay chiến đấu phản lực. Một trong những loại đầu tiên do Trung Quốc sản xuất là J-6, một bản sao của tiêm kích MiG-19, có thiết kế khí nạp đằng mũi. Mặc dù Trung Quốc chế tạo hàng ngàn chiếc J-6, nhưng đa số đã bị loại bỏ.
Tuy nhiên, khoảng 150 phiên bản tấn công mặt đất, Nanchang Q-5, vẫn hoạt động, tất nhiên là đã được nâng cấp để sử dụng đạn dẫn đường chính xác, theo tác giả Sébastien Roblin viết trên National Interest.
Năm 1962, Liên Xô chào hàng Trung Quốc hơn 10 máy bay chiến đấu MiG-21 mới. Bắc Kinh đã sao chép thành chiếc J-7 mạnh hơn (nhưng nặng hơn). Việc sản xuất chậm chạp do sự hỗn loạn của Cách mạng Văn hóa, nhưng từ năm 1978 đến 2013, các nhà máy Trung Quốc đã tạo ra hàng ngàn máy bay phản lực loại này với hàng chục biến thể. Gần bốn trăm chiếc J-7vẫn phục vụ trong Không quân (PLAAF) và không quân hải quân (PLANAF).
J-7 có thể theo kịp tiêm kích F-16 ở tốc độ Mach 2, nhưng không thể mang nhiều nhiên liệu hoặc vũ khí, và nó có một radar yếu trong mũi nhỏ hình nón. Tuy nhiên, Trung Quốc tìm cách nâng cấp J-7. J-7G được giới thiệu vào năm 2004 với các gói nâng cấp bao gồm một radar  do Israel sản xuất, buồng lái kính kỹ thuật số và tên lửa ngoài tầm nhìn.
Những chiếc máy bay này sẽ phải chiến đấu chống lại các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư hiện đại có thể phát hiện và giao chiến với kẻ thù ở phạm vi lớn hơn nhiều, mặc dù J-7 có thể cố gắng áp đảo bằng các cuộc tấn công bầy đàn. Tuy nhiên, máy bay này cho phép Trung Quốc duy trì một lực lượng phi công được đào tạo và nhân viên hỗ trợ lớn hơn cho đến khi các thiết kế mới đi vào hoạt động.
Một bản sao khác thời Liên Xô là Xian H-6, máy bay ném bom chiến lược hai động cơ dựa trên loại Tu-16 Badger đầu những năm 1950. Mặc dù ít có khả năng hơn so với B-52 của Mỹ hoặc Tu-95 của Nga, H-6K vẫn hữu dụng bởi vì nó có thể mang nhiều vũ khí nặng tầm xa. H-6 ban đầu được giao nhiệm vụ mang vũ khí hạt nhân, nhưng PLAAF dường như không còn hứng thú với vai trò này. Trung Quốc được cho là đang phát triển máy bay ném bom chiến lược H-20 mới, mặc dù cho đến nay có rất ít thông tin.
Vào giữa những năm 1960, Trung Quốc bắt đầu làm việc trên các máy bay chiến đấu tự thiết kế thực sự, dẫn đến sự ra mắt chiếc Thẩm Dương J-8 vào năm 1979. Một máy bay đánh chặn siêu thanh phản lực tốc độ Mach 2.2 lai giữa MiG-21 và Su-15 lớn hơn, J-8 thiếu hệ thống điện tử hàng không hiện đại và khả năng cơ động.
Tuy nhiên, biến thể J-8II đã cải tiến trên phiên bản cũ với radar của Israel trong mũi nhọn hình nón, biến nó thành một nền tảng vũ khí nhanh nhưng nặng giống như F-4 Phantom của Mỹ. Khoảng 150 vẫn đang hoạt động.
Những chiếc máy bay chiến đấu Xi’an JH-7 hơn hai trăm chiếc, được đưa vào sử dụng năm 1992, là máy bay ném bom tấn công hải quân hai chỗ ngồi mạnh mẽ, có thể mang 9 tấn vũ khí và có tốc độ tối đa Mach 1,75 .
Ngược lại, tiêm kích J-10 về cơ bản là “F-16 Trung Quốc”, một máy bay chiến đấu đa năng hạng nhẹ, có khả năng cơ động cao, dựa vào hệ thống điện tử fly-by-wire để bù lại cho khung máy bay không ổn định về mặt khí động học.
Hiện dòng máy bay này đang phụ thuộc vào động cơ phản lực AL-31F của Nga và vài thập kỷ sau khi F-16 ra mắt, J-10 dường như không có vẻ gì là tiến bộ nhiều, nhưng mẫu J-10B ra đời với hệ thống điện tử hàng không thế kỷ 21 như hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại tiên tiến và radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tiên tiến, không thể nói là tất cả các dòng F-16 đều có.
Tuy nhiên, phi đội 250 chiếc J-10 đã gặp phải một số tai nạn chết người có thể liên quan đến những khiếm khuyết trong hệ thống fly-by-wire.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/33708-khong-quan-tq-nhieu-may-bay-nhung-da-so-la-do-co.html

Thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh Covid -19 nguy hiểm

của Bắc Kinh bị vạch trần

Đúng như nhiều chuyên gia dự đoán, tình hình Biển Đông vài tháng qua tương đối bình yên chỉ là tạm thời khi mà nhà cầm quyền Bắc Kinh đang phải tập trung đối phó với dịch viêm phổi do virus corona và họ cần sự ủng hộ của các nước trong và ngoài khu vực; bản chất hung hăng hiếu chiến của Bắc Kinh sẽ tiếp tục lộ diện khi Bắc Kinh cơ bản giải quyết được tình hình dịch bệnh.
Khi mà Trung Quốc mới chỉ cơ bản khống chế được dịch bệnh, họ đã bắt đầu những trò bẩn thỉu để phục vụ mưu đồ độc chiếm Biển Đông và kinh tởm hơn khi Bắc Kinh dùng ngay con virus corona giết người nguy hiểm này để phục vụ cho những âm mưu thâm độc của họ.
Ngày 16/3/2020, mượn cớ tri ân người Ý Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đã đăng tải trên trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán bức vẽ chứa “đường lưỡi bò”, một tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài Thường trực La Haye ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn.
Bài viết đăng trên Facebook chính thức của Đại sứ quán với tiêu đề “Bạn có thể đã quên, nhưng chúng tôi sẽ luôn nhớ. Bây giờ chúng tôi sẽ giúp bạn”. Đính kèm bài viết là hình vẽ hai nhân viên y tế mặc trang phục có màu cờ của hai nước đang cùng nâng đỡ bản đồ của Trung Quốc và Ý, hàm ý tương thân tương trợ. Bên cạnh đó, nội dung đăng còn dành lời cảm ơn đến hai nghệ sĩ thực hiện tác phẩm.
Bài đăng tương tự cũng xuất hiện trên tài khoản Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý. Bức bên phải được cho là tranh của một người Ý tên Aurora Cantone, bức tranh này đã từng được đăng trong tài khoản của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kèm theo dòng chú thích bằng tiếng Anh. Bà Hoa Xuân Oánh nhắc về ơn nghĩa đối với người Ý khi giúp đỡ Trung Quốc tại trận động đất ở Mân Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên năm 2008, và giờ là lúc Trung Quốc đáp lễ.
Hai ngày sau đó, bức tranh của nữ họa sĩ Aurora Cantone xuất hiện trên Facebook và Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý cùng với bức tranh có tấm bản đồ Trung Quốc vẽ “đường lưỡi bò” của tác giả Quân Chính Bình. Trước đó, trong bài đăng trên trang Facebook chính thức của Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội ngày 02/3/2020, “đường lưỡi bò” cũng được cài vào một cách tinh vi trong tấm hình cuối bài. Rõ ràng đây là một ý đồ chính trị của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Ngay sau khi bức tranh nói trên xuất hiện trên Facebook và Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý, cộng đồng mạng nhanh chóng phát hiện ý đồ chính trị trong bức tranh của ông Quân Chính Bình, cố tình chèn hình ảnh “đường lưỡi bò” mà nước này từng dùng để thể hiện yêu sách chủ quyền vô căn cứ và trái luật quốc tế ở Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hàng loạt người phát hiện sự việc đã nhanh chóng chụp màn hình và kêu gọi phản đối ý đồ xấu của Trung Quốc. Nhiều tài khoản thay nhau đăng bình luận với nội dung: “Chúng tôi cảm thông với người dân Ý và Trung Quốc trong những thời điểm khó khăn này và yêu cầu chính phủ Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Chúng tôi bác bỏ mọi ý đồ thiết lập đường lưỡi bò phi pháp”.
Cộng đồng mạng Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để đăng một bức hình vẽ bản đồ Trung Quốc với “đường lưỡi bò”. Các bình luận cho rằng nhà cầm quyền Bắc Kinh đã lợi dụng việc nghệ sĩ trẻ tuổi người Ý tên Aurora Cantone(18 tuổi) muốn bày tỏ sự cảm kích của người dân Ý về những sự hỗ trợ của Bắc Kinh giữa lúc dịch corona đang bùng phát dữ dội tại đây, đã thiết kế một bức vẽ có bản đồ nước Ý được hai nhân viên y tế chống đỡ, một nũ điều dưỡng viên Ý và một bác sĩ người Trung Quốc, để nói lên tình tương thân tương trợ trước tai hoạ do dịch Covid-19 mang lại để thực hiện mưu đồ chính trị của họ.
Nhiều tài khoản mạng xã hội chia sẻ sự phẫn nộ của họ, vạch trần thủ đoạn đê tiện của Bắc Kinh. Facebooker Chiến Phạm và Trương Thu An đăng hashtag “Stop lying, Truong Sa (Spratly Islands), Hoang Sa (Paracel Islands) belong to Vietnam”, kêu gọi Trung Quốc hãy “ngưng nói dối về Biển Đông”, và khẳng định “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam”. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam như Ca sĩ Châu Khải Phong, Nathan Lee và MC Vũ Mạnh Cường… đã lên tiếng kêu gọi dân mạng Việt Nam đồng loạt phản đối ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Ý được coi là đối tác quan trọng của Trung Quốc ở Châu Âu, sau khi Ý đồng ý hợp tác với Bắc Kinh để thực thi chiến lược “Vành đai và con đường” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.Trung Quốc đã lợi dụng lúc ý gặp khó khăn khi trở thành tâm dịch ở Châu Âu, viện trợ hàng tấn hàng hoá, thiết bị y tế
và gửi nhân lực sang giúp để quảng bá chohình ảnh của Trung Quốc cũng những yêu sách phi lý của họ ở Biển Đông.
Động thái này của Bắc Kinh đã khiến cộng đồng quốc tế càng thêm lo ngại, một phần vì nó nói lên dã tâm của Trung Quốc, không bỏ lỡ bất cứ một cơ hội nào, dù là giữa trận đại dịch toàn cầu mà WHO đã tuyên bố, để khẳng định đòi hỏi chủ quyền vi pháp của họ trên Biển Đông, và tiếp tục chính sách bành trướng của mình.
Khi mà dịch bệnh ở Trung Quốc tạm thời lắng xuống thì họ bắt đầu có những lời nói và hành động đáng hổ thẹn. Thật nực cười khi Vũ Hán, Trung Quốc là nơi xuất hiện đầu tiên của virus corona, song những người cầm quyền ở Bắc Kinh lại lớn tiếng vu cáo virus corona là do Mỹ gây ra; rồi giờ đây họ sử dụng dịch bệnh như một công cụ để tuyên truyền cho yêu sách chủ quyền phi lý của họ.
Trước đây, Trung Quốc đã dùng nhiều thủ đoạn nham hiểm để quảng bá cho yêu sách “đường lưỡi bò” như vẽ trong hộ chiếu điện tử của người dân Trung Quốc, đưa vào phim ảnh, sách báo, hàng hóa, đồ lưu niệm, phần mềm điện tử của các xe ô tô…. Nay họ sử dụng cả những vấn đề mang tính nhân đạo như dịch bệnh để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông thì đúng là quá thô bỉ.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, thủ đoạn xấu xa của giới cầm quyền Bắc Kinh dù có tinh vi thế nào cũng đều không thể che mắt được cộng đồng quốc tế và nhất định sẽ bị vạch trần. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cộng đồng mạng nói trên là một minh chứng rõ ràng nhất.
Việc làm nói trên của giới cầm quyền Bắc Kinh là dấu hiệu cho thấy họ sẽ tiếp tục có những hành động xâm lấn hiếu chiến ở Biển Đông trong thời gian tới sau khi dịch bệnh ở Trung Quốc được khống chế. Các nước ven Biển Đông cần hết sức cảnh giác.
Dịch bệnh là một vấn đề mang tính toàn cầu, chúng ta mong rằng với nỗ lực chung của cả cộng đồng quốc tế dịch bệnh sẽ sớm được khắc phục để mọi ngườ dân trên toàn cầu, kể cả người dân vô tội Trung Quốc được mạnh khỏe, bình an. Đồng thời, cũng rằng những người cầm quyền ở Bắc Kinh hãy còn chút lương tâm, đừng sử dụng vấn đề dịch bệnh mà cả thế giới đang phải đối phó để phục vụ cho những mưu đồ chính trị và yêu sách chủ quyền lãnh thổ bất hợp pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/33712-thu-doan-loi-dung-dich-benh-covid-19-nguy-hiem-cua-bac-kinh-bi-vach-tran.html

Hồ Bắc dỡ lệnh phong tỏa,

Bắc Kinh cách ly toàn bộ người đến từ nước ngoài

Hải Lam
AFP đưa tin, Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc hôm 24/3 thông báo sẽ dỡ lệnh phong tỏa từ ngày 25/3, ngoại trừ thành phố Vũ Hán. Cùng ngày, chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ cách ly tập trung và làm xét nghiệm nCoV với tất cả những người đến từ nước ngoài.
Thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, tâm chấn của dịch COVID-19, sẽ chấm dứt hạn chế đi lại từ ngày 8/4. Mọi người có thể đến và rời Hồ Bắc cũng như Vũ Hán nếu có mã số y tế “xanh”, chứng nhận tình trạng sức khỏe tốt, do chính quyền ban hành. Tuy nhiên, các trường học trong tỉnh vẫn tiếp tục đóng cửa. Hồ Bắc bị phong tỏa từ cuối tháng 1, nhưng gần đây đã dần nới lỏng các hạn chế cho phép mọi người di chuyển trong tỉnh và một số doanh nghiệp được tiếp tục hoạt động.
Còn tại Bắc Kinh, tất cả những người từ nước ngoài đến sẽ phải cách ly và làm xét nghiệm. Quy định này cũng áp dụng cho những người đến Bắc Kinh sau khi nhập cảnh vào Trung Quốc trong 14 ngày qua. Biện pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 25/3 trong bối cảnh giới chức Trung Quốc ngày càng lo ngại về số ca bệnh “nhập khẩu” liên tục gia tăng.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 24/3 thông báo nước này ghi nhận 78 ca nhiễm virus Vũ Hán ngày 23/3, trong đó có 74 ca “ngoại nhập”, và 4 ca nội địa. Đây là lần đầu tiên Vũ Hán báo cáo ca nhiễm mới sau 5 ngày liên tiếp không có thêm trường hợp nhiễm virus. Tuy nhiên, theo các tài liệu nội bộ chính phủ bị rò rỉ, tình hình ở thành phố Vũ Hán nghiêm trọng hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ho-bac-do-lenh-phong-toa-bac-kinh-cach-ly-toan-bo-nguoi-den-tu-nuoc-ngoai.html

Tình hình ở Vũ Hán nghiêm trọng hơn nhiều

so với các báo cáo chính thức

Hương Thảo
Từ ngày 18/3 – 22/3, giới chức Trung Quốc thông báo nước này không có ca nhiễm nào. Tuy nhiên, theo các tài liệu nội bộ chính phủ mà The Epoch Times xem được, tình hình ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch ở Trung Quốc, nghiêm trọng hơn nhiều so với các báo cáo chính thức.
Các tài liệu này bao gồm 4 báo cáo từ Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, là các bảng dữ liệu thống kê về kết quả xét nghiệm chẩn đoán trong thành phố vào ngày 14/3. Dữ liệu cho thấy có 91 bệnh nhân mới được xác nhận ở Vũ Hán vào ngày 14/3. Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc chỉ báo cáo bốn trường hợp vào ngày hôm đó.
Trong khi đó, hai khu dân cư ở Vũ Hán đã đăng thông báo để cảnh báo cư dân có những người sống ở đó được xác nhận nhiễm virus vào ngày 19/3, một dấu hiệu khác cho thấy chính quyền Trung Quốc đang che giấu quy mô dịch bệnh thật sự.
Các báo cáo nội bộ
Các tài liệu nội bộ cho thấy vào ngày 14/3, thành phố đã thu thập các mẫu từ 43 cơ quan xét nghiệm virus của thành phố: 32 bệnh viện và 11 phòng thí nghiệm. Một bộ dữ liệu đã ghi lại các chi tiết của từng xét nghiệm, bao gồm tên, số chứng minh thư, tuổi, giới tính, thời điểm và nơi các mẫu được thu thập, số lần xét nghiệm, cơ quan nào làm xét nghiệm và kết quả xét nghiệm mới nhất (dương tính hoặc âm tính).
Tổng cộng, thành phố đã xét nghiệm 16.234 mẫu vào ngày 14/3, hầu hết cá mẫu này được thu thập vào ngày 13/3. Trong số đó, 373 mẫu cho kết quả dương tính. Trong số các mẫu dương tính, 91 mẫu cho kết quả dương tính ngày lần xét nghiệm đầu tiên.
Ví dụ, mẫu có số hiệu WX2023027216 thuộc về một người đàn ông 53 tuổi. Người này hiện đang bị cách ly tại một trung tâm kiểm dịch ở quận Đông Tây Hồ (Dongxihu). Mẫu của ông đã được lấy vào ngày 13/3 và được thử nghiệm tại Phòng thí nghiệm lâm sàng Vũ Hán Adicon vào ngày 14/3. Đây là thử nghiệm đầu tiên của anh ta đối với COVID-19 và cho kết quả dương tính.
Trong số các mẫu dương tính, 51 mẫu là từ các trạm chuyển tiếp, những cơ sở mới được thành lập ở Vũ Hán sau khi chính quyền đóng cửa các bệnh viện dã chiến. Những bệnh viện dã chiến này được thiết lập bên trong sân vận động, trung tâm hội chợ và phòng tập thể dục lớn nhưng gần đây đã phải đóng cửa sau khi chính quyền tuyên bố rằng có ít bệnh nhân hơn và không cần thiết phải duy trì những cơ sở như vậy.
Các trạm chuyển tiếp này hiện được sử dụng để cách ly những bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện từ bệnh viện để theo dõi y tế, vì một số bệnh nhân đã tái phát sau khi xuất viện. Ví dụ, mẫu 20S6338599 của một người đàn ông 44 tuổi, đang ở tại trạm chuyển tiếp Tân Cương. Cơ sở này có sức chứa 1.260 giường và nằm ở quận Giang Giang.
Thông báo từ các khu dân cư
Mặc dù Trung Quốc đã báo cáo không có nhiễm mới trong nước mới kể từ ngày 18/3, người dân địa phương lại cho biết một thực tế khác.
Vào ngày 20/3, cư dân sống ở quận Kiều Khẩu, Vũ Hán đã đăng những bức ảnh về một thông báo của ban phụ trách khu phố Hanjiadun. Thông báo viết: “Đêm qua (ngày 19/3), có những trường hợp được chẩn đoán mới được báo cáo từ khu dân cư Lishuikangcheng”. Một thông báo khác từ ủy ban này nêu rõ, “Một cư dân tại Tòa nhà 12 của Lishuikangcheng đã được chẩn đoán dương tính (vào ngày 19/3).”
Ban phụ trách khu phố Meigui Xiyuan ở quận Hanyang, cũng ở thành phố Vũ Hán, đã đưa ra một thông báo cho cư dân vào ngày 20/3, nói rằng hai cư dân sống tại đơn vị 116 đã được chẩn đoán nhiễm virus vào ngày 19/3.
Trong khi đó, các nhân viên y tế vẫn đang được điều động đến Vũ Hán. Mặc dù các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết 3.675 nhân viên y tế rời Vũ Hán sau khi được điều đến để điều trị cho lượng lớn bệnh nhân, nhưng tờ báo nhà nước Guang Ming Daily đưa tin vào ngày 19/3 rằng, 453 bác sĩ và y tá từ tỉnh Chiết Giang đã được yêu cầu đến để hỗ trợ bệnh viện Liên minh Vũ Hán ngay lập tức.
Theo Nicole Hao / The Epoch Times
Hương Thảo dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/tinh-hinh-o-vu-han-nghiem-trong-hon-nhieu-so-voi-cac-bao-cao-chinh-thuc.html

Lào nghe theo TQ về vấn đề Biển Đông:

Kinh tế và viện trợ chi phối chính sách

Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc dưới chiêu bài viện trợ kinh tế và thúc đẩy hợp tác thương mại với Lào khiến nước này ngày càng lệ thuộc vào nguồn tài chính từ Bắc Kinh. Đổi lại, Lào phải chấp nhận nghe theo Trung Quốc trong nhiều vấn đề, trong đó ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc chi phối Lào
Về chính trị, hai nước đều là quốc gia xã hội chủ nghĩa, chế độ xã hội tương đồng, nhiệm vụ phát triển giống nhau, viếng thăm cấp cao lẫn nhau không ngừng gia tăng, trao đổi các cấp liên tục diễn ra, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng nhân dân cách mạng Lào duy trì sự hợp tác cao độ giữa hai chính đảng. Năm 2009, Lào và Trung Quốc tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, hai nước còn chủ trương thực hiện phương châm “4 tốt” – láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt. Quan hệ “4 tốt” cũng trở thành biểu tượng lớn nhất cho sự hữu nghị về chính trị giữa Trung Quốc và Lào, trở thành bảo đảm quan trọng để hai đảng và hai nước phát triển quan hệ ở tầng nấc cao hơn.
Về kinh tế, Lào có ưu thế tài nguyên khác với Trung Quốc, tài nguyên tự nhiên của Lào rất phong phú, còn Trung Quốc có công nghệ tương đối tiên tiến, thị trường to lớn và ưu thế nguồn vốn dồi dào, tính bổ sung về kinh tế giữa hai nước tương đối mạnh mẽ. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và nước đầu tư lớn nhất của Lào, lĩnh vực đầu tư liên quan đến thủy điện, khai thác khoáng sản, thương mại dịch vụ, vật liệu xây dựng, trồng trọt, sản xuất dược phẩm… Có nhà quan sát nước ngoài cho rằng hiện nay, Trung Quốc là nước đầu tư lớn nhất của Lào, vì vậy đã thúc đẩy tích cực lợi ích của Trung Quốc ở ASEAN. Cùng với việc phát triển Tiểu vùng sông Mekong được thúc đẩy đi vào chiều sâu và Trung Quốc triển khai xây dựng “Một vành đai, một con đường”, đặc biệt là việc xây dựng Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), quan hệ kinh tế thương mại Trung-Lào sẽ ngày càng mật thiết, sự phụ thuộc về kinh tế của Lào đối với Trung Quốc sẽ tăng lên.
Tác động chính sách Biển Đông
Chính phủ Lào phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông và nhiều lần ngăn cản mưu đồ của các nước như Philippines… đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung của ASEAN, có tiếng nói chung nhiều hơn với chủ trương của Trung Quốc. Sau khi ASEAN đưa ra tuyên bố chung tháng 7/2016, khi gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ca ngợi chính phủ nước này kiên trì lập trường Biển Đông công bằng, khách quan. Nhìn chung, chủ trương, chính sách của Lào về vấn đề Biển Đông được khái quát như sau:     Trước tiên, Lào chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp. Cùng với tình hình Biển Đông liên tục nóng lên, nhất là các nước xung quanh Biển Đông từng bước nỗ lực tăng cường sức mạnh trang thiết bị quân sự và các nước bên ngoài khu vực không ngừng tăng cường mức độ can thiệp quân sự, xu thế quân sự hóa của khu vực Biển Đông ngày càng gay gắt, chỉ số rủi ro xảy ra va chạm ngày càng tăng lên. Lào chủ trương các nước liên quan vấn đề Biển Đông dựa vào quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, yêu cầu các bên giữ sự kiềm chế cần thiết, tránh thực hiện bất kỳ hành động nào khiến cho tình hình căng thẳng, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt được mục tiêu chiến lược của nước mình.
Hai là thực hiện chính sách trung lập tương đối thận trọng. Đối với Lào, Trung Quốc là đối tác chiến lược của nước này, các nước tuyên bố chủ quyền Biển Đông ở Đông Nam Á cùng thuộc tổ chức ASEAN, việc xác định rõ đứng về bên nào là rất khó khăn và có sự ràng buộc lợi ích trên nhiều phương diện. Vì vậy, Lào đã áp dụng lập trường không lựa chọn đứng về bên nào trong vấn đề Biển Đông, thực hiện chính sách trung lập thận trọng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để đạt được mục tiêu thu hút ngồn vốn và viện trợ từ Trung Quốc, Lào đã thay đổi gần như toàn bộ chủ trương, chính sách trong vấn đề Biển Đông, chính thức chấm dứt quan điểm trung lập. Hiện Lào thực thi chính sách ủng hộ và nghe theo mọi xắp xếp của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Điều này được thể hiện trong hàng loạt hội nghị cấp cao ASEAN, Đông Á… Lào đã có các tuyên bố, hành động cụ thể ủng hộ Trung Quốc khiến nội bộ ASEAN mâu thuẫn, bất đồng trong việc thống nhất lập trường để giải quyết tranh chấp Biển Đông với
Trung Quốc. Ngoài ra, Lào cũng ngầm nghe theo Trung Quốc khi kiên trì quan điểm ASEAN không phải một bên của tranh chấp Biển Đông, hy vọng ASEAN về tổng thể có thể kiên trì không lựa chọn đứng về bên nào, không tham gia tranh chấp giữa các nước liên quan, để “bảo vệ sự đoàn kết của ASEAN” và quan hệ tổng thể giữa tổ chức này với Trung Quốc.
Ba là phản đối đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Lào cho rằng vấn đề Biển Đông là tranh chấp song phương giữa một số nước Đông Nam Á và giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á, nhưng các nước như Philippines thúc đẩy một cách tích cực ASEAN hóa, đa phương hóa và quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông. Các nước không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong ASEAN như Lào giữ ý kiến khác về vấn đề này, cho rằng điều này không liên quan đến lợi ích của mình, không muốn can dự vào đó. Tháng 9/2011, hội nghị chuyên gia về luật biển của ASEAN do Philippines khởi xướng được tổ chức tại Manila, với mục đích thực hiện phương án giải quyết vấn đề Biển Đông mà Philippines đưa ra và lấy sức mạnh khu vực để cùng cân bằng Trung Quốc, nhưng Lào không cử đại diện tham gia. Năm 2012, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vì sự bất đồng giữa các nước thành viên trong vấn đề Biển Đông mà không đạt được tuyên bố chung, đây là lần đầu tiên trong 45 năm thành lập của tổ chức này không ra được tuyên bố chung. Các nước như Lào… kiên trì vấn đề Biển Đông là vấn đề song phương, từ chối chủ trương của các nước như Philippines, Việt Nam… đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của ASEAN, cho rằng ASEAN không nên can dự vào tranh chấp Biển Đông. Ngoài ra, các nước Philippines, Việt Nam… không ngừng thúc đẩy các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ can dự vào vấn đề Biển Đông, tìm cách thông qua Mỹ để kiềm chế ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc. Lào cũng không tán thành nước lớn bên ngoài can dự vào tranh chấp Biển Đông, lo ngại Biển Đông trở thành nơi đọ sức của xung đột nước lớn và ảnh hưởng đến ổn định khu vực Đông Nam Á và tiến trình nhất thể hóa ASEAN. Tháng 1/2016, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến thăm Lào để tìm cách thuyết phục nước này gia nhập phe gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, nhưng không đạt được hiệu quả. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida hai lần đến thăm Lào vào tháng 5 và tháng 7/2016, thậm chí lấy viện trợ quy mô lớn đổi lại Lào ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Trung Quốc giữ lập trường phản đối mạnh mẽ đối với việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông. Tháng 7/2016, khi gặp gỡ Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith nêu rõ phía Lào ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc, đồng thời hy vọng cùng duy trì hòa bình, ổn định của khu vực Biển Đông. Đây cũng là phản ứng rõ ràng của Chính phủ Lào đối với các nước trong và ngoài khu vực tìm cách quốc tế hóa và đa phương hóa vấn đề Biển Đông.
Bốn là tích cực chủ trương giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương. Trong tranh chấp Biển Đông, Lào quyết ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương giữa từng nước với Bắc Kinh, chủ trương tranh chấp Biển Đông là vấn đề của các bên có liên quan, không phải là vấn đề của toàn ASEAN với Trung Quốc. Năm 2016, Chính phủ Trung Quốc đưa ra “tư duy kép” – chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển do các nước liên quan hiệp thương giải quyết, hòa bình và ổn định của Biển Đông do Trung Quốc và ASEAN cùng duy trì. Điều này nhận được sự ủng hộ của Lào, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith từng mạnh miệng tuyên bố rằng tranh chấp Biển Đông phải do các nước liên quan trực tiếp dựa theo quy định của điều 4 trong DOC thông qua bàn bạc và đàm phán hữu nghị để giải quyết. Trong quá trình trao đổi qua lại với các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong ASEAN, Lào nhiều lần nhấn mạnh vấn đề Biển Đông phải thông qua đàm phán song phương để giải quyết.
Nhìn chung, việc Lào ủng hộ và nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông chủ yếu là do nước này đang chịu lệ thuộc vào nguồn tài chính của Bắc Kinh. Điều này khiến Lào không thể tự chủ và đưa ra những tuyên bố, phản ứng mang tính khách quan trong vấn đề Biển Đông.
http://biendong.net/bi-n-nong/33703-lao-nghe-theo-tq-ve-van-de-bien-dong-kinh-te-va-vien-tro-chi-phoi-chinh-sach.html

Virus corona :

Miến Điện chính thức công nhận 2 ca nhiễm đầu tiên

Trọng Nghĩa
Từ ngày dịch virus corona bùng lên ở Vũ Hán (Trung Quốc) cho đến tối qua, 23/03/2020, Miến Điện mới chính thức loan báo phát hiện hai ca nhiễm đầu tiên, đều từ phương Tây nhập vào. Đó là hai công dân Miến Điện từ Anh và từ Mỹ về nước.
Cho đến hôm qua, Miến Điện luôn khẳng định không có bất kỳ một ca nhiễm virus corona nào, cho dù quốc gia Đông Nam Á này có một đường biên giới dài và rất lỏng lẻo với Trung Quốc, nơi phát tán của dịch bệnh Covid-19 ra toàn thế giới.
Do việc Miến Điện có một hệ thống y tế bị coi là rất yếu, lại có hàng trăm ngàn cư dân bị di dời và sống chen chúc trong các trại tị nạn, nỗi lo ngại đã gia tăng trước nguy cơ dịch bệnh bùng nổ thành thảm họa.
Từ Rangoon, thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou tường trình :
“Theo một số tổ chức phi chính phủ ở Miến Điện, virus corona đã có mặt ở nước này ngay cả trước khi có thông báo về hai trường hợp được chính quyền xác nhận. Cho đến nay, chỉ có gần 200 người là được xét nghiệm trên tổng số 53 triệu dân ! 
Các tổ chức phi chính phủ rất lo lắng về rủi ro đối với những người sống trong các trại tản cư, những người đã phải chạy trốn khỏi các vùng có xung đột giữa các nhóm phiến quân và quân đội chính phủ.
Tổng cộng có gần 240.000 người trong diện này, đang sống trong các trại có mật độ dân số rất cao, và điều kiện vệ sinh rất kém, ví dụ như ở bang Kachin và Shan, miền bắc Miến Điện, gần biên giới Trung Quốc.
Thảm họa cũng có thể bùng lên ở phía tây Miến Điện, tại bang Arakan, nơi số người phải tản cư đã tăng vọt do tình hình chiến sự, với người thiểu số Hồi Giáo Rohingya phải đối mặt với nhiều hạn chế, nhất là không được quan tâm chăm sóc sức khỏe.
Ngoài ra, các tổ chức nhân quyền còn tố cáo tình trạng bưng bít thông tin về dịch Covid-19 : Vào năm ngoái, chính quyền đã cắt Internet tại nhiều vùng trên đất nước. 
Toàn bộ Đông Nam Á đã bị dịch Covid-19, với Malaysia là ổ dịch lớn nhất 
Cùng ngày với Miến Điện, chiều nay, 24/03, bộ Y Tế Lào cũng xác nhận nước này vừa bị 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Cả hai bệnh nhân đều có tiếp xúc với người nước ngoài và từng đến Thái Lan trong thời gian qua.
Với các ca nhiễm tại Lào và Miến Điện, toàn vùng Đông Nam Á lục địa cũng như hải đảo đều đã có dịch, với Malaysia đang vươn lên thành ổ dịch lớn nhất khu vực.
Theo hãng tin Anh Reuters, Malaysia hiện có 1.518 ca nhiễm Covid-19, tăng gấp 6 lần chỉ trong 10 ngày, và 15 trường hợp tử vong. Malaysia như vậy chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc trong khu vực Đông Á về số người nhiễm bệnh.
Theo sau Malaysia về số lượng ca nhiễm là Thái Lan, với 827 trường hợp lây nhiễm và 4 người thiệt mạng (3 ca tử vong mới vừa được loan báo hôm 24/03/2020).
Láng giềng của Malaysia là Indonesia thì nổi bật về số ca tử vong, lên đến 49 người tính đến hôm qua, 23/03. Số ca nhiễm tại quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á này chỉ là 579 trường hợp.
Singapore và Philippines đều có số ca nhiễm vượt mức 500, với 2 ca tử vong tại Singapore, và 33 ca tại Philippines.
Riêng Brunei bị 91 ca nhiễm, và Đông Timor 1 ca.
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200324-virus-corona-mi%C3%AA%CC%81n-%C4%91i%C3%AA%CC%A3n-chi%CC%81nh-th%C6%B0%CC%81c-c%C3%B4ng-nh%C3%A2%CC%A3n-2-ca-nhi%C3%AA%CC%83m-%C4%91%C3%A2%CC%80u-ti%C3%AAn

Virus corona : Ấn Độ vất vả áp dụng lệnh phong tỏa

Thanh Phương
Tại Ấn Độ, dịch Covid -19 cũng đang lan nhanh với hơn 400 ca lây nhiễm và 9 ca tử vong, theo các số liệu chính thức. Người ta sợ rằng tầm mức của dịch bệnh không được đánh giá đúng mức tại một quốc gia không có đủ bệnh viện cho một dân số hơn cả tỷ người. Chính quyền đã ban hành lệnh giới nghiêm một phần trên hầu như toàn quốc. Nhưng các biện pháp hạn chế đi lại rất khó được áp dụng tại Ấn Độ.
Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis tường trình :
“Các chính quyền địa phương ban hành ngày càng nhiều biện pháp hạn chế : đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu, tạm dừng các phương tiện chuyên chở công cộng, cấm đi lại giữa từng huyện nhỏ, giới nghiêm hoàn toàn vào ban đêm tại một số vùng.  
Người dân thuộc tầng lớp khá giả thì ít nhiều tuân thủ các quy định và ở trong nhà, hoặc có ra ngoài thì giữ khoảng cách an toàn với nhau. Nhưng đối với người dân thuộc các tầng lớp nghèo, tức là phần lớn dân số Ấn Độ, các biện pháp hạn chế khó được áp dụng hơn. 
Thứ nhất, mật độ dân cư trong các khu phố ổ chuột dày đặc, rất nhiều nhà chỉ có một phòng duy nhất dành cho 5 hoặc 6 người, nên thường người ta ở bên ngoài, không thể nào bắt họ tuân thủ lệnh ở trong nhà. Hơn nữa, những người đó phải đi kiếm sống mỗi ngày, cho nên bằng mọi giá họ phải ra ngoài. 
Một số chính quyền địa phương đã loan báo trợ giúp lương thực cho người nghèo, nhưng kinh tế Ấn Độ vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp, ít được cơ giới hóa, hàng triệu người vẫn phải đến mua bán lương thực ở các chợ ngoài trời, bất chấp nguy cơ dịch bệnh lây lan. Rất khó mà thay đổi tình hình này.”
http://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20200324-virus-corona-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-v%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A3-%C3%A1p-d%E1%BB%A5ng-l%E1%BB%87nh-phong-t%E1%BB%8Fa

17 cảnh sát Ấn Độ thiệt mạng

trong cuộc tấn công của phiến quân Maoist

Tin từ PATNA, India — Vào hôm Chủ nhật (22/3), cảnh sát cho biết, mười bảy cảnh sát thiệt mạng và 14 người khác bị thương trong một cuộc tấn công của phiến quân Maoist ở miền đông Ấn Độ. Ông Shalbh Sinha, tổng giám đốc cảnh sát ở Sukma cho biết, vụ tấn công diễn ra vào chiều thứ bảy (21/3) gần làng Elmaguda ở quận Sukma, cách Patna, thủ phủ tiểu bang Bihar 1,100 km về phía nam. Ông Sinha cho biết thi thể của 17 cảnh sát đã được an táng vào Chủ nhật, sau một chiến dịch tìm kiếm trong khu vực. Khu vực này là một thành trì nổi tiếng của phiến quân, những người này đã chiến đấu ở một số tiểu bang của Ấn Độ trong hơn 40 năm. Theo ABC News, phiến quân được coi là mối đe dọa an ninh nội bộ lớn nhất của Ấn Độ, và lấy cảm hứng từ Trung Cộng Mao Trạch Đông. Họ đang đòi đất và việc làm cho các cộng đồng bộ lạc nghèo khó mà họ cáo buộc chính phủ phớt lờ.
Mộc Miên
https://www.sbtn.tv/17-canh-sat-an-do-thiet-mang-trong-cuoc-tan-cong-cua-phien-quan-maoist/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.