Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 24/03/2020

Tuesday, March 24, 2020 4:07:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 24/03/2020

TQ ngang nhiên khánh thành

2 trạm nghiên cứu mới ở Trường Sa

Trong lúc thế giới chạy đua kiểm soát đại dịch virus corona, Trung Quốc đã đưa vào hoạt động hai trạm nghiên cứu trên Đá Subi và Đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hai cơ sở nghiên cứu này, đặt dưới sự quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Tổng hợp Đảo và Đá thuộc Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), bao gồm nhiều labo về sinh thái học, địa chất học và môi trường, theo Tân Hoa Xã.
Trong bản tin hôm 20/3, Tân Hoa Xã nói hai trạm nghiên cứu mới đi vào hoạt động có thể hỗ trợ các nhà khoa học điều tra thực địa, lấy mẫu và nghiên cứu khoa học tại “Nam Sa”, cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Một nhà nghiên cứu Trung Quốc được dẫn lời trong bản tin cho biết “cơ sở nghiên cứu tổng hợp về rạn san hô và biển sâu” nay đã được thiết lập với hai trạm nghiên cứu mới cùng một trung tâm nghiên cứu được xây dựng trước đó trên Đá Vành Khăn ở Trường Sa.
Đá Vành Khăn, Đá Chữ Thập và Đá Subi là 3 trong 7 thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã bồi lấp, xây đảo nhân tạo và quân sự hóa biến các thực thể này thành tiền đồn ở Biển Đông.
Với việc xây dựng các trạm nghiên cứu, CAS có kế hoạch “thúc đẩy năng lực khai phá và cung cấp các sản phẩm về khoa học và công nghệ biển để đáp ứng nhu cầu của cả Trung Quốc và các nước ven biển Đông”, theo Tân Hoa Xã.
Các cơ sở này cũng sẽ góp phần “cải thiện năng lực quan sát thực địa và thí nghiệm về sinh thái học, địa chất học, môi trường, vật liệu và tối ưu hóa năng lượng từ biển trong môi trường biển nhiệt đới”.
Collin Koh, một trong những chuyên gia về an ninh biển hàng đầu khu vực, nói việc Trung Quốc khánh thành hai trạm nghiên cứu mới vào lúc này là một diễn biến nghiêm trọng.
“Một số người có thể nghĩ rằng dịch virus corona đang diễn ra sẽ khiến Bắc Kinh không thể để mắt đến các điểm nóng trên biển này”, ông Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam, Singapore, nói với báo Inquirer.
“Sự thật là tình hình hoàn toàn ngược lại. PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) được động viên để duy trì sự sẵn sàng chiến đấu bất chấp virus corona”.
“Sử dụng cái mà họ gọi là sáng kiến ‘khoa học phục vụ dân sinh’ để khẳng định yêu sách là cách họ thường làm và cũng là cách mà tất cả chúng ta thường không để ý”, ông nói.
“Tuy nhiên cùng lúc, những hệ quả mang tính chiến lược sinh ra từ đó cũng quan trọng không kém”.
Ông Koh tin rằng Trung Quốc sẽ duy trì sự nhất quán trong hoạt động của họ tại vùng biển tranh chấp. Tuy nhiên, vì dịch bệnh đang lây lan trên toàn cầu, hành động của họ có thể không được chú ý.

TQ định chơi lớn ở Biển Đông:

Sử dụng vũ khí điện từ tấn công tàu chiến Mỹ

Ngay sau khi Mỹ điều tàu sân bay, tàu đổ bộ, tàu khu trục tiến hành các hoạt động tuần tra, tập trận ở Biển Đông, giới nghiên cứu Trung Quốc đã đưa ra lời kêu gọi chính quyền sử dụng vũ khí điện từ tấn công tàu chiến của Mỹ.
Lời đe dọa khó thành hiện thực
Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc Tống Trung Bình cho rằng quân đội Trung Quốc cần có những biện pháp mới nhằm đối phó tàu chiến Mỹ hoạt động ở Biển Đông, bao gồm sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP) và laser. Theo giới nghiên cứu Trung Quốc, để tấn công tàu chiến Mỹ thì dùng vũ khí EMP và laser là khả thi vì có thể làm tê liệt tạm thời hệ thống điều khiển và vũ khí trên tàu chiến Mỹ, giúp gửi cảnh báo cứng rắn, tránh gây xung đột. Bên cạnh đó, vũ khí EMP phát ra sóng điện từ nên không gây thương vong.
Bên cạnh đó, ông Tống Trung Bình còn lấy ví dụ về việc tày Type 052D của Trung Quốc mới đây đã chiếu laser vào máy bay tuần biển P-8A của Mỹ. Hải quân Mỹ đã cáo buộc tàu chiến Trung Quốc chiếu laser cấp độ vũ khí vào máy bay P-8A của Hạm đội Thái Bình Dương đang hoạt động tại vùng biển quốc tế, cách đảo Guam khoảng 610 km về hướng tây, vào ngày 17.2. Phía Trung Quốc thì cáo buộc chiếc P-8A gây nhiễu hoạt động huấn luyện thông thường của tàu khu trục Hô Hòa Hạo Đặc.
Vũ khí điện từ và vũ khí laser
Vũ khí điện từ sử dụng năng lượng điện từ trường thay cho thuốc phóng để đẩy viên đạn bay rất xa, có thể phá hủy mục tiêu bằng chính động năng của nó. Về nguyên tắc, pháo ray điện sử dụng nguyên tắc lực điện từ Lorentz để đẩy viên đạn rời nòng pháo bằng hai khối tụ điện lắp song song. Nhờ nguồn điện tích lũy cực lớn, lực đẩy điện tử của pháo ray điện tạo ra sơ tốc tới 9.000km/giờ (2,5km/giây) cho viên đạn được phóng đi. Viên đạn được ổn định quỹ đạo nhờ 4 cánh lái nhỏ nằm phần đuôi. Với vận tốc gấp vài lần tốc độ âm thanh, nó vượt qua khoảng cách 160km trong vòng vài giây và tấn công mục tiêu định trước bằng khả năng xuyên phá động năng cực lớn.
Theo thông tin từ cộng đồng tình báo Mỹ, pháo ray của Trung Quốc có khả năng tấn công một mục tiêu trên khoảng cách 124 dặm (200 km) với tốc độ lên tới 1,6 dặm /s (2,5 km/s). Pháo ray điện từ trường từ lâu đã là một trong những vũ khí có nguyên lý vật lý mới, là mong muốn của quân đội các quốc gia Nga, Iran và Mỹ do tính hiệu quả về chi phí, các chiến hạm được trang bị một khẩu pháo có tầm bắn của tên lửa có điều khiển, dẫn đường với độ chính xác cao. Những viên đạn (có thể là đạn dưới cỡ), sử dụng trong pháo ray của Trung Quốc có giá thành mỗi quả từ 25.000 – 50.000 USD, các nhân viên tình báo cho biết. Dù đây không phải là một so sánh chính xác vì mỗi loại vũ khí sử dụng công nghệ khác nhau, nhưng tên lửa hành trình Tomahawk chống tàu của Mỹ có giá thành ước tính là 1,4 triệu USD, nhưng tên lửa Tomahawk có thể bị đánh chặn, còn đạn Railgun thì không thể.
Thực tế, nguyên tắc hoạt động của pháo điện từ đã được phát hiện từ rất lâu, nhưng do những rào cản về kỹ thuật, đặc biệt là cần nguồn cung năng lượng điện cực lớn, nên việc áp dụng nó vào thực tế không phải là việc dễ dàng. Có thể lấy ví dụ ở dòng pháo ray điện Hải quân Mỹ đang phát triển, nó cần nguồn năng lượng điện tới 25 Megawatt. Để mang được khẩu pháo tối tân này cần chiến hạm cỡ lớn không phải đơn giản để chở theo khẩu pháo, mà là chở các máy phát điện cung cấp năng lượng cho chúng. Cũng chính vì lý do này, khu trục hạm lớp Zumwalt với lượng choán nước tới 200.000 tấn với hệ thống động cơ phát điện gas-turbin mới đủ khả năng cung cấp năng lượng cho các tổ hợp pháo ray điện hoạt động.
Trong khi đó, vũ khí laser là vũ khí sử dụng tia laser công suất cao để bắn chính xác các mục tiêu tầm xa hoặc để bảo vệ tên lửa. Ưu điểm nổi bật của nó là thời gian phản ứng ngắn, có thể ngăn chặn các mục tiêu ở độ cao thấp khi phát hiện bất ngờ. Khi sử dụng laser để chặn nhiều mục tiêu, có thể nhanh chóng thay đổi mục tiêu, có khả năng ứng biến linh hoạt với nhiều mục tiêu. Điểm bất lợi của vũ khí laser là chúng không thể phù hợp với mọi điều kiện thời tiết, khó dùng khi sương mù nhiều, tuyết rơi dày, mưa lớn. Bởi vì vũ khí laser đòi hỏi nguồn điện năng rất lớn, trước khi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn trong thu nhỏ thiết bị lưu trữ năng lượng (như pin năng lượng cao), vũ khí laser khó thực hiện ứng dụng trên quy mô lớn. Sức mạnh hủy diệt của vũ khí laser bao gồm làm mù, đục lỗ và phá hoại mục tiêu.
Vũ khí laser có thể được dùng dưới 3 hình thức: (1) Gắn vũ khí laser vào vệ tinh nhân tạo, có thể tấn công các tên lửa liên lục địa đang trong giai đoạn đầu cất cánh (trong vòng tám phút sau khi cất cánh), hoặc tấn công các vệ tinh của đối phương trên quỹ đạo. (2) Lắp đặt trên mặt đất, có thể bắn hạ các máy bay hoặc vệ tinh; lắp đặt trên tàu để bắn tên lửa và máy bay không người lái tấn công đến. (3) Gắn trên máy bay để tấn công máy bay hoặc tên lửa của đối phương. Bên cạnh đó, công nghệ laser là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa công nghệ và trang thiết bị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phát triển vũ khí laser, từ các tia laser năng lượng thấp đến hệ thống vũ khí chiến lược năng lượng cao. Dưới đây là một số vũ khí laser chiến thuật mới được Trung Quốc tiết lộ trong những năm gần đây.
Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Mỹ
Từ giữa những năm 2000, Mỹ đã chi hàng trăm triệu dành cho chương trình súng điện từ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia của Mỹ năm 2019 có dành 20 triệu USD đầu tư cho chương trình súng điện từ của quân đội Mỹ. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Carl Schuster, cựu Giám đốc tại Ủy ban Tình báo Hỗn hợp thuộc Bộ chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), khẳng định nếu thông tin trên là chính xác, khẩu súng có thể đã “đi vào hoạt động trong vòng một hoặc hai năm”.
Mỹ hiện tại là quốc gia đi đầu trong lĩnh vực pháo ray điện từ và đã cho ra mắt 2 mẫu súng ray điện do hãng General Atomics và BAE Systems phát triển. Các nguyên mẫu này đã bắn thành công các đầu đạn nặng tới 9kg với sơ tốc rời nòng đạt Mach 7 và tầm bắn đạt tới 160 km. Mỹ dự kiến sẽ giới thiệu các mẫu pháo ray điện từ nâng cấp trong năm 2016 uy lực hơn với công suất cực đại đạt 32 Megawatt. Sau khi hoàn thiện, pháo ray điện sẽ được trang bị trước tiên trên các khu trục hạm lớp Zumwalt.
Theo hãng tin CNBC, Mỹ dự đoán Trung Quốc sẽ có pháo điện từ sẵn sàng tác chiến vào năm 2025. Theo chuyên gia Andrey Leonkov, Mỹ đang tập trung phát triển pháo điện từ không plasma. Trong một
thí nghiệm mới đây, một khẩu pháo điện từ của Mỹ đã bắn thành công một viên đạn nặng 10kg với tốc độ 2,5km/s. Pháo điện từ được cho là có thể định nghĩa lại chiến tranh tương lai. Một vũ khí như thế có thể thay thế tên lửa hành trình hay đạn pháo thông thường ở tầm bắn 300-400km. Thậm chí theo Izvestia, pháo điện tử có thể sử dụng làm vũ khí chống vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Giới chức Hải quân Mỹ tuyên bố, việc trang bị pháo ray điện có thể sẽ thay đổi nguyên tắc các cuộc hải chiến trong tương lai. Đây sẽ là vũ khí giúp Mỹ tiếp tục vị trí siêu cường của mình và kiểm soát các đại dương. Trong khi đó, trang tin Scout Warrior dẫn lời các quan chức của Lầu Năm Góc cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh chương trình phát triển đạn siêu tốc (HVP). HVP là một loại đạn pháo công nghệ cao, với sự giúp đỡ của các bao dẫn khác nhau (thành phần dẫn đạn trong nòng) mà nó có thể được bắn đi từ pháo 127 mm, 155 mm, hoặc từ hệ thống vũ khí EM. Trong tất cả các trường hợp phần đầu đạn là như nhau. HVP có thể chống lại một loạt các mục tiêu – mặt đất, mặt nước hay trên không. Đạn HVP tương lai sẽ được sử dụng trong cả tác chiến phòng không, mục tiêu của nó bao gồm cả tên lửa đạn đạo và các loại đạn dẫn đường. Đạn có thể mang lõi xuyên Wolfram để phá hủy mục tiêu bọc giáp hoặc lắp đầu nổ mảnh nhằm sát thương sinh lực địch. Đạn có chiều dài đến 610 mm và nặng 12,7 kg. Hệ thống dẫn đường của HVP hiện vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên có thể thấy rằng đạn được lắp thiết bị điện tử có độ bền cao nhằm đảm bảo chịu được gia tốc cực lớn khi bắn.
Ban đầu, đạn HVP được thiết kế dành riêng cho pháo ray điện từ (railgun) của Hải quân Mỹ nhưng nay, nó có thể được sử dụng trên các hệ thống vũ khí hiện có như pháo tự hành. Pháo ray điện từ sử dụng lực điện từ để phóng đạn HVP, tạo ra sơ tốc tới 8.000km/h, và đạt tầm bắn 160-180 km. Đạn HVP phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng từ vụ va chạm với tốc độ siêu cao. Đạn như vậy không cần đến chất nổ. Loại đạn đặc biệt này có thể sử dụng trên các loại pháo truyền thống cỡ nòng 5 inchs. Công nghệ lực đẩy điện từ cho phép HVP có sơ tốc đầu đạn lớn hơn các loại pháo truyền thống, nhưng chậm hơn so với đạn trên pháo ray điện. Hải quân Mỹ có kế hoạch đến năm 2020 sẽ trang bị pháo ray điện từ cho các tàu khu trục lớp Zumwalt (DDG 1000) và các tàu tuần dương. Ngoài ra, hướng phát triển pháo ray điện trong tương lai có thể được áp dụng trên xe tăng. Với khả năng cung cấp lực đẩy lớn hơn nhiều lần so với pháo truyền thống, pháo ray điện sẽ tạo ra cuộc cách mạng khi được trang bị trên các phương tiện chiến đấu trên bộ, trong đó có xe tăng. Đánh giá về hướng phát triển này, Tư lệnh Lục quân Mỹ, tướng Mark Milly cho biết: “Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của sự thay đổi cơ bản về bản chất của các loại vũ khí lục quân”.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ từ những năm 1970 đã đầu tư vào thiết bị trình diễn laser năng lượng cao HEL D2Cl cỡ Mgw được biết đến là thiết bị laser hóa học tiên tiến dải hồng ngoại giữa (MIRACL). Hãng TRW chịu trách nhiệm chính về phát triển hệ thống, còn hãng Hughes là chủ thầu chính về thiết bị định hướng chùm tia SeaLite (SeaLite Beam Director). Thiết bị MIRACL và thiết bị định hướng chùm tia SeaLite đã được lắp đặt và tích hợp tại cơ sở kiểm nghiệm của trường thử tên lửa White Sand vào giữa những năm 1980 và được sử dụng cho các thí nghiệm của Bộ Quốc phòng Mỹ. Các hoạt động kiểm nghiệm hệ thống gồm có: phá hủy một bia bay không người lái BQM-34 Vandal bay ngang qua vào năm 1989. Tuy nhiên, một thử nghiệm chống mục tiêu tiếp cận gần đã không thành công, và sau đó hải quân Mỹ đã kết luận rằng sự rối loạn về nhiệt vẫn là một trở ngại, chưa thể khắc phục được. Họ cũng quyết định laser hóa học như loại MIRACL là không thích hợp cho sử dụng trên tàu hải quân, bởi chúng phụ thuộc vào các hóa chất có độc tính cao và gây ra những luồng ánh sáng nguy hiểm.
Những mối quan tâm của Hải quân Mỹ đến các vũ khí laser lại bùng lên vào những năm 1990, và lộ trình vũ khí laser năng lượng cao mới của hải quân đã được phòng Nghiên cứu Dahlgren của Trung tâm tác chiến mặt nước Hải quân Mỹ (NSWC) phổ biến để định hướng phát triển. Lộ trình đặt ra 6 điểm đột phá cần lần lượt đạt được gồm: các yêu cầu hoạt động; tính sát thương của laser; sự truyền lan trong khí quyển; bám mục tiêu; tích hợp lên tàu và cuối cùng phát triển/trình diễn hệ thống laser. Vào giữa những năm 1990, Hải quân Mỹ đã bị choáng ngợp bởi công nghệ laser điện tử tự do (FFL). Một tổ hợp laser điện tử tự do (FFL) có thể gia tốc các điện tử (electron) tới gần vận tốc ánh sáng, và sau đó biến đổi năng lượng của những điện tử này thành ánh sáng khi chúng đi qua một từ trường biến thiên. Các nhà khoa học xem laser điện tử tự do, về dài hạn, có thể đem lại tiềm năng tốt nhất cho các ứng dụng vũ khí trên biển tương lai bởi vì, không giống như các laser khác, một tổ hợp FFL cho phép hoạt động ở các bước sóng chọn lọc nhằm tối ưu năng lượng chùm tia khi truyền qua môi trường khí quyển biển. Công nghệ này sẽ cho phép một vũ khí laser năng lượng cao HEL được tinh chỉnh đến bước sóng thích hợp nhất, phù hợp với môi trường truyền lan.
Tuy nhiên, bất lợi căn bản của một tổ hợp laser FFL là cơ sở bảo đảm hậu cần kỹ thuật lớn. Do vậy, trong thập kỷ qua, trọng tâm chính của nổ lực nghiên cứu đã chuyển sang các laser bán dẫn/thể rắn. Mặc dù, laser bán dẫn tạo ra công suất thấp hơn nhiều so với laser hóa học và không có khả năng tinh chỉnh như laser FFL, nhưng, để vận hành, laser bán dẫn chỉ đòi hỏi điện năng và làm mát. Sự thay đổi này phản ánh độ chín lớn hơn và khả năng sẵn sàng của công nghệ laser bán dẫn thương mại, điều này cũng hứa hẹn cho phép đưa vào hoạt động các vũ khí laser ứng dụng thực tế và giá cả phải chăng nhanh hơn.
Tiềm năng của công nghệ laser bán dẫn đã được minh chứng vào năm 2011 bằng Chương trình trình diễn laser trên biển (MLD) của Văn phòng nghiên cứu hải quân (ONR). Được lắp đặt trên tàu phương tiện mang thử nghiệm của tàu thử nghiệm tự vệ (SDTS) mẫu chế thử laser trình diễn trên biển (MLD) bán dẫn đã giao chiến thành công và vô hiệu hóa một tàu mục tiêu nhỏ trong các đợt thử nghiệm tại đảo San Nicolas, bang Ca li phoóc nia. Sự kiện này đánh dấu, lần đầu tiên một thiết bị laser HEL đã được đưa lên tàu hải quân, được tàu cấp điện và được dùng để chống mục tiêu ở một khoảng cách xa trong môi trường biển. Những ứng dụng khác gồm tích hợp công cụ laser MLD với hệ thống ra đa và dẫn đường của tàu, và bắn laser điện từ một phương tiện mang di động trên biển trong môi trường ẩm. Thành công tiếp theo của chương trình tổ hợp vũ khí laser (LaWS), mà đỉnh cao là  đợt triển khai dự án laser bán dẫn có khả năng phản ứng nhanh (SSL-QRC) đang diễn ra, đã khẳng định niềm tin của Hải quân Mỹ đặt vào công nghệ laser bán dẫn. Đáng chú ý là mẫu chế thử tổ hợp vũ khí laser phần lớn được phát triển bởi ngân quỹ riêng của Cục các hệ thống trên biển hải quân Mỹ (NAVSEA), đặc biệt là Văn phòng chương trình hệ thống vũ khí điện và năng lượng định hướng (PMS 405), Văn phòng tác chiến năng lượng định hướng Phòng nghiên cứu NSWC Dahlgren và Văn phòng triển khai chương trình Các hệ thống tác chiến liên hợp. Ngoài ra, Văn phòng nghiên cứu Hải quân (ORN), Phòng thí nghiệm nghiên cứu Hải quân (NRL) và một số đối tác công nghiệp khác cũng tham gia hỗ trợ. Tổ hợp vũ khí laser (LaWS) đã được chế tạo mức chi phí tương đối thấp nhờ sử dụng các phần cứng hiện có hoặc các phân hệ thương mại có sẵn ở mọi bộ phận có thể. Tuy nhiên, một số thành phần như bộ kết hợp chùm tia và phần lớn phần mềm hệ thống cần thiết cho hoạt động và bám mục tiêu, đều phải thiết kế, chế tạo và kiểm tra đặc biệt. Chính nhờ sử dụng một cách cải tiến một số thiết bị laser sợi quang (fibre) được kết hợp một cách ‘rời rạc/riêng rẽ’ (‘incoherently’) đã cho phép Hải quân Mỹ tiến bộ nhanh và không tốn kém trong phát triển tổ hợp vũ khí laser LaWS đạt đến thời điểm đưa vào hoạt động thực tế trên biển hiện nay. Tổ hợp vũ khí mẫu chế thử sử dụng 6 thiết bị laser sợi quang 5,4 kW riêng rẽ, thay vì hợp lại thành một chùm tia duy nhất, để chiếu lên mục tiêu (do vậy chúng kết hợp một cách rời rạc/riêng rẽ). Hoạt động này được thực hiện qua một bộ kết hợp chùm tia do Phòng thí nghiệm nghiên cứu Hải quân (NRL), sử dụng các gương điều chỉnh tia một cách riêng rẽ, để ngắm vào cùng một điểm trên mục tiêu. Hiện tổ hợp vũ khí LaWS đã được lắp đặt lên tàu Ponce vào tháng 8/2014. Cục NAVSEA đã lắp đặt thêm một tổ máy phát điện diezenl 500 kW lên tàu, cùng với các hệ thống làm mát, để đảm bảo tổ hợp vũ khí LaWS có đủ điện và các điều kiện môi trường cần thiết.
Do đó, nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí điện từ hoặc laser tấn công tàu chiến của Mỹ sẽ kích hoạt cuộc chiến giữa hai nước, và chắc chắn Mỹ sẽ có những đòn đáp trả thảm khốc mà Trung Quốc chưa thể lường hết được.

Chiến tranh thông tin về Biển Đông của Trung Quốc

Nguyễn Hải Quân
Chiến tranh thông tin
Trong Cổ học tinh hoa có truyện “Tăng Sâm giết người”. Tăng Sâm hay chính là Tăng Tử, một người nổi tiếng là hiền hậu, hiếu kính. Một ngày, có người chạy đến nói với mẹ của Tăng Tử là: Tăng Sâm giết người. Bà mẹ không tin. Nhưng tới người thứ 3 đến nói: Tăng Sâm giết người thì bà mẹ thực sự hoảng sợ. Sự thực là có người trùng tên là Tăng Sâm mới giết người, chứ không phải là Tăng Tử.
Câu chuyện đó cho thấy, từ xa xưa, người Trung Quốc đã biết đến yếu tố tác động đến tâm lý, cho dù nó không phải là sự thật, nhưng cũng khiến người ta tin vào nó.
Thế kỷ 20, ông trùm về tuyên truyền của Đức Quốc xã là Joseph Goebbels cũng đã chủ trương: “Nếu đưa một lời nói dối đủ lớn, nhưng lặp đi lặp lại nó, sẽ khiến người khác tin lời nói dối đó là sự thật”. Đây cũng là những ý tưởng cho việc sử dụng chiến tranh tâm lý của các quốc gia trên thế giới.
Khi Trung Quốc vươn mình sau giấc ngủ dài, Trung Quốc đã tính đến chuyện thay thế địa vị của Hoa Kỳ để “thống trị thế giới”. Và Trung Quốc bắt đầu từ biển Đông.
Ngày nay, khi Trung Quốc muốn thay thế vị trí của Hoa Kỳ, nhiều người nghĩ rằng, có khi hai đại cường phải trải qua một trận quyết đấu để phân thắng bại. Tuy nhiên, Dennis F. Poindexter, tác giả của cuốn sách “Chiến tranh thông tin của Trung Quốc”, thì nghĩ khác. Theo ông ta, viễn cảnh một cuộc đối đầu quân sự giữa hai cường quốc Mỹ – Trung là khó xảy ra, nhưng chiến tranh không nhất thiết phải là chiến tranh quân sự, và kỳ thực, Trung Quốc đang sử dụng cuộc chiến tranh ngoài quân sự để có thể đạt được mục đích tối thượng của mình. Điều này, như trong Binh pháp Tôn Tử của người Trung Quốc cổ xưa đã cho rằng “không đánh mà thắng mới là thượng sách”. Đó chính là cuộc chiến tranh thông tin của Trung Quốc ( Information Wars ), nhằm đoạt vị trí “thiên tử” như xưa kia.
Một trong các biểu hiện của chiến tranh thông tin của Trung Quốc đó là mặc dù cả thế giới đang nguy hiểm trước đại dịch COVID 19, mà virus này khởi phát từ Vũ Hán( Trung Quốc ), nhưng gần đây, Trung Quốc đang dùng chiến dịch truyền thông để xoá nhoà ký ức của mọi người về nguồn gốc của virus. Thậm chí, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc còn tìm cách đổ cho virus xuất phát từ quân đội Hoa Kỳ mang tới Trung Quốc.
“Tam chủng chiến pháp”
Theo một nghiên cứu của Doug Livermore, thì “Tam chủng chiến pháp” của Quân đội Nhân dân Trung Quốc (PLA) chính là một phần của cuộc chiến tranh thông tin mà Trung Quốc đang phát động.
Tam chủng chiến pháp của PLA bao gồm: Chiến tranh tâm lý; Chiến tranh truyền thông và Chiến tranh luật pháp.
Chiến tranh tâm lý bao gồm các hoạt động của lực lượng quân sự và/hoặc các lực lượng bán quân sự tiến hành trong giai đoạn chưa xảy ra xung đột quân sự. Các hoạt động này nhằm đe doạ tâm lý của đối phương. Các hoạt động này còn được hỗ trợ bởi các cơ quan thuộc các lĩnh vực khác như ngoại giao, kinh tế, văn hoá…
Chiến tranh truyền thông bao gồm các hoạt động công khai và bí mật nhằm chi phối truyền thông.
Chiến tranh luật pháp là các hoạt động khai thác tối đa các lĩnh vực liên quan từ hệ thống pháp luật quốc gia cho đến hệ thống pháp luật quốc tế nói chung để nhằm giành lợi thế và bảo vệ các “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
“Tam chủng chiến pháp” được chia thành ba loại hình cho dễ nhớ và dễ nhận biết. Trong thực tế, cả ba loại hình này được Trung Quốc phối kết hợp một cách nhuần nhuyễn, cái nọ bổ sung và hỗ trợ cho cái kia.
‘Tam chủng chiến pháp” trên mặt trận biển Đông
Trung Quốc muốn thay thế được vị trí của Hoa Kỳ thì trước hết phải làm “bá chủ biển khơi”. Chính vì thế, biển Đông được Trung Quốc chọn làm bước mở đầu để Trung Quốc tiến ra biển. Vì vậy, Trung Quốc xác định biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Và cuộc chiến tranh thông tin trên mặt trận biển Đông đã được Trung Quốc ráo riết thực hiện.
Để có lý do “hợp lý” cho việc đòi sở hữu 80% biển Đông, Trung Quốc đã tung ra cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò”. Mặc dù cái gọi là yêu sách này không dựa trên cơ sở nào của luật pháp quốc tế cả. Nhưng Trung Quốc tìm mọi cách để biện minh cho cái gọi là yêu sách này. Trung Quốc biết sức mạnh của câu chuyện “Tăng Sâm giết người”, nói một lần không tin thì nói trăm lần cũng phải tin. Và Trung Quốc, một mặt tìm mọi cách để tuyên truyền về “đường lưỡi bò”, từ hộ chiếu của người dân Trung Quốc đi du lịch có in hình này, đến các phần mềm xe hơi, các bản đồ, địa cầu, phim ảnh…. Mới đây nhất là việc Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý, trên Fanpage Facebook của mình, khi cám ơn nước Ý, nhưng cũng đồng thời “trương” tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” chình ình trong đó. Thậm chí, Trung Quốc còn tìm cách “mua” một số học giả quốc tế nổi tiếng, thông qua việc ưu đãi họ, cấp cho họ học bổng nghiên cứu, để họ viết bài ủng hộ cho lập trường của Chính phủ Trung Quốc. Tiêu biểu cho các học giả này là Mark Valencia từ Mỹ, Sam Bateman từ Australia… Song song đó, Trung Quốc cho đội ngũ các nhà khoa học của mình tập trung trình bày các luận điểm của mình một cách khéo léo để bảo vệ lập trường của Chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, Tạp chí Trung Quốc về Luật quốc tế (Chinese Journal of International Law) là một diễn đàn được các học giả Trung Quốc thành lập ngay tại đại học Oxford (Anh Quốc). Tạp chí này đã dành một số đặc biệt hơn 500 trang để bác bỏ Phán quyết biển Đông năm 2016 của Toà trọng tài quốc tế theo phụ VII của UNCLOS.
Trên thực địa, Trung Quốc sử dụng các lực lượng dân quân biển để quấy rối các tàu của các quốc gia đi lại hay thăm dò trên khu vực biển Đông, cho dù các hoạt động đó diễn ra trên vùng biển của họ hay vùng biển quốc tế. Sự quấy rối này của các tàu dân quân biển Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia khó có thể gây căng thẳng cho Trung Quốc khi mối đe doạ này vẫn ở “vùng xám”, tức là dưới ngưỡng chiến tranh. Tuy nhiên, các lực lượng hải quân Trung Quốc luôn bên cạnh để bảo vệ và hỗ trợ các tàu dân quân biển Trung Quốc này. Các trường hợp cắt cáp tàu thăm dò Việt Nam năm 2011, triển khai giàn khoan HD 981, quấy phá hoạt động thăm dò khai thác của Việt Nam, Malaysia, Philippines. Indonesia trong suốt thời gian vừa qua là nhằm vào mục đích này.
Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật tâm lý, đặt ra nguy cơ của một cuộc chiến quân sự có thể nổ ra, và nhấn mạnh vào mức độ và quy mô của PLA, và nhắc đi nhắc lại về khả năng chiến thắng và sức mạnh của Hải quân Trung Quốc, khiến các quốc gia ASEAN khác phải lo sợ. Đồng thời, Trung Quốc cũng đe doạ chiến tranh kinh tế nếu có quốc gia nào chống lại âm mưu của Trung Quốc. Philippines năm 2013, khi bắt đầu khởi kiện Trung Quốc đã gặp phải sự trừng phạt kinh tế như vậy.
Việt Nam cần có chiến lược để chống lại chiến tranh thông tin từ Trung Quốc
Trong các quốc gia ASEAN tham gia tranh chấp biển Đông, Việt Nam là quốc gia đặc biệt được Trung Quốc lưu tâm. Một mặt, bởi vì Việt Nam có chung biên giới đất liền với Trung Quốc; Việt Nam cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng từ Trung Quốc, từ văn hoá, kinh tế, thể chế chính trị. Việt Nam là nước duy nhất ở ASEAN có hệ thống chính trị gần gũi với Trung Quốc, với sự “cai trị” của Đảng Cộng sản, nhưng được gọi bằng cái tên mỹ miều là “Đảng lãnh đạo”. Tuy nhiên, mặt khác, đặc biệt là việc người dân Việt Nam rất ghét sự tham lam vô độ , muốn chiếm cả biển Đông của Chính phủ Trung Quốc.
Chính vì vậy, Trung Quốc đã ráo riết triển khai và áp dụng “tam chủng chiến pháp” đối với Việt Nam, và không thể nói là không có những tác dụng nhất định.
Việc đe doạ tiến hành chiến tranh bằng việc thực hiện các hành động dưới ngưỡng chiến tranh của các lực lượng dân quân biển trong suốt thời gian qua, cùng với những đe doạ về chính trị, ngoại giao, kinh tế… đã khiến nhiều lãnh đạo Việt Nam tê liệt ý chí đối kháng trước Trung Quốc. Trong sự kiện căng thẳng tại khu vực Bãi Tư Chính năm 2019, từ Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đều không dám đả động đến Trung Quốc và tình hình căng thẳng tại khu vực Tư Chính trong các phát biểu của mình.
Mặc dù là bên khởi phát và chịu nhiều ảnh hưởng của virus Vũ Hán, nhưng Trung Quốc vẫn không ngừng nghỉ các tham vọng của mình, và cuộc chiến tranh thông tin vẫn được Trung Quốc thúc đẩy, thậm chí còn mạnh hơn trước. Vì Trung Quốc thấy được đây là thời cơ của mình, trong khi cả thế giới tập trung chống dịch.
Mới đây, một Think Tank của Trung Quốc (có thể do Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ đằng sau) là SCSPI đã hai lần cung cấp báo cáo về việc các tàu cá Việt Nam xâm nhập trái phép khu vực biển của Trung Quốc nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo. Đây chính là một điển hình cho việc dùng chiến tranh thông tin của Trung Quốc. Báo cáo này dựa trên các dữ liệu thu thập từ các AIS. Tuy nhiên, một câu hỏi đơn giản là nếu các tàu Việt Nam xâm nhập trái phép các vùng biển của Trung Quốc để thu thập thông tin tình báo thì ngu gì họ lại bật thông tin AIS để phía Trung Quốc có thể dễ dàng phát hiện và nhận dạng? Cách sử dụng thông tin này cũng tương tự với việc Trung Quốc đổ cho virus Vũ Hán là do quân đội Hoa Kỳ mang tới.
Tuy nhiên, vấn đề là Việt Nam đã có chiến lược để đối phó với chiến tranh thông tin của Trung Quốc chưa? Câu trả lời là dường như chưa thấy. Có thể các nghiên cứu của Quân đội Việt Nam về vấn đề này vẫn còn nằm trong vòng bí mật? Tuy nhiên, các hành động của Chính phủ Việt Nam cho thấy phía Việt Nam hoàn toàn bị động, chạy theo giải quyết sự việc mà thôi. Chỉ đơn giản nếu Việt Nam không có một chiến lược chủ động, nếu Trung Quốc lặp đi lặp lại các hành động như đã làm tại khu vực Bãi Tư chính hồi năm ngoái thì về lâu về dài, phía Việt Nam sẽ dần dần kiệt sức, không thể chạy mãi theo Trung Quốc được.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.