Japan Forward: Đừng để cỗ máy tuyên truyền của TQ lừa bịp trong đại dịch
- 23/03/2020
Ngày 19/3 vừa qua, tờ Japan Forward đăng tải bài viết có tựa đề “Nhật Bản không được phép để bị lừa bởi chiến dịch tuyên truyền ồ ạt của Bắc Kinh” (Japan Mustn’t Be Fooled by Beijing’s Propaganda Blitz), đưa ra nhận định rằng chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đang muốn tuyên truyền “đổi trắng thay đen” trong bối cảnh đại dịch corona từ Vũ Hán đã lan ra toàn cầu.
Dưới đây là bản dịch toàn văn bài viết. Bản gốc xem tại đây.
“Thẳng thắn mà nói, cuộc chiến này không thể thắng nếu chỉ dựa vào sức mạnh của chính quyền. Toàn bộ từng người dân cần phải hợp tác trong cuộc chiến.”
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe
Trong một bài phát biểu gửi tới toàn quốc vào ngày 29/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi người dân Nhật Bản cùng hỗ trợ nhằm thực thi các biện pháp quyết liệt để kìm chế sự lan truyền của virus corona mới COVID-19, nhấn mạnh rằng một đến hai tuần tới là thời điểm rất quan trọng.
Mặc dù phản ứng của chính quyền đối với đại dịch bị chỉ trích là không tương xứng, bây giờ là thời điểm người Nhật cần đoàn kết cùng các cơ quan chính quyền cấp quốc gia và cấp địa phương, nhằm chiến thắng hiểm họa virus.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thắng trong trận chiến này, Nhật Bản phải thức tỉnh trước bản chất của chế độ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này lộ rõ trong sự lan tràn của virus Vũ Hán, ở việc chế độ có xu hướng làm méo mó sự thật và đưa ra những lời dối trá.
Điểm quan trọng nhất trong việc hiểu về virus Vũ Hán là biết rằng thông tin do chính quyền Trung Quốc đưa ra về cơ bản là mập mờ.
Bắc Kinh tuyên bố rằng virus Vũ Hán đã được kiểm soát, ngay cả khi số lượng các ca lây nhiễm tại Nam Hàn và các quốc gia phương Tây tiếp tục bùng nổ. Thực tế, từ 25/2, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn chặn Dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã cảnh báo về hiểm họa của một đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại mong muốn chúng ta chấp nhận ý niệm mơ hồ rằng, mặc dù chỉ có một hệ thống y tế sơ đẳng, họ vẫn có thể dập tắt hiểm họa của virus corona mới.
Giả mạo chiều hướng của dịch corona
Kể từ 17/2, đường cong số liệu của dịch corona tại Trung Quốc, bên ngoài tỉnh Hồ Bắc nơi có thành phố Vũ Hán, đã cho thấy một xu hướng đi xuống “đẹp đẽ”. Mạc dù tỉnh Quảng Đông đã có số người nhiễm virus lớn nhất ngoài Hồ Bắc, nhưng đến 18/2, không có người bị nhiễm mới tại thành phố Thâm Quyền, tương tự đối với thành phố Thượng Hải.
Tỉnh Quảng Đông, nơi có thành phố Thâm Quyền, có dân số xấp xỉ 110 triệu người. Mặc dù virus có thể đã được kiểm soát tại đây, kể từ giữa tháng 2, chính quyền Trung Quốc đã cho phép các lao động nhập cư từ nông thôn được miễn phí vé tàu để trở lại các nhà máy ở các tỉnh ven biển, nhằm khởi động nền công nghiệp sản xuất của Trung Quốc. Trong tình huống đó, các ca lây nhiễm chéo đáng lẽ phải tăng mạnh. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc lại tuyên bố không có ca lây nhiễm mới nào.
Bắc Kinh quá háo hức muốn công nhân quay trở lại các thành phố, bất chấp nguy cơ lây nhiễm tràn lan, bởi vì chính quyền đang liều lĩnh muốn phục hồi toàn bộ việc sản xuất. Vô số các doanh nghiệp nhỏ đang đứng trên bờ vực phá sản, kéo theo số lượng người thất nghiệp gia tăng.
Theo Cục thống kê Trung Quốc, chỉ số quản lý tiêu dùng tháng 2 năm 2020 đã sụt giảm xuống 35,7, tụt 14,3% so với tháng trước đó. Nói cách khác, nền kinh tế Trung Quốc đang ở tình trạng tồi tệ nhất kể từ suy thoái kinh tế năm 2008.
Phân tích rủi ro của Trung Quốc
Sự sụt giảm kinh tế nghiêm trọng sẽ đe dọa tới chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc do Tập Cận Bình đứng đầu. Trên hết, một nền kinh tế tốt là cần thiết để chống đỡ chế độ. Tập Cận Bình và cấp dưới của ông ta đang đánh đổi việc virus lây lan để bảo đảm vấn đề quan trọng nhất đối với Đảng.
Theo Akio Yaita, phó tổng biên tập về các vấn đề ngoại quốc thuộc tờ Sankei Shimbun, một nhà quan sát Trung Quốc lâu năm có kinh nghiệm trong việc hiểu các giá trị quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhấn mạnh, Tập Cận Bình đã quyết định hy sinh người Trung Quốc để đổi lấy ổn định kinh tế.
Như vậy, 5 đến 10 triệu người nhập cư sẽ sớm phải làm việc cận kề với nguy cơ virus Vũ Hán lây lan. Tỷ lệ tử vong của virus corona mới này ít nhất là 2%. Như vậy nếu những công nhân này bị lây nhiễm, sẽ có khoảng 100.000 đến 200.000 người chết.
Tuy nhiên chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ không xét nghiệm hay sàng lọc những người này. Vì thế ngay cả khi họ qua đời, cái chết của họ sẽ không có liên hệ gì với virus Vũ Hán.
Hơn thế nữa, bởi vì truyền thông nước ngoài không được phép điều tra độc lập tại Trung Quốc, cái chết của các công nhân nhập cư này có thể bị che dấu. Thực tế, đó chính là cách hoạt động cơ bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phân tích của bà Yaita có thể sẽ trở thành sự thực.
Chính quyền Trung Quốc đổi trắng thay đen
Chính quyền Trung Quốc đang rao giảng về “thành công” rực rỡ trong việc kiểm soát virus. Tuy nhiên đây chẳng qua chỉ là một kỹ thuật dối trá đổi trắng thay đen. Thực tế, chính quyền này còn đang muốn bóp méo sự thật, để Nhật Bản trở thành quốc gia gặp khủng hoảng chứ không phải là Trung Quốc.
Ngày 25/2, chính quyền thành phố Uy Hải, Sơn Đông, đã yêu cầu những người tới từ Nhật Bản và Nam Hàn phải cách ly 14 ngày. Sau đó, trong chuyến thăm Nhật Bản vào ngày 28/2, Đảng viên Cộng sản Yang Jiechi đã tuyên bố, “Trong cuộc chiến chống lại virus, chính quyền Trung Quốc đã sẵn sàng để hỗ trợ chính quyền Nhật Bản”.
Hơn nữa, trang chủ của đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, đã khoác lác về việc Trung Quốc cung cấp khẩu trang và trợ giúp cho Nhật Bản. Nói cách khác, Bắc Kinh đang dùng mưu mẹo để chuyển kịch bản “Nhật Bản giúp Trung Quốc” thành “Trung Quốc giúp Nhật Bản”.
Phản ứng ấp úng của Nhật Bản
Phản ứng của Nhật Bản đối với chiến dịch tuyên truyền ồ ạt – được thiết kế bởi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc trong bóng tối – thật ấp úng. Một ví dụ là sự thực rằng Nhật Bản vẫn tiếp tục tiếp nhận mà không cách ly các du khách tới từ Trung Quốc, ngoại trừ người về từ hai tỉnh Hồ Bắc và Chiết Giang. Mặc dù Bộ Ngoại giao đã giải thích rằng không cần thiết phải kiểm soát toàn bộ người tới từ Trung Quốc, nhưng điều này là không thực tế trong tình hình hiện nay.
Trong khi đó lời chứng của quan chức nhập cư vào ngày 27/2 trước Bộ Tư pháp cho biết, số lượng du khách Trung Quốc tới Nhật Bản đã giảm xuống nhưng vẫn còn 1.000 lượt/ngày. Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc đã có các biện pháp sàng lọc và cách ly người Nhật Bản tới Trung Quốc, thì Nhật Bản lại tiếp tục đối xử nhẹ tay với du khách Trung Quốc. Điều này hoàn toàn phi logic từ quan điểm y tế và vệ sinh.
Thủ tướng Abe đã kêu gọi toàn bộ nước Nhật hợp tác nhằm chế ngự virus Vũ Hán. Nhưng để có được sự đồng cảm và chấp nhận của công chúng Nhật Bản, dù muộn, cần phải cấm nhập cảnh người tới từ bất cứ nơi nào ở Trung Quốc.
Hơn nữa, để phản ứng lại việc chính quyền Trung Quốc tạo ấn tượng rằng Nhật Bản là ổ dịch nguy hiểm của virus Vũ Hán, Nhật Bản cần phải làm rõ ràng vấn đề này. Giữ quan hệ hữu nghị với một quốc gia láng giềng và bình tĩnh đối diện với sự ngụy tạo bôi nhọ, đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Dịch bệnh và sự hình thành các triều đại Trung Hoa
Sự bùng phát của virus Vũ Hán là điều vượt qua mối quan hệ song phương Nhật-Trung. Thực tế, nó có thể quyết định số phận của đất nước Trung Quốc. Cả triều nhà Minh, thành lập thế kỷ 14, và triều Thanh, triều đại mở rộng lãnh thổ Trung Nguyên đến cực điểm, đều bị sụp đổ phần nào do đại dịch đậu mùa và dịch hạch.
Có bằng chứng nào cho thấy lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình có thể sống sót trong cuộc đấu tranh quyền lực chắc chắn sẽ xảy ra trong những ngày sắp tới?
Tập Cận Bình đang đứng trong thế đối lập với Mỹ. Mặc dù đúng là Mỹ cũng có các vấn đề của họ, quốc gia này vẫn là một siêu cường quốc. Như giáo sư Tadae Takubo thuộc đại học Kyorin đã nhấn mạnh, Mỹ có lợi thế rõ ràng về cấu trúc dân số và nguồn tài nguyên năng lượng. Kinh tế Trung Quốc đã gần chạm đáy.
Bắc Kinh cũng đang phải đối mặt với việc xã hội bị già hóa, với số lượng trẻ sơ sinh tụt giảm. Và mặc dù Trung Quốc còn lâu mới có thể tự cung tự cấp năng lượng, Mỹ có nguồn lực tự nhiên dồi dào trong lĩnh vực này.
Là quốc gia láng giềng khổng lồ, và là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản, Trung Quốc rõ ràng có một vai trò quan trọng không thể xem nhẹ. Chúng ta không thể xem nhẹ sức mạnh của Trung Quốc. Tuy vậy, Nhật Bản phải đứng về phía Mỹ.
Chính quyền ông Abe không được phép cho Bắc Kinh kẽ hở để làm gián cách Tokyo và Washington. Thay vào đó, Nhật Bản cần cho thấy chỗ đứng rõ ràng, cho thấy chúng ta có chung các giá trị căn bản với Mỹ, và cho thấy chúng ta không tiếp nhận các giá trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Để Nhật Bản có thể chọn con đường đó, Thủ tướng cần cải cách lại bộ máy của mình.
Theo Yoshiko Sakurai -TrithucVN
0 comments