Đọc báo Pháp – 05/03/2020
Nước gồng mình chống dịch, nước miễn nhiễm :
Virus corona “thiên vị”?
Thu Hằng
Le Figaro nhận định « nhiều ổ dịch ẩn nấp khắp 5 châu », thế nhưng lại có nhiều nước thông báo không có trường hợp nào hoặc rất ít. Phải chăng virus corona « thiên vị » hay còn có những lý do nào khác ?
Tính đến hiện nay, Bắc Triều Tiên, Miến Điện khẳng định không có trường hợp nào, Indonesia có 2, Lào 1… trong khi những quốc gia Đông Nam Á này « rất dễ bị phơi nhiễm », theo nhận định với Le Figaro của nhà nghiên cứu dịch tễ Marius Gilbert, đại học Tự do Bruxelles, và « không có bất kỳ lý do nào để số người bệnh (tại các nước này) lại chênh lệch đến như vậy với số ca nhiễm như ở Hồng Kông, Hàn Quốc hay Singapore ».
Virus corona sợ nóng ?
Tại châu Phi, Ai Cập chính thức có hai trường hợp, nhưng lại lây cho 11 du khách Pháp khi những người này thăm đất nước của các vị Pharaon. Đối với nhà nghiên cứu Anne-Marie Moulin, giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), « không phải ngẫu nhiên mà trường hợp nhiễm virus corona đầu tiên tại châu Phi lại được phát hiện ở Sénégal, nơi có hệ thống y tế tốt nhất châu Phi ».
Rất có thể các nước đó cố tình nói dối nhằm mục đích che giấu hệ thống dịch tễ thiếu thốn. Ngoài vấn đề về bộ kít xét nghiệm, ví dụ đầu tiên được Antoine Flahault, đại học Y Geneve, đưa ra là người dân không có thói quen đi khám do thu nhập thấp, không được bảo hiểm, trong khi virus corona gây ra những triệu chứng khó nhận biết nên họ không đi khám nếu như chỉ bị ho hoặc bị sốt. Cho nên, rất có thể virus corona đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á và châu Phi.
Trong một bài viết khác, Le Figaro ngạc nhiên trước hiện tượng : « Châu Phi, một châu lục dường như được virus tránh né một cách kỳ lạ », đặc biệt là vùng Nam Sahara. Một quan chức cao cấp của bộ Y Tế Guinea công nhận : « Chúng tôi thiếu trang thiết bị, điều đó đúng, nhưng dịch bệnh vẫn chưa được phát hiện ».
Một số yếu tố được đưa ra giải thích, như khí hậu nóng, không thích hợp cho virus phát triển. Tuy nhiên, lập luận này không đủ thuyết phục vì cúm mùa cũng hoành hành tại châu Phi.
Lập luận thứ hai, người dân châu Phi có sức đề kháng tốt hơn người châu Âu, cũng bị phản đối. Lý do thứ ba, theo một bác sĩ Pháp làm việc tại Conakry (Guinea), có thể là do châu Phi vẫn nằm ngoài guồng máy toàn cầu hóa, nên không đông khách du lịch nước ngoài như những nơi khác. Tiếp theo, dù nhiều nước châu Phi có quan hệ hợp tác thương mại với Trung Quốc, nhưng « rất nhiều người Hoa hạn chế đến châu Phi trong giai đoạn này vì sợ bị phát hiện nhiễm virus và phải điều trị ở đây », trong khi hệ thống y tế ở nhiều nước châu Phi chưa phát triển.
Ngược với những nước đang phát triển, các nước phát triển lại bị virus corona tấn công tơi bời. Xuất phát từ Trung Quốc, virus corona hiện có mặt khắp 5 châu. Mỹ và Ý vẫn chưa tìm được « bệnh nhân số 0 ». Rất nhiều người bị nhiễm nhưng lại không có triệu chứng. Theo Libération, « Ý trong tình trạng báo động vì virus corona » với nhiều biện pháp nhiêm ngặt : trường học đóng cửa, hoãn các hoạt động tập thể, nhiều trận đấu bóng không khán giả…
Nước Nga rộng lớn có 4 trường hợp nhiễm virus corona
Nga cũng là một trường hợp đặc biệt. Có đến 4.250 km biên giới với Trung Quốc, thành phố Saint-Petersburg miễn thị thực cho du khách Trung Quốc, nhưng đến giờ Nga chỉ thông báo có 4 trường hợp bị nhiễm virus corona, trong đó có một người trở về từ vùng Lombardia của Ý.
Con số quá ít này gây thắc mắc, và khiến không ít người lo lắng. Một số thông tin cho rằng có đến hàng nghìn ca nhiễm virus corona ở Nga. Đối với tổng thống Putin, đây là « những thông tin sai lệch khiêu khích », « chủ yếu do nước ngoài giật dây », theo tường thuật của Le Figaro.
Hàng loạt biện pháp mạnh được Matxcơva đưa ra để đối phó với nguy cơ dịch lan rộng : cấm xuất khẩu khẩu trang và thiết bị y tế cho đến ngày 01/06, lắp máy theo dõi thân nhiệt ở nhiều địa điểm công cộng, kêu gọi tuân thủ quy định về vệ sinh kể cả tại các thánh đường, người nghi nhiễm sẽ được đưa đến một bệnh viện mới ở Kommunarka, ngoại ô Matxcơva…
Pháp chuẩn bị « giai đoạn 3 » của dịch
« Giai đoạn 3 » là điều khó tránh khỏi tại Pháp. Thông tin 285 người bị nhiễm virus corona tính đến hết ngày 04/03/2020 đều được các nhật báo Pháp đưa tin. Hiện tại, Pháp có ba ổ dịch chính nằm ở tỉnh Oise (ngoại ô Paris), Haute-Savoie (phía đông) và Morbihan (phía tây).
Theo Le Figaro, ở « giai đoạn 3 », mức cao nhất, Pháp sẽ buộc phải đóng cửa trường học cho đến giữa tháng Ba, hoạt động đình trệ, nhân viên có thể làm việc từ xa… Chính phủ đưa ra một số biện pháp như trưng dụng toàn bộ khẩu trang y tế FFFP2 để ưu tiên cho nhân viên y tế và người bệnh được điều trị, quy định giá bán nước rửa tay có cồn tránh tình trạng lợi dụng dịch để tăng giá, quân đội sẵn sàng hỗ trợ chính phủ nếu cần thiết…
Trang nhất của Les Echos là thông tin : « Chính phủ chuẩn bị tinh thần cho giai đoạn 3 của dịch ». Vấn đề chỉ còn tính theo ngày mà thôi. Đây là một thách thức nặng nề đối với chính phủ vì một mặt chính phủ không muốn làm người dân hoảng sợ, nhưng mặt khác lại phải chuẩn bị tư tưởng cho dân về những biện pháp mới, nghiêm ngặt hơn, sắp được ban hành.
Các nhà dưỡng lão Pháp chuẩn bị chống dịch Covid-19
Có tốc độ lây lan nhanh và rộng, virus corona là nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở người cao tuổi và/hoặc có bệnh nền. Trước thực tế này, các nhà dưỡng lão tại Pháp « Ehpad bước chân vào cuộc chiến chống dịch », theo nhật báo Le Monde.
Người cao tuổi sống phụ thuộc là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, bộ Y Tế Pháp lại « thiếu những chỉ định đặc biệt », theo giám đốc của một nhà dưỡng lão. Trước lời chỉ trích « lĩnh vực (chăm sóc người cao tuổi) không phải chủ đề quan tâm của bộ », bộ trưởng Y Tế Pháp Olivier Véran đã mời một số đại diện của ngành đến họp để trấn an đội ngũ nhân viên, cũng thuộc ngành y tế, nhưng thường « bị bỏ quên » với lời hứa sẽ « gửi một bản hướng dẫn » về những thắc mắc : Phải làm gì khi một người sống trong nhà dưỡng lão bị nhiễm virus corona ? Có phải nhập viện người đó không ? Chăm sóc người bị nhiễm như thế nào ?
Di dân, độ liêm sỉ của Thổ Nhĩ Kỳ
trong chiến lược dồn ép LHCÂ về Syria
Ngày 05/03/2020, tổng thống Erdogan đến Matxcơva họp với đồng nhiệm Nga Putin về thiệt hại bên phía quân đội Thổ Nhĩ Kỳ do bị quân đội Syria, được không quân Nga yểm trợ, tấn công ở Iblib, Syria. Mặt khác, tổng thống Erdogan cũng dùng biện pháp di dân để gây sức ép buộc Bruxelles can thiệp vào vấn đề Syria.
Trong bài xã luận, Le Monde nhận định, việc sử dụng thường dân khốn quẫn làm phương tiện gây sức ép trong tương quan lực lượng quốc tế không phải là điều mới mẻ, nhưng dùng di dân để đổi chác với Liên Hiệp Châu Âu, theo cách mà Ankara đang làm, thì tổng thống Erdogan đã vượt qua giới hạn liêm sỉ.
Thông điệp đưa ra rất rõ : Thổ Nhĩ Kỳ có thể lập lại kịch bản năm 2015, khi có đến một triệu người Syria, trốn nội chiến, băng qua Thổ Nhĩ Kỳ đến biên giới với Liên Hiệp Châu Âu dẫn đến một cuộc khủng hoảng di dân, an ninh và chính trị với làn sóng bài di dân lan rộng và phong trào dân túy trỗi dậy.
Ankara không ngại sử dụng một số tiểu xảo như thổi phồng số lượng di dân, thông báo rộng rãi mở cửa biên giới với Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí « tạo điều kiện » bằng cách điều xe ca chở di dân đến biên giới… Mục đích của chính quyền tổng thống Erdogan là gây hỗn loạn như từng xảy ra trước đó, để chia rẽ và gây bất ổn cho 27 nước, công luận lên tiếng chỉ trích, tạo đà cho khuynh hướng dân túy trỗi dậy.
Nhưng mục tiêu sâu xa, theo xã luận của Le Monde, là Thổ Nhĩ Kỳ muốn tái thương lượng thỏa thuận ký với Bruxelles năm 2016 : Khoản tiền tài trợ cho di dân, thay vì chuyển cho các tổ chức phi chính phủ, sẽ phải chuyển cho chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Dĩ nhiên, Liên Hiệp Châu Âu quan ngại, nhưng vẫn theo xã luận của Le Monde, đây là cơ hội để 27 nước thể thiện bốn điểm : đoàn kết, cứng rắn, thực tế và nhân đạo.
Thứ nhất, phải đoàn kết về tài chính và chính trị đối với Hy Lạp và Bulgari, hai nước trên tuyến đầu đối phó với hiện tượng này. Thứ hai, phải cứng rắn trước ý đồ đổi chác của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi nước này cũng phải giải quyết hậu quả nhân đạo do can thiệp quân sự vào Syria và ngừng chơi trò nước đôi giữa NATO và Nga. Thứ ba là phải thực tế và nhớ rằng quan hệ về địa lý và lịch sử biến Thổ Nhĩ Kỳ là một đối tác bắt buộc của Liên Hiệp Châu Âu. Thứ tư là phải nhân đạo vì Liên Hiệp Châu Âu sẽ không xứng danh tên gọi đó nếu không tham gia vào việc tiếp nhận di dân.
Bài xã luận của Le Monde kết luận chưa bao giờ, vì sự trường tồn của Liên Hiệp Châu Âu, tầm quan trọng trong việc chia sẻ người xin tị nạn và việc cần có một chiến lược chung về vấn đề di dân lại cấp thiết đến như vậy.
Quá tải, Hy Lạp yêu cầu tăng viện
Trong bài phóng sự « Người nhập cư : Athens kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu tương ái », phóng viên của Le Monde cho biết Hy Lạp đã đẩy lùi hơn 24.000 ý đồ vượt biên vào nước này từ thứ Bẩy 29/02 đến thứ Hai 02/03, 183 người bị bắt trong đó có 17 người đã bị kết án từ 3 đến 4 năm tù và phạt 10.000 euro.
Trong khi đó, theo thỏa thuận ký với Bruxelles năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ có trách nhiệm kiểm soát làn sóng nhập cư đến Hy Lạp. Quốc gia Nam Âu này, từ vài ngày nay, bị quá tải, đã yêu cầu Cơ quan Kiểm soát Biên giới Frontex, tăng viện. Một tầu chiến, hai tầu tuần tra, hai máy bay trực thăng, một máy bay, thêm 100 lính biên phòng châu Âu đến hỗ trợ cho 530 người đã có mặt tại chỗ, đã được gửi đến thực địa. Như vậy, theo Les Echos : « Di dân : Châu Âu quyết định bảo vệ biên giới Hy Lạp ». Đây cũng là nhận định của Le Figaro khi đưa tin : « Khối 27 nước tổ chức cách hỗ trợ Hy Lạp ».
Joe Biden hồi sinh
Sự hồi sinh bất ngờ, đầy sức thuyết phục của cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ ngày Thứ Ba Trọng đại (Super Tuesday) của đảng Dân Chủ được tất cả các nhật báo Pháp đưa tin.
Với chiến thắng tại 10 trên 14 bang trong ngày Super Tuesday, ông « Joe Biden tái thúc đẩy cuộc tranh cử trước Bernie Sanders », theo nhận định trên trang nhất của Le Monde. Như vậy, theo Le Figaro, « Cặp đôi Biden-Sanders hình thành để chỉ định người đối đầu với Trump ». Chính lá phiếu của người Mỹ gốc Phi đã giúp ông Joe Biden lật lại cán cân. Libération đánh giá chiến thắng của « Joe Biden là một sự hồi sinh ngoạn mục », đặc biệt là chiến thắng tại bang Texas.
Tin tổng hợp
(AFP) – Indonesia bắt tàu cá và ngư dân Việt Nam ngoài khơi quần đảo Natuna.
Theo bộ Hàng Hải Indonesia, 5 tàu đánh cá Việt Nam với 68 thuyền viên đã bị chặn bắt hôm Chủ Nhật 01/03/2020 gần một đảo của Indonesia, sát Biển Đông. Vào năm ngoái (2019), Indonesia đã cáo buộc Cảnh Sát Biển Việt Nam đâm vào một tàu Indonesia để ngăn không cho bắt giữ một tàu cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép. Một phần vùng đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natuna bị Trung Quốc nhận là của mình. Từ tháng 1/2020, Jakarta đã tăng cường tuần tra ở vùng quần đảo Natuna, sau khi phát hiện khu vực bị tàu Trung Quốc xâm nhập.
(AFP) – Afghanistan: Ngưng bắn với Taliban kết thúc.
Sau 9 ngày ngưng bắn, quân Taliban đã mở lại những cuộc tấn công ở miền nam Afghanistan, tại Helmand và Kunduz. Theo thông báo của chính quyền địa phương vào hôm qua, 04/03/2020, có 20 người thiệt mạng trong các vụ tấn công. Theo phát ngôn viên quân đội Mỹ, Không Quân Hoa Kỳ đã dội bom xuống lực lượng Taliban ở Helmand. Đây là phi vụ tấn công đầu tiên từ khi thỏa thuận với Taliban được ký kết hôm thứ Bảy. Hôm thứ Ba, 03/03, tổng thống Mỹ còn cho là «Taliban là những người bạn tốt ». Bộ Quốc Phòng Mỹ vào hôm qua cũng đã giảm nhẹ tầm quan trọng của các vụ tấn công của Taliban.
(Reuters) – Hoa Kỳ sẽ nỗ lực bảo đảm cho Đài Loan có chỗ đứng trên trường quốc tế.
Một viên chức cao cấp Mỹ đã khẳng định như trên vào hôm nay, 05/03/2020, tại Đài Bắc. Ông James Moriarty, chủ tịch của Viện Mỹ tại Đài Loan – (một cơ chế phụ trách quan hệ Washington – Đài Bắc có vai trò của một sứ quán) – đã trấn an tổng thống Thái Anh Văn và khẳng định hai bên cùng chia sẻ những giá trị giống nhau.
(AFP) – Ankara triển khai quân tăng viện cản trở Hy Lạp đẩy di dân.
Theo thông báo của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 05/3/2020, khoảng 1.000 cảnh sát đã được triển khai dọc theo con sông biên giới với Hy Lạp. Mục đích là nhằm cản trở các chiến dịch của Athens ngăn chận dòng người di cư vượt sông, kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định ngừng chặn người tị nạn tìm được sang châu Âu. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm thứ Tư 04/3 khẳng định chỉ có một giải pháp duy nhất cho khủng hoảng di dân chính là sự hỗ trợ của Liên Hiệp Châu Âu đối với Ankara trong hồ sơ Syria.
(AFP) – Pháp: Tầu cao tốc trật đường ray, 22 người bị thương.
Trên mạng Twitter, hãng đường sắt Pháp cho biết, trong số những người bị thương, có một người trong tình trạng « nguy kịch », cũng chính là người điều khiển tầu. Đoàn tầu đi từ Strasbourg đến Paris, chở theo 348 hành khách gặp nạn lúc 07 giờ 45 phút, khi đi qua vùng Bas-Rhin. Gần 100 nhân viên cứu hỏa, 10 nhân viên cấp cứu và 47 đầu máy đã được huy động để cứu nạn.
(AFP) – Virus corona « gây khó khăn » cho James Bond.
« No Time To Die » không thể ra mắt khán giả Luân Đôn vào ngày 31/03/2020 như dự kiến do dịch bệnh virus corona. Các nhà sản xuất hôm 04/03/2020 quyết định hoãn ngày ra mắt công chúng. Đợt chiếu đầu tiên tại Anh Quốc sẽ diễn ra vào ngày 12/11/2020 và tại Mỹ là 25/11. Những nơi khác sẽ được thông báo cụ thể sau.
(AFP) – Liên Hiệp Châu Âu lên án Thổ Nhĩ Kỳ dùng lá bài nhập cư để bắt bí Bruxelles.
Trong cuộc họp khẩn hôm 04/03/2020, bộ trưởng nội vụ 27 thành viên của Liên Âu mạnh mẽ chỉ trích Ankara sử dụng người nhập cư gây sức ép đòi châu Âu ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ trên hồ sơ Syria.
(AFP) – Tokyo thông báo hoãn chuyến công du Nhật Bản của lãnh đạo Trung Quốc.
Phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật hôm 05/03/2020 cho biết chuyến viếng thăm cấp nhà nước của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được dự trù vào tháng 4/2020 sẽ bị dời lại cho đến một thời điểm “thuận lợi cho cả hai bên”. Lý do, cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản hiện cùng phải đối mặt với dịch Covid-19.
Điểm tin thế giới sáng 5/3:
Trung Quốc có thể
trở thành nền ‘kinh tế rỗng’ vì COVID-19
Lục Du
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Năm (5/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc có thể trở thành nền ‘kinh tế rỗng’ vì COVID-19
Theo bản tin hôm thứ Tư (4/4) của SCMP, Bắc Kinh chỉ còn chưa đầy một tháng nữa để ngăn chặn các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc do họ lo sợ ảnh hưởng của dịch COVID-19, các chuyên gia đưa ra cảnh báo.
Các chuyên gia nhận định trong một báo cáo khoa học được công bố vào hôm 2/3 trên Bản tin của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc rằng nhóm các công ty dệt, điện tử và khai khoáng có thể sẽ rời Trung Quốc đầu tiên nếu Bắc Kinh không khống chế được COVID-19 trước khi kết thúc tháng Ba.
Nguy cơ người Trung Quốc mất việc không chỉ tồn tại mà còn có thể trở thành “sự kiện bất ngờ khiến chuỗi công nghiệp chuyển ra ngoài” và biến Trung Quốc thành một nền “kinh tế rỗng”, nếu sự gián đoạn hoạt động sản xuất và kinh doanh vẫn tiếp diễn sau quý đầu tiên, báo cáo cho biết.
Thắng Trung Quốc, Singapore có đại diện làm lãnh đạo ở LHQ
Một ứng viên Singapore đã đánh bại một ứng viên Trung Quốc trong cuộc đua vào chiếc ghế lãnh đạo Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO), một cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc (LHQ), Reuters đưa tin hôm thứ Tư (4/3).
Ứng viên Daren Tang của Singapore đã giành thắng lợi trước chuyên gia pháp lý Wang Binying của Trung Quốc trong cuộc bỏ phiếu kín của đại diện hàng chục quốc gia để trở thành tổng giám đốc WIPO, cơ quan của LHQ chịu trách nhiệm xây dựng các quy tắc toàn cầu về sở hữu trí tuệ.
Sở hữu trí tuệ là trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong suốt thời gian qua. Hoa Kỳ cùng với nhiều nước phương Tây khác đã bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Tang trong vị trí người đứng đầu WIPO. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hồi tháng trước nói rằng Washington đang theo dõi cuộc chạy đua vào chiếc ghế lãnh đạo WIPO “rất, rất chặt chẽ”.
Hồng Kông xác nhận chó bị nhiễm nCoV
Cơ quan y tế Hồng Kông hôm thứ Tư (4/4) xác nhận rằng một chú chó đã bị nhiễm nCoV ở “cấp độ thấp”, có khả năng là trường hợp lây nhiễm COVID-19 từ người sang động vật đầu tiên được báo cáo, theo SCMP.
Chú chó đã liên tục có dấu hiệu “dương tính yếu” với virus nCoV từ thứ Sáu tuần trước (28/2), với các triệu chứng của COVID-19. Nó sẽ tiếp tục được cách ly để Bộ Nông nghiệp, Ngư nghiệp và Cục Bảo tồn của Hồng Kông làm thêm các xét nghiệm.
Chuyên gia sức khỏe động vật, giáo sư Vanessa Barrs của Đại học City kêu gọi công chúng không hoảng sợ trước thông tin này, vì không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể bị nhiễm bệnh từ thú cưng của họ.
Thế giới đứng trước nguy cơ thiếu hụt thuốc vì COVID-19
Việc nCoV đang lây lan nhanh ra toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến nguồn cung thuốc kháng sinh và vitamin từ Ấn Độ và Trung Quốc, Fox News cho hay trong bản tin hôm thứ Tư (4/3).
Mặc dù một số nhà máy ở Ấn Độ đã bắt đầu sản xuất lại sản phẩm, nhưng sự thiếu hụt một số loại thuốc có thể vẫn tiếp tục, các chuyên gia cảnh báo.
Hôm thứ Ba (3/3), các nhà chức trách ở Ấn Độ đã yêu cầu ngành công nghiệp dược phẩm của nước này ngừng xuất khẩu 26 loại thuốc và thành phần được sử dụng trong kháng sinh, trừ trường hợp được chính phủ cho phép. Fox News nhận định, động thái này của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới khi nước này, trong năm 2019, là quốc gia xuất khẩu 1/5 lượng thuốc ra thế giới và thu về 19 tỷ đô la.
Dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng tới nguồn cung từ Trung Quốc các thành phần cho việc sản xuất hơn 20 loại thuốc tại Mỹ.
Bất chấp dân đói, Maduro đề nghị phụ nữ Venezuela sinh thêm
Mặc dù đất nước đang chìm trong khủng hoảng với hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm nguồn sống ở nước ngoài, nhưng Tổng thống Maduro vẫn đưa ra một yêu cầu kỳ lạ là, phụ nữ Venezuela cần sinh thêm con, theo bản tin hôm thứ Tư (4/3) của Fox News.
“Cần sinh thêm, sinh thêm con”, ông Nicolas Maduro kêu gọi phụ nữ Venezuela trong một chương trình truyền hình quảng bá cho kế hoạch chăm sóc y tế cho phụ nữ của nhà nước. Theo vị Tổng thống thiên tả, mỗi gia đình Venezuela cần có 6 người con để “giúp ích cho đất nước”.
Theo một cuộc khảo sát gần đây được công bố bởi Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, cứ ba người Venezuela thì có một người phải đối mặt với vấn đề thiếu thốn lương thực.
Điểm tin thế giới chiều 5/3:
Ông Tập hoãn thăm Nhật;
Hàn Quốc có hơn 6.000 ca nhiễm COVID-19
Hải Lam
Mục Điểm tin thế giới chiều thứ Năm (5/3) của Đại Kỷ Nguyên xin gửi tới bạn đọc những tin sau:
Ông Tập hoãn thăm Nhật
Chính phủ Nhật Bản hôm nay thông báo chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nhật Bản vào tháng 4 đã bị hoãn do COVID-19.
“Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Nhật Bản sẽ được tổ chức vào thời điểm thích hợp cho cả hai bên”, AFP dẫn lời của Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshi Suga nói với các phóng viên ở Tokyo hôm nay.
“Thách thức lớn nhất hiện nay đối với cả hai quốc gia là ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới. Cần phải ưu tiên hàng đầu cho vấn đề này”, ông Yoshi Suga nói thêm.
Hàn Quốc có hơn 6.000 ca nhiễm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) chiều nay ghi nhận thêm 322 ca dương tính nCoV, đưa tổng số ca nhiễm bệnh toàn quốc lên hơn 6.088.
Theo Yonhap, đến nay, 40 người đã tử vong vì dịch COVID-19, chủ yếu là các bệnh nhân cao tuổi có vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Giới chức Hàn Quốc hôm nay cũng đưa thành phố Gyeongsan vào diện “khu vực quản lý đặc biệt” do tình hình lây lan của dịch bệnh. Trước đó, hai thành phố lân cận gồm Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang được chỉ định là “khu vực quản lý đặc biệt”.
Philippines: Trực thăng rơi, hai tướng nguy kịch
Inquirer cho biết, trực thăng chở Tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines Archie Gamboa cùng 5 sĩ quan rơi trên đảo Luzon sáng nay, khiến hai tướng cảnh sát trọng thương.
“Thiếu tướng Mariel Magaway, giám đốc tình báo cảnh sát quốc gia Philippines (PNP), và thiếu tướng Jose Maria Ramos, người đứng đầu Cục Kiểm toán PNP, đang hôn mê và trong tình trạng nguy kịch sau tai nạn”, Camilo Cascolan, phó tư lệnh cảnh sát quốc gia Philippines cho hay.
Người đứng đầu PNP, Tướng Gamboa, cũng có mặt trên chiếc trực thăng cùng 5 người khác lúc nó rơi xuống gần khu dân cư ở San Pedro, tỉnh Laguna trên đảo Luzon, nhưng ông chỉ bị thương nhẹ ở vai phải.
Các nhân chứng cho biết khi trực thăng cất cánh rời San Pedro, nó tạo ra một đám bụi dày, sau đó cánh quạt vướng vào đường dây điện khiến máy bay lao xuống.
Triều Tiên cáo buộc phim Hàn Quốc ‘bịa đặt’
Truyền thông chính quyền Bình Nhưỡng hôm qua (4/3) cáo buộc các bộ phim điện ảnh và truyền hình Hàn Quốc có nội dung bịa đặt và tuyên truyền chống phá Triều Tiên
“Gần đây, chính quyền và các nhà sản xuất phim Hàn Quốc đang cố gắng thúc đẩy chiến lược tuyên truyền khi phát hành các bộ phim điện ảnh và truyền hình dối trá, bịa đặt”, Uriminzokkiri, trang tin của nhà nước Triều Tiên, đăng trong một bài xã luận hôm qua.
Uriminzokkiri không nêu đích danh những bộ phim mà hãng này chỉ trích, nhưng kênh Yonhap của Hàn Quốc cho rằng có thể trang này đang đề cập đến các bộ phim đình đám gần đây như “Crash Landing On You” (Hạ cánh nơi anh) hay “Ashfall” (Đại thảm họa núi Baekdu).
“Hạ cánh nơi anh” là bộ phim tình cảm kể về con gái của nhà tài phiệt Hàn Quốc cùng một người sĩ quan Triều Tiên, trong đó miêu tả Triều Tiên là đất nước nghèo nàn và kinh tế lạc hậu. Còn bộ phim “Đại thảm họa núi Baekdu” khắc họa về nỗ lực của các binh lính Hàn Quốc – Triều Tiên nhằm ngăn vụ phun trào trên núi Baekdu với hình ảnh các ngôi làng Triều Tiên bị tàn phá nghiêm trọng.
Video: Các thương hiệu lớn bị tố cáo sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương
0 comments