Tin Biển Đông – 05/03/2020
Tàu tìm kiếm và cứu hộ Trung Quốc đến Đá Chữ Thập
Drake Long
RFA vừa được biết một tàu cứu hộ của Trung Quốc vừa bắt đầu hoạt động tại Đá Chữ Thập và quanh đó. Đây là một trong những khu vực có tranh chấp giữa Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và Việt Nam ở Biển Đông.
Theo Văn Phòng Tình Báo Hải Quân Hoa Kỳ, tàu Nam Hải Cứu 115 trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải Trung Quốc, hoạt động với trách nhiệm cứu hộ và trục vớt trên biển.
Tàu cứu hộ nầy xuất phát từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vào ngày 10 tháng 1 và đến Đá Chữ Thập vào ngày 18/2. Từ đó đến nay, theo phần mềm theo dõi tàu bè mà RFA sử dụng thì tàu cứu hộ nầy đã tuần tra quanh Đá Chữ Thập.
Hiện vẫn chưa rõ lý do vì sao Trung Quốc đưa tàu Nam Hải Cứu 115 đến Đá Chữ Thập. Từ tháng 7, 2018, căn cứ của tàu này được đặt tại trung tâm cứu hộ hàng hải Đá Subi. Đây cũng là một thực thể tranh chấp khác mà Trung Quốc đã xây dựng nên đảo nhân tạo. Đá Chữ Thập cách Đá Subi 110 hãi lý về hướng Tây Nam..
Theo tường trình của RFA vào tuần qua, Đá Chữ Thập được xây dựng thành trung tâm hậu cần cho tàu bè Trung Quốc qua lại trong các cuộc hải hành, và gần với địa điểm đang có đối đầu giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và đội khai thác dầu khí của Malaysia. Theo Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Tài nguyên của Trung Quốc vào ngày 21 tháng 1 phát biểu rằng Trung Quốc cũng cải tiến các cơ sở giám sát sinh thái trên Đá Chữ Thập, ngoài chức năng là trung tâm cứu hộ.
Các hình chụp từ vệ tinh vào ngày 23/02 được RFA phân tích cho thấy chiếc tàu neo tại bến cảng ở Đá Chữ Thập trông rất giống tàu Nam Hải Cứu 115. Phần mềm theo dõi tàu biển cho thấy chiếc tàu nằm trong khu vực Đá Chữ Thập vào ngày hôm đó. Tàu nầy được nhận thấy dễ dàng với bãi đáp cho trực thăng trên tàu màu xanh lá. Lần cuối nó bị phát hiện ở Đá Chữ Thập là vào ngày 28/02 và từ ngày đó đến nay không ghi nhận được vị trí mới nào của tàu.
Những tàu cứu hộ trong biên chế của Trung Quốc được sử dụng để hỗ trợ cho cả tàu dân sự lẫn tàu quân sự. Hai tàu khác cùng chức năng như tàu Nam Hải Cứu 115 là tàu Nam Hải Cứu 116 và Nam Hải Cứu 117. Tàu Nam Hải Cứu 117 vẫn nằm tại cảng Tam Á trong khi tàu Nam Hải Cứu 116 rời Tam Á vào ngày 2/02 nhưng vẫn chưa biết đi đâu.
Một video mà Tân Hoa Xã công bố vào ngày 23/02 công khai cho thấy thủy thủ đoàn của tàu Nam Hải Cứu 115 khi đang thực hiện nhiệm vụ của họ. Các bài hát yêu nước vang lên trong khi thủy thủ đoàn hô to những lời khích lệ cho người dân Vũ Hán cũng như các tỉnh thành ở khắp Trung Quốc giữa khi dịch coronavirus đang bùng phát. Mọi thành viên thủy thủ đoàn đều mang khẩu trang màu xanh dương.
Các dịch vụ cứu hộ hàng hải cũng như tàu bè Trung Quốc được tryền thông nhà nước đặc biệt lưu ý, có lẽ do họ muốn củng cố việc tuyên bố chính thức rằng Trung Quốc chỉ có thiện ý trong việc xây dựng các đảo nhân tạo và cơ sở hạ tầng khác ở Biển Đông. Trong khi đó các nước láng giềng chất vấn tuyên bố mở rộng của Trung Quốc.
Theo South China Morning Post và Tân Hoa Xã thì Trung Quốc thành lập Trung tâm Cứu hộ Hàng hải Nam Sa ở Đá Chữ Thập vào tháng 1/2019. Trung tâm cứu hộ mới là một bộ phận của Cục Cứu hộ Hoa Nam trực thuộc Bộ Giao Thông Vận tải.
Cơ quan Dịch vụ cứu hộ Trung Quốc(CRS) hoàn toàn khác biệt với Hải Cảnh Trung Quốc. CRS chỉ tập trung vào việc cứu người và trục vớt khi xảy ra tai nạn hay thảm họa trên biển . Ngay cả khi công tác nầy chỉ là chức năng dân sự của lực lượng tuần duyên ở các quốc gia khác thì CRS vẫn không được nhập chung vào tuần duyên cùng với những cơ quan, cục, vụ khác trong quá trình cải cách vào 2013 mà Tuần Duyên trung Quốc được được thành lập như hiện nay. Điều nầy có lẽ do mục đích xâm chiến của các tàu tuần duyên Trung Quốc đối lập với nhiệm vụ nhân đạo của CRS. Tuy nhiên, các tàu CRS, kể cả tàu Nam Hải Cứu 115 đã từng được tàu tuần duyên tháp tùng trong quá khứ.
Theo thông báo tuyển người được đăng trên mạng của Bộ Giao Thông Vận Tải thì Cục cứu hộ biển Hoa Nam đã có 8 cơ sở đang hoạt động ở Sán Đầu, Thâm Quyền, Quảng Châu, Trạm Giang, Bắc Hải, Hải Khẩu, Tam Á và Tam Sa.
Cơ quan Dịch vụ Cứu hộ được tăng cường tuyên truyền mạnh mẽ qua bộ phim hành động “bom tấn” với tựa đề “ The rescue” (Giải cứu) được phát hành vào tháng 1. Bộ phim mô tả những trang thiết bị và cơ sở nổi bật được CRS Trung Quốc sử dụng, bao gồm các tàu cùng loại với Nam Hải Cứu 115. Đạo diễn của phim nầy là Dante Lam cũng chính là đạo diễn của phim hành động năm 2018 “ Operation Red Sea” (Chiến dịch Biển Đỏ); Phim nầy phô diễn các tàu bè và trang thiết bị hiện tại của lực lượng Hải chiến Giải phóng Quân Nhân Dân.
TQ lại điều tàu cá “bao vây” khu vực đảo Thị Tứ:
Hành động cần lên án
Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines cho biết, Trung Quốc đã điều hơn 100 tàu cá “bao vây” khu vực đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là một trong những động thái mới cho thấy quyết tâm của chính quyền Bắc Kinh trong việc thực hiện ý đồ “độc chiếm” Biển Đông bằng mọi cách.
Phó Đô đốc Rene Medina, Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Tây của quân đội Philippines (2/3) cho biết, 136 tàu cá Trung Quốc gần đảo Thị Tứ từ ngày 1/1 đến 25/2. Trong đó, ngày 7/2 có số lượng tàu cá Trung Quốc tập trung đông nhất, lên đến 76 tàu cùng hiện diện ở doi cát rìa Tây đảo Thị Tứ. Ngoài các tàu cá, Trung Quốc còn huy động 02 tàu Hải Cảnh và 01 tàu Hải quân hoạt động trái phép trong khu vực này, nhằm “đảm bảo” an ninh và an toàn cho số tàu cá trên.
Được biết, từ năm 2019 đến nay, Trung Quốc liên tục điều tàu cá, tàu chấp pháp hoạt động phi pháp trong khu vực đảo Thị Tứ. Phó Đô đốc Rene Medina, (8/1/2019) từng cho biết, có đến 38 tầu Trung Quốc neo đậu suốt đêm 07/01/2019 tại ba dải cát, nằm giữa đảo Thị Tứ. Đến 05/3/2019, giới truyền thông phương Tây cho biết, Trung Quốc lại điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trong năm 2018, Tổ chức Sáng kiên Minh bạch hàng hải (AMTI) cũng từng công bố ảnh chụp hàng trăm tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển gần đảo Thị Tứ. Theo AMTI, Trung Quốc đã triển khai một đội tàu lớn từ đá Subi, chỉ cách Thị Tứ hơn 12 hải lý về phía Tây Nam. Hạm đội này bao gồm một số tàu của quân đội Trung Quốc và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Trung Quốc (CCG), cùng với hàng chục tàu cá có kích cỡ từ 30 đến 70 mét. Số tàu cá trên đều thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, được trang bị hệ thống vô hiệu hóa các máy thu phát tự động (AIS) nhằm che giấu các hoạt động phi pháp của họ.
Trước hành động trên của Trung Quốc, giới chuyên gia, học giả và các nhà phân tích quân sự khu vực, quốc tế cho rằng đây là một trong những bước tiến nguy hiểm của Trung Quốc nhằm triển khai chiến lược “độc chiếm” Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh hành động trên của Bắc Kinh đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định trong khu vực. Chuyên gia Richard Heydarian, nhà phân tích của GMA, nói rằng Trung Quốc đang sử dụng chiến thuật này để đe dọa ngư dân các nước khác có tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển giàu tài nguyên. Ông cũng lưu ý rằng Trung Quốc đã giám sát việc nâng cấp các cơ sở quân sự của Philippines tại đảo Thị Tứ, chẳng hạn như việc xây dựng một bến cảng và đoạn đường đi
xuống bãi biển. Cùng quan điểm trên, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển tại Đại học Philippines Jay Batongbacal nhận định, động thái này của Trung Quốc là chiến lược để ngăn chặn các tàu của Philippines có thể tiến vào khu vực tranh chấp. Để đạt được mục đích, Bắc Kinh sử dụng chiến thuật dùng số đông các tàu đánh cá dân sự quây kín một khu vực, ngăn cản các tàu khác tiếp cận.
Đáng chú ý, chuyên gia Alexander Neill, Nghiên cứu viên cao cấp về Châu Á – Thái Bình Dương nhận định, sự xuất hiện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc quanh đảo Thị Tứ cho thấy nếu Trung Quốc muốn thì khả năng hòn đảo này sẽ bị xâm chiếm một cách “không mấy khó khăn”. Ông Neill cho rằng, Trung Quốc mở ranh giới của mình đến đảo Thị Tứ bởi “các lực lượng Philippines không có khả năng phản ứng lại các chiến thuật thăm dò của tàu Trung Quốc”. Theo chuyên gia này, Trung Quốc sẽ rất khó chịu về khả năng xuất hiện thách thức đối với sự hiện diện của nước này ở đá Xu Bi nên hoạt động của các tàu dân quân biển Trung Quốc tại đây có thể là hành động đối phó với việc Philippines nâng cấp đường băng ở đảo Thị Tứ. Khi đó, lực lượng dân quân biển sẽ đóng vai trò là “tai mắt” cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Dưới sự chỉ đạo của PLA, lực lượng dân quân biển Trung Quốc sẽ giám sát các hoạt động của Philippines và chuyển các thông tin liên quan đến đá Xu Bi. Tốc độ và quy mô hoạt động của Trung Quốc sẽ tương ứng với các hoạt động nâng cấp tại đảo Thị Tứ. Bên cạnh đó, ông Neill cũng cho rằng, khả năng Trung Quốc chiếm đảo Thị Tứ sẽ là hành động châm ngòi chiến tranh, kích hoạt phản ứng của Mỹ – đồng minh của Philippines. Mỹ có thể giúp Philippines bằng cách tiến hành các hoạt động tự do hàng hải, hàng không trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Xu Bi hoặc xây dựng khả năng phát hiện và ngăn chặn trên đảo Thị Tứ. Theo nhà phân tích Neill, hiện vẫn chưa muộn để Philippines đẩy lùi các hoạt động của Trung Quốc. Ông gợi ý vài lựa chọn cho Philippines: (i) Công bố các hoạt động trên biển, trên không của Trung Quốc gần đảo Thị Tứ; (ii) Ủng hộ chính quyền tỉnh Palawan đoàn kết với hội ngư dân Philippines; (iii) Ghi lại và công bố các vụ việc đe dọa các tàu cá và ngư dân Philippines; (iv) Phát tán các trao đổi từ lực lượng dân quân biển Trung Quốc; (v) Cung cấp các số liệu và hình ảnh của lực lượng dân quân biển gần các bãi cát; (vi) Hợp tác với các quốc gia thân thiện để xây dựng nhận thức tốt hơn về biển quanh đảo Thị Tứ; (vii) Củng cố đảo Thị Tứ với các hệ thống vũ khí nhằm ngăn ngừa sự xâm lược; (viii) Nêu quan ngại tại các diễn đàn đa phương và ngoại giao; (ix) Nhấn mạnh và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ Hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp, đặc biệt là Phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12/7/2016; (x) Có hành động phản đối đối với Đại sứ Trung Quốc tại Manila bất cứ khi nào xảy ra các vụ xâm nhập của lực lượng dân quân biển.
Được biết, đảo Thị Tứ là một đảo san hô thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đảo này xếp thứ hai trong quần đảo về mặt diện tích. Ngày 21 tháng 12 năm 1933, thống đốc Nam Kỳ Jean-Félix Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP sáp nhập một số đảo chính và các đảo phụ thuộc trong quần đảo Trường Sa vào địa phận tỉnh Bà Rịa, trong đó có đảo Thị Tứ. Đầu thập niên 1960, các tàu hải quân của Việt Nam Cộng hòa thường ghé thăm đảo Thị Tứ, cụ thể năm 1961 là tàu HQ-02 Vạn Kiếp và HQ-06 Vân Đồn còn năm 1963 là ba tàu gồm HQ-404 Hương Giang, HQ-01 Chi Lăng và HQ-09 Kì Hòa. Việt Nam cũng đã dựng bia chủ quyền trên đảo Thị Tứ vào ngày 22 tháng 5 năm 1963. Vào thời kỳ 1970-1971, Philippines cho quân bí mật chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc Trường Sa, trong đó có đảo Thị Tứ của Việt Nam. Hiện Philippines xây dựng trái phép một đường băng dài 1.260 m được xây dựng vào năm 1975 với khả năng tiếp nhận các máy bay lớn nhưng đã xuống cấp. Ngoài ra, nơi đây còn có căn cứ hải quân, bến tàu, trung tâm y tế, trường học và một tháp thông tin di động.
Trước các hoạt động phi pháp của Trung Quốc và Philippines trên đảo Thị Tứ, Người phát ngôn Bộ ngoại Việt Nam nhiều lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Với tư cách là quốc gia thành viên Công ước liên hợp quốc về Luật biển 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Truyền thông, chuyên gia Mỹ: Thị Tứ
là chìa khóa cho tham vọng hàng hải của TQ ở Biển Đông
Hãng tin Bloomberg của Mỹ hôm 2/3 đã đăng bài phân tích của chuyên gia Tobin Harshaw về vai trò, vị trí của đảo Thị Tứ đối với những tham vọng, toán tính bành trướng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó, chuyên gia này nhận định Thị Tứ là “chìa khóa” cho tham vọng hàng hải của Bắc Kinh tại khu vực.
Thị Tứ là đảo lớn thứ hai trong chuỗi các rạn san hô, bãi cạn và đảo san hô trong cụm Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) ở Biển Đông. Năm 2002, Chính quyền Philippines đưa dân ra đảo trong khuôn khổ một chương trình tái định cư. Hiện nay, đảo Thị Tứ là nơi duy nhất có dân cư sinh sống trong số các thực thể thuộc Trường Sa do Philippines kiểm soát. Trung Quốc cũng đòi yêu sách chủ quyền đối với đảo này và thường xuyên triển khai tàu thuyền quanh khu vực này.
Chuyên gia Tobin Harshaw cho rằng do những hành động gần đây của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thắt chặt quan hệ với Trung Quốc và xa rời Mỹ đã đã khiến đảo Thị Tứ và cư dân của nó ngày càng dễ bị tổn thương trước những tham vọng to lớn của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông. Bắt đầu từ năm 2014, Trung Quốc đã tiến hành một dự án cải tạo đất 16 dặm về phía Nam Thị Tứ tại đá Xu bi hay còn gọi là các dự án bồi đắp, mở rộng đảo nhân tạo từ những bãi san hô nửa chìm, nửa nổi. Sự phát triển đá Xu bi là một vị trí tiền đồn trong nỗ lực của Bắc Kinh để kiểm soát tất cả các vùng biển lên đến 1.200 dặm ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Biển Đông, theo yêu sách bản đồ “đường chín đoạn”. Kể từ đó, Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng ở Trường Sa. Năm 2017, những bức ảnh vệ tinh do Nghị sĩ Philippines Gary Alejano công bố, cho thấy một đội tàu gồm năm tàu cá Trung Quốc, tàu bảo vệ bờ biển và tàu khu trục của Trung Quốc đã tiến vào phạm vi 5 hải lý của Thị Tứ.
“Người Trung Quốc có thể có một kế hoạch hiểm ác để chiếm giữ các bãi cát ở phía Tây Pag-asa thuộc về chúng ta”, Nghị sĩ Alejano cảnh báo lúc đó. “Và đừng để thuật ngữ tàu câu cá đánh lừa bạn. Những tàu thủ công và các tàu quân sự hỗ trợ họ là một phần của một lực lượng dân quân hàng hải rộng lớn được triển khai trên Biển Đông”, nghị sĩ Philippines nói thêm. Mọi thứ nóng lên vào cuối năm 2018, khi Philippines bắt đầu xây dựng một đoạn đường dốc để cho phép chuyển máy móc để sửa chữa sân bay của Thị Tứ. Gần như ngay lập tức, khoảng 100 tàu bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá của Trung Quốc đã đổ xô đến để phong tỏa hoạt động trên của Philippines. Vào tháng 7/2019, Chính phủ Philippines đã đệ đơn phản đối ngoại giao sau khi Cố vấn An ninh quốc gia của họ, Hermogenes Esperon Jr., tiết lộ rằng 113 tàu đánh cá của Trung Quốc tiếp tục đến bao vây đảo Thị Tứ. Thậm chí cho đến cuối tháng 2 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã tiết lộ rằng các tàu Trung Quốc vẫn ở gần hòn đảo này, khác nhau về số lượng.
Sự hiện diện của Trung Quốc có hợp pháp không? Có lẽ. Nếu sự phát triển của Trung Quốc được coi là một đặc điểm hợp pháp của đại dương, Bắc Kinh có thể đưa ra trường hợp các tàu đang hoạt động trong vùng lãnh hải của cả Subi và Thị Tứ. Nhưng đó là một phần bên cạnh quan điểm. Chúng xuất hiện một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm đe dọa Philippines trong việc làm quen với các yêu sách lãnh thổ của mình tại các khu vực nơi họ chưa xây dựng bất kỳ đảo nhân tạo nào. Điều này bao gồm các tàu đánh cá khiêm tốn. Cho dù ngư dân có vẻ bề ngoài sau các loại hải sản truyền thống như cá ngừ, cá rạn kỳ lạ hiện có trong thực đơn tại các nhà hàng thời thượng hay nghêu khổng lồ được thu hoạch để lấy vỏ có giá trị, chúng thường là mũi nhọn cho cuộc phiêu lưu của quân đội Trung Quốc.
Năm 2016, Philippines đã giành được một quyết định hoành tráng tại Tòa án Trọng tài Thường trực tại The Hague (PCA), với 7 tuyên bố mà họ đưa ra theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). PCA thậm chí đã vượt ra ngoài các khiếu nại của Philippines, nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố các quyền lịch sử, hoặc các quyền hoặc quyền tài phán khác, đối với các khu vực hàng hải của Biển Đông được bao gồm bởi phần có liên quan của đường chín đoạn là trái với quy ước và không có hiệu lực hợp pháp đến mức vượt quá giới hạn địa lý và thực chất của các quyền lợi hàng hải của Trung Quốc.
Thật không may, những gì đáng lẽ phải là một đòn giáng mạnh vào giấc mơ bành trướng của Bắc Kinh đã biến thành một chút hơn là một cái tát vào cổ tay. Trong khi người ta dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phớt lờ phán quyết của tòa án, Chính phủ Rodrigo Duterte của Philippines đã hoàn toàn cẩu thả trong việc thúc đẩy lợi thế pháp lý của quốc gia mình. Trong khi, với sự phô trương tuyệt vời, Tổng thống Duterte đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (9/2019) để thảo luận về vấn đề này, hội nghị thượng đỉnh đã bị chế giễu là nhà hát chính trị, được dàn dựng trước để Duterte giữ thể diện. Nó thậm chí còn thất bại, dựa trên tóm tắt của người phát ngôn của chính ông: “Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của Bắc Kinh về việc không công nhận phán quyết của trọng tài”.
Theo chuyên gia Bloomberg, động cơ của Tổng thống Duterte là tìm kiếm đầu tư và thương mại của Trung Quốc để nâng nền kinh tế đang xuống dốc của quốc gia mình. Một số nhà quan sát khẳng định ông Duterte đang cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng theo chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nói rằng Tổng thống Derterte luôn muốn cắt đứt liên minh Mỹ-Philippines để ủng hộ một chiến lược liên kết với Trung Quốc và ông sẵn sàng nhắm mắt làm ngơ trước sự xâm lược của Bắc Kinh ở Biển Đông để biến điều đó thành hiện thực. Vì vậy, có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Duterte vừa qua đã hủy bỏ Thỏa thuận Tham viếng quân sự với Mỹ (VFA).
Chuyên gia Tobin Harshaw kết luận đó sẽ là hành động tái diễn của Trung Quốc hồi năm 2012 trên bãi cạn Scarborough. Sự chiếm đoạt của Scarborough là trung tâm của phán quyết của PCA chống lại Bắc Kinh. Rõ ràng, cho dù có bao nhiêu chiến thắng hợp pháp mà các nước láng giềng giành được, Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là nhún vai và hiện thực tiếp “đường chín đoạn” và có thể là một số đường khác ngoài nó).
TQ thúc đẩy sự vượt trội về khoa học, công nghệ
ở Biển Đông nhằm đạt được
các “yêu sách” chủ quyền phi pháp
Để đạt được ý đồ kiểm soát Biển Đông, mở rộng ảnh hưởng khu vực, cùng với việc đẩy mạnh sức mạnh cứng là quân sự, Trung Quốc cũng tích cực khẳng định sức mạnh mềm là những nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vượt trội so với các nước ở Biển Đông.
Về công nghệ năng lượng mới, Trung Quốc chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các loại hình điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân trên biển nhằm: (1) Một là, khẳng định sự vượt trội về công nghệ, trình độ kỹ thuật của Trung Quốc so với các nước trên thế giới và khu vực; giúp Trung Quốc đảm bảo nguồn cung năng lượng cho các vùng duyên hải và các đảo và giàn khoan dầu khí xa bờ. Hiện nay, nguồn điện cung cấp cho các đảo chủ yếu vẫn dựa vào máy phát điện chạy dầu diesel, công suất nhỏ lại gây ô nhiễm môi trường, giá thành cao và tính khả thi thấp, ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân. (2) Hai là, tạo tiền đề quan trọng cho quá trình xây dựng quy mô lớn điện gió tại các đảo, đá ở Biển Đông đang bị Trung Quốc chiếm đóng, góp phần cung cấp điện cho các công trình quân sự như hệ thống radar, sân bay, cầu cảng, bến bãi, hệ thống tên lửa, hệ thống gây nhiễu radar… Mạng lưới điện ổn định là yếu tố sống còn cho các kho vũ khí và căn cứ quân sự của Trung Quốc trên các đảo ở Biển Đông. Theo tính toán, chỉ tính riêng một hệ thống radar quân sự ở Biển Đông của Trung Quốc đã cần tới 200 KW để duy trì hoạt động. Trên thực tế, từ năm 2016, Trung Quốc đã lắp đặt hệ 01 thống điện gió trên bãi đá Gạc Ma của Việt Nam do Trung Quốc chiếm đóng phí pháp, nhằm cung cấp năng lượng cho lực lượng đồn trú và hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại bãi đá này. (3) Ba là, phục vụ việc tuyên truyền có dụng ý, nhằm trấn an và hướng lái dư luận các nước về vấn đề ô nhiễm môi trường do Trung Quốc gây ra, thể hiện vai trò trong bảo vệ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và đi đầu trong áp dụng khoa học công nghệ cho phục vụ các mục đích dân sự của người dân Trung Quốc cũng như mang lại lợi ích chung người dân các nước. Cùng với các yếu tố khác, hệ thống điện gió giúp Trung Quốc giành ưu thế vượt trội so với các nước ở Biển Đông.
Kết quả là, Trung Quốc (27/5/2018) cũng ngang nhiên đưa vào vận hành trái phép một mạng lưới điện cỡ nhỏ đầu tiên trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hệ thống đường dây điện này có thể tải điện từ các máy nhiệt điện và điện mặt trời. Mạng lưới vừa được vận hành có thể được nối với hệ thống điện chính của tỉnh Hải Nam hoặc vận hành độc lập và sẽ giúp tăng gấp 8 lần lượng điện cung cấp trên đảo Phú Lâm, phục vụ cho các hoạt động trái phép của quân đội Trung Quốc tại đây. Tháng 12/2016 Trung Quốc hạ thủy con tàu chuyên lắp đặt tua bin điện gió trên biển đầu tiên do nước này tự nghiên cứu, chế tạo. Tàu có chiều dài 85,8m, rộng 40 m, tải trọng 2.500 tấn, có thể hoạt động ngoài khơi 30 ngày liên tục. Năm 2017, Trung Quốc đã đầu tư tổng kinh phí khoảng 126,6 tỷ USD vào phát triển năng lượng tái tạo (tăng 31% so với năm 2016). Con số năm 2018 cũng ở mức tương tự. Với nguồn đầu tư như vậy, năm 2017 – 2018, Trung Quốc hoàn thành quy hoạch điện gió tại nhiều địa phương như Triết Giang, Giang Tô, Hồ Bắc, Quảng Đông, Bột Hải, Thượng Hải… Trong đó, tổng công suất tua bin điện gió ước tính mà Trung Quốc đã lắp đặt trên biển có thể đạt trên 1.000 MW. Tháng 12/2018, sau 202 ngày lắp đặt, trang trại điện gió ngoài khơi xa bờ nhất của Trung Quốc chính thức được kết nối với lưới điện và đi vào hoạt động hết công suất. Trang trại nằm ở phía đông thành phố Diêm Thành, tỉnh Giang Tô, cách bờ biển 43km. Với diện tích 90 km2, trại điện gió Đại Phong có công suất lắp đặt lên tới 302,4 nghìn kW. Tổng cộng 72 tua bin gió dự kiến tạo ra khoảng 870 triệu kWh điện mỗi năm.
Về công nghệ thông tin, liên lạc và truyền thông, mặc dù Trung Quốc cho biết việc xây dựng hệ thống truyền thông của nước này ở Biển Đông là nhằm phục vụ người dân khôn chỉ của Trung Quốc mà cho cả khu vực, phục vụ phổ biến các thông tin như thời tiết, luật pháp, văn hóa, liên lạc… Song thực tế, giới quan sát chỉ ra rằng mục tiêu thực sự của Trung Quốc là nhằm: (1) Thứ nhất, tuyên truyền về các yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Trung Quốc muốn giành thế chủ động, đi đầu,đóng vai trò là “thông tin nguồn” trong thông tin tuyên truyền về Biển Đông. (2) Thứ hai, làm căn cứ để củng cố các cơ sở về chủ quyền của Trung Quốc ở các đảo có và không có người ở. Đây sẽ là những căn cứ để Trung Quốc bao biện rằng nước này có chủ quyền với những thực thể chiếm đóng trái phép. (3) Thứ ba, tuyên truyền, vận động người dân trong nước ra định cư và tham gia vào quá trình theo đuổi các yêu sách chủ quyền của nước này. Đây là một trong những thành quả mà chính phủ Trung Quốc ca ngợi đã đạt được trong những năm qua ở Biển Đông. (4) Thứ tư, che đậy cho những hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông của Trung Quốc. Trung Quốc muốn xây dựng hình ảnh nước có trách nhiệm ở khu vực. Ngoài ra, đây sẽ là công cụ để Trung Quốc đẩy mạnh hợp tác, lôi keo các nước trong các sáng kiến do nước này dẫn dắt ở khu vực.
Kết quả trong phát triển công nghệ thông tin, liên lạc và truyền thông ở Biển Đông, Trung Quốc đã bắt đầu lắp đặt trái phép các thiết bị phát sóng không dây tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ tháng 10/2015. Theo báo chí Trung Quốc thì Ngư dân và nhân viên Trung Quốc đồn trú trên các đảo này có thể truy cập internet tốc độ cao. Hiện tại Trung Quốc đã hoàn thành lắp đặt các thiết bị phát sóng không dây này tại đảo Cây và đảo Bắc và tiếp đó sẽ triển khai lắp đặt tại các đảo đá khác như đảo Duy Mộng, Xà Cừ, Ba Ba… nhằm thực hiện phủ tín hiệu mạng không dây trái phép lên khắp các đảo Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại Hoàng Sa. Tháng 9/2015, Trung Quốc cũng tuyên bố hoàn thành phủ sóng 4G trên 7 đảo chiếm đóng thuộc quần đảo Hoàng Sa bao gồm đảo Phú Lâm, đảo Quang Ảnh, đảo Cây, đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn, đảo Quang Hòa và đảo Linh Côn.
Về kế hoạch xây dựng mạng lưới máy bay không người lái giám sát và chuyển tiếp thông tin từ các đảo trên Biển Đông, ý đồ của Bắc Kinh là: (1) Một là, củng cố, tăng cường sự hiện diện, chiếm đóng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tạo thế lấn lướt về tiềm lực, công nghệ trong khu vực, nhất là đối với các nước trong khu vực khi Trung Quốc đã xây dựng được các hệ thống nền tảng như mạng 3G, 4G, mạng lưới vệ tinh, hệ thống định vị đáy biển, hệ thống điện… (2) Hai là, phục vụ hoạt đông do thám, giám sát hoạt động của tàu thuyền, máy bay các nước trong và ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Anh, Australia… (3) Ba là, củng cố, hợp thức hoá các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với những đảo, đá nhân tạo, không người ở ở Biển Đông. (4) Bốn là, phục vụ mục đích tuyên truyền về thành quả trong chính sách theo đuổi chủ quyển của chính quyền Bắc Kinh ở Biển Đông, đồng thời lợi dụng danh nghĩa hợp tác quốc tế, phục vụ mục đích dân sự như tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn hàng hải, chia sẻ thông tin… để hướng lái dư luận khu vực đối với những hoạt động quân sự hoá, yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
Kết quả là, Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông ít nhất 4 loại máy bay không người lái, gồm BZK-005, S-100, ASN-209 và GJ-1. Đặc điểm và tính năng, nhận dạng của các loại UAV này có thể dựa vào các căn cứ như: Loại S-100 có kích thước dài 3,11 m, cao 1,11m, rộng 4,06m, có tầm bay xa 100-200km và có thể cát cánh từ các tàu hộ vệ tên lửa lớp 054/054A. Loại S-100 của các nước khác được sơn nhiều màu khác nhau, song loại của Trung Quốc phổ biến là màu trắng để tránh bị phát hiện trên không. Loại ASN-209 có kích thước dài 4,3m, rộng 5m và cáo 2,6m, có tầm bay xa 200km, cất cánh nhờ bệ phóng phản lực lắp rời và hạ cánh bằng dù, cho phép cất cánh ở mọi nơi có đủ không gian để đặt thiết bị phóng và có thể hạ cánh ở mọi địa điểm. ASN-209 biến chế trong hải quân Trung Quốc được sơn nhiều màu khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là màu trắng. ASN-209 được Trung Quốc triển khai ở quần đào Hoàng Sa và dự kiến có thể triển khai ở các đảo nhân tạo của Trung Quốc mới bồi đắp ở Trường Sa. Loại BZK-005 có kích thước dài 9,14m, rộng 16,76m, tầm bay xa 2.400km, cất cánh bằng bệ phóng, biên chế trong không quân Trung Quốc có màu xanh da trời, còn hải quân Trung Quốc có màu trắng và xám. BZK-005 hiện được phóng từ các bệ phóng trong đất liền thuộc đảo Hải Nam, song có thể hoạt
động dao trùm khắp Biển Đông. Loại GJ-1 có kích thước dài 9m, rộng 14 m, cao 2,8m, màu sơn xám, có tầm bay xa tối đa 4.000km nên có thể bao trùm toàn bộ Biển Đông, có thể cất cánh từ các căn cứ quân sự ở miền Nam Trung Quốc và bao trùm toàn bộ Biển Hoa Đông nếu cất cánh từ các căn cứ phía Đông của Trung Quốc.
0 comments