Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 18/01/2020

Saturday, January 18, 2020 3:51:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 18/01/2020

Biển Đông : Mỹ-Nhật-Hàn muốn đầu tư vào đảo Natuna

Minh Anh
Hãng tin Bloomberg ngày 17/01/2020 cho biết Mỹ, Nhật và Hàn Quốc rất muốn đầu tư vào quần đảo Natuna, vào lúc tổng thống Joko Widodo gia tăng nỗ lực bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển giầu nguồn tài nguyên ở Biển Đông.
Indonesia có thể xử lý các tranh chấp trên biển với Trung Quốc mà không cần tham chiến. Ông Luhut Pandjaitan, một cựu tướng lĩnh, hiện là bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư trước giới báo chí đã khẳng định như trên. Vị bộ trưởng này cho biết, cùng với Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã ngỏ lời muốn đầu tư vào ngành sản xuất và chế biến thủy hải sản tại đảo Natuna.
Ngoài đề nghị của ba nước trên, chính quyền Jakarta còn nhắm đến mở rộng hợp tác với nhiều công ty chế biến hải sản của Việt Nam. Theo một thông cáo công bố ngày 16/01/2020, ngoại trưởng Retno Marsudi trong tuần qua đã có cuộc gặp với nhiều lãnh đạo công ty Hai Nam Co., một công ty nhập khẩu hải sản ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngoại trưởng Indonesia chính thức đề nghị kế hoạch thành lập một liên doanh với các hãng của Indonesia tại nhiều khu vực, trong đó có cả quần đảo Natuna.
Hãng tin Mỹ quan ngại rằng việc chính quyền Jakarta nỗ lực mời gọi đầu tư nước ngoài vào quần đảo Natuna có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, sau vụ một loạt tầu cá Trung Quốc xâm nhập vào vùng biển Natuna, mà Indonesia tuyên bố là vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Bắc Kinh tuy thừa nhận không có tranh chấp lãnh thổ với Indonesia, nhưng lại có những yêu sách chủ quyền chồng lấn ở một số vùng lãnh hải tại Biển Đông.
Vẫn theo ông Luhut Pandjaitan, « chiến tranh là giải pháp sau cùng trong tiến trình đàm phán. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Jakarta cũng sẽ đàm phán về vấn đề chủ quyền và quyền lãnh thổ của mình ».

“Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước“

Ngày 14/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhận định về vấn đề Biển Đông cùng mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và với Mỹ.
Trả lời phỏng vấn báo chí về vấn đề Biển Đông, tại Nhà khách Chính phủ ngày 14/1, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: “Biển Đông là vấn đề quan tâm chung của tất cả các nước. Biển Đông là đường biển hết sức quan trọng về thông thương hàng hóa liên quan đến tất cả các nước, không phải chỉ các nước trong khu vực. Đương nhiên đối với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam thì vấn đề chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, chúng ta phải bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam; cũng như tất cả các nước cũng đều có nhiệm vụ như thế”.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh về việc tất cả các nước đều phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982: “Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phải phát huy vai trò của mình. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Ở Biển Đông cũng vậy. Nếu các nước tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982 và giải quyết các vấn đề thông qua biện pháp hòa bình thì sẽ đảm bảo được hòa bình. Nhưng nếu diễn ra các hoạt động vi phạm chủ quyền của các nước, đương nhiên là các nước ASEAN sẽ có một lập trường chung là phải đấu tranh, bảo vệ chủ quyền và yêu cầu phải tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN hiện nay cũng đang trong quá trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử với Trung Quốc, nhằm đảm bảo các mục tiêu và nguyên tắc như vậy”.
Về quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc và với Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quan hệ Việt Nam – Trung Quốc là quan hệ trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện; quan hệ Việt Nam – Mỹ là trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ của Việt Nam với các nước này đã có khuôn khổ và trong năm 2019 cũng diễn ra như vậy.
“Chúng ta vẫn tiếp tục duy trì quan hệ của Việt Nam với các nước này thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cấp. Cơ bản Việt Nam duy trì quan hệ ổn định; về kinh tế thương mại thì đây là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam; như tôi đã nói đều là tăng trưởng thương mại trong năm 2019 so với 2018,  đều là tăng nhiều phần trăm so với năm 2018. Những con số đó nói lên quan hệ của chúng ta vẫn tiếp tục được duy trì”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.