Tin Biển Đông – 17/01/2020
Hình ảnh mới nhất
Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma
Trong 7 bãi đá mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn.
Đầu tháng 1.2020, PV Thanh Niên theo tàu 561 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã ghi nhận việc xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ ngày 14.3.1988.
Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung Quốc.
Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía bắc.
Các công trình của Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27 m gồm 8 tầng, 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc nhà bố trí 2 radar hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.
Trên tầng 6 của tòa nhà có lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 được lắp 2 bệ pháo 30 mm (loại 7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm.
Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông bắc luôn có lính trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng khai hỏa.
Biển Đông : Trung Quốc tỏ hòa dịu,
trấn an Việt Nam và Indonesia
Thu Hằng
Ngày 16/01/2020, Trung Quốc liên tục thể hiện cử chỉ hòa hoãn, trấn an Việt Nam và Indonesia liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông và trong khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc đã điện đàm với đồng nhiệm Việt Nam ngày 16/01. « Tiếp tục củng cố niềm tin chính trị song phương » là điều được cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh. Ngoài ra, ông Tập Cận Bình hy vọng Hà Nội và Bắc Kinh « giải quyết các tranh chấp một cách thích hợp về lâu về dài ».
Tuy nhiên, giữa hai nước dường như vẫn thiếu tin tưởng lẫn nhau. Báo mạng Hồng Kông South China Morning Post nhắc lại những căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt việc tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ tháng 07 đến 09/2019.
Năm 2020 là một năm quan trọng đối với Trung Quốc và Việt Nam, một mặt, đánh dấu 70 năm thiết lập bang giao, mặt khác, Việt Nam giữ vai trò nước chủ tịch luân phiên của ASEAN. Trong hai kỳ họp thượng đỉnh ASEAN được tổ chức ở Việt Nam vào tháng 04-05 và tháng 10-11, Biển Đông có lẽ sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận gay gắt.
Trung Quốc thừa nhận xâm phạm vùng biển của Indonesia
Bắc Kinh cũng có thái độ hòa dịu hơn đối với Jakarta, khi thừa nhận tàu cá Trung Quốc xâm phạm vùng biển Natuna của Indonesia vào tháng 12/2019 và hứa « giải quyết tình hình một cách ổn thỏa ».
Trả lời báo giới tại Jakarta ngày 16/01 sau cuộc họp với bộ trưởng Điều phối Indonesia, đại sứ Trung Quốc Tiếu Thiên (Xiao Qian) giảm nhẹ tình hình khi cho rằng ngay cả giữa những nước láng giềng tốt của nhau còn xảy ra mâu thuẫn, và điều quan trọng là thảo luận vấn đề đó một cách thân thiện.
Indonesia đã phản ứng mạnh mẽ về việc tàu cá Trung Quốc xâm nhập lãnh hải. Trong lĩnh vực ngoại giao, chính quyền Jakarta gửi công hàm phản đối, khẳng định vùng biển Natuna không nằm trong vùng tranh chấp với Trung Quốc. Về quân sự, nhiều tàu chiến, máy bay chiến đấu được điều tới khu vực, buộc thuyền đánh cá Trung Quốc phải rút lui sau ba tuần hiện diện. Thậm chí, đầu tháng Giêng, tổng thống Joko Widodo đích thân đến thăm Natuna để khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền.
0 comments