Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 24/11/2019

Sunday, November 24, 2019 7:33:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 24/11/2019

Phó Tổng thống Mỹ đến Iraq để trấn an người Kurd

Phó Tổng thống Mike Pence đến thăm Iraq vào ngày thứ Bảy để trấn an người Kurd ở Iraq, sau khi quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi miền bắc Syria khơi ra những lời chỉ trích rằng Washington đã phản bội các đồng minh người Kurd ở đó.
Chuyến đi của ông bao gồm một chuyến thăm ông Nechirvan Barzani, tổng thống khu vực Kurdistan ở Iraq, và một cuộc điện đàm với Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi để bàn về tình hình bất ổn và những cuộc biểu tình phản đối tham nhũng gây rúng động ở nước này.
Chuyến thăm cũng được dùng để ủy lạo binh sĩ Mỹ trước kì nghỉ lễ Tạ Ơn vào thứ Năm tuần sau ở Mỹ.
Ông Pence đã dừng ở hai nơi trong chuyến đi ngắn của ông không được báo trước vì lí do an ninh.
Hàng trăm người đã bị sát hại kể từ đầu tháng 10 khi các cuộc biểu tình rầm rộ nổ ra ở Baghdad và miền nam Iraq. Người biểu tình muốn lật đổ tầng lớp chính trị mà họ coi là tham nhũng và o bế các thế lực nước ngoài trong khi bỏ mặc người dân Iraq chịu cảnh nghèo túng và điều kiện y tế kém cỏi.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Hai nói rằng Mỹ sẵn sàng áp đặt chế tài lên bất kì quan chức Iraq nào bị phát hiện tham nhũng cũng như những người chịu trách nhiệm gây tử vong hoặc làm bị thương những người biểu tình ôn hòa.
Ông Pence cho biết ông nhắc lại cam kết của Tổng thống Trump về một nước Iraq độc lập và có chủ quyền. “Chúng tôi tiếp tục lo ngại về ảnh hưởng tai hại của Iran ở khắp Iraq,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/pho-tong-thong-my-den-iraq-de-tran-an-nguoi-kurd/5178515.html

An ninh thế giới :

Mỹ khẳng định chống Trung Quốc bành trướng

Tú Anh
Từ Biển Đông cho đến châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ, quân đội Trung Quốc gia tăng sức mạnh, đe dọa tự do. Đông Nam Á phải phản ứng và yên tâm có Hoa Kỳ không khoanh tay thụ động. Trên đây là tuyên bố của Đô đốc Philip S. Davidson, chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương hôm thứ Bảy 23/11/2019 tại Diễn đàn An ninh Halifax, Canada.
Trang mạng của bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết trong tham luận đọc tại Diễn đàn An ninh Quốc tế tổ chức tại Halifax, Đô đốc Philip S.Davidson nhận định quyền tự do lưu thông là vấn đề sinh tử của thế giới, đặc biệt là ở Biển Đông, con đường huyết mạch vận chuyển hàng ngàn tỉ đôla hàng hóa mỗi năm. Con đường chiến lược này đang bị Trung Quốc lấn chiếm.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ cảnh báo về tình hình Biển Đông. Nhưng tư lệnh lực lượng hải lục không quân Mỹ ở toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đặc biệt chỉ ra những mưu toan của Bắc Kinh và kêu gọi Đông Nam Á cương quyết đối phó.
Ông Davidson tuyên bố: « Trung Quốc muốn ký một Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông và muốn hoạt động trong khu vực. Vậy thì, các nước ASEAN phải tranh đấu không để cho bộ luật này giới hạn quyền tự do hàng hải của mình và tự do tập trận ». Viên tướng 4 sao cam kết là quân đội Mỹ, với tư cách là bạn, là đồng minh, sẽ bảo vệ các quyền tự nhiên này của Đông Nam Á.
Phía Mỹ cũng sẽ gia tăng hoạt động trong khu vực, luân lưu lực lượng tại Singapore và tăng cường hỏa lực và vũ khí từ các căn cứ ở Nhật Bản.
Trung Quốc không chỉ mưu chiếm Biển Đông mà còn mở rộng hiện diện quân sự đến Nam Mỹ, Châu Âu và Châu Phi. Đó là nhận định thứ hai của đô đốc Philip S Davidson : « Trong 30 tháng qua, hoạt động hải quân Trung Quốc tăng gấp 30 lần so với 30 năm qua ».
« Tự do giao thông và trật tự quốc tế là những giá trị cần bảo vệ ». Tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương kết luận như vậy, và cho biết Hoa Kỳ đang tăng cường hệ thống chống tên lửa, phát triển vũ khí tấn công chính xác từ xa như là phương tiện răn đe Trung Quốc.
Cũng liên quan đến hồ sơ này, cố vấn an ninh tổng thống Mỹ cho biết tổng thống Donald Trump rất muốn ký với Trung Quốc phần một thỏa thuận thương mại để làm giảm xung khắc nhưng « không bỏ quên » Biển Đông và Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191124-an-ninh-the-gioi-my-khang-dinh-chong-trung-quoc-banh-truong

Cựu Ngoại trưởng Kissinger: Mỹ và Trung Quốc

đang ở ‘chân cuộc chiến tranh lạnh’

Các cựu quan chức hàng đầu của Mỹ đồng loạt đưa ra cảnh báo trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang.
Mỹ và Trung Quốc đang “ở dưới chân của một cuộc chiến tranh lạnh” – cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đưa ra nhận định ngày 21/11 tại một diễn đàn kinh tế toàn cầu ở Bắc Kinh. Đồng thời, ông kêu gọi cả hai bên nên thảo luận chính trị để hạn chế hậu quả từ bất kỳ cuộc xung đột tiềm năng nào.
Một cuộc xung đột như vậy, theo lời ông Kissinger, sẽ là thảm khốc, và thậm chí có thể còn tồi tệ hơn Thế chiến I, bởi cả hai nước hiện giờ, xét về quy mô, đều vượt quá Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh, và đang sở hữu những loại vũ khí hiện đại hơn rất nhiều.
“Chúng ta hiện giờ chưa có mức độ cạnh tranh như vậy, nhưng chúng ta cũng không có các cuộc đàm phán chính thức để giảm xung đột chính trị… Một cuộc thảo luận về các mục đích chung giữa chúng ta và một nỗ lực nhằm hạn chế tác động của xung đột, theo tôi, dường như là điều hết sức cần thiết” – cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.
“Vẫn chưa phải quá muộn để làm điều đó, bởi chúng ta mới chỉ ở chân của một cuộc chiến tranh lạnh” – ông cho biết thêm.
Trong phiên họp đặc biệt về quan hệ Mỹ-Trung tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg, Tiến sĩ Kissinger đưa ra cảnh báo về sự phân cực ngày càng gia tăng trong cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời chỉ ra rằng, quan điểm ở Washington đã thay đổi chóng mặt và trở nên “diều hâu” hơn kể từ 3 năm trước.
Tiến sĩ Kissinger, 96 tuổi, từng là Ngoại trưởng Mỹ, người đã giúp mở đường cho mối quan hệ hợp tác Trung-Mỹ vào đầu những năm 1970, khi ông bay tới Bắc Kinh với những nhiệm vụ ngoại giao bí mật.
“Theo quan điểm của tôi, điều đặc biệt quan trọng là làm sao để sau mỗi giai đoạn tương đối căng thẳng phải là những nỗ lực rõ ràng để tìm hiểu nguyên nhân chính trị là gì, và cam kết của cả hai bên để cố gắng vượt qua những điều đó” – ông nói.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm công nghệ và thương mại. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại chỉ là triệu chứng của một cuộc cạnh tranh chiến lược lớn hơn giữa hai cường quốc.
Tiến sĩ Kissinger lưu ý rằng, các cuộc đàm phán thương mại hiện đang “trở thành phương án thay thế” cho các cuộc thảo luận chính trị đặc biệt cần thiết.
Trong khi cả hai nước, trong những tuần gần đây, có dấu hiệu cho thấy họ có thể tiến gần đến thỏa thuận thương mại “giai đoạn một”, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/11 lại bất ngờ tuyên bố rằng, một thỏa thuận như vậy sẽ không được ký kết trước cuối năm nay, bởi Bắc Kinh đang có dấu hiệu trì hoãn.
“Nhưng tất cả đều biết rằng, những cuộc đàm phán thương mại, mà tôi hy vọng sẽ thành công, có thể chỉ là khởi đầu nhỏ cho một cuộc thảo luận chính trị, mà tôi hy vọng sẽ diễn ra trong những năm tới” – ông Kissinger nói.
Trong khi đó, cựu Đại diện thương mại Mỹ Charlene Barshefsky cho rằng, phản ứng của phương Tây trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu vẫn còn là “yếu ớt”.
“Phương Tây đang rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu hay tầm nhìn dài hạn, áp đặt thuế quan bảo hộ cản trở tăng trưởng, không đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước hoặc vào người dân, và sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc” – bà nói.
Đồng Chủ tịch diễn đàn Henry Paulson, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhấn mạnh rằng, cả hai nước đều đang đi sai hướng.
“Chúng ta đang khiến khác biệt trở nên lớn hơn, chứ không phải nhỏ đi – mặc dù cả Washington và Bắc Kinh đều có những ý định mang tính xây dựng khác nhau” – ông nói.
Ông Paulson cho biết thêm rằng, dù cho một số “sự phân tách chiến lược” trong các lĩnh vực nhạy cảm như công nghệ truyền thông và quản trị Internet là cần thiết, nhưng sự thiết lập hàng rào bảo vệ “để giữ cho sự cạnh tranh xung quanh các công nghệ nhạy cảm và phức tạp không vượt quá tầm kiểm soát” cũng không kém phần quan trọng.
“Những ảo tưởng về sự tách rời tổng thể và toàn diện sẽ khiến hai nước chúng ta và thế giới trở nên tồi tệ hơn” – ông Paulson kết luận.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31673-cuu-ngoai-truong-kissinger-my-va-trung-quoc-dang-o-chan-cuoc-chien-tranh-lanh.html

Tỷ phú Bloomberg chính thức ra tranh cử,

muốn ‘đánh bại’ TT Trump

“Tôi tranh cử tổng thống để đánh bại Donald Trump và tái xây dựng nước Mỹ”, cựu thị trưởng New York nói hôm 24/11, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn lời tỷ phú Bloomberg nói thêm: “Chúng ta không thể chịu thêm bốn năm với các hành động liều lĩnh và thiếu đạo đức của Tổng thống Trump”.
Reuters cho rằng việc ông Bloomberg chính thức ra tranh cử cho thấy sự thay đổi quan điểm của tỷ phú 77 tuổi, vì hồi tháng Ba ông nói rằng ông không sẽ ra tranh cử tổng thống.
XEM THÊM:
Tỷ phú Bloomberg định ra tranh cử tổng thống Mỹ năm tới
Theo hãng tin Anh, việc tranh cử của ông Bloomberg sẽ mang tới thêm thách thức đối với các ứng viên hàng đầu của phe Dân chủ, mà theo các cuộc thăm dò gồm ông Joe Biden, cựu phó tổng thống; ông Pete Buttigieg, cựu thị trưởng South Bend, Indiana và các thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders.
Là người giàu thứ tám ở Mỹ với tài sản ước tính hơn 53 tỷ đôla theo đánh giá của tạp chí Forbes, ông Bloomberg được cho là có lợi thế có thể tự chi trả cho chiến dịch của mình cũng như có thể đổ nhiều triệu đôla vào việc quảng bá và thuê nhân viên.
Theo Reuters, ông Bloomberg đã nộp giấy tờ tranh cử tổng thống lên Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ hôm 21/11.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%B7-ph%C3%BA-bloomberg-ch%C3%ADnh-th%E1%BB%A9c-ra-tranh-c%E1%BB%AD-mu%E1%BB%91n-%C4%91%C3%A1nh-b%E1%BA%A1i-tt-trump/5179064.html

Bộ trưởng Hải quân nói

 không dọa từ chức vì bất đồng với Trump

Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ ngày thứ Bảy nói rằng ông không đe dọa từ chức giữa lúc có bất đồng với Tổng thống Donald Trump về việc liệu một biệt kích SEAL của Hải quân bị kết tội về hành vi sai trái trên chiến trường có nên đối mặt với một hội đồng thẩm xét để loại anh ta ra khỏi lực lượng tinh nhuệ này hay không.
“Trái với những gì nhiều người nghĩ, tôi vẫn ở đây. Tôi không đe dọa từ chức,” ông Richard Spencer nói tại một hội nghị an ninh ở Halifax. Báo The New York Times trước đó trong ngày thứ Bảy đưa tin rằng ông Spencer đã đe dọa từ chức nếu ông Trump đảo lộn quá trình này.
Ông Spencer nói Trưởng Hoạt động Đặc biệt Edward Gallagher nên đối mặt với một hội đồng thẩm xét bao gồm những binh sĩ đồng ngũ bởi vì “quy trình này là quan trọng để duy trì trật tự và kỉ cương,” Reuters đưa tin hôm thứ Sáu.
Tuần trước, ông Trump đã can thiệp vào một vụ việc bằng cách ra lệnh cho Hải quân khôi phục cấp bậc và lương bổng của Gallagher, và mở đường cho anh ta nghỉ hưu với mức lương hưu đầy đủ.
Một bồi thẩm đoàn quân sự hồi tháng 7 đã kết tội Gallagher chụp ảnh trái phép với thi thể của một chiến binh Nhà nước Hồi giáo nhưng đã tha bổng cho anh ta tội giết người trong cái chết của tù nhân này. Gallagher cũng được xóa các cáo buộc nói anh ta cố tình bắn vào thường dân không vũ trang.
Mặc dù thoát án tù, anh ta bị hạ cấp bậc và hạ mức lương vì phán quyết kết tội, bắt nguồn từ một đợt điều động vào năm 2017 ở Iraq.
Nhưng Hải quân thông báo với Gallagher, 40 tuổi, hôm thứ Ba rằng một hội đồng gồm năm thành viên biệt kích Hải quân đồng ngũ sẽ triệu tập vào ngày 2 tháng 12 để thẩm xét trường hợp của anh ta và khuyến nghị liệu anh ta có đủ phẩm chất để tại ngũ hay không.
Hôm thứ Năm, Tổng thống Trump lên tiếng đả kích quá trình này, tuyên bố rằng vụ việc được xử lí “rất tệ ngay từ đầu.”
https://www.voatiengviet.com/a/bo-truong-hai-quan-noi-khong-doa-tu-chuc-vi-bat-dong-voi-trump/5178519.html

Giao thông dịp Lễ Tạ Ơn sẽ hỗn loạn

 vì mưa lớn ở miền nam và trung tây Hoa Kỳ

Hôm thứ Bảy (23/11/2019), dự báo thời tiết cho biết giao thông khu vực miền trung tây và miền nam sẽ phức tạp trong dịp Lễ Tạ Ơn vì có mưa to.
Cơn bão hoành hành vào thứ Ba tuàn tới sẽ là ngày mệt mỏi nhất với những người di chuyển trong dịp lễ, trải dài từ Chicago đến New Orleans ở phía nam.
Dự báo cho thấy Chicago có đến 90% khả năng có mưa trong ngày đó, Memphis có 70% khả năng mưa và New Orleans có 40% khả năng mưa. Lượng mưa tại Chicago có thể đạt đến 1.5 inches. Có khả năng mưa sẽ biến thành tuyết vào cuối ngày thứ Ba và đầu ngày thứ Tư. Đêm Lễ Tạ Ơn sẽ có mưa trên phần lớn toàn quốc.
Miền nam California thường có nắng cũng sẽ có mưa đến 1 inch vào thứ Tư. Cùng ngày hôm đó, lượng mưa khoảng 0.5 inch sẽ đổ xuống các thành phố lớn Hoa Kỳ như Dallas, Atlanta và Boston.
Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA) ước tính sẽ có hơn 55 triệu người Hoa Kỳ sẽ di chuyển 50 dặm hoặc hơn từ nhà bằng đường bộ hoặc đường hàng không trong dịp lễ. Đây là con số cao thứ hai kể từ khi AAA bắt đầu thống kê về lượng người di chuyển trong dịp Lễ Tạ Ơn từ năm 2000, đứng sau dữ kiện thống kê năm 2005. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/giao-thong-dip-le-ta-on-se-hon-loan-vi-mua-lon-o-mien-nam-va-trung-tay-hoa-ky/

Tổng thống Trump tuyên bố sẽ cho phép các tiểu bang

nhập cảng thuốc theo toa để giảm chi phí

Tin từ Washington, DC – Vào hôm thứ Sáu (22/11), Tổng thống Trump cho biết ông sẽ sớm đưa ra kế hoạch cho phép Florida và các tiểu bang khác nhập cảng thuốc theo toa để chống tình trạng giá thuốc cao, đồng thời chỉ trích Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo vì không thực hiện đủ trong một dự luật định giá thuốc.
Theo  Reuters, thông tin này tương tự như những bình luận mà tổng thống đưa ra vào ngày 15 tháng 11 tại một sự kiện ở Tòa Bạch Ốc với Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) Alex Azar, cùng các viên chức khác. Trong cuộc họp đó, Tổng thống  Trump cho biết ông sẽ làm việc với Thống đốc Ron DeSantis của tiểu bang Florida về kế hoạch mở rộng các quy tắc nhập cảng dược phẩm vào đất nước này.
Các công ty dược phẩm kiên quyết phản đối kế hoạch, được cân nhắc trong nhiều năm nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Chi phí thuốc theo toa của Hoa Kỳ là cao nhất ở các nước phát triển vì hầu hết các quốc gia khác đàm phán giá trực tiếp với các nhà sản xuất, trong khi các công ty dược phẩm được phép đặt giá riêng tại Hoa Kỳ.
Giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho người tiêu dùng Hoa Kỳ dự kiến sẽ là một vấn đề lớn trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-tuyen-bo-se-cho-phep-cac-tieu-bang-nhap-cang-thuoc-theo-toa-de-giam-chi-phi/

Lời chỉ trích của viên chức Canada

về phần mềm 737 MAX

chỉ phản ánh quan điểm ở “cấp sự vụ”

Tin từ Montreal/Washington – Một email được gửi ra bởi một viên chức của Bộ Giao thông  Canada kêu gọi Boeing gỡ bỏ một hệ thống chống thất tốc liên quan đến hai vụ tai nạn 737 MAX đã phản ánh “các cuộc thảo luận ở cấp sự vụ” và không được cơ quan quản lý của Canada xem xét.
Theo Reuters, tờ New York Times cho biết email này được gửi đến Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh Châu Âu (EASA) và Cơ quan Hàng không Dân dụng Quốc gia Brazil. Một nguồn tin trong cuộc xác nhận nội dung của email, nhưng Reuters vẫn chưa xem qua bản sao.
Hệ thống MCAS chống thất tốc có liên quan đến các vụ tai nạn của 737 MAX ở Indonesia và Ethiopia, với tổng số người thiệt mạng là 346. Máy bay MAX bị cấm bay từ tháng Ba. Hệ thống MCAS được thiết kế để chống lại hiệu ứng khi vận hành các động cơ mới, lớn hơn trên máy bay 737 MAX. Hệ thống này phải được đặt xa hơn về phía trước và cao hơn trên cánh, vì thiết kế   của 737 từ 50 năm nay là máy bay đậu thấp sát gần mặt đất.
Boeing đang nỗ lực để giành được sự chấp thuận theo quy định đối với các bản sửa lỗi được đề nghị cho MCAS và việc đào tạo phi công để 737 MAX có thể bay trở lại.
Một nguồn tin ẩn danh cao cấp trong ngành công nghiệp cho biết việc loại bỏ MCAS khỏi 737 MAX sẽ chỉ gây ra rủi ro “nhỏ”, nhưng hành động này sẽ không được chấp nhận theo các quy tắc nghiêm ngặt đang điều hành ngành hàng không. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/loi-chi-trich-cua-vien-chuc-canada-ve-phan-mem-737-max-chi-phan-anh-quan-diem-o-cap-su-vu/

Hàng ngàn người tụ tập

để tiếp tục biểu tình ở Colombia

Tin từ Bogota, Colombia – Vào hôm thứ Sáu (22/11), người dân Colombia tập trung cho các cuộc biểu tình tiếp diễn ở một số khu vực của thủ đô Bogota, sau khi cuộc diễn hành hàng loạt vào hôm thứ Năm kết thúc với ba trường hợp tử vong.
Trước đó vào hôm thứ Năm, hơn 250,000 người diễn hành để bày tỏ sự bất bình ngày càng gia tăng với chính phủ của Tổng thống Ivan Duque, bao gồm cả những cải cách kinh tế được đồn đại bị tổng thống phủ nhận , việc thụ động của chính phủ trong việc ngăn chặn tham nhũng và việc sát hại các nhà hoạt động nhân quyền.
Hàng ngàn người tập trung vào chiều hôm thứ Sáu tại Bogota, Bolivar Plaza, sau khi cựu ứng cử viên tổng thống cánh tả Gustavo Petro và những người khác kêu gọi một cuộc biểu tình khác sau một cuộc “biểu tình cacerolazo” tự phát.
Đám đông, bao gồm người cao tuổi và các gia đình, bị giải tán đột ngột bởi cảnh sát bắn hơi cay, khiến người biểu tình chạy lên những con đường dốc, hẹp của quận. Một số người biểu tình tập hợp lại tại các ngã tư gần đó và tiếp tục hô to khẩu hiệu. Trong khi đó, thị trưởng thành phố Bogota, người từng cấm bán rượu trước đó, cho biết sẽ có lệnh giới nghiêm tại các khu phố Bosa, Kennedy và Ciudad Bolivar từ 8 giờ tối.
Các cuộc biểu tình này diễn ra đồng loạt với các cuộc biểu tình ở các quốc gia châu Mỹ Latinh khác, bao gồm các cuộc diễn hành chống thắt lưng buộc bụng ở Chile, các cuộc biểu tình về gian lận bầu cử ở Bolivia khiến Tổng thống Evo Morales phải từ chức, đồng thời làm gia tăng căng thẳng ở Ecuador và Nicaragua. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hang-ngan-nguoi-tu-tap-de-tiep-tuc-bieu-tinh-o-colombia/

Quốc Hội Bolivia nhất trí cho bầu cử lại,

không có Morales

Thụy My
Bolivia đang dần ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề từ hơn một tháng qua. Hôm qua 23/11/2019, Quốc Hội nước này đã nhất trí thông qua một dự luật cho phép tổ chức các cuộc bầu cử mới, sẽ giúp cải thiện rõ rệt tình hình.
Từ La Paz, thông tín viên Alice Campaignolle cho biết thêm chi tiết :
« Chế độ đặc biệt và chuyển tiếp để thực hiện tổng tuyển cử » : đó là tên của dự luật vừa được lưỡng viện Quốc Hội Bolivia thông qua hôm qua. Dự luật được nhất trí ủng hộ, tất cả các đại biểu dù theo khuynh hướng chính trị nào đều bỏ phiếu cho văn bản sẽ giúp ra khỏi khủng hoảng.
Luật này chủ yếu quy định việc bổ nhiệm các thành viên ủy ban bầu cử và tổ chức các cuộc tuyển cử mới mà không có ông Evo Morales, vì quay lại với phiên bản ban đầu của Hiến Pháp, theo đó một ứng cử viên không thể tái tranh cử sau hai nhiệm kỳ liên tiếp. Tuy nhiên đảng MAS của cựu tổng thống, vốn rất được lòng dân, vẫn có thể giới thiệu các ứng cử viên khác.
Việc thông qua dự luật là thắng lợi chính trị cho một đất nước đã phải trải qua một trong những cuộc xung đột tệ hại nhất trong lịch sử đương đại của nước này.
Bầu cử diễn ra đã hơn một tháng, kéo theo những bế tắc, phản đối và những cuộc biểu tình mà trong những tuần lễ gần đây đã bị đàn áp đẫm máu. Giờ đây còn cần phải biết khi nào cuộc bầu cử mới sẽ được tổ chức.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191124-quoc-hoi-bolivia-nhat-tri-cho-bau-cu-lai-khong-co-morales

Pháp : Tuần hành chống nạn bạo hành phụ nữ

Thu Hằng
Tại Pháp, trong bối cảnh hội nghị Grenelle về bạo lực trong gia đình đang diễn ra, khoảng 150.000 người đã tuần hành hôm 23/11/2019 ở Paris và nhiều thành phố khác để lên án tình trạng vợ bị chồng sát hại, cũng như tình trạng bạo lực đối với phụ nữ.
Phóng sự của nhà báo RFI Anna Piekarec tại Paris :
« Cả một biển người mang sắc tím tràn ngập đường phố Paris. Mầu tím, biểu tượng của cuộc đấu tranh nữ quyền, nổi bật trên những tấm biểu ngữ, trên những chiếc khăn của phụ nữ và cà vạt của nam giới. Hòa nhịp theo tiếng nhạc và những tiếng hô vang của đám đông, đoàn người tiến lên phía trước. Trong đoàn tuần hành, có rất nhiều thanh niên tham gia.
Paul đến cùng với hai người bạn, cho biết : « Với chúng tôi, có mặt ở đây là điều rất quan trọng, vì giải pháp thì có – chúng ta đều biết vấn nạn này từ lâu vì đây không phải là hiện tượng mới xuất hiện – nhưng người ta lại có cảm giác chính phủ đang tìm cách kéo dài thời gian, thay vì hành động chống tình trạng bạo lực nhắm vào phụ nữ, chính phủ chỉ nói về khăn choàng Hồi giáo và nhập cư ».
Clara cũng trông đợi những biện pháp cụ thể : « Việc có nhiều người xuống đường tuần hành là nhằm để thúc bách chính phủ ý thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Chúng ta đang ở trong một thời điểm quan trọng, trong đó có cuộc tham vấn Grenelle, nên chúng tôi hy vọng sẽ có những biện pháp cụ thể sau đợt này ».
Anh Bastien, thì lại suy ngẫm về nguyên nhân của tình trạng bạo lực nhắm vào phụ nữ. Anh nói : « Điều khiến tôi bận tậm là chúng ta sống trong một xã hội gia trưởng, nên rất khó cho người phụ nữ, bị bạo hành khi thưa kiện. Vì thế, tình trạng này vẫn tồn tại ».
Tại Pháp, cứ hai ngày lại có một phụ nữ chết dưới bàn tay của chồng, bạn đời hoặc chồng cũ. Hàng năm, có đến 250.000 phụ nữ trở thành nạn nhân tình trạng bạo lực của đàn ông ».
http://vi.rfi.fr/phap/20191124-phap-tuan-hanh-chong-nan-bao-hanh-phu-nu

Công an Stasi theo dõi dân

nhưng không bảo vệ được chế độ

Nhân dịp 30 năm Tường Berlin sụp đổ (11/1989-2019) dẫn tới việc thống nhất hai nước Đức trong năm 1990, vai trò của công an mật Stasi ở Đông Đức đang được đánh giá lại.
Nổi tiếng là cơ quan quản lý mạng lưới theo dõi toàn dân, đến từng hộ gia đình của 16 triệu người Đông Đức, Stasi để lại hàng triệu tập hồ sơ.
Tài liệu sau này được đưa vào viện lưu trữ và mở cho công chúng xem cũng làm bộc lộ các hoạt động đa dạng của Stasi.
Stasi (Staatssicherheit – Bộ An ninh Quốc gia) nổi tiếng với mạng lưới chỉ điểm “trong lòng nhân dân”.
Theo đài Deutsche Welle của Đức, chừng 189 nghìn người, đa số là công dân Đông Đức, đã làm chỉ điểm cho Stasi vào thời điểm Tường Berlin đổ.
Ngoài dân Đông Đức, còn có chừng 12 nghìn công dân Tây Đức cũng làm mật thám, chỉ điểm cho Stasi.
Nhưng số liệu từ cơ quan chính quyền Thuringia được sử gia Helmut Mueller-Enberg soạn ra, trên cơ sở chính các tài liệu Stasi để lại, cho thấy con số khổng lồ những ai đã từng cộng tác với Stasi trong 51 năm chế độ CH Dân chủ Đức tồn tại.
Đó là khoảng 620 nghìn người.
Bộ ba những nhà lãnh đạo khai tử Liên Xô
Bức tường Berlin: Cựu Tổng bí thư Đông Đức oán Gorbachev
Những nhà đấu tranh đã lật đổ chính quyền Đông Đức
Việc quản lý, điều hành con số đó khiến Stasi “trở thành một ngành kinh tế đặc thù”, với ngân sách khổng lồ mà chế độ Đông Đức phải gánh chịu.
Điều gây ngạc nhiên là dù có mạng lưới tình báo viên, chỉ điểm viên đông đảo như vậy (1/20 dân Đông Đức từng tình nguyện hoặc bị cưỡng bức, ép buộc làm cộng tác viên với Stasi), bộ máy an ninh này đã không bảo vệ được chế độ.
Các đánh giá về sau này gợi ý một cách giải thích khác, cho rằng chính quyền Đông Đức đã giao quá nhiều việc cho công an Stasi nên bộ máy này cuối cùng trở thành vô dụng.
Trong bài viết ‘The Stasi and East German Society -Some remarks on current research’ Jens Gieseke tổng hợp lại các nghiên cứu của nhiều tác giả về hoạt động của Stasi qua nhiều thời kỳ.
Giai đoạn Stanilist, khi thù địch Đông-Tây lên cao, đúng là Stasi đóng vai trò quan trọng trong việc đàn áp người dân và đối lập.
Nhưng sau đó, có thể nói đa số người dân Đông Đức không rơi vào mô hình đối kháng: nhà nước và kẻ thù của chế độ.
Trên thực tế, con số đông đảo người dân chấp nhận tuân phục, theo một thói quen đã có trong văn hóa Đức, Untertänigkeit (submissiveness).
Ngoài một số nhóm mục sư Tin Lành, trí thức, đa số người dân Đông Đức không chống chính quyền.
Tuy thế, nếu có cơ hội thì họ vẫn trốn sang Tây Đức, tìm đến cuộc sống hấp dẫn hơn.
1. Nhiệm vụ hàng đầu là canh dân
Vì thế, từ thập niên 1970 trở đi, đảng cộng sản Đông Đức giao cho Stasi nhiệm vụ chính: ngăn cản người vượt biên.
Công tác này chiếm phần lớn hoạt động của Stasi: theo dõi người có liên hệ với thân nhân, bạn bè phía Tây, đánh giá ý định vượt biên, giám sát hoạt động tổ chức trốn sang Tây Berlin hoặc Tây Đức.
Trong nhiều trường hợp, nạn nhân dân sự – chỉ muốn vượt biên – được Stasi nâng cấp thành kẻ thù chính trị: muốn đi vì “phản động”.
Vẫn theo Jens Gieseke, tới 80% các vụ bắt người Stasi thực hiện là để chặn những ai tìm cách vượt biên.
Con số còn lại, 20% là bị bắt vì có hoạt động đối lập chống chính quyền, hoặc thực ra chỉ là có lời nói, hành vi bị cho là “chống nhà nước (staatsfeindliche Hetze - subversive agitation).
Các hoạt động xây dựng nhóm phản kháng (Gruppenbildung - building of groups) hay làm gián điệp cho nước khác, chỉ chiếm con số rất nhỏ bé.
2. Nhiệm vụ thứ hai: công an chỉ đạo kinh tế
Nhiệm vụ thứ hai đảng cộng sản giao cho Stasi là giám sát kinh tế, từ việc đảm bảo công nhân viên chức hoàn thành các kế hoạch kinh tế, tới chống kẻ thù phá hoại kinh tế.
Một phần của công tác này là theo dõi lòng dân, phản ứng của họ trước các vấn đề về hàng hóa, giá cả.
Đây là công việc hoàn toàn vô dụng, thậm chí phản tác dụng, cho Stasi, theo Jens Gieseke.
Các vấn đề của nền kinh tế Đông Đức, vốn được bao cấp toàn diện, là căn bệnh chung của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Can thiệp của công an mật Stasi chẳng đem lại hiệu quả gì hết, thậm chí còn chỉ làm các doanh nghiệp nhà nước bực mình.
Kết luận của các nghiên cứu sau này tại Đức viết rõ:
Sự can thiệp của Bộ Công an vào lĩnh vực kinh tế Đông Đức hoàn toàn là phi lý, theo tiêu chuẩn kinh tế, vì nó chỉ khiến cách điều hành trở nên pha trộn của sự áp đặt từ trên xuống, chỉ đào tùy hứng vào các vùng xám, ít phân vai rõ trong doanh nghiệp, và còn làm yếu đi năng lực sáng tạo công nghệ, nhất là qua cách can thiệp chống lại các kỹ sư và quản trị viên của nhà nước chỉ vì họ có hệ với Phương Tây, hoặc bị cho là lệch lạc tư tưởng hay có hành vi cá nhân sai.
Các tài liệu cũng nói “nhiều khi chính các nhà máy công xưởng tìm cách chống lại sự can thiệp của công an, nhưng thường bị thua”.
3. Nhiệm vụ cao cả: chống ảnh hưởng của Phương Tây
Nhiệm vụ quan trọng thứ ba của Stasi là hạn chế ảnh hưởng của văn hóa tư bản, và kiểm soát hành vi, suy nghĩ của người dân Đông Đức.
Ban đầu, Stasi chỉ kiểm soát hành vi của người dân, nhưng với hiệu quả thực ra không cao.
Ví dụ ở làng Dabel, nơi trong thập niên 1960 liên tục xuất hiện các câu chửi chế độ bằng sơn trên tường, trên cả nhà của công an xã.
Dù có tới 47 chỉ điểm viên trong làng, Stasi mất nhiều năm điều tra mà chưa bao giờ bắt được thủ phạm vẽ sơn.
Nghiên cứu của Jan Palmowski cho thấy trong làng Dabel thời đó người dân chia sẻ tình bằng hữu bền chặt, với cả quan chức đảng cộng sản trong làng, nhưng rất ghét công an Stasi mặc áo da đen, đi xe to “nhúng mũi” vào vùng quê của họ.
Tính hiệu quả của các chỉ điểm viên cũng là một câu hỏi lớn.
Có thể nói người Đông Đức, gồm không ít chỉ điểm viên, đã chấp nhận thực tại, “sống với lũ” và “chơi lại” Stasi bằng cách kể ra những câu chuyện vừa ý công an nhưng chẳng có ý nghĩa gì.
Egon Krenz, tổng bí thư cuối cùng của Đông Đức (Đảng XHCN Thống nhất Đức – SED), khi trả lời báo chí hồi 2009, đã ra phán quyết về Stasi rằng “người Đông Đức hồi đó chẳng coi Stasi là thứ gì quá quan trọng như người ta kể lại sau này”.
Không chỉ theo dõi dân, Stasi còn lấn tới, theo dõi và giám sát cả chính các quan chức chính quyền, quân đội và đảng cộng sản.
Việc này dần hủy diệt sự đa dạng về quan điểm, làm suy yếu chế độ, gây nghị kỵ, phá vỡ sự đoàn kết nội bộ.
Quyền theo dõi lén các lãnh đạo đem lại quyền lực ngầm cho quan chức công an.
Bộ trưởng Công an Đông Đức Erich Mielke ngay từ 1971 đã lập hồ sơ mật về Tổng Bí thư (TBT) Erich Honecker.
Theo báo ‘Bild am Sonntag’, ông Mielke giữ hồ sơ này trong một cặp da đỏ, gồm cả tài liệu cho rằng năm 1939, ông Honecker hồi trẻ đã có lúc bác bỏ chủ nghĩa cộng sản và định theo Hitler.
Mielke muốn dùng hồ sơ này để kiểm soát Honecker và đảm bảo cho mình “quyền lực ngầm suốt đời”.
Vào những ngày cuối của Đông Đức, khi khủng hoảng vượt biên xảy ra, thay vì bảo vệ lãnh tụ, thủ lĩnh Stasi đã hạ bệ người đứng đầu đảng.
Erich Mielke đã ép Honecker từ chức trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 17/10/1989, theo tờ ‘Bild am Sonntag’.
Người lên thay, TBT Egon Krenz, ngay lập tức đã sa thải ông Mielke vào ngày 07/11.
Hai ngày sau, các sĩ quan và nhân viên Stasi được lệnh “ngồi yên” trong đơn vị không làm gì để ngăn cản việc kéo đổ tường Berlin.
Lệnh này có thể đã tránh được khả năng Stasi làm đảo chính để chiếm quyền, theo một kế hoạch mật của Stasi từ 1986.
Kế hoạch 0008-6/86 đã chuẩn bị 2500 sĩ quan đặc nhiệm (OffiziereimbesonderenEinsatz) sẵn sàng tiếm quyền.
Ngay trong tháng 11/1989, Ban lãnh đạo Đông Đức đổi tên Stasi thành AfNS (AmtfürNationaleSicherheit - Văn phòng An ninh Nhà nước).
Sang tháng 12 cùng năm, thủ tướng Đông Đức Hans Modrow ký lệnh giải thể cơ quan tai tiếng này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50518116

Nga – Mỹ – Trung và cuộc cạnh tranh dưới lòng biển sâu

Sau Chiến tranh Lạnh, lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã trở thành bá chủ dưới lòng đại dương. Trong khi đó, những chiếc tàu ngầm của Nga và Trung Quốc đang bắt đầu có bước chuyển mình, tham gia cuộc chạy đua với Mỹ.
Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ đang là bá chủ dưới lòng biển sâu
Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ hay còn được gọi là “con dao Thụy Sĩ” được phát triển để thay thế tàu ngầm lớp Seawolf. Chiếc tàu này có đặc tính xuất sắc, nhưng lại cực kỳ đắt. Tàu ngầm lớp Virginia đã hoạt động hết sức hiệu quả và trở thành trụ cột trong lực lượng tàu ngầm của Hải quân Mỹ. Tàu có chiều dài 115m, lượng giãn nước 8.000 tấn. Thủy thủ đoàn của tàu lớp Virginia gồm 113 người.
Tàu Virginia sử dụng lò phản ứng hạt nhân General Electric S9G. Tàu có tốc độ di chuyển khi nổi là 25 hải lý/giờ và 35 hải lý/giờ khi lặn. Với tốc độ 25 hải lý/giờ, tàu Virginia không gây tiếng ồn. Hệ thống sonar chính của Virginia có hình cầu và được triển khai ở mũi tàu. Tuy nhiên, bắt đầu từ series Block III, hệ thống sonar BQQ-10 được thay bằng hệ thống sonar cỡ lớn, cũng được triển khai ở mũi tàu. Mạng lưới anten bên phải và trái tàu đặc biệt thích hợp để phát hiện tàu ngầm điện-diesel của đối phương. Việc tìm kiếm và phát hiện mục tiêu ở phía sau đuôi tàu được giao cho mạng lưới anten TV-29(A). Cuối cùng, một mảng sonar tần số cao gắn trên nóc và mũi tàu cho phép tàu ngầm lớp Virginia phát hiện và tránh thủy lôi.
Tàu ngầm lớp Virginia có tất cả 4 ống phóng ngư lôi 533mm, đảm bảo có thể phóng ngư lôi tự tìm mục tiêu hạng nặng Mk.48 (ADCAP) để chống lại tàu nổi và tàu ngầm. Ngoài ra, tàu ngầm lớp Virginia cũng sở hữu tên lửa chống tàu UGM-84 Sub-Harpoon. Các phiên bản trước đây của tàu lớp Virginia có thể sử dụng 12 tên lửa Tomahawk, được đặt trong các ống phóng thẳng đứng, nhưng trong series Block III, tàu được trang bị 2 cụm ống phóng module với cùng số lượng tên lửa mang theo như trên. Và từ phiên bản Block V, tàu Virginia sẽ tăng số lượng ống phóng lên, khi đó mỗi tàu sẽ có thể mang được khoảng 40 quả tên lửa Tomahawk trên boong.
Mới đây nhất, Hải quân Mỹ đã hạ thủy tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Indiana (SSN 789) thuộc lớp Virginia. Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Indiana do Nhà máy đóng tàu Newport News của tập đoàn Huntington Ingalls Industries chế tạo. Với việc sở hữu vật liệu chế tạo đặc biệt, thiết kế khí động học độc đáo kết hợp với động cơ phản lực nước giúp tàu ngầm Virginia hoạt động êm hơn tất cả các đối thủ của chúng. Siêu tàu ngầm này có thể tàng hình trước các sonar phát hiện của đối phương, lặng lẽ tiến tới và hủy diệt đối phương. Được biết đây là chiếc tàu ngầm lớp Virginia thứ 16 được chế tạo như một phần của thỏa thuận hợp tác với công ty General Dynamics Electric Boat và là chiếc thứ 8 do nhà máy đóng tàu Newport News bàn giao.
Tàu ngầm USS Indiana được trang bị 12 ống phóng tên lửa thẳng đứng và 4 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm. Con tàu có chiều dài tới 114 mét, lượng giãn nước khi lặn là 7.300 tấn, nhỏ hơn so với tàu ngầm tấn công Seawolf. Nó có khả năng mang theo thủy thủ đoàn 120 binh sĩ và 14 sĩ quan. Chiếc tàu ngầm này có thể di chuyển dưới với tốc độ hơn 25 knot dưới nước trong nhiều tháng. Để chế tạo ra tàu ngầm này gần 4.000 nhà máy đóng tàu đã tham gia vào quá trình chế tạo. Hoạt động chế tạo tàu ngầm tấn công USS Indiana bắt đầu vào tháng 9/2012. Được biết, tàu ngầm USS Indiana (SSN 789) đã hoàn thành các đợt thử nghiệm trên biển vào tháng 5/2018. Dự kiến, tàu ngầm USS Indiana lớp Virginia mới nhất này sẽ được biên chế trong Hải quân Mỹ vào cuối năm nay. Hải quân Mỹ dự định sẽ chế tạo tổng cộng 48
tàu ngầm loại này, hiện nay đã có 12 chiếc hoàn thành và đi vào hoạt động, 5 chiếc khác đang trong quá trình thi công. USS North Carolina là chiếc thứ tư, thuộc Block I – thế hệ đầu tiên của lớp.
Theo nhận định của Andrei Frolov, Tổng biên tập tạp chí Arms Export (Nga), với 2 chiếc tàu ngầm Virginia hoàn thiện mỗi năm, Mỹ sẽ có nhiều tàu ngầm tấn công hạt nhân hơn Nga vào năm 2020. Theo các chuyên gia quân sự thế giới, ngày nay với nền khoa học hàng hải phát triển, sức mạnh tàu ngầm hạt nhân không nằm ở độ to lớn hay số vũ khí khủng khiếp nó mang theo, mà là nằm ở độ hoạt động có tính yên lặng dưới lòng biển sâu, để tránh bị đối phương phát hiện và tiêu diệt. Và tàu ngầm mới này của Mỹ chắc chắn sẽ là vũ khí cực nguy hiểm bởi vì tính yên lặng của nó khó có thể bị phát hiện.
Tàu ngầm lớp Yasen của Nga
Phòng thiết kế Malakhit – một trong ba phòng thiết kế tàu ngầm chính của Liên Xô đã lên kế hoạch phát triển tàu ngầm lớp Yasen vào đầu những năm 1980. Chiếc tàu ngầm đầu tiên của lớp này mang tên Severodvinsk được đóng vào năm 1993 tại Xưởng đóng tàu Sevmash, nhưng do thiếu kinh phí nên đến hơn 10 năm sau con tàu này mới được hoàn thành. Tàu ngầm Severodvinsk chính thức được hạ thủy vào năm 2010 và đến năm 2013 được đưa vào trang bị của lực lượng tàu ngầm Nga.
Tàu ngầm lớp Yasen của Nga có chiều dài 120m, lượng giãn nước 13.800 tấn. Thủy thủ đoàn gồm có 90 người, ít hơn nhiều so với số lượng thủy thủ trên tàu ngầm Mỹ. Điều này cho thấy mức độ tự động hóa của tàu ngầm Nga cao hơn. Nhìn từ bên ngoài, tàu ngầm lớp Yasen giống với tàu ngầm thế hệ trước lớp Akula nhưng khoang chiến đấu lại nằm sát gần mũi tàu hơn. Ngoài ra, trên tàu ngầm lớp Yasen còn có chỗ để triển khai các ống phóng thẳng đứng. Theo tài liệu Combat Fleets of the World của Viện Hải quân Mỹ, tàu ngầm Severodvinsk được trang bị lò phản ứng hạt nhân OK-650KPM với công suất 200 megawatt. Lò phản ứng này đảm bảo cho tàu ngầm Severodvinsk có thể đạt tốc độ lên đến 16 hải lý/ giờ khi nổi và 31 hải lý/giờ khi lặn. Theo các nguồn tin khác, tốc độ của tàu ngầm Severodvinsk lớn hơn một chút, lên đến 35 hải lý/ giờ, và nó có thể di chuyển không tiếng ồn dưới lòng đại dương với tốc độ 20 hải lý/ giờ.
Tàu ngầm Severodvinsk có hệ thống sonar mảng pha đa chức năng Irtysh-Amfora, với một mạng lưới anten hình cầu phía trước, một mảng anten gắn ở thân tàu và một mảng anten kéo để phát hiện mục tiêu phía sau. Trên tàu ngầm này còn được lắp đặt radar MRK-50 Albatross để dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu mặt nước. Ngoài ra, tàu ngầm này cũng có một thiết bị gây nhiễu điện tử Rim Hat.
Vũ khí của tàu ngầm lớp Yasen bao gồm 4 ống ngư lôi tiêu chuẩn có đường kính 10.533mm và 4 ống phóng ngư lôi với đường kính 650mm. Chúng có thể chứa các ngư lôi tự tìm mục tiêu và tên lửa 3M54 Kalibr ở các phiên bản chống tàu, mặt đất và chống ngầm. Các tàu ngầm lớp Yasen đều được trang bị 24 ống phóng tên lửa thẳng đứng sau tháp chỉ huy, mỗi ống có khả năng mang theo các tên lửa chống tàu siêu thanh P-800 Onyx.
Tàu ngầm Type 094 lớp Tấn của Trung Quốc
Trung Quốc đang vận hành 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo (SSBN), 6 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) và 50 tàu ngầm thông thường. Trong số các SSBN có tàu ngầm lớp Hạ (Type 092) – tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và mang tên lửa hạt nhân đầu tiên được thiết kế và đóng ở châu Á – với độ choán nước 6.500 tấn, được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang theo 12 tên lửa đạn đạo JL-1. Bên cạnh đó là 4 – 5 chiếc lớp Tấn (Type 094) dài 135 m, độ choán nước 11.000 tấn, mỗi chiếc mang 12 tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 có tầm bắn đến 7.200 km. Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân đến 1 megaton (1.000 kiloton). Trong năm tới, Trung Quốc dự kiến tiếp tục nâng cấp tàu ngầm lớp Thương và đóng tàu ngầm Type 096 nhằm trang bị tên lửa JL-3 đang được thử nghiệm, có tầm bắn lên đến 11.900 km và có thể vươn đến mọi mục tiêu tại Mỹ. Theo báo cáo đưa ra vào tháng 8 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cảnh báo rằng Bắc Kinh có sức mạnh răn đe hạt nhân nhờ chạy đua công nghệ tàu ngầm hạt nhân trong nhiều thập niên.
So tài cao thấp
Hiện cuộc so tài về lực lượng tàu ngầm chủ yếu diễn ra giữa Mỹ và Nga. Theo đánh giá của giới chuyên gia, cả hai tàu ngầm Virginia và Severodvinsk đều trở thành đỉnh cao về ý tưởng kỹ thuật và công nghệ phát triển tàu ngầm của Nga và Mỹ. Tàu Severodvinsk lớp Yasen của Nga có thể di chuyển chậm hơn, nhưng lại có thể lặn sâu hơn.Tàu lớp Virginia của Mỹ có thể di chuyển nhanh hơn nhưng theo thông tin từ tài liệu Combat Fleets of the World, vỏ tàu chỉ mới được thử nghiệm ở độ sâu 488m. Tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ di chuyển ít tiếng ồn hơn tàu ngầm Nga, và nó có hệ thống sonar tốt hơn. Trong cuộc chiến dưới nước, đây là một sự kết hợp chưa từng có. Tuy nhiên, tàu ngầm Severodvinsk của Nga, mang theo tên lửa chống tàu, có khả năng phản ứng nhanh hơn với các mục tiêu đột nhiên xuất hiện. Trong tương lai gần, tính hiệu quả của hệ thống sonar trên tàu ngầm lớp Virginia sẽ tăng lên do cập nhật chương trình thường xuyên. Tàu Severodvinsk không có khả năng cập nhập hệ thống sonar. Ngoài ra, các biện pháp để giảm tiếng ồn của tàu này sẽ không được thực hiện dễ dàng. Nhìn chung, lợi thế có vẻ vẫn nghiêng về tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ.
http://biendong.net/bien-dong/31675-nga-my-trung-va-cuoc-canh-tranh-duoi-long-bien-sau.html

Nga : Tổng thống Putin kêu gọi

 ý thức trách nhiệm nơi đảng cầm quyền

Tú Anh
Đảng Nước Nga Thống Nhất tổ chức đại hội lần thứ 19 tại Matxcơva trong ngày thứ Bảy 23/11/2019 với sự hiện diện của thủ tướng kiêm chủ tịch đảng Dmitri Medvedev, và tổng thống sáng lập viên Vladimir Putin.
Được thành lập vào năm 2001, đảng cầm quyền mất dần uy tín qua thăm dò và qua các cuộc bầu cử. Trong diễn văn, tổng thống Nga kêu gọi toàn thể cán bộ – tỉnh trưởng, thống đốc, dân biểu – phải biết nhận trách nhiệm khi có sai trái. Từ Matxcơva, thông tín viên Etienne Bouche tường thuật :
Cho dù đắc cử với tỉ lệ cao vào năm 2018, Vladimir Putin biết rằng những dân biểu ủng hộ ông không được lòng dân. Bị xem là những lãnh đạo chỉ cố bám quyền, các đại biểu trong đảng Nước Nga Thống Nhất biến thành mục tiêu để dân chúng trút nỗi bất bình. Trong bối cảnh kinh tế u ám, lòng bất mãn của người dân càng tăng. Tổng thống Nga đặc biệt lưu ý là các dân biểu phải gây được niềm tin.
Ông nói : « Đối với đảng, điều quan trọng hơn hết là phải đứng bên cạnh người dân, phải biết rõ người dân chờ đợi gì, nhu cầu của họ, vấn đề của họ, và phải đáp ứng không chậm trễ. Tôi yêu cầu quý vị tập trung thực hiện các mục tiêu mà các đề án toàn quốc đã đặt ra, để người dân thấy được cuộc sống của họ có cải tiến cụ thể ».
Thông điệp này cũng nhắm vào dân Nga và dựa vào một biểu tượng truyền thống trong văn hóa dân gian : Nga hoàng không có trách nhiệm về căn bệnh chểnh mảng của công chức. Phân định như thế cho phép chủ nhân điện Kremlin duy trì được chỉ số uy tín trong công luận.
Ám chỉ các đại biểu bê bối, ông nói tiếp : « Thủ lĩnh là người biết làm gương, biết huy động người chung quanh theo mình và do vậy phải gương mẫu hơn những người khác. Vai trò của đảng cầm quyền không phải là lãnh đạo mà là phục vụ người dân Nga ».
Trong các cuộc bầu cử trước đây, một số cán bộ đảng đã chọn ra tranh cử trong tư thế độc lập. Thủ tướng Dmitri Medvedev đã nghiêm khắc cảnh cáo những người này.
Mục tiêu của đại hội đang diễn ra là để chuẩn bị cho đảng ra tranh cử Quốc Hội 2021.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191124-nga-tong-thong-putin-keu-goi-dang-cam-quyen-y-thuc-trach-nhiem

Iran dọa trừng phạt nặng người biểu tình bạo động

Tú Anh
Bốn ngày sau khi đàn áp phong trào chống tăng giá xăng, chính quyền Hồi giáo Iran hôm nay 24/11/2019 tái lập phần nào mạng thông tin điện tử, và đe dọa trừng phạt nặng những người biểu tình đốt phá ngân hàng, sở cảnh sát và siêu thị.
Từ Teheran, thông tín viên Siavos Ghazi tường thuật :
Chính phủ đã tái lập internet ở Teheran và các thành phố lớn. Đây chỉ là mạng nội địa, những website và proxy vẫn chưa thể tiếp cận.
Ở các thành phố nhỏ, Internet vẫn bị đóng từ một tuần qua. Theo hãng tin nhà nước Isna, trích một viên chức bộ Viễn Thông, Internet và điện thoại di động sẽ được tái lập kể từ Chủ nhật này. Đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền đã kiểm soát được tình hình.
Một số viên chức của an ninh mạng de dọa là những ai kêu gọi tham gia gây rối sẽ bị nhận diện và trừng phạt. Phát ngôn viên bộ Tư Pháp cũng khẳng định là một số người phát động nổi loạn có quan hệ với các nhóm thân hoàng gia cũ, thành phần ly khai cũng như thuộc lực lượng du kích cộng sản Moudjahidin nhân dân, đã bị cơ quan tình báo và lực lượng vệ binh cách mạng bắt được. Trong số đó, có những người được huấn luyện ở nước ngoài về kỹ thuật gây rối, theo tuyên bố của chưởng lý Iran.
Bộ trưởng Tư Pháp Iran dọa là sẽ trừng phạt nghiêm khắc những người có hành động bạo lực.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191124-iran-teheran-doa-trung-phat-nang-nguoi-bieu-tinh-bao-dong

Syria : Khủng bố trong vùng Kurdistan

do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát

Thu Hằng
Chín người thiệt mạng và 22 người bị thương trong một vụ nổ xe gài bom sáng 23/11/2019 ở thành phố Tal Abyad, phía bắc Syria, hiện do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. Trong khi đó, các cuộc giao tranh dữ dội vẫn tiếp diễn giữa lực lượng dân quân Syria được Ankara hậu thuẫn và lực lượng Kurdistan gần thành phố Ain Issa.
Thông tín viên RFI Paul Khalifeh tường trình từ Beyrouth :
« Vụ nổ mạnh đã khiến đất đá bay tứ tung và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, theo đài Quan Sát Nhân Quyền Syria và một số cơ quan truyền thông thân chính quyền Damas. Nhiều hình ảnh cho thấy những chiếc xe hơi bị cháy đen, nhiều tòa nhà bị hư hỏng nặng và một con phố ngập đầy mảnh vỡ.
Đây là vụ khủng bố thứ ba trong vòng chưa đầy một tháng ở Tal Abyad, thành phố đầu tiên bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chiếm giữ từ đầu cuộc tấn công để thành lập vùng đệm ngay trên lãnh thổ Syria.
Chưa có bên nào nhận trách nhiệm cả ba vụ tấn công trên, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng Kurdistan là thủ phạm. Những chiến binh người Kurdistan, được quân đội Syria hậu thuẫn và triển khai ở phía đông bắc Syria, đang chống lại đợt tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng dân quân Syria được Ankara huấn luyện và yểm trợ.
Các cuộc giao tranh đã diễn ra suốt ngày thứ Bẩy 23/11 quanh thành phố chiến lược Ain Issa, cách phía bắc Racca khoảng 50 km. Raqqa từng là thủ đô của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Đây là những cuộc giao tranh dữ dội nhất kể từ khi lệnh ngừng bắn được ban hành vào cuối tháng 10, dưới sự bảo trợ của Nga.
Theo ông Rami Abdel Rahmane, giám đốc Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria, lực lượng Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ, được pháo binh và máy báy không người lái mang chất nổ yểm trợ, chỉ còn cách thành phố Ain Issa khoảng 1 km ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20191124-syria-khung-bo-trong-vung-kurdistan-do-tho-nhi-ky-kiem-soat

Ông Kim Jong-un từ chối

 tham dự hội nghị với Hàn Quốc và ASEAN

Triều Tiên vừa cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã từ chối lời mời tham dự hội nghị ở Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á khi cho rằng điều này là vô dụng sau những căng thẳng gần đây với Seoul.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gửi lời mời đến cho ông Kim Jong-un vào ngày 5-11, cùng với đó là đề nghị lựa chọn một đại sứ khác đi thay nếu lãnh đạo Triều Tiên không thể tham dự. Seoul cho rằng, sẽ là vô cùng đáng tiếc nếu ông Kim Jong-un bỏ lỡ sự kiện này và lời mời nhằm kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù cảm ơn Hàn Quốc vì lời mời này nhưng Triều Tiên cho biết, họ không tìm thấy bất kì nguyên nhân nào để ông Kim Jong-un tham dự hội nghị.
“Do không có gì đạt được trong việc áp dụng các thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh, việc tham dự sẽ trở nên vô dụng. Không chỉ mất đi sự tin tưởng vào Mỹ, việc Hàn Quốc đề nghị thảo luận về nhiều vấn đề hợp tác cũng khiến chúng tôi phải nghi ngờ”, hãng tin nhà nước Triều Tiên KCNA cho hay.
Triều Tiên và Hàn Quốc đã liên tiếp có những hoạt động cải thiện quan hệ ngoại giao từ năm 2018. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bất kì tiến triển trong vấn đề nới lỏng trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Bình Nhưỡng gần đây cũng liên tiếp chỉ trích Seoul và Washington vì các cuộc tập trận chung và việc Hàn Quốc mua nhiều vũ khí của Mỹ.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31678-ong-kim-jong-un-tu-choi-tham-du-hoi-nghi-voi-han-quoc-va-asean.html

Bầu cử Hong Kong:

Người biểu tình hi vọng sẽ gửi một thông điệp đến TQ

Số người dân Hong Kong đi bỏ phiếu ở mức kỷ lục trong các cuộc bầu cử địa phương vào Chủ nhật.
Cho tới trưa, số người đi bầu cử đã vượt quá tổng số người đi bầu hồi 2015.
Kỳ bầu cử này được coi là phép thử cho mức độ ủng hộ của người dân dành cho Trưởng đặc khu Carrie Lam.
Các nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ hy vọng kết quả các cuộc bầu cử sẽ gửi một thông điệp tới chính quyền ở Bắc Kinh sau năm tháng bất ổn chính trị.
Trước kỳ bầu cử, các nhóm biểu tình ủng hộ dân chủ đã kêu gọi người dân tránh gây gián đoạn. Cho tới giờ, không có tin về bất kỳ vụ gây rối nào.
‘Gián điệp TQ’ tiết lộ thông tin tình báo và xin tị nạn ở Úc
TQ thề ‘trả đũa’ nếu ông Trump ký dự luật Nhân quyền Hong Kong
TT Trump không nói có ký hai dự luật HK hay không
Cựu nhân viên Anh ‘bị Trung Quốc tra tấn, tìm bằng chứng can thiệp’
Số lượng kỷ lục 4,1 triệu người đã đăng ký đi bầu, tức hơn một nửa dân số 7,4 triệu người của Hong Kong.
Các nhà vận động ủng hộ dân chủ hy vọng họ sẽ có thể tăng số lượng đại diện trong hội đồng, vốn thường có một số ảnh hưởng nhất định trong việc lựa chọn vị trí đặc khu trưởng.
Các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh đang kêu gọi cử tri ủng hộ họ hãy ra bỏ phiếu để bày tỏ sự thất vọng trước những biến động gây ra bởi các cuộc đụng độ liên tục giữa người biểu tình và cảnh sát.
Cuộc bầu cử diễn ra ra sao?
Các phòng phiếu mở cửa lúc 07:30 giờ địa phương vào Chủ nhật, với số lượng người tham gia bỏ phiếu đạt kỷ lục 4,1 triệu người. Hong Kong có dân số là 7,4 triệu.
Tính đến 21:30, gần 2,9 triệu người đã bỏ phiếu – hơn 69% số người đăng ký bỏ phiếu.
Lượng người bỏ phiếu sớm cũng tăng đột biến vì lo ngại tình trạng hỗn loạn sẽ khiến các phòng phiếu bị đóng cửa.
Hơn 1.000 ứng cử viên đang tranh cử cho 452 ghế hội đồng quận. Đây là lần đầu tất cả ứng viên đương nhiệm bị thách thức. 27 ghế khác sẽ dành cho các đại diện ở các quận xa hơn.
Hiện nay, các đảng thân Bắc Kinh nắm giữ phần lớn các ghế này.
Cảnh sát được trông thấy bên ngoài các địa điểm bỏ phiếu nhưng các phóng viên của BBC cho biết họ không quá lộ diện.
“Đối mặt với tình hình vô cùng thách thức hiện tại, tôi rất vui mừng để nói rằng …. chúng ta đã có một không khí yên bình ôn hòa cho các cuộc bầu cử hôm nay,” Đặc khu trưởng Carrie Lam nói sau khi bỏ phiếu.
Tại sao cuộc bầu cử này quan trọng?
Bản thân các uỷ viên hội đồng quận có rất ít quyền lực thực tế, vì vậy thường các cuộc bầu cử này diễn ra ở cấp độ rất địa phương.
Nhưng cuộc bầu cử này thì khác.
Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu vào tháng 6, vì vậy những lá phiếu này giống như những chiếc giấy quỳ, phản ánh mức độ ủng hộ của người dân dành cho chính phủ hiện tại.
Theo hệ thống bầu cử của Hong Kong, 117 ủy viên hội đồng quận cũng sẽ ngồi trong ủy ban gồm 1200 thành viên bỏ phiếu cho vị trí đặc khu trưởng.
Vì vậy, một chiến thắng của phe ủng hộ dân chủ cũng có thể có tác động lớn quyết định ai sẽ trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của thành phố này.
“Người dân ở Hong Kong đã bắt đầu coi cuộc bầu cử này như một cách để bày tỏ quan điểm của họ về tình trạng của Hong Kong nói chung và về chính phủ của Carrie Lam,” Kenneth Chan, phó giáo sư tại Đại học Baptist Hong Kong, nói với Reuters.
Lá phiếu gửi thông điệp
Phân tích của Jonathan Head, BBC News, Hong Kong
Nhiều người đã sớm xếp thành những hàng dài ở quận Taikoo Shing trong thời tiết nắng đẹp, và khi thời gian bỏ phiếu bắt đầu, những hàng dài người này đi vòng quanh các khu phố.
Hình ảnh tương tự cũng xuất hiện tại các trạm bỏ phiếu khác. Những vấn đề địa phương chắc chắn trong tâm trí của một số cử tri, nhưng rõ rệt nhất là ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử này như một cuộc thử nghiệm về sự ủng hộ của người dân dành cho chính phủ và phe đối lập.
Một số cử tri đã không thoải mái về việc bày tỏ quan điểm của họ trước mặt những cử tri khác.
Một ứng cử viên đảng Dân chủ Andrew Chiu ngồi bên ngoài, trò chuyện với các phóng viên. Một bên mặt của ông vẫn bị băng bó sau khi bị một kẻ tấn công cắn đứt một phần tai hồi đầu tháng.
Cảnh tượng đó là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về cuộc khủng hoảng chính trị của Hong Kong đã chia rẽ cộng đồng và gia đình như thế nào.
Tuy nhiên, một số người nói với chúng tôi rằng họ rất trân trọng cơ hội này để gửi một thông điệp bằng phiếu bầu của họ, một cuộc bỏ phiếu tự do với nhiều ứng cử viên để chọn lựa mà, điều vốn không xảy ra ở những nơi khác của Trung Quốc.
10 trong số 35 ghế trong quận này đã không bị thách thức bởi các ứng cử viên mới trong cuộc bầu cử năm ngoái. Đây là nơi các đảng thân chính phủ từ lâu đã được hưởng lợi từ lượng gây quỹ khá lớn. Nhưng năm này, mọi vị trí uỷ viên hội đồng đều bị thách thức bởi các ứng viên ủng hộ dân chủ.
Liên minh dân chủ đối lập đã đưa năm yêu cầu của phong trào phản kháng thành khẩu hiệu của họ và hy vọng cảm tình của công chúng về các cuộc biểu tình kéo dài năm tháng qua sẽ giúp họ lần đầu tiên nắm quyền kiểm soát ở nhiều hội đồng quận.
Ai ra tranh cử?
Có một số tên đáng chú ý đang tham gia tranh cử.
Nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh Junius Ho, một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất trong thành phố, nằm trong số đó.
Ông Ho đã bị đâm vào đầu tháng này bởi một người đàn ông giả vờ là một người ủng hộ ông.
Ông Ho cũng công khai lên tiếng ủng hộ lực lượng cảnh sát Hong Kong nhiều lần.
Vào tháng 7, ông ta bị quay phim trông thấy bắt tay với một nhóm người, nghi là Hội Tam Hoàng vốn sau đó đã tấn công những người biểu tình ủng hộ dân chủ.
Jimmy Sham, một nhà hoạt động chính trị gần đây đã nổi lên với tư cách là lãnh đạo Mặt trận Nhân quyền Dân sự, một nhóm chiến dịch tổ chức một số cuộc tuần hành phản đối đại chúng, cũng ra tranh cử.
Ông Sham cũng đã bị tấn công hai lần, một lần bị tấn công bằng búa. Nhiều hình ảnh cho thấy anh nằm trên đường và chảy nhiều máu.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50534953

Tỷ lệ người Hong Kong đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục

Con số kỷ lục cử tri Hong Kong đã đi bỏ phiếu hôm 24/11 trong cuộc bầu cử cấp quận, vốn được coi là phép thử về sự hậu thuẫn dành cho trưởng đặc khu Carrie Lam, trong bối cảnh xảy ra nhiều cuộc biểu tình chống chính quyền suốt vài tháng qua, theo Reuters.
Hãng tin Anh dẫn số liệu của chính quyền cho biết rằng tính tới năm rưỡi chiều, có hơn 2,3 triệu người đã đi bỏ phiếu, trong khi còn tới 4 tiếng nữa thì các phòng phiếu mới đóng cửa.
Con số này được cho là vượt xa con số gần 1,5 triệu người đi bầu trong cuộc bầu cử hội đồng cấp quận bốn năm trước.
XEM THÊM:
Sinh viên Việt tại ĐH Bách khoa Hong Kong ‘chưa biết bao giờ quay trở lại’
Reuters cho rằng tỷ lệ đi bầu kỷ lục dường như một phần là vì bất ổn chính trị ở Hong Kong.
Hãng tin này dẫn lời một người đi bỏ phiếu nói rằng động thái trên “phản ánh hy vọng của người dân Hong Kong về bầu cử phổ thông đầu phiếu thực sự”.
Reuters cũng trích lời bà Lam nói rằng chính quyền của bà sẽ “hết sức chú tâm” lắng nghe hơn nữa quan điểm của các hội đồng cấp quận.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%B7-l%E1%BB%87-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-hong-kong-%C4%91i-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-%C4%91%E1%BA%A1t-m%E1%BB%A9c-k%E1%BB%B7-l%E1%BB%A5c/5179023.html

‘Gián điệp TQ’ tiết lộ thông tin tình báo

và xin tị nạn ở Úc

Một người đàn ông Trung Quốc tự khai báo là gián điệp chính phủ nộp đơn xin tị nạn tại Úc đã cung cấp các thông tin bí mật về hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Hong Kong, Đài Loan và Úc cho Canberra.
Vương Lập Cường (Wang “William” Liqiang) nói rằng bản thân ông cũng “trực tiếp tham gia” vào một số hoạt động gián điệp.
Ông Vương hiện đang ở Sydney và nói rằng ông sợ bị xử tử nếu trở về Trung Quốc.
Cảnh sát tại thành phố Thượng Hải của Trung Quốc thì cho rằng ông Vương là một tội phạm lừa đảo đang thất nghiệp.
Bộ trưởng Ngân khố Úc Josh Frydenberg nói rằng trường hợp của ông Vương đang được giới chức liên quan xem xét, đồng thời cho rằng các báo cáo của ông “rất đáng lo ngại”.
Bộ trưởng Úc nói Trung Quốc hành xử tồi tệ
Chính khách Úc ‘ví’ Trung Quốc như phát xít Đức
Sinh viên TQ đại lục ‘tấn công’ sinh viên Hong Kong ở Úc
Úc ở thế tiến thoái lưỡng nan với Trung Quốc
Lãnh đạo đảng Lao động đối lập Anthony Albanese cho biết người đàn ông có thể có một yêu cầu tị nạn hợp pháp.
Một quan chức cấp cao giấu tên nói với các cơ quan tình báo ABC của đài truyền hình Úc rằng phải “tách biệt thực tế ra khỏi hư cấu” trong khi điều tra các cáo buộc ông Wang cung cấp.
Wang Liqiang là ai?
Những cáo buộc gây kinh ngạc của ông Vương lần đầu được công bố trên các phương tiện truyền thông Úc vào thứ Bảy. Cuộc phỏng vấn đầy đủ trên truyền hình của ông sẽ được phát vào tối Chủ nhật trong chương trình 60 Minutes.
Ông đã cung cấp một bản báo cáo dài 17 trang cho Tổ chức Tình báo An ninh Úc (ASIO) vào tháng 10, nêu chi tiết về công việc của ông cũng như tên của các quan chức tình báo cấp cao và cách họ điều hành Sau đó ông Vương tới Úc, nơi vợ và con trai mới sinh của ông đang sinh sống.
Ông hiện đang ở một địa điểm không được tiết lộ ở Sydney bằng visa du lịch và đã xin tị nạn, vì lo ngại cho sự an toàn của mình nếu quay trở về Trung Quốc.
“Một khi tôi quay trở lại, tôi sẽ chết”, ông Vương nói trong đoạn clip phỏng vấn với 60 Minutes.
Cảnh sát Thượng Hải, tuy nhiên, mô tả ông Vương là một người hoàn toàn khác.
Lực lượng này cho biết ông Vương, 26 tuổi đến từ Phúc Kiến, bị kết tội lừa đảo vào năm 2016 và bị phạt tù 15 tháng tù treo.
Ông Vương vào đến Hong Kong vào 10/4 bằng hộ chiếu Trung Quốc giả và thẻ thường trú Hong Kong giả, cảnh sát cho biết.
Cảnh sát Thượng Hải cho biết họ đang điều tra vụ án.
Ông Vương tuyên bố gì về việc này?
Ông nói rằng hoạt động của ông bao gồm xâm nhập Đài Loan bằng hộ chiếu Hàn Quốc giả để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan và làm việc với một công ty niêm yết ở Hong Kong để cố gắng chống lại phong trào dân chủ ở thành phố này.
Theo tờ Sydney Morning Herald, ông Vương cho biết cá nhân ông có liên quan đến vụ bắt cóc và giam giữ một trong năm người bán sách ở Hong Kong năm 2015. Chính phủ Trung Quốc muốn “răn đe triệt để cho những người đó”, ông nói.
Trung Quốc luôn phủ nhận cáo buộc bắt cóc người bán sách Hong Kong, rằng các cơ quan thực thi pháp luật không có thẩm quyền ở Hong Kong.
Và chính một dự luật được đề xuất sẽ cho phép chính quyền dẫn độ các nghi phạm hình sự từ Hong Kong đến Trung Quốc đại lục đã làm nổ ra các cuộc biểu tình lớn vào tháng 6 kéo dài đến nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-50534950

Cựu điệp viên Trung Quốc:

Bắc Kinh chi 200 triệu đô la can thiệp bầu cử Đài Loan

Thu Hằng
Bắc Kinh đã chi 200 triệu đô la để can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan tháng 01/2019. Thông tin trên được cựu điệp viên Trung Quốc, mang tên Vương Lập Cường (Wang Liqiang), tiếp tục cung cấp cho chính quyền Úc, nơi ông xin tị nạn.
Trong thông cáo ngày 23/11/2019, phủ tổng thống Đài Loan cho biết đã lập một tổ điều tra về khả năng can thiệp của Bắc Kinh trước những bằng chứng thu thập được. Cựu nhân viên tình báo Trung Quốc khẳng định đích thân ông đã tham gia chuyển khoản tài trợ 2,8 triệu đô la cho ông Hàn Quốc Du (Han Kuo Yu) trong cuộc bầu cử thành phố Cao Hùng tháng 11/2018 và hiện là ứng viên tổng thống của Quốc Dân Đảng, được Bắc Kinh ủng hộ.
Báo New York Times, được South China Morning Post trích lại, cho biết ông Vương Lập Cường còn buộc Bắc Kinh đã mua truyền thông, thâm nhập các trường đại học, quyên góp cho các ứng viên thân Bắc Kinh và tạo ra hàng nghìn tài khoản trên mạng xã hội để tấn công chính phủ của đảng Dân Tiến Đài Loan. Cụ thể tình báo Hoa lục thành lập hơn 20 công ty truyền thông và Internet để tiến hành « các cuộc tấn công có chủ đích », và đầu tư khoảng 200 triệu đô la vào nhiều đài truyền hình Đài Loan trong một khoảng thời gian không xác định.
Thị trưởng thành phố Cao Hùng khẳng định « chưa bao giờ nhận một xu từ chính quyền Cộng Sản Trung Quốc, chứ đừng nói đến 20 triệu nhân dân tệ » và lên án những cáo buộc của cựu tình báo Trung Quốc là « vô căn cứ, bất hợp lý ».
Tự cho là nạn nhân trong những lời cáo buộc của ông Vương Lập Cường, Quốc Dân Đảng kêu gọi chính phủ Đài Loan nhanh chóng mở điều tra để bảo đảm công bằng và công minh trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo AFP, nghị sĩ Úc Andrew Hastie, người đứng đầu Ủy ban Nghị Viện về tình báo và an ninh và có lập trường mạnh mẽ chống Bắc Kinh, cho rằng chính quyền Canberra phải cấp quy chế tị nạn cho ông Vương Lập Cường. Trong khi đó, cảnh sát Trung Quốc khẳng định cựu điệp viên đào tẩu là một kẻ gian lận đang bỏ trốn.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191124-cuu-diep-vien-trung-quoc-bac-kinh-chi-200-trieu-do-la-can-thiep-bau-cu-dai-loan

Phản ứng trái chiều của Bắc Kinh và Mỹ

về tình hình Hồng Công

Trong khi tình hình căng thẳng chính trị tại Hồng Công chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn ngày càng nghiêm trọng hơn, Chính quyền Bắc Kinh và Mỹ liên tục có những động thái trái chiều liên quan vấn đề này.
Thượng viện Mỹ khởi động thông qua Dự luật Nhân quyền và dân chủ Hồng Công
Ngày 14/11, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ của đảng Cộng hòa Jim Risch và Thượng nghị sỹ Marco Rubio đã khởi động quá trình để Thượng viện Mỹ nhanh chóng thông qua Dự luật nhân quyền và dân chủ Hồng Công. Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa Jim Risch, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và Marco Rubio, cũng của đảng Cộng hòa, muốn thượng viện tiến hành bỏ phiếu để sớm thông qua Dự luật Nhân quyền và Dân chủ Hồng Công. Trước đó hôm 15/10, Hạ viện Mỹ cũng đã thảo luận và thông qua Dự luật nhân quyền và dân chủ Hồng Công.
Nếu được thông qua ở Thượng viện và sự phê chuẩn của Tổng thống Mỹ, Dự luật sẽ chính thức thành Đạo luật. Một khi đạo luật này được hình thành thì sẽ có 3 điểm quan trọng tác động tới Hồng Công: 1) Một là, sẽ chấm dứt tình trạng giao dịch đặc biệt của Mỹ dành cho Hồng Công cho tới khi báo cáo hằng năm của Bộ Ngoại giao xác nhận rằng chính quyền tôn trọng nhân quyền và luật pháp. 2) Hai là, sẽ cấm xuất khẩu các mặt hàng quân sự và trấn áp đám đông như vòi rồng cho Hồng Công. 3) Ba là, một nghị quyết không ràng buộc công nhận mối quan hệ của Hồng Công với Mỹ, lên án “sự can thiệp” của Bắc Kinh trong các vấn đề đối nội và ủng hộ quyền biểu tình của người dân đặc khu.
Về khả năng thông qua Dự luật, theo các nhà phân tích, nhiều khả năng Thượng viện sẽ thông qua nhưng Dự luật sẽ dễ bị ách khi tới Nhà Trắng. Giới quan sát nhận thấy gần đây Tổng thống Donald Trump rất kiệm lời về tình hình tại Hồng Công. Sự im lặng của Tổng thống Trump đã khiến nhiều người bất mãn, bao gồm cả lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (đảng Dân chủ). Tiến sĩ Daniel Kliman thuộc Trung tâm bảo vệ an ninh mới của Mỹ (CNAS) nhận định trong lịch sử gần đây, Quốc hội Mỹ thường trong lên mạnh mẽ về tiếng quyền con người trong Chính sách đối ngoại nhiều hơn nhánh hành pháp. Điều này đã trở nên đặc biệt rõ rệt dưới thời Chính quyền Tống thống D.Trump. Mặc dù tại Hồng Công, một số quan chức cấp cao của Mỹ như Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã gọi tên Trung Quốc, trong khi Tổng thống vẫn im lặng.
TQ liên tục đánh tiếng cảnh báo sẽ cứng rắn với Hồng Công
Phản ứng sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trên, Bộ ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo: “Mỹ có lợi ích quan trọng ở Hồng Công. Nếu hành động liên quan trở thành luật, nó sẽ không chỉ gây tổn hại cho lợi ích của Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc – Mỹ, mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ. Trung Quốc chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó mạnh mẽ để đáp trả các quyết định sai lầm của phía Mỹ để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình”. Gần đây nhất, trong khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) lần thứ 11 tại Brazil (14/11), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ lập trường của chính phủ nước này về tình hình đang hỗn loạn tại Hồng Công. Chủ tịch Trung Quốc cho rằng, các hành vi phạm tội bạo lực kích động dai dẳng ở Hồng Công đã chà đạp “nghiêm trọng” lên luật pháp và trật tự xã hội, làm suy yếu “nghiêm trọng” sự thịnh vượng, ổn định của Hồng Công và thách thức “nghiêm trọng” giới hạn của nguyên tắc “một đất nước, hai chế độ”. Ông nhấn mạnh, ngăn chặn bạo loạn, khôi phục trật tự là nhiệm vụ cấp bách nhất của Hồng Công hiện nay. Trung Quốc sẽ tiếp tục kiên định ủng hộ Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hồng Công dẫn dắt chính quyền đặc khu thực hiện quản trị theo pháp luật, kiên định ủng hộ cảnh sát Hồng Công nghiêm minh thực thi pháp luật, kiên định ủng hộ cơ quan tư pháp Hồng Công trừng trị phần tử phạm tội bạo lực theo pháp luật. Ông cũng khẳng định quyết tâm của chính phủ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia, quán triệt phương châm “một đất nước, hai chế độ” và phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của các thế lực bên ngoài vào Hồng Công.
http://biendong.net/bien-dong/31677-phan-ung-trai-chieu-cua-bac-kinh-va-my-ve-tinh-hinh-hong-cong.html

Những đòn hiểm mà Trung Quốc, Ấn độ

có thể dùng nếu chiến tranh xảy ra

Một khi vũ khí hạt nhân được sử dụng thì bên bị tấn công sẽ rất khó chống đỡ và cả thế giới cùng bị ảnh hưởng.
Kịch bản chiến tranh hạt nhân
Một cuộc chiến tranh hạt nhân giả định giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một trong những xung đột lớn nhất và có sức hủy diệt lớn nhất ở châu Á. Một cuộc chiến như thế sẽ làm rung chuyển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, gây ra thương vong khổng lồ ở cả hai phía, và giáng đòn mạnh vào nền kinh tế toàn cầu.
Địa lý và nhân khẩu sẽ giúp giảm nhẹ phần nào ảnh hưởng của cuộc chiến.
Trung Quốc và Ấn Độ giáp ranh nhau ở 2 nơi, đó là vùng tây Trung Quốc/bắc Ấn Độ và vùng nam Trung Quốc/đông Ấn Độ, với các tranh chấp lãnh thổ ở cả 2 khu vực này. Trung Quốc từng tấn công ở hai mặt trận này vào tháng 10/1962, mở đầu một cuộc chiến kéo dài một tháng, với bên Trung Quốc giành được một số lợi thế nhỏ trên thực địa.
Cả hai nước cùng theo đuổi chính sách “Không sử dụng vũ khí hạt nhân trước” nên khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân giữa họ là thấp. Hai nước có dân số lớn, mỗi nước đều khoảng 1,3 tỷ người, nên rất khó chinh phục nhau.
Vai trò đặc biệt của không quân
Như tất cả các cuộc chiến tranh hiện đại, một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ diễn ra trên bộ, trên biển và trên không. Yếu tố địa lý sẽ hạn chế quy mô của xung đột trên bộ còn cuộc chiến trên không,
sử dụng cả máy bay và tên lửa, sẽ gây thiệt hại nhiều nhất cho cả hai phía. Trên mặt trận biển, Ấn Độ có lợi thế khống chế, có thể gây ra hậu quả nặng nề cho kinh tế Trung Quốc.
Không như cuộc chiến năm 1962, một cuộc chiến tranh mới giữa hai nước sẽ có sự tham gia sâu của không quân cả 2 nước. Hai bên đều duy trì lực lượng không quân chiến thuật lớn đủ sức thực hiện các hoạt động bay ở khu vực tranh chấp.
Trong kịch bản chiến tranh, các đơn vị không quân của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc ở Quân khu Lan Châu (Trung Quốc) có thể sẽ bay tiến công Punjab, Himchal Pradesh, và Uttarakhand. Lực lượng không quân Trung Quốc từ Quân khu Thành Đô cũng có thể sẽ bay tới tiến công Arunachal Pradesh của Ấn Độ.
Quân khu Lan Châu là nơi đặt căn cứ của các chiến đấu cơ J-11 và J-11B, 2 trung đoàn oanh tạc cơ chiến lược H-6, và các máy bay J-7 và J-8.
Việc thiếu các căn cứ tiền phương ở Tân Cương có nghĩa rằng Quân khu Lan Châu chỉ có thể hỗ trợ cho một cuộc không kích hạn chế nhằm vào miền bắc Ấn Độ.
Quân khu Thành Đô bố trí các máy bay chiến đấu J-11A và J-10 hiện đại nhưng có tương đối ít sân bay quân sự ở Tây Tạng gần Ấn Độ.
Tuy nhiên Trung Quốc có thể không nhất thiết phải dựa vào máy bay chiến thuật để gây thiệt hại lớn cho Ấn Độ. Trung Quốc có thể bổ sung hỏa lực trên không của mình bằng các tên lửa đạn đạo từ Lực lượng Hỏa tiễn Quân giải phóng (PLARF). Lực lượng này quản lý cả tên lửa đạn đạo hạt nhân, tên lửa đạn đạo thông thường, và tên lửa đạn đạo dùng cho 2 mục đích (mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân). Họ có thể di chuyển tới 2.000 tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung DF-11, DF-15 và DF-21 tới các vị trí cận kề Ấn Độ. Số tên lửa này Trung Quốc có thể dùng để tấn công chớp nhoáng các mục tiêu chiến lược của Ấn Độ trên bộ, nhưng khi đó họ sẽ bị thiếu tên lửa cho phương án dự phòng ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông.
Trong khi đó, lực lượng không quân Ấn Độ có lợi thế trong tranh chấp trên bầu trời hơn so với đối thủ Trung Quốc. Chiến tranh khi đó sẽ diễn ra ở vùng biên giới dân cư thưa thớt của Trung Quốc, còn thủ đô New Delhi của Ấn Độ chỉ cách vùng biên giới Tây Tạng có 371km.
Đội bay của Ấn Độ gồm 230 máy bay Su-30Mk1 Flanker, 69 máy bay MiG-29 và các máy bay Mirage 2000. Các máy bay này đều cạnh tranh được hoặc thậm chí vượt trội so với hầu hết các máy bay Trung Quốc, ít nhất là tới khi nào chiến đấu cơ J-20 của Trung Quốc đi vào hoạt động. Ấn Độ nhiều khả năng đủ máy bay để đương đầu với cuộc chiến trên 2 mặt trận, cùng một lúc với cả không quân Trung Quốc lẫn không quân Pakistan.
Ngoài ra Ấn Độ còn đang đưa vào sử dụng hệ thống phòng không tầm trung Akash để bảo vệ các căn cứ không quân và các mục tiêu có giá trị cao khác.
Nhưng dù Ấn Độ tự tin về việc sở hữu lực lượng không quân đủ sức răn đe chiến tranh, thì trong ít nhất là ngắn hạn, họ vẫn chưa có phương thức nào để ngăn chặn một cuộc tiến công bằng tên lửa đạn đạo từ phía Trung Quốc. Các đơn vị tên lửa Trung Quốc, nhả đạn từ Tân Cương và Tây Tạng, có thể đánh trúng trọn vẹn các mục tiêu trên khắp miền bắc Ấn Độ mà không bị sao cả. Ấn Độ không có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo và không có các phương tiện trên không và trong vũ trụ kết hợp lại để săn và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của đối phương. Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo của Ấn Độ lại được dành cho mục đích tác chiến hạt nhân chứ không phải là tác chiến thông thường.
Tử huyệt trên biển
Cuộc chiến trên bộ giữa lục quân Ấn Độ và Trung Quốc thoạt tiên có thể được coi là giai đoạn quyết định nhưng trên thực tế không phải vậy. Cả mặt trận phía đông và phía tây đều có địa hình gập ghềnh và hạ tầng vận tải kém nên sẽ khó gửi lực lượng lục quân cơ giới tới đây. Có thể dễ dàng dùng pháo binh chặn đánh các cuộc tấn công ồ ạt khi các lực lượng tiến công này được điều đi qua các thung lũng và các con đèo nổi tiếng. Dù cho lục quân Ấn Độ và Trung Quốc đều rất đồ sộ (phía Ấn Độ có khoảng 1,2 triệu quân, phía Trung Quốc có khoảng 2,2 triệu quân), chiến sự trên bộ nhiều khả năng sẽ rơi vào thế giằng co.
Cuộc chiến trên biển sẽ là mặt trận quyết định trong xung đột giữa hai nước lớn này.
Với vị trí án ngữ Ấn Độ Dương, Ấn Độ thực sự nằm trên yết hầu của Trung Quốc. Hải quân Ấn Độ, với lực lượng tàu ngầm, tàu sân bay INS Vikramaditya, và các tàu mặt nước có thể dễ dàng thu hẹp dòng chảy thương mại giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Hải quân Trung Quốc sẽ phải mất một tuần để tập kết và đưa một hạm đội tới khắc phục thế phong tỏa nói trên. Ngay cả khi đó, việc phá vỡ thế phong tỏa cũng không dễ dàng gì do phải thực hiện trên một khu vực rộng lớn hàng ngàn dặm vuông của Ấn Độ Dương.
Khi ấy, việc vận chuyển hàng hải tới và từ Trung Quốc sẽ buộc phải chuyển hướng qua ngả tây Thái Bình Dương, mà lúc đó hoạt động thương mại của Trung Quốc có thể vấp phải sức ép từ hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Tới 87% nhu cầu xăng dầu của Trung Quốc được đáp ứng bằng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Đông và châu Phi. Các khu dự trữ xăng dầu chiến lược của Trung Quốc có thể ngăn tình trạng thiếu nhiên liệu toàn quốc trong 77 ngày nhưng sau đó Bắc Kinh sẽ buộc phải tìm cách ngưng chiến.
Tác dụng đối với kinh tế từ cuộc chiến trên biển sẽ là vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, có thể khiến hàng triệu người Trung Quốc thất nghiệp. Lúc đó các bất ổn nội địa do khó khăn về kinh tế có thể tạo ra nguy cơ về mặt chính trị cho Trung Quốc.
Chiến tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc như vậy sẽ rất tàn khốc với hậu quả nặng nề cho nền kinh tế thế giới. Hai nước ý thức được điều đó nên giữa họ vẫn chưa có cuộc chiến nào nữa trong hơn 50 năm qua..
http://biendong.net/goc-nhin-moi/31667-nhung-don-hiem-ma-trung-quoc-an-do-co-the-dung-neu-chien-tranh-xay-ra.html

Đặc phái viên Trung Cộng cảnh báo

về “thiệt hại rất nặng nề” nếu Canada

theo bước Hoa Kỳ về vấn đề Hồng Kông

Tin từ Ottawa, Canada – Vào hôm thứ Sáu (22/11), tân đại sứ của Trung Cộng tại Canada cảnh báo Ottawa về việc tuân theo sự lãnh đạo của Hoa Kỳ bằng cách chính thức ủng hộ người biểu tình ở Hồng Kông, đồng thời tuyên bố rằng hành động này sẽ gây “thiệt hại rất nặng nề” cho mối quan hệ vốn đã tồi tệ với Bắc Kinh.
Theo Reuters, Canada, đang đối đầu với Trung Cộng trong một cuộc tranh chấp thương mại và ngoại giao, nhiều lần bày tỏ mối quan tâm về sự an toàn của 300,000 công dân của họ ở Hồng Kông, sau 5 tháng biểu tình rầm rộ để đòi dân chủ và tự chủ.
Vào hôm thứ Tư, Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật để ủng hộ người biểu tình và gửi một lời cảnh báo tới Trung Cộng về vấn đề nhân quyền.
Giọng điệu không khoan nhượng trong thông điệp của ông chỉ ra rằng dù đại sứ có thể thay đổi, nhưng cách tiếp cận của Trung Cộng thì lại không. Đại sứ Trung Cộng Cong Peiwu lặp lại yêu cầu của Bắc Kinh về việc Canada ngay lập tức trả tự do cho Giám đốc Tài chính của Huawei Technologies, bà Mạnh Vãn Chu, người được đóng tiền thế chân tại ngoại sau khi cảnh sát Canada bắt giữ bà trong lệnh bắt giữ của Hoa Kỳ vào tháng 12 năm ngoái. Ngay sau khi bà Mạnh bị bắt, Trung Cộng bắt giam hai công dân Canada về các cáo buộc liên quan đến bí mật nhà nước, và chặn việc nhập cảng hạt cải từ Canada kể từ đó.
Vào hôm thứ Tư, khi được hỏi về những biện pháp bổ sung mà Canada sẽ thực hiện để bảo vệ công dân của họ tại Hồng Kông, Thủ tướng Justin Trudeau cho biết họ sẽ tiếp tục kêu gọi xoa dịu tình hình và chấm dứt bạo lực, đồng thời hối thúc đàm phán. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/dac-phai-vien-trung-cong-canh-bao-ve-thiet-hai-rat-nang-ne-neu-canada-theo-buoc-hoa-ky-ve-van-de-hong-kong/

Tham vọng độc chiếm Biển Đông

của Trung Quốc hủy diệt tài nguyên biển

Thu Hằng
Trung quốc đã gây ra rất nhiều thiệt hại lớn ở vùng Biển Đông, theo nhà sinh học biển Kent Carpenter, thuộc đại học Old Dominion (bang Virginia, Mỹ). Điều nguy hiểm hơn cả là phải mất vài chục thập niên, nếu không phải là cả thế kỷ, để những nguồn tài nguyên biển đó được tái tạo.
Nhận định trên được nhà nghiên cứu Mỹ đưa ra trong hội thảo “Changing the World Order? China’s Long-term Global Strategy” (Thay đổi trật tự thế giới? Chiến lược toàn cầu lâu dài của Trung Quốc),
ngày 19/11/2019 tại Makati, Philippines và được đưa tin trong chương trình State of Nation của GMA News.
Với nhiều hình ảnh được chiếu minh họa trong hội thảo, ông Carpenter khẳng định : “Họ (Trung Quốc) tái khởi động khai thác trai tai tượng từ các rạn san hô tại nhiều khu vực khác nhau ở Biển Đông. Chúng tôi có những hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy ngay từ năm 2018, những lớp trầm tích tiếp tục bị hút khỏi những hòn đảo nhân tạo này”.
Có cùng quan điểm trên, nhà chính trị học Philippines Rommel Banlaoi giải thích : “Tuần trước, tôi đến Hải Nam và chúng tôi đã đề cập đến việc tình trạng Biển Đông bị phá hủy như thế nào qua các hoạt động kinh tế và quân sự trong vùng”. Theo ông Banlaoi, 25% trữ lượng tài nguyên biển còn lại ở trong vùng bị phá hủy với “nhịp độ rất nhanh”.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển, thuộc đại học Philippines, đánh giá thực trạng trên không còn là vấn đề lãnh thổ : “Việc tàn phá này thực chất là hệ quả liên đới. Đó là hậu quả từ ý đồ kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc. Không chỉ những nước có tranh chấp với Bắc Kinh ở Biển Đông, mà gần như cả thế giới cũng phải lĩnh hậu quả, vì việc khai thác làm giảm nguồn tài nguyên mà mọi người cùng được hưởng”. Theo ông, cần phải lấy lập luận này làm “nền tảng cho lập trường chung và thống nhất để chống lại các hoạt động của Trung Quốc”.
Giám đốc Viện Hàng Hải và Luật Biển cho rằng Trung Quốc nhắm đến hai mục tiêu trong việc sử dụng quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough. Ông nói : “Ví dụ, ngay năm 2013, Bắc Kinh đã thông báo khuyến khích ngư dân Trung Quốc xuống sâu hơn vùng biển phía nam, đặc biệt là Biển Đông… Họ cũng có thể đuổi hết ngư dân các nước lân cận” ra khỏi ngư trường truyền thống.
Khi Tòa Trọng tài La Haye ra phán quyết có lợi cho Philippines năm 2016, Trung Quốc tạm ngừng một phần hoạt động ở Biển Đông, nhưng đến đầu năm 2018, thì cho tái khởi động hoạt động đánh bắt ở bãi cạn Scarborough.
Cựu thẩm phán Tòa Án Tối Cao Philippines Antonio Carpio, người kiên quyết chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông, nhấn mạnh rằng Philippines cần tìm cách mở rộng chủ quyền ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc đang gián tiếp rời xa yêu sách đường chín đoạn vì phải lo đối phó với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và phong trào biểu tình ở Hồng Kông.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191124-tham-vong-doc-chiem-bien-dong-cua-trung-quoc-huy-diet-tai-nguyen-bien

Philippines sợ bị TQ cúp điện nếu muốn

Dư luận Philippines, kể cả các thượng nghị sĩ, đang đầy lo lắng trong bối cảnh các công ty điện lực Trung Quốc nắm giữ cổ phần rất lớn trong hệ thống lưới điện quốc gia của họ.
Theo báo SCMP, các thượng nghị sĩ Philippines đã kêu gọi chính phủ điều tra về những nguy cơ an ninh có thể xảy đến trước thực tế các công ty Trung Quốc đang nắm giữ cổ phần rất lớn trong mạng lưới năng lượng quốc gia của Philippines.
Một số quan chức Philippines đã lo ngại rằng với việc nắm giữ cổ phần và quyền kiểm soát lớn như vậy, hoàn toàn có khả năng xảy ra tình huống các kỹ sư của Bắc Kinh nhấn chìm đất nước Philippines trong bóng tối chỉ với một cú ngắt mạch.
Chủ tịch Công ty truyền tải điện quốc gia (TransCo), ông Melvin Matibag, đã khẳng định “có khả năng” xảy ra một viễn cảnh như vậy, trong quá trình tiến hành những bàn thảo chi tiết về kế hoạch ngân sách của chính phủ năm 2020 tại Thượng viện Philippines hôm 19-11 vừa rồi.
Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Trung Quốc (State Grid Corporation of China) nắm giữ 40% cổ phần tại Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Philippines (NGCP) gồm nhiều công ty tư nhân chuyên vận hành các lưới điện của Philippines.
Trước đây TransCo vận hành hệ thống lưới điện này và nắm quyền giám sát với NGCP, tuy nhiên theo những gì ông Matibag thông báo với các thượng nghị sĩ, trên thực tế quyền được tiếp cận của TransCo với hệ thống đó “bị giới hạn”.
Bà Risa Hontiveros, thượng nghị sĩ Đảng Tự do đối lập ở Philippines, đã nêu lên những chất vấn về quy mô kiểm soát của Bắc Kinh trong bối cảnh những xung đột về chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước vẫn tiếp diễn trên Biển Đông.
Bà Risa Hontiveros cho rằng Trung Quốc “đang là một phần trong đời sống hằng ngày của chúng ta từng phút, từng giờ, từng khoảnh khắc chừng nào việc vận hành hệ thống vẫn đang do các kỹ sư Trung Quốc vận hành, kiểm soát… Thực sự là một quyền lực rất to lớn”.
“Nếu có một ai đó ở Bắc Kinh ngắt mạch điện thì sao?”. Bà Risa Hontiveros hỏi các quan chức năng lượng trong phiên thảo luận phê chuẩn ngân sách kéo dài 10 tiếng của thượng viện.
Ông Sherwin Gatchalian, chủ tịch ủy ban năng lượng của Thượng viện Philippines và cũng là người được giao nhiệm vụ bảo vệ kế hoạch dự toán ngân sách chính phủ cho bộ năng lượng, đáp: “Tôi được chủ tịch của TransCo cho biết họ đã nghiên cứu về khả năng này. Tôi được biết việc vận hành thủ công của các tuyến đường dây tải điện có thể thực hiện.
Việc chiếm quyền kiểm soát (của Bắc Kinh) có thể xảy ra, nhưng TransCo, với năng lực kỹ thuật của họ, có thể giành lại quyền kiểm soát bằng cách thủ công”.
Trong khi đó, thượng nghị sĩ gốc Trung Quốc sinh tại Philippines, ông Gatchalian, cho biết: “Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia an ninh quốc gia và Hội đồng an ninh quốc gia tới để đảm bảo họ có những kế hoạch ứng phó với tình huống khẩn cấp”.
Các quan chức năng lượng cho biết hệ thống lưới điện có thể được phía Philippines khôi phục bằng các biện pháp thủ công trong vòng từ 24-48 tiếng đồng hồ, tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình huống.
Trong khi đó, truyền thông Philippines thời gian qua phát đi những thông tin cho rằng chỉ các kỹ sư nước ngoài mới có khả năng xử lý sự cố, vận hành và kiểm soát mạng lưới truyền tải điện của NGCP vì hệ thống theo dõi và kiểm soát từ xa của nó.
Cũng theo truyền thông địa phương, hệ thống này đặt tại Trung Quốc, có trụ sở ở Nam Kinh và thuộc quản lý của Tập đoàn Nari.
Cũng lại có những thông tin khác trên truyền thông nói rằng các tài liệu hướng dẫn vận hành, kiểm soát hệ thống đều được in bằng tiếng Trung Quốc và các kỹ sư Philippines không thể vận hành hệ thống này.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/31665-philippines-so-bi-tq-cup-dien-neu-muon.html

Bị Gambia kiện « diệt chủng »,

Miến Điện chuẩn bị bào chữa

Thu Hằng
Hai tuần trước khi bắt đầu các phiên điều trần tại Tòa Án Công Lý Quốc Tế sau khi Gambia chính thức khởi kiện Miến Điện vì « các hành động diệt chủng », đội ngũ quan chức cấp cao của chính quyền Naypyidaw đã họp ngày 23/11/2019 để chuẩn bị phương án biện hộ.
Thông tín viên RFI Sarah Bakaloglou tường trình từ Răngun :
« Cuộc họp, trước các phiên xử của Tòa Án Công Lý Quốc Tế, đã diễn ra với sự có mặt của nhà lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi, nhiều bộ trưởng và lãnh đạo quân đội. Miến Điện vẫn giữ lập trường rõ ràng từ khi xảy ra các vụ bạo lực vào tháng 08/2017 : Quân đội chỉ phản ứng trước các cuộc tấn công của phe nổi loạn Rohingya, không có chuyện thanh lọc chủng tộc, không có diệt chủng ở Miến Điện và cộng đồng quốc tế không hiểu được tính chất phức tạp về tình hình ở bang Rakhine (Arakan).
Chính phủ đã nêu rõ quan điểm đó và chắc chắn sẽ nhắc lại trước Liên Hiệp Quốc rằng nhiều ủy ban đã được Miến Điện thành lập để điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền đối với người Rohingya.
Lập trường của Miến Điện sẽ được đích thân bà Aung San Suu Kyi bảo vệ trước Tòa án ở Hà Lan. Việc đứng ra biện hộ cho Miến Điện trên hồ sơ này cho thấy rằng bà ít quan tâm đến hình ảnh của mình, hiện bị xấu đi, trong mắt cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo được người dân Miến Điện ủng hộ đông đảo, trong đó đại đa số coi người Rohingya là những người nhập cư bất hợp pháp. Quyết định bảo vệ đất nước không phải là lựa chọn không có chủ đích khi chỉ còn một năm nữa, Miến Điện lại chuẩn bị bầu cử ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20191124-bi-gambia-kien-%C2%AB-diet-chung-%C2%BB-mien-dien-chuan-bi-bao-chua

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.