Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 24/11/2019

Sunday, November 24, 2019 7:37:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 24/11/2019

Nhóm tàu sân bay Type 001A của Trung Quốc

đi qua eo biển Đài Loan

đang di chuyển xuống Biển Đông

Cơ quan phòng vệ Đài Loan (17/11) cho biết, cụm tác chiến tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc – Type 001A đã đi qua eo biển Đài Loan và đang di chuyển xuống phía Nam.
Theo thông tin trên, nhóm tàu này bị các tàu của Mỹ và Nhật Bản bám đuôi, trong khi Cơ quan phòng vệ Đài Loan điều các máy bay và tàu đến để theo dõi sự di chuyển của nhóm tàu sân bay trên nhằm “đảm bảo an ninh và bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực”. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Joseph Wu tuyên bố Đài Loan không hề bị dọa dẫm qua sự việc. Hiện Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên, trong khi một phát ngôn viên của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cho biết chưa có thông tin gì về sự di chuyển của tàu sân bay Trung Quốc hay tàu nào của Nhật Bản ở gần đó.
Thông tin tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc di chuyển qua eo biển Đài Loan được công bố ngay sau khi Mỹ (12/11) điều tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Chancellorsville di chuyển qua vùng biển này. Đây là lần thứ 9 Hải quân Mỹ gửi tàu qua eo biển Đài Loan trong năm 2019. Lần gần đây nhất diễn ra vào tháng 9, khi tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường USS Antietam của Mỹ đi qua khu vực này.
Được biết, thiết kế của con tàu Type 001A chủ yếu dựa vào tàu lớp Kuznetsov của Liên Xô, vì tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc là Liêu Ninh được chế tạo từ một tàu lớp Kuznetsov chưa hoàn chỉnh. Nó được cải tiến và nâng cấp một chút so với Liêu Ninh, với radar cải tiến và tăng khả năng tích trữ đạn dược và nhiên liệu, cho phép nó mang theo nhiều máy bay hơn so với Liêu Ninh (ước tính khoảng từ 30 đến 40 máy bay phản lực và trực thăng). Tàu có chiều dài khoảng 300 mét, lượng choán nước khoảng 50.000 tấn (70.000 tấn khi đầy tải). Con tàu này sử dụng nồi hơi đốt dầu thông thường để chạy các tua bin hơi. Nó vẫn giữ thiết kế nhảy cầu của tàu lớp Kuznetsov. Dự kiến, biên chế cho hạm đội tàu sân bay Type 001A sẽ tương tự như hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh, gồ: 02 tàu khu trục tên lửa Type 052C; 01 tàu khu trục tên lửa Type 052D; 02 tàu hộ vệ tên lửa Type 054A; 01 tàu hộ vệ tên lửa Type 056A; 01 tàu tiếp tế tổng hợp Type 903A và tàu tấn công nhanh.
Trung Quốc đã toan tính sẽ xây dựng ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay vào năm 2035, gồm 4 tàu sân bay hạt nhân. Theo giới truyền thông, các tàu sân bay mới của Trung Quốc thậm chí sẽ được trang bị phần cứng có thể gần tương đương các siêu cường hàng đầu thế giới về công nghệ siêu hàng không mẫu
hạm, nhằm sánh ngang với Mỹ. Một số thiết bị được giới quân sự Trung Quốc quảng bá có thể có mặt trên tất cả tàu sân bay mới của Trung Quốc là máy phóng điện từ, tương tự siêu tàu sân bay lớp Ford của Mỹ. Hệ thống máy phóng điện từ có thể phóng máy bay nhanh và êm hơn so với hệ thống phóng thủy lực. Một cựu sỹ quan của hải quân Trung Quốc cho biết tàu sân bay hạt nhân của Trung Quốc với hệ thống máy phóng điện từ dự kiến gia nhập hải quân vào năm 2035, nâng tổng số tàu sân bay lên ít nhất 6 tàu, mặc dù chỉ có 4 tàu sẽ hoạt động ở khu vực tiền tuyến. Trung Quốc hiện đang rất muốn mở rộng các nhóm tác chiến tàu sân bay để hiện thực hóa tham vọng hải quân toàn cầu và bảo vệ lợi ích đang tăng ở nước ngoài. Theo kế hoạch, quân đội Trung Quốc dự định vận hành 4 nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân ở tiền tuyến vào năm 2035. Type-001A và Type-002 sẽ trở thành những hàng không mẫu hạm tạm thời, trong khi chờ tàu sân bay hạt nhân đi vào hoạt động. Tàu sân bay Liêu Ninh sẽ được thay thế bằng Type-001A vào năm 2035. Đáng chú ý, truyền thông Trung Quốc gần đây tiết lộ thông tin, Bắc Kinh đang bắt đầu chế tạo tàu sân bay thứ ba và cũng là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc. Theo thông tin trên, tàu sân bay này của Trung Quốc vẫn sử dụng lối thiết kế của tàu Liêu Ninh, song hệ thống động cơ được thay từ diezel sang năng lượng hạt nhân và lượng giãn nước lơn hơn so với tàu Liêu Ninh từ 10.000 – 80.000 tấn. Tàu sân bay mới sẽ có boong tàu nhỏ hơn Liêu Ninh và Type-001A, một phần đài chỉ huy sẽ được lắp dưới boong tàu.

Siết gọng kìm “vây” tham vọng của TQ ở Biển Đông

Mỹ đang triển khai hàng loạt chính sách và biện pháp nhằm khẳng định sự cam kết mạnh mẽ với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương cũng như thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực nhằm đảm bảo tự do hàng không, hàng hải; duy trì luật pháp quốc tế, hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc leo thang tham vọng đòi chủ quyền phi lý, phi pháp trên vùng biển chiến lược sống còn này.
Mỹ phản ứng chưa đủ mạnh, Trung Quốc chiếm ưu thế
Quan điểm mạnh mẽ mà người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra tại Hà Nội, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du châu Á, còn có thể thấy khi ông Mark Esper tới thăm Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines cũng như tham dự ADMM+ lần thứ 6 diễn ra ở Bangkok (Thái Lan). Chuyến công du châu Á lần này cũng là chuyến thăm châu Á thứ hai của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng kể từ ngày nhậm chức tháng 7-2019, qua đó khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hành động mạnh mẽ hơn trong triển khai chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do, nhằm đối phó với những hành vi ngày càng hung hăng và tham vọng mỗi ngày một lớn của Trung Quốc.
Khi nhận thấy thách thức ngày một lớn từ Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, Washington đã dần chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại từ châu Âu về khu vực ngày càng đóng vai trò to lớn đối với kinh tế, chính trị và an ninh toàn cầu này. Trong đó, chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump đã công bố chiến lược xoay trục từ châu Âu – Đại Tây Dương về châu Á – Thái Bình Dương nhằm đáp lại các đe dọa lợi ích, vị trí của Mỹ từ Trung Quốc, bao gồm cả sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự.
Khi Trung Quốc dùng sức mạnh quân sự vượt trội để chiếm bãi cạn Scarborough do Philippines kiểm soát hồi năm 2012 cũng như sức mạnh kinh tế của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới để đổ tiền, đổ của, ráo riết bồi đắp một số đảo đá, rạn san hô ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nổi quân sự quy mô lớn, biến chúng thành các căn cứ, bàn đạp quân sự lớn trên Biển Đông, chính quyền Mỹ tiền nhiệm cũng đã có những phản ứng như ra tuyên bố chỉ trích, phản đối hay triển khai tàu chiến tuần tra vào trong phạm vi 12 hải lý các đảo nổi nhân tạo này.
Tuy nhiên, mọi phản ứng và biện pháp ứng phó đó được giới quan sát đánh giá là chưa đủ mạnh để gây áp lực lên tham vọng của Trung Quốc trong việc hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” (còn gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn”) hòng độc chiếm Biển Đông. Nếu không muốn nói là những ứng phó chưa đủ lực ấy lại càng khiến Trung Quốc được đà có những hành động, hành vi gây hấn hung hăng hơn.
Bất chấp chiến lược xoay trục cùng các biện pháp kiềm chế của Mỹ, Trung Quốc đã dần hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông trên thực tế. Điều này có thể thấy qua việc từ năm 2014 đến nay, Trung Quốc đã ồ ạt bồi đắp trái phép các thực thể chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo với tổng diện tích trên 13 km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa. Trong đó 3 đảo đá là đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập đã thành những tiền đồn quân sự lớn trên Biển Đông với sân bay có đường băng dài 3.000 m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh và cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.
Trong hội thảo bàn về “Tham vọng hàng hải của Trung Quốc trong chuỗi đảo đầu tiên và xa hơn thế” tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, trụ sở ở Washington) ngày 18-11-2019, các chuyên gia đầu ngành về Biển Đông đã cùng thống nhất rằng, Trung Quốc đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và áp đặt sức mạnh của mình để tìm cách thiết lập một hiện trạng mới trên Biển Đông. Không chỉ thiết lập các tiền đồn quân sự quy mô lớn, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) Greg Poling còn đặc biệt nhấn mạnh tới sự gia tăng như vũ bão đội ngũ các tàu hải cảnh, hải giám, tàu dân quân biển của Trung Quốc đóng ở các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN
Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do được đích thân Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 11-2017 được xem là sự “nâng cấp” sự ứng phó của Mỹ đối với tham vọng của Trung Quốc ở khu vực. Chiến lược này, theo giới phân tích, tập trung chủ yếu vào sự can dự của Mỹ đồng thời ở nhiều lĩnh vực, gồm kinh tế, an ninh và có thể cả việc định ra những quy tắc, luật lệ vốn tuân theo lối tư duy chiến lược trước đó của Washington về khu vực trọng yếu toàn cầu này.
Giới chức chính quyền Tổng thống Donald Trump trong triển khai chiến lược mới đã gia tăng cả tần suất và cường độ chỉ trích trực diện vào những hành vi phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là điều mà Mỹ cho rằng “đe dọa và bắt nạt” các quốc gia quanh vùng biển này. Đi đôi với đó, Mỹ cũng công khai tuyên bố ủng hộ chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan ở Biển Đông, ủng hộ và hợp tác với các quốc gia này trong việc gia tăng bảo vệ chủ quyền, duy trì tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, an ninh trên vùng biển này.
Lên tiếng các chặng dừng chân trong chuyến công du châu Á, trong đó có bài phát biểu tại Học viện Ngoại giao ngày 20-11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đều khẳng định sự ủng hộ lâu dài của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở; đồng thời, nhấn mạnh cam kết của Mỹ nhằm duy trì trật tự dựa trên luật lệ, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực quan trọng này, trong đó có việc ủng hộ quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Ông Mark Esper cũng tái khẳng định ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm, Bộ trưởng Mark Esper khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông, đồng thời cam kết nỗ lực đóng góp tích cực vào bảo đảm hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên vùng biển này. Thể hiện cam kết này bằng hành động thực tế, Bộ trưởng Mark Esper tuyên bố, Mỹ sẽ cung cấp thêm một tàu tuần tra hiện đại cho Cảnh sát biển Việt Nam trong năm 2020.
Trong chiến lược mới, Mỹ ủng hộ vai trò quan trọng của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông; kêu gọi các thành viên của hiệp hội cùng thống nhất, đoàn kết để thực thi vai trò này. Bộ trưởng Mark Esper khi đánh giá cao vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực với việc đảm nhận Chủ tịch ASEAN 2020, đã khẳng định Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, tiếp tục ủng hộ vai trò trung tâm và đoàn kết của ASEAN, cũng như thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Mỹ.
Phát biểu ngày 20-11 tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội nhân chuyến thăm Việt Nam theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper dành nhiều thời gian để chia sẻ về chủ đề xuyên suốt trong các cuộc gặp của ông với đối tác trong chuyến công du châu Á lần này gồm thăm Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam và tham dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). Đó là hướng tới duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế mang lại an ninh, thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đồng thời khẳng định cam kết của Mỹ nhằm duy trì trật tự ở khu vực Biển Đông dựa trên luật lệ quốc tế, thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, trong đó có ủng hộ quyền khai thác tài nguyên của các quốc gia trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa, Trường Sa

Mỹ hai lần điều tàu chiến đến gần các thực thể thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Tàu chiến đấu ven biển USS Gabrielle Giffords di chuyển trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 20/11. Thực thể này bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép và cải tạo thành đảo nhân tạo.
Một ngày sau, tàu khu trục USS Wayne E. Meyer tuần tra bảo đảm tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
“Các nhiệm vụ này thể hiện cam kết của chúng tôi nhằm duy trì tự do và quyền sử dụng vùng trời, vùng biển một cách hợp pháp với tất cả các quốc gia”, phát  ngôn viên Hạm đội 7 hải quân Mỹ Reann Mommsen hôm nay cho biết.
Đây là lần đầu hải quân Mỹ triển khai tàu chiến áp sát quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong hai ngày liên tiếp. Hoạt động này diễn ra ngay sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết nước này sẽ duy trì tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, bất chấp sự ngăn cản của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều có bổn phận thể hiện quan điểm thật rõ ràng, đồng thời khẳng định quyền chủ quyền và nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp”, ông Esper nói trong buổi họp báo với người đồng cấp Philippines Delfin Lorenzana tại thành phố Quezon hôm 19/11.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời tôn trọng hoạt động tự do hàng hải và hoan nghênh các hành động đóng góp cho hòa bình, an ninh khu vực của các quốc gia trên Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông, chồng lấn vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời tiến hành bồi đắp, quân sự hóa các đảo nhân tạo trái phép để củng cố tuyên bố chủ quyền, bất chấp luật pháp quốc tế và sự phản đối của các quốc gia trên thế giới.
Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng khi tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 và các tàu hộ tống Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam ở phía nam Biển Đông từ tháng 7. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Chuyên gia Biển Đông cảnh báo hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tiềm ẩn nguy cơ biến một tính toán sai lầm nhỏ thành cuộc xung đột lớn.
Washington nhiều lần điều tàu chiến đi qua Biển Đông trong các chiến dịch tự do hàng hải và thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh. Hải quân Mỹ cuối tháng 8 điều tàu USS Wayne E. Meyer tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh đá Chữ Thập và Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Hai tuần sau, chiến hạm này tiếp tục áp sát quần đảo Hoàng Sa.

Biển Đông: Mỏ Dầu và Thùng Thuốc Nổ

Huỳnh Quang
Trong những năm gần đây Trung Quốc đẩy mạnh việc xâm chiếm Biển Đông qua nhiều hành động như tự tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông qua ‘đường lưỡi bò’, tự bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa ít nhất 7 đảo nhân tạo trên Biển Đông, lấn áp và đe dọa các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai Á, Brunei, Đài Loan. Gần đây nhất, từ tháng 7 và tháng 9 năm 2019, TQ đã 4 lần đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tạo thêm căng thẳng tại Biển Đông.
Dù mới đây, hôm 24 tháng 10 năm 2019, TC đã rút tàu khảo sát Hải Dương 8 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN, nhưng điều này không có nghĩa là TC đã từ bỏ tham vọng xâm chiếm Biển Đông.
Tất cả những sự kiện đó bắt nguồn từ sự trổi dậy như một cường quốc kinh tế và quân sự của TQ. TQ nhìn thấy Biển Đông là cửa ngỏ để nước này bước ra làm cường quốc hải quân trên thế giới. TQ cũng nhìn thấy Biển Đông là địa bàn chiến lược để bảo vệ quyền lợi kinh tế của họ, nhất là về năng lượng và hàng hải. TQ cũng nhìn thấy Biển Đông là địa bàn để cạnh tranh vị thế cường quốc với Hoa Kỳ.
Đặc biệt là về nguồn dự trữ năng lượng gồm dầu hỏa và khí đốt khổng lồ của Biển Đông. TQ nhận thấy rằng với nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng đối với nền kinh tế thì Biển Đông là giải pháp lâu dài và an toàn nhất để đáp ứng nhu cầu dài hạn của họ.
Biển Đông có diện tích rộng 3 triệu rưỡi dặm vuông, trải dài từ Eo Biển Malacca ở phía tây nam tới Đài Loan ở phía bắc. Nó là một trong những con đường giao thương quan trọng nhất trên thế giới. Trong phúc trình năm 2017 của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) phỏng đoán rằng 25% các chuyến chở hàng bằng đường biển trên thế giới đi qua Biển Đông, với trị giá thương mại lên tới 3.37 ngàn tỉ đô la mỗi năm. Cộng vào đó là một tỉ lệ rất lớn mậu dịch năng lượng thế giới cũng đi qua Biển Đông. Các tài liệu năm 2016 của Cơ Quan Thông Tin Năng Lượng (EIA) nói rằng có tới 40% tất cả khí đốt thiên nhiên lỏng (LNG) được chuyên chở qua khu vực này.
Trị giá thương mại khổng lồ của khu vực cùng với các trữ lượng dầu ngoài biển được khám phá và tiến hành khai thác, làm cho Biển Đông trở thành một kho tàng bảo vật để TQ quyết tâm chiếm lấy.
Theo các nguồn thông tin của nhiều chính phủ của Hoa Kỳ, TQ cũng như EIA, cơ quan Thăm Dò Địa Chất Hoa Kỳ, và Công Ty Dầu China National Offshore Oil Company, phỏng đoán rằng Biển Đông chứa từ 5 tới 22 tỉ thủng dầu, 2.5 ngàn tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên.
Trong khi đó các tài liệu khác cho thấy trữ lượng dầu và khí đốt tại Biển Đông lớn hơn các phỏng đoán trên.
Phỏng đoán trước đây của TQ cho thấy trữ lượng dầu hỏa tại Biển Đông cao tới 213 tỉ thùng, dù nhiều nhà phân tích Tây Phương cho rằng phỏng đoán này có vẻ quá cao. Một thăm dò của Sở Thăm Dò Địa Chất Hoa Kỳ (USGS) vào năm 1993/1994 phỏng đoán rằng tổng số trữ lượng đã được khám phá và các nguồn chưa được khám phá trong các mỏ dầu tại Biển Đông là ở mức 28 tỉ thùng.
Theo phỏng đoán của USGS vào năm 1993/1994 thì trữ lượng khí đốt thiên nhiên tại Biển Đông nhiều hơn dầu hỏa. USGS dự đoán khoảng 60% tới 70% trữ lượng tại Biển Đông là khí đốt với tổng số lên tới 266 ngàn tỉ feet khối.
Công ty dầu quốc doanh TQ là China National Offshore Oil Company (CNOOC) thì phỏng đoán rằng khu vực Biển Đông có trữ lượng 125 tỉ thùng dầu và 500 ngàn tỉ feet khối khí đốt tại các khu vực chưa được khám phá, dù số liệu này chưa được các nghiên cứu độc lập xác nhận.
Dù các phỏng đoán tổng số có khác nhau, khu vực này được cho là chứa lượng dự trữ dầu ít nhất 7.7 tỉ thùng được chứng thực, với nhiều phỏng đoán lạc quan hơn đạt tới 213 tỉ thùng. Đây là một tổng số rất lớn, và nếu là thực, thì sẽ tương đương khoảng 80% lượng dự trữ dầu của Saudi Arabia. Các phỏng đoán khác nhau cho thấy rằng không có đồng thuận được hình thành trên con số.
Theo tiêu chuẩn một mỏ dầu lớn được cho là có trữ lượng trên 500 triệu thùng dầu. Trong trường hợp này, Biển Đông có đủ điều kiện để được xem là một trong các mỏ dầu lớn trên thế giới.
Thế giới có trên 900 mỏ dầu lớn, gồm mỏ dầu Ghawar tại Saudi Arabia, đã sản xuất dầu từ đầu thập niên 1950s. Mỏ dầu này được phỏng đoán có 70 tỉ thùng dầu còn trong trữ lượng.
Mỏ dầu lớn khác là Burgan tại Kuwait được phỏng đoán có 72 tỉ thùng dầu trong trữ lượng. Mỏ dầu lớn khác là Safaniya tại vùng biển của Saudi Arabia nằm trong Vịnh Ba Tư. Nó là mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới và được phỏng đoán có trữ lượng dầu hơn 50 tỉ thùng.
Iraq cũng có 2 mỏ dầu lớn gồm mỏ dầu Rumaila tại miền nam, với trữ lượng 17.8 tỉ thùng dầu, cà mỏ dầu West Qurna-2, với trữ lượng 13 tỉ thùng dầu.
Ngoài ra còn có các mỏ dầu lớn khác tại Trung Đông như ở Iran, và một số mỏ dầu lớn nằm tại Brazil, Mexico, Venezuela, và Nga.
Khí đốt thiên nhiên có thể là nguồn khí hydrocarbon dồi dào và được tìm kiếm nhiếu nhất ở Biển Đông. Dự trữ khí đốt thiên nhiên được phỏng đoán khoảng 266 ngàn tỉ feet khối và chiếm khoảng từ 60 đến 70% nguồn khí hydrocarbon của khu vực. Thật vậy, hầu hết các mỏ hydrocargon được khai thác tại các vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Nam Dương, Mã Lai, Thái Lan, Việt Nam và Phi Luật Tân chứa khí đốt thiên nhiên, không phải dầu hỏa.
Các phỏng đoán của ngồn khí đốt thiên nhiên của khu vực này rất khác xa nhau. Một phỏng đoán của TC đối với trữ lượng khí đốt thiên nhiên của toàn Biển Đông là 2 ngàn triệu triệu feet khối, với hy vọng rằng Bắc Kinh có thể sản xuất 15 tỉ mét khối khí đốt thiên nhiên lỏng một năm. Tuy nhiên các phỏng đoán được báo cáo khác của TC là 225 tỉ thùng dầu hỏa tương đương chỉ riêng tại Quần Đảo Trường Sa. Do đó giả thuyết khả dĩ là tổng nguồn khí đốt tại Biển Đông là 900 ngàn tỉ feet khối. Đây là tương đương với số khí đốt thiên nhiên tại Qatar, nằm trên trữ lượng lớn hàng thứ 3 trên thế giới.
Như được định nghĩa bởi Hiệp Hội International Union of Pure and Applied Chemistry, kim loại đất hiếm là một bộ 17 thành tố hóa học trong bản tuần hoàn, đặc biệt 15 yếu tố kim loại từ lanthanum gồm
scandium và yttrium. Các kim loại này là quan trọng bởi vì chúng cung cấp các thành tố quan trọng trong kỹ thuật thế hệ kế tiếp; mọi thứ từ xe hơi điện, màn ảnh truyền hình phẳng tới các điện thoại thông minh hàng đầu đều có các yếu tố kim loại đất hiếm. Dù lượng đất hiếm sẵn có tại Biển Đông vẫn còn đang xét đoán, số lượng lớn được tìm thấy gần đây bên ngoài bờ biển phía đông của Nhật Bản, và TQ trước đây đã sử dụng độc quyền của họ trên các mỏ quặng để trừng phạt Nhật Bản trong vụ xung đột đảo Senkaku.
Theo nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi Bộ Môi Trường và Nguồn Tài Nguyên Thiên Nhiên Của Phi Luật Tân, Biển Đông chứa 1/3 toàn bộ sự đa dạng sinh học biển và cung cấp khoảng 10% lượng đánh bắt hải sản trên thế giới. Các loài sinh vật biển chính bao gồm cá thu, cá nục đen, cá cơm, tôm, cua và các loài cá nhỏ hơn.
Dựa vào trị giá dầu thô từ 50 tới 100 đô la một thùng (tính theo giá của năm 2017), Hoa Kỳ phỏng đoán trị giá dầu tại Biển Đông là từ 3,000 tới 8,000 tỉ đô la, trong khi TQ thì phỏng đoán trị giá từ 25,000 tới 60,000 tỉ đô la.
Với nguồn tài nguyên về dầu hỏa, khí đốt và hải sản khổng lồ như thế tại Biển Đông, và với nhu cầu phát triển kinh tế, giao thương và mộng trở thành cường quốc cạnh tranh với Mỹ thì chắc chắn TQ không dễ gì từ bỏ tham vọng xâm chiếm Biển Đông.
Tham vọng này của TQ đã, đang và sẽ biến vùng Biển Đông thành thùng thuốc nổ có thể bùng nổ ra bất cứ lúc nào!

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.