Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 15/08/2019

Thursday, August 15, 2019 10:59:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 15/08/2019

Vụ Thủ Thiêm tiếp tục nóng

khi chính quyền “lập lờ” cách giải quyết

Chính quyền không nắm sát thực tế
Tại cuộc họp báo, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM đưa ra nhiều câu hứa như “Thành phố sẽ khắc phục vi phạm Thủ Thiêm, người dân khu 4,3 hecta được bồi thường có lợi” hoặc “Thành phố xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ trên nguyên tắc phù hợp với thực tiễn và được đa số người dân đồng thuận”. Ngoài ra ông Hoan cũng thông báo xoay quanh 5 khu phố 3 phường trong KĐT Thủ Thiêm do kết luận Thanh tra Chính phủ (TTCP vào ngày 26/6/2019) không đề cập đến mà chỉ đề nghị thành phố kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật, nên ngày 15/8/2019, trong cuộc gặp với người dân Thủ Thiêm, lãnh đạo thành phố sẽ xem xét định hướng cụ thể. Ông nói lý do vì bà con quận 2 không làm đơn khiếu nại gửi chính quyền quận 2 nên thành phố chưa có cơ sở giải quyết.
Tuy nhiên, trong thực tế vào ngày 19/7/2019 hàng trăm người dân tập trung tại trụ sở Ban tiếp dân quận 2 nộp hồ sơ khiếu nại về chính sách bồi thường trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Phần đông người dân cho rằng nhà nước bồi thường đất cho dân với giá thấp nhưng giao lại cho doanh nghiệp với giá cao là không hợp lý. Do đó nhà nước phải tính toán hỗ trợ thêm cho dân. Lãnh đạo quận 2 trả lời với truyền thông trong nước rằng, quận 2 đã nhận trên 1.000 đơn khiếu nại. Ông cho biết sở dĩ người dân đổ xô khiếu nại vì thành phố thông báo thực hiện theo kết luận thanh tra cho người dân bị di dời trong dự án này.
Ông Võ Văn Hoan tại buổi họp báo cho biết: Sau hai kết luận 1483 (ngày 4/9/2018) và 1037 (ngày 26/6/2019) của Thanh tra Chính phủ (TTCP), hiện thành phố đã xác định được vị trí khu đất 4,3 ha thuộc một phần Khu phố 1 phường Bình An  khu vực nằm ngoài quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, căn cứ trên các bản đồ mà TTCP đã nêu, thành phố đã làm theo hướng mở rộng trọn ô, trọn thửa đất và phù hợp các điều kiện hiện trạng. Việc này cũng được Thủ tướng, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Xây dựng hướng dẫn; xác định có 331 hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Võ Văn Hoan khẳng định “Mỗi bàn đồ có tỉ lệ khác nhau mà muốn xác định chính xác của nó thì các bản đồ phải được chồng lên nhau, áp vào nhau, phải phù hợp với nhau thì chúng ta mới xác định chính xác. Cho nên bước thứ nhất là số hóa và huy động về một tỉ lệ nhất định, thứ hai quy hoạch bản đồ là chồng các bản đồ lên với nhau từ đó chúng ta quy hoạch và thể hiện lên bản đồ gọi là bản đồ hành chính, có tọa độ, nếu đo đúng 4,3ha thì các hộ dân bị thiệt thòi bởi vì nó hẹp lại.”(trích từ video phát biểu tại họp báo)
Ông Nguyễn Thanh Nhã giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc tại buổi họp báo đã trình chiếu ranh giới khu 4,3 ha và khẳng định cơ sở thống nhất biên bản tại cuộc họp, thành phố đã hoàn chỉnh bản đồ và ban hành quyết định xác định ranh khu vực này là khu phố 1, phương Bình An, quận 2. Đồng thời đã tiếp xúc với 331 hộ dân trong khu vực này, mọi tiếp thu ý kiến, đề xuất về chính sách cơ bản đã được thông qua.
Kết luận 1483 năm 2018 của Thanh tra Chính phủ xác định 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm dựa theo kết luận năm 2008. Tuy nhiên, sau đó, TP lại xác định 4,3 hecta nằm trong ranh quy hoạch. Việc này khiến người dân càng bức xúc, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Trước đó vào đầu tháng 5 năm 2018, chính quyền thành phố HCM đã công khai thừa nhận “chưa tìm thấy” bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm với tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 ngày 4/6/1996 của Thủ tướng. Bản đồ quy hoạch này được xem là tài liệu quan trọng nhất để giải quyết mọi khiếu nại kéo dài của bà con Thủ Thiêm bị thu hồi đất, khiếu nại hơn 20 năm qua.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân Thủ Thiêm có nhà đất bị cưỡng chế và phải khiếu kiện trong nhiều năm và là đại diện cho 71 hộ dân khiếu kiện cho biết:
“Người ta chưa nói thì mình cũng biết người ta nói cái gì rồi, tự nhiên nghĩ ra một cái bản đồ nào đó rồi nói khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch 367, mà bản đồ 367 mất rồi thì căn cứ vào đâu để xác định 4,3 này nằm ngoài ranh, điều hết sức phi lý. Không có bản đồ không có cái gì hết thì căn cứ vào đâu mà bản đồ 367 là mấu chốt thì người ta dấu đi thì giờ căn cứ vào bản đồ nào mà toàn bản đồ họ tự vẽ ra, tự thêu dệt, tự áp đặt là điều không thể chấp nhận được.”
Đồng thời ông Ca cho biết thêm, khi Chính phủ xác định khu 4,3 hecta nằm ngoài ranh quy hoạch thì theo đúng lời ông Nguyễn Thiện Nhân, bí thư thành ủy thành phố HCM có nói rằng nếu xác định ngoài ranh thì người dân có quyền quay về làm nhà. Tuy nhiên trên thực tế, ông Ca nói tiếp:
“Nhưng ngoài ranh người ta vẫn bắt buộc dân phải đi, đi chỗ khác là đi chỗ nào là chỗ người ta thu hồi một loạt quy hoạch của thủ tướng chính phủ theo quyết định 367 coi như ăn cướp rồi rồi giờ lấy đất ăn cướp được bố trí lại cho dân, sai chồng sai mà sai sau lớn hơn trước nữa.”
Trước đây, trong một cuộc họp về Thủ Thiêm, Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng từng khẳng định, quy hoạch chung là năm 1996 về pháp lý đã được thay đổi bằng quy hoạch 2005 do đó dựa vào quy hoạch theo bản đồ 2005, không tìm bản đồ năm 1996 làm gì. Thế nhưng trong cuộc họp báo chiều 14/8, ông Hoan lại kết luận, tổ công tác căn cứ vào hai bản đồ, gồm bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/2000 thiết lập 1997 và bản đồ quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm 1/5000 lập năm 1995 để xác định ranh 4,3ha…
Người dân mong chờ cuộc đối thoại
Cũng tại buổi họp báo, thành phố xác định 13 vấn đề và 22 đầu việc cần phải triển khai, trong đó có việc tạm ứng số tiền hơn 26.000 tỉ đồng từ ngân sách để chi trả bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng.
Kết luận số 1037 đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thu hồi và hoàn trả khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách nhà nước đầu tư không đúng quy định vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm tính đến cuối tháng 9/2018 là hơn 26.300 tỷ đồng. Đồng thời cần sớm có giải pháp huy động vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo nguồn tin từ báo Tiền Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. HCM vào chiều ngày 9/8 đã gửi văn bản khẩn đến Thủ tướng Chính phủ cho rằng các thủ tục quyết toán để có thể thu hồi khoản tiền mà thanh tra chính phủ nhắc đến hiện đang gặp khó khăn, vướng mắc.
Ông Cao Thăng Ca, từng nói với RFA về vấn đề này trong bài “TPHCM có thể hoàn trả 26.000 tỉ tạm ứng sai phạm ở Thủ Thiêm hay không?” đăng ngày 12/8 cho rằng, Ủy ban Nhân dân thành phố hoàn toàn có thể trả số nợ đó vì:
“Hiện nay người ta đã lấy đất gần 200 hecta, bây giờ những vùng đất ngoài quy hoạch người ta đang tổ chức bán đấu giá, cụ thể như lõi trung tâm số 3, số 4 là khu 160 hecta đất tái định cư cho dân người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá, rồi khu lõi trung tâm số 7 là khu ngoài ranh quy hoạch khu Đô thị mới Thủ Thiêm mà trước đây là của trại phong Thanh Bình người ta cũng đang tổ chức bán đấu giá. Bán đấu giá nhiêu đó thì 26.000 tỉ là chuyện rất nhỏ vì thu về cả trăm ngàn tỉ. Bây giờ người ta không muốn trả về cho ngân sách nhà nước người ta nêu lý do như vậy, đã lừa dân rồi bây giờ tính lừa chính phủ nữa.”
Trước khi buổi họp báo diễn ra, rất đông người dân đã có mặt trước cổng trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận 2 nơi diễn ra buổi họp báo để yêu cầu lực lượng chức năng được vào nghe các thông tin của Ủy ban Nhân dân thành phố cung cấp vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ. Tuy nhiên, mọi nổ lực của người dân đều bị cản trở.
Ông Cao Thăng Ca xác nhận sự việc với chúng tôi:
“Người dân đến rất sớm, 1-2g họ đã tới trong khi 4g mới họp báo, nhân dân tập trung tại cổng chính thì họ làm các trạm gác, chính quyền họp báo mà không dám công khai đi vào cửa trước mà đi lòn cửa hậu thì còn gì là chính đáng chính danh nữa, làm đúng thì cứ hiên ngang nói với dân, còn sợ như vậy chính là gian dối.”
Ngoài ra, ông còn cho biết thêm cho dù có buổi gặp mặt người dân vào ngày 15/8 thì đó cũng chỉ là buổi tiếp dân chứ không phải là buổi đối thoại với người dân theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Nhưng cái này cũng chỉ là buổi tiếp dân thôi chứ không phải buổi đối thoại để giải quyết, người ta muốn nói gì nói, anh nào nghe sao nghe, mình hỏi con gà họ trả lời con vịt rồi xong tan hàng, không hề có tranh luận nào, nói gì họ cũng ghi chép cẩn thận lắm, ghi nhận sau đó không có ý kiến gì hết. Chính phủ yêu cầu thành phố tổ chức đối thoại nhưng thành phố không bao giờ dám đối thoại vì đối thoại là có người hỏi, người trả lời và có kết luận và biên bản còn tiếp dân thì không bao giờ có biên bản cả.”
Thành ra, ông cho rằng nếu có buổi tiếp dân thì bà con cũng chỉ cần xác định điểm nào chính đáng mà bà con cần nắm còn các vấn đề liên quan tranh chấp thì yêu cầu chính phủ vào cuộc.
Nhắc lại mốc thời gian đầu khi KĐT Thủ Thiêm được hình thành, theo thông tin từ truyền thông trong nước, vào ngày 17/5/1996, UBND TP xin phê duyệt quy hoạch xây dựng 1/5.000 chức năng của Thủ Thiêm là trung tâm giao dịch, thương mại, tài chính, văn hóa, dịch vụ là đầu mối giao lưu trong nước và quốc tế là khu đô thị mới có cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạ tầng xã hội và nhà ở hiện đại. Cũng trong năm 1996, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐT Thủ Thiêm rộng 930 hecta với 7 phân khu chức năng lần lượt là khu trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ (từ 30-100 tầng) dọc hai trục đại lộ trung tâm Đông – Tây; khu trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế (ở phía nam bán đảo); khu nhà ở cao cấp (phía bắc bán đảo); khu trung tâm văn hóa, du lịch, giải trí, công viên trung tâm; khu trung tâm hành chính; khu tái định cư rộng 160 hecta.
Đến năm 2002, Thủ tướng cho phép UBND TP thu hồi 930 hecta đất để thực hiện dự án KĐT Thủ Thiêm và thành phố đã giao 160 hecta cho quận 2 để xây dựng khu tái định cư. Từ đó, 160ha đất tái định cư cho người dân phải di dời trong dự án KĐT Thủ Thiêm. Tháng 3-2002, UBND TP chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát quỹ đất trên địa bàn quận 2, giao đủ 160 hecta để xây dựng các khu tái định cư trên địa bàn quận 2.
Kể từ thời điểm này, 160 hecta đất tái định cư cho người dân phải di dời trong dự án KĐT Thủ Thiêm bị chia nhỏ thành nhiều dự án ở nhiều phường chứ không còn tập trung “160 hecta ở phía đông giáp ranh quy hoạch” như phê duyệt ban đầu của Thủ tướng.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thu-thiem-continued-to-heat-when-the-government-ignored-the-solution-08142019165310.html

TP HCM gặp 28 hộ dân Thủ Thiêm khiếu kiện kéo dài

Hai mươi tám hộ dân Thủ Thiêm khiếu kiện về những sai phạm đối với gia đình họ khi cơ quan chức năng Thành phố Hồ Chí Minh triển khai dự án Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm cách đây hơn 20 năm, lại có cuộc tiếp xúc với đại diện chính quyền vào chiều ngày 15 tháng 8.
Đây là những hộ dân nhiều lần phải ra đến tận các cơ quan Trung ương ở Hà Nội để khiếu kiện với nội dung được cho biết là nhà của họ nằm ngoài ranh qui hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cuộc tiếp xúc diễn ra tại Trung Tâm Bồi Dưỡng Chính Trị Quận 2, và tham gia có ông phó chủ tịch UBND TpHCM Võ Văn Hoan, trưởng ban tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp, đại diện Thanh tra Chính phủ. Ngoài ra còn có lãnh đạo các sở, ban ngành và đại diện UBND Quận 2.
Tin cho biết cuộc tiếp xúc lần này được thực hiện theo chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình, phó thủ tướng thường trực chính phủ Hà Nội.
Ông Cao Thăng Ca, một người dân khiếu kiện nhiều năm và cũng là một trong những người được vào trong cho biết, chỉ có 28 hộ dân có mặt tại Hà Nội mới được vào còn lại ở ngoài hết và buổi tiếp xúc dân hôm nay vỡ trận.
“Trong buổi tiếp xúc ngày hôm nay, ông phó chủ tịch Võ Văn Hoan muốn thông qua kết luận 5 khu phố ngoài ranh quy hoạch 3 phường, thì ông muốn 5 khu phố này ngoài ranh Thủ Thiêm và người dân phản ứng quá và thứ hai là tổ chức tiếp xúc mà không cho báo đài của người dân mời vào mà chỉ có báo đài thuộc hệ thống của chính quyền mới được vào thôi, người dân phản ứng quyết liệt rồi ổng (phó chủ tịch) sơ hở một số vấn đề nên không dám tiếp tục nữa và ngưng toàn bộ cuộc đối thoại lại.
Tôi có nói là tôi rất cám ơn ông phó chủ tịch vì ông rất là can đảm dám ra một kết luận mà đi ngược lại luật pháp, ông can đảm nhận trách nhiệm dùm các cấp tiền nhiệm và chịu những hậu quả của các cấp tiền nhiệm. Chắc chắn khi ông ra kết luận này thì chúng tôi có cơ sở, tên tuổi rõ ràng để xin khởi tố vụ án hình sự đối với ông. Tôi nói ông chỉ là con tốt thí thôi nên ổng bắt lỗi tôi là ông Ca xúc phạm tôi nhưng tôi không bắt ông xin lỗi đâu.”
Ngoài ra, ông Ca còn cho hay, thành phố giải quyết không căn cứ vào luật pháp mà tự nhiên tuyên bố cho 5 khu phố vào ranh mà theo kết luận thanh tra 1483 của Chính phủ đã nói rất rõ 5 khu phố ngoài ranh khu đô thị mới Thủ Thiêm rồi mà thành phố HCM vẫn nhét vào trong ranh nên người dân bức xúc
Vào chiều ngày 14 tháng 8, UBND thành phố HCM cũng tiến hành cuộc họp báo thông tin về công tác triển khai kế hoạch của thành phố trong việc thực hiện các thông báo và kết luận của Thanh Tra Chính Phủ mới nhất liên quan sai phạm của dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hcmc-peoples-committee-meet-with-28-long-petitioning-households-in-thu-thu-thiem-08152019083851.html

Hai Bộ trưởng bị chất vấn về 5 dự án đường sắt đô thị

bị đội vốn trên 80.000 tỷ

Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bị truy trách nhiệm về 5 dự án đường sắt đô thị bị đội vốn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/8.
Báo trong nước loan tin trong cùng ngày.
Trong buổi họp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình nêu lên thực trạng chậm tiến độ, bị đội vốn khi triển khai 5 dự án đường sắt sử dụng vốn vay ODA tại Hà Nội và Sài Gòn.
Từ đó, ông Bình yêu cầu Bộ trưởng Tài chính giải thích để xem trách nhiệm thuộc về bên nào, đồng thời cần thêm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bổ sung thêm thông tin về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi ông Bình đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá trách nhiệm trước hết do các chủ đầu tư vì đã giao dự toán và kế hoạch chậm khiến giải ngân chậm. Thêm vào đó, quá trình điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng cũng kéo dài tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng trách nhiệm cũng thuộc về các bộ ngành liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính nhận định các dự án đầu tư công đang bị cách quản lý chồng chéo bởi các ban ngành. Theo Luật quản lý nợ công sửa đổi, Bộ Tài chính chỉ được giao đàm phán, ký kết các hiệp định trong khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại nhận trách nhiệm phân bổ, chủ trương đầu tư…
Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân các dự án đường sắt chậm tiến độ do “năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp với dự án đường sắt đô thị đầu tiên Việt Nam thực hiện”.
Thống kê từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra cho thấy 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM hiện đang đội vốn hơn 81.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án ở TP HCM là tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương tăng vốn đầu tư so với phê duyệt ban đầu nhiều nhất, hơn 51.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Hà Nội, 3 dự án Nhổn – Ga Hà Nội; Cát Linh – Hà Đông; và Yên Viên – Ngọc Hồi bị đội vốn gần 30.000 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-ministers-questioned-ab-5-urban-railway-projects-w-unexpectedly-increasing-investment-capital-08152019083400.html

Hàng chục ngàn máy tính ở Việt Nam

có nguy cơ bị tấn công

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 22.000 máy tính ở Việt Nam có nguy cơ bị tấn công bởi lỗ hổng trong dịch vụ Remote Desktop do mở cổng Remote Desktop Protocol (TCP 3389). Báo chí trong nước đồng loạt loan tin hôm 15/8/2019.
Cụ thể, hiện có hai lỗ hổng, điểm yếu an toàn thông tin mới được công bố, tồn tại trong dịch vụ truy cập máy tính từ xa (Remote Desktop Services) của Hệ điều hành Windows là CVE-2019-1181 và CVE-2019-1182.
Hai lỗ hổng này cho phép tấn công từ xa để cài cắm mã độc và kiểm soát hệ thống. Khi đã có 1 máy trong mạng bị cài cắm mã độc thì các máy khác trong cùng vùng mạng cũng có thể bị khai thác và cài cắm mã độc một cách tự động.
Các lỗ hổng này Microsoft đã phát hành bản vá ngày 13/8/2019. Ngoài ra còn một số lỗ hổng khác trên dịch vụ Remote Desktop (CVE-2019-1222, CVE-2019-1223, CVE-2019-1224, CVE-2019-1225, CVE-2019-1226) cũng cho phép thực thi mã lệnh đã được Microsoft công bố và phát hành bản vá.
Các phiên bản bị ảnh hưởng là Windows 10, Windows 7 SP1, Windows Server 2008 R2 SP1, Windows Server 2012, Windows 8.1, Windows Server 2012 R2. Trong đó, Windows 10 hiện là phiên bản hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới.
Tờ VietnamNet hướng dẫn cho người dùng cách vá lỗ hổng tự động bằng cách bật sẵn chế độ cập nhật tự động. Người dùng cũng có thể cập nhật bằng tay bằng cách vào Setting > Update & Security > Windows Update.
Cục An toàn thông tin cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện cập nhật bản vá ngay cho các điểm yếu lỗ hổng này để bảo đảm an toàn thông tin và phòng, chống các cuộc tấn công nguy hiểm. Đặc biệt nên hạn chế tối đa việc mở cổng dịch vụ Remote Desktop.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/thousands-of-computers-in-vn-may-be-hacked-08152019083024.html

Thẩm phán nhiều lần mua dâm

lại được làm chủ tọa xử án hiếp dâm

Tin Vietnam.-  Báo VTC ngày 14 tháng 8 năm 2019 loan tin, ông Nguyễn Văn Bằng, thẩm phán tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk là nhân vật đang làm dậy sóng dư luận người dân trong tỉnh. Ông này vừa ngồi ghế chủ tọa, xét xử sơ thẩm vụ án hiếp dâm, trong khi ông Bằng từng là người “nổi tiếng” là đảng viên trong clip thực hiện mua dâm.
Trước đó, vào năm 2015, ông Bằng lúc này là chánh án tòa án huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk đã bị một người dân tố cáo có hành vi mua dâm. Kèm theo đơn tố cáo là một đoạn video dài 35 phút, có nội dung ông Bằng là nhân vật chính của vụ mua bán dâm. Nội dung trong tố cáo cũng cho biết, từ năm 2008 đến năm 2011, ông Bằng đã nhiều lần vào nhà nghỉ do vợ của người thực hiện tố cáo làm chủ để mua dâm. Trong những lần ông Bằng đi mua dâm, vợ người tố cáo đã quay lại clip ông đảng viên đi mua dâm.
Sau khi bị tố cáo, ông Bằng đã có văn bản giải trình và xác nhận bản thân là nhân vật chính trong đoạn video mua dâm. Vì vậy, ông Bằng đã bị cơ quan chức năng kỷ luật bằng cách điều chuyển từ tòa huyện lên tòa án tỉnh làm việc. Nguyên nhân của việc kỷ luật được cơ quan chức năng đưa ra là giúp ông Bằng nhìn lại sai sót để khắc phục, sửa chữa. Còn người quay clip bị xử phạt tù 5 năm về tội chứa mại dâm.
Vụ án trên từng gây xôn xao dư luận, và nay lại được khơi lại. Vào ngày 12 tháng 8 vừa qua, ông Bằng là chủ tọa trong phiên tòa sơ thẩm, xét xử bị cáo Quách Văn Long, 18 tuổi, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk phạm tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/tham-phan-nhieu-lan-mua-dam-lai-duoc-lam-chu-toa-xu-an-hiep-dam/

Vingroup bị tố

nhập điện thoại Meizu Trung Cộng về bán giá cao

Tin từ Việt Nam, ngày 15/8/2019: Tập đoàn Vingroup của tỷ phú dollar Phạm Nhật Vượng dường như đã nhập điện thoại Meizu 16Xs của Trung Cộng rồi thay đổi một chút và mang bán trên thị trường Việt Nam với giá cao hơn.
Điện thoại Vsmart Live của Vingroup gần như giống y chang Meizu 16Xs về ngoại hình, cấu hình và tính năng tương đồng. Cả hai đều sở hữu chip Snapdragon 675, màn hình AMOLED 6.2 inch không tai thỏ, cảm biến vân tay dưới màn hình, cụm 3 camera 48MP, pin 4000mAh và thiết kế mặt lưng nhựa đổi màu. Hai mẫu máy này chia sẻ chung thiết kế phần cứng bên trong, từ bảng mạch, các connector cho đến cả con ốc vít.
Chúng chỉ có hai điểm khác biệt là display vùng camera phía sau, và pin của Meizu 16Xs gồm toàn các ký tự Trung Quốc, còn của Vsmart là tiếng Anh.
Vsmart Live được rao bán với giá gần 7 triệu đồng/chiếc so với giá của sản phẩm Trung cộng là 5,7 triệu.
Trả lời về tố cáo này, Vingroup khẳng định Vsmart là thương hiệu smartphone Việt của Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất VinSmart, trực thuộc tập đoàn này, được sản xuất tại nhà máy ở Hải Phòng. Vingroupcho biết cả Vsmart và Meizu đều có chung một nhà thiết kế IDH (Independent Design House) và là hai đồng sở hữu của thiết kế này.
Đại diện của Vingroup khẳng định Vsmart khác biệt so với Meizu ở phần mềm và quy trình sản xuất: Meizu dùng hệ điều hành Flyme OS còn Vsmart dùng hệ điều hành VOS 2.0 do các kỹ sư Việt Nam phát triển. Không chỉ có vậy, toàn bộ quá trình sản xuất Vsmart được triển khai tại nhà máy tại Hoà Lạc, còn Meizu không tự sản xuất.”
Đây là sản phẩm gây tai tiếng thứ 2 của Vingroup.
Tháng trước, Vingroup ra mắt Vinfast Fadil, loại xe 4 bánh được lai tạo từ nhiều chi tiết của nước ngoài. Nhiều người phàn nàn rằng xe bị hỏng hóc chỉ một thời gian ngắn bắt đầu vận hành.Công nhân viên của Vingroup bị buộc phải mua xe Vinfast Fadil và khi họ rao bán trên mạng liền bị Phạm Nhật Vượng sa thải.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/vingroup-bi-to-nhap-dien-thoai-meizu-trung-cong-ve-ban-gia-cao/

Trộm đột nhập văn phòng của nhiều quan chức ở Bắc Giang

Tin từ Bắc Giang, ngày 15/8/2019: Theo Báo Giao Thông,  trong thời gian gần đây liên tục xảy ra việc kẻ gian đột nhập văn phòng của quan chức cấp huyện ở tỉnh Bắc Giang để trộm cắp tài sản.
Theo công an địa phương, tuần trước phòng làm việc của bà Nguyễn Thị Hoa, bí thư huyện ủy Hiệp Hòa và ông Ngô Tiến Dũng, chủ tịch uỷ ban huyện, bị kẻ trộm phá khoá và đột nhập. Theo hình ảnh ghi lại từ camera thì kẻ đột nhập là nam giới đeo khẩu trang che kín mặt.
Công an Bắc Giang cho biết từ đầu năm đến nay có 10 vụ đột nhập vào trụ sở cơ quan nhà nước, bao gồm vụ phòng làm việc của ông Thân Văn Dàn, bí thư huyện ủy Lục Nam, bị đột nhập ngày 29/7 còn trụ sở hội đồng và uỷ ban huyện Yên Thế bị trộm lục soát vào đêm 14/6, lấy đi tổng tài sản trị giá 50 triệu đồng.
Việc trộm đột nhập văn phòng của quan chức xảy ra ở nhiều địa phương như Hải Dương, Dak Lak, Quảng Bình… Nạn nhân thường không dám khai mất tiền vì không thể giải trình nguồn gốc số tiền, thường là từ hối lộ.
Nguyễn Tiến Quân, một trong những kẻ trộm như vậy, đã bị tuyên án 10 năm tù giam. Y từng đột nhập và ăn trộm 350 triệu đồng từ văn phòng của bí thư tỉnh uỷ Hà Tĩnh và phó chủ tịch tỉnh và một số quan chức cấp huyện.
Tháng trước, Phạm Văn Khoa, sống ở Hà Nội, đã bị bắt giữ sau khi thực hiện nhiều vụ đột nhập văn phòng làm việc của quan chức tỉnh Bắc Giang, Lào Cai, Hưng Yên và lấy đi tài sản trị giá hàng trăm triệu đồng.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/trom-dot-nhap-van-phong-cua-nhieu-quan-chuc-o-bac-giang/

Thêm hai thứ trưởng công an,

trong đó có người đang bị tố cáo sai phạm

Theo tin từ trong nước, tại lễ công bố, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ công an Đại tướng Tô Lâm đã trao quyết định cho Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công An và thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Cục trưởng cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu, bổ nhiệm cả hai thành tân Thứ trưởng.
Liên quan đến tân Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, dư luận không khỏi thắc mắc khi vừa mới đây, ngay sau cái chết của đại gia Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, trên mạng xã hội đã loan truyền đơn gửi đến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các nguyên Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị tố cáo tân Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc.
Trong đơn tố cáo, người tố cáo cho biết là người làm lâu năm tại Trại 771 và trực tiếp chứng kiến quá trình ông Trần Bắc Hà bị tạm giam, tuyệt thực và chết tại trại giam 771-Bộ Quốc Phòng. Người tố cáo chỉ đích danh trách nhiệm về cái chết của ông Trần Bắc Hà có liên quan đến Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc –Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng kinh tế buôn lậu –Bộ Công an (cục C03).
Ngày 1/8, tại cuộc họp Chính phủ, báo chí cũng có đặt vấn đề về nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà và Trung tướng Lương Tam Quang đã cho biết, sau khi nhận được thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã phối hợp với Cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng xác minh. Ông nói hiện Cục điều tra hình sự Bộ Quốc Phòng đang chủ trì khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ông Trần Bắc Hà, khi nào có thông tin chính thức, Bộ Công an sẽ thông báo đến các cơ quan báo chí.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/two-newly-appointed-police-deputy-ministers-one-of-them-being-accused-of-wrong-doings-08152019084600.html

Việt Nam tiếp tục siết chặt mạng xã hội

Trong báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ Việt Nam cho biết vừa yêu cầu Facebook gỡ bỏ hơn 200 link bài viết, được cho là có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý vấn đề phát tán thông tin sai sự thật trên Facebook và Youtube…
Siết chặt kiểm soát
Cũng như trước đây, nhà cầm quyền Việt Nam không nêu rõ, như thế nào là chống phá Đảng, Nhà nước, cũng như quy chuẩn nào để xác định đâu là thông tin sai sự thật.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với RFA hôm 14/8 từ Hà Nội cho rằng, nếu là vấn đề tin giả, tin thất thiệt, thì việc các nhà cung cấp như Facebook phải có các chính sách và biện pháp quyết liệt với các tin giả là rất cần thiết. Đây là vấn đề chung của cả thế giới, chứ không chỉ Việt Nam. Tuy nhiên, ông nói tiếp về tình hình thực tế của Việt Nam hiện nay:
“Nhưng vấn đề Việt Nam còn trầm trọng hơn, đó là thông tin mà người ta gọi là chống phá đảng và nhà nước. Những thông tin như thế là những thông tin nói lên sự thật, phê phán đảng cộng sản Việt Nam, chính quyền Việt Nam… việc đấy là cần thiết cho một xã hội lành mạnh, và bản thân đảng cộng sản Việt Nam và nhà nước cũng cần những thông tin như thế để tự sửa mình. Nhưng mà người ta lại liệt những thông tin như vậy là thông tin chống phá, và rất đáng tiếc là chính quyền đã ép được Facebook gỡ những thông tin như thế.”
Đây không phải lần đầu tiên Google và Facebook thực hiện yêu cầu xóa link bài của chính quyền Việt Nam. Vào năm 2018, theo thông tin từ Bộ thông tin và truyền thông công bố, Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 4.500 video theo yêu cầu của VN, Facebook cũng đã xóa bỏ 107 tài khoản bị cho là giả mạo và 159 tài khoản bị cho là nói xấu, bôi nhọ, tuyên truyền chống nhà nước.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già, người từng bị khóa tài khoản Facebook trong thời gian dài, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này:
“Tôi cho rằng chính quyền đang siết chặt kiểm soát ngày một khắt khe hơn, còn chuyện Facebook tuân thủ họ (VN-pv) thì không có gì khó hiểu, vì làm ăn kinh doanh trên đất nước nào thì tuân thủ pháp luật đất nước đó. Tuy nhiên pháp luật ở đây chúng ta phải nhấn mạnh đó là một pháp luật văn minh, một pháp luật để giữ trật tự, để bảo vệ người dân. Chứ không phải là pháp luật theo kiểm nhà cầm quyền Việt Nam, như câu nói của họ: ‘những gì có lợi cho cách mạng thì cứ làm, làm bậy làm luôn, làm ác làm luôn’, câu đó có từ thời Hồ Chí Minh. Diễn giải trong luật pháp hiện nay về vấn đề Facebook, thì tôi không có gì ngạc nhiên, bởi vì đó là lập luận theo thành ngữ của Việt Nam: ‘gà què ăn quẩn cối xay’.”
Nhưng như thế nào là ‘chống phá’? Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cố tình phớt lờ, vì về triết lý của luật pháp, phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả, vì hình sự là phải chứng minh được hậu quả, phải cho thấy được nguyên nhân, các tổn hại, thiệt hại, thì mới gọi là hình sự. Ông nói tiếp:
“Ở đây họ cứ nói chung chung là chống phá, và họ cứ ghép tùy tiện cái họ yêu thích, hay ghét, hay muốn bắt ai đó, thậm chí họ sử dụng để đấu đá nội bộ. Ví dụ như nhà báo Trương Duy Nhất, trước đây ông Trương Duy Nhất là người của Nguyễn Bá Thanh, và trong vấn đề đấu đá thì rõ ràng chúng ta thấy ông Nhất đã bị xử tội 258. Và mãi sau này cũng rất là nhiều người bị như vậy.”
Những yêu cầu vô lý
Cũng trong báo cáo gởi Ủy ban Thường vụ Quốc hội của Chính phủ Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đến thời điểm hiện tại, Google đã ngăn chặn hơn 7.000 video clip, gỡ 19 kênh có nội dung được cho là xấu độc trên mạng xã hội YouTube và gỡ 58/63 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên kho ứng dụng Google Play.
Ngoài ra, Facebook cũng đã gỡ bỏ 208/211 tài khoản bị cho là giả mạo, 2.444 link rao bán, quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp, hơn 200 link bài viết bị cho là sai sự thật có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game cờ bạc.
Facebooker Thái Văn Đường, người từng bị xóa nhiều bài viết một cách vô lý, cũng như bị khóa tài khoản Facebook của mình, đưa ra nhận định với RFA liên quan vấn đề này hôm 14/8:
“Thật sự theo tôi, không phải Facebook trực tiếp can thiệp gỡ các bài viết. Vì ở Việt Nam hiện nay đang có 5 công ty làm đối tác cho Facebook, là những công ty làm quảng cáo thôi, thế nhưng trong các công ty này có 2 công ty là sân sau của an ninh là Vinalink và Yeah1. Có nghĩa là, nếu gỡ bài hay mở khóa tài khoản, thì họ đều liên lạc các công ty đối tác này làm.”
Anh Thái Văn Đường đưa ra ví dụ của anh khi những bài viết trên facebook bị gỡ bỏ một cách vô lý:
“Chẳng hạn bài tôi đăng hôm 30 về cưỡng chế đất, thì họ lấy cớ là video mang tính chất bạo lực, và gỡ bay cái bài đó. Cái đấy là minh chứng thôi, thực tế có rất nhiều bài Facebook gỡ rất vô lý. Chẳng hạn tin của tôi rất thật, nhưng họ đưa ra một cái giả khác để dẫn dắt nói rằng tin em nói là không thật… Họ dùng một lượng lớn các tài khoản để báo cáo tin em là giả, thì thuật toán Auto của Facebook sẽ tin và xóa bài viết hay khóa trang Facebook đó.”
Khi báo cáo Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết đã chính thức đưa vào hoạt động Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, giám sát khoảng 100 triệu thông tin tiếng Việt công khai được tạo ra mỗi ngày trên mạng, để kịp thời có biện pháp xử lý.
Trong khi liên tục yêu cầu Facebook xóa tài khoản một cách vô lý, thì Bộ Thông tin và Truyền thông lại đề nghị Facebook triển khai cấp nhanh xác thực (blue tick) cho các fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức… Nhưng đồng thời lại yêu cầu Facebook chỉ được cho phép thành lập fanpage chính thức của một số cơ quan khi có sự đồng ý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhận xét về việc hợp tác của Facebook với chính quyền Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, Facebook nên gạt bỏ, xóa những thông tin giả, thất thiệt, còn như thế nào là giả thì bản thân Facebook phải có những tiêu chí riêng tương đối khách quan để phê duyệt chuyện đấy. Còn những thông tin mà chính quyền Việt Nam cho rằng chống phá đảng và nhà nước, thì Facebook phải có một thái độ rất cương quyết là không thể chấp nhận.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Già đưa ra ý kiến của mình:
“Bởi vì người cộng sản không có luật pháp rõ ràng văn minh, và đúng chuẩn mực quốc tế, vì vậy Facebook, Google… chắc là cũng khó khăn. Tuy nhiên tôi nghĩ họ nên đứng về phía người dân yêu chuộng tự do dân chủ, chỉ cất lên tiếng nói ôn hòa, để mà đòi thay đổi xã hội Việt Nam.”
Luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và có hiệu lực vào ngày 1/1/2019. Luật này qui định nhà cung cấp dịch vụ phải công bố những thông tin cá nhân người dùng nếu được lực lượng an ninh Việt Nam yêu cầu. Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng, luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện ôn hòa.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-continues-strengthening-its-control-via-social-media-08142019142009.html

VN muốn xây dựng MXH nội

để ‘kéo não’ người Việt ở lại trong nước

Phản ứng trước mục tiêu của chính quyền Việt Nam dùng mạng xã hội nội địa để “kéo não” người Việt ở lại trong nước, các nhà hoạt động cho tự do báo chí nói với VOA rằng tham vọng của Hà Nội khó thành hiện thực.
Hôm 15/8, tại một phiên chất vấn ở Quốc Hội được đài VTV tường thuật trực tiếp, Bộ Trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tình trạng mạng xã hội (MXH) ngoại thống lĩnh hiện nay giống như người Việt để “não” của mình ở nước ngoài và đặt mục tiêu đến năm 2020 và chậm nhất là năm 2021 phải cân bằng lại, kéo giữ 50% “não” của người Việt ở trong nước.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng nói:
“Nếu như Việt Nam không có MXH cho chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, nghĩ, đọc… đều được lưu trữ ở nước ngoài. Nói vui thì ví như não của người Việt Nam ở nước ngoài.
“Chúng ta đặt mục tiêu xây dựng MXH ở trong nước để làm sao MXH trong nước có số người dùng tương đương với MXH nước ngoài, để não người Việt Nam phân tán đều.
“Có thể vào năm 2020, hoặc chậm nhất là vào năm 2021, chúng ta đạt được 50-50.”
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nêu nhận định về phát biểu của ông Nguyễn Mạnh Hùng:
“Họ muốn kiểm soát luồn thông tin trên MXH nên họ đã đưa ra rất nhiều tuyên bố rằng muốn có MXH để làm sao kiểm soát, nắm giữ thông tin, bí mật của người dùng ở Việt Nam.
“Các kế hoạch, mục tiêu chỉ là tuyên bố, chứ thực sự tôi nghĩ rằng trình độ và khả năng của chính phủ Việt Nam trong việc kiểm soát MXH là không thể.”
Cùng ý kiến như vậy, nhà báo Đường Văn Thái, hiện đang tị nạn ở Thái Lan, nói: “Về truyền thông thì báo chí chính thống ở Việt Nam đã lép vế so với MXH,” do đó nhà nước có chủ trương xây MXH như là một công cụ để truyên truyền, định hướng dư luận trong nước.
Ông Thái nhận định rằng nhà nước sẽ tăng cường kiểm duyệt nội dung trên MXH, ngay cả khi người đăng bài không ở trong nước.
“Ở Việt Nam mặt báo chính thống đã lép vế so với MXH.
“Có những thông tin chúng tôi đưa ra có chứng cứ, phản ánh sự thật, nhưng họ cho rằng không đúng.
“Mạng Facebook bị chỉ đạo để lọc những bài viết nhạy cảm, liên quan đến chính trị, lãnh đạo cao cấp… hoặc họ dùng các nick ảo vào comment, chửi bới.
“Hiện tôi đang bị report, treo nick trong 30 ngày, coi như là bị bịt miệng.”
Truyền thông quốc tế nhận định rằng Việt Nam gần đây đã đưa ra một loạt đòi hỏi đối với các tập đoàn công nghệ quốc tế, như đòi Facebook và Google xóa những thông tin ‘xấu độc’, đóng các trang mạng được cho là nói xấu, chỉ trích nhà nước hay các quan chức, hay đòi các công ty công nghệ cung cấp thông tin của người dùng theo yêu cầu của phía Việt Nam, những điều có thể đi ngược lại tôn chỉ hoạt động ban đầu của các công ty này.
Tạp chí Asia Nikkei Review hôm 14/8 dẫn lời Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Yusof Ishak ở Singapore (ISEAS), bày tỏ hoài nghi về tham vọng của Hà Nội trong việc cạnh tranh với Facebook.
Tiến sĩ Hiệp nói: “Tôi không tin là Việt Nam có khả năng phát triển các nền tảng truyền thông xã hội khả thi để có thể cạnh tranh với các tay chơi toàn cầu như Facebook và Google.”
“Chừng nào mà còn Facebook và Google, thì các nền tảng truyền thông xã hội nội địa không thể là chọn lựa tối ưu của người sử dụng Việt Nam,” ông Hiệp nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lân Thắng nói những tuyên bố kiểu “hô hào” của Việt Nam chủ yếu nhằm để được duyệt ngân sách.
“Ở Việt Nam thường hay tuyên bố rất là ‘ghê,’ phần nhiều có liên quan đến vấn đề ngân sách.
“Họ ‘hô’ như vậy để được phân bổ ngân sách, để làm việc này, việc kia. Chuyện nói và chuyện làm được hay không và hai việc hoàn toàn khác nhau!”
Từ khi Facebook vào thị trường Việt Nam cho đến năm 2017, Hà nội đã cấp hơn 300 giấy phép cho các mạng xã hội nội địa, nhưng số mạng xã hội thực sự hoạt động chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trang Asia Nikkei Review nhận định.
https://www.voatiengviet.com/a/vn-muon-xay-dung-mxh-noi-de-keo-nao-nguoi-viet-o-lai-trong-nuoc/5043503.html

YouTube, Facebook

đã tuân thủ tốt hơn yêu cầu của Việt Nam

Các công ty Facebook, Google đã tuân thủ tốt hơn các yêu cầu từ phía chính phủ Việt Nam.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8.
Theo ông Hùng, đấu tranh với các mạng xã hội nước ngoài là nan giải, vì họ chưa có văn phòng đại diện tại Việt Nam, chưa đóng thuế, chưa thực thi luật pháp…
Tuy nhiên, theo vị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, đối với công ty Facebook, cho đến nay tỷ lệ thực hiện yêu cầu của chính quyền Việt Nam là từ 70-75%, tăng nhiều hơn  30% so với trước đây. Còn mức độ hợp tác của YouTube theo ông Hùng là tuân thủ tốt hơn, khoảng 80-85% so với 60% trước đây. Apple trước đây gần như không thực hiện yêu cầu nào, thì gần đây tỷ lệ thực hiện đã đạt 75%.
Cũng trong buổi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khi nói đến hệ sinh thái truyền thông số của Việt Nam, cho biết: “Chúng ta đặt vấn đề xây dựng mạng xã hội Việt Nam bởi ‘không có mạng xã hội của chính mình thì tất cả những gì chúng ta nói, chúng ta nghĩ, thậm chí chúng ta mua bán đều được lưu trữ ở nước ngoài’. Hiện những thông tin mà họ thu thập được mới dùng để quảng cáo, nhưng trong trường hợp đặc biệt dùng vào việc khác và có thể nguy hiểm đến an ninh.”
Ông Hùng dẫn chứng, hiện nay các mạng xã hội Việt Nam có 65 triệu thuê bao. Một năm qua, mức tăng trưởng của mạng xã hội này khoảng 30%. Với tốc độ tăng trưởng đó, có thể khoảng năm 2020 hoặc chậm nhất năm 2021, tỷ lệ mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương với mạng xã hội nước ngoài.
Cũng tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15/8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tin tiêu cực trên mạng giảm xuống dưới 10%.
Ông Hùng cho biết thêm sau một năm nhận nhiệm vụ Bộ trưởng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đầu tư, xây dựng vận hành trung tâm giám sát an toàn mạng quốc gia. Trung tâm này có hai chức năng gồm giám sát các cuộc tấn công mạng vào Việt Nam và giám sát thông tin trên không gian mạng.
Vị Bộ trưởng khẳng định, khả năng xử lý tin của trung tâm này là 100 triệu tin mỗi ngày và có thể phân loại, đánh giá được tỷ lệ thông tin tiêu cực, tích cực. Trước đây, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên mạng đánh giá là trên 30%, hiện nay nhờ có tác động điều chỉnh, các tiêu cực cơ bản nằm dưới 10%.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/youtube-and-facebook-complied-better-than-the-vietnamese-governments-request-08152019094755.html

Bộ công an Việt Nam và Google mở rộng hợp tác

Bộ Công an Việt Nam và công ty Google nghiên cứu tăng cường hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
TTXVN loan tin vừa nêu hôm 15/8/2019.
Tại buổi tiếp ông Ted Osius, Phó Chủ tịch Chính sách công và Quan hệ Chính phủ của Google tại châu Á-Thái Bình Dương hôm 15/8 ở Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ Công an Việt Nam luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Google, đầu tư hợp tác lâu dài tại Việt Nam.
Qua đó, ông Tô Lâm đề nghị thời gian tới, Bộ Công an Việt Nam và Google tiếp tục nghiên cứu mở rộng hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Đáp lại, ông Ted Osius cho biết cũng mong muốn Google tiếp tục hợp tác có hiệu quả với Bộ Công an Việt Nam, góp phần củng cố mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.
Cũng trong cùng ngày, Google và Bộ Công thương đã chính thức thiết lập quan hệ chiến lược để mở rộng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0. Qua chương trình này, google mong muốn cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-security-and-google-expand-cooperation-08152019080142.html

Bỏ các loại Quỹ ngoài ngân sách –

Chống thất thoát & “móc túi” dân

Thanh Trúc, RFA
Nghiên Cứu để loại bỏ ngay hoặc giữ lại những qũy tài chính ngoài ngân sách Nhà Nước là đề nghị mới đây nhất của Đoàn Giám Sát thuộc Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Việt Nam.
Không hiệu quả thì bỏ
Theo nguồn từ báo chí trong nước thì chiều ngày 13 tháng Tám Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập trong giai đoạn 2013-2018.
Chuyên gia tài chính Ngô Trí Long giải thích:
Những qũy này không phải từ tiền ngân sách nhà nước mà tiền từ các tổ chức doanh nghiệp và của người dân đóng góp vào, thí dụ như Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá thì nó trích bao nhiêu phần trăm không phải từ ngân sách.
Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách là công việc đúng và cần thiết, là nhận định của đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc:
Có lẽ chỉ những người giám sát trực tiếp và có nghiệp vụ thì mới phát hiện được một là không có hiệu quả, không hiệu quả thì có thất thoát. Vì thế mà tôi cho việc giám sát này liên quan đến tiền bạc ngân sách trong bối cảnh cơ chế đẻ ra rất nhiều yếu tố lỏng lẻo trong quản lý và kẽ hở của luật pháp dẫn đến thất thoát. – Ông Dương Trung Quốc
Đó là kết quả một cuộc giám sát trong bối cảnh ngân sách công hay đầu tư công đang được siết chặt. Vả lại khi thành lập những qũy ấy tất nhiên có nhiều lý do để cho là cần thiết, nhưng mà lẽ ra  nó chỉ cần thiết ở thời điểm nào đó thôi và phải được giám sát một cách chặt chẽ.
Có lẽ chỉ những người giám sát trực tiếp và có nghiệp vụ thì mới phát hiện được một là không có hiệu quả, không hiệu quả thì có thất thoát. Vì thế mà tôi cho việc giám sát này liên quan đến tiền bạc ngân sách trong bối cảnh cơ chế đẻ ra rất nhiều yếu tố lỏng lẻo trong quản lý và kẽ hở của luật pháp để mà thất thoát.
Trong báo cáo kết quả giám sát, chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính –Ngân Sách trong quốc hội, ông Nguyễn Đức Hải, cũng khẳng định việc giám sát nhằm xem xét hiệu quả từ các qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được lập ra trong quá trình cải cách kinh tế giai đoạn 2013 đến 2018.
Kết quả giám sát cho thấy do trước nay chưa có cơ quan nào từ Trung Ương đến địa phương giữ trách nhiệm thống nhất quản lý, vì thế nhiều mặt tồn tại và hạn chế đã phát sinh khi thực hiện chính sách, pháp luật  liên quan đến các qũy tài chính ngoài ngân sách đó.
Mặt khác, vẫn lời ông Nguyễn Đức Hải, nguồn tài chính hình thành các qũy này còn nhiều bất cập, chưa bảo đảm hoạt động độc lập với ngân sách, Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc thể hiện chức năng, nhiệm vụ của các qũy tài chính ngoài ngân sách có dấu hiệu trùng lặp trong lúc hiệu quả hoạt động không cao.
Thuế chồng thuế là sai
Dưới mắt chuyên gia tài chính Ngô Trí Long, việc loại  bỏ nhiều loại qũy tài chính ngoài ngân sách, trong đó có Qũy BảoTrì Đường Bộ, Qũy Phòng Chống Thiên Tai chẳng hạn, là một đề nghị  cần thiết: :
Về quan điểm là hoàn toàn đúng, nhưng phải xét cụ thể từng loại một. Thứ nhất mục đích của qũy là gì, có nên lập qũy đó hay không. Vấn đề thứ hai là nguồn thu của qũy từ đâu, và cái thứ ba là vấn đề sử dụng qũy đó ra làm sao, thứ tư là vấn đế quản lý qũy đó như thế nào. Ví dụ  Qũy  bảo Trì Đường Bộ là bỏ rồi, là vì ông trong Ủy Ban Tài Chính Quốc Hội, là ông Hải đấy, ông nói rằng thực chất qũy là một loại thuế, mà như vậy là thuế chồng thuế, phí chồng phí rất không cần thiết. Hiện chính phủ đã quyết định bỏ cái Qũy Bảo Trì Đường Bộ rồi, còn những qũy kia thì đang nghiên cứu và xem xét.
Đại biểu Dương Trung Quốc đồng tình với ý kiến đơn cử là đề nghị bãi bỏ ngay Qũy Bảo Trì Đường Bộ từ Trung Ương cho đến địa phương mà Đoàn Giám Sát Quốc Hội đưa ra:
Người dân đương nhiên có nghĩa vụ khi sử dụng các phương tiên đi lại trên đường hạ tầng nhưng mà nó chồng chéo với nhau. Ô tô khi sử dụng mặt đường vừa phải mua xăng vừa phải đóng nhiều khoản thu là vô lý. Vì thế tôi nghĩ việc làm này là qui về một mối và đó là đúng. Tất nhiên lần này mới xử lý một số qũy mà nó bộc lộ quá rõ những hạn chế, những tiêu cực. Tôi nghĩ về lâu dài cũng phải xem xét lại việc bất kỳ một chi tiêu nào của nhà nước cũng phải nằm trong vòng kiểm soát của ngân sách.
Ngoài Qũy Bảo Trì Đường Bộ, còn có một loạt qũy tài chính nhà nước ngoài ngân sách khác như Qũy Phòng Chống Thiên Tai, Qũy Bình Ổn Giá Xăng Dầu, Qũy Dịch Vụ Viễn Thông Công Ích, Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá vân vân…
Kết quả kiểm tra còn phát hiện quá nhiều qũy ở địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Ngoài ra, một số qũy tài chính ngoài ngân sách còn bộc lộ sự yếu kém về quản lý và hoạt động, trong khi đó công tác kiểm tra, thanh tra và kiểm toán chưa thực hiện đến nơi đến chốn.
Đoàn Giám Sát còn kiến nghị Quốc Hội xem xét ban hành Nghị Quyết nhằm tăng cường quản lý cũng như kiểm tra việc sử dụng các qũy tài chính ngoài ngân sách đó.
Theo nhà nghiên cứu độc lập trong nước, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, hầu hết những qũy tài chính ngoài ngân sách, thí dụ Qũy Bảo Trì Đường Bộ, là nguồn cơn của tình trạng thuế chồng thuế, phí chồng phí mà dân phải gánh chịu:
Đoàn Thanh Tra đã đề nghị bỏ bớt một số qũy thì tôi nghĩ nhân dịp này nên cố gắng công bố đầy đủ tất cả các qũy đã được lập ra, do cơ quan nào lập,ai chịu trách nhiệm, chi tiêu như thế nào, công khai minh bạch đến đâu, việc bảo đảm sự giám sát độc lập như thế nào. Tất cả những việc ấy rất cần thiết bởi các qũy này đều là tiền của dân, nếu không được công khai mình bạch , không đước đảm bảo có sự giám sát của người dân thì chắc chắn người dân không đồng tình.
Đoàn Thanh Tra đã đề nghị bỏ bớt một số qũy thì tôi nghĩ nhân dịp này nên cố gắng công bố đầy đủ tất cả các qũy đã được lập ra, do cơ quan nào lập,ai chịu trách nhiệm, chi tiêu như thế nào, công khai minh bạch đến đâu, việc bảo đảm sự giám sát độc lập như thế nào. – TS. Lê Đăng Doanh
Kiến nghị còn nói chính phủ, trong việc quản lý duyệt xét, cần vạch lộ trình cho những quyết định như rà soát, tái cơ cấu, sát nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các qũy không hiệu quả, trùng lập, không đúng mục tiêu và không phù hợp với tình hình kinh tế xã hội . Tiến sĩ Ngô Trí Long cho biết điều này không có nghĩa là bãi bỏ hết tất cả các qũy tài chính ngoài ngân sách:
Cái nào còn tồn thì phải xem xét lại nguồn hình thành từ đâu, sử dụng thế nào, quản lý ra sao… Phải xem xét cụ thể từng qũy một, ví dụ Qũy Bảo Trì Đường Bộ xét thấy không hợp lý là yêu cầu bỏ rồi, Qũy Phòng Chống Tác Hại Của Thuốc Lá bây giờ cũng cần phải xem xét lại.
Không phải cái nào cũng bỏ hết mà xem ra có những cái rất cần, không nên cực đoan quá. Riêng Qũy Bình Ổn Giá Xăng Dầu hiện có 2 quan điểm là nên bỏ hoặc không nên bỏ. Quan điểm của Bộ Tài Chính và chính phủ là không nên bỏ bởi vì hiện nay giá xăng dầu không do thị trường quyết định mà do Nhà Nước quyết định. Nhà Nước quyết định cho nên trong bối cảnh kiểm soát lạm phát và tăng mặt hàng dầu rất quan trọng mà nếu không có qũy dự phòng thì sẽ tác động. Cho nên bây giờ phải xem xét lại qũy đó, hình thành từ đâu, người tiêu dùng đóng góp vào một lít xăng là bao nhiêu, doanh nghiệp có phải đóng hay không, sử dụng như thế nào.
Được biết kiến nghị của Đoàn Giám Sát đều nhấn mạnh đến việc nghiên cứu để trình Chính phủ cho ý kiến về lộ trình bãi bỏ hay sát nhập hoặc cơ cấu lại từng qũy tài chính ngoài ngân sách. Tuy nhiên với động thái của đoàn giám sát -Ủy ban thường vụ quốc hội, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, lần đầu tiên có một bản báo cáo tương đối đầy đủ về tình hình hoạt động của các quỹ và kết luận nên chấm dứt việc cứ mỗi khi ban hành một luật thì lại cho ra đời một quỹ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/slash-non-gov-budgeting-funds-tt-08152019081622.html

VN và Singapore tham khảo chính trị

để tăng cường đối tác chiến lược

Việt Nam và Singapore vào ngày 14 tháng 8 tiến hành cuộc tham khảo chính trị lần thứ 12. Mục tiêu được cho biết nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai phía.
Tin cho biết đồng chủ trì cuộc tham khảo chính trị lần thứ 12 giữa hai phía lần này ở Singapore là thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng và bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong.
Tại cuộc gặp đối với những diễn biến gần đây tại Biển Đông, hai phía kêu gọi kiềm chế, không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, triển khai đầy đủ Tuyên bố Các bên về ứng xử tại Biển Đông (DOC) và thúc đẩy đàm phán để sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam lớn thứ ba với hơn 2 ngàn dự án còn hiệu lực. Tổng vốn của những dự án này là gần 50 tỷ đô la Mỹ. Bảy khu công nghiệp Việt Nam- Singapore đang hoạt động tại Việt Nam.
Cuộc tham vấn chính trị Việt Nam- Singapore lần thứ 13 được hai phía đồng ý tổ chức ở Việt Nam vào năm tới.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-sin-12-po-con-08152019091713.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.