Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 18/05/2019

Saturday, May 18, 2019 6:36:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 18/05/2019

Tỷ lệ gây sốc

về mang thai tiền vị thành niên ở Việt Nam

Thanh Trúc, RFA
Kết quả nghiên cứu do các bác sĩ Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương Việt Nam tiến hành trong hai năm 2017 và 2018 cho thấy tình trạng đáng báo động về trẻ vị thành niên mang thai, nhưng gây sốc hơn nữa là những em gái mang bầu trong độ tuổi 10 đến 13, tức tiền vị thành niên.
Đây là vấn nạn gia đình và xã hội, đặc biệt vào khi nhiều vụ án xâm hại tình dục thiếu nhi, đã và đang bị phanh phui thời gian qua.
Theo số liệu từ cuộc nghiên cứu tại Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, được công bố trên các báo, trong hai năm 2017 và 2018 bệnh viện tiếp nhận gần 22.000 sản phụ mỗi năm. Trong số này, tỷ lệ vị thành niên mang thai trong cả hai năm là 0,5%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương của Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương cho biết trong số 227 sản phụ ở độ tuổi vị thành niên, mà 178 trường hợp đã lập gia đình, thì 17 hay 18 tuổi chiếm đa số (83,5%), 34 trường hợp từ 14 đến 16 tuổi, trong lúc đáng quan tâm hơn cả  là 4 em tiền vị thành niên mang thai chỉ mới 10 đến 13 tuổi.
Các thai phụ vị thành niên đến bệnh viện trong 2 năm qua,  bác sĩ Lan Hương trình bày tiếp, đa phần là sinh viên/ học sinh, không ít còn lại làm nghề tự do và một số khác chưa có chồng. Đây là những đối tượng gặp nhiều khó khăn và áp lực khi mang thai cũng như lúc sinh nở.
Theo tôi thì con số mà Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương đưa ra đã rất lớn rồi nhưng  chưa phải con số thực tế. Trong thực tế có nhiều trường hợp chưa đưa ra hoặc có nhiều lý do này nọ hoặc gia đình thế này thế kia.  – Ls. Nguyễn Thị Hồng Liên
Bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội Quán Các Bà Mẹ ở Sài Gòn, nói bà thực sự bị sốc khi lướt qua những con số vị thành niên mang thai mà Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương cung cấp:
Tôi cũng có con gái và thực sự cũng khá là lo. Rõ ràng mình biết là bây giờ trẻ dậy thì sớm hơn vài tuổi so với các thế hệ 7X, 8X và kể cả 9X. Khi các cháu đã có đường kinh thì khả năng mang thai là có. Trong khoảng độ 10 năm mà Hội Quán Các Bà Mẹ hoạt động thì con số trẻ dậy thì mang thai ở thành phố Hồ Chí Minh  cũng có, nhưng mà trong độ tuổi 13-14 thi thoảng là có mà không quá nhiều như nguồn ở Bệnh Viện  Phụ Sản Trung Ương.
Còn chuyện tiền vị thành niên mang thai trong độ  10 đến 13 tuổi,bà Nguyễn Thanh Thúy nói tiếp, là đáng lưu ý vì nó liên quan đến cả vấn đề xã hội khác là tệ nạn xâm hại tình dục trẻ em được đề cập tới lâu nay.
Rất đáng báo động, là nhận định của luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người từ bao năm qua đã tiên phong và tình nguyện bảo vệ pháp lý cho những vụ án trẻ em bị lạm dụng bị xâm hại tình dục:
Theo tôi thì con số mà Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương đưa ra đã rất lớn rồi nhưng  chưa phải con số thực tế. Trong thực tế có nhiều trường hợp chưa đưa ra hoặc có nhiều lý do này nọ hoặc gia đình thế này thế kia. Mình biết nó đáng báo động nhưng chưa phải là con số thực. Rất đáng báo động, nhiều trường hợp không biết nói như thế nào, nó quá sức đối với một người làm trong ngành pháp luật.
Chỉ riêng số liệu của  Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương đã cho thấy có 2,6% trẻ sơ sinh ra đời từ mẹ vị thành niên. Đối với các bác sĩ của Bệnh Viện Phụ Sản Trung Ương, tỷ lệ vị thành niên và tiền vị thành niên mang thai dẫn tới việc phải xem xét có nên đẩy mạnh giáo dục giới tính và nâng cao ý thức về sức khỏe sinh sản nơi sản phụ sinh đẻ quá sớm hay không.
Về mặt tâm lý phát sinh từ việc mang bầu quá sớm, nhất là tiền vị thành niên, hệ lụy của nó là chấn thương tinh thần đôi khi dẫn đến bế tắc, là khuyến cáo của bác sĩ tâm thần Lê Phương Thúy từ California:
Tôi không nghĩ các cháu ở tuổi đó mà muốn có con đâu, chỉ là cái sự liên hệ gần gũi rồi có con ngoài ý muốn. Mười tuổi hay 14 tuổi mà mang thai thì cái chấn thương về tâm lý nó nặng nề hơn, nó càng đáng sợ vì các em không hiểu được cái gì xảy ra cho cơ thể của mình. Cái bào thai là cái sự sống đang phát triển trong chính cơ thể của em, thành ra chúng ta có thể hình dung ra sự hoang mang, sợ hãi và rất là cô đơn.Nhất là khi sanh, trong thời gian phải đối phó với những cơn đau đẻ thì chúng ta thấy rõ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, nhất là trường hợp các em không có được sự an ủi và thương yêu của người lớn, thì sự sợ hãi và chấn thương đó càng trầm trọng đến như thế nào.
Trong lãnh vực y khoa, kết quả nghiên cứu chỉ ra trẻ vị thành niên mang bầu thường đối diện nguy cơ sinh non, còn trẻ sơ sinh thì thiếu cân rất nhiều. Nói một cách khác, thai nghén và sinh nở trong độ tuổi vị thành niên hoặc tiền vị thành niên thường  để lại hậu quả đáng tiếc về mặt sức khỏe cho cả mẹ lẫn con. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở sản phụ vị thành niên hoặc tiền vị thành niên cao hơn so với sản phụ lớn tuổi.
Còn theo bà Gillian Slinger, chuyên gia bệnh lý thuộc Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc, một trong những căn bệnh nguy hiểm nơi bé gái sinh nở quá sớm là bệnh rò sau sinh:
Thực tế những ca chúng tôi tiếp xúc là những đưa trẻ có quan hệ tình dục với nhau thì đúng là trai cũng chưa ở tuổi trưởng thành, mới 14, 15 tuổi. Chúng tôi giáo dục cả hai khía cạnh như vậy. – Bà Nguyễn Thị Thúy
Những cô gái trẻ lấy chồng quá sớm và có con khi tuổi còn quá nhỏ thì nguy cơ này còn lớn hơn vì cơ thể họ chưa phát triển đầy đủ. Nếu họ gặp vấn đề về thiếu dinh dưỡng và bộ phận cơ thể quá nhỏ thì mặc dù họ vẫn có thể mang thai đến 9 tháng nhưng khi sinh sẽ gặp khó. Cho nên các em gái có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Sức khỏe kém trong quá trình mang thai và sinh nở được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu nơi các em gái vị thành niên và tiền vị thành niên tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Có thể nói trẻ sinh ra từ mẹ vị thành niên hay tiền vị thành niên có tỷ lệ chết trước khi được một tuổi, gần 90% các chứng bệnh xảy ra sau sinh, trong lúc trẻ sơ sinh còn có nguy cơ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng, èo oặt so với bé được sinh ra từ mẹ có tuổi trưởng thành.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội Quán Các Bà Mẹ, cho rằng giáo dục và hướng dẫn là phương cách hữu hiệu nhất để phòng tránh tệ nạn thai nghén tuổi vị thnah niên hoặc tiền vị thành niên:
Do các chuyên gia chuyên về giới tính và các bác sĩ cố vấn trong Hội Quán Các Bà Mẹ thực hiện, dạy các em ý thức về giá trị bản thân, ý thức được chuyện giữ mình. Không chỉ con gái mà con trai chúng tôi cũng giáo dục, con trai cũng phải có ý thức bảo vệ và tôn trọng giá trị của con gái, của giới nữ để mình không bị rơi vào vòng lao lý.
Thực tế những ca chúng tôi tiếp xúc là những đưa trẻ có quan hệ tình dục với nhau thì đúng là trai cũng chưa ở tuổi trưởng thành, mới 14, 15 tuổi. Chúng tôi giáo dục cả hai khía cạnh như vậy.
Luật sư Nguyễn Hồng Liên thì nhấn mạnh rằng dù Việt Nam đã có Luật cấm quan hệ đụng chạm đến vị thành niên hay trẻ em, thế nhưng việc xét xử tội phạm phải nghiêm túc và cứng rắn hơn.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/shocking-rate-of-pre-adolescent-pregnancy-in-vn-tt-05172019130547.html

Ăn trộm ở Sài Gòn chỉ mặt nói công an là cướp

Tin Saigon – Báo Dân trí loan tin, ngày 17 tháng 5, đội Cảnh sát Hình sự Đặc nhiệm Công an CS tại Sài Gòn đã tạm giữ hai đối tượng là Hồ Trí Vũ, 32 tuổi, và Trương Quốc Tuấn, 40 tuổi. Trước đó, Vũ cùng Tuấn đi xe gắn máy ra đường quốc lộ để hành nghề móc trộm tài sản của các hành khách trên xe bus, xe đò. Sau khi Vũ vừa móc trộm được chiếc điện thoại của một phụ nữ thì đã bị đội cảnh sát bắt tại trận. Bị phát hiện, Vũ bỏ chạy thì bị lực lượng cảnh sát truy đuổi, đồng thời truy hô cướp. Khi nhóm cảnh sát bắt được Vũ, thì Vũ liền quay sang nói nhóm cảnh sát là mới là cướp. Sự việc khiến nhiều người dân bối rối, không biết ai mới là cướp. Đến lúc này, nhóm cảnh sát đã phải rút súng bắn chỉ thiên, rồi mới bắt được Vũ.
Được biết, trong những năm gần đây, lực lượng công an, cảnh sát CSVN thường có những hành vi vô cớ bắt người, hoặc đánh đập trấn áp người dân, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, những dân oan, những người đấu tranh chống BOT sai phạm, không chỉ vậy, lực lượng chức năng này còn bị tố cáo hành vi  làm tiền người dân nên đã khiến nhiều người mất niềm tin vào lực lượng này.
Vì vậy, việc người dân không tin vào nhóm cảnh sát bắt cướp trong vụ việc trên, dù đây là tội phạm quả tang khiến nhiều người liên tưởng đến câu truyện ngụ ngôn “Cậu bé chăn cừu nói dối.”
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/an-trom-o-sai-gon-chi-mat-noi-cong-an-la-cuop/

Tham nhũng, an toàn thực phẩm, ô nhiễm:

Quan ngại hàng đầu của người Việt

Lo lắng lớn nhất của người dân Việt Nam là an toàn thực phẩm, ô nhiễm và tham nhũng, theo một khảo sát mới nhất. Khảo sát này cũng cho thấy chính phủ chưa hành động đủ về những vấn đề này.
An toàn thực phẩm đứng đầu danh sách 13 mối quan ngại với 86% những người được vấn ý đề cập đến trong một nghiên cứu ý kiến công chúng do công ty nghiên cứ thị trường Indochina Research Vietnam Ltd thực hiện hồi cuối tháng Tư. Cùng nằm trong năm mối quan ngại hàng đầu là giáo dục và y tế. Những người thực hiện thăm dò gọi đây là điều ngạc nhiên và thú vị khi mà những kết quả này cũng giống hệt những quan ngại lớn nhất của người Việt trong cuộc thăm dò hai năm trước.
“Kết quả này cũng tương tự như hồi năm 2017 và cho thấy những vấn đề mà người dân quan tâm vẫn còn đó và chưa được giải quyết,” Indochina Research, vốn có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận định.
Mặc dù những vấn đề này tồn tại qua nhiều năm, nhưng nếu xem xét kỹ hơn số liệu sẽ cho thấy có sự khác biệt theo giới tính, thu nhập và địa lý.
Ví dụ như vấn đề ô nhiễm, vốn nắm giữ vị trí thứ hai trên toàn bảng tổng sắp. Nhưng người dân ở Hà Nội lo lắng nhiều hơn với 82% người được vấn ý đề cập đến, so với 73% ở thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí địa lý giải thích cho sự khác biệt này do thủ đô Hà Nội nằm gần hơn với các tỉnh miền Nam Trung Quốc vốn đông đúc các nhà máy sản xuất và điều này vẫn luôn tạo ra không khí bẩn nhiều hơn ở Hà Nội so với thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy người dân trên cả nước xem không khí là nguy cơ ngày càng tăng. Người dân Việt Nam không thể chấp nhận việc các doanh nghiệp kiếm tiền bằng cách làm ô nhiễm môi trường.
“Ô nhiễm đã từng được chấp nhận là hậu quả phụ của quá trình phát triển công nghiệp và được đề cập như là tiến bộ kinh tế,” tác giả Thu Vân viết trên một bài xã luận trên tờ Việt Nam News, cơ quan ngôn luận của chính phủ, và kêu gọi các quan chức chính phủ phải hành động. “Đã đến lúc họ phải xem ô nhiễm là cuộc khủng hoảng sức khỏe của công chúng.”
Tác giả bài báo cho rằng quốc gia đông nam Á này cần phải giảm số lượng xe hơi lưu thông trên đường, buộc các tài xế phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, trấn áp các xí nghiệp gây ô nhiễm và chuyển hướng ra khỏi các nhà máy nhiệt điện than.
Các câu phản hồi trong cuộc khảo sát của Indochina Research cũng khác biệt theo giới tính. Công ty này cho biết nữ giới có khuynh hướng bày tỏ quan ngại về quấy rối tình dục, y tế và an toàn thực phẩm nhiều hơn so với nam giới.
Kết quả đó cũng phù hợp với kết quả của một nghiên cứu hồi tháng 3 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đồng tài trợ.
“Phụ nữ để ý đến những vấn đề tinh tế hơn,” bà Caterina Meloni, cố vấn về giới tính và hội nhập xã hội của dự án Green Invest Asia của USAID, nhận định. “Họ tìm kiếm những cách tốt nhất để chi tiêu thu nhập của họ để bảo vệ sức khỏe gia đình, sự bền vững của đất nước họ, và sự an lạc của cộng đồng.”
Nghiên cứu của Green Invest Asia cho thấy an toàn thực phẩm là một vấn đề lo lắng ở Việt Nam nhiều hơn ở Indonesia, Philippines hay Singapore.
“An toàn thực phẩm là quan ngại hàng đầu của phụ nữ ở Việt Nam, nơi phụ nữ sẵn sàng trả thêm một số tiền lên đến 30% mức giá cho những thực phẩm hữu cơ được chứng nhận là bền vững và tỷ lệ này cao hơn ở những quốc gia được khảo sát khác,” cơ quan này cho biết trong một thông cáo.
Người Việt hàng ngày lo lắng bởi vì họ không biết nguồn gốc thực phẩm của họ. Vấn đề này không chỉ không hề giảm bớt kể từ khi Indochina Research thực hiện cuộc khảo sát của họ hồi năm 2017 nhưng một số nguy cơ mới cũng xuất hiện. Bên cạnh khả năng bị ngộ độc thực phẩm, cho dù là ở tiệc cưới, ở các quán nhậu hay do dịch tả lợn vốn đã lan nhanh ở châu Á trong những tháng vừa qua, trong đó có Việt Nam.
Những quan ngại khác được nêu lên trong khảo sát ý kiến mới nhất của Indochina Research là tiếp cận nước sạch, hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, chất lượng báo chí, cạnh tranh bất bình đẳng và phân biệt giới tính.
https://www.voatiengviet.com/a/tham-nh%C5%A9ng-an-to%C3%A0n-th%E1%BB%B1c-ph%E1%BA%A9m-%C3%B4-nhi%E1%BB%85m-quan-ng%E1%BA%A1i-h%C3%A0ng-%C4%91%E1%BA%A7u-c%E1%BB%A7a-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-vi%E1%BB%87t/4922337.html

Điều gì thực sự đáng lưu ý từ Hội nghị TƯ 10?

Hội nghị Trung ương 10, khóa XII của Ban chấp hành Trung ương Đảng CSVN vừa bế mạc sau ba ngày diễn ra ở Hà Nội, với sự trở lại làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhân dịp này, BBC Tiếng Việt phỏng vấn một nhà phân tích chính trị Việt Nam, Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cao cấp khách mời thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Việt Nam chống được tham nhũng với thể chế này?
‘Lò vẫn cháy’ trong một tháng TBT Trọng vắng mặt
Bàn tròn BBC về Hội nghị TƯ10, khóa XII của ĐCSVN
Câu nói “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” và các câu sau đó, theo tôi không phải là nhân tố đường lối hay chính sách mới của ĐảngTS. Hà Hoàng Hợp
BBC: Trước hết, xin Tiến sỹ vui lòng cho biết đánh giá, nhận xét chung của ông về Hội nghị TƯ10 khóa XII vừa diễn ra? Theo ông điểm đáng lưu ‎ý nhất từ Hội nghị này là gì?
Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: Theo tôi, Hội nghị trung ương 10 về nội dung không có gì đặc biệt. Đấy là hội nghị tiếp tục xây dựng các văn kiện cho Đại hội 13, trong đó có các văn kiện về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhân sự, đường lối phát triển kinh tế, phát triển xã hội, chính sách quốc phòng, an ninh, ngoại giao. Về chính trị, tiếp tục đổi mới hệ thống chính trị VN trong đó tiếp tục mở rộng dân chủ trong đảng, nâng cao minh bạch, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo đối với Đảng, Nhà nước.
Cụ thể là về cương lĩnh, tổng kết thực hiện cương lĩnh 2011, rút thêm các bài học từ cương lĩnh 1991 (Đại hội 7). Không thấy nói đến bổ sung gì cho cương lĩnh đại hội 13 tới đây. Về cương lĩnh, tổng kết thực hiện cương lĩnh 2011, rút thêm các bài học từ cương lĩnh 1991 (Đại hội 7). Cũng không thấy nói đến bổ sung gì cho cương lĩnh đại hội 13 tới đây.
Về kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường, đảm bảo các nhân tố định hướng XHCN. Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chưa thấy nói đến bất kỳ điều gì mới, chỉ thấy nhấn mạnh chính sách đang có. Về xã hội, đề cập đến nguyện vọng của nhân dân, các vấn đề xã hội đang tồn tại (ví dụ người dân kêu ca, phàn nàn về vấn đề đất đai…)
BBC: Ông có nhận xét gì về vai trò của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại và chỉ đạo Hội nghị này? Các phát biểu, phát ngôn chính trị của ông Trọng từ hôm 14/5 tới hôm nay 18/5/2019 có điều gì mà giới quan sát cảm thấy quan tâm nhất?
TS. Hà Hoàng Hợp: Hai cuộc họp ngày 14 và 15/5, phát biểu của ông TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng cũng có các điểm như trình bày trong Hội nghị TƯ 10.
Câu nói “đừng kỳ thị kinh tế tư nhân” và các câu sau đó, theo tôi không phải là nhân tố đường lối hay chính sách mới của Đảng.
Quan hệ của Đảng và của nền kinh tế đối với kinh tế tư nhân, đã được nêu cụ thể trong Cương lĩnh 1986, Cương lĩnh 1991, được luật hóa bởi các bộ luật như luật doanh nghiệp và nhiều luật khác.
Có gì mới về nhân sự?
BBC: Về nhân sự, truyền thông tin tức của Việt Nam đưa tin bế mạc Hội nghị có nhắc tới nội dung gọi là nhân sự khóa 13 và giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng. Theo ông thế nào là mới và có triển vọng? Thực chất của việc chuẩn bị nhân sự này như thế nào? Có gì khác so với lộ trình khoảng 20 tháng trở lại trước thềm Đại hội XII lần trước hay không? Có chuyện được cho là sửa hay ban hành quy định mới, tiêu chuẩn mới để phù hợp với “tình hình mới, yêu cầu mới” như Đại hội đó hay không?
Việt Nam: Ai có thể là Tổng Bí thư năm 2021?
VN níu giữ hay sẽ thay mô hình Xô Viết?
TS. Hà Hoàng Hợp: Nói về nhân sự, Hội nghị trung ương 10 không bàn cụ thể gì về nhân sự.
Cũng không có văn bản mới nào về quy hoạch cán bộ, không có bổ sung nào cho quy trình quy hoạch, lựa chọn cán bộ. Như vậy công tác cán bộ thời gian tới vẫn theo các quy định đang có.
Khó hình dung về các nhân tố mới bởi vì các quy định đã nêu rõ về tiêu chuẩn, độ tuổi, kinh nghiệm, thành tích công tác, cơ cấu vùng – miền, nam, nữ, người dân tộc… Cũng không thấy các dấu hiệu bổ sung nhân sự cho các vị trí đang khuyết.
Nhưng rất có thể Hội nghị trung ương 11 sẽ có các quy định mới cho phù hợp với ‘tình hình mới’.
Trường hợp ông Huynh nghỉ chữa bệnh lâu dài, cùng với việc trống hai vị trí trong bộ chính trị nữa (một là do ông Trần Đại Quang qua đời, hai là vụ ông Đinh La Thăng bị cho thôi), đến nay chưa thấy BCHTƯ nói gì về có bầu bổ sung hay không
BBC: Dường như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây đã làm nhiệm vụ ‘Ba trong một’ khi thay Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng xuất hiện tại Diễn đàn Sáng kiến Vành đai & con đường ở Bắc Kinh, đọc điếu văn trong Tang lễ cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh và tham gia điều hành (phiên khai mạc…) trong Hội nghị TƯ10, mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng đã trở lại, nhưng nếu ông lại tái diễn vấn đề sức khỏe, thì Ban lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước có thấy có rủi ro gì không và sẽ xử lý như thế nào để được hiệu quả nhất? Xin mở ngoặc là trong Bộ Chính trị đã có một Ủy viên được cho là có vấn đề sức khỏe, tạo ra sự vắng mặt khá lâu trong Bộ Chính trị và tạo thành một ghế khuyết, đó là trường hợp của ông Đinh Thế Huynh.
TS. Hà Hoàng Hợp: Vâng, thời gian ông Trọng vắng mặt, thì ông Phúc thủ tướng được chỉ định đi dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường, việc đó là bình thường.
Ông Trọng nắm hai trong bốn chức quan trọng nhất, nên đương nhiên, khi ông ấy vắng mặt, thì phải có người làm thay trong các sự kiện công cộng.
Trường hợp ông Huynh nghỉ chữa bệnh lâu dài, cùng với việc trống hai vị trí trong bộ chính trị nữa (một là do ông Trần Đại Quang qua đời, hai là vụ ông Đinh La Thăng bị cho thôi), đến nay chưa thấy Ban Chấp hành Trung ương nói gì về có bẩu bổ sung hay không.
‘Chỉ thị 90 là chưa đủ’
BBC: Cuối tháng trước, ông có tham gia một bài viết trên trang mạng của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas Singapore), đề cập một số phương án và nguyên tắc thay thế, bổ sung nhân sự cấp cao và cao cấp nhất trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước Việt Nam, tới thời điểm này, ông có gì điều cập nhật mà muốn nói rõ thêm?
TS. Hà Hoàng Hợp: Bài viết ngắn (780 chữ) chúng tôi viết ở ISEAS, dựa trên Chỉ thị số 90 của Ban chấp hành TƯ về công tác quy hoạch nhân sự.
Trong đó, đã viết rằng nội dung Chỉ thị số 90 là một bước tiến mới để minh bạch hóa quy hoạch cán bộ, hạn chế các tác động lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, Chỉ thị đó chưa đủ, vì còn có các điểm mà khi vận dụng, có thể chưa chắc chắc.
Cho nên có thể sẽ có thêm các quy định bổ sung, để quy hoạch cán bộ cho Đại hội 13 được tốt hơn.
BBC: Hội nghị TƯ10 đã khép lại, từ nay đến Đại hội 12 của ĐCSVN dự kiến sẽ có vài hội nghị nữa, hội nghị nào theo ông sẽ có tầm quan trọng chính yếu, nội dung, nghị trình của sự kiện đó có thể có điểm gì đáng quan tâm với công chúng và các giới?
TS. Hà Hoàng Hợp: Hội nghị trung ương nào cũng quan trọng. Nhưng các hội nghị chuyên đề về tổ chức, nhân sự là quan trọng nhất.
Từ nay đến Đại hội 13, có thể sẽ có 4 hội nghi trung ương nữa. Trong đó, có thể có ít nhất hai hội nghị trung ương có chuyên đề tổ chức – nhân sự.
Ngoài ra, sẽ có các hội nghị Bộ chính trị, Ban bí thư. Hy vọng đảng sẽ cho đưa lên mặt báo Việt Nam nội dung của các hội nghị, các cuộc họp của Bộ chính trị/Ban bí thư như hôm 14 và 15/5/2019 vừa rồi.
Cuối cùng, tôi xin được nói thêm một ý liên quan đến nhân sự, đó là mới đây khi xuất hiện trở lại, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rằng sẽ chống chạy chức, chạy quyền. “Chạy chức là không dùng!”
Vì thế trong khi quy hoạch, đảng sẽ cần vận dụng nghiêm túc các quy định sao cho không để xảy ra chuyện chạy chọt chức quyền, hoặc hạn chế chuyện chạy chọt này, như ông Trọng đã công khai phát biểu trước tất cả mọi người.”
‘Đặt trong bối cảnh mới’
Trong một nội dung có liên quan, tuần này Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Việt ngữ đã đặt câu hỏi cho một nhà nghiên cứu trong nước nhân Hội nghị 10 nhóm họp, bình luận về khía cạnh văn kiện và đường lối, trong bối cảnh mới trong nước ở Việt Nam và quốc tế, hướng tới Đại hội XIII, PGS. TS. Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI)nói:
“Nếu chúng ta đẩy xa về các vấn đề thể chế thì cũng rất phức tạp, nhưng tập trung vào Hội nghị TƯ10, tôi thấy rằng các văn kiện cũng rất quan trọng, bởi vì hiện nay Đảng và nhà nước đang tồn tại như thế này, chúng ta chưa nói khác được. Điều này rất quan trọng vì sao? Bởi vì sau một thời gian khủng hoảng của nhiệm kỳ trước, kể cả về mặt kinh tế, xã hội, kể cả về mặt nhân sự, ý thức hệ, có rất nhiều cái thay đổi.
“Bây giờ lại thêm vào nữa là các bối cảnh quốc tế, đặc biệt là cuộc Thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, thì Đại hội tới này cần phải đưa được những yếu tố đó vào, phải đánh giá đúng hoàn cảnh lịch sử bây giờ để mà có những thay đổi rất quyết liệt.
“Thứ nhất tôi muốn nói là chính sách phải cởi mở và luật pháp hóa rất nhiều các vấn đề để chúng ta [Việt Nam] có thể hội nhập tốt, đặc biệt quan hệ với Mỹ hoặc quan hệ với một số nước, chuẩn bị cho chuyến đi Mỹ này [của CTN, TBT Nguyễn Phú Trọng], phải nhấn mạnh là thể chế phải được thay đổi và phải luật hóa việc này.
“Đặc biệt là chuẩn bị ký kết đối với các Hiệp định thương mại tự do với EU, rồi với một loạt các nước là cần phải thay đổi rất nhanh, trong đó có Luật lao động mà rất nhiều người nhắc đến.
Xã hội cũng chịu tác động của những chính sách kinh tế mà hiện nay được cho là rất thực tế hay rất thực dụng, cái này cũng phải được đưa vàoPGS. TS. Phạm Quý Thọ
“Cái thứ hai là về kinh tế. Kinh tế thì nhiệm kỳ trước và nhiệm kỳ này rất khác nhau, cho nên phải đưa vào. Thí dụ như trước kia chúng ta nói nhiều về các ‘Quả đấm thép’, rồi Tập đoàn nhà nước. Thời kỳ này người ta đang đẩy mạnh về tư nhân hóa cũng vậy, cũng phải đưa vào.
“Tất cả những cái này có một điểm nữa rất quan trọng về xã hội, xã hội cũng chịu tác động của những chính sách kinh tế mà hiện nay được cho là rất thực tế hay rất thực dụng, cái này cũng phải được đưa vào. Tôi nghĩ rằng nếu anh lẩn tránh cái này, thì nó sẽ rất tai hại, bởi vì nó để lại những tác động không chỉ về kinh tế mà cả về xã hội, mà lúc nào có thời gian, BBC nên bàn tiếp về những vấn đề này.
“Đó là những cái rất quan trọng về văn kiện, tôi cho là rất quan trọng, nếu chúng ta quan sát văn kiện này, nếu không có gì thay đổi thì tôi e là vẫn giữ nguyên như thế thôi,” nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách & Phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch & Đầu tư nói với Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC.
Cũng trong dịp này, một số ý kiến của nhà quan sát trong nước không muốn tiết lộ danh tính, nhân Hội nghị, bình luận với BBC về vấn đề “cạnh tranh quyền lực nội bộ” và chống tham nhũng mà truyền thông Việt Nam hay đề cập đến là “củi lửa và đốt lò” và “đấu đá”:
“Có hai loại củi là củi A và củi B. Theo tôi, củi loại A là củi có tội thật (tham nhũng, phạm luật…), còn củi loại B là củi có thể có màu sắc ‘chính trị và phe phái’, một ý kiến nói.
“Có người nói từ nay đến gần Đại Hội có thể ‘bắt bớ’ nhiều lên, nhưng sát gần Đại hội thì tạm dừng, song cũng có người nói là phải đến thật gần Đại hội, tức là các Hội nghị trung ương cận Đại hội thì lò mới càng nóng thực sự. Lần trước có vị lãnh đạo phiên khai mạc rất hồ hởi, nhưng càng về sau thì càng căng thẳng, có vị thậm chí còn có dấu hiệu bỏ ngang đi làm việc khác,” một ý kiến khác chia sẻ với BBC.
Mời quý vị theo dõi toàn văn Bàn tròn thứ Năm từ London của BBC Tiếng Việtnhân Hội nghị 10, Khóa XII của ĐCSVN nhóm họp từ ngày 16-18/5/2019 tại đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48320359

Chính quyền có muốn lắng nghe dân

như lời Thủ tướng?

Trung Khang, RFA
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam mới đây lên tiếng kêu gọi các đảng viên và lãnh đạo phải lắng nghe lời dân để duy trì chế độ.
Ông Nguyễn Xuân Phúc băn khoăn, lo lắng như vậy là có cơ sở khi thời gian qua, những bức xúc trong dân thi thoảng đã bùng lên thành những cuộc biểu tình.
Vào hai ngày 10 và 11/6/2018, đã có nhiều cuộc biểu tình của người dân trên khắp các tỉnh thành Việt Nam phản đối hai dự luật đặc khu cho phép Trung Quốc thuê đất và an ninh mạng. Một số nơi đã biến thành bạo động như tại Bình Thuận khi người dân đập phá tài sản công vụ và đốt cháy nhiều ô tô, xe máy tại Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Khi đó, đã có hàng chục người trên cả nước bị kết án tù với các cáo buộc gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ sau khi tham gia đợt biểu tình này.
Chị Nguyễn Lai, một người dân từ Nha Trang thì cho rằng, không thể tin những lời của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chị đưa ra ví dụ:
Trước các kỳ đại hội, hay sinh hoạt chính trị của đảng cộng sản, thì người ta hay có những lời lấy lòng dân, mà nói nặng là mị dân.
-Anh Nguyễn Chí Tuyến
“Chẳng hạn biểu tình chống luật đặc khu, là lo sợ của dân, lo sợ bị mất nước, thì người dân đứng ra biểu tình chống luật đặc khu, mà có biết bao nhiêu người bị bắt trong và sau cuộc biểu tình đó. Đừng tin những lời mấy ông này nói, nó giống như dụ con nít vậy đó. Khi người dân hay những facebookers lên tiếng thì bị bắt bớ, bị dọa, biểu tình thì bị đàn áp, lên tiếng thì bắt bớ và ghép vô tội nói xấu đảng và nhà nước thì làm sao tin được những lời ông nói. Họ nói và làm khác nhau hoàn toàn.”
Luật Đặc khu là tên gọi vắn tắt của Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã vấp phải phản đối của người dân từ khi được trình làng tại Quốc hội hồi tháng 6/2018.
Ngày 9/6/2018, Văn phòng Chính phủ bất ngờ ra thông báo quyết định lùi Dự thảo Luật Đặc khu đến kỳ họp kế tiếp vào tháng 10.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 17/5 về vấn đề này, Anh Nguyễn Chí Tuyến, một nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội nhận định:
“Trước các kỳ đại hội, hay sinh hoạt chính trị của đảng cộng sản, thì người ta hay có những lời lấy lòng dân, mà nói nặng là mị dân. Nếu những người cộng sản thật sự muốn nghe tiếng nói của dân thì nhìn lại quá khứ, những năm trước, khi người dân góp ý về sửa đổi hiến pháp và sửa đổi luật đất đai, khi đó những người trí thức đã viết chỉ ra nhiều điều như bỏ điều 4 hiến pháp quy định đảng lãnh đạo toàn diện. Đặc biệt là trong luật đất đai phải đa sở hữu, chứ không phải sở hữu toàn dân nhưng nhà nước quản lý thì rất chung chung, rồi quan chức lợi dụng điều đó cưỡng chế bất cứ đất nào của dân. Đấy là hai ví dụ tôi đưa ra để xem là những người lãnh đạo cộng sản có thật sự nghe ý kiến của dân hay không, thì hai ví dụ vừa nói đã phản ánh rồi.”
Trong thời gian tới, tại Việt Nam sẽ diễn ra những hội nghị quan trọng của Đảng. Hội nghị trung ương 10 đảng cộng sản Việt Nam khai mạc tại Hà Nội hôm 16 tháng 5 và sẽ kéo dài đến hết ngày 18/5/2019. Đây là đại hội quan trọng chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc vào năm 2020.
Vào năm tới, Đảng Cộng sản việt nam sẽ có đại hội thứ 13 là đại hội toàn quốc diễn ra mỗi 5 năm.
Trao đổi với chúng tôi hôm 17/5, Anh Nguyễn Ngọc Tân, một người dân ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhận định:
“Ở Việt Nam thường hay nói khẩu hiệu này kia, nhưng thực tế hoàn toàn khác. Cũng như câu nói của ông Phúc thực tế cũng hoàn toàn khác xa. Tôi nhận thấy, thường chính quyền ở Việt Nam ít lắng nghe sự đóng góp của người dân. Người dân cũng ít cơ hội hay phương tiện để biểu đạt. Chẳng hạn ở các nước, muốn nói lên tiếng nói thì người dân biểu tình, và theo đó chính phủ sẽ xem xét một quyết sách nào đó. Nhưng ở Việt Nam thì không có được vậy, ai nói gì trái ý đảng là bị chụp mũ là phản động, họ không nghe ý kiến người dân đâu.”
Các Tổ chức quốc tế lên án Việt Nam thường dùng các điều luật an ninh mập mờ trong bộ luật hình sự để bỏ tù những tiếng nói đối lập.
Theo thông tin Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố hôm 13/5/2019, vẫn còn đến128 Tù nhân Lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động.
Đấy là thực tế họ phải thừa nhận và họ tìm cách đối phó với nguy cơ đó, như ông Phúc đã nói là phải lắng nghe dân, đó là những biện pháp muôn thuở, nhưng vấn đề là họ có làm hay không?
-BS Đinh Dức Long

Năm 2018 Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và đã có hiệu lực từ 1/1/2019, gây nhiều tranh cãi. Chính phủ Việt Nam hy vọng luật mới sẽ giúp bảo đảm an toàn an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quôc tế chỉ trích lên án đạo luật này và cho rằng luật này góp phần bóp nghẹt quyền tự do phát biểu của người dân.
Theo thống kê mà RFA có được, từ đầu năm 2019 đến nay Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 12 Facebookers và đã được truyền thông trong nước ghi nhận.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 17/5, chị Huỳnh Hằng, một người dân từ Đà Nẵng nói về phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Nó như một thứ giáo điều lừa bịp, khi luôn nói chính quyền vì dân do dân, mọi ý kiến phản biện dẫu đúng vẫn cứ bị quy chụp là phản động, là chống phá nhà nước thì sao gọi là vì dân? Chính cái tư duy còn đảng còn mình đã nói lên tất cả cái tính bảo thủ của nhà cầm quyền…”
Khi trao đổi với RFA hôm 17/5, Bác sĩ Đinh Dức Long nhận định:
“Tôi nghĩ nguy cơ mất chế độ càng ngày càng lớn, đến mức họ không thể che giấu được nữa. Từ xưa họ vẫn tin chế độ của họ là vững như bàn thạch, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, chế độ của dân do dân vì dân… họ tin tưởng thế mà họ nói điều đó tức là họ cảm thấy rằng có vấn đề gì đó không ổn, ít nhất là không ổn, và lòng dân đã khác với ngày xưa rồi, không thể nào họ áp đặt như ngày trước nữa. Đấy là thực tế họ phải thừa nhận và họ tìm cách đối phó với nguy cơ đó, như ông Phúc đã nói là phải lắng nghe dân, đó là những biện pháp muôn thuở, nhưng vấn đề là họ có làm hay không?
Tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản khóa XII, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói ‘Nếu đảng và nhà nước để mất niềm tin của dân là mất chế độ, mất tất cả’.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/does-the-government-want-to-listen-to-people-like-prime-minister-phuc-05172019183238.html

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vấp phải nhiều phản đối

Bộ Lao động thương binh và xã hội hôm 14/5 có đề xuất tại buổi hội thảo lấy ý kiến của các bộ ngành về việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động Việt Nam. Đề xuất tăng thêm 2 năm từ 60 lên 62 tuổi đối với lao động nam và tăng 5 năm từ 55 lên 60 đối với lao động nữ.
Tuy nhiên đề xuất này vấp phải nhiều ý kiến của các chuyên gia và các doanh nghiệp trong ngành dệt may. Những người phản đối không đồng tình với việc tăng độ tuổi nghỉ hưu vì hầu hết nguồn lao động của ngành này nhất là nữ phải chịu áp lực với khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày.
Báo cáo của Oxfam mới đây cho biết ngành dệt may của Việt Nam hiện có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó 80% là lao động nữ.
Ông Bùi Đức Chính, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần may Sông Hồng trả lời với Vnexpress hôm 14/5 rằng, ông đề nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu theo luật định Bộ Lao động tức 55 đối với nữ và 60 đối với nam.
Ông giải thích rằng, các nữ công nhân ngành dệt may phải làm việc từ 8-10 tiếng một ngày và phải tập trung cao độ, áp lực công việc cao và mệt mỏi nên thường lao động nữ đến 45 tuổi đã muốn nghỉ hưu nên nếu tăng theo dự luật thì họ sẽ không đủ khả năng làm việc.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với chúng tôi rằng, bất kì biện pháp nào được đưa ra đều có hai tác động thuận lợi và không thuận lợi.
“Về mặt thuận lợi nếu tăng thời gian nghỉ hưu thì thời gian người lao động sẽ dài hơn, ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ thì cho hưu non thế nhưng mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì việc này nó có lợi cho nền kinh tế, xã hội cũng như ngân sách quốc gia. Đối với riêng cá nhân của người lao động thì nhiều người muốn nghỉ hưu sớm vì thời gian mà từ 60 tuổi trở đi thì sức khỏe đã xuống dốc nhiều rồi nên chỉ muốn trở về cuộc sống riêng và thời gian nghỉ hưu là họ có thể dành tất cả thời gian cho chính bản thân họ.”
Đề xuất mới nhiều bất lợi hơn thuận lợi
Chúng tôi liên lạc với một công nhân không muốn nêu tên hiện đang làm việc tại một nhà máy dệt may tại tỉnh Đồng Nai cho biết, anh hoàn toàn không đồng tình với đề xuất mới. Anh giải thích
“Thật sự họ bị áp lực nhiều lắm, lương công nhân bây giờ khoảng 5 – 6 triệu, nếu làm lâu năm thì 7- 9 triệu nhưng mà cũng hết. Họ không có dư và sức lao động trong ngành giày da mà chỉ đứng dập đế lót thôi là phải đứng liên tục mấy tiếng, thời tiết nóng nực, rồi bên tổ trưởng họ hối thúc để chạy truyền cho đủ mặt hàng nên áp lực rất là nhiều. Nên nếu tăng như vậy thì nó không phù hợp với đời sống của người Việt Nam mình,”
Cũng tại buổi hội thảo, đại diện các doanh nghiệp ngành Da giày đều cho rằng, nguồn lao động ngành dệt may và da giày không thể chờ được đến 50 tuổi mới về hưu, nhiều lao động nữ đến 35-40 tuổi đã nghỉ việc rồi họ lấy tiền bảo hiểm về quê kinh doanh nhỏ…
Đồng ý với điều này, anh công dân cho biết công nhân muốn lấy càng sớm càng tốt vì họ muốn thoát khỏi đời sống công nhân, nhưng nhiều người không thể làm được vì nếu mất việc thì không có đủ tiền nuôi gia đình.
“Chính xác họ muốn lấy số tiền đó càng sớm càng tốt, có số tiền lớn để họ ổn định cuộc sống. Ví dụ họ làm bấy nhiêu năm rồi họ lãnh một lúc mấy trăm triệu rồi họ về quê. Hồi xưa thì họ phải mướn phòng trọ rồi này kia, giờ họ về quê mua một miếng đất rồi họ buôn bán nhỏ nhỏ từ từ thì đời sống đỡ vất vả hơn. Họ muốn thoát ra được đời sống như vậy nhưng họ không có cơ hội để thoát ra nên họ chỉ muốn làm rồi nghỉ sớm để họ có tiền đủ để trang trải mọi thứ thôi. Bây giờ tăng tuổi lương hưu lên thì thật sự không đeo nổi đâu vì chính phủ còn quy định thêm giờ, tăng ca nhiều áp lực lắm.”
Ngoài ra, công nhân công ty dệt may tại Đồng Nai này cho biết thêm:
“Thậm chí có những doanh nghiệp nhiều người gần tới tuổi nghỉ hưu họ sẽ tìm cách triệt hẳn để họ không cần phải trả tiền hưu trí một lúc. Ví dụ như mình còn một vài năm nữa là mình nghỉ hưu rồi họ sẽ chuyển vị trí mình. Họ làm cho mình nản. Họ tìm cách cho mình tự nghỉ, để gần đến tuổi nghĩ hưu là mình tự nghỉ, chứ không phải công ty bắt ép gì đâu. Đời sống công nhân họ bị sỉ nhục ghê gớm lắm, họ sử dụng nguồn lao động tận cùng luôn.”
Theo các chuyên gia tại hội thảo thì việc tăng tuổi hưu như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường lao động và việc làm của giới trẻ.
Đồng ý với điều này Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay, nếu độ tuổi nghỉ hưu kéo dài như vậy thì nó thuận lợi cho việc học hỏi kinh nghiệm nhưng mặt khác rất bất lợi cho nguồn lao động trẻ.
“Về thuận lợi nếu thời gian nghỉ hưu kéo dài thì thời gian đó sẽ giúp cho nguồn lao động trẻ có thể học hỏi những người có kinh nghiệm nhiều hơn thì về mặt xã hội, kinh tế thì nó có thuận lợi đó, thế nhưng mặt khác nó sẽ gây bất lợi cho người trẻ vì những người có tuổi giữ một vị trí nào trong công việc thì vị trí đó tồn tại lâu hơn thì nó sẽ lấy cơ hội cho nguồn lao động trẻ, và cơ hội cho những nguồn lao động mới. Tôi thấy nó bất lợi là nhiều hơn là có lợi.”
Theo con số công bố của Tổng cục thống kê, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý 1 năm 2019 ước gần 1,1 triệu người giảm 8,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số thanh niên độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp ước tính khoảng hơn 448 nghìn người chiếm hơn 40% tổng số thất nghiệp.
Để giải quyết việc này, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết cách tốt nhất Quốc hội Việt Nam nên làm một cuộc chưng cầu dân ý vì đây là một vấn đề nó ảnh hưởng tới toàn thể trong xã hội, bởi vì sớm hay muộn ai cũng sẽ đến lúc hưu và điều này sẽ đụng chạm tới quyền lợi cá nhân.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/increasing-retirement-age-will-affect-young-labor-resources-05172019151507.html

Xung quanh việc

Văn phòng Công lý – Hoà bình tạm đóng cửa

Nguyễn Tường Thuỵ
Văn phòng Công lý – Hòa bình Dòng Chúa cứu thế Sài Gòn từ lâu đã trở thành địa chỉ thân thương quen thuộc đối với tôi và chắc rằng còn đối với những anh chị em Hà Nội và các tỉnh thành khác nữa.
Văn phòng có vai trò như là một đầu mối  giao lưu gặp gỡ anh chị em đấu tranh ở mọi miền của đất nước. Tại đây, tôi đã quen biết rồi trở thành thân thiết với nhiều anh chị em Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
Một công việc hữu ích nhất, có ý nghĩa nhất mà Văn phòng làm được là Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng hòa được tổ chức hàng năm. Trong đó có những hoạt động với chủ đề Bên nhau đi nốt cuộc đời. Đây là một chương trình qui mô và dài hơi. Tôi có may mắn tham gia được một số buổi và được các cha tạo điều kiện giao lưu với các TPBVNCH.
Ngoài ra, Văn phòng còn hỗ trợ pháp lý và truyền thông cho dân oan bị cướp đất và hỗ trợ giúp đỡ khó khăn cho anh chị em tù nhân lương tâm.
Với những hoạt động ấy, Văn phòng không bị để ý, theo dõi và tìm cách cản trở hoạt động mới là chuyện lạ. Nó như một cái gai trong mắt của nhà chức trách.
Mỗi lần vào Sài Gòn, tôi đều tìm nơi ở xung quanh 38 Kỳ Đồng như Rạch Bùng Binh, Nguyễn Thông, Bà Huyện Thanh Quan. Ngoài 38 Kỳ Đồng thì khu Vườn rau Lộc Hưng cũng là một địa điểm rất thân thiện, tôi gọi là cơ sở vệ tinh. Khu này đã bị nhà cầm quyền đập phá hoàn toàn vào đầu năm nay.
*
Nhưng những gì mà Văn phòng làm được có nguy cơ chỉ còn là kỷ niệm.
Ngày 15/5/2019, trước cửa Văn phòng CL – HB dán một thông báo với nội dung: “Kể từ hôm nay 15/5/2019 Phòng Công Lý Hòa Bình tạm ngưng làm việc đến khi có thông báo mới”.
Linh mục Phaolo Lê Xuân Lộc, người đóng cánh cửa Văn phòng CL – HB cho biết Văn phòng Phát triển con người toàn diện (tên mới) vẫn lo cho thương phế binh theo cách thức và nhân sự mới.
Không biết với nhân sự mới và cách thức mới như thế nào, chỉ biết rằng Chương trình Tri ân TPBVNCH đang hoạt động rất hiệu quả và ý nghĩa, với một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo, tâm huyết. Từ vài trăm TPB cách đây 7 năm, đến nay Chương trình đã chăm sóc, hỗ trợ cho hơn 7 nghìn anh chị em TPB VNCH. Bằng nỗ lực của các linh mục và anh chị em tình nguyện viên, Chương trình đã làm được một khối lượng công việc thật đáng khâm phục.
Fbker Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá: Không có một cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành thì khó có ai quy tụ được một số đông TNV nhiệt tình, năng nổ, quên mình phục vụ trong chương trình Tri Ân TPB VNCH. Không có một cha Giuse Lê Quang Uy thì khó có ai làm được chương trình “Bữa cơm Niềm vui” tại 38 Kỳ Đồng.
Fbker này băn khoăn: “Vậy thì “nhân sự mới” liệu có đủ năng lực và uy tín như các cha đã làm được và làm thành công hai chương trình trên?”
Mặc dù có sự trấn an rằng Văn phòng vẫn lo cho TPB, nhưng mọi người tỏ ra hoài nghi, nếu có thì nội dung hoạt động sẽ như thế nào, có được như trước không hay theo khuôn khổ nhà cầm quyền đặt ra?
*
Mấy ngày vừa qua, nhiều cộng tác viên tâm huyết tập trung về Văn phòng cho đến khi Lm Phaolô Lê Xuân Lộc đóng cửa tạm ngừng hoạt động. Họ đều thể hiện sự buồn thương, tiếc nuối khi không còn được đóng góp sức lực và tâm huyết của mình cho những hoạt động vì TPB. Khi cánh cửa Văn phòng đóng, có cả những TPB lặng rẽ rời đi trong buồn tủi.
Song song với việc tạm đóng cửa Văn phòng, một số linh mục đang chăm lo rất tốt cho chương trình Tri ân TPBVNCH đã bị điều chuyển đi: Lê Ngọc Thanh, Đinh Hữu Thoại, Trương Hoàng Vũ, Lê Quang Uy.
Chị Dương Thị Tân kể một khoảnh khắc về cha Uy thật cảm động, ngậm ngùi: Hôm qua (15/5) được gặp Cha Giuse Lê Quang Uy khi Cha chống cây gậy 4 chân ghé qua phòng CL & HB, như để chào mọi người trước khi Cha đến chỗ ở mới. Tôi lắng nghe và biết được nơi Cha đến là ngôi nhà của cộng đoàn DCCT ở Vũng Tàu, phải leo nhiều bậc thang mới lên tới được… cái nơi mà người khoẻ mạnh leo lên còn nhọc? Trong khi Cha Quang Uy giờ phải chống gậy mà đi còn không vững”
Chị Nguyễn Thúy Hạnh thốt lên trước tờ thông báo Văn phòng tạm ngưng làm việc: “Bàn tay ma quỷ đã thò được vào cả nơi này rồi ư? Than ôi!”
Nhà báo Sương Quỳnh đặt câu hỏi: “Thưa cha Ngọc Bích, ông đang phụng sự ai vậy???! Nếu đã sợ một thế lực nào và cung phụng nó thì đừng làm linh mục”.
Fbker Nguyễn Lai than: “Tan đàn xẻ nghé rồi chắc Ngài vui? Ngài đã hất đổ chén cơm của người nghèo, đã cướp đi niềm vui nhỏ nhoi của những chú TPB gần đất xa trời. Ngài sẽ được gì sau thỏa hiệp với quỉ dữ?”
Nhà báo Minh Tâm viết trên Sài Gòn Báo: “Không quá lời khi nói rằng, ngay chính nơi này, một lần nữa, Công lý đã bị bức tử”. Tác giả cảnh báo: ‘Ngày 15-05-2019 sẽ được ghi nhớ, không chỉ là cáo chung của “Công lý và Hòa bình”, mà còn là nhắc nhở dường như cái sự ác thì luôn vô cùng!’
Cựu Tù nhân lương tâm Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình một tình nguyện viên của Văn phòng không nén được bức xúc, viết status ngỏ gửi Giám tỉnh dòng Chúa Cứu thế Nguyễn Ngọc Bích: “Ông nhìn kỹ đi!… chúng tôi làm những việc này là muốn phần phúc mai sau nơi toà phán xét của Chúa. Còn ông đã & đang làm gì tổn hại đến chính hình ảnh của Chúa qua những người khốn cùng này … ông phải trả cái giá rất đắt cho việc làm cộng tác với quỷ dữ”
Chị Dương Thị Tân nhận xét: “Có thể nói sang nhiệm kỳ thứ hai này, cha Ngọc Bích đã hoàn thành nhiệm cụ được giao là phân tán, cô lập các cha đang thực thi rất tốt sứ vụ mà Thiên Chúa trao ban. Hiện cha Bích chỉ còn giữ bên mình những cha luôn tuân phục cha, cũng như tuân phục nhà cầm quyền…”.
Nhìn hình ảnh u buồn của các tình nguyện viên, Phạm Thanh Nghiên than: “Ôi! Giây phút cuối cùng của Văn phòng Công lý Hoà bình DCCT đây ư!”
Những tình nguyện viên, của những anh chị em bấy nay gắn bó với Văn phòng CL – HB đều bày tỏ sự thất vọng và bức xúc và hoài nghi. Chưa thấy lời nào giải thích hay bênh vực cho những thay đổi lạ của DCCT Sài Gòn. Tuy nhiên, khi mọi chỉ trích đều nhằm vào Lm Nguyễn Ngọc Bích thì cũng có ý kiến cho rằng, trách nhiệm còn ở cả những người đã bầu cho ông.
Những lời bàn tán không chỉ xuất phát từ việc tạm đóng cửa Văn phòng CL – HB mà còn từ những việc làm khó hiểu của Lm Nguyễn Ngọc Bích kể từ khi ông nhậm chức Giám tỉnh đến nay.
Trả lời nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh khi vừa được bầu làm Giám tỉnh DCCT Việt Nam hồi tháng 4/2015, Lm Nguyễn Ngọc Bích cho biết: “Những sự thay đổi, nếu có những gì tốt thì không có lý do gì để thay đổi cả”. Điều này có nghĩa là, nếu có sự thay đổi thì đã có những điều không tốt.
Việc tạm đóng cửa Văn phòng để bàn giao và việc giúp đỡ TPB theo cách thức mới với những nhân sự mới là một sự thay đổi. Như vậy, phải chăng Văn phòng CL – HB với những công việc đang thực hiện, trong đó có Chương trình Tri ân TPBVNCH đã có điều gì không tốt? Và không tốt đối với ai?
*
Như vậy, Văn phòng CL – HB đổi tên thành Văn phòng Phát triển con người toàn diện. Theo Fbker Nguyễn Lai thì trong “gói” bàn giao có yêu cầu cả “Danh sách các vị Thương phế binh VNCH đã tham gia chương trình” cùng với “Danh sách các vị ân nhân trong và ngoài nước đã đóng góp ủng hộ chương trình” và lo những danh sách này có thể lọt vào tay an ninh. Sau khi dẫn ra các qui định pháp luật, fbker này khẳng định: “Những thông tin cá nhân của các vị TPB VNCH và thông tin của các vị ân nhân trong và ngoài nước mà VP Công lý – Hòa bình có được là những bí mật riêng tư, bất khả xâm phạm và không thể chuyển giao cho bất kỳ bên thứ ba nào khác, nếu không có sự đồng ý của họ”.
Tuy nhiên, theo thông báo của Lm Phaolô Lê Xuân Lộc về việc thay đổi hoạt động của Văn phòng CL – HB thì ông cam kết sẽ bảo mật thông tin cá nhân của TPBVNCH và các dân oan, tù nhân lương tâm…
Thông báo của Lm Lê Xuân Lộc cũng nói rõ việc ông đã bàn giao lại văn phòng Công lý và Hòa Bình ngày 15/5/2019, không còn tiếp tục chương trình Tri ân TPBVNCH nữa
Dù Văn phòng đổi tên thì tôi vẫn thích cái tên cũ đã trở nên thân thuộc cũng như thích cái tên Sài Gòn khi thành phố này bị đổi tên. Không biết với tên mới, hoạt động của Văn phòng sẽ thay đổi theo hướng nào. Chỉ mong Văn phòng không biến thành nơi giao thoa một cách khiên cưỡng, gán ghép giữa lý tưởng của Chúa với lý tưởng cộng sản.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-behind-closure-of-office-for-justice-and-peace-05182019085316.html

Giọt nước mắt của chủ chăn

Cánh Cò
Người Công giáo xem một linh mục là chủ chăn mà đàn chiên là người theo cây gậy của linh mục để hướng về một mục tiêu chung là Thiên Chúa.
Có rất nhiều câu chuyện về người chủ chăn vì lạc mất một con chiên đã phải lo lắng tìm kiếm cho bằng được để đem nó về chuồng. Câu chuyện ẩn dụ về con chiên trót mang tội lỗi bỏ Chúa mà đi theo tiếng gọi của ma quỷ và vị chủ chăn phải tranh đấu với nó để giành lấy con chiên này về lại với gia đình chung là giáo hội.
Giáo hội Công giáo Việt Nam hôm nay vừa chứng kiến một linh mục khóc vì bị bứt ra khỏi đàn chiên của mình để tới một nơi không có giáo dân, tức là không có con chiên nào cần sự chăn dắt. Đó là linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân vâng lệnh bề trên rời giáo xứ Thọ Hòa nơi ông gắn bó bao năm qua để về Núi Cúi, một vùng đất rộng lớn nhưng không có giáo dân vì nơi đây đang xây dựng một khu hành hương lớn nhất Việt Nam và mục tiêu chính là đón đức Giáo Hoàng về thăm khi thuận tiện.
Linh mục Nguyễn Duy Tân trong ngày từ giã đã chịu một kịch bản khá đau lòng đối với một linh mục khi ông không được dâng thánh lễ cũng như đọc bài giảng trong buổi chia tay với những người tiễn đưa ông, một số là dân oan Vườn rau Lộc Hưng, những người từng được an ủi vỗ về và chia sẻ bởi linh mục Duy Tân trong những ngày họ bị nhà cầm quyền khiến cho nhà tan cửa nát. Người linh mục ấy đối với họ không những là một chủ chăn đúng nghĩa mà ông còn là một người thân trong từng hộ gia đình của vườn rau Lộc Hưng bởi ông từng chung vai sát cánh với họ đòi nhà nước trả lại công bằng cho họ.
Câu chuyện của linh mục Tân tiếp nối tin đồn râm ran về việc Văn phòng Công lý và Hòa Bình phải đóng cửa đồng nghĩa với chương trình “Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa” được coi như biến mất vì không ai trông nom, gánh vác.
Nói đến Văn phòng Công Lý và Hòa Bình người tứng biết về nó không khỏi khâm phục vì công cuộc truyền giáo bằng hành động bác ái và chia sẻ của những linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cũng như sự trợ giúp của hàng trăm giáo dân và những người hoạt động dân chủ nhân quyền tại Việt Nam. Các linh mục như Phạm Trung Thành, nguyên Giám tỉnh DCCT, linh mục Đinh Hữu Thoại người phụ trách chính chương trình tri ân, Linh mục Lê Ngọc Thanh người Điều hành Ban Truyền thông Dòng Chúa Cứu Thế, là một trong ba người Việt Nam nằm trong danh sách 100 anh hùng thông tin thế giới được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vinh danh năm 2014. Tất cà những linh mục sống đời tận hiến ấy đều bị luân chuyển đi nơi khác khi thành quả của họ đe dọa sự thống trị của chính quyền sở tại.
Đó là DCCT trong Nam, riêng tại miền Bắc thì nhà thờ Thái Hà là nơi lên tiếng mạnh mẽ nhất bảo vệ không những tài sản của Giáo hội mà còn cho những người dân oan mất đất, những hoàn cảnh cơ nhỡ cần cứu giúp. Những câu chuyện về bất công trong đời sống được chia sẻ trong các bài giảng Chúa Nhật đã khiến cho Hà Nội một thời rúng động. Hệ quả là linh mục Nguyễn Văn Khải từng được xem là tiếng nói mạnh mẽ nhất giáo xứ Thái Hà sau khi được sang Rome để theo lớp thần học lại không được phép trở lại quê nhà. Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, người không kém gì linh mục Nguyễn Văn Khải được luân chuyển vào DCCT Kỳ Đồng cũng như những linh mục khác không thể ở lại nơi mình đã gây dựng được đàn chiên yêu mến mình.
Các vị chủ chăn lớn như Giám mục Ngô Văn Kiệt hết mình bảo vệ tài sản Giáo hội đến nỗi bị chính quyền làm áp lực phải bỏ Giáo phận Hà Nội để trở thành một giám mục không có con chiên. Giám mục Nguyễn Thái Hợp chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, từng nổi tiếng vì đồng hành cùng giáo dân đòi công lý trong vụ Formosa khi còn là giám mục Giáo phận Vinh. Ông ra thư chung nói về tình trạng cá chết bất thường tại miền Trung gây tranh cãi và theo nhận định của VTV, Thư Chung của Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã kêu gọi người dân và chính phủ tìm ra nguyên nhân cá chết, đồng thời cũng phân tích rõ những tác hại của việc cá chết với môi trường biển và đất, cũng như những tác hại nếu con người ăn phải những cá chết có nhiễm độc cuối cùng VTV cho rằng ông kích động giáo dân chống chính quyền.
Kết quả là Giám mục Nguyễn Thái Hợp không thể ở lại Giáo phận Vinh mà phải kết thúc sứ vụ mục tử ở đây để về cai quản giáo phận Hà Tĩnh là giáo phận mới thành lập và Giám mục Nguyễn Thái Hợp là Giám mục tiên khởi.
Nếu giáo phận Vinh có giám mục Nguyễn Thái Hợp hết lòng vì mục tử thì trong Nam, Tổng Giáo phận Sài Gòn nơi có nhà thờ Đức Bà nổi tiếng khắp nước lại vừa chứng kiến một vị chủ chăn làm đau lòng giáo hội.
Những câu chữ của Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng ghi trong sổ tang của tang lễ Lê Đức Anh đã dấy lên phản ứng bất lợi cho người Công giáo tại Sái gòn khi ông viết: “Cùng với đồng bào cả nước, thay mặt các hồng y, các giám mục, linh mục, tu sĩ và toàn thể giáo dân Công giáo của Tổng giáo phận TP.HCM, Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng, Giám quản tông tòa Tổng giáo phận TP.HCM, chia buồn sâu sắc cùng toàn thể gia quyến.
Vĩnh biệt ngài Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Vĩnh biệt nhà lãnh đạo tài ba đã góp phần to lớn cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam”.
Chưa bao giờ một vị chủ chăn lại có những câu chữ mang dấu ấn tuyên giáo đậm đặc như thế. Tổng Giáo phận Sái Gòn cũng chưa bao giờ đổi tên thành Tổng Giáo phận TP.HCM và sự thay đổi danh xưng này làm đau lòng không ít cho những giáo dân tha thiết với niềm tin vào Chúa.
Và dĩ nhiên vì đức vâng lời họ không thể công khai chống đối hay phản biện. Người giáo dân chí thành nhất với niểm tin vào chủ chăn cũng không thể chịu nỗi ngôn ngữ mà một vị giám mục hạ mình đối với nhà cầm quyền rõ ràng như thế.
Linh mục Nguyễn Duy Tân có khóc thì cũng đúng vì ông đứt ruột xa rời đàn chiên mà ông yêu mến, thế còn những con chiên lạc của ông có khóc được không khi bề trên của họ phải thần phục nhà nước để nhà thờ vang vang tiếng chuông đầu thánh lễ?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tears-of-shephard-05182019090922.html

Tất Thành Cang: phép thử cho người đốt lò

Gió Bấc
Sau một tháng vắng bóng, người đốt lò đã tái xuất hiện ở chính trường với ngọn lửa nóng rực cả hai đầu thành Hồ và Hà Nội. Nguyên Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và hàng loạt tướng lĩnh bị hài danh chờ kỷ luật.
Đáng chú ý là việc đồng loạt khởi tố bắt giam hai Tổng Giám dốc Tề Trí Dũng và Bùi Quang Huy có thể xem là cửa mở, là bậc thang để hướng đến hai thanh củi to hơn là Tất Thành Cang – nguyên Phó bí thư thành ủy Hồ Chí Minh và Nguyễn Đức Chung – đương nhiệm Chủ tịch UBND TP, Hà Nội
Tiếp tục đốt lò để duy trì quyền lực?
Dư luận đồn đoán cho rằng đây cách đáp trả “tao có chi mô” bằng hành động của Tổng Trọng trước đám cận thần đang lăm le đòi chia quyền thừa kế và thề hiện ý chí quyết tâm bám trụ ngôi vương cho đến hết nhiệm kỳ và có thể cả đến nhiệm kỳ sau.
Chương trình làm việc sắp tới của Tổng Tịch từ việc trình Luật trước Quốc Hội đến nội dung chương trình hội nghị trung ương 10 quy hoạch đội ngũ cán bô chiến lược càng cho thấy quyết tâm trụ hạng lâu dài. Để bù đắp cho sụt giảm sức khỏe vì thời tiết vừa rồi, chắc chắn, lò sẽ tăng nhiệt, sẽ có thêm nhiều củi gộc vào lò. Cũng không loại trừ những công thần hiện vây quanh Tổng tịch cũng có thể bất ngờ trống ghế như Đinh Thế Huynh.
Tại cuộc họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì sau đúng một tháng vắng bóng, Tổng Trọng chủ động công khai thể hiện ý chí đốt lò: “Phải làm tiếp một vài vụ cho ra. Các đồng chí không được nghỉ ngơi, không được có cái gì người ta cảm thấy là chùng xuống cả. Có khi phải làm mạnh hơn nữa thì mới tốt“.
Tha Thủ Thiêm sao lại giết vì Tân Thuân
Riêng vụ bắt Tề Trí Dũng cho thấy chừng như lửa lò đã phả đến gáy Tất Thành Cang. Không hẹn mà gặp, các tờ báo lề phải đã đồng loạt đưa tin theo cách quy trách nhiệm Tất Thành Cang trong các sai phạm pháp luật của công ty Tân Thuận.
Dù bị kỷ luật cách chức Ủy viên Trung ương đảng và Phó bí thư Thành ủy, Tất Thành Cang vẫn đang là Thành ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP HCM”. Hiếm có quan chức đang tại vị nào bị báo chí lề phải công khai xúc xiểm như Tất Thành Cang. Báo chí đồng loạt quy tội Cang ngay tên tiêu đề bài báo: Viêtnamnet viết “Bóng dáng ông Tất Thành Cang trong chuỗi sai phạm tại công ty Tân Thuận” {1} VnEpress viết “Ông Tất Thành Cang liên quan thế nào đến sai phạm của Tân Thuận – IPC” {2} Một thế giới viết “Sai phạm liên quan đến ông Tất Thành Cang, TGĐ công ty Tân Thuận bị bắt {3}
Ngay báo Thanh Niên, tờ báo trung thành mẫu mực với đảng khi đồng loạt miễn nhiệm 13 cán bộ Trưởng phó phòng không phải đảng viên theo quy định của đảng cũng đặt vấn đề “Ông Tất Thành Cang có chỉ đạo IPC ‘bán rẻ’ Sadeco?” {4}
Cách đây hơn 1 tháng, báo điên tử Người Tiêu Dùng đã bị phạt tiền và đình bản ba tháng vì bài viết đặt vấn đề xử lỳ hai cán bộ hưu trì là Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân. Đảng luôn quan tâm bảo vệ cán bộ nên không ai được tự ý xúc phạm các tổ chức và đảng viên, nên nếu không có ai dó phất cờ chắc hẳn các báo không dám liều mình như vậy.
Cho Cang vào lò là nguyện vọng chung của người dân thể hiện rõ trong những lần tiếp xúc cử tri, trên các diễn đàn. Nhiều lần dư luận đồn đoán Cang bị nhập kho nhưng đến nay Cang vẫn yên vị là con yêu của Đảng. Lần này, báo chí lề phải đồng loạt kết tội Cang tất nhiên phải có cơ sở nào đó, nói chính xác, ý đảng đã gặp lòng dân mong đợi từ lâu.
Nhưng việc báo chí đồng loạt quy trách nhiệm cho Cang như là tín hiệu, là áp lực đưa Cang vào lò qua vụ bắt Tề Trí Dũng làm nhiều người thắc mắc. Trước hết, dù có tiêu cực nhưng IPC của Dũng là một trong số rất ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn có lãi. Sai phạm của Dũng mà Cang có góp phần là bán giá rẻ cổ phần của Sabeco cho Nguyễn Kim, công ty có tiền vẫn đi vay ngân hàng nộp lãi, …. quá nhỏ bé so với các sai phạm khác. vụ việc khác của Cang như bán hơn 40ha đất giá bèo cho Quốc Cường Gia lai hay duyệt chi cho Đại Quang Minh thi công 4 tuyến đường chỉ hơn 10km với giá 12.000 tỉ đồng đặc biệt là sai phạm nghiêm trong, việc giải tỏa lố và làm biến mất 160 ha đất tái định cư làm hàng ngàn người dân điêu đứng. Tại sao không cho Cang vào lò ngay từ những sai phạm ấy mà phải mượn con tốt cỏn con Tề Trí Dũng?
Nhỏ nhưng có võ
Chừng như thanh củi Tất Thành Cang tuy nhỏ nhưng có võ nên lửa lò cụ Tổng chưa đốt nổi. Từ tháng 11-2018, kỳ họp thứ 31 của UBKT đã đưa Cang vào danh sách đen với cáo buộc nặng nề như sau: kỳ họp này, UBKT Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung quan trọng. Trong đó có việc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM.
Theo đó, ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp (DN) thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các DN thuộc Thành ủy; chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại DN; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND TP, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP, ông Tất Thành Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Theo văn tự của UBKT, sai phạm cùng ở mức “rất nghiêm trọng” Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đã lần lượt vào lò nhưng vì sao Tất Thành Cang vẫn còn giữ chức Thành Ủy Viên? Theo cơ chế thiếu minh bạch của đảng và chính quyền cộng sản thì tất cả những chuyện xử lý cán bộ đều trong nội bộ u u minh minh. Người dân chỉ được biết những gì đang cho phép. Có điều dễ thấy rằng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cắn miếng mồi 9000 tỉ của AVG quá ngon và chỉ chia nhau trong nhóm liên quan. Đinh La Thăng có thể rộng tay mua chuộc tình cảm bằng việc phân chia quyền lực nhưng Tất Thành Cang thì khác. Trực tiếp quản lý đất đai Sài Gòn rộng lớn và nhất là đất vàng Thủ Thiêm, Cang đã khôn khéo rộng tay phân cấp chia chác cho cán bộ hàng ngang, hàng dọc, khéo cúng kinh cho trên. Dân gian có câu thơ: “Bác Hồ nói với Bác Tôn, Việt Nam chỉ có Sài Gòn là vui”. Vì vui nên khắp Bắc Trung Nam ai lại chẳng mong có vài thửa đất ở Sài Gòn. Có thể cái ân nghĩa đong đầy đó đã bảo vệ Cang an toàn đến ngày nay.
Con số 36% đáng ngại
Nguồn thông tin cụ thể duy nhất rò rỉ việc xem xét kỷ luật Tất Thành Cang là từ Fb Lê Nguyễn Hương Trà. Trên fb ngày 19-11 Hương Trà đã viết “Thường vụ Thành ủy Tp. HCM hôm nay họp về vụ kỷ luật Tất Thành Cang. Kết quả có 9 phiếu cảnh cáo, 2 phiếu cách chức và còn lại 4 khiển trách. Chủ yếu do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ!
Như vậy tình hình địa phương về các vi phạm của 6C nhẹ hơn nhiều so với kết luận của UBKTTW!”
Không có nguồn tin nào khác để đối chiếu thông tin này, tuy nhiên thực tế cho thấy những thông tin khác trong dòng trạng thái của Hương Trà cùng ngày là hoàn toàn chính xác “Tin thêm về Tp.HCM.
Chiều cùng ngày, CQĐT BCA đã triệu tập đồng loạt ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, Đào Anh Kiệt – nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM), Lê Văn Thanh – Phó chánh văn phòng UBND Tp.HCM) và Nguyễn Thanh Chương – Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND Tp.HCM.
Bốn ông anh này liên quan v/v Vũ Nhôm, đã bị khởi tố hôm 18.9.2018; tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”
Đã bắt ông Tín và Kiệt, di lý ra T.16 BCA!”
Như vậy, tại Thành Ủy TP.HCM, lực lượng ủng hộ, bảo vệ Cang còn rất mạnh. Một thông tin khác lan truyền trên mạng với hình ảnh cụ thể sau khi bị kỷ luật Cang vẫn tiệc tùng đình đám với các quan chức sở ngành, quận huyện của TP. HCM. Nguồn lực này là một tác nhân cứu mạng Cang.
Còn ở cấp Trung ương? Cũng từ Fb Hương Trà cho biết “Hội nghị TW9 chỉ vỏn vẹn trong 2 ngày. Đặc biệt, trước khi kết thúc lúc 15:40 chiều nay 26.12, đã bỏ phiếu thông qua v/v cách chức UV TW khóa XII và phó Bí thư thường trực Thành ủy Tp. HCM (2015 – 2020) của anh Tất Thành Cang; với tỉ lệ phiếu 64%. Việc anh Tuấn và Bắc Son Bộ 4T chưa nói tới. Túm lại, Tất Thành Cang vẫn còn là TUV nhưng giờ không biết…bố trí đâu!”
Với những sai phạm tày trời như vậy, mức kỷ luật cách chức là quá nhẹ nhưng chỉ có 64% đồng tình, có nghĩa là còn đến 36% ủy viên BCH ủng hộ Cang, cũng có nghĩa là 36% chống lại Lò.
Đốt thật hay mượn lò giữ ghế
Đấu trường Ban Chấp Hành Trung ương là trận địa đầy bất trắc mà Tổng Tịch đã từng bầm gan ứa nước mắt trong lần bỏ phiếu kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng thất bại. Mặc dù đã dùng nhiều chiêu thức luân chuyển cán bộ, thay máu BCH bằng những cận thần ruột rà nhưng Tổng Trọng chỉ thắng toát mồ hôi với đồng chí X, nhưng với đối tượng khác dù chỉ là cây củi bé như Tất Thành Cang, Tổng Trọng đã không đạt được đa số tuyệt dối ủng hộ. Rõ là, trong sự chồng chéo các quan hệ quyền lực, quyền lợi các phe nhóm trong nội bộ giới lãnh đạo chóp bu nhà đỏ không có ranh giới rõ ràng mà tùy thuộc vào từng vấn đề, từng mối quan hệ cụ thể. Có thể có những người trung thành với Tổng Trọng do chịu ơn những đặc quyền chính trị mà Trọng ban cho nhưng đồng thời họ có cộng đồng lợi ích với những thanh củi mà Trong muốn nhập lò. Đến giờ này vẫn chưa lộ diện những ai đã giúp Trịnh Xuân Thanh, Trần Bắc Hà, Vũ Nhôm…. trốn ra nước ngoài, vai vế của kẻ ấy chắc chắn không phải nhỏ,
Chính tình thế này cách thức mà Tổng Trọng hành xử với Tất Thành Cang là phép thử để có thể đánh giá Tổng Trọng thật tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy hay công cuộc đốt lò chỉ là nấc thang để Tổng Trọng duy trì quyền lực đến hết nhiệm kỳ thậm chí là lãnh tụ suốt đời theo gương của Mao, Hồ, Stalin hay những nhà độc tài cộng sản khác như dòng họ Kim ở Triều tiên.
Nếu thật sự chống tham nhũng vì nước vì dân, Tổng Trọng cần cho khởi tồ điều tra Cang, không chỉ vì các vụ nhập nhèm của công ty trực thuộc mà phải tập trung vào các sai phạm ở Thủ Thiêm. Phải làm rõ 160 ha đất tái định cư đã chia chác cho ai làm hơn 1000 người dân sống cảnh màn trời chiếu đất chứ không thể chỉ khoanh vùng chỉ có hơn 4 ha.
Nếu thật sự chống tham nhũng, Tổng Trọng không dừng lại chỉ mỗi Tất Thành Cang mà phải đưa vào lò tất cả những vi tai to mặt lớn có trách nhiệm liên quan, dấy máu ăn phần.
Chưa dám mơ ước Tổng Trọng sẽ nhận ra sự bế tắc, sai lầm của cơ chế độc tài đảng trị chính là nguồn gốc phát sinh tham nhũng. Chính quy định về quyền tước đoạt đất đai của nông dân làm giàu cho các lợi ích nhóm, các đại gia cá mập.
Chỉ cần Tổng Trọng đừng sợ mất phiếu, làm ra ngô ra khoai những dích dắc tham nhũng ở Thủ Thiêm đã đủ để người dân tôn phò ông ta thành người đốt lò vĩ đại chứ không phải náo nức chờ thông báo quốc tang mới như hiện nay.
E rằng cũng như những vụ trước đây, củi Tất Thành Cang sẽ được đút lò vì nhũng lý do vớ vẩn ở Công ty IPC còn Thủ Thiêm vẫn tiếp tục là cơ hội làm giàu cho quan chức.
1. http://bit.ly/2HozugB
2. http://bit.ly/2WKXkse
3. http://bit.ly/2Yz97KM
4. http://bit.ly/2HBTYlb
5. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211027782765206&set=a.1073608735149&type=3&theater
6. https://www.facebook.com/photo.php?fbid=10211027782765206&set=a.1073608735149&type=3&theater
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/tat-thanh-cang-test-by-party-chief-05172019132132.html

Công an VN chặn cửa bất đồng:

Thông điệp nào từ phản ứng của Mỹ?

Phạm Chí Dũng
Khác hẳn với thời Tổng thống Barak Obama, giới quan chức Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump không dễ để một chế độ nhược tiểu và thực dụng đến mức cạn tàu ráo máng như Việt Nam xúc phạm mà không dám phản ứng hoặc không biết cách phản ứng đích đáng.
Lần đầu tiên Mỹ ‘làm dữ’
Chỉ một ngày sau vụ hàng loạt nhà hoạt động nhân quyền bị công an Việt Nam chặn cửa không cho gặp phái đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ trước đối thoại Nhân quyền Việt – Mỹ 2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 14/5 đã lên tiếng:
Chúng tôi rất quan ngại khi được biết rằng giới chức Việt Nam đã ngăn cản nhiều nhà hoạt động nhân quyền Việt Nam đến cuộc gặp với đoàn đại diện Hoa Kỳ tại Đối thoại Nhân quyền Hoa Kỳ – Việt Nam. Đây là những vấn đề hết sức nghiêm trọng – việc tôn trọng các tự do căn bản và nhân quyền – là trọng tâm trong đối thoại của chúng tôi với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do lập hội và bày tỏ ý kiến”, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Chánh trị sự Hứa Phi, Luật sư Lê Công Định và ông Phạm Bá Hải – điều phối viên của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam là những người đã bị công an ngăn chặn thô bạo không cho gặp gỡ phái đoàn Vụ Dân chủ, Lao động và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi ông Scott Busby – Trợ lý ngoại trưởng – đến Việt Nam để tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt 2019.
Trên facebook của mình, Luật sư Lê Công Định tố cáo: “Sáng nay tôi ra khỏi nhà thì bị một lực lượng an ninh đông đảo chặn lại, cấm ra khỏi nhà cả ngày hôm nay và sáng mai. Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp vào sáng mai để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019… Anh an ninh của Sở Công an TPHCM giải thích rằng họ cấm tôi đi vì lẽ ra các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước VN trước khi gặp tôi…”.
Thói hành xử độc đoán và coi dân như rác của chính thể độc trị Việt Nam đã di căn đến cả thủ tục ‘hành là chính’’ trong quan hệ đối ngoại, kể cả với Hoa Kỳ là nước mà chế độ Việt Nam đặc biệt cần khẩn vì tiền và quân sự.
Vào tháng 5 năm 2016 khi Tổng thống Mỹ Barak Obama đến Hà Nội và tặng cho chính thể độc tài ở Việt Nam món quà khó tưởng tượng ‘dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương’, vẫn có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Obama bị công an Việt Nam thẳng tay chặn cửa không cho gặp tổng thống Mỹ. Phải chăng khi đó công an Việt Nam cho rằng tổng thống Mỹ đã không ‘xin phép’ chính quyền trước khi gặp bất đồng chính kiến?
Sau đó và chẳng hiểu sao, đã không có bất kỳ phản ứng nào từ Obama. Nhiều dư luận cho rằng tổng thống Mỹ đã trở nên quá yếm thế trước thói côn đồ và lưu manh của chính quyền Việt Nam.
Còn vào năm 2019, có thể ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên sau các cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt ở Hà Nội vào các năm 2013, 2015 và 2017, phía Mỹ đã ‘làm dữ’ như thế trước cảnh công an Việt Nam cấm cửa khách mời của Mỹ. Vào những lần đối thoại nhân quyền trước đây, công an Việt Nam vẫn luôn hành xử ‘luật rừng’ chặn cửa nhiều nhà hoạt động nhân quyền nhưng không thấy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ như vào năm 2019.
Hai ưu thế của Hoa Kỳ trước Việt Nam
Một số viên chức Hoa Kỳ có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, về những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam – một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế. Bằng chứng quá rõ ràng là sau hàng chục kỳ đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt, điều được xem là ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ của chính quyền Việt Nam không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn hẳn.
Nhiều nhà hoạt động nhân quyền gặp được phái đoàn Hoa Kỳ đều có chung ý kiến ‘không thể tin và chẳng có cơ sở nào để tin những lời hứa hẹn hay cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện nhân quyền’.
Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ Hoa Kỳ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.
Các nhà hoạt động nhân quyền đã đề nghị kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt cần được chi tiết hóa bằng biên bản, trong đó nhấn mạnh những nội dung mà phía Việt Nam cam kết sẽ cải thiện nhân quyền nhưng với mốc thời gian cụ thể để tránh tình trạng ‘lưỡi không xương nhiều đừng lắt léo’. Hơn nữa, biên bản này cần được ký xác nhận bởi một quan chức Việt Nam với chức vụ bộ trưởng.
Vào năm 2019 và khác hẳn những lần đối thoại nhân quyền trước đây, Hoa Kỳ đang có hai ưu thế nổi bật: ngay phía trước là chuyến đi Mỹ dự kiến của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, với điều kiện ông ta kịp phục hồi sức khỏe. Những lợi ích về ‘can đảm bám Mỹ để khai thác dầu khí’, cố gắng duy trì giá trị xuất siêu lên tới 35 tỷ USD hàng năm của Việt Nam vào thị trường Mỹ và thể diện cá nhân khi được tiếp đón chính thức với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia có thể khiến Trọng phải nhân nhượng một số điều kiện nhân quyền được nêu ra từ Mỹ.
Ưu thế thứ hai của Hoa Kỳ được thể hiện một cách gián tiếp qua EVFTA mà có thể sắp được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng 6 năm 2019, với điều kiện chính thể Việt Nam phải chấp nhận gói cải thiện nhân quyền do Nghị viện châu Âu đòi hỏi, bao gồm Việt Nam phải ký kết và phê chuẩn 3 công ước quốc tế còn lại về lao động và công đoàn độc lập, sửa đổi Bộ Luật Lao động một cách thực chất chứ không phải chỉ để đối phó, và có thể phải ban hành Luật về Hội…
Nếu Hoa Kỳ tận dụng được hai ưu thế lớn mà họ đang có trong tay, cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ – Việt năm 2019 và những diễn biến sau đó có thể sẽ mang một sắc thái khác hơn và hy vọng hơn nhiều so với con số 0 tròn trĩnh hai năm trước đó.
Trọng sẽ không êm ả ở Hoa Kỳ
Phản ứng của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc công an Việt Nam ngăn chặn nhiều nhà hoạt động nhân quyền là một tín hiệu báo trước chuyến đi Mỹ của Nguyễn Phú Trọng sẽ diễn ra không thể êm ả, bất kể ông ta có thanh minh ‘tôi không biết chuyện đó’, hoặc Trọng thừa biết rằng ông ta đã chjo phép cấp dưới của ông ta là Bộ Công an và công an các tỉnh hành xử ‘luật rừng’ như thế, hoặc một phe nhóm nào đó trong lực lượng công an đã cố tình chơi xấu ‘Tổng tịch’ nhằm ý đồ phá thối chuyến đi Mỹ của ông ta.
Nhưng dù với bất cứ nguồn cơn gì chăng nữa, hậu quả mà Nguyễn Phú Trọng sẽ phải nhận là không ít lời chỉ trích và lên án của Quốc hội Hoa Kỳ khi đến Mỹ, đặc biệt là nhóm Vietnam Caucus – bao gồm những nghị sĩ có tên tuổi và quen thuộc như Zoe Lofgren, Chris Smith, Frank Wolf, Alan Lowenthal…, cùng vài chục nghị sĩ khác của cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ, là một nhóm quan tâm đặc biệt đến chủ đề đối ngoại và nhân quyền ở Việt Nam trong nhiều năm qua như tự do tôn giáo, tự do báo chí, xã hội dân sự, thả tù nhân lương tâm.
Và nếu Trọng không chịu cải thiện nhân quyền, rất nhiều khả năng Quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép đến chính phủ Mỹ để chế tài kinh tế và cả chính trị đối với chính thể Việt Nam trong những tháng tới, khiến mất mát đáng kể lợi ích của chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Hiện nay, Quốc hội Mỹ đang có sẵn trong tay Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn Cầu mà nếu cần thì hoàn toàn có thể chế tài giới quan chức vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như không cho phép nhập cảnh vào Mỹ và phong tỏa tài sản ở nước ngoài của những quan chức này. Trong khi đó, hai dự luật Nhân quyền Việt Nam và Chế tài nhân quyền Việt Nam cũng đang được một số nghị sĩ trình ra Hạ nghị viện và Thượng nghị viện Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-an-chan-cua-bat-dong-thong-diep-cua-my/4921768.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.