Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 01/04/2019

Monday, April 1, 2019 8:01:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 01/04/2019

Tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh

bị đe doạ trong trại giam Ba Sao

Tin từ Hà Nam – Ban giám thị trại giam Ba Sao ở tỉnh Hà Nam đe doạ tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh, người đang thụ án tù 6 năm về tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Theo gia đình, giám thị trại giam gây khó dễ cho anh trong việc sinh hoạt, không cho anh gọi điện về cho gia đình, và không được nhận thư. Giám thị còn đe doạ nếu anh không nghe lời thì chúng sẽ chuyển anh sang một phòng riêng biệt.
Sự việc bắt đầu từ đầu tháng 2 khi Khánh làm đơn khiếu nại việc Toà án CSVN tỉnh Thái Nguyên không xem xét đơn kháng án của anh sau khi kết tội anh ở phiên sơ thẩm ngày 25/10/2017.  Khánh nói với gia đình rằng, anh có thể bị tước một số quyền của tù nhân trong thời gian tới, và có thể gia đình không được gặp anh. Nếu anh không liên lạc hoặc được gặp gia đình thì đồng nghĩa với việc anh đang trong tình trạng nguy hiểm.
Trong tuần, sinh viên luật Trương Thị Hà từ Sài Gòn có phàn nàn rằng, thư cô gửi cho Khánh bị trả lại.
Phan Kim Khánh, sinh năm 1983, bị bắt ngày 21/3/2017 vì những bài viết chống tham nhũng và cổ suý dân chủ đăng trên mạng xã hội. Sau khi bị kết án 6 năm tù giam trong phiên toà sơ thẩm, anh đã nộp đơn kháng cáo nhưng không được xem xét.  Anh là một hơn 250 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam, theo thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders).
Quốc Tuấn

Tấn công tình dục :

Pháp luật Việt Nam chưa đủ nghiêm minh

Trong những ngày qua, dư luận Việt Nam đã rất bất bình về mức xử phạt quá nhẹ đối với một người đã sàm sỡ, cưỡng ép để hôn một cô gái trong thang máy của một chung cư tại Hà Nội. Hình ảnh vụ này đã bị camera kiểm soát ghi lại và đương sự cũng đã thừa nhận hành vi của mình. Nhưng người này rốt cuộc chỉ bị xử phạt có 200 ngàn đồng.
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng mức xử phạt nói trên là một sự « xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam ». Trên mạng hiện nay đang lan truyền một kiến nghị đòi chính phủ Việt Nam phải sửa đổi luật hiện nay. Kiến nghị này đã thu được hàng trăm chữ ký ủng hộ.
Trên báo chí Việt Nam, các chuyên gia pháp luật cũng nhìn nhận rằng mức xử phạt 200 ngàn là chưa đủ nghiêm khắc đối với hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục của người đàn ông đối với phụ nữ và theo họ đây là lỗ hổng, khiếm khuyết của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người.
Khác với hiếp dâm, ở Việt Nam, tấn công tình dục hiện không bị xem là một tội phạm. Quy định pháp luật hiện chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục, mà những hành vi này được xếp cùng lọai với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tất cả những hành vi này đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000 – 300.000 đồng, chứ không thể xử lý trách nhiệm hình sự được.
Trong bản tin đề ngày 20/03, hãng tin AFP cho biết hiện chưa có các số liệu chính thức về các vụ tấn công tình dục ở Việt Nam, nhưng theo một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Action Aid thực hiện vào năm 2014, có đến gần 90% trong số 2000 phụ nữ được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên ( CSAGA ).
Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA29/03/2019Nghe
RFI :
Xin kính chào bà Nguyễn Vân Anh, trước hết bà có ý kiến gì về mức xử phạt bị xem là quá nhẹ đối với người đã cưỡng ép để hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Sau vụ việc vừa qua, dư luận Việt Nam nói chung là không chấp nhận (mức xử phạt đó). Việc dư luận lên tiếng nhiều cũng thể hiện là mặt bằng dân trí và ý thức về pháp luật, về quyền con người của mọi người bây giờ cũng khá là cao rồi, không phải dễ dàng chấp nhận điều đó.
Không chỉ có CSAGA GBVnet, tức Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam, cũng như các nhóm trẻ, các tổ chức xã hội dân sự khác đã đều lên tiếng về chuyện này. Tôi hy vọng là việc lên tiếng này sẽ làm thức tỉnh những người làm luật cũng như những người
có trách nhiệm về vấn đề này ở Việt Nam. Vừa rồi phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã lên tiếng, yêu cầu xem xét lại những hình thức xử phạt. Đây là một phản ứng khá tích cực của Nhà nước.
Lâu nay, dư luận Việt Nam cũng đã nói rất nhiều về một số bất cập của luật pháp đối với tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục ở Việt Nam, bởi vì hiện chưa có khái niệm về quấy rối tình dục trong các văn bản pháp luật, hoặc nếu có đâu đó thì không được chỉ rõ là bao gồm những hành động nào. Các nhà làm luật cần phải xem xét lại việc luật pháp chưa nghiêm minh đối với các hành vi xâm hại tình dục, khiến cho kẻ có ý định xâm hại tình dục không cảm thấy lo ngại, hoặc những kẻ đã có hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục cũng không cảm thấy mình phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc, khiến họ phải sợ hãi. Đó là lý do về tâm lý và chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều về vấn đề này.
RFI : Vậy theo bà thì luật ở Việt Nam hiện nay cần phải được như thế nào để tạo đủ sức răn đe đối với những hành vi quấy rối, tấn công tình dục ở Việt Nam ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi không phải là chuyên gia pháp luật, nhưng có nghiên cứu về bạo lực tình dục, thì tôi thấy là trong luật lao động có nói đến khái niệm quấy rối tình dục. Người lao động có thể đơn phương thôi việc nếu bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên lại không có định nghĩa về quấy rối tình dục.
Thứ hai là cũng không có khái niệm bạo lực tình dục. Ví dụ trong luật phòng chống bạo lực gia đình có nói việc cưỡng ép tình dục trong hôn nhân cũng bị coi là bạo lực gia đình, nhưng thế nào là cưỡng ép tình dục trong hôn nhân thì cũng không có định nghĩa. Tất cả những điều đó cần phải được sửa đổi, cần phải cụ thể hóa hơn, để có thể, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân, để mọi người có ý thức để tự bảo vệ mình, thì luật cũng cần phải rõ ràng hơn.
RFI :Theo dõi báo chí trong nước, chúng tôi có cảm tưởng là các vụ tấn công tình dục, các vụ hiếp dâm, kể cả đối với trẻ vị thành niên, vẫn không giảm, nếu không muốn nói là tăng thêm. Phải chăng ở Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn có tâm lý là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với phụ nữ mà không sợ bị trừng phạt ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi không biết nhận xét của anh đúng không hay không. Khi nhận thức của mọi người được nâng lên thì người ta dám tố cáo những chuyện này nhiều hơn, báo chí cũng vào cuộc để đưa tin nhiều hơn. Trước đây có thể có nhiều vụ, nhưng đã bị ỉm vào trong im lặng, thì bây giờ được bộc lộ ra ánh sáng nhiều hơn.
Đấy có thể là một khía cạnh, nhưng việc những vụ đó tiếp tục xảy ra khiến mọi người cảm thấy đau lòng và bất an. Ngay cả trong một chung cư ở thành phố, cho đến vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, không một chỗ nào mà người ta cảm thấy có độ an toàn cao.
Chúng tôi nghĩ, dù còn một em vị thành niên, dù là còn một phụ nữ, một cô gái bị xâm hại, tấn công, quấy rối tình dục, thì điều đấy cần được thay đổi.
RFI : Trong vấn đề này, theo bà thì các mạng xã hội có tác động như thế nào ?
Bà Nguyễn Vân Anh : Tôi nghĩ là mạng xã hội chỉ phản ánh thực tế của xã hội, tức là bây giờ có rất nhiều cách để người ta có kiến thức nhiều hơn, ý thức về quyền của người ta nhiều hơn, người ta không còn cảm thấy xấu hổ nhiều như trước đây nữa khi nói về xâm hại tình dục. Trước đây khi nói về tình dục, thì người ta đã cảm thấy rụt lại rồi. Hoặc quan niệm về trinh tiết đối với một người con gái trước đây rất là khác, nếu mất trinh thì rất khó lấy chồng hoặc bị xã hội đánh giá như là một cái gì rất là tồi tệ. Bây giờ người ta không còn có quan niệm đó nữa. Đấy cũng là lý do khiến người ta bộc lộ nhiều hơn.
Đúng là nhờ mạng xã hội, những quan điểm đó được bộ lộ công khai và được ủng hộ, khiến cho người ta không cảm thấy cô đơn khi người ta tố cáo.

Công an điều tra vụ 1000 người dân đòi sổ đỏ

ở Quảng Nam

Công an tỉnh Quảng Nam đang tiến hành kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các bên liên quan trong vụ 1000 người dân đòi sổ đỏ. Báo Người lao động đưa tin hôm nay.
Theo người dân trình bày với ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại buổi họp hôm 20/3 thì Công ty Bách Đạt An và Công ty Hoàng Nhất Nam cam kết với họ trong
tháng 1/2019 sẽ ra sổ đỏ nhưng đến nay họ vẫn chưa nhận được vì Công ty Bách Đạt An cắt hợp đồng với Công ty Hoàng Nhất Nam.
Công ty Bách Đạt An làm chủ đầu tư, công ty Hoàng Nhất Nam là đơn vị phân phối của ba dự án tại thị xã Điện Bàn là dự án khu đô thị Bách Đạt 1, khu đô thị 7B mở rộng và Hera Complex Riverside.
Sau buổi họp, ông Thanh kết luận tỉnh có trách nhiệm tiếp cận, giải quyết vụ việc đảm bảo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
Ngoài việc công an đang tiến hành điều tra, thanh tra tỉnh cũng đang thanh tra toàn diện các dự án của Công ty Bách Đạt An để xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan.
Hôm 30/3, công ty Hoàng Nhất Nam cũng có buổi làm việc với 1000 khách hàng này và khẳng định công ty luôn đồng hành vì quyền lợi của khách hàng và cam kết sẵn sàng bổ sung tài chính giúp chủ đầu tư.
Tờ Việt Báo đưa tin này là dẫn lời một đại diện khách hàng rằng tranh chấp giữa Hoàng Nhất Nam và Bách Đạt An là tranh chấp giữa 2 công ty tại tòa. Khách hàng chỉ cần biết quyền lợi của mình được giải quyết như thế nào?.
Ông Lê Trí Thanh đề nghị trong thời gian chờ kết luận của các cơ quan chức năng, người dân phải bình tĩnh, không làm mất an ninh trật tự tại địa phương.

Ông Tất Thành Cang đỗ ‘ga xép’ trước khi bị truy tố?

Hàng trăm ý kiến bày tỏ bất bình được gửi đến báo chí chính thống ở Việt Nam và đăng lên truyền thông xã hội sau khi một cựu lãnh đạo đảng bị kỷ luật ở thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm phụ trách việc viết lịch sử thành phố.
Tuy nhiên, những người am hiểu chính trị Việt Nam nói sự bổ nhiệm này có thể chỉ là một chặng dừng chân tạm thời trước khi quan chức kia bị truy tố và đem ra xét xử.
Các báo Việt Nam, trong đó có VNExpress, VietnamNet, Tiền Phong…, đưa tin hôm 30/3 cho hay ông Tất Thành Cang “được phân công” làm Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công trình “Lịch sử TP.HCM”.
Công trình nghiên cứu kể trên được Thành ủy TP.HCM đặt hàng với Hội Lịch sử của thành phố. Ban chỉ đạo về chương trình này có nhiệm vụ “định hướng nội dung”.
Nói với Đài VOA, một số nhà quan sát cho rằng việc ông Tất Thành Cang nay trở thành phó trưởng ban chỉ đạo về thực chất là một sự đi xuống về mặt chức danh. Trước đây, ông Cang từng là trưởng ban, khi ông còn là phó bí thư thường trực thành ủy.
Hồi cuối tháng 12/2018, ông Cang bị Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật bằng hình thức “cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM” vì ông có những “khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng”.
Thông báo về kỷ luật của đảng được báo chí trong nước dẫn lại ở thời điểm đó cho hay ông Cang “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc” trong việc quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ TP.HCM, cũng như “vi phạm các quy định pháp luật” trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp do thành ủy quản lý.
Nhiệm vụ viết lịch sử thì đòi hỏi có người có cái tâm sáng, phải có tầm nhìn và đánh giá đúng thực chất lịch sử. Nếu mà người làm từng bị kỷ luật rất nặng nề như vậy, giờ tham gia viết cái đó, liệu có đảm bảo khách quan không?
Ông Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm VP Quốc hội
Ở thời điểm hiện nay, việc ông Cang được bổ nhiệm làm phó ban chỉ đạo về soạn lịch sử của thành phố quan trọng nhất về kinh tế của Việt Nam đang gây ra nhiều phản ứng tiêu cực trong công chúng.
Theo báo mạng VietnamNet, “hàng trăm độc” giả đã gửi ý kiến bày tỏ “không thể tin nổi” hoặc “bó tay” về sự bổ nhiệm nói trên, trong đó một số người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền thành phố “hết người tài” để lựa chọn cho nắm giữ một trọng trách như vậy? VOA cũng quan sát thấy có hàng trăng ý kiến tương tự được bày tỏ qua mạng xã hội.
Luật sư Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho VOA biết rằng ít nhất theo quan sát cá nhân, ông nhận thấy dư luận ở TP.HCM, bao gồm cả những đảng viên kỳ cựu 50, 60 tuổi đảng, đang “sốc” và “bức xúc” về việc bổ nhiệm “thiếu nhạy cảm” mới đây.
Ông Thuận nói thêm: “Họ cho rằng việc phân công đó là không nên. Nhiệm vụ viết lịch sử thì đòi hỏi có người có cái tâm sáng, phải có tầm nhìn và đánh giá đúng thực chất lịch sử. Nếu mà người làm từng bị kỷ luật rất nặng nề như vậy, giờ tham gia viết cái đó, liệu có đảm bảo khách quan không?”
Với hiểu biết về hệ thống chính trị Việt Nam, luật sư Thuận nói do ông Tất Thành Cang vẫn là thành ủy viên và còn nhận lương từ ngân sách, nên cơ quan của đảng phải sắp xếp cho ông Cang “làm gì đó”.
Điều đáng tiếc là việc phân công vừa qua không được “khéo léo”, nếu xét đến bối cảnh có các vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm hay vườn rau Lộc Hưng còn đang làm nhiều người dân đau khổ, phẫn nộ, theo nhận xét của luật sư Thuận.
Lúc này, một số nhà quan sát và nhà báo kỳ cựu Việt Nam viết trên mạng xã hội rằng chức danh mà ông Tất Thành Cang mới được giao có thể xem chỉ là một điểm dừng chân tạm, một “ga xép” trong quá trình ông bị kỷ luật.
Tôi cho rằng nhận xét đó là đúng, ý kiến đó là đúng, bởi vì đã có tiền lệ rồi.
Luật sư Trần Quốc Thuận
Các nhà quan sát, nhà báo dẫn ra trường hợp cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bổ trưởng Đinh La Thăng, hay các cựu Bộ Trưởng Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn… đều bị kỷ luật về mặt đảng, tiếp đến được giao những nhiệm vụ tạm thời, nhưng cuối cùng đã bị truy tố, bắt giam, và xử tù. Từ đó, họ nhận định rằng cựu quan chức đảng Tất Thành Cang khó tránh khỏi số phận tương tự.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận có chung suy nghĩ. Ông nói với VOA: “Tôi cho rằng nhận xét đó là đúng, ý kiến đó là đúng, bởi vì đã có tiền lệ rồi”.
Hồi cuối tháng 12/2018, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lý do cụ thể dẫn đến việc ông Cang phải nhận kỷ luật nặng về mặt đảng là khi ông còn giữ chức Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, ông đã “vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm”.
Những sai phạm của ông Cang là một phần trong vụ bê bối về đất đai ở Thủ Thiêm kéo dài gần hai chục năm qua, làm hàng trăm hộ dân phải khiếu kiện kéo dài.
Đầu tháng 9/2018, trước khi ông Cang bị kỷ luật, Thanh tra Chính phủ Việt Nam kết luận rằng Ủy ban Nhân dân TP.HCM và nhà chức trách cấp địa phương đã có những “khuyết điểm, vi phạm” trong việc lập qui hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tọa lạc tại Quận 2 bên bờ đông sông Sài Gòn, Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một dự án qui hoạch được thủ tướng phê duyệt vào năm 1996 nhằm phát triển khu vực này thành một trung tâm kinh tế và văn hóa hiện đại của TP.HCM. Nhưng từ đầu những năm 2000, tranh chấp đã bùng ra giữa người dân và chính quyền về ranh giới qui hoạch và chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng bị coi là phi lí và thiếu thỏa đáng.

Đoàn Thị Hương bị tuyên án 3 năm 4 tháng tù giam

Sáng ngày 1/4, nghi phạm người Việt Nam bị tòa án Malaysia tuyên 3 năm 4 tháng tù giam với cáo buộc “cố ý gây thương tích bằng vũ khí nguy hiểm”.
Cô Đoàn Thị Hương thông qua phiên dịch nói cảm ơn thẩm phán, công tố viên và chính phủ Malaysia cũng như Việt Nam.
Cô nói với phóng viên hãng tin AP trước khi rời tòa, rằng cô cảm thấy vui và hy vọng trở thành ca sĩ và diễn viên khi trở về quê nhà.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, Bà Lê Thị Thu Hằng, trong trả lời báo giới vào chiều ngày 1 tháng tư nói rằng từ khi xảy ra vụ Cô Đoàn Thị Hương, cơ quan chức năng Việt Nam và Liên đoàn Luật sư trong nước thực hiện mọi biện pháp bảo vệ công dân nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cô này.
Đại sứ VN tại Malaysia “đánh giá cao nỗ lực của chính phủ trong việc bảo hộ Đoàn Thị Hương”
Ngay sau khi tòa án Malaysia tuyên phạt cô Đoàn Thị Hương bản án 3 năm 4 tháng tù giam với cáo buộc “cố ý gây thương tích bằng vũ khí nguy hiểm”, Đại sứ Việt Nam tại Kuala Lumpur tỏ ra vui mừng vì cô gái người Nam Định được giảm án.
“Rất vui là Đoàn Thị Hương sớm được thả tự do. Tôi đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc bảo hộ công dân Đoàn Thị Hương. Cảm ơn Chính phủ Malaysia, Tổng chưởng lý, công tố viên Malaysia.
Cảm ơn sự cố gắng và hợp tác chặt chẽ của các luật sư Malaysia, Liên đoàn Luật sư Việt Nam”, Đại sứ Lê Quý Quỳnh chia sẻ với báo giới.
Mạng báo Tuổi trẻ online dẫn lời ông Lê Quý Quỳnh khẳng định: “Từ khi xảy ra vụ việc, Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan của Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thực hiện mọi biện pháp bảo hộ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Đoàn Thị Hương, để đảm bảo được xét xử công bằng, khách quan và sớm được thả tự do”.
Trước đó, trả lời dư luận trước việc chính phủ đã không làm đủ để bảo vệ công dân nước mình, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, đại diện đại sứ Việt Nam tại Malaysia đã có mặt ở cả 20 phiên xử của Đoàn Thị Hương và đã bảo hộ công dân nước này ở “mức cao nhất”.
Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng cho hay, từ sau khi cô Sity Aisyah được tòa án hủy bỏ cáo buộc và trả tự do thì đại diện đại sứ quán cũng đã thăm lãnh sự ít nhất là 3 lần đối với cô Hương.
Trước đó trong cùng ngàyCông tố viên Malaysia đề nghị truy tố Đoàn Thị Hương cáo trạng thay thế có mức án thấp hơn
Các công tố viên Malaysia sáng nay 1/4 đề nghị bỏ cáo buộc giết người và truy tố một tội danh khác có mức án thấp hơn đối với nữ nghi phạm duy nhất trong vụ giết chết người anh em cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên bằng chất độc thần kinh VX
Hãng tin AP dẫn lời công tố viên Iskandar Ahmad nói với tòa án rằng ông đã nhận được chỉ thị từ Tổng chưởng lý Malaysia để đưa ra một “cáo trạng thay thế” thấp hơn cho Đoàn Thị Hương.
Ông Salim Bashir, luật sư của cô gái người Nam Định nói với các phóng viên rằng cáo buộc được thay thế là gây thương tích bởi vũ khí nguy hiểm, mà nếu bị kết tội có thể đối diện với mức án 10 năm tù.
Luật sư cho hay, cô Hương có khả năng sẽ nhận tội với cáo buộc đó. Phiên điều trần đã dừng lại một thời gian ngắn để nữ nghi phạm người Việt có quyết định chấp nhận lời đề nghị hay không.
Theo AP, Đoàn Thị Hương đã gật đầu khi được phiên dịch viên đọc cho nghe cáo buộc mới. Sau đó, thông dịch viên nói lại rằng cô nhận tội.
Đoàn Thị Hương là nghi phạm duy nhất bị giam giữ sau khi Tổng chưởng lý Malaysia quyết định hủy bỏ vụ kiện chống lại Siti Aisyah của Indonesia vào ngày 11 tháng 3 sau những chuyến vận động hành lang cấp cao từ Jakarta.
Chính quyền Việt Nam sau đó liên tục đề nghị Malaysia làm điều tương tự đối với công dân nước mình, tuy nhiên tòa án đã từ chối và tiếp tục vụ xử.
Hồi năm 2017, hai người phụ nữ bị bắt và bị cáo buộc thông đồng với bốn nghi phạm mất tích của Bắc Hàn để giết ông Kim Jong Nam tại sân bay Kuala Lumpur.
Những người phụ nữ nói rằng họ chỉ là dê tế thần và nghĩ là đang tham gia một trò chơi khăm vô hại cho một chương trình truyền hình thực tế.

Thủ tướng sẽ kết luận

chính sách bồi thường dân Thủ Thiêm trong tuần này

Ông Thủ tướng Chính Phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong tuần này sẽ có ý kiến chính thức về chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân nằm trong khu vực 4,3 ha – khu được xác định ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông tin vừa nói được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân vào chiều ngày 30 tháng 3 đưa ra tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.
Ông Nhân cho biết, sau khi có kết luận của Thủ tướng, Hội đồng nhân dân TP.HCM sẽ thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ cho người dân Thủ Thiêm.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm là một siêu dự án với gần 15.000 hộ dân thuộc diện phải di dời. Từ khi Thủ tướng ký quyết định 367 phê duyêt quy hoạch Thủ Thiêm vào 4/6/1996 đến nay, quá trình triển khai dự án đã trải qua 4 đời chủ tịch nhưng hàng trăm hộ dân Thủ Thiêm vẫn ròng rã khiếu kiện những quyết định đền bù và di dời mà họ cho là không hợp lý suốt hơn 20 năm qua.

Lý do kết luận thanh tra

không nhắc tới Việt Phủ Thành Chương

Vì sao kết luận thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội không đề cập đến việc xử lý đối với trường hợp Việt phủ Thành Chương?
Đó là câu hỏi được báo chí trong nước nêu lên đối với đại diện lãnh đạo Thanh tra thành phố Hà Nội sau khi kết luận thanh tra vi phạm đất rừng Sóc Sơn được thành phố công bố tuần trước.
Tin ngày 1 tháng 4 cho biết trong trả lời truyền thông Việt Nam, Thanh tra thành phố Hà Nội cho biết, theo kết luận ngày 17/4/2006 của Thanh tra Chính phủ về đất rừng huyện Sóc Sơn, khu đất Phủ Thành Chương có nguồn gốc là đất quy hoạch rừng đặc dụng, theo quy hoạch hiện nay là rừng phòng hộ môi trường và kiến nghị xử lý đối với trường hợp này.
Tuy nhiên, Ủy ban Nhân dân Huyện Sóc Sơn chưa thiết lập hồ sơ vi phạm để tiến hành xử lý đối với trường hợp Việt phủ Thành Chương.
Cũng theo vị đại diện này, Thanh tra Hà Nội đã kiến nghị Ủy ban nhân dân Thành phố, chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với tập thể và cá nhân qua các thời kỳ từ năm 2006-2018 đã không thực hiện các Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Trước đó, vào ngày 21/3, Thanh tra Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra đất rừng Sóc Sơn, yêu cầu cưỡng chế hàng trăm công trình, nhưng không bao gồm công trình của  Việt phủ Thành Chương và nhà của ca sĩ Mỹ Linh vốn đang bị dư luận chú ý.
Trong đợt công bố vừa nêu, Thanh tra Hà Nội đã công bố một lúc 2 kết luận thanh tra gồm: Kết luận thanh tra toàn diện về đất đai và xây dựng tại xã Minh Trí và Minh Phú, huyện Sóc Sơn từ năm 2008 đến nay; và việc thực hiện các nội dung kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, trong việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn 8 xã và thị trấn Sóc Sơn, thuộc huyện Sóc Sơn.
Tuy nhiên, kết luận thanh tra không có đề cập cụ thể nào đến công trình Việt phủ Thành Chương nằm trên địa bàn xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.

Cục Đường Bộ sẽ giám sát doanh thu của nhà đầu tư BOT

Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ có phần mềm quản lý dữ liệu độc lập tại các trạm BOT để giám sát doanh thu của các nhà đầu tư, tránh tình trạng chủ BOT kê khai gian dối.
Truyền thông trong nước loan tin hôm 1/4/2019, trích lời ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết ba trạm BOT là Bắc Ninh, Bến Thủy 1 và Toàn Mỹ 14 đã được đưa vào sử dụng thí điểm hệ thống giám sát dữ liệu của chính quyền.
Ông Huyện nói hệ thống này sẽ được triển khai đồng loạt, chính thức vào quý II năm nay tại 66 trạm thu phí trên 54 dự án BOT sau khi có đánh giá kết quả thí điểm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết dữ liệu mà hệ thống thu thập được sẽ được truyền trực tiếp về trung tâm giám sát tại Tổng cục Đường bộ một cách độc lập, được mã hóa và đảm bảo an toàn; giúp kiểm soát lưu lượng và chủng loại phương tiện qua trạm thu phí.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh những dữ liệu thu thập được rất quan trọng, không thể sửa, xóa mà chỉ được xem là cơ sở để Nhà nước đối chiếu với doanh thu của nhà đầu tư BOT.
Tình trạng người dân, giới tài xế trên khắp Việt Nam phản đối các trạm thu phí BOT đã xảy ra khoảng hai năm gần đây vì cho rằng các chủ đầu tư móc nối với cơ quan chức năng, đưa ra giá thu phí cao hoặc đặt vị trí các trạm thu phí không hợp lý.
Hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ tại các trạm BOT đã được ghi nhận trong suốt thời gian qua. Giới tài xế còn phản đối bằng cách trả tiền lẻ gây ra tình trạng ùn ắc giao thông khiến các chủ BOT phải xả trạm.
Một số người dân còn tự lập nhóm kiểm đếm xe qua trạm như tại BOT Ninh Lộc, Khánh Hòa vì nghi ngờ chủ đầu tư gian lận kê khai, nâng cao mức phí và thời gian thu tiền.
Mới hôm 28/3 vừa qua, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã phải yêu cầu Vụ đối tác Công-Tư rà soát tất cả nội dung hợp đồng của các dự án BOT đã ký kết giữa Bộ và nhà đầu tư để đưa ra phương án xử lý những bất cập.
Cùng lúc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được nói đang đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư cho dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2, chậm nhất hoàn thành trong tháng 4/2019.

Bí thư Quảng Nam lên tiếng

về dự án chùa Ba Vàng Quảng Nam

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam vào ngày 1 tháng tư được truyền thông trong nước dẫn lời về dự án Chùa Ba Vàng tại khu vực ở Hồ Phú Ninh.
Truyền thông trong nước dẫn phát biểu của Ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, rằng việc xây dựng cái gọi là Khu Du lịch Tâm linh ở khu vực hồ Phú Ninh do công ty Ba Vàng làm chủ đầu tư đã dừng hẳn và công ty này đã rút khỏi địa phương.
Ông Cường nhấn mạnh rằng không có tiếp tục đầu tư việc gì hết. Ngoài ra, trong thời gian tới ban lãnh đạo sẽ có cuộc họp để bàn phương án hợp lý cho dự án này.
Trước đó vài ngày, sau khi công ty Ba Vàng rút khỏi dự án xây dựng khu du lịch tâm linh với vốn đầu tư được nói lên tới 1000 tỷ đồng ở hồ Phú Ninh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cho biết vẫn sẽ tiếp tục dự án và kêu gọi các cá nhân, tổ chức, đầu tư nghiên cứu phát triển văn hóa du lịch tại khu vực này. Ủy ban tỉnh cũng đã có kế hoạch kêu gọi Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đến Quảng Nam và có gợi ý đầu tư xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm tại khu vực hồ Phú Ninh này.
Sau vụ tai tiếng ‘thỉnh vong’, cúng ‘oan gia trái chủ’ tại Chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, tin tức về dự án Chùa Ba Vàng tại tỉnh Quảng Nam cũng được loan đi gây chú ý trong dư luận.

Vì sao Việt Nam tụt hạng chống tham nhũng?

Blogger Nguyễn Anh Tuấn
2016 và 2017 là những năm mà thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) được cải thiện. Mặc dù sự cải thiện không quá đáng kể – năm 2016 tăng 1 hạng, năm 2017 tăng 6 hạng và mỗi năm tăng 2 điểm trên thang điểm 100, song báo chí nhà nước đã ngay lập tức diễn giải kết quả này là minh chứng rằng ”với những cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước Việt Nam, công tác phòng chống tham nhũng trong nước đã đạt được một số kết quả nổi bật, bao gồm việc xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao.” [1]
Tuy nhiên, gần đây khi Việt Nam được công bố là tụt đến 10 hạng trong năm 2018, thì báo chí nhà nước đã không giữ logic tương tự để diễn giải kết quả [2]. Trong bối cảnh báo chí nước nhà bị kiểm soát chặt chẽ, không ai bất ngờ vì sự tiền hậu bất nhất đó.
Thế nhưng, câu hỏi còn nguyên đó: Vì sao Việt Nam lại tụt hạng?
20/11/2018 hẳn là một ngày thất vọng đối với những người vận động và quan sát công cuộc chống tham nhũng ở Việt Nam khi mà Quốc Hội đã bỏ quy định xử lý tài sản bất minh
khi thông qua Luật Phòng chống Tham nhũng sửa đổi, nghĩa là với tài sản mà cán bộ công chức không giải trình được sẽ không bị đánh thuế mà cũng chẳng đưa ra tòa án. [3]
Ủy ban Thường vụ Quốc Hội giải thích cho quyết định này rằng đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được đặt ra, lại còn phức tạp, vì còn liên quan đến quyền sở hữu tài sản – quyền cơ bản hiến định.
Không rõ Ủy ban Thường vụ Quốc Hội có cố tình quên rằng Việt Nam đã tham gia Công ước Chống Tham nhũng của Liên Hợp Quốc (UNCAC) từ năm 2009 và Điều 20 Công ước này quy định các quốc gia thành viên cần hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính (illicit enrichment) [4]. Mười năm không phải là thời gian ngắn để một vấn đề như thế này còn mới, nếu thực tâm chống tham nhũng. Tương tự vậy, những lý giải rằng vấn đề này phức tạp vì liên quan đến quyền sở hữu tài sản hiến định là thiếu cơ sở vì đã có rất nhiều nước nội luật hóa Điều 20 UNCAC trong bối cảnh Hiến pháp nước họ cũng bảo vệ quyền sở hữu tài sản chẳng kém, nếu không muốn nói là còn hơn cả Việt Nam.
Tương tự vậy, trong phiên tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc Hội vào tháng 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với tư cách Đại biểu Quốc Hội, cũng cho biết rằng “kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân” [5] cho thấy có vẻ những người nắm quyền vẫn chưa sẵn sàng áp dụng những công cụ chống tham nhũng đã được chứng minh là có hiệu quả trên thế giới.
Và với một luật đóng vai trò tối quan trọng cho công cuộc chống tham nhũng là Luật Phòng chống Tham nhũng (sửa đổi) mà khi thông qua lại bỏ cả quy định công khai các bản kê khai tài sản của cán bộ công chức cấp cao để nhân dân và báo chí giám sát lẫn yêu cầu phải hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì làm sao mà công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả trong dài hạn cho được?
Và thế thì việc tụt đến 10 hạng một năm như vừa qua cũng đâu có gì khó hiểu.
Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.