Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 18/03/2019

Monday, March 18, 2019 3:16:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 18/03/2019

Dân oan Nguyễn Thị Huệ bị bắt

với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ”

Tin từ Gia Lai – Nhà cầm quyền CSVN tại tỉnh Gia Lai đã bắt giữ dân oan Nguyễn Thị Huệ với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015 vì những bài viết của bà trên mạng xã hội Facebook.
Theo nguồn tin từ một số nhà hoạt động nhân quyền ở địa phương, sáng ngày 12 tháng 3, khoảng 20 công an tỉnh Gia Lai đã đến nhà riêng của bà Huệ ở thôn Kim Thành, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai để khống chế hai mẹ con bà và khám xét nhà. Khoảng 2 giờ chiều, công an đọc lệnh bắt và sau đó đưa bà lên giam tại trại tạm giam của công an huyện.  Theo quyết định của
phía công an, bà Huệ sẽ bị giam giữ 3 tháng để điều tra. Với cáo buộc này, bà có thể phải chịu mức án cao nhất là 7 năm nếu bị kết tội.
Bà Huệ, sinh năm 1968, là một người dân đi khiếu kiện cho chồng trong nhiều năm nay vì chồng bà bị vu oan trong một tai nạn giao thông. Người chồng chỉ là người đi cùng xe với một người bạn nhưng khi tai nạn xảy ra, người bạn lái xe bị chết, ông chỉ bị thương nhưng lại bị vu cho là người cầm lái. Bà cùng con gái sử dụng nick Den Quang trên mạng Facebook để đưa tin về vụ khiếu kiện của gia đình và một số vụ oan ức khác.
Do nền tư pháp thối nát và nhà cầm quyền CSVN tham nhũng từ cấp cơ sở đến trung ương, hàng chục nghìn người bị kết án oan hoặc bị cướp đất. Họ thường tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn để khiếu kiện trong nhiều năm mà không được giải quyết.
Quốc Tuấn

Cựu phó chủ tịch Đà Nẵng bị khởi tố vì dính líu tới Vũ ‘nhôm’

Cựu phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, vừa bị khởi tố vì có liên quan đến đại án đất đai mà trong đó đại gia Phan Văn Anh Vũ là bị can chính, theo thông tin công bố hôm 18/3 trên trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam.
Trang Thông tin Chính phủ nói Bộ Công an khởi tố thêm 5 bị can trong các ngày 17 và 18/3, là một phần của việc mở rộng điều tra vụ án do đại gia còn có biệt danh là Vũ “nhôm” gây ra.
Theo quyết định của bộ, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, 61 tuổi, bị khởi tố về hành vi “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được nêu trong Bộ luật Hình sự.
Trang tin của chính phủ cho biết thêm ông Tuấn cũng bị cấm đi khỏi nơi cư trú, còn nơi ở của ông bị khám xét.
Trước khi giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Đà Nẵng, ông Tuấn từng là Giám đốc Sở Xây dựng của thành phố.
Bốn người khác cũng bị khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú và bị khám nhà là các ông Phan Xuân Ít, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng; Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Cung ứng tàu biển Đà Nẵng; Nguyễn Đình Thống, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý và Khai thác đất Đà Nẵng; và Phan Minh Cương, nguyên Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn I.V.C, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng 79.
Hồi đầu tháng 1 năm nay, 2 cựu thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam, Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, bị truy tố cũng do dính líu đến vụ Vũ “nhôm”. Vào cuối tháng, một tòa án ở Hà Nội tuyên án 2 cựu thứ trưởng công an tổng cộng 66 tháng tù về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vẫn phiên tòa kể trên đã tuyên ông Phan Văn Anh Vũ phải nhận án 15 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, đại gia đất đai này đã bị một phiên tòa khác xử tù 9 năm vì “cố ý làm lộ bí mật nhà nước”.
Sau đó, Vũ “nhôm” đã chuyển các bất động sản kể trên thành tài sản mang tên cá nhân mình hoặc người thân trong gia đình, hoặc chuyển nhượng, liên doanh với người khác “nhằm thu lợi bất chính, gây thiệt hại đặc biệt lớn cho nhà nước, với tổng số tiền là hơn 1.159 tỷ đồng”, theo Viện Kiểm sát.

Human Rigths Watch kêu gọi

Việt Nam trả tự do cho 6 nhà hoạt động

Tin từ Bangkok – Tổ chức Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch – HRW) kêu gọi nhà cầm quyền CSVN phóng thích 6 nhà hoạt động tên là Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa, Phan Trung và Lê Minh Thể.
Lời kêu gọi được đưa ra chỉ vài ngày trước phiên toà phúc thẩm của 5 nhà hoạt động thuộc nhóm Liên minh Dân tộc Việt, dự kiến vào ngày 18/3, và phiên sơ thẩm xử ông Lê Minh Thế, dự kiến vào ngày 20/3.
HRW nói Việt Nam nên trả tự do cho cả sáu nhà hoạt động vì họ chỉ hoạt động phản kháng ôn hoà. Theo ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á châu của HRW thì “nhà cầm quyền đang sử dụng các điều luật hà khắc trong Bộ luật hình sự Việt Nam để đàn áp bất đồng chính kiến ôn hòa, khiến số người bất đồng chính kiến ôn hòa trong chốn lao tù vốn đang trên đà gia tăng lại càng nhiều hơn.”
Các ông Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa, và Phan Trung bị bắt giữ đầu tháng 11 năm 2016 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự 1999 vì các ông này có ý định thành lập tổ chức “Liên minh Dân tộc Việt” đòi quyền tự do chính trị và dân sự. Sau nhiều tháng bị giam không được gặp luật sư và gia đình, các ông bị đưa ra toà ngày 05/10/2018 và bị kết án từ 8 đến 15 năm tù giam và 3 năm quản chế cho mỗi người.
Ông Lê Minh Thể là thành viên nhóm Hiến Pháp. Ông bị bắt ngày 10/10/2018 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự 2015. Ông có thể phải đối mặt với mức án 3 năm tù giam.
Quốc Tuấn

Các Facebooker nổi tiếng: Cho TQ xây cao tốc,

VN đưa đầu vào thòng lọng

Ít ngày sau khi có tin một hãng Trung Quốc đề xuất được xây cao tốc cho Việt Nam, nhiều người Việt bày tỏ lo lắng trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA. Thậm chí, một nhà báo kỳ cựu ví việc để cho Trung Quốc thực hiện các dự án lớn cũng giống như “đưa chủ quyền quốc gia vào thòng lọng” của nước này.
Hơn một tuần trở lại đây, nhiều báo trong đó có VnEconomy, CafeF, Đất Việt và Thanh Niên cho hay Tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Quốc đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam được tham gia đầu tư vào Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông.
Các bản tin nói nhà đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn bày tỏ sẵn sàng ứng vốn của họ ra để làm toàn tuyến.
Theo một bài của báo Tiền Phong, tổng mức đầu tư dự kiến là gần 119.000 tỉ đồng (hơn 5,3 tỉ đô la) để xây dựng mới 654 kilomet đường thuộc dự án.
Theo tìm hiểu của VOA, khi hoàn thành, tuyến đường được xem như xương sống của đất nước sẽ đi qua 13 tỉnh thành, chạy từ Hà Nội tới Vĩnh Long. Nó bao gồm phần đường sẽ xây mới kể trên nối vào một số đoạn đường bộ cao tốc đã đưa vào sử dụng, như đường Pháp Vân-Ninh Bình, hay Đà Nẵng-Quảng Ngãi.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Việt Nam, khuyến cáo nhà chức trách “cần xem xét thật kỹ” việc nhà thầu Trung Quốc muốn tham gia làm tuyến đường cao tốc huyết mạch của Việt Nam, theo một bài báo đăng hôm 18/3 trên trang Soha.
Ông Hòa dẫn ra công trình đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông ở Hà Nội như là một bằng chứng về một số dự án do các nhà thầu Trung Quốc làm nhưng “hiệu quả đầu tư không tốt dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ hoàn thành, khiến dư luận bức xúc”.
Dẫn tài liệu của Bộ Giao thông Vận tải, các báo Việt Nam trong đó có Dân Việt và Nhà Đầu Tư hồi cuối năm 2018 nói rằng số tiền chi cho dự án Cát Linh-Hà Đông tăng từ 8.769 tỉ đồng lên 18.000 tỉ đồng, đội vốn hơn 9.200 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VOA được biết theo hợp đồng ban đầu dự án lẽ ra phải đi vào hoạt động từ năm 2014, nhưng đến thời điểm giữa tháng 3/2019 vẫn chưa chính thức vận hành, như vậy tiến độ bị chậm 5 năm.
“Chúng ta đang rất cần vốn cho phát triển giao thông nhưng không vì điều đó mà đánh đổi lấy những hệ lụy, tiêu cực về sau như đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng thấp… gây tổn hại cho đất nước, nhân dân”, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nói với Soha.
Ông Hòa cũng nhấn mạnh rằng trong quá trình xem xét đề xuất của nhà thầu Trung Quốc, nhà chức trách Việt Nam “cần làm rõ tiềm lực, họ đã từng thi công các công trình nào, chất lượng, tiến độ ra sao, giá thành thế nào…”
Lời cảnh báo từ vị đại biểu quốc hội được cộng hưởng bởi các quan điểm do một số Facebooker nổi tiếng và nhiều người sử dụng mạng xã hội khác đưa ra trong mấy ngày nay, theo quan sát của VOA.
Trên trang cá nhân có tổng cộng hơn 90.000 người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Hoàng Hải Vân cũng nêu ra dự án Cát Linh-Hà Đông như một ví dụ, ngoài ra ông cũng nhắc đến sân vận động Mỹ Đình ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc xây dựng, để gióng lên hồi chuông báo động rằng nếu đại công trình cao tốc Bắc-Nam giao cho Trung Quốc, “đất nước sẽ rơi vào đại họa”.
Tiếp đến, ông Vân đưa ra lời nhận định gây lạnh xương sống: “Đây không chỉ là cái bẫy nợ nần hàng chục tỉ đô la đè nặng nhiều thế hệ, đây còn là cái thòng lọng thít chặt chủ quyền đất nước không thể thoát ra được trong khi chủ quyền biển đảo đang bị Trung Quốc đe dọa hàng ngày”.
Bài viết của Facebooker nổi tiếng được 490 người chia sẻ và nhận 2.600 phản ứng yêu, thích.
Một nhà báo khác, ông Mạnh Quân, có trang Facebook cá nhân được tổng cộng hơn 35.000 người theo dõi, viết rằng tuy không phủ nhận là Trung Quốc “vĩ đại, giỏi giang”, song cần nhận thấy Trung Quốc “chỉ làm những điều tốt đẹp nhất cho đất nước của họ thôi và thải ra, mang qua những nước khác tất cả những thứ cặn bã, lạc hậu của họ…”
Ông Quân đưa ra nhận định cá nhân rằng Việt Nam “có lẽ là một trong những nước hứng những rác thải công nghệ, máy móc…lạc hậu nhất của Trung Quốc”.
Để củng cố cho lập luận của mình, nhà báo này nêu ra một số dự án của Trung Quốc ở Việt Nam có hiệu quả tồi tệ, mà theo lời ông “đã thua lỗ hoặc phá sản với qui mô cộng lại chắc đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng”.
Đó là “Dự án Đạm Ninh Bình (700 triệu đô la), 4 dự án Ethanol đã phá sản…và đỉnh cao đang là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông, không biết bao giờ mới vận hành”, ông Quân viết.
Nhà báo này kết luận bài viết của mình với lời khẳng định rằng nếu nhà thầu Trung Quốc “lại trúng thầu” trong dự án cao tốc Bắc-Nam, điều đó “có nguy cơ là thảm họa – bẫy nợ lớn nhất mà VN có thể sẽ rơi vào”.
Ông Quân bày tỏ mong muốn những người có trách nhiệm “nhìn lại hết tất cả các dư án, công trình mà Trung Quốc được làm trên đất Việt Nam này và cả nhiều quốc gia khác để mà tỉnh ngộ”.
Đề tài này cũng thu hút nhiều thảo luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Trên hai trang Góc nhìn Báo chí-Công dân và Bàn luận về Kinh tế-Chính trị, hàng trăm người bày tỏ ý kiến, trong đó nhiều người đồng ý với đề xuất rằng nếu chính phủ Việt Nam muốn vay vốn Trung Quốc để làm cao tốc Bắc-Nam, họ cần phải trưng cầu ý dân, vì việc này liên quan đến an ninh quốc gia, sự tồn vong của dân tộc

Luật an ninh mạng CSVN kiểm duyệt chặt

website của các công ty Hoa Kỳ

Tin từ Hong Kong – Theo bản tin của tờ Washington Post, khi nhà cầm quyền CSVN cấm một trò chơi trên cửa hàng ứng dụng của Google, vì nhân vật trong trò chơi được đặt tên theo một quan chức CSVN, Google cũng cấm ứng dụng này tại Việt Nam.
Theo Washington Post, Việt Nam là một trong những thị trường trực tuyến hứa hẹn nhất châu Á, nhưng đây cũng là quốc gia rất hạn chế về quyền tự do ngôn luận. Theo luật an ninh mạng mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, quá trình kiểm duyệt tại Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt hơn. Luật an ninh mạng mới của CSVN có thể đóng vai trò như một mô hình cho các chính phủ khác về cách kiểm soát thông tin, cũng như đàn áp quan điểm bất đồng chính kiến trên mạng, nhưng vẫn tiếp tục phát triển lĩnh vực kỹ thuật khác.
Mặc dù văn bản hướng dẫn vẫn chưa được công bố, luật an ninh mạng sẽ không chỉ buộc các công ty như Google và Facebook xóa nội dung mà nhà cầm quyền CSVN cho là xúc phạm, mà còn buộc các công ty trên lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam. Ngoài ra, các công ty kỹ thuật sẽ phải thiết lập văn phòng trong nước. Quy định này sẽ khiến nhiều công ty lo ngại, vì họ lo lắng nhân viên sẽ chịu áp lực từ chính phủ hoặc thậm chí bị bắt giữ.
Theo các viên chức kỹ thuật và các nhà hoạt động, luật an ninh mạng mới tại Việt Nam chủ yếu nhắm vào Google và Facebook. Các nhà hoạt động lo ngại rằng những công ty kỹ thuật này sẽ sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của nhà cầm quyền CSVN để họ có thể duy trì hoạt động tại thị trường này. Dù vậy, các nhóm nhân quyền cho biết, các quy định mới sẽ khiến sự đàn áp của chính quyền CS tại quốc gia này ngày càng trầm trọng hơn. (BBT)

Hiệp định thương mại Việt Nam-EU: Dời lại đến 2020?

Trái với mong đợi của chính phủ Hà Nội và giới doanh nghiệp, Hiệp định Tự do Mậu dịch Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu ( EVFTA ) rất có thể không được phê chuẩn trước kỳ bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng Năm tới và như vậy phải đợi đến năm 2020.
Vào đầu tháng 12/2015, Liên Hiệp Châu Âu ( EU ) và Việt Nam thông báo đã kết thúc các đợt đàm phán về hiệp định EVFTA. Nhưng đến tháng 5/2017, Tòa án Công lý Châu Âu ra ý kiến về thẩm quyền phê chuẩn các hiệp định tự do mậu dịch của Liên Hiệp Châu Âu. Cụ thể, tòa án này phán quyết rằng các nội dung về đầu tư « không trực tiếp » của nước ngoài và cơ chế xử lý tranh chấp nhà đầu tư nhà nước sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của cả cấp EU và cấp quốc gia các nước thành viên (tức là nội dung này phải được cả Liên Hiệp Châu Âu và các quốc gia thành viên đồng ý mới có hiệu lực).
Để hiệp định có thể sớm hoàn tất, Ủy Ban Châu Âu bèn quyết định tách EVFTA thành hai hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Đến tháng 07/2018, Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã đạt thỏa thuận về văn bản của hai hiệp định EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA.
Hai hiệp định nói trên sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, công nhân và người tiêu dùng của cả Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Riêng đối với Việt Nam, trong vòng 10 năm tới, GDP được dự báo sẽ tăng thêm từ 10 đến 15% và xuất khẩu tăng từ 30 đến 40%. Đối với Liên Hiệp Châu Âu, EVFTA là hiệp định tự do mậu dịch toàn diện nhất và đầy tham vọng nhất mà khối này ký với một nước đang phát triển ở châu Á. Đây cũng là hiệp định tự do thương mại thứ hai mà Liên Hiệp Châu Âu ký với một nước ASEAN, sau Singapore.
Đến ngày 17/10/2018, Ủy Ban Châu Âu thông báo đã thông qua việc trình lên Hội Đồng Châu Âu chấp thuận hiệp định EVFTA, để dự kiến vào cuối năm 2018 sẽ ký chính thức Hiệp định này và trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn vào đầu năm 2019. Trên thực tế, đến ngày 12/11, hiệp định này mới được trình lên Hội Đồng Châu Âu.
Nhân quyền gây trắc trở?
Mọi chuyện tưởng là sẽ diễn ra suông sẻ theo kế hoạch nói trên, nhưng vấn đề nhân quyền đã phần nào gây rắc rối cho tiến trình phê chuẩn. Vào tháng 09/2018, 32 nghị viên của Nghị Viện Châu Âu đã ký thư ngỏ nêu các quan ngại nghiêm trọng của họ về tình trạng đàn áp nhân quyền đang tiếp diễn ở Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi hiệp định tự do thương mại được đưa ra bỏ phiếu. Cụ thể, họ yêu cầu Hà Nội phải thông qua các công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và thả một số tù chính trị. Áp lực lên Việt Nam càng gia tăng sau khi vào tháng 11/2018, Nghị Viện Châu Âu thông qua một bản nghị quyết khẩn cấp về tình hình nhân quyền Việt Nam.
Theo trang mạng EUROPARL của Nghị Viện Châu Âu, trong cuộc điều trần vào tháng 10 năm ngoái, do Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu tổ chức, đại diện của chính phủ Việt Nam cho biết là Hà Nội đã có kế hoạch phê chuẩn 3 công ước cơ bản của ILO và đang tiến hành sửa đổi toàn diện Luật Lao động, với dự kiến là luật Lao động sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10 năm nay. EUROPARL nêu rõ quan điểm của Nghị Viện Châu Âu : không có dấu hiệu gì cho thấy là chính quyền Việt Nam giảm bớt đàn áp chính trị, vì các vụ bắt bớ và kết án tù những nhà hoạt động vẫn tiếp diễn. Những mối quan ngại về nhân quyền có thể khiến Nghị Viện Châu Âu đình hoãn việc phê chuẩn, thậm chí từ chối phê chuẩn hiệp định EVFTA.
Trong một video đăng trên mạng Twitter vào tháng 01/2019, hai nghị sĩ thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị Viện Châu Âu thông báo là Hội Đồng Âu Châu đã hoãn lại việc phê chuẩn dự thảo hiệp định với « lý do kỹ thuật ». Nhưng trong video này, nghị sĩ Ramon Tremosa yêu cầu là « nhân quyền phải được tuân thủ » trong hiệp định thương mại với Việt Nam. Còn nữ nghị sĩ Jude Kirton-Darling khẳng định là vẫn còn trở ngại lớn cho việc phê chuẩn hiệp định thương mại, đó là nhân quyền.
Lịch trình quá sát sao
Thật ra thì hơn cả vấn đề nhân quyền, có lẽ chính vấn đề lịch trình đã gây chậm trễ cho EVFTA, vì trong lúc này, châu Âu đang bước vào chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào tháng 5 tới, cho nên các nghị sĩ đương nhiệm khó mà tập trung tư tưởng vào tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA. Ấy là chưa kể ưu tiên của các nghị sĩ châu Âu hiện nay chính là vấn đề Brexit, còn những hồ sơ như EVFTA đã trở thành thứ yếu.
Lo ngại trước khả năng hiệp định gặp trắc trở, vào đầu tháng 3 vừa qua, với tư cách đặc phái viên của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thứ trưởng bộ Ngoại Giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã sang một số nước châu Âu để thúc đẩy việc ký kết hiệp định EVFTA. Theo thông tin của bộ Ngoại Giao Việt Nam, khi đến Pháp, ông Sơn đã đề nghị Paris cùng các cơ quan Liên Hiệp Châu Âu « thúc đẩy việc sớm ký, phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên Hiệp Châu Âu IPA trong nhiệm kỳ này của Nghị viện Châu Âu, để nhanh chóng hiện thực hóa lợi ích mà các Hiệp định có thể đem lại ».
Cũng theo thông báo của bộ Ngoại Giao Việt Nam, phía Pháp đã hứa « sẽ tích cực phối hợp với các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu để thúc đẩy tiến trình này ».
Khi phái đoàn của ông Bùi Thanh Sơn đến Bucarest, ngày 06/03, ông Teodor Melescanu, ngoại trưởng của Rumani, với tư cách quốc gia hiện nắm chức chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, cũng đã hứa là thúc đẩy việc ký kết nhanh chóng hai hiệp định về thương mại và đầu tư.
Nhưng đó vẫn là một lời hứa, vì theo lịch trình tạm thời của Rumani với tư cách chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu, các nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ phê chuẩn hiệp định EVFTA cùng với hiệp định bảo hộ đầu tư IPA trong cuộc họp Hội Đồng Thương Mại Liên Hiệp Châu Âu kỳ tới ở Bruxelles vào ngày 28/05, tức là sau cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu 23-26/5.
Chỉ sau khi các nước thành viên đồng ý, Liên Hiệp Châu Âu mới có thể chính thức ký các hiệp định này với Việt Nam và chỉ từ lúc đó mới có thể tiến hành phê chuẩn ở Nghị Viện Châu Âu, tức là trình lên nghị viện mới. Mà nghị viện mới thì phải mất một thời gian để bầu bán, sắp xếp nhân sự lãnh đạo trước khi thật sự bắt tay vào việc vào tháng 7/2019, rồi sau đó lại đến kỳ nghỉ hè. Như vậy là phải đến sớm nhất là cuối năm 2019, thậm chí sang năm 2020 hy vọng hiệp định EVFTA mới được phê chuẩn xong để đưa vào thực hiện.
Tác động của sự chậm trễ
Theo nhận định của chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh, sự chậm trễ trong việc phê chuẩn hai hiệp định EVFTA và IPA sẽ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu và đầu tư đối với Việt Nam:
« Liên Minh Châu Âu EU là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cho nên nếu như thuế suất được giảm, rồi thì các điều kiện minh bạch hơn, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ tăng cao hơn. Hiệp định càng bị chậm ngày nào thì càng bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam và làm cho tăng trưởng không đạt được tốc độ mong muốn.
Nếu hiệp định đó càng bị trì hoãn hơn nữa thì Việt Nam sẽ phải đa dạng hóa, đa phương hóa các thị trường xuất khẩu. Tôi hy vọng là Việt Nam sẽ cố gắng tránh lại bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu, ví dụ như Trung Quốc. Trung Quốc vừa là nước láng giềng, vừa là nền kinh tế thứ hai thế giới, có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu nông sản và các sản phẩm khác của Việt Nam.
Còn nếu mà Hiệp định Bảo hộ Đầu tư IPA bị chậm trễ thì điều này sẽ có tác động tiêu cực đến dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, trong khi đây là một dòng vốn đầu tư có tầm quan trọng, vì nó không những tạo công ăn việc làm, tăng vốn, mà còn mang theo một số công nghệ có ích cho nền kinh tế Việt Nam ».
Hiện giờ cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Việt Nam đều chưa có tuyên bố chính thức gì về sự chậm trễ nói trên. Ngày 24/01 vừa qua, khi được hỏi về tiến trình phê chuẩn hiệp định EVFTA, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ cho biết là hai bên « tiếp tục nỗ lực hoàn tất các thủ tục để sớm ký chính thức, phê chuẩn và đưa Hiệp định đi vào triển khai ».

Đằng sau ‘Bộ Công an xây dựng dự án Luật Biểu tình’ là gì?

Quyền biểu tình của người dân Việt Nam đã mang trên mình một món nợ thời gian khủng khiếp: hơn một phần tư thế kỷ ma mị kể từ Hiến pháp 1992 mà không lộ hình một chút thiện tâm nào, dù chỉ là loại thiện tâm ảo ảnh.
Lại mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại
Tháng 3 năm 2019, chính phủ của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa lấp ló: “Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”.
Một lần nữa trong quá nhiều lần bộ luật quyền dân này bị chính phủ từ thời ‘nắm chắc ngọn cờ dân chủ’ của Nguyễn Tấn Dũng đến ‘liêm chính, kiến tạo, hành động’ của Nguyễn Xuân Phúc, cùng ‘cơ quan dân cử tối cao’ là Quốc hội lợi dụng như một thứ mồi nhử nhân quyền để mặc cả thương mại với Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu – liên quan đến TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương) vào những năm 2014 – 2016, và EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) đang trong giai đoạn ‘chuẩn bị ký kết’ vào những năm 2018 – 2019.
Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên hay vì thành ý mà chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ Công an tái hiện hình dự án Luật Biểu tình vào lần này.
Một dấu hiệu xuống thang
Nếu yêu cầu của TPP và Hoa Kỳ trong những năm trước về Việt Nam cần có Luật Biểu tình chỉ có vai trò phụ và thứ yếu trong TPP và do đó chính thể độc đảng ở Việt Nam đã chẳng phải làm gì ngoài những lời ‘hứa cuội’, thì vào lần này con đường dẫn tới EVFTA là chông gai và khốn khổ hơn hẳn đối với chính thể đang khốn quẫn này: vào giữa tháng 11 năm 2018, lần đầu tiên Nghị viện châu Âu tung ra một bản nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm nhân quyền
với nội dung rất rộng và sâu, lời lẽ rất cứng rắn, với một trong những đòi hỏi dứt khoát là Việt Nam phải có Luật Biểu tình; và vào tháng 2 năm 2019, Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất là tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam quá trầm trọng và chẳng có gì được cải thiện, khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.
Cùng thời gian trên, Việt Nam còn phải đối mặt với cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào đầu tháng 3 năm 2019 và hai cuộc điều trần nhân quyền – một do Ủy ban Chống tra tấn của Liên hiệp quốc, và một do Ủy ban Nhân quyền của Liên hiệp quốc tổ chức. Toàn bộ các cuộc đối thoại và điều trần đều nhắm vào tình trạng vi phạm nhân quyền quá tồi tệ ở Việt Nam.
Hơn bao giờ hết, nhân quyền đã trở nên điều kiện cần và là điều kiện số 1 trong EVFTA – điều mà giới chóp bu Việt Nam không hề mong muốn nhưng cuối cùng đã xảy ra. Không phải ngẫu nhiên mà việc hoãn vô thời hạn EVFTA theo quyết định của Hội đồng châu Âu dựa vào một trong những căn cứ chính là bản kiến nghị yêu cầu hoãn EVFTA của 18 tổ chức xã hội dân sự độc lập ở nước ngoài và tại Việt Nam.
Vào tháng Giêng năm 2019, bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ, Phòng Thương mại châu Âu (Eurocharm) và doanh nghiệp châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam, Bernd Lange – Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU – tuy là người được xem là ôn hòa, đã phản ứng cứng rắn hiếm thấy: “Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết.”
Và ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam, ông Umberto Gambini – một quan chức quan trọng của EU – đã xác nhận chính thức về việc EVFTA phải chờ nghị viện mới của châu Âu khi nghị viện này được bầu lại vào tháng 5 năm 2019. Xác nhận này đã đóng dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.
Bây giờ thì đã rõ mồn một, nếu vẫn không chịu cải thiện nhân quyền, tương lai của EVFTA sẽ chính là kịch bản tồi tệ nhất, đen tối nhất cho nền chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam mà đang quá cần ngoại tệ để trả nợ nước ngoài. Không có bất kỳ bảo chứng nào hay chữ ký nào của những người tiền nhiệm, các thành viên mới của Nghị Viện Châu Âu mới sẽ thật khó để tìm ra lý lẽ dù thuyết phục khiến họ mau chóng gật đầu với EVFTA, để khi đó chủ đề ‘đàm phán EVFTA’ sẽ phải nhai lại từ đầu.
Thông tin chính phủ giao “Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình” ló ra vào tháng 3 năm 2019 có thể được xem là phản ứng xuống thang đầu tiên của ‘đảng và nhà nước ta’ trước EU kể từ cuối năm 2016 đến nay, sau sự kiện tiếp đón Tổng thống Mỹ Barak Obama tại Hà Nội vào giữa năm 2016 và nhận được món quà Mỹ gỡ bỏ toàn phần lệnh cấm bám vũ khí cho Việt Nam mà Hà Nội chẳng phải làm gì về cải thiện nhân quyền để có qua có lại.
Nhưng ‘cải thiện nhân quyền’ như thế nào với một chính thể công an trị?
Bộ Công an ‘làm luật’ theo cách nào?
Có một sự thật hết sức trớ trêu ở Việt Nam là vào năm 2011, thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng đã giao cho Bộ Công an – cơ quan bị xem là ‘công an trị’ và chuyên trấn áp, đàn áp những cuộc xuống đường vì môi sinh môi trường của người dân, ‘chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Biểu tình’.
Kể từ đó đến nay, đã quá nhiều lần Bộ Công an thập thò bộ luật này vào mỗi lúc mà chế độ độc trị phát hiện ra triển vọng một hiệp định thương mại quốc tế – hoặc TPP, hoặc Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, hoặc EVFTA. Nhưng sau khi đã ‘ăn đủ’ hoặc cám cảnh vì ‘mất ăn’, đã quá nhiều lần cơ quan bộ này yêu cầu hoãn Luật Biểu tình khi nại ra lý do: “Trong quá trình soạn thảo có một số nội dung phát sinh cần tiếp tục đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, khảo sát thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế như khái niệm “biểu tình,” “quyền tự do biểu tình,” “nơi công cộng,” “tụ tập đông người”…; phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật (có bao gồm cả việc tổ chức mít-tinh, biểu tình do Đảng, Nhà Nước, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức; việc khiếu kiện đông người, đình công, bãi công, bãi thị, bãi khóa hay không); vấn đề áp dụng các biện pháp trấn áp tương xứng, có hiệu quả đối với hành vi lợi dụng biểu tình vi phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình biểu tình…”
Một luật gia cho rằng đã có đủ căn cứ để thấy rằng việc cố tình kéo dài thời gian soạn thảo dự luật biểu tình của Bộ Công an là hành vi tắc trách công vụ, vi phạm vào Điều 4 của nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 do chủ tịch Quốc Hội ký ban hành tại kỳ họp thứ 7, Tháng Sáu, 2014.
Trong khi đó và chẳng cần đến luật biểu tình chưa biết khi nào mới được 500 đại biểu Quốc hội đồng gật, từ năm 2007 đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành và tọa kháng của dân oan đất đai. Năm 2011 đã làm nên dấu mốc lịch sử bởi hàng ngàn trí thức, nhân sĩ và người dân đã tổ chức hàng chục cuộc xuống đường để phản đối Trung Quốc, cùng truy vấn thái độ im lặng đầy khuất tất của đảng cầm quyền và chính phủ trước một bí mật bắt đầu bị hé lộ: Hội nghị Thành Đô năm 1990.
Ở Sài Gòn, hai cuộc biểu tình mang tính “kinh điển” vào tháng Năm 2014 phản đối giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã lên đến hàng chục ngàn người, và cuộc tổng biểu tình lên đến hàng trăm ngàn người phản đối hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào tháng Sáu năm 2018 mà đã khiến toàn bộ lực lượng công an, dân phòng, quân đội bất động.
Những năm gần đây, phong trào bất tuân dân sự đang lớn mạnh và khởi sắc hẳn. Cuộc trước là nguồn cảm hứng cho cuộc sau. Từ các cuộc biểu tình phản đối chặt hạ cây xanh và tổng đình công của công nhân một số tỉnh Nam Bộ vào năm 2015 đến phong trào biểu tình phản đối Formosa của người dân miền Trung vào năm 2016 và 2017, cánh lái xe liên tiếp phản đối các trạm BOT thu phí và phản kháng dân sự đối với chính quyền suốt từ năm 2017 đến nay.
Đói quá lâu sẽ hết đói. Cuối cùng, bánh vẽ Luật Biểu tình đã công nhiên trở thành một thứ phế thải. Cuối cùng, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Đến lúc này, mọi chuyện đã quá muộn đối với chính thể. Quá muộn để “lấy lại lòng tin của nhân dân”.
Cũng quá muộn để ‘nghiên cứu xây dựng’ và ban hành Luật Biểu tình.
Tại sao không phải Bộ Nội vụ?
Về thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Mà chưa có gì được xem là ‘thành tâm’.
Nhưng thủ đoạn trí trá, giảo hoạt và lươn lẹo ấy lại luôn là một sai lầm về sách lược của ‘đảng và nhà nước ta’.
Bởi lẽ đơn giản là với một Bộ Công an – còn được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân – việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho Bộ Nội vụ, là quá bất hợp lý, chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.
Hoặc cho dù Luật Biểu tình có được thông qua trong năm 2019 hoặc năm 2020, thì với những nội dung dự thảo luật chỉ siết không mở của Bộ Công an, thậm chí còn có thể hợp thức hóa cho hành vi của các ‘lực lượng công quyền’ đánh đập tra tấn người dân một cách côn đồ và lưu manh, sẽ chẳng có bất kỳ ích lợi nào cho người biểu tình ở Việt Nam, nếu không muốn nói là những cuộc biểu tình dân sinh có thể sẽ bị chế độ công an trị dìm trong biển máu.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.