Quan hệ Thái Lan – Trung Quốc và bài học “Mahathir” cho Bangkok? – Theo VOV.VN
Monday, March 18, 2019
3:56:00 PM
//
Slider
,
TinThế giới
18/03/2019
Theo các nhà quan sát, sau cuộc bầu cử ngày 24/3 tới, Thái Lan sẽ tái cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc, tương tự như Malaysia đã làm năm 2018.
“Đã đến lúc cần phải cân bằng lại”; “Chúng ta đang quá thân với Trung Quốc”; “Hãy rút ra bài học từ Mahathir Mohamad của Malaysia”.
Đó là những quan điểm về tương lai quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc của những chính trị gia Thái Lan ủng hộ dân chủ và những nhà giám sát chính sách ngoại giao trước thềm cuộc bầu cử vào ngày 24/3 tới – cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính tháng 5/2014.
Đã đến lúc cần thay đổi?
Kể từ khi Tướng Prayuth Chan-Ocha lên nắm quyền, nhiều người đã đặt câu hỏi rằng ông sẽ làm thế nào khi Thái Lan đang mắc kẹt ở vị trí đứng giữa cuộc chiến ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sau cuộc đảo chính tháng 5/2014, Mỹ đã giảm hợp tác quân sự với Thái Lan – nước cùng với Philippines là 2 đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á. Ở thời điểm đó, Thái Lan lại tăng cường quan hệ với Trung Quốc, khi chi hàng tỷ baht mua vũ khí từ Trung Quốc trong 5 năm qua.
Trong bối cảnh hiện nay, cho dù ông Prayuth có tiếp tục nắm quyền hay không, thì quan hệ Thái-Trung vẫn nhiều khả năng sẽ được cân bằng lại, theo Pongphisoot Busbarat, một nhà nghiên cứu hàng đầu về chính sách ngoại giao của Thái Lan đồng thời là một diễn giả tại Đại học Chulalongkorn.
“Việc thiết lập chính sách ngoại giao ở Mỹ và ở Thái Lan đều đang hướng tới việc đưa mối quan hệ song phương trở lại như trước kia [trước khi xảy ra đảo chính]. Dù ông Prayuth vẫn tiếp tục nắm quyền hay một đảng khác sẽ lên nắm quyền thì điều đó sẽ vẫn xảy ra”, ông Pongphisoot cho biết. Điều đó sẽ làm tăng khả năng Mỹ khôi phục các hỗ trợ tài chính và giáo dục về quân sự cho Thái Lan.
“Chúng tôi đang chuẩn bị tích cực cho điều đó”. Peter Haymond, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan nói với Bloomberg tháng này.
Phe đối lập tại Thái Lan đều cho rằng, bây giờ là lúc tái cân bằng các mối quan hệ, đặc biệt là trong quan hệ tương tác với phương Tây.
Mặc dù những ảnh hưởng từ kinh tế Trung Quốc đối với Thái Lan không dấy lên sự tranh cãi chính trị và trở thành vấn đề chủ đạo trong chiến dịch tranh cử ở Thái Lan như đã từng xảy ra ở nước láng giềng Malaysia năm 2018, nhưng chủ đề này vẫn nằm trong các vấn đề chính sách ngoại giao mà các ứng cử viên đưa ra với các cử tri.
Bài học Mahathir?
Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Tương lai Tiến lên Thái Lan, nói rằng, Thái Lan nên học hỏi từ vị Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Ngay sau chiến thắng bất ngờ hồi năm ngoái, chính trị gia 93 tuổi này (Mahathir) đã yêu cầu xem xét lại các dự án cơ sở hạ tầng của Malaysia có liên quan đến Trung Quốc. Khi đó, Malaysia đã hủy một số dự án, trong khi 2 bên vẫn đang tiếp tục đàm phán về việc cắt giảm dự án kết nối đường sắt Bờ Đông dài 688km trị giá 55 tỷ ringgit (13 tỷ USD).
Một dự án mà ông Thanathorn, chính trị gia 40 tuổi, tuyên bố sẽ xem xét lại nếu trở thành người nắm quyền, là các dự án đường sắt giữa Thái Lan với Trung Quốc.
“Chúng ta đã cho đi quá nhiều khi thỏa thuận với Trung Quốc. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó và muốn tái cân bằng các mối quan hệ, chuyển hướng sang châu Âu, Nhật Bản và Mỹ nhiều hơn”.
Ông nhấn mạnh thêm: “Khi nói về dự án hợp tác đường sắt cao tốc với Trung Quốc, có thể chúng ta nên học theo tấm gương của Thủ tướng Malaysia Mahathir”.
Thủ tướng Prayuth và các thành viên trong đảng Palang Pracharat đều không đưa ra bình luận về chính sách ngoại giao của Thái Lan. Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Time năm 2018, nhà lãnh đạo Thái Lan nói rằng “Trung Quốc là một trong các đối tác của Thái Lan cùng với các nước khác như Mỹ…”
Pavida Pananond, một trợ lý giáo sư về kinh doanh quốc tế tại đại học Thamassat của Thái Lan, nhận định, ông Prayuth có thể điều chỉnh các thỏa thuận với Trung Quốc nếu ông vẫn còn giữ chức Thủ tướng sau cuộc bầu cử.
Bà nhấn mạnh vào vị trí Chủ tịch ASEAN mà Thái Lan nắm giữ trong năm 2019. “Có sự đối đầu ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc và vai trò của Thái Lan với tư cách là Chủ tịch ASEAN trong năm 2019 đang khiến Thái Lan cần phải có những bước đi thận trọng trong việc cân bằng mối quan hệ với cả 2 nước này”.
“Các siêu dự án giữa các nhà đầu tư Trung Quốc và các doanh nghiệp Thái Lan, dù có vẻ như có lợi lớn cho các tập đoàn Thái Lan cũng thậm chí sẽ trở nên khó được chấp nhận hơn”, bà Pananond nói.
Trung Quốc vẫn lạc quan
Trong khi đó, giới quan sát ở Trung Quốc, lại có cái nhìn tích cực hơn về tương lai quan hệ song phương hậu bầu cử.
Xu Liping, thuộc Viện nghiên cứu khoa học xã hội Trung Quốc nhận định Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha nhiều khả năng vẫn nắm giữ quyền lực sau cuộc bầu cử ngày 24/3 tới.
“Trong quan hệ với Trung Quốc, về lịch sử, cho dù là chính phủ nào nắm quyền ở Thái Lan, thì định hướng quan hệ song phương sẽ vẫn không bao giờ thay đổi”, ông dự đoán trong một bài bình luận trên Global Times tháng trước.
Nie Wen Juan, một trợ lý giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, quan hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc không có nhiều bất đồng lớn; hai nước có các cuộc trao đổi “phi chính phủ” khá mạnh mẽ; và một chính phủ Mỹ thiếu nhất quán dưới thời Tổng thống Donald Trump là những yếu tố cho thấy quan hệ Thái-Trung nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì mạnh mẽ.
Theo Nie Wen Juan, “Sự bất ổn trong chính quyền Trump đã khiến các nước Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan thông qua chiến lược thực dụng và cẩn trọng trong việc đối mặt với cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn. Chính sách về Trung Quốc của Thái Lan nhiều khả năng sẽ không có thay đổi lớn”.
Theo VOV.VN
0 comments