Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/03/2019-̣̣

Monday, March 4, 2019 6:22:00 PM // ,

Algeri: Phong trào

chống tổng thống tham quyền cố vị bùng lên

Trọng Nghĩa Tình hình Algeri với những cuộc biểu tình bùng lên mạnh mẽ ngay tại quốc gia Bắc Phi này và… tại Pháp để phản đối đương kim tổng thống Abdelaziz Bouteflika tham quyền cố vị, là chủ đề được hầu hết báo Pháp ra hôm nay 04/03/2019 quan tâm. Le Monde trên trang nhất cho rằng chế độ Bouteflika đang chịu áp lực nặng nề. Còn Le Figaro thì nhấn mạnh đến sự đề cao cảnh giác của nước Pháp. Với hàng tít lớn « Chính quyền Algeri dưới sức ép sau những cuộc biểu tình phản đối », báo Le Monde đã nêu lên những nét chính trong cuộc khủng hoảng đang manh nha tại Algeri, với những cuộc biểu tình rầm rộ chưa từng thấy đã nổ ra khắp nơi hôm 01/03 vừa qua. Những người xuống đường phản đối đương kim tổng thống Bouteflika tái ứng cử tổng thống, bày tỏ thái độ chán ngán chế độ cũng như ước vọng thay đổi. Theo nhật báo Pháp, khởi sự từ ngày 22/02, đây là phong trào phản kháng quan trọng nhất tại Algeri trong hai chục năm gần đây, với hàng chục ngàn người dân xuống đường để phản đối việc tổng thống nước này ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ 5 nhân cuộc bầu cử dự trù vào ngày 18/04. Vấn đề khiến nhiều người dân Algeri phẫn nộ là sự kiện dù tổng thống đương nhiệm của nước này đã lớn tuổi, và bệnh tật, nhưng các thế lực khác nhau đang nắm quyền tại Algeri có vẻ bất lực trong việc nhất trí đề cử một người thay thế. Phe đối lập, bị chia rẽ nặng nề, cũng không đưa ra được người nào khả dĩ lên thay thế. Tình hình sục sôi tại Algeri đã được các đặc phái viên tờ báo ghi nhận qua phóng sự ở trang trong về hai cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Alger và ở Oran, thành phố lớn thứ hai của Algeri. Mẫu số chung của hai cuộc xuống đường nói trên là quy mô to lớn của phong trào phản đối. Dưới hàng tựa : « Tại Alger, một đám đông khổng lồ quyết tâm biểu tình ôn hòa », Le Monde khẳng định rằng hôm mồng 1 tháng 3 vừa qua, « hàng trăm ngàn người đã tuần hành tại thủ đô Algérie chống lại nhiệm kỳ thứ 5 của Abdelaziz Bouteflika ». Tại Oran, quy mô nhỏ hơn, nhưng cũng có « hàng ngàn người Algeri xuống đường chống tổng thống Bouteflika », người đã lên lãnh đạo quốc gia này từ năm 1999. Ngoài Bouteflika, chính quyền không có kế hoạch B Trong bài phân tích mang tựa đề « Một chính quyền thiếu phương án thay thế, một phong trào đối lập yếu ớt », Le Monde giải thích nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Algeri. Đối với nhật báo, tình trạng bế tắc chính trị ở Algeri không có gì mới. Sở dĩ chế độ hiện hành tại quốc gia Bắc Phi này vẫn bám víu vào một nhiệm kỳ thứ năm cho tổng thống Bouteflika, mặc dù ông đã 82 tuổi và đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, đó là vì các thế lực khác nhau đang cầm quyền, cho đến nay, vẫn không đồng ý được trên danh tánh một người có thể lên thay đương kim tổng thống. Ngày 26 tháng 2 vừa qua, khi các sinh viên và giới đại học tham gia phong trào biểu tình, cựu thủ tướng Abdelmalek Sellal, nguyên giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Bouteflika vẫn khẳng định rằng sẽ không thể có việc tổng thống rút khỏi cuộc đua vì « không ai có quyền tước bỏ quyền của ông Bouteflika được Hiến Pháp công nhận là trở thành ứng cử viên ». Theo Le Monde, bất chấp phong trào phản đối rộng khắp của người dân, giới cầm quyền tại Algérie không hề công khai nói đến khả năng ông Bouteflika không ra ứng cử. Lý do rất đơn giản : hầu như toàn bộ các tác nhân quan trọng của chế độ, từ các lãnh đạo Diễn Đàn giới Lãnh Đạo Doanh Nghiệp, công đoàn UGTA, cho đến một loạt các đảng phái chính trị trong đó có hai đảng thuộc liên minh cầm quyền là Mặt trận Giải Phóng Dân Tộc (FLN) và Tập Hợp Dân Chủ Quốc Gia (RND), đều đồng hội đồng thuyền trên « con tàu Bouteflika ». Các thành phần này đã hưởng nhiều quyền lợi trong suốt 20 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Bouteflika vừa qua, do đó họ sẵn sàng làm mọi việc để duy trì nguyên trạng. Hậu thuẫn mạnh nhất cho cánh Bouteflika chính là tham mưu trưởng Quân Đội, tướng Gaïd Salah. Mới đây, nhân vật này đã không ngần ngại gọi những ai chống nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống đương nhiệm là những kẻ « vô ơn », không biết đến những « thành quả » của triều đại Bouteflika. Vấn đề đối với đa số cầm quyền tại Algeri hiện nay, theo nhận định của Le Monde, là họ không tìm được ai có khả năng lên thay thế ông Bouteflika. Lý do là vì trong thời gian làm tổng thống, ông Bouteflika đã dẹp bỏ mọi gương mặt có khả năng làm ông bị lu mờ. Đối với chế độ Bouteflika, hiên nay, chính các phong trào biểu tình mới là mối đe dọa và khiến họ lo ngại, chứ không phải là phong trào đối lập chính trị. Các thành phần này, đi từ cực tả sang Hồi Giáo, đã hết sức bất ngờ trước sự bùng lên của phong trào phản kháng. Tờ báo cho rằng, bị chế độ Bouteflika bóp nghẹt trong 2 thập niên qua, các đảng đối lập Algeri dĩ nhiên rất vui mừng trước quy mô to lớn của những cuộc biểu tình chống ông Bouteflika. Thế nhưng còn lâu họ mới nhất trí được với nhau về một phương thức hành động chung. Algéri biến động, Pháp lo nhưng tránh can thiệp lộ liễu Le Figaro cũng dành tít lớn trang nhất cho Algeri, nhưng chú ý đến sự kiện « Pháp cảnh giác trước tình hình chính trị bấp bênh tại Algéri ». Theo ghi nhận của tờ báo cánh hữu, bất chấp phong trào phản kháng càng lúc càng mạnh, tổng thống Algeri Abdelaziz Bouteflika vẫn loan báo quyết định ra tranh cử một nhiệm kỳ thứ năm, nhưng hứa hẹn là sẽ không tại vị cho đến cuối nhiệm kỳ đó. Sau những ngày cuối tuần sôi động, với những cuộc biểu tình chống chế độ Bouteflika tại Algeri cũng như tại một số thành phố lớn ở Pháp như Paris hay Marseille, chính quyền Pháp đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở nước này, nhưng cố tránh không can thiệp, vì sợ bị buộc tội can thiệp vào một thuộc địa cũ. Một bằng chứng hiển nhiên cho thấy thái độ quan ngại của Paris trước khả năng tình hình Algérie xấu đi là việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước, trong một động thái hiếm hoi đã gặp đại sứ Pháp tại Algeri để tìm hiểu về cuộc khủng hoảng đang diễn ra. Theo tờ báo Pháp, Paris lo ngại cũng đúng, vì lịch sử Pháp và Algeri gắn chặt với nhau. Mặt khác, cộng đồng người Algeri tại Pháp rất đông đảo, và ngược lại, có rất đông người quốc tịch Pháp sống ở nước Bắc Phi này.

Libération: 1/10 loại thuốc bán ra

trên thế giới là thuốc giả

Vào lúc thời sự Algeri nóng bỏng, Libération dành trang nhất cho một hồ sơ nhức nhối về mặt y tế : Đó là tệ nạn buôn bán thuốc giả đang hoành hành trên thế giới mà nạn nhân trước tiên là cư dân các quốc gia nghèo nhất. Theo tờ báo, tệ nạn buôn bán thuốc giả lại bùng lên đã gây ra những hậu quả thảm khốc trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Trước tệ nạn này, Liên Hiệp Châu Âu vừa tăng cường các biện pháp đối phó. Libération trích dẫn số liệu của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cho biết là có đến 1/10 loại thuốc bán ra trên thế giới là thuốc giả. Ở một số quốc gia, con số này thậm chí có thể vọt lên mức 70%, nhất là ở châu Phi, khu vực có đến 100.000 người chết mỗi năm do sử dụng thuốc giả. Theo ông Bernard Leroy, giám đốc Viện Nghiên Cứu Biện Pháp Chống Thuốc Giả (Iracm), trên thế giới hiện nay, trị giá thuốc thật được sản xuất hợp pháp lên tới 1.000 tỷ đô la, trong lúc các loại thuốc giả được ước tính trị giá từ 70 đến 200 tỷ đô la. Phần lớn thuốc giả được sản xuất ở Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia cũng sản xuất ra các nguyên liệu thô và hoạt chất của nhiều loại thuốc bán trên thị trường ở các nước phương Tây.

Les Echos: Nạn trốn thuế ở Pháp

có quy mô từ 2 tỷ đến 100 tỷ

Trung thành với tôn chỉ của mình, nhật báo kinh tế Les Echos dành tựa lớn trang nhất cho vấn đề tài chánh: Quy mô tệ nạn trốn thuế tại Pháp. Trong bài viết mang tựa đề « Chênh lệch lớn trong việc ước tính quy mô của việc trốn thuế ». Les Echos ghi nhận là chủ đề này đã được nhắc đi nhắc lại trong cuộc tranh luận lớn đang diễn ra, vì việc chống lại tệ nạn này là một trong những đòi hỏi cấp thiết của những người Áo Vàng. Tuy nhiên, theo nhật báo, các đánh giá tiếp tục khác xa nhau về quy mô của tệ nạn trốn thuế. Cho đến nay, ước tính phổ biến nhất đến từ công đoàn Liên Đới Tài Chánh Công Solidaires Finances Publiques, theo đó số tiền thuế bị gian lận khoảng từ 80 đến 100 tỷ euros. Trong bản báo cáo về tình trạng này, dân biểu Benedicte Peyrol thuộc đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước tại Pháp cũng nhắc đến mức trần cao trên đây, nhưng lại cho rằng mức thấp của lượng thuế bị trốn chỉ là 2 tỷ mà thôi. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190304-algeri-phong-trao-tong-thong-tham-quyen

Tin đọc nhanh

(AFP) – Công dân Canada bị Trung Quốc nghi là gián điệp.  Hôm nay, 04/03/2019, báo chí chính thức Trung Quốc loan tin chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ nhà cựu ngoại giao Canada Michael Kovrig, bị bắt tháng 12 năm ngoái, làm gián điệp và ăn cắp bí mật nhà nước. Theo Tân Hoa Xã, một công dân Canada khác, nhà tư vấn Michael Spavor đang bị giam ở Trung Quốc, thì bị xem là một nguồn cung cấp thông tin cho Michael Kovrig. (Yonhap) – Kim Jong Un không ghé Bắc Kinh. Không như nhiều đồn đoán nói rằng trên đường từ Việt Nam về nước, sau thượng đỉnh với tổng thống Donald Trump, lãnh đạo Bắc Triều Tiên có thể dừng lại Quảng Đông hoặc Bắc Kinh để gặp lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo hãng tin Hàn Quốc, đoàn tàu đặc biệt của Kim Jong Un hôm nay đã đi qua thành phố Thiên Tân (đông –bắc Trung Quốc), mà không ghé Bắc Kinh. Dự kiến tối nay tàu tới ga Dandong, thành phố biên giới, trước khi qua sông Áp Lục, biên giới Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. (AFP) – Mỹ phục hồi quy chế ngoại giao cũ cho Liên Âu. Hoa Kỳ đã hủy quyết định hạ cấp quy chế đại diện Ngoại Giao của Liên Hiệp Châu Âu tại Washington, theo thông cáo của đại sứ Mỹ tại LHCÂ phát đi hôm nay, 04/03/2019, tức hai ngày trước khi hai bên bước vào các cuộc đàm phán cho một thỏa thuận tự do mậu dịch Mỹ-Liên Âu. Tháng 12/2018, Hoa Kỳ đơn phương hạ cấp quy chế đại diện ngoại giao của EU như là một tổ chức quốc tế mà không thông báo gì. Tháng Giêng vừa qua, Liên Âu đã phản đối và cho biết đang thảo luận với chính quyền Mỹ về việc bị hạ cấp quy chế ngoại giao. Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2016 đã có quy chế lễ tân như đại diện một quốc gia tại Mỹ. Trưởng cơ quan đại diện Liên Âu tại Mỹ mang hàm đại sứ. (AFP) – Pháp – Ý “hòa giải” nhờ Leonardo da Vinci.  Quan hệ giữa Ý và Pháp rơi vào khủng hoảng từ nhiều tuần nay, sau việc một số lãnh đạo chính phủ Ý bày tỏ ủng hộ phong trào Áo Vàng tại Pháp, chỉ trích tổng thống Pháp. Hôm qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu trên truyền hình Ý kêu gọi “hòa giải” và thông báo ông sẽ cùng nguyên thủ Ý Sergio Matteralla cử hành lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo da Vinci. Thiên tài da Vinci được coi là một biểu tượng cho hợp tác lâu đời Pháp – Ý. (AFP) – Bị câu lưu ở Crimée, một lãnh đạo Giáo hội Ukraina tố cáo Nga “trả thù”:  Hôm nay, 04/03, người lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Ukraina tại bán đảo Crimée tố cáo cảnh sát Nga đã câu lưu ông trong nhiều giờ ngày hôm qua. Tổng giám mục Kliment cho biết ông đã bị bắt tại một trạm xe buýt, ở thủ phủ bán đảo Crimée. Chức sắc tôn giáo này công khai khẳng định lập trường ủng hộ “các tù nhân chính trị Ukraina”, đang bị Nga giam giữ. (AFP) – Úc, Indonesia ký Hiệp địnhthương mại: Hai nước “gần nhau hơn bao giờ hết”. Hiệp định tự do mậu dịch ký ngày 4/3/2019 được chờ đợi từ lâu. Quyết định bị dời lại sau khi Canberra ủng hộ việc Mỹ dời sứ quán tại Israel về Jerusalem, cử chỉ bị nhiều quốc gia Hồi Giáo chỉ trích. Hiệp đinh được thương thuyết từ năm 2010. Theo bộ trưởng Thương Mại Úc, Hiệp định này cho phép hai nước “xích lại gần nhau hơn bao giờ hết”. (AFP) – Châu Đại Dương gia nhập làng thể thao Châu Á.  Châu Đại Dương lần đầu tiên được mời tham dự Á Vận Hội 2022, trong các môn thể thao tập thể như bóng rổ hay bóng đá. Ủy Ban Olympic Châu Á đưa ra quyết định trên hôm qua, 03/03/2019, trong một cuộc họp tại Bangkok. Các quốc gia Châu Đại Dương, bao gồm Úc, New Zealand và một số đảo quốc nhỏ trong Thái Bình Dương, chưa bao giờ tham dự Á Vận Hội, mặc dù về địa lý rất gần gũi với châu Á. Năm 2006, Úc gia nhập Liên đoàn Bóng đá Á châu và đã từng tham dự Á Vận Hội mùa đông 2017 tại Saporo (Nhật). Á Vận Hội là sự kiện thể thao lớn thứ 2 thế giới sau Thế Vận Hội. http://vi.rfi.fr/tong-hop/20190304-tin-doc-nhanh

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.