Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 15/01/2019

Tuesday, January 15, 2019 3:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 15/01/2019

164 hộ dân tham gia ký đơn khiếu kiện

vụ cưỡng chế đất vườn rau Lộc Hưng

Khoảng 164 hộ dân đã tham gia ký đơn khiếu kiện việc chính quyền quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, tiến hành cưỡng chế, phá dỡ gần 200 căn nhà tại khu vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình hôm 4 và 8 tháng 1 vừa qua. Ông Cao Hà Trực, đại diện những người ký đơn kiện cho Đài Á Châu Tự Do biết như vậy vào ngày 15 tháng 1, đồng thời cho biết thêm là khả năng con số người ký sẽ tăng thêm trong ngày mai khi các hộ dân ở đây dự kiến sẽ nộp đơn lên các cơ quan chức năng của thành phố.
“Số lượng người đến ngày hôm nay là 164 người ký đơn khiếu kiện và tố cáo đập tài sản, gửi đến các cơ quan chức năng, và con số này là chưa hết.”
Truyền thông trong nước những ngày qua trích thông tin từ đại diện quận Tân Bình cho biết vụ cưỡng chế tại vườn rau Lộc Hưng chỉ áp dụng đối với 112 căn nhà xây dựng trái phép, và đã có 134 hộ dân ở đây đăng ký sử dụng đất với chính quyền trong các năm 1991, 1995 và 2005. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết con số những căn nhà bị phá lên đến hàng trăm bao gồm cả những chòi được người dân xây lên để chăn nuôi từ cả chục năm qua.
Ông Trực cho biết, đơn kiện của các hộ dân ở đây sẽ nêu lên những vi phạm pháp luật của chính quyền trong việc thực hiện cưỡng chế:
“Trong đơn khiếu kiện, chúng tôi đưa ra nhiều vấn đề. Thứ nhất là chúng tôi không nhận được quyết định thu hồi mà tại sao phá đất bình điện của chúng tôi. Thứ hai nữa là không có quyết định thu hồi mà đập nhà mà đập nhà không đúng quy trình thủ tục. Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi”.
Chúng tôi yêu cầu được trở lại đất của mình đúng như quận Tân Bình đã trả lời các cơ quan chức năng là chỉ cưỡng chế những nhà xây dựng trái phép từ ngày 1/1/2018 mà tại sao đập những căn nhà từ 9 hay 10 năm về trước rồi. – Cao Hà Trực
Tờ Sài Gòn Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh hôm 15/1 có bài viết cho biết cả 134 hộ dân đã đăng ký sử dụng đất đều có nhà ở bên ngoài khu đất. Tuy nhiên, ông Cao Hà Trực cho biết điều ngược lại.
“Ở trong đó cũng có những người có nhà ở bên ngoài như gia đình tôi đã 3 đời rồi từ ông bà đến cha mẹ. Bố mẹ tôi có nhà rồi có 9 người con thì phân đất cho 9 người ở. Sài Gòn nghèo lắm chứ đâu có đất đâu thì chia cho con để ra vườn xây ở, đó gọi là nhà ở. Có những nhà 30 người ở trong 40 m2 đất. 2m23… có những người bán nhà hoàn toàn họ không còn gì thì họ ra vườn ở hết.”
Bản thân gia đình ông Trực là những người đã có đất ở khu vực này từ thời Pháp thuộc, khi mảnh đất 4,8 ha này được hội Thừa sai Paris giao cho người dân sử dụng để ở và trồng rau. Ông Trực cho biết 5 căn nhà,12 căn phòng trọ và một số căn chòi của những người trong gia đình ông cũng bị phá trong đợt cưỡng chế ngày 8/1 vừa qua.
Tờ Sài Gòn Giải Phóng cho biết khu đất vườn rau đã được quy hoạch làm công trình công cộng nhưng người dân ở đây đã tiến hành xây dựng không phép trên khu đất này, đặc biệt là trong giai đoạn 2018. Đại diện địa phương được tờ báo trích lời cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm xây dựng trong khi nhiều người manh động khi chính quyền động chạm.
Ngoài ra tờ Sài Gòn Giải Phóng cũng cho biết tình hình khu đất khá phức tạp với việc chuyển nhượng đất bằng tay, người dân mua đất nông nghiệp với giá 10 triệu đồng/m2 rồi xây dựng không phép để cho thuê phòng trọ hoặc cho thuê mặt bằng kinh doanh. Ông Cao Hà Trực lý giải về trường hợp này.
“Đất của chúng em đã được đủ điều kiện để xác nhận cơ sở pháp lý có nghĩa là chúng em được giao dịch. Khi đến năm 1999 chúng em đã đi kê khai nhưng chính quyền đã không xác nhận cơ sở pháp lý cho chúng em theo như luật định và trong suốt mấy chục năm qua, vì hoản cảnh khó khăn nên một số người đã cắt một phần đất để bán và để cho con cái người ta sinh sống, vì vậy mới có tình trạng có người bán và người mua.”
Ông Cao Hà Trực cho biết từ năm 1999 đến 2008 nhiều hộ dân ở đây đã khiếu kiện lên thành phố đòi quyền được chứng nhận đất. Tuy nhiên vụ kiện sau đó đã chìm vào im lặng vì chính quyền địa phương không có trả lời dứt khoát với người dân về những đòi hỏi của họ, theo lời của ông Cao Hà Trực.
Sau vụ cưỡng chế đất hôm 4 và 8/1 và gặp phải sự phản ứng mạnh mẽ của người dân, mới đây, vào ngày 13/1, truyền thông trong nước cho biết chính quyền quận Tân Bình đã đề nghị hỗ trợ 7.055.000 đồng/m2 đất vườn rau Lộc Hưng cho những người bị ảnh hưởng và hỗ trợ hoa màu từ 4 đến 6 triệu đồng/ tháng trong 3 tháng cho những hộ có hoa màu bị ảnh hưởng do cưỡng chế.
Sài Gòn Giải Phóng hôm 15/1 cho biết đã có 30/134 hộ dân kê khai, đăng ký nhận hỗ trợ theo chính sách quận mới công bố.
Tờ báo cũng cảnh báo tình trạng một nhóm đối tượng chuyên “khống chế’ người dân, ép họ phải theo sự dẫn dắt của họ. Ông Cao Hà Trực cho rằng tờ báo của thành ủy đang có ý nói đến ông là người vẫn thường xuyên công khai hướng dẫn cho bà con trong khu vực vườn rau về các vấn đề  pháp lý liên quan đến khu đất và những sai phạm trong quá trình cưỡng chế.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/164-signed-complaint-about-lochung-eviction-01152019082329.html

Bị giam lỏng vì phản đối ‘BOT bẩn’ ở TP. HCM,

nhóm tài xế sẽ kiện

Nhóm 4 người mới đây phản đối một trạm thu phí ở thành phố Hồ Chí Minh nói với VOA hôm 15/1 rằng họ sẽ “đi kiện” về việc họ bị một đám đông hàng trăm người “giam lỏng” và “làm hư hại” 3 chiếc ô tô của nhóm vào ngày 14/1.
Nhà báo trẻ Trương Châu Hữu Danh, một trong 4 người, cho VOA biết sự việc xảy ra tại trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ An Sương-An Lạc, một trạm được lập ra theo hình thức hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) và nằm trên đoạn Quốc lộ 1 chạy qua quận Bình Tân, Tp. HCM.
Hồi tháng 12/2018, trạm này đã nhiều lần “thất thủ”, phải cho xe cộ đi qua mà không thu phí vì các lái xe phản đối với lý do là trạm đã hết thời hạn thu phí từ cuối năm 2017.
Theo lời anh Trương Châu Hữu Danh, người nổi tiếng với các hoạt động vạch mặt các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí bất hợp lý, vào hồi 2h chiều 14/1, khi nhóm của anh đến trạm An Sương-An Lạc và đặt các câu hỏi “mục đích của trạm là gì?” và “trạm thu phí gì?”, nhóm đã bị bao vây và sau đó bị xe cẩu đưa đến một nơi khác cách trạm 50 mét.
Việc họ sử dụng một lực lượng quá đông để đối phó với những người chẳng có gì ghê gớm là giống như một trận đánh cân não, tôi thấy nó buồn cười.
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh
Anh Danh cáo buộc rằng đám đông bao vây lên đến “500, 600 người mặc đồng phục, trong đó có nhiều công an mắc sắc phục”. Nơi tiếp mà nhóm của anh bị đưa đến và cô lập với rào thép gai được mô tả là lối vào một nhà máy. Ngoài anh Danh, những người còn lại gồm anh Huỳnh Long, chị Ngô Oanh Phương và một phụ nữ nữa.
“Việc họ sử dụng một lực lượng quá đông để đối phó với những người chẳng có gì ghê gớm là giống như một trận đánh cân não, tôi thấy nó buồn cười”, anh Danh nói với VOA. Ngoài ra, anh cho biết việc cẩu xe đã làm các xe của nhóm “bị hư hại nặng”.
Trong bối cảnh mà nhóm cáo buộc là bị “giam lỏng”, khi anh Huỳnh Long ra khỏi xe để đi vệ sinh vào tối 14/1, anh đã bị “đưa đi mất tích”. Diễn biến này làm những người còn lại trong nhóm lo lắng, “không dám ăn uống cũng như ra khỏi xe để đi vệ sinh”, theo lời kể của anh Danh qua phần tường thuật trực tiếp trên trang Facebook cá nhân kéo dài nhiều giờ, thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem.
Ngày mai [16/1], mọi người [chúng tôi] sẽ đến cơ quan [công an] để tố cáo hai hành vi. Thứ nhất là hủy hoại tài sản, thứ hai là giam giữ người trái pháp luật
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh
Đến sáng 15/1, một số nhân viên công an đã làm việc với nhóm về sự việc, anh Danh cho hay. Cuộc làm việc kéo dài nhiều giờ cho đến chiều cùng ngày, kết thúc với việc công an lập biên bản cho rằng 2 lái xe đã “gây ùn tắc giao thông” và “không chấp hành mệnh lệnh của người điều khiển giao thông, người thi hành công vụ”.
“Hai tài xế không chấp nhận là họ có các hành vi đó và họ đã ghi rõ vào biên bản là không có sai phạm gì cả. Nếu nhà chức trách ra quyết định xử phạt, họ sẽ kiện ra tòa,” anh Danh nói với VOA.
Trong khi đó, dù nhóm trình bày và đề nghị công an lập biên bản về việc họ bị giữ trái phép và xe cộ bị hư hại khi bị cẩu đi, công an đã không lập biên bản. Anh Danh cho biết thêm:
“Họ vẫn chưa ghi nhận, họ chỉ ghi nhận bằng lời nói, bằng miệng thôi. Còn ghi nhận bằng đơn thì họ yêu cầu phải tới cơ quan [công an]. Ngày mai [16/1], mọi người [chúng tôi] sẽ đến cơ quan để tố cáo hai hành vi. Thứ nhất là hủy hoại tài sản, thứ hai là giam giữ người trái pháp luật”.
Vào cuối buổi chiều 15/1, anh Danh cho VOA hay nhóm đã rời khỏi nơi bị giam lỏng một cách an toàn.
Anh Huỳnh Long, người bị “bắt đi mất tích trước đó”, đã quay trở lại với nhóm và không bị hề hấn gì. Qua Facebook, anh Long đưa ra thông tin rằng một số người không rõ danh tính đã bắt anh đi, đồng thời trấn áp về mặt tinh thần, hăm dọa, kể cả đe dọa làm hại đến tính mạng của anh.
VOA cố gắng liên lạc với nhà chức trách quận Bình Tân để kiểm chứng thông tin và lắng nghe ý kiến của họ, nhưng không kết nối được liên lạc.
Các trạm BOT đặt sai vị trí hoặc thu phí vô lý là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam trong suốt gần 2 năm qua, với nhiều cuộc phản đối lớn diễn ra ở một loạt địa phương trên khắp đất nước.
Nhiều trạm BOT đã miễn hoặc giảm phí khi các tài xế có những hành động phản kháng thẳng thừng, táo bạo hơn trong một số thời gian của năm 2018. Trước đó, các vụ phản đối bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017.
Tuy nhiên, các tài xế tích cực tham gia các hoạt động phản đối cho rằng các trạm BOT chỉ tìm cách thực hiện những động thái “xoa dịu”, ít có khả năng các trạm đó sẽ đóng cửa hoặc di dời.
https://www.voatiengviet.com/a/bi-giam-long-vi-phan-doi-bot-ban-o-tphcm-nhom-tai-xe-se-kien/4743712.html

Việc HN cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân

bị xem là ‘vi hiến’

Tranh cãi nổi lên hơn 10 ngày qua sau khi chính quyền thủ đô Hà Nội ban hành một quy định trong đó có điều khoản cấm ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp công dân. Công chúng, các nhà hoạt động và một số chuyên gia pháp lý phản đối quy định này, cho rằng nó “vi hiến”.
Theo tìm hiểu của VOA, bản nội quy về việc tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân Thành phố, do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Đức Chung ký, có một điều nêu rõ rằng công dân khi đến trụ sở nêu trên để làm việc, không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm “khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Bản nội quy có hiệu lực từ ngày 3/1/2019.
VOA quan sát thấy dư luận chung, không chỉ người dân Hà Nội, bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ “đặc biệt quan tâm” đến điều khoản cấm đó, cho rằng việc quay phim, chụp ảnh phải xin phép nhân viên công quyền “sẽ khiến quyền giám sát của người dân bị ảnh hưởng”.
Nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên trang Facebook cá nhân rằng công an và quan chức Việt Nam nói chung bị một thứ mà ông gọi là “hội chứng sợ ghi hình”.
Theo nhà hoạt động, có mấy lý do cho hội chứng này. Thứ nhất, khi tiếp xúc với dân, hầu hết cán bộ “không đảm bảo được tính quang minh, chính trực, công tâm”, và thường cư xử không đúng mực như “quát nạt, ra oai, nói năng bừa bãi, cù nhầy”. Thứ hai, các cán bộ “không có trình độ” và “lơ mơ về pháp luật” nên họ sợ “lòi ra cái đểu, cái dốt ra trước bàn dân thiên hạ”. Một lý do nữa, theo ông Thụy, việc ghi âm, ghi hình sẽ lưu lại những lời cam kết hoặc hứa hẹn. Khi bị ghi lại, các cán bộ sẽ “khó nuốt lời hơn là lời nói gió bay”.
“Bằng qui định này, chính quyền Hà Nội tìm cách che giấu sự thiếu trách nhiệm, trình độ non kém hay phong cách khó coi của quan chức”, nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy nhận định.
Ông bình luận thêm rằng: “Nếu cán bộ tiếp dân làm đúng, làm tốt, lẽ ra cần khuyến khích công dân quay phim để tuyên truyền cho hình ảnh cán bộ mẫu mực, tận tụy với dân, đúng là công bộc của dân, điều này tốt chứ sao lại cấm. Cấm là để che giấu cái xấu. Thế thôi”.
Nhà hoạt động này khẳng định bản quy định của Hà Nội cấm ghi âm, ghi hình khi cán bộ tiếp dân là “vi hiến, cần phải thu hồi”. Ông đưa ra dự báo rằng nếu chính quyền Hà Nội không thu hồi, điều đó “sẽ tạo tiền lệ” cho các tỉnh, thành khác cũng ra quyết định cấm đoán tương tự.
Trên thực tế, đến nay ở Việt Nam đã có tới 26 tỉnh, thành cũng ban hành quy định buộc người dân phải “xin phép” trước khi ghi âm, ghi hình cán bộ tiếp dân.
Luật sư Ngô Ngọc Trai đưa ra ý kiến trên trang Facebook cá nhân rằng quy định như vậy là “sai”. Luật sư Trai lập luận rằng tiếp dân là hoạt động công vụ, đồng nghĩa là cán bộ công chức làm chức trách, phận sự “phải chịu sự giám sát của công dân”.
Hơn nữa, theo ông Trai, về thể thức ban hành, UBND thành phố Hà Nội nói riêng và các tỉnh nói chung “không có thẩm quyền” ban hành các quy định có tính chất “quy tắc xử sự chung” buộc người dân có nghĩa vụ tuân theo.
“Như thế là lạm quyền”, ông nhấn mạnh, và bày tỏ thêm rằng “Việc ban hành quy định này là bộ máy hành chính quan liêu tự đưa ra quy định để che chắn quyền lợi bản thân mà đi ngược lại lợi ích của dân chúng”.
Nhìn rộng ra, vị luật sư nhắc nhở rằng trước đây đã có quy định được ban hành cấm người dân sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, nay lại có quy định ngăn cản quyền ghi âm, ghi hình công khai. Ở tầm mức cao hơn, Việt Nam có Luật An ninh mạng mà ông Trai xem là “can thiệp vào công cụ ngôn luận hữu hiệu của người yếu thế”. Với những thực tế đó, luật sư Trai nhận định: “Tất cả cho thấy quyền công dân cứ bị gặm nhấm mãi”.
Hàng nghìn ý kiến tương tự hoặc ủng hộ các quan điểm của ông Thụy và ông Trai đã được thể hiện trong hơn 10 ngày qua trên mạng xã hội hoặc trong các diễn đàn như “Góc nhìn Báo chí-Công dân”.
Bất chấp nhiều ý kiến chỉ trích, phản đối, hôm 8/1, Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, khẳng định bản nội quy về việc tiếp công dân “hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành”.
Phát biểu này của ông Chung bị báo chí trong nước cho là trái với lời của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Theo các bản tin, cũng trong ngày 8/1, tại một hội nghị về ngành tư pháp, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh: “Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân”.
Tiếp đến, hai ngày sau, quan điểm của ông Chung bị phản bác bởi một chuyên gia. Trang Dân Trí trích lời tiến sĩ Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, thuộc Bộ Tư pháp, nói rằng vị chủ tịch Hà Nội “không được quyền quyết định vấn đề ‘ghi âm, ghi hình phải xin phép’”, mà điều này “thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Bày tỏ đồng thuận với công chúng, các nhà hoạt động và một số luật sư, tiến sĩ Sơn nói: “Tôi cho rằng văn bản hành chính cá biệt này được ban hành trái luật và vi hiến”.
Báo chí cho biết những tranh cãi về bản nội quy của Hà Nội đã thu hút sự chú ý từ Bộ Tư pháp. Báo Giao thông dẫn lời ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, cho biết Cục “đang cho tiến hành kiểm tra lại quy định này”.
Một bản tin Dân trí đăng hôm 14/1 cho hay Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật “đang soạn thảo văn bản để báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định vấn đề pháp lý gây tranh cãi này”.
https://www.voatiengviet.com/a/viec-hn-cam-ghi-am-ghi-hinh-can-bo-tiep-dan-bi-xem-la-vi-hien/4742266.html

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nghỉ hưu

và sẽ đi Mỹ định cư?

Tin Saigon —  Báo Tuổi Trẻ loan tin, sáng ngày 14 tháng 1 năm 2019, Thành Uỷ CSVN tại Sài Gòn đã tổ chức công bố quyết định của Bộ Chính trị về việc nghỉ hưu của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó bí thư Thành uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân CSVN tại Sài Gòn.
Theo đó, bà Tâm có quyết định nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2019.
Tại buổi công bố quyết định nghỉ hưu, bà Tâm cho biết, bà xuất thân từ gia đình cộng sản, cha mẹ bà đã gửi bà từ nhỏ cho cơ sở nuôi để đi theo cộng sản làm cách mạng. Trước khi về hưu, cách đây mấy năm bà Tâm đã chuẩn bị về tâm thế và nhân sự khi vắng mặt bà. Tiết lộ này của bà Tâm đã khiến nhiều người cho rằng bà Tâm đã đưa đàn em hoặc người thân của mình vào các vị trí trong bộ máy nhà nước, cũng như các viên chức cộng sản khác trước khi về hưu.
Trước đó, vào năm 2018, trong các cuộc họp tiếp xúc với dân oan Thủ Thiêm, bà Tâm đã gây phẫn nộ dư luận khi nhiều lần cười tươi trước mặt các dân oan đang khóc lóc, chứa đầy oan khiên, đau đớn và bất mãn cầm những chứng cứ để trình bày với bà và hội đồng.
Trên trang facebook cá nhân của Luật sư Lê Công Định chia sẻ, “Vừa nghỉ hưu, bà Việt cộng này đã ghi tên học Tiếng Anh để chuẩn bị qua Mỹ. Quan chức Việt cộng nào cũng tìm đến thế giới tự do để lo hậu sự của mình và gia đình. Lúc đương chức thì làm bộ chửi Mỹ và cả những ai thân Mỹ ra rả. Đừng tưởng người Mỹ ở Sài Gòn không biết bà”.
Còn Mục sư Nguyễn Hồng Quang, một dân oan Thủ Thiêm  nhắn nhủ “Chị Tâm nên nhớ điều nầy, đi đâu phải nhớ vũng lầy Thủ Thiêm!”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/ba-nguyen-thi-quyet-tam-nghi-huu-va-se-di-my-dinh-cu/

Bộ Công An: Hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em

được phát hiện trong năm 2018

Trong năm 2018, Việt Nam phát hiện hơn 1.500 vụ xâm hại trẻ em, theo báo cáo mới đây của Bộ Công An được công bố hôm thứ Ba, ngày 15 tháng 1 năm 2019.
Số liệu từ Bộ Công An cho thấy năm 2018 đã có 1.300 vụ xâm hai tình dục trẻ em được phát hiện với hơn 1.200  người bị xử lý hình sự và hơn 1.100 em bị xâm hại. Đặc biệt, báo cáo cho biết có tới 43 vụ giết trẻ em, 425 vụ hiếp dâm trẻ em.
Hà Nội và thanh phố Hồ Chí Minh là hai thành phố có nhiều vụ án xâm hai trẻ em nhất với 88 vụ ở Hà Nội và 77 vụ ở thành phố Hồ Chí Minh, kế đó là Đắk  Lắk với 52 vụ, Tây Ninh 51 và Đồng Nai 46 vụ.
Vẫn theo nguồn từ Bộ Công An, thủ phạm có hành vị bại hành, bạo lực và xâm hại trẻ em thuộc nhiều lứa tuổi và thanh phần xã hội khác nhau, đa phần trình độ văn hóa thấp, kiến thức về xã hội và pháp luật còn hạn chế.
Trẻ bị xâm hại thường là nhỏ tuổi, được cha mẹ gửi người chăm sóc hoặc thuộc những gia đình có cha mẹ ly thân hoặc ly hôn và trẻ phải sống với cha dượng, mẹ kế. Đó là chưa kể đến những trẻ nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ hay người thân nên đễ dàng bị xâm hại.
Bộ Công An cho biết sắp tới sẽ lên danh sách những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ phạm tội xâm hại trẻ em, chủ yếu là tội phạm giết trẻ em, xâm hại tình dục trẻ em và những đối tượng thường rủ rê, cưỡng ép, mua chuộc các em vào con đường phạm tội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-found-1500-child-molesting-cases-in-2018-01152019110842.html

Hai cựu thứ trưởng Bộ Công An

liên quan vụ Vũ Nhôm ra hầu tòa

Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ngày 21 tháng này mở phiên xét xử sơ thẩm 2 cựu thứ trưởng Bộ Công An là ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Truyền thông trong nước loan tin này hôm 15/1.
Trước đó, cả hai ông Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đều bị xác định đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tiếp tay cho Phan Văn Anh vũ, còn gọi là Vũ “nhôm” phạm tội.
Liên quan đến vụ án này, tòa cũng đưa bị cáo Phan Văn Anh Vũ tức Vũ Nhôm, ông Nguyễn Hữu Bách – nguyên đại tá công an, và ông Phan Hữu Tuấn (nguyên trung tướng, phó tổng cục trưởng Tổng cục 5, Bộ Công An) ra xét xử vì tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong lúc thi hành công vụ.
Phan Văn Anh Vũ nguyên là chủ tịch  hội đồng quản trị Công Ty Xây Dựng Bắc Ban 79, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công Ty Nova Bắc Nam 79.
Theo cáo trạng, hai cựu thứ trưởng công an Bùi Văn Thành và Trần Việt Tân đã đồng lõa cùng một số cán bộ trong ngành nhằm tiếp tay cho Vũ Nhôm thực hiện hành vi thâu tóm các dự án nhà đất công sản tại Đà Nẵng, và thành phố Hồ Chí Minh mà hậu quả là gây thiệt hại cho nhà nước 1.159 tỷ đồng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-ex-police-generals-to-stand-trial-01152019110506.html

Vì sao bờ sông Cửu Long sạt lở, nuốt nhà?

Việc xây đập thủy điện ở thượng nguồn và tình trạng khai thác cát quá mức ở đáy sông Mekong đang khiến đất ở dọc hệ thống sông, nơi gần cửa biển, bị chìm xuống với tốc độ 2 cm mỗi năm, các chuyên gia và giới chức nói.
Sông Mekong, dài 4.350km, chảy từ bình nguyên Tây Tạng của Trung Quốc dọc xuống biên giới các nước Myanmar, Lào, Thái Lan, qua Campuchia rồi đổ vào Việt Nam, nơi sông được gọi là Cửu Long.
Mekong, dòng sông của 60 triệu người
Trung Quốc muốn gì ở tiểu vùng sông Mekong?
Nước mắt nông dân trên dòng Mekong
Sông là nguồn sống, đem lại phù sa màu mỡ và nguồn cá cho các cộng đồng dân cư dọc sông từ hàng ngàn năm nay.
Tại Việt Nam, giới chức địa phương vùng đang chật vật đối phó với tốc độ xói mòn, sạt lở nhanh chóng, vốn đang đe dọa tới nhà cửa, sinh mạng của người dân.
Các chuyên gia nói việc chặn dòng xây đập ở thượng nguồn khiến phần trầm tích quan trọng bị đọng lại ở các hồ chứa. Đây vốn là phần vô cùng cần thiết, tác động tới dòng chảy của sông Mekong.
Thêm vào đó, tình trạng khai thác cát bừa bãi để phục vụ ngành xây dựng vốn phát triển rất nhanh chóng tại Việt Nam, càng làm dòng chảy bị tác động.
Tuy nhiên, để tạo được thay đổi hay để kiểm soát được hai vấn đề trên, là điều khó khăn.
Ông Đào Trọng Tứ, Giám đốc Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam nói rằng việc các nước khác xây đập thủy điện ở thượng nguồn là điều Việt Nam khó ngăn cản, chỉ có thể tìm các hợp tác để hạn chế tác động tiêu cực mà thôi.
Vấn đề bắt đầu từ việc Trung Quốc xây các nhà máy thủy điện đầu tiên ở thượng nguồn sông Mekong, một số chuyên gia nói.
Việc này khiến Lào, Campuchia và Thái Lan trở thành nguồn cung cấp phù sa chính khi sông chảy tới Việt Nam
Nhưng việc khai thác cát tại Campuchia đã bùng nổ từ hơn 10 năm qua, một phần do nhu cầu lớn từ Singapore, mua cát để bồi đắp đất, lấn biển.
Tình trạng này nghiêm trọng tới mức trong năm 2017, Phnom Penh đã quyết định cấm vĩnh viễn việc xuất khẩu cát của Campuchia.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46858185

BBC Monitoring ‘hỏi đáp’

về Luật An ninh mạng có hiệu lực ở VN

BBC Monitoringtổng hợp
Mới đây báo chí Việt Nam dẫn lời Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay mạng xã hội Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn: Quản lý nội dung thông tin; Quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và Trách nhiệm thuế với Việt Nam.
Cáo buộc đưa ra trong bối cảnh Luật An ninh mạng Việt Nam có hiệu lực từ 1/1/2019.
Bộ phận BBC Monitoring của BBC điểm lại một số vấn đề chính liên quan tới chủ đề này.
Luật nhằm xây dựng một “môi trường mạng lành mạnh” tại Việt Nam bằng cách kiểm soát các nội dung đăng online, theo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Facebook bị cáo buộc ‘vi phạm’ Luật An ninh mạng VN
LHQ bày tỏ quan ngại về Luật an ninh mạng
Luật An ninh mạng không tốt cho kinh tế VN
Cho tới nay, Việt Nam chưa nêu cụ thể các hình phạt đối với bất kỳ vi phạm nào.
Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng luật trao cho Đảng Cộng sản quyền lực trấn áp những ý kiến bất đồng trên mạng.
Hôm 9/1, chính phủ cáo buộc Facebook là đã vi phạm “nghiêm trọng” luật mới, và nói rằng mạng xã hội này đã để cho người dùng đăng các nội dung bôi nhọ, chống chính phủ, đồng thời cáo buộc Facebook không chịu cung câp thông tin về những tài khoản mà giới chức gọi là “các tài khoản gian dối”.
Facebook bác bỏ các cáo buộc, nhưng vụ việc làm dấy lên những quan ngại về tình trạng gia tăng trấn áp tự do ngôn luận trên truyền thông online của Việt Nam.
Điều gì đã xảy ra?
Luật An ninh mạng được thông qua hồi tháng Sáu năm ngoái.
Luật có 43 điều, trong đó nêu ra các nội dung cụ thể vè cách thức ngăn ngừa hoặc chặn bất kỳ hành động nào bị nhà nước coi là bất hợp pháp, liên quan tới an ninh mạng.
Điều 16 của luật liệt kê năm loại hành động chính bị coi là bất hợp pháp, vi phạm an ninh mạng.
Trong số này có việc thông tin trên không gian mạng các thông tin phản đối chính phủ, xúi giục người khác gây rối trật tự công cộng, làm nhục hoặc vu khống, có hành vi gây thiệt hại kinh tế xã hội hoặc gây hoang mang trong nhân dân, hoặc gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Ai ở VN rơi vào tầm ngắm của Luật An ninh mạng?
Luật An ninh mạng: Vì sao và sẽ ra sao?
Luật An ninh mạng tác động kinh tế VN thế nào?
Kiểm soát mạng: VN học Trung Quốc được không?
Một điều khoản khác trong Điều 26 thì đòi các hãng cung cấp dịch vụ internet trong nước và nước ngoài phải có hành động trong vòng 24 giờ sau khi nhận được yêu cầu từ giới chức.
Tại một điều khoản khác, luật đòi các hãng nước ngoài như Google hay Facebook phải đặt văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Tại sao có luật này?
Việt Nam trong chừng mực nào đó đã từng có quy định kiểm soát internet bằng một văn bản pháp luật được thông qua hồi 2015, Luật An toàn thông tin mạng.
Nhưng đã có những lời kêu gọi trong chính phủ, theo đó muốn có luật mới, trực tiếp kiểm soát an ninh mạng, sau khi nước này bị xếp thứ 101 trên tổng số 195 quốc gia trong chỉ số an ninh mạng toàn cầu 2017 của Liên hiệp quốc công bố.
Để so sánh thì các nước khác trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Land nằm trong nhóm 20 nước đứng đầu.
Chính phủ cũng đã nhấn mạnh tới nhu cầu cần phải tập hợp các quy phạm pháp luật nằm rải rác các nơi vào một chỗ, và cần thực thi việc kiểm soát internet chặt chẽ hơn nhằm ngăn ngừa các vụ tấn công mạng.
Hồi năm ngoái, Việt Nam đã có cuộc diễn tập chống tấn công mạng lớn nhất từ trước tới nay, trong đó Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp Máy tính Việt Nam tiết lộ rằng họ đã ghi nhận được gần 400 triệu vụ việc có liên quan tới an ninh mạng trong năm 2018.
Tổng số có 9.344 vụ tấn công mạng, trong đó có 2.499 vụ phishing, 5.018 vụ tấn công giao diện trang web (defacing), và 1.764 vụ tấn công bằng phần mềm độc hại (malware).
Theo Thứ trưởng Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Thành Hưng, tội phạm mạng đang tăng mạnh tại Việt Nam do các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động và internet đang trở nên ngày càng phổ biến, Thông tấn xã Việt Nam tường thuật hôm 26/11.
Nhưng các nhóm hoạt động về nhân quyền thì cáo buộc rằng đây là các nỗ lực của chính phủ nhằm tăng cường kiểm soát internet sau các cuộc biểu tình rầm rộ hồi tháng Sáu năm ngoái, khi người biểu tình đụng độ với cảnh sát trong làn sóng phản đối các kế hoạch mở đặc khu kinh tế.
Chính phủ đề xuất ra luật mới, Luật Đặc khu, theo đó cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được thuê đất tại Việt Nam trong 99 năm.
Nhưng các cuộc biểu tình “cho thấy sự bất mãn âm ỉ trong dân chúng đối với chính phủ”, giáo sư Carlyle A Thayer từ Úc nói trong ấn phẩm East Asia Forum hồi tháng 12.
Đã có những phản ứng thế nào?
Một số blogger và các nhà hoạt động người Việt cảm thấy rằng luật an ninh mạng mới trao cho giới chức quá nhiều quyền.
Dân Luận, một blog đăng nhiều bài viết của các nhà hoạt động nhân quyền và blogger, cũng là một địa chỉ được nhiều người theo dõi, đã đăng một tin của ca sỹ Mai Khôi, một người cổ súy cho tự do ngôn luận.
Ca sỹ này viết: “Ngay cả khi Luật An ninh mạng có hiệu lực, nếu như Facebook và Google không chịu tuân theo luật này thì chúng ta vẫn có tự do Internet… chúng ta vẫn có cơ hội…”
Một blogger khác, Hoàng Xuân Phú, viết trên Dân Quyền, một trang blog chuyên về các vấn đề nhân quyền, dân quyền, rằng luật an ninh mạng trao cho Bộ Công an “quyền tự ý kết tội”, mà theo ông Phú là “vi phạm Điều 102 của Hiến pháp 2013″.
Nhưng cũng có một số người ủng hộ luật này.
Tài khoản Facebook Nguyễn Hồng Lam, người nhận bản thân là một nhà báo, viết Luật An ninh mạng nhằm xử lý các vấn đề về an ninh quốc gia, “không rảnh và cũng chẳng buồn quan tâm đến việc ‘khâu miệng’ vài ba phát biểu lăng nhăng của dân chơi mạng xã hội”.
Báo Công an Nhân dân hôm 17/12 có bài viết, trong đó nói “lướt Facebook và dùng Google là thói quen hàng ngày của hàng triệu người dân Việt Nam”. Do đó, các đồn đoán rằng luật mới sẽ cấm Facebook, Google và ‘khóa miệng’ người dùng khiến nhiều người thấy khó hiểu.
Báo này viết rằng luật không kiểm soát thông tin của tất cả mọi người. Luật chỉ cần thông tin cá nhân của những người có hành vi vi phạm, bài báo viết, tuy không nêu rõ các hành vi vi phạm là gì.
Báo Quân đội Nhân dân cũng nói “các cáo buộc nói luật này khắc nghiệt thì đơn giản đó là lời vu khống”.
Điều gì sẽ xảy ra?
Bộ trưởng Thông tin Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu các công ty nội địa phát triển “các mạng xã hội riêng” để cạnh tranh với nước ngoài như Facebook.
“Bộ đặt mục tiêu là tới năm 2020, số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội của Viêt Nam sẽ chiếm 50% tổng số người đăng ký sử dụng các mạng xã hội,” tuyên bố trên trang web của Bộ này nói cách đây vài tháng.
Bộ cũng nêu tên ba công ty trong nước lớn là Zalo, VCCorp và Mocha, đảm nhận nhiệm vụ này.
Zalo, hiện có trên 100 triệu người dùng, là dịch vụ nhắn tin hàng đầu ở Việt Nam.
Các mạng xã hội Mocha và VCCorp được cho là đang đối diện với sự cạnh tranh quyết liệt từ các hãng khổng lồ trên toàn cầu như YouTube, Facebook và Google.
Trong lúc đó, các tường thuật địa phương chỉ ra rằng Luật An ninh mạng là luật mới và do đó, các hậu quả xảy ra nếu có vi phạm hiện vẫn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên, nhìn vào vụ việc mới nhất xảy ra với Facebook thì chính phủ có thể sẽ sớm ra các hình phạt cụ thể đối với các trường hợp vi phạm, các tường thuật nói.
Bất kỳ bước đi nào cũng sẽ có ảnh hưởng to lớn tới các mạng xã hội và các hình thức hoạt động khác trên internet, gồm cả những dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook và Google.
BBC Monitoring là cơ quan trực thuộc tập đoàn BBC ở Anh Quốc, có nhiệm vụ theo dõi, đánh giá các hoạt động phát thanh, phát hình và truyền thông mạng toàn cầu.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46876898

Đài Loan bắt giữ 12 phụ nữ Việt nghi ngờ bán dâm

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Đài Loan (NIA) hôm 15/1 cho hãng tin CNA biết có 12 phụ nữ Việt Nam đã bị bắt giữ gần đây ở Tainan với nghi ngờ có hoạt động mại dâm. Phần lớn những người này đều vào Đài Loan hoặc không có visa hoặc theo visa du lịch.
CAN trích lời một giới chức của NIA cho biết dựa theo tin báo, cảnh sát nước này đã tìm thấy những phụ nữ làm việc tại một số phòng massage ở thành phố Đài Nam. Dịch vụ massage và mại dâm của những phụ nữ Việt Nam được quảng cáo trên mạng xã hội, tin nhắn.
Theo NIA, một phụ nữ Việt có họ Nguyễn, 45 tuổi và có chồng là người Đài Loan, đã dứng ra cùng những người bạn của mình tuyển dụng các phụ nữ Việt Nam vào làm ở các cơ sở massage.
Đại diện NIA cho biết trong số 12 người bị bắt, 9 người bị bắt tại 3 cơ sở massage, hai người nữa bị bắt khi đến sân bay. Ngoài ra cảnh sát còn thu giữ được 580.000 Đài tệ (tương đương 18.820 đô la) tiền mặt. 11 người phụ nữ bị bắt sẽ bị trục xuất về nước sau khi bị xét hỏi, còn cô Nguyễn sẽ phải chịu hình phạt liên quan đến tội mua bán dâm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/12-vietnamese-women-arrested-for-alleged-prostitution-nia-01152019094123.html

Việt Nam điều tra bán phá giá

nhôm nhập từ Trung Quốc

Bộ Công thương Việt Nam mới tiến hành việc điều tra vụ bán phá giá một số sản phẩm bằng nhôm nhập từ Trung Quốc, theo báo chí trong nước.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước phản ánh rằng việc nhập khẩu “tràn lan” nhôm từ Trung Quốc đã “khiến lợi nhuận giảm, hàng sản xuất ra bị ép giá và tồn kho tăng”, VnExpress đưa tin hôm 14/1.
Báo điện tử này cho hay thêm rằng năm ngoái, nhôm giá rẻ từ nước láng giềng tràn vào Việt Nam đã khiến hải quan trong nước phải ra văn bản yêu cầu “siết” mặt hàng này cũng như điều tra dấu hiệu trốn thuế và gian lận thương mại.
Tin cho biết, việc xác định thiệt hại được tính từ tháng Một năm 2015 tới tháng Một năm 2018.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin thêm rằng bốn công ty sản xuất nhôm ở Việt Nam đã đề nghị biên độ điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa bị điều tra của Trung Quốc ở mức 35,58%.
XEM THÊM:
Việt Nam hy vọng hưởng ‘miễn trừ’ vụ thép ‘gốc Trung Quốc’
Đây được coi là vụ điều tra chống bán phá giá đầu tiên trong năm 2019 do Việt Nam khởi xướng.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, phía các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc cũng như chính quyền Bắc Kinh chưa bình luận về bước đi của Việt Nam.
Reuters đưa tin, đầu năm ngoái, các nhà sản xuất nhôm Mỹ đã cáo buộc một số công ty của quốc gia đông dân nhất thế giới tìm cách tránh né thuế chống bán phá giá và chống bảo hộ bằng cách “tuồn” các mặt hàng nhôm qua ngả Việt Nam trước khi xuất sang Hoa Kỳ.
Hãng tin Anh nói rằng động thái trên xuất hiện trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Donald Trump cân nhắc các biện pháp giới hạn nhập khẩu nhôm vì lý do an ninh quốc gia.
Các chuyên gia kinh tế từng nhận định với VOA tiếng Việt rằng Trung Quốc có thể dùng Việt Nam là nơi để đưa hàng qua Mỹ nhằm tránh thuế xuất cao trong khi hai bên áp thuế đối với nhiều mặt hàng của nhau.
https://www.voatiengviet.com/a/việt-nam-điều-tra-bán-phá-giá-nhôm-nhập-từ-trung-quốc/4743270.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.