Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 15/01/2019

Tuesday, January 15, 2019 3:36:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 15/01/2019

Chiến lược nghiên cứu, phát triển

và triển khai radar ở Biển Đông của TQ

Việc Trung Quốc đẩy mạnh nghiên cứu, chế tạo và triển khai radar ở Biển Đông nhằm phục vụ ý đồ kiểm soát toàn bộ khu vực, từng bước thực hiện âm mưu thôn tín Biển Đông. Hành động trên của Trung Quốc không chỉ đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực mà còn đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhiều nước láng giềng, khiến những nước này thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản, Australia, và những nước khác.
Trung Quốc đã triển khai phi pháp nhiều loại hình radar ở Biển Đông
Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) cho biết Trung Quốc đã xây hơn 40 cơ sở radar trên 7 thực thể nước này chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Trong đó, những cơ sở radar trên 3 thực thể lớn Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn có khả năng hoạt động tầm xa. Theo IISS, những cơ sở radar phi pháp sẽ góp phần nâng cao khả năng liên kết giữa các thực thể bị Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông, có thể kết nối với chiến khu Nam bộ và Trung tâm tác chiến liên hợp của Quân ủy Trung ương. IISS còn đánh giá những cơ sở đó giúp tăng cường khả năng chỉ huy, kiểm soát các hoạt động của hải quân, hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc. Ngoài ra, thông qua mạng lưới radar nói trên, Trung Quốc cũng có thể tăng khả năng tình báo, giám sát và do thám ở Biển Đông. Trong khi đó, Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho biết, nhiều trạm radar đã mọc lên ở Châu Viên, Chữ Thập, Ga Ven, Tư Nghĩa, Vành Khăn, Gạc Ma và Xu Bi. Đặc biệt, hệ thống ở Châu Viên được cho là radar tần số cao, với tầm hoạt động lên tới 300 km. “Nếu đúng là radar tần số cao, nó sẽ tăng cường đáng kể khả năng của Trung Quốc theo dõi tàu và máy bay ở Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi thích hợp cho việc lắp đặt loại radar này vì nằm ở cực nam của Trường Sa. Có nghĩa đó là nơi tốt nhất nếu bạn muốn radar cảnh báo sớm theo dõi mọi tàu bè và phi cơ đến từ eo biển Malacca và những khu vực khác nằm ở phía Nam, chẳng hạn như Singapore.
Trong khi đó, báo Bưu điện Hoa nam buổi sáng (6/2018) cho biết, Trung Quốc đã sẵn sàng xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, có phạm vi hoạt động đến tận Singapore, cách đó 2.000km. Đây sẽ là hệ thống radar mạnh nhất ở Biển Đông. Dù có được sử dụng để tạo ra các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hay không thì nó vẫn sẽ có nhiều ứng dụng trong quân sự, như nâng cao năng lực tác chiến tàu ngầm của Trung Quốc và làm gián đoạn mạng lưới thông tin liên lạc của các quốc gia khác bằng cách tạo ra một “hố đen” trong bầu khí quyển. Trạm radar của Trung Quốc hoạt động theo cơ chế phát ra các xung năng lượng điện từ cực mạnh để khuấy động tầng điện ly. Bằng cách phân tích sóng radio dội ngược lại, các nhà nghiên cứu có thể đo chính xác sự nhiễu động ở tầng điện ly gây ra bởi các tác động vũ trụ, như tia mặt trời. Hệ thống radar của Trung Quốc ở Tam Á sẽ là hệ thống tương tự đầu tiên như vậy xuất hiện ở Biển Đông. Một nhà nghiên cứu tại cơ sở của dự án Hải Nam cho biết: “Việc tiến hành kế hoạch đã được chính phủ trung ương thông qua. Công trình sẽ được khởi công trước cuối năm nay”. Trong khi đó, một chuyên gia radar cấp cao tại Đại học Xidian (từng làm việc cho Viện Kỹ thuật viễn thông thuộc Quân Giải phóng nhân nhân Trung Quốc), xác nhận rằng dự án Hải Nam sẽ hoạt động theo 2 bộ phận riêng biệt, một cho nghiên cứu dân sự và một cho quân sự. Trước đó, theo một số báo cáo của các nhà khoa học Trung Quốc, có một thiết bị tương tự đã được Trung Quốc triển khai tại Khúc Tĩnh, tỉnh Vân Nam từ năm 2012. Nó được sử dụng để nghiên cứu tầng điện ly và giám sát, phát hiện các mục tiêu cực nhỏ như vệ tinh nano và mảnh vỡ từ các thiết bị không gian dùng trong cả hai lĩnh vực quân sự, dân sự. Ông Zhao Biqiang, nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa lý và Vật lý địa cầu tại Bắc Kinh cho biết, chi tiết về hệ thống radar mới có lẽ phải 2-3 năm sau mới được công bố. Chương trình Tam Á chính thức được phát động vào năm 2015, với nguồn vốn ban đầu gần 15,7 triệu USD, do chính phủ trung ương cung cấp. “Mục đích chính của chương trình là nghiên cứu tầng điện ly trên Biển Đông. Hiện nay chưa có thiết bị nào như vậy trong khu vực. Dữ liệu thu được từ radar sẽ bổ sung cho những lỗ hổng trong kiến thức của chúng tôi”. Hiện có nhiều cơ sở tương tự đang được xây dựng ở đại lục với công suất lớn hơn nhiều so với cái chúng tôi đang tiến hành.
Được biết, công nghệ radar mới do Học viện Khoa học Trung Quốc, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc và Đại học Nam Xương hợp tác phát triển. Cả 3 đơn vị này đều có mối liên hệ chặt chẽ đến quân đội Trung Quốc. Họ đã cho ra đời một nguyên mẫu với kích cỡ nhỏ hơn, và nó đã bắt đầu thu thập dữ liệu trong vài năm qua. Ngoài ra, dẫn dắt dự án là Giáo sư Wan Weixing –
nhà nghiên cứu từng giành giải thưởng trong nhiều dự án quốc phòng liên quan đến tầng điện ly. Theo SCMP, trong những năm qua, quân đội Trung Quốc đã đầu tư vào một lượng lớn công trình nghiên cứu các loại vũ khí tầng điện ly. Trong đó có một thiết bị hàng không có thể giải phóng lượng lớn hóa chất vào khí quyển tầng cao để tạo ra “hố đen” liên lạc phía trên các lực lượng đối phương. Trong trường hợp này, hóa chất sẽ can thiệp vào tầng điện ly, khiến sóng radio bị chặn. Chúng cũng có thể được thiết kế để cho phép một số tín hiệu nhất định, như loại sóng tần số cực thấp do vệ tinh phát ra, lọt qua tầng điện ly và truyền xuống tàu ngầm. Tam Á là căn cứ hải quân chủ lực của Trung Quốc và tại đây Bắc Kinh đã bố trí một hạm đội tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn lo ngại rằng nguồn cung ứng năng lượng của đảo Hải Nam có thể sẽ không đủ cho hệ thống radar mới, do nơi đây thiếu các nhà máy phát điện lớn.
Gần đây, các nhà khoa học Trung Quốc cũng đã nâng cấp công nghệ radar của nước này và phát triển hệ thống dành cho hạm đội tàu sân bay nhằm duy trì việc giám sát liên tục các vùng biển. SCMP dẫn nhận định của các nhà khoa học chủ trì chương trình radar “Vượt đường chân trời” (OTH) cho biết, hệ thống radar nâng cấp trang bị cho hạm đội tàu sân bay Trung Quốc sẽ cho phép hải quân nước này phát hiện các mối đe dọa từ tàu, máy bay và tên lửa của đối phương sớm hơn nhiều so với công nghệ hiện thời. Radar OTH đặt trên mặt đất được Mỹ và Liên Xô phát triển đầu tiên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hệ thống này cho phép hai nước giám sát vùng lãnh thổ rộng tới hàng nghìn km bằng cách phát sóng radar vào tầng điện ly khí quyển và quay ngược trở lại mặt đất. Tuy nhiên nhiều cơ sở lắp đặt radar OTH trên mặt đất sau đó đã phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động do nguy cơ dễ bị tấn công. Radar OTH tiêu thụ lượng điện khổng lồ và phải được xây dựng trên địa hình bằng phẳng và thoáng đãng. Do nằm cố định nên hệ thống radar OTH rất dễ bị tấn công. Điều này khiến nhiều nhà hoạch định quân sự chuyển hướng quan tâm sang các hệ thống kiểm soát và cảnh báo sớm trên không. Một số chuyên gia Trung Quốc cho biết hệ thống radar OTH mới sẽ được trang bị trên tàu. Nguồn tin giấu tên này mạnh miệng tuyên bố hệ thống radar nổi “sẽ tăng cường năng lực thu thập thông tin của hải quân Trung Quốc tại những vùng biển quan trọng” như Biển Đông, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc không phải quốc gia duy nhất phát triển công nghệ radar này. Raytheon, nhà thầu quốc phòng hàng đầu của Mỹ, đã được cấp bằng sáng chế hồi năm 2016 cho việc phát triển hệ thống radar tương tự. Hệ thống radar của Raytheon bao gồm một tàu phát sóng và một số tàu tiếp sóng với ăng ten gắn trên boong tàu. Sóng radar được phát trực tiếp lên khí quyển bởi thiết bị phát sóng trước khi được các tàu tiếp sóng thu nhận, sau đó chuyển tín hiệu cho các tàu sân bay thông qua vệ tinh hoặc chuyển tiếp trên không. Việc triển khai công nghệ radar trên biển đòi hỏi các nhà khoa học phải khắc phục nhiều thách thức, bao gồm điều chỉnh tần số radar, khử cực và định hướng để đảm bảo phù hợp khoảng cách của mục tiêu và các điều kiện của tầng điện ly. Theo Raytheon, hệ thống radar OTH trên biển có tầm giám sát lên tới hơn 1.000 km và có thể bao phủ khu vực rộng hơn 3,4 triệu km2, tương đương diện tích của Ấn Độ. So sánh giữa các hệ thống radar cho thấy, radar của một tàu khu trục hải quân Mỹ có tầm hoạt động khoảng 300 km, trong khi radar của máy bay Boeing E-3 Sentry khoảng 600 km.
Âm mưu của Trung Quốc khi lắp đặt radar trên Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, người từng nhiều năm nghiên cứu về Biển Đông, cho rằng Trung Quốc sẽ có nhiều lợi ích khi lắp đặt hệ thống radar dày đặc trên các đá và rạn san hô mà quốc gia này chiếm đóng và bồi lấp phi pháp trên Biển Đông. Theo ông Carl Thayer, radar, thiết bị nghe lén điện tử và hệ thống thông tin liên lạc sẽ giúp Trung Quốc tăng cường khả năng tình báo, giám sát và trinh sát trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới. Ông cho rằng hệ thống này còn giúp Bắc Kinh vận hành phi cơ giám sát, máy bay cảnh báo sớm trên không, máy bay không người lái, phi cơ vận tải, máy bay tiếp dầu, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ. Biển Đông có thể bị Bắc Kinh giám sát 24/7. Khi hệ thống này hoàn thiện, Trung Quốc có thể tạo ra Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ Biển Đông. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống các thiết bị mà Trung Quốc lắp đặt trên các đảo nhân tạo phi pháp có thể tạo ra mạng lưới giám sát rộng lớn. Nó ra đời nhằm phục vụ tham vọng bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Các hệ thống này cũng đang phát huy vai trò của nó, Giáo sư Thayer nói.
Gregory Poling, người đứng đầu Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết, Trung Quốc đã gần hoàn tất việc xây dựng trên đá Châu Viên. Sự việc bị phanh phui không lâu sau khi thế giới phát hiện Bắc Kinh đưa HQ-9 tới đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việc triển khai tên lửa HQ-9 ở đảo Phú Lâm không thực sự đáng chú ý vì nó chưa làm thay đổi cán quân quân sự trên Biển Đông. Ngược lại, việc đưa radar tới Trường Sa có thể tạo ra những thay đổi đáng kể trong thực trạng trên tuyến
hàng hải huyết mạch bậc nhất thế giới này. Washington lo ngại mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là biến tuyến hàng hải huyết mạch này trở thành ao nhà của Bắc Kinh. Với hệ thống đường băng dài được xây dựng phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang cố gắng gia răng khả năng phòng không trên các thực thể mà họ chiếm đóng phi pháp. Nó nằm trong chiến lược chống tiếp cận dài hạn của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Ông Gregory Poling cũng cho rằng mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh là khiến các quốc gia tuyên bố chủ quyền chồng lấn khác ở Đông Nam Á không thể hoạt động trong hoặc xung quanh quần đảo Trường Sa mà không được sự chấp nhận của Trung Quốc.
Ian Storey, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cũng cho rằng: “Hầu hết mọi người nhận ra sự hiện diện của các thiết bị Trung Quốc ở Biển Đông chỉ phục vụ mục đích chiến lược của Trung Quốc. Nó nhằm mục đích quân sự chứ không phải dân sự. Đó là lý do tại sao người Trung Quốc đầu tư tiền của, công sức để xây dựng chúng”. Trong khi đó, CSIS nhận định cải thiện vùng phủ sóng radar cùng với hệ thống phòng không tiên tiến là phần quan trọng để Trung Quốc đạt được mục đích. Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu thiết lập quyền kiểm soát khắp vùng biển và vùng trời trong phạm vi “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Mức độ nguy hiểm của radar Trung Quốc
Theo NYTimes, hệ thống radar như vậy có thể được sử dụng để phát hiện các hoạt động tàu thuyền qua lại và đo dòng chảy đại dương, đồng thời có khả năng theo dõi máy bay. Trung Quốc cũng lắp đặt một số radar khác trên đá Ga Ven, đá Tư Nghĩa và đá Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hệ thống radar này là một mảnh ghép quan trọng trong tính toán của Trung Quốc – cùng với hệ thống phòng không tiên tiến và phạm vi hoạt động gia tăng của máy bay – để Bắc Kinh hướng tới mục tiêu là thiết lập quyền kiểm soát trên vùng biển và vùng trời theo yêu sách “đường 9 đoạn”.
Theo USNI, Bryan Clark, chuyên gia phân tích hàng hải tại Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách (CSBA), cho rằng radar tần số cao trên đá Châu Viên có thể dùng để phát hiện máy bay tàng hình. Những radar tương tự của Mỹ có thể phát hiện các mục tiêu ở phạm vi vượt đường chân trời – khoảng 120 – 320 km. Tuy nhiên, phiên bản của Trung Quốc và Nga còn có thể phát hiện sự hiện diện của máy bay quan sát tầm thấp. Radar tần số cao trên đá Châu Viên có thể truyền tín hiệu trở lại Trung Quốc để cung cấp thông tin cho các hệ thống radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình tốt hơn quét lại, rồi sau đó chuyển những dữ liệu này về hệ thống tên lửa phòng không. Radar cũng có thể cung cấp thông tin cho các chiến đấu cơ của Trung Quốc biết nơi đánh chặn đối thủ.
Dự đoán về cách phản ứng của quốc tế trước việc Trung Quốc bố trí radar, ông Poling cho rằng động thái này sẽ tiếp tục thổi bùng căng thẳng với các quốc gia trong khu vực và cường quốc bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản và Australia. Nó sẽ càng làm củng cố cách nhìn ở Đông Nam Á và bên ngoài rằng Trung Quốc không có ý định thay đổi và tìm kiếm giải pháp công bằng với các nước láng giềng. Động thái của Trung Quốc sẽ khiến các nước láng giềng gia tăng củng cố tiềm lực quân sự và thắt chặt quan hệ an ninh với Mỹ, Nhật Bản, Australia, và những nước khác. Các nước liên quan sẽ khuyến khích và thúc đẩy các hoạt động thách thức yêu sách của Trung Quốc, chẳng hạn như hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và hoạt động tuần tra của Australia.
Trung Quốc đang nghiên cứu, chế tạo radar khủng
Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) khẳng định thế hệ radar lượng tử mới do đơn vị này sản xuất sẽ có khả năng phát hiện được tên lửa đạn đạo cùng nhiều vật thể bay tốc độ cao khác ở trên vũ trụ.Từ cách đây 2 năm, CETC cho biết các nhà khoa học của tập đoàn này đã thử nghiệm radar lượng tử có tầm hoạt động 100 km, phát hiện được chiến đấu cơ tàng hình ở khoảng cách xa. Trong một triển lãm công nghiệp tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, CETC tuyên bố công nghệ mới nhất còn có thể khiến radar lượng tử của tập đoàn này thêm phần “nhạy thính”. Theo đó, loại radar này có thể “theo dõi hiệu quả vật thể bay tốc độ cao trên thượng tầng khí quyển và hơn nữa”. Nhà nghiên cứu Xia Linghao làm việc tại CETC chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn cầu rằng công việc lý thuyết đã được hoàn thành và tập đoàn này đang bắt tay vào thử nghiệm loại radar lượng tử mới này. Theo nhà bình luận quân sự Song Zhongping tại Hong Kong (Trung Quốc) cho biết “vật thể bay tốc độ cao” mà CETC nhắc đến ở đây có thể bao gồm tên lửa đạn đạo, vệ tinh ở tầm thấp… Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết radar lượng tử vận hành nhờ công nghệ đo photon đơn, dựa trên trạng thái lượng tử của hạt hạ nguyên tử. Do vậy, radar lượng tử vô cùng hữu dụng trong phát hiện những vật thể khó “nắm bắt” như chiến đấu cơ tàng hình. Radar lượng tử thường sản sinh ra các cặp photon. Một photon trong cặp sẽ truyền đi vào không khí trong khi photon còn lại “bám trụ” ở trạm radar. Nếu định vị được mục tiêu, photon ra đi sẽ quay trở lại và được nhận diện bởi photon “song sinh” ở trạm radar. Từ đây, các nhà nghiên cứu sẽ đo đạc photon quay trở về để rút ra kết luận về tốc độ, kích thước, góc tấn công của mục tiêu. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang đầu tư phát triển hệ thống radar lượng tử nhưng được cho là đang nắm trong tay công nghệ tối tân nhất về thiết bị này. Trung Quốc luôn coi các chiến đấu cơ tàng hình của Mỹ là mối đe dọa do vậy cần phải có phương thức phòng thủ. Một nhà nghiên cứu radar quân sự tại một trường đại học ở tây bắc Trung Quốc cho biết phạm vi thực tế của radar mới do CETC phát triển có thể xa hơn nhiều so với tuyên bố. Các nhà khoa học cho biết họ đã bị sốc vì ý tưởng radar lượng tử gần đây vẫn là lĩnh vực gần như thuộc khoa học viễn tưởng. Các nhà khoa học nói rằng một radar lượng tử tạo ra số lượng lớn các cặp photon. Khi được bắn vào không khí, chúng sẽ có khả năng tiếp nhận nhiều thông tin quan trọng về mục tiêu như hình dạng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ, thậm chí cả thành phần hóa học của sơn từ photon phản xạ trở lại.
Trung Quốc đang xây dựng một hệ thống radar cực mạnh ở Biển Đông. Theo giới phân tích, nó có thể vô hiệu hóa các hệ thống liên lạc, can thiệp thời tiết và thậm chí gây thiên tai. Mục đích của chương trình là nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của vệ tinh và liên lạc tàu ngầm. Tuy nhiên, việc xây dựng một cỗ máy như vậy đặt ra nhiều thách thức về mặt kỹ thuật và nguồn năng lượng khổng lồ mà nó tiêu thụ khiến chi phí tăng vọt. Cho đến nay, mới có 10 hệ thống radar sử dụng công nghệ này được chế tạo, chủ yếu bởi Mỹ, Liên Xô và Liên minh châu Âu. Chúng được đặt tại các khu vực ven biển chiến lược như Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Bắc Cực. Các thiết bị lớn nhất có thể bắn ra sóng năng lượng tần số cực thấp trên một diện tích rất lớn. Do chúng có khả năng xuyên qua nước, vỏ Trái đất và hộp sọ của người nên một số nhà quan sát lo sợ rằng công nghệ này có thể bị lợi dụng để kích hoạt các trận bão, động đất và thậm chí điều khiển não bộ. Năm 2015, Alan Robock, một nhà khoa học thời tiết tại Đại học Rutgers, New Jersey từng cảnh báo rằng chính phủ nhiều nước có thể sử dụng thứ công nghệ mới như một “siêu vũ khí”, hiện người ta vẫn chưa tìm ra những giới hạn của nó. Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học chính thống đã bác bỏ mối lo ngại của Robock và cho biết, đến nay, công nghệ này mới chỉ được sử dụng để nghiên cứu thời tiết trong vũ trụ và hỗ trợ một số chiến dịch quân sự nhất định. Họ còn chỉ ra rằng, dù mạnh đến đâu thì những cỗ máy này hiện nay cũng không có đủ năng lượng để can thiệp vào thời tiết ở quy mô lớn tới mức có thể gây ra các thảm họa thiên nhiên.
Ngoài việc nghiên cứu, chế tạo radar, Trung Quốc cũng tích cực đầu tư, mua sắm của nước ngoài. Chính quyền Anh hiện đã cấp giấy phép cho một hãng quốc phòng bán không hạn chế các linh kiện và thiết bị radar quân sự cho Trung Quốc. Một tập đoàn quốc phòng Anh mới đây đã được London bật đèn xanh để cung các khí tài quân sự cho quân đội Trung Quốc, bao gồm cả các tổ hợp radar hàng không có thể được sử dụng cho lực lượng không quân. Theo Bộ Thương mại Quốc tế Anh, tập đoàn giấu tên này đã nhận được giấy phép xuất khẩu không giới hạn (OIEL) cho hợp đồng từ tháng 4/2018. Không giống như những thương vụ cung cấp vũ khí bị giới hạn về số lượng và giá trị hợp đồng trước đó, thỏa thuận lần này cho phép hãng quốc phòng Anh có thể cung cấp lượng hàng hóa không hạn chế cho Trung Quốc. Những mặt hàng này bao gồm thiết bị, linh kiện, phần mềm và công nghệ cho các hệ thống radar quân sự.
Biện pháp đối phó của các nước đối với hệ thống radar của Trung Quốc trên Biển Đông
Bộ Quốc phòng Mỹ đang phát triển hệ thống chiến tranh điện tử thế hệ mới dựa trên trí thông minh nhân tạo (AI), hứa hẹn sẽ hủy diệt radar cao tần của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo National Interest, các dự án nghiên cứu nâng cao của cơ quan quốc phòng thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đang thử nghiệm hệ thống chiến tranh điện tử dựa trên trí thông minh nhân tạo. Nếu thành công, hệ thống điều khiển AI mới sẽ cung cấp cho quân đội Mỹ cách thức để tiêu diệt tận gốc hệ thống radar tân tiến của Nga và Trung Quốc. Giám đốc DARPA, tiến sĩ Arati Prabhakar cho biết: “Chúng tôi đang sử dụng trí thông minh nhân tạo để tìm hiểu trong quãng thời gian thực radar của đối thủ đang làm gì và sau đó, trên những máy bay không người lái sẽ tạo ra một hồ sơ cá nhân gây nhiễu mới. Đó là toàn bộ quá trình cảm biến, học tập và thích nghi được diễn ra liên tục”. Hiện tại thế hệ máy bay tàng hình Lockheed Martin, F-22 và F-35 có một hàng dữ liệu lập trình trước các tín hiệu radar của đối phương và hồ sơ gây nhiễu đã được lưu trữ trong thư viện các mối đe doạ.
Tuy nhiên, nếu những máy bay chiến đấu gặp một tín hiệu mà trước đây vẫn chưa gặp phải, hệ thống đăng ký các mối đe dọa chưa có, điều đó có nghĩa là máy bay sẽ dễ dàng bị tiêu diệt. The National Interest cho rằng, radar cao tần Trung Quốc có thể theo dõi các máy bay tàng hình của Mỹ, nhưng ngược lại Mỹ hoàn toàn có thể phá giải. Trong thời chiến, Mỹ hoàn toàn có thể hủy diệt trước các radar này, giống như Mỹ sử dụng máy bay trực thăng vũ trang Apache phá hủy radar tần số thấp của Quân đội Iraq trong chiến dịch “bão táp sa mạc” trước đây. Trong thời bình, Bộ
Quốc phòng Mỹ thường triển khai một máy bay tình báo tín hiệu giống như máy bay trinh sát RC-135V/W để thu thập dữ liệu trên một dạng sóng mới. Dữ liệu đó sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích do đó một hồ sơ gây nhiễu mới có thể được tạo ra. Những hồ sơ gây nhiễu mới sau đó được kết hợp vào một chiến đấu cơ như F-22, F-35, F/A-18 hay bất kỳ loại máy bay tiêm kích nào khác đang hoạt động. Theo ông Pabhakar hiện nay các máy bay chiến đấu của Mỹ chỉ có vài khả năng để phân tích dạng sóng đối phương trong thời gian thực là Northrop Grumman EA-6B Prowler – loại vẫn còn phục vụ trong thủy quân lục chiến và Boeing EA-18G Growler của hải quân. Nếu hệ thống chiến tranh điện tử mới AI được đưa vào hoạt động, nó sẽ tiết kiệm cho Bộ Quốc phòng Mỹ về thời gian, tiền bạc. Thậm chí nó còn có khả năng cứu mạng phi công nếu họ gặp phải một hệ thống tên lửa đất đối không mới của đối phương hoặc radar tần cao như loại mà Trung Quốc đã lắp đặt trên Biển Đông.
Cục Hàng hải Malaysia đang đề xuất xây dựng một trạm radar tại Biển Đông để theo dõi tình hình trên biển, cũng như giúp Kuala Lumpur tăng cường khả năng phát hiện hoạt động phạm tội nhằm vào các tàu chở hàng đi qua vùng biển này. Giám đốc Cục Hàng hải Malaysia, ông Baharin Abdul Hamid cho biết, việc xây dựng một trạm radar mới đã được thảo luận và dự kiến sẽ được đưa vào kế hoạch lần thứ 11 của Malaysia, sáng kiến trên là biện pháp nhằm nâng cao khả năng bảo vệ an ninh tại Biển Đông. Dù không nêu cụ thể địa điểm đặt trạm radar mà Malaysia đang hướng đến, song ông Baharin cho biết trạm radar sẽ giúp sớm phát hiện các tàu tình nghi trong vùng biển của nước này và thông báo sớm tới các cơ quan chức năng để có những biện pháp kịp thời.
Việt Nam triển khai radar chống tàng hình VHF mới của Nga. Radar mới đã áp dụng công nghệ phần mềm máy tính COTS tiên tiến và công nghệ radar trạng thái cố định mới nhất. Ít nhất có 2 chiếc được thiết kế mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), có năng lực thay đổi phương hướng chùm sóng nhạy cảm (agile beam-steeringcapabilities), không thua gì radar Aegis SPY-1 Begis của Hải quân Mỹ, đồng thời đã áp dụng máy phát-máy thu trạng thái cố định kiểu mini trong mỗi thiết bị anten thu. Công nghệ kiểm soát sóng tạp tiên tiến, chẳng hạn công nghệ xử lý tín hiệu tự thích ứng không-thời gian trên máy bay cảnh báo sớm E-2D/D của Hải quân Mỹ, chính là một chức năng đã biết trên ít nhất 2 thiết kế VHF của Nga hiện nay. Trước đó, cũng có thông tin cho rằng Việt Nam sẽ mua lô lớn radar phòng không VOSTOK-E của Belarus, đồng thời có thể triển khai ở Biển Đông. Radar VOSTOK-E do xe tải 6X6 vận chuyển cơ động, sau khi đến trận địa sử dụng 3 xe radar VOSTOK-E làm 3 góc hoặc nhiều góc độ để bố trí. Trong tình hình không bị gây nhiễu điện tử, khoảng cách dò tìm tối đa đối với máy bay chiến đấu Su-27 không tàng hình là 360 km, khoảng cách dò tìm đối với máy bay chiến đấu tàng hình F-117 và máy bay ném bom tàng hình B-2 là 350 km. Cho dù bị gây nhiễu điện tử tương đối mạnh bởi máy bay tác chiến điện tử, nó cũng có thể phát hiện máy bay chiến đấu không tàng hình F/A-18 trong cự ly 255 km hoặc phát hiện máy bay chiến đấu tàng hình giống kiểu F-22 trong cự ly ngắn nhất là 57 km, sau đó sẽ do tên lửa phòng không S-300 làm nhiệm vụ bắn rơi chúng.
Đài Loan cũng đang triển khai phi pháp hệ thống radar AN/TPS-117 trên đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu phân tích an ninh Đài Hải của Đài Loan Mai Phục Hưng cho biết, đây là loại radar phòng không ba chiều tầm xa tương đối hiện đại do hãng Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Hiện nay, không rõ loại radar này có thích hợp với môi trường có độ nóng, độ ẩm và độ muối cao như trên đảo Ba Bình hay không, nhưng nếu phía Mỹ đứng đằng sau tham gia và đồng ý cho Đài Loan sử dụng loại radar đó ở đây thì hai bên đã tiến hành các đánh giá liên quan cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật. Theo ông Mai Phục Hưng, việc bố trí nó trên đảo Ba Bình chủ yếu là nhằm theo dõi các hoạt động của Trung Quốc Đại lục trong khu vực cũng như các động hướng của các nước tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, thậm chí còn bao gồm cả các hoạt động trên không của quân đội Mỹ ở Biển Đông, rất có giá trị đối với việc nắm bắt tình hình tại khu vực Trường Sa. Bên cạnh đó, việc bố trí radar AN/TPS-117 tuy không thể giúp Đài Loan phản công lại Trung Quốc Đại lục, cũng không thể răn đe ngăn Trung Quốc Đại lục tấn công, nhưng đó là động thái nhỏ, có ý nghĩa chiến lược, chí ít bắn đi tín hiệu “tôi không bó tay chờ chết”. Do công suất khi hoạt động của radar AN/TPS-117 lên tới 4.5kW, cho nên, cần phải có nguồn điện lớn cung cấp. Trước đây, năng lượng Mặt trời chỉ chiếm 16% tổng lượng điện, nhưng sau khi có lệnh, Cơ quan Tuần tra bờ biển Đài Loan đã yêu cầu lắp đặt thêm nhiều tấm pin Mặt trời, nâng tỷ lệ cung cấp điện bằng năng lượng Mặt trời lên 40%, đảm bảo đủ điện năng để cung cấp cho radar AN/TPS-117 hoạt động.

Chủ trương, chính sách và cách thức

Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông

Chính sách của Mỹ đối với Biển Đông là một thành tố quan trọng trong tổng thể chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ, nhằm đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế và răn đe Trung Quốc trong vấn đề sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển đảo, duy trì niềm tin đối với các nước đồng minh chiến lược của Mỹ ở khu vực.
Lợi ích của Mỹ ở Biển Đông
Biển Đông có vai trò quan trọng đối với Mỹ trên phương diện quân sự và kinh tế, hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Biển Đông đều dựa vào tuyến đường hàng hải để di chuyển  các lực lượng hải quân và hàng hoá thương mại. Điều này thể hiện rõ nét ở ưu tiên của nước Mỹ trong duy trì tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông. Nhìn tổng thể, Mỹ có ba lợi ích quốc gia quan trọng ở Biển Đông:
Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông xuất phát từ chiến lược quyền lực biển truyền thống của nước này. Biển Đông không chỉ là tuyến hàng hải quan trọng, mà còn chốt giữ các eo biển quan trọng như Malacca. Trong 16 tuyến đường thủy chiến lược toàn cầu mà Mỹ công khai tuyên bố phải kiểm soát, thì đã có 03 tuyến nằm ở khu vực Biển Đông, đó là eo biển Lombok, eo biển Sunda và eo biển Malacca. Từ năm 1992 lực lượng hải quân của Mỹ đã bắt đầu thực thi chiến lược biển toàn cầu, phân chia các tuyến hàng hải quan trọng trên toàn cầu thành 08 nhóm eo biển mang tính liên khu vực nối liền nhau đồng thời chi viện lẫn nhau. Trong đó có nhóm eo biển khu vực Đông Nam Á bao gồm eo biển Bashi, eo biển Makassar, eo biển Sunda, eo biển Malacca, những eo biển này đều nằm ở Biển Đông và vùng biển cạnh Biển Đông.
Ở góc độ chiến lược quân sự, nước nào kiểm soát được Biển Đông thì nước đó về cơ bản sẽ kiểm soát được quần đảo và bán đảo Đông Nam Á, đồng thời sẽ đóng vai trò mang tính quyết định đối với tương lai của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả việc kiểm soát tuyền đường hàng hải chiến lược giữa Đông Á và mỏ dầu Trung Đông. Hơn nữa, tầm quan trọng chiến lược của Biển Đông ngày càng gia tăng, cùng khoảng 50% lượng hàng hóa của thế giới đi qua Biển Đông, là con đường yết hầu của tuyến đường vận chuyển trên biển của thế giới. Mỹ là nước thương mại lớn nhất trên thế giới, có trên 90% hoạt động thương mại cần phải vận chuyển trên biển, trong đó có 45% hoạt động thương mại trên biển phải đi qua Biển Đông. Do vị trí chiến lược của vùng biển này, Mỹ tất yếu muốn duy trì vai trò chủ đạo và ảnh hưởng của mình ở khu vực Biển Đông. Đây là vấn đề xuyên suốt từ thời Tổng thống Obama đến Tổng thống Trump.
Mỹ muốn thông qua việc can dự vào vấn đề Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy. Mỹ cho rằng, trong tương lai nước có nhiều khả năng thách thức bá quyền của Mỹ nhất trên phương diện sức mạnh biển chính là Trung Quốc. Cạnh tranh và xung đột lợi ích giữa hai nước khó có thể tránh khỏi do ảnh hưởng về quân sự, chính trị và kinh tế ngày càng tăng nhanh của Trung Quốc đang trở thành một yếu tố quyết định đối với môi trường chiến lược ở châu Á và an ninh toàn cầu. Dù bằng phương thức hợp tác, Mỹ cũng không thể hoàn toàn loại bỏ được khả năng cạnh tranh và xung đột mang tính tiêu cực với Trung Quốc. Thực tiễn cho thấy Mỹ ra sức kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy thông qua nhiều biện pháp, làm tiêu hao nguồn lực chiến lược của Trung Quốc, thu hẹp không gian phát triển của Trung Quốc, trong đó Biển Đông được ví như một sàn đấu quan trọng mà Mỹ đã nhằm tới. Những năm gần đây quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á như Philipines, Việt Nam căng thẳng do Trung Quốc đẩy mạnh yêu sách chủ quyền và hành động thay đổi nguyên trạng của Trung Quốc trên Biển Đông. Đây được Mỹ xem là cơ hội để làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sự cạnh tranh và quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực từ trước đến nay đều được xem là chất kết dính để Mỹ xây dựng mối liên hệ phòng vệ ở khu vực, tạo cho Mỹ có được lý do chính đáng trong việc tăng cường quan hệ quân sự với các nước khu vực đồng thời ngăn chặn được sự hợp tác giữa các quốc gia này với Trung Quốc. Trong vấn đề Biển Đông, Mỹ luôn coi Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong tình hình an ninh khu vực. Mỹ cho rằng, vấn đề Biển Đông khiến cho cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ đối với các đồng minh khu vực này gặp phải thách thức. Vì vậy, việc đứng về phía các nước đồng minh trong tranh chấp Biển Đông sẽ giúp duy trì uy tín của Mỹ đối với một số nước đồng minh của mình, củng cố hệ thống liên minh mà Mỹ đã xây dựng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Thông qua việc ủng hộ một số nước Đông Nam Á trong tranh chấp Biển Đông, Mỹ xây dựng vành đai bao vây chiến lược nhằm vào Trung Quốc ở ven Biển Đông giúp làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này, từ đó giành thế chủ động trong cạnh tranh địa chính trị với Trung
Quốc. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một con bài chiến lược nữa sau vấn đề Đài Loan của Mỹ trong việc kiềm chế Trung Quốc trỗi dậy, thông qua can thiệp vào vấn đề Biển Đông, Mỹ có thể giành được nhiều lá bài chiến lược hơn trong cuộc đấu trí với Trung Quốc.
Can dự vấn đề Biển Đông là con đường ngắn nhất để Mỹ khẳng định vai trò nước lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề này được thể hiện đậm nét qua những hành động cụ thể như tuần tra trên Biển Đông, tăng cường diễn tập với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện vai trò của Mỹ trong việc trở lại châu Á – Thái Bình Dương. Mặt khác Mỹ còn tăng cường bố trí lực lượng quân sự ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho đến trước năm 2020 Mỹ sẽ chuyển trọng tâm bố trí lực lượng hải quân sang châu Á – Thái Bình Dương nhằm thực hiện mục tiêu chuyển dịch trọng tâm chiến lược quốc gia sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương theo kế hoạch 60% số lượng tàu của hạm đội Thái Bình Dương và lực lượng hải quân Mỹ vào năm 2020 có mặt ở Biển Đông. Trong bối cảnh hiện nay, chính quyền Tổng thống Trump cũng đang triển khai những hành động cụ thể về tuần tra chung trên biển với một số nước Đông Nam Á như Philippines, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan.
Quan điểm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông
Trong chính sách đối với Biển Đông, Mỹ về căn bản chú trọng tới các khía cạnh ngoại giao và tiếp cận về mặt quân sự. Washington tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN và Trung Quốc. Không chỉ vậy, Mỹ còn chủ động tăng cường các hành động răn đe như thắt chặt liên minh với Philippines. Chính quyền Mỹ đã nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện quân sự tại Đông Nam Á cũng như trên Biển Đông. Để phục vụ mục tiêu này, Mỹ đã bổ sung thêm bốn tàu khu trục cỡ nhỏ cho hạm đội của mình đang đóng tại Singapore. Song song với đó, Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện quân sự luân phiên tại Philippines. Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng 2014 (EDCA) giữa Washington và Manila đã cho phép quân đội Mỹ triển khai các lực lượng đồn trú luân phiên trên lãnh thổ Phillipines. Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 10 năm này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ được quyền tiếp cận các cơ sở hạ tầng quân sự của Philippines, như căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân ở Vịnh Subic. EDCA cũng bao gồm điều khoản quy định sự hỗ trợ của Mỹ đối với kế hoạch hiện đại hóa lực lượng Không quân Philippines (AFP), với mục tiêu triển khai một lực lượng phòng thủ có đủ năng lực.
Về vai trò của Mỹ ở khu vực này, tình hình ở Biển Đông không đơn giản chỉ là vấn đề đối trọng về hải quân giữa Mỹ với nước khác, mà là sự cần thiết của Mỹ trong việc cân bằng sức mạnh của các nước trong khu vực. Điểm quan trọng nhất là Mỹ phải duy trì được mối liên hệ lịch sử với các nước ở Đông Nam Á để duy trì sự cân bằng với các cường quốc đang trỗi dậy. Vấn đề tranh chấp chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo ở Biển Đông, Mỹ tuy tuyên bố không đứng về bất kỳ bên nào và nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền tự do và an ninh hàng hải ở Biển Đông, đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phải được thông suốt. Với quan điểm như trên, Mỹ đã đưa ra sách lược về Biển Đông như sau: Thứ nhất là thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. Thứ hai là phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. Thứ ba là chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.
Cách thức Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông
Can dự vào vấn đề Biển Đông là chính sách mà chính quyền Tổng thống Obama theo đuổi và được tiếp tục dưới chính quyền Tổng thống Trump. Chính sách này gồm những thành tố sau: (i) Tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Biểu hiện sinh động nhất của vấn đề này là tăng cường bố trí quân sự ở xung quanh Biển Đông, tổ chức diễn tập quân sự hỗn hợp với các đồng minh trong khu vực, đẩy mạnh liên minh quân sự và hỗ trợ quân sự lẫn nhau, nâng cao mức độ răn đe quân sự như tổ chức diễn tập quân sự song phương cũng như đa phương quy mô lớn cạnh Biển Đông và khu vực vành đai Thái Bình Dương, tiến hành tập trận quân sự hỗn hợp vai kề vai với Philippines, tổ chức cuộc diễn tập quân sự Vành đai Thái Bình Dương ở phạm vi rộng hơn với sự tham gia của 14 nước: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Hà
lan, Peru…. Trong bối cảnh hiện nay, các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Mỹ với các quốc gia ven Biển Đông nhiều về số lượng, lớn về quy mô, nâng cấp hơn về nội dung diễn tập từ bắn đạn thật, chiến thuật tổng hợp truyền thống đến chiếm đảo, bảo vệ đảo, chống tàu ngầm, tàu chiến mặt nước… (ii) Tăng cường hoạt động đối ngoại, phản ứng mạnh mẽ hành động sai trái của Trung Quốc, bảo vệ đồng minh. (iii) Tăng cường quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác khai thác dầu khí trên biển với các nước tranh chấp hữu quan. Một mặt, khu vực Biển Đông là địa điểm đầu tư và trao đổi thương mại quan trọng của Mỹ, ASEAN là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Mỹ. Biển Đông là một điểm nóng ngay cả với Mỹ. Các công ty nước ngoài trong đó có Mỹ được cho phép khai thác dầu khí đã bị vướng vào tranh chấp giữa những nước tuyên bố chủ quyền. Trong nhiều thập kỷ gần đây, va chạm quân sự ở biển Đông ngày càng gia tăng và liên quan tới cả lực lượng của Mỹ. Ngày 10/5/1995, Chính quyền Clinton đã tuyên bố chống lại việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, nhưng lại không nêu tên Trung Quốc trong tuyên bố. Lợi ích của Mỹ tại Biển Đông nằm trong lợi ích đa dạng và trải rộng của Mỹ tại Đông Á/Tây Thái Bình Dương với tư cách là một cường quốc khu vực và toàn cầu. Trong một báo cáo gần đây, lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bao gồm: Bảo vệ lãnh thổ Mỹ, người dân Mỹ, đồng minh và lợi ích của Mỹ; Ổn định khu vực và loại bỏ bất kỳ cường quốc vượt trội hay nhóm cường quốc nào sẽ đe dọa hay cản trở cơ hội hay lợi ích của Mỹ; Phát triển khu vực và thúc đẩy tự do thương mại và mở cửa thị trường; Đảm bảo một thế giới ổn định, an toàn và phi hạt nhân; Thúc đẩy các giá trị toàn cầu, như quản lý tốt, dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo; Đảm bảo tự do hàng hải, điều kiện tiên quyết để ổn định khu vực và bảo vệ lợi ích của Mỹ. Những lợi ích này luôn được duy trì cho dù chính quyền Mỹ có thay đổi. Mỹ gia tăng dính líu vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng là để phục vụ các lợi ích kể trên. Hiện nay hầu như các công ty dầu mỏ của Mỹ đều đã ký thỏa thuận khai thác dầu mỏ với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông, từ đó thu được lợi nhuận rất lớn, cụ thể là vào ngày 16/01/2017 – Tập đoàn dầu khí ExxonMobil ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt với Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam. Mỹ muốn thông qua tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này. Dưới thời Tổng thống Obama, việc Mỹ thúc đẩy Hiệp định quan hệ đối tác xuyên thái Bình Dương, ra sức phát triển hợp tác kinh tế đa phương với các nước ASEAN, thực chất là muốn làm yếu đi quan hệ đối tác thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN. Các công ty của Mỹ đã cùng với tập đoàn dầu khí của các nước Đông Nam Á tham gia khai thác dầu mỏ ở vùng biển trong khu vực Biển Đông, Trung Quốc không đủ chứng cứ để đòi hỏi chủ quyền toàn bộ khu vực Biển Đông, bên cạnh đó chính phủ Mỹ thực chất là công nhận và ủng hộ các nước Đông Nam Á về lập trường tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế. (iv) Mỹ tăng cường hợp tác với các nước ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp… để can thiệp vào tình hình Biển Đông. Nhật Bản với Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền và tranh chấp ranh giới biển về việc phân chia ranh giới thềm lục địa ở đảo Senkaku/Điều Ngư và Biển Hoa Đông. Ấn Độ với Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nam Tây Tạng. Australia, Anh, Pháp… có lợi ích thiết thực ở Biển Đông. Những nước này lấy lý do là bảo vệ tự do và an ninh hàng hải trong khu vực ngày càng can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông, xem đó là vấn đề quan trọng để đấu với Trung Quốc, mặt khác đối với những nước này, Biển Đông không chỉ là con bài, mà là lợi ích thực sự. Hầu hết nguồn cung dầu lửa đến Nhật Bản, Australia đều đi qua khu vực Biển Đông. Điểm trùng lặp lợi ích giữa Mỹ với Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp… ở khu vực Biển Đông chủ yếu thể hiện ở hai giác độ cơ bản: Thứ nhất là cùng có đòi hỏi kiềm chế Trung Quốc, đều xem Trung Quốc là đối thủ chiến lược. Thứ hai là bảo vệ sự thông suốt của tuyến đường hàng hải quốc tế ở Biển Đông nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế của họ.
Chính sách của Mỹ có tác động lớn đối với tranh chấp ở Biển Đông cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực
Sự can dự của Mỹ vào vấn đề Biển Đông có những tác động nhất định đối với khu vực và hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Chính vì vậy, trong thời gian tới Mỹ vẫn thực hiện chính sách can dự vào Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc trên phương diện cạnh tranh chiến lược.
Làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hóa, quốc tế hóa: Trước đây Trung Quốc nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình thông qua phương thức đàm phán song phương với các bên tranh chấp, nhằm kiên quyết phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài. Chủ trương này hoàn toàn khác với những gì diễn ra trên thực địa, do vậy Trung Quốc dựa vào chủ trương này để từng bước thay đổi nguyên trạng trên quần đảo Hoàng Sa và 7 thực thể ở quần đảo Trường Sa. Tuy thế, sự can dự của các nước lớn ngoài khu vực như Mỹ trên thực tế đã
khiến cho vấn đề Biển Đông được quốc tế hóa, tạo ra khó khăn đối với ý đồ với Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông. Một phương diện quan trọng trong chính sách Biển Đông của Mỹ hiện nay là chủ trương sử dụng cách tiếp cận đa phương để quản lý và giải quyết tranh chấp, phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Chính sách này nhìn bên ngoài nhằm bảo vệ hòa bình ở khu vực Biển Đông, nhưng cơ bản là ủng hộ nguyên trạng ở Biển Đông.
Sự can dự của Mỹ phần nào giúp kiềm chế các tham vọng biển của Trung Quốc, đồng thời tạo ra thế cân bằng lực lượng, hỗ trợ các bên yêu sách yếu hơn Trung Quốc. Sự cam kết an ninh của Mỹ đối với một số nước đồng minh và việc hợp tác quân sự của Mỹ với các đối tác ở Đông Nam Á giúp các nước này gia tăng sức mạnh quân sự để phòng thủ, tự vệ. Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Biển Đông phần nào đó đã góp phần hạn chế những âm mưu và hành động của Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm các đảo đá ở khu vực Biển Đông trong bối cảnh hiện nay.
Gia tăng cọ xát giữa Trung Quốc và Mỹ: Do sự can dự của Mỹ, vấn đề Biển Đông trở thành một điểm xung đột mới trong quan hệ Trung – Mỹ. Trên cơ sở xem xét những tính toán về địa chiến lược của Mỹ ở châu Á -Thái Bình Dương, hiện nay và trong thời gian tới Mỹ chắc chắn sẽ ngày càng quan tâm hơn tới vấn đề Biển Đông, an ninh ở khu vực Biển Đông chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược an ninh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ. Cùng với sự can dự tích cực của Mỹ, Biển Đông và các khu vực cạnh Biển Đông đã trở thành khu vực có các hoạt động diễn tập quân sự dày đặc nhất và liên tục nhất trên thế giới trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI. Cùng với những xu hướng diễn biến của tình thế, Biển Đông hoàn toàn có thể trở thành một trở ngại cho sự phát triển quan hệ Trung – Mỹ giống như vấn đề Đài Loan.
Khiến cho kết cấu và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc: Trên bàn cờ địa chiến lược này ở Biển Đông, các nước khác nhau cạnh tranh, kiềm chế nhau, hoặc hợp tác hoặc xung đột với nhau để mưu cầu lợi ích địa lý của họ, từ đó hình thành kết cấu địa chính trị và trật tự địa chính trị như hiện nay ở Biển Đông. Một mục tiêu quan trọng mà Mỹ can dự vấn đề Biển Đông chính là muốn ngăn chặn Trung Quốc giành quyền chủ đạo Biển Đông, duy trì thế cân bằng sức mạnh ở khu vực này, định hình kết cấu và trật tự địa chính trị ở Biển Đông theo hướng có lợi cho chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
Sự can dự của Mỹ và các thế lực ngoài khu vực khác nhau phần nào giúp các nước trong khu vực tự tin hơn để đối phó với Trung Quốc. Theo đó, tranh chấp Biển Đông có khả năng diễn biến thành tranh cãi ngoại giao, xung đột chính trị, thậm chí đối đầu quân sự giữa Trung Quốc với một số nước của ASEAN. Như vậy, kết cục và trật tự địa chính trị ở khu vực Biển Đông sẽ thay đổi theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.
Xu hướng chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông trong năm 2019
Chính sách Biển Đông của Mỹ ngày càng có xu hướng cứng rắn hơn và mức độ can dự vào vấn đề Biển Đông ngày càng sâu hơn.
Về khía cạnh ngoại giao:Chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục tiếp cận ngoại giao trong xử lý tranh chấp Biển Đông. (1) Thượng viện Mỹ có khả năng sẽ xem xét phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 để tạo cơ sở vững chắc ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông. Trước đây, Thượng viện Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS do lo ngại Công ước sẽ gây rủi ro cho lợi ích của Mỹ, liên quan đến các thỏa thuận xung đột, quyền khai thác tài nguyên tại vùng nước sâu, và quyền hành hợp pháp của bộ máy quan chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc. (2) Tiếp tục kêu gọi tất cả các bên liên quan cần tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. (3) Mỹ sẽ chủ động tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực, nhất là các nước tồn tại tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. (4) Tăng cường hợp tác với các nước, nhất là những nước đồng minh (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia…) để can thiệp vào tình hình Biển Đông, qua đó bảo vệ lợi ích của đồng minh trong khu vực. (5) Mỹ sẽ thông qua các kênh khác nhau góp phần thúc đẩy quốc tế hóa tranh chấp ở Biển Đông.
Về khía cạnh quân sự: (1) Mỹ sẽ thúc đẩy các cuộc diễn tập quân sự tại khu vực mang tính thường niên, với quy mô ngày càng lớn hơn. (2) Mỹ sẽ gia tăng bố trí lực lượng hải quân tại khu vực. (3) Đẩy mạnh về tần suất và quy mô của các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Về khía cạnh hợp tác kinh tế và thương mại: (1) Mỹ sẽ thể hiện sự ủng hộ và có biện pháp thiết thực bảo vệ các công ty dầu mỏ (của Mỹ) hợp tác khai thác dầu khí với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. (2) Mỹ thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại và năng lượng với các nước ASEAN để tăng cường ảnh hưởng dối với những nước này.
Tuy nhiên, Mỹ cũng gặp một số khó khăn nhất định khi tăng cường can dự vào vấn đề Biển Đông. Đầu tiên, diễn biến tình hình Biển Đông có nhiều thay đổi, nhất là việc Philippines, đồng minh thân cận của Mỹ ngả theo Trung Quốc; Thứ hai, do bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính cùng với hệ lụy của các cuộc chiến tranh Afghanistan và Irắc khiến sức mạnh tương đối của Mỹ sụt giảm; Thứ ba, xét từ bố cục chiến lược toàn cầu của Mỹ, Đông Nam Á cũng không phải là địa bàn chiến lược hàng đầu của Mỹ, hiện nay Mỹ can dự vào vấn đề Biển Đông một mặt tích cực hơn trước đây chủ yếu là nhằm đẩy mạnh điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương của mình; Thứ tư, tuy Mỹ giữ cho khu vực Biển Đông căng thẳng ở mức độ vừa phải để duy trì lợi ích chiến lược của mình, nhưng cũng không muốn thấy khu vực này xảy ra chiến tranh, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến an ninh của tuyến đường hàng hải thương mại và quân sự của Mỹ và tăng thêm tính phức tạp trong việc xử lý mối quan hệ với các nước đồng minh khu vực của họ; thứ năm, lợi ích của Mỹ và Trung Quốc đan xen, chồng chéo, khiến hai nước lệ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế, nên khả năng Mỹ và Trung Quốc xảy ra xung đột nghiêm trọng trong vấn đề Biển Đông không nhiều.

Bản tin Biển Đông ngày 09/01/2019

Khuấy động tình hình Biển Đông không đem lại lợi ích cho ai
Ngày 8/1, trang CGTN đăng bài viết liên quan đến việc tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông nhằm “thách thức các yêu sách biển quá đáng”. Trả lời phỏng vấn trang CGTN, GS. Zhang Junshe, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cho rằng việc Mỹ lựa chọn thời điểm này để đưa tàu đến Biển Đông là có chủ đích: quân đội Mỹ muốn nhảy vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung và tạo áp lực lên Trung Quốc. GS. Zhang cho rằng, hành động này của phía Mỹ đi ngược lại tình hình tốt đẹp giữa hai bên, người dân Trung Quốc sẽ không bị bắt nạt bởi bất cứ đe dọa hay vũ lực nào. Do vậy, Mỹ nên ngừng ngay lập tức hành động gây hấn không có lợi cho việc giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ – Trung. Theo GS. Zhang, nhờ có Trung Quốc và các nước ASEAN trở lại quỹ đạo giải quyết hòa bình các tranh chấp, tình hình Biển Đông đang được ổn định. Tuy nhiên, hành động của Mỹ rõ ràng là tìm cách gây rắc rối và đây cũng không phải lần đầu tiên Washington thách thức giới hạn của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông. Mỹ muốn lợi dụng vấn đề Biển Đông để hỗ trợ cho chiến lược tái cân bằng Châu Á – Thái Bình Dương, lợi dụng các vấn đề an ninh để kìm hãm sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Không chỉ có Mỹ, GS. Zhang cho rằng Anh hiện cũng đang theo chân Mỹ khuấy động tình hình Biển Đông với việc tạo ra “bước chuyển mạnh nhất” kể từ Thế chiến thứ hai nhằm đóng “vai trò mà thế giới mong đợi trên trường quốc tế”. Tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vào tháng 9/2018, ông Hunt đã trấn an Vương Nghị rằng Anh sẽ “không đứng về bên nào” trong tranh chấp Biển Đông. GS. Zhang bày tỏ hy vọng Anh sẽ giữ lời hứa của mình, cho rằng chỉ có cách đóng góp thực chất cho hòa bình và ổn định ở Biển Đông mới có thể bảo đảm cho sự phát triển tốt đẹp và ổn định của quan hệ Trung – Anh.
Đài Loan bác bỏ thông tin hoan nghênh căn cứ quân sự của Anh tại Biển Đông
Theo tin từ JQK News ngày 8/1, gần đây truyền thông quốc tế đưa tin nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn phát biểu hoan nghênh nếu Anh thiết lập căn cứ tại Biển Đông. Tuy nhiên, Văn phòng bà Thái Anh Văn đã bác bỏ thông tin này, khẳng định rằng khi đó, bà Thái chỉ ủng hộ miễn là việc này đóng góp cho duy trì hòa bình và tự do hàng hải, Đài Loan sẽ có thái độ mở đối với vấn đề này. Đại diện Văn phòng bà Thái Anh Văn khẳng định nguyên tắc của Đài Loan rất rõ ràng, Đài Loan hy vọng duy trì tình hình hòa bình ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh rằng quyền tự do qua lại là quan điểm nhất quán quan trọng của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.
Liệu Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông có giúp bảo đảm ổn định khu vực?
Ngày 8/1, tờ South China Morning Post đăng bài viết của Aaron Rabena, nghiên cứu viên tại Viện Đối ngoại Philippines, chỉ ra một số cách thức để Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) có thể có giá trị hơn. Theo bài viết, những diễn biến trên Biển Đông từ năm 2012 đến nay đã cho thấy tính không hiệu quả của Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự phức tạp của các vấn đề kinh tế, môi trường, luật pháp, chính trị và chiến lược. Việc ASEAN và Trung Quốc công bố Văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo COC tháng 8/2018 đã đem đến hy vọng rằng Bộ Quy tắc sẽ bảo đảm hòa bình và ổn định lâu dài ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong dự thảo COC, có 5 vấn đề quan trọng cần phải đàm phán, đó là: phạm vi địa lý, giải quyết tranh chấp, nghĩa vụ hợp tác, vai
trò của bên thứ ba, và tính pháp lý. Tác giả bài viết đưa ra 4 cách thức để góp phần làm cho COC có giá trị hơn. Cụ thể:
i) Phạm vi áp dụng của COC nên bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và bãi cạn Scarborough bởi đây là các khu vực thường xảy ra các vụ việc ở mức khủng hoảng.
ii) Nghĩa vụ hợp tác có thể bao gồm việc thiết lập các khu vực bảo tồn biển chung, một tổ chức nghề cá khu vực và một chương trình du lịch biển tích hợp ở Trường Sa, trong đó định hướng lại mục đích sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc, tận dụng cơ sở hạ tầng tiên tiến để phục vụ nghiên cứu khoa học, phòng tránh thiên tai, cứu trợ và hỗ trợ nhân đạo.
iii) Các cường quốc như Australia, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh và Mỹ tham gia vào lợi ích địa chính trị ở Biển Đông. Nếu Mỹ là thành viên của COC thì các nước khác sẽ tham gia, khi đó Trung Quốc sẽ điều chỉnh hành vi của mình trên Biển Đông.
iv) Để COC ràng buộc về pháp lý, cần có điều khoản trừng phạt hoặc hình thức phạt đối với các vụ việc các nước thành viên từ bỏ hoặc không tuân thủ COC.

Bản tin Biển Đông ngày 10/01/2019

 Dự thảo tuyên bố ASEAN tiếp tục nhắc lại “quan ngại” về việc xây dựng đảo
Ngày 10/1, Nikkei đưa tin, theo bản dự thảo Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN sẽ diễn ra ngày 17-18/1 tại Chiang Mai, Thái Lan, các quốc gia thành viên lưu ý về “mối quan ngại” đối với việc Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông. Các từ ngữ nhạy cảm về chính trị có thể sẽ được loại bỏ, nhưng nếu được đưa vào văn bản cuối cùng, Thái Lan với tư cách là nước chủ nhà ASEAN năm 2019 sẽ theo bước Singapore khi chỉ sử dụng từ “quan ngại” mà không nêu đích danh Trung Quốc.
Bên cạnh đó, dự thảo tuyên bố cũng cho biết ASEAN nhằm mục tiêu hoàn thành “Bản dự thảo đơn nhất” Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông trong năm nay.
Cách Trung Quốc khoa trương sức mạnh quân sự có đóng góp gì cho hòa bình và ổn định khu vực?
Ngày 10/1, tờ South China Morning Post đăng bài viết của Brian YS Wong, cho rằng cách Trung Quốc thể hiện sức mạnh quân sự thực ra là động lực cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Bài viết biện luận cho phát biểu cuối năm ngoái của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi quân đội Trung Quốc “chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến toàn diện từ một khởi đầu mới”, cho rằng đây không phải báo hiệu sự bất ổn chính trị hay căng thẳng quân sự gia tăng ở khu vực, mà trái lại, cần phải nhìn theo hướng thực tế hơn là đóng góp quan trọng cho ổn định khu vực. Bài viết đưa ra một số lý do để bảo vệ quan điểm này, đó là:
i) Hoạt động chủ nghĩa dân tộc quân phiệt của Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng trong việc dập tắt các làn sóng chủ nghĩa dân tộc trong nước, ví dụ như các phong trào chống đối Nhật Bản liên quan đến tranh chấp đảo Senkake/Điếu Ngư.
ii) Việc Trung Quốc gia tăng các dấu hiệu về quân sự không chỉ là cách chống lại các nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm nắm bắt chiến lược Châu Á mà còn giúp Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho các hoạt động quân sự lâu dài ở Đông Á. Một khu vực Đông Á mà các nước phải lựa chọn giữa hai siêu cường cạnh tranh nhau sẽ kém hòa hợp và ổn định hơn một khu vực mà chỉ có Trung Quốc nổi lên chiếm ưu thế là lực lượng bá quyền khu vực.
iii) Việc Trung Quốc kêu gọi đàm phán với Đài Loan hiện vẫn chưa có được sự tin cậy, chủ yếu là do thiếu sự hỗ trợ bởi lực lượng quân sự hoặc lợi ích kinh tế cho Đài Loan để đổi lại việc từ bỏ chế độ tự trị về chính trị. Việc Trung Quốc tập trung vào quân sự hóa có thể khuyến khích Đài Loan xem xét mở lại các cuộc đàm phán mà chắc chắn sẽ có lợi cho cả hai bên, cũng như sự ổn định khu vực.
Do vậy, việc Trung Quốc tăng cường chủ nghĩa quân sự là vì ổn định khu vực; vẫn còn lý do để lạc quan về tương lai của chính trị Đông Á.

Bản tin Biển Đông ngày 11/01/2019

 Trung Quốc điều động tên lửa đối hạm có khả năng bao phủ Biển Đông
Ngày 9/1, Hoàn Cầu Thời báo đưa tin, Trung Quốc đã điều động tên lửa đối hạm tầm xa DF-26 tới khu vực cao nguyên ở Tây Bắc Trung Quốc, sau khi tàu USS Mc Campbell của Mỹ đi vào 12 hải lý các cấu trúc ở Hoàng Sa mà Bắc Kinh cho là vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung thế hệ mới của Trung Quốc, mang cả đầu đạn thông thường và hạt nhân, có khả năng nhắm đến các tàu hạng trung và lớn trên biển. Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), từ tháng 4/2018, tên lửa DF-26 được trang bị cho Lực lượng tên lửa thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và đây là lần đầu tiên DF-26 xuất hiện công khai cận cảnh kể từ khi gia nhập PLA. Một chuyên gia quân sự giấu tên tại Bắc Kinh cho biết, việc tên lửa được đặt sâu trong đất liền sẽ giúp cho tên lửa khó bị đánh chặn hơn. Chuyên gia này cũng cho biết, tên lửa này có khả năng vươn xa đến hết Biển Đông, đánh trúng các mục tiêu, kể cả các căn cứ hải quân của Mỹ ở Guam.
Philippines kêu gọi giám sát việc phục hồi các rạn san hô ở Trường Sa
Ngày 10/1, tờ Philstar đưa tin, Nghị sỹ đảng Magdalo của Philippines Gary Alejano cho rằng Chính phủ Philippines nên kiểm soát dự án phục hồi rạn san hô của Bắc Kinh tại Trường Sa. Tuần trước, Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc thông báo nước này đã lắp đặt các thiết bị để “bảo vệ và phục hồi” các rạn san hô bị phá hủy do các hành động cải tạo đảo ồ ạt của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp. Nghị sỹ Alejano cho rằng sáng kiến này của Trung Quốc rất đáng hoan nghênh, nhưng ông cũng lưu ý Chính phủ Philippines phải cẩn thận, “phải can thiệp vào dự án này bởi Philippines cũng là một trong các bên tranh chấp ở Trường Sa. Dự án phục hồi này có thể chỉ là một trong nhiều cách Trung Quốc chiếm giữ các cấu trúc”. Theo ông Alejano, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường bởi các bên tranh chấp khác cũng phải được tiếp cận với quá trình phục hồi các rạn san hô; việc đơn phương phục hồi hệ sinh thái tại vùng biển tranh chấp sẽ không khác gì bác bỏ quyền hợp tác của các nước yêu sách, trong đó có Philippines. Ông Alejano nhấn mạnh “Hành động đơn phương của Trung Quốc cho thấy rõ sự không tôn trọng đối với Philippines – một bên tranh chấp lãnh thổ”. Gregory Poling, Giám đốc trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết, khi đưa tin về việc công bố dự án phục hồi san hô, tờ South China Morning Post của Trung Quốc không hề phỏng vấn bất cứ một nhà khoa học biển nào về vấn đề này. Ông Poling tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của dự án này, bởi “không thể phục hồi một rạn san hô đã bị chôn dưới hàng tấc cát và xi măng”.
Trung Quốc mở rộng phạm vi tàu cá tại Trường Sa
Ngày 9/1, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố báo cáo “Làm sáng tỏ các đội tàu cá mờ ám ở Biển Đông”, cho thấy Trung Quốc đang mở rộng phạm vi tàu cá hiện diện tại hai trong số các cấu trúc nước này chiếm đóng tại Trường Sa là đá Subi và Vành Khăn. Theo Gregory Poling, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc CSIS, vào tháng 8/2018, có 117 tàu đậu ở Subi và 61 tàu khác ở vùng biển lân cận, trong đó có đá Thị Tứ mà Philippines đang chiếm đóng; đến tháng 10/2018, các con số này lần lượt là 19 và 190. Thậm chí, ông Poling cho biết, hình ảnh vệ tinh ở độ phân giải cao còn cho thấy số lượng tàu cá Trung Quốc ở Subi và Vành Khăn còn lớn hơn nhiều những gì mà công nghệ SAR (Synthetic Aperture Radar) thể hiện, bởi các tàu này thường “neo đậu sát vào nhau thành một nhóm lớn mà công nghệ SAR lầm tưởng là một tàu đơn lẻ”. Báo cáo của AMTI cũng cho thấy tháng 8 có vẻ là thời điểm nhộn nhịp nhất với khoảng 300 tàu neo đậu ở hai đá Subi và Vành Khăn, các tàu này chỉ thả neo hoặc qua lại mà không hề có hoạt động đánh bắt cá. Ông Poling nhấn mạnh, “số lượng tàu dân quân biển Trung Quốc hoạt động tại khu vực lớn hơn nhiều và lâu hơn nhiều so với những gì mọi người thường nghĩ. Ông Poling cho rằng hiện nay, các tàu cá và ngư dân ở Biển Đông đã thu hút sự chú ý nhiều hơn, lưu ý “việc tăng cường giám sát các tàu này sẽ rất quan trọng nếu các bên tranh chấp hy vọng cứu vãn nghề cá ở Biển Đông và giảm thiểu số lần va chạm không mong muốn giữa các tàu cá”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.