Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chiến lược hàng hải của TQ đang có sự điều chính mới

Tuesday, January 15, 2019 5:31:00 PM // ,



Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã có bước điều chuyển chiến lược hàng hải, trong đó chuyển trọng tâm từ phòng thủ lục địa sang ưu tiên vấn đề an ninh biển, chú trọng phát triển các lợi ích hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc cũng tìm cách cân bằng lợi ích với Mỹ, kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc, giữ ASEAN trong vòng ảnh hưởng và lôi kéo Nga can dự vào môi trường an ninh khu vực, đồng thời hạn chế tối đa tác động cộng hưởng từ nhiều điểm nóng, tiếp tục kiểm soát tranh chấp Biển Đông để tránh các hệ luỵ bất lợi cho các mục tiêu chiến lược mà Trung Quốc đã đặt ra.



Quá trình chuyển đổi chiến lược hàng hải của Trung Quốc có một số điểm nổi bật sau:

Cải tổ quân đội, chú trọng an ninh biển

Từ giữa những năm 80, Quân đội Trung Quốc (PLA) tiến hành chuyển đổi từ chiến thuật “phòng ngự gần bờ” sang “phòng thủ tích cực biển gần”. Trong đó, PLA tập trung ưu tiên phát triển các phương án “tác chiến chiến lược”, nhằm đảm bảo khả năng tiến hành các hoạt động một cách độc lập, hiệu quả trên toàn bộ vùng không gian biển gần, được xác định gồm Biển Đông, Hoa Đông, và Hoàng Hải. Bước sang những năm đầu thập niên 2000, Quân đội Trung Quốc triển khai tích hợp khái niệm “bảo vệ biển xa” vào chiến lược “phòng thủ tích cực biển gần”. Do đó, Hải quân Nhân dân Trung Quốc (PLAN) là lực lượng được giao nhiệm vụ đảm bảo cả các lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài. Trong đó bao gồm, các lợi ích về an ninh năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường biển chiến lược, đầu tư của và pháp nhân Trung Quốc ở nước ngoài.

Sau quá trình chuyển đổi nêu trên, Trung Quốc tiếp tục có đợt cải cách, điều chỉnh cơ cấu quân đội vào cuối năm 2015. Mục tiêu của bước đi mới này là nhằm giảm quy mô của lực lượng lục quân, trong khi mở rộng hoạt động, khả năng đảm bảo an ninh của hải quân, không quân trên các vùng biển gần, cũng như vùng biển có lợi ích liên quan. Theo đó, Quân đội Trung Quốc đã được điều chỉnh rút từ bảy quân khu xuống còn năm Bộ chỉ huy, đồng thời bổ sung biên chế chỉ huy từ các quân, binh chủng về nắm các Khu vực tác chiến mới thành lập. PLA cũng triển khai phát triển khái niệm “Hệ thống tác chiến dựa trên hệ thống nền tảng thông tin” (Information system-based system of system operations). Mô hình này cho phép PLA có thể triển khai cùng lúc nhiều hoạt động trên các không gian, phạm vi khác nhau. Khi phối hợp với Hệ thống C4ISR (Kiểm soát, Cảnh báo, Chỉ huy, Tình báo, Do thám…), PLA sẽ có khả năng nắm bắt thông tin thực địa theo thời gian thực, tích hợp và đồng bộ hóa với hoạt động của nhiều lực lượng khác nhau nhằm  đảm bảo có khả năng phối hợp tác chiến linh hoạt.

Gắn an ninh Biển Đông với nhiệm vụ của Khu vực Tác chiến phương Nam

Từ việc Trung Quốc xác định Biển Đông sẽ là môi trường cạnh tranh quân sự chiến lược, cũng như để có thể “nắm quyền kiểm soát”, hoặc “ra điều kiện” khi xảy ra khủng hoảng hoặc chiến tranh, PLA đã coi việc “bảo vệ chủ quyền” tại Biển Đông là sứ mệnh quan trọng nhất của Khu vực Tác chiến phương Nam. Do đó, trong tháng 01/2017, Quân đội Trung Quốc đã cử Tư lệnh Hạm đội Hoa Bắc là Phó Đô đốc Viên Dự Bách chuyển sang nắm Khu vực Tác chiến phương Nam. Đây là trường hợp đầu tiên trong lịch sử PLA, một lãnh đạo hải quân được giao nắm quyền chỉ huy tại một khu vực gồm nhiều lực lượng tác chiến hỗn hợp. Các bước điều chỉnh nêu trên với Quân đội Trung Quốc và Khu vực Tác chiến phương Nam cũng phản ánh sự thay đổi trong tư duy chiến lược quân sự của Bắc Kinh, đó là chuyển từ ưu tiên phòng thủ lục địa sang tập trung đảm bảo và phát triển an ninh hàng hải. Do đó, Khu vực Tác chiến phương Nam còn được PLA giao nhiều nhiệm vụ khác nhau có gắn với các lĩnh vực an ninh hàng hải ở Biển Đông.

Ngoài những vấn đề nêu trên, lí do Khu vực Tác chiến phương Nam do một Tư lệnh có nguồn gốc hải quân được lựa chọn để PLA thực hiện các mục tiêu chiến lược của Trung Quốc với Biển Đông còn bao gồm: (i) Khi so sánh tầm quan trọng của các vùng biển gần, rõ ràng Biển Đông có một vai trò đặc biệt với Đông Á nói chung và với Trung Quốc nói riêng. Do đó, việc đảm bảo an ninh trên tuyến hàng hải đi ngang Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế Trung Quốc trong thời bình. Chưa kể, điều này còn giúp Trung Quốc có thể “nắm quyền chủ động” trong thời điểm khủng hoảng hoặc có xảy ra chiến tranh. (ii) Biển Đông cũng là vùng biển có độ sâu lý tưởng so với Hoàng Hải và Hoa Đông, trung bình có thể đạt tới 1,200 mét. Đây là điều kiện lí tưởng để Trung Quốc triển khai lực lượng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo chiến lược (SSBN) của PLA. Độ sâu này giúp các tàu ngầm hạt nhân của PLA tránh được hoạt động chống ngầm, đòn tấn công hạt nhân phủ đầu của đối phương so với các vũ khí chiến lược khác được bố trí trên mặt đất, từ đó gia tăng khả năng sống sót và đánh trả. Phạm vi bán kính rộng của Biển Đông cũng cho phép PLA bố trí các tàu nổi cỡ lớn, vì các nước láng giềng ven biển Đông Nam Á có khả năng tình báo, do thám, phong tỏa đường biển yếu hơn so với lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Hoa Đông. Thời gian qua, Quân đội Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn tàu mặt nước, trong đó có tàu sân bay nhằm hướng tới việc sở hữu “hệ thống tác chiến trên biển”. Hệ thống này có sự phối hợp của tàu sân bay, các tàu khu trục tên lửa, tàu hộ vệ, và tàu ngầm tấn công hạt nhân. Mô hình tác chiến này giúp các lực lượng của hải quân PLA có thể hỗ trợ lẫn nhau, giảm thiểu rủi ro khi thực hiện các nhiệm vụ như tác chiến phòng không, tấn công trên biển, chiến tranh điện tử, chiến tranh mạng, chống ngầm, và cảnh báo sớm. Như vậy, yếu tố bề rộng và chiều sâu đã là một trong các nhân tố chiến lược tiềm năng để Hải quân Trung Quốc có thể bố trí, triển khai một “hệ thống tác chiến trên biển” tại Biển Đông. Qua đó, từng bước hiện thực hóa tư duy chiến lược hàng hải mới của Trung Quốc và các mục tiêu đặt ra với Biển Đông.

Nhằm củng cố và triển khai thực hiện các mục tiêu chiến lược với Biển Đông, thời gian qua Trung Quốc đã trái phép nạo vét, bồi lấp và xây dựng các đảo nhân tạo, các sân bay, bãi đáp trực thăng, cảng biển, trạm rada, và thiết bị thông tin liên lạc tại Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tiếp tục giữ chiến thuật “mập mờ yêu sách”. Điều này khiến Mỹ phản ứng, tiến hành các biện pháp đối phó như tuần tra tự do hàng hải và hàng không gần các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trái phép. Phản ứng trước hành động của Mỹ, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi từng tuyên bố hồi tháng 7/2016...chủ quyền và lợi ích tại Biển Đông...là ‘lợi ích cốt lõi’ của Trung Quốc, liên quan tới nền tảng nắm quyền của Đảng, ổn định và an ninh của đất nước, các lợi ích quốc gia cơ bản của Trung Quốc…Chúng tôi sẽ không bao giờ dừng việc xây dựng đang triển khai tại Trường Sa.

Khoảng cách lớn từ đất liền tới đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc chiếm đóng trái phép, cộng với các bước đi kiềm chế, ngăn chặn của hải quân Mỹ khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong việc triển khai các mục tiêu và tham vọng hàng hải. Đây cũng là một trong các lí do khiến PLA quyết định bổ nhiệm một Tư lệnh Hải quân nắm Khu vực Tác chiến phương Nam nhằm đối phó với các thách thức hàng hải đang phát sinh.

Thận trọng chính trị và linh hoạt ngoại giao phục vụ phát triển hàng hải

Hiện nay, Trung Quốc đang phải đứng trước nhiều những thách thức an ninh và chính trị mới tại các khu vực phụ cận do tác động mang tính cộng hưởng từ nhiều vấn đề, vụ việc có liên quan. Thứ nhất, các cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ Myanmar và quân du kích Kachin tại vùng biên giới Trung Quốc-Myanmar đang khiến giao lưu nhân dân, kết nối thương mại giữa hai bên bị ảnh hưởng. Đồng thời, xung đột này cũng tạo rủi ro, làm tăng nguy cơ dòng người thiểu số Myanmar tìm cách vào Trung Quốc lánh nạn. Thứ hai, chính quyền mới của Mỹ cũng đang thách thức yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông và Hoa Đông bằng các cử hàng loạt tàu chiến (tàu khu trục, tàu sân bay, tàu ngầm…) và máy bay chiến đấu, máy bay trinh sát tham gia vào hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không trong khu vực. Thứ ba, trong vấn đề bán đảo Triều Tiên, Mỹ và Triều Tiên đang tiến hành các cuộc đối thoại cấp cao nhằm giải quyết chương trình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Những diễn biến địa chính trị tại các khu vực lân cận là vấn đề rất nhạy cảm trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị và triển khai một loạt các sự kiện đối nội đối ngoại quan trọng của năm 2019, trong đó có Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Quốc, Hội nghị Diễn đàn Bác Ngao, Hội nghị Thượng đỉnh “Vành đai, Con đường” lần thứ hai... Một số biến động có thể có tác động mạnh tới các mục tiêu an ninh và phát triển và đấu tranh trong chính trị nội bộ của Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh sẽ phải xử lý các vấn đề một cách thận trọng, tránh để Biển Đông trở thành tâm điểm cọ xát nước lớn Trung-Mỹ, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật, và tạo ra bất ổn trong quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia Đông Nam Á.

Để đối phó với các thách thức và hóa giải “thế khó”, Trung Quốc tiến hành các động thái chính trị và ngoại giao theo hướng kiềm chế và nhượng bộ có lựa chọn trước đối thủ lớn Mỹ. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm Thủ tướng Lý Khắc Cường, Uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Vương Nghị và Bộ trưởng Thương mại Chung Sơn, đều kêu gọi Mỹ hợp tác, thúc đẩy quan hệ phát triển lành mạnh, tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”, đi sâu phối hợp chính sách và tăng cường giao lưu nhân dân. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng phản ứng “chừng mực” trước các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực, như tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông, bố trí quân sự và tập trận tại các vùng đệm xung quanh như Hoa Đông và Bán đảo Liên Triều.

Trái ngược những gì thể hiện với Mỹ, Trung Quốc lại đặc biệt cứng rắn với các hoạt động của Nhật Bản, Anh tại khu vực để không tỏ ra bị yếu thế, mất kiểm soát với tình hình. Về phía Nhật Bản, để thúc đẩy chính sách an ninh mới và phối hợp với hành động của Mỹ, thời gian qua Nhật Bản đã có nhiều hoạt động tăng cường gắn kết với khu vực Đông Nam Á. Cụ thể, Nhật Bản đã đẩy mạnh hoạt động đối thoại cấp cao, cung cấp viện trợ kinh tế và tài chính, tổ chức giao lưu hải quân và hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho Indonesia, Philippines và Campuchia. Ngoài ra, Nhật Bản thông báo sẽ cử tàu trực thăng Izumo tiến hành hoạt động an ninh hàng hải tại Biển Đông. Về phía Anh, trong năm 2018, London đã 3 lần điều tàu chiến tham gia vào các hoạt động tuần tra, tập trận ở Biển Đông, đồng thời cam kết tiếp tục cử nhiều tàu chiến tham gia tuần tra ở Biển Đông. Đáng chú ý, Bộ trưởng Quốc phòng Anh mới đây cho biết, Anh có khả năng sẽ xây dựng căn cứ quân sự ở Biển Đông, để tăng cường phối hợp với các nước đồng minh trong việc đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ an toàn cho các nước đồng minh trước sự thách thức ngày càng lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã phản ứng gay gắt, cảnh báo Nhật Bản, Anh không nên can dự vào vấn đề Biển Đông hay đưa “tư duy Chiến tranh Lạnh” vào khuôn khổ hợp tác an ninh Nhật-Mỹ; đồng thời kêu gọi Anh thực hiện đúng cam kết “không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông”.

Với ASEAN, Trung Quốc đang thể hiện một thái độ mềm mỏng, tăng cường thúc đẩy hợp tác với nhiều ẩn ý chính trị. Một mặt, Trung Quốc khẳng định cam kết đưa quan hệ với ASEAN lên một tầm cao mới trong chương trình nghị sự năm 2018 và kêu gọi hoàn thành việc nâng cấp khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc tích cực quảng bá cho kết nối khu vực qua khuôn khổ sáng kiến “Con đường tơ lụa trên biển”, đẩy mạnh các đàm phán về đầu tư hạ tầng, đường sắt cao tốc và cảng biển với một số quốc gia ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Trên một hướng khác, tận dụng mâu thuẫn Mỹ-Nga sau các cáo buộc về can thiệp an ninh mạng, bất đồng giữa hai bên trong vấn đề an ninh tại châu Âu, cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ và việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế vào Nga, Trung Quốc tìm cách kéo Nga can dự vào các vấn đề an ninh và chính trị tại Đông Á, trong đó có Biển Đông, để tăng “thế” của mình. Nhiều hoạt động đã được triển khai để quan hệ hợp tác toàn diện Trung-Nga, bao gồm mở rộng hợp tác thương mại, tăng cường đối thoại giữa hai chính đảng cầm quyền và Trung Quốc cho vay tài chính để Nga xử lý vấn đề thâm hụt quỹ phúc lợi xã hội. Ngoài việc ủng hộ Nga lần đầu cử chiến hạm thăm viếng cảng biển và diễn tập hải quân chung với lực lượng của Philippines, Trung Quốc còn tranh thủ Nga để mở rộng hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật bậc cao như phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển. Trong một số phát biểu, quan chức Trung Quốc khẳng định hợp tác này có thể diễn ra ngay  tại những khu vực vẫn còn tồn tại tranh chấp để giải quyết việc “cung cấp năng lượng” cho các công trình xây dựng đa năng đang được triển khai.

Quân sự hoá dưới vỏ bọc dân sự và khoa học kỹ thuật

Cùng với các hoạt động chính trị, ngoại giao nhằm “thăm dò”, xác lập khuôn khổ quan hệ nước lớn và mở rộng ảnh hưởng với láng giềng, Trung Quốc đồng thời đẩy nhanh việc củng cố yêu sách và kiểm soát theo cách thức tiếp cận mới, giảm mức độ nổi cộm của các vụ việc có yếu tố quân sự. Do đó, Trung Quốc triển khai các hoạt động thực địa theo nhiều hướng, chú trọng kết hợp giữa quân và dân sự, nhấn mạnh yếu tố khoa học kỹ thuật.  Trung Quốc muốn tránh sự chú ý của bên ngoài về những thay đổi hiện trạng do các hoạt động đang tiến hành, nhưng đồng thời duy trì cơ sở để tuyên truyền về năng lực kiểm soát tình hình, quyết tâm đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ tại các sự kiện chính trị đối nội lớn trong năm

Về hoạt động quân sự phi pháp của Trung Quốc trong năm 2018: Trung Quốc liên tục triển khai phi pháp vũ khí tấn công và phương tiện quân sự tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cụ thể: Tại Trường Sa, Trung Quốc đã điều tàu hộ vệ trang bị tên lửa hành trình Type 054 ra Đá Chữ Thập ở Trường Sa; lần đầu tiên đưa tàu tìm kiếm cứu nạn “Nam Hải cứu 115”, có bãi đáp cho trực thăng cứu hộ cỡ trung tới neo đậu thường trú tại Đá Xu Bi; triển khai (bất hợp pháp) tên lửa tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B và các tên lửa đất đối không tầm xa HQ-9A hoặc HQ-9B trên đá Vành Khăn, đá Xu Bi và đá Chữ Thập; khánh thành “Đài tưởng niệm” xây dựng phi pháp trên đá Chữ Thập; âm thầm kích hoạt và thử nghiệm các thiết bị tác chiến điện tử được lắp đặt trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lắp đặt các thiết bị gây nhiễu thông tin và radar trên các đá Vành Khăn, Chữ Thập; lần đầu tiên đã điều máy bay vận tải quân sự Shaanxi Y-8 tới đá Xu Bi, máy bay vận tải quân sự Y-7 tới đá Vành Khăn. Tại Hoàng Sa, Trung Quốc mới xây dựng phi pháp thêm một kết cấu mới trên đá Bông Bay; triển khai phi pháp hệ thống tên lửa HQ-9 tại đảo Phú Lâm; lần đầu tiên đã đưa máy bay ném bom, kể cả Tây An H-6K tới ở đảo Phú Lâm; nâng cấp hệ thống thông tin liên lạc trên các cấu trúc chiếm đóng trên Biển Đông, thông qua việc đưa dịch vụ 4G+ tới khu vực.

Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tập trận phi pháp ở Biển. Từ ngày 02/2 đến ngày 26/2, Biên đội Huấn luyện thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đã tiến hành tập trận tại các khu vực Biển Đông, Ấn Độ Dương, Tây Thái Bình Dương với các tình huống giả định về phòng không, bảo vệ hàng hải và tác chiến trên biển. Cùng thời gian này, Trung Quốc (22/2) đã triển khai 04 tàu hải cảnh và 02 tàu cá dân binh tại bãi cạn Scarborough và 01 tàu hộ vệ tên lửa để theo dõi, giám sát hoạt động của Tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ khi đang trên đường tới thăm hữu nghị Việt Nam và Philippines. Trung Quốc (23/3) đã triển khai 02 tàu hộ vệ tên lửa là “Lục Bàn Thủy” (514) và “Hoàng Sơn” (570) ra Biển Đông để ngăn cản tàu khu trục Mustin của Mỹ đang tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố phản đối việc “Mỹ gây tổn hại an ninh, chủ quyền của Trung Quốc và đe dọa hòa bình, ổn định khu vực”. Từ ngày 24/3 đến ngày 05/4, Trung Quốc tổ chức tập trận trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Vi Châu 24 hải lý về phía Đông Bắc và 11 hải lý về phía Đông Nam. Trong đó, ngày 26/3, tàu sân bay Liêu Ninh và khoảng 40 tàu chiến, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã đi vào khu vực phía Nam đảo Hải Nam để tiến hành tập trận. Tại buổi họp báo hôm 29/3, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường đã xác nhận Trung Quốc đang tiến hành cuộc tập trận theo kế hoạch hàng năm nhằm kiểm tra năng lực tác chiến của quân đội nước này, song từ chối bình luận về các thông tin liên quan sự tham gia của biên đội tàu sân bay Liêu Ninh. Trung Quốc (01/4) đưa tin không quân Trung Quốc (27/3) đã điều 12 máy bay ném bom H-6K xuất phát từ tỉnh Thiểm Tây đến “một địa điểm ở Biển Đông” để tiến hành huấn luyện và diễn tập chiến đấu tầm xa. Từ ngày 04/4 đến ngày 12/4 để tiến hành tập trận bắn đạn thật kéo dài 07 ngày tại khu vực phía Đông Nam đảo Hải Nam, với sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và 48 tàu chiến các loại, 76 máy bay chiến đấu và hơn 10.000 binh sỹ và nhiều tàu ngầm thuộc hạm đội Bắc Hải, Đông Hải và Nam Hải. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/4) đã trực tiếp thị sát cuộc tập trận này. Dư luận cho rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời đáp trả sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ và các nước ở Biển Đông, cũng như việc Mỹ tăng cường hợp tác quân sự với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam. Cùng thời gian nay, Hải quân Trung Quốc cũng thông báo tiến hành tập trận trong khu vực rộng khoảng 950 km2 tại cảng Quỳnh Hải, phía Đông đảo Hải Nam. Cục Hải sự Trung Quốc (13/4) thông báo quân đội nước này tập trận bắn đạn thật tại eo biển Đài Loan từ 8h00-24h00 ngày 18/4. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục nâng cấp cơ sở hạ tầng và triển khai một số hoạt động trên thực địa như xây dựng cơ sở thử nghiệm tàu không người lái quy mô lớn, hoàn hành lắp đặt trung tâm thông tin liên lạc trên đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa. Từ ngày 9/5 đến 12/5, Trung Quốc tiếp tục tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Cùng thời gian này, Đài Loan cũng tiến hành tập trận bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa cuộc Việt Nam từ ngày 23/5 đến ngày 25/5. Truyền thông Trung Quốc (15/6) cho biết, Trung Quốc đã điều máy bay không người lái tham gia tập trận tên lửa mô phỏng việc chống lại cuộc tấn công trên không ở Biển Đông.

Về các hoạt động quân sự, Trung Quốc đang gấp rút hoàn thiện tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Sơn Đông trong năm 2018, đồng thời tiến hành thử nghiệm các loại vũ khí chiến lược có tính răn đe cao như tên lửa Đông Phong DF-5C, Đông Phong DF-16 và máy bay J-20. Các loại vũ khí này giúp Trung Quốc tăng năng lực tiến hành phong tỏa và  ngăn chặn tiếp cận. Để tăng kiểm soát thực địa, Trung Quốc đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng chiếm đóng trái phép tại 8/20 điểm ở quần đảo Hoàng Sa và ít nhất là với 3/7 điểm ở Trường Sa. Các công trình này cho phép Trung Quốc có thể cùng lúc bố trí nhiều loại vũ khí tác chiến và phòng thủ khác nhau, như rada, tên lửa phòng không và đối hạm, các máy bay tuần tra và trinh sát tàu ngầm. Các vũ khí hiện đại nhất của Trung Quốc như tàu sân bay Liêu Ninh, các tàu khu trục Trường Sa, Hải Khẩu, và máy bay ném bom H-6 đã tham gia trong từng hạng mục của mỗi giai đoạn diễn tập, Tuy nhiên, trước sức ép dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn khẳng định việc xây dựng tại các đảo, đá là việc làm trong “phạm vi chủ quyền”, không liên quan đến “quân sự hóa”, và các cuộc diễn tập là “theo lộ trình thường niên”, đã được lập kế hoạch trước.

Trong lĩnh vực dân sự, Trung Quốc đang đẩy nhanh quy hoạch, quản lý biển, tăng cường hợp tác khoa học kỹ thuật, nhấn mạnh các ứng dụng khoa học kỹ thuật biển có tính đột phá với lý do là hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho an toàn hàng hải khu vực. Theo đó, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thiện việc đặt tên cho 255 cấu trúc ở Biển Đông, mở chi nhánh của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China) tại thành phố được thành lập trái phép “Tam Sa”, thử nghiệm các chuyến bay dân sự, và cho phép “công ty vận tải tư nhân” Hải Hiệp đưa khách du lịch, đoàn viên thanh niên, sinh viên ra Hoàng Sa. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã hạ thủy hai tàu khảo sát khoa học hiện đại có khả năng hoạt động toàn cầu, đưa dữ liệu từ các trạm quan trắc trên các đảo, đá tranh chấp tại Trường Sa vào hệ thống dịch vụ dữ liệu, và để ngỏ việc xây dựng trạm quan sát đáy biển, trạm giám sát sóng thần tại Biển Đông. Trên phương diện hợp tác quốc tế, Trung Quốc đã lần thứ ba chủ trì cuộc khảo sát khoa học IODP với sự tham gia của 33 chuyên gia quốc tế, và đề ra kế hoạch phát triển các nhà máy điện hạt nhân trên biển theo Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 với sự hợp tác của Nga…

Xu hướng chính sách Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2019

Trong năm 2019, Trung Quốc sẽ chủ động hơn trong các hoạt động đối ngoại, tuyên truyền và quân sự ở Biển Đông; tích cực thúc đẩy hợp tác trong một số lĩnh vực vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải; đẩy nhanh quá trình đàm phán COC. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn trong yêu sách chủ quyền và ngăn chặn các nước lớn can dự vào vấn đề Biển Đông.

Nhìn tổng thể, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách hiện nay trong vấn đề Biển Đông, song sẽ chủ động giảm các hoạt động quân sự hóa phi pháp trên các đảo nhân tạo và đẩy mạnh các hoạt động tuần tra, tập trận, thăm dò khai thác tài nguyên ở Biển Đông.

Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện chính sách “mập mờ” về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông, không đưa ra các giải thích cụ thể, làm rõ bản chất, nội dung và phạm vi liên quan yêu sách “đường chín đoạn” và “quyền lịch sử”; sử dụng “các đảo khác nhau ở Biển Đông” để né tránh lập trường công khai về quy chế pháp lý của nhóm hoặc từng thực thể ở Trường Sa; cụ thể hóa nguyên tắc “đất thống trị biển”, lấy các đảo ở Biển Đông là cơ sở chính để yêu sách nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa căn cứ từ các đảo ở Biển Đông. Việc tách biệt giữa yêu sách “nội thủy, lãnh hải và tiếp giáp lãnh hải” với yêu sách “vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” quy thuộc cho “các đảo ở Biển Đông” để ngỏ khả năng diễn giải rằng thực thể có thể có quy chế pháp lý khác nhau.

Trung Quốc cũng sẽ điều chỉnh chính sách đối ngoại mang tính “hòa dịu” hơn với các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, ngoại giao để hạn chế tác động của phán quyết của Tòa trọng tài, đồng thời ngăn chặn sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài; tiếp tục sử dụng chiến thuật “chia để trị”, vận động các nước thân Trung Quốc trong khi hăm dọa các nước liên quan đến tranh chấp để ngăn chặn việc hình thành mặt trận chung chống lại Trung Quốc; tiếp tục tăng cường đối thoại và can dự với các nước liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông; tiến hành tham vấn song phương lần thứ 4 và hợp tác chung với Philippines ở Biển Đông; tăng cường sử dụng “ngoại giao tiền tệ” để mua chuộc, lôi kéo các nước liên quan tranh chấp ở Biển Đông; tìm cách vận động các nước ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ngăn cản các nước khác công khai ủng hộ phán quyết và phê phán của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những tình huống cụ thể, Trung Quốc cũng sẽ răn đe các nước liên quan, chặn các diễn đàn đa phương đề cập đến vấn đề Biển Đông, đặc biệt là tại các diễn đàn đa phương do Trung Quốc hậu thuẫn hoặc chịu tác động, ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tích cực và chủ động hơn trong việc thúc đẩy đàm phán COC với các nước ASEAN nhằm tạo dựng “uy tín và niềm tin” đối với các nước ASEAN về nỗ lực và quyết tâm của Trung Quốc trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ chủ động thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa các bên tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông, nhằm mục tiêu tăng cường tin cậy, thúc đẩy hợp tác và chia sẻ lợi ích trong các lĩnh vực như phòng chống và hạn chế thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học và an toàn hàng hải.

Trung Quốc sẽ chủ động lồng ghép vấn đề hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật biển với các chiến lược lớn như “Một vành đai, Một con đường” nhằm “làm dịu” căng thẳng, “mềm hoá” tranh chấp, tránh tạo ra cớ các nước lớn khác can dự. Trung Quốc cũng tranh thủ quá trình mở rộng kết nối hạ tầng của các tỉnh ven biển với bên ngoài, kết hợp với các văn bản nội luật, quy hoạch phát triển mới nhằm từng bước hợp thức hoá cơ sở hạ tầng tại khu vực chiếm đóng trái phép. Song thái độ mềm dịu của Trung Quốc chỉ là tạm thời và phụ thuộc vào tình hình chính trị nội bộ và nhu cầu đối ngoại của Trung Quốc.

Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh toàn diện, tăng cường khả năng kiểm soát trên thực địa, hoàn thành quá trình quân sự hóa ở Biển Đông; tập trung mọi nguồn lực để phát triển hải quân, lực lượng chấp pháp trên biển; tích cực nghiên cứu, chế tạo và biên chế thêm nhiều loại khí tài quan trọng cho Hải quân, Cảnh sát biển, Ngư chính, Kiểm ngư; tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát ở Biển Đông; tiếp tục củng cố chứng cứ pháp lý, ngụy tạo bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp hàng năm, tích cực điều lực lượng chấp pháp trên biển ngăn chặn, bắt giữ ngư dân các nước ở Biển Đông.

Trong lĩnh vực thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên ở các vùng biển tồn tại tranh chấp, nhất là thúc đẩy quá trình thăm dò, khai thác băng cháy; tìm cách ngăn chặn các nước, nhất là Việt Nam hợp tác khai thác dầu khí với nước ngoài. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ điều các giàn khoan thăm dò dầu khí như Hải Dương 981, Hải Dương 982… vào sâu trong thềm lục địa của Việt Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ tăng cường hoạt động nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị phục vụ hoạt động thăm do, khai thác tài nguyên ở vùng biển sâu.

Ngoài ra, trong năm 2019, Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động khảo cổ ở Biển Đông, nhằm tìm kiếm chứng cứ lịch sử để phục vụ công tác tuyên truyền trong nước và củng cố chứng cứ pháp lý về yêu sách vùng nước lịch sử ở Biển Đông.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.