“Giấc mộng” châu Âu của Trung Quốc lung lay sau vụ Ba Lan bắt giám đốc Huawei – Theo SCMP
Tuesday, January 15, 2019
3:48:00 PM
//
Slider
,
Tin thế giới
15/01/2019
Sau vụ Warsaw bắt giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan Wang Weijing vì cáo buộc gián điệp, tham vọng gia tăng hiện diện của Trung Quốc tại châu Âu, đặc biệt là Đông và Trung Âu, dường như có thêm một chướng ngại mới, giới quan sát nhận định.
Nghi phạm Trung Quốc Weijing Wang (Ảnh: Wnp.pl)
Hãng thông tấn nhà nước Ba Lan PAP đưa tin, cơ quan an ninh quốc gia nước này ngày 11/1 đã bắt một doanh nhân Trung Quốc và một công dân Ba Lan với cáo buộc gián điệp. Theo đó, nghi phạm người Trung Quốc là giám đốc kinh doanh của Huawei Ba Lan, ông Weijing Wang.
SCMP dẫn lời các chuyên gia nói rằng, những lùm xùm xung quanh nghi án gián điệp của Wang không chỉ tiếp tục châm ngòi cho cuộc khủng hoảng về tín nhiệm của Huawei trên toàn cầu, mà còn đe dọa tới tham vọng gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở Đông Âu và Trung Âu.
Giới quan sát đồng thời cảnh báo căng thẳng leo thang sau khi Ba Lan bắt Wang vì cáo buộc gián điệp có thể sẽ khiến quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu tệ đi trong bối cảnh 2 bên đang mâu thuẫn về vấn đề thương mại cũng như ngày càng gia tăng những quan ngại liên quan tới sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc phát động.
Nhà nghiên cứu châu Âu tại đại học Renmin, Trung Quốc Wang Yiwei cho rằng vụ bắt giữ giám đốc kinh doanh của Huawei tại Ba Lan cho thấy sự cạnh tranh và căng thẳng giữa Mỹ-Trung Quốc về lĩnh vực công nghệ đã lan sang châu Âu.
“Rõ ràng, Mỹ đang vận động các đồng minh và đối tác châu Âu để ngăn chặn Huawei”, nhà nghiên cứu Wang cho biết.
Sự việc Ba Lan bắt nhân viên cấp cao Huawei diễn ra chỉ hơn 1 tháng sau khi Canada bắt giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Trung Quốc Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ với cáo buộc “lừa đảo nhiều tổ chức tài chính”. Điều này phản ánh một hiện thực rằng Huawei đang đối diện với sự giám sát mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế xung quanh những nghi vấn rằng họ là công cụ gián điệp cho chính phủ và quân đội Trung Quốc.
Global Times, tờ báo do đảng Cộng sản Trung Quốc quản lý, đã chỉ trích mạnh mẽ Ba Lan hôm 14/1 sau khi giới chức Warsaw kêu gọi liên minh châu Âu EU và NATO tuyên bố lập trường chung về Huawei.
Global Times chỉ trích Ba Lan là “đồng phạm” của Mỹ và cảnh báo rằng Warsaw “sẽ phải trả giá” vì hành động trên, cũng như khuyến nghị rằng “Trung Quốc không nên mềm yếu vào lúc này”. “Bắc Kinh nên thương thuyết với Ba Lan và nên có các biện pháp trả đũa tương xứng, giúp cho thế giới hiểu rằng Warsaw là “đồng phạm” của Mỹ”, Global Times viết.
Ba Lan là nơi Huawei đặt trụ sở đại diện Trung Âu, Đông Âu và Bắc Âu, là nơi có vị thế chiến lược với cả Huawei và với chính sách châu Âu của Bắc Kinh, theo chuyên gia đối ngoại Pang Zhongying.
“Sau khi gặp trở ngại tại các nước nói tiếng Anh lớn như Mỹ, Australia, New Zealand, Huawei đang đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì vị thế vững chắc của họ tại Trung Âu và Đông Âu. Chiến lược toàn cầu của tập đoàn này có thể thất bại hoàn toàn nếu như họ không thành công ở châu Âu”, ông Pang nói.
Ngoài ra, cả ông Pang và ông Wang Yiwei đều đánh giá rằng việc bắt giám đốc Huawei tại Ba Lan sẽ là phép thử quan hệ giữa Bắc Kinh với Warsaw và sẽ khiến tham vọng của Trung Quốc tại châu Âu gặp trở ngại
(Ảnh minh họa: Reuters)
Bắc Kinh đã đầu tư mạnh vào Đông Âu và Trung Âu trong những năm qua trong khuôn khổ dự án “Vành đai, con đường”.
Từ năm 2012, Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh “16+1” đầu tiên với các nước Đông và Trung Âu và cam kết sẽ đầu tư 15 tỷ USD vào các quốc gia này.
Ba Lan là một trong những nền kinh tế phát triển nhất trong nhóm các quốc gia trên và họ cũng là nước có quan hệ thương mại gần gũi với Trung Quốc, cũng như từng ban hành chính sách theo hướng khá thân với Trung Quốc từ 5 năm trước.
Vì vậy, việc Ba Lan bắt giám đốc Huawei vì cáo buộc gián điệp có thể khiến các nước Tây Âu thêm phần quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực.
Huawei đang chịu nhiều áp lực ở châu Âu kể từ khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt. Tháng trước, EU đã cảnh báo các nước thành viên về mối đe dọa an ninh từ Huawei. Tuần qua, cả Na Uy và Thụy Điển tuyên bố họ sẽ xem xét việc cho phép Huawei xây dựng mạng lưới 5G tại 2 nước hay không. Cộng hòa Séc được cho là cũng đang điều tra các sản phẩm của Huawei với quan ngại có thể bị tấn công mạng.
Ông Pang cũng cảnh báo rằng dù Mỹ và EU đang có nhiều sự bất đồng về thương mại và quan điểm chính trị, nhưng họ có thể tìm được tiếng nói chung trong mục tiêu chống Trung Quốc. Chuyên gia này cũng cảnh báo về cái gọi là “phản ứng dây chuyền” với Huawei và Trung Quốc trong tương lai gần khi các nước đồng loạt có thể có động thái gây bất lợi do quan ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Đức Hoàng Theo SCMP
0 comments