Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 11-10-2016

Tuesday, October 11, 2016 6:29:00 PM // , ,

Tin  Việt Nam – 11-10-2016
Blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh@CRD

Châu Âu kêu gọi Việt Nam trả tự do cho blogger Mẹ Nấm

Hôm nay, 11/10/2016, Liên Hiệp Châu Âu kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị bắt tại nhà riêng hôm qua 10/10/2016, ở Nha Trang. Blogger Mẹ Nấm được tổ chức Civil Rights Defenders (CRD), có trụ sở tại Thụy Điển, trao giải thưởng « Người bảo vệ nhân quyền » năm 2015.
Theo Reuters, đại diện Liên Hiệp Châu Âu tại Việt Nam khẳng định việc bắt giữ blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là « đi ngược lại các cam kết về quyền con người của Việt Nam với quốc tế và trong nước ». 
Hôm qua, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị công an bắt với cáo buộc « tuyên truyền chống Nhà nước ». Một thông báo của công an được đưa lên mạng cho biết blogger Mẹ Nấm đã công bố một tài liệu mang tên « Stop police killing civilians  » (Dừng ngay việc công an giết dân), thông tin về 31 người dân bị chết trong đồn cảnh sát trong thời gian gần đây.
Công an Việt Nam cũng cáo buộc blogger nổi tiếng này nhận tiền từ tổ chức « Việt Tân », có trụ sở tại Hoa Kỳ (bị bộ Công An đưa vào danh sách « tổ chức khủng bố » từ ngày 04/10/2016), để in áo thun phản đối dự án bô xít ở Tây Nguyên, tham gia nhiều nhóm hội độc lập với nhà nước như « Tuyên bố công dân tự do », « Mạng lưới blogger Việt Nam »  trong các hoạt động vì nhân quyền và phản đối Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn Reuters, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cho biết hành động bắt bớ nói trên là nhằm để « trả thù » con gái bà, về các hoạt động vì dân chủ.
Theo nhiều nhà quan sát, « cho dù có nhiều cải cách rộng lớn về kinh tế và thái độ cởi mở đối với nhiều thay đổi xã hội, như thừa nhận quyền của những người đồng tính, chuyển giới, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn duy trì một hệ thống kiểm duyệt khắc nghiệt và không chấp nhận các chỉ trích nhắm vào chế độ ». 
Trong thời gian gần đây, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đặc biệt tích cực trong các hoạt động phản đối công ty thép Formosa tại tỉnh Hà Tĩnh, một chi nhánh của tập đoàn Formosa Đài Loan, thủ phạm gây ra thảm họa cá chết, khiến cuộc sống của hàng triệu cư dân bốn tỉnh miền Trung điêu đứng. Chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là thành viên đồng sáng lập Mạng lưới blogger Việt Nam vào năm 2013.
Theo tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Right Watch, tính cho đến cuối năm 2015, chính quyền Việt Nam cầm tù ít nhất 130 tù nhân chính trị.
*
Việt nam bắt blogger « Mẹ Nấm »
Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị bắt tại nhà riêng ở Nha Trang vào trưa nay, 10/10/2016 vì « can đảm nói sự thật ».
Theo tin của AFP, Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị công an bắt khi cùng mẹ của một nhà hoạt động đến trại giam thăm con trai là Nguyễn Hữu Quốc Duy. Thanh niên này bị kết tội « có liên hệ với đảng Việt Tân » trong phiên toà hồi tháng 8.
Theo lời kể của thân mẫu Nguyễn Thị Tuyết Lan, thì Như Quỳnh bị bắt trước cửa nhà giam. Sau đó cô bị an ninh đưa về tận nhà, tay bị còng, rồi lục soát nhà cửa suốt nhiều tiếng đồng hồ và dẫn đi.
Theo lệnh bắt thì Như Quỳnh vi phạm điều 88 bộ Luật hình sự chống nhà nước, có thể bị tạm giam đến 4 tháng và lãnh án 20 năm tù. Nhưng đối với mẹ của Như Quỳnh thì con gái bà « phạm tội can đảm nói lên sự thật ».
Các blogger khác cho biết « tài liệu công an sử dụng để kết tội Như Quỳnh là tấm bản yêu cầu khởi tố Formosa » gây ô nhiễm và « Lời kêu gọi của Mạng lưới Blogger Việt Nam » mà nhiều người Việt Nam đều có. -

Em gái 12 tuổi ‘bị bắt cóc từ Việt Nam’

Image copyrightSCMP
Image captionEm gái được xác định đã có bầu ba tháng
Nhà chức trách ở Từ Châu, Giang Tô, Trung Quốc, xác nhận một em gái 12 tuổi đang có bầu ‘đã bị bắt cóc từ Việt Nam’.
Các báo ở Trung Quốc hôm nay dẫn lời chính quyền thành phố Từ Châu xác nhận em gái này đã bị một phụ nữ tự nhận là mẹ nuôi của em bán cho một người đàn ông 35 tuổi.
Thông cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Từ Châu, phát trên mạng WeChat, nói trường hợp này sẽ được bộ phận phụ trách trẻ vị thành niên xử lý.
Em gái, tên tiếng Trung là Lan Lan, khai rằng em đã bị hai người Việt bắt cóc và mang tới tỉnh Hà Nam vào năm 2014, sau đó bị chuyển tới Từ Châu và được một phụ nữ nhận làm con nuôi.
Người phụ nữ này sau đó gả em cho một người đàn ông 35 tuổi “làm vợ” và thu 30.000 Nhân dân tệ (4.500 đôla Mỹ) tiền hồi môn.
Sau khi làm vợ người này một thời gian Lan Lan mang thai, tới nay là ba tháng.

Mở điều tra

Công an địa phương đã bắt tạm giam cả hai người đàn ông và phụ nữ, đồng thời điều tra vụ việc.
Đàn ông miền Nam Trung Quốc lâu nay tìm vợ ở nước ngoài, nhất là ở Việt Nam, vì khó kiếm vợ Trung Quốc.
Em gái được hai người nói trên mang tới bệnh viện khám thai hôm thứ Ba tuần trước. Hai người này khai em 20 tuổi nhưng bác sỹ nghi rằng em ít tuổi hơn nhiều.
Em nói rất ít tiếng Trung.
Người phụ nữ 47 tuổi và đàn ông 35 tuổi đã gây gổ với nhân viên bệnh viện khi bị tra hỏi và bệnh viện buộc phải gọi cảnh sát.
Cơ quan cảnh sát địa phương thông báo trên mạng Weibo rằng hai người này bị nghi mắc tội bắt cóc và buôn bán trẻ em. – BBC

‘Chống suy thoái nhưng chưa có đột phá’

Image copyrightGETTY
Image captionTBT Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nhu cầu chống ‘tự diễn biến’
Khai mạc Hội nghị Trung ương 4 của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng này và đề ra nhiệm vụ chống ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ vì đây là vấn đề hệ trọng và cơ bản.
Ông thừa nhận ‘tình trạng suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường.
Giáo sư Nguyễn Phú Trọng coi nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là trọng tâm, theo các báo Việt Nam tường thuật về Hội nghị Trung ương 4 Khóa XII tại Hà Nội hôm 8/10.
Về tình hình đất nước, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận còn nhiều lĩnh vực thiếu “đột phá” hoặc chưa có chuyển biến gì rõ rệt:
“Đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN còn chậm, chưa có bước đột phá về huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển theo tín hiệu và cơ chế thị trường.”
“Cần bổ sung thêm giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì?”
“Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp cần có thêm quy định, hướng dẫn thì cách thức tổ chức thực hiện thế nào?” ông Trọng tự hỏi.
Các giải pháp, định hướng nếu có, theo GS Trọng, vẫn là mục tiêu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ông nói:
“Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam,”
“Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.”
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo lực nội bộ nghiêm trọng như nổ súng bắn chết bí thư tỉnh ủy Yên Bái, và khiếu kiện đông tới hàng nghìn người ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh đòi tập đoàn Formosa rời Việt Nam sau khi xả thải gây nhiễm độc biển.
Sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh, cựu phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang bỏ trốn biệt tămcũng khiến dư luận chú ý đến các vấn đề nội bộ của Đảng và chính quyền tại Việt Nam.

‘Chủ nghĩa cộng sản tốt hơn dân chủ’

Sau Đại hội 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 1/2016, GS Nguyễn Phú Trọng được báo chí quốc tế mô tả là “nhà lý luận 71 tuổi tái đắc cử làm người đứng đầu đảng và cũng thực tế là người đứng đầu bộ máy chính quyền”.

Image captionTBT Nguyễn Phú Trọng thăm công trình Formosa tại Hà Tĩnh
Trang Guardian ở Anh và South China Morning Post ở Hong Kong khi đó đều trích lời của GS Trọng cho rằng “chủ nghĩa cộng sản tốt hơn nền dân chủ” (communism is better than democracy).
Tại nước láng giềng Trung Quốc, lãnh tụ Đảng Cộng sản, ông Tập Cận Bình trong mấy năm qua đã thực hiện chiến lược ‘dùng Đảng trị Nước’ và tung ra các chiến dịch ‘đả hổ diệt ruồi’ nhắm vào các nhóm đối thủ.
Trong động thái tương tự, TBT Nguyễn Phú Trọng đã nêu cao ngọn cờ chống tham nhũng và sau khi thay đổi chính phủ hồi giữa năm, ông chỉ đạo giải quyết sáu ‘đại án tham nhũng’ theo báo chí Việt Nam.
Hôm 1/10 vừa qua, phát biểu tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo chống tham nhũng, GS Trọng nói sẽ đem “sáu vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm từ nay đến cuối năm 2016 và trong quý 1/2017″.
Đó là các vụ xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank, Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam, Công ty Cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh, Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin.
Ngoài ra là vụ tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam- Chi nhánh Tp.HCM, và tại Ngân hàng thương mại Cổ phần Đại Dương, theo báo Việt Nam. - BBC

Nhiều trẻ VN ‘bị đưa vào Scotland’

23 tháng 9 2016

Image copyrightTHINKSTOCK
Image captionNhiều trẻ bị ép phải làm trong xưởng cần sa
Hơn 100 trẻ em đã bị đưa lậu vào Scotland từ 2011 – hơn một nửa là từ Việt Nam, theo số liệu BBC có được.
Khoảng một phần tư bị bắt làm trong các xưởng cần sa, một phần tư khác phục vụ tình dục.
Có những em phải làm lao động nô lệ, và những em khác bị ép làm trong các tiệm làm móng.

Trường hợp từ Việt Nam

Sang bị một băng đảng người Việt bắt khi em mới 10 tuổi.
Bố mẹ em qua đời, và em không có cách nào tự vệ.
Bị bắt ăn xin, đánh giày trên phố, em cũng bị băng nhóm thường đánh đập.
Vài năm sau, Sang được lệnh ngồi trong phía sau xe tải.
“Em bị bảo phải vào, nếu không bị đánh chết,” Sang kể.
Những tháng sau đó, Sang bị đưa đi như động vật trên các chuyến xe – thường không có thức ăn và nước – đi qua những nước như Nga, Pháp.
Em nhớ đi theo mình còn có nhiều trẻ em Việt Nam và châu Phi.
Khi hành trình dừng lại ở Glasgow, em bị nhốt trong một ngôi nhà.
“Một người giơ súng ra dọa, nói nếu em trốn, sẽ bị giết.”
Khi cảnh sát lục soát căn nhà vài tháng sau, em mới biết đã ở Scotland.
Nay Sang đang nhận giúp đỡ của tổ chức Migrant Help. – BBC

Đan Mạch cam kết thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Ngài Kristian Jensen tại Hà Nội vào ngày hôm 11/10.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Ngài Kristian Jensen tại Hà Nội vào ngày hôm 11/10.
Courtesy chinhphu.vn
Đan Mạch chia sẻ những quan ngại về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và cam kết thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam. Đó là nội dung trong những cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch Ngài Kristian Jensen với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Hà Nội vào ngày hôm 11/10.
Liên quan đến tình hình biển Đông, lãnh đạo hai nước khẳng định các bên cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), hướng tới đạt được Bộ Quy tắc về ứng ứng (COC).
Hai bên nhất trí thúc đẩy sớm ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU, tạo khuôn khổ thuận lợi mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong tương lai.
Việt Nam nhân dịp này cũng đánh giá cao những trợ giúp của Đan Mạch cho Việt Nam thông qua nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch cho biết hiện Đan mạch đã thành lập các quỹ phát triển trị giá 4 tỷ đô la để hỗ trợ các nước. Ông hy vọng có thể đưa Việt Nam vào nhóm các nước nhận hỗ trợ của các quỹ này. – RFA
HTML5

Thủ tướng Việt Nam yêu cầu báo cáo về dự án thép ở Cà Ná

Sơ đồ và vị trí xây dựng dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận.
Sơ đồ và vị trí xây dựng dự án khu liên hợp nhà máy thép Cà Ná tại Ninh Thuận.
Courtesy photo
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu 4 Bộ báo cáo về dự án thép của tập đoàn Tôn Hoa Sen dự định xây dựng ở Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận trước khi có quyết định chính thức về dự án này.
Kết luận này được đưa ra sau buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vào ngày hôm nay.
Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với  Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình cụ thể, khả năng dư thừa thép trên thế giới và ở thị trường Việt Nam. Bộ Khoa học đánh giá công nghệ, thiết của nhà máy để đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tỉnh Ninh Thuận đánh giá tác động môi trường một cách kỹ lưỡng, thận trọng, quy định chế tài nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường. Bộ Công thương được giao lấy ý kiến của các nhà khoa học về dự án.
Văn phòng Chính phủ cho biết hiện Thủ tướng vấn chưa có ý kiến về dự án này và dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. – RFA

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.