Tin Biển Đông – 11-10-2016
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, Thường Vạn Toàn, phát biểu tại Diễn đàn Quốc Phòng Hương Sơn, ngày 11/10/2016.China Daily/via REUTERS.
Biển Đông : Trung Quốc « chỉ trích » New Zealand
Thu Hằng
Tại lễ khai mạc Diễn đàn Quốc phòng Hương Sơn (Xiangshan forum) tại Bắc Kinh ngày 11/10/2016, Trung Quốc đã chỉ trích lập trường của bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời khuyến cáo các nước « không liên quan » thì không nên can thiệp.
Là người chủ trì phiên khai mạc, bà Phó Oánh (Fu Ying), chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Quốc Hội, nhấn mạnh « chúng tôi hy vọng rằng các nước không liên quan đến tranh chấp tại Biển Đông tôn trọng các nước đang có tranh chấp… để làm việc cùng nhau ». Đây cũng chính là luận điểm đã được Trung Quốc đưa ra trong cuộc Đối thoại An ninh thường niên Shangri-La tại Singapore.
Vị cựu thứ trưởng ngoại giao nói thêm : « Tôi nghĩ là các diễn tiến cho thấy rõ sự can thiệp của các nước không liên can chỉ làm phức tạp thêm các mối bất đồng và đôi khi còn gây thêm căng thẳng ».
Tuyên bố của bà Phó Oánh được đưa ra ngay sau bài diễn văn đọc tại buổi khai mạc phiên họp của bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand Gerry Brownlee. Ông nói : « Chúng tôi phản đối mọi hành động phá hoại hòa bình, làm xói mòn niềm tin và hy vọng tất cả các bên tích cực tìm ra các biện pháp để giảm bớt căng thẳng… Là một quốc gia nhỏ tham gia thương mại hàng hải, nên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là điều rất quan trọng đối với New Zealand. Chúng tôi ủng hộ phán quyết trọng tài và tin rằng các nước có quyền tìm kiếm một giải pháp quốc tế ».
Tại diễn đàn, bộ trưởng Quốc Phòng New Zealand còn đề cập đến việc Trung Quốc gia tăng bồi đắp và xây dựng nhiều công trình trên các đảo nhân tạo, trong đó có đường băng mới.
Sau lời chỉ trích của bà Phó Oánh, ông Gerry Brownlee phát biểu với Reuters rằng New Zealand có trách nhiệm nói rõ những quan ngại của mình, dù là một nước nhỏ, nhưng các bên đều có tư cách để bày tỏ quan điểm.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc chỉ trích New Zealand về tranh chấp tại Biển Đông. Vào tháng 02/2016, Wellington từng khuyến cáo Bắc Kinh kiềm chế sau khi Trung Quốc dường như triển khải một hệ thống tên lửa tối tân tại một hòn đảo ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh lại cho rằng đề xuất trên của Wellington là « không mang tính xây dựng ».
Cũng tại diễn đàn Hương Sơn, bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (Chang Wan Quan) cho biết Trung Quốc và ASEAN duy trì tập trận trên biển vào năm 2017, song ông không cho biết thêm chi tiết, đồng thời nói thêm Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các tranh chấp. – RFI
Quan tòa kêu gọi Philippines trở lại tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông
Vài ngày sau khi Philippines chính thức công bố ngừng các cuộc tập trận và tuần tra chung với Mỹ trên biển Đông, một thẩm phán của Tòa Án Tối Cao Philippines kêu gọi tổng thống nước này nên thấy vai trò quan trọng của Mỹ trên vùng biển đang trong vòng tranh chấp này.
Theo truyền thông Philippines, thẩm phán cấp cao Antonia Carpio hôm nay kêu gọi chính phủ Philippines tiếp tục trở lại tuần tra trên biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và ông cho rằng chỉ có Hoa Kỳ mới có thể giúp Philippines bảo vệ chủ quyền trên biển.
Theo Inquirer.net, thẩm phán của tòa thượng thẩm Philippines nói tại buỗi lễ kết thúc cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines vừa diễn ra trong tuần qua trên 2 đảo Luzon và Palawan, rằng “chỉ có duy nhất một cường quốc trên trái đất này có thể ngăn cản được Trung Quốc khỏi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Đó chính là Hoa Kỳ.”
Ông Carpio là khách mời danh dự trong buổi lễ kết thúc cuộc tập trận chung có tên Phiblex giữa 2 đồng minh. Cuối tháng trước trong chuyến thăm tới Hà Nội, tổng thống mới của Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố cuộc tập trận chung này sẽ là tập trận Mỹ-Philippines cuối cùng. Hôm 7/10, bộ trưởng quốc phòng Philippines chính thức thông báo Philippines sẽ ngưng kế hoạch tuần tra chung và tập trận chung với Mỹ trên biển Đông.
Giáo sư Antonio La Vina của trường đại học Ateneo de Manila của Philippines cũng đồng ý với ý kiến của thẩm pháp Carpio nhưng nói còn phải chờ xem sau chuyến thăm của tổng thống Duterte tới Trung Quốc. Giáo sư La Vina nói:
“Sau khi (tổng thống Mỹ) Obama thăm Trung Quốc và APEC, Trung Quốc trở nên rất hung hãn trên biển Đông. Nhưng Philippines giờ đây có một chính phủ mới và Philippines không muốn có sự đối đầu với Trung Quốc hay với Mỹ cho tới khi Tổng thống Obama hết nhiệm kỳ.”
Tổng thống Duterte, người vừa nhậm chức cuối tháng 6 vừa qua, không muốn tiếp tục hợp tác với hải quân Mỹ trên biển Đông. Ông nói ông không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Theo trang tin tức Rappler, kể từ khi lên nắm quyền, ông Duterte đã theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và dùng mối quan hệ với Bắc Kinh để cắt đứt mối quan hệ đồng minh với Washington.
Giáo sư La Vina nói sự thay đổi này của ông Duterte là có lý do:
“Là đồng minh với Mỹ có những cái tốt nhưng đó không hẳn là một chiến lược và chính sách đối ngoại tốt cho Philippines. Chúng ta nên tìm kiếm sự cân bằng với các cường quốc. Và dưới sự lãnh đạo của ông Duterte, sẽ có thay đổi.”
Thẩm phán Carpio trích dẫn hiếp pháp Philippines rằng “các lực lượng quân đội phải có trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Và ai là người đứng đầu các lực lượng quân đội này? Đó là tổng thống.”
Nhưng ông Duterte, được tờ Bưu Điện Washington trích lời nói hôm nay trong buổi lễ này rằng “quân đội Mỹ đem về tất cả các vũ khí hùng mạnh và công nghệ cao sau mỗi cuộc tập trận,” và “họ là người hưởng lợi và chúng ta chẳng thu được gì.”
Mỹ và Philippines đã có 28 cuộc tập trận chung thường niên bao gồm 3 cuộc tập trận lớn với sự tham gia của hàng nghìn binh lính, để chuẩn bị cho sự đối phó với thiên tai và xung đột vũ trang. Mặc dù phía Mỹ muốn tiếp tục các cuộc tập trận này nhưng ông Duterte nhất quyết tạm ngừng các kế hoạch đó.
Giữa tháng 7 vừa qua, tòa trọng tài quốc tế La Haye ra phán quyết trao phần thắng cho Philippines trong vụ kiện lịch sử Trung Quốc đối với tuyên bố chủ quyền của nước này trên hầu hết biển Đông. Nhưng khi ông Duterte lên thay ông Benigno Aquino trong chức vụ tổng thống, ông đã tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng đường lối ngoại giao và hợp tác. – VOA
0 comments