Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Thế giới cần áp dụng các chế tài với Việt Nam vì những đàn áp nhân quyền thời gian qua

Monday, January 18, 2021 1:49:00 PM // ,

Lập Quyền Dân

2021-01-18

Thế giới cần áp dụng các chế tài với Việt Nam vì những đàn áp nhân quyền thời gian quaHình minh hoạ. Phiên toà xử 3 thành viên hội Nhà báo Độc Lập Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh hôm 5/1/2021
 Reuters















Các báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm 14/1/2021 ra thông cáo báo chí lên án chính quyền Việt Nam bỏ tù các nhà báo thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAV) chỉ vài tuần trước Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN). Thông cáo báo chí gọi hành động này của chính quyền Việt Nam là một cảnh báo ớn lạnh gửi đến các nhà bảo vệ nhân quyền và những người hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

Những bản án “chào mừng” Đại hội

Ngày 14/1/2021, Giám đốc Tổ chức Người bảo vệ Nhân quyền (DTD) [Defend the Defenders] Vũ Quốc Ngữ nói với BBC về những tổn thất nặng nề mà phong trào đấu tranh dân chủ và nhân quyền phải gánh chịu, khi các nhà hoạt động tiêu biểu như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng đều bị bắt. Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định rằng, 2020 là năm tình trạng nhân quyền của Việt Nam “tồi tệ hơn với các bản án nặng nề hơn”, khi chính phủ Việt Nam bắt bớ và xét xử những nhà hoạt động dân chủ “cuối cùng”.

Nhận định của ông Vũ Quốc Ngữ được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa công bố báo cáo thường niên 2020 dài hơn 700 trang về tình hình nhân quyền 100 nước trên thế giới. Việt Nam được dành trọn 5 trang. Trong đó, HRW mô tả Việt Nam “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản trong 2020… Việc thắt chặt các hạn chế đối với quyền tự do ngôn luận dường như có liên quan đến Đại hội Đại biểu Toàn quốc ĐCSVN, dự kiến diễn ra cuối tháng 1/2021”.

partycongress132222.jpeg
Hình minh hoạ. Một nhân viên an ninh đứng trước tấm biển quảng bá cho Đại hội 13 Đảng Cộng sản Việt Nam ở Hà Nội. Reuters

Càng gần đến ngày Đại hội (25/1 tới) chính quyền Việt Nam càng bắt giữ liên tục nhiều nhà báo, blogger, các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Văn phòng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) mới đây vừa bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc chính phủ Việt Nam gia tăng làn sóng đàn áp dựa trên “các điều luật được định nghĩa một cách mơ hồ”.

Trong một cuộc họp báo tại Genève hôm 8/1/2021, phát ngôn viên Ravina Shamdasani của OHCHR nhận định: “Hiện đang có xu hướng đàn áp ngày càng gia tăng nhắm vào quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam”. Phát ngôn viên OHCHR “nhấn mạnh đến việc nhiều nhà tranh đấu bị tạm giam bất hợp pháp trong thời gian dài trước khi xét xử”. OHCHR cũng thường xuyên có các báo cáo “bày tỏ lo ngại về cách đối xử với họ trong trại giam”, cũng như “đòi quyền được xét xử công bằng đối với họ mỗi khi bị xâm phạm”. Phát ngôn viên của LHQ đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhiều người đã phải nhận các bản án tù nhiều năm, sau khi bị kết tội chống lại an ninh quốc gia.

OHCHR nêu đích danh trường hợp của ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn. Ba nhà báo này vừa bị một tòa án tại Thành phố Hồ Chí Minh kết án ngày 5/1, vì tội “làm ra, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước” theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế. Các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị kết án 11 năm tù và ba năm quản chế.

Phát ngôn viên Shamdasani kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo Công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Theo phát ngôn viên LHQ, việc Việt Nam bắt giữ người tùy tiện, dựa trên các điều luật được định nghĩa mơ hồ như trên, là vi phạm điều 19 về Tự do Ngôn luận của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) cũng lên án bản án 37 năm tù dành cho ba lãnh đạo nói trên từ IJAV. Trả lời Đài RFI, ông Daniel Bastard, phụ trách châu Á-Thái Bình Dương của RSF nhận định: “Các bản án được tuyên đối với các nhà báo của IJAV thực sự gây sốc. Cần biết rằng các thành viên này của hội từng là cựu quân nhân. Nhà nước Việt Nam buộc họ phải trả giá cho những phát biểu tự do và những chỉ trích ban lãnh đạo đảng vốn hoàn toàn xơ cứng”.

Không chỉ các tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng về các bản án “khắc nghiệt” và kêu gọi trả tự do cho ba thành viên của IJAVN vừa bị chính quyền đưa ra xét xử. Trong thông cáo gửi cho VOA tối ngày 5/1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ viết: “Chúng tôi rất thất vọng khi hay tin về những bản án khắc nghiệt do một tòa án ở Việt Nam xét xử đối với ba thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có ông Phạm Chí Dũng, người sáng lập kiêm Chủ tịch của Hội”. Cũng theo Bộ Ngoại giao Mỹ, những bản án khắc nghiệt này là  biểu hiện mới nhất của xu hướng bắt giữ và kết án đáng lo ngại nhằm vào các công dân Việt Nam thực hiện các quyền được ghi trong Hiến pháp Việt Nam.

Đạo luật Magnitsky vẫn chưa tạo được áp lực

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định tiếp: “Tự do báo chí là nền tảng của sự minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các tác giả, blogger và nhà báo thường làm công việc của họ với rủi ro lớn, và chúng tôi kêu gọi các chính phủ và công dân trên toàn thế giới – bao gồm cả Chính phủ Việt Nam – phải bảo vệ họ”. Còn EU thì mong muốn Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho ba nhà báo vừa bị xử hôm 5/1, cũng như tất cả các nhà báo, blogger và các nhà bảo vệ nhân quyền bị bỏ tù, vì đã bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa. EU cho biết họ sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các cơ quan chức năng và tất cả các bên liên quan để cải thiện tình trạng nhân quyền ở Việt Nam.

Theo Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ), tính đến hiện nay đang có 15 nhà báo bị giam giữ tại Việt Nam. Nhiều nhà hoạt động vì các quyền tự do khác, như quyền tự do tín ngưỡng, đã bị bắt, tuyên phạt với các bản án khắt khe, phải chịu chế độ quấy rối có hệ thống, kể cả bị ép cung, tra tấn. Thống kê của các tổ chức theo dõi nhân quyền đều cho thấy tình trạng đàn áp khốc liệt trong năm qua. Tổ chức Ân xá Quốc tế trong báo công bố ngày 1/12, ghi nhận Việt Nam đang giam giữ ít nhất 170 tù nhân lương tâm (TNLT), con số kỷ lục kể từ khi Ân xá Quốc tế bắt đầu theo dõi tình trạng TNLT tại Việt Nam.

Theo DTD, con số TNLT hiện bị giam giữ thật ra còn cao hơn thế. Thống kê của tổ chức này cho rằng, ít nhất có 260 TNLT đang trong lao tù Việt Nam. Ông Vũ Quốc Ngữ trong một cuộc phỏng vấn với Nhật báo Người Việt vào ngày 27/12 cho biết, năm 2020, Đảng CSVN bắt giữ 31 nhà hoạt động, chưa kể 29 dân oan đấu tranh cho đất của họ ở xã Đồng Tâm.

Trước làn sóng “khủng bố trắng” nói trên, có 8 dân biểu Hoa Kỳ đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, từ văn phòng của Dân biểu Alan Lowenthal, vào ngày 18/12/2020. Đây là một bức thư đặc biệt. Trong đó, các dân biểu nêu rõ biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam bị cho là vi phạm quyền con người. Biện pháp đó là áp dụng Luật Magnitsly đối với 8 thành viên bị nêu tên của Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Những người bị tố cáo đánh đập, tra tấn tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa gồm: Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Đại uý Nguyễn Văn Sáng, Trung uý Lê Anh Đức, Đại uý Trần Anh Đức,  Đại tá Nguyễn Huy Chương,  Thiếu tá Trương Quang Quốc, Thiếu uý Bùi Xuân Đạt, và  Đại uý Nguyễn Đình Đức.












Các Dân biểu Hoa Kỳ ký tên vào lá thư gửi hai bộ trưởng Pompeo và Mnuchin bày tỏ mong muốn các biện pháp trừng phạt có mục tiêu sẽ có tác động. Vào thời điểm mà chính phủ Việt Nam đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và sản phẩm của Mỹ, phải kiên quyết bảo vệ mạnh mẽ quyền con người và pháp quyền. nhưng liệu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đáp ứng yêu cầu của các vị Dân biểu không?

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã trả lời RFA qua điện thư rằng: “Chúng tôi không cho biết trước về khả năng có thể trừng phạt”. Về phía chính quyền Hà Nội, Đài RFA cũng đã gọi điện cho Bộ Công an để hỏi về vụ việc, nhưng người trả lời điện thoại cúp máy, sau đó không trả lời đường dây nữa.

Chương trình bảo trợ TNLT – “Dự án Bảo vệ Tự Do” – là một trong những chương trình chính của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc Hội Hoa Kỳ. Hôm 7/1/2021, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Washington có thể trừng phạt những người liên quan đến các vụ bắt giữ và sẽ cử đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc đến thăm Đài Loan. Hy vọng với tân chính quyền sau mùa bầu cử vừa qua ở Mỹ, vấn đề vi phạm dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam sẽ lọt vào vòng ngắm của các cơ quan hữu quan ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm giữa Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh hôm 15/1/2021 với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, hai bên vẫn chưa hề đề cập đến vấn đề vi phạm nhân quyền của Hà Nội. Trong khi đó, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã kết luận điều tra, xác định Việt Nam có các hành động, chính sách, cách làm can thiệp vào thị trường ngoại hối, tạo gánh nặng và hạn chế thương mại của Mỹ. Xem ra, Đạo luật Magnitsky vẫn chưa tạo được áp lực cần thiết để hậu thuẫn xã hội dân sự ở Việt Nam./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do  

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.