Biden sẽ dùng lệnh hành pháp để đảo ngược các chính sách của Trump
BBC
Vừa xuất hiện các thông tin chi tiết về một loạt lệnh hành pháp mà tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ban hành ngay sau khi ông nhậm chức trong tuần này.
Truyền thông Mỹ đưa tin, ông Biden sẽ ban hành các sắc lệnh để đảo ngược lệnh cấm đi lại của Tổng thống Trump và tái gia nhập hiệp định Paris về biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên nắm quyền.
Tổng thống đắc cử cũng dự kiến sẽ tập trung vào việc giúp những gia đình bị chia cắt ở biên giới Mỹ-Mexico được đoàn tụ, đồng thời đưa ra các chỉ thị về Covid-19 và việc phải đeo khẩu trang.
Ông Biden sẽ nhậm chức vào thứ Tư này.
Tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ đang trong tình trạng báo động đỏ về bạo lực có thể xảy ra trong thời gian cận kề lễ nhậm chức, với hàng nghìn binh lính Vệ binh Quốc gia được triển khai để bảo vệ Washington DC.
Biden sẽ ban hành những thay đổi chính sách nào?
Trong vài tiếng đồng hồ sau khi đặt chân vào Nhà Trắng, ông Biden sẽ cho ra một loạt lệnh hành pháp được thiết kế để đưa ra tín hiệu cho thấy một sự đoạn tuyệt dứt khoát với chính quyền người tiền nhiệm, theo một bản ghi chú được truyền thông Mỹ đưa tin.
Một số lệnh được lên kế hoạch ban hành ngay sau khi nhậm chức:
- Mỹ tái gia nhập Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu - hiệp ước toàn cầu về cắt giảm lượng khí thải carbon
- Bãi bỏ lệnh cấm đi lại đối với các quốc gia với đa số dân theo đạo Hồi vốn gây tranh cãi
- Bắt buộc phải đeo khẩu trang ở những nơi thuộc các cơ sở liên bang và khi đi lại giữa các tiểu bang
- Gia hạn các lệnh tạm ngưng trục xuất và tịch thu nhà để thế nợ
Các lệnh hành pháp chỉ là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng của ông trong 10 ngày đầu nắm quyền, theo bản ghi chú.
Tổng thống đắc cử cũng dự kiến sẽ trình Quốc hội một dự luật mới về nhập cư, cũng như tập trung vào việc thông qua kế hoạch kích cầu 1,9 ngàn tỉ đôla để giúp nền kinh tế đất nước phục hồi sau dịch virus corona.
Ông Biden cũng nói chính quyền của ông sẽ đặt mục tiêu cung cấp 100 triệu liều tiêm Covid-19 trong 100 ngày đầu tiên ông tại vị - mô tả việc triển khai vấn đề này cho đến nay là một "thất bại thảm hại".
"Tổng thống đắc cử Biden sẽ hành động - không chỉ để đảo ngược những thiệt hại trầm trọng nhất của chính quyền Trump - mà còn để bắt đầu đưa đất nước của chúng ta tiến lên phía trước", Chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai Ron Klain viết trong bản ghi chú.
Biden phải đối mặt với những thách thức nào?
Tổng thống đắc cử đang tiếp quản một đất nước trong một đại dịch vô tiền khoáng hậu. Số ca tử vong hàng ngày do Covid-19 lên tới hàng ngàn người và có gần 400.000 người đã thiệt mạng.
Trong bối cảnh virus hoành hành, đất nước đang quay cuồng với bạo lực chính trị nổ ra gần đây.
Chủ đề cho lễ nhậm chức của ông Biden sẽ là "Nước Mỹ đoàn kết lại", tổng thống đắc cử tập trung vào việc hàn gắn những chia rẽ chính trị. Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ tham dự buổi lễ, mặc dù ông Trump đã nói rằng ông sẽ không có mặt.
Ông Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào đúng hai tuần sau khi xảy ra bạo động tại Điện Capitol Hoa Kỳ hôm 6 tháng Một, vốn có mục đích phá bỏ chiến thắng bầu cử của ông.
Sự hiện diện an ninh ở Washington DC cho buổi lễ hôm thứ Tư sắp tới đặc biệt khác thường, ngay cả đối với tiêu chuẩn của một lễ nhậm chức.
Hàng dặm đường đã bị chặn với hàng rào bê tông và hàng rào kim loại, và hơn 20.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia dự kiến sẽ được triển khai. FBI đã cảnh báo về khả năng xảy ra bạo động và các cuộc biểu tình vũ trang do những người ủng hộ Trump lên kế hoạch thực hiện.
Các biện pháp an ninh cứng rắn diễn ra sau một tuần mà Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội đến hai lần. Ông Trump hiện sẽ phải đối mặt với một phiên xét xử tại Thượng viện với cáo buộc "kích động nổi loạn" vì vụ bạo lực ở Điện Capitol của Mỹ.
Thời điểm sớm nhất mà Thượng viện có thể nhận được đề nghị luận tội sẽ là thứ Ba - một ngày trước khi ông Trump rời nhiệm sở - nhưng thời gian cho phiên xét xử vẫn chưa rõ.
Có một số ý kiến gợi ý rằng Hạ viện, nơi đã bỏ phiếu để luận tội ông Trump vào tuần trước, có thể trì hoãn việc gửi các khoản mục luận tội lên Thượng viện để cho ông Biden triển khai chương trình nghị sự về lập pháp và để thông qua các lựa chọn về nội các của ông trước.
Các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng đang thảo luận kế hoạch cho một chương trình nghị sự "song hành" cho phép Thượng viện phân chia thời gian giải quyết đồng thời thủ tục luận tội và các công việc liên quan đến chính quyền của ông Biden.
Thượng viện với 100 ghế hiện đang chia đều cho hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Cần hai phần ba số ghế để kết tội luận tội - đồng nghĩa với việc cần có 17 đảng viên Cộng hòa bỏ phiếu chống lại ông Trump để kết tội ông.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã cảnh báo rằng cuộc luận tội sẽ châm ngòi và làm chia rẽ người Mỹ thêm vào thời điểm mà đất nước đang cần hàn gắn - nhưng các đảng viên Đảng Dân chủ muốn tiếp tục việc kết tội ông Trump để sau đó ngăn ông tái tranh cử.
Mười thành viên Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu tại Hạ viện để ủng hộ luận tội tổng thống và hầu hết các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, bao gồm cả nhà lãnh đạo Mitch McConnell, vẫn chưa công khai ý định bỏ phiếu của họ tại phiên xét xử.
Chưa bao giờ có trường hợp một tổng thống bị xét xử sau khi ông ta rời nhiệm sở. Bởi vì đây là tình huống chưa từng có tiền lệ, một số người thậm chí còn cho rằng nó có thể vi hiến.
Các quan chức của cả hai phe đang chuẩn bị cho một phiên xét xử dù vị tổng thống sắp mãn nhiệm vẫn chưa xác nhận đội ngũ pháp lý của mình.
Luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani, nói với ABC News hôm Chủ nhật rằng ông đang xúc tiến bào chữa đối với việc luận tội, nhưng một phát ngôn viên của tổng thống sau đó nói ông Trump chưa quyết định người đại diện của mình.
Cuối Twitter tin, 1
0 comments