Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Quan hệ Mỹ-Đài Loan: Chính quyền Trump gài “bom nổ chậm” giờ chót dưới chân Biden?+

Monday, January 18, 2021 5:04:00 PM // ,

RFI

Ảnh minh họa : Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, lúc nói chuyện qua hệ thống truyền hình với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 14/01/2021.
Ảnh minh họa : Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, Kelly Craft, lúc nói chuyện qua hệ thống truyền hình với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 14/01/2021. AP
Mai Vân
9 phút

Ngày 14/01/2021 vừa qua, trong một động thái chưa từng thấy, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Kelly Craft đã có một cuộc nói chuyện rất lâu qua hệ thống truyền hình với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn.

Trước đó ba hôm, ngày 11/01, đại sứ Mỹ tại Hà Lan chính thức tiếp đón đại diện Đài Loan ngay tại sứ quán Mỹ ở Hà Lan, và không ngần ngại đăng ảnh cuộc gặp trên Twitter. Hai động thái trên của các nhà ngoại giao cao cấp Mỹ đã nối tiếp theo tuyên bố hôm 09/01 của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết sẽ dỡ bỏ các hạn chế mà ngành ngoại giao Hoa Kỳ “tự áp đặt” khi tránh tiếp xúc chính thức với các giới chức chính quyền Đài Loan.

Tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo, kèm theo những hành động cụ thế của các đại sứ Mỹ dĩ nhiên đã bị Trung Quốc cực lực đả kích, xem đấy là những hành vi khiêu khích. Từ trước đến nay, Bắc Kinh luôn luôn lên án các cuộc tiếp xúc chính thức giữa các đại diện nước ngoài với giới chức Đài Loan, và các cuộc gặp của quan chức Mỹ với phía Đài Loan luôn được bọc dưới một cái vỏ không chính thức và diễn ra tại khách sạn hay một nơi nào khác hơn là các cơ quan Nhà nước.

Hậu thuẫn triệt đễ Đài Loan

Theo giới quan sát, rõ ràng là vào lúc nhiệm kỳ của tổng thống Trump sắp kết thúc, chính quyền của ông đã liên tiếp có những động thái thể hiện hậu thuẫn của Hoa Kỳ đối với Đài Loan, bất chấp sư phản đối của Bắc Kinh. Quyết định xem Đài Loan là một “quốc gia” bình thường nằm trong một loạt hành động khác, từ việc tăng cường bán vũ khí, kể cả những loại tối tân cho Đài Bắc, đến việc cử bộ trưởng chính thức công du Đài Loan.

Phân tích về cuộc tiếp xúc trực tuyến hôm 14/01 giữa đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhà bình luận Dorian Malovic của nhật báo Công Giáo Pháp La Croix ghi nhận đó “thực sự là một cuộc đối thoại ở cấp độ ngoại giao cao nhất kể từ khi tổng thống Mỹ Jimmy Carter cắt đứt quan hệ với Đài Loan vào năm 1979 để công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa”.

Theo nhà nghiên cứu về Trung Quốc Stéphane Corcuff, đồng thời là giảng viên trường khoa học chính trị Sciences-Po tại Lyon: “Hoa Kỳ xác nhận quyết tâm tăng cường quan hệ với Đài Loan mà chưa chính quyền nào từng làm cho đến nay”.

Đó cũng là ý kiến của ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư khoa học chính trị tại Đại Học Baptist Hồng Kông. Theo ông, “ngay cả khi không có quan hệ ngoại giao chính thức, Hoa Kỳ vẫn là đồng minh mạnh mẽ nhất của Đài Loan”. Đối với nhà nghiên cứu Pháp, vài ngày trước khi kết thúc nhiệm kỳ, Donald Trump có lẽ đã muốn thực hiện một cử chỉ mang tính biểu tượng là “công nhận” Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền.

Một di sản mà chính quyền Joe Biden sẽ phải xử lý

Tuy nhiên, giáo sư Cabestan cũng nhìn thấy rằng các hành động của Washington đối với Đài Loan sẽ gây khó khăn nhất định cho tân chính quyền của tổng thống Biden trong quan hệ với Trung Quốc. Ý kiến này cũng được hãng tin Anh Reuters ngày 09/01 chia sẻ khi cho rằng quyết định mới nhất của ông Pompeo về Đài Loan có mục tiêu “trói buộc” chính quyền Biden vào một chính sách cứng rắn với Trung Quốc.

Theo hãng Reuters, ngoại trưởng Mỹ Pompeo, người càng lúc càng có lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh sau khi xác định Trung Quốc là mối đe dọa lâu dài chính yếu mà Hoa Kỳ phải đối mặt, đã nhiều lần sử dụng vấn đề Đài Loan để chống lại Bắc Kinh.

Theo bà Bonnie Glaser, một chuyên gia về châu Á tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington, “chính quyền Biden sẽ có lý khi không hài lòng về việc một quyết định mang tính chất chính sách như thế lại được đưa ra trong những ngày cuối cùng của chính quyền Trump”.

Riêng tuần báo Anh The Economist đã tỏ ý lo ngại trước khả năng các quy tắc mới về quan hệ song phương Mỹ-Đài Loan mà ngoại trưởng Pompeo nêu lên “có thể gây rắc rối cho cả Mỹ và Đài Loan” trong tương lai.

Đối với tuần báo Anh, trên nguyên tắc thì Hoa Kỳ đã không có quan hệ ngoại giao với Đài Loan kể từ khi quay sang Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vào năm 1979. Thế nhưng trong thực tế thì Washington vẫn cam kết duy trì quan hệ kinh tế và văn hóa chặt chẽ, cũng như cung cấp vũ khí “có tính cách phòng thủ” cho Đài Bắc, và cho mình quyền hỗ trợ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công quân sự.

Điều quan trọng là các quan hệ Mỹ-Đài Loan đó được mệnh danh là “không chính thức”, một từ ngữ là ông Douglas Paal thuộc tổ chức Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, từng là người đứng đầu cơ quan được xem là đại sứ quán trên thực tế của Mỹ tại Đài Bắc, không ngần ngại gọi là một chiếc “lá nho”, được phát triển theo thời gian để tiếp tục che phủ các yếu tố có thể chọc giận Trung Quốc.

Một quả bom dưới chân Đài Loan ?

Theo The Economist, chính quyền của tổng thống Donald Trump dường như muốn xé bỏ chiếc lá nho đó, và trong thời gian qua, đã càng lúc càng có thêm những động thái mà tuần báo Anh gọi là “chọc vào mắt Trung Quốc”, mà đỉnh cao chính là tuyên bố ngắn gọn và thẳng thừng vào ngày 09/01 của ngoại trưởng Mike Pompeo, khi ông cho rằng mọi hạn chế liên quan đến các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan đều “vô hiệu”, rằng Mỹ đã áp đặt những ràng buộc như vậy để “xoa dịu chế độ Cộng Sản ở Bắc Kinh”, và kể từ nay sẽ “không còn” tình trạng đó nữa.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã lập luận rằng việc tháo gỡ các ràng buộc là đỉnh điểm của việc xem xét lại một loạt các quy định đã lỗi thời, trong đó có rất nhiều quy định bất thành văn.

Tuy nhiên, theo The Economist, nhiều người quan tâm đến châu Á tại Mỹ, trong cả hai đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ, đã cho rằng quyết định đó đã đặt ra một cái bẫy khó chịu đối với tổng thống đắc cử Joe Biden. Hoặc là ông chấp nhận động thái trên, trong trường hợp đó ông sẽ có một khởi đầu không thuận lợi với Trung Quốc, hoặc là ông sẽ bị đả kích trong nước vì không đứng ra bảo vệ Đài Loan nhỏ bé và đũng cảm.

Evan Medeiros, người từng chịu trách nhiệm chính sách về Trung Quốc và Đài Loan trong chính quyền Barack Obama, hiện đang làm việc tại Đại Học Georgetown, đã coi động thái của ông Pompeo là rất tệ, như một cái bẫy đối với Đài Loan.

Từ vài năm nay, Trung Quốc đã gia tăng bắt nạt Đài Loan, hù dọa về quân sự và cô lập về ngoại giao. Chọc giận Trung Quốc lúc này có thể khiến Bắc Kinh tiến hành nhiều chiến dịch uy hiếp trên không hơn nữa hoặc loại bỏ các đồng minh ngoại giao còn lại của Đài Loan. Theo ông Medeiros, nếu thực sự quan tâm đến Đài Loan, thì không nên để đảo này chịu thêm áp lực quân sự.

Theo The Economist, đó là một rủi ro mà nhiều nhà lãnh đạo Đài Loan như có vẻ sẵn lòng chấp nhận. Trên mạng xã hội, bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi Kim), đại diện Đài Loan tại Hoa Kỳ, và ông Lại Thanh Đức (William Lai), phó tổng thống Đài Loan, đã hoan nghênh tuyên bố của ông Pompeo. Trong quá khứ, hai người này từng chủ trương việc Đài Loan tuyên bố chính thức độc lập với Trung Quốc - một động thái mà Bắc Kinh đe dọa là sẽ dẫn đến chiến tranh.

Ngược lại, tổng thống Thái Anh Văn tỏ ra thận trọng hơn. Bà đã kềm chế bình luận về tuyên bố của ông Pompeo. Không kém phần quan trọng, đồng minh của bà là Vương Định Vũ (Wang Ting Yu), đồng chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại và Quốc Phòng của Quốc Hội, đã cho rằng Đài Loan nên cho ông Biden “không gian” để hoàn thành quá trình chuyển đổi, và đây cũng là thời điểm nhạy cảm đối với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo ông, Đài Loan không muốn trở thành “kẻ gây rối”, mà là một đối tác đáng tin cậy của Mỹ.  

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.