Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Covid-19: Thời sự nóng nhất trong lịch sử, hơn cả Thế Chiến I và II ?

Saturday, December 26, 2020 3:26:00 PM // ,

  RFI

Ảnh minh họa chụp ngày 09/11/2020.
Ảnh minh họa chụp ngày 09/11/2020. REUTERS - DADO RUVIC
Mai Vân
16 phút

Trong tuần lễ cuối năm 2020, các tạp chí đều có số đặc biệt tất niên. Sau Courrier International và Le Point tuần trước, tuần này đến lượt L’Obs và L’Express ra số kép. L’Obs nhìn về tương lai, nêu bật những gương mặt tiêu biểu trong năm 2021, còn L’Express hãnh diện khoe một bài “trường thiên phỏng vấn” tổng thống Pháp dành riêng cho tờ báo. Số cuối năm của The Economist, ra ngày 19/12/2020, mang tựa đề đơn giản “Số kép Giáng Sinh”. 

Một trong những bài rất lý thú của The Economist nằm trong mục “Biểu Đồ” với tựa đề dưới dạng câu hỏi “Câu chuyện thời sự lớn nhất từ trước đến nay là gì ?”. Bài viết ghi nhận rằng trong lịch sử gần hai thế kỷ - chính xác là 177 năm - của tuần báo Anh, chỉ có hai cuộc chiến tranh thế giới mới sánh được với Covid-19 trong tư cách là chủ đề thời sự được theo dõi nhiều nhất. The Economist xác nhận: Vào cuối tháng 3 vừa qua, 80% bài viết dùng đến từ “covid” hoặc “coronavirus”.

Tuần báo Anh trước hết nhắc lại rằng vào ngày 16 tháng Giêng vừa qua, họ đã đăng bài báo đầu tiên về một loại virus corona mới xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào khi ấy, chỉ được xác nhận là nguyên nhân của 42 ca nhiễm và một ca tử vong. Chỉ hai tuần sau, Covid-19 lần đầu tiên được đưa trên trang bìa của tờ The Economist, để rồi tái xuất hiện ngày 27 tháng Hai và giữ vị trí đó trong 10 số liên tiếp, trước khi tiếp tục chiếm lĩnh trang bìa trong 7 số khác nhau kể từ thời điểm đó.

Tần suất dồn dập như kể trên tất yếu đặt ra câu hỏi là phải chăng đại dịch Covid-19 là “câu chuyện thời sự lớn nhất từ ​​trước đến nay” hay không. tuần báo không trả lời rõ ràng, nhưng ghi nhận rằng hai cuộc chiến tranh thế giới và dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã khiến nhiều người chết hơn, cũng như đã gây nên nhiều nạn đói và nạn diệt chủng khác nhau. Thế nhưng, Covid-19 đã thay đổi thói quen hàng ngày của mọi người ở hầu hết mọi quốc gia trên thế giới, điều mà các sự kiện chết người nghiêm trọng hơn không làm được. Ngoài ra, số lượng tử vong không thể định lượng được những chuyển biến đã thay đổi cuộc sống của con người theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Gần 50% bài của The Economist và New York Times có từ "Covid-19" hay "Coronavirus"

Để đào sâu vấn đề, The Economist đã điểm lại mọi bài báo mà họ đã xuất bản từ ngày tạp chí được thành lập vào năm 1843 đến nay, và xem xét tần suất xuất hiện của một số các từ khóa nhất định trong mỗi năm. Để đa dạng hóa phân tích này, được nhật báo có uy tín lâu đời của Mỹ là New York Times cho phép truy cập vào kho lưu trữ đã có từ năm 1851, tuần báo Anh cũng đã thực hiện những nghiên cứu tương tự.

Kết quả thật rõ ràng: Trong cả hai ấn phẩm The Economist và The New York Times, gần một nửa số bài báo trong năm nay 2020 (bao gồm cả tháng Giêng và Hai, khi dịch bệnh chủ yếu giới hạn ở Trung Quốc) đã bao gồm hai từ khóa “covid-19” hoặc “coronavirus”, cụ thể là 47% đối với tạp chí Anh, và 46% đối với nhật báo Mỹ.

Một kỷ lục được The Economist nêu bật: Vào cuối tháng Ba, có đến 4/5 (tức là 80%) bài viết của họ sử dụng một trong hai từ khóa về dịch Covid-19.

Ngược dòng thời gian, và chỉ căn cứ trên các bài viết trên hai tờ báo đã có lịch sử lâu dài này, The Economist xác định rằng chỉ có hai sự kiện trong lịch sử hiện đại có mức quan tâm tương đương với Covid-19. Đó là hai cuộc chiến tranh thế giới.

Tỷ lệ các bài trên The Economist đề cập đến “chiến tranh” đạt 53% vào năm 1915 và 54% vào năm 1941, tức là cao hơn tỷ lệ 47% về Covid-19 trong năm 2020. Đối với New York Times, mức cao nhất là 39% vào năm 1918 và 37% vào năm 1942, thấp hơn mức 46% dành cho dịch bệnh Covid vào năm nay.

The Economist: Malawi là quốc gia tiến bộ nhất năm 2020

Như thông lệ, mọi người đều chờ đợi The Economist công bố tên quốc gia tiêu biểu của năm 2020 và trong số tất niên của mình, tuần báo Anh đã bất ngờ xướng danh nước được chọn năm nay: Malawi, một nước nhỏ bé ở miền nam châu Phi, nằm giữa Zambia, Tanzania và Mozambique. Tờ báo giải thích: “Quốc gia khá lên nhiều nhất là nơi người dân đứng lên bảo vệ dân chủ”.

The Economist ghi nhận trước hết là theo một điều tra của tổ chức Mỹ Freedom House, dân chủ và nhân quyền đã thoái trào ở 80 quốc gia từ khi bắt đầu đại dịch cho đến tháng 9. Malawi chính là nơi duy nhất mà hai yếu tố này được cải thiện.

Điểm sáng này lại càng nổi bật khi điểm qua những gì đã xẩy ra trước đó tại Malawi. Vào năm 2012, tổng thống nước này qua đời, nhưng cái chết của ông được giấu kín và xác của ông được chở qua Nam Phi để “điều trị y tế”, một thủ đoạn câu giờ để em trai ông lên thay thế. Mưu toan chiếm quyền này thất bại, nhưng hai năm sau, người em đó là Peter Mutharika, đã được bầu làm tổng thống, và tái tranh cử vào năm 2019.

Dân vùng lên phản đối cuộc "bầu cử Tipp-Ex"

Tuy nhiên, kết quả kiểm phiếu trong cuộc bầu cử 2019 đã bị sửa đổi một cách thô thiển, với dung dịch xóa (thường gọi là Tipp-Ex) được bôi đầy trên các tờ kiểm phiếu. Tuy vậy, các quan sát viên nước ngoài vẫn thản nhiên chấp nhận kết quả đó.

Thế nhưng người Malawi không chịu buông xuôi. Họ đã phát động các cuộc biểu tình hàng loạt để phản đối điều được gọi là “cuộc bầu cử Tipp-Ex”, trong lúc các thẩm phán Tòa Án Tối Cao Malawi thì đã từ chối các va li đựng tiền hối lộ và tuyên bố hủy bỏ cuộc bầu cử đó.

Một cuộc bầu cử mới trong sạch hơn đã được tổ chức lại vào tháng 6 năm 2020, với kết quả là ông Mutharika phải ra đi, thay thế bằng ông Lazarus Chakwera, người được đa số cử tri tín nhiệm.

Theo The Economist, Malawi vẫn còn nghèo, nhưng người dân của nước này đã chứng tỏ rằng họ là công dân một nước chứ không phải thần dân của một người.

Chính vì thành tích vãn hồi dân chủ trong một khu vực độc tài, mà Malawi được tạp chí Anh bình chọn làm đất nước tiêu biểu của thế giới năm 2020.

4 ứng viên bị loại: New Zealand, Đài Loan, Hoa Kỳ và Bolivia

Theo The Economist, Malawi đã giành phần thắng so với 4 nước khác nằm trong danh sách sơ tuyển bao gồm New Zealand, Đài Loan ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như Hoa Kỳ và Bolivia ở vùng châu Mỹ.

Trường hợp đầu tiên là New Zealand. Không ai dám nói là tình hình nước này vào năm 2020 tốt hơn so với năm 2019. Thế nhưng ở đấy, virus đã bị kiềm chế, với những biện pháp đóng cửa biên giới, phong tỏa đất nước được nữ thủ tướng Jacinda Ardern, ban hành ngay từ đầu khi chỉ có 100 trường hợp trong số 5 triệu dân được phát hiện. Kết quả là chỉ có 25 người New Zealand thiệt mạng vì Covid-19 và cuộc sống ít nhiều đã trở lại bình thường. Bà Ardern đã được bầu lại với một đa số cao chưa từng thấy tại nước này.

Đài Loan thậm chí còn làm tốt hơn New Zealand, chỉ có bảy người chết vì dịch bệnh và hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn nhiều, đã ngăn chặn được virus mà không phải đóng cửa trường học, cửa hiệu hoặc nhà hàng, chứ đừng nói chi đến việc áp đặt phong tỏa. Đài Loan nằm trong số hiếm hoi của các nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vào năm 2020.

Về chính trị, Đài Loan cũng cho thấy lòng dũng cảm, không chịu lùi bước trước những lời đe dọa không ngừng từ Bắc Kinh. Ngay vào tháng Giêng, cử tri Đài Loan đã bác bỏ một ứng cử viên tổng thống thân Trung Quốc tái tín nhiệm bà Thái Anh Văn, người lãnh đạo một chính phủ đã che chở cho các nhà hoạt động dân chủ từ Hồng Kông. Đài Loan là một ví dụ điển hình cho thấy là văn hóa Trung Quốc hoàn toàn tương thích với nền dân chủ tự do.

Theo The Economist, những thành tích nói trên rất ấn tượng. Tuy nhiên, đại dịch vẫn chưa kết thúc và không thể chỉ đánh giá một nước về thành tích chống dịch, nhất là khi Đài Loan chẳng hạn, có lợi thế đặc thù là một hòn đảo, và có thể là đã có một cộng đồng miễn dịch với virus. Do vậy, tờ báo đã không chọn Đài Loan hay New Zealand

Một nước khác trong danh sách sơ tuyển là Hoa Kỳ. Nước này đã đối phó với Covid-19 một cách tồi tệ như Anh, Ý và Tây Ban Nha, nhưng chiến dịch Warp Speed của họ đã đóng một vai trò trọng tâm trong viêc mang lại một loại vac-xin chống Covid trong thời gian kỷ lục.

Ngoài ra, khi bác bỏ tổng thống Donald Trump vào tháng 11, các cử tri Mỹ đã cho thấy cố gắng kiềm chế đà lây lan của chủ nghĩa dân túy - một tai họa toàn cầu khác. Những nỗ lực của ông Trump nhằm đảo ngược ý chí của những cử tri đó là điều chưa từng có nơi một tổng thống Mỹ đương nhiệm, nhưng các thẩm phán mà ông bổ nhiệm đều trung thành với luật pháp chứ không phải là với người đã đề bạt họ.

Một nước khác trong danh sách sơ tuyển và cũng không được chọn là Bolivia. Sau một cuộc bầu cử đầy gian lận, lật đổ tổng thống cánh tả Evo Morales, cũng như các cuộc biểu tình bạo lực và đường lối cai trị đầy thù hận, bất tài của một tổng thống lâm thời, quốc gia châu Mỹ Latinh này đã tổ chức lại một cuộc bỏ phiếu trong hòa bình vào tháng 10 và chọn ra một nhà kỹ trị, Luis Arce để lên làm tổng thống.

L'Obs: Những người "gỡ bỏ phong tỏa" trong năm 2021

Những tạp chí cuối năm thường nhìn lại năm sắp hết, và bình chọn nhân vât, quốc gia đáng lưu ý trong năm và sẽ có vai trò hàng đầu trong việc định hình thời sự trong năm mới. Tạp chí L’Obs đã chọn ra 20 nhân vật được cho là sẽ tạo nên năm 2021, và đưa gương mặt tươi sáng của phó tổng thống Mỹ tương lai Kamala Harris lên trang bìa, bên trên tựa đề “Họ sẽ gỡ bỏ phong tỏa vào 2021”.

Trong một hồ sơ dài khoảng 30 trang, L’Obs cho rằng sau năm 2020 khủng khiếp của dịch Covid-19, toàn thể nhân loại đều mong mỏi trở lại trạng thái bình thường, chấm dứt nỗi sợ hãi về bệnh tật và sống lại một cuộc sống không giãn cách xã hội, đắm mình vào văn hóa, yên tâm nghĩ đến tương lai.

Đối với tạp chí Pháp, các nhân vật chính trị như nữ phó tổng thống Mỹ tương lai Kamala Harris, Jacinda Ardern, thủ tướng NewZealand, hay những gương mặt văn hóa như nữ diễn viên Pháp Marion Cotillard, hay nam diễn viên Jean Dujardin… sẽ là những người quyết tâm gỡ bỏ phong tỏa cho năm tới đây. Chân dung của những nhân vật này đã được tạp chí giao cho những người nổi tiếng khác phác họa.

Chân dung nhân vật Kamala Harris mà L’Obs đưa lên trang bìa chẳng hạn, là do cựu bộ trưởng Tư Pháp của nước Pháp, bà Christiane Taubira, cũng là một phụ nữ da màu, vẽ ra. Theo chính khách Pháp: “Không có ai tượng trưng cho hy vọng tốt hơn bà ấy. Bà ấy là hiện thân của một nhân vật đương đại rõ ràng ở nước Mỹ thời hậu Trump”.

Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nằm trong những nhân vật 2021. Theo L’Obs, với những “cam kết bảo vệ môi trường và chống lại những hành vi sai trái của xã hội thương mại”, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo đã trở thành “lương tri của thế kỷ 21.”

Phụ nữ chống dịch tốt hơn nam giới ?

Trong bài xã luận, L’Obs nhận định là Kamala Harris, người vào ngày 20 tháng 1 sẽ trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức phó tổng thống Hoa Kỳ, là hiện thân hoàn hảo của thế hệ lãnh đạo mới của thế giới, những người vì bản thân là phụ nữ, nên điều hành theo một cách khác. Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ sức mạnh của “quyền lực phụ nữ”.

Theo L’Obs, năm 2020 sắp kết thúc là năm của tất cả những điều bất ngờ tồi tệ, với ​​một loại virus không rõ nguồn gốc gây xáo trộn các nền kinh tế trên toàn thế giới, hạn chế các quyền tự do hơn bao giờ hết và phá vỡ hoàn toàn cuộc sống của chúng ta…

Trong biển thông tin xấu đó, theo tạp chí Pháp, một trong những khoảng sáng duy nhất là việc bà Kamala Harris được bầu làm phó tổng thống Mỹ, trong liên danh lịch sử với tổng thống tương lai thuộc đảng Dân Chủ, Joe Biden.

Là phụ nữ đầu tiên vươn lên mức quyền lực này ở nền dân chủ lớn nhất thế giới, một người Mỹ gốc Jamaica và Ấn Độ, Kamala Harris đã làm nên lịch sử và làm dấy lên hy vọng. Bởi vì cuộc khủng hoảng Covid-19 đã bộc lộ sức mạnh của quyền lực trong tay phụ nữ, vốn có những phẩm chất về mặt giao tiếp và đồng cảm vốn thiếu vắng nơi nhiều nguyên thủ quốc gia là nam giới - vẫn còn thấm nhuần mô hình lãnh đạo truyền thống.

Như để chứng minh, L’Obs trích dẫn một nghiên cứu của Anh được Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới công bố vào cuối tháng 7, đã kết luận rằng các quốc gia do phụ nữ lãnh đạo đã chống Covid-19 tốt hơn nhân đợt dịch đầu tiên. So sánh việc quản lý y tế ở 193 quốc gia, nghiên cứu này khẳng định rằng 19 quốc gia do phụ nữ lãnh đạo có tỷ lệ "thành công hơn về số ca nhiễm và tử vong” so với các quốc gia do nam giới lãnh đạo.

Những kết quả tốt hơn này có thể được giải thích bằng “sự khác biệt về cung cách điều hành” của nữ lãnh đạo như thủ tướng Đức Angela Merkel, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn  hay Sanna Marin, thủ tướng trẻ nhất hành tinh của Phần Lan.

L'Express: Macron nói về người Pháp

Như nói ở trên, tạp chí L’Express số cuối năm đã dành trang bìa cho tổng thống Pháp Macron, đăng lại một cuộc phỏng vấn dài độc quyền, chạy tựa bên cạnh chân dung ông Macron: “Điều mà ông chưa từng nói về người Pháp”. Tạp chí giới thiệu thêm bên dưới một hồ sơ đặc biệt 10 trang về “Làm người Pháp là như thế nào".

Bài phỏng vấn rất dài, với rất nhiều ý kiến thú vị, chẳng hạn như suy nghĩ sau đây về người Pháp và nước Pháp của vị tổng thống trẻ tuổi nhất từ khi nền Cộng Hòa Pháp được thành lập: “Ba năm qua đã khẳng định niềm tin của tôi: Chúng ta là một dân tộc của những nghịch lý… Chúng ta là một quốc gia có thể sản sinh ra cuộc khủng hoảng Áo Vàng, cực kỳ dữ dội và huyên náo, và đồng thời chúng ta lại là một trong những quốc gia ở châu Âu mà lệnh phong tỏa được tôn trọng nhất. Chúng ta không phải là một quốc gia đang cải tổ như các nước Anglo-Saxon, các nước Bắc Âu, hay nước Đức mà là một nước tự chuyển hóa, một đất nước rất chính trị, bị những đam mê đối nghịch nhau làm tê liệt. (Nhưng) đó là những gì tôi yêu sâu sắc ở chúng ta, sự căng thẳng sáng tạo đó”.

Các tuyên bố của tổng thống Macron với L’Express đã được bình luận rộng rãi, và thường bị chỉ trích, ông bị cáo buộc nghiêng về bên hữu. Nhưng L’Express cho rằng những nhận xét của ông về bản sắc Pháp cũng không kém phần thú vị: "Chúng ta phải có khả năng hoàn toàn là người Pháp và bổ sung thêm một cái gì đó thuộc về nơi khác. Đây là sự làm giàu thêm chứ không phải là một bài toán trừ.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.