Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chống tham nhũng để lấy tiếng cho Đảng trước đại hội?

Saturday, December 26, 2020 5:22:00 PM // ,

 Diễm Thi, RFA

2020-12-23

Chống tham nhũng để lấy tiếng cho Đảng trước đại hội?Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 37 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), được tổ chức trực tuyến tại Hà Nội ngày 12/11/2020.
 AFP



Sáng 22 tháng 12 năm 2020, phát biểu tại hội nghị lần thứ ba Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng tuyên bố, việc chống tham nhũng để giữ uy tín cho đảng chứ không sợ làm giảm uy tín của đảng cho dù gần đến Đại hội 13.

Ngày hôm sau, 23 tháng 12, tại Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tuyên bố công tác phòng, chống tham nhũng có thể coi là đặc sản của Hà Nội, bởi rất hiếm tỉnh, thành phố nào trong cả nước có chương trình công tác toàn khóa về phòng chống tham nhũng kéo dài, xuyên suốt trong nhiều khóa như tại Hà Nội. Ông Vương Đình Huệ yêu cầu phải minh bạch trong quản lý, điều hành để không thể tham nhũng.

Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long, người tuyên bố từ bỏ ĐCSVN từ năm 2014, nhận định về câu nói của Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng về chống tham nhũng qua ứng dụng facebook messenger với RFA:

Tham nhũng thì ở đâu cũng có, nhưng tham nhũng ở Việt Nam khác với mọi nơi là nó có tính “Đảng”, vì hầu như tất cả quan chức tham nhũng đều là Đảng viên, được học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thường xuyên, liên tục. Nói như ông Trần Quốc Vượng không sai, nhưng lấy gì để đo lường uy tín của đảng tăng lên sau mỗi đợt đấu tranh chống tham nhũng?

Đảng có dám trưng cầu dân ý, lấy phiếu tín nhiệm của dân về kết quả chống tham nhũng hay năng lực cầm quyền của đảng không?

Một khi mà cương lĩnh chính trị của Đảng là cao nhất, hơn cả Hiến pháp, thì mọi hành vi chống tham nhũng dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ thời gian nào (trước hay sau đại hội Đảng) cũng chỉ là để bảo vệ lợi ích của Đảng, chứ không phải là bảo vệ lợi ích của Dân.”

Hôm 12 tháng 12 năm 2020, tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học phát biểu rằng: “Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn".

Tầng lớp lao động bậc cao có nhu cầu chủ yếu là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, họ có nhiều thông tin, một số ít có nhu cầu phản biện. Hỏi họ có tin đảng không thì đa số người trung thực trả lời không tin. - Giáo sư Nguyễn Đình Cống

‘Chiến dịch đốt lò’ do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng từ năm 2016 trên cương vị Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến dịch này cho là một nỗ lực của đảng trong việc giành lại quyền lực cũng như củng cố lòng tin của người dân vào chính quyền.

Một đảng viên cũng thông báo từ bỏ ĐCSVN và yêu cầu tổ chức đảng xóa tên ông khỏi danh sách vào năm 2016 là Giáo sư Nguyễn Đình Cống. Vị giáo sư này cho rằng, việc chống tham nhũng đúng ra là công việc của Chính quyền, của Hành pháp, của Tư pháp, thế mà đảng ôm vào để làm. Uy tín của đảng được hình thành từ nhiều họat động mà chống tham nhũng chỉ là một phần. Hơn nữa, muốn chống tham nhũng triệt để phải loại bỏ được gốc rễ sinh ra nó là sự độc tài đảng trị, mà việc này đảng không muốn.

Ông phân tích việc chống tham nhũng của đảng có làm dân tin đảng hay không, qua email:

“Vì Dân có nhiều tầng lớp với các nhận thức và quyền lợi khác nhau. Một số tin và số khác không tin. Tạm chia dân thành hai tầng lớp theo lao động. Tầng lớp lao động phổ thông và tầng lớp lao động bậc cao. Phần lớn lao động phổ thông chỉ  nghe tuyên truyền một chiều từ tuyên giáo của đảng, họ chỉ mong giữ được yên ổn để làm ăn, họ bằng lòng với hiện tại, sợ chính quyền, không biết và không dám phản biện. Nếu có ai hỏi họ có tin đảng  không thì họ vui vẻ nói là có tin, nhưng đó chỉ là câu nói cửa miệng, còn thật lòng họ chẳng biết mình có tin hay không.

Tầng lớp lao động bậc cao có nhu cầu chủ yếu là tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, họ có nhiều thông tin, một số ít có nhu cầu phản biện. Hỏi họ có tin đảng không thì đa số người trung thực trả lời không tin.

Đa số Lao động phổ thông tin rằng đảng quyết tâm chống tham nhũng, còn đa số lao động bậc cao nhận định rằng đảng  không muốn và không thể chống tham nhũng triệt để mà chỉ dùng biện pháp chống tham nhũng để đấu đá nội bộ giữa các phe phái.”

Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông thì khẳng định việc tiếp tục kỷ luật đảng viên vi phạm; điều tra, xét xử các vụ án theo quy định pháp luật trong suốt thời gian qua chứng minh đảng ‘nói và làm’ theo ý nguyện người dân. Ông nói:

“Vừa qua, ban chấp hành ĐCSVN đã có chủ trương không những không chùng xuống trong việc chống tham nhũng trước đại hội mà lại còn phải duy trì mạnh mẽ và quyết liệt hơn. Việc này được nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Công tác này đã được chứng minh rằng trong năm qua, chống tham nhũng đã được đẩy lên một bước với nhiều vụ việc rất nghiêm trọng. Những đối tượng có chức sắc cao cũng đã bị truy tố. Điều đó càng củng cố lòng tin của nhân dân đối với đảng chứ không làm giảm uy tín của đảng. Nó thể hiện đảng nói và làm, mà làm theo kiến nghị của nhân dân.”

Làm sao để đảng có lòng tin của dân?

Khoản 2 Điều 4 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 hiến định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Dù Hiến pháp đã quy định rõ là đảng phải chịu sự giám sát của dân, nhưng trên thực tế thì không phải như vậy. Bác sĩ Đinh Dức Long khẳng định, đảng độc tài thì rất khó giữ được uy tín, vì dân không có quyền giám sát trên thực tế.

Còn với Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì để được lòng tin của dân, đảng phải thay đổi từ một đảng thống trị thành đảng chính trị cầm quyền, mà đảng Hành động Nhân dân của Singapore là một mẫu mực. Theo ông, trước hết đảng phải làm được hai việc: Thứ nhất là trả lại quyền chính trị cho dân (để dân tổ chức bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện cho trí tuệ toàn dân). Thứ hai là phải công khai, minh bạch trong các hoạt động, phải để cho tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do thực hiện nhân quyền, dân quyền.

Tham nhũng thì ở đâu cũng có, nhưng tham nhũng ở Việt Nam khác với mọi nơi là nó có tính “Đảng”, vì hầu như tất cả quan chức tham nhũng đều là Đảng  viên, được học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM thường xuyên, liên tục. - Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Đức Long

Cựu Đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông tin tưởng đảng đang tập trung xây dựng đội ngũ chiến lược là những người có phẩm chất đạo đức, có năng lực và có uy tín trong dân. Nếu có đội ngũ này thì uy tín đảng trong dân được tăng lên. Ông nói:

“Qua công tác phòng chống tham nhũng vừa qua thì tôi thấy có một số cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với đảng. Do đó, muốn củng cố lòng tin này cũng như muốn chống tham nhũng thành công thì trước hết phải xây dựng được đội ngũ chiến lược. Đặc biệt ban chấp hành trung ương phải là những người không những là tinh hoa của đất nước mà phải là những người thực sự gương mẫu, thực sự có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín cao trước dân và có tài năng lãnh đạo.”

Sáng 18 tháng 12 năm 2020, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành trung ương đã họp phiên bế mạc. Hội nghị kết thúc sớm hơn kế hoạch đề ra và trước kỳ Đại hội 13 sẽ Hội nghị trung ương lần thứ 15 để quyết định phương án nhân sự.






















































































Ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại đề nghị Trung ương đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết trong việc bỏ phiếu giới thiệu nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13! 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.