Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Vụ ông Nguyễn Văn Bình bị đề nghị kỷ luật nói lên điều gì?

Wednesday, November 4, 2020 6:56:00 PM // ,

 BBC

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ĐCSVN Nguyễn Văn Bình trong một lần tiếp khách quốc tế là Bộ trưởng Công Thương Nga Denis Manturov đến thăm Việt Nam

Một đương kim Ủy viên Bộ Chính trị đang giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng này đề nghị kỷ luật hôm thứ Ba, 03/01/2020.

Hôm 04/11 từ Việt Nam và hải ngoại, một số nhà bình luận thời sự và chính trị Việt Nam chia sẻ với BBC News Tiếng Việt góc nhìn của mình về sự kiện này.

"Truyền thông trong nước hôm 2/11 đồng loạt đưa tin ông Nguyễn Văn Bình, đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương bị đề nghị kỷ luật trong Phiên họp 49 của Uỷ ban Kiểm tra TƯ. Việc kỷ luật bất kỳ quan chức cấp cao nào cũng đều thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt đối với trường hợp này là "sự kiện", từ Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ bình luận.

"Giới am hiểu tình hình cho rằng đáng lẽ "sự kiện" này phải diễn ra từ lâu, từ đầu nhiệm kỳ 12, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục kéo dài thêm. Ngành ngân hàng có "vai trò" tiêu cực làm bất ổn kinh tế vĩ mô từ nhiệm kỳ trước, khi đó ông Bình là Thống đốc. Ngoài ra, sự đồn đoán rằng ông là "cánh tay phải" của nguyên thủ tướng Dũng, người đã đứng đầu Chính phủ điều hành nền kinh tế với chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước. Hậu quả đến nay vẫn còn rất nặng nề."

Từ Berlin, CHLB Đức, nhà văn Võ Thị Hảo nêu quan điểm:

"Tôi nghĩ và đặt câu hỏi thế này: chỉ thi hành kỷ luật thôi ư?! Nếu việc đề nghị kỷ luật này là đúng như ban Kiểm tram của đảng CSVN nói, thì Việt Nam đúng là thiên đường của những người có chức, có quyền.

"Nếu đúng như những thông tin đã nêu trên truyền thông Việt Nam thì vị Ủy viên Bộ Chính trị này và nhiều vị quan chức khác đã mắc những sai phạm nghiêm trọng, và như thế họ có thể đáng bị đứng trước vành móng ngựa từ nhiều năm trước đây rồi, cũng như thậm chí phải bị buộc dùng tài sản riêng để khắc phục hậu quả là những thiệt hại khủng khiếp mà họ và những người liên quan đã gây ra cho nền kinh tế, nhân dân và đất nước này."

Từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh Bộ Công an Việt Nam, nói:

"Mấy ngày trước khi có thông báo chính thức, tôi cũng đã thấy tin đưa bóng gió trên mạng về khả năng ông Nguyễn Văn Bình bị kỷ luật, gặp người quen nói chuyện, cũng nghe tương tự.

"Trong thời gian gần đây, có những phỏng đoán ông có thể là ứng viên tiềm năng cho vị trí Thủ tướng chính phủ sau Đại hội 13 của ĐCSVN. Về bề nổi thì có vẻ có lý, song suốt trong nhiều năm, dư luận không khỏi có những dấu hỏi không có lợi về ông ấy liên quan kinh tế, trách nhiệm với những rối loạn, thiệt hại ghê gớm trong hệ thống ngân hàng. Để một thời gian dài mới có được kết quả như trong Thông báo của Ủy ban kiểm tra trung ương như vậy thì hơi lạ."

Ý nghĩa thế nào?

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam, ông Nguyến Phú Trọng đang lãnh đạo công cuộc 'đốt lò' chống tham nhũng trong nội bộ đảng và chính quyền

Khi được hỏi ý nghĩa của sự việc đề nghị kỷ luật này là như thế nào đối với ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương như về thời điểm, tính chất, mức độ và điều gì có thể chờ đợi ông Trưởng ban này tới đây, các ý kiến bình luận với BBC:

Ông Phạm Quý Thọ: Chắc Bộ chính trị sẽ đưa ra hình thức kỷ luật trong nay mai. Theo tôi, có thể là cảnh cáo. Trong chế độ đảng Cộng sản toàn trị, việc kỷ luật những cán bộ cấp cao đương chức luôn nằm trong sự tính toán, cân nhắc thời điểm và tác động của nó bởi những quan hệ chính trị - xã hội phức tạp, đặc biệt vấn đề công tác cán bộ của Đảng.

Bà Võ Thị Hảo: Theo tôi, bớt được bất cứ ai trong vô số những "sâu mọt" khổng lồ, nếu có căn cứ thực sự, dù sao vẫn là điều tốt. Nhưng có vẻ đây là động thái của một phe đang thắng thế, thẳng tiến tới quyền lực thượng phong ở Đại hội đảng 13, đương nhiên phe thắng thế không bao gồm phe ông Nguyễn Văn Bình nên mới thế. Lôi ra kỷ luật hoặc truy tố bất kỳ người nào trong hệ thống quan chức Việt Nam theo tôi cũng đều không oan hay quá oan, chỉ là mức độ nặng nhẹ mà thôi. Thể chế này nó như vậy, nó đẻ ra chính những vấn đề với hậu quả như thế và chống tiêu cực tham nhũng chỉ là cái cớ triệt hạ nhau nên nó luôn mục ruỗng.

Điều gì chờ đợi ông Ủy viên Bộ Chính trị và Trưởng Ban Kinh tế này ư? Thật khó đoán biết. Pháp luật Việt Nam do đảng Cộng sản nắm giữ sẽ xử lý theo ý muốn của phe thắng thế trong đảng và cái giá tiền mà kẻ đang bị đưa ra xử lý sẵn sàng chi trả để mua sự an toàn của mình. Làm Thanh tra rồi Thống đốc Ngân hàng trong nhiều năm, với những vụ đại án gây phương hại đến nền kinh tế nếu được đánh giá đúng và đầy đủ mức độ thiệt hại, có vẻ tài sản của một quan chức nắm giữ chiếc ghế Thống đốc ngân hàng phải nặng đến cỡ nào?!

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Rõ ràng với thông tin đó vào thời điểm "nước rút" cho Đại hội 13, đặc biệt về nhân sự, con đường thăng tiến như dự đoán với ông Nguyễn Văn Bình là quá bất lợi, thậm chí có thể "chấm hết". Như vậy, những khả năng khác nhau cho các vị trí "tứ trụ" ở Đại hội 13 có vẻ sẽ dần thu hẹp. Nhưng cũng không nên vội phán đoán.

Liên hệ tới nhân sự ĐH13?

Trước câu hỏi liệu động thái vừa xảy ra với ông Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ĐCSVN có thể gợi ý đến thay đổi hoặc ảnh hưởng hay liên hệ nào không tới quy hoạch nhân sự cao cấp của Đảng CSVN ở kỳ Đại hội 13 sắp tới đây, các nhà bình luận nói với BBC:

Ông Phạm Quý Thọ: Trong bối cảnh trước thềm Đại hội 13 sắp tới đây Đại hội 13 việc kỷ luật ở mức cảnh cáo, cũng như cựu bí thư Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, cũng đủ để "kết liễu" sự nghiệp chính trị của các vị Uỷ viên Bộ Chính trị này. Về nguyên tắc, theo tiêu chuẩn tuổi hay chuyên môn, và thậm chí đã có đồn đoán rằng, các vị đó có thể vẫn "thăng tiến" hoặc "giữ nguyên". Rõ ràng, nay họ đã không còn nằm trong "quy hoạch" của Đảng cho nhiệm kỳ này.

Bà Võ Thị Hảo: Tôi nghĩ trước thềm Đại hội 13, động thái này không đơn giản chỉ là nhằm vào ông Nguyễn Văn Bình. Hãy xem cánh hẩu và ô che của ông ta là ai. Khi bình thường, quan chức Việt Nam có thể "vô trách nhiệm vô hạn" khi gây hậu quả hết sức nghiêm trọng mà vẫn không sao, nhưng khi cần, những tội trạng của họ sẽ được đưa ra xử lý rất không thương tiếc bởi những người đang cầm cờ phất và có thể theo lối mỗi một đòn để triệt hạ bớt một đối tượng hay đối thủ.

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Như trên đã nói, rõ ràng sẽ có nhiều khả năng có những thay đổi, không như dự đoán của dư luận. Trước khi ra Đại hội, số ứng viên cho từng vị trí quan trọng sẽ bớt đi, "tập trung" phiếu hơn, gần hơn với mong muốn của ban lãnh đạo cao nhất của Đảng. Có điều, nó có được đông đảo các ủy viên trung ương, rồi cả đại biểu dự Đại hội, tán thành hay không thì khó biết.

Nói gì về cách xử lý của đảng?

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Cựu Bộ trưởng Công Thương Việt Nam, ông Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí, truyền thông về kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU tại Hà Nội hôm 04/8/201̀

Khi được hỏi nếu gộp cả trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công Thương và người cựu cấp Phó của ông, một nữ cựu Thứ trưởng, mà Ủy ban kiểm tra Trung ương vừa thông báo, cùng với đề nghị kỷ luật liên quan ông Nguyễn Văn Bình, có thể nhận xét gì về cách thức xử lý của ban lãnh đạo đảng CSVN hiện nay và Ủy ban Kiểm tra trung ương với cán bộ cấp cao của đảng, các ý kiến nói với BBC:

Ông Phạm Quý Thọ: Trong điều lệ đảng CSVN, người ta chỉ quy định mức độ kỷ luật định tính: phê bình "rút kinh nghiệm sâu sắc", khiển trách, cảnh cáo và khai trừ ra khỏi đảng. Ngay cả định tính thì từ những vi phạm của họ "ghép vào" mức độ nào tuỳ thuộc và ý kiến tập thể Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nặng nhất là tiêu chuẩn "trung thành", còn các sai lầm khác chỉ là "tương đối". Họ không còn được "cống hiến" nữa đã là "sự trừng phạt. Quan niệm này đã không còn thích hợp với thực tế. Hơn thế cần thay đổi sao cho "điều lệ" tương thích, "ăn khớp" với quy định của pháp luật. Đảng cứ đứng trên pháp luật thì rất khó cải cách thể chế chính trị trong các cấp, các ngành hay địa phương.

Bà Võ Thị Hảo: Nếu có lỗi hoặc có tội gây thiệt hại là phải bị truy tố và bồi thường, khắc phục hậu quả bằng tài sản riêng. Pháp luật Việt Nam đã quy định rõ, và trên thực tế thực hành pháp luật, kể cả người dân ăn cắp quả mít, vài con vịt hoặc xe đạp cũng đều bị như vậy. Cách xử lý như chỉ phê bình hoặc khai trừ đảng đối với đa phần cán bộ cấp cao như vậy hoàn toàn là một sự giễu cợt công lý và xúc phạm đối với những người lương thiện trong xã hội. Đó là cách xử lý theo kiểu bao che, bênh nhau trong nội bộ đảng cầm quyền, trong nội bộ tập đoàn quyền lực, chứ không phải là thượng tôn pháp luật.

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Ngoài sự khác lạ trong trường hợp ông Nguyễn Văn Bình, hai trường hợp kia khó được dư luận quan tâm, đánh giá cao, bởi nó đã được "cày đi xới lại" nhiều lần mà vẫn dường như chưa đi tới đâu cả. Một vị thì cớ ốm đau, còn một vị thì đang "biến mất".

"Đốt lò" đã thực sự thuyết phục?

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Ông Nguyễn Đức Chung (trái), nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội, là một trong những cán bộ lãnh đạo cấp cao của đảng CSVN mới bị xử lý kỷ luật gần đây trong năm 2020

Trước câu hỏi cách thức xử lý làm việc này cũng như cách làm lâu nay của công cuộc 'đốt lò', 'củi lửa' mà ban lãnh đạo và Tổng Bí thư đảng CSVN đang tiến hành đã thực sự thuyết phục, khách quan, công tâm hay chưa, có gì cần được cải thiện hay không, liệu có cách thức, cách làm nào khác khả dĩ hơn không và có thể nói gì về nền chính trị VN hiện nay qua kiểu cách ĐCSVN xử lý 'củi lửa', 'đốt lò như đã đang thấy trước ĐH13 này, các nhà bình luận nói với BBC:

Ông Phạm Quý Thọ: Chống tham nhũng là quan trọng đối với mọi chế độ. Đối với chế độ đảng toàn trị, trong bối cảnh khủng hoảng có ý nghĩa đặc biệt không chỉ "chỉnh đốn", mà còn để có hy vọng lấy lại lòng tin, vốn bị tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, "tự lấy đá ghè chân mình" sẽ chỉ là giải pháp đối phó tình huống, kêu gọi đạo đức là không thực tế.

Cần tạo ra khuôn khổ pháp luật chặt chẽ nghiêm khắc để kiểm soát quyền lực, trong đó việc kiểm soát tài sản quan chức là cách phát hiện tham nhũng dễ thấy nhất.

Đảng CSVN đang "bí" trong việc tạo ra "lồng thể chế" để giám sát quyền lực. Nếu Đại hội 13 này không "sáng chế" được "cái lồng này," đảng lại một lần thất hứa với nhân dân. Để cải cách thể chế bền vững, lâu dài thì một cơ chế đối trọng cần thiết phải có!

Bà Võ Thị Hảo: Rõ ràng là chưa thuyết phục, chưa công tâm và khách quan. Nếu công tâm và thực sự muốn chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy thì phải tiến hành một cuộc cải cách toàn diện: thay máu toàn bộ hệ thống thanh tra, điều tra, truy tố, kiểm sát và tòa án Việt Nam, tóm lại là cơ quan và hệ thống tư pháp Việt Nam, trao cho họ một quyền độc lập không chịu chi phối bởi bất kỳ ai và họ được bảo vệ an toàn, cũng bị thanh tra và giám sát để làm việc đó.

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, hầu hết quan tham Việt Nam sẽ đều bị bắt ra tòa và phải trả giá, khắc phục hậu quả...

Tuy nhiên, tiếc thay, trên thực tế đang là một nền chính trị tham nhũng và vô trách nhiệm vô hạn, ngày càng gây hậu quả thiệt hại vô cùng nặng nề cho đất nước, cản trở những người có lương tâm, tài năng và chính trực. "Đốt lò" thì có cũng còn hơn không. Bớt đi được một số kẻ tham nhũng cũng tốt, nhưng những kẻ gây hại nhất vẫn còn ngồi đó và tiếp tục xử lý mọi việc theo cung cách nhà nước độc tài, toàn trị, thậm chí băng đảng, phe nhóm.Thảm họa lũ lụt gây ra do Thủy điện xả lũ trong tháng 10 vừa qua là một thí dụ có thể giúp minh hoạ để hình dung thêm.

Ông Nguyễn Hữu Vinh: Theo tôi, một công cuộc chống tham nhũng nếu thực sự có bài bản thì phải bắt đầu từ phát hiện của người dân, báo chí và các cơ quan pháp luật, rồi mới tới cơ quan, tổ chức đảng, cấp lãnh đạo trên cao quyết định.

Đằng này nó lại cứ ngược lại, cơ quan đảng cấp cao điều tra, kỷ luật (rất có thể do được "bật đèn xanh" từ trên cao nữa), hoặc đề nghị kỷ luật, rồi mới có thể tới cơ quan pháp luật. Khi tư pháp nhảy vào muộn màng, khó mà có được bằng chứng mạnh mẽ để cho đúng người đúng tội, không bỏ lọt. Rồi tội danh cũng chỉ có thể loanh quanh "thiếu trách nhiệm", "cố ý làm trái", trong khi người dân quá dễ đoán về khả năng tham nhũng đằng sau đó (tham ô, ăn hối lộ) khi các vị này chẳng hề che đậy những khối tài sản khổng lồ và lối sống sa hoa. Sợ là các loại "củi" đó chỉ cháy được phần … "vỏ" mà thôi.

Vẫn không thể lẩn tránh được thực tế là cần "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Mà cách "phòng" phải cần hệ thống luật pháp rõ ràng (chứ không phải rối rắm như hiện nay), bộ máy tư pháp trong sạch, sắc sảo, không bị chi phối bởi các yêu cầu chính trị "bí hiểm". Công tác cán bộ phải được đặt yêu cầu năng lực, trong sạch (cụ thể như công khai tài sản) lên trên hết, chứ không thể cứ dùng các thước đo kiểu như "lý luận chính trị cao cấp", phải là đảng viên, … thậm chí nặng hình thức với bằng cấp như "giáo sư", "tiến sĩ" trong khi khó kiểm chứng chất lượng những chức danh này.

Và cuối cùng, tôi muốn nói thêm là trên hết phải là vai trò của người dân, họ không thể được "biết", "bàn"… được "kiểm tra" đúng nghĩa đối với các công bộc, nếu như cứ ngày càng nhiều những cản trở vô hình, nơm nớp lo sợ bị trả thù hay hình sự hóa.

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,

Ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy TPHCM, cựu Bộ trưởng Giao thông - Vận Tải cũng là một trong các quan chức cao cấp bị kỷ luật và kết án tù

Theo truyền thông chính thống Việt Nam, hôm 03/11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của đảng CSVN đã nhóm họp kỳ họp 49 vơi ông Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì.

Thông báo của Ủy ban cho hay ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đảng bị đề nghị kỷ luật do các sai phạm "nghiêm trọng, gây bức xúc" mà ông bị cáo buộc mắc phải trong thời gian làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cũng theo Ủy ban này, tạm thời chưa chưa xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của đảng đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ Trưởng Công thương vì lý do sức khỏe, ông Hoàng đã có vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng, đến mức phải khai trừ ra khỏi Đảng trước đó, vẫn theo thông báo này.


0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.