Tin Việt Nam – 01/11/2020
Tin Việt Nam – 01/11/2020
Cao trào “trưởng thôn ăn tiền lũ của người dân” – Trần Trung
“Trước đây, hộ bà Hoàng Thị Phước, thôn Trung Minh thuộc diện đặc biệt khó khăn của xã Quảng Châu. Nhà chỉ có vài sào ruộng, chồng mất sớm, một mình phải gồng gánh nuôi 4 đứa con nên gia đình bà Phước nhiều năm thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Vì nghèo, toàn bộ các con của bà Phước đều học xong cấp 3 là nghỉ học để kiếm kế sinh nhai.
Tuy nhiên, do cơ hội việc làm ở địa phương không nhiều, Đàm Quang Tính (con trai đầu của bà Phước) quyết định vào tận miền Nam làm thuê. Khác với người anh cả, sau khi học xong cấp 3, Đàm Minh Hiền (con trai thứ 3) lấy vợ rồi táo bạo bàn với mẹ thế chấp toàn bộ tài sản để hai vợ chồng cùng tham gia xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tài sản gia đình thế chấp không đủ, Hiền nhờ mẹ vay mượn thêm…
Bà Phước tâm sự: “Nhờ chí thú làm ăn và khéo tiết kiệm, chỉ hơn một năm sau, hai vợ chồng Hiền đã trả hết tiền vay ngân hàng. Không những thế, vợ chồng Hiền còn tạo điều kiện giúp cho vợ chồng anh trai Đàm Đức Hạnh (con thứ 2) và vợ chồng Đàm Thái Hòa (em út) cùng sang lao động ở Đài Loan.
Gia đình bà Phước là một minh chứng điển hình cho hàng trăm trường hợp ở huyện Quảng Trạch nhờ tham gia xuất khẩu lao động mà trở nên khá giả trong những năm gần đây.”
Đó là một đoạn trong bài viết “Quảng Trạch: Tạo đột phá trong xuất khẩu lao động”, đăng vào đầu tháng 3/2019 trên báo Quảng Bình.
Bài báo trên còn có đoạn mở đầu trịnh trọng: “Xác định xuất khẩu lao động là động lực quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững và thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển…, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các địa phương ở huyện Quảng Trạch đã vào cuộc rất tích cực, tạo nhiều đột phá trong công tác xuất khẩu lao động”.
Quảng Trạch chính là huyện có xã Cảnh Hóa, thôn Ngoạ Cương mà hai ngày nay đột nhiên vang danh trên báo chí và truyền thông xã hội Việt Nam.
Xã Cảnh Hóa là xã thuộc khu vực III theo quyết định của thủ tướng chính phủ. Con số này nêu ra các xã có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, trong đó tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên, đường trục chính chưa phải là đường nhựa hay đường bê tông, chưa có trường học bất cứ cấp nào đạt chuẩn quốc gia, 20% số hộ trở lên chưa có nước sinh hoạt sạch, 40% số hộ trở lên chưa có nhà vệ sinh đúng chuẩn của Bộ Y tế.
Phải chọn con đường xuất khẩu lao động, nói trắng ra là bán sức làm thuê tay chân ở nước ngoài để thoát đói nghèo là động lực quan trọng để giải quyết việc làm, chứng tỏ vùng này không có gì ngoài vất vả.
Trong trích dẫn ở đầu bài, bà Hoàng Thị Phước chồng mất sớm, có 4 đứa con ly hương cả 4. Trong khi chờ các con gom nhặt thêm tiền từ việc lao động ở nước ngoài, bà sống một mình tại quê.
Sống một mình tại quê không giống với sống một mình ở thành phố. Ở thành phố hàng xóm không biết mặt biết tên nhau là bình thường, nhưng ở quê, một thôn hay một xóm có khi chỉ gồm vài dòng họ. Gia đình này là họ hàng của gia đình kia, quan hệ chằng chịt nhiều đời. Bà Phước vắng chồng con, nhưng vẫn còn anh chị em, cháu chắt chung quanh để nương tựa. Nếu không, như truyền thống người Việt, chắc chắn một trong những người con của bà còn ở lại Việt Nam sẽ đón bà về ở cùng để chăm sóc lẫn nhau.
Mối liên hệ làng xóm chặt chẽ này, người sinh ra và lớn lên tại thành phố khó có thể hiểu.
Sống ở nông thôn, ai cũng phải biết câu “tối lửa tắt đèn” “tình làng nghĩa xóm”. Nhà cửa ở nông thôn không phải là một pháo đài kín mít như thành phố mà thông thống, các nguồn sinh nhai phổ biến như gia súc gia cầm và nông sản cũng lộ thiên ngoài trời. Đến mùa, hầu như cả xóm, cả thôn đều cả ngày ngoài đồng, trong nhà chỉ còn trẻ con hay ông bà già. Cho nên mỗi nhà đều có ý thức trông nom, nhìn ngó, canh giữ cho nhau để đảm bảo an ninh chung. Nếu không thế, trộm cắp vào được một nhà thì tha cả làng.
Ai từng vào một thôn xóm nông thôn Việt Nam cũng rõ, người lạ mặt mới bước chân đầu làng thì cuối làng đã biết, đi đến đâu lập tức hàng chục hàng trăm ánh mắt đưa theo từng bước. Chưa kể sẽ có ngay ông chú bà thím nào đấy cất giọng hỏi liền người lạ từ đâu đến, muốn tìm ai, có việc gì. Có thể nói ở nông thôn, mỗi ngôi nhà đều là một chốt canh an ninh chung, mỗi người dân đều là một dân phòng tự nguyện.
Bên cạnh đó, làm nông không phải là công việc độc lập. Nó mất sức, cần có nhiều người cùng nhau làm mới kịp với thời tiết và mùa vụ. Khái niệm “đổi công”, “vần công” giờ đây xa lạ trong ngôn ngữ xã hội Việt Nam, nhưng đó vẫn là một nền tảng vận hành mô hình kinh tế lúa nước nhỏ lẻ ở các vùng nông thôn nghèo, đất ruộng ít không bõ chạy máy, và cũng không đủ tiền để chạy máy.
Sự ràng buộc họ hàng cộng với đặc trưng kinh tế nhiều đời góp phần tạo nên văn hóa đặc biệt ở vùng quê. Thâm tâm có thể không ưa nhau nhưng bên ngoài, ai cũng phải nhân nhượng và nhìn nhau mà sống thuận hòa, hoặc chí ít, không quá tách biệt. Tính cá nhân ở thôn quê không được đề cao, mà là tính tập thể. Sống ở quê mà không hòa hợp, chẳng chóng thì chầy sẽ bị tẩy chay ngầm hoặc công khai. Sự trừng phạt này ghê gớm không khác gì việc một tín đồ Thiên chúa bị rút phép thông công. Hoặc bán nhà đi hẳn nơi khác mà sống, hoặc, xin lỗi, thay đổi cách sống và mong dân làng chấp nhận.
Ở miền Trung thiên tai thường xuyên, luồng di cư ly hương lớn nhất cả nước, người ở lại cùng một xóm, một thôn càng hiểu sâu đạo lý này.
Khi con cái bỏ xứ đi làm xa hết, cha mẹ già ở quê cần dựa rất nhiều vào làng xóm. Nếu không, nước lụt lút làng ai là người đến kê giường, chạy heo gà lên tra? Ai giúp gặt hái, cất thóc, phơi thóc? Ai đưa thuyền đến cứu? Ai san sẻ miếng cơm manh áo? Ai vô vườn tỉa nhánh, leo nóc nhà đằn mái chống bão gió? Mái nhà bị trốc bay, con cái đi làm thuê Sài Gòn, Hà Nội, xuất khẩu lao động nước ngoài có về kịp để lợp lại? Nửa đêm đau bệnh, ai là người nấu cháo, mua thuốc, đưa đi cấp cứu? Nhà có tang ma giỗ chạp cưới hỏi, lạnh lùng với làng xóm thì ai đến chung vui chia buồn?
Hỏi, đã là trả lời.
Đây là vài hình ảnh trong Group Ngọa Cương-Lò Độc. Nhờ có 3G, wifi và facebook, người làng dù xa dù gần dễ dàng liên lạc, nắm tình hình và giúp đỡ nhau mau chóng.
Quay lại việc 69 suất quà cứu trợ bằng tiền mặt, 6 triệu đồng/suất mà ca sĩ Thủy Tiên phát cho người dân thôn Ngọa Cương, sau đó ban cấp phát thôn thu lại.
Thêm thái độ dọa dẫm của cô Thủy Tiên khi live stream “Không ăn được một đồng đâu… Tới số với chị”, báo chí và mạng xã hội khắp nơi ào ào mắng trưởng thôn Ngọa Cương, thậm chí ví von với cường hào ác bá.
Ngay lập tức, huyện Quảng Trạch yêu cầu trả lại tiền cho các hộ đã nhận. Uy tín của cô Tiên càng dâng cao như nước lũ.
Nhưng, nhiều người dân ở chính thôn Ngọa Cương không vui vẻ như vậy. Họ cho hay do thôn ở gần sông, thường thường có lũ lụt và được cứu trợ nên từ nhiều năm nay người dân đã tự thỏa thuận với nhau, khi đoàn cứu trợ tới nếu tặng hàng hóa cho ai thì người ấy nhận. Nếu tặng tiền thì giao lại cho Ban cấp phát, để cuối tất cả đợt cứu trợ toàn thôn sẽ họp lại, căn cứ vào mức độ thiệt hại và hoàn cảnh của mỗi gia đình để chia lại số tiền đó.
Nhấn mạnh, đây là lệ làng, được đa số-nếu không phải tất cả người dân đang sinh sống trong thôn Ngọa Cương thống nhất và tự thực hiện từ nhiều năm nay.
Cơ sở để người dân đồng tình là, quà tặng của các đoàn rất khác nhau về số lượng, thôn 150 gia đình nhưng ví dụ nhóm của ca sĩ Thủy Tiên chỉ phát cho 69 hộ bị ngập nước từ 1 m trở lên. Các đoàn cứu trợ khác cũng tương tự. Sẽ có đoàn chủ yếu phát cho người già, phát cho phụ nữ, phát cho học sinh… Số tiền mọi năm cũng không quá lớn, thường thường ở mức 500.000 đ/hộ là tối đa.
Nhưng các hộ không bị ngập nước, có nhà cửa vững chắc hơn thì chính họ lại dùng nhà mình làm nơi tránh lũ tập thể cho bà con, thậm chí bỏ lương thực thực phẩm trong nhà ra nấu ăn cho những người tránh lũ. Do vậy họ cũng cần được bù đắp. Đó là sự công bằng, tính đến công sức cùng nhau của tất cả mọi người khi lụt bão. Nó không phải sự cào bằng thô thiển, và nó phù hợp hài hòa với cách sống ở thôn quê.
Nếu gia đình nào đó muốn giữ lại số tiền cho riêng mình, thì sau khi tổng kết toàn bộ đợt cứu trợ họ cũng sẽ không được nhận phần chia sẻ từ các gia đình khác. Quan trọng hơn, miếng ngọt không chia thì miếng đắng họ cũng sẽ phải ngậm một mình. Họ sẽ không được ai giúp đỡ khi cần.
Đó là luật ở làng. Nó phù hợp với những quần cư nhỏ, có phần tách biệt và có nhiều nền tảng quan trọng chung trong cuộc sống. Nó là một dạng hương ước, có thể so sánh với nội quy của Chung cư, hay của một doanh nghiệp vậy. Có thể ở nơi khác nó bị chê cười, nhưng tại nơi nó sinh ra, khi đã được số đông đồng thuận thì nó trở thành luật. Kẻ nào phá vỡ nó sẽ có những chế tài.
Công ty tôi còn có quy định mặc quần short đi làm vào thứ bảy. Mục đích là tạo không khí thoải mái khi phải làm việc cuối tuần. Không ai phản đối hết-hầu hết là thanh niên và làm việc trong môi trường sáng tạo nên càng thích phá cách. Tất nhiên có những người mặc khác- sao đây cũng không liên quan đến lợi ích, nên không tuân thủ cũng không sao cả.
Ở Vingroup, có những nội quy buộc nhân viên phải dùng xe máy hay xe hơi của công ty, nếu không sẽ không được giữ xe miễn phí.
Ở làng, ông trưởng thôn cũng chẳng phải quyền to chức trọng gì. Thực ra ông ta là cái dùi-ở trên gõ xuống, ở dưới đội lên. Ông không được tính là công chức viên chức để hưởng lương. Ông chỉ là người do dân tại chỗ bầu ra để thay mặt họ đốc thúc thực hiện các quy định chung.
Dân miền Trung vốn nổi tiếng ngang ngạnh, ưa lý sự, thẳng thắn đến mức thô kệch. Với bản tính đó, với sự thuận tiện của mạng xã hội hiện tại mà một ông trưởng thôn nho nhỏ có thể “đè đầu” 150 hộ dân cả thôn cộng với hàng trăm người con ly hương từng trải và hiểu biết, chỉ e là chuyện nằm mơ.
Rất tiếc, trong sự lên đồng của một nhóm to người xài facebook Việt Nam, do quá sợ hãi sẽ bị buộc tội “ăn không thiếu của dân cái gì”, chính quyền huyện Quảng Trạch đã vội vã xử lý cực kỳ dân túy.
Mong rằng việc làm nóng vội và non nớt này sẽ không châm ngòi bất hòa ở một làng quê nho nhỏ và yên bình. Càng thêm vô cùng mong nó sẽ không tạo thành tiền lệ xấu nơi những làng quê khác, khi hành trình của cô “Tiên lụt” vẫn đang kéo dài chưa biết ngày kết thúc.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/why-the-head-of-hamlet-take-donated-money-from-villagers-11012020101038.html
Giả hàng loạt chữ ký,
ăn chặn gạo ‘cứu đói’ của dân nghèo?
Mạnh Đức
Dù có mặt trong danh sách và ký xác nhận đã nhận gạo, nhưng thực tế nhiều hộ dân phản ánh là chưa nhận được hoặc nhận được ít hơn số lượng được hưởng.
Tờ Người Lao Động đưa tin, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, vừa gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo việc bị ăn chặn, bớt xén gạo hỗ trợ, cứu đói cho nhân dân.
Theo tố cáo, từ đầu năm đến nay, người dân được Nhà nước hỗ trợ nhiều đợt gạo cứu đói như: hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán tháng 1/2020, hỗ trợ gạo trong đợt giáp hạt tháng 5/2020 và hỗ trợ gạo cho nhân dân ảnh hưởng trong đợt nắng hạn tháng 10-2020.
Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát gạo, nhiều hộ dân có tên trong danh sách phê duyệt nhưng không được nhận gạo, một số hộ được nhận nhưng bị bớt xén, không đủ số lượng được cấp.
Đặc biệt, rất nhiều hộ dân không được nhận gạo nhưng trong danh sách lại có chữ ký nhận đủ số gạo.
Ông Phạm Văn Hòa (41 tuổi, tổ dân phố 1) có hoàn cảnh rất khó khăn, ông bị bệnh thận, không có tiền chữa trị, một mình phải làm thuê nuôi 3 người con ăn học. Tháng 5-2020, ông nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt nhưng đợi mãi không thấy.
Bà Trần Thị Duyên đã không kìm được nước mắt cho biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bà sinh được 4 người con nhưng tất cả bị tật nguyền. Nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo ăn Tết, bà cũng mừng nhưng đợi mãi không thấy được nhận.
“Hôm thấy hàng xóm đi nhận gạo, tôi ứa nước mắt. Bình tâm lại, tôi nghĩ rằng Nhà nước cho thì nhận, không cho thì mình không nên đòi hỏi. Nào ngờ, mới đây tìm hiểu ra thì gia đình tôi có tên trong danh sách được nhận 30kg, nhưng lại không được nhận. Tôi không biết ai đã giả chữ ký trong danh sách để nhận phần gạo của gia đình tôi?” – bà Duyên nghẹn ngào nói.
Ngoài ra, nhiều hộ dân nhận được gạo nhưng lại bị bớt xén số lượng. Điển hình, hộ bà Hoàng Thị Kim Điền trong danh sách phê duyệt được nhận 105kg như thực tế chỉ được nhận 30kg, hộ bà Trần Thị Phượng danh sách được nhận 60kg nhưng chỉ được nhận 30kg, hộ bà Ngô Thị Lan trong danh sách phê duyệt nhận 75kg nhưng chỉ được nhận 30kg…
Trước thực trạng trên, ngày 1/11, ông Nguyễn Hữu Ánh – Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling xác nhận với báo VTC News, sự việc này có xảy ra trên địa bàn.
Theo ông Ánh, lực lượng chức năng đã thành lập tổ xác minh thông tin phản ánh của người dân. Kết quả ban đầu cho thấy có sự việc như người dân phản ánh.
Thị trấn Ea T’ling có 2.018 khẩu ở 13 tổ dân phố, bon (buôn) bị ảnh hưởng do đợt hạn hán đầu năm 2020. Đầu tháng 10/2020, địa phương này được phân 30,27 tấn gạo để cấp phát cho 2.018 khẩu với số lượng 15kg gạo/khẩu bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, nhiều hộ dân phản ánh không được nhận gạo cứu đói, có hộ lại bị cắt giảm số lượng gạo được nhận.
https://www.dkn.tv/thoi-su/gia-hang-loat-chu-ky-an-chan-gao-cuu-doi-cua-dan-ngheo.html
Nhà cầm quyền CSVN tuyên bố đã hỗ trợ
dân vùng lũ 7,700 tỷ đồng – dân không tin
Tin Vietnam.- Báo Lao động loan tin, chiều 30 tháng 10 năm 2020, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính kiêm chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Cộng sản tuyên bố, tính đến ngày 22 tháng 10 năm 2020, Trung ương Hồng thập tự Cộng sản đã hỗ trợ khẩn cấp người dân vùng lũ miền Trung số tiền 7,700 tỷ đồng.
Ngoài ra, bộ Quốc phòng Cộng sản đã xuất 77.5 tấn lương khô, 1,200 thùng mì tôm, và 2 tấn gạo cho người dân vùng bão lũ trước ngày 22 tháng 10. Tuy nhiên, ông Lê Chiêm, thứ trưởng bộ Quốc phòng Cộng sản đã tiết lộ số lương khô đã bị viên chức Cộng sản sử dụng làm quà chia cho nhau hết vì thấy lương khô của bộ Quốc phòng ngon.
Còn số tiền 7,700 tỷ đồng của Hồng thập tự Cộng sản thì được dư luận cho rằng đây là sự dối trá của nhà cầm quyền Cộng sản. Bởi rất nhiều người dân vùng lũ ở miền Trung đã lên mạng xã hội kêu cứu, và khẳng định họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào của nhà cầm quyền, họ chỉ nhận được sự giúp đỡ của những người dân địa phương với nhau, cùng các đoàn từ thiện ở khắp nơi đổ về.
Không chỉ vậy, mặc dù vụ lũ lụt vừa qua xảy ra ở miền Trung rất tang thương cho người dân, nhưng các viên chức Cộng sản vẫn tiếp tục hành động ăn chặn, ăn cướp tiền hỗ trợ của các nhà hảo tâm giành cho dân vùng lũ. Gần đây nhất là vụ ca sĩ Thuỷ Tiên thay mặt các mạnh thường quân phát cho người dân ở thôn Ngoạ Cảnh, xã Cảnh Hoá, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình hơn 400 triệu đồng đã bị trưởng thôn đến thu sạch.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-tuyen-bo-da-ho-tro-dan-vung-lu-7700-ty-dong-dan-khong-tin/
Xuất hiện chuyện nhà trường bắt học sinh
phải đóng tiền để “chuộc lỗi” cho mình
Tin Vietnam.- Ngày 31 tháng 10 năm 2020, một phụ huynh có con đang học tại trường trung học cơ sở Hoàng Văn Thụ, ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, nhà trường đã “buộc” các học sinh bị mắc lỗi phải đóng tiền khiến nhiều người bất mãn.
Phụ huynh cho biết, nếu học sinh mắc lỗi đi học muộn, không học thuộc bài ngày hôm trước, hoặc làm trừ nhật muộn sẽ bị giáo viên chủ nhiệm thu 5,000 đồng/một lỗi. Hiện đã có 12 em học sinh trong một lớp đã phải đóng tiền cho giáo viên, và đến thứ 2 ngày 1 tháng 11, các em khác sẽ phải tiếp tục đóng tiền để “chuộc lỗi” cho mình.
Sự việc khiến các phụ huynh bất mãn vì hoàn cảnh của nhiều phụ huynh ở xã Ea Kiết không dư giả, đây cũng là nơi các nông dân nhiều năm qua bị nhà cầm quyền chèn ép, dùng súng dí đầu người dân để thu tô. Khiến cuộc sống của nhiều gia đình như ở địa ngục trần gian.
Vào năm 2019, một nông dân trồng cà phê đã chết trong cảnh bệnh tật và không có nỗi chiếc hòm để chôn, nhưng công ty kinh doanh của nhà cầm quyền tỉnh vẫn thu tô không thiếu đồng nào. Ngoài ra, việc thu tiền trên khiến nhiều học sinh sợ hãi, không dám xin cha mẹ để nộp tiền nên dễ dẫn đến việc các cháu sẽ phát sinh ra hành động trộm cắp để lấy tiền nộp cho giáo viên.
Đây cũng là bằng chứng để thấy rằng, Cộng sản Việt Nam chỉ xem giáo dục là công cụ để nhồi sọ dân, và kiếm tiền từ những đứa trẻ đang chưa kịp vào đời. Còn các giáo viên thì hầu hết bị biến thành những người thợ dạy, và không hiểu được hai chữ giáo dục là gì.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/xuat-hien-chuyen-nha-truong-bat-hoc-sinh-phai-dong-tien-de-chuoc-loi-cho-minh/
Điểm tin trong nước sáng 1/11: Miền Trung tiếp tục
đối mặt với bão lớn; Thử nghiệm lâm sàng
vắc xin virus Vũ Hán ‘made in Việt Nam’
Mạnh Đức
Mục lục bài viết
Siêu bão Goni vào Biển Đông, miền Trung lại đối mặt với bão lớn
Mưa mù trời cuối chiều, khắp nơi Sài Gòn ngập nặng
Tháng 11 này sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc xin virus Vũ Hán ‘made in Việt Nam’
14 người mất tích ở Trà Leng: Đào xới hết khu sạt lở nhưng không tìm thấy ai
Mục Điểm tin trong nước sáng chủ nhật (1/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Siêu bão Goni vào Biển Đông, miền Trung lại đối mặt với bão lớn
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 01 giờ ngày 01/11, vị trí tâm siêu bão Goni ở khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 125,0 độ Kinh Đông, cách miền trung Phi-líp-pin khoảng 70km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 17 (200-220km/giờ), giật trên cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, siêu bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và suy yếu. Đến 01 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 120,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào Biển Đông. Đến 01 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 01 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 112,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 13.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km.
Mưa mù trời cuối chiều, khắp nơi Sài Gòn ngập nặng
VnExpress đưa tin, mưa xối xả kết hợp triều cường chiều 31/10 đã khiến phố Bùi Viện và nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM ngập sâu, nước tràn vào nhà dân.
Mưa như trút nước trên diện rộng bắt đầu từ gần 17h. Hơn 30 phút sau, tại khu phố Tây (quận 1), nước ngập nửa bánh xe, tràn vào nhiều hàng quán hai bên đường. Các nhân viên quán bar phải kê đồ đạc, khai thông cống thoát nước để tránh ngập.
Nhiều tuyến đường trung tâm khác như: Trần Hưng Đạo (đoạn từ giao lộ Nguyễn Biểu đến Nguyễn Tri Phương), Nguyễn Trãi… cũng ngập hơn 50 cm. Giao thông tại các giao lộ rối loạn.
Hàng loạt người dân vất vả dắt xe chết máy xen lẫn với dòng phương tiện ùn ứ. Các trẻ em co ro trên yên xe, được cha mẹ đẩy chậm rãi đi qua đoạn đường ngập.
Tháng 11 này sẽ thử nghiệm lâm sàng vắc xin virus Vũ Hán ‘made in Việt Nam’
Chiều hôm qua 31/10, Việt Nam ghi nhận 3 bệnh nhân mắc virus Vũ Hán, là các ca nhập cảnh. Dự kiến, trong tháng này sẽ tiêm thử nghiệm vắc xin viêm phổi Vũ Hán do các nhà khoa học trong nước nghiên cứu – thông tin trên báo Thanh Niên.
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, 3 ca mắc mới công bố chiều qua, là bệnh nhân virus Vũ Hán thứ 1.178 – 1.180 tại Việt Nam, là các ca nhập cảnh, được cách ly ngay tại Khánh Hoà (1 ca) và Đà Nẵng (2 ca).
Cùng ngày, một lãnh đạo Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết, trong tháng 11 này, sẽ triển khai thử nghiệm lâm sàng vắc xin viêm phổi Vũ Hán do các nhà khoa học của Việt Nam nghiên cứu, phát triển.
Học viện Quân y cũng là một trong các đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sản xuất test, kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 phục vụ phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán tại Việt Nam.
14 người mất tích ở Trà Leng: Đào xới hết khu sạt lở nhưng không tìm thấy ai
Trao đổi với phóng viên báo Người Lao Động tối 31/10, ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết 2 ngày qua hơn 500 cán bộ, chiến sĩ đã tổ chức tìm kiếm khắp khu vực bị sạt lở đất vùi lấp ở thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My) nhưng chỉ tìm được thêm 2 nạn nhân vào ngày hôm qua (30/10).
Trong ngày 31/10, tại hiện trường có mưa rất to. Lực lượng chức năng đã dùng 4 xe múc đào xới hết khu vực sạt đất nhưng không thấy thêm nạn nhân nào.
“Lực lượng chức năng đã tìm kiếm trên diện tích rộng khoảng 1 ha. Toàn bộ hiện trường đã đào xới hết rồi nhưng không có kết quả” – ông Dũng cho biết.
Vào hôm nay (1/11), lực lượng tìm kiếm sẽ chuyển hướng tìm kiếm trên sông Leng và lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2. “Ngày mai lực lượng chức năng sẽ dùng khoảng 20 ca nô, ghe máy để tìm kiếm trên sông. Tuy nhiên, sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hiện tại mặt sông đang bị bao phủ rác, cây cối theo dòng nước lũ trôi xuống” – ông Dũng chia sẻ.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-1-11-mien-trung-tiep-tuc-doi-mat-voi-bao-lon-thu-nghiem-lam-sang-vac-xin-virus-vu-han-made-in-viet-nam.html
Điểm tin trong nước tối 1/11: Bớt xén gạo cứu đói
dân nghèo ở Đắk Nông; Lũ quét cuốn trôi 6 nhà dân,
một ngôi làng có nguy cơ bị xóa sổ
Tâm Minh – Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Thêm 3 người nhập cảnh từ Nhật và UAE mắc viêm phổi Vũ Hán
Quảng Ngãi: Lũ quét kinh hoàng cuốn trôi 6 nhà dân
Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo?
Thanh Hóa: Bắt 3 cán bộ trong đường dây làm bằng giả
Mục Điểm tin trong nước tối chủ nhật (1/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thêm 3 người nhập cảnh từ Nhật và UAE mắc viêm phổi Vũ Hán
Cơ quan y tế Việt Nam tối 31/10 cho biết đã ghi nhận 3 trường hợp mắc viêm phổi Vũ Hán mới qua đường nhập cảnh.
Trong số 3 bệnh nhân có 2 người về từ Nhật Bản đang được điều trị tại Đà Nẵng và 1 người về từ UAE được điều trị tại Khánh Hoà.
Như vậy, tính đến ngày 1/11, Việt Nam có tổng cộng 1.180 ca mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó 1.063 ca đã khỏi và 35 ca tử vong.
Trong 59 ngày qua, Việt Nam cũng không phát hiện ca nhiễm mới trong cộng đồng.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM ngày 31/10 cho biết, chuyên gia người người Hàn Quốc đã âm tính với virus viêm phổi Vũ Hán trong lần xét nghiệm gần nhất.
Trước đó, người này đã bay từ TP.HCM sang Nhật Bản và bị phát hiện dương tính. TP.HCM sau đó đã cách ly, xét nghiệm 300 trường hợp tiếp xúc với chuyên gia này. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp này đều có kết quả xét nghiệm âm tính.
Quảng Ngãi: Lũ quét kinh hoàng cuốn trôi 6 nhà dân
Trưa 1/11, ông Đinh Quang Ven, Chủ tịch huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho báo Người lao động biết, sau cơn bão số 9, tại làng Hang Rin, thôn Mang He, xã Sơn Bua (giáp ranh xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ sạt lở đất kèm lũ quét vào sáng 30/10, cuốn trôi 6 nhà dân trong tích tắc. May mắn không có ai chết hay bị thương.
“Toàn thôn có 48 căn nhà, nhưng hiện tại đã có 6 căn nhà bị lũ cuốn, còn lại 40 căn nhà cũng đang bị nước lũ bao vây bởi dòng chảy mới. Nếu mưa lớn cứ tiếp tục vài hôm nữa, chắc cả thôn sẽ bị xóa sổ”, ông Ven cho biết.
Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo?
Báo Người Lao Động ngày 1/11 có bài viết “Bớt xén gạo cứu đói dân nghèo?” phản ánh về việc nhiều hộ dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, bị chính quyền địa phương ăn chặn, bớt xén gạo cứu đói từ nhà nước.
Theo đó, từ đầu năm đến nay, người dân địa phương nói trên được nhà nước hỗ trợ gạo 3 lần vào các tháng 1, 5 và 10. Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát gạo, nhiều hộ dân không nhận được gạo, một số hộ được nhận nhưng bị bớt xén. Đặc biệt, rất nhiều hộ dân không được nhận gạo nhưng trong danh sách lại có chữ ký nhận đủ số gạo.
Ông Hòa, người bị bệnh thận và phải làm thuê nuôi 3 con ăn học, nói: “Mới đây, tôi vô cùng bất ngờ khi thấy mình có danh sách nhận gạo và đã ký nhận 75 kg dù từ trước đến giờ tôi chưa bao giờ nhận được hạt gạo hỗ trợ nào”.
May mắn hơn, nhiều hộ dân khác được nhận gạo hỗ trợ nhưng lại bị bớt xén. Điển hình, hộ bà Điền trong danh sách phê duyệt được nhận 105kg như thực tế chỉ được nhận 30kg, hộ bà Phượng danh sách được nhận 60kg nhưng chỉ nhận được một nửa.
Sự việc trên đã diễn ra từ rất lâu nhưng chỉ sau khi Báo Người Lao Động cho đăng bài, chính quyền địa phương mới ‘hay biết’ và cho hay ‘sẽ vào cuộc tìm hiểu!’
Thanh Hóa: Bắt 3 cán bộ trong đường dây làm bằng giả
Báo chí nhà nước hôm 31/10 cho biết, Công an Thanh Hóa đã bắt 15 người có liên quan đến đường dây làm văn bằng, chứng chỉ giả.
Trong 15 người bị bắt, có 3 cán bộ thuộc Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa.
Công an Thanh Hóa cho biết những người trên làm bằng giả do xuất phát từ nhu cầu thực tế tại thị trường Việt Nam về các loại văn bằng chứng chỉ như ngoại ngữ, giấy phép lái xe, các loại bằng đại học, thạc sỹ, bác sỹ…
Từ tháng 3 đến tháng 6/2020, những người này đã tổ chức 4 lớp với gần 600 học viên. Trong đó, mỗi hồ sơ học viên thu từ 3,5 đến 7 triệu đồng. Sau đó, nhóm tổ chức ôn, thi, liên kết với phía Hà Nội để làm và cấp chứng chỉ tiếng Anh giả cho các học viên.
Thậm chí, nhóm còn lập các trang Facebook để chạy quảng cáo, nhận các đơn hàng và trực tiếp in ấn văn bằng, chứng chỉ giả để bán cho người có nhu cầu.
https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-1-11-bot-xen-gao-cuu-doi-dan-ngheo-o-dak-nong-lu-quet-cuon-troi-6-nha-dan-mot-ngoi-lang-co-nguy-co-bi-xoa-so.html
0 comments