Tin khắp nơi – 17/11/2020
Biden: ‘Nhiều người có thể chết’
nếu quá trình chuyển giao bị cản trở
Joe Biden cảnh báo “người dân có thể chết” nếu chính quyền tổng thống sắp tới của ông tiếp tục bị Donald Trump cản trở.
Phát biểu tại Delaware, tổng thống đắc cử nói rằng cần có sự phối hợp để giải quyết sự bùng phát của virus corona.
Ông Biden một lần nữa gọi việc Tổng thống Trump từ chối thừa nhận thua, bất chấp những lời kêu gọi làm như vậy từ cả hai phía là “đáng xấu hổ”.
“Đây không phải là một trò chơi”, cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama viết trên mạng xã hội.
Ông Joe Biden là tổng thống đắc cử với 306 phiếu đại cử tri, vượt qua ngưỡng 270 cần thiết để giành chiến thắng.
Tuy nhiên, ông Trump, một đảng viên Đảng Cộng hòa, tweet vào sáng thứ Hai: “Tôi đã thắng cuộc Bầu cử!”
Chiến dịch tranh cử của Trump đã khởi động một loạt các thách thức pháp lý sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/11, không thừa nhận kết quả kiểm phiếu.
Trump lần đầu nói Biden ‘thắng nhờ kỳ bỏ phiếu gian lận’
Bầu cử Mỹ: Ông Trump có thể làm gì sau khi rời Nhà Trắng?
Người ủng hộ ông Trump biểu tình khi căng thẳng gia tăng
Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) được giao nhiệm vụ bắt đầu quá trình chuyển đổi cho một tổng thống mới, vẫn chưa công nhận ông Biden và Kamala Harris là người chiến thắng, khiến họ không được tiếp cận với các cuộc họp chính phủ nhạy cảm như lệ thường cho một chính quyền mới.
Các trợ lý cho tổng thống đắc cử Biden nói rằng việc ông Trump từ chối tham gia vào quá trình chuyển giao cũng có nghĩa là nhóm của ông Biden đã bị loại khỏi kế hoạch về chiến lược phân phối vaccine.
Trong bài phát biểu hôm thứ Hai, ông Biden gọi sự từ chối của ông Trump là “hoàn toàn vô trách nhiệm”.
“Có ai hiểu điều này không?” ông Biden nói. “Đó là việc cứu người, thực tế là như vậy, đây không phải là chuyện cường điệu.”
“Nhiều người có thể chết nếu chúng ta không phối hợp,” ông nói.
Gọi việc phân phối vaccine trên toàn quốc là một “nỗ lực to lớn, rất lớn”, ông Biden nói rằng nếu nhóm của ông phải đợi đến ngày 20/1 – lễ nhậm chức tổng thống của ông – mới có thể bắt đầu thực hiện chương trình phân phối, thì họ sẽ bị chậm “hơn một tháng, một tháng rưỡi “.
Khi được hỏi liệu ông có khuyến khích các lãnh đạo tiểu bang khôi phục lệnh ‘ở nhà’ hay không, tổng thống đắc cử đã tránh trả lời, thay vào đó kêu gọi giới chức khuyến khích việc đeo khẩu trang.
Gia tăng áp lực buộc Trump nhượng bộ?
Hơn một tuần sau khi ông Biden được dự đoán thắng cử, ông Trump vẫn chưa nhượng bộ.
Bầu cử Mỹ 2020: So sánh với cuộc kiểm phiếu lại năm 2000 ở Florida
Bầu cử Mỹ: Kiểm chứng bài phát biểu của TT Donald Trump
Quan chức bầu cử Mỹ bác bỏ cáo buộc của Trump về gian lận
Tuy nhiên, áp lực phải nhượng bộ đến từ cả hai phía. Hôm thứ Hai, đảng Cộng hòa đã hủy bỏ các vụ kiện thách thức kết quả bầu cử ở bốn bang chiến trường – Michigan, Georgia, Pennsylvania và Wisconsin – nơi ông Biden được dự đoán là người chiến thắng.
Trong tất cả bốn vụ kiện, được hủy bỏ trong vòng một giờ, không có lý do nào được đưa ra về việc vì sao tạm dừng thưa kiện. Mỗi vụ đều do các cử tri đưa ra – không phải bởi chiến dịch Trump hoặc bởi các quan chức Đảng Cộng hòa – mặc dù Tổng thống Trump tiếp tục thúc giục những người ủng hộ mình thách thức kết quả bầu cử.
Chiến dịch tranh cử của Trump đã nộp đơn kiện sau cuộc bầu cử để thách thức việc kiểm phiếu vốn dự đoán phần thua thuộc về ông Trump, nhưng các chuyên gia đánh giá rằng hầu hết các vụ kiện này không có cơ sở pháp lý vững chắc.
Một Nhà Trắng, nhiều quan điểm
Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien đã nói về một “sự chuyển đổi chuyên nghiệp” sang chính quyền tiếp theo vào thứ Hai. Giọng điệu của ông khác với Ngoại trưởng Mike Pompeo, người đã nói về một “chính quyền Trump thứ hai” vào tuần trước, và những người khác hành động như thể tổng thống sẽ vẫn ở lại.
Khi tôi hỏi Judd Deere, một phát ngôn viên tại Nhà Trắng, về những nhận xét của ông O’Brien và vai trò của chính ông trong quá trình chuyển đổi, ông Deere đã bác bỏ ý kiến của ông O’Brien:
“Không có sự chuyển đổi nào vào thời điểm này.” Khi tôi hỏi về lời khuyên mà ông sẽ đưa ra cho những người sẽ đến sau ông, ông ấy hơi nổi cáu: “Tôi không đưa ra giả thuyết.”
Phát biểu của ông Judd Deere củng cố những phát biểu của ngoại trưởng Mike Pompeo, nhưng lại mâu thuẫn với những phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, một diễn biến không mấy ngạc nhiên, dựa trên việc sếp của họ – ông Trump – là một mớ mâu thuẫn.
Ông đã tweet về chiến thắng của Biden trong một khoảnh khắc và sau đó tự xóa đi, và thư ký nội các, cố vấn và những người khác phản ánh cách tiếp cận ngoằn nghèo của ông.
Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama cũng đã chỉ trích ông Trump trên Instagram.
Bà mô tả khó khăn khi chào đón ông Trump đến Nhà Trắng cách đây 4 năm sau khi ông “phát tán những lời nói dối mang tính phân biệt chủng tộc về chồng tôi đã đẩy gia đình tôi vào nguy hiểm” – đề cập đến những tuyên bố không có thật mà tổng thống đương nhiệm khuếch đại về nơi sinh của ông Obama.
Tuy nhiên, “tình yêu đất nước của chúng tôi đòi hỏi chúng tôi phải tôn trọng kết quả của một cuộc bầu cử ngay cả khi chúng tôi không thích chúng hoặc ước nó diễn ra theo cách khác – nhiệm kỳ tổng thống không thuộc về bất kỳ cá nhân hay đảng phái nào”, bà Obama viết .
“Giả vờ là nó như thế, thực hiện những thuyết âm mưu vô căn cứ – cho dù vì lợi ích cá nhân hay chính trị – là đặt sức khỏe của người dân và an ninh của đất nước chúng ta vào tình trạng nguy hiểm. Đây không phải là một trò đùa”, bà nói.
Bà Obama kêu gọi người Mỹ, “đặc biệt là các nhà lãnh đạo của đất nước chúng ta, bất kể đảng phái nào”, hãy “tôn trọng quá trình bầu cử và làm phần việc của mình để khuyến khích quá trình chuyển giao quyền lực suôn sẻ”.
“Người dân Mỹ đã lên tiếng. Và một trong những trách nhiệm lớn nhất của nhiệm kỳ tổng thống là lắng nghe khi họ nói,” bà viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54969823
Cố vấn của Trump hứa hẹn
‘cuộc chuyển giao rất chuyên nghiệp’
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 16/11, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump hứa sẽ “chuyển giao rất chuyên nghiệp” sang chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, ngay cả khi ông Trump tiếp tục tuyên bố bị coi là sai rằng ông đã thắng cuộc bầu cử tháng 11, theo AP.
Phát biểu trước Diễn đàn An ninh Toàn cầu do Qatar chủ trì, ông Robert O’Brien nhiều lần đề cập đến quá trình chuyển giao và các thỏa thuận bình thường hóa gần đây mà Bahrain, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đạt được với Israel là “một di sản lớn của tổng thống khi ông rời nhiệm sở”.
Trong khi vẫn cảnh giác nói rằng ông Trump đang có những thách thức tòa án nổi bật, bình luận của ông O’Brien cho thấy điều AP nói là tuyên bố chắc chắn nhất từ một quan chức cấp cao trong chính quyền, thừa nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11.
“Nếu nhóm Biden-Harris được xác định là người chiến thắng – rõ ràng mọi thứ đang diễn ra theo hướng đó – chúng tôi sẽ có sự chuyển giao rất chuyên nghiệp từ Hội đồng An ninh Quốc gia. Không có gì phải nghi ngờ cả”, ông O’Brien nói, theo AP.
Ông O’Brien là cố vấn an ninh quốc gia thứ tư của ông Trump. Trước đây, ông từng là đặc phái viên của ông Trump về các vấn đề con tin. Khi được hỏi về nhà báo Mỹ Austin Tice, người đã biến mất trong cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2012 và được cho là bị Damascus bắt giữ, ông O’Brien cho biết Mỹ đang sử dụng “mọi đòn bẩy” để đưa nhà báo này trở về.
Có khả năng ông Biden tiếp tục
chính sách cứng rắn về Biển Đông
Drake Long
Chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông dưới chính quyền ông Biden sẽ mang tính kế tục nhiều hơn là thay đổi. Những tuyên bố của vị cựu Phó tổng thống và của các cố vấn thân cận cho thấy như thế, khi mà lập trường ‘diều hâu’ đối với Trung Quốc vẫn mạnh mẽ trong cả hai đảng chính trị lớn của Hoa Kỳ.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng tin rằng dưới thời ông Joe Biden, Washington sẽ theo đuổi sự can dự ngoại giao nhiều hơn nữa với các nước ở Đông Nam Á đang có tranh chấp về chủ quyền biển, sau 4 năm chú ý đối với khối 10 quốc gia trong khu vực (ASEAN) tương đối ít.
Trong chiến dịch bầu cử tổng thống gay gắt, không có nhiều chú ý đến chính sách đối ngoại, khiến khó có thể đoán được ông Biden hoặc Tổng thống Donald Trump, người vẫn chưa thừa nhận kết quả cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11, sẽ tiếp cận thế nào đối với lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc về những tuyên bố sâu rộng của họ đối với Biển Đông trong bốn năm tới. Mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng hơn khi một Chiến lược An ninh Quốc gia mới, một bản đánh giá liên cơ quan về chính sách, được công bố. Chiến lược này sẽ ra đời trong thời hạn 150 ngày sau khi tân tổng thống nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.
Ông Carl Thayer, một giáo sư tại Đại học New South Wales ở Canberra, Úc, cho biết ông không mong đợi một sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ mà đặc trưng dưới thời Tổng thống Trump là tăng cường diễn tập quân sự ở Biển Đông, hoạt động tự do hàng hải gọi tắt là FONOPs, và lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn trước các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp.
Theo lời ông Carl Thayer nói trong một diễn đàn trực tuyến trong tuần qua, “Chiến lược sẽ vẫn ở đó và lợi ích quốc gia rõ ràng sẽ không thay đổi vì ông Trump không còn là tổng thống”. Ông Carl Thayer cũng đưa ra ví dụ về hoạt động tự do hàng hải để nhằm thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và hàng hải không được luật pháp quốc tế ủng hộ. Ông Thayer cho biết FONOP sẽ tiếp tục, nhưng tốc độ và phạm vi sẽ được xác định sau khi có đánh giá giữa các cơ quan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington D.C., mặc dù Mỹ không phải là một bên có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng khoảng 208 tỷ USD hàng hóa của Mỹ sẽ đi qua vùng biển đó. Vì vậy, việc Trung Quốc quân sự hóa khu vực Biển Đông đã làm dấy lên lo ngại về gián đoạn thương mại, trong khi các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển của Bắc Kinh thường xuyên xâm phạm vùng biển của các bên tranh chấp khác, bao gồm cả Philippines, một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ. Washington có nghĩa vụ phải ra tay bảo vệ Manila nếu bất kỳ quân nhân nào của nước này bị tấn công ở Biển Đông.
Nói về FONOP và các chương trình hỗ trợ quân sự mà Mỹ hiện đang cung cấp cho các nước Đông Nam Á, ông Amitav Acharya, giáo sư tại trường Đại học American ở Washington, D.C. cho rằng “chính quyền của ông Biden sẽ tiếp tục chính sách cũ theo khía cạnh quân sự”. Trên thực tế, cả hai chính sách đều được đưa ra dưới thời chính quyền ông Obama mà ông Biden từng là Phó tổng thống, mặc dù tốc độ của các FONOPs và các cuộc tập trận quân sự đã tăng tốc dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Ông Acharya nói thêm: “Những gì người Đông Nam Á muốn là Hoa Kỳ duy trì sự cân bằng quân sự, can dự ngoại giao và tất cả các loại viện trợ kinh tế và những thứ tương tự mà không có chiến tranh ý thức hệ hoặc ‘đao to, búa lớn’ chống lại Trung Quốc”.
Gắn kết nhiều hơn với ASEAN
Những mong muốn vừa nêu chỉ ra những đường hướng mà cách tiếp cận của ông Biden có thể khác với ông Trump.
Ông Carl Thayer dự đoán cách tiếp cận chính sách của ông Biden sẽ “có trật tự” hơn và sẽ để chính quyền của ông tăng cường tiếp cận cấp cao với Hiệp hội 10 quốc gia Đông Nam Á, hay còn gọi là ASEAN. Các nhà phê bình đã cáo buộc Tổng thống hiện tại của Hoa Kỳ về một cách tiếp cận “mang tính mua bán đổi chác” và gây áp lực lên các chính phủ chọn phe giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Theo lời GS. Thayer, “ông ấy (Joe Biden) sẽ lắng nghe các nhà lãnh đạo ASEAN và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ thay đổi toàn bộ bầu không khí của những gì đang xảy ra”. Năm thành viên của ASEAN là Brunei, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Indonesia, đều có yêu sách lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn với yêu sách sâu rộng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong 8 năm cầm quyền, Tổng thống Barack Obama lúc bấy giờ là người thường xuyên tham dự các hội nghị cấp cao hàng năm của ASEAN. Để so sánh, ông Trump đã không tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN trong bốn năm qua, đồng thời cũng chưa bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN.
Tuy vậy, trong khi cam kết cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump với ASEAN bị chỉ trích là nửa vời, Hoa Kỳ đã thực hiện một cách tiếp cận sức mạnh hơn để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với các quốc gia Đông Nam Á đang phải đối mặt với sức ép của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Vào tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã thông báo về một sự thay đổi mới trong cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Biển Đông, gọi các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với một số thực thể nửa nổi nửa chìm là “bất hợp pháp” và bác bỏ các yêu sách hàng hải bành trướng của Trung Quốc, nói rằng hành vi hung hăng của Bắc Kinh vi phạm về quyền của các quốc gia Đông Nam Á đối với tài nguyên trong vùng biển của những nước này. Trước đây, Hoa Kỳ không chính thức đưa ra quan điểm về bất kỳ yêu sách lãnh thổ nào ở Biển Đông.
Ngoài ra, vào tháng 8/2020, chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc mà họ cho là có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp ở Biển Đông. Một số đơn vị như Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc rõ ràng đã tham gia vào việc nạo vét các bãi đá ngầm và đá thành các đảo nhân tạo.
Những việc vừa nêu dẫn đến áp lực của Hoa Kỳ mà khiến các chính phủ Đông Nam Á thấy không được thoải mái. Phát biểu với ASEAN vào tháng 9 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo nêu lên việc loại bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các nền kinh tế khu vực, nhưng đến nay chưa có quốc gia ASEAN nào thực sự làm như vậy.
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, dường như có sự ủng hộ mạnh mẽ về cả chính trị và công chúng đối với đường lối cứng rắn dành cho Trung Quốc. Theo Pew Research, khoảng 73% người Mỹ không ủng hộ Trung Quốc.
Tại Quốc hội, cả các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hồng Kông năm 2019, nêu rõ Trung Quốc đã đàn áp các định chế chế dân chủ ở Hồng Kông. Tương tự, một dự luật đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt hơn đối với Trung Quốc về hành vi của họ ở Biển Đông cũng có sự đồng bảo trợ và ủng hộ của cả hai đảng.
Lời của ông Biden
Ý kiến riêng của ông Biden về Trung Quốc và nhà lãnh đạo tối cao của nước này là ông Tập Cận Bình dường như trở nên chua cay kể từ lần cuối ông Biden còn trong chức vụ Phó tổng thống dưới thời Obama. Ông Biden đã tương tác rất nhiều với ông Tập, thế nhưng trong một cuộc tranh luận vào tháng 2 năm nay, ông đã gọi ông Tập là một “kẻ côn đồ”. Ông cũng viết một bài báo trên tờ Foreign Affairs vào tháng Ba gọi Trung Quốc là “một thách thức đặc biệt”.
Cụ thể, ông viết “Tôi đã dành nhiều giờ với các nhà lãnh đạo của Trung Quốc, và tôi hiểu những gì chúng tôi đang chống lại. Cách hiệu quả nhất để đối mặt với thách thức đó là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ để đối đầu với các hành vi lạm dụng và vi phạm nhân quyền của Trung Quốc”. Ông để ngỏ khả năng làm việc với Trung Quốc trên các lĩnh vực “nơi các lợi ích của chúng ta hội tụ”, nhưng tuyên bố rõ ràng, “Hoa Kỳ cần phải cứng rắn với Trung Quốc”.
Các cố vấn của ông Biden và những người có khả năng được chọn vào nội các dường như cũng nghiêm khắc đối với hành vi của Trung Quốc trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn của CBS News trong chương trình Intelligence Matters vào tháng 9 vừa qua, ông Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại chính cho ông Biden trong chiến dịch tranh cử và có khả năng được chọn cho vai trò hàng đầu trong bộ máy chính quyền, đã gọi Trung Quốc là “thách thức lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt từ một quốc gia khác về kinh tế, công nghệ, quân sự, thậm chí cả ngoại giao”. Đồng thời ông Antony Blinken cũng nói rằng Mỹ cần một liên minh gồm các nước đứng sau để tiếp cận Trung Quốc từ ‘một vị trí của sức mạnh’.
Bà Michele Flournoy, người được nhiều người cho là ứng cử viên hàng đầu cho chức Bộ trưởng Quốc phòng của ông Biden, cũng có ý kiến với những từ ngữ rõ ràng về cách chống lại sự tăng cường quân sự của Trung Quốc.
Trong bài viết của bà Flournoy trên tờ Foreign Affairs vào tháng Sáu vừa rồi, “Nếu quân đội Mỹ có khả năng đe dọa để đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc mới có thể suy nghĩ kỹ trước khi phát động phong tỏa hoặc xâm lược Đài Loan”.
Một chỉ dấu khác cho thấy chính quyền ông Biden có thể tiếp tục thực hiện chính sách của Tổng thống Trump đối với khu vực là vào lúc ông Joe Biden có cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison sau khi đắc cử, nhóm chuyển tiếp của ông đưa ra một tuyên bố nói rằng ông Biden mong được hợp tác để “duy trì một nền an ninh và thịnh vượng Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.
Thuật ngữ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” đã được chính quyền Tổng thống Donald Trump chấp nhận và trở thành nền tảng cho khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, tạo nên cơ sở cho cách tiếp cận của Hoa Kỳ đối với Biển Đông và chỉ trích hành vi của Trung Quốc ở đó.
Việc sử dụng cụm từ “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của ông Biden có thể là một dấu hiệu cho thấy mặc dù nhiều phần trong chính sách đối ngoại của ông sẽ khác với chính sách của người tiền nhiệm, nhưng một số điều sẽ vẫn được giữ nguyên.
Chính sách đối ngoại của chính phủ Biden
và vấn đề Biển Đông
Từ khi giành được hơn 270 phiếu đại cử tri, Tổng thống tân cử Joe Biden đã tiếp xúc với lãnh đạo các nước đồng minh, cam kết hàn gắn các quan hệ đối tác đã bị sứt mẻ trong mấy năm qua, đồng thời tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với các hiệp định an ninh hỗ tương từng bị đặt nghi vấn dưới quyền Tổng thống Trump.
Trong 4 năm dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực hay lo lắng, không biết liệu nhà lãnh đạo tính khí khó đoán của Mỹ có sẽ tôn trọng những cam kết của Hoa Kỳ hay không?
Sau khi trấn an lãnh đạo các nước Châu Âu rằng “Mỹ đã trở về”, ông Biden điện đàm với Thủ tướng Úc Scott Morrison, Tổng Thống Hàn quốc Moon Jae-in và Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, 3 nhà lãnh đạo Châu Á đã gọi điện chúc mừng ông, bất chấp Tổng Thống Trump chưa công nhận thất cử.
Các giới chức Nhật cho biết trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Suga cảnh báo về “tình hình an ninh chung quanh khu vực đang ngày càng nghiêm trọng hơn”. Đáp lại, Tổng thống tân cử Joe Biden tái khẳng định “cam kết của Hoa Kỳ sẽ bảo vệ Nhật Bản”, thực thi các trách vụ của Mỹ theo hiệp định an ninh đã ký cách đây nhiều thập niên, ban chuyển tiếp của ông Biden cho biết.
Trong một động thái có phần chắc sẽ gây phẫn nộ ở Bắc Kinh, ông Biden xác nhận cam kết an ninh của Mỹ bao trùm quần đảo Senkakus, một quần đảo không người ở mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố là thuộc chủ quyền của mình.
Trong một cuộc điện đàm riêng với Tổng Thống Hàn quốc Moon Jae-in, ông Biden mô tả liên minh Mỹ-Hàn là “nền tảng của an ninh và thịnh vượng” trong khu vực, và ông cam kết sẽ hợp tác để giải quyết “những thách thức chung”, đặc biệt là vấn đề Triều Tiên, và biến đổi khí hậu.
Trong khi đó Tổng Thống Trump nhiều lần cho biết ông đang cân nhắc giải pháp rút quân ra khỏi Nhật Bản và Hàn quốc, nơi đồn trú của hơn 20.000 binh sĩ và nhân viên quân sự Mỹ mà mục đích là để răn đe một cuộc tấn công quân sự từ miền Bắc.
Văn phòng Tổng thống Hàn quốc cho biết ông Moon và ông Biden đồng ý sẽ gặp nhau “trong thời hạn sớm nhất có thể” sau lễ nhậm chức tổng thống.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Úc, ông Biden được Thủ tướng Scott Morrison mời đi thăm Úc trong năm tới để đánh dấu 70 năm hiệp định an ninh Úc-Mỹ.
Ông Biden lưu ý về tầm quan trọng của việc “đương đầu với biến đổi khí hậu” điều mà chính quyền bảo thủ của Úc dường như chưa đặt lên hàng ưu tiên cao, bất chấp nước này đã ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Úc miêu tả cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo là “nồng ấm.”
Trong cương vị thành viên của Ủy ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ trong nhiều thập niên, ông Biden đã đi thăm nhiều nước và gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo trên khắp thế giới.
Trong cương vị phó tổng thống Mỹ dưới thời Obama, ông Biden đã bỏ nhiều công sức để cổ vũ cho Hoa Kỳ như một “cường quốc Thái Bình Dương.”
Nhưng sau khi nhiệm kỳ Tổng thống của ông Obama kết thúc, chính sách xoay trục sang Châu á của ông, và các nỗ lực kiên trì nhằm xây dựng một liên minh tại các hội nghị khu vực như ASEAN, APEC và hội nghị thượng đỉnh Đông Á… được thay thế bằng một mối quan hệ có tính thực dụng. Tổng thống Trump cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đạt được sau 8 năm thương thuyết gay go và nhắm cô lập Trung Quốc về mặt kinh tế, mở đường cho Bắc Kinh vận động để đạt Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không có Hoa Kỳ, vừa được ký kết cách đây vài ngày.
Tổng thống Trump còn gây lo ngại cho các đồng minh ở Châu Á khi ông liên tục leo thang các tranh chấp thương mại với Trung Quốc, xích lại gần nhà độc tài Kim Jong Un của Triều Tiên, và công khai bàn tới khả năng Mỹ rút quân ra khỏi khu vực.
‘Joe Biden cũng sẽ cứng rắn với Trung Quốc, không kém TT Trump’
Trang mạng Intellasia trích lời ông Wu Shicun, người đứng đầu Viện nghiên cứu quốc gia về Biển Đông của Trung Quốc, nhận định rằng ông Biden “sẽ có hướng tiếp cận khác với Tổng thống Donald Trump”.
“Ông Biden sẽ chú ý nhiều hơn tới vấn đề Biển Đông, nhưng các chính sách của ông cân bằng hơn và có tính kiềm chế hơn.”
Các cuộc tuần tra đã khởi sự dưới thời Tổng thống Obama nhưng trở nên thường xuyên hơn dưới thời Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ giao nhiều quyền hạn hơn cho Ngũ Giác Đài để linh động lập kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra của hải quân để khẳng định quyền tự do đi lại trong các vùng biển tranh chấp. Ông Wu dự đoán các cuộc tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải như thế sẽ ít thường xuyên hơn dưới một chính phủ Biden, vì các hoạt động tuần tra tác động tới các quan hệ song phương và làm tăng căng thẳng Mỹ-Trung.
Về phần Trung Quốc, Bắc Kinh dự kiến các quan hệ với Washington dưới sự lãnh đạo của ông Biden sẽ ổn định hơn, dễ đoán hơn, không thay đổi thất thường và đột ngột như với ông Trump, tuy vậy các quan hệ với Washington sẽ không thay đổi đáng kể, về một số vấn đề quan trọng. Financial Times trích lời các nhà phân tích và cố vấn chính phủ Trung Quốc nhận định:
“Sẽ không có thay đổi đáng kể dưới quyền ông Biden về các vấn đề gai góc như Đài Loan, Hong Kong, Biển Đông, Tân Cương, Tây Tạng và tình hình tôn giáo và nhân quyền,” theo ông Shi Hong, giáo sự đại học Renmin ở Bắc Kinh và là cố vấn Quốc vụ viện về các vấn đề đối ngoại. “Nhưng ông Biden tính khí không thất thường như ông Trump, ông ăn nói lịch sự hơn, dễ đoán hơn giúp ổn định chính sách của Washington đối với Trung Quốc.
Financial Times dẫn lời một chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Học viện Khoa học Xã hội ở Bắc Kinh, ông Lu Xiang, giải thích sự khác biệt giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ:
“Biden coi Trung Quốc là một nước cạnh tranh, trong khi ông Trump coi Trung Quốc là một đối thủ. Các quan hệ giữa hai nước cạnh tranh được dựa trên các quy định, luật lệ.”
Vấn đề Biển Đông
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore, nói thành phần nhân sự do ông Biden chọn vào các chức vụ chính trong Bộ Quốc phòng sẽ ảnh hưởng tới các quan hệ với Bắc Kinh tại Biển Đông, nhưng bất kể họ là ai, Tiến sĩ Hiệp nói thêm, “căng thẳng trong khu vực khó có thể tan biến trong một sớm một chiều”.
Trong số những người có triển vọng được chọn ra lãnh đạo Bộ Quốc phòng có bà Michele Flournoy, từng là thứ trưởng quốc phòng về chính sách dưới thời Tổng thống Obama. Bà là người chủ trương phải cứng rắn với Trung Quốc.
“Biển Đông đã trở thành một chiến trường quan trọng cho cuộc đối đầu chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nơi mà Hoa Kỳ có thể huy động các nước trong khu vực chống lại Bắc Kinh, và dùng các tuyên bố chủ quyền quá tham lam của Trung Quốc để tập hợp các đồng minh.”
Tiến sĩ Hiệp nhận định:
“Vì vậy dưới một chính phủ Biden, Hoa Kỳ và các đồng minh có phần chắc sẽ tiếp tục duy trì, và ngay cả tăng cường, sự hiện diện của họ ở Biển Đông.”
Tại một cuộc họp trực tuyến với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á hôm thứ Năm tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói đẩy mạnh các quan hệ với 10 nước ASEAN là một trong các ưu tiên của Bắc Kinh. Ông Lý kêu gọi đẩy nhanh cuộc đàm phán về một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ông đề nghị một thời hạn 3 năm để tạo bộ quy tắc đó.
Ông Wu nói chính sách của Washington bác bỏ phần lớn những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, tình hình xáo trộn chính trị ở Malaysia, thay đổi thành phần lãnh đạo ở các cấp cao nhất có thể xảy ra ở Việt Nam và ở Philippines trong 2 năm tới có thể phức tạp hóa thêm tiến trình đàm phán.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói bất chấp những trở ngại đó, Bắc Kinh vẫn nóng lòng muốn hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Đào sâu thêm sự thù nghịch Mỹ-Trung có thể khuyến khích Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán,” ông nói.
“Mặt khác, nó có thể khiến Washington tăng hậu thuẫn cho các nước để kháng cự lại các yêu sách của Trung Quốc, như nên loại các nước ‘ngoài khu vực’ (như Hoa Kỳ), ngăn cấm các cuộc diễn tập quân sự hay các hoạt động kinh tế trên Biển Đông.”
Tờ South China Morning Post trích lời các chuyên gia nói một chính phủ Joe Biden có phần chắc cũng cứng rắn không kém chính quyền Donald Trump liên quan tới các bất đồng giữa Washington và Bắc Kinh như vấn đề Biển Đông.
Tờ báo dẫn lời Giáo sư Jay Batongbacal, Viện trưởng Viện Hàng hải và Luật biển của Đại học Philippines, nói: “Xét quá trình của ông Biden là một nhà lập pháp lão thành, chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng cường hợp tác đa phương nhằm tăng sức ép để giải quyết các vấn đề trên toàn cầu”.
Chuyên gia về Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, nói rằng dưới quyền Tổng thống Biden, các nước trong khu vực sẽ ít bị áp lực hơn phải chọn phe giữa căng thẳng Mỹ-Trung.
Giáo sư Thayer nói liên minh Mỹ-Nhật-Hàn sẽ bớt đối đầu và hài hòa hơn dưới một chính phủ Biden. Mặt khác, Giáo sư Thayer lưu ý rằng lập trường của Tổng thống tân cử Joe Biden đối với Trung Quốc đã trở nên cứng rắn hơn trong thập niên qua. Ông Biden đặt nặng vấn đề nhân quyền hơn trong các quan hệ song phương. Trong chiến dịch vận động, ông Biden đã đả kích các hành động của Bắc Kinh ở Hong Kong, miêu tả chính sách của Trung Quốc đối với các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Tân Cương là “vô lương tâm”, và còn gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “côn đồ” trong một cuộc tranh luận với ứng cử viên Bernie Sanders hồi tháng Hai năm nay.
“Ông ta (Tập) là một kẻ côn đồ, thực tế là ông ta đã đẩy 1 triệu người Uighur vào các trại cải tạo, có nghĩa là các trại tập trung.”
Ông Biden cho biết đã có lần ông nói thẳng với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẽ thách thức “vùng cấm bay” của Trung Quốc trên Biển Đông, ông tuyên bố: “Chúng tôi sẽ điều máy bay thả bom B-1 bay qua vùng cấm bay”, và ông nói thêm: “Chúng tôi sẽ khẳng định rõ, rất rõ, rằng tất cả các bên phải tuân thủ các quy định chung. Chấm hết, chấm hết, chấm hết.”
Tuy vậy, trong giai đoạn đầu, các quan hệ với Trung Quốc không phải là ưu tiên số Một của tân chính phủ Biden. Một nhà phân tích Trung Quốc không cho biết danh tính nói với FT:
“Trong bối cảnh hiện nay, những vấn đề trước mắt đối với tân chính phủ Biden là các vấn đề đối nội, khởi sự với nỗ lực đối phó với dịch Covid-19, kế đến là vấn đề kinh tế và cấu trúc hạ tầng.” Nhưng một khi các vấn đề này tạm ổn, thì các quan hệ với Bắc Kinh sẽ được nâng lên hàng ưu tiên cao nhất.
Washington Post đưa tin sai về việc rút lại
vụ kiện gần 700.000 phiếu bầu ở Pennsylvania
Bình luậnNguyễn Minh
Bài báo đưa ra “sự mô tả hoàn toàn sai về vụ kiện của chiến dịch [Tổng thống] Trump ở [Pennsylvania],” cũng như “tuyên bố một cách sai lầm rằng chiến dịch đã rút lại cáo buộc về việc gần 700.000 lá phiếu được xử lý bất hợp pháp và trong bí mật…”, phát ngôn viên Tim Murtaugh từ chiến dịch tranh cử của ông Trump nói.
Tổng thống Donald Trump và chiến dịch tranh cử của ông đã phản đối bài báo đưa tin rằng họ đã rút lại các vụ kiện và cáo buộc về gian lận cử tri trong cuộc bầu cử ngày 3/11. Đồng thời, ông Trump và chiến dịch khẳng định sẽ tiếp tục khiếu kiện về việc hơn 600.000 lá phiếu ở Pennsylvania đã được xử lý không đúng cách.
Sáng ngày 16/11 (giờ Mỹ), phát ngôn viên của chiến dịch Tim Murtaugh đã chỉ trích bài báo của tờ Washington Post, nói rằng bài báo đưa ra “[thông tin] hoàn toàn sai về vụ kiện của chiến dịch [Tổng thống] Trump ở [Pennsylvania],” cũng như “tuyên bố một cách sai lầm rằng chiến dịch đã rút lại cáo buộc về việc gần 700.000 lá phiếu được xử lý bất hợp pháp và trong bí mật. Chiến dịch không hề [rút lại đơn khiếu nại]”.
Ông Murtaugh cũng cho biết: “Vụ kiện của chúng tôi ở Pennsylvania vẫn đưa ra vấn đề về 682.479 lá phiếu gửi qua thư và phiếu bầu vắng mặt đã được kiểm đếm trong bí mật”. Ông cũng nhấn mạnh rằng, tờ Washington Post đã không nắm được thông tin về các khiếu nại tại tòa án của chiến dịch.
Tổng thống Trump cũng có bài đăng tương tự với tuyên bố của ông Murtaugh trên Twitter, nói rằng tờ báo thuộc sở hữu của ông Jeff Bezos đã “quên đọc đơn khiếu nại”. Bài đăng của ông nhấn mạnh rằng, có những cáo buộc nổi bật từ những quan sát viên bầu cử của đảng Cộng hòa ở Pennsylvania – họ đã bị cấm theo dõi quá trình kiểm phiếu.
Luật sư Rudy Giuliani, cựu thị trưởng thành phố New York cũng phản bác thông tin mà tờ Washington Post đã đưa.
Đánh giá về lời nhận xét từ một phóng viên khác là ông Josh Gerstein của hãng tin Politico, luật sư riêng của Tổng thống Trump nhận định người này “có vấn đề về đọc hiểu” và “đã không đọc các đoạn từ trang 132 đến trang 150 của đơn kiện sửa đổi”.
Tờ Washington Post đưa tin rằng, các luật sư của chiến dịch Trump đã nộp đơn khiếu nại mới, trong đó “loại bỏ các cáo buộc rằng các quan chức bầu cử vi phạm các quyền hiến pháp của chiến dịch Trump, bằng cách hạn chế khả năng theo dõi quá trình kiểm đếm phiếu bầu của các quan sát viên của họ”.
Thư ký trưởng Kathy Boockvar của Pennsylvania, thành viên của đảng Dân chủ, đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của chiến dịch ông Trump về các hành vi gian lận cử tri hoặc bất thường tại tiểu bang. Văn phòng của bà đã không trả lời yêu cầu bình luận.
“Những vấn đề còn tồn đọng trong luật của bang vẫn cần được các tòa án bang Pennsylvania giải quyết”, các luật sư từ văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp Pennsylvania, Josh Shapiro thay mặt cho bà Boockvar cho biết.
Theo một tuyên bố được cung cấp cho các hãng tin vào cuối tuần, “Mặc dù Thư ký trưởng không tin rằng tranh luận tại toà là cần thiết để giải quyết các cáo buộc và yêu sách của Nguyên đơn, nhưng luật sư của Thư ký trưởng sẽ có mặt và chuẩn bị cho tranh luận như đã định vào thứ Ba… nếu Tòa án vẫn có ý định tổ chức phiên tranh tụng”.
Thẩm phán Tòa án Quận Hoa Kỳ Matthew Brann, người được cựu Tổng thống Barack Obama bổ nhiệm, có kế hoạch tổ chức phiên tranh tụng về vụ việc vào thứ Ba ngày 17/11 và sẽ tổ chức một phiên điều trần làm chứng vào thứ Năm ngày 19/11.
Trong một tuyên bố với Fox News, chiến dịch tranh cử của ông Trump nhấn mạnh đã sửa đơn khiếu nại, và “quyết định một cách chiến lược để cơ cấu lại vụ kiện của mình dựa trên các tuyên bố vi phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Hoa Kỳ”. Chiến dịch cho biết, vấn đề kiểm đếm phiếu mà không có quan sát viên theo dõi là một phần trong khiếu nại của họ.
“Những người theo dõi cuộc bầu cử của chúng tôi đã bị từ chối quyền tiếp cận đầy đủ để quan sát quá trình kiểm phiếu và chúng tôi vẫn đưa yêu cầu đó vào đơn khiếu nại của mình. Thật không may, các hãng truyền thông đưa tin tức giả đã vội vã in bài báo của họ, dường như thậm chí không đọc đơn kiện. Đúng là tờ báo lười biếng nhất, nhưng nhiều khả năng là cố ý gây hiểu lầm”, phát ngôn viên Murtaugh nói.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
TT Trump: Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020
vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ
Bình luậnNguyễn Minh
“Nhiều vụ kiện đã được đệ trình trên khắp đất nước không phải từ chúng tôi, mà là từ những người đã chứng kiến những vụ việc gian lận khủng khiếp…”, Tổng thống Trump viết.
Tổng thống Donald Trump khẳng định trong một loạt bài đăng trên Twitter rằng, cuộc bầu cử năm 2020 đã vi phạm Hiến pháp Hoa Kỳ.
Vào Chủ nhật ngày 15/11 (giờ Mỹ) ông viết về cuộc bầu cử như sau: “Nhiều vụ kiện đã được đệ trình trên khắp đất nước không phải từ chúng tôi, mà là từ những người đã chứng kiến những vụ việc gian lận khủng khiếp. Các vụ kiện lớn của chúng ta sẽ sớm được đệ trình, minh chứng tính vi hiến (vi phạm Hiến
pháp) của cuộc Tổng tuyển cử năm 2020, và sự phẫn nộ về những điều đã được thực hiện để thay đổi kết quả bầu cử!”
Ngày 16/11, Tổng thống Trump đã chỉ trích cuộc bầu cử tại 2 bang chiến trường và cách thức điều hành của các quan chức bầu cử tại 2 bang này.
Ông nhắc lại tuyên bố trước đó rằng, những người theo dõi cuộc thăm dò của đảng Cộng hòa đã bị chặn để không thể quan sát quá trình kiểm phiếu tại Pennsylvania.
Tiểu bang này có 20 phiếu Đại cử tri. Ông Trump đã giành được số phiếu này vào năm 2016. Hiện tại, ông đang kém ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden 69.000 phiếu, tương đương 1% tổng số phiếu tại bang này.
Tổng thống Trump cũng đã lên tiếng chỉ trích về việc kiểm phiếu lại của bang Georgia.
Ông viết rằng: “Việc kiểm đếm lại giả đang diễn ra ở Georgia vốn chẳng có nghĩa lý gì, vì họ không xem xét và xác minh chữ ký. [Như vậy là] vi phạm Nghị định thỏa thuận của Hiến pháp rồi!”
Nghị định thỏa thuận (Consent Decree) là một thỏa thuận giải quyết tranh chấp giữa hai bên mà không cần phải nhận tội.
Bang Georgia đã thực hiện một vụ dàn xếp pháp lý sau khi bị kiện vì các thủ tục bỏ phiếu qua thư của tiểu bang không chuẩn hóa trong việc thông báo cho cử tri rằng lá phiếu qua thư của họ đã bị từ chối.
Thỏa thuận cho thấy, Thư ký trưởng và Hội đồng bầu cử của bang Georgia đã đi đến quyết định thông báo cho cử tri qua email, điện thoại và thư trong vòng 3 ngày hoặc trước ngày làm việc tiếp theo trong vòng 11 ngày trước Ngày bầu cử (3/11), nếu lá phiếu của họ bị từ chối. Sau đó, cử tri sẽ có cơ hội “sửa” lá phiếu của họ.
“Thỏa thuận dàn xếp này sẽ giúp người dân Georgia yên tâm rằng phiếu bầu của họ sẽ được tính và họ sẽ không bị mất tiếng nói vì sự thiếu sót trong luật bầu cử tiểu bang”, thành viên đảng Dân chủ Cheri Bustos từ Ủy ban vận động Quốc hội cho biết vào thời điểm đó.
Chiến dịch của ông Biden đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Ngày 7/11, một số hãng tin đã xướng tên người chiến thắng của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, trong khi các tiểu bang vẫn chưa xác nhận kết quả kiểm phiếu và Đại cử tri đoàn chưa thực hiện bỏ phiếu quyết định Tổng thống đắc cử.
Ban biên tập The Epoch Times và NTD Việt Nam sẽ không tuyên bố người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, cho đến khi tất cả các kết quả được xác nhận và mọi tranh chấp pháp lý được giải quyết triệt để trên toàn Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump và chiến dịch tranh cử của ông khiếu kiện kết quả kiểm phiếu ở các bang chiến trường như Pennsylvania. Hiện tại, bang Georgia đang tiến hành kiểm phiếu lại.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
Kịch bản thay đại cử tri Dân Chủ
bằng đảng Cộng Hòa để giúp Trump tái đắc cử
Trọng Nghĩa
Kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 do các phương tiện truyền thông công bố cho thấy ứng viên Joe Biden thuộc đảng Dân Chủ đã chiến thắng với 306 đại cử tri, so với 232 đại cử tri về tay đối thủ Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa. Kết quả này tuy nhiên còn chờ được chính các đại cử tri từng bang bỏ phiếu xác nhận vào ngày 14/12 tới đây.
Chính trên điểm này mà nhiều người trong giới ủng hộ tổng thống Trump được cho là muốn tranh thủ để “chuyển bại thành thắng”.
Trong bối cảnh Donald Trump kiên quyết không chấp nhận thất bại, liên tiếp cáo buộc phe Dân Chủ gian lận, đồng thời tung ra nhiều vụ khiếu kiện để đảo ngược kết quả bầu cử, nhiều người thân cận với tổng thống mãn nhiệm đã gợi lên khả năng các nghị viện tại các bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo chọn ra đại cử tri của đảng cho cuộc bỏ phiếu ngày 14/12, kể cả khi đa số cử tri trong bang đã bầu cho ông Biden vào ngày 03/11. Làm được điều đó, đặc biệt là tại các bang then chốt như Georgia, Michigan hay Wisconsin, Pennsylavania, thì tổng thống Trump dứt khoát sẽ vượt quá con số 270 phiếu đại cử tri cần thiết để được tái đắc cử.
“Mọi khả năng cần được xem xét”.
Theo báo chí Mỹ, dù có vẻ không tưởng, nhưng ngay từ khi những kết quả đầu tiên cho thấy tổng thống Trump bị thua đối thủ Joe Biden về số đại cử tri, một số tên tuổi trong đảng Cộng Hòa đã bắt đầu gợi lên khả năng này.
Một ví dụ điển hình được báo New York Times nêu bật là trường hợp thống đốc bang Florida Ron DeSantis, ngày 06/11, đã cho rằng các cơ quan lập pháp của các bang do đảng Cộng Hòa lãnh đạo nên tính tới việc chọn ra đại cử tri cho ông Trump.
Nhật báo Washington Post ngày 11/11 còn tiết lộ rằng chính tổng thống Trump đã gợi đến kịch bản Nghị Viện Cộng Hòa tại các bang chọn đại cử tri cho ông, trong lúc giới thân cận với tổng thống Mỹ thì đang khuyến khích đảng Cộng Hòa tại các bang then chốt như Pennsylvania và Michigan xem xét khả năng đó.
Trên đài truyền hình Fox News, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa thuộc bang South Carolina Lindsey Graham, một người ủng hộ nhiệt tình của ông Trump cho rằng “mọi khả năng cần được xem xét”.
Nghị Viện Bang có thể quyết định về đại cử tri nếu ” bầu cử thất bại”
Theo các chuyên gia về luật pháp Hoa Kỳ được báo New York Times và hãng tin Mỹ AP trích dẫn thì về mặt lý thuyết, cơ quan lập pháp tại các bang có quyền quyết định cách thức chọn các đại cử tri để bỏ phiếu bầu ra tổng thống và phó tổng thống.
Trên nguyên tắc thì đạo luật về đại cử tri quy định thống đốc bang xác nhận cả kết quả bầu cử và kết quả bầu đại cử tri của bang đó, và thông thường thì đảng của ứng cử viên tổng thống giành chiến thắng sẽ cử ra các đại cử tri ở bang đó, và thống đốc bang có nhiệm vụ xác nhận các đại cử tri này.
Tuy nhiên, luật về đại cử tri cũng có quy định về trường hợp “bầu cử thất bại”, tức khi cử tri toàn quốc không chọn ra được tổng thống, các cơ quan lập pháp của bang được trao quyền tham gia và chỉ định đại cử tri. Tuy nhiên, đạo luật được ban hành từ năm 1876 này không nêu rõ thế nào là một cuộc bầu cử “thất bại”.
Cơ hội duy nhất để cơ quan lập pháp bang can thiệp vào việc chỉ định đại cử tri là điều khoản về “bầu cử thất bại”. Nếu từ nay đến giữa tháng 12 mà kết quả của cuộc bầu cử còn giằng co, thì Nghị Viện Đảng Cộng Hòa kiểm soát ở các bang có thể tuyên bố rằng Trump đã thắng và chỉ định các đại cử tri ủng hộ ông.
Theo New York Times, các vụ kiện mà ban vận động tranh cử của tổng thống Trump đệ trình dường như nhằm mục đích làm chậm tiến độ chứng nhận kết quả bầu cử của các bang, từ đó viện cớ để tuyên bố đây là cuộc bầu cử “thất bại”.
Kết quả không thể đảo ngược ?
Từ khi những ý tưởng bị cho là nhằm đảo ngược kết quả phiếu bầu phổ thông được gợi lên, báo giới Mỹ đã liên tục mời các chuyên gia về luật pháp Hoa Kỳ phân tích về tinh khả thi của kịch bản nói trên, và hầu như tất cả đều trả lời là “không thể”.
Như để chứng minh cho tính xác đáng của các phân tích từ giới chuyên gia, hãng tin Mỹ AP ngày 14/11/2020 cho biết là giới lãnh đạo ở bốn bang then chốt mà tổng thống Trump cần thắng để có thể tái đắc cử là Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin đều xác định rằng họ sẽ không tham gia vào kế hoạch nhằm thay đổi các đại cử tri trong bang để dồn phiếu cho tổng thống Donald Trump.
Điều đáng nói là các lãnh đạo này đều là người trong đảng Cộng Hòa. Tuyên bố của họ như vậy đã mặc nhiên bác bỏ gợi ý mà một số nhân vật theo đảng Cộng Hòa đã nêu lên thành cơ hội cuối cùng để tổng thống Trump tiếp tục ở lại Nhà Trắng,
Một số người còn lưu ý rằng, một động thái như vậy sẽ vi phạm luật bang và đi ngược lại ý nguyện mà cử trí đã thể hiện qua lá phiếu của minh.
Rusty Bowers, chủ tịch “Hạ Viện” tại Arizona do đảng Cộng Hòa nắm đa số cho biết: “Nếu không có gian lận – điều mà cho đến giờ tôi vẫn chưa nghe thấy – thì tôi chẳng thấy có bất kỳ cách thức nghiêm túc nào để thay đổi đại cử tri”. Sau khi cho biết là ông đã nhận được vô số email yêu cấu Hạ Viện Arizona nhập cuộc, nhân vật này khẳng định: “Theo luật các đại cử tri phải bỏ phiếu cho người đã được người dân chọn lựa”.
Pennsylvania và Wisconsin cũng không tán đồng
Tại Pennsylvania và Wisconsin cũng vậy, các nhà lãnh đạo Cộng Hòa cũng bác bỏ khả năng xen vào việc lựa chọn đại cử tri.
Trong một bài bình luận vào tháng 10, thượng nghị sĩ của Jake Corman và dân biểu Kerry Benninghoff – đều thuộc đảng Cộng Hòa – của bang này đã viết : “Lập pháp Pennsylvania không hề và sẽ không nhúng tay vào việc lựa chọn đại cử tri tổng thống của bang hoặc quyết định kết quả của cuộc bầu cử tổng thống,”. Văn phòng của hai người hôm 11/11 đã xác nhận với AP rằng lập trường của họ vẫn không thay đổi.
Tương tự như vậy, lãnh đạo Cộng Hòa của “Hạ Viện” Wisconsin, Robin Vos, từ lâu đã bác bỏ ý tưởng này và phát ngôn viên của ông ngày 12/11 cho biết ông vẫn giữ quan điểm đó.
Ở Michigan, thì giới lãnh đạo Nghị Viện cho rằng hành vi can thiệp nào cũng sẽ trái luật của bang. Tại bang này, thống đốc thuộc đảng Dân Chủ, nhưng cơ quan lập pháp lại ở trong tay đảng Cộng Hòa, vốn đang cho điều tra cuộc bầu cử. Tuy vậy, lãnh đạo “Thượng viện” của bang Mike Shirkey đã công khai cho biết hôm 13/11 rằng họ “không hy vọng là sẽ có thay đổi nào trong kết quả bầu cử”, theo đó ông Joe Biden đã thắng.
Tóm lại ý tưởng muốn các cơ quan lập pháp của các bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ bỏ qua chiến thắng qua phiếu phổ thông của Biden ở các bang của họ và chọn các đại cử tri của Trump xem ra khó thể thực hiện, và vào ngày 14/12, các đại cử tri sẽ họp lại ở mỗi bang để bỏ phiếu bầu ra tổng thống và phó tổng thống. Gọi là bầu, nhưng thực ra là xác nhận ý muốn của đa số các cử tri toàn bang đã thể hiện trong cuộc bầu cử ngày 03/11.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tiếp tục lên án
ĐCS Trung Quốc đàn áp tôn giáo
Bình luậnNgọc Trân
Hôm 16/10, Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 3 về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo đã chính thức được khai mạc tại Ba Lan dưới hình thức trực tuyến. Cùng ngày, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Đại sứ Tự do Tôn Giáo Hoa Kỳ Sam Brownback đã lần lượt phát biểu và đăng Twitter để lên án cuộc bức hại đối với các nhóm tín ngưỡng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói: “Chúng ta hãy mang theo niềm tin này tiến về phía trước: Tín ngưỡng mãi mãi tồn tại, chính quyền tàn bạo ắt diệt vong”.
Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo được Hoa Kỳ khởi xướng từ năm 2018, hai lần hội nghị trước đều do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đứng ra tổ chức. Năm nay, hội nghị được tổ chức tại Ba Lan, các quan chức và đại biểu của người dân từ 127 quốc gia đã tham dự từ xa.
Mục đích của hội nghị lần này là tiếp tục phát triển nỗ lực của cộng đồng quốc tế về thúc đẩy tự do tín ngưỡng và bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số. Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh hoành hành trên toàn thế giới, thì những quyền cơ bản này càng có nguy cơ bị đe doạ.
Hôm 16/11, trong một bài viết đăng trên Twitter, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trích dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo rằng: “Nếu chúng tôi không bảo vệ tự do tôn giáo, thì sẽ không có ai đứng ra làm việc này”. Ông Pompeo tiếp tục lên án cuộc đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công kéo dài suốt 20 năm qua và nhiều nhóm tôn giáo khác.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nói: “Cuộc chiến đức tin của ĐCSTQ chủ yếu nhắm vào các tín đồ Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Phật giáo và các học viên Pháp Luân Công. ĐCSTQ không bỏ sót bất kỳ ai”.
Ông Sam Brownback – Đại sứ Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đăng Twitter và lên án ĐCSTQ vì chính quyền này vẫn đang tăng cường đàn áp đối với các nhóm tự do tín ngưỡng – hành vi đã kéo dài nhiều thập kỷ qua. Ông Brownback cho biết, ĐCSTQ tiếp tục ra lệnh cho các nhóm tôn giáo kết hợp học thuyết chủ nghĩa cộng sản vào các giáo lý tín ngưỡng của họ và thực hành theo. Đây là một điều không thể chấp nhận được.
Dự kiến, chương trình Hội nghị Cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo lần này được diễn ra như sau: Ngày đầu tiên là cuộc họp của các quan chức cấp cao, ngày thứ hai là cuộc thảo luận chuyên đề về xã hội con người và các nhóm tôn giáo, cùng nhiều cuộc họp bên lề khác. Trong đó, ngày họp thứ ba (ngày 18/11) sẽ thảo luận và nghiên cứu về cuộc bức hại mà các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng suốt 21 năm qua và vấn nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng các tù nhân tôn giáo và tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Cả hai hành vi chà đạp tôn giáo và nhân quyền này đều do một tay ĐCSTQ gây ra.
Vào tháng Hai năm nay, Liên minh quốc tế về Tự do tôn giáo (International Religious Freedom Alliance) đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, hiện đã có 31 nước tham gia.
Ngọc Trân
Theo NTDTV tiếng Trung
Chính sách ‘một quốc gia, hai chế độ’
của Trung Quốc chỉ tồn tại trên danh nghĩa,
Mỹ xem xét lại chính sách với Đài Loan
Bình luậnĐông Phương
Ông Dư Mậu Xuân (Miles Yu), Cố vấn Chính sách Trung Quốc của Hoa Kỳ, nói rằng, vụ việc phế bỏ tư cách nghị viên của các thành viên phe dân chủ ở Hong Kong cho thấy rằng “một quốc gia, hai chế độ” chỉ tồn tại trên danh nghĩa và đã thất bại hoàn toàn. Điều này khiến Hoa Kỳ “cần phải xem xét lại” chính sách Đài Loan của nước này.
Vào ngày 9/11, thành viên phe dân chủ Hong Kong Wu Chi-wai thông báo rằng, nếu bốn thành viên phe dân chủ bị hủy bỏ tư cách nghị viên vì lý do vi phạm Luật An ninh Quốc gia Hong Kong, họ sẽ từ chức tập thể.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã đưa ra một tuyên bố bằng văn bản vào ngày 12/11, lên án mạnh mẽ việc chính phủ Trung Quốc hủy bỏ tư cách của các thành viên phe dân chủ trong Hội đồng Lập pháp Hong Kong, và nói rằng Hoa Kỳ sẽ truy cứu những kẻ phá hoại quyền tự trị và tự do của Hong Kong.
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Đài Á Châu Tự do (RFA), ông Dư Mậu Xuân, cố vấn chính sách Trung Quốc của Ngoại trưởng Mỹ, nói rằng việc các thành viên phe dân chủ Hong Kong từ chức tập thể là một trường hợp cụ thể khác cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang bóp nghẹt quyền tự trị của Hong Kong, hơn nữa vấn đề còn ngày một nghiêm trọng hơn. Điều này đã khiến Hoa Kỳ nhận ra rằng, chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Ông Dư chỉ ra rằng, Hong Kong không chỉ đơn giản là đấu trường giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Vấn đề Hong Kong đã phản ánh “sự đối lập giữa Trung Quốc (ĐCSTQ) và toàn thế giới”. ĐCSTQ đã vứt bỏ lời hứa với toàn thế giới và đối đầu với toàn thế giới.
Ông Dư Mậu Xuân nói rằng, quan điểm của Hoa Kỳ về chính sách “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong cũng sẽ ảnh hưởng đến chính sách Đài Loan của nước này. Mô hình “một quốc gia, hai chế độ” ở Hong Kong thực sự là khúc dạo đầu và bản mẫu cho chính sách Đài Loan của ĐCSTQ. Hiện nay, mô hình này đã hoàn toàn thất bại, chính sách đối với Đài Loan không còn cơ sở đáng tin cậy nữa, vậy nên tất nhiên là Mỹ cần phải xem xét lại.
Hôm 12/11, Ngoại trưởng Pompeo công khai tuyên bố rằng, Đài Loan không phải là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và chính sách Đài Loan do chính quyền của cựu Tổng thống Reagan xây dựng cũng công nhận điều này. Chính phủ lưỡng đảng của Hoa Kỳ đã tuân thủ các chính sách này trong 35 năm qua. Những ngày gần đây, quan hệ Mỹ-Đài đang nóng lên, ngoại giới cho rằng việc Mỹ-Đài nối lại quan hệ ngoại giao là một sự kiện có khả năng xảy ra cao.
Mặt khác, trước tình hình quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng, ngoại giới cho rằng hai bên đã bước sang một giai đoạn Chiến tranh Lạnh mới. Ông Dư nói rằng, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là tách rời ĐCSTQ khỏi người dân Trung Quốc. Đây không những là sự nỗ lực riêng của chính quyền Tổng thống Trump mà còn nhận được sự đồng thuận của cả hai đảng ở Hoa Kỳ. Chính quyền Tổng thống Trump đã coi ĐCSTQ là mối đe dọa số một của thế giới và toàn cầu đang dần hình thành một nhận thức chung.
Ông Dư Mậu Xuân cho biết, một thay đổi quan trọng khác là chính quyền Tổng thống Trump đã từ bỏ quan niệm “cố tìm cái chung, gác lại cái bất đồng” trong chính sách với ĐCSTQ kể từ thời Nexon. “Cố tìm cái chung, gác lại cái bất đồng nghe có vẻ tốt, nhưng nó thực sự rất nguy hiểm”. Ví dụ, “sự bất đồng” về nhân quyền, kiểm soát thông tin và tuyên truyền trên quy mô lớn không phải là những vấn đề có thể
thảo luận suôn sẻ trong khuôn khổ chính sách căn bản của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nguyên nhân sâu xa trong xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là hai quốc gia này đại diện cho hai hệ thống chính trị và ý thức hệ hoàn toàn khác nhau.
Ông Dư Mậu Xuân nói rằng, ĐCSTQ trông có vẻ lớn mạnh, nhưng thực ra lại rất yếu nhược. Một Nhậm Chí Cường có thể lật ngửa quân bài chính trị của ĐCSTQ và một Thái Hà có thể gây ra những sự việc lớn. ĐCSTQ thực chất là đang “duy trì vẻ ngoài uy quyền thông qua đàn áp và kiểm soát”.
Hiện tại, chính phủ Hoa Kỳ đang dồn toàn lực để giúp người dân Trung Quốc lật đổ xiềng xích của chính quyền chuyên chế ĐCSTQ, và việc có được tin tức tự do là bước đầu tiên vô cùng quan trọng. Ông Pompeo đã có bài phát biểu về “Cam kết của Mỹ” tại Viện Reagan vào ngày 10/11, trong đó ông tuyên bố rằng chính quyền Tổng thống Trump đã thay đổi thành công chính sách đối với ĐCSTQ và muốn giúp người dân Trung Quốc lật đổ bức tường lửa Internet.
Ngoại trưởng Pompeo chỉ ra rằng, chính quyền Tổng thống Trump đã huy động tất cả các ban bộ và sử dụng tất cả các công cụ để đối phó với những thách thức đến từ ĐCSTQ. Ông cũng tuyên bố rằng Hoa Kỳ cần phải giúp người dân Trung Quốc có được thông tin tự do và phá bỏ bức tường lửa Internet.
Đông Phương
Theo NTD tiếng Trung
TT Trump tham vấn ý kiến tấn công Iran
tuần trước nhưng đã rút lại
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump tham vấn các phương án tấn công địa điểm hạt nhân chính của Iran, nhưng cuối cùng quyết định không thực hiện phương án này, một quan chức Mỹ cho biết hôm 16/11, theo Reuters.
Quan chức này cho biết rằng Tổng thống Trump nêu yêu cầu tấn công Iran trong cuộc họp tại Phòng Bầu dục với các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông vào ngày 12/11, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence, Ngoại trưởng Mike Pompeo, tân quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller và Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ.
Mỹ khẳng định Iran tung email ra đe dọa cử tri Mỹ
Quan chức này xác nhận với tờ The New York Times về cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc. Và nhật báo này nói rằng các cố vấn đã thuyết phục Tổng thống Trump không tấn công Iran vì sẽ có nguy cơ xảy ra xung đột rộng lớn hơn.
“Ông tham vấn các phương án. Họ đã đưa cho ông các kịch bản và cuối cùng ông quyết định không thực hiện,” quan chức này nói.
Trong suốt nhiệm kỳ 4 năm qua, Tổng thống Trump đã áp dụng sách lược mạnh mẽ chống Iran. Năm 2018, ông rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào nhiều mục tiêu của Iran.
Yêu cầu của Tổng thống Trump về các lựa chọn tấn công Iran được đưa ra một ngày sau khi một báo cáo của cơ quan giám sát LHQ cho thấy Iran đã hoàn thành việc di dời một loạt máy ly tâm tiên tiến đầu tiên từ một nhà máy trên mặt đất tại địa điểm làm giàu uranium chính của họ đến một cơ sở dưới lòng đất, và động thái mới này đã vi phạm một các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân năm 2015 Iran ký với các cường quốc.
Mỹ áp đặt thêm chế tài lên Iran vì vi phạm nhân quyền
Ông Alireza Miryousefi, phát ngôn viên của phái bộ Iran tại LHQ ở New York, cho biết chương trình hạt nhân của Iran “hoàn toàn vì mục đích hòa bình và mục đích dân sự” và rằng các chính sách của ông Trump không thay đổi được điều đó.
Vào tháng 1/2020, Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ thực hiện một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái giết chết tướng Iran Qassem Soleimani tại sân bay ở Baghdad, Iraq.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tham-van-y-kien-tan-cong-iran-tuan-truoc/5665723.html
Đội phòng chống dịch của ông Biden
sẽ gặp các công ty dược chế tạo vaccine coronavirus
Hôm Chủ nhật (15/11), Ron Klain, giám đốc nhân sự mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết cố vấn chống dịch của ông sẽ gặp các công ty dược đang phát triển vaccine trong tuần này, trong đó có Pfizer. Các cuộc họp sẽ diễn ra ngay cả khi Tổng thống Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, mặc dù đã thừa nhận trong một tweet rằng ông Biden đã giành chiến thắng.
Ông Klain nói trên chương trình “Meet the Press” của MSNBC rằng các viên chức y tế hàng đầu của ông Biden không thể phối hợp với các nhân viên chính phủ nếu Cơ quan Dịch vụ tổng hợp (GSA) không chấp thuận tiến trình chuyển giao quyền lực.
Phát ngôn viên của nhóm ông Biden không có mặt để cho biết thêm về những công ty khác mà cố vấn của ông dự định sẽ gặp. Sản xuất và phân phối vaccine sẽ là một trong những thách thức lớn của chính quyền ông Biden.
Vaccine của Pfizer yêu cầu phải được bảo quản tốt dưới nhiệt độ âm 70 độ C trong lúc phân phối. Ông Klain cho biết cần phải chuyển giao quyền lực để đội của ông Biden có thể làm việc với Bộ Y tế và Xã Hội Hoa Kỳ (HHS) càng sớm càng tốt.
Bộ Y tế và Xã Hội Hoa Kỳ đang dẫn đầu việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine Covid-19 trong Chiến dịch Warp Speed. Các nhà khoa học hàng đầu Hoa Kỳ hy vọng vaccine sẽ có vào cuối tháng 12. Bác sĩ Anthony Fauci trả lời với CNN hôm thứ Ba (10/11) rằng phải bảo đảm đủ số liều vaccine cho những người muốn tiêm phòng vào cuối tháng 4/2021.
Hôm Chủ nhật, ông Fauci đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump nên hợp tác với nhóm của ông Biden trong việc giải quyết đại dịch coronavirus. Ông Fauci cũng cho rằng giai đoạn chuyển giao quyền lực là quan trọng. (BBT)
Liệu đội đặc nhiệm chống Covid của Biden sẽ thành công?
Chính quyền ông Joe Biden ‘sẽ bỏ qua chia rẽ đảng phái’ để đặt sinh mạng người dân Mỹ lên hàng đầu và sẽ lắng nghe khoa học trong việc chống dịch Covid-19, một bác sĩ gốc Việt tại California bày tỏ sự tin tưởng với VOA.
Trong khi đó, một bác sĩ gốc Việt khác, ở Texas, thì vẫn bày tỏ hoài nghi vì các thành viên trong đội đặc nhiệm này ‘dù là các nhà khoa học hàng đầu nhưng chưa chắc biết nhiều về y học thực tiễn và không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn khám chữa bệnh cho các bệnh nhân’.
Covid tái hoành hành
Nước Mỹ đang chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của virus corona. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, trong vòng bảy ngày cho đến 15/11, số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày ở Mỹ là 148.725. Điều đó có nghĩa là Hoa Kỳ đang có thêm khoảng 1 triệu ca nhiễm mới mỗi tuần.
Số người chết trung bình là 1.103 người/ngày, tăng 33% trong hai tuần qua, cũng tính đến 15/11, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins. Nước Mỹ hiện đã có hơn 245.000 người chết vì Covid-19.
Chỉ vài ngày sau khi được tuyên bố hội đủ số phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống thứ 46 của Mỹ, ông Joe Biden đã kêu gọi người dân Mỹ mang khẩu trang và thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống dịch bao gồm 13 thành viên, đứng đầu là cựu Tổng Y sĩ Vivek Murthy, Cựu Ủy viên Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) David Kessler và chuyên gia bình đẳng y tế Trường Đại học Yale, Marcella Nunez-Smith.
“Tôi xin quý vị. Hãy mang khẩu trang. Làm việc này cho chính mình. Làm việc này cho những người xung quanh. Khẩu trang không phải là một tuyên bố chính trị,” Tổng thống đắc cử Joe Biden phát biểu trước các phóng viên tại Wilmington, bang Delaware, hôm 9/11.
‘Đánh dịch theo khoa học’
Từ vùng Little Saigon, California, ông Ngô Bá Định, bác sĩ chuyên Nội khoa tại Orange Coast Medical Center, người trực tiếp chữa trị các bệnh nhân Covid-19 và bản thân ông cũng từng bị nhiễm virus corona nhưng đã bình phục, nói với VOA ông rất tin tưởng vào thành phần đội đặc nhiệm chống dịch của ông Biden mà ông cho là ‘gồm những nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực chống dịch’.
“Điều đó cho thấy ông Biden đánh dịch chỉ nghe theo khoa học và số liệu,” bác sĩ Định nói và nhắc lại lời của Tổng thống Donald Trump về ông Biden là ‘ông ấy sẽ nghe theo khoa học nếu đắc cử’.
Hành động sớm thành lập tổ chống dịch của ông Biden ‘nói lên trách nhiệm của một người tổng thống được dân bầu chọn’, ông Định nhận xét.
Vị bác sĩ này cũng chỉ ra rằng đội đặc nhiệm chống dịch này nằm dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, sẽ có vai trò quan trọng.
“Ông ấy sẽ có mặt trong những buổi họp báo của chính quyền Biden về dịch bệnh,” bác sĩ Định dự báo và cho rằng tổ chống dịch của ông Biden sẽ ‘thẩm định lại những gì chúng ta đang làm, đang có những tiến bộ hay khó khăn gì và sẽ có sự thay đổi một cách uyển chuyển’.
Về các biện pháp chống dịch đã được chính quyền Biden công bố, ông Định bày tỏ sự đồng tình với việc ông Biden ‘kêu gọi mọi người đeo khẩu trang khi đi ra nơi công cộng và tránh tụ tập đông người cho dù là trong mùa lễ hội sắp tới’.
“Ông Biden đã nói rằng đeo khẩu trang không hề lấy đi quyền tự do hay nhân quyền của người dân mà là trả lại cho quý vị cuộc sống bình thường,” ông Định dẫn chứng.
Ngoài ra, vị bác sĩ từng mắc Covid này cho rằng chính quyền ông Biden nên tăng cường hệ thống xét nghiệm cho những người nào trong phạm vi rủi ro hay những người muốn được xét nghiệm.
“Bệnh nhân khi xét nghiệm thì cần phải biết kết quả càng sớm càng tốt,” ông nói. “Nếu không trong khi chờ đợi có người có thể đã có bệnh và lây sang người khác.”
Ông Định cũng cho rằng chính quyền ông Biden cần thực hiện việc truy vết những người đã tiếp xúc bệnh nhân Covid để cách ly – điều mà 9 tháng qua ‘nước Mỹ không làm được’.
“Đồng thời cũng phải có những gói kích thích kinh tế để các doanh nghiệp có thể mở cửa được,” ông nói thêm.
‘Vaccine không đủ’
Trái với Bác sĩ Định, Bác sĩ Nguyễn Đông Châu thuộc chuyên khoa Nội thương-Tim mạch ở bệnh viện Methodist thuộc Trung tâm Y khoa Texas bày tỏ nghi ngờ về khả năng chống dịch của đội đặc nhiệm của ông Joe Biden.
Theo lý giải của vị bác sĩ này thì các thành viên trong đội đặc nhiệm này ‘dù là các nhà khoa học hàng đầu nhưng chưa chắc biết nhiều về y học thực tiễn và không có nhiều kinh nghiệm thực tiễn khám chữa bệnh cho các bệnh nhân’.
Bác sĩ Châu cũng không cho rằng khẩu trang có tác dụng gì trong việc ngăn lây lan dịch bệnh. Theo lập luận của ông do virus corona có kích thước rất nhỏ, nên phải khẩu trang chuyên dụng N-95 mới có hiệu quả, còn ‘khẩu trang thường đâu có chặn virus được’.
“Đa số mọi người mang khẩu trang không chặt, họ mang hở bên này hở bên kia, chỉ mang theo kiểu đối phó thì làm sao có tác dụng?” ông nói. “Khẩu trang không giải quyết được gì hết.”
Về việc hai công ty của Mỹ, Pfizer và Moderna, đã tìm ra vaccine chống virus, bác sĩ Ngô Bá Định vẫn thận trọng, vì “số lượng vaccine trước mắt sẽ chỉ đủ đáp ứng cho những người có nguy cơ cao và những người trên tuyến đầu chống dịch mà thôi.”
“Trước khi chúng ta có đủ vaccine cho 60-70% dân số Mỹ thì chúng ta vẫn phải đeo khẩu trang bởi vì phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đừng có thấy có vaccine rồi mà lơi lỏng không tuân theo các biện pháp phòng dịch,” ông cảnh báo.
Đồng thời, ông cũng không cho rằng việc phong tỏa nước Mỹ để chống dịch là nên làm vì đối với ‘người dân Mỹ sự tự do quá cao’.
“Việc phong tỏa toàn quốc có thể gây rối loạn cho nên chỉ nên phong tỏa một phần thôi,” ông phân tích. “Tiểu bang nào có tỷ lệ lây nhiễm cao quá thì mới phong tỏa.”
Tương tự bác sĩ Định, bác sĩ Châu cho rằng nước Mỹ không thể nào chống dịch bằng cách phong tỏa ‘vì người ta còn phải ra đường đi kiếm cơm’.
Theo bác sĩ Châu, nên coi dịch Covid-19 như cúm và ‘không thể ngăn nó lây lan’. Ông đề xuất ‘sống chung với dịch’ đợi đến khi nào vaccine được phổ biến rộng rãi thì dịch sẽ được kiểm soát.
Vaccine Moderna thành công,
thêm hy vọng chặn COVID-19 cho thế giới
Loại vaccine thử nghiệm của công ty Moderna, với hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa COVID-19 theo dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối, giúp công ty này trở thành nhà sản xuất dược phẩm thứ hai của Hoa Kỳ báo cáo kết quả vượt xa mong đợi, Reuters dẫn thông tin từ công ty cho biết hôm 16/11.
Cùng với vaccine của Pfizer, cũng có hiệu quả hơn 90% và đang chờ thêm dữ liệu an toàn và xem xét theo quy định, Hoa Kỳ có thể có hai loại vaccine được phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12 với khoảng 60 triệu liều có sẵn trong năm nay.
Năm tới, chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp cận hơn 1 tỷ liều vaccine chỉ từ hai nhà sản xuất trên, nhiều hơn mức cần thiết cho 330 triệu cư dân của nước Mỹ.
Được phát triển bằng công nghệ mới mRNA, cả hai loại vaccine được xem là công cụ mạnh để chống lại đại dịch đã lây nhiễm cho 54 triệu người trên toàn thế giới và giết chết 1,3 triệu người.
Thông tin về thành công của vaccine xuất hiện đúng vào thời điểm số ca lây nhiễm COVID-19 đang tăng vọt, đạt kỷ lục mới tại Hoa Kỳ và đẩy một số quốc gia châu Âu trở lại tình trạng bị phong toả.
“Chúng ta sẽ có một loại vaccine có thể ngăn chặn COVID-19”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Moderna, Stephen Hoge, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Phân tích tạm thời của Moderna dựa trên 95 ca nhiễm trong số những người tham gia thử nghiệm được tiêm vaccine. Trong số này, chỉ có 5 trường hợp bị lây nhiễm trong số những người được chủng ngừa, và họ được tiêm hai mũi cách nhau 28 ngày.
Reuters dẫn lời giáo sư miễn dịch học và bệnh truyền nhiễm tại Đại học Edinburgh, Eleanor Riley, nói: “Có nhiều hơn một nguồn vaccine hiệu quả sẽ làm tăng nguồn cung toàn cầu và nếu may mắn, chúng sẽ giúp tất cả chúng ta quay trở lại trạng thái bình thường vào năm 2021”.
Moderna dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn cần thiết để được Hoa Kỳ cấp phép trong khoảng tuần tới và công ty dự kiến sẽ nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) trong những tuần tiếp theo.
Cổ phiếu của công ty, vốn đã tăng hơn bốn lần trong năm nay, tăng 15% trong giao dịch tiền thị trường trong khi chứng khoán châu Âu và hợp đồng tương lai của Phố Wall tăng vọt nhờ thông tin cập nhật vaccine. Chỉ số S&P 500 tương lai tăng 1,3%, lên mức cao kỷ lục mới, trong khi STOXX 600 toàn châu Âu đạt trở lại mức cao nhất của cuối tháng Hai.
Cổ phiếu của Pfizer đã giảm 1,7% trong giao dịch tiền thị trường trong khi AstraZeneca của Anh, công ty vẫn chưa công bố bất kỳ kết quả nào từ các cuộc thử nghiệm vaccine giai đoạn cuối, lại giảm 0,7%.
Một ưu điểm chính của vacine Moderna là không cần bảo quản siêu lạnh như của Pfizer, giúp cho việc phân phối dễ dàng hơn.
Moderna hy vọng vaccine sẽ ổn định ở nhiệt độ của tủ lạnh thông thường từ 2 đến 8 độ C (36 đến 48°F) trong 30 ngày và có thể được bảo quản đến 6 tháng ở -20C.
Vaccine của Pfizer phải được vận chuyển và bảo quản ở -70C, loại nhiệt độ điển hình của mùa đông Nam Cực. Nó có thể được bảo quản đến 5 ngày ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn hoặc lên đến 15 ngày trong hộp vận chuyển nhiệt.
Là một phần của chương trình Operation Warp Speed (chương trình nhằm tăng tốc phát triển vaccine) của chính phủ Hoa Kỳ, Moderna dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu liều cho nước Mỹ trong năm nay. Hàng triệu liều trong số này đã được sản xuất và sẵn sàng giao hàng nếu được FDA cho phép.
95 trường hợp mắc COVID-19 tham gia thử nghiệm bao gồm nhiều nhóm chính có nguy cơ cao mắc bệnh nặng, bao gồm 15 trường hợp người lớn từ 65 tuổi trở lên và 20 trường hợp thuộc các nhóm đa dạng về chủng tộc.
Một điều còn chưa biết đối với loại vaccine này và tất cả những vaccine khác hiện đang được thử nghiệm là liệu chúng có ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hay không.
“Nhiều khả năng là vaccine có thể ngăn ngừa triệu chứng bệnh, làm giảm thời gian và mức độ lây nhiễm, và do đó giảm sự lây truyền. Nhưng chúng tôi chưa biết liệu tác động này có đủ lớn để tạo ra bất kỳ sự khác biệt có ý nghĩa nào đối với sự lây lan của virus trong cộng đồng hay không”, Reuters dẫn lời Giáo sư Riley tại Đại học Edinburgh cho biết.
Hoa Kỳ có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới với hơn 11 triệu ca nhiễm và gần 250.000 ca tử vong.
Moderna đã nhận được gần 1 tỷ đô la tài trợ nghiên cứu và phát triển từ chính phủ Hoa Kỳ và ký một thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ đô la cho 100 triệu liều. Chính phủ Hoa Kỳ cũng có thêm lựa chọn cho 400 triệu liều khác.
Công ty hy vọng sẽ sản xuất từ 500 triệu đến 1 tỷ liều vào năm 2021, phân chia giữa các cơ sở sản xuất ở Hoa Kỳ và quốc tế, tuỳ theo nhu cầu.
Moderna cũng cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu của mình để xin cấp phép ở châu Âu và các khu vực khác.
Cơ quan quản lý y tế của châu Âu hôm 16/11 cho biết họ đã đưa ra một “đánh giá tổng hợp” trong thời gian thực đối với vaccine của Moderna, sau các đánh giá tương tự đối với vaccine của Pfizer và AstraZeneca.
Các quốc gia khác như Trung Quốc và Nga đã bắt đầu tiêm chủng. Nga đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik-V COVID-19 trong nước vào tháng 8, trước khi công bố dữ liệu từ các thử nghiệm quy mô lớn. Nước này cho biết vào ngày 11/11 rằng vaccine của họ có hiệu quả 92% dựa trên 20 ca nhiễm trong cuộc thử nghiệm lớn của họ.
Sự ‘tráo trở’ của Pfizer, Biden và sự xâm nhập
của hệ tư tưởng ĐCS Trung Quốc
Bình luậnThủy Tiên
Một trong những sự kiện đáng lo ngại hơn trong thời kỳ “rối ren” này của chúng ta – là sự tiết lộ rằng giám đốc điều hành Pfizer, Tiến sĩ Albert Bourla, đã thông báo cho chiến dịch của Biden về sự thành công của vaccine chống virus Corona Vũ Hán của công ty ông ta – trước cả thông báo cho chính quyền của Tổng thống Trump.
Có thể thấy một thực trạng rằng các công ty khổng lồ từ công nghệ (Big Tech) đến dược phẩm (Big Pharma) như Pfizer – trong liên minh với các chính trị gia tự do hoặc cấp tiến – tự cho mình là những người thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các công ty này. Nhưng đằng sau đó chính là sự xâm nhập của hệ tư tưởng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)
Sự ‘tráo trở’ của Pfizer
Trên thực tế, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar cho biết, ông đã biết về bước đột phá trong thử nghiệm vaccine chống virus Corona Vũ Hán từ các phóng sự truyền thông. Mặc dù Tổng thống Donald Trump và người của ông đã hỗ trợ đáng kể về tài chính và các mặt khác – thông qua Operation Warp Speed đối với công ty của Bourla, vị giám đốc điều hành Pfizer đã cố gắng phủ nhận.
Bây giờ ông Trump đã ký lệnh hành pháp với cam kết cung cấp vaccine miễn phí cho tất cả mọi người, công ty này sẽ hốt bạc bằng chi phí của người đóng thuế.
Chính Bourla đã làm được điều đó trước, ông ta đã bán 5,6 triệu USD cổ phiếu vào ngày thông báo, khi đó cổ phiếu Pfizer tăng 8%. Một nhóm cơ quan giám sát đang kêu gọi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch điều tra.
Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự xâm nhập của hệ tư tưởng ĐCSTQ vào Mỹ. Chúng ta có thể gọi nó là “Chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm của Mỹ”, một phiên bản của “Chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm của Trung Quốc”.
Chúng ta có thể sẽ thấy nhiều điều hơn thế, có lẽ là một sự tiếp quản đầy đủ hệ tư tưởng này trong “chính quyền gian lận” của Biden-Harris (nếu có).
Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc
Hệ thống này ở Trung Quốc có từ thời Đặng Tiểu Bình, người đã giải cứu nền kinh tế Trung Quốc khỏi tình trạng “nguy kịch” xuất phát từ hệ tư tưởng Marx-Lenin-Mao trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Ông Đặng đã làm điều này bằng cách thông báo cho người dân rằng ông ta không quan tâm “mèo đen hay mèo trắng” (giai cấp nào trong xã hội) miễn là nó bắt được chuột, một phép ẩn dụ “dí dỏm” rằng một hình thức chủ nghĩa tư bản vẫn ổn… cho đến thời điểm này.
Thật không may, Đặng Tiểu Bình, người có vẻ hiện đại, đã không từ bỏ các khía cạnh độc tài của ĐCSTQ, như chúng ta đã thấy kể từ khi ông ta cầm quyền – với cuộc thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn.
Giờ đây, chúng ta có Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình tiếp tục với phiên bản “Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” của ông Tập, khi cho phép xây dựng một “chủ nghĩa xã hội” chắc chắn là “không thể nhận diện được Marx” nữa.
Điều đó có thể khiến bạn trở thành tỷ phú có thế lực – miễn là bạn hoặc các giám đốc điều hành của bạn – đều là thành viên của ĐCSTQ, và trên miệng đầy những lời ngụy biện về “bình đẳng” – thói đạo đức giả lố bịch như nó vốn có.
Trên thực tế, đó là một kế hoạch làm giàu dành cho những người không quan tâm đến chế độ chuyên quyền hoặc có thể hòa hoãn với chế độ này. Đó là một hệ thống “có trật tự hơn nhiều” so với chủ nghĩa tư bản thị trường tự do – với ít cơ hội thăng tiến hơn cho những dân thường – trừ khi họ gia nhập ĐCSTQ hoặc… rời khỏi đất nước.
‘Thức tỉnh’, ‘hủy bỏ văn hóa’, hay là tôn sùng ‘chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm của Mỹ’?
“Chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm của Mỹ” lúc đầu sẽ hơi tinh vi hơn vì số lượng người trong xã hội của chúng ta lớn lên tin vào những điều như: tự do ngôn luận, hội họp và tôn giáo, truyền thống, văn hóa… và không có liên quan gì đến ĐCSTQ.
Tuy nhiên, các trường học của chúng, chưa kể đến văn hóa đại chúng và một loạt các phương tiện truyền thông của chúng ta, đã và đang chuẩn bị cho việc “giải thể những truyền thống này”. Cái gọi là “Thức tỉnh” và “hủy bỏ văn hóa” lại là một cuộc tấn công trực diện vào quyền tự do ngôn luận?
Nếu từ “chủ nghĩa xã hội” làm cho một số người trong chúng ta suy sụp, ít nhất là trong ngắn hạn, điều đó không thành vấn đề. Dù sao thì đó không thực sự là chủ nghĩa xã hội. Đó thực sự là chủ nghĩa tư bản tài phiệt tương tự như những gì có ở Nga, với việc chính phủ xác định người thắng và người thua.
Trung Quốc chỉ là một phiên bản được tạo ra, hiệu quả hơn của điều đó, với một số luận điệu vẫn còn nguyên vẹn và các phần khác được thay đổi để phù hợp với môi trường kinh doanh.
Quốc gia của chúng ta sẽ được điều hành bởi một liên minh các công ty khổng lồ từ công nghệ đến dược phẩm (như Pfizer) – trong liên minh với các chính trị gia tự do hoặc cấp tiến – tự cho mình là những người thu lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ các công ty này.
Quần chúng sẽ vẫn là quần chúng.
Nói cách khác, “chủ nghĩa xã hội với các đặc điểm của Mỹ” sẽ là chế độ nông nô hậu hiện đại.
Chúng ta ngăn chặn nó như thế nào?
Hiện tại, hãy bầu chọn cho Tổng thống Donald Trump, nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo của ông là để ngăn chặn mọi thứ.
Tác giả: Roger L. Simon là một tiểu thuyết gia từng đoạt giải thưởng, nhà biên kịch được đề cử giải Oscar, người đồng sáng lập PJMedia, và hiện là người viết chuyên mục cho The Epoch Times.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Thủy Tiên
Mỹ: Pfizer thử nghiệm chương trình
phân phối vaccine COVID-19 tại 4 bang
Công ty Pfizer vừa khởi động chương trình phân phối thí điểm vaccine COVID-19 tại bốn tiểu bang của Hoa Kỳ, theo Reuters.
Vaccine của công ty Pfizer, được chứng minh là có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa COVID-19 dựa trên dữ liệu ban đầu, phải được vận chuyển và bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C (âm 94 độ F), thấp hơn đáng kể so với nhiệt độ bảo quản các vaccine thông thường khác, vốn chỉ ở 2-8 độ C (36-46 độ F).
“Chúng tôi hy vọng rằng kết quả từ thí điểm phân phối vaccine này sẽ là mô hình cho các bang khác của Hoa Kỳ và chính phủ các nước, khi họ chuẩn bị triển khai các chương trình vaccine COVID-19 hiệu quả,” Pfizer cho biết trong một tuyên bố hôm 16/11.
Công ty Pfizer chọn bang Rhode Island, Texas, New Mexico và Tennessee cho chương trình thí điểm này sau khi tính đến sự khác biệt của họ về quy mô tổng thể, sự đa dạng của dân số, cơ sở hạ tầng tiêm chủng và sự khác biệt về nhu cầu tiếp cận giữa các cá nhân ở khu vực nông thôn và thành thị.
Vaccine Moderna thành công, thêm hy vọng chặn COVID-19 cho thế giới
Pfizer cho biết 4 bang này sẽ không nhận được liều vaccine sớm hơn các bang khác, cũng như sẽ không nhận được bất kỳ sự ưu tiên khác biệt nào.
Công ty dự kiến sẽ có đủ dữ liệu an toàn về vaccine từ các thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn đang diễn ra vào tuần thứ ba của tháng 11 trước khi nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA).
Pfizer và đối tác BioNTech nhận hợp đồng trị giá 1,95 tỷ đôla để cung cấp 100 triệu liều vaccine cho chính phủ Hoa Kỳ, với quyền chọn cung cấp thêm 500 triệu liều.
Cũng hôm 16/11, công ty dược Moderna cho biết vaccine thử nghiệm của họ có hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa COVID-19 dựa trên dữ liệu tạm thời từ một thử nghiệm giai đoạn cuối.
Cả vaccine của công ty Pfizer và công ty Moderna đều sử dụng một công nghệ mới gọi là RNA tổng hợp để kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại COVID-19.
Hoa Kỳ vượt mốc 11 triệu ca nhiễm COVID-19
Theo thống kê của Reuters, số ca nhiễm coronavirus ở Hoa Kỳ đã vượt mốc 11 triệu vào hôm Chủ nhật (15/11), trong bối cảnh làn sóng thứ ba của đại dịch COVID-19 tăng mạnh ở Hoa Kỳ.
Dữ kiện của Reuters cho thấy tốc độ lây lan ở Hoa Kỳ đang tăng nhanh chóng. Hoa Kỳ đã đạt mốc 10 triệu ca nhiễm COVID-19 vào ngày 8/11 và ghi nhận hơn 100,000 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 11 ngày liên tiếp. Số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong tuần qua đạt hơn 144,000 ca và hơn 1,100 ca tử vong mỗi ngày, cao nhất trên thế giới.
Texas và California là hai tiểu bang có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất, chiếm 19% tổng số ca nhiễm ở Hoa Kỳ kể từ khi đại dịch xảy ra. Hôm thứ Bảy (14/11), khi số ca nhập viện đạt hơn 69,000 ca, các cố vấn cấp cao của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc kiểm soát đại dịch, đồng thời khuyến cáo rằng hệ thống y tế ở các địa phương đang bị tràn ngập.
Trung Tây là khu vực có tỉ lệ người dân bị nhiễm cao nhất, trong đó các tiểu bang North Dakota, South Dakota, Wisconsin, Iowa và Nebraska là 5 tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một số tiểu bang trong tuần này đã đưa ra các biện pháp hạn chế để giảm thiểu sự lây lan của đại dịch.
North Dakota là tiểu bang mới nhất yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng. North Dakota và 39 tiểu bang khác trong tháng này đã ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi ngày đạt mức kỷ lục. Thống đốc các tiểu bang kêu gọi người dân ở nhà càng nhiều càng tốt.
Hôm thứ Sáu (14/11), Thống đốc Nevada Steve Sinolak cho biết ông đã dương tính coronavirus và trở thành thống đốc thứ tư bị nhiễm bệnh. Theo một thống kê của Reuters, Hoa Kỳ chiếm khoảng 20% trong số hơn 54 triệu ca nhiễm và gần 19% trong số 1.31 triệu ca tử vong được trên toàn thế giới. (BBT)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-vuot-moc-11-trieu-ca-nhiem-covid-19/
Thống Đốc New York Cuomo
dọa kiện chính quyền Tổng Thống Trump
Hôm Chủ nhật (15/11), Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết ông chuẩn bị khởi kiện chính quyền Tổng thống Trump về kế hoạch phân phối vaccine COVID-19. Ông cho rằng kế hoạch phân phối vaccine thông qua các công ty tư nhân của Tổng thống Trump có thể dẫn đến việc phân phối không đồng đều cho những người có thu nhập thấp và cộng đồng người da màu.
Ông muốn mọi người đều được phân phối vaccine một cách công bằng. Hôm thứ Sáu (13/11), Tổng thống Trump cho biết chính phủ liên bang đang lên kế hoạch phân phối vaccine COVID-19 cho toàn bộ người dân Hoa Kỳ, trừ New York, sớm nhất là vào tháng 4.
Thống đốc Cuomo và bộ trưởng tư pháp New York Letitia James đã lên tiếng phản đối. Ông James cáo buộc đây là hành vi trả đũa của một Tổng thống đã thất cử.
Phát biểu tại nhà thờ lâu đời Riverside ở Bronx hôm Chủ nhật (15/11), thống đốc Cuomo đã trích dẫn một phán quyết năm 1982 khẳng định nếu một nhóm người không được hưởng đầy đủ quyền lợi thì đây hành vi xúc phạm Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Hiến pháp.
Ông cho biết New York cùng với Liên đoàn Thành thị Quốc gia và NAACP sẽ gửi đơn kiện yêu cầu thay đổi kế hoạch phân phối vaccine. Ông Cuomo nói rằng COVID-19 đã phơi bày sự tệ hại và bất bình đẳng trong xã hội. Số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở Hoa Kỳ, bao gồm New York, nơi từng là ổ dịch lớn vào mùa xuân.
Trước đó, thống đốc Cuomo cho biết các trường học sẽ đóng cửa nếu tiểu bang đạt tỷ lệ dương tính 3%. Thị trưởng Bill de Blasio hôm Chủ nhật cho biết tỷ lệ dương tính sau đó đã giảm và do đó các trường học vẫn được mở cửa cho đến nay. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thong-doc-new-york-cuomo-doa-kien-chinh-quyen-tong-thong-trump/
Giáo sư Harvard: Ông Trump có thể
phủ nhận 270 phiếu đại cử tri của Biden,
đưa cuộc bầu cử lên Quốc hội
Bình luậnThùy Minh
Giáo sư Luật danh dự của trường Đại học Harvard, ông Alan Dershowitz dự đoán rằng Tổng thống Donald Trump sẽ cố gắng dàn xếp cuộc bầu cử theo một cách chưa từng thấy kể từ thế kỷ 19.
Trong một cuộc phỏng vấn với Newsmax, chuyên gia pháp lý kỳ cựu này cho biết ông Trump sẽ không cố để giành được 270 phiếu đại cử tri mà thay vào đó sẽ tập trung vào việc phủ nhận 270 phiếu mà ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã nhận được.
“Hãy nhìn vào bức tranh tổng thể: Bức tranh tổng thể hiện giờ đã thay đổi”, ông Dershowitz nói với trang Newsmax. “Tôi không tin rằng Tổng thống Trump sẽ cố để giành được 270 phiếu đại cử tri. Tôi nghĩ rằng ông ấy cho rằng điều đó không thành vấn đề.
Tổng thống Trump đã không có tín hiệu nào với công chúng về cơ hội giành được 270 phiếu bầu vì một số khiếu nại pháp lý. “Những gì ông ấy đang cố gắng làm là phủ nhận 270 phiếu đại cử tri mà ông Joe Biden nhận được, bằng cách khiếu kiện ở các bang Pennsylvania, Georgia, Nevada, Michigan, và Arizona”, ông nói.
Ông cũng nói thêm rằng việc không cho phép Biden đạt 270 trên tổng số 538 phiếu cuối cùng sẽ buộc các đại biểu tiểu bang tại Hạ viện phải bỏ phiếu, nơi đảng Cộng hòa có lợi thế hơn đảng Dân chủ. Hiện tại, Đảng Cộng hòa có nắm đa số tại Hạ Viện với tỷ lệ tương ứng là 26-23.
“Nếu ông ấy có thể khiến số phiếu đại cử tri của ông Biden ở dưới mức 270, thì vấn đề sẽ được chuyển đến Hạ viện, nơi mà thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số trong các đại biểu của tiểu bang và mọi người sẽ bỏ phiếu theo bang nếu vấn đề được đệ trình lên Hạ viện”, ông Dershowitz nói. “Ông ấy đang cố gắng theo dõi tài liệu về ba cuộc bầu cử của thế kỷ 19”.
Ông Dershowitz nhấn mạnh rằng ông Trump cần điều chỉnh một số điều sao cho phù hợp để giành chiến thắng trong hoàn cảnh đó.
“Bạn cần một tình huống tồi tệ nhất có thể để điều này diễn ra,” ông nói. “Bạn cần phải có đủ số bang, đủ tổng chưởng lý tiểu bang, hoặc các ban ngành của các bang, hoặc bất kỳ ai, tổng trưởng hoặc ngoại trưởng của bang, những người thuộc Đảng Cộng hòa từ chối xác nhận kết quả một cách hợp pháp vì họ đang bị khiếu kiện vào ngày Cử tri đoàn họp theo luật.
“Nếu vào ngày đại cử tri gặp mặt và bầu tổng thống, họ chỉ bầu một lần, chứ không phải bầu đến lần thứ 2 hay lần thứ 3, và nếu ông Biden không có đủ 270 phiếu đại cử tri thì theo như Hiến pháp đã quy định rằng nếu lần bầu đó không mang lại cho ứng cử viên dẫn trước 270 phiếu đại cử tri, thì tự động nó sẽ được chuyển đến Hạ viện, nơi sẽ diễn ra một quy trình hoàn toàn mới và một quy trình rõ ràng là ủng hộ Tổng thống Trump”, cựu giáo sư luật nói thêm.
Chiến dịch Trump hay nhóm pháp lý bầu cử của ông chưa tuyên bố công khai liệu chiến lược đó có đang được triển khai hay không. Hiện tại, các luật sư của tổng thống đang kiện lên một số bang “chiến trường”, trong đó có ít nhất một vụ kiện dự kiến sẽ được Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ xét xử.
Ông Dershowitz tham gia nhóm pháp lý của ông Trump trong phiên tòa luận tội Thượng viện vào đầu năm nay.
Các diễn giải khác
Theo một bài báo của Reuters ngày 4/11, “Thông thường, các thống đốc xác nhận kết quả [bầu cử] của bang mình và chia sẻ thông tin đó với Quốc hội”.
Tuy nhiên, hãng tin này nhấn mạnh rằng, “một số học giả đã vạch ra một kịch bản trong đó thống đốc và cơ quan lập pháp ở một bang có số phiếu chênh lệch sít sao nộp hai kết quả bầu cử khác nhau. Các bang chiến trường như Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Bắc Carolina đều có thống đốc của Đảng Dân chủ và các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng hòa kiểm soát”.
“Trong kịch bản này Quốc hội có hai lựa chọn: Một là chấp nhận phương án phiếu đại cử tri do thống đốc xác nhận; hai là chấp nhận kết quả của cơ quan lập pháp bang”, Reuters trích dẫn ý kiến của các chuyên gia.
Hãng tin này cũng trích dẫn thêm về cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 1876 đã xảy ra tình trạng như trên khiến Quốc hội phải thông qua Đạo luật về số lượng cử tri năm 1887, có nghĩa là “Thượng viện và Hạ viện sẽ có quyết định riêng đối với vấn đề như đã nêu ở trên.
Đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện và đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện.
“Nếu lưỡng viện không chấp thuận kết quả, thì không rõ điều gì sẽ xảy ra”, Reuters trích dẫn lời của các chuyên gia.
Liên quan đến một số luật và kịch bản của Đại cử tri đoàn, “công bằng mà nói rằng không có luật nào trong số này đã được rà soát từ trước đó”, ông Benjamin Ginsberg, luật sư đại diện cho chiến dịch tranh cử của ông Bush năm 2000, nói với hãng tin.
Một cuộc bầu cử ngẫu nhiên cũng có thể diễn ra, trong đó không ứng cử viên nào đạt được 270 phiếu bầu. Bài báo của Reuters nhắc lại lời của ông Dershowitz khi nói rằng điều đó có nghĩa là đại biểu của 50 tiểu bang tại Hạ viện – trong đó thành viên Đảng Cộng hòa chiếm đa số – sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống, trong khi phó tổng thống sẽ được chọn bởi Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát.
Ngày 20/1 là ngày kết thúc một nhiệm kỳ của tổng thống đương nhiệm. Theo luật, nếu vào thời điểm đó mà tranh chấp chưa kết thúc, thì Chủ tịch Hạ viện sẽ được chỉ định làm Tổng thống lâm thời.
Thùy Minh
Theo The Epoch Times tiếng Anh
Luật sư Sidney Powell trưng bằng chứng
tuyên thệ của một nhân chứng quân sự
cấp cao về cách thức gian lận phiếu
Bình luậnĐông Bắc
Một vài ngày trước, luật sư Rudy Giuliani – trưởng đoàn luật sư của Tổng thống Trump tham gia các vụ kiện tụng kết quả cuộc bầu cử 2020 đã tweet rằng, hệ thống bỏ phiếu Dominion thực sự chỉ là bình phong cho một công ty có tên là Smartmatic:
“Quý vị có biết một công ty nước ngoài, DOMINION, đang kiểm phiếu của chúng ta ở Michigan, Arizona và Georgia và các tiểu bang khác.
Nhưng đó chỉ là bức màn bình phong cho công ty SMARTMATIC, nơi thực sự đang làm công việc kiểm toán (cách thức gian lận)”.
Ngày 16/11, trong buổi trả lời phỏng vấn của người dẫn chương trình Maria Bartiromo của đài Fox News, luật sư Sidney Powell hé lộ, bà đã có trong tay “lời khai nhân chứng đã tuyên thệ” về cách thức công ty Smartmatic “thiết kế” để thực hiện các hành vi gian lận trong cuộc bầu cử.
Tối qua (16/11 theo giờ Mỹ), luật sư Sidney Powell đã đọc bản tuyên thệ từ một nhân chứng quân sự cấp cao, người có mặt trong quá trình thành lập công ty Smartmatic, và ông đã tuyên thệ làm chứng rằng, hệ thống phần mềm của máy bỏ phiếu được thiết kế giống hệt cách thức tổ chức các cuộc bầu cử gian lận ở các nước độc tài như Venezuela.
Sau đây là một phần trích dẫn một đoạn luật sư Sidney Powell đọc trong bản tuyên thệ của nhân chứng cấp cao này:
“Tôi có bằng chứng từ một nhân chứng trực tiếp, một sĩ quan quân đội cấp cao đã có mặt khi công ty Smartmatic thiết kế phần mềm …. “Được thiết kế theo cách hệ thống có thể thay đổi phiếu bầu của từng cử tri mà không bị phát hiện. Ông ấy muốn cài đặt phần mềm hoạt động theo cách mà nếu cử tri đặt dấu vân tay của họ vào máy quét, thì dấu vân tay đó sẽ được hiển thị bản ghi tên và danh tính của cử tri khi đã bỏ phiếu, nhưng cử tri đó sẽ không theo dõi được (quá trình về sau) khi phiếu bầu bị thay đổi. Ông ấy nói rõ rằng, hệ thống (phần mềm) sẽ phải được cài đặt sao cho không được để lại bất kỳ bằng chứng nào về cuộc bỏ phiếu đã bị thay đổi của một cử tri cụ thể, và sẽ không để lại dấu vết nào và không có gì mâu thuẫn với danh tính hoặc dấu vân tay khi một phiếu bầu đã bị thay đổi”.
Luật sư tiếp tục chỉ ra rằng, điều này đã được Tổng thống Maduro sử dụng để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử gian lận khét tiếng ở Venezuela.
Liên kết tất cả những điều này cho thấy, Đảng Dân chủ đang có liên quan mật thiết đến hệ thống phần mềm của máy bỏ phiếu Dominion tại nhiều bang trên nước Mỹ. Luật sư Rudy Giuliani và Sidney Powell đã tiết lộ ngày hôm qua về việc phó Đô đốc đã nghỉ hưu Peter Neffenger hiện đang là thành viên của “nhóm chuyển giao quyền lực” của Joe Biden và hiện là trung tâm của gian lận phiếu bầu với cương vị chủ tịch hội đồng quản trị của công ty Smartmatic .
Chủ tịch hội đồng quản trị Smartmatic – Peter Neffenger cũng là người đứng đầu Công ty mẹ của Smartmatic và là một cộng sự thân tín của tỷ phú George Soros. Luật sư Giuliani trao đổi với chương trình “Buổi sáng với Maria” của Fox News hôm Chủ nhật (ngày 15/11) rằng Smartmatic đã cung cấp phần mềm cho các máy Hệ thống bỏ phiếu Dominion. Hệ thống này bị “trục trặc” và đã chuyển 6.000 phiếu bầu cho ông Trump sang cho ứng cử viên Đảng Dân chủ Biden chỉ ở một hạt ở Michigan.
Hiện công ty Smartmatic đã đưa ra một tuyên bố nói rằng công ty này không liên quan gì đến Hệ thống Bầu cử Dominion:
“Smartmatic chưa bao giờ sở hữu bất kỳ cổ phần nào hoặc có bất kỳ cổ phần tài chính nào trong Hệ thống Bầu cử Dominion. Smartmatic chưa bao giờ cung cấp cho Hệ thống bỏ phiếu Dominion bất kỳ phần mềm, phần cứng hoặc công nghệ nào khác. Hai công ty là đối thủ của nhau trên thương trường”.
Đông Bắc
Tiết lộ cách thức phần mềm thao túng phiếu bầu
để thay đổi kết quả bầu cử Mỹ năm 2020
Bình luậnDu Miên
Các thông tin bùng nổ từ những lời khai của người tố giác về các thủ thuật tinh vi với các phần mềm ứng dụng để gian lận phiếu bầu, trong đó có phần mềm được phát triển bởi các công ty thuộc quyền hạn của cựu Giám đốc CIA John Brennan (một người phản đối ông Trump gay gắt).
Bên trong Hoa Kỳ
Một người tố cáo đã liên hệ trực tiếp với The Epoch Times vào ngày 15/11 để giải thích thêm về cách phần mềm máy bỏ phiếu hoạt động ở Hoa Kỳ, và cách nó có thể được lập trình để xác định trước kết quả.
Nhân chứng Tore Maras tự nhận là một nhân viên thời vụ tư đã làm việc cho một tập đoàn gồm các công ty tư nhân; tất cả các công ty này đều được thành lập dưới quyền hạn của cựu Giám đốc CIA John Brennan.
Cô Maras cáo buộc, phần mềm máy bỏ phiếu được sử dụng trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ được phát triển bởi một trong những công ty của ông Brennan, chúng cho phép “toàn quyền kiểm soát quá trình bầu cử”. Vai trò của người tố giác này trong cuộc bầu cử liên bang năm 2012 là đảm bảo bằng chứng về việc thao túng phiếu bầu đã bị xóa, sau khi việc kiểm phiếu được hoàn tất vào cuối đêm.
Cô cho biết loại máy bỏ phiếu không quan trọng, vì chúng đều được lắp đặt cùng một phần mềm có thể kết nối kèm một thuật toán đã thiết lập sẵn kết quả. Khi một lá phiếu giấy được đưa qua máy, thông tin sẽ đi vào một khu vực được gọi là cửa sập, đây là nơi xảy ra thao tác. Chỉ khi sử dụng chìa khóa chính mới có thể nhìn thấy cửa sập.
Nhân chứng giải thích, cửa sập được thiết lập để bảo mật danh tính của cử tri.
Các máy này được lập trình để đưa ra báo cáo kiểm phiếu vào những thời điểm đã định trước, hoặc khi đạt được một số phiếu nhất định. Ví dụ: sau mỗi 500 phiếu bầu, hoặc sau mỗi 30 phút, kết quả sẽ thoát ra khỏi cửa sập và được gửi đến công ty báo cáo bầu cử Scytl, sau đó là The Associated Press.
Người tố giác này cho biết, các thuật toán được thiết lập để phù hợp với kết quả cử tri đi bỏ phiếu và cử tri dự kiến tại hạt mà mỗi chiếc máy được lắp đặt. Ví dụ: ở các hạt chiến trường, có thể đặt trước rằng ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden sẽ nhận được 50,9% tổng số phiếu bầu, đương kim Tổng thống Trump sẽ nhận được 48,1%, và một ứng cử viên thứ 3 sẽ nhận được 1% số phiếu.
Cô giải thích: “Họ cố làm cho [kết quả] đáng tin hơn một chút, giống như [đã thật sự] có một cuộc đua. Họ nhập [số liệu] vào, và sau đó khi người dân bỏ phiếu, thuật toán sẽ điều chỉnh [số liệu]. Chúng tôi không quan tâm đến việc bạn có bình chọn cho chuột Mickey hay không, phần mềm sẽ cho bạn biết bạn đã bỏ phiếu cho [ứng cử viên nào]. [Nhưng thực tế] bạn chưa bao giờ bỏ phiếu”.
Nhân chứng Maras dự đoán, chiến thắng của Tổng thống Trump vào năm 2016 là vì số lượng cử tri đi bầu cho ông vượt quá số lượng dự kiến giới hạn trong phần mềm. Cô cho biết, vì những gì xảy ra hồi năm 2016, có thể không có giới hạn về số lượng cử tri đi bầu trong năm 2020. Khi số cử tri ủng hộ ông Trump vượt quá số lượng dự đoán, một số bang đã ngừng kiểm phiếu vào lúc nửa đêm và chờ đợi nhiều lá phiếu của ông Biden được chuyển đến, để đề phòng trường hợp phải kiểm lại phiếu.
Người tố giác khẳng định phần mềm này đã được sử dụng ở nhiều quốc gia, bao gồm cả Ukraine – nơi áp dụng thủ thuật gian lận này để “giúp định hướng cuộc bầu cử của họ” – cũng như Iraq, Afghanistan, Macedonia, Albania, Đức, Vương quốc Anh và Hy Lạp.
Ngày 12/11, một phát ngôn viên của công ty Dominion Voting Systems cho biết, công ty “phủ nhận triệt để bất kỳ khiếu nại nào về bất kỳ [hiện tượng] lật ngược phiếu bầu nào, hay các vấn đề phần mềm bị cáo buộc với hệ thống bỏ phiếu của chúng tôi”.
Trong một tuyên bố gửi tới Denver Post, người phát ngôn khẳng định: “Hệ thống của chúng tôi vẫn luôn kiểm phiếu một cách chuẩn xác và đáng tin cậy, các cơ quan bầu cử cấp tiểu bang và địa phương đã công khai xác nhận tính toàn vẹn của quy trình này”.
Một cử tri đặt lá phiếu của mình vào máy kiểm phiếu, trong khi nhân viên bầu cử quan sát bên cạnh ở Fayetteville, North Carolina, vào ngày 3/11/2020. (Melissa Sue Gerrits / Getty Images)
Một cử tri đặt lá phiếu của mình vào máy kiểm phiếu, trong khi nhân viên bầu cử quan sát bên cạnh ở Fayetteville, North Carolina, vào ngày 3/11/2020. (Melissa Sue Gerrits / Getty Images)
Phần mềm thao túng phiếu bầu trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020
Cựu công tố viên liên bang hiện là luật sư thuộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump – bà Sidney Powell đã công bố một bản khai có tuyên thệ gây chấn động vào ngày 16/11. Đây là lời khai từ một người tố giác khẳng định đã chứng kiến thấy cách phần mềm bầu cử bí mật thao túng phiếu bầu mà không để lại dấu vết.
Người tố giác đã vạch trần một âm mưu giữa các giám đốc điều hành phần mềm Smartmatic, nhà cựu độc tài Venezuela Hugo Chavez, và các quan chức bầu cử của quốc gia này, để đảm bảo ông Chavez được tái đắc cử và nắm chắc quyền lực trong tay trong nhiều năm liền. Người tố cáo cho biết đã có mặt tại nhiều cuộc họp, anh có nguồn gốc từ quân đội Venezuela và từng là vệ sĩ an ninh quốc gia của Tổng thống Venezuela.
Trong bản tuyên thệ, nhân chứng này cho biết: “Tôi đã chứng kiến sự ra đời và vận hành của một hệ thống bỏ phiếu điện tử tinh vi, cho phép các nhà lãnh đạo của chính phủ Venezuela thao túng việc lập bảng biểu cho các cuộc bầu cử quốc gia và địa phương, để chọn ra người chiến thắng trong các cuộc bầu cử đó hòng chiếm giữ và duy trì quyền lực của họ”.
Văn bản nêu rõ: “Kể từ thời điểm đó, ông Chavez không bao giờ thua trong bất kỳ cuộc bầu cử nào. Trên thực tế, ông ấy có thể đảm bảo chiến thắng cho chính bản thân, [cho] đảng của ông ấy, [cho] các thành viên trong Quốc hội và thị trưởng tại các thị trấn”.
Theo một chuyên gia tình báo Hoa Kỳ, bất kể sự khác biệt về phiên bản nâng cấp hoặc thương hiệu, phần mềm này đã được sử dụng ở nhiều công ty máy bỏ phiếu khác nhau trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 và nhiều cuộc đua tranh giành lá phiếu từ cử tri khác. Nguồn tin cho biết, chuyên gia này vốn có kinh nghiệm xử lý viễn thông toàn cầu và đã tham gia vào cuộc điều tra trước đây về phần mềm bỏ phiếu của Smartmatic.
Người tố cáo cho biết, “phần mềm và thiết kế cơ bản của hệ thống bầu cử điện tử và phần mềm của Dominion cùng các công ty kiểm kê bầu cử khác, đều dựa trên loại phần mềm vốn là hậu duệ của [phần mềm] Hệ thống Quản lý Bầu cử (Electoral Management System) từ Smartmatic”.
“Tóm lại, phần mềm Smartmatic nằm trong huyết mạch của mọi hệ thống và phần mềm lập bảng kiểm phiếu của công ty”, người này tuyên bố.
Bản tuyên thệ khẳng định, công ty Dominion là một trong 3 công ty lớn chuyên về kiểm kê số liệu phiếu bầu ở Hoa Kỳ.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 15/11, luật sư Powell cho biết: “Chúng tôi đã sẵn sàng để lật ngược kết quả bầu cử ở nhiều bang”. Bà tuyên bố, phần mềm bầu cử của Hoa Kỳ đã chuyển “hàng triệu phiếu bầu” vốn bầu cho Tổng thống Trump sang cho ông Biden.
Người tố cáo khẳng định công ty Smartmatic đã tạo ra một hệ thống ẩn đi các lựa chọn của cử tri bên trong máy, và sau đó đưa ra kết quả mong muốn vào cuối ngày bầu cử. Không có phiếu bầu nào có thể dùng để truy ngược lại thông tin của một cử tri cá nhân.
Bản tuyên thệ nêu rõ, trong cuộc bầu cử ở Venezuela vào tháng 4/2013, những kẻ chủ mưu đã phải vô hiệu hóa truy cập Internet trong 2 giờ để thiết lập lại hệ thống máy móc, trong tình hình ông Nicolás Maduro khi đó đang thua ứng viên Henrique Capriles Radonski quá nhiều phiếu.
Người tố giác cho biết ông Chavez sau đó đã xuất khẩu phần mềm này sang các nước Bolivia, Nicaragua, Argentina, Ecuador và Chile.
Du Miên
Theo Epoch Times tiếng Anh
Tái kiểm phiếu ở Georgia phát hiện 2.600 phiếu
chưa được kiểm, hầu hết đều bầu cho TT Trump
Bình luậnDu Miên • 09:39, 17/11/20• 5057 lượt xem
Có 2.600 lá phiếu được phát hiện chưa kiểm ở hạt Floyd thuộc bang Georgia, hầu hết đều bầu cho Tổng thống Donald Trump. Phát hiện này đã cắt giảm khoảng 800 phiếu bầu trong tổng số phiếu dẫn trước của ông Joe Biden tại tiểu bang này.
Theo thông báo từ giới chức tiểu bang Georgia vào tối 16/11 (tức sáng sớm 17/11 tại Việt Nam), cuộc thanh tra kiểm phiếu tại tiểu bang này đã tìm thấy hàng nghìn lá phiếu không được kiểm trong đợt kiểm phiếu chính thức tại một hạt của tiểu bang Georgia.
Hầu hết 2.600 lá phiếu chưa kiểm ở hạt Floyd thuộc tiểu bang Georgia đều bầu cho Tổng thống Donald Trump. Phát hiện này đã cắt giảm khoảng 800 phiếu dẫn trước của ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden tại tiểu bang này.
Trả lời các phóng viên trong một cuộc họp báo trực tuyến, ông Gabriel Sterling cho biết, các lá phiếu này đã không được tính vì các quan chức bầu cử tại hạt Floyd đã “quên” không cập nhật chúng lên hệ thống trong Đêm bầu cử. Ông Gabriel Sterling là trợ lý của Quốc vụ khanh Brad Raffensperger của tiểu bang Geogia, người quản lý hệ thống bầu cử của Georgia.
Ông nói: “Đây là lý do tại sao cần thực hiện thanh tra. Không có vấn đề gì với bất kỳ thiết bị hay bất kỳ thứ gì, chỉ là họ đã không quét những lá phiếu này, có vẻ như vậy, hoặc [họ đã không quét các lá phiếu] đúng cách”.
Ông tiếp tục: “Vì vậy, Quốc vụ khanh Brad Raffensperger nói rằng đây là một sai lầm đáng kinh ngạc”.
Ông Raffensperger đã yêu cầu Giám đốc Ủy ban Bầu cử của hạt Floyd từ chức, ông Sterling nói kèm lời giải thích: “Bởi vì một vấn đề quan trọng như thế này không thể được phép sai sót như vậy”.
Tiến sĩ Tom Rees, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử của hạt trả lời The Epoch Times qua email, cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng đối chiếu kết quả kiểm phiếu thủ công của mình với kết quả kiểm phiếu vừa hoàn thành của chúng tôi.”
Ông tiếp tục: “Chúng tôi đã khoanh vùng vấn đề vào một địa điểm bỏ phiếu sớm của chúng tôi và đang tập trung vào đó. Việc kiểm phiếu tay diễn ra rất thuận lợi, và tôi chắc chắn rằng [kết quả] là chính xác”.
Các yêu cầu bình luận được gửi đến Ủy ban nhân dân hạt Floyd và ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump đều chưa được hồi đáp.
Trong một tuyên bố, đảng Cộng hòa tại hạt Floyd khẳng định, người dân của hạt “xứng đáng được hưởng điều tốt đẹp hơn”.
Bản tuyên bố nhấn mạnh: “[Đáng lý] điều này không được phép xảy ra”.
Cho đến nay, không có tình huống tương tự nào phát sinh trong cuộc kiểm phiếu lại ở tiểu bang Georgia. Việc tái kiểm phiếu tại bang này được thực hiện bởi vì sự chênh lệch số phiếu giữa Tổng thống Trump và ông Biden thấp hơn 1% và giới chức tiểu bang khẳng định rằng toàn bộ phiếu đã được kiểm hoàn chỉnh.
Trước khi những lá phiếu kể trên được tìm thấy, theo kết quả kiểm phiếu chưa chính thức, ông Biden chỉ dẫn trước ông Trump hơn 14.000 phiếu, tương đương 0,28%.
Giới chức đang xem xét một vụ rò rỉ nước được báo cáo ở hạt Fulton khiến các nhân viên bầu cử phải tạm dừng kiểm đếm các lá phiếu gửi qua đường bưu điện vào Ngày Bầu cử 3/11. Giới chức cũng đang tìm hiểu lý do tại sao các nhân viên ở đây lại yêu cầu các quan sát viên bầu cử phải rời đi.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa David Shafer tại tiểu bang Georgia đã nhiều lần khẳng định, các nhân viên bầu cử ở hạt Fulton đã yêu cầu những quan sát viên bầu cử phải rời khỏi nơi kiểm phiếu trong đêm bầu cử, chỉ để họ có thể tiếp tục kiểm phiếu “trong bí mật”.
Hạt Fulton cũng đã phải quét lại mã các lá phiếu vào tuần trước vì một vấn đề liên quan đến báo cáo về quy trình kiểm phiếu được tiến hành trước đó.
Ngay cả với những sai phạm được phát hiện vào ngày 17/11 trên, ông Sterling nhận định chiến thắng của ông Biden tại bang Georgia có lẽ sẽ không thay đổi.
Ông nói: “Chúng tôi tin rằng sẽ không có lý do gì để có thể thực sự thay đổi đáng kể kết quả chung cuộc Bầu cử Hoa Kỳ 2020. Tình huống ở hạt Floyd thật đáng tiếc. Đó là [vì], bạn biết đấy, do quản lý kém thôi. Chúng tôi sẽ điều tra để đào sâu xem điều gì đã xảy ra. Nhưng, cho đến nay, chúng tôi thấy sự việc này dường như không lặp lại ở bất kỳ nơi nào khác”.
Du Miên
Theo Epoch Times tiếng Anh
Báo cáo của công tố viên John Durham
về nguồn gốc và hành vi của
cuộc điều tra Trump-Nga sẽ sớm được đưa ra
Bình luậnNguyễn Minh
Dân biểu thuộc đảng Cộng hòa Jim Jordan của bang Ohio là thành viên cấp cao của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, kỳ vọng luật sư John Durham sẽ sớm công bố một báo cáo về nguồn gốc và hành vi của cuộc điều tra về mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.
Trả lời tờ Fox News, Dân biểu Jordan cho biết, công tố viên Durham đang “làm công việc của mình”, và đảng Cộng hòa có thể “mong đợi một báo cáo” trong tương lai gần. Dân biểu này không cung cấp thông tin về thời gian cũng như chi tiết về báo cáo.
Năm 2019, ông Durham đã được Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr giao nhiệm vụ điều tra những hành vi bất hợp pháp đại diện cho các quan chức tình báo, cơ quan thực thi pháp luật và các bên liên quan khác đến cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ giữa Nga và chiến dịch tranh cử năm 2016 của Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Trump từ lâu đã khẳng định rằng, FBI và các quan chức thời chính quyền của cựu Tổng thống Obama đã theo dõi chiến dịch tranh cử của ông và sau đó tìm cách truyền bá thông tin sai lệch về mối quan hệ của ông với Điện Kremlin.
Các thành viên Đảng Dân chủ, bao gồm cả Dân biểu Adam Schiff từ bang California đã chỉ trích cuộc điều tra của luật sư Durham, cáo buộc ông Barr và chính quyền Tổng thống Trump tạo điều kiện cho một cuộc điều tra có động cơ chính trị nhằm vào các đối thủ chính trị.
Vào ngày 15/11, Dân biểu Jordan nói: “Giống như bạn, tôi thất vọng vì cuộc điều tra không xảy ra sớm hơn. Nhưng, bạn và tôi không thể truy tố bất cứ ai. Chúng ta không thể truy tố bất cứ ai. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là đưa ra sự thật cho người dân Mỹ. Bộ Tư pháp phải làm điều đó. Tôi hy vọng họ sẽ sớm đưa ra được điều gì đó thực sự cho người dân Mỹ”.
Tuần trước, cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe cho biết, ông rất hối hận sau khi ủng hộ FISA (Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài) nhằm gia hạn giám sát đối với cựu trợ lý Carter Page trong chiến dịch của ông Trump, vào năm 2016.
Trong phiên điều trần về Cam kết Tư pháp Thượng viện vào tuần trước, ông McCabe được Chủ tịch Thượng viện Lindsey Graham hỏi rằng liệu ông có ký một đơn vào năm 2017 để giám sát ông Page hay không; ông trả lời một cách quả quyết: “Không thưa ông”.
Ông McCabe nói: “Tôi rất thất vọng về những sai sót và nhầm lẫn đã được [tổng thanh tra Bộ Tư Pháp] phát hiện ra. Đối với tôi, bất kỳ thông tin sai lệch hoặc sai sót nghiêm trọng nào trong việc áp dụng Đạo luật FISA là không thể chấp nhận được”,
Trong một báo cáo dài, Tổng thanh tra Michael Horowitz cho biết, đã có nghi ngờ đối với tính xác thực về Hồ sơ của Christopher Steele – cựu điệp viên Anh và câu chuyện thông đồng với Nga được một số hãng truyền thông loan tin.
Dân biểu Jordan cho biết: “Tôi không đặt nặng vào những gì Andy McCabe đang nói bây giờ về cuộc điều tra mà ông đã khởi động 4 năm trước.
Hồi tháng Bảy, Chánh Văn phòng của Tổng thống Trump, ông Mark Meadow trên Fox News nói rằng, dựa trên những gì ông thấy, ông tin rằng những người tham gia vào cuộc điều tra sự can thiệp của Nga và cáo buộc chiến dịch Trump thông đồng với Nga, sẽ kết thúc với bằng những cáo buộc chống lại họ bởi Durham – công tố viên liên bang được Tổng chưởng lý William Barr lựa chọn để dẫn dắt cuộc điều tra về các nhà điều tra.
Cho đến nay ông Durham đã khiến một người nhận tội: cựu luật sư FBI Kevin Clinesmith, người thừa nhận gian lận khi thay đổi từ ngữ của một email liên quan đến việc giám sát cựu trợ lý Carter Page.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
Đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ
sẽ tiếp tục điều tra Hunter Biden
Bình luậnDu Miên
Giữa những tranh chấp và căng thẳng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi cuộc điều tra về Hunter Biden cùng những giao dịch kinh doanh mờ ám của gia tộc ông Biden với các đối tác nước ngoài “béo bở”
Các Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Chuck Grassley và Ron Johnson là những người đứng đầu cuộc điều tra của Thượng viện về các giao dịch kinh doanh của gia đình ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Hai Thượng nghị sĩ cho biết sẽ tiếp tục điều tra vào năm 2021, sau khi Quốc hội mới tuyên thệ nhậm chức.
Trao đổi với báo The Hill, Thượng nghị sĩ Johnson khẳng định “sẽ không nhắm mắt làm ngơ” trước những diễn biến gần đây của cuộc điều tra. Ông đồng thời tuyên bố rằng các thành viên đảng Cộng hòa có “đều có mong muốn nhất định” đối với việc gia hạn cuộc điều tra này.
Người đứng đầu Ủy ban An ninh Nội địa Thượng viện cho biết: “Ông Tony Bobulinski đã công khai lên tiếng, dữ liệu máy tính được tiết lộ, có khả năng FBI đang bắt đầu điều tra. Chúng tôi đã có một khoảng thời gian đủ khó để có được những bằng chứng thậm chí đủ để viết một báo cáo, và rồi đột nhiên báo cáo của chúng tôi mở ra tình thế tiến thoái lưỡng nan này”. Ông Johnson đang đề cập đến Hunter Biden và James Biden – con trai và anh trai của ông Joe Biden – cùng các giao dịch kinh doanh ở nước ngoài của họ đã trở thành chủ đề của cuộc điều tra và là chủ đề chính trong chính sách kiểm duyệt của các ông lớn công nghệ Big Tech (Facebook và Twitter) hồi tháng trước.
Ông khẳng định: “Tôi rất tự tin rằng có thể còn có nhiều giao dịch tài chính hơn nữa sẽ được tiết lộ.”
Cả Thượng nghị sĩ Grassley đứng đầu Ủy ban Tài chính Thượng viện và Thượng nghị sĩ Johnson đều đang điều tra hoạt động kinh doanh của nhà Biden, cụ thể liên quan đến vị trí béo bở của Hunter trong hội đồng quản trị của công ty khí đốt Burisma Holdings thuộc Ukraine. Từ lâu công ty này đã vướng phải nghi vấn tham nhũng.
Tháng trước, tờ New York Post và các hãng tin khác đã đưa tin về một chiếc máy tính xách tay được cho là của Hunter Biden, trong đó có một email từ cố vấn của Burisma ám chỉ rằng Hunter đã giúp sắp xếp một cuộc gặp mặt giữa người này và cha mình là Joe Biden, khi ông còn là Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Chiến dịch của ông Biden bác bỏ việc cuộc gặp này từng diễn ra nhưng sau đó lại đính chính rằng nó có thể đã diễn ra một cách không chính thức.
Sau đó, trong buổi phỏng vấn với người dẫn chương trình Tucker Carlson của đài Fox News, ông Bobulinski khẳng định có tham gia vào các giao dịch kinh doanh với gia đình Biden và đã gặp cựu Phó Tổng thống Joe Biden 2 lần để trao đổi về các thỏa thuận làm ăn với công ty CEFC có liên kết với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chiến dịch của ông Biden và bản thân ứng cử viên đảng Dân chủ đều khẳng định không biết gì về các giao dịch kinh doanh của Hunter Biden.
Hai Thượng nghị sĩ Grassley và Johnson đã công bố một báo cáo điều tra hồi tháng Chín, trong đó khẳng định chính quyền cựu Tổng thống Obama đã phớt lờ “những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng” khi Hunter Biden gia nhập Burisma, một công ty do nhà tài phiệt người Ukraine Mykola Zlochevsky thành lập. Ông Zlochevsky đang bị các công tố viên Ukraine điều tra về tội tham nhũng và hiện không có thông tin về nơi ở của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2019 với ABC, Hunter Biden cho biết vài trò của mình tại Burisma là “một quyết định sai lầm” của bản thân, nhưng vẫn khẳng định mình không làm gì sai. Hunter nói: “Tôi nghĩ rằng đó là phán đoán sai lầm bởi vì giờ đây tôi không tin, khi tôi nhìn lại nó – tôi biết rằng đã có – [tôi] không làm gì sai cả”.
Du Miên
Đảng Cộng hòa vẫn có cơ hội nắm giữ Hạ viện Mỹ
Bình luậnDu Miên
Ông McCarthy nói: “Cuộc đua lãnh đạo sẽ diễn ra vào tuần tới và bạn sẽ nghe được kết quả bà ấy (tức Nancy Pelosi) giành chiến thắng trong cuộc đua lãnh đạo này. Nhưng điều đó không khiến bà ấy trở thành Chủ tịch [Hạ viện]”.
Ngày 15/11, Lãnh đạo phe Thiểu số (tức đảng Cộng Hòa) tại Hạ viện Kevin McCarthycho biết hôm, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng Dân chủ) có thể sẽ tái cử vào chức vụ cao nhất trong Hạ viện, nhưng đảng của ông cuối cùng sẽ điều hành mọi thứ. Điều này bắt nguồn từ cuộc đấu đá nội bộ giữa các thành viên đảng Dân chủ, đồng thời tỷ lệ cách biệt số thành viên giữa 2 đảng tại Hạ viện đã bị thu hẹp lại.
Lãnh đạo McCarthy khẳng định với ngưỡng 218 phiếu bầu, bà Pelosi có thể sẽ không được bầu làm Chủ tịch Hạ viện. Trong cuộc bầu cử năm nay, đảng Cộng hòa giành thêm được 8 ghế — lật ngược 7 ghế mà đảng Dân chủ nắm giữ trước đó và thêm 1 ghế do một người độc lập nắm giữ.
Phát biểu trong chương trình “Justice” của đài Fox News, ông McCarthy nói: “Cuộc đua [giành ghế] lãnh đạo [Hạ viện] sẽ diễn ra vào tuần tới và bạn sẽ nghe được kết quả bà ấy giành chiến thắng trong cuộc đua lãnh đạo này. Nhưng điều đó không khiến bà ấy trở thành Chủ tịch [Hạ viện]”.
Ông tiếp tục: “[Cần] phải có được 218 phiếu bầu tại sàn. Trong kỳ bầu cử Quốc hội lần trước, 15 thành viên đảng Dân chủ đã bỏ phiếu chống lại bà ấy. Mười trong số những thành viên đảng Dân chủ này sẽ trở lại trong kỳ Quốc hội này. Nếu 10 thành viên đảng Dân chủ này tiếp tục bỏ phiếu chống lại bà ấy, bà [Pelosi] sẽ không thể trở thành Chủ tịch Hạ viện. Chúng tôi sẽ có kết quả với đâu đó khoảng 210 [phiếu bầu] hoặc nhiều hơn với số thành viên đảng Cộng hòa hiện tại. Vì vậy, bạn biết điều gì có thể xảy ra không? Bà ấy có thể mất vị trí Chủ tịch [Hạ viện]”.
Nếu bà Pelosi được tái đắc cử với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, Lãnh đạo phe Thiểu số nhận định bà ấy sẽ khó mà duy trì quyền kiểm soát, do sự chênh lệch giữa 2 đảng bị thu hẹp, cùng với cuộc đấu tranh nội bộ của đảng Dân chủ giữa những người cấp tiến thiên tả và những người chủ trương ôn hòa.
Ông nói thêm: “Nhưng nếu bà ấy thắng với tư cách Chủ tịch [Hạ viện], bạn sẽ thấy [Alexandria Ocasio-Cortez] và những người theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến sẽ thực sự bành trướng. Họ đang chiến đấu với nhau, [dùng Twitter công kích] nhau, những bức ảnh lườm nguýt lẫn nhau, liên tục gọi đó là thảm họa, la lối trong các quyết định của họ tại hội nghị”.
Trong một bức thư (pdf) gửi đến các thành viên trong đảng của mình vào ngày 5/11, bà Pelosi khẳng định sẽ nỗ lực tham gia tái tranh cử cho vị trí Chủ tịch Hạ viện Mỹ.
Trong thư, bà Pelosi viết: “Tầm nhìn của chúng ta trong 2 năm tới phải được xây dựng dựa trên sự thành công của đa số đảng Dân chủ tại Hạ viện trong kỳ Đại hội lần thứ 116, đồng thời khai thác tầm nhìn, giá trị và sự sống động phi thường của đảng chúng ta, để đảm bảo sự tiến bộ mà người dân Mỹ xứng đáng được hưởng”.
Sau đó, nữ dân biểu lâu năm của tiểu bang California tuyên bố sẽ tranh cử cho chức vụ Chủ tịch Hạ viện.
Bà nhấn mạnh: “Tôi viết thư này để yêu cầu sự ủng hộ của các bạn để tiếp tục được chọn làm Chủ tịch. Tôi làm như vậy với sự tôn trọng tối đa đối với các quan điểm đa dạng trong cuộc họp kín của đảng Dân chủ chúng ta, với tầm quan trọng của vai trò này và tính cấp thiết của những thách thức phía trước. Tôi cũng thực hiện điều này với niềm vui và sự cảm kích to lớn đối với rất nhiều người trong số các bạn đã ủng hộ tôi”.
Ông McCarthy cũng nhắc tới khả năng đảng Cộng hòa có thể kiểm soát tại sàn Hạ viện nhờ vào những ý tưởng “mạnh mẽ hơn” do đảng Cộng hòa đưa ra.
Ông khẳng định: “Tôi tin rằng đến cuối cùng, đảng Cộng hòa sẽ điều hành [Hạ viện] vì những lý tưởng của chúng tôi sẽ mạnh mẽ hơn nhiều – vì công chúng Mỹ đã từ chối giải tán lực lượng cảnh sát, phá hủy nước Mỹ. Chúng tôi tin rằng chúng tôi có thể tái thiết và khôi phục theo cách của Mỹ”.
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng gọi năm nay là “năm của phụ nữ đảng Cộng hòa”, vì số lượng kỷ lục những nữ dân biểu thuộc đảng này thành công giành được vị trí đại diện tại các quận trong cuộc bầu cử ngày 3/11.
Nhìn chung, đã có ít nhất 140 nữ chính trị gia được bầu vào Quốc hội tính đến thời điểm này, vượt qua kỷ lục trước đó là 127, theo Trung tâm Chính trị và Phụ nữ của Đại học Rutgers. Trong khi đó, số thành viên nữ Đảng Cộng hòa được bầu vào cơ quan lập pháp đã tăng từ 22 lên 35 người.
Phát biểu trong chương trình “Fox & Friends Weekend” hôm 15/11, ông McCarthy cho biết: “Đây là năm của phụ nữ đảng Cộng hòa. Bởi vì hơn 50% của đội ngũ dân biểu mới nhất này là phụ nữ hoặc thuộc nhóm dân thiểu số. Chúng ta mạnh mẽ hơn chính nhờ vào sự đa dạng của chúng ta”.
Du Miên
Theo Epoch Times tiếng Anh
https://www.ntdvn.com/the-gioi/dang-cong-hoa-van-co-co-hoi-nam-giu-ha-vien-my-102874.html
Tàu SpaceX đưa 4 phi hành gia đến trạm vũ trụ
Sáng sớm ngày 17/11, bốn nhà du hành vũ trụ trên tàu không gian mới của công ty tư nhân SpaceX được các phi hành gia trên Trạm không gian Quốc tế (ISS) tiếp đón vào trạm, theo hãng tin Reuters.
Tàu SpaceX Crew Dragon có tên là Resilience mở cửa kết nối với trạm ISS vào khoảng 1 giờ sáng giờ miền Đông Hoa Kỳ, hai giờ sau khi tàu cập vào trạm, và 27 giờ sau được phóng bằng tên lửa Falcon 9 từ Cape Canaveral, bang Florida.
Ông Mike Hopkins, Chỉ huy phi hành đoàn, nói từ tàu vũ trụ sau khi cập vào ISS: “SpaceX và NASA, xin chúc mừng, đây là kỷ nguyên mới của các chuyến bay công tác đến Trạm không gian Quốc tế từ bờ biển Florida.”
Trạm không gian ISS, một phòng thí nghiệm bay trên quỹ đạo trong không gian cách trái đất khoảng 250 dặm (400 km), sẽ là nơi lưu trú của 4 nhà du hành vũ trụ trong 6 tháng tới. Sau đó, một nhóm phi hành gia khác sẽ được phi thuyền Crew Dragon chở lên thay thế họ. Và sẽ tiếp tục như vậy cho đến khi công ty Boeing tham gia chương trình bằng tàu vũ trụ của hãng này, theo dự kiến vào cuối năm sau.
Cơ quan Không gian Hoa Kỳ (NASA) từ năm 2011 đến nay đã phải phụ thuộc vào chương trình không gian của Nga, vì khi ấy chương trình tàu con thoi của Hoa Kỳ đã kết thúc.
Đây là lần thứ hai phi thuyền của SpaceX chở các phi hành lên trạm ISS, nhưng là lần đầu tiên các phi hành gia đi bằng tàu không gian của SpaceX lưu lại làm việc trên trạm ISS trong 6 tháng.
Bốn nhà du hành vũ trụ bay đến ISS hôm 17/11 gồm 3 người Mỹ và một phi hành gia Nhật. Họ sẽ làm việc ở đây đến tháng 4 và phi thuyền Dragon sẽ chở một nhóm phi hành gia khác lên thay.
https://www.voatiengviet.com/a/tau-spacex-dua-4-phi-hanh-gia-den-tram-vu-tru/5665860.html
Tổng thống lâm thời của Peru từ chức
sau khi các trường hợp tử vong
trong cuộc biểu tình gây phẫn nộ
Tin từ LIMA, Peru – Vào Chủ nhật (15/11), tổng thống lâm thời của Peru, ông Manuel Merino, từ chức sau chưa đầy một tuần tại chức, khiến đất nước lâm vào tình trạng bất định sau khi các nhà lập pháp yêu cầu ông từ chức vì hai vụ tử vong trong các cuộc biểu tình khi người tiển nhiệm của ông bất ngờ bị lật đổ.
Cuộc cải tổ chính trị mới nhất diễn ra khi Peru, nhà sản xuất đồng số 2 trên thế giới, phải đối mặt với đại dịch coronavirus và nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ. Mọi người đổ ra đường để ăn mừng sự ra đi của ông Merino, vẫy cờ, hô vang và đập nồi, mặc dù thông tin này khiến Peru chìm sâu hơn vào tình trạng bất định và rối loạn pháp lý khi các nhà lập pháp hiện đang tranh cãi về việc ai sẽ thay thế ông.
Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ hai vào buổi tối sau khi cuộc bỏ phiếu đầu tiên không thu được sự ủng hộ của đa số để nhà lập pháp cánh tả và nhà bảo vệ nhân quyền Rocio Silva-Santisteban được chỉ định làm tổng thống lâm thời. Bầu không khí bình tĩnh nhưng căng thẳng bao trùm thủ đô Lima khi người dân Peru chờ đợi quyết định về việc ai sẽ là tổng thống tiếp theo.
Vào hôm thứ Hai tuần trước (9/11), Quốc hội do phe đối lập thống trị bỏ phiếu để loại người tiền nhiệm Martin Vizcarra của Merino khỏi vị trí tổng thống, vì những cáo buộc hối lộ mà ông phủ nhận. Các nhà lập pháp họp bàn vào chiều hôm Chủ nhật để xác định tổng thống tiếp theo, hoặc ít nhất là cách chọn tổng thống tiếp theo. (BBT)
Hội Chữ Thập Đỏ: Mối họa biến đổi khí hậu
còn lớn hơn cả Covid-19
Minh Anh
Hội Chữ Thập Đỏ ngày 17/11/2020 cảnh báo « cần khẩn cấp đối phó với biến đổi khí hậu, một thảm họa có quy mô còn lớn hơn cả Covid-19 ».
Vẫn theo tổ chức này, nguy hiểm hơn cả là mối họa này không có một liều vac-xin nào để phòng ngừa. Trong một báo cáo tổng kết những thảm họa trên thế giới kể từ năm 1960, Liên đoàn Hội Chữ Thập Đỏ và Lưỡi Liềm Đỏ (FICR) đồng tác giả, biến đổi khí hậu không đợi cho đến khi nào kiểm soát được Covid-19 mới tiếp tục cướp thêm các mạng sống.
Tổ chức có trụ sở ở Geneve ghi nhận hơn 100 thảm họa thiên nhiên đã xảy ra trong giai đoạn từ tháng 3/2020 – khi dịch bệnh bùng phát theo như tuyên bố của tổ chức Y tế Thế giới WHO – và tháng 9/2020, làm hơn 50 triệu người bị ảnh hưởng.
Báo cáo của FICR khẳng định « trong trung và dài hạn, biến đổi khí hậu sẽ có một tác động nghiêm trọng đối với cuộc sống của nhân loại và hành tinh » hơn là dịch Covid-19, hiện đã cướp đi 1,3 triệu sinh mạng tính từ cuối năm 2019.
FICR cảnh báo « nếu chúng ta may mắn, có vac-xin chống virus corona vào năm tới và nếu như mọi việc tốt đẹp trong vài năm tới, chúng ta sẽ có khả năng xử lý tác động của dịch Covid, nhưng rủi thay, chúng ta lại không có vac-xin để chống biến đổi khí hậu ».
AFP trích dẫn quan sát của FICR cho rằng tần số và mức độ các hiện tượng khí hậu gia tăng đáng kể, các trận bão cường độ 4 và 5, hay những đợt nắng nóng ở những nhiệt độ kỷ lục và những cơn mưa như trút sẽ ngày càng nhiều hơn và khốc liệt hơn.
Virus corona: Vaccine Moderna đạt hiệu quả đến 95%
James Gallagher
Dữ liệu ban đầu từ công ty Moderna của Mỹ cho thấy một loại vaccine mới chống lại Covid-19 đạt hiệu quả gần 95%.
Kết quả này được đưa ra ngay sau khi có các kết quả tương tự từ Pfizer và điều đó làm gia tăng niềm tin vào việc vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch.
Cả hai công ty đều sử dụng cách tiếp cận mang tính thử nghiệm và cải tiến cao trong việc tạo ra vaccines của mình.
Covid-19: Vaccine của Pfizer và BioNTech ‘hiệu quả trên 90%’
Cuối cùng chúng ta đã có thuốc chủng ngừa Covid?
Công ty Moderna nói rằng đó là một “ngày tuyệt vời” và họ dự định sẽ nộp đơn xin duyệt việc sử dụng vaccines trong vài tuần tới.
Tuy nhiên, đây vẫn là dữ liệu ban đầu và các vấn đề cốt yếu vẫn chưa được giải đáp.
Vaccine này tốt mức nào?
Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của 30.000 người ở Mỹ với một nửa trong số đó được tiêm hai liều vaccine, cách nhau bốn tuần. Số người còn lại dùng giả dược.
Phân tích dựa trên 95 người đầu tiên phát triển những triệu chứng của Covid-19.
Theo đó, chỉ có 5 trường hợp nhiễm Covid nằm trong số những người được tiêm vaccine, 90 trường hợp còn lại thuộc nhóm người được điều trị giả dược. Công ty nói rằng vaccine này đang bảo vệ được tới 94,5% số người.
Dữ liệu cũng cho thấy trong thử nghiệm có 11 trường hợp nhiễm Covid nghiêm trọng, nhưng không có trường hợp nào nằm trong những người đã được tiêm chủng.
Tal Zaks, Giám đốc Y tế tại Moderna, nói với BBC News: “Hiệu quả tổng thể thật đáng chú ý…thật là một ngày tuyệt vời.”
Tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch của công ty, nói ông “cười xếch đến mang tai suốt một phút” khi có kết quả.
Ông nói với BB News: “Tôi cho rằng không có ai trong chúng tôi từng hy vọng vaccine sẽ hiệu nghiệm 94% trong việc phòng bệnh Covid-19, đây thực sự là một kết quả sửng sốt.”
Khi nào chúng ta được tiêm?
Điều này phụ thuộc vào việc bạn đang ở đâu và bạn bao nhiêu tuổi.
Moderna cho biết sẽ đăng ký với các cơ quan quản lý ở Mỹ trong vài tuần tới. Dự kiến rằng sẽ có 20 triệu liều có sẵn trong nước.
Công ty hy vọng sẽ có tới một tỷ liều có sẵn để sử dụng trên khắp thế giới vào năm tới và cũng đang có kế hoạch tìm kiếm sự phê chuẩn ở các quốc gia khác.
Hôm nay, Vương quốc Anh đã thông báo kể từ mùa xuân, nước này sẽ có 5 triệu liều vaccine Moderna, đủ để tiêm chủng cho 2,5 triệu người. Nước Anh cũng đã vạch ra các kế hoạch ưu tiên tiêm chủng cho những người lớn tuổi nhất.
Những gì chúng ta chưa biết
Chúng ta vẫn chưa biết khả năng miễn dịch sẽ kéo dài bao lâu vì cần phải theo dõi các tình nguyện viên lâu hơn nữa mới có lời giải đáp.
Có những dấu hiệu cho thấy vaccine mang đến một số bảo vệ ở các nhóm người lớn tuổi hơn, những người có nguy cơ tử vong cao nhất vì Covid, nhưng không có dữ liệu đầy đủ.
Ông Zaks nói với BBC rằng dữ liệu của họ cho đến nay cho thấy loại vaccine này “dường như không mất đi sự công hiệu” theo tuổi tác.
Và chúng ta vẫn chưa biết liệu vaccine chỉ giúp ngăn người trở bệnh nặng, hay nó cũng giúp ngăn họ lây truyền virus.
Tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến cách sử dụng vaccine corona virus.
Sẽ có tác dụng phụ nào?
Không có dấu hiệu đáng ngại nào được ghi nhận, nhưng cần lưu ý là không có gì, kể cả paracetamol, là an toàn 100%.
Tình trạng mệt mỏi, nhức đầu và đau trong thời gian ngắn đã được ghi nhận ở một số bệnh nhân sau khi được tiêm chủng.
Giáo sư Peter Openshaw đến từ Đại học Hoàng gia London cho biết: “Những kết quả này là những gì chúng tôi mong đợi ở một loại vaccine hoạt động và tạo ra phản ứng miễn dịch tốt.
Vaccine của Moderna so với vaccine của Pfizer?
Cả hai loại vaccine đều sử dụng cùng một cách tiếp cận là tiêm một phần mã di truyền của virus để tạo ra phản ứng miễn dịch.
Dữ liệu sơ bộ cho chúng ta thấy rất giống nhau – khoảng 90% khả năng bảo vệ đối với vaccine Pfizer / BioNTech và khoảng 95% đối với Moderna.
Tuy nhiên, cả hai thử nghiệm vẫn đang diễn ra và con số cuối cùng có thể thay đổi.
Virus corona: ‘Khả năng hai triệu người chết’ ngay cả khi có vaccine
Mỹ tạm ngưng thử vaccine Covid của Johnson & Johnson
Vaccine của Moderna có vẻ như dễ bảo quản hơn vì nó vẫn ổn định ở nhiệt độ âm 20°C trong tối đa sáu tháng và có thể được giữ trong tủ lạnh tiêu chuẩn lên đến một tháng.
Vaccine của Pfizer cần được bảo quản cực lạnh ở nhiệt độ khoảng âm 75°C , nhưng có thể để trong tủ lạnh trong vòng năm ngày.
Vaccine Sputnik V, được phát triển ở Nga, cũng đã đưa ra dữ liệu rất sớm cho thấy nó có hiệu quả 92%.
Vaccine hoạt động thế nào?
Moderna đã phát triển một “vaccine RNA” – nghĩa là một phần mã di truyền của virus corona được tiêm vào cơ thể.
Tiến trình này bắt đầu sản sinh các proterins của virus, nhưng không phải bản thân virus, chỉ một lượng đủ để kích thích hệ miễn dịch tấn công.
Điều này sẽ rèn cơ thể tạo ra cả kháng thể – và một phần khác của hệ thống miễn dịch được gọi là tế bào T để chống lại coronavirus.
Khi nào Covid sẽ chấm dứt?
Trong khoảng thời gian một tuần, những kết quả tích cực từ Pfizer, Moderna và Nga đã giúp biến đổi cơ hội chấm dứt đại dịch của chúng ta.
Trước khi có kết quả đầu tiên, chúng ta nói về một loại vaccine có thể đạt hiệu quả 50%. Những phỏng đoán đã hoàn toàn sai – chúng ta không chỉ có vaccine, mà còn vaccine đó còn có công hiệu.
Dữ liệu đến nay cũng thắp lên hy vọng rằng các loại vaccine khác đang được phát triển cũng sẽ thành công, nhưng bây giờ khi một thử thách kết thúc, một thách thức khác bắt đầu.
Các nỗ lực hậu cần để triển khai tiêm ngừa, có thể lên tới hàng tỉ người trên khắp thế giới vô cùng lớn.
Một số chuyên gia đã tuyên bố mọi thứ sẽ trở lại bình thường vào mùa xuân, có người nói là mùa đông năm sau, số khác lại nghĩ còn cả một hành trình dài phía trước.
Câu trả lời sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia có thể đưa “chiếc lọ chứa hy vọng” này vào tay của người dân nhanh đến mức nào.
Đã có phản ứng gì?
Giáo sư Peter Openshaw từ Đại học Hoàng gia London chia sẻ: “Tin tức này từ Moderna vô cùng phấn khởi và thúc đẩy sự lạc quan đáng kể rằng chúng ta sẽ có vaccine tốt trong vài tháng tới.
Ông nói thêm: “Chúng ta cần nhiều chi tiết đầy đủ hơn những gì chúng ta có trong thông cáo báo chí này, nhưng thông báo này làm tăng thêm tinh thần lạc quan nói chung.”
Giáo sư Trudie Lang, từ Đại học Oxford, nói: “Đây quả thực là một tin rất tốt khi thấy một loại vaccine khác ra đời với hiệu quả tương tự như đã được ghi nhận vào tuần trước từ Pfizer.
“Đây cũng là một phân tích tạm thời, nghĩa là số lượng ca nhiễm đủ lớn trong số tình nguyện viên được tiêm ngừa để có thể có được giá trị thống kê và cho phép nhóm nghiên cứu có thể xác định được ai dùng vaccine ai dùng giả dược.”
Tiến sĩ Richard Hatchett, người đứng đầu Liên minh Vì đổi mới về chuẩn bị dịch, nói: “Các kết quả của Moderna tốt như mong đợi của chúng ta và thực sự đáng khích lệ.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54913360
Virus corona: Làm thế nào để hạnh phúc hơn
khi làm việc tại nhà
By David Brown
Lần đầu tiên hàng triệu người cần có phòng làm việc tại nhà. Một số đã ngồi tại bàn trong bếp hoặc làm việc với máy tính xách tay trên ghế sofa trong nhiều tháng.
Nhưng ngay cả khi sớm có vaccine, nhiều người có thể sẽ không bao giờ quay lại văn phòng toàn thời gian. Và những dấu hiệu ban đầu cho thấy đại dịch đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của nhiều người ở Vương quốc Anh, và ở bất cứ đâu, một cách không tốt.
Mức độ trầm cảm ngày càng gia tăng, trong khi trong một cuộc khảo sát gần đây của Viện Kiến trúc Hoàng gia Anh, nhiều người cho biết làm việc tại nhà khiến họ căng thẳng hơn.
Vậy chúng ta có thể làm gì để được hạnh phúc hơn khi ở nhà?
Cho ánh sáng vào
“Mọi người khác nhau khá nhiều về tính cách,” bác sĩ tư vấn tâm lý TBS Balamurali nói. ”Nhưng các nguyên tắc hướng dẫn rất rõ ràng. Ánh sáng mặt trời – cùng với không khí trong lành và khả năng tiếp cận thiên nhiên – về cơ bản rất tốt cho sức khỏe tinh thần.”
Ánh nắng mặt trời kích hoạt não tiết ra hormone serotonin. Nó giúp mọi người cảm thấy bình tĩnh và tập trung, cải thiện tâm trạng và giảm bớt lo lắng.
Kiến trúc sư Ben Channon, trưởng ban phúc lợi tại Assael Architecture, nói “lợi ích của ánh sáng ban ngày rất lớn”.
“Ánh sáng mặt trời là yếu tố khởi đầu vì nó tác động lớn đến cách chúng ta cảm nhận về một không gian – và điều chỉnh giấc ngủ. Đối phó với Covid khiến mọi người mệt mỏi, vì vậy điều đó đặc biệt quan trọng trong lúc này.”
Ben nói, tin tốt là “mọi người thường có khả năng xử lý ánh sáng nhiều hơn họ nghĩ”.
Ông nói, nếu bạn có thể, hãy đặt bàn làm việc gần cửa sổ. Đảm bảo bạn có thể kéo rèm lại hoàn toàn và lau sạch cửa sổ – từ trong ra ngoài. Bụi bẩn trên cửa kính có thể làm giảm đáng kể lượng ánh sáng mặt trời xuyên qua.
Ngoài ra, hãy sử dụng gương để phản xạ ánh sáng xung quanh phòng và sơn phòng màu trắng hoặc màu sáng, cũng để phản chiếu ánh sáng. Và hãy chọn phòng trên lầu nếu bạn có thể – chúng hầu như luôn thu hút được nhiều ánh sáng mặt trời hơn, cũng như các phòng có trần cao hơn.
Chặn bớt tiếng ồn
Tiến sĩ Rebecca Dewey, một chuyên gia về cách não bộ diễn giải âm thanh, từ Đại học Nottingham, nói các phần khác nhau trong não của bạn liên tục cố gắng nhận ra những tiếng ồn khác nhau và những thay đổi trong âm thanh.
“Điều đó có thể gây mất tập trung nhiều khi đang cố gắng làm việc,” bà nói.
“Những tiếng động mạnh là vấn đề hơn là những tiếng lảm nhảm ở mức độ thấp.” Và khi một số phần trong não của bạn dò tìm những thay đổi: “Bạn có thể chỉ bị phân tâm khi tiếng ồn ngừng lại.”
Đồng nghiệp của Rebecca Dewey, nhà thần kinh học, Giáo sư Adrian Rees của Đại học Newcastle giải thích: “Tiếng ồn đang tác động vào phản ứng ‘chiến đấu hay bỏ chạy’ của bạn.”
Một âm thanh căng thẳng khiến vùng não được gọi là hạch hạnh nhân phát ra tín hiệu đau khổ. Chúng được thu nhận bởi một khu vực khác của não, vùng dưới đồi, từ đó thúc đẩy tuyến thượng thận bơm adrenaline vào máu. Huyết áp của bạn bị tăng lên.
Giáo sư Rees nói: “Điều này một phần tùy thuộc vào ý nghĩa của tiếng ồn đối với bạn.” Vì vậy, chẳng hạn, tiếng khóc của chính con bạn sẽ khó bỏ qua hơn nhiều so với tiếng ồn giao thông cùng âm lượng.
Nút bịt tai có thể là giải pháp cho một số người, nhưng nếu bạn muốn đi xa hơn, đồ nội thất mềm, thảm dày hơn và rèm nặng hơn để hấp thụ âm thanh là một số điều mà các kiến trúc sư gợi ý.
Nếu điều đó không hiệu quả, các tấm trải thảm, trần thay thế, các lớp thạch cao bổ sung trên tường và cửa chớp – không che khuất quá nhiều ánh sáng mặt trời – có thể hữu ích.
Dọn nhà cho gọn
Các nghiên cứu phát hiện ra rằng bừa bộn có thể làm tăng mức cortisol, một loại hormone gây căng thẳng. Đó có thể là do sự lộn xộn mang đến những kích thích mâu thuẫn cho não bộ, bộ não sau đó phải làm việc nhiều hơn để lọc ra những tín hiệu không có ích.
Nhà tâm lý học môi trường, Tiến sĩ Eleanor Ratcliffe, từ Đại học Surrey nói: “Vấn đề với sự lộn xộn là nó tạo sự kích thích quá mức.”
Mức độ bình thường của cortisol và thỉnh thoảng tăng đột biến hoàn toàn tốt, nhưng mức cao mãn tính của cortisol có liên quan đến lo lắng, trầm cảm, đau đầu và gián đoạn giấc ngủ.
“Bạn cần phải suy nghĩ về trạng thái nhu cầu của mình”, Tiến sĩ Ratcliffe nói. Mặc dù một số thứ lộn xộn nhất định trong một ngôi nhà thư giãn, có thể không phải là vấn đề, nhưng nếu đó là nơi làm việc, “bạn đang ở trong một trạng thái nhu cầu khác, bạn cần phải cắt giảm sự phân tâm”.
Vì vậy, hãy dọn dẹp nơi làm việc cho sạch sẽ, ngăn nắp và có một số bộ nơi cất đồ đạc nhớ thích hợp nếu bạn có thể.
Đứng lên
Nếu bạn không đi làm, bạn có thể không đi bộ đến bến xe buýt hoặc nhà ga xe lửa, hoặc lên xuống những hành lang dài để họp, v.v…
Nếu giờ đây việc đi làm của bạn là đi từ phòng ngủ đến một góc phòng khách hoặc chiếc bàn trong bếp, có thể bạn đang bỏ lỡ những hoạt động thể chất có thể giúp giữ cho tinh thần cũng như thể chất mạnh.
Nhiều nghiên cứu phát hiện ra rằng tập thể dục là một phương pháp điều trị chống lo âu tự nhiên, giảm căng thẳng, tăng cường năng lượng thể chất và tinh thần, và tăng cường hạnh phúc qua việc giải phóng endorphin.
“Thiếu tập thể dục có thể có tác động thực sự,” Tiến sĩ Ratcliffe nói. ”Nếu mọi người bỏ lỡ việc tập thể dục, họ cần suy nghĩ về cách cấu trúc một ngày của họ – và bắt đầu có một nỗ lực rõ ràng.”
Một lựa chọn có thể là mua một chiếc bàn đứng nếu bạn có thể – và sử dụng nó đúng cách. Đứng một số thời gian trong ngày, và ngồi một thời gian. Nhưng bạn cũng có thể nghỉ giải lao và đi dạo.
”Việc phải đi đến sở làm cũng là một thời gian giúp nhiều người giảm căng thẳng,” giáo sư Gail Kinman, một thành viên của Hiệp hội Tâm lý Anh, nói.
“Nó cho phép mọi người đặt ra ranh giới rõ ràng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Khi bạn làm việc tại nhà, ranh giới trở nên lẫn lộn,” bà nói rằng việc ra ngoài để tập thể dục thường xuyên có thể mang lại cho nhiều nhân viên tại nhà sự giảm áp lực mà họ cần.
Dùng cây xanh
Nhiều tuyên bố đã được đưa ra về lợi ích tinh thần của việc tiếp xúc với thế giới thiên nhiên: giảm huyết áp, lo lắng, căng thẳng và suy ngẫm (liên tục lặp lại những suy nghĩ giống nhau) trong khi cải thiện sự chú ý, trí nhớ và giấc ngủ.
Mang cây cối và các đồ vật và hình ảnh thiên nhiên khác vào không gian làm việc tại nhà của bạn có thể tạo ra tác động đáng kể.
Tiến sĩ Ratcliffe giải thích lý thuyết “phục hồi sự chú ý”.
“Nhìn vào các vật thể thiên nhiên có thể khiến não bạn nghỉ ngơi – hoặc một loạt ‘nghỉ ngơi nhỏ’ trong việc tập trung. Chúng thu hút sự chú ý của bạn, nhưng không theo cách quá đòi hỏi chú ý hoặc quá kích thích. Điều đó rất hữu ích.
“Chúng ta cũng liên kết thiên nhiên với giải trí và thư giãn, một lần nữa điều đó có thể giúp cải thiện tâm trạng”, bà nói thêm.
Giao tiếp xã hội… và không chỉ trực tuyến
Tiến sĩ Balamurali nói những người cảm thấy mình không hạnh phúc khi làm việc ở nhà cần phải suy nghĩ kỹ về những gì họ bỏ lỡ khi đến văn phòng và cố gắng bù đắp những gì đã mất.
Đứng đầu danh sách, với nhiều người, là giao tiếp xã hội. Trong nhiều trường hợp, có thể đến 80 hoặc 90% – giao tiếp xã hội của chúng ta đến từ nơi làm việc, ông nói.
Cho dù đó là trò chuyện với đồng nghiệp trong văn phòng hay xếp hàng ăn trưa, trong thang máy hay trên cầu thang, điều đó quan trọng đối với một số lớn trong chúng ta.
“Khi phong tỏa diễn ra – tất cả những thứ đó biến mất khá đột ngột,” Tiến sĩ Balamurali nói. ”Nó phụ thuộc vào tính cách của bạn, nhưng nhiều người cần bù đắp sự thiếu giao tiếp với xã hội này bằng những cách khác.
“Vì vậy, hãy ra ngoài vào giờ ăn trưa và ăn tối – kết nối với bạn bè, gia đình và hàng xóm – những người mà bạn cảm thấy có mối liên hệ.”
Gặp gỡ người khác rõ ràng là khó hơn nhiều trong thời gian giãn cách xã hội, nhưng ông đề nghị gặp một người khác để tập thể dục hoặc đi bộ cùng.
Ông nói thêm: “Con người là động vật xã hội. “Chỉ nhìn chằm chằm vào màn hình trên Zoom thôi không đủ.”
Hình vẽ của Prina Shah
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-54970143
Mỹ và NATO triển khai thiết bị
giám sát hoạt động đại dương
Thụy My
Theo Econotimes hôm nay 17/11/2020, lo ngại trước nguy cơ xảy ra đại chiến thế giới lần thứ ba, đặc biệt trong bối cảnh xung đột giữa nhiều quốc gia tại Biển Đông, NATO và Lầu Năm Góc cùng triển khai công nghệ giám sát đại dương.
Hai cơ quan trên, cụ thể là Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Hàng hải tại Ý cùng phối hợp với Cơ quan Mỹ về các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) để thiết kế một mạng lưới theo dõi các hoạt động trên đại dương. Đây là sự hợp tác mới nhất của đôi bên, sau khi Trung Quốc và Nga đã có nhiều tiến bộ về công nghệ tương ứng.
Theo một báo cáo của DARPA, các thiết bị được sản xuất bằng vật liệu thân thiện với môi trường, có thể thông tin về những hoạt động trên biển ngay lúc đang diễn ra. Mỗi một vật nổi thông minh chứa nhiều cảm biến thu thập các dữ liệu môi trường như nhiệt độ mặt biển, trạng thái nước biển, cũng như dữ liệu về các hoạt động của tàu buôn, máy bay, kể cả việc di chuyển của các loài động vật hữu nhũ sống ở biển. Các phao thông minh này truyền dữ liệu định kỳ thông qua vệ tinh đến một mạng lưới đám mây để lưu trữ và phân tích trong thời gian thực tế.
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ cho thử nghiệm các thiết bị trên tại Southern California Bight và vịnh Mêhicô trước khi đưa ra các đại dương khác, tránh chồng chéo với Trung Quốc và Nga.
Bắc Kinh đã bắt đầu cho tàu sân bay Sơn Đông tuần tra Biển Đông. Trong lúc Hoa Kỳ đang chuẩn bị có tổng thống mới vào tháng Giêng năm 2021, nỗi lo xảy ra đại chiến thế giới lần thứ ba vẫn hiển hiện. Ông Joe Biden đang chọn lựa nhân sự cho các vị trí quan trọng.
Bà Michelle Flournoy, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng phụ trách chính sách thời chính quyền Obama, được cho là có thể phụ trách Lầu Năm Góc. Gần đây bà đã đề nghị triển khai ồ ạt Hải quân Mỹ tại Biển Đông để răn đe Trung Quốc. Trong một bài viết trên Foreign Affairs đầu năm nay, bà cho rằng Washington đang mất dần khả năng đối phó với sự xâm lược liên tục của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Anh Quốc đặt mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 của Moderna
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock của Anh Quốc cho biết đã đặt mua 5 triệu liều vaccine COVID-19 thử nghiệm do Moderna chế tạo sau khi báo cáo kết quả thử nghiệm khả quan, với liều sớm nhất dự kiến sẽ được giao vào mùa xuân. Dữ kiện từ một thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine của Moderna có hiệu quả 94.5% trong việc ngăn ngừa COVID-19.
Anh Quốc trước đó đã ký các hợp đồng mua tổng cộng 350 triệu liều vaccine từ sáu nhà cung cấp khác nhau, bao gồm Pfizer, công ty có vaccine được phát hiện có hiệu quả hơn 90% và 100 triệu liều từ AstraZeneca / Oxford dự kiến sẽ báo cáo kết quả trong những tuần tới.
Khi được hỏi liệu ông có hối hận khi không mua thêm vaccine Moderna hay không, ông Hancock cho biết Anh Quốc dự kiến sẽ có các loại vaccine khác sớm hơn. Anh Quốc hy vọng sẽ có vaccine Pfizer trước khi vaccine của Moderna, cũng như vaccine của AstraZeneca nếu nó chứng minh được hiệu quả.
Phó Giám đốc Y tế Jonathan Van Tam cho biết dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn cuối của vaccine AstraZeneca / Oxford chưa được xem xét, vì vậy vẫn chưa biết liệu nó có hiệu quả hay không. (BBT)
https://www.sbtn.tv/anh-quoc-dat-mua-5-trieu-lieu-vaccine-covid-19-cua-moderna/
Tổng Thống Pháp cho rằng châu Âu
cần chủ quyền riêng trong vấn đề quốc phòng
Tin từ PARIS, Pháp – Khi trả lời phỏng vấn với tạp chí “Revue Grand Continent”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết châu Âu vẫn cần chiến lược độc lập và bảo vệ chủ quyền của riêng họ, ngay cả khi họ đang đối phó với một chính phủ mới của Hoa Kỳ và có thể đạt được các mối quan hệ thân thiện hơn.
Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí này, ông Macron bác bỏ bình luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer với Politico vào ngày 2 tháng 11, trong đó Bộ trưởng Đức cho biết châu Âu sẽ phải phụ thuộc vào sự bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ trong tương lai gần.
Ông Macron cho biết ông hoàn toàn không đồng ý với bài báo quan điểm được đăng trên Politico về vấn đề này, đồng thời bổ sung thêm rằng thủ tướng Đức cũng có cùng quan điểm với ông. Ông Macron tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tôn trọng châu Âu với tư cách là đồng minh nếu châu Âu cần có lập trường của riêng họ, và nếu họ có chủ quyền riêng về quốc phòng.
Ông Macron trò chuyện với Tổng thống tân cử Joe Biden của Hoa Kỳ vào ngày 10 tháng 11 và thông báo với ông Biden rằng ông sẵn sàng làm việc với ông Biden về các vấn đề như khí hậu, y tế và cuộc chiến chống khủng bố. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-phap-cho-rang-chau-au-can-chu-quyen-rieng-trong-van-de-quoc-phong/
Covid-19 : Chính phủ cho phép mở lại
các nghi lễ tôn giáo có điều kiện
Minh Anh
Tình hình dịch bệnh tại Pháp có nhiều dấu hiệu khả quan. Theo số liệu công bố ngày 16/11/2020, nước Pháp ghi nhận chưa tới 10.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, mức thấp nhất kể từ hôm 12/10. Do vậy, chính phủ chấp thuận cho mở lại các nghi lễ tôn giáo cho công chúng kể từ 01/12.
Đây là kết quả cuộc họp trực tuyến giữa thủ tướng Pháp Jean Castex và bộ trưởng Nội Vụ Gérald Darmanin, với nhiều quan chức tôn giáo như Công giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo, Hồi Giáo và Phật Giáo ngày hôm qua,
Kể từ ngày 01/12, các nghi lễ tôn giáo được phép tổ chức nhưng với hai điều kiện : Tuân thủ nghiêm ngặt một quy định an toàn dịch tễ mới tại những nơi thờ phượng và tình hình diễn tiến dịch bệnh phải có những dấu hiệu khả quan. Thủ tướng Pháp và bộ trưởng Nội Vụ cam kết sẽ phối hợp các lãnh đạo tôn giáo và sẽ cho công bố các quy định mới trong vòng từ 8-10 ngày sao cho các nghi lễ tôn giáo được hoạt động trở lại.
Dù vậy, trong thông cáo ngày hôm qua, thủ tướng Pháp nhắc rõ là « trong khuôn khổ lệnh phong tỏa, những quy định hạn chế các nghi lễ tập thể tại các đền thờ vẫn có hiệu lực ». Tuyên bố này được đưa ra nhằm bác bỏ những đòi hỏi của một thiểu số tín đồ (công giáo) tụ tập trước các nhà thờ hồi cuối tuần qua đòi dỡ bỏ ngay lập tức các lệnh cấm.
Kể từ khi áp đặt lệnh tái phong tỏa, các điểm thờ phượng vẫn có thể mở cửa nhưng các nghi lễ cho công chúng đã bị cấm, ngoại trừ các nghi lễ tang trong giới hạn 30 người.
Ân Xá Quốc Tế chỉ trích Bỉ bỏ rơi người già
Tại Bỉ, Amnesty International công bố một báo cáo chỉ trích gay gắt nước Bỉ từ lâu bỏ rơi nhà dưỡng lão. Theo tổ chức phi chính phủ này, thiếu đào tạo, thiếu nhân sự, hay không tài trợ đúng mức đã gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, dẫn đến một thảm họa thật sự, đặc biệt là trong đợt phong tỏa đầu tiên do dịch Covid-19. Theo số liệu thống kê, 61% số ca tử vong do nhiễm virus corona đều xảy ra tại các nhà dưỡng lão.
Covid-19: Tập đoàn Printemps
phải đóng nhiều cửa hàng tại Pháp
Tuấn Thảo
Sau thương hiệu Fauchon, nay đến phiên tập đoàn Printemps lún sâu vào khủng hoảng tài chính. Với 1,7 tỷ euro doanh thu hàng năm, tập đoàn Printemps nguyên là một hệ thống cửa hàng lớn, có mô hình hoạt động giống như Macy’s của Mỹ hay là KaDeWe của Đức. Trước tác động của dịch Covid-19, tập đoàn Printemps thông báo trong tuần qua phải đóng một phần tư các cửa hàng.
Trên lãnh thổ Pháp, tập đoàn này hiện sở hữu tổng cộng 27 cửa hàng lớn, trong đó có 19 cửa hàng mang thương hiệu gốc là Printemps, còn 8 cửa hàng còn lại khai thác thương hiệu Citadium nhắm đến đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Một cách cụ thể, Printemps buộc phải đóng cửa 4 cửa hàng tại thủ đô Paris (nằm trong trung tâm thương mại Italie2), cũng như tại các thành phố khác là Strasbourg, Le Havre và Metz.
Ngoài ra còn có hai cửa hàng Citadium ở Paris (trên đại lộ Champs-Élysées) và quảng trường Nation và một ở trung tâm thành phố Toulon, cũng đành phải ngưng hoạt động. Theo ban giám đốc tập đoàn, trước tác động của dịch Covid-19, Printemps buộc phải tổ chức lại cơ cấu, kế hoạch cắt giảm bớt các hoạt động kinh doanh là để tránh bị thua lỗ quá nhiều, hầu đảm bảo tính bền vững của thương hiệu Printemps.
450 nhân viên có nguy cơ bị mất việc
Còn theo phía đại diện các công đoàn, việc đóng cửa 7 cửa hàng lớn sẽ khiến cho khoảng 450 nhân viên bị mất việc. Trước mắt, gần hai phần ba các việc làm (tức hơn 300 nhân viên) sẽ bị cắt giảm từ đây cho tới mùa hè trước mùa hè năm 2021, tương đương với khoảng 10% tổng số nhân viên, do tập đoàn này hiện tuyển dụng hơn 3.000 người làm việc cho cả hai thương hiệu Printemps và Citadium.
Song song với việc tái cấu trúc, tập đoàn Printemps còn phải chuyển đổi mô hình kinh doanh. Để duy trì doanh thu ở mức 1,7 tỷ euro hàng năm, thương hiệu này có kế hoạch đầu tư 40 triệu euro mỗi năm, trong vòng ba năm liền, một mặt gia tăng các dịch vụ kinh doanh trên mạng, duy trì mặt bằng tại các cửa hàng có doanh thu cao tiêu biểu nhất là cửa hiệu lớn trên đại lộ Haussmann ở thủ đô Paris, đa dạng hóa thành phần khách hàng kể cả người tiêu dùng ở Pháp để tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào sức mua sắm của đối tượng du khách nước ngoài.
Ngành phân phối sản phẩm thời trang bị điêu đứng
Theo giới chuyên ngành phân phối, từ trước tới nay, hệ thống các cửa hàng lớn Printemps (cũng giống như Galeries Lafayette) chủ yếu kinh doanh dòng sản phẩm thời trang, rồi sau đó là đồ gia dụng nội thất. Được thành lập kể từ năm 1865, Printemps khai thác cùng một mô hình kinh doanh tại hơn 20 cửa hàng trên khắp nước Pháp. Cửa hàng Printemps quen thuộc nhất nằm trên đại lộ Haussmann, ở Paris quận 9, nằm ngay bên cạnh cửa hàng Galeries Lafayette. Được xem như là đầu tàu của tập đoàn, cửa hàng Printemps quan trọng nhất gồm hai tòa nhà lớn, một dành thời trang phái nữ, mỹ phẩm và đồ trang trí nội thất. Còn tòa nhà thứ hai được dành cho thời trang cũng như các vật dụng dành riêng cho nam giới.
Vấn đề ở đây là ngành may mặc nói riêng cũng như các sản phẩm thời trang nói chung đã gặp nhiều khó khăn từ trước khi có dịch Covid-19. Thị trường y phục may sẵn tại Pháp nhìn chung đã giảm 15% doanh thu trong 5 năm vừa qua. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, đợt phong tỏa đầu tiên đã làm sụp đổ hệ thống các cửa hàng chuyên phân phối áo quần may sẵn như Naf Naf, Camaieu hay là La Halle. Gần đây, cửa hiệu dây chuyền Celio khá nổi tiếng ở Pháp cũng đã thông báo đóng luôn một phần tư các chi nhánh, tức khoảng 100 trên tổng số 383 cửa hàng buôn bán.
Tuy có nguồn vốn hỗ trợ dồi dào hơn, nhưng tập đoàn Printemps cũng bị dịch Covid-19 làm lung lay chao đảo. Đợt phong tỏa thứ nhì làm cho thương hiệu này càng bị suy yếu hơn, sau nhiều khó khăn dồn dập liên quan tới các buổi đình công cũng như các đợt biểu tình của phong trào “áo vàng. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 đã làm sụt giảm đáng kể lượng khách du lịch ngoại quốc, vốn đem lại nhiều doanh thu cho cửa hàng “đầu tàu” mang thương hiệu Printemps, nằm trên đại lộ Haussmann. Dịch Covid-19 cũng buộc tập đoàn này xem xét lại một số dự án trong tương lai. Trước hết có nên duy trì hoạt động hay là chuyển nhượng lại quyền khai thác các cửa hàng Printemps tại Andorre ở vùng biên giới Tây Ban Nha, cũng như tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản.
Tham vọng chinh phục nước ngoài bị khựng lại
Dự án mở một cửa hàng Printemps vào năm tới tại thành phố Milano, một trong những kinh đô của làng thời trang quốc tế, đã tạm thời bị đình chỉ, nhất là khi nhiều thành phố Ý bước vào đợt phong tỏa thứ nhì. Ngoài ra, tập đoàn Printemps cũng dự trù khai trương trong năm 2021 một cửa hàng khổng lồ tại Qatar. Nằm ở trung tâm thủ đô Doha, cửa hàng này rộng hơn 35.000 m² và các quầy bán hàng được dàn trải trên nhiều tầng. Mục tiêu của tập đoàn Printemps là nhân gấp đôi doanh thu, từ 1,7 tỷ lên thành 3 tỷ rưỡi euro trong 10 năm tới thông qua chiến lược gia tăng mặt bằng kinh doanh tại các nước giàu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã làm khựng lại tham vọng phát triển của tập đoàn này.
Đối với người dân thủ đô Paris, nhắc tới chữ Printemps, người Pháp nghĩ tới ngay các tủ kính trưng bày lộng lẫy, đặc biệt là nhân dịp chào đón Lễ Giáng Sinh và Tết Dương lịch. Hẳn chắc là sinh hoạt truyền thống này sẽ không thay đổi gì nhiều năm nay, cũng như việc thắp sáng đại lộ Champs-Élysées vẫn được tiến hành trong tuần tới nhưng hẳn chắc là không có sự hiện diện đông đảo của khán giả.
Trước khi Paris bị phong tỏa lần thứ nhì, khách bộ hành đi dạo một vòng các con đường có nhiều cửa hàng buôn bán như đường Rivoli, hay Saint-Antoine gần Tòa Đô chính, đường Marbeuf hay Ternes,
Faubourg Saint Honoré hay đại lộ Montaigne gần phố Champs-Élysées, rất nhiều doanh nghiệp đang có nguy cơ bị phá sản. Những con lộ “huyết mạch” ấy năm nào còn nhộn nhịp sầm uất, nhưng vào cuối năm nay, bầu không khí lại có thể trở nên buồn tẻ vắng vẻ, nếu như tình hình dịch bệnh còn dây dưa kéo dài.
Ba Lan và Hungary phủ quyết
ngân sách và kế hoạch tái thúc đẩy châu Âu
Thụy My
Vacxava và Budapest hôm 16/11/2020 đã phủ quyết kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro và ngân sách châu Âu 2021-2027, để phản đối quy định phân phối ngân sách châu Âu phải đi kèm với việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền. Chính quyền dân tộc chủ nghĩa của hai nước này bị Bruxelles chỉ trích vì nhiều cải cách tư pháp gây tranh cãi. Tại Ba Lan, động thái phủ quyết được nhận định dưới nhiều góc độ khác nhau.
Từ Vacxava, thông tín viên Damien Simonart tường trình :
Đối với thủ tướng Mateusz Morawiecki, « Ba Lan càng đấu tranh để mạnh mẽ hơn thì lại càng có nhiều người chống đối ». Ông đã viết thư cho các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu để giải thích quan điểm của mình, khẳng định Vacxava « sẽ phản đối ý định áp đặt cho người Ba Lan các giá trị mà họ phải tin vào ».
Bộ trưởng Tư Pháp Zbigniew Ziobro, là người đã đề xuất những cải cách gây tranh cãi, cho rằng tiêu chí Nhà nước pháp quyền chỉ là cái cớ để « hạn chế mạnh mẽ chủ quyền » của các quốc gia thành viên.
Về phần cựu ngoại trưởng Witold Waszczykowski, ông khẳng định dù phủ quyết, Ba Lan « cũng chẳng hề hấn gì » vì ngân sách châu Âu vẫn sẽ được phân bố như bình thường.
Ngược lại, phe tự do đối lập cho rằng đây là « sự phản bội ». Người đứng đầu đảng Cương lĩnh Dân sự, ông Boris Budka tuyên bố : « Việc phủ quyết này một mặt là điên khùng, mặt khác là hành động chống lại lợi ích Nhà nước Ba Lan ».
Trên Twitter, cựu chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk mỉa mai : « Morawiecki loan báo phủ quyết ngân sách châu Âu mà trong đó Ba Lan là nước hưởng lợi nhiều nhất. Tôi không biết phải dùng từ nào để mô tả ».
Thượng Karabakh: Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gởi
quân nhân sang giám sát ngưng bắn
Thụy My
3 phút
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm qua đã đề nghị Quốc Hội cho phép gởi các quân nhân sang Azerbaijan để tham gia một phái đoàn giám sát ngưng bắn cùng với Nga tại vùng Thượng Karabakh, tuy nhiệm vụ của phái bộ này vẫn chưa được xác định rõ. Kiến nghị trên dễ dàng được Quốc Hội hôm nay 17/11/2020 thông qua.
Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm chi tiết:
« Bản kiến nghị do chính tay ông Erdogan ký dự kiến triển khai các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ tại Azerbaijan để « tham gia các hoạt động của trung tâm điều phối sẽ được thiết lập cùng với Nga », « bảo đảm việc tôn trọng ngưng bắn », « thiết lập hòa bình và ổn định trong khu vực để bảo vệ lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ ».
Quốc Hội cho phép trong vòng một năm, nhưng quy mô triển khai, nhất là số lượng các quân nhân được huy động, sẽ được tổng thống ấn định sau.
Các từ ngữ trong kiến nghị khá mơ hồ, chẳng hạn như nhiệm vụ của các quân nhân này. Tuy một « trung tâm gìn giữ hòa bình » đã được dự kiến trong thỏa thuận được ký kết giữa Armenia và Azerbaijan với sự trung gian của Nga, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không ký văn bản.
Ankara và Matxcơva sau đó đã ký một thỏa thuận xác nhận việc thành lập trung tâm, dù vậy phương thức hoạt động vẫn đang được đôi bên thương thảo. Chính quyền Nga đã báo trước rằng các quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ không có nhiệm vụ nào trên thực địa, và trung tâm này chỉ bảo đảm giám sát ngưng bắn « về mặt kỹ thuật ».
Thổ Nhĩ Kỳ vốn coi chiến thắng của Azerbaijan là chiến thắng của mình do yểm trợ quân sự và tác chiến của Thổ Nhĩ Kỳ mang tính quyết định, rất muốn đóng một vai trò hàng đầu trong tiến trình này ».
Trục xuất Lào, Cam Bốt vì thân Trung Quốc :
một gợi ý nguy hiểm cho chính ASEAN
Tú Anh
Hiệp hội ASEAN là một tác nhân then chốt trong chính trị đối ngoại tại Đông Nam Á. Thế nhưng, trong bối cảnh cần đoàn kết chặt trước áp lực của các đại cường bên ngoài, thì một nhà ngoại giao kỳ cựu Singapore, hồi hưu, gây ra cơn bão ngoại giao, gợi ý ASEAN trục xuất Cam Bốt và Lào vì đã « cho phép » một cường quốc, ám chỉ Trung Quốc, can thiệp vào đường lối của hiệp hội.
Vì sao Cam Bốt và Lào bị chiếu cố ? Liệu « trục xuất » có phải là giải pháp tối ưu hay trái lại ?
Từ nhiều ngày qua, hàng loạt trang mạng chuyên đề ở châu Á, từ Asia Times, Nikkei Asian Review, The Diplomat và hôm nay đến lượt ASEAN Today nhập cuộc để tìm hiểu vì sao cựu đại sứ Singapore Bilahary Kausikan, chuyên gia của viện địa chiến lược ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore đặt vấn đề tín nhiệm Phnom Penh và Vientiane.
Trong cuộc hội thảo trực tuyến của ISEAS-Yusof Ishak ngày 27/10/2020, Bilahary Kausikan, người từng là nhân vật số hai của bộ Ngoại Giao Singapore cho là Cam Bốt và Lào đã gián tiếp ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông. Đồng ý là hai thành viên này « bị khó khăn trong quyết định » nhưng nếu họ chọn sai thì họ đặt ASEAN vào thế chọn lựa khó khăn theo. Nếu thế, thì tốt hơn hết là nên « cắt đứt » hai thành viên này để cứu tám nước còn lại.
Cam Bốt, chủ tịch luân phiên năm 2012, đã cản trở ASEAN ra thông cáo chung chỉ vì có đoạn nói đến tranh chấp tại Biển Đông.
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên vấn đề trục xuất thành viên được đặt ra trong ASEAN. Trước đây, vấn đề Miến Điện cũng đã được nêu lên thời quân đội cầm quyền. Cũng không phải là lần đầu tiên Cam Bốt là Lào bị nghi kỵ. Năm 2007, thủ tướng Singapor Lý Quang Diệu cũng từng nói với Mỹ là ASEAN đã sai lầm khi cho Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt và Lào gia nhập sớm, đặc biệt là Cam Bốt với chế độ « bị Hun Sen cá nhân hóa » (Wikileaks 2010)
Cùng quan điểm này, Bilahary Kausikan cũng cho rằng Cam Bốt và Lào hoàn toàn không ý thức là quyền lợi riêng của mỗi nước gắn liền với quyền lợi chung của khu vực.
Vấn đề là khó có thể, nếu không muốn nói là không thể trục xuất được hai thành viên này .
Trên Asean Today ngày 17/11/2020, nhà báo Umair Jamal nêu ra ba lý do.
Thứ nhất, về mặt kỹ thuật, cần phải có đồng thuận của cả hiệp hội. Ít có cơ may Thái Lan và Miến Điện, vì không có quyền lơi ở Biển Đông, đồng ý.
Thứ hai, mất đi hai thành viên, ASEAN hết còn ý nghĩa bản sắc Đông Nam Á, không chắc có một chính phủ nào chấp nhận tương lai này.
Và thứ ba, trục xuất một thành viên vì nước đó theo một chính sách ngoại giao đặc thù không phải là quyết định có lợi. Hiệp hội ASEAN đã nỗ lực rất nhiều để tạo được thế trung lập với các siêu, đại cường đặc biệt là với Mỹ và Trung Quốc. Mỗi thành viên cũng cố gắng bảo vệ quyền lợi quốc gia bằng thỏa thuận thương mại song phương hay hữu hảo với lân bang. Do vậy, trách Cam Bốt thân Bắc Kinh thì cũng có thể trách một thành viên khác thân Mỹ. Nhưng khó hơn nữa, nếu tuân theo lối suy luận này, ASEAN phải bỏ hết những thiên hướng riêng để xây dựng một chính sách chung từ an ninh cho đến thương mại và đối ngoại.
Nhưng dù không thực hiện, sự kiện nêu lên khả năng trục xuất cũng là mối nguy hiểm cho ASEAN.
Theo nhà báo Umair Jamal, tuyên bố của nhà cựu ngoại giao Sigapore được đưa ra vào lúc Trung Quốc và Mỹ gia tăng tranh giành ảnh hưởng trong khu vực. Và Trung Quốc rất hiệu quả trong thủ đoạn khai thác nhược điểm để chia rẽ ASEAN. Hiệp Hội Đông Nam Á càng chia rẽ thì Bắc Kinh càng có lợi.
Do vậy, Trung Quốc càng mạnh thì ASEAN càng phải vững chắc.
Trước những lời công kích của nhà ngoại giao Singapore, chính phủ Cam Bốt qua trang mạng chính thức Fresh News phản đối một cách lợi hại, cáo buộc ngược lại: Bilahary Kausikan và viện địa chiến lược ISEAS-Yusof Ishak « làm việc cho ai ? ».
Đài Loan tiến hành đàm phán
Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương
Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Hôm thứ hai (16/11), trưởng đoàn đàm phán thương mại Đài Loan cho biết, họ đã đạt được tiến bộ tương đối tốt trong việc tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, họ vẫn đang chờ các quy định rõ ràng hơn về tư cách thành viên của hiệp định.
Trong lúc Đài Loan là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng với việc ký kết các thỏa thuận thương mại với Đài Loan vì họ lo lắng về sự phản đối từ Trung Cộng. Hôm chủ nhật (15/11), các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương đã thành lập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), trong đó Trung Cộng là một quốc gia thành viên.Khối này không bao gồm Đài Loan hoặc Hoa Kỳ. Thay vào đó, Đài Loan hiện đang mong muốn tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gồm 11 quốc gia, được ký kết vào năm 2018.
Ông John Deng, người dẫn đầu các cuộc đàm phán thương mại cho biết, Đài Loan sẵn sàng tham gia hiệp ước CPTPP. Bên cạnh Đài Loan, các nền kinh tế khác như Anh và Thái Lan cũng đã đạt được tiến triển tương đối tốt trong việc xin gia nhập khối trên. Bên cạnh đó, ông cho biết thêm rằng sự chăm chỉ của Đài Loan được nhiều quốc gia hoan nghênh.
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hỗ trợ liên kết các nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Tây Tân Lan, Peru, Singapore và Việt Nam. Tưởng cũng nên nhắc lại CPTPP là hậu thân của TPP sau khi tổng thống Trump rút khỏi hiệp ước này 2 ngày sau khi lên cầm quyền. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dai-loan-tien-hanh-dam-phan-hiep-uoc-thuong-mai-xuyen-thai-binh-duong-2/
Điện thoại Honor ‘thoát’ khỏi Huawei
để tránh lệnh trừng phạt của Mỹ
Huawei, nhà sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc tuyên bố bán đi mảng nhãn hiệu điện thoại giá rẻ của mình, vốn tập trung nhóm khách hàng là giới trẻ.
Huawei nói Honor đã “bị áp lực ghê gớm” do “liên tục thiếu hụt các phần kỹ thuật”.
Huawei: Những giờ phút dẫn đến khi Mạnh Vãn Chu bị bắt
BT ký thỏa thuận 5G với Ericsson để loại bỏ Huawei
Huawei mở sự kiện trực tuyến giữa lúc chịu áp lực toàn cầu
Sợ Trump, Alibaba nói họ luôn ủng hộ ‘thương hiệu và các nhà bán lẻ Mỹ’
Chính phủ Hoa Kỳ đã áp lệnh hạn chế lên việc cung ứng cho Huawei với lý do hãng này là mối đe dọa an ninh quốc gia.
Huawei nói hãng sẽ không giữ bất kỳ cổ phần nào, cũng không tham gia quản lý tân công ty Honor.
“Việc bán đi sẽ giúp cho các đại lý và các nhà cung ứng sản phẩm của Honor vượt qua được giai đoạn khó khăn này,” hãng công nghệ viễn thông khổng lồ của Trung Quốc nói trong một tuyên bố.
Huawei nói sẽ bán Honor cho công ty Tân Công nghệ Thông tin Trí Tín Thâm Quyến (Shenzen Zhixin New Information Technology), một công ty mới được thành lập để thực hiện vụ mua bán này.
Công ty này là một hệ thống với hơn 30 đại lý và và nhà phân phối nhãn hiệu Honor, theo truyền thông Trung Quốc, trong đó có cả Tập đoàn Phát triển Công nghệ Thành phố Thông minh Thâm Quyến (Shenzhen Smart City Technology Development Group) được nhà nước đứng đằng sau.
Huawei không cho biết giá bán là bao nhiêu.
Hạn chế thiết bị
Chính quyền ông Trump đã tăng áp lực lên Huawei trong mấy năm vừa qua. Mỹ nói rằng công ty là mối đe doạ an ninh quốc gia, điều Huawei liên tục bác bỏ.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ nay đòi hỏi các công ty bán dẫn nước ngoài trước tiên phải xin phê chuẩn nếu muốn bán cho Huawei các chip điện tử được phát triển hoặc được sản xuất bằng công nghệ Mỹ.
Tuy Huawei đã tích trữ các chip trong nỗ lực vượt qua các lệnh hạn chế này, nhưng hãng nói bước đi mới nhất là nhằm cứu nhãn hiệu vốn đã gặp nhiều khó khăn do chính sách của Hoa Kỳ.
“Việc này được hệ thống Honor thực hiện nhằm đảm bảo cho sự tồn tại của chính Honor,” Huawei nói.
Huawei tạo dựng nhãn hiệu Honor từ 2013, nhắm vào phục vụ giới trẻ với việc bán ra thị trường các loại điện thoại có mức giá thấp và trung bình.
Honor phân phối hơn 70 triệu đơn vị mỗi năm, theo Huawei.
Hãng bán điện thoại thông minh trên các trang web của mình và thông qua các nhà bán lẻ khác tại Trung Quốc.
Hãng cũng bán các sản phẩm của mình tại vùng Đông Nam Á và châu Âu.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-54974863
CCTV lại xúc phạm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo
Bình luậnĐông Phương
Hôm 15/11, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV lại chỉ trích Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo bằng những ngôn ngữ thô tục. Kể từ hồi tháng Bốn năm nay, Nhân dân Nhật Báo, CCTV và các kênh truyền thông trung ương Trung Quốc khác cũng từng nhiều lần xúc phạm ông.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ ngày 12/11, ông Pompeo nói: “Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc). Điều này được thừa nhận trong các chính sách của chính quyền [cựu Tổng thống] Reagan. Hoa Kỳ đã tuân thủ các chính sách này trong 35 năm”. Ông Pompeo cũng cho biết cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có lập trường giống nhau về vấn đề này và đã đồng ý bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan.
Bốn ngày sau, vào ngày Chủ nhật 15/11, CCTV bất ngờ sử dụng những lời lẽ hạ tiện để sỉ nhục ông Pompeo, như gọi ông là “đồ cặn bã” và “gậy chọc phân”, nói ông “giống như một con bạc lưu manh đánh bạc đến đỏ cả mắt” và “cắn mãi không chịu buông”.
Ấn bản hải ngoại của tờ Nhân dân Nhật báo thậm chí còn đăng các bài bình luận mắng chửi ông Pompeo thậm tệ như “lão điên đến ngày diệt vong, ngạo mạn ngu dốt, mưu mô nham hiểm, đánh lừa dư luận, cực kỳ thâm độc, v.v.”.
Ông Pompeo hiện đang trong chuyến thăm châu Âu và ngay hôm sau (16/11) ông đã đăng Twitter phát đi một tín hiệu mạnh mẽ. Ông nói rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện Đạo luật Magnitsky và đưa những kẻ bức hại nhân quyền ra công lý.
Ông cho biết: “Cho đến nay, đã có 55 người bị trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky Nga (Russia Magnitsky Act). Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để thúc đẩy trách nhiệm giải trình và gia tăng kinh phí để trừng phạt những người liên quan đến vụ Magnitsky và những người vi phạm và lạm dụng nhân quyền”.
Ông Pompeo cũng giải thích nguồn gốc của Đạo luật Magnitsky như sau: “Vào ngày này (16/11) của 11 năm trước, dưới bàn tay của các quan chức Nga, Sergei Magnitsky đã chết trong một nhà tù ở Moscow vì vạch trần một âm mưu gian lận thuế có liên quan đến chính phủ. Hoa Kỳ đã ban hành Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Pháp quyền Magnitsky (Magnitsky Rule of Law Accountability Act) nhằm thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người vi phạm nhân quyền”.
Ông Magnitsky là một luật sư và điều tra viên thuế người Nga, ông đã phát hiện ra hành vi tham nhũng của một nhóm quan chức Bộ Nội vụ Nga, sau đó ông bị bắt giam và đánh đập dã man. Magnitsky chết trong tù năm 2009 khi ông chỉ mới 37 tuổi. Năm 2016, “Đạo luật Trách nhiệm Giải trình Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu” của Hoa Kỳ (The Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) đã được thêm vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng hàng năm.
Đạo luật này cho phép Tổng thống Hoa Kỳ ngăn chặn hoặc thu hồi thị thực nhập cảnh hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt tài sản đối với các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài.
Hoa Kỳ đã căn cứ vào luật này để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức và cá nhân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ví dụ: vào ngày 15/9, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thiên Tân Union Development Group (UDG) – một thực thể quốc hữu của ĐCSTQ; Vào tháng Bảy, họ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức chính phủ Trung Quốc đương nhiệm hoặc tiền nhiệm ở Tân Cương và Sở Công an Khu tự trị Tân Cương.
Vào tháng Năm năm nay, ba nhà lập pháp Hoa Kỳ đã gửi thư cho Ngoại trưởng Pompeo và Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin, kêu gọi trừng phạt 10 quan chức ĐCSTQ vì trong thời gian bùng phát dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, những quan chức này “đã vi phạm Quy định Y tế Quốc tế (International Health Regulations) ban hành năm 2005, xâm phạm nhân quyền của công dân (Trung Quốc) và các nguyên tắc cơ bản về công bằng và trách nhiệm trong quan hệ quốc tế”.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, vào tháng 12/2019, chính phủ Hoa Kỳ tuyên bố rằng căn cứ theo Đạo luật Magnitsky Toàn cầu, họ đã nhận định 68 cá nhân và thực thể ở 9 quốc gia tham gia vào hành vi tham nhũng và xâm phạm nhân quyền. Thông cáo cũng đề cập đến việc hạn chế thị thực đối với chính quyền ĐCSTQ và các quan chức Đảng Cộng sản.
Vào tháng 5/2019, theo trang web Minghui.org, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thông báo cho các học viên Pháp Luân Công rằng họ có thể gửi danh sách những kẻ bức hại môn tu luyện cho Bộ này. Các học viên Pháp Luân Công ở năm quốc gia, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Úc và New Zealand, cũng đã đệ trình hàng loạt danh sách những kẻ hành ác của ĐCSTQ đã bức hại các học viên Pháp Luân Công cho chính phủ nước sở tại, và yêu cầu chính phủ từ chối thị thực, thậm chí đóng băng tài sản của những kẻ đó theo quy định của pháp luật.
Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung
https://www.ntdvn.com/trung-quoc/cctv-lai-xuc-pham-ngoai-truong-my-mike-pompeo-103338.html
Sau nhiều vụ ‘lùm xùm’, Bộ Giáo dục Trung Quốc
ban hành ‘Quy tắc ứng xử dành cho
giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh’
Bình luậnĐông Phương
Gần đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành “Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh”. Trước đây, Trung Quốc đã xảy ra nhiều vụ nghiên cứu sinh tự tử, và hầu hết đều liên quan đến giáo viên hướng dẫn của họ.
Vào ngày 11/11, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành “Quy tắc ứng xử dành cho giảng viên hướng dẫn nghiên cứu sinh”, nêu rõ không được phép có các hành vi sau:
Không được tổ chức hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể làm suy giảm tính công bằng công chính của công tác khảo thí và tuyển sinh;
Không được sơ sài, tắc trách trong việc giám sát và hướng dẫn nghiên cứu và các vấn đề bài vở mà nghiên cứu sinh gặp phải;
Không được yêu cầu nghiên cứu sinh làm những công việc không liên quan đến học tập, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng;
Không được tự ý lùi thời gian tốt nghiệp của nghiên cứu sinh;
Không được có các hành vi vi phạm tiêu chuẩn học thuật, làm tổn hại đến quyền và lợi ích của nghiên cứu sinh trong nghiên cứu học tập…;
Không được đưa các luận văn không phù hợp với tiêu chuẩn học thuật và không đạt yêu cầu chất lượng lên hội đồng thẩm định và bảo vệ luận văn;
Không được mạo danh các nghiên cứu sinh để lĩnh nhận, chiếm dụng kinh phí dành cho việc nghiên cứu khoa học hoặc các chi phí khác ;
Không được xúc phạm nhân cách của nghiên cứu sinh và không được có quan hệ bất chính với nghiên cứu sinh.
Trong số các quy định trên, cư dân mạng đặc biệt chú ý đến mục “không được có quan hệ bất chính với nghiên cứu sinh” và bình luận như sau:
“Việc không được quan hệ tình dục cũng được đưa vào quy định… Thực sự là nằm ngoài sức tưởng tượng”.
“Đây đều là đạo đức cơ bản của các giáo viên, vậy mà Đảng Cộng sản Trung Quốc lại phải viết thành ‘Quy tắc’, có thể tưởng tượng được nền giáo dục của họ hủ bại đến mức độ nào”.
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên (Liu Xiaoyuan) cũng bình luận như sau: “Dấu hiệu biến chất của giáo dục? Đây vốn là những yêu cầu đạo đức cơ bản đối với giáo viên, ấy vậy mà Bộ Giáo dục lại phải ra văn bản quy định. Có thể hiểu được mức độ phổ biến và tầm nghiêm trọng của các vấn đề này!”.
Trước khi Quy tắc này được ban hành, có rất nhiều vụ nghiên cứu sinh tự tử đã xảy ra ở Trung Quốc đại lục, và hầu hết đều liên quan đến giảng viên hướng dẫn của họ. Ví dụ, một nghiên cứu sinh của Đại học Công nghệ Đại Liên đã treo cổ tự tử trong phòng thí nghiệm vào ngày 13/10. Trong thư tuyệt mệnh, nghiên cứu sinh này nói rằng đã gặp phải một người hướng dẫn vô trách nhiệm, khiến bản thân lãng phí thời gian trong suốt khoảng thời gian học cao học và bị căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vào ngày 21/9, một nghiên cứu sinh tiến sĩ (nữ) của Đại học Nam Kinh đã nhảy lầu tự tử ở ký túc xá vì người hướng dẫn đã cướp mất một luận án của cô và gạt cô ra khỏi nhóm.
Vào ngày 1/5, một nữ thạc sĩ họ Hoàng đang theo học tại Học viện Nghệ thuật thuộc Đại học Truyền thông Trung Quốc đã nhảy lầu và tử vong. Cư dân mạng tự xưng là người nhà của cô Hoàng đã cáo buộc giảng viên hướng dẫn họ Tiết nhiều lần gây khó dễ cho khóa luận tốt nghiệp của cô Hoàng, khiến cô suy sụp tinh thần nên tự tử.
Vào tối ngày 25/12/2019, một nghiên cứu sinh tại Học viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu thuộc Đại học Bưu chính Viễn thông Nam Kinh, bị nghi là do không chịu nổi sự bóc lột của giảng viên hướng dẫn nên đã tự thiêu và tử vong trong phòng thí nghiệm. Sau đó, một số người tự xưng là sinh viên của trường này tiết lộ rằng, do người giảng viên hướng dẫn họ Trương đã chửi rủa áp bức, sỉ nhục nhân cách của người nghiên cứu sinh đó trong một khoảng thời gian dài, lại còn ép buộc anh này phải ký vào bản cam kết lùi thời gian tốt nghiệp, đồng thời phải đền bù 3.200 nhân dân tệ (khoảng 11,3 triệu VNĐ) cho chi phí thí nghiệm khí nitơ, cuối cùng dẫn đến việc nghiên cứu sinh này tự thiêu và mất mạng trong phòng thí nghiệm. Có sinh viên cũng chỉ ra rằng, người hướng dẫn họ Trương này coi sinh viên như lao động rẻ mạt và bắt họ phải làm việc cho công ty của mình, người này còn biến phòng thí nghiệm của trường thành nhà kho công ty, lưu trữ rất nhiều dung môi dễ cháy, cuối cùng đã dẫn đến bi kịch.
Vào ngày 5/4/2019, bà Lý Du Du (Li Youyou), Thạc sĩ truyền thông tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, đang định cư ở Canada, đã dùng tên thật để tố cáo ông Thẩm Dương (Shen Yang) – cựu Giáo sư Khoa Trung văn tại Đại học Bắc Kinh (người có biệt hiệu là “Học giả Trường Giang”), đã tấn công tình dục bạn của bà là Cao Nham (Gao Yan) 22 năm trước và cuối cùng khiến bà Cao Nham tự tử.
Đông Phương
Theo Epoch Times tiếng Trung
Bắc Kinh nói gì khi Mỹ tuyên bố
‘Đài Loan không phải một phần của Trung Quốc’?
Bình luậnNgọc Trân
Đáp lại tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo rằng “Đài Loan không phải là một phần của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ)” hôm 12/11 , ông Uông Văn Bân – Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã đáp lại tại cuộc họp báo thường kỳ hôm 16/11 rằng, bất kỳ hành vi nào làm “tổn hại đến lợi ích cốt lõi hay can thiệp vào nội chính của Trung Quốc” đều sẽ bị Trung Quốc kiên quyết đáp trả.
Hôm 12/11, ông Pompeo đã nhận lời phỏng vấn qua điện thoại với người dẫn chương trình radio Hugh Hewitt và đàm luận về nhiều đề tài ngoại giao quan trọng. Ông Pompeo nói: “Đài Loan chưa bao giờ là một phần của Trung Quốc. Điều này được thừa nhận trong quá trình hoạch định chính sách do chính phủ [cố Tổng thống] Reagan thực hiện. Hoa Kỳ đã tuân thủ các chính sách này trong suốt 35 năm qua, và chính phủ [các nhiệm kỳ] thuộc hai đảng của Hoa Kỳ cũng đều làm như vậy”.
Ông Pompeo nói, Hoa Kỳ công nhận hệ thống đa đảng của Đài Loan. Ý nghĩa cốt lõi của nhận thức này chính là việc coi Đài Loan là một hình mẫu của nền dân chủ và Trung Quốc phải thực hiện lời hứa của mình với người dân Đài Loan. Đây là điều mà cả hai đảng của Hoa Kỳ đều nhất trí với nhau.
Trước tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pompeo, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao ĐCSTQ Uông Văn Bân đã đáp trả hung hăng rằng: Ông Pompeo “xuất phát từ tư lợi chính trị của cá nhân, coi thường lợi ích cơ bản của người dân hai nước Trung Quốc và Mỹ, đổi trắng thay đen, bịa đặt dối trá, mục đích chính là để đánh lừa dư luận, đánh lừa tai mắt quần chúng, làm tăng thêm một bước phá hoại quan hệ Mỹ –
Trung, gây tổn lại đến ổn định hoà bình Eo biển Đài Loan, tâm địa của ông ta đã sớm bị bại lộ trước thiên hạ…”
Ông Uông nói, phía Trung Quốc cảnh báo “ông Pompeo và những đồng minh của ông rằng”, bất kỳ hành vi nào làm “tổn hại đến lợi ích cốt lõi hay can thiệp vào nội chính của Trung Quốc” đều sẽ bị Trung Quốc kiên quyết đáp trả, và cũng “không thể ngăn cản được xu hướng thống nhất lịch sử của Trung Quốc”.
ĐCSTQ luôn đáp trả một cách hung hăng trước các tuyên bố của Hoa Kỳ về Đài Loan. Tuy nhiên tình hình thực tế cho thấy, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Đài Loan đang ngày càng ấm lên nhanh chóng. Những lời kêu gọi nối lại quan hệ ngoại giao giữa hai nước và kêu gọi đưa Đài Loan quay trở lại Liên Hợp Quốc cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Ông Pompeo thông báo hôm 10/11 rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach sẽ dẫn đầu phái đoàn tham gia Đối thoại Đối tác Thịnh vượng Kinh tế Hoa Kỳ – Đài Loan tổ chức tại Washington vào ngày 20/11.
Thứ trưởng Ngoại giao Krach đã đến thăm Đài Loan lần đầu tiên vào hồi tháng Chín năm nay và gặp gỡ Tổng thống Thái Anh Văn. Ông Krach là quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ năm 1979.
Ngọc Trân
Tổng hợp
Chuyên gia dịch bệnh: Đến năm 2022
người Trung Quốc mới có thể đi du lịch nước ngoài
Bình luậnNgọc Trân
Dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán đã tái bùng phát trên khắp Trung Quốc, các nhà chức trách địa phương các nơi đã thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khẩn cấp, khiến nhiều chuyến du lịch của người dân đã bị trì hoãn. Về vấn đề này, các chuyên gia phòng chống dịch bệnh Trung Quốc cho rằng, dự kiến đến mùa xuân năm 2022 người dân Trung Quốc mới có thể đi du lịch nước ngoài.
Theo truyền thông đại lục đưa tin, trong buổi diễn đàn tại Bắc Kinh hôm 13/11, ông Trương Văn Hoành (Zhang Wenhong) – Trưởng nhóm Chuyên gia Điều trị viêm phổi Vũ Hán Thượng Hải, kiêm Trưởng Khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc trường Đại học Phúc Đán, Thượng Hải đã cho biết, dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán rất khó biến mất hoàn toàn trong vòng 1 hoặc 2 năm tới, bởi vì con số 50 triệu người nhiễm bệnh hiện tại chỉ là một phần rất nhỏ. Thuận theo việc vaccine phòng ngừa virus Corona Vũ Hán được đưa ra thị trường, tỷ lệ người tiêm chủng tăng lên, thì dự kiến đến mùa xuân năm 2022 người dân đại lục mới có thể tiếp tục du lịch nước ngoài.
Ông Trương nói rằng, chưa từng có đợt dịch virus nào trong lịch sử nhân loại lại khiến con người phải tự tìm cách tiêu diệt nó như [đại dịch viêm phổi Vũ Hán] lần này, “virus Corona Vũ Hán là loại virus có tốc độ truyền nhiễm rất cao, tỷ lệ tiêm chủng vaccine nếu không đạt 60% thì chúng ta sẽ không thể ngăn ngừa được sự lây lan và nhiễm bệnh”. Ông Trương nhắc nhở rằng, vaccine dự kiến sẽ đưa ra thị trường sớm nhất là vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tuy nhiên, mức độ cung cấp, phổ cập và hiệu quả phòng bệnh của vaccine hiện vẫn chưa thực sự rõ ràng.
Ông Trương cho rằng dịch bệnh rất khó biến mất hoàn toàn trong vòng 1 hoặc 2 năm tới. Ông nói: “Ngay cả khi có vaccine vào cuối năm nay, thì dịch bệnh cũng không thể biến mất vào năm sau, điều này là chắc chắn”..
Về công dụng của vaccine viêm phổi Vũ Hán trên thị trường trong tương lai, ông Trương cho biết, virus Corona Vũ hán đã trở thành “virus thường trú” với tỷ lệ tử vong rất cao, có vaccine cũng không thể giải quyết triệt để vấn đề”, nhưng nếu không có vaccine thì sẽ rất khó thực hiện phòng ngừa dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu.
Trong cùng ngày, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) – Trưởng nhóm chuyên gia cấp cao của Uỷ ban Y tế Trung Quốc kiêm Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc/CAE cũng đưa ra những nghiên cứu và phán đoán mới nhất về dịch bệnh.
Ông Chung cho biết, số ca nhiễm virus Corona Vũ hán không có triệu chứng chiếm từ 20-40% trong tổng số ca bệnh và đặc điểm quan trọng của nó chính là khả năng lây nhiễm tương đối mạnh. Ông Chung
nói, “tái nhiễm là điều rất có thể xảy ra”, ông đã thống kê được ít nhất 5 trường hợp tái nhiễm cho đến thời điểm hiện tại, trong đó có một trường hợp ở Hong Kong.
Vì sao lại xuất hiện tình trạng tái nhiễm? Ông Chung cho biết có hai khả năng: Thứ nhất các kháng thể được sản sinh ra sẽ suy giảm nhanh chóng sau lần nhiễm bệnh đầu tiên; thứ hai là cơ thể không có hoặc chỉ sản sinh được một lượng kháng thể cực yếu để đối phó với virus trong lần đầu nhiễm bệnh và chưa đủ để có thể chống lại lần nhiễm thứ hai..
Tuy nhiên, ngoại giới cũng chú ý đến việc ông Chung Nam Sơn liên tục thay đổi thái độ đối với việc tái bùng phát và không thể kiểm soát được dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Trung Quốc.
Khi đại dịch viêm phổi Vũ hán bùng phát vào đầu năm nay, ông Trung Nam Sơn dẫn đầu các chuyên gia đến Vũ Hán để điều tra dịch bệnh. Vào thời điểm đó, ông Chung đã nhiều lần giúp chính quyền Trung Quốc che giấu sự thật về dịch bệnh, khiến đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát khắp Trung Quốc. Vào tháng Hai năm nay, ông Chung tuyên bố rằng những bệnh nhân đã được chữa khỏi thường sẽ không tái nhiễm; đến đầu tháng Tư, ông Chung không chỉ tuyên bố dịch bệnh dự kiến sẽ được kiểm soát vào cuối tháng Tư, mà còn nói rằng Trung Quốc sẽ không có nhiều người “nhiễm bệnh không có triệu chứng”. Tuy nhiên, sau này ông Trương Văn Hoành lại chỉ ra rằng nguy cơ lớn nhất của dịch bệnh lần này chính là những trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng, và dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán sẽ tái bùng phát vào mùa đông năm nay.
Sau khi ngoại giới đưa ra rất nhiều chất vấn, trong một cuộc phỏng vấn với tờ CNN của Mỹ vào hồi tháng Năm năm nay, ông Chung Nam Sơn lại thay đổi cách nói và tuyên bố rằng, “nguy cơ bùng phát đợt dịch lần thứ hai tại Trung Quốc càng ngày càng lớn”.
Ngọc Trân
Cảnh sát Thái Lan bắn vòi rồng,
hơi cay vào cuộc biểu tình ở quốc hội
Hôm 17/11, Cảnh sát Thái Lan bắn vòi rồng vào người biểu tình và sử dụng hơi cay làm nhiều người bị thương trong nỗ lực đẩy lùi cuộc biểu tình tại quốc hội đòi thay đổi hiến pháp và có thể ảnh hưởng đến chế độ quân chủ của nước này, theo Reuters.
Người biểu tình đòi thay đổi hiến pháp do chính phủ quân nhân trước đó lập ra. Họ cũng muốn lật đổ Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu lãnh đạo quân đội, và cải cách cơ chế nhằm giới hạn quyền lực của Quốc vương Maha Vajiralongkorn.
Cảnh sát phun vòi rồng vào những người biểu tình khi họ tìm cách vượt qua các rào chắn. Sau đó, cảnh sát bắn hơi cay vào hàng trăm người biểu tình.
Xe cứu thương đưa những người bị thương đến bệnh viện. Trung tâm Y tế Erawan ở Bangkok cho biết 5 người đã phải nhập viện do hơi cay và nhiều người khác được sơ cứu tại hiện trường.
Các nhà lập pháp Thái đang thảo luận về một số đề xuất cách thức có thể sửa đổi hiến pháp – một số đề xuất sẽ loại trừ khả năng thay đổi vai trò của quốc vương do hiến pháp quy định.
Trong khi các nghị sĩ đối lập kêu gọi thay đổi hiến pháp, hàng trăm người tuần hành bảo hoàng trước đó đã tụ tập kêu gọi các nhà lập pháp không sửa đổi hiến pháp.
Những người tuần hành nói rằng họ không muốn xóa bỏ chế độ quân chủ.
https://www.voatiengviet.com/a/canh-sat-thai-ban-voi-rong-hoi-cay-bieu-tinh/5665892.html
Covid-19 : Người dân thủ đô Ấn Độ
sắp miễn nhiễm virus corona ?
Minh Anh
Theo một nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện trong những tuần qua, gần một phần hai dân thủ đô New Dehli dường như đã bị nhiễm Covid-19. Với kết quả này, New Dehli, một trong những thành phố bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nhất, có lẽ sắp đi đến miễn dịch cộng đồng.
Từ thủ đô Ấn Độ, thông tín viên đài RFI, Sébastien Farcis giải thích :
« Trung tâm New Dehli là khu phố cổ của thủ đô, bao gồm nhiều hẻm nhỏ chật hẹp, đông đúc dân cư và là nơi có nhiều chợ đầu mối và chợ thủ công đông người lui tới.
Đây cũng chính là môi trường lý tưởng cho Covid-19 lây lan. Theo nghiên cứu huyết thanh học được thực hiện trong tháng 10/2020, có đến 49,5% trong số 580.000 dân cư của khu phố cổ này bị nhiễm virus, thường thì không có biểu hiện các triệu chứng.
Điều này giúp cho người dân ở đây có khả năng miễn dịch tạm thời. Tuy nhiên, ở bên ngoài khu phố cổ, khả năng miễn dịch lại ít hơn : chỉ có 25,5% dân cư toàn thành phố có dấu vết của virus trong cơ thể.
Hiện tại, thủ đô New Dehli đang trải qua một đợt dịch mới do tình trạng tụ họp đông người trong mùa lễ hiện nay gây ra. Mỗi ngày có hơn 7.000 ca nhiễm mới, tức chiếm gần 20% tổng số ca nhiễm được phát hiện tại Ấn Độ. Chính quyền liên bang có kế hoạch khẩn trương mở thêm nhiều giường bệnh chăm sóc tích cực và điều bác sĩ quân y để hỗ trợ cho ngành y dân sự. »
Úc – Việt Nam tăng cường hợp tác khai thác khoáng sản
Việt Nam và Australia tăng cường hợp tác trong khai thác khoáng sản, tìm kiếm khoáng sản ẩn và sâu; các biện pháp giải quyết ô nhiễm môi trường sau khai thác khoáng sản.
Truyền thông nhà nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 16/11.
Nhân kỷ niệm 47 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Úc – Việt Nam, hai nước đã Hội thảo quốc tế “Hợp tác liên kết bền vững trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản tại miền Bắc Việt Nam.”
Tham dự hội thảo có đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Australia tại Hà Nội và các công ty thương mại về khoáng sản của Australia…
Ông Shannon Leahy, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Australia tại Hà Nội, khi phát biểu tại Hội thảo cho biết Việt Nam và Australia đã thống nhất sẽ đưa kim ngạch thương mại hai nước từ 7,8 tỷ USD năm 2018 lên 10 tỷ USD trong năm 2020.
Theo ông Shannon Leahy, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú ở Việt Nam là cơ hội lớn để các công ty công nghệ và dịch vụ thiết bị khai thác (METS) của Úc hợp tác với Việt Nam, trong việc ứng dụng công nghệ tài nguyên khoáng sản tiên tiến, nhằm đạt được hiệu quả và duy trì phát triển bền vững.
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, hiện Việt Nam đang đứng trước những thách thức về tình trạng cạn kiệt khoáng sản; ô nhiễm môi trường sau khai thác; tổn thương ở khu vực khai thác… Vì vậy Việt Nam mong muốn cùng Úc, đẩy mạnh sự hợp tác liên kết bền vững trong kỹ thuật thăm dò và chế biến khoáng sản.
0 comments