Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 17/11/2020

Tuesday, November 17, 2020 2:02:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 17/11/2020

Nhiều địa phương ở Việt Nam

xin sử dụng rừng tự nhiên

Nhiều tỉnh thành tại Việt Nam như Quảng Nam, Ninh Bình, Bình Thuận… vừa xin Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện các dự án nhà máy điện gió, làm đường giao thông, khai thác mỏ đá vôi…

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa hôm 17/11.

Với đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đường giao thông đến vùng phát triển sâm Ngọc Linh, tuyến Măng Lùng – Đăk Lây, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, Bộ NN&PTNT cho biết chưa có cơ sở để xác định được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP hay không. Vì tỉnh này cung cấp hồ sơ chưa rõ ràng.

Bộ NN&PTNT cũng có văn bản đề nghị tỉnh Quảng Nam xem xét, cân nhắc lại đối với việc phá rừng để phát triển sâm Ngọc Linh.

Còn đối với tỉnh Bình Thuận xin được chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 và đường dây đấu nối 110KV. Bộ NN&PTNT cho biết hồ sơ của tỉnh này chưa đủ điều kiện xem xét, thẩm định trình Thủ tướng để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho nhà máy điện gió.

Còn việc tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng của 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ, để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng cho dây chuyển hai nhà máy xi măng Duyên Hà.

Bộ NN&PTNT cho biết, dự án khai thác mỏ đá vôi ở Ninh Bình không đúng với tiêu chí xác định là dự án được chuyển mục sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp, trong 4 năm từ 2016-2019, diện tích rừng bị thiệt hại đã lên tới 7.283ha. Mặc dù diện tích rừng bị thiệt hại giảm 270ha/năm, nhưng trung bình mỗi năm Việt Nam vẫn mất đi 2.430ha rừng.

Phá rừng, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất… Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/many-localities-in-vn-apply-to-use-natural-forests-11172020073832.html

Việt Nam đón dòng khí đầu tiên

từ mỏ Sao vàng – Đại Nguyệt đến Nam Côn Sơn 2

Dòng khí đầu tiên từ mỏ Sao vàng đến đường ống tiếp bờ Nam Côn Sơn 2, vừa được Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) làm lễ đón nhận hôm 16/11 tại điểm tiếp nhận khí vào bờ thuộc thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói cùng ngày và cho biết thêm mỏ Sao vàng thuộc Dự án phát triển mỏ khí Sao vàng – Đại Nguyệt (SV – ĐN), là một trong những dự án trọng điểm của PV GAS.

Tin cho biết, chuỗi Dự án này nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng Ngành công nghiệp khí Việt Nam theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… Nhằm đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý khí mỏ Sư Tử Trắng, SV – ĐN, Thiên Ưng – Đại Hùng và dự phòng cho đường ống Bạch Hổ – Dinh Cố.

Ngoài ra các dự án này còn bổ sung công suất tiếp nhận và xử lý khí, tăng tính linh hoạt trong vận hành các công trình khí, giữa các nhà máy GPP Dinh Cố, NCS Terminal và GPP2…

Theo PV Gas, với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỷ m3 khí; 2,8 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ condensate, nguồn khí SV- ĐN sẽ đóng góp một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, đảm bảo cam kết của PV GAS trong cung cấp khí để sản xuất 22% sản lượng điện của Việt Nam.

Được biết, đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ SV – ĐN với 2 tuyến ống thành phần, trong đó đường ống dẫn khí từ giàn Thiên Ưng đến giàn SV chiều dài khoảng 23km và đường ống dài 23km dẫn khí từ giàn SV kết nối với đường ống Nam Côn Sơn 2 tại khu vực BK Thiên Ưng.

Trước đó, vào ngày 4/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1550 phê duyệt trữ lượng dầu khí mỏ SV- ĐN, làm cơ sở cho việc triển khai phát triển mỏ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-welcomes-first-gas-flow-fr-sv-dn-field-to-nam-con-son-2-11162020131347.html

Bà Hồ Thị Kim Thoa ‘đang ở Paris,

liệu có bị dẫn độ về Việt Nam’?

Đang có đồn đoán về số phận của cựu thứ trưởng công thương Hồ Thị Kim Thoa, người đang bị Việt Nam truy nã.

Việt Nam: Thứ Sáu ‘rực lửa’, khởi tố bị can trong hai vụ án lớn

Điều tra riêng của BBC cho biết bà Kim Thoa đang sống tại Paris, thủ đô nước Pháp từ lúc bị Việt Nam phát lệnh khởi tố.

Ngày 10/7 Bộ Công an Việt Nam ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và Lệnh khám xét về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với: Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công thương; Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Công thương; Phan Chí Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương.

Dựa theo các nguồn tin riêng của BBC, dường như vào thời điểm này bà Kim Thoa đang đi du lịch Pháp, trong đó có ghé trung tâm thiền tập Làng Mai, Pháp.

Sau khi nghe tin khởi tố, bà Thoa đã ở lại Pháp bằng visa du lịch.

Giữa Việt Nam và Pháp đã có hiệp định dẫn độ.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, bị khởi tố cùng ngày với cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng..

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương để điều tra về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Từ tháng 5/2010, bà Thoa được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công thương, được phân công phụ trách trực tiếp Vụ Công nghiệp nhẹ (nay là Cục Công nghiệp) và Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Theo điều tra của công an Việt Nam, bà Thoa biết khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đã được sắp xếp, giao cho Bộ Công thương, Tổng công ty Sabeco (là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương, vốn nhà nước chiếm 89,59%) để quản lý, sử dụng, đầu tư, xây dựng khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê, không được thành lập pháp nhân mới.

Báo Thanh Niên viết: “Tuy nhiên, bị can Hồ Thị Kim Thoa vẫn báo cáo bị can Vũ Huy Hoàng phê duyệt; đã ký 3 văn bản chấp thuận chủ trương cho Tổng công ty Sabeco liên doanh, liên kết thành lập Công ty Sabeco Pearl, lợi dụng việc sắp xếp cơ sở nhà đất của doanh nghiệp nhà nước làm thủ đoạn để dần chuyển dịch quyền sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng từ Tổng công ty Sabeco sang Công ty Sabeco Pearl (từ tài sản nhà nước sang tư nhân).”

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54976805

Hai người bị bắt do giả danh cán bộ Văn phòng Thủ tướng

Hai người giả danh cán bộ Văn phòng Thủ tướng bị Công an Tỉnh Cà Mau tiến hành khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 17 tháng 11. Cụ thể hai bị can có tên Nguyễn Đức Thắng và Trần Kiều Hưng. Cả hai bị khởi tố về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Hai người bị cho tự xưng là cán bộ của Cục quản lý kinh tế Văn phòng thủ tướng Chính phủ, đưa ra những lời hứa hẹn giúp đỡ những người họ gặp.

Tại cơ quan Công an, Thắng khai là Việt kiều Mỹ. Còn Hưng bị phát hiện là người từng bị kết án 2 năm tù về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức vào năm  2016.

Tin cho biết, tháng 4 năm 2016, Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, phát hiện một ô tô chạy quá tốc độ trên Quốc lộ 51 nên ra hiệu dừng xe kiểm tra. Hưng từ trên xe bước xuống và xuất trình tờ công lệnh ghi tên Trần Kiều Hưng với chức vụ “Phó Cục trưởng Cục Quản lý kinh tế Chính phủ kiêm đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ”.

Nghi ngờ nhân thân của Hưng, tổ công tác đưa về trụ sở làm việc. Tại cơ quan công an, Hưng khai mua tờ công lệnh từ một người chưa rõ lai lịch để đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông. Hưng bị bắt giữ và bị án tù.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-people-were-arrested-for-using-fake-documents-of-agencies-n-organizations-11172020072432.html

Sạt lở núi tại nhiều nơi ở Quảng Nam

Nhiều huyện tại tỉnh Quảng Nam xảy ra động đất, sạt lở núi. Trong đó, tuyến Quốc lộ 40B nối huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đang bị chia cắt do trận sạt lở núi mới nhất gây nên.

Báo Nhà nước Việt Nam dẫn xác nhận của ông Đinh Văn Vượng – Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, huyện Nam Trà My, và đưa tin ngày 17/11.

Theo lời ông Vượng, trên Quốc lộ 40B xuất hiện đống đất đá cao 4m được xác định là do một quả đồi trút xuống vì sạt lở.

Vụ việc đã được báo cáo lên huyện, đang chờ huy động máy móc để đào thông tuyến đường từ huyện Nam Trà My qua tỉnh Kon Tum. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang rà soát để xác định có nạn nhân nào bị vùi lấp khi sạt lở xảy ra hay không.

Trong khi đó, tại xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, có nhiều vết nứt xuất hiện trên núi khiến người dân lo ngại sạt lở đất.

Cụ thể, theo lời ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cho biết các vết nứt tại núi xuất hiện từ bão số 9 đến nay và có dấu hiệu lớn thêm.

Gần trụ sở UBND xã, vết nứt kéo dài hơn 40 m, khe nứt rộng gần 30 cm băng ngang vườn và nhà 1 hộ dân. Ngay dưới vết nứt là nhà 4 hộ dân với gần 20 nhân khẩu. Trong đó, có 1 hộ đã được di dời.

Ở núi Cáp Tun, thôn 1 cũng xuất hiện 3 vết nứt, kéo dài hơn 50m. Dưới chân khu vực có 16 hộ dân với 62 nhân khẩu.

Hiên phía chính quyền đã di dời 70 hộ dân với 280 nhân khẩu đến trụ sở xã để tránh, trú bão tạm thời.

Tại khu vực tiếp giáp huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi liên tục chịu dư chấn động đất và sạt lở núi, hiện đang bị cô lập, chia cắt.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời Chủ tịch UBND xã Sơn Long, ông Đỗ Thanh Vượt cho biết chưa bao giờ bị sạt núi nặng như năm nay, nhiều thôn bị nguy hiểm bởi sạt liên tục. Lãnh đạo xã đã sơ tán, di dời 86 hộ dân vùng sạt lở núi.

Vẫn theo ông, đất đá từ núi đổ xuống quá lớn xã không thể khắc phục để thông tuyến cho người dân qua lại, có gần 1.000 hộ dân các vùng núi vẫn bị cô lập toàn phần hoặc một phần.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/mountain-landslides-in-many-places-in-quang-nam-11172020075549.html

Xuất hiện nhiều điểm nứt núi kéo dài ở Quảng Nam

 Bình luậnNhã Nam

Trên địa bàn xã Trà Giáp (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) mới xuất hiện nhiều vết nứt tại khu vực đồi núi.

Cụ thể, chia sẻ với truyền thông chiều 16/11, ông Hồ Văn Ân, Chủ tịch xã Trà Giác cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện một điểm nứt núi kéo dài gần 50 m, rộng khoảng 30 cm ở khu vực phía sau nhà 4 hộ dân ở nóc Ông Phòng (thôn 4).

Đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn xã cũng xuất hiện hàng chục điểm sạt lở núi. Cũng tại xã Trà Giáp xuất hiện thêm 2 điểm nứt lớn khác có nguy cơ sẽ đổ sập khi mưa lớn.

Điểm nứt thứ nhất tại khu vực gần trụ sở UBND xã, thuộc nóc Ông Khương (thôn 2). Điểm nứt kéo dài hơn 40 m, khe nứt rộng, lọt thỏm cả bàn chân người lớn, băng ngang vườn và nhà một hộ dân.

Điểm nứt này còn cắt ngang gây sạt, sụt lún đất, tạo hàm ếch, hỏng một đoạn đường ĐH bằng bê tông dẫn về phía trụ sở UBND xã. Ngay dưới vết nứt là nhà 4 hộ dân với gần 20 nhân khẩu. Nhà 1 hộ đã được di dời; 3 hộ còn lại đã đến các điểm trường học, trụ sở xã để lánh nạn.

Điểm nứt thứ 2 ở khu vực núi Cáp Tun (thôn 1) có đến 3 vết nứt, kéo dài hơn 50m, bên dưới có 16 hộ dân với 62 nhân khẩu.

Theo ông Lê Văn Thách, Phó chủ tịch xã Trà Giáp, cả 2 khu vực đồi núi bị nứt đang được người dân trồng keo nguyên liệu, thu hoạch theo chu kỳ, keo rễ chùm nên ít bám giữ đất. Đó cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng phá vỡ kết cấu địa chất và nứt núi.

Trước đó, trưa và chiều 14/11, xã Trà Giáp đã đưa toàn bộ hơn 70 hộ dân với hơn 280 nhân khẩu ở các điểm nguy cơ sạt núi đến lánh nạn tại trụ sở UBND xã, trường học. Sáng sớm ngày 15/11, những người này đã về lại nhà.

Theo báo cáo mới nhất của BCH phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến chiều 16/11, thống kê thiệt hại do bão số 13 tại Quảng Bình tăng lên nhiều.

Cụ thể, có 11 người bị thương trong quá trình phòng chống bão; 1.886 nhà ở bị tốc mái (nhiều nhất ở H.Bố Trạch với 1.197 nhà, Ba Đồn 661 nhà…). Ngoài ra, có 15 điểm trường, 10 nhà văn hóa, 1 trạm y tế xã và 13 tàu thuyền bị hư hỏng; một số đoạn kè bị sạt lở, hơn 132 ha diện tích cây trồng hư hại.

https://www.ntdvn.com/viet-nam/xuat-hien-nhieu-diem-nut-nui-keo-dai-o-quang-nam-102894.html

Các NGO địa phương và nỗ lực

cứu trợ nạn nhân thiên tai miền Trung

Hugh Bohane

Kể từ đầu tháng 10, Trung bộ Việt Nam bị liên tiếp nhiều cơn bão nhiệt đới và bão lớn tàn phá, gây nên lũ lụt và đất chuồi tại nhiều nơi trong vùng.

Có ít nhất 1.3 triệu người bị ảnh hưởng vì lũ lụt và 235 người chết hay mất tích từ nhiểu trận bão, theo như chính phủ Việt Nam.

Thiệt hại về kinh tế hiện ước lượng vào khoảng gần một tỉ đô la.

Vào ngày 28/10, Bão Molave đổ bộ vào Quảng Nam và Quảng Ngãi Trung bộ Việt Nam và đây là cơn bão tệ hại nhất trong hai thập niên.

Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai trong số 5 tỉnh ở miền trung bị tác hại nhiều nhất vì lũ lụt và đất chuồi mới đây. Những tỉnh khác là Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.

Vấn đề tệ hại hơn khi mùa mưa vẫn tiếp tục và một sự kiện khác là bão Vacom, đang trên đường từ Philippines đến Việt Nam và tiên đoán sẽ ập vào Quảng Bình sáng ngày Chủ Nhật 22/11.

Đây là trận bão thứ ba đổ bộ vào Việt Nam trong tháng 11 và cơn bão thứ 13 ập vào Việt Nam trong năm nay.

Trợ giúp quốc tế bắt đầu đổ vào Việt Nam từ các nước khác nhau như Mỹ, Anh, Úc, Hà Lan và Nhật Bản và dù chính phủ Việt Nam đã phân phối các quỹ cứu trợ nhưng trong tình trạng Việt Nam phải đối phó với hai đòn giáng của COVID-19 trong năm nay, cần phải có trợ giúp thêm của thế giới bên ngoài.

Các tổ chức phi chính phủ đang làm việc không mệt mỏi với chính quyền địa phương để chuyển giao phẩm vật cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Tổ chức Pacific Links Foundation là một tổ chức phi chính phủ hiện đang hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại tại miền Trung Việt Nam và đã gây quỹ để giúp những gia đình tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Huế bị ảnh hưởng vì lũ lụt.

“Những người tình nguyện của chúng tôi tại thực địa đang chuyển giao những gói cứu trợ khẩn cấp, bao gồm gạo, thực phẩm, phao cứu hộ, và đèn pin, cho học sinh và gia đình,” cô Hồng Nguyễn, Phó Giám đốc SEEDS, một chương trình học bổng của Pacific Links Foundation hiện hỗ trợ cho hơn 2.500 học sinh.

Đà Nẵng Go là một tổ chức từ thiện bất vụ lợi chú trọng đến các hoạt động nhân đạo để giúp cho những người Việt Nam ở miền Trung cần được giúp đỡ.

Tổ chức dùng những buổi gây quỹ và những quà tặng trực tiếp để giải quyết những nhu cầu thiết thực của người Việt Nam bị ảnh hưởng vì thiên tai, nghèo khổ và đói khát.

Hiện nay tổ chức này gồm có khỏang 20 người tình nguyện địa phương và quốc tế thường xuyên có những chuyến đi cứu trợ đến các khu vực có lũ lụt và đất chuồi trong vùng.

Tổ chức này thường có những đoàn xe đến quận Tây Giang ở tỉnh Quảng Nam.

Tây Giang bị lụt năng và đất chuồi gây chết người từ tháng 10 cho đến tháng 11, và thường xuyên bị xem như là một khu vực kinh tế yếu kém nhất tại miền Trung.

Đa số cư dân ở đây là người sắc tộc Cờ Tu, một xã hội chính yếu là nông dân chăn nuôi gia súc và phụ nữ nổi tiếng về việc sản xuất các đồ thủ công truyền thống chất lượng cao.

Họ sống trong những nhà sàn nhỏ dễ bị mưa bão và đất chuồi gây thiệt hại. Ít nhất có 30 gia đình trước đây di tản khỏi một làng của Tây Giang vì đất chuồi mới đây.

“Trước khi cơn bão vừa rồi ập đến, chính quyền muốn di dời họ đến một nơi an toàn hơn nhưng vấn đề là họ không muốn đến nơi khác vì họ sợ và nếu họ chết họ muốn chết tại quê nhà. Họ quen với những trận bão hàng năm nhưng họ không biết những trận bão năm nay quá ác nghiệt,” bà Hannah Bùi, một trong những giám đốc chính của Đà Nẵng Go và chủ nhân tiệm ăn Hannah ở Đà Nẵng nói.

“Tôi mong muốn có nhiều tiền hơn để có thể làm nhiều việc hơn để giúp những người này.” Bà Bùi nói.

Tuần trước, toán Đà Nẵng Go tập họp được 250 gói cứu trợ cho trẻ em và 750 gói cho người lớn tại Tây Giang, cũng như trao những phong bì tiền mặt tại tiệm ăn Hannah.

Gói cứu trợ bao gồm nước uống, sữa, mì, thực phẩm khô, dầu ăn, nước mắm, muối, chăn và sổ tay.

Tiền được quyên qua một một cuộc lạc quyên và từ số tiền tặng khác nhau của các thành viên địa phương và những người sống ở nước ngoài trong cộng đồng Đà Nẵng.

Trợ giúp này được dân làng cũng như các giới chức địa phương hoan nghênh và toán chuyển phẩm vật cứu trợ cho hai trường tiểu học và cho người lớn tại những làng cần nhất ở Tây Giang.

Tại một trong những trường học, học sinh quá nghèo không thể có đồng phục và một số học sinh phải đi bộ đến 4 km để đến lớp.

Đà Nẵng Go sẽ tiếp tục gây quỹ và có những phái đoàn trợ giúp để giúp người dân miền Trung bị ảnh hưởng vì những trận bão lịch sử này.

Cả hai tổ chức Pacific Links Foundation và Đà Nẵng Go sẽ theo dõi chặt chẽ trận bão Vacom kế tiếp, hy vọng bão này sẽ xuống cấp mạnh, nhưng vẫn sẽ chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với tình hình xấu nhất.

https://www.voatiengviet.com/a/c%C3%A1c-ngo-%C4%91%E1%BB%8Ba-ph%C6%B0%C6%A1ng-v%C3%A0-n%E1%BB%97-l%E1%BB%B1c-c%E1%BB%A9u-tr%E1%BB%A3-n%E1%BA%A1n-nh%C3%A2n-thi%C3%AAn-tai-mi%E1%BB%81n-trung/5665045.html

Nghệ An: Công nhân may tập trung đòi quyền lợi

Hàng trăm công nhân may Công ty TNHH May thời trang Perseption USA tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An hôm 17/11 tập trung trước cổng nhà máy đòi việc làm và được trả lương còn bị nợ.

Truyền thông Nhà nước loan tin cùng ngày trích phản ánh của những người lao động cho biết từ cuối tháng 10, công ty Perseption USA cho công nhân nghỉ 1 buổi (4 giờ công) và yêu cầu tăng ca bù vào các ngày hôm sau vì tình hình mưa lớn ở địa phương.

Các công nhân cho hay họ đã tăng ca đến hơn hai tuần (mỗi ngày tăng ca 1 giờ công) nhưng đến nay vẫn chưa được trả lương.

Tin nói vào chiều ngày 16/11, nhiều công nhân bỏ ca không làm việc và công ty nhắn tin cho tổ trưởng thông báo các công nhân không cần đến công ty làm việc.

Sáng ngày 17/11, các công nhân tập trung trước cổng công ty Perseption đòi tiền lương, tiền chuyên cần, tiền ngày nghỉ 2/9.

Báo trong nước loan tin ông Đặng Văn Lương, Trưởng phòng Lao động và Thương binh Xã hội huyện Nghi Lộc, đã xuống và có cuộc đối thoại với công nhân công ty Perseption USA vào sáng cùng ngày.

Theo ông Lương, việc lãnh đạo công ty Perseption USA không giải thích rõ với người lao động về việc chậm trễ thanh toán lương tăng ca khiến họ tưởng làm không công.

Ông Lương cũng nói huyện đã yêu cầu công ty Perseption USA phải có thông báo rõ ràng về các tin nhắn đã gửi tổ trưởng công nhân để tránh hiểu lầm.

Công ty TNHH May thời trang Perseption USA bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2019, chuyên may quần áo xuất khẩu.

Thời gian cao điểm, công ty này có hơn 900 lao động, nhưng đã giảm còn khoảng 500 người vì ảnh hưởng dịch COVID-19.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nghe-an-garment-workers-demand-to-work-11172020074836.html

Khi nào thì cần sửa sách giáo khoa?

Mỹ Hằng

Sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều gây tranh luận gay gắt tại Việt Nam, dẫn tới việc nhóm biên soạn vừa phải cho chỉnh sửa sách, tới nay vẫn chưa có hồi kết.

Tiếp tục có những ý kiến không đồng tình, phản đối bản sửa, nói rằng chỉ ‘đối phó’.

BBC có cuộc trao đổi với TS Sungsup Ra, Giám đốc Bộ phận Phát triển Con người và Xã hội, Khu vực Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), về cách thức xây dựng một bộ sách giáo khoa chuẩn cùng những điều kiện để chỉnh sửa một bộ sách.

Ông là chủ biên của nhiều nghiên cứu về phát triển sách giáo khoa học đường tại các nước khu vực Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Tiếng Việt thời ‘Công nghệ giáo dục’

Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều: ‘Có sạn nhưng không đến mức phải thu hồi’

TS Sungsup Ra nói với BBC News Tiếng Việt:

“Sách giáo khoa là sách bao gồm những gì học sinh cần học theo chương trình một cách có hệ thống. Mặc dù không có quy tắc cứng nhắc nào về tần suất khi nào cần chỉnh sửa sách, nhưng việc sửa đổi sách giáo khoa thường diễn ra sau 5-7 năm với những cập nhật/sửa đổi rất nhỏ.”

BBC: Vậy đâu là thước đo tiêu chuẩn có thể được sử dụng để quyết định thời điểm và cách thức cập nhật sách giáo khoa?

TS Sungsup Ra: Trước hết cần phải đặt ra những câu hỏi như sau:

Có những thay đổi và cải cách nào trong khung chương trình dẫn đến yêu cầu phải sửa sách giáo khoa không?

Có những thay đổi nào về phương pháp sư phạm, cách dạy và học khiến bắt buộc phải sửa sách giáo khoa không? Chẳng hạn như chuyển từ dạy học theo chủ đề sang dạy và học tích hợp và dựa trên khái niệm.

Có những chính sách mới nào về mục tiêu học tập, với những tác động về kinh tế xã hội cần được ưu tiên, dẫn đến cần phải sửa SGK? Chẳng hạn với mục tiêu giáo dục học sinh về tính bền vững của môi trường, người ta quyết định đưa vào sách và chương trình giảng dậy các nguyên tắc phát triển bền vững mà Hội nghị thượng đỉnh thế giới tại Johannesburg đã bàn thảo.

Cuối cùng, SGK phải phù hợp với khung chương trình quốc gia. Giáo viên phải được đào tạo và việc học của học sinh phải được đánh giá.

Giáo dục Việt Nam thời ‘buôn chữ bán sách’

Anh: Mở trường và học không sách giáo khoa

Toàn bộ chu kỳ thay đổi chương trình và SGK có thể mất đến một thập kỷ. Tuy nhiên, thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng, do đó đặt ra câu hỏi về các phương pháp cũ.

Có nghĩa là cần phải làm cho quá trình này nhanh hơn và thích ứng hơn với những nhu cầu thay đổi của các nền kinh tế và xã hội.

Việc viết SGK cần phải gắn liền với chính sách tổng thể, nhằm cung cấp một quá trình giáo dục hòa nhập và bình đẳng. Điều này có nghĩa là SGK phải có quan điểm về vấn đề phân biệt đối xử, bình đẳng nam nữ, bảo vệ quyền con người, đề cao giáo dục, khoan dung giữa các nền văn hóa và giữa các tôn giáo.

BBC: Với SGK lớp Một, có những tiêu chuẩn gì trong việc soạn và chỉnh sửa sách cần lưu ý hơn cho các lứa tuổi khác?

TS Sungsup Ra: Ở các lớp đầu cấp một, SGK có vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng đọc viết và tính toán nền tảng, đồng thời khắc sâu các giá trị cốt lõi về quyền công dân toàn cầu và văn hóa ưu chuộng hòa bình.

Lớp đầu tiên của trường tiểu học là giai đoạn quan trọng để phát triển các kỹ năng học tập cơ bản, vốn là nền tảng cho các thành tích học tập sau này.

Ở hầu hết các quốc gia, nội dung trong SGK có thể nâng cao các kỹ năng học tập cơ bản cho học sinh như đọc, viết, nói và tính toán cần được chú trọng. Do học sinh bắt đầu đi học có mức độ tập trung thấp, SGK cho lứa tuổi này nên bao gồm các nội dung gây hứng thú cho trẻ và phù hợp với trình độ nhận thức của trẻ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một chính sách SGK tốt không chỉ ở nội dung mà bao gồm cả quá trình soạn thảo và chỉnh sửa. Điều quan trọng là phải có các ban chuyên gia thích hợp, trung lập, để viết và thẩm định sách giáo khoa.

Điều quan trọng là phải đảm bảo tính kịp thời của SGK chất lượng cao đến tay mỗi học sinh, và các SGK này phải đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng học sinh – không phân biệt vị trí địa lý, tuổi tác, giới tính, ngôn ngữ, dân tộc hay khả năng.

BBC: Vừa qua ở Việt Nam đã có cuộc tranh luận dữ dội về một bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Một, với nhiều thay đổi về nội dung bị phê phán là không phù hợp với trẻ nhỏ. Ông có nhận định gì?

TS Sungsup Ra: Ở Việt Nam, đã có động thái cho phép các tỉnh thành tự chọn SGK, đây là một bước đi đúng hướng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đảm bảo chất lượng sách. Cần có quy định để đảm bảo SGK tuân thủ các tiêu chuẩn đã được thiết lập trong khung chương trình học quốc gia.

Việc trao quyền cho các tỉnh sẽ giúp họ có thể tự lựa chọn SGK và cung cấp kịp thời cho các trường học.

Việc soạn thảo và thẩm định SGK nên do một hội đồng gồm các chuyên gia giáo viên và chuyên gia chính sách giáo dục đảm nhiệm.

Sự tham gia của các giáo viên có kinh nghiệm là rất quan trọng vì họ biết rõ nhất mức độ tiếp thu của học sinh.

BBC: Nhưng việc sửa đổi SGK dẫn tới việc phụ huynh phải mua sách mới cho con chứ không mượn hay dùng lại sách cũ, gây tốn kém, lãng phí. Ông có giải pháp nào cho vấn đề này?

TS Sungsup Ra: Thật vậy, chính vì lý do này, ở nhiều nước đang phát triển, có chính sách SGK miễn phí cho tất cả học sinh (đặc biệt là học sinh lớp đầu cấp) hoặc nhắm vào học sinh từ các cộng đồng nghèo và khó khăn.

Một số quốc gia cũng thực hiện các giải pháp sáng tạo như chương trình cho thuê SGK (Mông Cổ và Uzbekistan đã thực hiện) hoặc chương trình tái sử dụng SGK cho những người không có khả năng mua.

Để các chương trình cho thuê hoặc tái sử dụng này hoạt động, SGK phải được xuất bản để dùng được trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn như vài năm. Tuổi thọ điển hình của SGK (chất lượng tốt) là khoảng 3-5 năm.

Sự xuất hiện của công nghệ kỹ thuật số hiện đang mang đến những cơ hội duy nhất để ‘dân chủ hóa’ sự sẵn có của SGK và các tài liệu khác. Việc cập nhật và sửa đổi nội dung kỹ thuật số cũng dễ dàng hơn. Bản thân SGK đang trở nên năng động và linh hoạt hơn.

Những xu hướng này báo trước những thay đổi mang tính đột phá có thể xảy ra trong thế giới SGK và tài nguyên học tập.

Với việc Việt Nam đã làm rất tốt trong Chỉ số xếp hạng giáo dục toàn cầu (PISA), những xu hướng này cần được xem xét. Sau đó cần đưa ra những lựa chọn phù hợp là Việt Nam sẽ đi theo cách tiếp cận nào để phát triển và phổ biến SGK dưới nhiều hình thức khác nhau.

* Chỉ số xếp hạng giáo dục toàn cầu (PISA) (đánh giá trên học sinh 15 tuổi ở 79 quốc gia) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế: Việt Nam được coi là một “ngôi sao” mới nổi. Năm 2018: Đọc hiểu – Việt Nam đứng thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Toán học, Việt Nam đứng thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Khoa học: Việt Nam đứng thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54969824

Đại biểu quốc hội CSVN không đồng ý

để Bộ công an cấp giấy phép lái xe

Đại biểu quốc hội cộng sản Đỗ Văn Sinh không đồng ý với lập luận này. Ông nói trong thực tế, hầu hết các văn bằng, giấy tờ hành chính đều có giả, thậm chí có cả tiền giả. Do đó, nếu như cứ xuất hiện văn bằng giả, giấy tờ giả, tiền giả đang được quản trị bởi cơ quan này thì lại chuyển sang cơ quan quản trị khác rất không hợp lý, gây rối xã hội.

Ông cũng nói tai nạn giao thông có nguyên nhân chính là ý thức của người lái xe. Công an được coi là thanh bảo kiếm bảo vệ sự độc quyền chính trị của đảng cộng sản Việt Nam. Bộ công an đang tìm cách nắm tất cả các ngành nghề có thể mang lại nhiều lợi lộc.

Đào tạo lái xe là một công việc mang lại nhiều nguồn thu từ người học và bộ công an muốn được kiểm soát. Phát biểu của ông Sinh nhận được sự tán đồng của nhiều đồng nghiệp khác.

Quốc Tuấn 

https://www.sbtn.tv/dai-bieu-quoc-hoi-csvn-khong-dong-y-de-bo-cong-an-cap-giay-phep-lai-xe/

Quốc hội Việt Nam quyết định

ngày bầu cử khoá XV diễn ra ngày 23/5/2021

Quốc Hội Việt Nam ngày 17/11 vừa thông qua Nghị quyết về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến diễn ra vào ngày chủ nhật 23/5/2021.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày cho rằng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng của cả nước.

Theo Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn và đặc biệt cần phải bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tại điều 4 quy định “Quốc hội quyết định Ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp” và điều 5 quy định “Ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất 115 ngày trước ngày bầu cử”.

Nhiều ý kiến cho rằng hoạt động bầu cử tại Việt Nam không thật sự dân chủ vì theo hình thức ‘đảng cử, dân bầu’ bấy lâu nay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-election-of-national-assembly-xv-will-be-on-may-23-2021-11172020075233.html

Điểm tin trong nước sáng 17/11:

Tài xế ngỡ ngàng vì phạt nguội cả chục triệu;

Dừng xe vi phạm, trung tá bị tông gãy tay chân

Mạnh Đức | DKN 10 giờ trước 394 lượt xem

Mục lục bài viết         

‘Không đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ’

Hà Nội: Bắt nghịch tử sát hại mẹ ruột nghi trong cơn ‘ngáo đá’

TP.HCM mờ mịt sương bụi, không khí ô nhiễm nhất cả nước

Dừng xe vi phạm, trung tá CSGT bị tông gãy tay chân

Hà Nội: Tài xế ngỡ ngàng khi bị phạt nguội cả chục triệu

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ 3 (ngày 17/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

‘Không đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ’

Không đồng tình với việc tách luật Giao thông đường bộ thành 2 dự án luật gồm luật Giao thông đường bộ và luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chuyển nhiệm vụ quản lý, sát hạch giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an là vấn đề nổi bật khi Quốc hội thảo luận vào chiều 16/11.

Nêu quan điểm, Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, những cơ sở để tách luật mà Chính phủ nêu trong báo cáo trình ra Quốc hội là “không thuyết phục”.

Ông Nhưỡng nói: “Nếu nói rằng luật Giao đường bộ điều chỉnh 2 lĩnh vực lớn nên cần tách ra thì chúng ta phải tách ra nhiều Hiến pháp chăng? Bởi Hiến pháp điều chỉnh toàn các lĩnh vực lớn. Cho nên, lý giải điều này như thế là không phù hợp”.

Hà Nội: Bắt nghịch tử sát hại mẹ ruột nghi trong cơn ‘ngáo đá’

Trao đổi với Thanh Niên tối 16/11, bà Nguyễn Thị Nam – Chủ tịch UBND xã Đặng Xá (H.Gia Lâm, Hà Nội), cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng khiến 1 phụ nữ tử vong.

Theo bà Nam, khoảng 16 giờ 30 chiều cùng ngày, Nguyễn Hồng Giang (35 tuổi, trú tại P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) tới gặp mẹ là bà Nguyễn Thanh T. (57 tuổi, trú tầng 9, chung cư CT8A khu đô thị Đặng Xá, H.Gia Lâm). Tại đây, có thể hai mẹ con xảy ra cãi vã, Giang đã dùng dao gọt hoa quả đâm nhiều nhát khiến bà T. tử vong tại chỗ.

“Bà T. cư trú tại địa bàn được vài năm nay, Giang thỉnh thoảng có sang thăm mẹ. Chiều cùng ngày, Giang nghi đã sử dụng ma túy, bị “ngáo đá”, nên dùng dao sát hại mẹ. Công an đã khám nghiệm tử thi và điều tra xem Giang sử dụng ma túy ở đâu, tại sao lại sát hại mẹ”, bà Nam thông tin.

TP.HCM mờ mịt sương bụi, không khí ô nhiễm nhất cả nước

Sáng nay (17/11), TP.HCM có nắng, ít mây và nhiều sương bụi trong không khí. Độ ẩm không khí dao động từ 51% đến 91%. Nền nhiệt trong khoảng 26-33 độ C.

Cơ quan khí tượng cảnh báo chỉ số UV (tia cực tím) ở TP.HCM vào buổi trưa là mức 7 – ngưỡng tia cực tím gây hại cao cho da. Người dân cần che chắn và không nên đứng dưới nắng quá lâu.

Buổi tối, nhiệt độ giảm còn 27 độ C, mưa nhỏ xuất hiện ở một vài khu vực. Theo AirVisual, lúc 5h30, TP.HCM có chỉ số chất lượng không khí (AQI) cao nhất cả nước.

Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, cho biết do các chất bụi tích tụ trong những ngày qua khuếch tán vào không khí, hòa cùng sương mù tạo nên lớp bụi mờ. Đây là nguyên nhân chính khiến ô nhiễm không khí tại TP.HCM gia tăng trong sáng nay.

“Ô nhiễm không khí cũng có tính chu kỳ, thường xuất hiện vào các tháng cuối năm. Thời gian này, độ ẩm thay đổi liên tục nên khu vực có thể chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng sương mù”, bà Lan nói và dự báo lớp sương bụi trong không khí sẽ giảm khi về chiều.

Dừng xe vi phạm, trung tá CSGT bị tông gãy tay chân

Dân Trí thông tin, trưa ngày 16/11, Tổ công tác thuộc Trạm CSGT Đa Phước (Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM) làm nhiệm vụ theo kế hoạch trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh, TPHCM.

Phát hiện hai thanh niên đi trên xe máy chạy quá tốc độ 70km/50km, Trung tá Phạm Tân Nhân (47 tuổi) ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra thì bị tông thẳng vào người làm gãy tay, chân. Ngay sau đó, Trung tá Nhân được đưa vào bệnh viện để sơ cứu vết thương.

Sau khi tông Trung tá Nhân, hai thanh niên đi trên xe máy bỏ xe chạy bộ nhưng bị lực lượng chức năng truy đuổi, bắt giữ đưa về trụ sở công an.

Bước đầu, thanh niên cầm lái được xác định là Kiên Đại Vĩ (17 tuổi, quê Trà Vinh). Chiếc xe máy do Vĩ điều khiển đã được thay đổi kết cấu.

Hà Nội: Tài xế ngỡ ngàng khi bị phạt nguội cả chục triệu

Chỉ trong 2 tháng đẩy mạnh xử lý vi phạm giao thông theo hình thức này, Hà Nội đã xử lý gần 1.000 vi phạm, tăng gần 100% so với cùng kỳ.

Chiều 12/11, PV Báo Giao thông có mặt tại Đội Chỉ huy giao thông và Điều khiển đèn tín hiệu giao thông (gọi tắt là Đội đèn), Phòng CSGT Công an TP Hà Nội và ghi nhận nhiều người đang làm thủ tục nộp phạt nguội vi phạm giao thông.

Ký vào biên bản nộp phạt với mức tiền lên tới 14 triệu đồng vì lỗi đi sai làn đường, ông Đặng Hồng K. (ở phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) than thở, ông thường đi ô tô trên lộ trình đường Tố Hữu – Lê Văn Lương – Láng Hạ – Giảng Võ… nơi có làn đường dành riêng cho buýt nhanh BRT. Buổi sáng, đường đông, lại vội đi làm, nên ông cũng không nhớ mình lấn sang làn BRT lúc nào.

“Xem hình ảnh vi phạm thì tôi đi sai làn ở khu vực triển lãm Giảng Võ. Với vi phạm từ năm 2019 đến nay 3 lần, ngoài nộp phạt tiền tôi còn bị áp dụng hình thức xử lý bổ sung tước GPLX từ nay đến tháng 2/2021. Như thế này, tôi phải chọn đi xe buýt, hoặc taxi đi làm trong thời gian khá dài”, ông K. thở dài

Phát hiện bị phạt nguội khi đi đăng kiểm, chị Nguyễn Tú A. (xã Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, do nhà xa cơ quan nên chị thường đi sớm và về muộn. Chị thường đi qua đường Giải Phóng – Ngọc Hồi và do nhiều hôm đi sớm, đường vắng, chị đã vượt đèn đỏ và không ngờ bị camera ghi lại.

“Đầu tháng 11, khi xe đến hạn đăng kiểm, tôi tới Trạm đăng kiểm Đền Lừ (Hoàng Mai) thì bị từ chối đăng kiểm do xe chưa nộp tiền vi phạm giao thông. Để thực hiện thủ tục nộp phạt, tôi phải lên Phòng CSGT Hà Nội hỏi và được giới thiệu đến Đội đèn lấy thông báo, biên bản xử phạt; rồi đi ra ngân hàng nộp 2 triệu đồng tiền phạt, quay về lấy quyết định tạm giữ bằng lái 1 tháng”, chị Tú A. nói.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Đ. (SN 1984, ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) cũng tới Đội đèn để nộp phạt vi phạm “Dừng xe nơi có biển cấm dừng đỗ” từ ngày 15/9. “Tôi lái xe taxi, do trong tháng 9 tôi vi phạm lỗi này 4 lần, nên phải nộp phạt tổng cộng 2,9 triệu đồng do có tình tiết tăng nặng, tái phạm nhiều lần. Tôi cứ nghĩ dừng 1 tý thì camera không kịp ghi, hóa ra dừng lần nào cũng “dính”, anh Đoàn chia sẻ.

Thiếu tá Lý Thị Thu Trang, Phó đội trưởng Đội đèn Hà Nội thông tin, có trường hợp vi phạm đến 28 lần vẫn 1 hành vi vi phạm, việc tái vi phạm này sẽ bị tăng nặng mức phạt.

“Như vi phạm làn đường lần đầu sẽ bị phạt tiền 4 triệu đồng, tước GPLX 2 tháng và vi phạm lần kế tiếp sẽ bị phạt 5 triệu đồng, tước GPLX 3 tháng. Còn vi phạm đỗ dừng sẽ bị phạt 500 nghìn đồng lần đầu, vi phạm lần kế tiếp bị 600 nghìn đồng”, Thiếu tá Trang giải thích.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-17-11-tai-xe-ngo-ngang-vi-phat-nguoi-ca-chuc-trieu-dung-xe-vi-pham-trung-ta-bi-tong-gay-tay-chan.html

Điểm tin trong nước tối 17/11:

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Chỉ cần 1 giáo

viên sai là toàn ngành rung động’; Xuất hiện

nhiều vết nứt trên núi, 20 hộ có nguy cơ bị vùi lấp

Tâm Tuệ- Hiểu Minh

Mục lục bài viết         

Gần 77% ĐBQH không đồng ý chuyển quyền cấp GPLX cho Bộ Công an

Xuất hiện nhiều vết nứt trên núi ở Quảng Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Chỉ cần 1 giáo viên sai là toàn ngành rung động’

Giáo viên: Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt quá sơ sài, chỉ để đối phó dư luận

Mục Điểm tin trong nước tối thứ 3 (ngày 17/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Gần 77% ĐBQH không đồng ý chuyển quyền cấp GPLX cho Bộ Công an

Truyền thông trong nước đưa tin, sáng 17/11 Quốc hội đã bác đề xuất chuyển chức năng cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Số đại biểu chọn phương án không đồng ý chuyển là 321 phiếu (chiếm 77,54% trên tổng số phiếu) và chỉ có 86 phiếu chọn phương án đồng ý.

Ngoài ra, Quốc hội cũng không đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng như dự thảo trước đó.

Xuất hiện nhiều vết nứt trên núi ở Quảng Nam

Trang Zing dẫn lời giới chức tỉnh Quảng Nam sáng nay cho biết, các cơn bão vừa đổ bộ và mưa lớn những ngày qua khiến một số khu vực trên địa bàn có nguy cơ sạt lở.

Một số vết nứt trên núi xuất hiện khi bão số 9 đổ bộ, đến nay có dấu hiệu lớn hơn. Riêng vết nứt tại nóc Ông Khương rộng gần 30cm, dài hơn 40m.

Vết nứt này cắt ngang gây sụt lún, hỏng một đoạn đường bằng bê tông dẫn về phía trụ sở UBND xã.

Ngoài vị trí trên, xã Trà Giáp còn xuất hiện vết nứt tại núi Cáp Tun ở thôn 1. Khu vực này có 3 vết nứt, kéo dài hơn 50m. Dưới chân núi có 16 hộ dân với 62 nhân khẩu.

Chính quyền địa phương cho biết hiện chỉ mới di dời được 1 trong tổng số 20 hộ có nguy cơ bị vùi lấp do vẫn chưa tìm được khu vực tái định cư.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Chỉ cần 1 giáo viên sai là toàn ngành rung động’

“Chỉ cần một giáo viên sai phạm thì toàn ngành rung động!”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã cho biết như vậy khi chia sẻ trên Vietnamnet vào hôm qua, 16/11.

Bộ trưởng thừa nhận cả ông và Bộ GD&ĐT đang chịu một áp lực vô cùng lớn bởi kỳ vọng của toàn xã hội cũng như những chuyện không hay vừa qua.

Ông nói: “Tôi trước hết cũng là một người thầy như các thầy cô. Áp lực vô cùng. Thực tế tôi cũng gặp nhiều thầy cô và câu đầu tiên họ than thở là ngành giáo dục làm rất nhiều việc nhưng không được chia sẻ, thậm chí đâu đó còn vùi dập, ném đá”.

Bộ trưởng cho hay, ở các ngành, các lĩnh vực nào, cũng có người này người kia và khi xảy ra sự việc thì chỉ coi là cá biệt, khoanh vùng; nhưng riêng ngành giáo dục thì chỉ cần một giáo viên sai phạm thì sẽ làm ‘rung chuyển’ đến cả toàn ngành.

Giáo viên: Tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt quá sơ sài, chỉ để đối phó dư luận

Liên quan đến sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 mắc lỗi cơ bản được chỉnh sửa lại, giáo viên và các nhà làm giáo dục phản ánh vẫn còn nhiều điều chưa phù hợp.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời cô N.T.T.V., giáo viên lớp 1 ở TP.HCM, cho biết: “Tôi thấy tài liệu chỉnh sửa SGK Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều làm quá sơ sài. Có nhiều chi tiết sai, khiên cưỡng, không phù hợp với thực tế cuộc sống mà trước đây chúng tôi đã phản ánh nhưng không hiểu sao không thấy sửa”.

Cô V. dẫn chứng nổi cộm nhất chính là SGK đã dùng những từ đơn một cách vô tội vạ, sai ngữ pháp. Ví dụ như trang 16 có hình cái cặp da nhưng SGK chỉ ghi mỗi chữ “da”; trang 48 có hình cây si nhưng chỉ ghi mỗi chữ “si”; trang 44 có hình con ngựa đang phi thì có mỗi chữ “phi”…

Cô H.T. ở Hà Nội chia sẻ SGK là tài liệu chính thức sử dụng trong quá trình dạy học. Nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng giáo viên chủ động chọn từ ngữ thay thế. Việc này chưa rõ ràng nên sẽ khó khăn cho giáo viên khi thực hiện.

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết so với từ ngữ trong các sách Tiếng Việt cách đây 30-40 năm thì từ ngữ này không hay, không có cảm xúc, khó đọng lại với trẻ.

Trong khi đó PGS Nguyễn Hữu Đạt, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Muốn dùng SGK Tiếng Việt 1 – bộ Cánh Diều thì phải biên soạn lại chứ không thể sửa chữa theo kiểu chắp vá. Bởi những sai sót trong sách không thể chỉ coi là “sạn” mà là những lỗi sai cơ bản về phương pháp biên soạn…”

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-17-11-bo-truong-phung-xuan-nha-chi-can-1-giao-vien-sai-la-toan-nganh-rung-dong-xuat-hien-nhieu-vet-nut-tren-nui-o-quang-nam.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.