Bản tin ngày 16-11-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
RFA đưa tin: Trung Quốc thông báo tập trận, cấm tàu bè vào Biển Đông. Hôm 16-11-2020, tài khoản Twitter của Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đăng “tấm ảnh đảo Duy Mộng (thuộc quần đảo Hoàng Sa) kèm thông báo tập trận ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) và cấm tàu bè qua lại”. RFA dẫn lại thông báo của Nhân dân Nhật báo: “Trung Quốc sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại Biển Nam Trung Hoa từ ngày 17 tháng 11 đến ngày 30 tháng 11; việc đi vào sẽ bị cấm”.
Trong tình hình TQ ngày càng xem Biển Đông như “ao nhà”, công luận hy vọng chiến thắng của ông Biden có thể đánh dấu sự trở lại của Mỹ, kềm chế TQ đúng cách. VietNamNet có bài: Trung Quốc – Thử thách đối ngoại lớn nhất của ông Biden. Theo đó, “ông Joe Biden không đưa ra tuyên bố công khai quan trọng nào về Biển Đông, nhưng cũng không có dấu hiệu nào ở giai đoạn này cho thấy ông sẽ đảo ngược các chính sách cứng rắn của ông Trump trong khu vực. Thậm chí, ông có thể sẽ còn hành động mạnh hơn”.
Dấu hiệu về thái độ cứng rắn sắp tới của ông Biden đối với thế lực bá quyền ở Biển Đông: “Ngay khi tuyên bố thắng cử, ông Joe Biden đã củng cố lập trường bác bỏ các tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương khi điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide”.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Mỹ sẽ đối phó TQ ở Biển Đông và Đài Loan ra sao dưới thời ông Biden? Trái với tin đồn thất thiệt từ những người pro-Trump, rằng ông Biden sẽ “dâng” Đài Loan cho TQ: “Ông Biden từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, đặc biệt là với bà Thái Anh Văn. Ông Biden là một trong những người đầu tiên bỏ phiếu thông quan Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979 của Mỹ. Đạo luật này cho phép Mỹ duy trì quan hệ với Đài Loan, bán vũ khí cho hòn đảo”.
Đối với Biển Đông: “Ông Biden kể rằng, mình đã nhiều lần thẳng thừng nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, Mỹ sẽ tiếp tục điều tàu hải quân, máy bay hoạt động ở Biển Đông, bất chấp Bắc Kinh có thiết lập vùng nhận dạng phòng không trái phép hay không”.
Ở VN, hội thảo quốc tế lớn về Biển Đông khai màn tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ đưa tin. Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, với chủ đề: “Duy trì hòa bình và ổn định trong giai đoạn hỗn loạn” diễn ra từ hôm nay tới ngày 17/11, lưu ý vấn đề: “Trong năm qua, Mỹ thường xuyên tố cáo Trung Quốc ‘lợi dụng dịch bệnh’ để tăng cường các hoạt động phi pháp trên biển, cụ thể là nhân cơ hội các nước tập trung chống dịch để thúc đẩy tham vọng ở Biển Đông”.
Mời đọc thêm: Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ kế tiếp sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc về Biển Đông? (TN). – Ý định đánh chìm toàn bộ tàu TQ trong 72 giờ ở Biển Đông của ứng viên bộ trưởng thời Biden (DV). – Trật tự thế giới mới ông Biden được thừa hưởng một khi nắm quyền (Tin Tức). – Nhật Bản – Úc hướng đến hiệp ước quốc phòng (TN). – Ông Duterte cảnh báo ‘trò chơi nguy hiểm’ trên Biển Đông (TT). – Biển Đông vẫn còn nhiều thách thức khó lường (NLĐ). – Diễn giả dự hội thảo quốc tế về Biển Đông vượt con số kỷ lục (PLTP).
RCEP: Thắng lợi của Trung Quốc và sự thất bại của Mỹ
Năm 2017, sau khi TT Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hơn ba năm sau đó, Trung Quốc đã thế chỗ qua việc thúc đẩy 15 nước tham gia khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Trưa 15/11, trong số 15 nước đó có Trung Quốc và 10 nước ASEAN cùng Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand đã chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), báo Thanh Niên đưa tin.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự kiện này “là niềm tự hào, là thành quả to lớn”, nhưng Phòng Thương mại và Công nghiệp VN lưu ý, “trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…”
RFI có bài: RCEP thắng lợi gần như trọn vẹn của Trung Quốc. Thắng lợi của TQ cũng là một trong các thất bại lớn nhất về ngoại giao của Mỹ, thời ông Trump làm Tổng thống: “Thắng lợi đầu tiên của Trung Quốc là RCEP vẫn được ký trong bối cảnh đang diễn ra các xung đột thương mại, đối đầu về công nghệ với Mỹ. Các đồng minh thân thiết nhất của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương, từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đến những đối tác thân thiện với Mỹ hơn cả trong Hiệp Hội ASEAN, tất cả đều tham gia hiệp định này”.
Hơn một năm trước, RFI có bài bàn về hậu quả của Hiệp định RCEP: Trung Quốc đánh bật Mỹ về kinh tế khỏi Đông Nam Á. Theo đó, “việc Mỹ cử phái đoàn cấp thấp nhất đến dự thượng đỉnh ASEAN lần thứ 35 tại Bangkok, được cho là dấu hiệu Washington bớt quan tâm đến khu vực. Nếu dự thảo thỏa thuận RCEP được hoàn tất lần này tại Bangkok, Trung Quốc sẽ thế chân Hoa Kỳ trong việc phô trương ảnh hưởng về kinh tế và thương mại trong vùng”.
Giờ thì viễn cảnh RFI dự đoán đã thành hiện thực. Nhà báo Huy Đức viết: Chống Tàu bằng mồm và chống Tàu bằng chiến lược. Tác giả nhắc lại, Tổng thống G. W. Bush đã lập ra chức Đại sứ Mỹ tại ASEAN nhằm “nâng ASEAN thành một khối đối trọng với Trung Quốc”. Đến lượt Tổng thống Obama khi mới đắc cử nhiệm kỳ thứ nhất đã tập hợp chuyên gia lên kế hoạch “xoay trục”, chống Tàu bằng chiến lược và Hiệp định TPP là kết quả 8 năm đàm phán của ông.
Đáng tiếc là đến lượt ông Trump chỉ “chống Tàu” bằng mồm nên lập tức phá hỏng thành quả 8 năm của ông Obama mà không nghĩ đến hậu quả. Nếu “Trump không bỏ TPP thì Tàu chưa chắc có RCEP”. Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp định RCEP được ký kết đúng thời điểm người cùng chí hướng với cựu Tổng thống Obama vừa đắc cử, nhưng liên tục bị quấy phá trong quá trình chuyển giao quyền lực.
Facebooker Tường An chửi khéo: Cám ơn Trump! Theo đó, “RCEP là một sáng kiến của Bắc Kinh để làm đối trọng với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Mỹ, đồng thời cũng nằm trong tham vọng ‘chiến dịch một vành đai, một con đường’ của Tập Cận Bình”. Nội dung Hiệp định TPP, ở thời điểm Mỹ chưa rút, có quy định khắt khe về bảo vệ quyền lợi người lao động, thì RCEP hoàn toàn bỏ qua lĩnh vực này.
Phiên bản TPP có Mỹ, nếu được thông qua, sẽ hình thành một vành đai kinh tế bao vây và kiềm chế TQ, công đoàn độc lập cũng là yếu tố quan trọng có thể giúp sức tiến trình dân chủ hóa VN, nhưng ông Trump và những người ủng hộ ông ta nhất định không chịu hiểu. “Hôm nay, RCEP đã chính thức ký kết, cái bóng đè ấy đã, đang và sẽ che phủ lên Việt Nam, Á châu và thế giới. Cám ơn Trump đã ‘diệt’ Trung cộng mạnh mẽ!”
Facebooker Lê Thanh Hoàng Dân bình luận: “Trump bỏ TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và làm người hùng cô đơn, nộ nạt đồng minh truyền thống, sử sự bốc đồng với Trung Quốc, đã đưa tới kết quả cay đắng này. Mỹ bị cô lập ở Á Châu. Hình Lễ Ký Kết hiệp định RCEP ở 15 thủ đô Á Châu, không có Mỹ, được lấy từ báo ‘Korea Times’. Chánh sách Mỹ tự cô lập, nộ nạt đồng minh từ Âu sang Á, cho thấy kết quả. Không mợ thì chợ cũng đông”.
Facebooker Trịnh Dương viết: “TPP đã bị ông Trump xé toạc. Không sao, đã có TQ dẫn dắt. Giữa lúc nước Mỹ yếu nhất TQ đã hất Mỹ sang một bên một cách không thể ngoạn mục hơn. Họ đã thành công xây dựng khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, sau 8 năm đàm phán. Báo chí châu Âu giật mình, báo chí Việt Nam hồ hởi? Đây chính là một phần kết quả cuộc chiến tranh thương mại TQ – Mỹ. Trump đánh TQ cho Việt Nam là như vậy đó“.
VnExpress có bài: 15 nước ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ tạo nên một thị trường với quy mô lên tới 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỉ Mỹ kim, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Tổng quan về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP.
Trang Kinh Tế Đô Thị dẫn lời Thủ tướng: Ký kết RCEP không chỉ quan trọng với ASEAN mà còn quan trọng với cả thương mại toàn cầu. Thủ tướng phát biểu rất ngây thơ về RCEP: “Đây là sự kiện quan trọng không chỉ với ASEAN mà còn quan trọng đối với thương mại toàn cầu với những biện pháp khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng để dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN và các đối tác trong bối cảnh dịch bệnh”.
Thông Tấn Xã VN có đồ họa: Thông tin cơ bản về GDP và dân số các nước tham gia RCEP.
Trên các báo “lề đảng” tràn ngập thông tin được tô hồng về RCEP, nhưng các cây bút “lề dân” lại không được lạc quan như vậy. TS Nguyễn Ngọc Chu đặt câu hỏi: Ai mới là người hưởng lợi nhiều nhất trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực? Ông Chu lưu ý vụ Ấn Độ rút khỏi RCEP trong Hội nghị ASEAN-Ấn Độ ngày 4/11/2019: “Là bởi vì khi gia nhập RCEP thì hàng hoá Trung Quốc sẽ tràn ngập thị trường Ấn Độ mà hàng hoá Ấn Độ không thể xâm nhập thị trường Trung Quốc”.
Mời đọc thêm: Chính thức ký kết RCEP – Thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới (CT). – Các nước thành viên khẳng định ý nghĩa của RCEP với nền kinh tế (TTXVN). – ASEAN 2020: Thủ tướng Singapore ca ngợi việc ký kết RCEP là một “thành tựu lớn” (KTĐT). – Chuyên gia Malaysia: Nên thành lập Ban thư ký RCEP và đặt trụ sở tại Việt Nam (Tin Tức). – RCEP thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á (VNE). – Chứng khoán châu Á ‘xanh mướt’ nhờ RCEP ký tại Việt Nam (TT). – VN-Index giảm hơn 15 điểm (VNE). – Cựu thủ tướng Úc: Càng lùi trước Trung Quốc sẽ càng bị ép (Soha).
Tin môi trường
Bão số 13 có tên Vàm Cỏ đã qua, theo nhà nghiên cứu khí tượng Nguyễn Ngọc Huy thì người dân miền Trung sẽ có hơn 2 tuần tạm thời yên ổn, nhưng mưa lũ sau bão vẫn ảnh hưởng tới một số tỉnh. Thông Tấn Xã VN đưa tin: Nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Lượng mưa được dự báo không lớn nhưng vẫn có nguy cơ sạt lở vì đất ở các tỉnh miền Trung hầu hết đã ngậm nhiều nước sau các trận bão và mưa lũ dồn dập.
VTC có clip về hậu quả của bão Vàm Cỏ: Bão số 13 khiến 17 người bị thương, tốc mái hàng nghìn ngôi nhà.
Báo Nông Nghiệp VN đặt câu hỏi về vụ mưa lũ cuốn trôi nhà ở hồ thuỷ lợi Tả Xín: Đâu chỉ do thiên tai? Một người dân bị mất nhiều tài sản trong mưa lũ cho biết: “Đây không phải lũ quét. Tôi gọi bao nhiêu cuộc điện thoại để nhờ nhà văn hoá để chạy sang cho khỏi chết rét vì mưa rất to nhưng không lãnh đạo nào nghe máy, không ai mở cửa cả”.
Tình trạng ấm lên ở Bắc Cực tiếp tục được ghi nhận trong tuần qua, ngay cả khi Bắc Bán Cầu đã vào mùa Đông. Ở Nga, đài Russia Today xác nhận kỷ lục thời tiết: Miền Trung nước Nga chứng kiến tháng 10 nóng nhất trong lịch sử 130 năm quan sát khí tượng ở đây. Ở quần đảo Svalbard của Na Uy, trang The Barent Observer đưa tin: Ghi nhận tháng 11 nóng ấm ở Svalbard. Ở khu vực Tây Bắc TQ, nhà nghiên cứu môi trường Nguyễn Đạt Ân cho biết: Sông băng ở TQ đang tan chảy với tốc độ “gây choáng”, theo các nhà khoa học.
Ông Ân chỉ ra, sông băng lớn nhất trên khu vực cao nguyên Tây Tạng đã thu hẹp lại khoảng 450m, từ khi các nhà khoa học lập trạm quan trắc đầu tiên ở đây. Khu vực Tây Tạng thường được xem như “vùng cực thứ 3” của Trái đất, với lượng băng lớn trên các đỉnh núi cao hoang vu. Nhưng từ năm 1950 đến nay, nhiệt độ trung bình tại khu vực này đã tăng khoảng 1,5 độ C.
Mời đọc thêm: Bão số 13 làm 19 người bị thương, gần 6.000 nhà tốc mái (TT). – Cảnh báo từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam sạt lở đất rất cao (PLTP). – Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt tại nhiều nơi (ANTV). – Sạt lở hạ tràn Kẻ Gỗ, người dân bất an (HT). – Sông băng ở TQ đang tan chảy với tốc độ “gây choáng”, theo các nhà khoa học (CNN). – Hình ảnh khí hậu trong tuần: Siberia chứng kiến nhiệt độ kỷ lục (Financial Times). – Biển băng Bắc Cực rất ấm trong tháng 10/2020 (FB Sam Carana). – Các nhà khoa học liên hệ mùa bão kỷ lục năm nay với khủng hoảng khí hậu (The Guardian).
***
Thêm một số tin: Đại biểu đề nghị chuyển cảnh sát giao thông về Bộ Giao thông vận tải (TT). – Thủ tướng Việt Nam lên tiếng về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ (VOA). – Mỹ có thêm vắc xin ngừa Covid-19 mới, hiệu quả 94,5% (TN). – Khi gian thương làm giáo dục (FB Hoàng Hải Vân). – Đính chính sách Cánh diều: Xúc phạm & Ngu ngốc (FB Nguyễn Quang Vinh).
0 comments