Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/11/2020

Monday, November 16, 2020 5:18:00 PM // ,

 Tin Việt  Nam – 16/11/2020

Một người dân bị khởi tố vì livestream chê phó Chủ tịch huyện mặt căm căm khi tiếp dân

Tin Vietnam.- Báo Ngày nay loan tin, vào ngày 13 tháng 11 năm 2020, anh Nguyễn Văn Nhanh, 28 tuổi, ở xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bị công an Cộng sản huyện Trảng Bom triệu tập, ra quyết định khởi tố bị can vì dám livestream chê bà Lương Thị Lan, Phó chủ tịch huyện Trảng Bom.

Anh Nhanh cho biết nguyên nhân xuất phát từ việc, bà Lan đã bỏ về không giải quyết việc cắm mốc đo đạc ranh giới Hồi Suối Đầm ở xã Bầu Hàm, và đến họp dân không thành. Theo anh Nhanh, anh đã phát trực tiếp trên trang Facebook cá nhân của mình để kể về sự việc trên. Anh Nhanh nói rằng trong lúc làm việc với người dân mặt của bà Lan thể hiện buồn, và căm căm không tôn trọng dân.

Không chỉ với bộ mặt khó chịu, mà khi người bà Lan nói thì người dân lắng nghe, nhưng khi người dân đưa ra ý kiến thì bà Lan tỏ thái độ khinh thường, không thèm nghe và quay sang nói chuyện với người khác. Đến lúc người dân phản hồi về việc bà Lan đã nói không đúng theo ý của họ thì bà Lan liền bỏ về, khiến toàn bộ người dân bất mãn mà không dám làm gì.

Nội dung phát trực tiếp của anh Nhanh đã khiến cho bà Lan nổi cơn tức giận, sẵn có quyền lực trong tay nên bà Lan đã sai khiến công an huyện làm việc với anh Nhanh, và khởi tố anh về tội làm nhục bà phó chủ tịch huyện. Ngoài lực lượng công an, thì lực lượng Viện kiểm sát Cộng sản huyện Trảng Bom cũng đã nghe lệnh bà Lan để phê chuyển quyết định khởi tố anh Nhanh, cấm anh Nhanh đi khỏi nơi cư trú và cấm anh không được xuất nhập cảnh.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/mot-nguoi-dan-bi-khoi-to-vi-livestream-che-pho-chu-tich-huyen-mat-cam-cam-khi-tiep-dan/

Sạt lở, lũ quét có thể xảy ra tại

các tỉnh Thanh Hoá, Hà Tĩnh đến Quảng Nam

Bão số 13 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới vào chiều 15/11 tuy nhiên nguy cơ sạt lở đất, lũ quét sẽ xảy ra tại các tỉnh từ Thanh Hoá, Hà Tĩnh đến Quảng Nam.

Thông tin trên được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (BCĐ) Việt Nam cho truyền thông Nhà nước hay vào ngày 16/11.

Hiện tại theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh vẫn đang có mưa lớn do đó nguy cơ ngập lụt tại các vùng trũng, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh là không tránh khỏi.

Hôm 13/11, Phó thủ tướng VN Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp trực tuyến của BCĐ về ứng phó bão số 13 đã yêu cầu các địa phương không được chủ quan kể cả khi bão 13 đã tan.

Ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh các địa phương và đơn vị lực lượng chức năng không được phép chủ quan trong bất kỳ tình huống nào, tiếp tục rà soát các hồ đập cũng như xử lý các hồ đập yếu.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/provinces-thanh-hoa-quang-nam-tobe-hit-by-landslide-after-storm-13-11162020071941.html

Thủy điện Thượng Nhật tích nước trái phép

 bất chấp nguy cơ đối với dân

Nhà máy thủy điện Thượng Nhật tại huyện Nam Đông, Thừa Thiên-Huế lại đóng van tích nước dù có lệnh điều tiết lũ để ứng phó với bão.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 16/11 cho biết chủ đầu tư thủy điện Thượng Nhật, Cty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam, bị phát hiện tích nước trái phép trong lúc người dân địa phương đang phải ứng phó với bão số 13. Xã Thượng Nhật là nơi bị cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất cao.

Ủy ban Nhân dân huyện đã kiến nghị tỉnh có biện pháp xử lý việc tích nước ngày 13/11 có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân hạ du.

Ngày 14/11 UBND tỉnh cũng đã cử Công an huyện Nam Đông giám sát 24/24 việc nhà máy thủy điện Thượng Nhật chấp hành mở 5 van theo yêu cầu, tuy nhiên hôm 15 và 16/11 lại rút lực lượng giám sát về vì mưa to và nguy cơ sạt lở núi. Nguồn tin dẫn lời ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện rằng cùng ngày “Lợi dụng lúc đoàn giám sát rút đi, nhà máy thủy điện đã đóng van tích nước trở lại”.

Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật bị cáo buộc đã hai lần tích nước trái phép trong bão số 9 và số 13.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hydropower-plant-thuong-nhat-releases-water-despite-risks-orders-11162020073252.html

Việt Nam thiên tai : Vamco tàn phá miền Trung

Tú Anh

Sau khi gây tử vong cho 67 người dân Philippines, bão Vamco tràn vào miền trung Việt Nam hôm Chủ Nhật. Tuy cường độ giảm bớt, nhưng đợt bão thứ 13 trong năm đã gây thiệt hại vật chất nặng nề cho các  tỉnh miền Trung, nhà cửa, trường học, cầu đường, bờ biển nhất là ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị.

Thông tín viên Frédéric Noir từ thành phố Hồ Chí Minh tổng kết một năm vận rủi :

Đây là một năm xui xẻo cho miền Trung Việt Nam, hết trận bão này đến trận bão khác.

Vamco là cơn bão mới nhất trong đợt 13 trận thiên tai tràn vào vùng duyên hải Việt Nam tính từ đầu năm nay.

Sáu tuần lễ vừa qua là sáu tuần cực kỳ khó khăn cho dân chúng địa phương :  mưa nhiều gây thêm tình trạng lũ lụt và đất trượt làm cho ít nhất 159 người chết và 70 mất tích, theo báo cáo mới nhất.

Bão Vamco tuy có giảm cường độ sau khi tàn phá Philippines, đã ập vào Việt Nam với vận tốc gió 100 km/giờ đã gây nhiều thiệt hại quan trọng, đánh bật gốc rể cây xanh, thổi tung mái nhà . Nhiều căn nhà lung lay vì các cơn bão trước lần này bị sập tan hoang : 400.000 theo số liệu của hội Chữ Thập Đỏ.

Đường xá, cầu cống nhiều nơi bị nước cuốn trôi, đồng ruộng, hoa màu hư hại nặng làm cho 150.000 dân đứng trước nguy cơ thiếu lương thực ngay trước mắt.

Để cứu trợ cho nạn nhân thiên tai, dân chúng tự động tổ chức quyên góp áo quần, thức ăn ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, nơi không bị bão tố.

Theo thông tin khí tượng, mưa lớn còn kéo dài đến hết ngày thứ Hai (16/11/2020).

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201116-vi%E1%BB%87t-nam-thi%C3%AAn-tai-vamco-t%C3%A0n-ph%C3%A1-mi%E1%BB%81n-trung

Miền Trung: 19 người bị thương do bão Vamco

Bão Vamco khiến 19 người tại 4 tỉnh ven biển miền Trung bị thương khi chằng chống nhà cửa trước lúc bão đổ bộ.

Thống kê sơ bộ ban đầu được bốn địa phương cho biết trong số 19 nạn nhân bị thương tỉnh Quảng Bình có 8 người, Quảng Trị 7 người, Quảng Nam 3 người và thành phố Đà Nẵng 1 người.

Về thiệt hại vật chất, Ban Chỉ Huy Phòng chống Thiên tai & Tìm kiếm Cứu nạn Tỉnh Thừa Thiên báo cáo tại hai huyện Phú Vang và Phú Lộc có 15 thuyền đánh cá dù vào neo trong đầm phá để tránh bão vẫn bị gió, sóng cuốn đứt dây neo thổi lên bờ mắc cạn và bị hư hỏng.

Ngoài ra dải bờ biển dài hơn 14 km từ xã Phong Hải  thuộc huyện Phong Điền qua Thuận An, Phú Thuận thuộc huyện Phú Vang đến xã Giang Hải thuộc huyện Phú Lộc  bị sóng biển, triều cường xâm thực sâu vào đất liền từ 7 đến 10 mét.

Biển xâm thực cũng khiến tỉnh lộ 21 tại huyện Phú Lộc nối ra Quốc lộ 49B bị hư hỏng.

Tại Hội An, toàn bộ bờ biển nơi đây đều bị sạt lở; khu vực bị nghiêm trọng nhất là bãi tắm Cửa Đại.

Tại thành phố Đà Nẵng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển cho biết do bị thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 9 vừa qua; nên khi bão số 13 đến, dù mức độ sóng không cao nhưng cũng gây thêm nhiều thiệt hại.

Tin cho biết tại khu vực bờ kè Sông Hàn dọc đường Như Nguyệt thuộc Phường Thuận Phước, quận Hải Châu, hằng trăm mét vỉa hè bị hư hỏng do bão. Những loại đá lát bị lật tung. Nhiều điểm kè sông bị sụt lún, có điểm sụt lún dài gần 5-6 mét.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/storm-vamco-wreaks-havoc-to-central-regions-11162020062615.html

Việt Nam đề nghị loại bỏ tên Linfa (bão số 6)

do gây hại lớn

Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) vừa đề nghị Ủy ban Bão Quốc tế xem xét loại bỏ tên Linfa trong danh sách tên để đặt cho các cơn bão thành hình tại Tây Bắc Thái Bình Dương và biển ở Đông Nam Á.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam hôm 16/11 cho biết lý do nhằm chia sẻ những mất mát và thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân trong khu vực mà bão Linfa đổ bộ thời gian qua.

Theo văn bản của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, tên bão Linfa do Ma Cao (Trung Quốc) đặt tên cho các cơn bão hình thành vào các năm trước như 2003, 2009, và 2015.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng bão Linfa đổ bộ vào ngày 11/10/2020 vừa qua đã “gây nên thảm họa về lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất tác động mạnh đến toàn bộ khu vực miền Trung”.

Theo quy định được Ủy ban Bão Quốc tế phê chuẩn, các cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia thuộc thành viên của Ủy ban này có quyền đề nghị loại bỏ tên bão trong danh sách nếu bão có tên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vì một lý do nào khác.

Việc loại bỏ tên bão Linfa sẽ được xem xét tại cuộc họp thường niên vào năm 2021. Nếu được phê duyệt, thành viên Ma Cao sẽ chọn 3 tên bão mới và đề cử vào khóa họp thường niên 2022 để lựa chọn.

Đây là lần thứ 3 Việt Nam đề nghị loại bỏ tên bão.

Hồi năm 2006, bão Sao Mai gây hậu quả nghiêm trọng tại Trung Quốc cũng được đổi tên thành Sơn Tinh. Cùng năm, bão Chanchu cũng bị loại tên vì gây ảnh hưởng nặng nề tại Philippines, Việt Nam và Trung Quốc.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-proposed-to-remove-the-name-linfa-11162020075151.html

Lấy ý kiến điều chỉnh sách Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều

Nhà xuất bản Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16.11 công bố tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 thuộc bộ sách Cánh Diều. Mục đích được nói để xin ý kiến giáo viên và xã hội trước khi đưa vào dạy học.

Tài liệu này được đăng tải trên trang lưu trữ phiên bản điện tử các cuốn trong bộ sách Cánh Diều lớp 1. Tài liệu có 12 trang với 2 nội dung chính bao gồm giới thiệu một số ngữ liệu để giáo viên có thể sử dụng thay thế các bài đọc chưa phù hợp và hướng dẫn điều chỉnh một số từ ngữ.

Trong tài liệu điều chỉnh, nhà xuất bản đưa ra 11 bài đọc bổ sung cho 11 bài bị cho là không phù hợp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chỉnh sửa bổ sung, cùng với một số từ ngữ trong các bài học phải được điều chỉnh.

Một số ví dụ cho việc điều chỉnh: đối với bài tập đọc “Cua, cò và đàn cá” (1) và (2) nhóm biên soạn sách đã thêm 2 bài đọc khác để bổ sung là “Kết bạn “ và “Hồ sen”, bài “Quạ và chó” được bổ sung thêm bài “Phố thợ nhuộm”…

Đối với điều chỉnh từ ngữ, nhiều từ bị cho là không phù hợp được loại bỏ, thay thế. Ví dụ từ “cuỗm” đuợc thay bằng từ “tha” trong câu “Có kẻ đã cuỗm gà nhép”. Các từ “thở hí hóp”, “Bê be be”.. điều được loại bỏ.

Vụ trưởng vụ giáo dục tiểu học thuộc Bộ GD&ĐT ông Thái Văn Tài cho hay, tài liệu này hiện đã được nhà xuất bản gửi hồ sơ lên Bộ GD&ĐT đề nghị Hội đồng thẩm định phê duyệt và cũng đưa lên các trang mạng để xin ý kiến giáo viên và xã hội từ ngày 14 đến 20/11/2020.

Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lần cuối vào ngày 21/11 sau khi các ý kiến giáo viên gửi về và dự kiến trước ngày 30/11 nhà xuất bản có trách nhiệm hoàn thiện và bổ sung tài liệu này cho học sinh miễn phí.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/document-deiiseminsted-to-get-consultation-for-adjusting-vietnamese-first-grade-book-canh-dieu-11162020095938.html

TP HCM tổ chức chính quyền đô thị vào năm 2021

Sáng 16/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM với 420 đại biểu tán thành (87%).

Với nghị quyết này, TP HCM sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị, không còn HĐND cấp quận, phường và sẽ có thành phố trong thành phố.

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 và việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại TP HCM được thực hiện từ ngày 1/7/2021.

Đặc trưng của chính quyền đô thị

Theo đó, chính quyền đô thị tổ chức bộ máy 1 cấp chính quyền địa phương (thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường).

Chính quyền thành phố được tổ chức gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc thành phố là UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận. TP không tổ chức HĐND quận, HĐND phường.

UBND quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Cơ quan này gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch, các cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận.

UBND quận có nhiệm vụ phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của phường trực thuộc; quyết định giao nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội cho phường.

UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước cấp phường và cũng làm việc theo chế độ thủ trưởng, có nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công dùng vốn ngân sách nhà nước với cấp trên. Cơ quan này gồm chủ tịch, không quá 2 phó chủ tịch và các công chức khác của UBND phường.

HĐND ở quận và phường tại TP HCM sẽ không còn nên HĐND thành phố thực hiện quyền giám sát việc tuân theo hiến pháp, pháp luật trên địa bàn quận, phường thuộc quận. HĐND thành phố cũng giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường thuộc quận, TAND quận, VKSND quận.

Việc bỏ các cấp trung gian như HĐND cấp quận và cấp phường giúp bộ máy vận hành nhanh, hiệu quả hơn nhưng dấy lên lo ngại về quyền giám sát, dân chủ của người dân.

Về vấn đề này, Nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nói rằng so với 10 năm trước, hiện nay ngoài cơ chế HĐND, đại biểu Quốc hội giám sát, TP có thêm 4 cơ chế mới để tăng quyền giám sát.

Việt Nam: Dân bầu trực tiếp lãnh đạo địa phương là ‘có lợi cho Đảng’

Quốc hội Việt Nam ‘cần đáp ứng điều cử tri quan tâm’

Các cơ chế này bao gồm cơ chế giám sát của cơ quan Đảng với chính quyền các cấp, đề án đô thị thông minh và chính quyền điện tử giúp người dân có thể báo tin cho chính quyền qua các kênh điện thoại email.

Người dân sẽ thực hiện quyền giám sát trực tiếp và gián tiếp thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Thành ủy cũng rà soát và đồng bộ hóa nhiệm vụ giám sát, thanh tra và kiểm tra của 4 cơ quan gồm Quốc hội, HĐND, MTTQ và các đoàn thể, thanh tra của chính quyền và kiểm tra của Đảng. Thông qua việc đồng bộ hóa này việc tiếp thu ý kiến người dân được chặt chẽ.

Người dân sẽ tham gia hoạt động điều hành, quản lý của chính quyền qua việc trực tiếp đối thoại với lãnh đạo UBND các cấp tại những buổi hội nghị hoặc tiếp xúc cử tri định kỳ.

Vì sao đây là vấn đề cấp bách?

Theo báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng ghi nhận việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Tại Việt Nam, các chính quyền cấp tỉnh-thành hiện được tổ chức cơ bản giống nhau.

Ví dụ tổ chức chính quyền ở Sơn La cũng giống ở TP HCM, mặc dù hai địa phương này có các điều kiện kinh tế – xã hội khác nhau. Điều này làm nảy sinh nhiều bất cập, đặc biệt là đối với các đô thị lớn như TP HCM, Đà Nẵng, Hà Nội…

Do đó, từ nhiều năm qua đã có đề xuất xây dựng mô hình chính quyền đô thị, với hình thức tiệm cận các chính quyền đô thị kiểu phương tây và đặc thù để nâng cao hiệu quả quản lý đối với các đô thị.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng lý giải việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp chính quyền các cấp quyết định nhanh hơn, đặc biệt là nêu cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các quận, phường.

Và nếu cá nhân đó không đáp ứng, việc thay thế người mới do UBND TP, HĐND TP quyết định sẽ nhanh hơn.

Báo Zing trích lời ông Huỳnh Thành Nhân, Giám đốc Sở nội vụ TP HCM cho rằng mục tiêu trọng tâm của mô hình chính quyền đô thị tại TP HCM là tổ chức bộ máy một cách tinh gọn, hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đồng thời, quyền làm chủ của người dân cần được đảm bảo, duy trì và phát huy.

Ngoài ra, mô hình sẽ giúp thành phố tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hướng đến tính minh bạch trong hoạt động quản lý của chính quyền.

Mọi nguồn lực cho sự phát triển thành phố sẽ được huy động, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Đại hội 13: Đã đến lúc VN dám buông mô hình TQ?

Sài Gòn, Hà Nội và chủ trương ‘Bí thư không phải là người địa phương’

Theo báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ, giai đoạn 2009 – 2016, TP HCM là 1 trong 10 địa phương thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường theo nghị quyết của Quốc hội.

Khi thí điểm đã cho thấy nhiều kết quả tích cực như: tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, khắc phục sự trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Trước đó, tháng 11/2019,  Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội. Tháng 6/2020, Quốc hội thông qua nghị quyết thí điểm mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Từ tháng 7/2021, TP Hà Nội và Đà Nẵng sẽ cùng đồng thời thí điểm thực hiện chính quyền đô thị.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54928960

Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành

sắp được khởi công

Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết doanh nghiệp quyết tâm khởi công dự án sân bay Long Thành trong tháng tới và hoàn thành cuối năm 2025.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn lời ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch ACV cho hay, hôm 11 tháng 11 Chính phủ đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với dự án thành phần 3, bao gồm các công trình thiết yếu cảng hàng không như khu bay, nhà ga, các công trình hạ tầng chung, bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, hệ thống giao thông kết nối; tổng mức đầu tư trên 99.000 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

ACV đã chuẩn bị sẵn hồ sơ để thực hiện dự án ngay sau khi được phê duyệt; quyết tâm khởi công dự án trong tháng 12 năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Truyền thông Nhà nước cũng xác nhận thông tin Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã phê duyệt giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, phía Nam tỉnh Đồng Nai. Các công trình chính như sân bay, sân đỗ tàu bay, nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa sẽ do ACV xây dựng. ACV phải tự huy động vốn. Giai đoạn đầu của dự án dự kiến ​​trị giá hơn 4,6 tỷ USD và ​​sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Việc đầu tư sân bay Long Thành đã được Quốc hội Việt Nam thông qua năm 2017, đồng thời ban hành Nghị quyết về bồi thường, tái định cư và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính

phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Đồng Nai bàn giao mặt bằng trong tháng 10 để việc xây dựng sân bay bắt đầu vào đầu năm sau.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-longthanh-airport-project-is-about-to-be-started-11162020073707.html

Đại biểu Quốc hội phản ánh

sự bất bình đẳng trong thu phí đường bộ

Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thể, tại phiên họp Quốc hội vào ngày 16/11, khẳng định rằng trong bối cảnh ngân sách rất khó khăn, việc thu phí các tuyến đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cần thiết. Việc thu phí đó nhằm để có nguồn tái đầu tư.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 16/11, cho biết Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích như vừa nêu đối với thắc mắc của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, thuộc đoàn Hà Nội, rằng tại sao người sử dụng đường cao tốc BOT phải bỏ tiền trả cho nhà đầu tư, còn các tuyến đường do Nhà nước đầu tư lại không phải bỏ tiền để trả.

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng trong điều kiện chưa đủ ngân sách để đầu tư toàn bộ hệ thống đường cao tốc khắp tất cả vùng, miền thì quy định những người nào sử dụng đường cao tốc và các công trình đặc thù khác thì phải trả thêm phí đó, mới là bình đẳng.

Đại diện cử tri đoàn Hà Nội còn nêu lên ý kiến rằng nếu không quy định về phí sử dụng đường cao tốc riêng thì sẽ xảy ra tình trạng bất bình đẳng.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Giao thông đường bộ vào sáng ngày 16/11, báo giới quốc nội ghi nhận đã có những ý kiến khác nhau của các Đại biểu Quốc hội về sự trùng lặp khi tiến hành thu hai loại phí sử dụng đường bộ. 2 loại phí bao gồm phí thu theo phương tiện giao thông và phí thu sử dụng các công trình giao thông như công trình đường cao tốc hoặc một số các hầm giao thông đường bộ.

Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể trưng dẫn Nghị quyết 152, Nghị quyết 17 của Quốc hội cho phép các dự án đầu tư bằng ngân sách Nhà nước sẽ tổ chức thu phí.

Ông Nguyễn Văn Thể giải thích việc thu phí này là cơ sở để Bộ Giao thông-Vận tải đưa quy định vào trong Luật; đồng thời sẽ có điều kiện tốt hơn để tái đầu tư các tuyến khác, trong bối cảnh ngân sách rất hạn hẹp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết thêm rằng mức thu được tính toán phù hợp với chất lượng dịch vụ, nhưng không vượt quá lợi ích thu được và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc. Chỉ thu phí đối với tuyến cao tốc mà có đường quốc lộ song hành do Nhà nước đầu tư để người dân có quyền lựa chọn.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/national-assembly-deputies-concerns-about-inequality-in-toll-roads-11162020072330.html

Nhiều ĐBQH chưa đồng ý tách quy định

 về giao thông đường bộ thành hai luật

Nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hôm 16/11 chưa đồng tình việc tách các quy định về giao thông đường bộ thành hai luật.

Truyền thông nhà nước Việt Nam dẫn tin vừa nêu từ kỳ họp thứ mười của Quốc hội Việt Nam Khóa XIV, khi tiến hành thảo luận về Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.

Tại kỳ họp, nhiều vị ĐBQH bày tỏ sự lo ngại việc tách quy định về an toàn giao thông đường bộ ra khỏi Luật Giao thông đường bộ, vì giao thông đường bộ là một thể thống nhất được liên kết chặt chẽ, đồng bộ từ kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người điều khiển phương tiện và quy tắc giao thông.

Cho rằng chưa hợp lý, các ĐBQH đề nghị Quốc hội xem xét không tách thành hai luật riêng biệt và không chuyển việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông- Vận tải sang Bộ Công an…

Một số ĐBQH khác còn cho rằng việc tách thành hai luật chưa thuyết phục, chưa phù hợp với thực tế, gây lãng phí và phát sinh nhiều thủ tục hành chính, kinh phí về nhân lực và cơ sở hạ tầng… Chưa kể, nếu phân tách luật thì sẽ có nhiều nội dung trùng lắp.

Cũng tại kỳ họp, khi đề cập đến việc Bộ GTVT yêu cầu người lái xe kinh doanh vận tải phải có giấy phép, Bộ trưởng Bộ giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện cả nước có hơn 4,3 triệu xe ô tô, trong

đó chỉ có 1,7 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải… Hiện nay, giáo trình đào tạo giấy phép lái xe đào tạo cả nghiệp vụ kinh doanh vận tải và kỹ năng lái xe.

Do đó theo ông Thể, việc tách riêng biệt hai nội dung đào tạo này sẽ giúp giảm tải cho người học, chỉ người kinh doanh vận tải mới phải học môn nghiệp vụ vận tải và được cấp chứng chỉ.

Trả lời các ĐBQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, việc tách các quy định giao thông đường bộ thành hai luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xin ý kiến các đại biểu… sau khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/na-deputies-not-agreed-to-separate-the-egulations-on-road-traffic-into-2-laws-11162020063725.html

Nghi vấn các vật thể ở các căn cứ quân sự phi pháp

của Trung Cộng bị bão đánh trôi vào bờ biển Việt Nam

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 15 tháng 11 năm 2020 loan tin, đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính uỷ bộ đội biên phòng Cộng sản tại tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có nhiều vật thể ghi chữ Trung Cộng liên tục trôi dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. Đây cũng là thời gian các cơn bão liên tục xuất hiện trên Biển Đông và đi vào miền Trung Việt Nam.

Theo ông Mẫn, gần đây nhất là vào sáng 14 tháng 11, đồn biên phòng Cù Lao Chàm đã phát hiện một bồn kim loại có ghi các số hiệu, ký tự và nhiều chữ Trung Cộng vẫn còn dấu niêm phong trôi trên vùng biển Cù Lao Chàm. Chiếc bồn này được cố định bằng khung sắt, có thể gắn ròng rọc để kéo.

Theo nhà chức trách, dựa vào dòng chữ ghi trên thân bồn thì có thể trong bồn có chứa khí gas, đồng hồ báo bên trong bình vẫn còn đầy khí. Trước đó, một số vật thể khác như áo phao sắt, khung sắt, bồn kim loại, bồn sắt và một số thứ khác có ghi chữ Trung Cộng cũng đã trôi dạt vào vùng biển tỉnh Quảng Nam. Điều này khiến dư luận Việt Nam đồn đoán rằng, có thể những cơn bão vừa qua đã tàn phá nhiều căn cứ quân sự được phía Trung Cộng bồi đắp phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng đồng quan điểm này với dư luận, trang Fanpage Hành tinh Titanic của tổ chức Bảo vệ môi trường đoán rằng, cơn bão Vàm cỏ với sức gió cuồng phong CAT.4, giật CAT.5 đã thổi bay hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng các căn cứ quân sự của Trung Cộng bồi đắp phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/nghi-van-cac-vat-the-o-cac-can-cu-quan-su-phi-phap-cua-trung-cong-bi-bao-danh-troi-vao-bo-bien-viet-nam/

Điểm tin trong nước sáng 16/11:

Gần 4.500 nhà dân ở Huế tốc mái;

Dân TP.HCM khốn khổ vì triều cường 1,7m

Mạnh Đức

Mục lục bài viết         

Thủ tướng: Ông Trump hay ông Biden thắng cử, Mỹ vẫn là bạn tốt của Việt Nam

Quyền Taekwondo Việt Nam đoạt 2 huy chương vàng châu Á

Bão số 13: Gần 4.500 nhà dân ở Thừa Thiên – Huế tốc mái

Người dân TP.HCM vất vả vì triều cường đạt đỉnh hơn 1,7m

Hà Nội: Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ 2 (ngày 16/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Thủ tướng: Ông Trump hay ông Biden thắng cử, Mỹ vẫn là bạn tốt của Việt Nam

Truyền thông trong nước đưa tin, chiều ngày 15/11, sau Lễ bế mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời câu hỏi liên quan đến sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.

Ông nói: “Dù ai thắng cử, ông Trump hay ông Biden thì nước Mỹ vẫn là người bạn tốt đẹp của Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”.

Thủ tướng cho biết, đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN là Mỹ, do vậy hợp tác lớn nhất đó là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Đồng thời Mỹ là nhà đầu tư FDI lớn nhất, với tổng vốn hơn 330 tỷ USD.

Cũng trong buổi lễ bế mạc, Thủ tướng đã trao búa gỗ đại diện chức Chủ tịch ASEAN cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam Pengiran Haji Salleh, đánh dấu chuyển giao chức Chủ tịch ASEAN năm 2021 cho nước này.

Quyền Taekwondo Việt Nam đoạt 2 huy chương vàng châu Á

Đại dịch virus Vũ Hán khiến cho hầu hết các giải đấu Taekwondo quốc tế trong năm nay đều bị huỷ bỏ. Thế nhưng, Taekwondo Việt Nam vẫn vượt qua được khó khăn để mang về những tấm HCV quý giá tại Giải vô địch quyền Taekwondo Châu Á năm 2020 diễn ra với thể thức thi đấu online, theo Thanh Niên.

Các VĐV Taekwondo Việt Nam xuất sắc giành 2 HCV do VĐV Nguyễn Đình Khôi và VĐV Nguyễn Thị Kim Hà. Ngoài ra Việt Nam giành thêm 1 HCB và 3 HCĐ khác.

Bão số 13: Gần 4.500 nhà dân ở Thừa Thiên – Huế tốc mái

Theo NLĐO, báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế vào chiều tối 15/11, cho biết bão số 13 (Vamco) bước đầu thống kê có 6 nhà sập, 4.489 nhà tốc mái. Nhiều cơ sở giáo dục, trường học, cơ quan quân sự bị hư hại, tốc mái vì bão số 13.

Trong đó, huyện Phú Vang là địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất của cơn bão số 13 tại Thừa Thiên – Huế với 2.150 nhà bị tốc mái, 3 nhà ở thị trấn Thuận An bị sập. Tại huyện này nhiều tàu cá bị sóng đánh mắc cạn; 9 tàu cá ở Thuận An bị chìm, một tàu cá đứt dây neo, sóng đẩy vào bờ tông sập một nhà dân.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế, từ lúc 20 giờ ngày 14-11 đến 6 giờ ngày 15-11, do ảnh hưởng của bão số 13 tại thị trấn Thuân An huyện Phú Vang và thành phố Huế đã có gió cấp 6, cấp 8, giật cấp 9, cấp 11. Vùng ven biển có sóng lớn, nước biển dâng do bão tại khu vực xã Lộc Vĩnh và xã Giang Hải, huyện Phú Lộc; xã Hải Dương, thị xã Hương Trà nước đã tràn vào nhà dân khoảng 0,2 m.

Triều cường, sóng lớn, nước dâng do bão đã làm cho bờ biển Thừa Thiê Huế tiếp tục bị xói lở nặng với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu.

Người dân TP.HCM vất vả vì triều cường đạt đỉnh hơn 1,7m

Theo ghi nhận của Kinh tế Đô thị, chiều 15/11, vào lúc 17 giờ triều cường đạt đỉnh làm nước tràn bờ sông, kênh, rạch… gây ngập nhiều tuyến đường tại quận 2, quận 4, quận 7, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè… người dân gặp nhiều khó khăn khi đi qua những con đường ngập nước.

Tại đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), nước ngập nửa bánh xe khiến các phương tiện đi lại khó khăn. Các tuyến đường khác ở quận 7 như: Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Linh cũng cùng chung cảnh ngộ khi nước dâng cao. Ngay cả khu đô thị Phú Mỹ Hưng được đầu tư cơ sở hạ tầng vào loại tốt nhất TP cũng bị triều cường tấn công, nhiều người đi xe máy không dám đi vào vì sợ chết máy.

Đặc biệt, một đoạn trên đường Trần Xuân Soạn (quận 7) ngập nặng khi triều cường dâng cao, nước tràn vào nhà khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Người dân sống tại đây cho biết tình trạng này diễn ra đã nhiều năm nay, mỗi lần mưa lớn hay triều cường dâng là ngập, tát nước rất vất vả.

Đáng chú ý, tại đường Tôn Thất Thuyết (quận 4), nước ngập đến đầu gối người lớn, có nhiều đoạn bị ngập sâu lút cả bánh xe máy khiến nhiều phương tiện chết máy.

Cùng thời điểm triều cường cũng đã khiến Quốc lộ 50 – Nguyễn Văn Linh, nhiều tuyến đường trong khu dân cư Bình Hưng (huyện Bình Chánh), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), khu Thảo Điền (quận 2)… ngập sâu trong nước.

Hà Nội: Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt tới 3 triệu đồng

Quy định tại Nghị định 117/NĐ – CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 15/11 cho biết, hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị xử phạt từ 1 – 3 triệu đồng, gấp 10 lần so với quy định cũ là từ 100 – 300 nghìn đồng.

Theo đó, Nghị định nêu rõ, các địa điểm công cộng sẽ bắt buộc đeo khẩu trang là nhà ga, bến tàu xe, siêu thị… Sau khi hướng dẫn hoàn tất, Bộ Y tế đã gửi hướng dẫn cho các tỉnh thành để địa phương tùy tình hình cụ thể và quyết định thời gian, địa điểm công cộng bắt buộc đeo khẩu trang.

Trước đó, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội đã quy định, tại 5 điểm: Bệnh viện, bến bãi đỗ xe, phương tiện công cộng, trung tâm thương mại, siêu thị và chợ người dân Thủ đô bắt buộc phải đeo khẩu trang.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-16-11-gan-4-500-nha-dan-o-hue-toc-mai-dan-tp-hcm-khon-kho-vi-trieu-cuong-17m.html

Điểm tin trong nước tối 16/11: Tại Hà Nội,

15 nước ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới

do Trung Quốc hậu thuẫn

Tâm Tuệ- Hiểu Minh

Mục lục bài viết         

15 nước ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới do Trung Quốc hậu thuẫn

Thủy điện ở Thừa Thiên Huế lại tích nước ‘chui’

Thanh niên Hà Nội tái dương tính viêm phổi Vũ Hán đã có xét nghiệm âm tính

Tìm thấy thi thể bị vùi lấp trên quốc lộ 40B

Mục Điểm tin trong nước tối thứ 2 (ngày 16/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

15 nước ký hiệp định thương mại lớn nhất thế giới do Trung Quốc hậu thuẫn

15 nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương hôm 15/11 đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) nhân Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Đây là hiệp định tự do thương mại lớn nhất thế giới được Trung Quốc hậu thuẫn nhưng lại không có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Các nước tham gia hiệp định bao gồm 10 quốc gia thuộc ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.

Trước đó, Ấn Độ cũng tham gia đàm phán nhưng đã rút vào năm ngoái. Lý do khiến Ấn Độ quyết định không tham gia RCEP là do lo ngại rằng một lượng lớn hàng nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc có thể gây tổn hại thêm cho các ngành công nghiệp nội địa của họ.

Reuters dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Iris Pang cho biết, RCEP có thể giúp Bắc Kinh bỏ sự lệ thuộc vào các thị trường nước ngoài và công nghệ, một sự thay đổi đang gia tăng bởi một rạn nứt sâu hơn với Washington.

Thủy điện ở Thừa Thiên Huế lại tích nước ‘chui’

Báo VnExpress đưa tin, trong ba ngày, thủy điện Thượng Nhật hai lần bị lãnh đạo huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) phản ánh việc tích nước trái quy định.

Chiều 16/11, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch huyện Nam Đông, cho biết lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm tích nước trái phép đối với thủy điện Thượng Nhật ở xã Thượng Nhật.

Theo ông Phụng, ngày 13/11, thủy điện Thượng Nhật dù không được phép song vẫn tích nước trước khi bão Vamco đổ bộ, với mực nước hồ tích ở cao trình khoảng 115m.

Chính quyền địa phương gửi văn bản báo cáo sự việc với tỉnh. Sau đó, tỉnh đã cử lực lượng chức năng vào giám sát thủy điện, yêu cầu nhà máy mở 5 cửa van ở trạng thái mở hoàn toàn. Khi bão Vamco đi qua (ngày 15/11), lực lượng chức năng rút về, thủy điện Thượng Nhật lại tiếp tục tích nước. Sự việc được phát hiện khi đoàn kiểm tra vào thuỷ điện này sáng 16/11. “Chúng tôi lập biên bản, báo cáo lên tỉnh xử lý theo thẩm quyền”, ông Phụng nói.

Thanh niên Hà Nội tái dương tính viêm phổi Vũ Hán đã có xét nghiệm âm tính

Liên quan đến trường hợp nam sinh viên ở TP Hà Nội nghi tái nhiễm viêm phổi Vũ Hán, cơ quan chức năng cho báo Người lao động biết sau khi xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR sáng 16/11 đã cho kết quả âm tính.

Trước đó một ngày, bệnh nhân bị sốt 39 độ C, người mệt mỏi, nên đi bệnh viện khám cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán.

trước đó vào tháng 8, bệnh nhân này đã mắc viêm phổi Vũ Hán và đã được chữa khỏi vào tháng 9. Trong thời gian ở nhà người này thực hiện tốt các biện pháp cách ly và sau đó tiếp tục đi học cho đến khi mắc bệnh trở lại.

Tìm thấy thi thể bị vùi lấp trên quốc lộ 40B

Theo báo VnExpress, sáng 16/11, sau 5 ngày bị đất đá vùi lấp trên quốc lộ 40B, thi thể ông Huỳnh Văn Hạ, quê huyện Thăng Bình, đã được tìm thấy.

Sau bão Vamco, hôm nay Quảng Nam trời nắng ráo. Hơn 30 người gồm công an, bộ đội, dân quân tự vệ huyện Bắc Trà My cùng bốn máy múc tiếp tục tìm kiếm ông Hạ, mất tích tại điểm sạt lở quốc lộ 40B, xã Trà Tân.

Đến 9h, máy xúc gạt lớp đất đá, lộ ra chiếc áo của nạn nhân. Lực lượng tìm kiếm sau đó dùng tay bới bùn đất, tìm được thi thể ông Hạ. “Nạn nhân bị vùi lấp dưới lớp bùn sâu hơn 2 m, vị trí cách nơi gặp nạn khoảng 30 m”, một chiến sĩ cho biết.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-toi-16-11-tai-ha-noi-15-nuoc-ky-hiep-dinh-thuong-mai-lon-nhat-the-gioi-do-trung-quoc-hau-thuan.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.