Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 21/11/2020

Saturday, November 21, 2020 3:13:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 21/11/2020

Bầu cử tổng thống Mỹ, chiến thắng đắng cay cho Biden

Thụy My

Thành công của ông Donald Trump là đã gắn bó được những người da trắng thuộc giới bình dân với người giàu có, đây là liên minh trong mơ của các đảng cánh hữu trên thế giới.

Le Point đăng ảnh ba nhà khoa học với câu hỏi « Hậu vaccin : Khi nào và làm sao chúng ta có thể thoát nạn ». L’Express thở phào  « Cuối cùng cũng đã có được hy vọng », với bức ảnh tượng trưng là một lọ thuốc và ống chích trên trang bìa. L’Obs tuần này dành chủ đề cho cựu tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Courrier International chạy tựa « Hồi giáo cực đoan, thách thức của dân chủ ». Ở trang trong, các tuần báo Pháp tiếp tục bàn tán về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và mối quan hệ với Trung Quốc, bên cạnh đó là tình hình bi thảm ở Armenia.

Chiến thắng mang vị đắng cho Biden

L’Obs phàn nàn về « Chiến thắng đắng nghét ở Hoa Kỳ » : làn sóng xanh Dân Chủ được cho là sẽ tràn ngập Florida hay Texas đã không diễn ra, chiến thắng khít khao của Joe Biden tại các swing state khiến phải mỏi mòn chờ đợi kết quả chung cuộc. Ông Donald Trump, cứ ngỡ sẽ đại bại vì Covid, đã chống chọi mạnh mẽ hơn dự đoán.

Trong số những hậu quả có thể là Thượng Viện vẫn do Cộng Hòa kiểm soát. Cho dù ông Biden kêu gọi đoàn kết, sự phân cực chính trị vẫn bền bỉ. Có hai nước Mỹ đối mặt với nhau, thù ghét nhau hơn bao giờ hết. Trả lời câu « Bạn có bất bình khi con cái kết hôn với một người Dân Chủ ? », những phụ huynh Cộng Hòa hồi năm 1960 chỉ có 5% xác nhận, còn giờ đây đến 50%.

Dấu ấn chính chia rẽ nước Mỹ là chủng tộc. Có 57% người da trắng bầu cho ông Trump, 72% người da màu bầu cho Biden, cho dù Donald Trump được nhiều phiếu của người Mỹ la-tinh hơn dự kiến. Hố cách biệt thứ hai là giáo dục : 2/3 người Mỹ da trắng không có bằng đại học đã chọn ông Trump, họ chiếm 31% cử tri Mỹ. Nếu cử tri của Biden sống ở các đô thị lớn, cử tri ông Trump ở các thành phố nhỏ và vùng quê.

Thành công của ông Donald Trump là đã gắn bó được những người da trắng thuộc giới bình dân với người giàu có, đây là liên minh trong mơ của các đảng cánh hữu trên thế giới. Được bầu lên nhờ tâm lý ghét Donald Trump thay vì chương trình hành động của mình, ông Joe Biden sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Chiến thắng được dự báo của Cộng Hòa tại Thượng Viện có thể là « nụ hôn thần chết » của Donald Trump dành cho người kế nhiệm.

Donald Trump, cánh chim báo trước cơn bão chống toàn cầu hóa

Trả lời phỏng vấn của L’Express, nhà chính trị học Bertrand Badie nhận định việc chối từ toàn cầu hóa, nguyên nhân thành công của phe dân túy, buộc phải suy nghĩ lại toàn bộ về quan hệ giữa các Nhà nước.

Theo ông, ngoài tính cách cá nhân của đương kim tổng thống Mỹ, « chủ nghĩa Trump » đã bộc lộ khuynh hướng bác bỏ toàn cầu hóa, mà mãi đến 30 năm sau người ta mới nhận ra tác động bất ổn sâu sắc. Nếu những chỉ trích không được nhận ra, trước hết là do sự cổ vũ của các nhà kinh tế nổi tiếng nhất như Milton Friedman. Nó đặt lại vấn đề cân bằng bản sắc quốc gia, do luồng người nhập cư đã làm thay dổi cấu trúc xã hội nước Mỹ, người da trắng có nguy cơ trở thành thiểu số ngay trên đất nước mình. Phe tân tự do cho rằng tất cả mọi người sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng, nhưng trên thực tế toàn cầu hóa chỉ làm giàu cho 1% người giàu nhất trong xã hội Mỹ.

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, toàn cầu hóa dần dà vượt khỏi tầm tay của các Nhà nước. Giới công nhân và giai cấp trung lưu cảm thấy bị bỏ rơi. Năm 2019 là dấu chỉ : trên cả năm lục địa đều dấy lên những phong trào phản kháng, từ Áo Vàng ở Pháp đến các cuộc nổi dậy ở Sudan, Chilê, Liban, Algérie, Irak…Tất cả đều có một điểm chung là yêu sách về điều kiện sống, như việc tăng giá vé métro ở Santiago, giá bánh mì ở Sudan, đánh thuế WhatsApp ở Liban…

Chính sách Trung Quốc  của Joe Biden : Trump + Obama

Về phần ứng cử viên Dân Chủ được truyền thông cho là tân tổng thống, The Economist nói về chính sách Trung Quốc của ông Joe Biden. Theo tuần báo Anh, đó sẽ là sự kết hợp giữa ông Trump và Obama.

Hồi đầu chiến dịch tranh cử, Biden bác bỏ quan điểm Trung Quốc là rất đáng lo ngại. Tháng 5/2019, ông chế giễu : « Trung Quốc sẽ xơi mất bữa trưa của chúng ta chăng ? (…) Họ không phải là người xấu, sẽ không cạnh tranh với chúng ta ». Sau khi thấy Donald Trump thu hút được nhiều người ủng hộ nhờ nhấn mạnh đến mối đe dọa Trung Quốc, Joe Biden mới thôi phát biểu như thế.

Các đối thủ đả kích, cho rằng Biden ngây thơ trước Bắc Kinh. Ngay cả một số cố vấn của ông cũng lo lắng, vì Biden vẫn khoe đã trải qua nhiều giờ với Tập Cận Bình khi còn là phó tổng thống thời Obama. Trong khi vận động tranh cử, Biden thay đổi, gọi Tập Cận Bình là « côn đồ », chỉ trích ông Trump vì đã khoan dung với ông Tập trong thời gian đầu dịch mới xuất hiện, và kết thúc chiến dịch với lời hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Tuy nhiên ông chỉ gọi Bắc Kinh là « người cạnh tranh lớn nhất », chứ không coi là « mối đe dọa lớn nhất ».

The Economist cho rằng chính sách của Biden sẽ là một sự phối hợp: nghi kỵ Bắc Kinh như ông Trump, và thận trọng trong các vấn đề chiến lược, như Obama. Biden sẽ bị ràng buộc bởi một Quốc Hội đã trở nên thù địch hơn với Trung Quốc trong những năm gần đây. Với một Thượng Viện do Cộng Hòa nắm, ông khó thể bổ nhiệm những nhân vật quá thân thiết với Bắc Kinh. Dư luận của tác động đến chính sách – suy nghĩ tiêu cực về Trung Quốc của dân Mỹ đã đạt đến mức độ lịch sử.

Biden sẽ thừa hưởng cuộc chiến tranh thương mại. Tuy không thích dùng vũ khí thuế quan như Donald Trump, nhưng cũng khó có việc Joe Biden nhanh chóng dỡ bỏ các sắc thuế đánh lên hàng Trung Quốc, để gây áp lực trước mắt trong đàm phán thương mại và các vấn đề khác. Ông cũng khó thể quay lại với TPP. Biden tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng tránh gởi các quan chức cao cấp đến đảo quốc – các cố vấn của ông cho là một sự khiêu khích không cần thiết. Một số biện pháp cứng rắn được duy trì như bóp nghẹt Hoa Vi (Huawei), hạn chế các doanh nghiệp làm ăn với Trung Quốc, tách rời lãnh vực công nghệ cao.

Tập Cận Bình sẽ tìm cách « nắn gân » Biden ?

Về quân sự, chính quyền Biden tiếp tục củng cố Bộ Tứ (Quad), tuần tra bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông và eo biển Đài Loan, trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc là Mỹ sẽ hoạt động tích cực tại châu Á – một số nhà ngoại giao trong khu vực than phiền là ông Obama chỉ xoay trục nửa vời.

Các biện pháp trừng phạt được tổng thống Trump áp đặt vì vi phạm nhân quyền, trong đó có vấn đề Hồng Kông, Tân Cương được cho là sẽ giữ nguyên, tuy không còn những phát biểu nảy lửa như ngoại trưởng Mike Pompeo và bộ trưởng Tư Pháp William Barr – đã gọi đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa cho thế giới tự do. Song song đó Biden có thể dỡ bỏ việc hạn chế cấp visa cho sinh viên Trung Quốc, không gọi « virus Vũ Hán », quay trở lại với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hợp tác với Bắc Kinh trong vấn đê môi trường…

Các cố vấn khuyên Joe Biden đợi lâu hơn thường lệ trước khi nói chuyện điện thoại với Tập Cận Bình, không nghe lời ngon lẽ ngọt của ông Tập về một khuôn khổ mới trong quan hệ. Chắc chắn Tập Cận Bình sẽ tìm cách « nắn gân » Joe Biden : đang chuẩn bị cho đại hội đảng năm 2022, Tập không muốn tỏ ra yếu kém. Sự đáp trả của Biden trước những khiêu khích của Bắc Kinh còn tùy vào lời khuyên của các cố vấn. Một số « cựu chiến binh » thời Obama muốn tránh đối đầu, số khác muốn bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.

Tuần báo Anh nhận định, quan điểm về Trung Quốc của các nhân vật từng làm việc với Obama giờ đầy đã xích lại gần hơn với các quan chức của Donald Trump. Về nhân sự cho ê-kíp mới, bà Susan Rice khó thể trở thành ngoại trưởng vì phe Cộng Hòa cho rằng bà chịu một phần trách nhiệm trong sự thất bại của Obama trước Trung Quốc. Có thể chức vụ này sẽ được giao cho ông Antony Blinken hay Christopher Coons, còn bà Michèle Flournoy được cho là sẽ nắm Lầu Năm Góc.

Trung Quốc, người khổng lồ chân đất sét

Nhưng đối với nhà chính trị học Mỹ Michael Beckley, Trung Quốc chỉ là « người khổng lồ chân đất sét ». Trả lời phỏng vấn của Le Point, ông nhận định Bắc Kinh không thể sánh được với Washington, lại càng không thể vượt qua được Hoa Kỳ.

Theo chuyên gia Beckley, Trung Quốc nghèo hơn, kém phát triển hơn so với những gì mô tả trên truyền thông, chỉ cần đi ra khỏi đô thị là thấy rất nhiều người nghèo khổ. Ông cũng đã đi thăm các đô thị mới – những thành phố ma không người ở và công trình nào cũng dở dang. Về dân số, từ nay cho đến giữa thế kỷ 21, Trung Quốc sẽ mất đi 200 triệu người trong độ tuổi lao động, nhưng có thêm 300 triệu người trên 65 tuổi. Dựa trên dữ liệu của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới, có thể nhận thấy Hoa Kỳ có số hàng không mẫu hạm, tàu ngầm nguyên tử gấp từ 5 đến 10 lần Trung Quốc. Hơn nữa, hầu hết quân đội Trung Quốc phải tập trung duy trì ổn định nội địa và giám sát biên giới.

Về quân sự, nếu gây chiến với Đài Loan chẳng hạn, Trung Quốc có nhiều lợi thế vì dùng sân nhà làm căn cứ, nhưng nếu phải tấn công xa hơn thì không đủ năng lực. Người ta thường nói rằng quân đội Trung Quốc tay to nhưng chân thì teo tóp : sở hữu nhiều hỏa tiễn cực mạnh và đa dạng, nhưng lại không có các phương tiện tương ứng như oanh tạc cơ, hàng không mẫu hạm, phi cơ tiếp liệu, căn cứ quân sự như Mỹ hiện có ở khắp nơi trên thế giới.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201121-bau-cu-tong-thong-my-biden-chien-thang

Tin tổng hợp

(AFP) – Thượng Karabakh : Erevan muốn tăng cường hợp tác quân sự với Matxcơva.

Thông cáo phủ thủ tướng Armenia, ngày 21/11/2020 cho biết trong cuộc gặp với bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigou, thủ tướng Armenia Nikol Pachinian, bày tỏ mong muốn « tăng cường hợp tác với Nga không chỉ trong lãnh vực an ninh mà cả về quân sự và kỹ thuật ». Tuyên bố này được đưa ra sau thất bại nặng nề của quân đội Armenia tại vùng Thượng Karabakh. Nhiều vùng lãnh thổ đã bị quân đội Azerbaijan chiếm lại, nhờ vào sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ.

(AFP) – Afghanistan : Thủ đô Kabul chấn động sau một loạt vụ nổ.

 Sự việc xảy ra ngày 21/11/2020 tại khu vực mầu xanh, nơi trú đóng của nhiều tòa đại sứ và các công ty quốc tế. Theo bộ trưởng Nội Vụ Tariq Arian, ít nhất có 8 người chết và 31 người bị thương sau một chuỗi 23 quả pháo rốc-kết nhắm vào thành phố Kabul. Loạt vụ nổ này xảy ra đúng vào lúc ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Qatar để theo dõi tiến triển các cuộc đàm phán giữa chính phủ Afghanistan với phe nổi dậy Taliban, và nhất là thông báo của Nhà Trắng sẽ cho rút lính Mỹ về nước từ đây đến trước khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống.

(AFP) – Nga triển hạn lệnh cấm vận nông nghiệp đối với phương Tây.

Sắc lệnh do tổng thống Vladimir Putin ký ngày 21/11/2020 cho biết lệnh cấm vận này, được ban hành vào tháng 8/2014, sẽ kéo dài thêm đến cuối năm 2021. Theo đó, các mặt hàng nông phẩm, chủ yếu xuất xứ từ Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp tục bị cấm nhập vào Nga. Hồi cuối tháng 6/2020, Liên Hiệp Châu Âu quyết định triển hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga thêm 6 tháng do sự can dự của Matxcơva vào cuộc xung đột ở Đông Ukraina.

(AFP) – Học sinh trung học Thái Lan xuống đường. 

Hôm nay, 21/11/2020, hàng ngàn học sinh trung học Thái Lan đã biểu tình tại thủ đô Bangkok đòi cải cách hệ thống giáo dục trung học nhưng đồng thời cũng để bày tỏ sự ủng hộ với cuộc đấu tranh của phong trào sinh viên đòi thủ tướng từ chức và cải cách chế độ quân chủ. Các học sinh Trung học đòi cải cách chương trình dạy học, giảm nhẹ các quy định kỷ luật khắt khe trong trường học và quyền bình đẳng giới tính. Từ đầu tuần này, tại Bangkok liên tiếp đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ và hoàng gia do các phong trào dân chủ tổ chức.

(AFP) – Con trai cả của tổng thống Trump dính virus corona. 

Hôm qua 20/11/2020, phát ngôn viên của ông Donald Trump Jr, thông báo ông có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hồi đầu tuần này và hiện đang tự cách ly trong khu nhà riêng ở nông thôn. Tại Mỹ, virus corona vẫn tiếp tục lây lan mạnh, mỗi ngày có thêm hơn 200 nghìn người nhiễm và 2000 ca tử vong. Người dân Mỹ được kêu gọi không đi lại trong dịp nghỉ lễ Tạ Ơn vào ngày 26/11 tới đây. Chính quyền địa phương ở khắp nước Mỹ đang phải tìm các biện pháp hạn chế để ngăn chặn đà lây lan của virus. Tại California, khoảng 94% dân số của bang từ hôm nay sẽ đạt trong tình trạng giới nghiêm, trong vòng 1 tháng.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201121-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 21/11:

Luật sư TT Trump tuyên bố đã thả ‘quái vật Kraken’;

Quan chức Mỹ sắp thăm Đài Loan

Quý Khải

Mục Điểm tin thế giới ngày thứ Bảy (21/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

APEC nhất trí thương mại ‘tự do, cởi mở và dự đoán được’. Theo Nikkei, các lãnh đạo tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ngày 20/11, trong hội nghị trực tuyến do Malaysia chủ trì đã nhất trí một “môi trường thương mại và đầu tư tự do, cởi mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và có thể dự đoán được” là liều thuốc phục hồi kinh tế sau đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Nhiều cựu giám đốc Facebook sẽ có mặt trong nhóm chuyển tiếp của Joe Biden.Trang Natural News đưa tin, cựu thành viên hội đồng quản trị Facebook, Jeff Zient, sẽ là chủ tịch nhóm chuyển đổi của Biden, trong khi một cựu thành viên hội đồng quản trị Facebook khác sẽ đóng vai trò cố vấn. Hai người khác, một người là cựu giám đốc và người kia là cựu nhà vận động hành lang của Facebook, cũng sẽ đảm nhận các vai trò lãnh đạo chính trong quá trình chuyển tiếp của Biden. Phải chăng sự thân cận quá mức giữa Facebook và ứng viên Biden khiến Facebook không ngừng kiểm duyệt các bài đăng cáo buộc gian lận bầu cử của chiến dịch TT Trump và những người dân Mỹ thượng tôn luật pháp?

Quan chức Mỹ chuẩn bị thăm Đài Loan, Trung Quốc phản đối. Reuters cho hay, vào ngày 20/11, Thủ tướng Đài Loan Tô Trinh Xương cho biết, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) của Mỹ Andrew Wheeler sẽ tới thăm Đài Loan “để có các cuộc thảo luận song phương về hợp tác quốc tế liên quan tới vấn đề bảo vệ môi trường”. Phản ứng trước thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định phản đối tất cả hình thức tương tác chính thức nào giữa Mỹ và Đài Loan và thề sẽ có biện pháp đáp trả cần thiết.

Đài Loan đóng 8 tàu ngầm nội địa. Reuters cho hay, Đài Loan tuần tới sẽ khởi động đóng con tàu đầu tiên trong 8 tàu ngầm mới được phát triển nội địa, một dự án dài hạn nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của hòn đảo, trong bối cảnh Trung Quốc đại lục hiện đại hóa quân đội nhanh chóng. Hiện Đài Loan có 4 tàu ngầm, trong đó 2 tàu được đóng từ thời Thế chiến II, và không thể cạnh tranh với hạm đội của Trung Quốc, vốn bao gồm các tàu có khả năng phóng vũ khí hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sắp thăm Hàn Quốc. Reuters cho hay, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị dự kiến sẽ thăm Hàn Quốc vào tuần tới để thảo luận về Triều Tiên và dịch viêm phổi Vũ Hán, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 20/11 cho biết. Chuyến đi của ông Vương diễn ra sau khi ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, người tự nhận là tổng thống đắc cử, cam kết tăng cường các mạng lưới liên minh của Mỹ nhằm thúc đẩy vai trò lãnh đạo toàn cầu cũng như “giữ một Trung Quốc tự tin trong tầm kiểm soát”.

Chuyên gia: Hoa Kỳ cần hành động hơn nữa để chấm dứt hoạt động mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. The Epoch Times dẫn nguồn tin từ một nhóm chuyên gia cho biết, ĐCSTQ đã sát hại các học viên Pháp Luân Công để cưỡng bức thu hoạch nội tạng của họ bán lấy lời trong một ngành công nghiệp siêu lợi nhuận trị giá hàng tỷ đô la trong suốt hơn 20 năm qua, và Hoa Kỳ cần phải đẩy mạnh các nỗ lực để chấm dứt điều này. Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do nhóm vận động Bác sĩ Chống Mổ cướp Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) tổ chức vào ngày 19/11, Dân biểu Steve Chabot đã lên án hành động cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm của ĐCSTQ, và gọi đó là một hành động “cực kỳ tàn ác và man rợ”.

Luật sư Giuliani tố ‘âm mưu xuyên quốc gia’ của Đảng Dân chủ. Tờ The Epoch Times cho hay, luật sư của Tổng thống Donald Trump, Rudy Giuliani ngày 19/11 cho biết phía Đảng Dân chủ có một âm mưu xuyên quốc gia tại hơn chục thành phố lớn do Đảng Dân chủ kiểm soát để đánh cắp cuộc bầu cử. Ông Giuliani, cũng tuyên bố rằng chiến dịch có ít nhất 10 nhân chứng sẵn sàng làm chứng và ít nhất 1.000 bản khai có tuyên thệ từ các công dân cáo buộc hành vi sai trái “đủ để lật ngược bất kỳ cuộc bầu cử nào.” (chi tiết)

Nevada: Chiến dịch ‘đổi quà lấy phiếu bầu’ vẫn đang tiếp diễn. Tờ Federalist đưa tin, ngoài việc gửi hàng loạt lá phiếu dù không được yêu cầu, ở tiểu bang Nevada còn có một phương thức gian lận khác, đó là dưới danh nghĩa khuyến khích cử tri đi bỏ phiếu phi lợi nhuận, phi đảng phái, các nhóm vận động cử tri người Mỹ bản địa (người Anh Điêng) ở Nevada đã phát thẻ quà tặng, đồ điện tử, quần áo và các mặt hàng khác cho cử tri ở các khu vực bộ lạc để đổi lấy phiếu bầu cho chiến dịch Biden. (chi tiết)

Luật sư TT Trump tuyên bố đã thả ‘quái vật Kraken’ và kết quả sẽ bắt đầu xuất hiện. Luật sư Sidney Powell của TT Trump cũng cho biết thủy quái Kraken đã được phóng thích, ám chỉ các bằng chứng xác thực việc gian lận bầu cử của chiến dịch Biden sẽ sớm được phơi bày. (chi tiết)

Thành viên chiến dịch TT Trump: Đã giải mã được thông tin tình báo ban đầu của máy chủ Dominion. Sound of Hope cho hay, nhân viên thuộc Ủy ban kiểm phiếu của Tổng thống (TT) Trump đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn, đội ngũ của TT Trump đã tóm được máy chủ Dominion ở Frankfurt, Đức, dữ liệu bỏ phiếu ban đầu đã được khôi phục và nói rằng kết quả sẽ “chấn động đến tâm can của những người theo chủ nghĩa toàn cầu”. (chi tiết)

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-21-11-luat-su-tt-trump-tuyen-bo-da-tha-quai-vat-kraken-quan-chuc-my-sap-tham-dai-loan.html

Tạp chí đặc biệt

“Chiến Lang” Trung Quốc lại lên tiếng đe dọa Mỹ và đồng minh

Trọng Nghĩa

Bầu cử Mỹ và Covid-19 tiếp tục khuấy động thời sự trong tuần. Trong tạp chí thế giới đó đây hôm nay, RFI sẽ mời quý thính giả dừng chân tại Hoa Kỳ để rà soát lại những thời điểm cần chú ý sắp tới đây trong tiến trình bầu cử tổng thống, sau đó đi xuôi xuống khu vực châu Mỹ Latinh để xem Cuba mở cửa lại đón du khách như thế nào vào thời Covid-19 hoành hành. Riêng tại châu Á, vào lúc Mỹ đang bận tâm về vấn đề bầu cử, các chiến lang của ngành ngoại giao Trung Quốc đã lại lên tiếng dọa nạt Mỹ và các đồng minh.

Trong cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 19/11/2020, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên tiếng phản đối nhóm Ngũ Nhãn, tiếng Anh là Five Eyes – liên minh tình báo gồm 5 nước Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand – là đã “can thiệp vào công việc nội bộ Trung Quốc”.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã phản ứng như trên nhằm đáp trả tuyên bố chung ngày 18/11 của ngoại trưởng nhóm “Ngũ Nhãn”, tố cáo Trung Quốc vi phạm cam kết, nghĩa vụ quốc tế khi cho phép bãi nhiệm 4 nghị sĩ đối lập Hong Kong.

Lời lẽ của nhân vật được mệnh danh là Chiến Lang này rất thộ bạo khi ông cảnh báo là nhóm này sẽ bị “chọc mù mắt” nếu gây hại cho Bắc Kinh. Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde từ Bắc Kinh tường trình :

Chiến Lang của ngành ngoại giao Trung Quốc lại cắn trở lại, và lời lẽ của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh, đã phản ánh thái độ bực tức  của các nhà lãnh đạo Cộng Sản trước những gì bị coi là một đợt tấn công cuối cùng từ chính quyền Trump.

PUBLICITÉ

Tuyên bố mới nhất của nhóm « Ngũ Nhãn » chỉ trích việc các nghị sĩ đối lập ở Hong Kong bị tước quyền đã chọc tức chính quyền Bắc Kinh. Liên minh mang tên tiếng Anh « Five Eyes » tức là « Năm Con Mắt bao gồm Mỹ, Anh, Úc, New Zealand và Canada, còn đi xa đến mức yêu cầu Bắc Kinh lùi bước.

Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đe dọa : « Cho dù quý vị có bao nhiêu mắt, năm hay mười con mắt, thì cũng nên cẩn thận kẻo bị móc đi và trở thành mù lòa, khi gây hại cho lợi ích, chủ quyền, an ninh và sự phát triển của Trung Quốc ».

Phát ngôn viên này nói tiếp : « Người Trung Quốc không bao giờ gây rắc rối và không sợ bất cứ điều gì ».

Ăn miếng trả miếng, không có gì phải sợ hãi : Liếc qua các bài xã luận và trang ý kiến gần như là mỗi ngày một bài trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo là thấy ngay là guồng máy tuyên truyền Trung Quốc đang nỗ lực nã pháo vào các đồng minh của Mỹ, để buộc họ hòa hoãn hơn khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.

Các tranh biếm họa cũng như vậy, chẳng hạn như các bức vẽ một con gấu trúc Trung Quốc gan dạ đối mặt với một con kangaroo Úc đeo găng tay đấm bốc, một con rối trong tay Chú Sam đang dẫn đồng minh bé nhỏ của mình đến bờ vực.

Những lời lẽ cay nghiệt trên đây rất hợp tại dư luận bên trong Trung Quốc, nhưng lại gây lo ngại ở ngoài nước. Một cuộc khảo sát gần đây nơi 20.000 người từ 13 quốc gia châu Âu cho thấy quyền lực mềm của Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm.

Chính quyền Hồng Kông lại bắt giữ ba cựu nghị sĩ dân chủ

Riêng tại Hồng Kông, hôm 18/11, 3 cựu nghị sĩ đã bị bắt do đã tham gia gây náo loạn ở Nghị Viện vào mùa xuân, nhằm đẩy lùi việc thông qua một văn kiện trừng phạt mọi hành vi xúc phạm quốc ca và quốc kỳ Trung Quốc. Đối lập tố cáo một chính phủ ngày càng độc tài vào lúc mà không còn nghị sĩ đối lập nào ở Nghị Viện sau vụ từ nhiệm hàng loạt của phe đối lập.

Thông tín viên RFI tại Hồng Kông Florence de Changy, cho biết thêm chi tiết:

Hứa Trí Phong (Ted Hui), 38 tuổi, Khải Địch (Eddie Chu), 43 tuổi, và Trần Chí Toàn (Ray Chan), 48 tuổi, 3 cựu nghị sĩ đối lập, năng động và được lòng dân, đã bị truy tố về tội « lăng nhục » và vì đã « ném ra những chất độc hại với mục đích gây thương tích, gây hại hay bực tức ». Họ đã phải ra trình diện tòa án vào trưa thứ Năm 19/11 vừa qua. Những tội danh này có thể dẫn đến bản án 3 năm tù giam.

Vào cuối tháng Năm, các nghị sĩ nói trên họ đã đổ một hợp chất pha trộn cây thối và phân bón lỏng vào trong phòng họp Nghị Viện, làm hoen ố thảm trải, và theo cảnh sát, còn « làm rối loạn tinh thần » chủ tịch Nghị Viện Lương Quân Ngạn (Andrew Leung). 

Nghiêm trọng nhất việc phiên họp bị ngưng và phải dời sang một phòng khác và bộ luật trừng phạt việc xúc phạm quốc ca và quốc kỳ Trung Quốc rốt cuộc cũng được thông qua.

Cho đến giờ những vụ ấu đả, xô xát ở Nghị Viện Hồng Kông đều được xem như trò vui không quan trọng, dù đáng tiếc nhưng được dung thứ. Cách cư xử của một số nghị sĩ thân Bắc Kinh cũng không phải là không đáng bị chê trách. 

Thế nhưng khi nghị sĩ đối lập Trần Chí Toàn kiện một nghị sĩ thân Bắc Kinh đã nắm cổ áo lôi ông dưới đất trên nhiều mét, thì đơn kiện này không được tiếp nhận. 

Nghị sĩ Hứa Trí Phong đã tố cáo một chế độ độc tài, còn Văn Phòng Liên Hiệp Châu Âu tại Hồng Kông đã bày tỏ nỗi lo ngại và cho biết theo dõi sát sự vụ.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn xác nhận kết quả

Tại Hoa Kỳ, thời sự nổi bật vẫn là những diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống, với các nỗ lực của tổng thống Donald Trump để phủ nhận chiến thắng của ông Joe Biden đã được dự báo là thắng cử với 306 phiếu đại cử tri, so với 232 phiếu của ông Trump.

Cho đến lúc này, các cố gắng của tổng thống Mỹ đều không thấy đạt kết quả, và rất nhiều đơn kiện chống lại kết quả bầu cử mà ban vận động tranh cử của ông đệ trình tại các bang gọi là “then chốt”, nơi mà ông bị thua sát nút, đã bị bác bỏ vì thiếu chứng cứ.

Song song với các đơn kiện phe Dân Chủ gian lận bầu cử, tổng thống Trump và giới thân cận còn được cho là đang khuyến khích giới chức thuộc đảng Cộng Hòa ở các bang then chốt ngăn chặn việc xác nhận kết quả bỏ phiếu, tạo điều kiện cho các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng Hòa tại các bang đó can thiệp vào và chỉ định các đại cử tri sẽ bầu cho ông Trump, thay vì chọn các đại cử tri ủng hộ ông Biden, người chiếm đa số phiếu bầu.

Công việc này cho đến giờ cũng không mấy thành công trong bối cảnh sắp đến lúc các bang mà ông Trump muốn đảo ngược kết quả bỏ phiếu phải xác nhận kết quả cuộc bầu cử.

Bang đầu tiên phải xác nhận là Georgia. Vào đúng hạn chót hôm 20/11, bang này đã chính thức xác nhận chiến thắng của ông Biden, dù chỉ hơn ông Trump hơn 12.000 phiếu bầu. Ông Trump có hai ngày để yêu cầu kiểm phiếu lại, nhưng theo giới quan sát, ông khó có khả năng vượt qua được ông Biden.

Bang thứ hai là Michigan sẽ phải xác nhận kết quả hôm 23/11. Tại bang này, ông Biden dẫn trước ông Trump với 146.000 phiếu. Tuy nhiên công việc chứng thực có thể có vấn đề, vì ủy ban xác nhận bao gồm hai người thuộc đảng Dân Chủ và hai người thuộc đảng Cộng Hòa. Các ủy viên Cộng Hòa có thể làm giống như hai ủy viên thuộc đảng Cộng Hòa trong ban xác nhận ở cấp hạt trước đó, thoạt đầu đã từ chối xác nhận viện lẽ bầu cử không trung thực, trước khi thay đổi ý kiến dưới sức ép của dư luận.

Tại bang Pennsylvania, ngày 23/11 là hạn chót để các hạt xác nhận kết quả bầu cử, và người chịu trách nhiệm xác nhận ở cấp tiểu bang – thuộc đảng Dân Chủ – được cho là sẽ nhanh chóng tiến hành việc chứng thực.

Ngày 24/11 đến lượt bang Nevada xác nhận kết quả, và sau đó 1 tuần, ngày 30/11 là bang Arizona, và ngày 01/12 là bang Wisconsin.

Nếu mọi việc suôn sẻ, các bang sẽ tiến hành chỉ định đại cử tri, và vào ngày 14/12, ngay tại bang của mình, 538 người sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống Mỹ, kết quả sẽ chuyến lên Quốc Hội Mỹ để kiểm vào ngày 6/1/2021, và đến ngày 20/01/2021, tổng thống mới sẽ nhậm chức.

Cuba mở cửa đón du khách cho dù chưa hết dịch Covid-19

Vào lúc số liệu về các ca nhiễm Covid-19 cao ngất ngưởng ở Châu Âu cũng như ở nhiều nước châu Mỹ, Cuba đã nổi bật là một điểm son với một chính sách chống dịch hiệu quả đã được Tổ Chức Y Tế Thế giới xác nhận.

Trong số 12 quốc gia bị tác hại nặng nhất, có đến 6 quốc gia ở châu Mỹ, với riêng châu Mỹ Latinh chiếm 31% số ca tử vong vì Covid-19.  Thế mà Cuba chỉ bị 7.639 ca nhiễm trên tổng số hơn 11,2 triệu dân và 131 trường hợp tử vong.

Trong bối cảnh đó, để cứu nền kinh tế, chính quyền La Habana đã quyết định mở cửa đón du khách sau 7 tháng tự cô lập. Dấu hiệu điển hình là việc mở cửa sân bay quốc tế La Habana kể từ ngày 15/11/2020. Thông tín viên RFI Domitille Piron tại Cuba ghi nhận:

Sân bay José Marti của La Habana đã sẵn sàng cho tình trạng “bình thường mới”. Đây là cách người Cuba gọi tình huống thích nghi với sự hiện diện của virus corona. Khi đến sân bay, tất cả các du khách đều được xét nghiêm PCR, và phải trả 30 đô la chi phí.

Du khách sau đó sẽ phải cách ly trong vài ngày, theo giải thích của Bác sĩ Duran, phụ trách giám sát dịch bệnh trong nước:

« Một khách du lịch khi vào đất nước chúng tôi, sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR thêm một lần nữa vào ngày thứ năm, bởi vì có khả năng là virus chưa được phát hiện hôm mới nhập cảnh, và đến ngày thứ năm mới xuất hiện. Vì vậy du khách sẽ phải hạn chế đi lại trong 5-6 ngày. »

Cuba đã mở lại biên giới với một thủ tục y tế nghiêm ngặt vì đất nước này cần du khách sau hơn 8 tháng đóng cửa, nhưng không thể đứng vững được nếu để xẩy ra khủng hoảng y tế.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bị các lệnh trừng phạt của Mỹ tác hại nặng nề, Cuba đã lại phải đối mặt với dịch bệnh trong khi đang bị khủng hoảng kinh tế, nên cần dựa vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201121-chi%E1%BA%BFn-lang-trung-qu%E1%BB%91c-l%E1%BA%A1i-l%C3%AAn-ti%E1%BA%BFng-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-m%E1%BB%B9-v%C3%A0-%C4%91%E1%BB%93ng-minh

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.