Đọc báo Pháp – 02/11/2020
Bầu cử Mỹ: Tình cảm chống Trump, lá chủ bài của Joe Biden – Trọng Thành
Ngày đầu học sinh Pháp trở lại trường học sau kỳ nghỉ, với cuộc tưởng niệm người thầy môn Sử Địa bị khủng bố Hồi giáo cực đoan sát hại; đợt tái phong tỏa thứ hai chống Covid khiến tiểu thương Pháp lao đao là hai chủ đề lớn của báo Pháp hôm nay, 01/11/2020. Nước Mỹ hai ngày trước bầu cử tổng thống cũng là tâm điểm thời sự. Le Figaro có bài phân tích tóm tắt một nét chính của cuộc tranh cử: «Tình cảm chống Trump, lá chủ bài của Joe Biden».
Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump lấy cá nhân mình làm trung tâm của chương trình tranh cử. Trump khẳng định là « người nói thẳng, nói thật » khác hẳn với lối ăn nói khuôn mẫu thông thường của các chính trị gia, người « bảo vệ các giá trị Mỹ chống lại một ứng cử viên đại diện cho quyền lợi của giới tinh hoa cánh tả và truyền thông, đang liên minh chống lại chính ông và người Mỹ bình dân ».
Donald Trump như một thỏi nam châm. Mỗi phát biểu hay hành động cực đoan lại thu hút đông đảo người ủng hộ, khiến họ trở nên hết sức phấn khích, trong lúc truyền thông phản đối dữ dội. Một cuộc tranh cử đầy xúc cảm. « Làm cho phe tự do phải nức nở một lần nữa : hãy bỏ phiếu cho Trump ! » là hàng chữ trên những chiếc may ô, bán tại các điểm vận động tranh cử.
Tuy nhiên, trong một nước Mỹ bị phân hóa đến cao độ, con người cá nhân của tổng thống sắp mãn nhiệm cũng trở thành một điểm tựa giúp cho tất cả các đối thủ, thuộc đủ xu hướng, thậm chí đối lập nhau, đoàn kết lại. Mặt trận chống Trump gồm từ những người cánh tả triệt để trong đảng Dân Chủ cho đến cựu thành viên phe Cộng Hòa. Cánh tả triệt để, với đại diện như thượng nghị sĩ Bernie Sanders, theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, từng dẫn trước Joe Biden trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng Dân Chủ, cho đến các chính trị gia trẻ, như Ilhan Omar hay Alexandria Ocasio-Cortez, vốn không hề thích Biden.
« Nếu hộp sốt cà chua ứng cử chống Trump, tôi cũng ủng hộ »
Một hiện tượng chưa từng có : hơn 200 tướng lĩnh, đô đốc về hữu công khai chống tổng thống sắp mãn nhiệm, ủng hộ ứng viên Dân Chủ. Trong số họ có người như đô đốc McRaven, cựu chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tiêu diệt Ben Laden. Đô đốc McRaven – có lập trường chống nạo phá thai, bảo vệ quyền mang súng, ủng hộ một Nhà nước tối thiểu, một quân đội mạnh, tóm lại một người bảo thủ, hoàn toàn đối kháng với các giá trị của phe Dân Chủ – cũng tuyên bố đã bầu Biden. Một chỉ huy nổi tiếng khác, ông Stanley McChrystal, cựu tư lệnh Mỹ ở Afghanistan, từng bị Obama cách chức vì giễu cợt Joe Biden, phó tổng thống vào lúc đó, trước báo giới, cũng kêu gọi bầu cho ông Biden.
Hàng loạt chiến lược gia và phụ trách chương trình tranh cử của đảng Cộng Hòa, đã ly khai đảng, lập nhóm Lincoln Projet, với mục tiêu không để Trump tái đắc cử. Nhóm Lincoln Projet so sánh chính sách của ông Trump với « thảm họa hạt nhân Tchernobyl », cực kỳ nguy hiểm, sẽ để lại các hệ quả không biết đến bao giờ mới hết. Đối tượng vận động của nhóm là cử tri Cộng Hòa chán ghét ông Trump.
Xung quanh ứng cử viên đối lập là đủ các thành phần, từ giới trẻ đô thị, các nhóm sắc tộc thiểu số, đông đảo cử tri nữ, cũng như người da trắng có học vấn cao và người cao tuổi. Le Figaro dẫn lời một cử tri thuộc nhóm Cộng Hòa chống Trump tuyên bố: « Nếu một hộp sốt cà chua có thể ra ứng cử tổng thống chống Trump, tôi cũng sẽ bỏ phiếu cho nó ».
Biden: thuế vừa phải, đầu tư giáo dục-khoa học, giảm bất bình đẳng, mở cơ hội cho 11 triệu người không giấy tờ…
Tuy nhiên, cuộc tranh cử tổng thống Mỹ không thể chỉ tóm trong một câu « chống Trump ». Báo Les Echos điểm lại 10 điểm chính trong cương lĩnh của ứng viên Biden : không tăng thuế với người khá giả, nhưng tăng trần đóng góp với giới thu nhập cao và doanh nghiệp, nhưng mức cao nhất vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần thuế trước cải cách thuế dưới thời Donald Trump.
Cải thiện bảo hiểm y tế Obamacare. Phát triển sản xuất ngay tại Mỹ, nhưng với tham vọng nhiều hơn ông Trump. Sản phẩm chỉ được công nhận « Made in America », nếu hơn một nửa chất liệu làm tại Mỹ. Đầu tư hàng trăm tỉ đô la cho các công nghệ tương lai. Tăng cường hỗ trợ đào tạọ dân cư vùng xa xôi, tăng lương giáo viên vùng thu nhập thấp. Chú ý đến sức khoẻ tâm thần sinh viên (mà 1/5 có vấn đề, theo Joe Biden). Gia tăng học bổng cho sinh viên gia đình thu nhập trung bình trở xuống. Hỗ trợ nghiệp đoàn. Cải thiện điều kiện của người lao động « tự do ». Giảm bất bình đẳng sắc tộc, tạo điều kiện người da đen vay vốn làm ăn. Tạo cơ hội cho « 11 triệu người nước ngoài không có giấy tờ hợp pháp » có cơ hội thành công dân Hoa Kỳ. Trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris và bình thường hóa quan hệ với các đồng minh chủ chốt truyền thống, là những điểm khác biệt lớn trong cương lĩnh của Joe Biden với Donald Trump. Riêng về Trung Quốc, theo Les Echos, ứng viên Joe Biden tỏ ra « không thật rõ ràng ».
Trump: cương lĩnh như 2016, 10 triệu việc làm mới, tăng cường kiểm soát bộ máy chính quyền
Về cương lĩnh tranh cử của ông Donald Trump, cũng Les Echos có bài tổng hợp, nhấn mạnh Donald Trump giữ nguyên cương lĩnh năm 2016. Tuy nhiên, có hai điểm mới đáng lưu ý. Một là hứa hẹn tạo thêm 10 triệu việc làm mới, để vượt qua khủng hoảng Covid. Thứ hai là, nếu đắc cử, sẽ có nhiều biện pháp để chi phối bộ máy chính quyền hơn. Donald Trump sẽ tiếp tục con đường nắm lấy tư pháp, sau khi đã bổ nhiệm hàng trăm thẩm phán liên bang. Tổng thống sắp mãn nhiệm vừa công bố sắc lệnh về tuyển mộ công chức, cũng cho phép sa thải dễ hơn nhân viên bị coi là « kém hiệu quả ». Nhiều người lo ngại ông Trump sa thải hàng loạt nhân viên Liên bang, để đưa người thân cận thay thế.
« Điểm bất định » hiện nay trong phe Cộng Hòa là quan hệ chính phủ với Thượng Viện, nếu phe Cộng Hòa tiếp tục kiểm soát Nhà Trắng và Thượng Viện. Tổng thống mãn nhiệm không thuyết phục được Thượng Viện, do Cộng Hòa kiểm soát, thông qua kế hoạch chấn hưng kinh tế 1.800 tỉ đô la, trước bầu cử. Les Echos cũng dự đoán, Trump, nếu đắc cử, tiếp tục đối đầu với Trung Quốc trong cuộc chiến về thuế, sẽ lại mở ra vào năm tới. Tuy nhiên, liên minh của « thế giới tự do » đoàn kết với Washington chống Bắc Kinh sẽ khó khăn, do ông Trump ngược đãi nhiều đồng minh trong bốn năm qua.
Việc miễn thuế cho các tài sản lớn, chính sách làm nên sức mạnh của ông Trump, vẫn được duy trì. Tuy nhiên, thái độ nghi ngờ khoa học và chính sách siết chặt nhập cư của Donald Trump khiến Hoa Kỳ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Người ủng hộ Trump đe dọa cử tri Dân Chủ
Hai ứng viên tiếp tục vận động quyết liệt trong hai ngày tranh cử cuối tại các bang quyết định. Theo Les Echos, điều đáng chú ý là hiện tượng nhiều người ủng hộ tổng thống sắp mãn nhiệm quấy rối một số cuộc mít tinh của phe Dân Chủ. Theo một nhân chứng, ủng hộ Joe Biden, nhiều người không dám rời nhà, vì lo ngại an ninh. Tuy nhiên, đe dọa dường như không ngăn được các dòng người đi bỏ phiếu sớm. Tỉ lệ người tham gia bỏ phiếu sớm đạt kỉ lục, với 90 triệu người đã bầu trên toàn quốc, tương đương gần hai phần ba cử tri đi bầu năm 2016.
Bang Pennsylvania là bang quyết chiến. Rất đông người mít tinh ủng hộ ông Trump. Donald Trump hy vọng đoạt được 20 phiếu đại cử tri của bang. Nhưng tổng thống sắp mãn nhiệm cũng giận dữ trước việc Tối Cao Pháp Viện, mà phe Cộng Hòa nắm đa số, đã cho phép bang Pennsylvania tính cả các phiếu bầu do bưu điện gửi đến, chậm tối đa 3 ngày, sau ngày bầu cử chính thức. Kết quả chung cuộc như vậy có thể sẽ bị chậm lại nhiều ngày.
Pháp: Mặc niệm thầy Paty tại tất cả các lớp học
Khủng hoảng biếm họa, thể chế thế tục Pháp bị đe dọa, với nhà trường ở tuyến đầu tiếp tục là chủ đề lớn hôm nay. Le Figaro chạy tựa trang nhất: « Tưởng niệm thầy Samuel Paty : không khí căng thẳng tại trường học ». Vào 11 giờ 15 sáng nay, tất cả các lớp học, từ lớp 1 đến lớp 12, học sinh sẽ dành một phút mặc niệm người thầy giáo bị khủng bố cắt cổ. Le Figaro đặt câu hỏi ngay dòng đầu tiên của bài viết đầy lo lắng: không biết tất cả học sinh có mặc niệm hay không người thầy giáo bị khủng bố sát hại, chỉ vì giới thiệu về các biếm họa nhà Tiên tri Mohamet.
Xã luận Le Figaro thiên hữu mang tựa đề « Một ngày đặc biệt » nhấn mạnh đến việc phút mặc niệm diễn ra cùng với việc học sinh được nghe lại bức thư của Jean Jaurès gửi các thầy cô giáo năm 1888. Jean Jaurès, chính trị gia theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, người ủng hộ nhiệt huyết nhà trường Cộng Hòa ngay từ thuở ban đầu. Có cả một đoạn băng thu âm luật gia Robert Badinter, người thúc đẩy việc hủy án tử hình, và tiếng nói của một số ngôi sao bóng đá, nhắc nhở với học sinh về các giá trị của nhà trường. Điều mà Le Figaro lưu ý là vị thế suy yếu của người thầy giáo trong lớp học, trong bối cảnh học sinh ngày càng chịu ảnh hưởng của những lời lẽ mỵ dân, tuyên truyền đủ loại trên mạng. Người Pháp đang phải bảo vệ quyền được khẳng định các giá trị riêng, ngay tại đất nước mình.
Giáo viên : « cùng lúc 2 chiến tuyến »
Nhật báo thiên tả Libération cũng tập trung vào phút mặc niệm, nhưng đứng hẳn về phía người giáo viên, với hàng tựa trang nhất « Thể chế thế tục, Covid : Giáo viên trên tuyến đầu », với ghi nhận : các nhà giáo đến lớp với cảm giác bị bỏ rơi, khi không được chuẩn bị đủ, để giải thích với học sinh về cái chết của đồng nghiệp Samuel Paty, cũng như bị đặt vào tình huống có thể làm việc trong tâm dịch, nhưng không có các bảo đảm về vệ sinh dịch tễ ».
Bài xã luận mang tựa đề « Tuyến đầu » nhấn mạnh đến hành động anh hùng của người thầy giáo vừa hy sinh, khi giải thích cho học sinh biết thế nào là tự do ngôn luận. Cái chết của ông, người thầy hy sinh khi tham gia vào việc giúp cho các tâm hồn trẻ trở thành các công dân sáng suốt sau này, giúp cho học sinh thấm thía cái giá của một « nền dân chủ tự do ». Libération cũng nhấn mạnh đến tình huống đặc biệt hiện nay, hơn bất cứ nơi nào khác, nhà trường đang ở tuyến đầu trên cả hai mặt trận, một bên là bảo vệ tự do ngôn luận, xây dựng thể chế thế tục, chống lại cuồng tín đủ loại, bên kia là môi trường dịch bệnh rình rập. Nhà trường có thể biến thành ổ dịch bất cứ lúc nào. Nhưng hiện tại không có cách nào khác, bởi trường học vẫn phải tiếp tục mở cửa, để cha mẹ học sinh có thể tiếp tục làm việc.
Bỏ cực đoan, hướng đến đối thoại
Vẫn về chủ đề khủng hoảng tranh biếm họa và thể chế thế tục Pháp tại nhà trường bị thách thức, La Croix có bài xã luận « Giải thích và đối thoại ». Nhật báo Công giáo một mặt vinh danh nhà giáo hy sinh, lên áo bạo lực khủng bố, nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh đến đòi hỏi : không rơi vào các cực đoan. Cực đoan « không thừa nhận ai cũng có quyền phê phán tôn giáo », và cực đoan coi biếm họa là một « quyền thiêng liêng ». Theo La Croix, không thể phó thác duy nhất cho các thầy cô giáo, nhiệm vụ giáo dục, giải thích và đối thoại với học sinh. Tất cả mọi người đều có nghĩa vụ tham gia. Cần làm sáng tỏ vấn đề : bảo vệ quyền tồn tại của tranh biếm họa (về tôn giáo chẳng hạn), không có nghĩa là có quan điểm tán đồng nội dung của các bức biếm họa. Theo La Croix, đây chính là điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ trên kênh truyền hình Ả Rập Al-Jazira, nhằm loại bỏ một số hiểu lầm. « Hơn bao giờ hết, thể chế thế tục của Pháp cần được giải thích rõ ràng ».
« Chống man rợ, dạy kỹ về lịch sử tốt hơn là biếm họa »
Về chủ đề này, Les Echos có bài tiểu luận, rất đáng chiêm nghiệm của Dominique Moisi. Theo ông Moisi, nước Pháp đừng để bị rơi vào chiếc bẫy của chính mình, trở thành món mồi ngon cho các thế lực Hồi giáo cực đoan đầy thù hận, uất ức vì thất bại trên nhiều mặt trận, đang tìm cách trả thù. Nhà viết tiểu luận của Les Echos khuyến cáo, để khẳng định tự do, nên nghiêng về phía đào sâu môn lịch sử. Và cá nhân, ông « thích bức họa của Delacroix ”Tự do dẫn dẳt nhân dân” hơn là các biếm họa của ”Charlie Hebdo”, thích bộ ngực trần của người phụ nữ, biểu tượng tự do trong bức tranh, hơn là cái mông của Mohamet ». Tác phẩm đầu tiên « nâng bổng » tâm hồn, còn tác phẩm thứ hai thì không phải vậy. Châm biếm tột đỉnh là châm biếm chính mình, châm biếm mà không xâm hại người khác, đặc biệt là những người, vì nhiều lý do, như tôn giáo, văn hoá, xã hội – kinh tế, không có khả năng cất lên tiếng cười. Dominique Moisi nhấn mạnh: « tự do ngôn luận là quyền bất khả xâm phạm và không thể có giới hạn ». Thế nhưng, cũng không nên « khua chiếc bật lửa ngay bên cạnh ngòi thuốc súng, chỉ đơn giản để cho vui và để khẳng định bản sắc ». Sử dụng quyền tự do ngôn luận, bày tỏ quan điểm cá nhân đúng lúc, cũng là đạo lý có trách nhiệm trong hành động.
Pháp tái phong toả: các chủ hiệu sách phẫn nộ
Nước Pháp tái phong tỏa chống Covid, nhưng lần thứ hai không chắc đã suôn sẻ như lần đầu. Les Echos nói đến việc « Các cơ sở buôn bán nhỏ: tâm điểm của mặt trận chống chính sách phong toả ». Libération có bài : « Đối với các nhà buôn bán nhỏ, đây là cuộc chiến sống còn ». Le Monde có bài xã luận « Tái phong tỏa, những người buôn bán nhỏ nổi giận », tập trung giới thiệu về giới chủ hiệu sách nhỏ. Tính chất bất công nổi rõ, bởi chính phủ nêu lý do sách là mặt hàng « không thiết yếu ». Tuy nhiên, sách vẫn được bán ở các siêu thị, và rồi nếu siêu thị không được bán, thì các hãng bán sách qua mạng sẽ chiếm lĩnh toàn bộ thị trường này. Những người bán sách phẫn nộ, vì người ta có thể tiếp tục bán thuốc lá ở đầu phố, nhưng hiệu sách thì bị đóng cửa, trong lúc các hiệu sách vốn đã ở trong tình trạng bị kinh doanh qua mạng cạnh tranh quyết liệt. Bất bình này có thể châm ngồi nổ cho một cuộc phản kháng xã hội lớn. Le Monde so sánh với phong trào Áo Vàng trước đây. Nhật báo cánh trung thừa nhận chính phủ không dễ đưa ra giải pháp. Tổng thống Macron hứa sẽ xem xét lại quyết định này trong vòng 2 tuần.
Tin tổng hợp
(AFP) – Trung Quốc kiểm kê dân số.
Bỏ chính sách một con có làm tăng dân số hay không ? Để trả lời câu hỏi này, Trung Quốc huy động 7 triệu nhân viên đến tận nhà kể từ 01/11/2020 để kiểm kê dân số trong một chiến dịch toàn quốc, thực hiện mỗi 10 năm. Lần này, trùng hợp với thời gian 10 năm bỏ chính sách cưỡng chế một con, người dân có thể khai báo qua internet. Kết quả đợt kiểm kê 2010 cho thấy dân Trung Quốc tăng thêm 73 triệu so với thập niên trước : 1.339.724.852 người, tăng 5,3% trong vòng 10 năm.
(AFP) – Cựu tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak lại vào tù.
Ông Lee Myung Bak bị bắt giam từ ngày 02/11/2020, chỉ vài ngày sau khi Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc y án 17 năm tù đối với cựu tổng thống Hàn Quốc từ năm 2008-2013. Ngày 29/10, ông bị kết án tham nhũng : biển thủ 25,2 tỉ won và nhận hối lộ 9,4 tỉ won. Như vậy, trừ khi được ân xá hoặc được giảm án, cựu tổng thống, hiện 78 tuổi, sẽ sống phần còn lại của cuộc đời đằng sau song sắt.
(AFP) – Edward Snowden xin nhập tịch Nga, nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Mỹ.
Cựu chuyên gia phân tích tin và người báo động Edward Snowden, hiện đang bị Mỹ truy nã, ngày 02/11/2020 trên Twitter giải thích việc giữ nguyên quốc Mỹ kể từ giờ được phép sau khi Nga sửa đổi luật công dân và nhập cư. Việc xin nhập quốc tịch Nga cũng diễn ra vào lúc Edward Snowden hay tin người bạn đời Lindsay Mills vừa cấn thai. Snowden giải thích rằng anh và vợ « muốn giữ nguyên quốc tịch Mỹ và nuôi dạy con theo những giá trị của Mỹ mà họ yêu thích, kể cả tự do ngôn luận ».
(AFP) – Indonesia : Hàng ngàn người Hồi Giáo biểu tình phản đối Macron.
Hàng chục ngàn người, tay cầm tấm biển tả tổng thống Pháp như là một tên « khủng bố » đã tụ tập trước tòa đại sứ Pháp ở thủ đô Jakarta ngày 02/11/2020. Những người biểu tình, tiếp nối phong trào phản đối bùng phát sau những bình phẩm của nguyên thủ Pháp về đạo Hồi, đã yêu cầu ông Macron phải xin lỗi và rút lại những tuyên bố của ông.
(AFP) – Thượng Karabakh : Azerbaijan sẽ đi đến cùng nếu đàm phán thất bại.
Bên cạnh ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusoglu, hiện đang thăm Baku, tổng thống Ilham Aliyev ngày hôm qua 01/11/2020 đã mạnh mẽ tuyên bố như trên. Tổng thống Azerbaijan còn cho rằng việc Erevan cầu cứu Nga hỗ trợ quân sự là không có cơ sở. Trên thực địa, các vụ oanh kích vẫn tiếp diễn dữ dội tại Thượng Karabakh cũng như là xung quanh vùng ly khai này.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201102-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p
Điểm tin thế giới sáng 2/11:
Nguy cơ chạy đua vũ trang tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương
Quý Khải
Mục lục bài viết
Nguy cơ chạy đua vũ trang tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương
Mỹ và Trung Quốc ‘chạy đua’ hiện đại hóa và mở rộng vũ khí hải quân
Số ca viêm phổi Vũ Hán ở châu Âu tăng gấp đôi trong vòng 5 tuần
Nửa dân số Slovakia xét nghiệm virus cúm Vũ Hán
Người Công giáo chỉ trích Biden ủng hộ chính sách phá thai và đe dọa các nữ tu
Mục Điểm tin thế giới sáng thứ Hai (2/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Nguy cơ chạy đua vũ trang tại Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương
Tình trạng xuất khẩu vũ khí toàn cầu đang gia tăng. Từ Trung Đông đến Đông Nam Á, các nền kinh tế mới nổi đang xây dựng kho vũ khí của riêng mình. Lần này, khác với thời Chiến tranh Lạnh, các nước xuất khẩu vũ khí đang tiếp thị sản phẩm của họ với tư duy kinh doanh hơn là tư duy chính trị, nhưng nếu những vũ khí này được tăng cường mua bán, chúng có thể gây ra một cuộc chạy đua vũ trang và làm trầm trọng thêm căng thẳng trong khu vực, theo Nikkei Asia.
Một số quốc gia Trung Đông đã bày tỏ mong muốn mua máy bay phản lực tàng hình F-35 – loại máy bay phản lực thế hệ thứ 5 rất khó bị phát hiện trên radar. Trong khi Nhật Bản, Israel và các đồng minh khác của Mỹ đã sở hữu F-35, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Qatar cũng bày tỏ sự quan tâm đến loại máy bay phản lực này được sản xuất tại Mỹ.
Tại Đông Nam Á, nơi căng thẳng đang gia tăng trên Biển Đông, số hàng nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 6,7 lần và của Indonesia là 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng kinh tế của các quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang thúc đẩy nhu cầu thu mua thêm vũ khí.
Ngày nay, các thị trường ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đang gia tăng tỷ trọng tiêu thụ vũ khí toàn cầu. Nguyên nhân phần lớn là do khu vực này có nhiều đồng minh của Mỹ, bao gồm Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản. Heigo Sato, giáo sư tại Đại học Takushoku ở Tokyo, giải thích: “Mỹ đang nghĩ rằng thay vì trực tiếp triển khai quân đội, họ nên xuất khẩu vũ khí và nâng cao khả năng quân sự của đồng minh”.
Mỹ và Trung Quốc ‘chạy đua’ hiện đại hóa và mở rộng vũ khí hải quân
Các nhà phân tích cho biết, cuộc chạy đua giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nhằm phát triển một lực lượng hải quân có thực lực hơn dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường gay gắt, với việc Washington có kế hoạch trang bị tên lửa siêu thanh cho các tàu khu trục của mình, vượt mặt tên lửa chống hạm siêu thanh của Trung Quốc, theo SCMP.
Động thái lắp đặt các vũ khí tối tân được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết hồi đầu tháng 10 rằng Hải quân Mỹ sẽ cần hơn 500 tàu trong hạm đội của mình để đảm bảo ưu thế trên biển so với Trung Quốc trong những thập kỷ tới.
Theo trang tin quân sự Defense News, dẫn lời cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien, Mỹ sẽ trang bị tên lửa siêu thanh cho các tàu ngầm tấn công và tàu khu trục của mình nhằm ngăn chặn mối đe dọa đang gia tăng do Trung Quốc gây ra ở Thái Bình Dương.
Số ca viêm phổi Vũ Hán ở châu Âu tăng gấp đôi trong vòng 5 tuần
Theo thống kê của hãng tin Reuters, số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán mới ở châu Âu đã tăng gấp đôi trong vòng 5 tuần, đẩy khu vực này vượt qua cột mốc ảm đạm 10 triệu ca nhiễm.
Với 10% dân số thế giới, Châu Âu chiếm khoảng 22% tổng số 46,3 triệu ca nhiễm cúm Vũ Hán toàn cầu. Với hơn 269.000 người chết, khu vực này chiếm khoảng 23% tổng số người chết vì viêm phổi Vũ Hán trên toàn cầu, ghi nhận gần 1,2 triệu ca tử vong.
Trong bối cảnh làn sóng ca nhiễm mới tăng đột biến, 3 nước Pháp, Đức và Anh đã tái áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc trong ít nhất một tháng tới với mức độ nghiêm ngặt tương tự hồi đỉnh dịch vào tháng Ba và tháng Tư. Bồ Đào Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa một phần, còn Tây Ban Nha và Ý đang thắt chặt các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Nhân viên y tế điều trị cho một bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán bằng máy chụp cắt lớp vi tính trong Đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) tại bệnh viện cộng đồng Havelhoehe ở Berlin, Đức, hôm 30/10.
Nửa dân số Slovakia xét nghiệm virus cúm Vũ Hán
Gần một nửa dân số Slovakia đã lấy mẫu xét nghiệm virus cúm Vũ Hán hôm thứ Bảy (31/10), ngày đầu tiên trong chương trình xét nghiệm virus Vũ Hán trên toàn quốc kéo dài hai ngày. Chính phủ hy vọng sẽ việc này sẽ giúp đẩy lùi sự gia tăng nhanh chóng số ca lây nhiễm mà không phải viện đến biện pháp phong tỏa chặt, theo Reuters.
Chương trình xét nghiệm quy mô toàn quốc này là chưa từng có tiền lệ, và hiện đang được các quốc gia khác theo dõi với mục tiêu làm chậm sự lây lan của dịch bệnh và tránh làm quá tải hệ thống y tế của họ.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Nad cho biết hôm Chủ nhật (1/11) rằng có 2,58 triệu người Slovakia đã tham gia xét nghiệm hôm thứ Bảy, và 25.850 người hay 1% trong số đó cho kết quả xét nghiệm dương tính và đã đi cách ly.
Quốc gia EU này có tổng cộng 5,5 triệu dân và đặt mục tiêu xét nghiệm tối đa có thể, ngoại trừ trẻ em dưới 10 tuổi.
Người Công giáo chỉ trích Biden ủng hộ chính sách phá thai và đe dọa các nữ tu
Các cử tri Công giáo chỉ trích mạnh mẽ ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, người lợi dụng đức tin Công giáo của ông ta trong chiến dịch tranh cử, nhưng thực sự chống lại nó bằng cách ủng hộ phá thai và đe dọa các nữ tu, theo The BL.
“Ông ta không thể nói mình là một người thực hành Công giáo, đồng thời lại ủng hộ việc giết trẻ em trong bụng mẹ. Làm như vậy là hành động tàn ác và đáng khinh bỉ”, bà Lila Rose, người sáng lập và chủ tịch của Live Action, một tổ chức ủng hộ sự sống, cho biết hôm 30/10.
“Ông ta không thể nói rằng ông ta ‘không biết’, khi mà đức tin và luân lý đạo đức cơ bản đã tuyên bố dõng dạc và rõ ràng rằng ‘Quý vị không được giết người!’”, Rose viết.
Ashley McGuire, một thành viên cấp cao của Hiệp hội Công giáo, cũng lên tiếng: “Joe Biden đã vận động bầu cử dưới danh nghĩa đức tin Công giáo của ông ta, trong khi lại hứa hẹn các chính sách trái ngược với giáo lý Công giáo, và thậm chí đe dọa Little Sisters of the Poor [học viện Công giáo dành cho phụ nữ]”.
Điểm tin thế giới tối 2/11:
Trung Quốc kêu gọi Úc ‘thức tỉnh’; Tổng Giám đốc WHO
‘tự thú’ cách ly, cư dân mạng chia buồn hay chia vui?
Triệu Hằng
Mục lục bài viết
Trung Quốc kêu gọi Úc “thức tỉnh”
Tổng Giám đốc WHO ‘tự thú’ cách ly, cư dân mạng chia buồn hay chia vui?
Chính sách chống dịch COVID-19 của Biden tốn gấp 6 lần so với kế hoạch của TT Trump
Các nhà lập pháp Châu Âu lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham dự Cuộc họp của WHO
Biểu tình đại dịch là phép thử ảnh hưởng của TT Nga Putin ở các nước Liên Xô cũ
Mục Điểm tin thế giới tối thứ Hai (2/11) của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Trung Quốc kêu gọi Úc “thức tỉnh”
Các nhà xuất khẩu Úc phải đối mặt với một cuộc săn tìm các thị trường mới khi căng thẳng với Trung Quốc đạt đỉnh điểm, gây tổn hại cho các doanh nghiệp cả hai bên.
Theo tin từ Nikkei, Trung Quốc đã giảm hoặc ngừng nhập khẩu bông và than của Úc trong những tuần gần đây. Ngoài ra, trên cả điều đó là các mức thuế khổng lồ áp lên lúa mạch Úc và lệnh cấm thịt bò từ 5 nhà sản xuất lớn của Úc. Gã khổng lồ châu Á cũng đang xem xét đánh thuế đối với rượu vang Úc.
Trong khi mối quan hệ của Úc đối với đối tác thương mại số 1 của họ đã trên “băng mỏng” bất cứ lúc nào cũng có thể bị sụp xuống kể từ năm 2017, thì những căng thẳng đang leo thang nhanh chóng vào đầu năm nay sau khi Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc Covid-19. Kết quả là hàng hóa nông nghiệp – trị giá 13 tỷ đô la Úc hàng năm (khoảng 9,25 tỷ đô la Mỹ) – đã phải chịu thiệt hại ngoài dự kiến ở mức lớn nhất.
“Những gì Trung Quốc đang làm là bắn ra các phát súng khác nhau và thử xem Úc sẵn sàng chịu hình phạt ở mức nào”, Naoise McDonagh từ Học viên Thương mại Quốc tế Đại học Adelaide, cho biết và nói thêm rằng: “Nó giống như “dò đá qua sông” ném ra để hiểu xem có thể tạo ra bao nhiêu đòn bẩy”.
Bình luận của McDonagh đã nhắc tới luận thuyết kinh tế “mạc trước thạch đầu quá hà” của Đặng Tiểu Bình trong giai đoạn cải cách kinh tế vào những năm 1980, ý nói “mò mẫm phát triển”.
Tổng Giám đốc WHO ‘tự thú’ cách ly, cư dân mạng chia buồn hay chia vui?
Vào lúc 5h43 sáng ngày 2/11/2020, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đăng trên Twitter một dòng “tự thú” có nội dung: “Tôi đã được xác định là đã tiếp xúc với một người có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Tôi khỏe và không có triệu chứng nhưng sẽ tự cách ly trong những ngày tới, phù hợp với giao thức của WHO, và làm việc tại nhà.”.
Sau 5 giờ đăng, dòng tweet của ông ấy nhận được hơn 6,7 nghìn lượt tương tác “thả tim”. So với những tweet khác của ông Tedros chỉ nhận được vài trăm lượt tương tác thì đây là một sự đột biến lớn.
Trong bối cảnh các quốc gia lên án Trung Quốc và Tổng giám đốc WHO phải chịu trách nhiệm về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và yêu cầu ông Tedros từ chức thì rộ lên vô số những lượt “yêu thích” của cư dân mạng cho dòng tweet nói trên của ông ấy khiến người ta không khỏi thắc mắc, cư dân mạng đang chia buồn hay chia vui với ông ấy.
Chính sách chống dịch COVID-19 của Biden tốn gấp 6 lần so với kế hoạch của TT Trump
Chính phủ Mỹ vào mùa xuân này đã thực hiện các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ chưa từng có để giải quyết tình trạng suy thoái kinh tế do đại dịch. Chính phủ liên bang dự kiến sẽ thông qua nhiều biện pháp kích thích hơn sau cuộc bầu cử vì cả Tổng thống Donald Trump và ứng cử viên tổng thống Joe Biden đều đề xuất các hành động bổ sung để ứng pháp với các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe, theo The Epoch Times.
Người ủng hộ tới trong cuộc mít tinh tranh cử của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Rome, Georgia, Hoa Kỳ, ngày 1/11/2020 (ảnh: REUTERS/Brandon Bell).
Một bài báo mới của Ủy ban về Ngân sách Liên bang có Trách nhiệm cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa các đề xuất chi phí từ Tổng thống Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden.
Tổng thống Trump đề xuất chi tiêu bổ sung và giảm thuế để giải quyết đại dịch và các ảnh hưởng kinh tế của nó. Đề xuất của Tổng thông Trump sẽ tiêu tốn từ 530 tỷ đô la đến 870 tỷ đô la, với một ước lượng trung tâm là 650 tỷ đô la, theo bài báo.
Trong khi đó, đề xuất của Joe Biden để giải quyết dịch Covid-19 yêu cầu chi tiêu bổ sung từ 2 nghìn tỷ đô la đến 4,2 nghìn tỷ đô la, với ước tính trung tâm là 3,1 nghìn tỷ đô la, gần gấp 6 lần so với kế hoạch của Tổng thống Trump.
Các nhà lập pháp Châu Âu lên tiếng ủng hộ Đài Loan tham dự Cuộc họp của WHO
The Epoch Times đưa tin, hơn 100 nhà lập pháp và quan chức châu Âu đang kêu gọi người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép Đài Loan tham gia một cuộc họp quốc tế sắp tới.
Bộ Ngoại giao Đài Loan bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ mà họ nhận được từ các nước châu Âu trong một thông cáo báo chí vào ngày 1/11. Lời kêu gọi gửi tới Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đưa ra chỉ vài ngày trước khi Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 73, cơ quan ra quyết định của WHO, sẽ triệu tập lại vào ngày 9/11.
Theo thông cáo báo chí, 4 nhà lập pháp châu Âu Waldemar Andzel từ Ba Lan, Istvan Tiba từ Hungary, Peter Osusky từ Slovakia, và Marek Benda từ Cộng hòa Séc – đã gửi một lá thư chung tới ông Tedros hôm 22/10.
102 nhà lập pháp và các quan chức từ Estonia, Latvia, và Lithuania đồng ký thư.
Biểu tình đại dịch là phép thử ảnh hưởng của TT Nga Putin ở các nước Liên Xô cũ
Reuters đưa tin, khi những thường dân xông vào các tòa nhà chính phủ và truy đuổi tổng thống tại nước cộng hòa Trung Á Kyrgyzstan sau cuộc bầu cử tranh chấp hồi tháng trước, Vladimir Putin dường như không mảy may quan tâm.
Tuy nhiên, trong một hội thảo truyền hình của Câu lạc bộ thảo luận Valdai, có sự tụ họp của các chuyên gia Nga, từ dinh thự của mình, Putin nói rằng: “Mỗi khi họ có một cuộc bầu cử, thực tế là họ có một cuộc đảo chính”, “Điều này không vui chút nào.”
Nhận định của Putin có thể có giá trị, bởi lẽ Kyrgyzstan, một nền dân chủ nghị viện trên giấy, đã trải qua 3 cuộc cách mạng trong hai thập kỷ qua. Nhưng cuộc cách mạng mới nhất này thì lại khác. Phong tỏa đã diễn ra gay gắt đối với hàng triệu người trên toàn thế giới và các cuộc phản đối đang gia tăng khi các hạn chế gia tăng.
Kyrgyzstan, quốc gia 6,5 triệu dân, không phải là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ duy nhất gần đây đã bừng cháy, nhấn mạnh rằng sự kìm kẹp của Nga đối với khu vực mà họ từng kiểm soát nay đã suy yếu.
Putin còn phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị do Covid gây ra ở khoảng 4.500 km về phía tây ở Belarus, một nước thuộc Liên Xô cũ, nơi có đồng minh thân thiện và nhà lãnh đạo kỳ cựu Alexander Lukashenko đã bác bỏ tính nghiêm trọng của căn bệnh và bảo người dân uống vodka để xua đuổi nó.
0 comments