Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 02/11/2020

Monday, November 2, 2020 5:56:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 02/11/2020

Thủy điện miền Trung VN: Cần xem xét, cân nhắc những gì?

Có bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam cho rằng thủy điện có vai trò tích cực với điều tiết nước, cắt lũ, trong khi người đứng đầu nội các, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lưu ý quan hệ giữa thủy điện nhỏ và tình trạng phá rừng, theo truyền thông nhà nước Việt Nam hôm thứ Hai.

Hôm 02/11/2020, báo Thanh Niên dẫn lời Bộ trưởng Công thương Việt Nam, ông Trần Tuấn Anh, tại một thảo luận ở tổ giữa các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, cho rằng thủy điện tại Việt Nam hiện “an toàn” và có vai trò tốt, .

Ông được dẫn lời nói:

“Hiện có 401/401 các đập thủy điện đã được chủ đập thực hiện theo đúng quy định về báo cáo hiện trạng an toàn đập; 100% đập thực hiện đúng quy định về bảo trì, kiểm tra, sửa chữa đập; có 376/401 đập chủ đập thực hiện theo đúng quy định về quy trình vận hành hồ chứa.

“Có 401/401 hồ chứa có các quy trình đã được các cơ quan có thẩm quyền của T.Ư hoặc địa phương phê duyệt theo quy định về phương án ứng phó thiên tai cũng như tham gia phối hợp trong phòng chống ứng phó bão lũ tại địa phương.

Đập thủy điện làm thay đổi thế giới ra sao

Thủy điện và lũ lụt miền Trung: Tội đồ hay bị oan, theo giới khoa học Việt Nam

Vì sao thiên tai ở miền Trung VN ngày càng trầm trọng?

Bão lụt miền Trung Việt Nam: Người dân chưa thấy dấu ấn các lãnh đạo?

Mưa lũ miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?

“Qua thực tế, tất cả hồ, đập thủy điện tại khu vực đều đảm bảo an toàn về an toàn đập cũng như vận hành của hồ… Thực tế, qua số liệu quan trắc cho thấy các hồ thủy điện có tác dụng điều tiết, cắt lũ.”

“Sạt lở là do thời tiết, mưa bão”

Cũng hôm thứ Hai, báo Tuổi Trẻ dẫn lời của ông Bộ trưởng Công thương Việt Nam tại cuộc thảo luận tại tổ giữa các Đại biểu Quốc hội Việt Nam, nhận định:

“Một số thông tin hồ đập thủy điện ở miền Trung và một số địa phương xả lũ gây ngập lụt, đấy là cách viết thông tin trên truyền thông. Thực tế, qua số liệu quan trắc và khí tượng thủy văn, như hồ thủy điện Đắc Mi 4 có thời điểm nước về hồ lên tới 17.000m3/giây, nhờ khả năng điều tiết, chứa nước đã cắt lũ đến tới 55%, không thì ngập lụt trắng toàn vùng hạ lưu.”

Báo Tuổi trẻ cũng dẫn lời của Bộ trưởng Tài nguyên, Môi trường Việt Nam, tại sự kiện này cho biết:

“Nguyên nhân sạt lở được kích hoạt chính là do mưa bão kỷ lục cường độ cao, kéo dài liên tục. Đất đá bị bão hòa, sũng nước, vừa làm tăng các lực gây trượt, vừa làm giảm các lực kháng trượt, thúc đẩy nhanh quá trình trượt lở.

“Theo nghiên cứu, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày hoặc nhỏ hơn nhưng kéo dài liên tục hàng chục ngày là đã đủ để khiến cho đất đá bị bão hòa nước. Trong khi đó khu vực miền Trung vừa qua mưa vừa lớn lại vừa kéo dài.”

Hôm 02/11, vẫn báo Tuổi Trẻ dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc, phát biểu về vấn đề trên.

“Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau nhưng ông lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở.

“Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được,” Thủ tướng nhấn mạnh cần phải đánh giá đầy đủ toàn diện hơn để có biện pháp tối đa, thúc đẩy tăng trưởng xanh hơn, hạn chế tác động của con người, hạn chế lấy rừng, lấy đất.”

Đối với vấn đề phát triển thủy điện nhỏ, vẫn theo báo chí nhà nước, Thủ tướng Phúc nhấn mạnh phải “xem xét để hạn chế phá rừng, tới đây những công trình nào xây dựng liên quan đất rừng phải trình Quốc hội xin ý kiến.”

Chuyên gia từ miền Trung nói gì?

Hôm thứ Hai, một chuyên gia phát triển cộng đồng và nông thôn ở miền Trung Việt Nam bình luận với BBC về các luồng ý kiến nói trên trong nội các chính phủ Việt Nam và những tranh cãi liên quan vai trò thủy điện, thủy điện nhỏ và tác động môi trường của các công trình này.

“Theo dõi các phát biểu trên, suy nghĩ và cảm nhận ban đầu, tôi nghĩ rằng vấn đề thủy điện và thủy điện nhỏ là một vấn đề không dễ cho một câu trả lời ngắn gọn, dù trên diễn đàn nào,” nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang nói với BBC News Tiếng Việt hôm 02/11 từ Quảng Bình trong lúc ông đang tham gia một dự án khảo sát thực tế ở địa phương.

“Tôi nghĩ là cần phải đi vào bối cảnh cụ thể của từng trường hợp một và nếu chúng ta có thể nhìn nhận một cách tổng thể, thì có thể có một số vấn đề kinh tế – xã hội đối với thủy điện nhỏ ở Việt Nam nói chung và miền Trung Việt Nam nói riêng.

“Còn nói chung, người ta cho rằng thủy điện nhỏ cũng có lợi ích, cũng như tác hại và nguy cơ nhỏ hơn so với những thủy điện quy mô trung và lớn.

“Nhưng người ta cũng quan ngại việc lạm dụng thủy điện nhỏ để khai thác rừng, lấy tài sản từ rừng để bù đắp chi phí đầu tư vào thủy điện, hoặc thậm chí khai thác tài nguyên khác, trong đó có khoáng sản ở khu vực lập thủy điện là một vấn đề.

“Đó là câu chuyện mang tính chất lợi dụng, nhân danh thủy điện, để mà khai thác gỗ, lợi dụng để mà khai thác khoáng sản, hay đặc biệt nghiêm trọng là khai thác sát hại những khu bảo tồn, thì những khu thủy điện đó phải nói thẳng là có hại.

“Còn những thủy điện nhỏ bình thường ở những khu vực mà an toàn, ở những khu vực không gây hại đến môi trường, tức là đối với mỗi trường hợp cụ thể, thì người ta phải cân nhắc những điểm hợi và điểm hại cụ thể, về kinh tế, môi sinh về tác động đến môi trường, tác động đến xã hội, con người, nếu không người ta có thể lạm dụng, tôi nhấn mạnh là cân nhắc lợi hại cần cụ thể cho từng trường hợp, vì chúng khác nhau.”

Đánh giá thế nào trong bối cảnh ‘tham nhũng’ tồn tại?

Vì những khía cạnh trên, chuyên gia về phát triển cộng đồng và nông nghiệp, nông thôn từ miền Trung Việt Nam, ông Đặng Ngọc Quang cho rằng khó có một đáp án chung, một câu trả lời chung nhất cho tất cả các thủy điện nhỏ, nếu nhà nước và giới quản lý vĩ mô, các nhà hoạch định chính sách thiếu các nghiên cứu đánh giá tổng thể, đồng thời có tham chiếu phản biện về các nghiên cứu trường hợp và được cập nhật về chính sách và thông tin quản lý, vận hành.

Tuy nhiên, ông Quang đưa ra một bình luận lưu ý từ một góc độ khác, ông nói:

“Song trong bối cảnh tham nhũng, bối cảnh lạm dụng quyền lực, bối cảnh quan hệ sân sau còn tồn tại và phổ biến khá mạnh như tại Việt Nam hiện nay, khả năng thủy lợi nhỏ bị lợi dụng để các nhóm lợi ích, thậm chí nhóm lũng đoạn chính sách làm lợi cho mình, trong khi làm hại cho môi trường, làm hại cho tài nguyên thiên nhiên, hoặc làm hại cho rừng nguyên sinh, cho đời sống kinh tế, xã hội ở cộng đồng, làm hại cho môi trường sinh thái địa phương v.v…, những cái đó chứng tỏ trên thực tế rằng không ít những thủy điện nhỏ đã xâm hại đến môi trường, xã hội, thiên nhiên, tài nguyên.

“Và những tác hại đó đem lại lợi nhuận, lợi ích nhiều hơn cho những người thủ lợi, các nhóm lợi ích, lũng đoạn, so với những cái mà người ta bỏ ra đầu tư và đầu tư ban đầu cho thủy điện nhỏ, và đó là động cơ để người ta lợi dụng, lạm dụng.

“Và tôi cũng thấy có việc khác là người ta không tính đến những nguy cơ sạt lở có thể xảy ra trở lại, có thể bị gây ra trở lại, khi người ta làm thủy điện nhỏ ở những khu vực nguyên sinh, thí dụ như là tác động của con đường đến việc khai thác lậu tài nguyên rừng của những người lâm tặc trong những khu rừng nguyên sinh.

“Người ta đã thấy rất rõ những con đường mở vào thủy điện ở những khu vực nguyên sinh là những lối mở giúp xâm nhập dễ dàng hơn cho những kẻ xâm nhập vào những khu rừng nguyên sinh để lâm tặc tăng cường phá hoại rừng, và cái này đã được nhiều nghiên cứu xác nhận.

“Ngoài ra, thủy điện nhỏ như trường hợp mà người ta đã xác định ở một số nơi ở miền Trung trong đợt lũ lụt, lở đất năm nay, đó là nó làm ảnh hưởng tới kết cấu địa chất, làm suy giảm kết cấu bền vững ở nhiều khu vực đất đai mà có thể làm xảy ra tai nạn, rồi kết hợp với việc lấy đất, lấy rừng, chúng cộng hưởng làm tăng nguy cơ sụt lở rất lớn ở gần những nơi lập các thủy điện.

“Rồi nguy cơ mà người ta tái định cư, di cư dân đến những nền đất mà bị trở nên lỏng và yếu hơn, dù người ta đã có bồi đắp thêm vào ở những khu vực tái định cư đã dẫn đến khả năng sạt lở nguy hiểm của cả một cộng đồng ở địa phương, như xảy ra với quy mô cả một làng mà do nền đất yếu, khi mà khả năng lũ quét lớn do cây rừng, lớp bảo vệ không còn nữa hoặc suy yếu đi, thì những tác hại là vô cùng to lớn.

“Và nhìn lại, tôi nghĩ những tính toán dài hơi đã không được, hay thiếu được xem xét, do đó xét về tổng thể, để làm căn cứ cho hoạch định chính sách, Việt Nam cần phải có những điều tra, khảo sát ngay lập tức và cập nhật liên tục để xem xét và tính toán trong những khu vực thủy điện nhỏ mà người ta đã quy hoạch, có bao nhiêu cái có nguy cơ gây hại, nguy cơ cụ thể, tiềm tàng ra sao, cho con người và cho môi trường.

“Nhưng nhiều nghiên cứu độc lập đã chỉ ra và khẳng định, những nguy cơ, nguy hại đó đã thực sự là lớn hơn những lợi ích mà thủy điện nhỏ đem lại, trong khi thông thường các thủy lợi nhỏ mang lại những công suất phát điện nói chung là thấp, và tôi cho rằng chính phủ, nhà nước không nên nói khái quát, chung chung được, mà phải xem xét từng trường hợp cụ thể và phải mở ra để lắng nghe những tiếng nói phản biện từ địa phương, từ các giới trong đó có giới khoa học, giới nghiên cứu, trong khi cần cảnh giác với ảnh hưởng tinh vi của các nhóm lợi ích, lũng đoạn chính sách vốn có thể gây ra những ảnh hưởng để họ được hưởng lợi nhiều hơn,” nhà nghiên cứu Đặng Ngọc Quang nói.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54781844

Gần 3 ngàn người dân Phước Sơn bị cô lập

do sạt lở/ Hàng chục ngàn hộ dân ở Hà Tĩnh,

Nghệ An mất điện sau bão

Gần 3 ngàn người dân ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam đang bị cô lập bởi sạt lở và hàng ngàn nhà dân ở Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn chưa có điện trở lại do bão số 9 đổ vào các tỉnh miền Trung Việt Nam tuần qua.

Thông tin trên được truyền thông Nhà nước Việt Nam loan vào ngày 2 tháng 11.

Theo tin, hiện để ứng cứu người dân huyện Phước Sơn, Trung đoàn 930 thuộc sư đoàn không quân 372 đã dùng máy bay thả hàng cứu trợ đến cho người dân.

Số hàng cứu trợ được Trung đoàn 930 cho biết gồm lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men, đủ để gần 3 ngàn người dân đang bị cô lập dùng trong vòng 1 tháng cho đến khi giao thông được thông tuyến trở lại.

Cũng trong ngày 2/11, tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) cho biết do lượng mưa lớn sau bão nên nhiều đường dây trung thế bị sự cố cây ngã đổ khiến các trạm biến áp mất điện, ngoài ra do lũ dâng cao nên EVN chưa thể khắc phục cung cấp điện cho khách hàng kịp thời.

Hiện tại Nghệ An, gần 17 ngàn hộ dân còn mất điện. Tại Hà Tĩnh, hơn 3 ngàn hộ dân ở huyện Hương Sơn và Đức Thọ cũng bị mất điện.

Các tỉnh miền Trung Việt Nam từ đầu tháng 10 đến nay đã liên tục phải chịu 3 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới gây lũ lớn và sạt lở đất. 2 cơn bão trước cơn bão số 9 đã khiến 153 người chết và mất tích, 222 người bị thương và hơn 100.000 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi, ngập và hư hại.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/3-thousands-quang-nam-residents-isolated-due-to-landslide-tens-thousands-households-living-without-power-11022020064818.html

Bộ Tài nguyên và Môi trường

nói sớm hoàn thành bản đồ cảnh báo sạt lở

Từ năm 2019 – 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan chức quan liên quan và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở, ngập lụt.

Đó là nội dung được ông Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nêu ra trong buổi họp Chỉ đạo ứng phó với bão số 10 (Goni) được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai tổ chức tại Hà Nội hôm 2/11.

Phát biểu tại buổi họp, ông Lê Công Thành nói Việt Nam hiện chỉ có thể lắp đặt cảnh báo ở những khu vực có đông dân sinh sống và có nguy cơ cao về sạt lở, ngập úng. Đồng thời, ông Thành hứa hẹn Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ cố gắng thực hiện việc cảnh báo đến cấp huyện và tiến tới cấp xã.

Có mặt tại buổi họp, ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản và các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của bão số 10 tập trung kêu gọi tàu thuyền tránh bão, sơ tán dân ra khỏi chòi canh, lồng bè, những khu vực nguy hiểm đến đất liền.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng chính phủ Hà Nội Nguyễn Xuân Phúc cùng ngày phát biểu tại Quốc hội Việt Nam đề nghị cần đánh giá toàn diện nguyên nhân và giải pháp khắc phục việc sạt lở đất vì bão.

Ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần phải có biện pháp hạn chế tối đa tác động của con người như tăng trưởng xanh, hạn chế thủy điện để không chiếm đất rừng.

Có mặt tại buổi họp, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị thông qua nghị quyết để Chính phủ chủ động di dân ra khỏi vùng thiên tai và chú ý ngân sách hằng năm cho nhiệm vụ này.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/the-ministry-of-natural-resources-and-environment-said-early-completion-of-a-landslide-warning-map-11022020080121.html

Bão số 10 hướng vào đất liền

khu vực Đà Nẵng – Phú Yên

Bão Goni vào Biển Đông với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 sẽ tiến vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày 4/11.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Goni đã vượt qua đất liền Philippines và đi vào Biển Đông. Đây là cơn bão số 10 trong năm nay sẽ đổ bộ vào đất liền Việt Nam.

Giảm cấp, suy yếu khi vào đất liền

Bão số 10 đang giảm cấp dần khi vào Biển Đông và sẽ thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền nước ta, nhưng có thể kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn ở miền Trung.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Hôm 31/10, ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ra công điện yêu cầu các tỉnh theo dõi chặt chẽ bão Goni. Thông báo cho tàu, thuyền để chủ động phòng tránh; các lực lượng sẵn sàng phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Mưa lũ miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?

Vì sao thiên tai ở miền Trung VN ngày càng trầm trọng?

Theo dự đoán, sáng 4/11, tâm bão cách đất liền tỉnh Quảng Nam 310 km, cách Quảng Ngãi và Bình Định 240 km, cách Phú Yên 260km. Sức gió lại mạnh lên cấp 9, giật cấp 12. Ngày và đêm 4/11, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, giảm vận tốc xuống còn 10 km/h và đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Tâm bão có thể quét thẳng qua phần đất liền giao giữa Quảng Ngãi và Bình Định sáng 5/11 với sức gió không đổi.

Tuy nhiên, Đài khí tượng Nhật Bản lại dự đoán rằng bão hiện mạnh 75 km/h, tương đương cấp 8, giật cấp 10. Trong 2 ngày tới, thời gian di chuyển trên Biển Đông sẽ giúp bão tái lập cấu trúc mây và mạnh lên cấp 9, giật cấp 11. Đài này cũng dự đoán đến sáng 4/11, bão tiến vào vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sau đó, hình thái này di chuyển vào đất liền và ngay lập tức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đài Hong Kong dự báo bão mạnh 85 km/h và đổ bộ vào các tỉnh Trung Trung Bộ.

Tính trong tháng 10, khu vực miền Trung Việt Nam đã hứng chịu 4 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới, nhiều bằng tháng 10/1993, tháng được ghi nhận nhiều bão và áp thấp nhiệt đới nhất trong chuỗi số liệu quan trắc của cơ quan khí tượng Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho biết, mưa lũ, sạt lở đất hậu bão vừa qua đã làm 159 người chết, 71 người mất tích.

Thêm một vụ lở đất ở Quảng Nam, 11 người bị vùi lấp

Quảng Trị: Tìm thấy tất cả thi thể vụ núi lở

Tại Quảng Nam, lực lượng cứu hộ đang dốc lực tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích trong vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My).

Cơn bão tàn khốc ở Philippines

Tại Philippines, bão Goni được xem là cơn bão đổ bộ thứ 18 và là trận bão mạnh nhất trong năm nay. Mark Timbal thuộc cơ quan thảm họa quốc gia Philippines cho biết, khoảng 19 triệu người có thể đã bị ảnh hưởng bởi Goni.

Ông nói với BBC: “Con số 19 triệu người này đã bao gồm dân số trong vùng nguy hiểm vì lở đất, lũ lụt, nước dâng do bão và thậm chí cả dòng dung nham”.

Siêu bão Goni tăng tốc hướng vào Biển Đông

Khó, dễ trong chuyện cứu trợ miền Trung VN

Hàng chục chuyến bay nội địa và quốc tế của nước này đã bị hủy khi cơ quan quản lý hàng không Philippines ra lệnh đóng cửa sân bay Ninoy Aquino tại Manila trong 24 giờ. Hơn 1 triệu người dân đã được sơ tán trong khi quân đội, cảnh sát quốc gia, cùng với lực lượng tuần duyên và cứu hỏa, đã được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng trực chiến.

Bão Goni – tại Philippines gọi là Rolly là một trong những cơn bão mạnh nhất tấn công vào nước này kể từ sau cơn bão Haiyan giết chết hơn 6.000 năm 2013.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54775599

Bão Molave gây thiệt hại

khoảng 430 triệu đô la cho Việt Nam

Thu Hằng

Bão Molave (bão số 9) tràn vào miền Trung Việt Nam vào cuối tháng 10/2020 đã gây thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng (430 triệu đô la). Đây là thẩm định được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra trong cuộc họp với chính quyền tỉnh Quảng Nam ngày 01/11.    

Bão số 9 mà phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá là “một trong hai cơn bão mạnh nhất Việt Nam hứng chịu trong 20 năm qua”, theo trang Bloomberg. Tính đến chiều 31/10, bão Molave đã làm ít nhất 80 người chết và mất tích, trong đó có 45 người do sạt lở đất, 727 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.

Ba ngày sau khi bão Molave đổ vào miền Trung, sáng 01/11, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thị sát, thăm hỏi người dân bị thiệt hại ở hai tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam. Trước những thiệt hại vô cùng lớn, ông Phúc kêu gọi “có tiền đến đâu, hỗ trợ nhanh người dân đến đó”. Các tổ chức, cá nhân, các đoàn thiện nguyện được tạo điều kiện đến cứu trợ người dân sau lũ.

Miền Trung Việt Nam lại chuẩn bị đón bão Goni (bão số 10) trong tuần này. Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã họp ngày 02/11 với chính quyền các tỉnh miền Trung để chuẩn bị ứng phó. Siêu bão Goni tràn qua Philippines khiến ít nhất 16 người chết và gây thiệt hại nghiêm trọng.

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201102-b%C3%A3o-molave-g%C3%A2y-thi%E1%BB%87t-h%E1%BA%A1i-kho%E1%BA%A3ng-430-tri%E1%BB%87u-%C4%91%C3%B4-la-cho-vi%E1%BB%87t-nam

Tranh cãi việc Thủy Tiên dừng hỗ trợ

ở Hải Lăng Quảng Trị

Việc ca sĩ Thủy Tiên ngưng hộ trợ ở Hải Lăng, Quảng Trị vì nhiều người đeo vàng đến nhận quà dấy lên nhiều tranh cãi. Nhà báo, người dân và chính quyền địa phương đã lên tiếng.

Hôm 31/10, trên trang Facebook chính thức của ca sĩ Thủy Tiên, cô cho biết sẽ ngừng trao hỗ trợ tại Hải Lăng Quảng Trị với lý do: “Sáng nay phát quà Tiên phát hiện hầu như có rất nhiều người khá giả đến nhận quà, rất nhiều người đeo vàng và sơn móng chân đến nhận”.

Bão lũ VN: Tranh cãi việc dân bị thu lại toàn bộ tiền Thủy Tiên phát

Vợ chồng Thủy Tiên mang vali tiền cứu trợ người dân miền Trung

Theo đó, nữ ca sĩ phát hiện nhiều hộ có tên trong danh sách khảo sát nhưng lại không có phiếu nhận quà, mà phiếu do người khác nhận.

Thủy Tiên đăng video một phụ nữ có tên trong danh sách nhưng lại không nhận được phiếu và nói rất nhiều hộ khó khăn lại không có tên trong danh sách mà phiếu lại ưu tiên suất cho trưởng xóm. Video này thu hút hơn 400.000 lượt tương tác. Đa số cho rằng chính quyền và người dân địa phương không thành thật và minh bạch.

Dư luận nói gì?

Trước sự chỉ trích của dư luận đổ dồn về chính quyền và người dân tại Hải Lăng, Quảng Trị, người dân, nhà báo đã lên tiếng.

Facebook Long Truong Duc, hướng dẫn viên du lịch ở Đông Hà, Quảng Trị nói rằng anh cảm thấy tức giận và cay đắng khi nghe nữ ca sĩ phản ánh việc không minh bạch và gian dối của người dân Hải Lăng:

“Mình cảm thấy đắng cay, khi cô viết ra suy nghĩ đơn giản của mình trên Fanpage: “đi nhận hỗ trợ mà mang vàng, sơn móng tay,…”. Cô ấy là người làm từ thiện vẫn có suy nghĩ phân biệt như vậy: Nghèo là phải trông có vẻ rách rưới, cực khổ. Đi nhận quà cô ấy ban cho mọi người đều phải cố mà tỏ ra rách rưới hay sao?”.

Theo đó, ông giải thích người dân miền Trung đeo vàng, sơn móng tay không có nghĩa là giàu vì đó là tiền dồn cả năm bán heo, bán vịt, nhịn ăn nhịn uống để mua vàng phòng thân khi chẳng may hoặc con nó cưới có cái mà cho và cả gia tài được đeo trên bàn tay đó.

“Tui cảm thấy chị thật sự quyền lực như một vị vua khi có tiền trong tay. Chị quyết cho ai thì cho, ban cho bao nhiêu là quyền chị, tuỳ vào tâm trạng của chị và vẻ khắc khổ của người nhận. Và đôi khi làm chị phật ý, chị nói cắt là cắt luôn, dưới vài ngàn hộ dân lủi thủi về lại với căn nhà nát”, ông bộc bạch.

Nhà báo Lâm Quang Huy viết trên Facebook:

“Câu chuyện khiến dân mạng xôn xao, có cái nhìn chưa đầy đủ với người dân thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, một xã có đến 92 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 438 người con hy sinh; hơn 1.700 thương, bệnh binh…Nhiều người dân của Hải Thượng hôm nay đã hiến hàng trăm mét đất cùng chính quyền địa phương xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, có đúng họ đã làm như Thủy Tiên nói không?”.

Theo đó, nhà báo đã phỏng vấn chính quyền địa phương và được biết ban đầu đoàn của Thủy Tiên xin danh sách phát quà hỗ trợ cho những nhà bị ngập trên và dưới 1m (gồm 527 hộ); nhưng sau đoàn gút lại chỉ phát quà cho những nhà ngập trên 1m (chỉ còn 159 hộ). Ông cũng lý giải về trường hợp người phụ nữ trong video Thủy Tiên đăng tải, rằng chị này có tên trong danh sách 527 hộ ban đầu, nhưng chưa ngập lũ đến 1 m nên sau đó không có tên trong danh sách rút lại 159 hộ nữa.

“Sau khi phát quà xong cho người dân hai xã Hải Thượng và Hải Quy, Thủy Tiên tiếp tục phát quà cho 2 xã Hải Lâm và Hải Trường rồi cắt luôn chương trình phát cho 8 xã còn lại, mặc dù người dân ở đây đã đứng đợi trong mưa lũ từ sáng sớm, nên bà con chưng hửng”, nhà báo cho hay.

Chính quyền địa phương nói gì?

Ông Trần Văn Kính – Chủ tịch UBND xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng lý giải trên báo chí rằng ban đầu danh sách các thôn gửi lên số ngập lụt của xã có 527 hộ. Tuy nhiên, đối chiếu với tiêu chí của Thủy Tiên yêu cầu phải là các hộ ngập lụt từ 1m trở lên thì danh sách này chưa chính xác.

Vì vậy, xã Hải Thượng lập đoàn kiểm kê thiệt hại, đến từng nhà đo mực nước ngập theo dấu ngấn nước lũ để lại trên các vách nhà để có con số chính xác, thì cả xã chỉ có 159 hộ đủ tiêu chuẩn.

Ông Kính cho biết, khi phát hiện có đoạn video clip Thủy Tiên đăng, UBND xã Hải Thượng và Công an xã ngay lập tức mở đoàn đến kiểm tra, rà soát lại các hộ dân của xóm 1, có sự giám sát của nhiều người.

Kết quả tất cả 7 hộ có tên trong danh sách đủ tiêu chuẩn bị ngập lũ hơn 1m, trong đó có gia đình xóm trưởng. Còn ba gia đình, trong đó có người phụ nữ phản ánh ở video clip của Thủy Tiên không thuộc diện ngập sâu hơn 1 m; chỉ có chủ hộ Đ.Q.T có tên trong danh sách ban đầu nhưng đã không còn tên trong danh sách rút lại 159 hộ ngập trên 1m.

Ông Dương Viết Hải – Phó chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cũng trả lời báo Zing về sự việc người giả mạo:

“Trong ngày ca sĩ Thủy Tiên đến trao tiền tại huyện Hải Lăng, trời mưa to, nhiều người có tên trong danh sách nhận cứu trợ là người già, sức khỏe yếu không thể trực tiếp đến. Vì vậy, họ đã nhờ con cháu đến nhận thay”.

Trước phản ứng của dư luận, sáng 2/11, Thủy Tiên đã nói rằng trục trặc ở Quảng Trị là do danh sách này là danh sách trước khi cô liên lạc nhờ bí thư tỉnh nhờ hỗ trợ nên có chút sai sót.

Cô viết:

“Sau khi trao 1.500 suất hỗ trợ và đến điểm tiếp theo thì mình phát hiện người đến nhận quà không đúng người trong danh sách, bên ngoài uỷ ban nhiều người dân quanh đó chạy đến đập xe Tiên và khóc hỏi tại sao chị lại cho người giàu có tiền toàn ở mặt tiền lộ lớn, còn dân nghèo khó khăn thì không được hỗ trợ?”.

Nữ ca sĩ kể cô đã đến tận nơi hỏi người có tên trong danh sách nhận hỗ trợ có nhờ ai đi nhận thay không thì họ bảo nhà neo đơn không có ai đi nhận thay và họ cũng không nhận được phiếu.

“Hai hôm nay team cũng chia người ra đi xác minh các xã còn lại và có quay clip về, đều bị tình trạng như thế. Tiên nghĩ chắc do trưởng thôn xóm gửi phiếu nhầm hộ. Nên bên mình phải thông báo tạm dừng hỗ trợ để nhờ huyện giúp xác minh lại rồi sau khi có danh sách và phiếu đúng người thuộc diện khó khăn sẽ quay lại hỗ trợ tiếp tục”, Thủy Tiên ghi.

Thủy Tiên cũng phản ánh có rất nhiều nick và bài báo bắt đầu định hướng truyền thông gán tội cho cô trong việc này.

Bất cập ở đâu?

Sự việc này khiến người ta đặt câu hỏi về tính minh bạch trong quá trình làm từ thiện cũng như những định kiến về người nghèo và chính quyền. Nhiều người cho rằng, việc Thủy Tiên xem những người đeo vàng, sơn móng chân đến nhận quà là “giả mạo” và việc trưởng xóm được nằm trong danh sách nhận tiền thể hiện định kiến xã hội.

Trả lời BBC, một nhà báo ở Quảng Trị chia sẻ:

“Vụ này tôi nghĩ vấn đề nằm ở định kiến, dán nhãn. Ví dụ người ta cho rằng, trưởng xóm là quan chức, mà quan chức thường là cường hào ác bá nên giàu hơn người dân trong xóm. Thực ra, trưởng xóm cũng chỉ là dân đen. Quan chức cấp cao mới tham ô dễ vì không đụng đến bà con họ hàng chứ ở cấp thôn xóm, thứ nhất là không có gì để tham, thứ hai là tham thì cũng ăn của bà con làng xóm, khó lắm”.

Nhà báo cũng cho biết thêm, việc dân mất lòng tin vào cơ quan nhà nước qua những đại án tham nhũng là tiền đề cho sự hiểu lầm lần này. Cộng thêm vụ lùm xùm việc cán bộ thôn thu lại toàn bộ 414 triệu tiền của dân mà Thủy Tiên phát tại thôn Ngoạ Cương của Quảng Bình trước đó càng củng cố định kiến trong dư luận.

Người dân cũng đưa hình ảnh nhà cửa, gia cảnh của xóm trưởng xóm 1, thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, Huyện Hải Lăng mà được ca sĩ Thủy Tiên nhắc đến trong bài viết. Hình ảnh cho thấy gia đình xóm trưởng cũng thuộc diện bị ngập trên 1 mét như tiêu chí phát quà của Thủy Tiên.

Về những bất cập, trái chiều trong chuyện làm từ thiện, cứu trợ của các cá nhân, tổ chức, kiến trúc sư Dương Quốc Chính viết trên Facebook:

“Trách nhiệm chính vẫn là do nhà nước thiếu luật. Lẽ ra cần có quy định cụ thể với trường hợp quyên góp đến tiền tỷ là bắt buộc phải minh bạch tài chính, phải có kiểm toán, được phép có chi phí quản lý, vận hành việc làm từ thiện. Quản lý đến số tiền nào đó thì buộc phải thành lập tổ chức, hoặc hợp tác với tổ chức từ thiện chuyên nghiệp”.

Thủy Tiên quyên góp 100 tỷ, Việt Nam nên sửa luật?

Thủ tướng Phúc nói ‘không gây khó nhà hảo tâm’

“Vấn đề ở đây là nhà nước muốn quản, muốn ôm các tổ chức từ thiện, nên việc lập tổ chức tư nhân làm từ thiện khó hơn lên trời. Nhà nước CS thì không hề muốn có các hội nhóm xã hội dân sự, nên họ chẳng muốn có tổ chức tư nhân nào có uy tín lớn để làm từ thiện. Vì thế cũng cần thông cảm cho ca sĩ TT về việc này”.

Ông Chính cho rằng, có luật sẽ thay đổi tư duy của người dân khi làm từ thiện: “Sự hỗn loạn trong việc làm từ thiện, vay tín chấp rồi bùng (bản chất gần giống) là trách nhiệm bởi chính quyền không ban hành luật để quản lý các mối quan hệ lợi dụng/tận dụng tín nhiệm đó. Chừng nào còn chưa có luật thì sự hỗn loạn còn tiếp diễn, xã hội còn phải nghi ngờ, đấu tố lẫn nhau”.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54775600

Nhiều người dân tố cáo đã bị ăn chặn gạo cứu đói

Tin Vietnam.- Báo Giao thông ngày 31 tháng 10 năm 2020 loan tin, nhiều gia đình ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã làm đơn tố cáo rằng, từ đầu năm đến nay, họ đã bị nhà cầm quyền địa phương ăn chặn gạo cứu đói.

Người dân cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà cầm quyền Cộng sản đã thực hiện 3 đợt phát gạo cứu đói cho người dân, trong đó đợt thứ 3 vào tháng 10 năm 2020 để hỗ trợ người dân trong đợt nắng hạn với số lượng 1 người được nhận 15kg gạo. Tuy nhiên, nhiều gia đình đã không nhận được gạo, hoặc bị ăn bớt với số lượng lớn.

Ông Phạm Văn Hoà, 41 tuổi cho biết, vợ ông bị bệnh thận không có tiền chữa trị, một mình ông phải làm thuê nuôi vợ và 3 con ăn học nên cuộc sống khó khăn, nhưng ông cũng chưa từng trông chờ hay nghĩ nhà cầm quyền sẽ giúp đỡ gia đình mình. Tuy nhiên, vừa qua, ông phát hiện gia đình mình được hỗ trợ 75kg trong đợt tháng 5 năm 2020, nhưng lại không được nhận, và người khác đã mạo danh anh ký nhận gạo.

Tương tự là bà Trần Thị Duyên, gia đình bà Duyên khá khó khăn khi sinh 4 người con thì cả 4 bị tật nguyền. Vì vậy, bà Duyên cũng mong muốn mình được nhà cầm quyền hỗ trợ, nhưng phần hỗ trợ gạo của gia đình bà đã bị người khác giả chữ ký để lấy mất.

Ngoài các gia đình bị ăn chặn toàn bộ số gạo hỗ trợ, thì còn có những gia đình bị ăn chặn gần hết như gia đình bà Hoàng Kim Điền. Gia đình bà Điền có 7 người, được nhận tổng cộng 105kg gạo, nhưng thực tế bà chỉ nhận được 30kg.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/nhieu-nguoi-dan-to-cao-da-bi-an-chan-gao-cuu-doi/

Vụ bớt xén gạo cứu đói dân nghèo:

Huyện nói 1 đàng, thị trấn nói 1 nẻo!

Mạnh Đức

Theo báo cáo của thị trấn Ea T’ling thì có 17 hộ bị bớt xén gạo, có 4 hộ không được nhận 1 ký gạo nào. Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút – ông Vũ Văn Bính khẳng định: “Chỉ có 17 hộ ấy thôi, không có hộ không được cấp phát đâu”.

Liên quan đến vụ việc ‘bớt xén gạo cứu đói dân nghèo’, trao đổi với báo Người Lao Động sáng 2/11, ông Nguyễn Hữu Ánh – Chủ tịch UBND thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết đã hoàn thành việc cấp phát gạo cho 17 hộ nhận thiếu và 4 hộ không được nhận.

Cụ thể, theo báo cáo của UBND thị trấn Ea T’ling, trong thời gian hạn hán năm 2020 trên địa bàn thị trấn có 592 hộ/2.018 khẩu được hỗ trợ 30.270 kg gạo. Kết quả của Đoàn kiểm tra về việc cấp phát gạo hỗ trợ cho thấy 12/13 tổ dân phố, bon đã cấp đúng, đủ theo danh sách đã phê duyệt.

Riêng Tổ dân phố 1 cấp không đúng quy định, cụ thể: Tổ dân phố 1 có 26 hộ/109 khẩu được hỗ trợ 1.635 kg gạo. Tuy nhiên, có 17 hộ không được nhận đủ gạo theo quy định với số lượng 630kg, 4 hộ không được nhận gạo với số lượng 315kg.

Theo bản giải trình của ông Hoàng Văn Chuẩn – Tổ trưởng Tổ dân phố 1 về số lượng gạo không cấp, cấp không đủ cho các hộ theo danh sách phê duyệt vì đã cấp cho các hộ khó khăn khác ngoài danh sách (!?).

Cùng trao đổi với báo Người Lao Động về vấn đề trên, ông Vũ Văn Bính – Phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho rằng: “Việc này do ông Hoàng Văn Chuẩn, Tổ trưởng tổ dân phố 1 hiểu sai danh sách, thấy một số hộ cũng bị đói kém trong mùa Covid-19 nên chia đều. Do đó, có sự nhầm lẫn của 17 hộ và đã xử lý rồi”.

Khi phóng viên thắc mắc UBND thị trấn Ea T’ling xác định có 4 hộ không nhận được ký gạo nào, ông Bính vẫn khẳng định: “Chỉ có 17 hộ ấy thôi, không có hộ không được cấp phát đâu” rồi cho biết ông Chuẩn cũng đã làm bản tường trình và cam kết chịu xử lý trước pháp luật.

Trước đó, nhiều hộ dân ở tổ dân phố 1, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, đã gửi đơn tới cơ quan chức năng tố cáo việc bị ăn chặn, bớt xén gạo hỗ trợ, cứu đói cho nhân dân.

Theo tố cáo, từ đầu năm đến nay, người dân được Nhà nước hỗ trợ nhiều đợt gạo cứu đói như: hỗ trợ gạo dịp Tết Nguyên đán tháng 1/2020, hỗ trợ gạo trong đợt giáp hạt tháng 5/2020 và hỗ trợ gạo cho nhân dân ảnh hưởng trong đợt nắng hạn tháng 10-2020.

Tuy nhiên, trong quá trình cấp phát gạo, nhiều hộ dân có tên trong danh sách phê duyệt nhưng không được nhận gạo, một số hộ được nhận nhưng bị bớt xén, không đủ số lượng được cấp.

Đặc biệt, rất nhiều hộ dân không được nhận gạo nhưng trong danh sách lại có chữ ký nhận đủ số gạo.

Ông Phạm Văn Hòa (41 tuổi, tổ dân phố 1) có hoàn cảnh rất khó khăn, ông bị bệnh thận, không có tiền chữa trị, một mình phải làm thuê nuôi 3 người con ăn học. Tháng 5-2020, ông nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt nhưng đợi mãi không thấy.

Bà Trần Thị Duyên đã không kìm được nước mắt cho biết hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Bà sinh được 4 người con nhưng tất cả bị tật nguyền. Nghe tin Nhà nước hỗ trợ gạo ăn Tết, bà cũng mừng nhưng đợi mãi không thấy được nhận.

“Hôm thấy hàng xóm đi nhận gạo, tôi ứa nước mắt. Bình tâm lại, tôi nghĩ rằng Nhà nước cho thì nhận, không cho thì mình không nên đòi hỏi. Nào ngờ, mới đây tìm hiểu ra thì gia đình tôi có tên trong danh sách được nhận 30kg, nhưng lại không được nhận. Tôi không biết ai đã giả chữ ký trong danh sách để nhận phần gạo của gia đình tôi?” – bà Duyên nghẹn ngào nói.

Ngoài ra, nhiều hộ dân nhận được gạo nhưng lại bị bớt xén số lượng. Điển hình, hộ bà Hoàng Thị Kim Điền trong danh sách phê duyệt được nhận 105kg như thực tế chỉ được nhận 30kg, hộ bà Trần Thị Phượng danh sách được nhận 60kg nhưng chỉ được nhận 30kg, hộ bà Ngô Thị Lan trong danh sách phê duyệt nhận 75kg nhưng chỉ được nhận 30kg…

https://www.dkn.tv/thoi-su/vu-bot-xen-gao-cuu-doi-dan-ngheo-huyen-noi-1-dang-thi-tran-noi-1-neo.html

12 bị cáo trong vụ đại án BIDV lãnh án tù

Toà án Nhân dân (TAND) Hà Nội ngày 2/11 tuyên án đối với 12 bị cáo liên quan vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” gây thất thoát cho BIDV gần 1.670 tỉ đồng.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin cho biết, Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên án 8 bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Đó là các bị cáo  Trần Lục Lang với án 8 năm tù; Đoàn Ánh Sáng: 6 năm 6 tháng tù, Kiều Đình Hòa: 5 năm tù, Lê Thị Vân Anh: 36 tháng tù, cho hưởng án treo, Ngô Duy Chính: 7 năm tù, Nguyễn Xuân Giáp: 6 năm tù, Phạm Hồng Quang: 4 năm tù, Đặng Thanh Nam: 3 năm 6 tháng tù.

Còn 4 bị cáo bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” gồm Đinh Văn Dũng lãnh án 12 năm tù, Đoàn Hồng Dũng: 18 năm tù, Trần Anh Quang: 13 năm tù, Nguyễn Thị Thanh Sơn: 3 năm tù.

Theo HĐXX giai đoạn từ 2011-2016 ông Trần Bắc Hà đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV yêu cầu cấp dưới cấp tín dụng cho công ty Bình Hà và Trung Dũng vay vốn trái quy định để thực hiện dự án nuôi bò ở Hà Tĩnh, gây thất thoát gần 1.670 tỉ đồng.

Theo bản án, hành vi của các bị cáo được cho là gây nguy hiểm cho xã hội, nhiều bị cáo là người có chức có quyền nhưng đã làm trái quy định.

Theo đại diện VKSND, do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các cán bộ BIDV đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến còn dư nợ lớn, không có khả năng thanh toán.

Ngoài ra, TAND còn buộc các bị cáo là cựu sếp doanh nghiệp phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của BIDV. Đồng thời, HĐXX cũng xét thấy cần tiếp tục phong tỏa, kê biên và ngăn chặn giao dịch các tài sản bất động sản, cổ phiếu cùng tài khoản liên quan ông Trần Bắc Hà, Trần Duy Tùng và các bị cáo.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/twelve-defendants-in-the-bidv-get-jail-sentences-11022020075029.html

Kết thúc điều tra, công an cộng sản Sài Gòn

vẫn chưa cho ông Nguyễn Tường Thuỵ gặp gia đình

Tin từ Sài Gòn: Công an thành phố Sài Gòn vẫn chưa cho bà Phạm Thị Lân, vợ của Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, blogger Nguyễn Tường Thuỵ được gặp ông trong trại giam cho dù giai đoạn điều tra đã kết thúc.

Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin vào ngày 30/10, bà Lân từ Hà Nội vào Sài Gòn để tiếp tế và đòi được gặp ông Thuỵ trong trại tạm giam số 4 Phan Đăng Lưu. Tuy nhiên, giám thị trại tạm giam vẫn từ chối với lý do là “dịch coronavirus.” Như vậy, ông Thuỵ đã bị biệt giam kể từ khi bị bắt vào cuối tháng Năm vừa qua, chưa được gặp người thân và cũng chưa được tiếp xúc với luật sư.

Ở vào tình trạng tương tự là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, và thành viên của Hội, ông Lê Hữu Minh Tuấn. Ông Dũng bị bắt vào cuối tháng 11 năm ngoái còn ông Tuấn bị bắt vào tháng Sáu vừa qua. Cả ba ông bị cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, với mức án có thể lên tới 20 năm nếu bị kết tội.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Miểng, người được gia đình ông Thuỵ mời bào chữa cho ông, đã nộp giấy tờ đề nghị được tiếp xúc với thân chủ để chuẩn bị bào chữa, tuy nhiên, ông vẫn chưa nhận được phản hồi của nhà cầm quyền cộng sản thành phố Sài Gòn.

Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sẽ đưa 3 ông Dũng, Thuỵ và Tuấn ra xét xử trong thời gian tới, trước khi đảng cộng sản cầm quyền tổ chức đại hội toàn quốc dự kiến vào tháng 1 năm tới.

Quốc Tuấn 

https://www.sbtn.tv/ket-thuc-dieu-tra-cong-an-cong-san-sai-gon-van-chua-cho-ong-nguyen-tuong-thuy-gap-gia-dinh/

Nhật Bản bắt giữ thêm người Việt giết mổ heo tại nhà

Một thanh niên Việt Nam vừa bị cảnh sát tỉnh Saitama, Nhật Bản bắt giữ, với lý do nghi giết mổ heo trái phép tại nhà.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 2/11, dẫn nguồn tin của Đài NHK cho biết nghi phạm người Việt là Tran Xuan Cong, 29 tuổi, bị cho là đã giết heo trong phòng tắm của căn hộ nơi người này đang cư trú hồi giữa tháng 7 và tháng 8, mà không có giấy phép.

Báo giới cũng dẫn thông tin từ The Asahi Shimbun, cho biết Tran Xuan Cong hiện đang thất nghiệp và cư trú tại thị trấn Kamisato, thuộc tỉnh Saitama. Người này bị bắt giữ lần đầu tiên vào ngày 21/10 do bị nghi ngờ ở quá hạn visa. Tran Xuan Cong được nói là đã đến Nhật vào tháng 7/2018 trong vai trò thực tập sinh kỹ thuật với visa có thời hạn một năm.

Cảnh sát cho biết điện thoại của Tran Xuan Cong có lưu các hình ảnh cho thấy anh ta chặt heo ra thành từng miếng trong phòng tắm. Nghi phạm cho biết anh đã mua con heo qua mạng xã hội và cùng những người bạn ăn thịt nó, sau khi xẻ thịt bằng dao và các dụng cụ khác.

Nghi phạm Tran Xuan Cong khai báo với cảnh sát đã không nghĩ rằng giết mổ heo là phi pháp tại Nhật Bản.

Trước đó, nghi phạm đã bị thẩm vấn ngày 11/10 sau khi một người hàng xóm báo với cảnh sát rằng anh ta ăn trộm một con heo và trái lê để bán lại. Cảnh sát tiến hành lục soát nhà nghi phạm vào ngày 17/10 và sau đó tiến hành bắt giữ, vì nghi ngờ vi phạm luật kiểm soát di trú.

Cảnh sát cho biết thêm rằng đang điều tra xem nghi phạm Tran Xuan Cong có liên quan gì đến 4 công dân Việt Nam khác bị bắt ở tỉnh Gunma ngày 28/10 vừa qua hay không. Cả 4 người đàn ông Việt cũng đã bị bắt giữ với nghi án giết mổ heo trái phép.

Cảnh sát địa phương có kế hoạch điều tra xem liệu những vụ việc này có liên quan gì tới hàng loạt vụ trộm cắp gia súc ở vùng Kanto, bao gồm cả tỉnh Gunma và Saitama.

Truyền thông Nhật Bản loan tin khoảng 720 con heo, 140 con gà và 9.000 trái cây bao gồm lê và nho đã bị trộm ở tỉnh Gunma trong năm 2020. Các tỉnh lân cận Saitama và Tochigi cũng bị hàng loạt vụ trộm heo, bê và các nông sản khác.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/one-more-vietnamese-arrested-in-japan-cause-of-slaughtering-pig-11022020073254.html

Quốc hội thảo luận việc bãi nhiệm ông Phạm Phú Quốc

Từ đầu nhiệm kỳ Khóa 14 đến nay, Quốc hội Việt nam có hơn 10 đại biểu bị ‘rơi rụng’; trong đó có những trường hợp vi phạm.

Thông tin được đưa ra tại phiên họp vào chiều 2 tháng 11 của các đoàn đại biểu Quốc hội để lấy ý kiến, thảo luận về việc bãi nhiệm đối với ông Phạm Phú Quốc do mua hộ chiếu vàng đảo Síp.

Dịp này Báo Dân Trí phỏng vấn ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của UB Thường vụ Quốc hội. Trong trả lời ông này cho rằng cần phải thường xuyên giám sát và đánh giá đại biểu Quốc hội, ví dụ như đánh giá theo định kỳ hàng năm, tương tự như quy trình đánh giá với cán bộ công chức để giảm bớt tình trạng miễn nhiệm đại biểu.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, nếu có quá trình đánh giá đại biểu hàng năm, việc ông Phạm Phú Quốc có 2 quốc tịch đã được xác định từ năm 2018 và chủ động việc bãi nhiệm, miễn nhiệm từ khi đó. Không như hiện nay, quốc hội phải xem xét thông qua báo chí.

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho biết hiện nay chưa có cơ chế nào để làm việc như ông vừa nêu. Đồng thời cho rằng vụ việc này là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc chuẩn bị tiến hành bầu cử Quốc hội khoá XV, bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới.

Vào ngày 23/8 vừa qua, hãng tin Al Jazeera công bố một báo cáo điều tra cho thấy, ông Quốc là người đã được nhập quốc tịch Síp vào năm 2018 khi ông đang là ĐBQH. Theo điều tra, Síp là nước cung cấp những “hộ chiếu vàng” cho nhiều quan chức nước ngoài có tình nghi dính líu đến tham nhũng hoặc gây ảnh hưởng chính trị. Mỗi tấm hộ chiếu như vậy được bán với giá 2,5 triệu đô la, theo chương trình đầu tư nước ngoài vào Síp.

Cũng tin liên quan đến cán bộ lãnh đạo tại Việt Nam, vụ việc ông Hoàng Văn Trường, cựu Bí thư Thành ủy Nha Trang bị một người đột nhập vào nhà tấn công đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh này truy xét đối tượng gây án.

Hiện phía cơ quan điều tra đã làm việc với những người liên quan, trích xuất camera an ninh để phục vụ điều tra.

Được biết, ông Trường bị rách tĩnh mạch và đã được khâu lại, hiện ông đã tỉnh nhưng sức khỏe chưa tốt, tâm lý còn căng thẳng.

Trước đó vào chiều ngày 1/11, ông Trường bị một người đàn ông mặc áo khoác đen, đội mũ bảo hiểm kín mặt, leo qua cổng nhà ông đâm vào cổ.

Tin cho biết, người đàn ông mặc đồ đen đến để giao hàng nhưng bị từ chối nên đã đột nhập nhà ông Trường và thấy ông Trường nên liền đâm rồi thoát ra ngoài, phóng xe máy đi.

Ông Hoàng Văn Trường, 66 tuổi, từng là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bí thư Thành ủy Nha Trang nhiệm kỳ 2010-2015. Ông nghỉ hưu từ năm 2014.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-assembly-dismissed-deputy-pham-phu-quoc-11022020081656.html

Điểm tin trong nước sáng 2/11: Nguyên Bí thư Nha Trang

bị đâm trọng thương tại nhà riêng;

Bão số 10 diễn biến phức tạp

Mạnh Đức

Mục lục bài viết          

Bão số 10 diễn biến phức tạp, tiếp tục đe dọa miền Trung

Bắc Bộ đón không khí lạnh

11 ngày, 6 vụ sạt lở kinh hoàng, 95 sinh mạng

Sập nhà xưởng làm 3 người chết, 2 người bị thương

Nguyên Bí thư Nha Trang bị đâm trọng thương tại nhà riêng

Mục Điểm tin trong nước sáng thứ hai (2/11) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Bão số 10 diễn biến phức tạp, tiếp tục đe dọa miền Trung

Bão Goni sẽ là cơn bão số 10 trên Biển Đông năm nay và được nhận định ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa lớn ở các tỉnh trung và nam Trung bộ, các tỉnh phía bắc Tây nguyên trong các ngày 4 – 6/11.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, vồi 04 giờ ngày 02/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,3 độ Vĩ Bắc; 119,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 180km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 340km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 04 giờ ngày 04/11, vị trí tâm bão ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, cách Quảng Nam khoảng 310km, cách Quảng Ngãi và Bình Định khoảng 240km, cách Phú Yên khoảng 260km . Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 12.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 05/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,7 độ Vĩ Bắc; 108,6 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Bắc Bộ đón không khí lạnh

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, hiện bộ phận không khí lạnh đã tiến sát đến biên giới phía bắc nước ta. Dự báo hôm nay, nó sẽ ảnh hưởng đến thời tiết các tỉnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên ngày và đêm nay (02/11) ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ rải rác. Các tỉnh Bắc Trung Bộ đêm nay có mưa, mưa rào rải rác. Nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 18-21 độ, vùng núi có nơi dưới 18 độ. Trời tiếp tục lạnh về sáng và đêm.

Khu vực Hà Nội: Ngày và đêm nay (02/11): Có lúc có mưa, mưa nhỏ. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19-21 độ, sáng và đêm trời lạnh.

11 ngày, 6 vụ sạt lở kinh hoàng, 95 sinh mạng

Theo tổng hợp từ báo Dân Trí, chỉ trong 11 ngày, từ ngày 18/10 đến ngày 28/10, bên cạnh bão, mưa lũ, ngập lụt lịch sử, miền Trung còn liên tiếp xảy ra sạt lở vùi lấp hàng trăm con người. Chỉ một số ít người may mắn sống sót.

Sập nhà xưởng làm 3 người chết, 2 người bị thương

Trao đổi với báo Người Lao Động hôm 1/11, ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty CP thép Hòa Phát Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, vào khoảng 11 giờ 30, ngày 28/10, trong khi di chuyển để ăn trưa bằng xe máy xúc, 5 công nhân đã bị mái nhà kho tại Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất sập xuống làm 3 người chết, 2 người bị thương.

Thời điểm này, toàn bộ nhà máy đã dừng sản xuất từ 21 giờ ngày 27/10 để phòng chống cơn bão số 9.

Nguyên Bí thư Nha Trang bị đâm trọng thương tại nhà riêng

Theo nguồn tin của VnExpress, trưa 1/11 người đàn ông đeo khẩu trang, mặc áo khoác đen, đội mũ bảo hiểm trùm kín đầu, chạy xe máy tới trước nhà ông Trường tại khu đô thị Phước Long A, phường Phước Long, TP Nha Trang. Ông ta đứng trước cổng, xưng là nhân viên giao hàng, gọi người nhà ra nhận nhưng bị từ chối.

Người này bất ngờ leo qua cánh cổng cao khoảng 2 m rồi đi vào trong nhà. Lúc thấy ông Trường, gã rút dao xông đến tấn công, khiến nạn nhân bị thương ở cổ, rồi thoát ra ngoài, lên xe phóng đi. Ông Trường được gia đình chuyển đi cấp cứu.

Theo Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, ông Trường bị đứt tĩnh mạch tại vùng cổ, mất nhiều máu. Các bác sĩ đã khâu tĩnh mạch, hiện bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Nhà ông Trường nằm trong khu biệt thự, cách biệt với các nhà xung quanh nên lúc xảy ra sự việc người dân không hay biết. Đến lúc nghe tiếng la hét từ nhà nạn nhân, hàng xóm mới hay tin có người bị tấn công.

Ông Hoàng Văn Trường, nguyên ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Bí thư Thành ủy TP Nha Trang nhiệm kỳ 2010-2015. Ông nghỉ hưu hồi năm 2014.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-sang-2-11-nguyen-bi-thu-nha-trang-bi-dam-trong-thuong-tai-nha-rieng-bao-so-10-dien-bien-phuc-tap.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.