Bầu cử tổng thống Mỹ 2020, mạng xã hội đã rút ra bài học ?
RFI
Đăng ngày:
Kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay cũng là một thách thức lớn đối với các nền tảng công nghệ số. Facebook, Twitter, YouTube hay TikTok liên tiếp đưa ra các biện pháp phòng xa để tránh nền tảng dịch vụ của mình trở thành kênh bóp méo thông tin hay kích động bạo lực trong và cả sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong quá khứ gần đây đã bị nhiều chỉ trích, các mạng xã hội lần này không được phép mắc sai sót. Các mạng xã hội hiểu điều đó và sẽ có nhiều việc phải làm. Facebook, Twitter, YouTube, Google và cả các dịch vụ mạng Snapchat, Reddit hay TikTok đã chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn bầu cử và hậu bầu cử ở Mỹ, được đánh giá là kỳ tuyển cử biến động nhất và tiềm ẩn những rủi ro cho chính các mạng xã hội.
Thách thức ở đây là tránh không để xảy ra tình trạng bóp méo thông tin ồ ạt như ở kỳ bầu cử tổng thống 2016, điển hình là vụ bê bối Cambridge Analytica, làm sao để các mạng xã hội không trở thành công cụ khích động thù hằn giữa các cử tri.
Trong nhiều tháng qua, các mạng xã hội đã liên tiếp các nỗ lực nhằm ngăn chặn việc phổ biến các tin đồn trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu ghi nhận không có tiến bộ nào đáng kể, đồng thời tất cả các nghiên cứu đều nhận thấy trong giai đoạn vận động tranh cử, tin thất thiệt trên các mạng xã hội vẫn gia tăng.
Kỳ bầu cử nhiều rủi ro
Các rủi ro của kỳ bầu cử này có rất nhiều : phản đối kết quả bầu cử, xúi giục bạo lực hậu bầu cử, bóp méo thông tín trong qua trình kiểm phiếu….Trong một đất nước như Hoa Kỳ, nơi mà « các mạng xã hội là nguồn thông tin chính cho đại đa số người dân, thì trách nhiệm của những người khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ là rất lớn », hãng tin CNN nhấn mạnh.
Để đối mặt với những thách thức đó, các nền tảng dịch vụ mạng xã hội đã tăng tốc các hoạt động giám sát từ tháng 9. Trang mạng Election Integity Partneship, một liên kết giữa tổ chức phi chính phủ và các trung tâm nghiên cứu của các trường đại học Mỹ, có nhiệm vụ giám sát diễn tiến bầu cử, trong vòng hai tháng đã cập nhật lại tới 6 lần trang tin dành để các mạng xã hội đưa ra sáng kiến nhằm ngăn chặn những mối đe dọa đến tinh trung thực của tiến trình bầu cử.
« Nguy cơ lớn nhất theo chúng tôi bắt nguồn từ khả năng tổng thống và đảng của ông nghi ngờ quy trình kiểm phiếu », một nhân viên muốn ẩn danh của một trong các mạng xã hội nêu trên nói với CNN. Những công kích thường xuyên của ông Doald Trump đối với hình thức bỏ phiếu bầu qua bưu điện, cho rằng hình thức này có lợi cho phe Dân Chủ, làm dấy lên lo ngại những người ủng hộ tổng thống tuyên bố thắng lợi trước khi kiểm xong hết phiếu bầu.
Chính vì thế Facebook và Twitter dự trù ngay trong tối thứ Ba 03/11, cấm người sử dụng mạng hô hào chiến thắng trước khi kết quả được kiểm tra và xác nhận bởi những hãng truyềzn thông tin cậy, như hãng tin Reuters, AP.
Tăng cường các công cụ giám sát cảnh báo
Các mạng xã hội Facebook, Twitter và Google đều cho hiển thị các thông điệp cảnh báo nhắc nhờ khi chưa có kết quả chính thức thì không được tuyên bố chiến thắng sớm. YouTube cũng cảnh báo các video có ý thông báo kết quả phiếu bầu không đúng.
Hai mạng xã hội chủ yếu trên hy vọng việc nhắc đi nhắc lại việc kiểm phiếu cần phải có thời gian sẽ tránh cho mạng phải kiểm duyệt các thông điệp của những chính khách có thể vô tình hoặc cố ý loan các thông tin sai lệch. Các mạng xã hội không hề muốn một lần nữa bị cáo buộc đã thiên vị ứng cử viên này hay ứng cử viên kia.
Các mạng xã hội trái lại còn khắt khe hơn với các quảng cáo chính trị. Đã bị cấm từ hai tuần nay, những quảng cáo chính trị vẫn tiếp tục bị cấm sau ngày bầu cử chính thức ít nhất 7 ngày. Đó cũng là sự lựa chọn của Google trên dịch vụ tìm kiếm và YouTube, nhằm tránh « các quảng cáo làm lộn xộn thêm hậu bầu cử », BBC nhận xét.
TikTok, mạng xã hội có nguồn gốc Trung Quốc bị Donald Trump căm ghét nhưng lại được lứa tuổi thiếu niên ưa thích, đã triển khai đối tác với nhiều trang kiểm chứng thông tin để có thể giám sát tích cực hơn các hoạt động của mạng. Mạng này cũng đưa một tiện ích giúp người sử dụng báo cáo khi có những tin thất thiệt về kết quả phiếu bầu.
Về phía Reddit, nhà mạng này sẽ phải làm nhiều hơn các mạng xã hội khác, BBC nhận định. Trang mạng cộng đồng khổng lồ này, nơi hàng chục triệu cư dân mạng gặp gỡ để tranh luận về tất cả các vấn đề, đã quyết định xóa bất kỳ một thông điệp nào có biểu hiện nhỏ nhất gây ảnh hưởng đến tính trung thực của bầu cử. Nhiều chuyên gia – các nhà chính trị, thẩm phán, nhà báo- sau ngày bầu cử mới trả lời mọi câu hỏi của người sử dung internet về cuộc bầu cử này. Lâu nay, Reddit vẫn bị coi như là một trong những chiếc nôi của nhiều thuyết âm mưu. Giờ đây trang mạng này hy vọng những biện pháp nhiêm khắc sẽ giúp lấy lại danh dự.
Chống lại các thế lực bên ngoài
Những mạng xã hội lớn này đều không muốn sống lại trải nghiệm năm 2016. Khi đó họ bị tố cáo đã để các thế lực nước ngoài lợi dụng phổ biến tin giả về bầu cử Mỹ.
Đặc biệt lần này, các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo là Nga không phải là nước duy nhất muốn gây rối loạn tiến trình bầu cử Mỹ. Cần phải tính đến các nước như Trung Quốc và Iran, William Evanina, lãnh đạo cơ quan phản gián Mỹ nhấn mạnh.
Các tin tặc Iran đã thò tay vào trong rỏ hồi cuối tháng 10, khi giả mạo là thành viên của Proud Boys, một nhóm cực hữu Mỹ ủng hộ Donald Trump, gửi các tin nhắn đe dọa cử tri phe Dân Chủ.
Facebook và Twitter tăng cường phương tiện và nhân sự để dò mọi hoạt động nghi ngờ do các nước bên ngoài tiến hành. Facebook đã cho triển khai các công cụ như đã sử dụng để hạn chế loan truyền các thông điệp kích động bạo lực sau bầu cử ở nhiều nước như Miến Điện, theo báo Mỹ New York Times.
Facebook và Instagram bảo đảm họ đã chuẩn bị tốt hơn cách đây 4 năm. Từ tháng 3 năm nay, Facebook khẳng định đã xóa hơn 2 triệu quảng cáo đáng ngờ và hơn 135 nghìn tin giả. Các mạng xã hội như Twitter, YouTube hay TikTok khẳng định là còn tham gia kêu gọi cử tri tham gia bầu cử. Snapchat cho biết đã hỗ trợ hơn một triệu người đăng ký bầu cử. Chủ yếu đó là những cử tri trẻ. Facebook cũng nhận đã góp phần cho 4 triệu cử tri mới đăng ký. Quả thực kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020 này cũng là một bài trắc nghiệm cho chính các mạng xã hội.
(Tổng hợp từ France 24.com và Le Figaro)
0 comments