Tin Việt Nam – 18/10/2020
Thiên tai tiếp tục hoành hành
miền Trung Việt Nam
Cố đô Huế chìm trong nước lũ do những trận mưa như trút nước ngày 12/10/2020
Tin cho hay lũ lụt tiếp tục kéo đến miền Trung Việt Nam, khiến hàng nghìn người dân tỉnh Quảng Bình hoảng hốt kêu cứu trong đêm 17, sáng ngày 18/10.
Báo Thanh Niên cho biết tại Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, mưa lớn và nước lũ kéo về nhanh chưa từng thấy, khiến điện bị cúp, nhiều người bị nước lụt ngập đến nóc nhà.
Được biết, mực nước lụt dâng cao, đến sáng sớm ngày 18/10 chưa có dấu hiệu dùng lại, dù đã vượt qua cả mốc hai năm 2016 và 2010, là những năm lụt rất lớn.
Trong khi đó, theo VN Express, núi sạt lở cùng sáng sớm ngày 18/10 tại tình Quảng Trị khiến hơn 20 chiến sĩ bị cho là đã bị vùi lấp.
Tin cho biết diện tích núi lở rộng hơn một hecta, khiến đá ập xuống khu nhà của Đoàn kinh tế quốc phòng 337, nơi có nhiều quân nhân. Hiện chỉ còn thấy một số vết tích các căn nhà.
Vụ Rào Trăng 3: tìm thấy thêm 1 thi thể, tổng 15 người thiệt mạng
Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999
Bão số 7 bắt đầu suy yếu, VN tiếp tục tìm kiếm 30 người mất tích
VN Express trích một nguồn tin cho biết trong vụ sạt lở này, 5 người đã được cứu ra ngoài, còn 22 người khác nghi là đã bị vùi lấp, trong đó có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
UBND tỉnh Quảng Trị và lãnh đạo Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã có cuộc họp khẩn cấp.
Một đoàn công tác khẩn cấp đã đực thiết lập, và ban chỉ huy tiền phương tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, do Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo ứng cứu đồng bào gặp nạn.
Sự kiện này xảy ra trong lúc tang lễ của 13 chiến sĩ hy sinh ở nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, đang diễn ra tại Bệnh viện Quân y 268, tại thành phố Huế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi vòng hoa viếng các liệt sĩ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54588451
Quảng Trị: Tìm thấy nhiều thi thể
vụ núi lở lấp doanh trại
Đã tìm thấy 14 thi thể trong số hơn hàng chục quân nhân gặp nạn tại một doanh trại bị núi lở san lấp.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 cho biết vụ đất lở xảy ra vào khoảng 1 giờ sáng ngày 18/10 khi một quả núi gần doanh trại quân đội bị sạt lở đã san lấp các dãy nhà ở, nhà ăn, bếp và các khu vực lân cận.
Hàng chục người thuộc Sư đoàn 337 đóng quân trên địa bàn Huyện Hướng Hóa, Quảng Trị được cho là bị đất đá vùi sau sạt lở đất và ít nhất có 5 người được cứu thoát khi tai nạn xảy ra.
Đoàn kinh tế Quốc phòng 337 (Quân khu 4) làm nhiệm vụ ở 5 xã biên giới của huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Thông tin ban đầu cho hay 22 người bị vùi lấp có 4 sĩ quan, 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 chiến sĩ.
“Thảm họa này xảy ra quá bất ngờ, rất đau thương. Gần 2 triệu mét khối đất lùa xuống, san bằng 4 dãy nhà. Chúng tôi đã nỗ lực hết sức để cứu các đồng chí bị thương và tìm kiếm các đồng chí mất tích,” Thiếu tướng Hà Tân Tiến, Phó tư lệnh Quân khu 4, cho biết.
Mưa lũ 2020: Nhớ lại trận lụt đau thương năm 1999
Thiên tai tiếp tục hoành hành Trung phần Việt Nam
Quảng Trị, dân quân địa phương tham gia.
Bộ Quốc phòng cũng đã lệnh cho 2 trực thăng sẵn sàng ở Đà Nẵng chờ thời tiết tốt sẽ bay tiếp cận xã Hướng Phùng đang bị cô lập để thả lương thực và thuốc men cho người dân.
Sự việc xảy ra trong khi Bộ Quốc phòng, Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức tang lễ cho 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên đường đi cứu nạn 17 công nhân mất tích ở thuỷ điện Rào Trăng 3 vào ngày 12/10.
Hiện còn ít nhất 15 công nhân gặp nạn tại dự án thủy điện này vẫn đang mất tích.
Ông Phan Ngọc Thọ – Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết việc tiếp cận và tìm kiếm các công nhân ở Rào Trăng 3 đang là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, tuy nhiên hai hôm nay bị gián đoạn vì mưa lớn.
Cũng tại Quảng Trị thì VOV đưa tin một đoàn cán bộ, chiến sỹ gồm 7 người trên đường đi tìm kiếm cứu nạn 7 người khác mất tích khi đi làm rẫy bị nước lũ cô lập đã gặp nạn.
Ông Đặng Trọng Vân, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá, tỉnh Quảng Trị xác nhận bảy người này gồm một Thượng uý Công an xã tử nạn, hai người gồm Chủ tịch UBND xã Hướng Việt và một Phó Bí thư Đảng ủy xã bị thương gãy chân, và bốn cán bộ khác đang mất tích.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị lãnh đạo các địa phương tại miền Trung, đặc biệt là Huế và Quảng Trị, phải rà soát những điểm nguy cơ sạt lở, lũ cuốn để sơ tán dân. “Khu vực nguy hiểm ở đây không chỉ là nơi dân sống, mà cả người dân làm việc ở công trình, trong đó có các thuỷ điện”, ông nói.
“Như vừa rồi ở Thuỷ điện Rào Trăng 3 là công trình đang thi công. Nếu thi công xong thì đã không nguy hiểm như thế. Do đó, vấn đề đặt ra là phải sơ tán tất cả các người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm”, ông Dũng nói. “Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần kịp thời tương trợ người dân ở các vùng cô lập, thiếu lương thực, thuốc men”.
Trong khi đó Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết trận mưa từ ngày 6 đến 11/10 vừa qua là lịch sử ở miền Trung, mưa trên phạm vi 5 tỉnh, trong đó Quảng Trị và Huế mưa liên tục 6 ngày gây ngập nặng, nhất là lưu vực sông Thạch Hãn (Quảng Trị) và sông Bồ (Thừa Thiên Huế).
Mực nước tại sông Bồ đạt đỉnh 5,24 m vào 0h05 ngày 10/10, vượt đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,06 mét.
Dự báo một tuần nữa mưa lũ lịch sử còn gây ra thiệt hại lớn cho miền Trung, Bộ trưởng Cường nói thêm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54590076
Nhân vật quan trọng nào không có
ở Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI?
Đại hội đại biểu Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã công bố kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa XI trong chiều thứ Bảy 17/10.
Những người có mặt trong danh sách sẽ là các cán bộ chủ lực của thành phố 5 năm tới.
Đề án nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã được báo cáo Bộ Chính trị xem xét cho ý kiến.
Giới thạo tin chính trị TP HCM cho BBC biết một số cán bộ được biết nhiều ở thành phố đã không có trong danh sách Ban Chấp hành Đảng bộ mới này. Trong số này có những người bị kỷ luật hay sắp nghỉ hưu nên không có gì lạ, và cũng có những gương mặt được cho là còn trẻ, triển vọng nhưng lần này chưa được bầu.
Có thể kể tên một số cán bộ vắng bóng:
Tất Thành Cang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Công trình Lịch sử TPHCM
Trần Vĩnh Tuyến. Phó Chủ tịch UBND TP, gần đây bị khởi tố
Lê Văn Thinh, Bí thư Quận ủy Bình Tân
Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12
Võ Khắc Thái, Bí thư Quận ủy quận 7
Huỳnh Văn Hạnh, Giám Đốc Sở Tư Pháp
Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND Huyện Nhà Bè
Dương Hồng Thắng, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn
Ông Lê Trương Hải Hiếu là con trai cả của cựu Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải.
Ông Hiếu có tên trong Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, nhưng đã không có tên trong danh sách khóa mới.
Tân Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên
Trong diễn biến nhân sự liên quan, ông Nguyễn Văn Nên được bầu giữ chức Bí thư Thành ủy TPHCM nhiệm kỳ 2020 – 2025 với số phiếu 100% (62/62 phiếu).
Các ông, bà: Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khóa X; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM khóa X, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy khóa X, Chủ tịch HĐND TP; Nguyễn Hồ Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy khóa X, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy TPHCM khóa XI.
Trên cơ sở đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đồng ý chủ trương phân công ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh khóa X tiếp tục theo dõi chỉ đạo Đảng bộ TP Hồ Chí Minh cho đến khi kết thúc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước đó, ngày 11/10 Bộ Chính trị công bố quyết định chỉ định ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng Trung ương Đảng tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM để bầu Bí thư Thành ủy thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Ông Nguyễn Thiện Nhân sinh năm 1953, quê quán Trà Vinh. Trình độ chính trị cao cấp, trình độ chuyên môn Đại học Magdeburg Cộng hòa Dân chủ Đức, chuyên ngành điều khiển học, Giáo sư Kinh tế, Tiến sĩ điều khiển học, Thạc sĩ Quản lý hành chính công.
Bí thư và các Phó Bí thư Thành ủy TP Khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025
1. Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Văn Nên
2. Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải
3. Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thị Lệ
4. Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thành Phong
5. Phó Bí thư Thành ủy TP Trần Lưu Quang
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54584695
Đặc ủy Nhân quyền Đức “quan ngại sâu sắc”
việc Phạm Đoan Trang bị bắt
Bà Bärbel Kofler – Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức hôm 16-10-2020 bày tỏ trên tài khoản Twitter rằng, bà quan ngại sâu sắc về việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Phạm Đoan Trang.
“Tôi vô cùng lo ngại về việc giam giữ bà Phạm Đoan Trang – - tác giả, nhà hoạt động nhân quyền và là cựu học giả của Villa Aurora LA.
Tôi kêu gọi các nhà chức trách Việt Nam bảo vệ quyền tự do bày tỏ chính kiến, được bảo đảm bởi Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế“, bà Bärbel Kofler viết.
Tài khoản Twitter của Tòa đại sứ Đức tại Việt Nam sau đó cũng dẫn lại nguyên văn phát biểu này của Đặc ủy nhân quyền Đức.
Liên quan đến cô Phạm Đoan Trang, luật sư Đặng Đình Mạnh hôm 17-10 cũng cho hay, một hôm trước luật sư nhận được thông báo “Để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc giai đoạn điều tra”.
Theo luật sư Mạnh, việc cơ quan điều tra tiếp nhận thủ tục đăng ký bào chữa rồi hồi âm cho luật sư đã bảo đảm đúng thời hạn là điều hết sức cần ghi nhận.
“Tuy tiếc rằng cơ quan điều tra vẫn tiếp tục duy trì quan điểm hạn chế luật sư tham gia các vụ án thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia ở giai đoạn điều tra,” luật sư Mạnh bày tỏ trên FB cá nhân.
Cũng theo luật sư Đặng Đình Mạnh, thì trong thời gian tới, các luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, Nguyễn Văn Miếng, Nguyễn Hà Luân, Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn cũng sẽ sớm làm thủ tục đăng ký bào chữa với cơ quan điều tra.
Như chúng tôi đã thông tin, khuya 6-10, cơ quan An ninh điều tra công an thành phố Hà Nội phối hợp với một số cơ quan công an bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền Phạm Đoan Trang ở một nhà trọ ở Quận 3, TPHCM, với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Cộng hoà Séc, Mỹ và hàng chục tổ chức nhân quyền, nhà xuất bản quốc tế sau đó đã lên tiếng chỉ trích việc làm này của phía Việt Nam và yêu cầu trả tự do cho cô Trang lập tức và vô điều kiện.
Chấp nhận hồng thủy miền Trung
như là chuyện tất nhiên?
Trần Hương
Tháng 11/1999, một cơn đại hồng thủy lớn nhất từ trước cho đến thời điểm đó nhấn chìm toàn bộ 10 tỉnh miền Trung Việt Nam dưới làn nước. Ở Huế, nước lên cao quá mặt cầu Tràng Tiền. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, lũ nhấn chìm những ngọn tre vốn đã mọc trên bờ sông cao hàng năm bảy thước so với mặt nước ngày thường. Đã thế, trận lụt đầu vừa qua, chỉ không đầy một tháng sau, trận lũ thứ hai tiếp tục kéo đến.
Người dân nhắc đi nhắc lại câu “Ông tha mà bà không tha/Hành cho cây lụt hăm ba tháng mười”.
Năm đó tôi theo chân một đoàn cứu trợ ra Huế rồi Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Giống như năm nay, chỉ ra chợ là nghe người dân bàn tán xôn xao quanh chuyện đội thị sát cứu nạn công nhân thủy điện Rào Trăng (Huế) lại bị tai nạn lở núi chôn vùi toàn bộ 13 người. Còn năm 1999, trên chuyến tàu Nam-Bắc, trong khách sạn, nhà nghỉ, trên hè phố, trong công sở, nơi buôn bán…. người ta kể chuyện rễ cây si ra trắng, đàn kiến tha trứng ùn ùn bò lên dọc tường nhà… bằng cái giọng hãi sợ. Kinh nghiệm quan sát thời tiết của ông bà, khi rễ cây si tự nhiên ra trắng và kiến vốn làm tổ dưới đất đột nhiên bưng con cái rời tổ bò lên cao là dấu hiệu báo trước của mưa lũ lớn sắp kéo đến.
Hôm nay, trên mạng facebook Việt Nam có một bức ảnh chụp ông cụ vùng lũ khóc mếu máo khi nhận được quà cứu trợ.
Ông đã trải qua mất mát, tai ương như thế nào mà tuổi già và sự cương liệt của một người đàn ông miền Trung vẫn không thể kìm được cơn đau khổ kéo méo xệch chiếc miệng như thế kia, và không còn giữ gìn nữa mà khóc ngay trước mặt những người lạ như thế kia?
Tấm ảnh đâm thẳng vào tim người. Tôi không dám nhìn kỹ nó lần thứ hai, vì đau đớn quá.
Vậy mà năm 1999, tôi đã trông thấy rất nhiều khuôn mặt của những người già độ tuổi 70-80 như vậy.
Trong một buổi tặng quà cứu trợ ở một huyện gần sát Quảng Ngãi, dù nước đã rút nhưng vẫn phải lội trong bùn lỏng đến ống chân, tôi gặp một đôi vợ chồng già. Trận mưa dai dẳng suốt nhiều ngày đã tạnh, nhưng họ vẫn trùm khư khư tấm vải nhựa dày quanh người thay cho áo mưa, và dưới lớp nilon đó chỉ là một bộ áo quần vải cho mùa hè. Rất nhiều người cũng quấn tấm nhựa quanh người giống vậy. Hỏi ra, tôi lặng người: hóa ra, họ trùm tấm vải nhựa đó không phải để che mưa mà để đỡ lạnh. Áo quần và đồ dùng trôi ra biển theo dòng lũ hết cả rồi.
Tôi ngồi thuyền ngược lên thượng nguồn sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Vệ. Hai bờ sông, đất bị dòng nước cấu cào lở xuống đỏ lói. Những mảnh áo quần phất phơ mắc trên ngọn tre, đánh dấu mực nước lũ khủng khiếp.
Một bản của người dân tộc Hrê trên thượng nguồn Quảng Nam bị lũ cuốn đá sỏi san phẳng những tràn ruộng ven sông. Cách đó không xa, trong đêm, hẳn một quả đồi trượt xuống chôn vùi toàn bộ đám rẫy dưới chân. Người dân kể: “Như sấm động. Chỉ nghe ầm ầm rồi nửa quả đồi trượt xuống”.
Chiều muộn hôm đó, lúc chúng tôi đang đứng xa xa nhìn lại khối đất đá đỏ gạch nổi bật giữa một nền rừng xanh ngắt, nửa quả đồi còn lại trượt tiếp xuống ngay trước mắt.
Đợt đó, miền Trung chết gần 600 người, riêng Huế gần một nửa.
Những ngày đó, những giọt nước mắt ứa ra nơi khóe mắt đục mờ của những người già đáng tuổi cha ông tôi, giọng nói nghẹn trong cổ, tấm thân run rẩy của họ trong tấm vải nhựa quấn thay bộ áo mưa không đủ tiền mua, những khuôn mặt thất thần, bỏ qua sự tự trọng để xếp những hàng dài nhận từng túi gạo, thùng mì cứu trợ từ người lạ… đã khắc sâu vào tâm trí tôi không phai mờ.
Và do vậy, sau hơn 20 năm, tôi không thể nhìn lại tấm hình một người già run rẩy nghẹn ngào trong mưa lũ mà không thấy lòng đau thắt và cả phẫn nộ.
Lũ lụt hàng năm ở miền Trung đã là đặc thù địa lý được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy gần trăm năm nay. Chúng tôi thuộc lòng những “địa hình dốc, sông hẹp, ngắn, lũ lên nhanh và rút nhanh”. Lũ lụt đi vào cả thơ ca dân gian như câu “Ông tha mà bà không tha…” trên kia; đi vào âm nhạc “Miền Trung em nghèo lắm ai ơi, trời hành cơn lụt mỗi năm…”(Tiếng sông Hương-nhạc sĩ Phạm Đình Chương), đi vào lịch sử, vào văn học, vào ký ức từng kiếp người, vào tôn giáo. Tôi không nhớ rõ năm nào, nhưng nhà thờ Đức mẹ hằng cứu giúp (còn gọi Nhà thờ Kỳ Đồng, tại Tp HCM) có một năm đã tạo ra hang đá Giáng sinh độc nhất vô nhị: Một mái nhà tranh loi thoi giữa dòng nước xiết. Đức Mẹ Maria trổ lỗ cửa trên nóc, bế Chúa Hài đồng ra trao cho Đức Chúa cha đang đứng đón dưới thuyền.
Dĩ nhiên, quan trọng nhất là tình hình lũ lụt đi vào các chính sách phòng lũ, chống lũ và né lũ của chính quyền.
Chẳng biết bắt đầu từ đâu và khi nào, lần đầu tiên thì tôi trông thấy ở người dân bãi Giữa sông Hồng, người dân vùng lũ tự mày mò nghĩ ra những ngôi nhà chống lũ, bằng vật liệu nhẹ gá chặt trên những thùng phuy rỗng, như chiếc bè lớn. Họ sắp sẵn lương thực và đồ dùng quý giá vào đó, khi nước dâng cao ngôi nhà cũng tự nổi bồng bềnh trên nước. Sau này nó trở thành một dự án của tổ chức phi chính phủ mang tên Nhà chống lũ, khá hiệu quả. Dĩ nhiên, những nhà này chỉ hợp với những vùng nước dâng từ từ, chứ đối phó với dòng lũ ào ạt cuộn xoáy ở vùng núi thì không thể.
Sau đại hồng thủy 1999, đã có những chính sách quy hoạch lại khu dân cư, xây ở mỗi xã vùng lũ các công trình cộng đồng và nhà nước như trạm y tế, trường học cao từ 3-5 tầng, ít nhất một mặt sàn phải cao hơn mức lũ, đặt ở thế đất cao để làm nơi tránh lũ cho bà con trong cụm dân cư. Ngoài ra còn có trồng rừng phòng hộ, nạo vét lòng sông, mở rộng khẩu độ thoát lũ, nâng cao đê sông… Tổng hợp, các nhà khoa học đã có các nghiên cứu đóng góp vào Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai lũ lụt, trong đó miền Trung cần tập trung vào giải pháp phi công trình. Gồm có trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn; quy hoạch mùa vụ sản xuất và giống cây trồng trong vùng nhằm né lũ chính vụ; xây dựng phương án dự báo, cảnh báo lũ và bản đồ cảnh báo ngập lụt và cuối cùng là quy hoạch phát triển kinh tế như các khu công nghiệp, khu dân cư, kinh tế tập trung đồng thời phải gắn với các phương án phòng tránh lũ bão.
Như nhận định của các nhà khoa học, lũ chính vụ tràn khắp đồng bằng ở miền Trung là không thể tránh được. Các biện pháp đê điều hay ngăn chặn lũ đều quá tốn kém và không khả thi. Chỉ còn cách né. Và do đặc thù lũ lên nhanh nhưng thoát nhanh, chưa bao giờ ngập quá một tuần nên nếu chuẩn bị tốt thì sẽ giảm rất nhiều thiệt hại.
Hàng chục năm đã qua, đã luôn luôn biết những tháng này là tháng lũ ở miền Trung, đã luôn luôn biết mưa to là nước lũ sẽ lên nhanh. Thế nhưng những ngày này người dân miền Trung vẫn phải chìa tay nhận gói mì tôm bẻ nhai ngay khi chân vẫn ngập trong dòng lũ, vẫn điệp khúc mất sạch lương thực đồ dùng và bị lũ giam hãm cô lập, vẫn khóc mếu máo và tang thương. Nhưng, sang năm rồi sẽ lại có lũ tiếp, lại trôi tiếp, mất tiếp, khóc tiếp, cứu trợ tiếp, làm thơ làm văn làm nhạc làm họa tiếp, và ra chính sách tiếp….
Người dân Việt Nam chống chọi một năm COVID-19 đổ thóc giống ra nhai, nhưng dường như vẫn dai sức lắm. Một ca sĩ Thủy Tiên hô một phát có ngay 40 tỷ đồng để ra Huế cứu trợ. Vô số các cá nhân và tổ chức từ thiện tự phát cũng như chính thức khác đều đang quyên góp tiền bạc để cứu trợ miền Trung. Tình thương dường như chưa bao giờ cạn kiệt ở đất nước này.
Nhưng tại sao? Tại sao cái vòng quanh quẩn cả trăm năm mịt mùng như thế vẫn cứ lặp đi lặp lại mỗi năm?
Hay tại vì chúng ta sẵn có lòng thương quá, và sẵn mặc định đó là việc của xã hội quá nên đã quên nhìn lại sự hiệu quả của các chính sách nhà nước, của Chiến lược quốc gia phòng chống thiên tai?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Điểm tin trong nước sáng 18/10:
Lở núi, 6 người trong gia đình bị vùi lấp; Cụ ông
80 tuổi đi phát đồ ăn cho dân thì bị cuốn trôi
Mục lục bài viết
Lở núi, 6 người trong một gia đình bị vùi lấp
Cụ ông 80 tuổi đi phát đồ ăn cho dân thì bị cuốn trôi
Nổ mìn phá đá, mở đường vào Rào Trăng 3
Lũ ở Quảng Trị lên cao lịch sử trong đêm
Mục Điểm tin trong nước sáng chủ Nhật (17/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Lở núi, 6 người trong một gia đình bị vùi lấp
Tối 17/10, ông Lê Quang Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), cho biết vừa xảy ra vụ sạt lở đất khiến 2 người chết, 4 người mất tích.
Vụ sạt lở xảy ra ở thôn Tà Rùng, xã Húc, đất đá vùi lấp 6 người trong gia đình ông Hồ Văn Phơi.
Nhận tin báo, lực lượng cứu hộ có mặt và tìm thấy thi thể 2 mẹ con, 4 người khác vẫn đang bị đất đá vùi lấp.
Cụ ông 80 tuổi đi phát đồ ăn cho dân thì bị cuốn trôi
Cùng con trai đi trao quà cứu trợ cho người dân trong thôn, ông Nguyễn Hữu Thuyết, 80 tuổi, bị lũ cuốn trôi, chiều 17/10.
Khoảng 16h, ông Nguyễn Hữu Thuyết ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền, cùng con trai Nguyễn Hữu Sĩ, 40 tuổi, chèo thuyền mang quà đi trao cho người trong thôn.
Nước lũ đổ về nhanh, chiếc ghe bất ngờ bị lật, hai cha con bị cuốn trôi. Anh Sĩ may mắn được một một người dân cứu. Ông Thuyết bị lũ cuốn đang mất tích.
Nằm ở hạ nguồn sông Ô Lâu, Phong Bình là xã ngập sâu nhất của huyện Phong Điền. Từ ngày 8/10 đến nay, hơn 2.100 hộ dân sống cảnh nhà ngập, thiếu gạo nấu ăn. Hơn một tuần qua, nhiều người dân nơi đây ăn mì tôm cầm cự.
Lãnh đạo xã Phong Bình cho biết, anh Sĩ nghe người dân trong thôn bị lũ ngập nhiều ngày nên từ Hà Nội mang quà vào trao. Hai cha con tự đi trao quà, không thông báo cho chính quyền địa phương.
Nổ mìn phá đá, mở đường vào Rào Trăng 3
Chiều 17/10, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hôm nay lực lượng chức năng vẫn còn cách thủy điện Rào Trăng 4 khoảng một km. Từ Rào Trăng 4 phải đi thêm 10 km mới tới Rào Trăng 3, nơi 15 công nhân mất tích.
Hiện đường 71 nối từ tỉnh lộ 11B qua xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, đến các thủy điện có nhiều khối đá lớn án ngữ, cản trở xe cơ giới. “Chỉ có nổ mìn mới phá được chúng, từ đó xe cơ giới mới vào được”, ông Thọ nói.
Lũ ở Quảng Trị lên cao lịch sử trong đêm
Rạng sáng 18/10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia phát đi bản tin thông báo lũ khẩn cấp trên sông ở Quảng Bình và Quảng Trị.
Theo ông Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, mực nước trên sông ở hai khu vực này lên nhanh trong đêm. Lúc 1h, lũ trên sông Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình) đạt 3,49m, trên báo động 3 là 0,79m.
Trên sông Thạch Hãn, mực lũ đã lên đến 7,39m, trên báo động 3 là 1,39m. Ông Long cho biết đỉnh lũ này cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,1m.
Chuyên gia cảnh báo lũ trên sông Thạch Hãn có thể đạt đỉnh mới là 7,6m, sau đó xuống dần. Tại sông Hiếu (huyện Đông Hà, Quảng Trị), lũ khả năng đạt đỉnh ở mức 5,5m, trên báo động 3 là 1,5m.
Sau đó, lũ trên sông Ngàn Sâu và các sông ở Quảng Bình tiếp tục lên, các sông từ Quảng Trị đến Quảng Nam xuống dần.
Điểm tin trong nước tối 18/10:
Tìm thấy 14 thi thể bị vùi lấp ở Quảng Trị
Hiểu Minh
Mục lục bài viết
Tìm thấy 14 thi thể bị vùi lấp ở Quảng Trị
Mưa lớn, Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Lũ miền Trung vượt mốc lịch sử, nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4
Thủ tướng Nhật Bản đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
Mục Điểm tin trong nước tối chủ Nhật (17/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Tìm thấy 14 thi thể bị vùi lấp ở Quảng Trị
Đến chiều tối 18/10, lực lượng chức năng tìm thấy tổng 14 thi thể trong số 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337 (Quân khu IV) bị núi lở vùi lấp ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vào rạng sáng 18/10.
Lúc 18h, trời tối, mưa to ở hiện trường. Lực lượng chức năng bật đèn sáng trưng để xe múc và bộ đội khẩn trương tìm kiếm nạn nhân. Thỉnh thoảng, tiếng kẻng cảnh báo sạt lở vang lên, dòng người cứu hộ nhanh chóng sơ tán ra bên ngoài, chờ an toàn quay lại tiếp tục đào bới.
Lúc 17h, nhà chức trách tìm thấy 14 thi thể, xác định danh tính 12 người. Bên trong khu vực sạt núi, máy múc hoạt động hết công suất với sự tăng cường của chó nghiệp vụ. Trời vẫn mưa to.
Mưa lớn, Hà Tĩnh ban hành công điện khẩn sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm
Theo tin của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, những ngày qua, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường mạnh, từ ngày 18 đến 21/10, khu vực Hà Tĩnh dự báo tiếp tục có mưa to đến rất to tổng lượng mưa phổ biến 400-600mm, có nơi trên 700mm. Lũ trên các sông Hà Tĩnh có khả năng lên trên mức báo động 3 (BĐ3), nguy cơ cao xảy ra lũ đặc biệt lớn, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt sâu kéo dài.
Trước diễn biến khó lường của mưa lũ ngày 18-10, Chủ tịch tỉnh Trần Tiến Hưng, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hà Tĩnh, có văn bản yêu cầu Chủ tịch các huyện, TP, thị xã huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tổ chức sơ tán ngay các hộ dân ở các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu.
Lũ miền Trung vượt mốc lịch sử, nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp 4
Theo thông tin từ cơ quan dự báo thời tiết Việt Nam ngày 18/10, do mưa lớn, lũ đặc biệt lớn đã xảy ra trên các sông tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Đỉnh lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) sông Hiếu, sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đều ở mức tương đương và cao hơn lũ lịch sử.
Dự báo từ nay đến ngày 20/10, ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to, có nơi đặc biệt to với lượng mưa từ 400-600mm; ở Nghệ An 100-200mm, riêng phía Nam có nơi trên 300mm.
Chính vì điều này mà trong cuộc họp bàn các phương án ứng phó với mưa lũ miền Trung sáng nay, giới chức Việt Nam đã nâng cảnh báo rủi ro thiên tai lên cấp độ 4.
Tính từ 6/10 đến sáng 18/10, bão cùng mưa lũ đã khiến 68 người chết và 21 người mất tích. Chịu thiệt hại nặng về người nhất là ở 3 tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Trị.
Thủ tướng Nhật Bản đến Hà Nội, bắt đầu thăm chính thức Việt Nam
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và phu nhân đáp xuống sân bay Nội Bài vào lúc 17h50 ngày 18/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài hai ngày.
Ngoài ra, thủ tướng Nhật Bản có buổi gặp gỡ, nói chuyện với sinh viên Đại học Việt – Nhật ở Hà Nội vào chiều 19/10. Dự kiến, ông sẽ phát biểu về chính sách Đông Nam Á – cũng là lần đầu tiên một thủ tướng Nhật có bài phát biểu chính sách như vậy tại Việt Nam. Điều này được cho là thể hiện Nhật Bản coi trọng Việt Nam trong việc triển khai chính sách đối ngoại với Đông Nam Á.
Theo Kyodo, chiều 18/10 trước khi lên máy bay đến Hà Nội, Thủ tướng Suga nói với các phóng viên tại sân bay Haneda, Nhật Bản: “Tôi muốn thể hiện quyết tâm đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực bằng việc hiện thực hóa tầm nhìn về Ấn Độ Dương – Thái Bình dương tự do và mở. Các nước ASEAN là đối tác cực kỳ quan trọng của chúng tôi trong nỗ lực đạt đến tầm nhìn (đó)”.
Việt Nam là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân thủ tướng Nhật Bản kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng 9. Ngày 20/10, ông sẽ rời Việt Nam để thăm chính thức Indonesia.
0 comments